Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 17/07/2019

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019 15:17 // ,

Tin khắp nơi – 17/07/2019

Trump công bố

dự luật di trú và an ninh biên giới

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/7 công bố một dự luật ra trước Nội các nhằm tăng cường an ninh biên giới và đại tu hệ thống di trú hiện thời để chú trọng nhiều hơn vào thực lực của đương đơn, một quan chức cao cấp của chính quyền được Reuters thuật lời cho biết.
Vào lúc các nhà lập pháp Mỹ sắp sửa nghỉ hè vào tháng 8, quan chức này không đưa ra thời gian biểu để giới thiệu dự luật trước Quốc hội, nhưng mô tả đây là trình bày viễn kiến của Tổng thống để tập hợp phe Cộng hòa quanh một đề xuất chi tiết.
Dù Nhà Trắng đã thảo luận đề xuất với một số thành viên Đảng Dân chủ, quan chức này nói thêm rằng không rõ liệu dự luật có giành được sự ủng hộ của các thành viên Đảng Dân chủ, hiện đang kiểm soát Hạ viện, hay không.
Ông Trump đã cam kết xây một bức tường ở biên giới phía nam với Mexico trong năm 2016 khi ông ra tranh cử, và từ đó đã đối đầu với Quốc hội và tại các tòa án để giành ngân quỹ chi trả cho bức tường.
Đầu tuần này, ông khen ngợi các cuộc truy quét cuối tuần qua nhắm vào những người nhập cư đã bị lệnh trục xuất, trong khi chính quyền của ông tìm cách ngăn chặn các gia đình Trung Mỹ ồ ạt gia tăng xin tị nạn tại Mỹ sau khi chạy thoát khỏi nghèo đói và bạo lực băng đảng ở nước họ.
Chính quyền Trump cũng cho biết sẽ thực hiện các bước để gây khó khăn hơn cho những người nhập cư tới biên giới phía Nam để xin tị nạn vào Mỹ, đặt gánh nặng lên họ trước tiên phải xin tị nạn ở các quốc gia khác.
Một hệ thống dựa trên thực lực của đương đơn có thể đảo ngược chính sách từ hàng chục năm qua của Mỹ về việc ưu tiên cho nhập cư dựa trên quan hệ gia đình.
Khoảng hai phần ba số người được cấp thẻ xanh trở thành thường trú nhân mỗi năm có quan hệ gia đình với người ở Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-cong-bo-du-luat-di-tru–va-an-ninh-bien-gioi/5003138.html

Hạ viện Mỹ lên án

việc Trump công kích bốn nữ dân biểu

Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu lên án mang tính tượng trưng Tổng thống Donald Trump sau khi ông công kích bốn nữ dân biểu trên Twitter.
Nghị quyết phản đối “những bình luận phân biệt chủng tộc của ông Trump đã hợp pháp hóa nỗi sợ và căm ghét nhắm vào thế hệ người Mỹ mới và người da màu”.
Các nữ dân biểu Mỹ: Đừng mắc bẫy của Trump
Trump bảo các nữ dân biểu da màu: Hãy rời khỏi Mỹ
Dân biểu Hoa Kỳ kêu gọi VN thả nhà hoạt động
Nghị viện California: Nguyễn đi ra, Diệp bước vào
Ông Trump bị cáo buộc phân biệt chủng tộc và bài ngoại vì nói bốn nữ dân biểu, tất cả là công dân Hoa Kỳ, “có thể rời khỏi nước Mỹ”.
Tổng thống viết trên Twitter: “Tôi không có máu phân biệt chủng tộc!”
Tỷ lệ bỏ phiếu hôm 16/7 là 240 phiếu thuận, 187 chống, tại Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Bốn đảng viên Cộng hòa và người bỏ đảng này, Justin Amash, cùng với tất cả 235 đảng viên Dân chủ phê chuẩn nghị quyết.
Trong một loạt tweet hôm 14/7, ông Trump nói với bốn nữ dân biểu – ba trong số họ sinh ra ở Mỹ và một người, bà Omar, sinh ra ở Somalia – hãy “quay lại và giúp khắc phục hệ thống hoàn toàn bị sụp đổ, và tội ác lan tràn, nơi mà quý vị từ đó đến”.
Ông Trump không nêu tên bốn nữ dân biểu nhưng bối cảnh các tweet chỉ trích rõ ràng liên quan đến nhóm bốn nữ dân biểu Dân chủ, được gọi là “Biệt đội”.
Phát biểu trước báo giới, bốn nữ dân biểu này nói điều mọi người nên tập trung vào là chính sách chứ không phải phát ngôn của tổng thống.
Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, đảng viên Dân chủ John Lewis nói rằng “ở cấp cao nhất của chính phủ, không có chỗ cho sự phân biệt chủng tộc”, trong khi đảng viên Cộng hòa Dan Meuser gọi các cáo buộc là “sự phỉ báng lố bịch”.
Ngay sau khi nghị quyết được thông qua, dân biểu Al Green đề đạt yêu cầu luận tội Tổng thống Trump.
Giới lãnh đạo đảng Dân chủ từ chối theo đuổi việc luận tội, dù ngày càng có thêm yêu cầu từ các thành viên trong đảng này.
Bản quyền hình ảnhALAMY
Lãnh đạo thế giới phản ứng ra sao?
Lãnh đạo của một số nước đồng minh Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích tổng thống Trump.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng bà “hoàn toàn và hết sức” không đồng ý với ông Trump, trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng công kích các bình luận của ông.
“Đó không phải là cách chúng tôi cư xử ở Canada. Một người Canada là một người Canada là một người Canada, “ông Trudeau nói trong một cuộc họp báo.
Cả hai ứng cử viên cho chức thủ tướng Anh đều lên án những tweet này của Trump.
Jeremy Hunt nói rằng ông “hết sức kinh hoàng” bởi các tweet của ông Trump, còn ông Boris Johnson nói “đơn giản là bạn không thể sử dụng loại ngôn ngữ bảo mọi người trở về nơi họ đến như thế”.
Thủ tướng Theresa May trước đó đã nói rằng những nhận xét của ông Trump là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48999799

Kế hoạch tiền điện tử của Facebook

bị Thượng viện Mỹ tấn công

Kế hoạch của Facebook về tiền điện tử đã bị tấn công mạnh hơn nữa tại một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, với các chính trị gia gọi công ty là “hoang tưởng” và không đáng tin cậy.
Ủy ban Ngân hàng Thượng viện đang tra hỏi giám đốc điều hành Facebook David Marcus về ý định của gã khổng lồ công nghệ trong việc ra mắt tiền kỹ thuật số Libra.
Công ty đã cho thấy “qua vụ hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác rằng nó không xứng đáng với niềm tin của chúng tôi”, thượng nghị sĩ Sherrod Brown nói.
Facebook được yêu cầu chấn chỉnh nội bộ trước khi ra mắt mô hình kinh doanh mới.
Facebook ‘bị phạt 5 tỷ đô la’
Facebook là tâm điểm điều tra quản lý dữ liệu của Ireland
Facebook chép danh sách email của 1,5 triệu người dùng
Tháng trước, Facebook công bố kế hoạch ra mắt một loại tiền kỹ thuật số, có thể là vào năm tới, nhưng trước tiên cần phải có các nhà lập pháp Washington đứng về phía mình.
Nhưng kể từ khi công bố kế hoạch, các nhà phê bình đã xếp hàng để lên tiếng hoài nghi Facebook, bao gồm cả tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thương nghị sĩ Brown, thuộc đảng Dân chủ, nói với phiên điều trần: “Chúng tôi sẽ điên nếu cho họ cơ hội thử nghiệm với tài khoản ngân hàng của mọi người.” Ông nghĩ rằng thật là “hoang tưởng” khi nghĩ rằng người dùng sẽ tin tưởng vào công ty truyền thông xã hội bằng tiền “đổ mồ hôi mới kiếm được” của họ.
Các thượng nghị sĩ khác chia sẻ mối quan tâm của ông Brown. “Tôi không tin tưởng quý vị,” thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Martha McSally nói. “Thay vì có những chấn chỉnh trong nội bộ, quý vị lại khởi động một mô hình kinh doanh mới.”
Ông Marcus, người từng là tổng giám đốc của PayPal từ năm 2012 đến 2014, đã cố gắng xoa dịu những lo ngại trong bài phát biểu khai mạc của mình bằng cách hứa rằng Facebook sẽ không bắt đầu cho chào đời tiền điện tử Libra cho đến khi các vấn đề pháp lý được giải quyết.
“Chúng tôi biết rằng chúng tôi cần dành thời gian để có được quyền này”, ông Marcus, người cũng sẽ phải ra trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm thứ Tư.
Hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin nói rằng ông “không thoải mái” với Libra, trong khi tuần trước, người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Jerome Powell, cũng lên tiếng.
Các thượng nghị sĩ tại phiên điều trần hôm thứ Ba nêu ra các vấn đề như cách Facebook lên kế hoạch ngăn chặn rửa tiền thông qua hệ thống thanh toán mới và cách dữ liệu và tiền của người tiêu dùng sẽ được bảo vệ.
“Tôi biết chúng ta phải kiếm được lòng tin của mọi người trong một khoảng thời gian rất dài”, ông Marcus nói.
Công ty truyền thông xã hội cam kết rằng Hiệp hội Libra – cơ quan được cho là độc lập được giao nhiệm vụ quản lý tiền tệ – sẽ chỉ chia sẻ dữ liệu khách hàng với Facebook và các công ty thứ ba bên ngoài nếu có sự đồng ý hoặc trong “trường hợp hạn chế”, khi cần thiết.
Ông Marcus nói với phiên điều trần: “Cách chúng tôi xây dựng điều này là tách dữ liệu xã hội và dữ liệu tài chính vì chúng tôi đã nghe to và rõ ràng rằng họ không muốn hai loại luồng dữ liệu đó được kết nối, vì vậy đây là cách hệ thống được thiết kế.
“Facebook sẽ chỉ có một phiếu bầu và sẽ không ở vị trí kiểm soát hiệp hội, Facebook cũng như Hiệp hội Libra sẽ không ở vào vị trí cạnh tranh với các loại tiền có chủ quyền hoặc can thiệp vào chính sách tiền tệ”, ông nói.
Phân tích của Dave Lee
Phóng viên công nghiệp BBC
Một trong những vấn đề phức tạp ở đây là sự khác biệt giữa Libra – nền tảng tiền điện tử, là nguồn mở – và Calibra, dịch vụ cụ thể của Facebook, được gọi là ví, mà nó đang xây dựng trên cơ sở hạ tầng của Libra. David Marcus có thể thành thật nói với các Thượng nghị sĩ rằng Libra là một hệ thống dân chủ, cởi mở mà Facebook không có quyền kiểm soát.
Nhưng đó không phải là một bức tranh đầy đủ: Calibra chính là là sản phẩm của Facebook và vì thế, nó sẽ được hỗ trợ bởi mạng xã hội lớn nhất và mạnh nhất thế giới, như thế nó sẽ trở thành lực lượng thống trị trong tiền điện tử toàn cầu. Như một thượng nghị sĩ đã nói, “quý vị không làm điều này để mua vui”.
Chắc chắn trong tương lai, cách Facebook tận dụng sức mạnh của mình để thúc đẩy Calibra ra đời sẽ bị xem xét kỹ lưỡng.
Tất cả các phiên điều trần tuần này đều tập trung tổng quát vào việc liệu gã khổng lồ công nghệ có quá nhiều quyền lực đối với các đối thủ cạnh tranh, tự do ngôn luận và, có thể trong tương lai, hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Một cảnh báo được ông Marcus của Facebook đưa ra, và là một điều chúng ta có thể sẽ nghe thấy lặp đi lặp lại trong các phiên điều trần khác, là nếu những người trong công ty khổng lồ ở Thung lũng Silicon này không được phép đổi mới, những người khác sẽ làm.
Khi nói thế, tất nhiên ông Marcus muốn ám chỉ Trung Quốc, nơi các công ty công nghệ được cho là đang để mắt đến các dự án tiền điện tử của riêng họ.
Đó có thể là một điều tốt – Facebook và các đồng nghiệp ở Thung lũng Silicon của họ có thể không được Washington đánh giá cao ngay bây giờ, nhưng đây có thể là giải pháp ít tệ hơn trong hai tệ nạn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49013311

