Tin Biển Đông – 08/08/2019
Thứ Năm, 8 tháng 8, 2019
16:47
//
Biển Đông
,
Slider
Hải Dương 8 rút, tiếp theo là gì?
Động thái rút nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đang được các chuyên gia phân tích và đưa ra nhiều nhận định khác nhau, trong đó có cả dự đoán về khả năng “sớm quay trở lại” của nhóm tàu này.
Sau khi các dữ liệu theo dõi cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Hải Dương 8) đã rời khỏi khu vực Bãi Tư Chính, thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo ngày 8/8 đã xác nhận thông tin này.
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi”, bà Lê Thị Thu Hằng nói với báo chí.
Động thái rút lui của tàu thăm dò Trung Quốc sau hơn một tháng tiến hành khảo sát trong khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bất chấp nhiều phản đối gay gắt từ Hà Nội, được nhận định theo nhiều hướng khác nhau từ các chuyên gia quốc tế chuyên phân tích về tình hình Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu Ryan Martinson, giảng viên tại Trường Hải chiến Mỹ, người đầu tiên đưa ra thông tin về hoạt động của tàu khảo sát Trung Quốc ở Bãi Tư Chính vào tháng trước, thì “Hải Dương Địa Chất 8 đã hoàn thành việc khảo sát”, chuyên gia nghiên cứu về hải quân Trung Quốc viết trên trang Twitter, đồng thời cho biết con tàu hiện đang ở Bãi Chữ Thập.
Chuyên gia Devin Thorne, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cấp tiến (C4ADS) cũng xác nhận vị trí của Hải Dương 8 đang ở Bãi Chữ Thập vào tối 7/8, và cho biết thêm rằng “có ít nhất 5 tàu của Việt Nam đi theo nó và 4 tàu lảng vảng ở phía đông ranh giới EEZ (khu vực đặc quyền kinh tế) của Việt Nam” và “Có tối thiểu 2 tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn ở trong khu vực khảo sát”, ông Thorne cho biết trên trang Twitter.
“Nếu mà chỉ để thay người, lấy dầu, kiểm tra máy móc, lương thực, nước… thì khả năng lớn là nó sẽ quay lại”, TS. Hà Hoàng Hợp, chuyên gia nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện Nghiên Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, đưa ra dự đoán với VOA.
“Kịch bản” này cũng được một chuyên gia nghiên cứu cao cấp khác của ISEAS, TS. Lê Hồng Hiệp, dự đoán.
“Nhiều khả năng các tàu Trung Quốc sẽ sớm quay trở lại”, TS. Lê Hồng Hiệp viết trên trang Facebook.
Theo TS. Hà Hoàng Hợp, dự đoán này sẽ sớm biết được chỉ nội trong một vài ngày tới, vì Hải Dương 8 không thể neo đậu mãi ở Bãi Chữ Thập mà sẽ phải trở về Hải Nam, quay lại khu vực khảo sát hoặc đến một địa điểm mới.
Ngoài ra, theo ông, cũng có khả năng Trung Quốc sẽ rút hẳn tàu Hải Dương 8 đi, nhưng thay vào đó là một tàu khảo sát khác.
“Khả năng này là đang có. Vì sao? Bởi vì họ [Trung Quốc] còn có một tàu khác mạnh hơn tàu này. Nó vừa mới hạ thủy xong và đang ở đâu đó giữa Hải Nam và Trường Sa”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết thêm.
Theo ông, nếu Trung Quốc thay tàu khác vào khu vực Bãi Tư Chính thì cũng sẽ tiếp tục hoạt động dưới danh nghĩa “thăm dò”, “khảo sát”.
“Thực ra thì nó không phải là thăm dò gì cả, mà nó biết trước là dưới đó có khí, dầu hay không là nó biết thừa rồi. Nhưng nó muốn khẳng định nó có chủ quyền ở đấy nên cho tàu vào và đơn phương thực hiện các hoạt động kinh tế”.
Nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á còn đưa ra “kịch bản” thứ 3 mà ông cho là “nặng nề nhất” nếu thực sự diễn ra, đó là Trung Quốc sẽ đưa luôn giàn khoan vào khu vực khảo sát để tiến hành khai thác dầu.
“Vừa rồi, phía Trung Quốc họ thăm dò địa chất ở 8 block [lô] và 2 block phụ khác, tổng cộng là 10 block, thì hoàn toàn họ có thể kéo giàn khoan vào để khai thác luôn”, TS. Hà Hoàng Hợp cho biết, và nói thêm rằng khả năng này là “không nhỏ”.
Theo ông, nếu xảy ra một trong 3 “kịch bản” trên, thì đều tiềm ẩn nguy cơ diễn ra xung đột vũ trang khi tương quan lực lượng giữa hai bên khá chênh lệch, và Việt Nam không thể “xua đuổi” tàu thăm dò hay giàn khoan của Trung Quốc ra khỏi khu vực đặc quyền kinh tế của mình chỉ với “mấy chục tàu hải cảnh nhỏ”.
“Đương nhiên Trung Quốc sẽ bẫy Việt Nam bắn trước, hoặc họ bắn trước nhưng họ kêu lên là Việt Nam bắn trước rồi họ gây thành xung đột”, TS. Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Chuyên gia của ISEAS còn đưa ra một dự đoán cuối là Trung Quốc sẽ “nghỉ giữa hiệp” với động thái thái rút tàu Hải Dương 8 về và sau đó sẽ hành xử tiếp.
Cục Hải Dương Quảng Châu, Trung Quốc, hôm 5/8 nói cơ quan này đã “hoàn thành 60% nhiệm vụ” hàng năm, trong đó có 7 tàu “nghiên cứu khoa học” của Cục này đã ra khơi trong vòng hơn 3 tháng, và tàu Hải Dương Địa Chất 8 có thời dài khảo sát dài nhất trong nửa đầu năm nay với 176 ngày hoạt động trên biển.
Việt Nam lên án Trung Quốc
tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Sa
Việt Nam hôm 7 tháng 8 lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa sau khi Bắc Kinh thông báo tập trận bắn đạn thật ở khu vực này trong hai ngày 6 và 7 tháng 8, trong bối cảnh căng thẳng đang sôi sục liên quan tới một tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc bị cáo buộc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thông báo của Cục Hải sự Hải Nam của Trung Quốc ngày 5 tháng 8 cấm tàu thuyền vào hai khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa để phục vụ cho cuộc diễn tập quân sự nhưng không nhắc đến quy mô lực lượng tham gia tập trận.
Truyền thông Việt Nam hôm thứ Tư đưa tin về một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng bộ xem hoạt động này “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam” đối với Hoàng Sa, quần đảo mà Trung Quốc đã chiếm từ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974 và vẫn duy trì quyền kiểm soát tới nay.
“Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lí và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê thị Thu Hằng được dẫn lời nói.
Bà cho biết đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp và trao công hàm phản đối với phía Trung Quốc về cuộc diễn tập này.
Chưa có phản hồi tức thời từ phía Trung Quốc.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Hà Nội trong những tuần qua nhiều lần lên tiếng phản đối Bắc Kinh về việc tàu khảo sát Hải Dương 8 được nói là vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thổi bùng lên căng thẳng ở vùng Biển Đông nhiều tranh chấp.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi giàu trữ lượng tài nguyên và là một trong những tuyến đường thủy nhôn nhịp nhất cho thương mại toàn cầu.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN
lần thứ 52: Biển Đông là tâm điểm
Sáng 31/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các Hội nghị liên quan đã chính thức khai mạc tại Bangkok dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nhấn mạnh trong 6 tháng vừa qua kể từ Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 1/2019, sự hợp tác chặt chẽ của các nước ASEAN đã mang lại những kết quả cụ thể. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vừa qua với tư cách là Chủ tịch ASEAN ông đã nêu 4 lĩnh vực hợp tác chính là sử dụng công nghệ và đổi mới tài chính để hỗ trợ tài chính bao trùm đối với phụ nữ, thanh niên, khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như những cộng đồng ở các vùng sâu, vùng xa; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng thành thị và nông thôn bằng cách sử dụng công nghệ và sáng tạo để thúc đẩy mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN; bảo tồn và phục hồi môi trường và các nguồn tài nguyên thiên nhiên; và thúc đẩy phát triển nguồn lực con người. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cũng bày tỏ mong muốn tại Hội nghị này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kiểm kiểm lại những công việc đã thực hiện trong 6 tháng qua và thảo luận những biện pháp hợp tác để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN tiếp theo vào tháng 11 năm nay.
