Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 03/08/2019

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019 19:53 // ,

Tin khắp nơi – 03/08/2019

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ủng hộ

đặt phi đạn ở Châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Bảy nói rằng ông ủng hộ đặt các phi đạn tầm trung phóng từ mặt đất ở Châu Á tương đối sớm, một ngày sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt.
Phát biểu của ông Esper có thể sẽ khơi lên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang và có thể càng làm cho quan hệ với Trung Quốc thêm căng thẳng.
“Có, tôi muốn như vậy,” ông Esper nói, khi được hỏi liệu ông có đang cân nhắc đặt những phi đạn như vậy ở Châu Á hay không.
“Tôi muốn nó diễn ra trong những tháng tới … nhưng những việc thế này thường mất nhiều thời gian hơn mong đợi,” ông nói với các phóng viên tháp tùng đến Sydney khi được hỏi về thời biểu triển khai những phi đạn này.
Mỹ chính thức rời bỏ hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Nga vào ngày thứ Sáu sau khi xác định Moscow vi phạm hiệp ước, một cáo buộc mà Điện Kremlin bác bỏ.
Hôm thứ Sáu, các quan chức cao cấp của Mỹ nói rằng sẽ mất vài năm nữa mới triển khai loại vũ khí như vậy.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo từ nhiều năm qua rằng Mỹ đang gặp bất lợi khi Trung Quốc phát triển lực lượng tên lửa đất đối không ngày càng tinh vi mà Lầu Năm Góc không thể sánh được do hiệp ước của Mỹ với Nga.
Mỹ cho đến nay vẫn dựa vào các năng lực khác như một đối trọng với Trung Quốc, chẳng hạn như phi đạn bắn từ tàu hoặc máy bay của Mỹ. Nhưng những người ủng hộ việc Mỹ đặt phi đạn trên mặt đất nói đó là cách tốt nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các lực lượng phi đạn hùng hậu của họ đặt trên mặt đất.
“Tôi không thấy một cuộc đua vũ trang đang diễn ra, tôi thấy chúng tôi đang thực hiện các biện pháp chủ động để phát triển một năng lực mà chúng tôi cần cho cả chiến trường Châu Âu và chắc chắn chiến trường này,” ông Esper nói, nhắc đến khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Dù chưa có quyết định nào được đưa ra, nhưng trên lí thuyết, Mỹ có thể đặt các phi đạn dễ che giấu và cơ động trên đường ở những nơi như đảo Guam.
Ông Esper không nói ông đang cân nhắc đặt phi đạn ở đâu ở Châu Á, nhưng ông dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo cao cấp trong khu vực trong chuyến thăm Châu Á.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-my-ung-ho-dat-phi-dan-o-chau-a/5027629.html

Tổng thống Trump dọa tăng thuế xe hơi

trong đàm phán thương mại EU

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Sáu (2 tháng 8), Tổng thống Donald Trump chỉ trích  Liên minh châu Âu (EU) vì việc sử dụng các rào cản thương mại (trade barriers), đồng thời đe dọa áp đặt thuế nhập cảng đối với xe hơi châu Âu, nếu các cuộc đàm phán giữa hai bên không có tiến triển.
Tổng thống Trump đưa ra những bình luận trên ngay sau khi ký thỏa thuận xuất cảng thêm thịt bò Hoa Kỳ sang châu Âu. Sau đó, Tổng thống khiến mọi người giật mình, khi nói đùa rằng chính quyền đang xem xét mức thuế 25% đối với tất cả các xe Mercedes-Benz và BMW sắp nhập cảng. Tổng thống Trump cho rằng trong quá khứ, mức thuế xe hơi đã có thể thúc đẩy EU ký kết thỏa thuận mua thêm thịt bò. Nhưng hiện nay đây vẫn là một lựa chọn còn bỏ ngỏ.
Các viên chức EU cho biết họ rất muốn hợp tác với Hoa Kỳ để cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và kiềm chế hành vi của Trung Cộng trên thị trường thế giới, nhưng họ sẽ trả đũa nếu Washington tăng thuế xe hơi. Theo bà Sabine Weyand, Tổng giám đốc thương mại của Ủy ban châu Âu, Brussels sẽ không bị bắt nạt bởi mối đe dọa áp thuế xe hơi của Hoa Kỳ. EU xem đây là hành vi bất hợp pháp chiếu theo quy định của WTO.
Cuộc đàm phán giữa Brussels và Washington đã bắt đầu kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đồng ý giảm bớt căng thẳng thương mại vào năm ngoái, nhưng cuộc đàm phán không có tiến triển và các bên vẫn duy trì mâu thuẫn. Theo đó, Hoa Kỳ muốn đưa nông sản vào một thỏa thuận thương mại, nhưng theo EU, sự ủy thác từ các quốc gia thành viên không bao gồm các sản phẩm này. Theo ông Peter Beyer, điều phối viên của Đức chuyên trách các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, thỏa thuận mua thịt bò cho thấy hai bên có thể đạt được tiến bộ nếu cùng nhau hợp tác. Ông cũng kêu gọi các bên nỗ lực ký kết thỏa thuận thương mại rộng lớn hơn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-doa-tang-thue-xe-hoi-trong-dam-phan-thuong-mai-eu/

Trump: Biểu tình ở Hong Kong là ‘bạo loạn’,

Bắc Kinh sẽ tự giải quyết

Tổng thống Trump nói các cuộc biểu tình ở Hong Kong là các cuộc “bạo loạn” và “Hong Kong là một phần của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ tự giải quyết lấy, theo Reuters.
Trả lời phóng viên hôm thứ Năm, 1/8, về việc liệu ông có quan ngại về những tin tức cho thấy Trung Quốc có thể can thiệp tình hình ở Hong Kong, ông Trump nói:
“Thành phố này đã phải chịu tình trạng bạo động một thời gian dài.
“Hong Kong là một phần của Trung Quốc, họ sẽ phải tự giải quyết lấy,” ông Trump nói.
Việc ông Trump sử dụng ngôn từ của Bắc Kinh để gọi các cuộc biểu tình ở Hong Kong là các cuộc “bạo loạn” sẽ khiến các nhà nhà hoạt động tức giận, vốn đang yêu cầu chính quyền Hong Kong không dùng từ này để miêu tả các cuộc biểu tình, Reuters viết.
TQ lên án những ‘sự cố khủng khiếp’ ở Hong Kong
Sinh viên TQ đại lục ‘tấn công’ sinh viên Hong Kong ở Úc
Trung Quốc ‘vào cuộc’ giải quyết bất ổn ở Hong Kong
Nhà Trắng dặn ‘nhẹ nhàng’ với TQ về Hong Kong
Thêm vào đó hôm 31/7, tờ Wall Street Journal cho biết. chính quyền Trump đã dặn các quan chức phải duy trì một phản ứng ‘có chừng mực’ (measured) đối với các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hong Kong.
Lý do là lo ngại bất kỳ tuyên bố công khai nào ủng hộ người biểu tình sẽ làm hỏng nỗ lực có được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc,
“Có một chỉ thị rất rõ ràng từ trên xuống rằng chúng tôi cần phải ‘chừng mực’ về vấn đề Hong Kong,’ một quan chức cấp cao cho tờ Wall Street Journal (WSJ) biết.
Vị này nói chỉ dẫn này đến từ “cấp cao nhất” vì lo ngại rằng các cuộc đàm phán mong manh với Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi bất kỳ sự thể hiện công khai nào ủng hộ các cuộc biểu tình.
Mỹ và Trung Quốc đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại hôm 31/7, với việc Trung Quốc đồng ý tăng cường mua các mặt hàng xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ, một yêu cầu chính của Washington.
Cả hai bên cho biết các cuộc đàm phán là mang tính xây dựng và cho biết vòng tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng Chín.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trump có động thái giảm nhẹ lập trường đối với Bắc Kinh, vẫn theo WSJ.
Phó Tổng thống ‘hủy bài chỉ trích TQ vô thời hạn’
Hồi tháng 6, Phó Tổng thống Mike Pence đã phải hủy “vô thời hạn” một bài phát biểu chỉ trích vấn đề vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, trước thời điểm Tổng thống Trump dự kiến có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20.
Tác giả Vivian Salama của WSJ nhận định, các hành động này phản ánh các động thái chính sách đối ngoại của chính quyền Washington “vốn ưu tiên bảo vệ lợi ích của ông Trump trong việc bảo đảm các mối quan hệ mà ông Trump thấy có thể đạt được lợi ích kinh tế hoặc chính trị, và đôi khi đi ngược lại chính ý muốn của các đồng minh và thậm chí là các nhà lập pháp trong Đảng Cộng hòa của ông.”
Dự luật Hong Kong và cam kết với nền dân chủ
Hồi tháng 6, Thượng nghị sĩ Marco Rubio đảng Cộng hòa, Dân biểu Jim McGovern đảng Dân chủ và Dân biểu Chris Smith đảng Cộng hòa đã đề xuất một dự luật với tên gọi “Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong”.
Dự luật này nhằm tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với nền dân chủ, nhân quyền và pháp quyền tại thời điểm mà “các quyền tự do này và quyền tự trị của Hong Kong đang bị xói mòn”.
Hôm 1/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói các cuộc biểu tình ở Hong Kong là do Hoa Kỳ.
“Như các bạn biết rồi đấy, một cách nào đó, những cuộc biểu tình này là do Hoa Kỳ”
Ngoại trưởng Mike Pompeo buộc phải phản hồi.”Đây là những người Hong Kong yêu cầu chính phủ của họ lắng nghe họ. Vì vậy, nó luôn luôn đúng đắn khi các chính phủ lắng nghe người dân của họ,” ông nói.
Ông cũng gọi những lời cáo buộc Hoa Kỳ của Trung Quốc là “lố bịch”.
Theo WSJ, một trong những quan chức cấp cao cho biết Nhà Trắng mong muốn Trung Quốc tôn trọng các cam kết của mình với người dân Hong Kong, nhưng sẽ không lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào dân chủ.
Hồi tháng 6, khi Hong Kong nổ ra các cuộc biểu tình quy mô lớn. Tổng thống Trump đã nói đó là “cuộc tuần hành lớn nhất ông từng thấy,”
“Tôi không biết họ xuống đường làm gì. Tôi chắc chắn họ sẽ giải quyết được với Trung Quốc,” ông Trump nói với báo giới.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49202824