Trump:

Google phải bị điều tra về cáo buộc phản quốc

Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông sẽ xem xét các mối liên hệ bị cáo buộc giữa Google và Trung Quốc.
Công bố này được đưa ra sau bài phát biểu của tỷ phú Peter Thiel, trong đó, nhà đầu tư công nghệ này đặt câu hỏi liệu quản lý cấp cao của Google có cho rằng mình đã bị các điệp viên Trung Quốc xâm nhập hay không.
Ông Thiel cũng đặt câu hỏi tại sao Google lại đưa ra “quyết định có vẻ phản bội khi làm việc với quân đội Trung Quốc” mà không phải là quân đội của Mỹ
Google bác bỏ họ có các mối quan hệ như vậy.
Google ‘lén lút’ theo dấu chân người dùng
Google, Amazon và Facebook có nên sợ phụ nữ này?
VN ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng
Nhưng công ty công nghệ khổng lồ này vẫn chưa phản hồi tuyên bố của Tổng thống.
Trong một tweet, Donald Trump mô tả ông Thiel là một “người tuyệt vời và xuất sắc, người hiểu rõ chủ đề này hơn bất kỳ ai”.
Cho đến nay, tweet đã thu được 7.000 lượt tweet lại và hơn 24.000 lượt thích.
Những bình luận từ ông Thiel, người từng là một trong những người ủng hộ chính của ông Trump ở Thung lũng Silicon, đã được đưa ra trong một bài phát biểu tại hội nghị Bảo thủ Quốc gia ở Washington DC vào cuối tuần này.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Thiel cũng đặt câu hỏi liệu loại hệ thống trí tuệ nhân tạo đang được phát triển bởi công ty chị em của Google là DeepMind có nên được coi là một “vũ khí quân sự” tiềm năng hay không.
Ông Thiel là một nhà đầu tư sớm vào công ty khởi nghiệp thông minh nhân tạo (AI) có trụ sở tại London trước khi công ty này được mua lại bởi công ty mẹ của Google là Alphabet.
DeepMind nói rằng họ không muốn bình luận về sự kiện.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49013061

Hải quan Mỹ “thà bắt nhầm hơn bỏ sót”

đối với hàng hóa đến từ Việt Nam

Tin Vietnam.- Báo Kinh tế Sài Gòn ngày 16 tháng 7 năm 2019 loan tin, trong thời điểm cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung vẫn đang diễn ra, và sau một loạt các phát hiện hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ nhưng có nguồn gốc từ Trung Cộng, thì đến nay các cán bộ Hải quan Mỹ đã không còn quan tâm đến chứng nhận xuất xứ mà cơ quan chức năng Việt Nam cấp cho các công ty.
Tại hội thảo Từ thương chiến Mỹ- Trung đến EVFTA: Công ty Việt Nam tận dụng cơ hội như thế nào?” được tổ chức tại Sài Gòn, ông Nestor sherbey- chuyên gia của liên minh tạo thuận lợi thương mại toàn cầu, người vận hành một công ty về tư vấn, môi giới hải quan- cho biết hàng hóa của ai không có nghĩa là nó sẽ có xuất xứ ở nước đó. Hải quan Mỹ có đủ công cụ, và phương pháp để kiểm tra nguồn gốc hàng hóa. Họ không chấp nhận 100% hồ sơ chứng từ của công ty nộp. Nếu hàng hóa được ghi xuất xứ từ Việt Nam không được hải quan Mỹ chấp nhận thì công ty sẽ bị trừng phạt nặng nề. Dù hàng hóa được đi theo kiểu tạm nhập tái xuất, thì hàng có được đưa đến đâu, Hải quan Mỹ vẫn có thể trừng phạt được vì đã có thỏa thuận với hải quan các nước. Tinh thần làm việc của Hải quan Mỹ là “thà bắt nhầm còn hơn bỏ sót”.
Ông Nestor Sherbey cho biết, cơ quan Hải quan Mỹ đã có văn phòng đại diện tại Thái Lan. Nhiều hàng hóa từ Trung Cộng được chuyển đến Thái Lan, Việt Nam rồi xuất sang Mỹ nhưng không ghi xuất xứ Trung Cộng. Ông đã chứng kiến người bị bắt, đưa đến Mỹ để giải quyết khi hiệp định dẫn độ được ký kết giữa các nước.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hai-quan-my-se-tha-bat-nham-con-hon-bo-sot-doi-voi-hang-hoa-den-tu-viet-nam/

Mỹ ‘hỗ trợ nỗ lực’ Hàn, Nhật

chấm dứt tranh chấp thương mại

Hôm 17/7, ông David Stilwell, nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ về chính sách Đông Á, nói Washington “sẽ làm điều gì có thể làm được” để làm xoa dịu các tranh chấp chính trị, kinh tế đang ngày càng xấu đi giữa Hàn Quốc và Nhật.
Hãng tin Reuters trích lời phát biểu của ông Stilwell trong chuyến công du ba ngày đến thăm Hàn Quốc giữa lúc Seoul mưu tìm sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để giải quyết cuộc tranh chấp giữa hai nước đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực.
Vào đầu tháng này, Nhật đã công bố chính sách kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn về ba mặt hàng nguyên vật liệu đối với Hàn Quốc: nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyamide), chất cản màu (photoresist) và hydrogen fluoride – được sử dụng trong vi mạch bán dẫn và điện thoại thông minh.
Ông Stilwell nói với các phóng viên tại thủ đô Seoul rằng ông xem đây là một vấn đề quan trọng nhưng không cho biết chi tiết về những biện pháp mà Washington có thể thực hiện. Ông nói thêm rằng cơ bản là còn tùy vào Hàn Quốc và Nhật Bản để giải quyết những bất đồng của họ.
Ông nói: “Chúng tôi hy vọng sẽ sớm có giải pháp.”
“Hoa Kỳ, với tư cách là một người bạn thân và đồng minh của cả hai quốc gia, sẽ làm những gì có thể để hỗ trợ những nỗ lực của họ hầu giải quyết vấn đề này.”
Hôm 16/7, Ngoại trưởng Nhật Bản
cảnh báo rằng Tokyo có thể sẽ có hành động tiếp theo nếu Hàn Quốc cứ khơi lại các vấn đề trong quá khứ, theo AP.
Tuần trước, ông Stilwell nói với đài truyền hình NHK của Nhật rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào vụ tranh chấp này, và thay vào đó khuyến khích đối thoại giữa hai bên để giải quyết tranh chấp.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki lặp lại lời kêu gọi Nhật hãy dỡ bỏ chính sách này, đồng thời nói thêm rằng Hàn Quốc sẽ sớm tiết lộ kế hoạch hỗ trợ cho chuỗi cung ứng của mình độc lập hơn.
https://www.voatiengviet.com/a/my-se-ho-tro-cac-no-luc-cua-han-quoc-nhat-de-cham-dut-tranh-chap-thuong-mai/5004192.html

Mỹ trừng phạt lãnh đạo quân đội Myanmar

về tội ác đối với người Rohingya

Hoa Kỳ hôm thứ Ba 16/7 công bố các lệnh trừng phạt đối với Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và các nhà lãnh đạo khác bị cho là phải chịu trách nhiệm về những vụ giết người Rohingya phi pháp. Một phần của biện pháp trừng phạt là cấm họ nhập cảnh vào Mỹ.
Động thái này, nhắm đến cả phó tướng của ông Min Aung Hlaing là Soe Win, và hai chỉ huy cấp cao khác và gia đình họ, là những hành động mạnh nhất mà Hoa Kỳ thực hiện để đáp trả các vụ thảm sát người thiểu số Rohingya ở Myanmar.
Hai chuẩn tướng nữa, Than Oo và Aung Aung, cũng bị xác định là đối tượng của lệnh trừng phạt.
“Chúng tôi vẫn lo ngại là chính phủ Myanmar không có hành động nào để bắt những kẻ đứng sau các vụ vi phạm nhân quyền và xâm hại phải chịu trách nhiệm, và vẫn có những báo cáo về việc quân đội Myanmar vi phạm nhân quyền và xâm hại trên toàn quốc”, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo nói trong một tuyên bố.
Thông báo của Hoa Kỳ được đưa ra vào trùng với ngày đầu tiên của một hội nghị quốc tế cấp bộ trưởng về tự do tôn giáo do ông Pompeo tổ chức tại Bộ Ngoại giao Mỹ, có sự tham dự của đại diện người Rohingya.
“Với thông báo này, Hoa Kỳ là chính phủ đầu tiên công khai hành động liên quan đến lãnh đạo cấp cao nhất của quân đội Miến Điện”, ông Pompeo nói thêm.
Myo Nyunt, phát ngôn viên của đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ, lên án quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt.
“Kiểu hành động này xảy ra bởi vì họ không hiểu được tình hình thực tế của Myanmar”, ông nói. “Các nhà lãnh đạo Myanmar không bỏ qua các mối quan tâm về quyền con người”, Myo Nyunt nói thêm.
Một cuộc đàn áp quân sự năm 2017 tại Myanmar khiến hơn 730.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy trốn sang nước láng giềng Bangladesh. Các nhà điều tra của Liên Hiệp Quốc nói rằng chiến dịch của Myanmar, bao gồm các vụ giết người hàng loạt, hãm hiếp tập thể và đốt phá tràn lan, và được thực hiện với “ý đồ diệt chủng”.
https://www.voatiengviet.com/a/my-trung-phat-lanh-dao-quan-doi-myanmar-vi-toi-ac-v%C6%A1i-nguoi-rohingya/5003934.html

Hoa Kỳ định chuyển hơn 40 triệu Mỹ kim

hỗ trợ phe đối lập Venezuela

Vào hôm thứ Ba (16/7), các nguồn tin khu vực cho biết chính quyền Tổng thống Trump có kế hoạch chuyển hơn 40 triệu Mỹ kim tiền viện trợ nhân đạo cho các nước Trung Mỹ, để hỗ trợ cho phe đối lập do Hoa Kỳ hậu thuẫn ở Venezuela.
Theo nguồn tin trên, khoản tiền gần 42 triệu Mỹ kim dành để hỗ trợ nhân đạo cho hai trong số ba nước Trung Mỹ là Guatemala và Honduras, đây là 2 nơi có hàng ngàn người dân đang tìm cách vào Hoa Kỳ qua khu vực biên giới phía nam Hoa Kỳ, nhằm thoát khỏi nghèo đói, bạo lực và tham nhũng. Khoản tiền trên sẽ được sử dụng để trả lương, vé máy bay, tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật cho bầu cử và đào tạo việc quản trị ngân sách chính phủ cho phe đối lập Venezuela.
Bản ghi nhớ đưa ra hôm 11/7 giải thích rằng các quỹ này là cần thiết, vì cuộc khủng hoảng đang phát triển nhanh chóng ở Venezuela là một sự kiện quan trọng và cấp thiết trong lợi ích quốc gia Hoa Kỳ.
Vào tháng 1 năm nay, thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido tuyên bố tự nhận chức tổng thống lâm thời của Venezuela, cho rằng việc Tổng thống Nicolas Maduro đắc cử là bất hợp pháp. Tổng thống Maduro phản bác, gọi ông Guaido là tay sai do Hoa Kỳ hậu thuẫn.
Vào tháng 6 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố cắt giảm hàng trăm triệu Mỹ kim viện trợ cho các nước El Salvador, Guatemala và Honduras, sau khi Tổng thống Trump cho rằng ba nước này vẫn chưa thực hiện đủ các công tác ngăn chặn di dân. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-dinh-chuyen-hon-40-trieu-my-kim-ho-tro-phe-doi-lap-venezuela/

