Tin Biển Đông – 17/07/2019
Thứ Tư, 17 tháng 7, 2019
16:18
//
Biển Đông
,
Slider
TQ nói ‘đạo đức giả’ trên Biển Đông
Liên quan đến những tranh chấp của Trung Quốc và Philippines, Hoa Kỳ nhấn mạnh quyết định của Hội đồng Trọng tài Liên Hợp Quốc năm 2016 vô hiệu hóa yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Philstar.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cuối tuần qua đã nhấn mạnh rằng việc vi phạm quyết định của tòa án bác bỏ yêu sách “Đường chín đoạn” của Trung Quốc là bất hợp pháp. Ngày 12/7 đánh dấu ba năm kể từ khi Tòa án Trọng tài Thường trực tuyên bố rằng yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử ở Biển Đông là vô căn cứ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Morgan Ortagus cho biết tòa án cũng đã tuyên bố các hoạt động của Trung Quốc liên quan đến việc xây dựng các đảo nhân tạo và cho ngư dân ra đánh bắt ở Biển Đông đã vi phạm các yêu cầu của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).“Quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên chịu sự phân xử của tòa trọng tài này, Trung Quốc và Philippines”, bà Ortagus cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm (11/7).
“Tất cả các bên có nghĩa vụ tuân thủ quyết định này. Tất nhiên, họ nên kiềm chế tập trận”,bà Ortagus nói.
“Đây là lợi ích chung của Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong khu vực nhằm duy trì trật tự dựa trên các quy tắc, để mỗi quốc gia có thể đạt được tiềm năng của mình mà không phải hy sinh lợi ích quốc gia hoặc quyền tự trị của mình”, bà nói thêm.
Theo bà Ortagus, việc quân sự hóa của Trung Quốc đối với tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông đã phản bội cam kết năm 2015 là không tham gia vào hoạt động này của Chủ tịch Tập Cận Bình. Bà gọi đó là hành động khiêu khích vì nó làm phức tạp hóa các tranh chấp hòa bình, đe dọa an ninh của các quốc gia khác và làm suy yếu sự ổn định của các quốc gia khác.
“Chúng tôi cực lực phản đối những nỗ lực của Trung Quốc để khẳng định các yêu sách hàng hải bất hợp pháp của mình ở Biển Đông”, Bà Ortagus tuyên bố. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải của họ một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế”.
Trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào ngày 12/7/2016, Tòa án Trọng tài Thường trực không tìm thấy cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lợi lịch sử đối với cái gọi là Đường chín đoạn ở Biển Đông và Bắc Kinh đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines.
Nhưng Trung Quốc từ chối tôn trọng phán quyết của trọng tài quốc tế và gọi lập trường của Washington là “vô lý”, “tư duy bá quyền” và “đạo đức giả”, theo Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc đã nói rõ lập trường của mình về phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông trong nhiều trường hợp.
“Bản thân Tòa án Trọng tài được thành lập trên cơ sở bất hợp pháp. Nó cố tình mở rộng quyền lực của mình để thực thi quyền tài phán và đưa ra một phán quyết, đó là vô giá trị. Trung Quốc không chấp nhận hoặc công nhận điều đó”, ông Cảnh nói.
Phán quyết trọng tài là một chiến thắng to lớn đối với Philippines và cộng đồng quốc tế, vì nó báo hiệu sự chiến thắng của luật pháp ở một trong những vùng nước quan trọng nhất trên Trái đất: Biển Đông, theo Reuters.
Tuy nhiên, cựu ngoại trưởng Albert del Rosario cho biết, “vấn đề chúng ta gặp phải hôm nay là giải thưởng mà chúng ta giành được đã bị gác lại, dẫn đến những hành vi đe dọa và bắt nạt trái pháp luật ở Biển Đông”.