Mỹ áp đặt chế tài mới lên Nga về vụ đầu độc Skripal

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt một loạt chế tài khác lên Nga về vụ đầu độc một cựu điệp viên ở Anh, Nhà Trắng cho biết vào ngày thứ Sáu.
Hành động này diễn ra vài giờ trước khi hiệp ước kiểm soát vũ khí thời Chiến tranh Lạnh hết hiệu lực, sau khi Washington rút lui, cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước, điều mà Nga phủ nhận.
Washington đã áp đặt một loạt chế tài ban đầu vào năm ngoái lên Nga sau khi xác định rằng Moscow đã sử dụng một chất độc thần kinh để thủ tiêu một cựu điệp viên hai mang người Nga, Sergei Skripal, và con gái của ông, Yulia, ở Anh, điều mà Moscow phủ nhận.
“Sau loạt chế tài đầu tiên đáp lại nỗ lực ám sát của Nga nhắm vào một công dân bình thường ở Anh, Nga đã không cung cấp các bảo đảm theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ,” Hogan Gidley, phát ngôn viên Nhà Trắng nói.
“Vì thế chúng tôi áp đặt đợt chế tài thứ hai. Đây là một ví dụ khác cho thấy chúng tôi cứng rắn với Nga hơn các chính quyền trước đây.”
Ông Skripal, cựu đại tá tại cơ quan tình báo quân đội Nga, GRU, và con gái ông được tìm thấy đổ gục trên một băng ghế ở thành phố Salisbury, miền nam nước Anh hồi tháng 3 năm ngoái sau khi tiếp xúc chất độc thần kinh Novichok bôi lên cửa trước nhà ông.
Một người phụ nữ sống gần đó đã chết sau khi bạn trai của bà này tìm thấy chất độc trong một chai nước hoa bị vứt đi và mang về nhà.
Các nước Châu Âu và Mỹ đã trục xuất 100 nhà ngoại giao Nga sau vụ tấn công. London đã buộc tội khiếm diện hai người đàn ông Nga. Những người đàn ông xuất hiện trên truyền hình Nga nói rằng họ đến thăm Salisbury với tư cách là khách du lịch.
Nhà Trắng hôm thứ Sáu nói rằng Tổng thống Trump đã kí một sắc lệnh hành pháp, theo đó chính phủ Mỹ sẽ ngăn các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới cho các chính phủ chịu chế tài của Mỹ vì sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân được vay tiền
https://www.voatiengviet.com/a/my-ap-dat-che-tai-moi-len-nga-ve-vu-dau-doc-skripal/5027057.html

Dân biểu John Ratcliffe rút khỏi vị trí đề cử

chức Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia

Tin Washington DC – Tổng Thống Donald Trump vào thứ Sáu, 2 tháng 8, thông báo Dân Biểu Cộng Hòa John Ratcliffe đã rút lui khỏi vị trí đề cử cho chức giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia, sau khi đối mặt với nhiều chất vấn về năng lực của ông. Quyết định rút lui của ông Ratcliffe được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi tổng thống nói rằng giám đốc tình báo hiện tại, ông Dan Coast, sẽ rời đi vào giữa tháng 8, và ông Ratcliffe được đề cử để thay vào vị trí này. Trong bài đăng trên Twitter, ông Ratcliffe viết ông rất vinh dự được tổng thống đề cử làm người lãnh đạo cơ quan tình báo, và ông tin rằng ông có thể hoàn thành tốt trách nhiệm này. Tuy nhiên, ông Ratcliffe nói ông không muốn việc bổ nhiệm của ông trở thành một cuộc đấu đá chính trị và đảng phải, do đó, ông đã yêu cầu tổng thống đề cử một người khác. Ông Ratcliffe, dân biểu đại diện tiểu bang Texas, sẽ tiếp tục ở lại làm việc tại Quốc Hội. Lên tiếng về việc này, Tổng Thống Trump nói, Dân Biểu Ratcliffe đã bị đối xử một cách bất công bởi giới truyền thông cánh tả. Tổng thống nói rằng ông sẽ sớm đề cử một người khác để làm giám đốc cơ quan tình báo quốc gia. Trước đó, hãng truyền thông NBC từng đưa tin rằng, Tổng Thống Trump đang cố ngăn cản phó giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, bà Sue Gordon, trở thành quyền giám đốc sau khi ông Coast rời đi. Các viên chức tình báo nói rằng, Tổng Thống Trump không hài lòng với bà Gordon và dự định sẽ tự bổ nhiệm người khác làm quyền giám đốc. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/dan-bieu-john-ratcliffe-rut-khoi-vi-tri-de-cu-chuc-giam-doc-tinh-bao-quoc-gia/

Tòa án ngăn chặn quy định

giới hạn người tầm trú của tổng thống Trump

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Sáu (2 tháng 8), một quan tòa liên bang Hoa Kỳ đã ngăn chặn sáng kiến hạn chế đơn xin tỵ nạn do Tổng thống Trump đề nghị, với lý do chính phủ không thể từ chối những người di dân đã vượt biên bất hợp pháp.
Trước đó, một quan tòa liên bang cũng tạm thời ngăn chặn chính sách này. Tuy nhiên, phán quyết hôm thứ Sáu của quan tòa Randolph Moss ở Washington, D.C. có tác động mạnh mẽ hơn vì ông Moss cho rằng quy định của Tổng thống vi phạm luật di dân. Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành quy định trên vào tháng 11 năm 2018 nhằm giảm số lượng người di dân hợp pháp và bất hợp pháp đến Hoa Kỳ. Đây là đề tài quan trọng giúp Tổng thống Trump đắc cử vào năm 2016, và là một phần của cuộc tái tranh cử năm 2020.
Dù vậy, quy định này liên tiếp vấp phải nhiều thách thức pháp lý. Tại Washington, 19 người tầm trú từ Nicaragua, Honduras, El Salvador và Guatemala đã khởi kiện, vì quy định này vi phạm luật pháp Hoa Kỳ vốn cho phép người di dân nộp đơn xin tỵ nạn dù họ có nhập cảnh hợp pháp hay không.
Những người ủng hộ quyền di dân đã vui mừng trước phán quyết của quan tòa Moss. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ không trả lời tức thời yêu cầu bình luận.
Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện một số biện pháp hạn chế người tầm trú, cho rằng phần lớn các nguyên nhân tỵ nạn của di dân đều là giả dối. Vào tháng trước, một quan tòa liên bang ở San Francisco từng ngăn chặn chính quyền thực thi một quy định mới, yêu cầu những người di dân phải xin tỵ nạn ở một quốc gia thứ ba, nơi mà họ đi qua trên đường đến Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/toa-an-ngan-chan-quy-dinh-gioi-han-nguoi-tam-tru-cua-tong-thong-trump/