Mỹ ‘không chắc’ về tình huống

tàu chở dầu được kéo đến Iran


Các quan chức Hoa Kỳ nói rằng họ không chắc chắn liệu một tàu chở dầu được lai dắt vào vùng biển Iran là bị Iran bắt giữ hay được cứu hộ sau khi xảy ra sự cố máy móc như lời khẳng định của Iran. Diễn biến này tạo ra một bí ẩn trên biển giữa lúc có căng thẳng cao độ ở vùng Vịnh.
Tàu MT Riah biến mất khỏi các chương trình bản đồ theo dõi tàu bè khi bộ phát đáp của tàu bị tắt đi ở eo biển Hormuz hôm 14/7. Vị trí cuối cùng của nó là ngoài khơi đảo Qeshm của Iran ở trong eo biển.
Iran nói rằng họ đã kéo một con tàu vào vùng biển nước này từ eo biển sau khi con tàu phát đi tín hiệu gặp nạn.
Mặc dù Tehran không nêu ra tên của con tàu, song Riah là con tàu duy nhất mà dữ liệu ghi lại về sự di chuyển của nó có vẻ phù hợp với mô tả ở trên.
Một quan chức Hoa Kỳ, đề nghị giấu tên, cho biết có vẻ như tàu chở dầu đang ở trong lãnh hải của Iran, nhưng không rõ liệu đó là vì Iran đã bắt giữ hay cứu hộ nó.
Tình huống bí ẩn này xảy ra trùng thời điểm Washington kêu gọi tăng cường an ninh cho tàu bè ở vùng Vịnh.
Iran đã đe dọa sẽ trả đũa việc Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đối với Syria. Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei gọi hành động của Anh là “cướp biển”.
Hoa Kỳ cũng quy trách nhiệm cho Iran về các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh kể từ tháng 5, Tehran phủ nhận điều này.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-chac-ve-tinh-huong-tau-cho-dau-duoc-keo-den-iran/5004005.html

Mỹ-Nga tìm một hiệp định mới

về hạt nhân thay thế INF

Tú Anh
Theo dự kiến, ngày 17/07/2019, tại Geneve, đại diện Mỹ-Nga tìm kiếm nguyên tắc chung để đàm phán một hiệp định mới về tên lửa hạt nhân tầm trung, thay thế INF. Theo Reuters, Trung Quốc có thể được mời tham gia.
Theo thông báo của Washington và Matxcơva hồi tháng 02/2019, Mỹ và Nga sẽ ngưng tôn trọng hiệp định về lực lượng hạt nhân tầm trung gọi tắt là INF, kể từ đầu tháng 8. Hiệp định INF được ký kết vào năm 1987 giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev liên quan đến tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.000 km.
Để thăm dò Nga và Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu khả năng này với tổng thống Vladimir Putin và chủ tịch Tập Cận Bình, bên lề thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6.
Một viên chức Mỹ cho biết một trong các mục đích của cuộc họp tại Geneve ngày 17/07 là thăm dò phản ứng của Nga đối với Trung Quốc.
Việc Trung Quốc đứng ngoài INF là một trong những lập luận của tổng thống Donald Trump để cho là cần phải thay thế hiệp định 1987.
Còn theo báo mạng Pháp Mediapart, trang mạng chuyên điều tra về các sự kiện nhạy cảm hồi tháng 01/2019, Hoa Kỳ đang tăng cường võ trang tại châu Âu. Viện lẽ quân đội Nga đặt tên lửa tầm trung loại mới SSC-8 hướng qua châu Âu, Washington sẽ đối phó cũng với tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân, bố trí gần biên giới Nga và có khả năng bao phủ ba phần tư lãnh thổ Nga.
Trong khi chờ đợi, các nước Baltic và Ba Lan được Mỹ tăng cường các đơn vị « tác chiến chiến thuật » và hệ thống tên lửa chống tên lửa đa năng Aegis, hiệu quả gấp đôi Patriot, vừa phòng thủ vừa tấn công. Dàn tên lửa Aegis đầu tiên đã được bố trí tại Rumani.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190717-my-nga-tim-mot-hiep-dinh-moi-ve-hat-nhan-thay-the-inf

Washington hy vọng tiếp tục đối thoại

dù Bình Nhưỡng lại đe dọa

Tú Anh
Hôm qua, 16/07/2019, sau khi Bắc Triều Tiên đe dọa thử hạt nhân nếu Mỹ-Hàn tập trận chung vào tháng 8/2019, Washington tỏ thái độ lạc quan, hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đối thoại theo « thỏa thuận » Trump-Kim tại Hà Nội.
Hôm qua, một phát ngôn viên không được nêu tên của bộ Ngoại Giao Bắc Triều Tiên gián tiếp khuyến cáo Hoa Kỳ là nếu Mỹ-Hàn tổ chức cuộc tập trận chung vào tháng 8 như thông báo, Bình Nhưỡng có thể xét lại cam kết « tại Singapore » tạm ngưng thử nghiệm hạt nhân để thương lượng.
Đây là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên đề cập đến đàm phán hạt nhân từ sau cuộc gặp gỡ Donald Trump-Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm hồi tháng 6. Sau nhiều tháng căng thẳng, từ sau thượng đỉnh Hà Nội, được mô tả là thất bại ngoại giao của Bắc Triều Tiên, Mỹ-Triều đã đồng ý mở lại đối thoại.
Được báo chí đặt câu hỏi về phản ứng của Bình Nhưỡng cáo buộc Hoa Kỳ « vi phạm bản tuyên bố chung Singapore » nếu tập trận chung với Hàn Quốc với hệ quả là Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành trở lại thử nghiệm hạt nhân, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố lạc quan : « Chúng tôi hy vọng không một ai trong chính quyền Bắc Triều Tiên, không một ai trong chính quyền Mỹ tìm cách ngăn chận chủ tịch Kim và tổng thống Trump thực hiện lời cam kết tại Việt Nam ».
Hiện chưa rõ là vì sao Bắc Triều Tiên nhấn mạnh tuyên bố chung Singapore, còn Mỹ nhắc lại cam kết tại Hà Nội.
Theo AFP, tại Singapore, lãnh đạo hai nước đưa ra tuyên bố chung « phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên » và « thiết lập quan hệ mới » giữa hai nước.
Tuy nhiên, do không đạt được thỏa thuận về điều kiện Mỹ giảm nhẹ trừng phạt đổi lại Bắc Triều Tiên phải đáp ứng như thế nào, cuối cùng thượng đỉnh lần thứ hai, diễn ra tại Hà Nội, đã thất bại.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190717-my-trieu-washington-hy-vong-tiep-tuc-doi-thoai-cho-du-binh-nhuong-de-doa

Canada điều tra nhà nghiên cứu Trung Cộng

làm việc tại phòng thí nghiệm quốc gia

Tin Manitoba, Canada – Việc một nhà nghiên cứu Trung Cộng bị áp giải ra khỏi phòng thí nghiệm của bà ta tại Canada đang ngày càng gây chú ý, sau khi cảnh sát địa phương mở cuộc điều tra và cho biết có khả năng một vụ vi phạm chính sách đã xảy ra tại cơ sở này.
Bà Qiu Xiangguo, một tiến sĩ y khoa và là một nhà nghiên cứu virus, đã bị áp giải ra khỏi Phòng thí nghiệm vi sinh quốc gia Canada tại Winnipeg vào đầu tháng này. Bà Qiu cùng người chồng kiêm đồng nghiệp là ông Cheng Keding, và một số nghiên cứu sinh người Trung Cộng, vào ngày 5 tháng 7 đã bị áp giải ra khỏi Phòng thí nghiệm quốc gia, cũng là cơ sở nghiên cứu virus thuộc cấp 4 duy nhất của Canada.
Đến thứ Hai, 15 tháng 7, Đại học Manitoba cho biết trường sẽ cắt đứt mọi liên hệ với nhà nghiên cứu Trung Cộng này cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất. Trường đại học Manitoba thông báo, hợp đồng giảng dạy với bà Qiu đã bị đình chỉ, và mọi sinh viên mà bà ta đang hướng dẫn sẽ được chuyển qua các giáo sư khác.
Sự việc của bà Qiu đã dẫn đến các lời đồn đoán về hoạt động gián điệp của Trung Cộng tại Canada, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang căng thẳng vì vụ Canada bắt giữ giám đốc Huawei Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Cảnh sát quốc gia Canada cho biết, cơ quan này đang điều tra theo yêu cầu từ Bộ Y Tế, về khả năng một vụ vi phạm chính sách đã xảy ra tại cơ sở nghiên cứu virus. Phòng thí nghiệm quốc gia Canada là nơi nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm nhất đối với con người và động vật, ví dụ như virus Ebola. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/canada-dieu-tra-nha-nghien-cuu-trung-cong-lam-viec-tai-phong-thi-nghiem-quoc-gia/

Christine Lagarde từ chức giám đốc IMF

Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 16/7 đệ đơn từ chức, dẫn ra lí do rằng có nhiều phần rõ ràng là bà sẽ được đề cử làm lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Bà Lagarde cho biết quyết định từ chức của bà có hiệu lực vào ngày 12 tháng 9, phát tín hiệu chính thức để IMF khởi động tìm kiếm người kế nhiệm, có thể là một người Châu Âu khác.
“Với nhiều sự rõ ràng hơn về quy trình đề cử tôi làm Chủ tịch ECB và khoảng thời gian cần cho việc này, tôi đưa ra quyết định này vì lợi ích cao nhất của Quỹ,” bà Lagarde nói trong thông cáo.
Bà nói việc từ chức của bà sẽ đẩy nhanh việc lựa chọn người đứng đầu IMF tiếp theo.
Việc kế nhiệm ở IMF dự kiến sẽ là một chủ đề thảo luận chính giữa các Bộ trưởng Tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương của nhóm các nước G7 họp vào thứ Tư và thứ Năm tại Chantilly, Pháp, trong bối cảnh có những lo ngại rằng tăng trưởng toàn cầu chậm chạp và xung đột thương mại sẽ gây áp lực cho các nền kinh tế dễ bị tổn thương.
Nghị viện Châu Âu sẽ tổ chức một cuộc biểu quyết không ràng buộc về việc chuẩn thuận bà Lagarde, dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo EU chung quyết tại một hội nghị thượng đỉnh thường kì vào ngày 17-18 tháng 10.
Kể từ khi thành lập vào cuối Thế chiến thứ hai, IMF vẫn được lãnh đạo bởi một người Châu Âu, trong khi tổ chức ‘chị em’ là Ngân hàng Thế giới, được lãnh đạo bởi một người Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/christine-lagarde-tu-chuc-giam-doc-imf/5003147.html

Tổ Chức Thương Mại Thế Giới :

 ”Cải tổ khẩn cấp hay là chết”