Về vấn đề Biển Đông trong quan hệ
Trung – Philippines thời gian gần đây
Trong những tháng đầu năm 2019, cả Trung Quốc và Philippines đang có nhiều động thái lạ liên quan vấn đề Biển Đông trong quan hệ song phương. Trong đó nổi bật nhất là việc Trung Quốc “vừa đấm vừa xoa” Philippines ở Biển Đông.
Trung Quốc “vừa đấm vừa xoa” Philippines về vấn đề Biển Đông
Trung Quốc không chỉ điều tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng bất hợp pháp mà còn nhăm nhe kiểm soát cảng Subic của Manila.
Trung Quốc (4/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải cho biết Trung Quốc (12/2018 – 2/2019) cũng đã điều hàng trăm tàu bao vây đảo Thị Tứ để “gây sức ép” đối với Manila trong vấn đề Biển Đông.
Không những vậy, Trung Quốc còn đang có âm mưu thông qua các doanh nghiệp trong nước để thâu tóm cảng Subic của Philippines. Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Vịnh chỉ cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý. Cảng Subic gồm hai bộ phận, cảng thương mại và quân cảng. Hiện tại, phần cảng khai thác thương mại do công ty Hanjin Heavy Industries & Construction Philippines quản lý. Đây là công ty liên doanh giữa Philippines và Hàn Quốc, còn phần diện tích quân cảng không được tập trung đầu tư hiện đại. Công ty này đã tuyên bố phá sản hồi đầu tháng này sau khi không thể thanh toán khoản nợ hơn 400 triệu USD từ các ngân hàng Philippines, trở thành một trong những vụ vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử nước này. Công ty này còn có khoản vay 900 triệu USD từ các ngân hàng Hàn Quốc chưa được thanh toán. Việc vỡ nợ của công ty liên doanh này đã khiến chính phủ Philippines phải tìm kiếm các nhà đầu tư sẵn sàng tiếp quản các hoạt động của cảng này, cũng như các nhà máy đóng tàu và hàng nghìn công nhân tại đây. Hiện hai công ty Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến việc tiếp quản nhà máy đóng tàu, nhưng các quan chức Philippines đã lên tiếng chống lại động thái này.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tìm cách trấn an Philippines về vấn đề Biển Đông. Phát biểu tại Phủ Tổng thống Philippines, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Kiến Hoa (6/3) bảo đảm rằng Trung Quốc sẽ không tấn công ai ở Biển Đông. Ông Triệu phát biểu: “Chúng tôi lo ngại về khả năng tấn công từ bên khác. Chúng tôi không lo về việc Trung Quốc tấn công ai bởi đó không phải chính sách của chúng tôi”. Ông Triệu khẳng định, Trung Quốc quan tâm về hòa bình và ổn định ở Biển Đông, Trung Quốc đang trao đổi về COC nhằm giúp duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Bên cạnh đó, Đại sứ Triệu Kiến Hoa cho biết Bắc Kinh và Manila đang phối hợp để kiểm chứng thông tin về việc các tàu cá Trung Quốc xua đuổi ngư dân Philippines tại các bãi cát gần đảo Thị Tứ.
Đáng chú ý nhất, trong những ngày gần đây là vụ tàu Trung Quốc ngang nhiên đâm chìm tàu cá Philippines ở bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trái ngược so với những gì người dân và cộng đồng quốc tế mong đợi, Trung Quốc và Philippines đã “đi đêm” với nhau, tìm cách lái hướng dư luận và bỏ qua vụ việc.