Đa số phe Dân chủ Hạ viện ủng hộ

bắt đầu luận tội Trump

Đa số nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ giờ ủng hộ khởi động các thủ tục luận tội chống lại Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump, sau khi một nhà lập pháp từ bang California hôm thứ Sáu trở thành nghị sĩ Dân chủ thứ 118 kêu gọi bắt đầu tiến trình này.
Phe Dân chủ nắm thế đa số với 235 thành viên trong Hạ viện. Hơn 20 người đã chính thức bày tỏ sự ủng hộ đối với một cuộc điều tra luận tội kể từ khi cựu Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller ra khai chứng vào ngày 24 tháng 7 về cuộc điều tra của ông nhắm vào ông Trump và sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016.
Nhưng tổng số 118 vẫn còn kém xa so với 218 người trong Hạ viện cần để phê chuẩn một nghị quyết luận tội và các cuộc thăm dò dư luận tiếp tục cho thấy cử tri chia rẽ sâu sắc về vấn đề này. Hạ viện hiện đang trong thời gian nghỉ hè và sẽ quay trở lại làm việc vào ngày 9 tháng 9.
Không có bình luận ngay tức thì từ các nhà lãnh đạo Dân chủ trong Hạ viện.
Việc phần lớn khối Dân chủ ủng hộ luận tội tổng thống có thể gây thêm áp lực lên Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người chống lại việc luận tội vì bà xem đây là một bước đi đầy rủi ro về mặt chính trị, trừ phi các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng mạnh mẽ cho thấy hành vi sai trái của ông Trump có thể thống nhất dư luận.
Nhưng một số nghị sĩ Dân chủ cho biết họ nghĩ kế sách thận trọng của bà Pelosi có phần chắc sẽ không thay đổi.
Những nghị sĩ Dân chủ phản đối luận tội nói rằng cách tốt nhất để loại bỏ ông Trump là đánh bại ông vào năm 2020 khi ông tái tranh cử tổng thống.
Trong báo cáo của mình, Công tố viên Đặc biệt Mueller mô tả chi tiết nhiều liên lạc giữa ban vận động tranh cử của ông Trump với Nga hồi năm 2016 và những nỗ lực của ông Trump cản trở cuộc điều tra.
Dù không kết luận rằng ông Trump đã phạm tội hoặc các phụ tá của ông âm mưu với Moscow, ông Mueller không giải tội cho ông Trump và nói Quốc hội có trách nhiệm thực hiện các bước tiếp theo.
https://www.voatiengviet.com/a/da-so-phe-dan-chu-ha-vien-ung-ho-bat-dau-luan-toi-trump/5027062.html

Khi thế giới phân chia

thành ‘internet ta, internet Tây’

Sally AdeeBBC Future
Năm 1648, Hòa ước Westfalen được ký kết, chấm dứt 30 năm chiến tranh trên toàn lãnh thổ châu Âu và mang lại chủ quyền cho các quốc gia.
Quyền của các nước trong việc kiểm soát và bảo vệ lãnh thổ của mình đã trở thành nền tảng cốt lõi của trật tự chính trị toàn cầu và kể từ đó tới nay, nguyên tắc này vẫn được duy trì.
Sẽ thế nào nếu internet ngừng hoạt động một ngày?
Có thể thoát khỏi Internet?
Nhận diện mạng bí mật Internet ở New York
Năm 2010, một phái đoàn của các quốc gia – trong đó có Syria và Nga – đã trình lên một cơ quan kín tiếng của Liên Hiệp Quốc một yêu cầu kỳ lạ: các nước này muốn Liên Hiệp Quốc ghi nhận nguyên tắc chủ quyền biên giới quốc gia đối với thế giới kỹ thuật số.
“Họ muốn các nước có quyền cấp tất cả địa chỉ internet ở từng nước theo quy tắc riêng của nước đó, theo cách giống như cấp mã quốc gia đối với số điện thoại vậy,” Hascall Sharp, nhà tư vấn chính sách internet độc lập, người khi đó là giám đốc chính sách công nghệ của hãng công nghệ khổng lồ Cisco, nói.
Sau một năm đàm phán, yêu cầu trên không đạt kết quả gì: việc tạo ra những đường biên giới trên mạng như vậy đồng nghĩa với cho phép các quốc gia kiểm soát chặt chẽ công dân nước họ, trái với tinh thần tự do, phi biên giới của mạng internet, vốn không chịu sự kiểm soát độc tài của bất kỳ chính phủ nào.
Gần một thập niên trôi qua, tinh thần phi biên giới đó dường như trở thành một ký ức kỳ quặc. Thế nhưng các nước không đạt nguyện vọng tại Liên Hiệp Quốc thì không hề có ý bỏ cuộc trong việc xây tường chắn trên không gian mạng – họ đã dành cả thập niên qua để tìm kiếm các biện pháp khả thi hơn nhằm hiện thực hoá ý định này.
Nga trên thực tế thậm chí đã tìm ra một cách mới để tạo nên bức tường biên giới kỹ thuật số. Vào tháng 4/2019, Nga thông qua hai dự luật theo đó xác lập các trình tự công nghệ và pháp lý để tách biệt mạng internet của riêng Nga ra khỏi mạng toàn cầu.
Đây là một trong số ngày càng nhiều những quốc gia cảm thấy họ đã chịu quá đủ đối với đường trục internet căn bản do phương Tây xây dựng và kiểm soát.
Tuy khó có thể nói rằng Nga là nước đầu tiên nỗ lực kiểm soát những thông tin nào được phép hay không được phép lọt vào lãnh thổ nước mình, nhưng cách làm của họ về căn bản là bắt nguồn từ các nỗ lực trước kia.
“Điều này khác,” Robert Morgus, nhà phân tích an ninh mạng cao cấp tại Quỹ New America, nói. “Tham vọng của Nga đi xa hơn nhiều so với bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ Bắc Hàn và Iran, trong việc tuyệt giao với mạng internet toàn cầu.”
Cách tiếp cận của Nga cho ta thấy một cái nhìn thoáng qua về chủ quyền quốc gia đối với internet trong tương lai.
Ngày nay, các nước theo đuổi thứ “chủ nghĩa lãnh thổ” trong không gian mạng không chỉ giới hạn trong các nước thường bị coi là độc tài. Mức độ theo đuổi ngày nay thì sâu xa hơn bao giờ hết.
Abkhazia, quốc gia vô hình thời hậu Liên Xô
Chiến tranh Lạnh: Cuộc đua vào tâm Trái Đất
Nước Mỹ sẽ thế nào nếu California ly khai?
5 điều cần biết khi bị chặn mạng
Dự án của các nước này được hỗ trợ rất nhiều bởi những tiến bộ trong công nghệ cũng như bởi nỗi lo sợ ngày càng tăng trên toàn cầu liên quan đến câu hỏi liệu mạng internet mở đã bao giờ là một ý tưởng tốt hay chưa.
Những phương pháp mới này không chỉ giúp các quốc gia nâng cao năng lực ‘bế quan toả cảng’, mà còn giúp cho các nước có cùng cách tư duy xây dựng cấu trúc mới, tạo ra một mạng internet hoạt động song song với mạng internet toàn cầu hiện nay.
Internet mở thì sao?
Có một số nước không hài lòng với việc liên minh phương Tây từ trước đến nay vẫn luôn nắm giữ quyền quản trị internet.
Các nước này không chỉ tư duy theo kiểu ‘thứ gì hễ được phương Tây tán thành ắt sẽ gây rắc rối cho mình’, mà còn muốn áp đặt kiểu tư duy đó vào việc xây dựng internet, một mạng lưới đặc biệt vốn được thiết kế nhằm đảm bảo rằng không ai có thể ngăn cản được việc trao đổi bất kỳ thông tin gì tới bất kỳ ai.
Khả năng trao đổi thông tin không bị kiểm soát diễn ra được là nhờ vào giao thức cơ bản mà phái đoàn năm 2010 cố muốn tìm cách khống chế: bộ giao thức TCP / IP cho phép thông tin được truyền tải hoàn toàn không phụ thuộc yếu tố địa lý của nơi gửi / nhận, hoặc nội dung được gửi / nhận.
Bộ giao thức này không quan tâm đến loại thông tin nào được gửi đi, thông tin đến từ quốc gia nào, hoặc luật pháp ở quốc gia tiếp nhận thông tin đó ra sao; tất cả những gì nó quan tâm là địa chỉ internet ở cuối mỗi giao dịch được gửi.
Đó là lý do tại sao TCP / IP sẽ chuyển các gói thông tin từ điểm A đến điểm B bằng bất kỳ cách nào có thể, thay vì gửi chúng qua các đường dẫn được xác định trước, là thứ dễ dàng bị chuyển hướng hoặc gián đoạn.
Rất dễ để phớt lờ đi sự phản đối áp dụng bộ giao thức này khi mà các chế độ độc tài phải đối mặt với phong trào dân chủ trên toàn cầu. Thế nhưng vấn đề ở đây là những gì phát sinh lại không chỉ ảnh hưởng đến các chế độ độc tài mà thôi.
Bất kỳ chính phủ nào cũng lo lắng về những thông tin độc hại, chẳng hạn như phần mềm gián điệp tiếp cận các hạng mục quân sự, kiểm soát năng lượng và dự trữ nguồn nước, hoặc tin giả làm tác động tới tâm lý cử tri.
“Nga và Trung Quốc chỉ nhanh chân hơn các nước khác trong việc hiểu được tác động tiềm ẩn mà luồng thông tin mở khổng lồ sẽ gây ra cho con người và việc ra quyết định của con người, đặc biệt là ở tầm mức chính trị,” ông Morgus nói.
Quan điểm của họ là công dân của một quốc gia cũng là một phần trong cơ sở hạ tầng quan trọng, giống như các nhà máy điện, và do đó cần được “bảo vệ” khỏi các thông tin độc hại – mà trong trường hợp này là tin giả thay vì virus.
Thế nhưng về bản chất thì đây không phải là để bảo vệ mà chủ yếu mà nhằm kiểm soát công dân, Lincoln Pigman, học giả người Nga tại Đại học Oxford và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Đối ngoại ở London, nói.
Internet có chủ quyền không phải là thứ internet riêng rẽ
Nga và Trung Quốc bắt đầu công khai nói về “mạng Internet có chủ quyền” vào khoảng năm 2011- 2012, là lúc “mùa đông biểu tình” kéo dài hai năm của Nga bắt đầu nổ ra, và cũng là lúc xảy ra các cuộc cách mạng dựa vào sức mạnh internet làm rung chuyển các chế độ độc tài toàn trị khác.
Tin chắc rằng những cuộc nổi dậy này là do phương Tây khuấy động, Nga đã tìm cách ngăn chặn những ảnh hưởng nhằm gây rối đến các công dân của họ – mà về bản chất là thiết lập các ‘chốt kiểm soát’ tại đường biên giới kỹ thuật số của Nga.
Nhưng chủ quyền trên internet không đơn giản như tự cắt đứt mình với mạng internet toàn cầu là xong.
Dù điều đó có vẻ trái ngược với lẽ thường, song để minh họa rằng đó chính là hành động tự mình chuốc lấy thất bại, người ta chỉ cần nhìn vào Bắc Hàn là rõ ngay.
Một sợi dây cáp duy nhất kết nối cả đất nước với phần còn lại của internet toàn cầu. Chỉ cần gạt công tắc một cái là quý vị có thể dễ dàng ngắt sự kết nối đó. Nhưng không mấy quốc gia tính đến việc triển khai một cơ sở hạ tầng tương tự – chỉ nhìn riêng từ khía cạnh phần cứng thì đó đã là điều hầu như bất khả thi.
“Tại các quốc gia có kết nối dày đặc và đa dạng với phần còn lại của mạng internet toàn cầu thì việc xác định được tất cả các điểm thông tin vào ra là không thể được,” Paul Barford, nhà khoa học máy tính tại Đại học Wisconsin, Madison nói. Ông cũng là người lên sơ đồ mạng lưới các đường ống và dây cáp để tải thông tin internet toàn cầu.
Ngay cả khi nước Nga bằng cách nào đó có đủ mọi thiết bị phần cứng để đáp ứng được thông tin vào, ra khỏi đất nước, thì điều đó cũng vẫn không thể đủ để chặn tất cả các cái chốt thông tin này, trừ khi họ vui vẻ chấp nhận là họ sẽ phải tách biệt khỏi nền kinh tế thế giới.
Internet hiện là một phần quan trọng của thương mại toàn cầu, và nước Nga không có cách nào tự ngắt kết nối với hệ thống này mà lại không làm tổn hại nền kinh tế của mình.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-49193903