Trọng Thành
Hội nghị bộ trưởng Tài Chính khối G7 khai mạc hôm nay 17/07/2019 tại Pháp. Một trong các chủ đề lớn ám ảnh hội nghị bảy cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới là tình trạng khủng hoảng trầm trọng của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), rường cột của hệ thống thương mại tự do toàn cầu hiện nay.
Ủy viên Thương Mại Châu Âu Cecilia Malmström hôm qua, tại Paris, trong hội nghị kỷ niệm 75 năm các thỏa thuận thương mại Bretton Woods, đặt nền móng cho hệ thống kinh tế thế giới sau Thế Chiến Hai, khẳng định là WTO đang « khủng hoảng sâu sắc » và kêu gọi cộng đồng quốc tế thừa nhận điều này.
Ủy viên Thương Mại châu Âu nhấn mạnh đến một vấn đề then chốt : chỉ còn ít tháng nữa, cụ thể là vào tháng 12/2019, cơ quan phân xử tranh chấp (ORD) của WTO sẽ rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, ít nhất là tạm thời, do việc Hoa Kỳ không ủng hộ việc bổ nhiệm các thẩm phán mới vào cơ quan tài phán này. Theo quan chức châu Âu nói trên, nếu xảy ra, đây sẽ là một điều tồi tệ, đặc biệt là « đối với các nước nhỏ và các nước đang phát triển ».
Về mặt nguyên tắc, một thẩm phán của cơ quan phân xử tranh chấp của WTO, thường được mệnh danh là « Tòa án tối cao của thương mại quốc tế », chỉ có thể được bổ nhiệm với sự đồng thuận của toàn bộ 164 quốc gia thành viên của định chế này. Để hoạt động phán xử được tiến hành đúng thủ tục, cần tối thiểu ba thẩm phán. Hiện tại, trong số bảy thẩm phán, chỉ còn đúng ba người đang làm việc.
Nguyên lãnh đạo số hai của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Anne Krueger cũng cảnh báo cộng đồng quốc tế là định chế này hiện đang trên đường tê liệt, và gần như trở nên vô dụng. Bà Anne Krueger, hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học John Hopkins, Washington, kêu gọi « cải cách khẩn cấp » định chế này, bởi một khi WTO tê liệt, các quốc gia có thể đơn phương đưa ra các biện pháp bảo hộ thương mại, mà không sợ các trừng phạt quốc tế.
Cho đến nay, bất chấp những lời kêu gọi khẩn thiết cũng như các chỉ trích của giới lãnh đạo kinh tế, thương mại quốc tế, chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump hoàn toàn không hưởng ứng. Tổng thống Trump chủ trương ưu tiên việc giải quyết các vấn đề của nước Mỹ thông qua các quan hệ song phương, chứ không phải bằng các cơ chế đa phương mà cộng đồng quốc tế dày công xây dựng từ hơn nửa thế kỷ qua. Đặc biệt là cuộc chiến cũng như việc tìm kiếm các thỏa hiệp về thương mại giữa Washington và Bắc Kinh hiện nay hoàn toàn diễn ra bên ngoài định chế WTO.
Trước nguy cơ hệ thống thương mại quốc tế tan vỡ, Ủy viên Thương Mại châu Âu Malmström khẳng định lập trường của châu Âu là không khoanh tay chờ đợi Mỹ và Trung Quốc. Liên Hiệp Châu Âu đang nỗ lực tạo lập cùng một số quốc gia khác như Canada, Nhật Bản, hay các nhóm các quốc gia Nam Mỹ trong khối Mercosur các thỏa thuận thương mại đa phương để tiếp tục thúc đẩy nền thương mại toàn cầu.
Cũng có mặt trong cuộc hội thảo nói trên, phó tổng giám đốc WTO, ông Alan Wolf, người Mỹ, lên tiếng trấn an là sau ngày 11/12, với việc không có đủ thẩm phán, « Tòa án tối cao của thương mại quốc tế », vẫn tiếp tục thụ lý các tranh chấp đã có, cho dù ông cũng ngầm thừa nhận là cơ quan này sẽ không còn đủ khả năng tiếp nhận các hồ sơ kiện mới.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190717-to-chuc-thuong-mai-the-gioi-cai-to-khan-cap-hay-la-chet

Bà Ursula von der Leyen

đắc cử Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu

Chính khách Ursula von der Leyen của Đức đã được bầu làm Chủ tịch ủy ban EU với kết quả sít sao sau một cuộc bỏ phiếu kín giữa các Nghị sỹ Quốc hội châu Âu (MEPs).
Bộ trưởng quốc phòng thuộc phe trung hữu sẽ thay thế Chủ tịch Ủy ban Jean-Claude Juncker vào ngày 01/11/2019 và là phụ nữ đầu tiên ngồi vào chiếc ghế quyền lực này.
Bà có được sự ủng hộ của hơn một nửa số thành viên của quốc hội châu Âu vào tối thứ Ba, 16/7.
Ứng viên Chủ tịch Uỷ ban châu Âu sẵn sàng gia hạn Brexit
Đó là một trách nhiệm lớn và công việc của tôi bắt đầu ngay bây giờChủ tịch đắc cử UB Châu Âu
Nữ chính khách quý tộc Đức được đề cử lãnh đạo Ủy ban EU
Bầu cử châu Âu: Đảng cánh hữu ‘thắng lớn ở Pháp và Italy’
Ủy ban EU soạn thảo luật pháp EU, thực thi các quy tắc của khối này và có quyền áp đặt các trừng phạt đối với các quốc gia thành viên, nếu cần thiết.
‘Trách nhiệm lớn’
“Đó là một trách nhiệm lớn và công việc của tôi bắt đầu ngay bây giờ”, bà von der Leyen nói trong một bài phát biểu ngay sau cuộc bỏ phiếu. “Chúng ta hãy làm việc cùng nhau một cách xây dựng.”
Bà đã được xác nhận kết quả với tỷ lệ 383 phiếu bầu cho 327.
Bà đã cần 374 nghị viên châu Âu ủng hộ trong tổng số 747 nhà lập pháp.
Tổng cộng, 751 phiếu đã được bầu vào tháng Năm, nhưng bốn nghị viên châu Âu đã vắng mặt trong cuộc bỏ phiếu.
Sinh ra ở Brussels, bà von der Leyen có bảy người con và được đào tạo thành bác sĩ phụ khoa trước khi tham gia chính trường.
Bà là phụ nữ đầu tiên được bầu làm chủ tịch Ủy ban châu Âu.
Bà hứa sẽ thúc đẩy EU đóng một vai trò lớn hơn trong phúc lợi xã hội, để giải quyết vấn đề nghèo đói và nhấn mạnh rằng bà sẽ đứng lên vì quyền của phụ nữ.
Trong một bài phát biểu tại quốc hội châu Âu trước đó cùng ngày thứ Ba, bà von der Leyen đã đưa ra một số cam kết quan trọng khác:
Bà nói sẽ thúc đẩy trao cho Nghị viện châu Âu “quyền chủ động” – nghĩa là Ủy ban sẽ phải lập pháp về các nghị quyết của các nghị viên châu Âu; Hiện tại chỉ có Ủy ban có thể soạn thảo luật.
Về việc di cư bất thường sang EU, bà nói rằng bà sẽ tăng lực lượng biên giới của EU lên 10.000 nhân viên vào năm 2024, nhưng nói rằng “chúng ta cần bảo vệ quyền tị nạn thông qua các hành lang nhân đạo”
Bà cũng đưa ra một “chương trình tái bảo hiểm” của EU để củng cố các chương trình bảo hiểm quốc gia cho người thất nghiệp.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49006997

