Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Biển Đông – 30/07/2019

Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019 15:57 // ,

Tin Biển Đông – 30/07/2019

Xâm phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam

trên Biển Đông: TQ đang “bóp chết”

Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông

Trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc đang nỗ lực đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) nhằm tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực, việc Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế điều tàu xâm phạm thô bạo vùng biển của Việt Nam sẽ khiến COC rơi vào bế tắc.
Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam
Trong những ngày gần đây, tàu khảo sát Hải dương Địa chất 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở phía Nam Biển Đông. Có thể nói, hoạt động của nhóm tàu Hải dương Địa chất 8 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ vi phạm nghiêm trọng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), mà còn xâm phạm trắng trợn các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông. Theo quy định của UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Trước hành động phi pháp trên của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên án việc nhóm tàu của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời tái khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Ông Ngô Thường San, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) khẳng định hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 đã vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam trên biển Đông. Theo ông San, Trung Quốc đã ký và là thành viên của UNCLOS thì phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Một nước lớn lại càng phải tôn trọng điều này. Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng Thông tin – Khoa học quân sự thuộc Viện Chiến lược quân sự (nay là Viện Chiến lược Quốc phòng) nhấn mạnh hành động của nhóm tàu Hải Dương 8 là vi phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Giữa Việt Nam – Trung Quốc có tình hữu nghị lâu đời, khăng khít thì nước bạn không nên có những hành vi như thế. Theo đại tá Mẫu, việc phản đối và thể hiện thái độ cương quyết của Việt Nam trong những ngày vừa qua là rất kịp thời. Chúng ta phải đấu tranh kiên trì theo luật pháp quốc tế. Đồng thời, Trung Quốc phải thực hiện cam kết họ đã đề ra với ASEAN như trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Trung Quốc không thiện chí với COC
Với việc điều tàu thăm dò, tàu chấp pháp và tàu chiến xâm phạm thô bạo Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong những ngày qua cho thấy, Trung Quốc đang coi thường luật pháp quốc tế và không có thiện chí thúc đẩy các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có việc đàm phán về COC với ASEAN.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca cho biết, Trung Quốc đã thực hiện thăm dò tài nguyên tại khu vực Bãi Tư Chính và khu vực vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động này đang làm xấu hình ảnh của Trung Quốc và làm mất lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực đối với Trung Quốc. Đặc biệt, hiện nay ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán COC. Hành động này của Trung Quốc đã gây khó khăn rất lớn, nếu không muốn nói  là cản trở quá trình đàm phán và Trung Quốc phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu đàm phán COC thất bại. Tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều nếu cứ tiếp tục các hành động sai trái như thế. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thanh Ca, nếu COC là một văn bản có tính ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế thì đó sẽ là một công cụ rất tốt để duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên biển Đông. Tuy vậy, việc đàm phán để đạt được COC như thế là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn cho tất cả các nước, đòi hỏi các nước ASEAN phải thật sự quyết tâm.
Cùng quan điểm trên, chuyên gia Hoàng Việt thuộc Ban Nghiên cứu luật Biển và Hải đảo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) nhận định rằng những hành động của Trung Quốc đi ngược lại với những gì chính phủ nước này cam kết, cũng như các văn bản đã ký kết với ASEAN, bao gồm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình soạn thảo COC.
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia nhận định, từ bản thảo của Văn bản Thương lượng về COC do Trung Quốc nộp lên, chúng ta có thể thấy họ muốn việc thăm dò dầu chỉ nên được tiến hành giữa các công ty dầu quốc gia thuộc các nước trong ASEAN và Trung Quốc. Ngoài ra, các cuộc tập trận giữa lực lượng bên ngoài và bên trong khu vực cần được thông báo trước. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn áp đặt bá quyền ở Biển Đông và tuyến đường hàng hải huyết mạch nơi 1/3 lượng hàng hóa của thế giới đi qua.
Tiến sĩ Koh Swee Lean Collin nhận định, ngay từ khi ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh quá trình đàm phán COC, thì đã đặt ra vấn đề là thực tế hợp tác an ninh hàng hải ở vùng biển này như thế nào. Cần nhớ rằng Biển Đông là vùng biển nửa kín, trung tâm hàng hải toàn cầu – nơi hàng hóa có giá trị hàng ngàn tỉ USD được chuyên chở qua đây mỗi năm. Đây là vùng biển hàm chứa quyền lợi kinh tế toàn cầu, nên cần được đảm bảo hòa bình và ổn định, vốn gắn chặt với cả các nước ven vùng biển lẫn các quốc gia có hàng hóa vận chuyển qua đây. Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982 chính là cơ sở pháp lý để các nước hợp tác với nhau đảm bảo an ninh, hòa bình. Trong đó, các quốc gia vùng ven Biển Đông đóng vai trò quan trọng để thực thi điều này, nhưng sự đóng góp của các nước bên ngoài quan trọng không kém. Điển hình như eo biển Malacca được kiểm soát bởi 4 quốc gia ven biển giáp ranh, nhưng 4 nước này cũng luôn hoan nghênh các đóng góp, nỗ lực từ bên ngoài. Nói rõ hơn thì các nước vùng ven Biển Đông cũng cần tiếp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài để theo đuổi mục tiêu trên. Sự hỗ trợ có thể là tài chính, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, đào tạo… hay thậm chí là thông tin tình báo. Những hoạt động này cũng giúp cho các quốc gia trong khu vực ngày càng tiến đến năng lực quốc tế. Từ nền tảng đó, COC mới có thể được thực thi hiệu quả hơn trong thực tế, chứ không phải bị “độc quyền” bởi quốc gia nào.
ASEAN cần đoàn kết chống lại Trung Quốc
Theo báo chí Indonesia, phát biểu tại một hội nghị tổ chức tại đại học Paramadina, Jakarta, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah (20/7) nhấn mạnh là, nếu ASEAN muốn duy trì được vị thế trung tâm của mình trên trường quốc tế, thì không quốc gia nào có thể đàm phán riêng rẽ với Trung Quốc về các tranh chấp tại Biển Đông; nhấn mạnh là không thể để cho Biển Đông trở thành yếu tố chia rẽ ASEAN, mà ngược lại điều này cần khiến toàn khối siết chặt đoàn kết; đồng thời kêu gọi khối ASEAN đoàn kết để đàm phán với Trung Quốc về COC.
Được biết, từ 29/07 – 03/08, các bộ trưởng Ngoại Giao ASEAN sẽ có cuộc họp tại Bangkok. Báo Nhật Nikkei cho biết, theo một dự thảo tuyên bố chung của hội nghị này, các nước ASEAN ghi nhận các lo ngại liên quan đến các hoạt động đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, “làm gia tăng căng thẳng, và xói mòn lòng tin, có hại cho hòa bình và ổn định của khu vực”.