Philippines vừa quan ngại về hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông vừa lo sợ sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến với Trung Quốc
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr (6/3) thừa nhận, nhiều người dân Philippines tức giận về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, muốn làm suy yếu Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, ông Locsin khẳng định, Chính phủ Philippines không công nhận bất cứ yêu sách nào trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bởi theo luật, đó là của Philippines. Liên quan đến khả năng hợp tác thăm dò dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc, Ngoại trưởng Locsin cho biết, hiện vẫn tồn tại bất đồng giữa hai bên về các đảo, đá, thậm chí bất đồng này có thể sẽ không bao giờ được giải quyết hoặc trở thành nguyên nhân xảy ra xung đột, nhưng hai bên sẽ tìm cách đặt vấn đề đảo, đá sang một bên và hợp tác vì lợi ích song phương. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Teodoro Locsin khẳng định Mỹ là đồng minh quân sự duy nhất của Philippines và điều này sẽ không bao giờ thay đổi; nhấn mạnh Philippines tiếp tục khẳng định các quyền của mình ở Biển Đông, mặt khác, sẽ hợp tác chặt chẽ, cân bằng với cả Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực các bên đều có lợi; cho rằng, vấn đề bảo vệ quốc gia, chủ quyền và quyền chủ quyền của Philippines sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.
Trong bối cảnh người dân Philippines tụ tập biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila phản đối Bắc Kinh hậu thuẫn cho tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây đảo Thị Tứ và ngăn cản ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường ở khu vực này, thì chính quyền của Tổng thống Philippines Duterte lại tỏ vẻ “lảng tránh”, không dám đối diện với Trung Quốc. Ngoại Trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết các tàu cá của cả Philippines và Trung Quốc đều có mặt ở vùng biển xung quanh đảo Thị tứ. Ông Teodoro Locsin Jr cho biết thêm rằng cả hai nước đều có ra tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này. Trong khi đó, Phó Đô đốc Rene Medina, chỉ huy Bộ Tư lệnh phía Tây thuộc Lực lượng Vũ trang Philippines (WesCom) cho biết ngư dân Philippines không bị tàu Trung Quốc cản trở đánh bắt hoặc tiếp cận các cồn cát xung quanh đảo Thị Tứ (Một đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Philippines chiếm giữ). Tuy nhiên, ông Medina cho biết có khoảng 10 tàu Trung Quốc đang neo đậu gần các hòn đảo nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Đông. Ông Rene Medina nhấn mạnh WesCom không nhận được báo cáo về việc các tàu Trung Quốc quấy rối ngư dân Philippines, ngoại trừ việc các tàu này xuất hiện rất kỳ lạ khi không thực hiện hoạt động đánh bắt. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana từ chối đưa ra bình luận, không xác nhận có sự hiện diện của quân đội xung quanh đảo Thị Tứ, nhưng cho biết phía Trung Quốc đã đảm bảo sẽ không có bất kỳ hành động bạo lực nào xảy ra.
Đáng chú ý, nội bộ Philippines đang có mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc liên quan việc “theo Mỹ hay theo Trung” trong vấn đề Biển Đông. Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) tuyên bố “mọi tấn công vũ trang vào quân lực Philippines, máy bay, tàu thuyền của nhà nước ở Biển Đông sẽ kích hoạt các trách nhiệm trong Điều 4, Hiệp ước Hỗ tương Quốc phòng”, điều này có nghĩa là Mỹ sẽ bảo vệ Philippines khi bị Trung Quốc tấn công. Về lý thuyết, Philippines sẽ phải ăn mừng vì đây là điều mà Manila mong muốn từ lâu. Song, dưới thời chính quyền Duterte lại khác hoàn toàn.