Vai trò ngày càng tăng của EU ở Biển Đông

Yêu cầu của EU đòi phải được thừa nhận là một bên tham gia về chính trị và an ninh ở châu Á không phải là mới. Tham vọng của họ có một ghế tại EAS và gần đây hơn là địa vị quan sát viên tại Nhóm chuyên gia ADMM+ là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận, xoay quanh đòi hỏi chính là thừa nhận giá trị thực tế của EU đối với an ninh khu vực. Bởi vậy, việc xem xét kỹ lưỡng các chính sách và hành động của EU ở Biển Đông là điều hợp lôgích.
Tóm tắt
- Liên minh châu Âu (EU), khối thương mại lớn nhất thế giới, có lợi ích sống còn trong việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do, an toàn và ổn định. Trong quá khứ, EU thường bị cáo buộc “ngồi không hưởng lợi” trước các nỗ lực của Mỹ, gần đây họ đã trở nên chủ động hơn – kết quả của chính sách đối ngoại thực dụng hơn của tổ chức này, sự cảnh báo lớn hơn đối với khả năng gây gián đoạn của Trung Quốc và tham vọng gia tăng ảnh hưởng an ninh của nước này ở châu Á.
- Trong khi lập trường của Brussel đối với vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ cam kết theo nguyên tắc đối với pháp quyền, những chia rẽ giữa các nước thành viên đã ngăn cản EU đưa ra một chính sách thống nhất và gắn kết đối với những điểm nóng an ninh đang bùng cháy của khu vực.
- Do nhiều hạn chế về cơ cấu và hoạt động của mình, đóng góp của châu Âu trong việc giảm bớt căng thẳng khu vực diễn ra dưới hình thức các biện pháp an ninh đa dạng hóa, có giới hạn ở cấp hai khu vực (EU-ASEAN) và đa phương (trong nội bộ ARF).
- Sự hiện diện và các hoạt động quân sự của hải quân Pháp và Anh trong các vùng biển khu vực phục vụ những lợi ích của EU và chứng minh cho những lo ngại ngày càng tăng ở châu Âu đối với việc tôn trọng quyền tự do hàng hải (FON) và việc áp dụng chung luật pháp quốc tế.
- Khi EU nỗ lực có được địa vị quan sát viên tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), việc xây dựng khả năng, chia sẻ kinh nghiệm và cách làm tốt nhất trong các lĩnh vực an ninh hàng hải phi truyền thống thiết thực vẫn là những nền tảng cho việc tăng cường sự hợp tác an ninh chính trị với Đông Nam Á.
Giới thiệu
EU luôn có lý do để quan tâm đến các diễn biến ở Biển Đông. Khối thương mại lớn nhất thế giới này có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ các hành lang vận chuyển bằng tàu tự do, an toàn và ổn định, đặc biệt là các hành lang nối khu vực này với các “nhà máy điện” kinh tế ở Đông Á. Các nước Đông Bắc Á tạo nên thị trường xuất khẩu và là nguồn FDI quan trọng nhất của EU, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối, và chỉ riêng thương mại với Nhật Bản chiếm 25% GDP toàn cầu. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU.
Ngoài lợi ích kinh tế, Brussels cũng có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định khu vực, bắt nguồn từ việc EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Cuối cùng và quan trọng nhất là lý do căn bản đằng sau các tranh chấp Biển Đông: Chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc và mối đe dọa mà nước này gây ra cho trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc đã khiến châu Âu, tự đặt mình vào vị trí là một siêu cường quy chuẩn, phải cảnh giác.
Trong khi có rất nhiều lý do giải thích cho lợi ích của EU ở Biển Đông, những hành động của họ lại ít rõ ràng hơn. Thiếu các nguồn lực quân sự phù hợp, EU chủ yếu được coi là “một đối tác về giá trị”, chỉ có thể có những đóng góp hạn chế cho “câu đố” an ninh khu vực. Hơn nữa, tiềm năng của khối này lại bị xói mòn do khó khăn của các nước châu Âu trong việc duy trì một lập trường thống nhất mạnh mẽ đối với Trung Quốc, như có thể được thấy trong phản ứng yếu ớt của EU đối với phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) hồi tháng 7/2016. Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi kể từ năm 2016. Brussels đã trở nên cảnh giác hơn trước tiềm năng gây gián đoạn của Trung Quốc và thực hiện một chính sách đối ngoại thận trọng hơn. Một số diễn biến bên trong cũng như bên ngoài đã thúc đẩy sự hợp nhất về an ninh và phòng thủ của EU, tăng cường uy tín của tổ chức này với tư cách là bên tham gia an ninh toàn cầu.
Khi EU mong muốn có được địa vị quan sát viên tại diễn đàn ADMM+ và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), điều quan trọng đối với họ là đánh giá lại đóng góp của mình đối với an ninh khu vực – và trường hợp Biển Đông là một nghiên cứu tình huống hữu ích. Lập trường của EU là rõ ràng ở ba cấp độ. Thứ nhất là một số nước thành viên gia tăng hoạt động trên biển trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON). Thứ hai là tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống mang chức năng khác nhau. Cuối cùng, châu Âu tiếp tục là bên có sức nặng quy chuẩn toàn cầu, điều có thể là một trong những tài sản lớn nhất của họ xét tới trật tự dựa trên nguyên tắc quốc tế mong manh hiện nay.
Giữa nguyên tắc và thực tiễn
Như với hầu hết các bên tham gia quốc tế không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, EU không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với các vấn đề chủ quyền. Là một bên tham gia có sức nặng quy chuẩn và là bên tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Brussels luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Năm 2012, Đường lối chỉ đạo chính sách Đông Á khuyến khích các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, hối thúc Trung Quốc và ASEAN nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý. Chiến lược an ninh hàng hải EU 2014 xây dựng dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ UNCLOS cũng như quyền tự do hàng hải, coi đó là cơ sở cho môi trường toàn cầu ổn định.
Cuối cùng, Chiến lược toàn cầu EU (EUGS) hiện nay, được công bố hồi tháng 6/2016, cam kết một cách cụ thể “ủng hộ tự do hàng hải, kiên trì tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Luật biển và các thủ tục tố tụng của nó, khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp biển”. Chiến lược này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng năng lực biển và hỗ trợ một cơ cấu an ninh khu vực do ASEAN dẫn đầu”.
Những nguyên tắc này được phản ánh bao nhiêu trong chính sách đối ngoại của EU? Việc EU không ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của PCA đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 7/2016 – chỉ vài tuần sau khi EUGS được công bố – là điều gây thất vọng. Sau một loạt tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế của Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini trước khi phán quyết được đưa ra (cả mang tính cá nhân lẫn trong nội bộ G7), tuyên bố chính thức cuối cùng của Brussels đã bị suy yếu bởi những khác biệt giữa các nước thành viên vốn lo ngại về việc gây phương hại cho mối quan hệ của họ với Bắc Kinh.
Phải chăng Brussels đã thất bại trong bài kiểm tra về khả năng của họ trong việc đóng vai trò lớn hơn về an ninh ở châu Á? Mặc dù quả thật nó phần nào đã làm xói mòn uy tín của EU là một bên tham gia có sức nặng quy chuẩn, nhưng nó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh hữu ích, đưa đến một cuộc tranh cãi công khai hết sức cần thiết trên toàn khu vực. Chính sách đối ngoại và các hoạt động theo chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã phá hoại sự thống nhất và cố kết chính trị của châu Âu. Nhưng dù sao, nó cũng góp phần mở đường cho một chính sách đối ngoại thận trọng và chủ động hơn.
Các mối quan hệ song phương với Bắc Kinh và những lợi ích của cá nhân các nước thành viên tiếp tục chi phối mạnh mẽ việc ra quyết định của EU. Vấn đề châu Âu bán vũ khí cho các nước có tuyên bố chủ quyền của Đông Nam Á và chuyển giao công nghệ lưỡng dụng cho Trung Quốc – có thể được cho là góp phần tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, làm rõ hơn nữa sự mơ hồ trong chính sách của Brussels đối với các điểm nóng khu vực.
Tuy nhiên, một sự thay đổi đang diễn ra tiến tới cách tiếp cận có cơ sở, thực tế hơn đối với các vấn đề toàn cầu, như được thể hiện trong EUGS và các nguyên tắc chỉ đạo của nó. Chẳng hạn như, cái mà một số người gọi là “chính sách chính trị thực dụng mang đặc điểm châu Âu”, khái niệm “chủ nghĩa thực dụng theo nguyên tắc” đã hạ thấp mức độ tham vọng liên quan đến việc thúc đẩy dân chủ hóa, và thừa nhận tầm quan trọng của sức mạnh cứng, hối thúc cần có quyền tự trị chiến lược lớn hơn đối với EU. Trong bối cảnh Biển Đông, điều
này về cơ bản có nghĩa là để EU tiếp tục can dự với Trung Quốc đồng thời duy trì sự đàm luận theo quy chuẩn và ngầm ủng hộ các hành động quân sự của các nước thành viên Liên minh.
Những nguyên tắc khác của Chiến lược toàn cầu cũng được phản ánh trong cách tiếp cận đa dạng hóa của EU đối với vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như cần xây dựng “tính kiên cường” ở các đối tác nước ngoài (việc xây dựng năng lực của các nước Đông Nam Á), ủng hộ “trật tự khu vực mang tính hợp tác” (sự hội nhập chính trị và an ninh của ASEAN) và “có đóng góp thực tế lớn hơn” cho an ninh hàng hải khu vực.
Mọi người vì một người, một người vì mọi người
Bất chấp sự hội nhập gia tăng về an ninh và phòng thủ kể từ năm 2016, EU vẫn còn lâu mới đạt được ước mơ lịch sử của mình là có một “quân đội châu Âu”. Với trường hợp ngoại lệ là các phái đoàn quân sự ngẫu hứng (hiện là EUNAVFOR SOPHIA ở Địa Trung Hải và EUNAVFOR ATALANTA ngoài khơi bờ biển Somali), EU không phải là một nhà nước độc lập và không có bất kỳ lực lượng hải quân thường trực nào.
Nhận thức được những hạn chế trong hoạt động, Chiến lược an ninh hàng hải EU công khai khuyến khích các nước thành viên “đóng vai trò chiến lược trong việc đem lại tầm với toàn cầu, tính linh hoạt và khả năng tiếp cận”cho Liên minh, và sử dụng các lực lượng vũ trang của mình để “hỗ trợ quyền tự do hàng hải và đóng góp cho sự quản trị toàn cầu bằng cách răn đe, ngăn chặn và chống lại các hoạt động bất hợp pháp”. Hai trong ba nước thành viên có năng lực hải quân viễn dương hiện can dự tích cực vào việc bảo vệ FON ở Biển Đông.
Pháp, với các vùng lãnh thổ trải khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 9 triệu km2, sự hiện diện quân sự thường trực ở New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp, tự coi mình là một bên tham gia an ninh hàng hải khu vực hợp pháp, “đủ lông đủ cánh”. Thường xuyên quá cảnh tại các vùng biển khu vực, kể từ năm 2016 Paris đã và đang lớn tiếng ủng hộ việc bảo vệ FON, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Jean-Yves Le Drian chỉ rõ tác động nguy hiểm của hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và xa hơn nữa, trong đó có Bắc cực và Địa Trung Hải.
Ngoài việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của riêng nước Pháp, Le Drian hối thúc châu Âu đóng vai trò chủ động hơn nữa trong khu vực, khuyến khích các lực lượng hải quân “phối hợp nỗ lực nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên và rõ ràng trong lĩnh vực hàng hải của châu Á”. Trong một động thái mang tính tượng trưng, sứ mệnh Jeanne d’Arc, được thực hiện hồi tháng 4/2017, bao gồm 52 nhân viên Hải quân Hoàng gia, 12 sĩ quan của các nước châu Âu khác nhau và một quan chức EU (Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương), tiến hành hoạt động đi qua Biển Đông.
Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cam kết tiếp tục các cuộc diễn tập, gia nhập lực lượng với Anh, chia sẻ “tầm nhìn, giá trị và sự sẵn sàng đạt được các mục tiêu đó”. Cả hai nước cũng chia sẻ các mối quan hệ đối tác phòng thủ chặt chẽ với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ. Bất chấp khả năng Anh rời khỏi EU, những lợi ích an ninh của nước này vẫn gắn chặt với các lợi ích của châu Âu. Anh cũng ràng buộc về hợp tác phòng thủ với Pháp bởi các hiệp định Lancaster House 2010.
Anh, cũng là “ngôi nhà” của các vùng biển khu vực và là thành viên tích cực trong FPDA (Hiệp định phòng thủ 5 nước gồm Anh, úc, New Zealand, Malaysia và Singapore), gần đây hơn đã có sự hiện diện nước ngoài ở Biển Đông, với việc hồi tháng 8/2018 triển khai 3 tàu nhằm phát đi “những tín hiệu mạnh mẽ nhất” về tầm quan trọng của tự do hàng hải. Việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của nước Anh trong thế giới hậu Brexit. Chiến lược “nước Anh toàn cầu” cần tăng cường hợp tác quốc phòng thủ với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương nếu Anh muốn làm yên lòng họ về cam kết lâu dài của mình đối với an ninh khu vực và các giá trị chung.
Trong khi động lực thúc đẩy và hình thức các hoạt động FON của Pháp và Anh khác nhau, họ gửi đi cùng một thông điệp, đáp ứng những lợi ích của tất cả các nước thành viên EU. Do những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông kể từ đầu năm 2019, việc các nước có cùng tư tưởng hình thành một mặt trận thống nhất bảo vệ FON và tuân thủ luật pháp quốc tế chung được coi là điều quan trọng. Mặc dù Brussels và Washington có thể khác nhau về lập trường và cách đối xử hiện nay của họ với Trung Quốc, nhưng họ đều có chung lợi ích trong việc duy trì một môi trường hàng hải toàn cầu tự do, dựa trên nguyên tắc.
Hơn bao giờ hết, quyết tâm này có thể được cảm nhận ở Đối thoại Shangri-La mới đây. Trong bối cảnh đối địch công khai giữa Mỹ và Trung Quốc, các đại diện từ Paris, London và Brussels đều phát tín hiệu thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ và vai trò của châu Âu trong sự ổn định khu vực. Trong một bài phát biểu hùng hồn, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Parly đã tái đảm bảo sự kiên trì của Pháp trong việc bảo vệ quyền tự do của các vùng biển khu vực và cam kết sẽ gia tăng nhiều lần các hành động của Pháp tại Biển Đông. Bằng việc đến Singapore với tàu sân bay Charles de Gaulle và một đội tàu tấn công đầy đủ, Pháp đang tìm cách nhấn mạnh uy tín và ý định của mình là “nói đi đôi với làm”.
Không chỉ là vẻ bề ngoài
Mặc dù tàu chiến trở thành tin tức hàng đầu và các cuộc tập trận hải quân có tầm quan trọng then chốt mang tính biểu tượng, nhưng FON không phải là vấn đề duy nhất ở Biển Đông. Tình trạng bế tắc về ngoại giao do những tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết, việc khai thác cá quá mức, đánh bắt cá bất hợp pháp, không thông báo và vô nguyên tắc (IUU), tận diệt môi trường tự nhiên biển và nhìn chung thiếu sự quản lý chỉ là một vài ví dụ về những thách thức không thể giải quyết được thông qua biện pháp quân sự.
Nếu châu Âu trên thực tế đóng góp vào sự ổn định khu vực, thì họ sẽ phải tận dụng tốt nhất kinh nghiệm mở rộng của mình trong việc ngăn chặn khủng hoảng, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cùng tham gia phát triển các nguồn lực, đưa ra ý kiến chuyên môn về luật pháp quốc tế và quản trị tốt trên biển. Tăng cường năng lực và chia sẻ cách làm tốt nhất trong tất cả các lĩnh vực trên chính là thứ mà châu Âu phải làm và cố gắng làm: cả ở cấp độ đa phương, với ASEAN và trong nội bộ ARF, cũng như với mỗi nước Đông Nam Á.
Tuy nhiên, ASEAN vẫn là bên đối thoại chính. An ninh hàng hải là ưu tiên then chốt trong việc tăng cường hợp tác chính trị và an ninh trong Kế hoạch hành động ASEAN-EU 2018-2022, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền, FON và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cùng với những vấn đề khác. Kể từ năm 2013, EU đã tổ chức 5 vòng Đối thoại cấp cao EU-ASEAN về hợp tác an ninh hàng hải, giải quyết vấn đề an ninh cảng biển, thực thi pháp luật trên biển, quản lý tài nguyên biển và ngăn chặn xung đột. An ninh hàng hải, ngoại giao phòng ngừa và trung gian hòa giải là tâm điểm của các cuộc hội thảo EU-ASEAN về vấn đề an ninh và phòng thủ được trường Đại học An ninh và Phòng thủ châu Âu (ESDC) tổ chức hàng năm kể từ năm 2014. Cuối cùng, Công cụ đối thoại EU-ASEAN khu vực tăng cường (E-READI) là một nền tảng khác nhằm thúc đẩy sự hội nhập chính trị-an ninh của ASEAN, tập trung cụ thể hơn vào chính sách ngư nghiệp, đánh bắt cá IUU và môi trường tự nhiên biển.
Trong năng lực hiện nay với tư cách là đồng chủ tịch Nhóm giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải (cùng với Việt Nam và Úc), EU đã và đang tổ chức một loạt hội thảo về thực thi pháp luật trên biển, thúc đẩy chia sẻ cách thức hành động tốt nhất và các biện pháp cụ thể để giảm bớt căng thẳng khu vực, tăng cường nhận thức về biển (MDA), mối liên hệ giữa đất liền và biển, dân sự và quân sự (cách tiếp cận toàn diện của EU đối với việc giải quyết khủng hoảng trên biển) và đánh bắt cá IUU.
An ninh hàng hải và ngăn chặn xung đột nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của EU khi làm việc với từng nước đối tác Đông Nam Á. Hợp tác với Việt Nam đặc biệt “cất cánh” kể từ năm 2012. Là một phần của việc làm sâu sắc các mối quan hệ song phương, “Bộ phận đối thoại chiến lược EU-Việt Nam” đã tổ chức các cuộc hội thảo cấp cao quốc tế hàng năm về vấn đề an ninh hàng hải, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ cụ thể và chia sẻ kỹ năng và cách làm tốt nhất.
Cuối cùng, giá trị quy chuẩn của châu Âu không nên bị đánh giá thấp. Nếu việc bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc toàn cầu là lợi ích chiến lược rõ ràng, thì sự can dự của nó vào việc thúc đẩy quản trị đại dương quốc tế lại ít được biết đến. Năm 2016, EU đã đi đầu trong việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 14 (“chương đại dương”) trên toàn cầu. Mặc dù các vấn đề như chính trị yếu kém, quản lý mang tính cộng tác, dựa trên hệ sinh thái đối với các nguồn tài nguyên biển sống, cùng nghiên cứu và thu thập dữ liệu, cũng như hợp tác để bảo vệ môi trường biển giàu có của Biển Đông, không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với việc duy trì Biển Đông, chúng còn ngày càng được thừa nhận về khả năng làm giảm bớt căng thẳng khu vực.
Kết luận
Yêu cầu của EU đòi phải được thừa nhận là một bên tham gia về chính trị và an ninh ở châu Á không phải là mới. Tham vọng của họ có một ghế tại EAS và gần đây hơn là địa vị quan sát viên tại Nhóm chuyên gia ADMM+ là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận, xoay quanh đòi hỏi chính là thừa nhận giá trị thực tế của EU đối với an ninh khu vực. Bởi vậy, việc xem xét kỹ lưỡng các chính sách và hành động của EU ở Biển Đông – điểm nóng an ninh nghiêm trọng nhất của khu vực – là điều hợp lôgích.
Trong thời gian dài, lập trường của ASEAN đối với tư cách thành viên của EU tại các diễn đàn này là nghi ngờ về sự gắn kết của Liên minh, do thành tích không may mắn của nó là hứa quá nhiều mà không làm được bao nhiêu. Hơn nữa, bị lôi kéo bởi các bên tham gia bên ngoài quan trọng khác (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc), ASEAN không coi châu Âu, vốn vẫn là một bên tham gia không đáng kể đối với an ninh toàn cầu, là bên tham gia chủ chốt để can dự.
Nhưng thời gian đã thay đổi và môi trường an ninh khu vực đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Trong khi những căng thẳng địa chính trị vẫn là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của bức tranh chiến lược Đông Nam Á, các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống đang nổi lên ngày càng ám ảnh ban lãnh đạo ASEAN, và những nỗ lực nhằm gạt vấn đề chủ quyền sang một bên và tập trung vào ngăn chặn xung đột, hợp tác và đối thoại chức năng ở Biển Đông đã và đang giành được chỗ đứng.
Quan trọng hơn, thái độ của châu Âu đối với ASEAN và các nước thành viên của tổ chức này đã có tiến triển. Một khi tự đặt mình vào vị trí là một “đối tác tự nhiên” tự phong, Brussels đã nhận thấy rằng nếu họ muốn được nhìn nhận một cách nghiêm túc, họ phải vượt ra khỏi những cử chỉ chính trị sáo rỗng, và thay vào đó có những hành động cụ thể, thực tế để chứng minh khả năng của mình đem đến sự thay đổi tích cực.
Bất chấp sự bàn luận về vấn đề an ninh được khôi phục ở Brussels, EU vẫn không phải là một bên tham gia truyền thống về an ninh và chắc chắn không phải là người làm thay đổi cuộc chơi chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tư duy sáng tạo của nó về các vấn đề phi truyền thống, chẳng hạn như đường hướng toàn diện đối với việc xử lý khủng hoảng (rõ nhất là trong sứ mệnh chống cướp biển ATALANTA), sự tinh thông về một trật tự tốt đẹp ngoài biển, giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cùng phát triển các nguồn tài nguyên và quản lý ngư nghiệp có thể là một sự đóng góp có giá trị và lâu dài cho an ninh biển khu vực – ở Biển Đông và xa hơn nữa.
ADMM + là một nền tảng lý tưởng để các bên tham gia bên ngoài can dự với ASEAN trong các vấn đề an ninh phi truyền thống, và chắc chắn là EU có những kỹ năng tác chiến đầy đủ, sự tinh thông và nguồn lực để cung cấp đầu vào có giá trị. Giờ đây khi ASEAN nhận ra những lợi ích tiềm tàng của các nước không thuộc ADMM+ đang quan sát các hành động của Nhóm chuyên gia, sự can dự của Brussels đáng được cân nhắc trong bối cảnh an ninh mới và với một tư duy cởi mở.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29322-vai-tro-ngay-cang-tang-cua-eu-o-bien-dong.html