Liên Hiệp Châu Âu chỉ định

một nữ ứng viên Bulgari để lãnh đạo IMF

Thanh Phương
Hôm qua, 03/08/2019, các chính phủ của Liên Hiệp Châu Âu đã chỉ định bà Kristalina Georgieva, người Bulgari, làm ứng viên của họ vào chức vụ tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF.
Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã buộc phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu sau khi ghi nhận là không một ứng viên nào có đủ sự ủng hộ cần thiết do bất đồng quá lớn giữa các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu tiến hành một thủ tục như vậy để chỉ định ứng viên vào chức tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Là một chính khách theo xu hướng bảo thủ, hiện là nhân vật lãnh đạo số hai của Ngân hàng Thế giới, bà Georgieva đã thu được nhiều phiếu nhất sau hai vòng bầu cử, cụ thể là được sự ủng hộ của 56% số quốc gia đại diện cho 57% dân số của Liên Hiệp Châu Âu.
Theo truyền thống, chức tổng giám đốc IMF bao giờ cũng do một người của châu Âu nắm giữ. Như vậy là trên nguyên tắc bà Georgieva sẽ thay thế lãnh đạo hiện nay của IMF là bà Christine Lagarde. Bà Lagarde vào mùa thu năm nay sẽ chuyển sang giữ chức chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Tuy nhiên, có một vấn đề sẽ gây cản trở cho việc bổ nhiệm bà Georgieva, bởi vì theo quy định của IMF, ứng viên vào chức vụ này không được quá 65 tuổi, thế mà nữ ứng viên người Bulgari sẽ ăn sinh nhật 66 tuổi ngày 13/08, trước khi các nước thành viên IMF bầu chọn tân tổng giám đốc ngày 04/10 tới.
Như vậy là các nước thành viên khác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải chấp nhận miễn áp dụng quy định về tuổi tác đối với ứng viên của Liên Hiệp Châu Âu. Theo một nguồn tin được AFP trích dẫn, bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dường như sẳn sàng ủng hộ ngoại lệ này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190803-lien-hiep-chau-au-chi-dinh-mot-nu-ung-vien-bulgari-de-lanh-dao-imf

Du khách đổ mạnh tới Anh

tranh thủ lúc đồng bảng yếu

Số lượng khách du lịch đến thăm Vương quốc Anh từ Trung Quốc đã tăng gần một phần năm vào mùa hè này, số liệu mới nhất cho thấy.
Công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys nói việc đặt vé máy bay mùa hè từ các thị trường đường dài cũng cao hơn 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dữ liệu ghi nhận việc đồng bảng Anh yếu đi đã gia tăng sức mua và chi tiêu của các du khách.
Đồng bảng Anh tuần này đã chạm mức thấp nhất trong vòng 31 tháng so với đồng USD trong bối cảnh có đồn đoán ngày càng gia tăng rằng nước Anh có thể rời EU mà không có thỏa thuận.
Sụt giảm giá trị của đồng bảng so với đồng Nhân dân tệ có nghĩa là khách du lịch Trung Quốc đến Anh thấy sức chi tiêu của họ tăng khoảng 5% trong ba tháng quaSarah Hewin, kinh tế gia trưởng tại Standard Chartered
Vì sao kinh tế Anh có vẻ tốt bất chấp lo lắng Brexit?
VN cần Anh tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Bảng Anh lên giá mức cao nhất hậu Brexit
David Tarsh, người phát ngôn của ForwardKeys nói : “Mùa hè này có khả năng chứng kiến số lượng khách du lịch Trung Quốc đến nước Anh cao nhất từ trước đến nay.”
Ông nói thêm rằng số lượng khách du lịch Ấn Độ dẫn đầu với 20%, tiếp theo là Nhật Bản là 10% và Mỹ là 5%.
Sarah Hewin, kinh tế gia trưởng về châu Âu và châu Mỹ tại Standard Chartered, nói đồng bảng Anh thấp có nghĩa là du khách sẽ cảm thấy có nhiều tiền hơn.
“Sụt giảm giá trị của đồng bảng so với đồng Nhân dân tệ có nghĩa là khách du lịch Trung Quốc đến Anh thấy sức chi tiêu của họ tăng khoảng 5% trong ba tháng qua.”
Điều này nhất quán với những gì Patricia Yates, giám đốc tại Visit Britain, một hãng xúc tiến du lịch của Anh quốc, chứng kiến trên thực địa.
“Nước Anh đang mang lại giá trị lớn có lợi cho du khách ngay bây giờ, điều này mang đến cho chúng tôi cơ hội quý giá bao gồm cả ở châu Âu, nơi chúng tôi đang thực hiện một chiến dịch để quảng bá du lịch đến Vương quốc Anh trong mùa hè.”
Du lịch tại chỗ cũng tăng
Với những ai lựa chọn du lịch tại chỗ (Staycation) với việc nghỉ tại Anh mà không đi đâu khác, thì khuynh hướng này cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp.
Văn phòng du lịch vùng ‘Welcome to Yorkshire’ cũng thấy rằng du lịch đang gia tăng mạnh trong vùng này.
Chúng tôi đã có công suất lên tới 87% trong năm nay, một mức đạt được sớm hơn nhiều so với những năm trướcDiane Hawes, hãng du lịch Cottage in the Dales
Giám đốc thương mại Peter Dodd nói: “Nhiều thành viên từ các nơi cho thuê chỗ ở của chúng tôi, đặc biệt là các khu nhà nghỉ miền quê, nhà nghỉ dưỡng ven rừng và các cơ sở tự phục vụ khác, cho chúng tôi biết dịch vụ du lịch đang bùng nổ với một số nơi đã được đặt trước cho đến tháng Mười.”
Một trong số đó là Diane Hawes, người điều hành các kỳ nghỉ cho công ty Cottage in the Dales, cho hay cơ sở này đang có một năm kỷ lục.
“Chúng tôi đã có công suất lên tới 87% trong năm nay, một mức đạt được sớm hơn nhiều so với những năm trước. Sự không chắc chắn của Brexit đang khiến mọi người chọn kỳ nghỉ tại chỗ, ở trong nước năm nay, đó là tin tốt cho chúng tôi.”
Nhưng khi nói đến du khách châu Âu, hãng Visit Britain cho biết có một số lo ngại về tác động mà tính không chắc chắn của Brexit đang tạo ra.
Thống kê du lịch mới nhất của ONS cho thấy con số các chuyến thăm từ châu Âu đến Anh quốc tương đối giữ bằng lặng từ tháng Một đến tháng Ba năm nay – chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hãng của Anh đang thực hiện một chiến dịch ở châu Âu để thuyết phục mọi người rằng Vương quốc Anh vẫn sẽ là một nơi tốt để ghé thăm sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp như ‘Cottage in the Dales’ lại cho hay họ đang chứng kiến sự gia tăng của du khách EU.
“Chúng tôi đang nhận được đặt chỗ lặp lại từ những người hâm mộ của cuộc đua Tour de Yorkshire đến đây từ trước, nhưng cũng nhận thấy sự quan tâm mới từ du khách ở Hà Lan và Đức, những người đang tận dụng cơ hội đồng bảng yếu hơn để đến Anh và thăm vùng đất tuyệt đẹp này của thế giới,” bà Diane Hawes nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49219645