Bộ Quốc phòng Philippines lo sợ sẽ xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nên tìm cách né tránh Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (5/3) cho rằng Mỹ có khả năng liên quan đến một cuộc chiến tranh tại Biển Đông hơn là Philippines nhưng chính Philippines sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến như vậy chỉ vì Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 giữa hai nước. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng cần phải xem lại Hiệp ước này để làm rõ những mập mờ có thể gây hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng. Ông Lorenzana nhắc lại việc năm 1995, Trung Quốc hung hăng chiếm giữ một đảo đá Philippines yêu sách, khi đó “Mỹ đã không ngăn chặn”. Ông Lorenzana nhận định, các lực lượng của Mỹ đang đẩy mạnh cái gọi là tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, có vẻ như sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang hơn là Philippines. Tuy nhiên, trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước, Philippines đương nhiên sẽ bị liên quan. Đây là điều mà ông Lorenzana không trông chờ và không mong muốn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines lại ủng hộ Mỹ và Hiệp ước nói trên. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario (6/3), hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về việc Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Ông Del Rosario cho rằng đây là một trong những phát biểu quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ kể từ khi Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước được ký kết năm 1951. Cần phải coi đây là tuyên bố tích cực, đáng tin cậy của chính sách đối ngoại Mỹ về khẳng định sự tuân thủ các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, Philippines cần phối hợp với Mỹ trong việc vạch ra giới hạn đỏ ở bãi cạn Scarborough để có thể ngăn chặn mọi kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này của Bắc Kinh. Theo ông Del Rosario, điều này mang tính cấp bách vì một mặt, Bắc Kinh coi Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough là tam giác an ninh ở Biển Đông để triển khai sức mạnh hải quân; mặt khác, bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển gần nhất của Philippines có 124 hải lý. Do vậy, với việc Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất, Philippines cần phải công nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của liên minh này, phải nhận thấy Philippines cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của mình. Ông Del Rosario cho rằng việc xây dựng năng lực quân đội Philippines mạnh hơn, nhanh hơn chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp và cam kết của đồng minh hiệp ước này.
Philippines đã bị Trung Quốc tháo túng?
Ngay sau khi PCA đưa ra phán quyết, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (10/2016) có chuyến thăm 04 ngày tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm, Bắc Kinh và Manila đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với tổng giá trị lên đến 24 tỷ đô la. Theo đó, Trung Quốc sẽ cung cấp cho Philippines 9 tỷ USD vốn vay ưu đãi, bao gồm một hạn ngạch tín dụng 3 tỷ USD từ ngân hàng Bank of China; các thỏa thuận đầu tư có tổng trị giá 15 tỷ USD. Phát biểu tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Philippines Ramon Lopez (21/10/2016) cho biết Trung Quốc và Philippines đã ký thỏa thuận sơ bộ trong các lĩnh vực đường sắt, cảng biển, năng lượng và khai mỏ với tổng trị giá 11,2 tỷ USD.
Trong chuyến thăm của Bộ Thương mại Philippines tới Bắc Kinh vào tháng 01/2017, Trung Quốc đã cam kết chi 3,7 tỷ USD vốn vay ưu đãi để Manila triển khai 30 dự án, tập trung trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo. Hai bên cũng nối lại các thảo luận về hợp tác khai thác năng lượng qua đàm phán giữa công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) và Công ty PXP Energy Philippines. Ngoài ra, Trung Quốc đồng ý cung cấp 1,7 tỷ USD để mua 900 ngàn tấn gạo và các sản phẩm nông nghiệp của Philippines; cho Manila vay 500 triệu
USD để mua sắm trang bị quân sự, đề nghị Philippines mua 03 tàu ngầm với trị giá 108 triệu USD, cam kết cung cấp gói viện trợ vũ khí cho cuộc chiến chống ma túy, khủng bố và bàn giao cho Philippines 23.000 khẩu súng trường M4.
Trong chuyến thăm Trung Quốc lần thứ hai và tham dự hội nghị thượng đỉnh “Một Vành đai, Một Con đường” của ông Duterte (5/2017), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết cung cấp gói viện trợ 73 triệu đô la và hỗ trợ xây cơ sở hạ tầng tại Philippines; ngoài ra 9 công ty của Trung Quốc cũng ký ý định thư để đầu tư nhiều dự án kinh doanh trị giá 9,8 tỷ đô la tại Philippines.
Trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (25/11/2017), Bắc Kinh đã đề xuất kế hoạch hợp tác kinh tế dài hạn với Philippines. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký kết 14 thỏa thuận hợp tác liên quan đến kinh tế và quốc phòng. Trung Quốc cũng cam kết viện trợ 150 triệu nhân dân tệ (22,6 triệu đô la Mỹ) để giúp tái thiết thành phố Marawi, nơi bị tàn phá nặng nề sau cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và các tay súng phiến quân Hồi giáo.