Pháp : Elisabeth Borne, tân bộ trưởng Môi trường

Tú Anh
Tại Pháp, bà Elisabeth Borne, bộ trưởng bộ Giao Thông được kiêm nhiệm chiếc ghế bộ trưởng bộ Môi Trường, vài giờ sau khi đồng sự François de Rugy từ chức vì tai tiếng lạm quyền lúc còn là chủ tịch Hạ Viện.
Theo thông cáo của điện Elysée công bố chiều 16/07/2019, qua đề nghị của thủ tướng, tổng thống Pháp đã chấp thuận cho bộ trưởng quốc vụ François de Rugy từ chức và bổ nhiệm bà Elisabeth Borne, bộ trưởng Giao Thông lên thay.
Ông François de Rugy bị báo mạng Mediapart tố cáo sử dụng công quỹ tiêu xài xa hoa cho cá nhân, đã xin từ chức bộ trưởng. Ông lý giải là cần được tự do để tranh đấu tự vệ trước pháp luật chống lại sự « vu khống » của truyền thông và cho biết đã kiện Mediapart.
Người thân cận của Ségolène Royal và hồ sơ COP21
Tiếp tục đứng đầu bộ Giao Thông, tân bộ trưởng bộ Môi Trường không phải là người xa lạ của phong trào sinh thái và chống biến đổi khí hậu.
Năm nay 58 tuổi, tốt nghiệp Trường Bách Khoa năm 1981, xuất thân là công chức cao cấp gần gũi với cánh tả xã hội, bà Elisabeth Borne là người hoạt động trên thực địa trước khi trở thành chánh văn phòng của bộ trưởng Môi Trường Ségolène Royal (thời tổng thống François Hollande), mà thành tựu lớn nhất là hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu Paris COP21.
Hai lần được bổ nhiệm tỉnh trưởng, bà Elisabeth Borne cũng từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng lãnh vực giao thông, như giám đốc chiến lược của công ty đường sắt SNCF trong thập niên 2000, chủ tịch hệ thống xe điện ngầm Metro-Paris (RATP) năm 2015.
Trong chính phủ Edouard Philippe, bà đã hoàn thành được trọng trách cải cách ngành hỏa xa.
http://vi.rfi.fr/phap/20190717-phap-elisabeth-borne-tan-bo-truong-moi-truong

G7: Pháp muốn có một thỏa thuận quốc tế

về thuế GAFA

Trọng Thành
Hội nghị các bộ trưởng Tài Chính và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương khối G7, khai mạc hôm nay 17/07/2019, tại Pháp. Nhân dịp này, bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Pháp kêu gọi tìm kiếm « một giải pháp quốc tế » để đánh thuế các tập đoàn kỹ thuật số.
Theo AFP, phát biểu trong một hội thảo về kinh tế ở Paris hôm qua, bộ trưởng Pháp Bruno Le Maire khẳng định là ông rất tin tưởng trong dịp hội nghị G7, « chúng ta sẽ có thể tìm được một giải pháp quốc tế thỏa đáng và đồng thuận này, (…) sẽ mở đường cho một thỏa thuận tại OCDE – Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế », bao gồm các nền kinh tế tiên tiến của thế giới.
Bộ trưởng Kinh Tế Pháp nhấn mạnh là cần xây dựng một « hệ thống thuế khóa quốc tế » phù hợp với một mô hình kinh tế mới gắn liền với sự trỗi dậy của các tập đoàn kỹ thuật số, bởi hệ thống thuế khóa quốc tế – dựa trên mô hình kinh tế của thế kỷ XX – đã không còn phù hợp nữa. Bộ trưởng Pháp lưu ý đến một thực tế bất công là nhiều công ty lớn tạo ra nhiều lợi nhuận khổng lồ bằng cách bán dữ liệu, nhưng lại nộp thuế ít hơn so với các công ty vừa và nhỏ.
Bộ trưởng Pháp cũng lấy làm tiếc là Hoa Kỳ, hồi tuần trước đã mở một cuộc điều tra về quyết định đơn phương của Pháp (đưa ra ngày 11/07/2019) đánh thuế vào các tập đoàn thuộc nhóm GAFA (tên gọi tắt của các tập đoàn Google, Amazon, Facebook và Apple).
Bộ trưởng Kinh Tế và Tài Chính Pháp có cuộc họp với đồng nhiệm Mỹ Steven Mnuchin vào sáng nay, ngay trước phiên khai mạc hội nghị G7. Quan điểm mà Pháp thường xuyên nhắc lại là sẽ rút lại dự án đánh thuế GAFA chừng nào mà nhóm OCDE đạt được đồng thuận về vấn đề này. Theo kế hoạch, tổ chức OCDE sẽ phải đi đến một thỏa hiệp chung về vấn đề thuế GAFA vào năm tới 2020.
Bất bình đẳng và tăng trưởng giảm tốc
Nỗ lực giảm bất bình đẳng là một trong các chủ đề trọng tâm của hội nghị bộ trưởng Tài Chính G7 lần này, dưới sự chủ tọa của Pháp. Vấn đề bất bình đẳng không chỉ được đề cập dưới góc độ giữa các nước giàu và nước nghèo, mà ngay trong nội bộ các quốc gia phát triển, cụ thể như bất bình đẳng nam nữ, hay vấn đề minh bạch lương bổng.
Phiên khai mạc G7 cũng tập trung vào triển vọng tăng trưởng kinh tế hiện giảm tốc sẽ kéo dài, bất chấp việc Mỹ – Trung đạt thỏa thuận hưu chiến thương mại, do hàng loạt bất trắc khác, như Brexit hay căng thẳng trỗi dậy tại Trung Đông.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190717-phap-keu-goi-g7-mo-duong-cho-mot-thoa-thuan-quoc-te-ve-thue-danh-vao-nhom-gafa

