Đọc báo Pháp – 19/07/2019
Kim Jong Un và đường đi ngoằn ngoèo
của những chiếc Rolls Royce
Cải cách chế độ hưu bổng là đề tài chiếm trang nhất của hầu hết báo Pháp hôm nay. Bên cạnh đó là sự kiện các nước G7 đồng tình đánh thuế GAFA và phản đối đồng tiền ảo Licra của Facebook, xung đột Mỹ-Iran, bất hòa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Liên quan đến Bắc Triều Tiên, Le Figaro cho biết « Làm thế nào Kim Jong Un mua được những chiếc Rolls Royce ». Nhờ nhiều cách thức phức tạp, nhà độc tài Bình Nhưỡng né được cấm vận đối với các mặt hàng xa xỉ.
Khi gặp gỡ tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore hay ngoại trưởng Mỹ tại Bình Nhưỡng, tổng thống Nga Vladimir Putin ở Vladivostok, Kim Jong Un luôn sử dụng loại xe sang trọng nhất : một chiếc Rolls-Royce Phantom hay Mercedes có kính chống đạn kiểu mới nhất. Khi Kim ra nước ngoài, có các phi cơ vận tải lo việc chuyển đi những chiếc xe đắt tiền này. Nhưng làm thể nào Kim Jong Un mua được chúng, trong khi lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc từ năm 2006 vẫn luôn có hiệu lực ?
Bí mật này lâu nay vẫn khiến các chuyên gia canh cánh bên lòng, thậm chí mới đây còn gây bực tức cho các nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong chuyến thăm chính thức Bình Nhưỡng của Tập Cận Bình hồi tháng Sáu, Kim Jong Un đã mời ông Tập cùng bước lên « tang vật » là một chiếc Mercedes-Maybach mui trần để vẫy chào đám đông. Trong khi chính Trung Quốc đã bỏ phiếu cho nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Bắc Triều Tiên nhập loại xe này.
Bằng thủ thuật nào mà chiếc xe sang ấy đến được Bình Nhưỡng ? Báo cáo hôm 16/7 của trung tâm nghiên cứu C4ADS ở Washington đã hé lộ một phần. Think-tank này lần theo được con đường ngoằn ngoèo từ châu Âu của hai chiếc Mercedes mà Kim Jong Un ưa thích, kiểu Maybach S600 Pullman Guard, giá khoảng 450.000 euro một chiếc.
Chuyến đi vòng vèo qua 5 nước
Chúng được nhận ra tại cảng Rotterdam của Hà Lan tháng 6/2018. Hai container niêm phong chứa hai chiếc xe sang này được chở đến một bến tàu, giao cho công ty hàng hải Trung Quốc Cosco. Chuyến hàng đến cảng Đại Liên (Trung Quốc) 41 ngày sau và ở lại gần một tháng. Đến ngày 26/8, một tàu biển chở hai container này đến Osaka (Nhật Bản), chuyển sang một tàu khác đi đến Busan (Hàn Quốc).
Vừa tới Busan, chuyến hàng được giao cho Do Young Shipping, một công ty đăng ký ở quần đảo Marshall, đưa lên tàu hàng mang cờ Togo đi đến Nakhodka, một cảng ở vùng Viễn Đông Nga, gần Vladivostok. Nhưng vừa khởi hành là chiếc tàu Togo này tắt ngay hệ thống nhận dạng tự động, khiến các vệ tinh không nhận ra được. Đến 18 ngày sau hệ thống này mới được mở lại, khi chiếc tàu lần này chở theo 2.500 tấn than từ Nga quay lại Busan.
Số than đá này dùng để đối lấy chuyến hàng quý giá chăng ? Báo cáo không thể xác định, nhưng ghi nhận có vai trò của Danil Kazatchuk, một doanh nhân Nga ở gần Vladivostok, vừa làm ăn trong ngành thương mại hàng hải vừa khai thác các mỏ than.
Vòng quay mờ ám này rất phức tạp, khiến các điều tra viên của C4ADS khó thể có được những bằng chứng thật chắc chắn. Chỉ có thể biết rằng những chiếc xe sang của Kim Jong Un từ chiếc tàu Togo sau khi đến Nga đã được đưa về Bắc Triều Tiên bằng đường hàng không. Hôm 07/10/2018, ba máy bay vận tải của hãng hàng không Bắc Triều Tiên Air Koryo đã đưa những chuyến hàng bí mật từ cảng Vladivostok về Bình Nhưỡng, và chính những chiếc máy bay này cũng phụ trách việc vận chuyển những chiếc xe sang trọng khi Kim Jong Un ra nước ngoài.
Khoảng 800 chiếc xe sang, ngoài những chiếc Mercedes của ông Kim, đã được nhập vào Bắc Triều Tiên trong những năm gần đây. Như vậy lệnh cấm vận đưa ra cách đây 13 năm tỏ ra không hiệu quả lắm. Một trong những khó khăn trong việc áp dụng là do Liên Hiệp Quốc để cho các nước thành viên tự xác định thế nào là « hàng xa xỉ ».
Những thủ đoạn né cấm vận của Bình Nhưỡng còn cần được nghiên cứu vì một lý do khác : Bắc Triều Tiên sử dụng cùng một mạng lưới ngầm này để mua các nguyên liệu để làm giàu uranium hay sản xuất bom nguyên tử. C4ADS nhấn mạnh, dây mơ rễ má của hệ thống này liên quan đến ít nhất 90 nước.
Bầu cử Nghị Viện Matxcơva :
Toàn bộ ứng cử viên đối lập bị loại
Tại châu Âu, trang web của Libération có bài phóng sự nói về sự kiện « 27 ứng cử viên đối lập bị loại ra khỏi cuộc bầu cử Nghị Viện Matxcơva ». Để phản đối, phe đối lập dự kiến tổ chức biểu tình ngày mai tại thủ đô nước Nga.