« Người bay » Pháp nay có một đối thủ người Anh

Thanh Phương
Sau khi thất bại trong lần đầu tiên bay qua biển Manche, ngày mai, 04/08/2019, « người bay » Franky Zapata sẽ một lần nữa bay từ Pháp sang Anh trên chiếc « Flyboard » đã từng gây ấn tượng mạnh cho công chúng tại cuộc diễu binh mừng Quốc khánh Pháp 14/07.
Nhưng kể từ nay, Zapata không còn nắm “độc quyền” bay lượn nữa, mà có một đối thủ người Anh, Richard Browning, nguyên là lính Hải quân Hoàng gia, cũng đã chế tạo một thiết bị tương tự, mang tên « Jet Suit ».
Theo tờ Le Figaro, « Jet Suit » là một bộ quần áo dính liền, bao gồm 5 động cơ phản lực, gắn ở đầu hai cánh tay, giúp Browning bay lên ở độ cao khoảng 100 mét cách mặt đất. Nhưng các động cơ này rất nặng, có thể lên tới 70 kg.
Dĩ nhiên là với thiết bị như vậy, Browning không dám nghĩ đến chuyện bay qua biển Manche như Zapata, nhưng một video clip đăng trên mạng gần đây, cho thấy « người bay » Anh bay qua đoạn biển từ bờ biển miền Nam nước Anh đến đảo Wight, tháp tùng là một chiến hạm và một ca nô của Hải quân Hoàng gia Anh.
Hôm 25/07, « người bay » Pháp Franky Zapata đã « cất cánh » từ bãi biển Sangatte, vùng Pas – de – Calais, trên chiếc « Flyboard » với 42 lít nhiên liệu trong túi đeo lưng, để bay từ Pháp sang Anh qua biển Manche. Nhưng rất tiếc là giữa đường, khi đáp xuống tàu để được tiếp nhiên liệu trước khi bay tiếp, Zapata đã bị rơi xuống biển Manche.
Tuy thất vọng, nhưng cựu vô địch jet-ski người Marseille 40 tuổi không nản chí. Ngày mai (04/08), anh sẽ lại xuất phát từ bãi biển Sangatte để bay đến St Margaret’s Bay, bên phía nước Anh, ở độ cao 15-20 mét so với mực nước biển, trên chiếc Flyboard. Lần này, ê kíp của Zapata đã chọn một tàu lớn hơn để « người bay » đáp xuống dễ dàng hơn khi cần được tiếp nhiên liệu. Sau thất bại của lần đầu, Zapata phải nhìn nhận rằng khó khăn nhất trong cuộc vượt biển Manche đó là lúc đáp xuống tàu giữa biển.
http://vi.rfi.fr/khoa-hoc/20190803-%C2%AB-nguoi-bay-%C2%BB-phap-nay-co-mot-doi-thu-nguoi-anh

Nga : Đối lập

tiếp tục biểu tình đòi bầu cử tự do bất chấp áp lực

Hôm nay, 03/08/2019, đối lập Nga kêu gọi dân chúng xuống đường tại Mátxcơva đòi bầu cử tự do, bất chấp chính quyền liên tục đe dọa và gây áp lực. Chính quyền tìm mọi cách cản trở đối lập ra tranh cử bằng cách bắt giam lãnh đạo phong trào phản kháng, ứng viên độc lập hay bác bỏ hồ sơ ứng cử của họ với lý do giả mạo chữ ký người ủng hộ.
Thông tín viên Daniel Vallot tại Mátxcơva ghi nhận
Artiem Torchinksy là một trong số những người dân Mátxcơva bị Ủy Ban Bầu cử hủy xác nhận chữ ký. Ngày 1/07 vừa qua, doanh nhân 40 tuổi này đã ủng hộ Dmitri Goudkov, một trong những gương mặt đối lập, hiện đang bị bắt giam. Hai tuần sau, chữ ký ủng hộ của ông bị bác bỏ vì lý do giống chữ ký của một người khác. Artiem cho biết :
« Hãy xem, đây là danh sách mà tôi đã ký tên, còn đây là chữ ký của người khác. Người đó đã ký sau 4 ngày. Họ nói là vẫn cùng một người ký và thế là họ bác bỏ cả hai chữ ký. Bất kỳ một chuyên gia về chữ viết nào cũng có thể nói rằng đây là chữ ký của 2 người. »
Artiem Torchinsky nằm trong số hàng nghìn người bị Ủy Ban Bầu Cử bác bỏ chữ ký. Quyết định đó đã dẫn đến việc hủy tất cả các đơn ứng cử của đối lập. Artiem nói tiếp :
« Nếu đây là trường hợp cá biệt thì có thể nói là sai sót, nhưng chúng tôi có cả nghìn người như vậy. Như thế tức là họ nói chúng tôi không tồn tại, chữ ký của chúng tôi không tồn tại. Khi Nhà nước muốn tôi đóng thuế thì họ bảo chúng tôi tồn tại. Nhưng khi bầu cử thì không. Tôi rất phẫn nộ. »
Thứ Bảy này, Artiem sẽ đi biểu tình để lên án điều mà ông gọi là sự phủ nhận dân chủ. Ông sẽ đi biểu tình cho dù có thể bị bắt.
Ông giải thích thêm rằng : « Ở đất nước của chúng tôi, không thể trông cậy vào pháp chế được. Sức ép của đường phố là điều duy nhất làm chính quyền sợ ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190803-nga-doi-lap-tiep-tuc-bieu-tinh-doi-bau-cu-tu-do-bat-chap-ap-luc