Du khách Pháp đi Trung Quốc phải lấy dấu vân tay

Tuấn Thảo
Từ trước tới nay, người Pháp nào muốn đi du lịch tại Hoa Lục đều phải xin visa (chi phí 60€). Nhưng kể từ 15/07/2019 trở đi, thủ tục xin visa du lịch trở nên phức tạp hơn. Du khách Pháp buộc phải xin hẹn trước để lấy dấu vân tay tại các cơ quan có ủy quyền của sứ quán Trung Quốc.
Theo báo Le Figaro số đề ngày 16/07/2019, biện pháp mới này có nguy cơ làm cho thủ tục xin visa (30 ngày) nhập cảnh Trung Quốc càng trở nên rắc rối hơn và như vậy hạn chế số lượng du khách. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn một ngàn chuyến đi Trung Quốc đã bị hủy bỏ. Người Pháp vẫn có thể đi thăm nhiều quốc gia châu Á khác mà không cần xin visa.
Kể từ 15/07, cho dù du khách nước ngoài có hộ chiếu sinh trắc hay không, nhưng họ buộc phải lấy dấu vân tay trước khi lên máy bay sang Trung Quốc. Du khách Pháp được thông báo là không có dịch vụ làm visa tại chỗ (phi trường), cho nên họ không còn cách nào khác là phải hoàn tất hồ sơ xin visa nhập cảnh trước mỗi chuyến đi, trong đó có thủ tục quét dấu vân tay cho tập dữ liệu sinh trắc học.
Được thông báo hôm 28/06/2019, biện pháp mới này theo báo Le Figaro, càng gây khó khăn cho những người Pháp nào không sống tại 4 thành phố Paris, Lyon, Marseille và Strasbourg. Trước đây, các du khách Pháp sống ở các tỉnh thành thường phải thông qua các cơ quan được sứ quán Trung Quốc cho phép làm thủ tục visa. Đổi lại họ phải đóng 126€ gồm 60€ chi phí visa cộng thêm 66€ tiền dịch vụ. Giờ đây, một du khách ở thành phố Bordeaux chẳng hạn không có cách nào khác là phải chịu khó đến Lyon hay Marseille để lấy dấu vân tây, bên cạnh các chi phí visa thông thường.
Theo lời ông Jürgen Bachmann, Tổng thư ký liên đoàn các công ty lữ hành (SETO), hầu hết các chuyên viên trong ngành du lịch đều tỏ ra lo ngại trước biện pháp vừa được thông báo. Phía liên đoàn SETO cho biết đã yêu cầu Đại sứ quán Trung Quốc khoan áp dụng biện pháp này, sao cho các công ty lữ hành có đủ thời gian để tự tổ chức lại hầu thích nghi với tình huống mới. Trước mắt, chỉ trong hai tuần lễ, đã có 1.400 du khách đăng ký tour đi Trung Quốc bị hủy bỏ một cách đơn thuần.
Theo bà Josefa Casado, giám đốc hãng du lịch La Maison de la Chine, chi nhánh của nghiệp đoàn Les Maisons du Voyages, dĩ nhiên là công việc của các doanh nghiệp trở nên phức tạp hơn. Tuy nhiên, theo bà, một cách tương tự, du khách Trung Quốc muốn đến Pháp cũng phải làm thủ tục lấy dấu vân tay để xin visa vào không gian Schengen.
Hiện giờ, La Maison de la Chine là công ty du lịch Pháp duy nhất làm việc trực tiếp với China Bridge, trung tâm có ủy quyền của sứ quán để cấp visa đi Trung Quốc. Tại Paris, công ty này có thể nộp khoảng 20 hồ sơ mỗi ngày để làm thủ tục visa, cũng như có các dịch vụ giúp du khách điền đầy đủ một bảng câu hỏi gồm 9 trang in ra giấy hay theo văn bản điện tử.
Đối với thành phần du khách nào không thích làm thủ tục giấy tờ phức tạp, công ty du lịch La Maison de la Chine tổ chức tour du lịch đặc biệt mang tên là ‘‘Trung Quốc không visa’’. Tour này chủ yếu đưa du khách đi qua các thành phố cho phép du khách ‘‘quá cảnh’’ trong vòng 144 tiếng đồng hồ (6 ngày) mà khỏi phải xin visa nhập cảnh. Đó là các thành phố Thuợng Hải, Bắc Kinh, Thành Đô, Giang Tô, Liêu Ninh, Hàng Châu, Vũ Hán, Côn Minh. Do chỉ là quá cảnh, du khách buộc phải có một điểm đến thứ ba ngoài Hoa Lục, chẳng hạn như Hồng Kông, Macao hay bất kỳ một quốc gia châu Á khác.
Trên lãnh thổ Hoa Lục, địa điểm duy nhất du khách Pháp có thể đến trong 30 ngày mà vẫn không cần xin visa vẫn là Hải Khẩu trên đảo Hải Nam. Quy định này có hiệu lực kể từ 01/05/2018. Trước mắt, đối với du khách Pháp nói riêng, khách châu Âu nói chung, Trung Quốc vẫn chưa phải là một địa điểm du lịch hấp dẫn tại châu Á. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Indonesia hay Thái Lan có nhiều sức quyến rũ hơn nhiều…
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190716-khach-phap-di-trung-quoc-phai-lay-dau-van-tay

Nga: Ủy Ban Bầu Cử bác đơn ứng cử

của đối lập tại Matxcơva

Mai Vân
Ủy Ban Bầu Cử Nga vào hôm qua, 16/07/2019, đã ra quyết định bác đơn ứng cử của khoảng 30 nhà đối lập nhân cuộc bầu cử hội đồng thành phố ở Matxcơva vào tháng 9, với lý do là hàng trăm chữ ký thu thập được không hợp lệ. Những người bị bác đơn dĩ nhiên rất phẫn nộ và biểu tình phản đối được dự kiến vào thứ Bảy 20/07.
Thông tín viên RFI, Daniel Vallot, tường thuật từ Matxcơva :
« Đối với những ứng viên bị gạt ra khỏi cuộc bầu cử và những người ủng hộ họ, quyết định của Ủy Ban Bầu Cử không có cơ sở. Trong số những người bị bác đơn, có Ivan Jdanov, một luật sư thân cận với nhà đối lập Alexei Navalny.
Ông nói : « Tôi vừa nói trong cuộc mit-tinh là tôi rất phẫn nộ. Đây không phải chỉ là từ chối, mà là từ chối một cách vô lương tâm, tàn nhẫn và đáng xấu hổ. Sự thật là họ không muốn có những ứng viên thực thụ tham gia. Họ chỉ muốn những ứng viên không gây khó khăn cho đô trưởng Matxcơva ».
Trong số người đến ủng hộ ứng viên bị gạt khỏi cuộc bầu cử, có cô Yulia, đã không quản ngại cơn mưa như trút nước đổ xuống thủ đô Nga. Cô cũng rất bực tức :
« Tôi nghĩ là quyền của tôi, sự chọn lựa của tôi phải được nhà nước tôn trọng. Phải có công lý ở đất nước tôi đang sống. Sự chọn lựa của chúng tôi không được quan tâm. Điều này thúc đẩy tôi đấu tranh cho quan điểm của mình. Đó rất cần thiết ! »
Các ứng viên đối lập thông báo sẽ kháng cáo. Họ cũng kêu gọi những người ủng hộ xuống đường vào thứ Bảy này (20/07) ở Matxcơva. Những cuộc tập hợp hàng ngày cũng được dự kiến để duy trì sức ép lên chính quyền ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190717-nga-uy-ban-bau-cu-bac-don-ung-cu-cua-doi-lap-tai-matxcova

Bồ Đào Nha ngưng cấp visa

cho công dân Iran vì lý do an ninh

Bồ Đào Nha đình chỉ cấp visa nhập cảnh cho công dân Iran vì những lí do an ninh không được nêu rõ, Bộ trưởng Ngoại giao Augusto Santos Silva nói hôm 16/7 và cho biết thêm rằng bước đi này không liên quan đến quan hệ song phương giữa hai nước.
Trả lời câu hỏi của một nhà lập pháp tại ủy ban quốc hội về việc liệu bước đi này đã được thực hiện rồi hay chưa, ông Santos Silva nói: “Rồi, chúng tôi đã đình chỉ vì những lí do an ninh… Tôi sẽ cung cấp lời giải thích sau, nhưng không công khai.”
“Bồ Đào Nha không đùa giỡn với chuyện nhập cảnh lãnh thổ của mình,” ông nói thêm, không tiết lộ quyết định được đưa ra vào lúc nào.
Được các phóng viên đặt câu hỏi sau phiên điều trần, Bộ trưởng Santos Silva nói việc đình chỉ “không liên quan gì đến chất lượng mối quan hệ song phương của Bồ Đào Nha với Tehran.”
“Đây là một sự đình chỉ tạm thời và chúng tôi hi vọng sẽ sớm nối lại,” ông nói thêm, theo trích dẫn từ hãng thông tấn Lusa của Bồ Đào Nha.
Không ai có mặt trong đại sứ quán Iran ở Lisbon để đưa ra bình luận.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-dao-nha-ngung-cap-visa-cho-cong-dan-iran-vi-ly-do-an-ninh/5003162.html

Bắc Hàn: đàm phán nguyên tử có nguy cơ đổ vỡ

nếu Hoa Kỳ và Nam Hàn tập trận

Tin từ Seoul/Washington — Vào hôm Thứ Ba (ngày 16 tháng 7), Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn cho biết Hoa Kỳ có vẻ thất hứa về việc không tổ chức các cuộc tập trận quân sự với Nam Hàn. Việc này sẽ khiến các cuộc đàm nhằm yêu cầu Bắc Hàn từ bỏ vũ khí nguyên tử đến bờ vực đổ vỡ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán bị đình trệ với Bắc Hàn trong cuộc gặp bất ngờ với Chủ Tịch Kim Jong Un hồi tháng trước, tỏ ra không hề bối rối trước tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn. Ông nhắc lại rằng không cảm thấy bị ép buộc phải đưa ra một thỏa thuận nhanh chóng. Trước đó, Bộ Ngoại giao Bắc Hàn cho biết việc Washington đơn phương từ bỏ các cam kết đã khiến Bình Nhưỡng xem xét lại các
cam kết của chính họ về việc ngừng thử nghiệm vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa.
Trong một tuyên bố khác được hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa ra, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao đã cáo buộc Washington và Seoul đã thúc đẩy cuộc tập trận của quân đội Dong Maeng vào mùa hè này, và gọi đây là một cuộc “diễn tập chiến tranh.”
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Nam Hàn và Hoa Kỳ đang chuẩn bị thực hiện các chương trình đào tạo kết hợp thường xuyên, nhưng cũng cho biết rằng các cuộc tập trận đã được giảm quy mô để không ảnh hưởng đến ngoại giao. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bac-han-dam-phan-nguyen-tu-co-nguy-co-do-vo-neu-hoa-ky-va-nam-han-tap-tran/

Máy bay, tàu chiến TQ diễn tập gần eo biển Đài Loan

Cuộc diễn tập không quân, hải quân được Bắc Kinh thông báo vài ngày sau khi Washington đồng ý bán số vũ khí hơn 2 tỷ USD cho Đài Loan.
“Quân đội Trung Quốc (PLA) trong những ngày gần đây đã tiến hành các cuộc diễn tập không quân, hải quân dọc theo bờ biển đông nam. Đợt diễn tập này là hoạt động định kỳ theo đúng kế hoạch thường niên”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay ra tuyên bố cho biết, nhưng không tiết lộ địa điểm và thời gian cụ thể của cuộc diễn tập.
Vùng biển ngoài khơi các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang ở đông nam Trung Quốc là một trong những khu vực nhạy cảm nhất của nước này, bởi khu vực nằm đối diện với đảo Đài Loan.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 8/7 phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỷ USD. Đây là lô thiết bị quân sự lớn đầu tiên Mỹ bán cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ.
Quyết định của Washington đã khiến Bắc Kinh nổi giận. Trung Quốc ngày 12/7 tuyên sẽ trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ liên quan tới hợp đồng cung cấp vũ khí cho Đài Loan, cho rằng thỏa thuận này phá hoại chủ quyền và an ninh quốc gia của Bắc Kinh.
Vị trí bờ biển ngoài khơi hai tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc và eo biển Đài Loan. Đồ họa: BBC.
Vị trí bờ biển ngoài khơi hai tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc và eo biển Đài Loan. Đồ họa: BBC.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Dù công nhận chính sách “một Trung Quốc”, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo, nhưng thường không bán những khí tài hiện đại nhất để tránh gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây tăng cường ủng hộ Đài Loan và thường xuyên điều tàu chiến đi qua eo biển gần hòn đảo, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh căng thẳng do chiến tranh thương mại và các vấn đề chiến lược khác.
http://biendong.net/bi-n-nong/29299-may-bay-tau-chien-tq-dien-tap-gan-eo-bien-dai-loan.html