Tư Chính: Trung Quốc ngoan cố

khiến Việt Nam phản ứng mạnh

Trước sự kiện Trung Quốc cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 cùng với nhiều tàu hải cảnh cỡ lớn xâm phạm bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã ra Tuyên bố về Biển Đông. Cho đến sáng hôm qua 29/07/2019 đã có 14 tổ chức và khoảng 750 người ký vào tuyên bố.
RFI Việt ngữ đã trao đổi với phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, thuộc nhóm chủ trương bản tuyên bố trên, về vấn đề này.
RFI: Kính chào Phó giáo sư Hoàng Dũng. Như vậy là một lần nữa Trung Quốc lại xâm phạm biển đảo Việt Nam, và một lần nữa các tổ chức xã hội dân sự lại phải ra tuyên bố…
PGS Hoàng Dũng : Sở dĩ chúng tôi đề nghị phải lên tiếng tố cáo trước Hội Đồng Bảo An, trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa của Việt Nam, vì khi có trộm cướp xâm nhập, thì điều đầu tiên là chủ nhà phải la làng. Nếu không la làng, không chỉ rõ là ai xâm phạm nhà anh một cách bất hợp pháp, chính anh không kêu lên thì ai có thể cứu anh được. Làm sao thuyết phục người khác là anh có chính nghĩa.
Bên cạnh đó còn đề nghị chuẩn bị kiện Trung Quốc. Không ít người cho rằng Philippines tuy thắng kiện nhưng vẫn không làm gì được Trung Quốc, vậy Việt Nam đi kiện liệu có lợi gì không, ông thấy ý kiến này như thế nào ?
Ý kiến đó không đúng đâu, vì kiện chỉ là một khâu trong những việc cần phải làm. Nếu coi kiện là khâu cuối cùng, đến đó là xong, suy nghĩ này mới là sai lầm ; còn nếu coi kiện chỉ là bước khởi đầu thôi, thì rất đúng. Đây là việc cần phải làm. Không thể để kẻ cướp vào nhà mà không chịu la lên, không đưa ra trước công luận. Mà tên cướp này cũng đặc biệt, người ta đã la làng đến như thế mà vẫn cố cãi !
Trước mặt công luận Trung Quốc khó lòng biện bạch được, khi đã có phán quyết của một tòa án quốc tế rằng việc làm của họ là sai trái. Trung Quốc càng cố cãi, càng mất uy tín trước công luận.
Thưa ông, không chỉ tố cáo trước quốc tế, có lẽ còn cần tuyên truyền rộng rãi hơn. Bản tin của các hãng thông tấn thường gọi là vùng tranh chấp, trong khi đây là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam chứ không phải là vùng tranh chấp…
Đúng, đặt vấn đề như vậy rất chính xác. Nếu nói vùng tranh chấp tức là chúng ta rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Họ muốn biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, và khi đã có tranh chấp thì phải có nhân nhượng. Đương nhiên là chủ nhà nhân nhượng, thành ra thằng ăn trộm ít nhiều cũng vơ được cái gì đó.
Trước hành động của Trung Quốc thì Việt Nam lần này đã hành xử khác với tất cả những lần trước. Một là đi đến động thái được coi là mạnh mẽ trong ngoại giao : trao công hàm phản đối. Thứ hai là nêu đích danh Trung Quốc. Chắc là những người có trách nhiệm ở Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn phân vân.
Lúc đầu thì lên tiếng nói đó là vùng biển của Việt Nam, lên án mọi sự xâm phạm nhưng không hề nhắc đến Trung Quốc. Nhưng đến lần thứ hai sau đó vài ngày thì thái độ rất khác, nói thẳng tên Trung Quốc, một điều hiếm có. Và điểm đáng lưu ý là theo tin của chính đài RFI, Trung Quốc đề nghị Việt Nam rút các giàn khoan ở bãi Tư Chính về, thì họ sẽ rút tàu Hải Dương Địa Chất đi. Thế nhưng bằng hành động, Việt Nam đã dứt khoát bác bỏ. Việt Nam đã công bố gia hạn thời gian làm việc của các giàn khoan ở bãi Tư Chính. Đó là điều chưa từng có.
Một mặt chính quyền không thể nào không lên tiếng, nếu không sẽ mất đi tính chính danh với nhân dân. Anh là người quản lý đất nước, ăn lương từ tiền thuế dân đóng góp, thế nhưng khi có kẻ cướp vào nhà anh im tiếng thì rõ ràng sẽ mất uy tín.
Tuy nhiên qua nhiều lần như vậy người dân phản ứng bằng cách đi biểu tình. Mà biểu tình không chỉ ở một số nơi, mà lan rộng trên phạm vi cả nước. Chính cái đó làm nhà nước sợ. Nhà nước một mặt cần nhân dân ủng hộ trong động thái mạnh mẽ đối với Trung Quốc, nhưng mặt khác lại sợ sự ủng hộ đó biến thành hành động biểu tình, dẫn đến nhiều chuyện không kiểm soát được. Chính vì thế trong nội dung tuyên bố, chúng tôi cũng đặt ra những vấn đề về dân chủ.
Nhưng cho tới nay vẫn chưa có lời kêu gọi biểu tình nào, có lẽ người dân bất mãn vì những lần xuống đường chống Trung Quốc trước đây đã bị chính quyền trấn áp ?
Đúng, chúng tôi thấy điều đó rất đáng suy nghĩ. Người dân yêu nước phải theo cách nhà nước quy định. Đi biểu tình thực ra phù hợp với Hiến pháp, nhưng không được nhà nước cho phép. Yêu nước không có giấy phép thành yêu nước « lậu », và « lậu » thì người ta trừng trị. Trong việc trừng trị tội yêu nước « lậu »  ấy, nhà nước rất nặng tay. Chúng ta thấy không hiếm những  hình ảnh người đi biểu tình bị đánh.