Romania biểu tình

vì vụ thiếu nữ 15 tuổi bị bắt cóc, sát hại

Dư luận Romania đã hết sức phẫn nộ sau khi gia đình của một cô gái Rumani 15 tuổi công bố nội dung các cuộc gọi cô bé cầu xin cảnh sát giúp đỡ trong khi bị bắt cóc.
Alexandra Macesanu, người đã biến mất vào thứ Tư tuần trước ở phía Tây thủ đô Bucharest, đã gọi cảnh sát ba lần trong thời gian bị bắt cóc.
Vào thời điểm cuộc tìm kiếm bắt đầu 19 giờ sau đó, cô được cho là đã chết.
Nghi phạm Gheorghe Dinca, 65 tuổi, nói với cảnh sát rằng ông đã giết chết Alexandra.
Ông ta cũng thừa nhận giết một cô gái tuổi teen khác, Luiza Melencu, 18 tuổi, đã mất tích từ tháng Tư.
Cảnh sát tìm thấy xương trong quá trình khám xét nhà của ông Dinca nhưng vẫn chưa xác nhận liệu chúng có khớp với DNA của Alexandra hay Luiza hay không.
Vụ việc đã gây ra phẫn nộ, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ và kêu gọi sa thải cảnh sát trưởng Romania và các quan chức khác. Bộ trưởng nội vụ cũng đã từ chức, nói rằng bất cứ ai có lỗi trong việc trì hoãn phản ứng của cảnh sát cũng sẽ phải trả giá.
‘Người đốt lò’ Romania bắt nhiều quan hơn người đốt lò VN?
Mỹ: Án tù chung thân vì giết nữ sinh Trung Quốc
Hôm thứ Ba, chú của Alexandra, Alexandru Cumpanasu, đcông bố những gì ông nói là nội dung các cuộc gọi của cô.
“Xin hãy giữ máy, tôi thực sự sợ hãi”, cô nói trong cuộc gọi cuối cùng đến số khẩn cấp 112, theo nội dung cuộc gọi được đăng trên Facebook.
Đáp lại, viên cảnh sát nói với em rằng “không thể giữ máy” vì cô có những cuộc gọi khác, và đảm bảo với em rằng một chiếc xe cảnh sát “chắc chắn” sẽ đến trong vòng vài phút, theo như nội dung cuộc gọi.
BBC chưa thể xác minh độc lập tính xác thực của nội dung bản sao cuộc gọi, nhưng cũng đã liên hệ Bộ Nội vụ Romania để xin bình luận.
Tổng Thanh tra Cảnh sát Rumani nói với BBC rằng một cuộc điều tra về các cuộc gọi khẩn cấp đang được tiến hành.
Theo Reuters, một số hãng tin Romania đã phát đi những gì họ nói là các cuộc gọi cầu cứu bị rò rỉ.
Gia đình của Alexandra cáo buộc các quan chức đã không xem xét nghiêm túc các cuộc gọi. Giám đốc cảnh sát Romania, Ioan Buda bị cách chức và Bộ trưởng Nội vụ Nicolae Moga đã từ chức, nhưng giới chỉ trích đang yêu cầu nhiều hơn.
Hôm thứ Bảy, hàng ngàn người biểu tình đã diễu hành qua các con đường của Bucharest, hô vang “bất tài” và kêu gọi nhiều vụ sa thải của chính phủ.
Người biểu tình đồng thanh hô “từ chức” tại một cuộc biểu tình ở Romania vì thiếu niên mất tích Alexandra Macesanu
Vào cuối tuần, cảnh sát tìm thấy xác và đồ trang sức thuộc về Alexandra trong quá trình khám xét nhà của ông Dinca.
Luật sư của ông Dinca, Alexandru Bogdan, nói với hãng thông tấn quốc gia Romania Agerpres vào Chủ nhật rằng khách hàng của ông đã “thú nhận tội ác của mình”.
Chuyện gì đã xảy ra với Alexandra?
Alexandra đã biến mất vào thứ Tư tuần trước trong khi quá giang về nhà tại thành phố Caracal phía nam, cảnh sát cho biết.
Vào sáng thứ Năm, em đã gọi cho đường dây nóng 112 ba lần và nói rằng cô đã bị bắt cóc.
Nhà chức trách cho biết ban đầu họ phải vật lộn để theo dõi vị trí cuộc gọi của em và tìm kiếm ba tòa nhà trước khi xác định ngôi nhà vào lúc 03:00 hôm thứ Sáu.
Cảnh sát sau đó đã nộp đơn xin lệnh khám xét – mặc dù điều này không bắt buộc về mặt pháp lý – và đợi đến sáng để vào nhà.
Họ đã không tiến hành khám xét ngôi nhà cho tới 19 giờ sau cuộc gọi cuối cùng của Alexandra.
Cảnh sát cho biết họ nghi ngờ hài cốt được tìm thấy tại đây thuộc về các cô gái và đã gửi đi xét nghiệm.
Bản ghi âm cuộc gọi nói gì?
Alexandra đã thực hiện ba cuộc gọi đến 112 vào 25/7, từ 23:03 đến 23:12, theo bản ghi được chia sẻ bởi chú của em, ông Cumpanasu.
Trong cuộc gọi đầu tiên, Alexandra nói rằng cô đã bị một người đàn ông bắt cóc và đưa đi đâu đó ở Caracal. Khi không thể tìm ra em nơi đang bị giữ, cuộc gọi bị ngắt và phía tổng đài đã yêu cầu sự giúp đỡ từ một sĩ quan cảnh sát.
Vài phút sau, trong cuộc gọi thứ hai, Alexandra cố gắng cung cấp cho người điều hành thêm chi tiết về vụ bắt cóc em.
Cô nói với người điều hành rằng cô đang bị giam giữ trong một ngôi nhà, “bị nhốt trong phòng” và “chỉ có thể nhìn thấy một cánh cổng”. Giữa cuộc gọi thứ hai, một sĩ quan cảnh sát tiếp quản tổng đài.
Alexandra đọc một địa chỉ và cảnh sát bảo cô ở lại cho đến khi cảnh sát đến. “Xin hãy đến nhanh, tôi sợ ông ta, ông ta đã đánh tôi,” Alexandra nói, theo bản ghi.
Cuộc trò chuyện kết thúc và Alexandra thực hiện cuộc gọi thứ ba. “Làm ơn, các anh đã gửi ai đến chưa?” Alexandra bắt đầu cuộc gọi.
“Tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ quay lại và tôi sợ.”
Một sĩ quan, một lần nữa, đảm bảo với em rằng cảnh sát đã được gửi đến, bảo em hãy “thư giãn và bình tĩnh lại một chút”, trong khi em nức nở trên điện thoại.
Cả quốc gia đang theo dõi
Phân tích của Nick Thorpe, phóng viên Trung Âu BBC
Vụ án đau thương liên quan đến hai cô gái tuổi teen đang bóp ngẹt Romania. Hàng ngày, các tình tiết mới phủ kín các mặt báo.
Kết quả xét nghiệm DNA trên các mảnh xương và răng bị đốt được tìm thấy trong nhà của nghi phạm giết người sẽ được công bố vào thứ Sáu. Mặc dù nghi phạm, Gheorghe Dinca, 65 tuổi, đã thừa nhận giết cả hai bé gái, nhưng có những mâu thuẫn trong câu chuyện của ông về nơi ông vứt xác.
Câu chuyện đang ảnh hưởng đến chính trị quốc gia.
Ngay cả quyết định bất ngờ hôm thứ Hai của Tòa án Hiến pháp về việc đưa ra những thay đổi gần đây đối với bộ luật hình sự – được chính phủ lãnh đạo bởi đảng Dân chủ Xã hội – cũng được liên kết với vụ kiện. Một số nhà bình luận cho rằng bầu không khí hiện tại ở nước này ảnh hưởng đến quyết định của tòa án.
Chỉ ba tháng trước cuộc bầu cử, Thủ tướng Viorica Dancila đang đấu tranh để hạn chế thiệt hại cho chính phủ của mình.
“Romania phải sửa chữa những gì có thể sửa chữa và thay thế những gì có thể thay thế, để làm cho [các tổ chức nhà nước] hoạt động càng sớm càng tốt, theo cách họ nên vận hành nhưng đã không may thất bại”, bà nói hôm thứ Năm.
Người Romania vẫn nhớ vụ việc chính phủ Dân chủ Xã hội trước đó đã buộc phải từ chức vào tháng 11, 2015, vì một loạt các thất bại, dẫn đến cái chết của 65 thanh niên trong vụ cháy hộp đêm ở Bucharest.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49148367

Hồng Kông : Bất chấp trấn áp,

người dân tiếp tục biểu tình

Thu Hằng
Chính quyền Hồng Kông phải đối mặt với hai ngày cuối tuần đầy căng thẳng do phong trào phản đối ngày càng lan rộng. Ngay tối thứ Sáu 02/08/2019, lần đầu tiên, khoảng 40.000 nhân viên ngành y tế đã tuần hành ở khu tài chính Hồng Kông để lên án bạo lực cảnh sát. Nhiều cuộc tuần hành khác dự kiến diễn ra trong hai ngày cuối tuần 03 và 04/08.
Cuộc tuần hành đầu tiên diễn ra chiều 03/08 tại khu thương mại sầm uất Mongkok, từng là nơi đối đầu giữa cảnh sát và sinh viên biểu tình đòi dân chủ năm 2014. Hai cuộc tuần hành khác dự kiến diễn ra vào Chủ Nhật 04/08, trên đảo Hồng Kông và khu vực Tướng Quân Áo (Tseung Kwan O). Một cuộc tổng đình công được dự kiến diễn ra thứ Hai 05/08 cùng với nhiều cuộc tập hợp ở 7 địa phương.
Đặc phái viên RFI Liu Zhifan, có mặt trong đoàn tuần hành ở Mongkok:
Các nhà tổ chức cuối cùng cũng được phép tổ chức tuần hành ở Mongkok, một khu phố thương mại rất sầm uất và có nhiều phố nhỏ. Cuộc tuần hành không được phép kéo dài quá 30 phút.
Ban tổ chức hy vọng có khoảng 3.000 người tham gia dù trời đang mưa tầm tã ở trung tâm thể thao, nơi xuất phát cuộc tuần hành.
Trước đó, một số người lên phát biểu để nêu rõ những yêu cầu của người biểu tình, như phải rút hẳn dự luật dẫn độ sang Hoa lục, thành lập một ủy ban điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát.
Cuộc tuần hành hôm nay (03/08) là bước tiếp của cuộc tuần hành tối thứ Sáu 02/08 của giới công chức với hơn 40.000 người tham gia.
Người dân Hồng Kông muốn chứng minh cho chính phủ rằng trong hoàn cảnh khó khăn họ vẫn đoàn kết. Chính vì vậy, chiều nay (03/08), họ lại tiếp tục xuống đường.
Theo đặc phái viên Liu Zhifan, nhân viên ngành y tế muốn lên án cảnh sát lạm quyền và vi phạm đời tư của bệnh nhân. Trả lời phóng viên của RFI, bác sĩ Tony Hung, chuyên khoa X quang, lo ngại việc cảnh sát tự tiện vào bệnh viện truy tìm bệnh nhân bị tình nghi tham gia biểu tình, cũng như tình trạng quá tải ở các bệnh viện sau các cuộc trấn áp của cảnh sát.
Ngoài bạo lực cảnh sát, mafia Hồng Kông cũng được huy động hành hung người biểu tình. Vào cuối tuần trước, Reuters tiết lộ một quan chức Hồng Kông thuộc Phòng Liên lạc Bắc Kinh đã xúi giục người dân ở một vùng ngoại ô tấn công người biểu tình.
Vài ngày sau, hàng trăm người cầm gậy đánh đập người biểu tình và phóng viên ở ga tầu điện Nguyên Lãng (Yuen Long) hôm 21/07. Tuy nhiên, trước sức ép của Bắc Kinh, nhà cung cấp thông tin tài chính Refinitiv đã phải rút bản tin của hãng tin Anh phát hành tại Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190803-hong-kong-bat-chap-tran-ap-nguoi-dan-tiep-tuc-bieu-tinh