Tuy nhiên, Philippines đang ăn phải “trái đắng” từ Trung Quốc. Kể từ khi cam kết đến nay, chỉ có một thỏa thuận được hiện thực hóa là khoản vay 73 triệu USD cho dự án thủy lợi ở phía Bắc thủ đô Manila. Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế Ernesto Pernia trong cuộc họp báo đồi đầu tháng nói rằng quá trình cho vay của Trung Quốc có vẻ chậm hơn với những gì Manila nhận được từ các nước khác như Nhật Bản. Theo số liệu thống kê, hiện còn rất nhiều thỏa thuận lớn giữa hai nước dường như chưa hề “động đậy” như: Công ty Phát triển Greenergy (tại Mandanao) ký thỏa thuận xây một nhà máy thủy điện trị giá 1 tỉ USD với Công ty Điện lực Trung Quốc vào tháng 10/2016. Tuy nhiên, phía Trung Quốc liên tục đòi hoãn thời hạn khởi công. Đến lần đòi dời hạn cuối vào tháng 2/2017 thì công ty Philippines hết kiên nhẫn. Giám đốc điều hành Cerael Donggay của Greenergy nói: “Chúng tôi chấm dứt thỏa thuận đó rồi và hiện đàm phán với một công ty Hồng Kông khác để tiếp tục dự án”. Hay một trong những công ty khai mỏ lớn nhất Philippines là Global Ferronickel đã ký một thỏa thuận với Baiyin Nonferrous Group của Trung Quốc, cũng vào tháng 10/2016, để xây dựng một nhà máy thép không rỉ trị giá 700 triệu USD ở Philippines. Tương tự dự án thủy điện của Greenery, dự án nhà máy thép này đến nay cũng trong tình trạng hoãn vô thời hạn. Một thỏa thuận khác trị giá 780 triệu USD cũng được ký vào tháng 10/2016 để đắp 3 hòn đảo trong một khu ngập nước ở Davao, quê nhà ông Duterte. Tuy nhiên, thỏa thuận bị hủy vào tháng 7/2017 sau khi Thị trưởng Davao Sara Duterte-Carpio (cũng là con gái Tổng thống Philippines) khẳng định dự án không đem lại giá trị thương mại.
Số liệu từ Cơ quan Phát triển Kinh tế Quốc gia Philippines (NEDA) cho thấy có sự khác biệt rất lớn giữa số tiền Trung Quốc cam kết đầu tư cho các dự án xây đường, cầu, đường sắt cho nước này và số tiền đã giải ngân thực tế. Đến nay mới chỉ có ba dự án lớn được động thổ gồm hai cây cầu ở Manila và một hệ thống tưới tiêu với tổng giá trị 124 triệu USD. Ít nhất 17 dự án khác đang ở giai đoạn quy hoạch và chờ Bắc Kinh phê duyệt rót vốn hoặc đề cử nhà thầu Trung Quốc…
Nghị sĩ đối lập Gary Alejano của Philippines (8/5/2018) từng cảnh báo Chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có thể đang trượt vào chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc mà Manila có khả năng phải trả giá trên Biển Đông. Hiện Chính quyền của ông Duterte có thể vẫn chưa đứng trước nguy cơ vỡ nợ nhưng việc cứ liên tục vay những khoản tiền khổng lồ không kiểm soát từ Trung Quốc để hoàn thành các dự án lớn có thể khiến Philippines rơi vào bẫy nợ, đặc biệt là sẽ chứng kiến cảnh ông Duterte quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Chuyên gia Tara Francis Chan phân tích cho rằng Trung Quốc luôn cho các nước vay với “lãi suất cắt cổ”; hiện nay các khoản vay của Philippines từ Trung Quốc phải chịu mức lãi suất lên tới 2%-3% trong khi mức lãi suất từ Nhật Bản chỉ ở mức 0,25%-0,75%. Ông Song Seng Wun (chuyên gia kinh tế, Singapore) nhận định, việc Philippines tiếp tục được tài trợ của Trung Quốc là điều không đáng ngạc nhiên, song các khoản tài trợ đó đi kèm điều kiện Philippines phải nghiêng về Trung Quốc trong vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.Đáng chú ý, Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc tiết lộ thêm rằng Bắc Kinh đã cho Philippines vay và tài trợ tổng cộng 7,34 tỉ USD để thực hiện 10 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, song các khoản vay luôn kèm theo những thỏa thuận chi trả, chẳng hạn dùng một số tài nguyên thiên nhiên thế chấp.