Tôi nhớ một anh bạn là kỹ sư Trần Bang trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã bị đánh máu me đầy mặt trên đường phố Sài Gòn. Chính những cái đó làm cho khi nhà nước lên tiếng mạnh mẽ như vậy, chỉ có báo chí lề phải nói thôi, còn người dân im lìm không có một động thái nào cả. Điều đó người nào có trách nhiệm quản lý đất nước phải suy nghĩ, và tôi cho rằng họ phải duyệt xét lại toàn bộ chiến lược đối với người dân trong mối liên quan đến chống Trung Quốc như thế nào.
Có lẽ cần phải ban hành luật biểu tình, một đạo luật cần thiết mà lâu nay vẫn chưa ra được ?
Trong một chế độ như ở Việt Nam nếu có luật biểu tình đi nữa thì thực chất đó là luật chống biểu tình, tức là họ làm thế nào hạn chế được biểu tình nhiều nhất. Chính vì họ chưa tìm được cách làm sao cho hiệu quả nên người ta không công bố được. Chứ nếu luật biểu tình thực chất là tạo điều kiện cho người dân biểu tình, thì tôi cho là đơn giản hơn rất nhiều.
Thưa ông vì sao lại đòi hỏi tăng cường hợp tác quốc phòng với Hoa Kỳ ?
Ngày nay một nước mạnh như Mỹ còn phải đặt vấn đề hợp tác, huống gì một nước nghèo và yếu như Việt Nam. Ai cũng thấy rằng một bên là Việt Nam, một bên là Trung Quốc, thì sức mạnh hết sức chênh lệch. Cho nên việc hợp tác với các quốc gia khác là điều dễ hiểu và tất yếu.
Trên thực tế nếu liên minh được với Hoa Kỳ sẽ là sức mạnh răn đe tốt nhất đối với Trung Quốc. Bởi vì Hoa Kỳ có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông và có đủ sức mạnh để Trung Quốc phải kiêng dè. Các nước khác đương nhiên cũng cần phải hợp tác, nhưng mạnh mẽ nhất phải là với Mỹ. Vì thế trong tuyên bố ở điều số 3, quốc gia đầu tiên chúng tôi nhắc đến là Mỹ. Còn các nước khác dùng cụm từ chung hơn, là các nước tôn trọng luật pháp quốc tế.
Có nhiều ý kiến cho rằng có lẽ chính quyền Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng hợp tác với Mỹ vì sợ phản ứng của Trung Quốc ở sát bên cạnh ?
Tôi không thấy như vậy. Tôi thấy Việt Nam bắt đầu có xu hướng xích gần lại với Mỹ, ngay cả trong lãnh vực quốc phòng. Mới gần đây thôi Việt Nam tiếp nhận một số tàu cho cảnh sát biển, việc này có ý nghĩa biểu tượng lớn chứ không phải nhỏ đâu. Tuy mình cho rằng việc hợp tác như vậy là quá chậm so với yếu cầu, nhưng không thể không khẳng định xu hướng hợp tác ngày càng mạnh hơn so với trước.
Hiện nay thông tin về xung đột ở Biển Đông trên báo chí quốc tế không nhiều, hầu hết tập trung vào Trung Đông. Phải chăng Trung Quốc có tính toán đến khi xâm phạm vùng biển Việt Nam vào lúc này ?
Việc chọn lựa thời cơ thì Trung Quốc là nước trong quá khứ được coi là bậc thầy. Chẳng hạn xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc,  họ chọn thời điểm đối với Việt Nam rất bất lợi. Cho nên lần này việc họ chọn lúc các cường quốc trên thế giới phải lưu tâm đến nhiều chuyện khác để phân tán sự chú ý tới Biển Đông, là chuyện rất dễ hiểu.
Tôi hoàn toàn tán thành suy nghĩ Trung Quốc khi đưa tàu đến bãi Tư Chính là họ đã chọn thời điểm. Có điều thời điểm đó là một sự lăng nhục Việt Nam, vì ta nhớ rằng vụ bãi Tư Chính nổ ra đúng lúc chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đang thăm Trung Quốc. Một nước luôn luôn nói rằng « 4 tốt 16 chữ vàng » với Việt Nam, nhưng lại lợi dụng đúng lúc người ta đến thăm cấp cao, lại đi xâm phạm đất đai của vị thượng khách ấy. Tôi cho rằng điều đó là hết sức trơ tráo !
Việt Nam cho tới bây giờ đã làm tất cả những gì có thể làm được, nhưng đến hôm nay tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động ở bãi Tư Chính. Trong thế giới đảo điên ngày nay, đành để cho luật của kẻ mạnh ngự trị ?
Tất nhiên Trung Quốc là kẻ mạnh, nên khi Việt Nam hô hoán trước công luận thế giới, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bỏ qua. Nhưng vấn đề là Việt Nam rút ra kinh nghiệm gì để đối phó với Trung Quốc. Tôi cho rằng đây là điều may cho Việt Nam, khi Trung Quốc quá ngoan cố như vậy ! Trong khi Việt Nam đã dùng tất cả những biện pháp hòa bình mà vẫn không đạt được mục tiêu, thì đó là một sức ép đẩy lãnh đạo Việt Nam phải dùng những biện pháp như hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với các nước khác, nhất là Mỹ. Kẻ mạnh chỉ sợ khi nào đối thủ của họ tỏ ra mạnh hơn. Việt Nam khi hợp tác quốc tế tóm lại nếu ta thấy tích cực trong sự kiện Trung Quốc ngang ngược duy trì tàu ở bãi tư chính ta phải hình dung điểm tích cực đó là như thế
Và một điều không thể thiếu khi muốn chống ngoại xâm là lòng dân ?
Đúng, ngay đề nghị đầu tiên của chúng tôi là như thế. Là phải tăng cường nội lực của đất nước làm chỗ dựa cho quốc phòng, thực hiện kế sách giữ nước của Đức thánh Trần Hưng Đạo khoan sức dân…Như vậy việc đầu tiên chúng tôi đặt ra là nội lực hợp tác nước này nước kia nhất định phải làm nhưng không chỉ trông cậy vào đó quan trọng là thực sự anh có mạnh không chỉ có thể làm được nếu có chính sách nội trị tốt cho nên việc nhà nước đứng ra chống chọi với Trung Quốc sẽ cảm thấy tự tin vì sau lưng là cả một đất nước cả một dân tộc
RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của chúng tôi hôm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ trích