Thương chiến Mỹ – Trung:

Trung Quốc sẵn sàng “nghênh chiến”

Trung Quốc hôm thứ Sáu tuyên bố sẽ đấu tranh chống lại Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, quyết định đột ngột giảm 10% thuế quan đối với hàng nhập khẩu 300 tỷ USD còn lại của Trung Quốc, một động thái chấm dứt thỏa thuận thương mại kéo dài một tháng, theo hãng tin Reuters hôm 03/8/2019.
Tân đại sứ của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, Zhang Jun, nói Bắc Kinh sẽ thực hiện các biện pháp đối phó cần thiết, để bảo vệ quyền lợi của mình và mô tả thẳng thừng rằng hành động của ông Trump là một hành động phi lý, vô trách nhiệm.
“Quan điểm của Trung Quốc rất rõ ràng rằng nếu Mỹ muốn đàm, thì chúng tôi sẽ đàm, nếu họ muốn chiến, thì chúng tôi sẽ chiến,” nhà ngoại giao của Trung Quốc nói với các phóng viên ở New York, cũng báo hiệu rằng căng thẳng thương mại có thể làm tổn thương sự hợp tác giữa hai nước trong hồ sơ với Bắc Hàn.
Trump tuyên bố áp thuế lên thêm 300 tỷ đôla hàng TQ
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
Trên những vấn đề chính có tính nguyên tắc, chúng tôi sẽ không nhượng bộ một liHoa Xuân Oánh, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Mỹ áp thuế hơn 400% lên thép nhập khẩu từ VN
Việt Nam mua hàng Mỹ sau khi ‘bị Trump dọa’?
Tổng thống Trump nói Trung Quốc còn phải làm rất nhiều để xoay chuyển mọi thứ trong các cuộc đàm phán thương mại và ông lặp lại một mối đe dọa trước đó là Mỹ sẽ tăng thuế quan đáng kể nếu Trung Quốc không làm như vậy.
“Chúng ta không thể qua loa rồi làm một thỏa thuận bình đẳng với Trung Quốc. Chúng tôi phải hành động và thực hiện một thỏa thuận tốt hơn với họ,” ông Trump Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ đã làm choáng váng thị trường tài chính hôm thứ Năm, 01/8, khi nói rằng ông có kế hoạch đánh thuế bổ sung bắt đầu từ ngày 01/9, đánh dấu một kết thúc bất ngờ cho một thỏa thuận ngừng chiến trong cuộc thương chiến kéo dài một năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới mà đã làm chậm lại tăng trưởng toàn cầu và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu, Reuters bình luận.
Hôm thứ Sáu, 02/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc đang kiên định lập trường của mình trong cuộc tranh cãi thuế quan kéo dài 13 tháng với Hoa Kỳ, hãng tin Anh tường trình.
“Chúng tôi không chấp nhận bất cứ áp lực, đe dọa, hăm dọa tối đa nào,” người phát ngôn này nói trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh.
“Trên những vấn đề chính có tính nguyên tắc, chúng tôi sẽ không nhượng bộ một li,” bà cho hay và nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ sẽ “từ bỏ ảo tưởng của mình” và quay trở lại đàm phán dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng tương liên.
Theo các nhà phân tích, các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có thể bao gồm thuế quan, cấm xuất khẩu đất hiếm được sử dụng trong mọi thứ, từ thiết bị quân sự đến điện tử tiêu dùng và hình phạt đối với các công ty Mỹ ở Trung Quốc.
Trump cũng đe dọa sẽ tăng thêm thuế quan nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không hành động chuyển biến nhanh hơn để đạt được thỏa thuận thương mại.
Các mức thuế 10%, mà ông Trump công bố trong một loạt thông điệp trên trang Twitter sau khi ông được các nhà đàm phán thương mại hàng đầu của phía Mỹ báo cáo về sự “thiếu tiến bộ” trong các cuộc đàm phán tại Thượng Hải tuần này, sẽ mở rộng thuế quan đối với gần như tất cả mọi hàng hóa Trung Quốc mà Hoa Kỳ nhập khẩu.
Các phản ứng cho đến nay
Trump – Tập gặp gỡ, thương chiến và G20 ở Osaka
Áp lực với Trung Quốc và ông Tập trước hội nghị G20
Diễn đàn cấp cao “Vành đai & Con đường” II tại Bắc Kinh
Nhân dân tệ được lưu hành ở VN và thương chiến Mỹ – Trung
Động thái mới từ Tổng thống Trump đã làm rung chuyển thị trường tài chính khi Washington và Bắc Kinh mô tả các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này là mang tính xây dựng và lên kế hoạch cho một vòng đàm phán khác vào tháng Chín, theo phóng viên của BBC News từ bắc Mỹ và châu Á.
Tại Phố Wall, chỉ số cổ phiếu Dow Jones giảm mạnh, trượt khoảng 1% và thị trường châu Á giảm trong giao dịch sớm. Giá dầu sụt giảm.
Tổng thống không hài lòng với tiến trình của thỏa thuận thương mạiLarry Kudlow, cố vấn kinh tế Nhà Trắng
Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đại diện cho hơn ba triệu công ty Mỹ, cho biết mức thuế mới nhất đối với Trung Quốc “sẽ chỉ gây ra nỗi đau lớn hơn cho các doanh nghiệp, nông dân, công nhân và người tiêu dùng Mỹ, và làm suy yếu nền kinh tế Mỹ “.
Cơ quan này kêu gọi hai bên gỡ bỏ tất cả thuế quan.
Vòng thuế quan mới nhất diễn ra trong bối cảnh lo ngại rằng chiến lược của ông Trump đang chứng tỏ phản tác dụng và gây hại cho Mỹ nhiều hơn Trung Quốc.
Hôm thứ Năm, 01/8, cựu cố vấn kinh tế của ông Trump, Gary Cohn, nói trong một cuộc phỏng vấn của BBC rằng cuộc chiến thuế quan đang có “tác động mạnh mẽ” đến sản xuất và vốn đầu tư của Mỹ.
Căng thẳng cũng đã ảnh hưởng đến ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lần đầu tiên cắt giảm lãi suất vào hôm 1/8 trong một thập kỷ.
Lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng công việc của định chế này không phải là chỉ trích chính sách thương mại của Mỹ, nhưng nói thêm rằng căng thẳng thương mại đã “gần như tột đỉnh” trong tháng Năm và tháng Sáu.
Tác động tới người tiêu dùng
Còn theo Reuters, cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng tác động đối với người tiêu dùng từ các mức thuế mới nhất sẽ là tối thiểu, mặc dù danh sách mục tiêu trị giá 300 tỷ USD bao gồm gần như tất cả các mặt hàng tiêu dùng, từ điện thoại di động và máy tính xách tay đến đồ chơi và giày dép.
“Tổng thống không hài lòng với tiến trình của thỏa thuận thương mại,” ông Kudlow nói với Fox Business Network.
Cổ phiếu của hãng Apple Inc (AAPL.O) đã giảm hơn 2% sau khi giảm tương tự vào thứ Năm, 01/8, vì lo ngại về thuế quan đối với các sản phẩm cốt lõi của hãng này. Các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ Bank of America Merrill Lynch hôm thứ Sáu nói rằng thuế quan có thể làm giảm thu nhập khổng lồ của công nghệ từ 50 đến 75 xu (cent) trên một cổ phiếu, với phần lớn là từ thuế đối với iPhone.
Cho đến nay, Bắc Kinh đã kiềm chế việc áp thuế đối với dầu thô và máy bay lớn của Hoa Kỳ, sau khi áp dụng thuế quan trả đũa bổ sung lên tới 25% đối với khoảng 110 tỷ đô la hàng hóa của Mỹ kể từ khi chiến tranh thương mại nổ ra năm ngoái.
Chiến lược của Trung Quốc trong cuộc leo thang chiến tranh thương mại này sẽ làm chậm tốc độ đàm phán và trả đũa ăn miếng trả miếng. Điều này có thể kéo dài quá trình trả đũa cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11/2020Iris Pang, nhà kinh tế thuộc ING
Trung Quốc cũng đang soạn thảo một danh sách các “thực thể không đáng tin cậy” – các công ty nước ngoài đã làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Công ty giao hàng khổng lồ FedEx (FDX.N) của Hoa Kỳ đang bị Trung Quốc điều tra.
“Trung Quốc sẽ đưa ra từng trả đũa một cách có phương pháp, và cố tình, có dụng ‎ý, từng trường hợp một,” theo Iris Pang, một kinh tế gia của ING.
“Chúng tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc trong cuộc leo thang chiến tranh thương mại này sẽ làm chậm tốc độ đàm phán và trả đũa ăn miếng trả miếng. Điều này có thể kéo dài quá trình trả đũa cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra vào tháng 11/2020,” nhà kinh tế này nói.
Các mức thuế cũng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) cắt giảm lãi suất trở lại để bảo vệ nền kinh tế Hoa Kỳ khỏi rủi ro chính sách thương mại, theo giới chuyên gia.
Fed đã nhận được một tín hiệu khả dĩ khác về việc cắt giảm lãi suất lần thứ hai vào tháng tới từ dữ liệu việc làm tháng 7 của Hoa Kỳ vào hôm thứ Sáu, 02/8, thông tin cho thấy sự chậm lại trong việc tuyển dụng và có ít số giờ làm việc hơn cho nhân công trong ngành chế tạo, sản xuất.
Nhưng dữ liệu mới cũng cho thấy thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ đã giảm 0,3% trong tháng 6/2019 xuống còn 55,2 tỷ USD trong một dấu hiệu cho thấy các chính sách thuế quan của ông Trump đang hạn chế các dòng đối lưu thương mại. Thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc đã giảm 0,8% xuống còn 30 tỷ USD với nhập khẩu của Trung Quốc giảm 0,7% và xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc không thay đổi.
Đại diện thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đã thông báo với Tổng thống Trump vào đầu tuần này về cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên với các quan chức Trung Quốc kể từ khi ông Trump gặp ông Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019, với hai bên đồng ý “đình chiến” trong cuộc chiến thương mại đã kéo dài trên một năm qua.
Các cuộc đàm phán trước đó đã sụp đổ vào tháng Năm, khi các quan chức Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc không giữ các cam kết trước đó, hãng tin Anh cho hay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49219640