Trung Cộng phóng 6 hỏa tiễn ra Biển Đông

để cảnh cáo các nước Phương Tây

Theo tờ Express.co.uk, Trung Cộng vừa đưa ra lời khuyến cáo đến các nước phương Tây, sau khi phóng sáu hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm (ASBS) ở khu vực Biển Đông đang tranh chấp.
Cuộc thử nghiệm hỏa tiễn này được tiến hành trong khoảng thời gian từ 29 đến 30 tháng 6, chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để giảm căng thẳng giữa hai nước tại hội nghị G20 tại Nhật Bản. Hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Cộng thử nghiệm hỏa tiễn trên các mục tiêu giả hay các mục tiêu khác, tuy nhiên hành động này đã bị Washington lên án.
Phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài, Trung tá Dave Eastburn, nhận định các cuộc thử nghiệm hỏa tiễn là “gây hoang mang” và tuyên bố rằng những cuộc thử nghiệm này đi ngược lại cam kết phi quân sự hóa Biển Đông của Chủ Tịch Tập. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Morgan Ortagus, gọi hành động quân sự hóa của Trung Cộng là “khiêu chiến, làm phức tạp hóa việc giải quyết tranh chấp, đe dọa an ninh của các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định của khu vực.”
Trong khi đó, Bắc Kinh đã bác bỏ mọi cáo buộc. Quân đội Trung Cộng khẳng định rằng cuộc thử nghiệm hỏa tiễn là một phần trong cuộc tập trận và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.
Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới với lượng hàng hóa trị giá 3.95 ngàn tỷ bảng Anh được vận chuyển sang khu vực này hàng năm. Trong những tháng gần đây, Trung Cộng ngay càng tăng cường sự kiểm soát của họ trong khu vực này và liên tục thúc đẩy xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng nhiều lần đối đầu với những chiếc tàu tiến vào khu vực. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/trung-cong-phong-6-hoa-tien-ra-bien-dong-de-canh-cao-cac-nuoc-phuong-tay/

Malaysia ‘tiến thoái lưỡng nan’

với các dự án tỷ USD của TQ

Mahathir đã cho dừng một số dự án của Trung Quốc, tuy nhiên, các công trình khác vẫn được tiếp tục với chi phí thấp hơn.
Khi tranh cử thủ tướng Malaysia năm 2018, ông Mahathir Bin Mohamad chỉ trích khoản đầu tư trị giá 30 tỷ USD của Trung Quốc vào các dự án cơ sở hạ tầng của Malaysia, gọi đây là “mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia”. Ông nói rằng thủ tướng vào thời điểm đó Najib Razak đã “bán Malaysia cho Trung Quốc”.
Trong 9 năm cầm quyền, Najib đã bơm khoảng 100 tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng đường sắt, cảng, năng lượng, đường bộ và bất động sản. Ông khẳng định các dự án này là cần thiết để biến Malaysia từ một quốc gia có thu nhập trung bình thành một cường quốc kinh tế hàng đầu châu Á. Khoảng 1/3 số tiền đến từ Trung Quốc. Dự án tiêu biểu là Đường sắt bờ Đông (ECRL) chở khách và vận chuyển hàng hóa dài 688 km từ cảng của Kuala Lumpur đến Pengkalan.
Dự án 60 tỷ ringgit này (14 tỷ USD) là một trong những dự án lớn nhất trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nó khiến nhiều tổ chức môi trường Malaysia lo lắng về những cánh rừng bị phá để xây dựng.
Vài tuần sau khi đắc cử hồi giữa năm ngoái, Mahathir hủy bỏ dự án đường ống dẫn dầu dài 600 km dọc bờ biển phía tây Malaysia và ống dẫn khí đốt dài 662 km trên đảo Borneo do Trung Quốc đầu tư, đồng thời đình chỉ ECRL. Ông Mahathir cũng đe dọa sẽ dừng nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn hơn và ngăn công dân Trung Quốc mua căn hộ trong một dự án bất động sản gần Singapore. Ông mở một cuộc điều tra hình sự và truy tố người tiền nhiệm Najib Razak.
Chính phủ Malaysia hôm 15/7 tịch thu 243,5 triệu USD từ tài khoản ngân hàng của Công ty Kỹ thuật Đường ống Dầu khí (CPP) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, đơn vị thi công hai mạng lưới ống dẫn dầu và khí đốt trị giá 2,3 tỷ USD cho Malaysia. “Tôi hiểu rằng 80% chi phí đã được thanh toán, nhưng mới chỉ có 13% công việc được hoàn thành. Chính phủ Malaysia có quyền thu lại số tiền này do dự án đã bị chấm dứt”, ông Mahathir nói.
Trong một báo cáo được công bố vào tháng 5, Alex Holmes, chuyên gia kinh tế châu Á ở công ty Capital Economics, cho rằng việc cân nhắc lại các dự án lớn sẽ giúp ích cho Malaysia. “Malaysia vốn đã có cơ sở hạ tầng tốt, đúng với những gì bạn mong đợi về một nền kinh tế phát triển và tốt hơn nhiều so với các quốc gia có mức thu nhập tương tự”, Holmes viết. “Chúng tôi nghi ngờ rằng tất khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng đang được lên kế hoạch sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa lớn, cung vượt lên cầu”.
“Có hai lý do khiến chính phủ Malaysia dừng một số dự án cơ sở hạ tầng”, James Chin, giám đốc Viện châu Á tại Đại học Tasmania, nói. “Trước tiên, việc này mang tính chính trị, nhằm mục đích cho các cử tri thấy rằng họ sẽ làm một điều gì đó khác với các chính quyền trước đó. Ngoài ra, nhiều dự án lớn đã được định giá quá cao để phục vụ cho lợi ích của những người có kết nối với chính quyền tiền nhiệm”.
Tuy nhiên, một năm sau khi đắc cử, Mahathir đã giảm những phát ngôn gay gắt về Trung Quốc. Hồi tháng 4, ông còn tham dự cuộc họp về Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Malaysia, năm ngoái có tổng trị giá 4,75 tỷ USD, vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế, môi trường và địa chính trị nước này.
Các dự án đường sắt, cảng, công nghiệp và nhà ở do Trung Quốc đầu tư một phần hoặc toàn bộ hiện vẫn còn. Thay đổi duy nhất là Mahathir đã đàm phán các hợp đồng mới để giảm chi phí và kéo dài thời gian hoàn thành dự án.
Theo thỏa thuận mới, Trung Quốc sẽ xây dựng ECRL với chi phí 44 tỷ ringgit (10,6 tỷ USD), thấp hơn 30% so với hợp đồng xây năm 2016 do Najib đàm phán. Tuy nhiên, chi phí thấp hơn cũng một phần do chiều dài tuyến đường bị giảm 40 km.
Việc khởi công xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 17 tỷ USD giữa Singapore và Kuala Lumpur đã bị trì hoãn đến năm 2020, muộn hơn một năm so với dự kiến ban đầu. Một tuyến đường sắt dài 3,4 km giữa Johor Bahru và Singapore cũng đã bị đình chỉ để chờ quyết định của chính phủ Malaysia vào tháng 9 về việc có nên tiến hành hay không.
Trong khi đó, dự án cảng Melaka Gateway 10 tỷ USD ở bờ tây Malaysia hợp tác phát triển với PowerChina International, dự án cảng một tỷ USD ở Kuantan và một cơ sở sản xuất hai tỷ USD gần đó, vẫn đang được tiến hành.
Trước chuyến thăm Bắc Kinh đầu năm nay, Mahathir cũng tuyên bố Malaysia sẽ hồi sinh Bandar Malaysia, dự án bất động sản trị giá 34 tỷ USD, rộng 190 ha được lên kế hoạch để xây dựng căn cứ không quân. Bandar Malaysia đã bị dừng vào năm 2017 sau khi nhà phát triển Trung Quốc chính rút khỏi dự án do bất đồng về các khoản thanh toán theo lịch trình.
Sự thay đổi trong giọng điệu của Mahathir phản ánh sự khác biệt giữa chiến dịch tranh cử và việc điều hành đất nước. Nếu dừng các dự án lớn, họ có thể làm phật lòng Bắc Kinh vào thời điểm họ đang mong muốn ký thêm các thỏa thuận xuất khẩu dầu cọ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nợ công của Malaysia đã lên đến hơn 250 tỷ USD, một phần do việc chi tiêu cơ sở hạ tầng của Najib. Việc đàm phán lại để hạ chi phí dự án thay vì hủy bỏ là phương án vừa có thể giảm bớt gánh nặng nợ công vừa có thể giữ được mối quan hệ.
“Năm ngoái, việc phản đối các khoản đầu tư của Trung Quốc là lá bài giúp Mahathir đắc cử. Nhưng việc điều hành đất nước đòi hỏi phải đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, ngành công nghiệp, ngân sách và nền kinh tế”, ký giả Keith Schneider ở Mỹ viết. “Cả những mối lo ngại về môi trường lẫn những phát ngôn chống Trung Quốc dường như đều không thể thay đổi điều đó ở Malaysia”.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29318-malaysia-tien-thoai-luong-nan-voi-cac-du-an-ty-usd-cua-tq.html

Tham vọng Mặt trăng của Ấn Độ

Thanh Phương
Phi thuyền thăm dò của chuyến bay Chandrayaan 2 trên nguyên tắc đã được phóng lên Mặt trăng từ ngày 16/07/2019, nhưng do trục trặc kỹ thuật, nên vào giờ chót cơ quan không gian của Ấn Độ ISRO đã đình hoãn cuộc phóng này.
Theo báo chí Ấn Độ, nguyên nhân là do nhiên liệu của động cơ tên lửa GSLV-MkIII bị thoát ra ngoài. Nhưng các nhà khoa học của cơ quan ISRO hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề nhanh chóng để có thể phóng tên lửa vào cuối tháng 7.
Cuộc phóng lần này là rất quan trọng đối với Ấn Độ, quốc gia đang dự trù đưa 3 phi hành gia lên không gian từ đây cho đến 2022 và đây sẽ là chuyến bay có người lái đầu tiên của ngành không gian Ấn Độ.
Tên lửa GSLV-MkIII đã được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2017 để phóng một vệ tinh, và được sử dụng lần thứ hai vào năm 2018. Là thành quả hàng chục năm làm việc của các kỹ sư Ấn Độ, tên lửa này có khả năng mang theo đến 4 tấn thiết bị, tức là nhiều hơn các tên lửa khác, với loại động cơ giống như của tên lửa Arianne.
Theo dự kiến ban đầu, đến ngày 06/09, tên lửa GSLV-MkIII sẽ đưa một máy đáp và một robot di động, xuống phần cực nam của Mặt trăng, nằm cách Trái đất khoảng 384.000 km, để Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư (sau Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc) đưa phi thuyền lên vệ tinh của Trái đất. Cách đây 11 năm, trong khuôn khổ chuyến bay Chandrayaan 2, Ấn Độ đã từng phóng một phi thuyền thăm dò lên quỹ đạo của Mặt trăng
Theo cơ quan ISRO, trong khuôn khổ chuyến bay Chandrayaan 2, một xe tự hành nặng 37 kg, mang tên Pragyan, sẽ tìm các dấu vết của nước trên Mặt trăng và các vết hóa thạch của Thái dương hệ lúc sơ khai. Chạy bằng năng lượng Mặt trời, chiếc xe tự hành này có thể di chuyển suốt một ngày Mặt trăng, tức là 14 tiếng đồng hồ Trái đất, và có thể đi một đoạn đường dài tới 500 mét.
Ngoài mục tiêu thực hiện các chuyến bay có người lái, các nhà khoa học Ấn Độ cũng đang nghiên cứu chế tạo một trạm không gian cho riêng nước này trong vòng một thập niên tới.
Thủ tướng đương nhiệm theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa Narendra Modi rất quan tâm đến chương trình không gian, vì ngoài việc nghiên cứu khoa học, ông xem đây là một đòn bẩy để nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế, cũng như một phương tiện để tạo dựng hào quang cho vị lãnh đạo của một đất nước có đến 1,3 tỷ dân, nhất là trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trên không gian ngày càng gay gắt, đặc biệt là giữa các nước châu Á
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190717-tham-vong-mat-trang-cua-an-do

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.