Trung Quốc ‘nói một đằng, làm một nẻo’

Bộ trưởng quốc phòng Philippines ngày 30/7 chỉ trích Trung Quốc về “hành động bắt nạt ở Biển Đông”. Ông Delfin Lorenzana nói rằng lời lẽ đảm bảo hòa bình của Bắc Kinh đi ngược lại với hành vi của họ trong vùng biển tranh chấp, theo AP.
Ông Lorenzana nói: “Trung Quốc nói ‘chúng tôi không bắt nạt láng giềng, chúng tôi tuân theo luật pháp quốc tế’, nhưng tôi thì nói rằng các ông không làm như vậy, những điều các ông nói không phải là những gì các ông làm trên thực tế”.
Theo Bộ trưởng quốc phòng Philippines, trừ phi Trung Quốc làm đúng những gì họ nói, bằng không những lời nói của họ sẽ luôn bị nghi ngờ, và người Philippines sẽ tiếp tục nhìn về Bắc Kinh với lòng ngờ vực.
Để minh chứng cho nhận định của mình, ông Lorenzana viện dẫn xếp hạng tín nhiệm thấp của Trung Quốc so với Hoa Kỳ, đồng minh của Philippines, trong các cuộc thăm dò dư luận địa phương.
Trong khi đó, phát biểu tại Manila vào cuối ngày 29/7 vào dịp đánh dấu ngày kỷ niệm của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines, Triệu Giám Hoa, nói cam kết của Trung Quốc đối với hòa bình đã được ghi trong hiến pháp nước ông, và các nỗ lực tăng sức mạnh quân sự hoàn toàn nhằm mục đích tự vệ.
“Cho dù Trung Quốc có trở nên hùng mạnh đến mức nào, Trung Quốc cũng sẽ không bao giờ theo đuổi mộng bá chủ hoặc thiết lập phạm vi ảnh hưởng”, AP dẫn lời Đại sứ Triệu Giám Hoa tuyên bố. “Trung Quốc sẽ vẫn cam kết phục vụ trong tư cách một lực lượng vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới”.
Đại sứ Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc áp dụng chiến lược quân sự phòng thủ tích cực, tuân thủ nguyên tắc phòng thủ, tự vệ và chỉ phản ứng sau khi bị tấn công, nghĩa là chúng tôi sẽ không ra tay đánh trước”.
Nói về những tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Philippines, Đại sứ Trung Quốc nói cả hai bên nên kiên nhẫn và Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách giải quyết tranh chấp trong hòa bình thay vì đối đầu. Theo ông, trong lúc chờ giải pháp hòa bình, hai bên nên đảm bảo rằng các tranh chấp không phương hại cho mối quan hệ chung.