Nền kinh tế TQ ra sao khi thương chiến với Mỹ?

Sự nguy hiểm của thương chiến nằm ở chỗ, những nguy cơ của nó có thể làm phân tâm các nhà hoạch định chính sách khỏi việc cải cách cơ cấu kinh tế.
Cuộc thương chiến Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động năm 2018 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc “bầm dập”. Lần đầu tiên từ năm 2010, chỉ số tăng trưởng sản phẩm quốc nội của đất nước tỷ dân có dấu hiệu giảm. Gạt vấn đề thương chiến sang một bên, mối nguy hiểm thực sự nằm ở những điểm yếu trong cấu trúc kinh tế Trung Quốc, vốn đã tồn tại trong suốt mấy chục năm qua
Thương chiến Mỹ-Trung đã vượt ra khỏi lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, đồng thời cũng làm phức tạp nhiều vấn đề, khi tác động của nó đã đột nhiên phá vỡ những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền Bắc Kinh, nhằm giải quyết những vấn đề trong cấu trúc kinh tế.
Thậm chí trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, giới lãnh đạo Bắc Kinh đã từng tuyên bố rằng, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc là “bất ổn, không cân bằng, không có sự phối hợp và thiếu bền vững”. Trung Quốc đã nhận ra rằng, nước này đã bị cuốn vào vòng luẩn quẩn khi ngày càng phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản, và điều này đã làm nảy sinh ra nhiều vấn đề nghiêm trọng về cơ cấu.
Có ba vấn đề chính ở đây. Thứ nhất là mức nợ cao nằm ở chính quyền địa phương. Được thúc đẩy bởi những ưu đãi tăng trưởng theo hướng đầu tư, các chính quyền địa phương đã có xu hướng đầu tư chủ yếu dựa vào việc vay để tạo quỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng.
Từ năm 2000 đến 2017, các chính quyền địa phương đã đầu tư tài sản cố định gấp 12 lần so với mức chính quyền trung ương đưa ra, dù mức thuế ở chính quyền địa phương chỉ là 75% so với chính phủ trung ương. Khi các dự án cơ sở hạ tầng không tạo ra được lợi nhuận trong thời gian ngắn, thì chính quyền địa phương tiếp tục vay để trả nợ.
Theo số liệu do công ty xếp hạng tín dụng Chengxin của Trung Quốc đưa ra, thì trong đầu năm 2018, mức nợ tồn đọng của các chính quyền địa phương, vốn luôn có liên kết với các doanh nghiệp quốc doanh nằm trong khoảng 3,8 nghìn tỷ USD tới 5,2 nghìn tỷ USD. Mức nợ này chiếm gần 80% nợ công, và cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển.
Thương chiến với Mỹ, kinh tế Trung Quốc ‘bầm dập’
Những khoản nợ cao chót vót này sẽ có thể rút cạn quỹ tiết kiệm và làm chậm các khoản đầu tư tư nhân. Và điều này sẽ buộc chính quyền Bắc Kinh đưa ra 2 lựa chọn: Hoặc là đưa bảo lãnh cho các chính quyền địa phương, hoặc cho phép thị trường tài chính rơi vào tình trạng bất ổn không thể tưởng tượng được.
Vấn đề thứ hai là sự mất cân bằng ngày càng tăng giữa khu vực tư nhân và khu vực công. Khu vực công dù hoạt động kém hiệu quả hơn, nhưng lại được tiếp cận tốt hơn với các khoản vay ngân hàng và trợ cấp của chính phủ. Điều này khiến các doanh nghiệp tư nhân dễ gặp khủng hoảng thanh khoản hơn, khi Trung Quốc chuyển sang đường lối kiềm chế mức nợ.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã tiếp quản Ngân hàng Baoshang, một ngân hàng địa phương do ngân hàng này có quá nhiều khoản nợ không thanh toán được. Điều này đã tác động tới các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời khiến các tổ chức tài chính lớn phải tính toán lại những tài sản rủi ro, và giảm các khoản vay liên ngân hàng cho các ngân hàng địa phương nhỏ mà khu vực tư nhân phụ thuộc rất nhiều.
Thương chiến với Mỹ, kinh tế Trung Quốc ‘bầm dập’
Cuối cùng, việc thiếu các nguồn tăng trưởng kinh tế mới là thách thức cấp thiết nhất. Tăng trưởng nhờ việc tiêu dùng là cách phát triển bền vững và an toàn, nhưng không đủ để hỗ trợ tốc độ tăng trưởng GDP hiện tại của Trung Quốc. Bắc Kinh còn cần phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ mới.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã làm phức tạp các vấn đề trên. Bên cạnh sự bất ổn của thị trường chứng khoán, nhiều nhà phân tích dự đoán rằng, căng thẳng thương mại sẽ khiến chỉ số tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay giảm mạnh xuống dưới mức 6%. Đồng thời, các biện pháp chính sách nhằm giải quyết các vấn đề cấu trúc kinh tế của Trung Quốc đang phải đối mặt với sự bi quan và triển vọng xấu gây ra ảnh hưởng quá mức đến việc hoạch định chính sách.
Chặng đường cải cách của Trung Quốc rất khó khăn và đã gặp phải nhiều thất bại, nhất là từ những bất ổn gia tăng của thương chiến gần đây. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể chịu đựng được tổn thất tạm thời trong thương mại, như việc nước này tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang châu Phi và Đông Nam Á.
Tờ SCMP trích dẫn nhận định của chuyên gia Hans Yue Zhu cho rằng, những tổn thất từ thương chiến sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, và chính phủ Trung Quốc nên bám sát tiến trình của việc cải cách. Tương lai của Trung Quốc trong việc tăng trưởng kinh tế bền vững, đó là nước này ít phụ thuộc vào những thị trường bên ngoài và tăng các mức đầu tư lớn.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29649-nen-kinh-te-tq-ra-sao-khi-thuong-chien-voi-my.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.