Tin Biển Đông – 03/08/2019
Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019
19:56
//
Biển Đông
,
Slider
ASEAN ra tuyên bố chung về Biển Đông,
quan ngại ‘các sự cố nghiêm trọng’
Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN kêu gọi môi trường thuận lợi để tiếp tục đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông.
Các nhà ngoại giao hàng đầu ASEAN gặp tại Bangkok trong tuần này cho một cuộc họp cấp bộ trưởng thứ hai với các đối tác của nhóm, trong bối cảnh Trung Quốc đang ráo riết xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo, như một phần trong yêu sách trên Biển Đông, một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới.
Biển Đông là một chủ đề quan trọng đối với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN.
“Một số bộ trưởng bày tỏ quan ngại về về việc cải tạo đất, các hoạt động và các sự cố nghiêm trọng trong khu vực”, họ nói trong một thông cáo cuối cùng.
Theo Reuters, việc nhắc đến “các sự cố nghiêm trọng” mạnh hơn so với thông cáo sau cuộc họp năm ngoái, chỉ ra mức độ căng thẳng trong khu vực đã tăng lên.
Căng thẳng xuất hiện trong những tuần gần đây khi tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc loại bỏ tàu khảo sát ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong một thông cáo chung được công bố vào cuối phiên họp toàn thể của Hội nghị Bộ trưởng ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, và do đó hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và rủi ro tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai.
Các bộ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đã được sử dụng chống lại Trung Quốc trong phán quyết trọng tài quốc tế năm 2016 vô hiệu hóa yêu sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa để tăng cường niềm tin và sự tự tin giữa các bên”, họ nói trong thông cáo.
Những lo ngại về hành vi của Trung Quốc xuất hiện dù có những phát triển tích cực trong các cuộc đàm phán cho dự thảo COC, một bộ quy định để quản lý và ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông.
Tuần trước, các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành buổi đọc đầu tiên dự thảo bộ luật tại Penang, Malaysia, sau khi hai bên đồng ý với một văn bản đàm phán tại cuộc họp cấp bộ tại Singapore năm ngoái.
Trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc hôm thứ ba, Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi nhấn mạnh rằng tất cả các bên đều có lợi nếu Biển Đông là một khu vực hòa bình và ổn định.
“Điều này chỉ có thể thực hiện nếu có sự tin tưởng giữa tất cả các bên và họ tuân thủ luật pháp quốc tế. Không có sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, chúng tôi sợ rằng sẽ có những sự cố sẽ kích động và đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông” – Ngoại trưởng Indonesia Retno LP Marsudi nói với các phóng viên.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr cho biết nước này đang làm việc chặt chẽ với các quốc gia thành viên ASEAN và với Trung Quốc để sớm đưa ra kết luận về một COC có lợi, tôn trọng và có hiệu quả lẫn nhau.
Nhật phản đối mạnh mẽ
hành động gây căng thẳng ở Biển Đông
Chính phủ Nhật Bản quan ngại chính đáng và phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao Nhật cho biết.
Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về trở ngại liên quan tới hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 và kế hoạch tới đây sau khi Chính phủ Việt Nam thông báo gia hạn thời gian hoạt động của giàn khoan này tại lô 06-1, Bộ Ngoại giao Nhật Bản trả lời bằng thư điện tử với nội dung:
“Bộ Ngoại giao Nhật Bản không thể bình luận về hoạt động của từng công ty của Nhật Bản. Tuy nhiên, nhìn chung, Chính phủ Nhật Bản tin rằng vấn đề liên quan đến Biển Đông có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực, và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế bao gồm Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông với các nước liên quan”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 25/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Vị trí của lô 06-1 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”.
Người phát ngôn nêu rõ, các lực lượng chức năng Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp đúng pháp luật, duy trì hòa bình ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại công ước của Liên hợp quốc về luật Biển năm 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.
“Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới”, bà Thu Hằng nói.
Phản đối nhóm tàu TQ cản trở ngư dân Việt
trên Biển Đông
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo, gây ảnh hưởng tới ngư dân Việt Nam.
Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam hôm nay có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, các Bộ: NN&PTNT, Ngoại giao, Quốc phòng về việc lên án, phản đối hành động của Trung Quốc vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng và cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên lãnh thổ vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo phản ánh của nhiều hội viên, ngư dân vùng Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, trong thời gian qua nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông (gần bãi Tư Chính) gây cản trở công việc khai thác hải sản của ngư dân tại vùng biển này.
Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án và phản đối hành động của phía Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam, gây ảnh hưởng, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hội đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam có các biện pháp đấu tranh kiên quyết với hành động của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức nhóm tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Hội cũng đề nghị cơ quan chức năng chỉ đạo tăng cường các lực lượng tuần tra, giám sát trên biển để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ cho ngư dân. Có các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân hoạt động trên biển.
Biển Đông :
Úc tham gia phản đối hành động của Trung Quốc
Chính phủ Úc cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản lên án những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo báo Canberra Times hôm nay 03/08/2019, trong một tuyên bố chung sau cuộc họp tại Thái Lan ngày 01/08, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, cùng với đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo và Nhật Taro Kono, đã bày tỏ « mối quan ngại nghiêm trọng » trước « những thông tin đáng tin cậy » về những hoạt động cản trở các dự án dầu khí trên Biển Đông, ám chỉ việc các tàu của Trung Quốc sách nhiễu hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính, gần quần đảo Trường Sa.
Tuy không nêu đích danh Trung Quốc, bản thông báo bày tỏ quan ngại về « những diễn tiến tiêu cực » ở vùng Biển Đông, trong đó có việc triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại trên các thực thể đang tranh chấp.
Ba ngoại trưởng mạnh mẽ lên án « những hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng, như bồi đắp các đảo, xây các tiền đồn, quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp và những hành động khác gây tác hại môi trường biển » ở vùng Biển Đông
Trong bản thông cáo chung, ngoại trưởng ba nước Úc, Mỹ, Nhật cũng bày tỏ quan ngại về thông tin theo đó Cam Bốt và Trung Quốc đã ký thỏa thuận về việc Bắc Kinh đưa quân, vũ khí và tàu chiến đến đóng tại căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt, nằm trên Vịnh Thái Lan.
Đàm phán về COC mở lại tháng 10
Đàm phán về bản dự thảo thứ hai của Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông ( COC ) giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ được mở lại vào tháng 10/2019, theo thông báo của một quan chức chính phủ Thái Lan hôm qua, 02/08/2019 tại Bangkok.
Theo hãng tin Bloomberg, phát biểu bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại thủ đô Thái Lan, phó thư ký thường trực bộ Ngoại Giao Thái Lan Arthayudh Srisamoot cho biết, sau khi đạt thỏa thuận về các « nguyên tắc căn bản », Trung Quốc và ASEAN bàn về các điểm cụ thể của bộ quy tắc ứng xử. Ông nói thêm là theo dự kiến các bên sẽ đạt thỏa thuận chung cuộc trong vòng 3 năm.
Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, một số nhà ngoại giao của khu vực sáng qua đã bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông. Họ cho rằng việc các chiến hạm và các thiết bị quân sự thường xuyên được điều động đến Biển Đông sẽ phá hỏng cơ may giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình.
Tại Bắc Kinh hôm qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định là tiến trình đàm phán về COC đang đạt nhiều tiến bộ, nhưng bà tố cáo các quan chức cao cấp của Mỹ sẽ tìm đủ mọi cách để « gây bất hòa giữa các quốc gia có liên quan và làm xáo trộn tình hình Biển Đông ».
0 nhận xét