Biển Đông : Việt Nam thông báo cho Ấn Độ

 về vụ Tư Chính

Trang thông tin mạng thehindu.com hôm nay 30/07/2019 dẫn nguồn tin ngoại giao Hà Nội cho biết, Việt Nam đã thông báo cho phía Ấn Độ việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, cùng nhiều tàu hải cảnh hộ tống vào hoạt động gần bãi Tư Chính, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
New Delhi tỏ lo ngại với những diễn biến căng thẳng trong vùng biển gần nơi tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đang có dự án hợp tác khai thác dầu với Việt Nam, theo trang mạng Ấn Độ.
Một quan chức ngoại giao ẩn danh Việt Nam hôm qua cho biết : “Chúng tôi đã thông báo diễn biến tình hình hiện nay tại Biển Đông với Ấn Độ, nước có liên quan và là một tác nhân quan trọng trong khu vực.” Nguồn tin này khẳng định với trang tin Ấn Độ là Trung Quốc đã điều tới 35 tàu hải cảnh để hộ tống tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến hành các hoạt động thăm dò địa chấn trong khu vực bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Đòi chủ quyền gần như toàn bộ vùng Biển Đông, Trung Quốc từng phản đối và ngăn cản các dự án hợp tác thăm dò khai thác dầu khí của Ấn Độ trong vùng biển của Việt Nam.
Nguồn tin ngoại giao được trích dẫn nói trên cho biết thêm, ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đã tiếp xúc với các nước như Mỹ, Nga, Úc và một số nước khác để bày tỏ lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc đe dọa các hoạt động khai thác thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam, trong đó đặc biệt có lô dầu 06.1 là nơi mà tập đoàn Nga Rosneft và công ty Ấn Độ ONGC đã hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam từ gần 17 năm nay.
Quan chức ngoại giao được trang tin Ấn Độ dẫn nguồn khẳng định, các hoạt động của Trung Quốc hiện nay tại bãi Tư Chính là “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam, theo Công ước Quốc tế về Luật Biển UNCLOS”.
Nguồn tin ngoại giao Hà Nội cũng cho biết Việt Nam đã đề cập vấn đề này với nhiều cấp chính phủ Trung Quốc và nếu Bắc Kinh không rút các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, Hà Nội sẽ đưa vấn đề ra tư pháp quốc tế.
Thehindu.com nhận định, vụ việc diễn ra ở bãi Tư Chính lần này là sự cố đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Trung Quốc đưa giàn khoan nổi Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam hồi tháng 5/2014.

Ấn Độ coi Việt Nam

là ‘đối tác tự nhiên’chống bành trướng TQ

Kể từ khi Ấn Độ áp dụng chính sách ‘hướng Đông’, New Dehli đã dần dà tăng sự hiện diện, nâng cao hợp tác với các nước trong khu vực, và từng bước can dự nhiều hơn vào các vấn đề Biển Đông. Trên cơ sở chính sách đối ngoại này, New Dehli trong nhiều năm qua đã tạo lòng tin, tăng cường hỗ trợ và hợp tác với Hà nội.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hôm 29/7 thông báo cho Ấn Độ những diễn biến tại bãi Tư Chính, khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 cùng với 35 tàu hộ tống vào vùng biển “thuộc khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 4/7”, báo Economic Times của Ấn Độ trích lời một quan chức Việt Nam nói Việt Nam đã thông báo cho Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại nơi này, và những khó khăn mà Việt Nam vấp phải trong việc tiếp cận các nguồn tài nguyên trong lãnh hải của mình xung quanh bãi Tư Chính, nơi mà Tập đoàn dầu khí quốc gia của Ấn Độ (ONGC) từng có các dự án thăm dò dầu khí với Việt Nam.
Báo Economic Times dẫn lời quan chức Việt Nam không nêu danh tính nói:“Chúng tôi đã thông báo cho Ấn Độ về tình hình hiện nay ở Biển Đông, vì Ấn Độ là một trong các bên có lợi ích gắn liền với vùng biển này và là một tác nhân quan trọng trong khu vực.”
“Ấn Độ chắc chắn đang trở thành một tác nhân ngày càng hùng mạnh có những quyền lợi gắn liền với khu vực và thân thiện với Việt Nam…
Josh Kurlantzick, chuyên gia về Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại
Các hành động của Trung Quốc làm gián đoạn các dự án thăm dò dầu khí của Việt Nam bên trong lãnh hải Việt Nam, đã châm ngòi cho cuôc đối đầu gay gắt nhất giữa hai nước cộng sản láng giềng, tính từ năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải của Việt Nam, dẫn tới các cuộc biểu tình bạo động nhất chống Trung Quốc, và củng cố quyết tâm muốn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố các hành động của Trung Quốc ‘vi phạm luật pháp quốc tế’ và ‘xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam’.
Ấn Độ từ trước tới giờ vẫn hậu thuẫn quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, cũng như quyền của các nước trong khu vực được tiếp cận các nguồn tài nguyên trong các vùng biển thuộc chủ quyền của các nước dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982).
Báo Ấn Độ dẫn các nguồn tin từ Việt Nam cho biết Hà nội đã nêu vấn đề này lên các cấp chính quyền Trung Quốc và sẽ xét tới một “giải pháp pháp lý”, nếu Bắc Kinh không rút ra khỏi lãnh hải Việt Nam.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA-Việt ngữ qua email hôm 29/7, ông Josh Kurlantzick, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ (CFR), nói New Dehli muốn trở thành một lực đối trọng với Trung Quốc trong khu vực, và coi Việt Nam là một đối tác ‘tự nhiên’.
Ông Kurlantzick nói:
“Ấn Độ chắc chắn đang trở thành một tác nhân ngày càng hùng mạnh có những quyền lợi gắn liền với khu vực và thân thiện với Việt Nam. Theo tôi thì từ góc nhìn của New Dehli, các lợi ích của Ấn Độ là thứ nhất, phóng ra xa sức mạnh và ảnh hưởng của mình, và thứ hai, xây dựng một mạng lưới các đối tác có khả năng đoàn kết lại với nhau để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.”
Các nhà ngoại giao Việt Nam được Economic Times dẫn lời nói rằng tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc hoạt động gần nhiều lô dầu nằm trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển Việt Nam, và như vậy rõ ràng Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhà nghiên cứu Josh Kurlantzick tránh trả lời câu hỏi liệu ông có đồng ý với nhận định đó hay không.
Nhưng ông cho rằng trong tương lai Việt Nam và Ấn Độ sẽ là những đối tác an ninh ngày càng quan trọng của nhau, bởi vì theo lời ông, ngoài Hoa Kỳ thì Ấn Độ là đối tác an ninh ‘tự nhiên nhất’ của Việt Nam, xét Nhật Bản, tuy cũng là một đối tác quan trọng, nhưng còn bị giới hạn vì hiến pháp chủ hòa của nước này.
Truyền thông Ấn Độ tường thuật rằng ngoài Ấn Độ, Việt Nam cũng đã tiếp xúc với nhiều nước khác như Hoa Kỳ, Nga, Úc và nhiều nước khác để bày to lo ngại về hành động hung hăng của Trung Quốc, đe dọa các hoạt động thăm dò, khai thác dầu hỏa của Việt Nam ngay trong lãnh hải và thềm lục địa của mình.