Sau lễ khai mạc, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tham dự phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề nổi lên trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, kế hoạch triển khai Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP) và Tuyên bố tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về quan hệ đối tác vì sự bền vững cũng như tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Các Bộ trưởng Ngoại giao cũng đã thảo luận nhiều nội dung về tình hình xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại, và rà soát việc chuẩn bị cho các Hội nghị Cấp cao cuối năm, cũng như trao đổi ý kiến về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Các Bộ trưởng khẳng định quyết tâm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, tiếp tục triển khai các định hướng, sáng kiến xây dựng ASEAN tự cường, sáng tạo và phát triển bền vững mọi mặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Ghi nhận tiến triển trong xây dựng Cộng đồng, các nước nhất trí đẩy mạnh nỗ lực triển khai Tuyên bố Tầm nhìn của các Lãnh đạo ASEAN về Quan hệ đối tác vì sự bền vững; mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự Liên hợp quốc 2030 về Phát triển bền vững; đồng thời, thúc đẩy xây dựng các chiến lược, kế hoạch giúp ASEAN tham tận dụng cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của hoàn tất đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) trong 2019, tăng cường hợp tác kết nối, phát triển tiểu vùng và xây dựng cách tiếp cận mới trong thu hẹp khoảng cách phát triển, cũng như nâng cao bản sắc, ý thức cộng đồng thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các tổ chức, hiệp hội nhân dân. Các Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí tiếp tục thực hiện các biện pháp cải tiến phương thức làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, trong đó có tận dụng hiệu quả trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN sẽ khai trương ngày 8/8 tại Jakarta, Indonesia.
Các Bộ trưởng Ngoại giao nhấn mạnh tầm quan trọng của đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với bên ngoài. Ghi nhận những tiến triển thời gian qua, các Bộ trưởng Ngoại giao nhất trí ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; trước mắt, ASEAN sẽ tổ chức Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Hàn Quốc tháng 11/2019, nhất trí với Kế hoạch hành động ASEAN
Australia (2020-2024) nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ, và chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN- New Zealand vào 2020. Các Bộ trưởng nhất trí sẽ giới thiệu với các đối tác về Tài liệu quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), nhấn mạnh những mục tiêu, nguyên tắc của ASEAN trong hợp tác vì khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng.
Các Bộ trưởng tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, xử lý hữu hiệu các thách thức đang nổi lên. Theo đó, ASEAN sẽ tích cực triển khai Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN 2025, ưu tiên hợp tác ứng phó với những thách thức phi truyền thống, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh và hợp tác biển, tích cực quảng bá các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN… Nhân dịp này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ký văn kiện mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) cho Peru đã tham gia Hiệp ước, nâng tổng số thành 38 bên tham gia Hiệp ước.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và thượng đỉnh Mỹ-Triều, coi đây là đóng góp cho mục tiêu lâu dài về một Bán đảo Triều Tiên hòa bình, ổn định và không có vũ khí hạt nhân.
Các Bộ trưởng đã thảo luận sâu rộng về tình hình Biển Đông, ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hóa và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.