Nhìn chung, nhượng bộ lớn nhất của Philippines đến nay là thái độ im lặng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông để đổi lấy đầu tư kinh tế từ Bắc Kinh. Người tiền nhiệm của Duterte đã kiện “đường 9 đoạn” Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông lên Tòa Trọng tài Thường trực, giúp Manila có được phán quyết có lợi cho mình khi yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh bị tòa quốc tế bác bỏ. Thế nhưng chính quyền Duterte sau đó đã hoàn toàn phớt lờ phán quyết này, sau khi Bắc Kinh tuyên bố bác bỏ nó và tiếp tục các hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo, quân sự hóa trái phép các thực thể ở Biển Đông bất chấp phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, Philippines vẫn mù quáng đi theo Trung Quốc, song rồi sẽ đến một ngày Manila phải khóc hận vì quyết định tin theo Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
TQ tìm mọi cách ve vãn, mua chuộc
và lôi kéo Malaysia trong vấn đề Biển Đông
Mới đây, Trung Quốc đề xuất thiết lập cơ chế tham vấn song phương nhằm thảo luận tranh chấp Biển Đông với Malaysia, song đã bị Malaysia từ chối thẳng thừng.
Theo đó, chính quyền Bắc Kinh đề xuất thiết lập cơ chế tham vấn song phương nhằm thảo luận tranh chấp Biển Đông với Malaysia. Tuy nhiên, Malaysia đã từ chối thẳng thừng và giữ vững cách tiếp cận lấy ASEAN làm trọng tâm trong đối phó Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah cho biết: “Trung Quốc thực sự tìm đến mỗi thành viên ASEAN (ngoại trừ vài đối tượng như Myanmar) hòng thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên cơ sở song phương. Nhưng Malaysia luôn kiên định. Chúng tôi nói với phía Bắc Kinh rằng Kuala Lumpur sẽ chỉ thảo luận thông qua ASEAN”. Như vậy, Sau Philippines, Malaysia là mục tiêu thứ hai của Trung Quốc trong chiến thuật bẻ gãy từng thành viên Đông Nam Á để thống trị Biển Đông. Nhưng Mahathir không phải là Duterte.
Trước đó, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (24/4) cho biết, Chính phủ Trung Quốc đang muốn bàn về các vấn đề an toàn và an ninh ở Biển Đông trong các cuộc gặp chính thức với Malaysia. Tuy nhiên, Malaysia ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN khi thảo luận với Trung Quốc. Ông Saifuddin Abdullah nhấn mạnh rằng Thủ tướng Mahathir đã nói rõ quan điểm về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc
Giới chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc cố tình ve vãn Malaysia thiết lập cơ chế tham vấn song phương nhằm thảo luận tranh chấp Biển Đông như đã làm với Philippines là chiến thuật “chia để trị” của giới chức Bắc Kinh chuyên dùng đối phó láng giềng. Như vậy lúc các nước nhóm họp thì chẳng còn gì thảo luận ngoài chấp thuận những gì Trung Quốc đặt lên bàn đàm phán. Giáo sư Trương Minh Lượng thuộc đại học Tế Nam nhận định chính nhu cầu giữ ổn định khu vực, tránh cho các nước láng giềng chỉ trích khi phải chịu áp lực cạnh tranh từ Mỹ khiến Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện chiến thuật “chia để trị”. Tuy vậy, chính quyền Kuala Lumpur do Thủ tướng Mahathir Mohamad dẫn dắt hiểu rất rõ tình hình lẫn bất lợi khi đàm phán riêng với Trung Quốc nên quyết phản đối cơ chế tham vấn song phương.