Đối đầu trên Biển Đông: Cơ chế nào để xử lý?

Hiện không có nhiều kỳ vọng vào các cơ chế cũng như biện pháp kiểm soát hành vi của những bên tranh chấp để đảm bảo hòa bình và ổn định cho Biển Đông, các chuyên gia quốc tế nhận định.
Chỉ trong thời gian ngắn vùng biển này đã liên tục xảy ra các sự cố: tàu hải giám Trung Quốc quấy rối hoạt động thăm dò của tàu Malaysia ở cụm bãi cạn Luconia ở cực nam quần đảo Trường Sa hồi tháng 5; tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở Bãi Cỏ Rong hồi tháng 6; và mới đây nhất, kể từ đầu tháng 7 đến nay, tàu thăm dò của Trung Quốc với sự hộ tống của các tàu hải giám đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam quanh Bãi Tư Chính.
Trong khi đó, các cơ chế kiểm soát xung đột như Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), các phương pháp xây dựng lòng tin (CBM), cơ chế tham vấn song phương (BCM) cũng như sự phân xử của tòa trọng tài thường trực (PCA) đều có những trở ngại nhất định, các chuyên gia nhận định tại Hội nghị Biển Đông thường niên lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington, Mỹ, hôm 24/7.
Hội thảo đã dành hẳn một phiên thảo luận với chủ đề ‘Các con đường quản lý bất đồng’ để nhìn lại những cơ chế và biện pháp này.
Đàm phán COC phức tạp
Trước hết đối với Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), vốn đang được đàm phán giữa Trung Quốc và các nước ASEAN từ năm 2014 và được hy vọng sẽ ổn định tình hình Biển Đông khi hoàn tất, con đường đàm phán vẫn còn rất chông gai do lập trường quá khác biệt giữa các bên.
Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên viên cao cấp của Viện Nghiên cứu đông nam Á (ISEAS) ở Singapore thì Trung Quốc có ý đồ riêng khi tham gia đàm phán COC dù trước năm 2014 họ không hứng thú với COC bất chấp lời kêu gọi của các nước.
“Mãi cho đến năm 2016 Trung Quốc mới có thái độ nghiêm túc hơn với các cuộc đàm phán COC mà lý do mặc định là họ muốn đánh lạc hướng sự chỉ trích ra khỏi việc họ bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài vốn được công bố vào tháng 7 năm đó,” ông Storey phân tích.
Cũng theo nhà nghiên cứu này, một động cơ khác để Bắc Kinh đàm phán COC là để chứng minh ‘luận điệu giả trá’ của họ rằng ‘Biển Đông yên tĩnh và ổn định’ và rằng ‘Trung Quốc và ASEAN đang cùng nhau giải quyết vấn đề vì thế không cần các nước bên ngoài, nhất là Mỹ, can thiệp vào’.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng nước ông muốn có được COC trong vòng ba năm (tức là đến năm 2021). Tuy nhiên, ông Storey cho rằng điều này trái ngược với mong muốn của một số nước tranh chấp là họ ưu tiên vào kết quả đàm phán hơn là thời hạn cứng.
Do những nội dung đàm phán COC hiện vẫn đang trong vòng bí mật, nhà nghiên cứu này đã tiết lộ những bất đồng lớn giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, nhất là Việt Nam.
Hà Nội, theo lời ông Storey, đã nên ra ‘một danh sách dài các hoạt động mà họ muốn COC cấm và không có gì trùng hợp khi danh sách này cũng chính là những gì mà Trung Quốc đã làm trong vòng vài năm qua’, chẳng hạn như chấm dứt xây đảo nhân tạo, không được quân sự hóa các đảo, từ bỏ vũ lực và không được đe dọa dùng vũ lực, chấm dứt tình trạng chặn tàu tiếp tế, không được tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).
Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu các bên làm rõ đòi hỏi chủ quyền và đòi hỏi này phải phù hợp với UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển). Bắc Kinh cho đến nay vẫn giữ cho yêu sách đường chín đoạn của họ mơ hồ (chẳng hạn như không rõ họ đòi chủ quyền với đảo hay biển hay cả hai) để tự do hơn trong diễn giải. Bản thân đường chín đoạn này trái với UNCLOS và đã bị tòa án quốc tế bác bỏ.