Đáng chú ý, phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao kết quả 4 năm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN tiếp tục đề cao đoàn kết, gắn kết, tăng cường hợp tác nội khối, giữ vững vai trò trung tâm trong quan hệ đối ngoại, qua đó ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch nhanh chóng trong cục diện chiến lược khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất ASEAN tiến hành kiểm điểm giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng, gia tăng thương mại và đầu tư nội khối, thúc đẩy hợp tác xã hội, bảo vệ môi trường, đồng thời tiếp tục cải tiến phương thức làm việc thông qua tận dụng và vận hành hiệu quả trụ sở mới của Ban Thư ký ASEAN;
Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hóa, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép. Phó Thủ tướng nhấn mạnh những hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Nghiêm trọng hơn, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hài và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hòa bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Là nước Chủ tịch ASEAN kế tiếp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục tinh thần và động lực của năm 2019 để tăng cường thống nhất và gắn kết ASEAN, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh, phát triển toàn cầu.
Một số điểm nhấn quan trọng
tại Hội nghị AMM-52
Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công nhận những lợi ích của việc Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách trọn vẹn.
Hội nghị AMM-52 có ảnh hưởng lớn đến khu vực
Tham dự chuỗi các hội nghị ASEAN tại Bangkok từ ngày 29/7 đến ngày 3/8 có đại diện của hơn 30 nước, bao gồm các nước ASEAN, các nước đối thoại, các nước không phải là thành viên đối thoại tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), và khách mời của chủ nhà như Na Uy, Peru, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tiếp sau Hội nghị AMM-52, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ tham dự các Hội nghị với các đối tác (PMC+) cùng những hội nghị khác, trong đó bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (APT), Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 26.
Các hội nghị liên quan trong chuỗi các hội nghị ASEAN bao gồm các hội nghị hợp tác tiểu vùng như Hội nghị Bộ trưởng Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) lần thứ 12, Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác sông Mekong – sông Hằng lần thứ 10, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Hàn Quốc lần thứ 9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong – Nhật Bản lần thứ 12.
Thông cáo chung
Hội nghị AMM-52 đã ra Thông cáo chung dài 23 trang đề cập tới nhiều nội dung gồm: Xây dựng Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, các quan hệ đối ngoại của ASEAN, các vấn đề quốc tế, khu vực và việc tổ chức Hội nghị AMM-53 cùng các hội nghị liên quan tại Việt Nam vào năm 2020.
Thông cáo chung khẳng định cam kết của các nước thực hiện đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tinh thần đoàn kết trong các nỗ lực xây dựng cộng đồng. Các bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ số, qua đó thúc đẩy sự hội nhập kinh tế sâu rộng hơn. Thông cáo chung cũng đề cao vai trò và những đóng góp quan trọng của các cơ chế hợp tác tiểu vùng như Tam giác Phát triển Indonesia – Malaysia- Thái Lan, hợp tác Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam….
Thông cáo chung bày tỏ lo ngại về những diễn biến mới liên quan tới căng thẳng thương mại giữa các đối tác lớn của ASEAN và tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của ASEAN đối với một hệ thống thương mại đa phương minh bạch, cởi mở và dựa trên các quy tắc; tái khẳng định cam kết thúc đẩy an ninh bền vững trong khu vực thông qua củng cố lòng tin chiến lược và sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước ASEAN và các nước trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, thông cáo chung nêu rõ: “Chúng tôi tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và công nhận những lợi ích của việc Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) một cách trọn vẹn”.