Từ khi lên cầm quyền cho đến nay, Thủ tướng Mohamad được cho là người theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Malaysia cũng đã thể hiện thái độ dứt khoát trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và đàm phán đa phương giữa các bên liên quan và không chấp nhận chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc. Theo ông Mahathir Mohamad, Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây
dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện.
Thời gian tới, Malaysia sẽ thực thi chính sách mang tính cứng rắn, cương quyết hơn trong vấn đề Biển Đông. Qua đó, tăng cường hợp tác với các nước nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Mặt khác, Malaysia sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và từng bước ngăn chặn, lên án những hành động phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực. Ngoài ra, Malaysia sẽ thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông; tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc; tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển; tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhìn chung, Malaysia đã thể hiện thái độ dứt khoát trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và đàm phán đa phương giữa các bên liên quan và không chấp nhận chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc.
Hà Nội gián tiếp phản đối
tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam
Hôm qua, 16/07/2019, sau nhiều ngày im lặng kể từ khi truyền thông quốc tế loan tin về các vụ đối đầu giữa tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam gần quần đảo Trường Sa đầu tháng này, chính quyền Hà Nội đã lên tiếng. Trả lời báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam khẳng định chủ trương « kiên quyết » và « kiên trì đấu tranh » với các hành vi xâm phạm chủ quyền, dựa trên luật pháp quốc tế.
Thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh : trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây ở Biển Đông, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hẳng nhấn mạnh là ”Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982”.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao còn khẳng định: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”.
Thông báo nói trên của bộ Ngoại Giao Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng dâng cao tại một số khu vực phía nam Biển Đông, khi nhiều tàu tuần duyên và thăm dò Trung Quốc tiến sát các khu vực khai thác dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa Việt Nam. Hãng thông tấn Anh Reuters, dẫn nguồn tin từ hai trung tâm nghiên cứu Mỹ, Center for Strategic and International Studies (CSIS) và Center for Advanced Defense Studies (C4ADS), cho biết đối đầu đã xảy ra tại hai địa điểm.
Thứ nhất là một trong các lô dầu khí, thuộc khu Cá Rồng Đỏ, do tập đoàn năng lượng Tây Ban Nha Repsol đầu thầu, nhưng phải rời đi hồi 2017, do áp lực của Bắc Kinh. Một tàu thăm dò địa chất Trung Quốc (Haiyang Dizhi 8 / Hải Dương Địa Chất 8), được ba tàu tuần duyên hộ tống, đã bị chín tàu phía Việt Nam theo sát. Tàu địa chất Trung Quốc vừa kết thúc đợt hoạt động 12 ngày tại địa điểm này vào ngày 15/07.
Lô dầu khí 6.01, do tập đoàn Nhà nước Nga Rosneft khai thác, cách bờ biển đông nam Việt Nam khoảng 230 hải lý (370 km) là điểm đối đầu thứ hai. Một tàu tuần duyên Trung Quốc (Haijing 35111 / Hải Cảnh 35111) đã áp sát nhiều tàu Việt Nam đang làm việc tại một dàn khoan dầu của Nhật Bản liên doanh với tập đoàn Nga, với cự ly khoảng 100 mét, cách dàn khoan chưa đầy nửa hải lý, theo CSIS. Hôm nay, hiện không rõ, còn có tàu thuyền nào của Trung Quốc thách thức các hoạt động của Rosneft tại vùng biển này hay không.
Công luận đặc biệt chú ý đến việc các cuộc đối đầu giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc xảy ra gần như cùng lúc với chuyến công du Trung Quốc của chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Lê Thị Kim Ngân (từ ngày 08 đến 12/07).
0 nhận xét