“Việt Nam cùng với Indonesia đã kêu gọi các bên tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của các nước ven biển – thách thức trực tiếp đối với đường chín đoạn của Trung Quốc vốn xâm phạm vào EEZ của tất cả các bên có tranh chấp,” ông cho biết và nói rằng Trung Quốc muốn dỡ bỏ tất cả điều khoản này mà Việt Nam nêu ra trong dự thảo thứ nhất.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đưa vào những điều khoản mà ông Storey cho rằng ‘gây ra những lo ngại trong phạm vi khu vực và các nước bên ngoài’. Theo đó, Bắc Kinh muốn các dự án hợp tác cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông ‘chỉ diễn ra giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp’ – tức loại trừ các tập đoàn dầu khí phương Tây, các cuộc tập trận giữa các nước ASEAN với các nước bên ngoài cần phải có sự đồng ý trước của tất cả 11 nước (10 nước ASEAN và Trung Quốc) – có nghĩa là Bắc Kinh có quyền chặn đứng bất kỳ hoạt động quân sự nào giữa một nước ASEAN với Mỹ, Nhật hay Úc.
Không những thế, phạm vi địa lý (Việt Nam muốn COC bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa nhưng Trung Quốc phản đối), tính ràng buộc về pháp lý cũng là những vấn đề bất đồng trong đàm phán, cũng theo ông Storey.
Hiện tại các nước đang ở giai đoạn đọc dò (reading) lần thứ nhất bản dự thảo và đặt trong ngoặc kép những điểm mà họ không đồng ý cũng như ghi chú lập trường của mình ở mỗi điểm, ông nói và cho biết có ‘rất nhiều chỗ bị đặt trong ngoặc kép’.
“Do mức độ phức tạp của nhiều vấn đề và tốc độ chậm chạp của cuộc đàm phán cho nên mục tiêu có COC vào năm 2021 có lẽ không thể đạt được,” ông Storey nói.
Ông cũng đặt nghi vấn vào thời điểm 2021 và 2021 mà khi đó Brunei và Campuchia, những nước được cho là ‘tay trong’ của Bắc Kinh trong khối Asean, sẽ nắm vai trò chủ tịch luân phiên và có khả năng lèo lái lập trường của khối. Nếu cột mốc mà Bắc Kinh đặt ra là 2020, trùng với năm chủ tịch Asean của Việt Nam, thì nhiều người sẽ ‘cảm thấy an tâm’, ông nói.
‘Ngoại giao hai mặt’
Về các biện pháp xây dựng lòng tin (CBM), ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên cấp cao tạp chí ‘The Diplomat’ nêu bật điều quan ngại mà ông gọi là ‘tiến trình hai mặt’ (two-track process) của Trung Quốc khi một mặt có hành động thiện chí nhưng mặt khác lại có hành vi gây hấn. Những hành động xây dựng lòng tin và làm xói mòn lòng tin đồng thời này ‘đã diễn ra liên tục’ ở Biển Đông trong thời gian qua, ông nói.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện các Vấn đề Hải dương và Luật Biển thuộc Đại học Philippines, nêu ra trường hợp Cơ chế Tham vấn Song phương (BCM) Philippines thiết lập cùng với Trung Quốc sau phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực hồi năm 2016 mà ông cho rằng ‘không hiệu quả’.
BCM được lập ra nhằm để tạo một kênh trao đổi và giải quyết những vấn đề tranh chấp về chủ quyền ‘một cách thầm lặng’, ông cho biết.
“Giờ đây đã ba năm trôi qua nhưng BCM vẫn chưa chứng minh được nó là một phương cách hiệu quả để thật sự giải quyết những vấn dề cốt lõi của tranh chấp,” ông nói. “Trừ phi hai nước thay đổi cách ứng xử nếu không cơ chế này sẽ không là gì khác hơn là kênh đàm phán thiếu thiện chí.”
Ông Batongbacal đưa ra dẫn chứng về việc ngư dân Trung Quốc khai thác ồ ạt sò tai tượng ở bãi cạn Scarborough vốn gây hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái ở đây – vấn đề mà Manila đã nhiều lần nêu lên với Trung Quốc trong khuôn khổ BCM nhưng Bắc Kinh không hề giải quyết.
Ông cho biết vấn đề đánh bắt sò tai tượng đã được nêu ra trong lần tham vấn hồi năm 2017 vốn được mô tả là ‘sâu sắc, thân thiện, hiệu quả’ nhưng cuối cùng vào tháng 8 năm 2017 hành vi khai thách sò tai tượng của ngư dân Trung Quốc lại tái diễn.
“Cho đến nay chính phủ Trung Quốc chưa có hành động nào để giải quyết tình trạnh đánh bắt trộm sò tai tượng ở Bãi cạn Scarborough và tác động của nó đối với môi trường biển,” ông cho biết và nói thêm hành động của ngư dân Trung Quốc diễn ra trước sự có mặt của các tàu hải giám Trung Quốc.
“Hành động của Trung Quốc trong vấn đề này hoàn toàn rõ ràng và là sự đo lường trực tiếp cam kết của họ để giành được lòng tin trong việc xử lý tranh chấp,” ông nói.
“Cho nên không có gì là không công bằng khi nói rằng vào lúc này BCM không làm được chức năng là cơ chế chủ động giải quyết bất đồng mà lại trở thành cơ chế gây xao nhãng và làm phức tạp thêm bất đồng,” ông nói. “Nó hoạt động một chiều với lợi thế cho một phía (Trung Quốc) và thay vì quản lý tranh chấp nó càng làm cho tranh chấp mở rộng và khó mà giải quyết công bằng trong tương lai.”