Trong thông cáo chung, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng hoan nghênh việc tiếp tục cải thiện quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc và được khích lệ bởi tiến bộ của các cuộc thương lượng thực chất hướng tới việc sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực và thực chất trong một tiến trình thời gian đã được nhất trí. Các bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường có lợi cho các cuộc đàm phán COC, do đó hoan nghênh các biện pháp thực tế có thể làm giảm những căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu nhầm và tính toán sai. Thông cáo chung nêu rõ các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa nhằm tăng cường sự tin cậy và tin tưởng giữa các bên; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc nêu cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Thông cáo chung khẳng định các bộ trưởng đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động cải tạo đảo và những vụ việc nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin cũng như sự tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng và có thể phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Các bộ trưởng tái khẳng định sự cần thiết tăng cường sự tin tưởng, kiềm chế tiến hành các hoạt động và tránh những hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp
quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Thông cáo chung nêu rõ: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và kiềm chế tiến hành tất cả các hoạt động của các bên tuyên bố chủ quyền và tất cả những nước khác, trong đó có những hoạt động được đề cập trong DOC có thể làm phức tạp thêm tình hình và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”.
Tuyên bố cứng rắn của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN tiếp tục đề cao đoàn kết, gắn kết, tăng cường hợp tác nội khối, giữ vững vai trò trung tâm trong quan hệ đối ngoại, qua đó ứng phó hiệu quả với những chuyển dịch nhanh chóng trong cục diện chiến lược khu vực và thế giới. Nhấn mạnh diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc, được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống, xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định những hành động này của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, theo Công ước luật biển 1982.
Nghiêm trọng hơn, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đây là diễn biến tiếp theo các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển mà Trung Quốc đã tiến hành. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm DOC và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán COC. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN giữ vững đoàn kết và tiếng nói chung, tái khẳng định các nguyên tắc và cam kết đối với hoà bình và ổn định, lên tiếng kêu gọi kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phương hại tiến trình đối thoại và hợp tác khu vực, cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven biển; và nỗ lực xây dựng một COC hiệu lực, thực chất.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh ghi nhận những tiến triển trong đàm phán COC, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến trên thực địa, trong đó có hoạt động của tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Các hành động như vậy, theo Phó thủ tướng, đe doạ nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực. Phó Thủ tướng khẳng định lại lập trường nguyên tắc của ASEAN về tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, không quân sự hoá, kiềm chế, không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình; tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nga và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – New Zealand, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chia sẻ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương làm xói mòn lòng tin, đe dọa hòa bình.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Nhật Bản, Bộ trưởng Phạm Bình Minh hoan nghênh tiếng nói xây dựng, tích cực của Nhật Bản đối với các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, mong muốn Nhật Bản tiếp tục ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông, cùng đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định vì hợp tác và phát triển;
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, không quân sự hóa, kiềm chế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các nước ghi nhận quan ngại của Việt Nam, nhất trí cần đề cao và tuân thủ luật pháp quốc tế, kiềm chế, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho các nỗ lực đối thoại và xây dựng lòng tin, ủng hộ lập trường nguyên tắc và vai trò của ASEAN trong đóng góp duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên Biển Đông.
Dư luận đánh giá
Theo các chuyên gia đánh giá, hai vấn đề sẽ bao trùm hội nghị lần này đó là Biển Đông và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Các cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Philippines cáo buộc Trung Quốc đang trở nên hung hăng hơn trong việc đòi yêu sách phi lý ở biển Đông, động thái mà Mỹ gọi là “hành vi bắt nạt”.
Đáng chú ý, sau khi AMM 52 ra Tuyên bố chung, giới truyền thông cho rằng, so sánh giữa bản Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM-51), tháng 8/2018 tại Singapore, có thể thấy, bản tuyên bố không bao gồm cụm từ “sự cố nghiêm trọng” khi nói về tình hình Biển Đông. Tuyên bố chung của AMM-52 rõ ràng phản ánh tình hình căng thẳng hiện nay trên Biển Đông đã bị đẩy lên một cấp độ khác. Theo NHK, bản dự thảo của Tuyên bố chung thậm chí còn sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ hơn như “những quan ngại sâu sắc”. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết, cuối cùng các Bộ trưởng đã nhất trí chỉ bày tỏ “quan ngại” khi cân nhắc mối quan hệ trong khu vực.
0 nhận xét