Đưa ra Liên Hiệp Quốc?
Về phán quyết của Tòa án Quốc tế, cụ thể là phán quyết của PCA trao thắng lợi cho Manila trước Bắc Kinh đối với các tranh chấp trên Biển Đông hồi năm 2016, cơ chế thực thi phán quyết là lý do chính khiến nó không có tác dụng như mong đợi khi các nước thua kiện không tuân thủ phán quyết.
Bà Lan Nguyen, phó giáo sư thuộc Khoa Luật, Đại học Utrecht, Hà Lan, nhấn mạnh đến các trường hợp tương tự mà các nước nguyên đơn đã đưa vấn đề ra Liên Hiệp Quốc.
Hơn 3 năm kể từ ngày PCA ra phán quyết, Bắc Kinh chỉ tuân thủ có 2 trong tổng số 11 điểm phán quyết, theo phân tích mới đây của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS.
Bà Lan nêu ra ví dụ về vụ kiện hồi năm 1986 của Nicaragua đối với Mỹ đã ủng hộ thành phần nổi loạn chống chính phủ nước này. Mỹ khi đó cũng từ chối tham gia vào vụ kiện cũng như Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) khi đó đã ra phán quyết Nicaragua thắng kiện nhưng phán quyết này đã bị Washington bác bỏ.
Khi đó, Nicaragua đã viện đến Điều 94 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc để đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an để buộc Mỹ phải thực thi phán quyết. Tuy nhiên, do Mỹ là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an nên họ đã phủ quyết. Sau đó, Nicaragua đã tìm đến Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nơi họ đã thuyết phục được cơ quan này thông qua bốn nghị quyết lên án Mỹ và yêu cầu Washington phải tuân thủ phán quyết của ICJ.
“Mặc dù nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc không mang tính ràng buộc và không thay đổi nhiều giọng điệu của phía Mỹ nhưng nó thật sự đưa Mỹ vào tầm ngắm của quốc tế và thật sự gây sức ép lên Mỹ để có một số điều chỉnh nhất định trong chính sách đối ngoại của họ,” bà Lan phân tích.
Trở lại với phán quyết của PCA đối với Trung Quốc, mặc dù nó chỉ có tác dụng ràng buộc đối với hai bên nguyên đơn và bị đơn, nhưng bà Lan cho rằng các nước có tranh chấp trên Biển Đông có mối liên hệ chặt chẽ và do tính chất mở của vùng biển này mà tất cả các nước tranh chấp, không chỉ Philippines, đều có ‘quyền và nghĩa vụ thực thi phán quyết’.
Từ kinh nghiệm của Nicaragua, bà Lan nói các nước nhỏ có thể sử dụng diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để gây sức ép lên hành vi sai trái của các nước lớn – điều mà Việt Nam đã từng thực hiện hồi năm 2014 khi họ liên tục gửi thư đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lên án hành việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội và yêu cầu phổ biến những lá thư này trong khuôn khổ các phiên họp của Đại hội đồng.
Một cách khác mà bà Lan đề xuất để cho phán quyết của tòa quốc tế không trở thành một tờ giấy lộn là các nước tranh chấp khi đàm phán phân định biên giới trên biển hay quản lý vùng đánh bắt là ‘dựa trên những luật lệ mà phán quyết của Tòa trọng tài đã vận dụng’.
“Thỏa thuận phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm 2000 cho thấy các bên không phải là không sẵn sàng từ bỏ quyền lịch sử của mình để đàm phán một thỏa thuận dựa trên luật pháp quốc tế,” bà Lan cho biết.
Trung Quốc cũng dựa trên chủ quyền lịch sử để đòi hỏi chủ quyền với hầu hết Biển Đông mặc dù ‘quyền lịch sử’ này đi ngược luật pháp quốc tế. Bắc Kinh lập luận rằng ‘quyền lịch sử’ của họ có từ trước khi Luật Biển quốc tế ra đời.
“Mặc dù những hành động này có thể vô vọng trước sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, chúng vẫn quan trọng nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế vì bởi vì theo luật quốc tế không có cái gọi là cảnh sát quốc tế mà từng quốc gia phải là cơ quan thực thi pháp luật,” bà nói.
Tuy nhiên, trên vấn đề này, ông Ian Storey lưu ý rằng ASEAN ‘chưa từng nói một lời nào về phán quyết của PCA’ kể từ khi nó được công bố.
“Ngay cả Philippines cũng không nắm bóng trong chân thì tại sao các nước khác phải làm thế chứ,” ông nói.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.