Nghị Viện Matxcơva gồm 45 đại biểu, có quyền thông qua ngân sách thành phố lên đến 2.600 tỉ rúp (gần 37 tỉ euro) trong năm 2019. Nhưng chỉ có 7 đại biểu được coi là đối lập « chính thức » (gồm đảng Cộng Sản và đảng Tự do Dân chủ), không có đại biểu đối lập « ngoài luồng » nào, Nghị Viện trở thành nơi đơn thuần để thi hành các quyết định của đô trưởng Serguei Sobianine.
Thực ra với chế độ đặc biệt dành cho Matxcơva, các đại biểu có quyền tham khảo hồ sơ, chất vấn tất cả các cơ quan và công ty tại thủ đô, kể cả Viện Kiểm sát. Đó là vị trí lý tưởng để tố cáo nạn tham nhũng đang hoành hành trong Nhà nước Nga. Đối lập đã thành công hồi tháng 9/2017, nhiều ứng cử viên của Nhà nước đã bị liên minh đối lập « Dân chủ Thống nhất » đánh bại. Lần này rút kinh nghiệm, chính quyền đã dùng mọi thủ đoạn để ngăn chận. Tại các quận quan trọng nhất, vô số ứng cử viên « độc lập » xuất hiện, thực chất là để chia phiếu.
Đối với các ứng cử viên đối lập « ngoài luồng », tập hợp đủ số chữ ký để ra tranh cử là một cuộc chiến gay go. Các tình nguyện viên của họ bị tấn công, ủy ban địa phương chi tiền cho « mật thám » len lỏi vào thu thập những chữ ký « dỏm ». Ủy ban bầu cử phụ trách kiểm tra chữ ký hoặc xé bỏ, hoặc lấy nhiều cớ để không chứng nhận, cáo buộc dùng tên những người đã chết…Kết quả là tất cả 27 ứng viên đối lập đều bị loại ! Ứng cử viên Lioubov Sobol tuyệt thực để phản đối, số còn lại kêu gọi xuống đường.
Mỹ lo ứng dụng FaceApp của Nga
ảnh hưởng đến an ninh
Cũng liên quan đến Nga, phụ trang kinh tế Le Figaro đề cập đến « FaceApp, ứng dụng điện thoại di động của Nga đang làm các chính khách Mỹ lo ngại ».
Thêm vài nếp nhăn để tự trào hoặc xóa bớt nếp nhăn trên mặt để mơ mộng…FaceApp đã chinh phục được gần 80 triệu người sử dụng. Với ứng dụng điện thoại di động này, người dùng có thể ngắm khuôn mặt mình trẻ lại hoặc già đi, nhờ trí thông minh nhân tạo. Đây là ứng dụng được tải nhiều nhất ở Pháp, từ Google Play Store hay Apple Store. Nhưng xuất xứ từ Nga của FaceApp gây ra nhiều lo âu, nhất là tại Hoa Kỳ.
Thượng nghị sĩ Dân Chủ Chuck Schumer đã yêu cầu FBI và cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ (FTC) điều tra về công ty chủ nhân ứng dụng này, có trụ sở tại Saint Petersbourg. Đó là do FaceApp buộc người sử dụng phải « cho phép lấy toàn bộ dữ liệu cá nhân và không thể thay đổi ý kiến ». Ông Schumer lo ngại cho « an ninh quốc gia và cuộc sống riêng tư của hàng triệu công dân Mỹ ». Người phụ trách an ninh của ủy ban quốc gia đảng Dân Chủ, ông Bob Lord khuyến cáo nên xóa ứng dụng này, tuy hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy FaceApp có liên quan đến chính phủ Nga.
Những người hùng của Apollo 11
Nhân kỷ niệm 50 năm con người đặt chân lên Mặt Trăng, các báo tiếp tục có những bài viết về phi thuyền Apollo 11.
Le Figaro mô tả « Armstrong, Aldrin và Collins, ba người khổng lồ của Mặt Trăng ».
Trước hết là Neil Armstrong, « phi công siêu việt và khiêm tốn ». Lạnh lùng, khiêm tốn, vô cùng tài giỏi, sống nội tâm, Armstrong được chọn làm chỉ huy phi thuyền Apollo 11 huyền thoại nhờ các tính cách trên. Là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng, tên ông được lưu danh hậu thế, nhưng Neil Armstrong vẫn nhún nhường nói : « Tôi chỉ là một phi công ». Ông cảm thấy gần như có lỗi vì « ở trên đỉnh một ngọn tháp » gồm 400.000 người làm việc cho NASA.
Ít lâu sau chuyến đi thăm Chị Hằng, ông rời NASA, làm giáo sư ngành hàng không không gian cho trường đại học ít tên tuổi Cincinnati ở tiểu bang Ohio. Neil Armstrong chỉ tái xuất khi xảy ra tai nạn phi thuyền Challenger, với tư cách phó ban điều tra.
Trong số 12 phi hành gia lên Mặt Trăng, chỉ có Neil Armstrong cùng với một nhà địa chất học của Apollo 17 là dân sự, nhưng nổi tiếng là phi công « máu lạnh ». Chẳng hạn trong một chuyến bay thử, phát hiện các thông tin sai về nhiên liệu, ông liền nhảy dù và mô-đun nổ tung ngay lập tức. Rổi Armstrong trở về văn phòng, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng nói chuyện với công chúng thì khác, ông không cảm thấy thoải mái trong chuyến đi 23 nước cùng với các đồng nghiệp sau đó.
Ngược lại, phi hành gia thứ hai của Apollo 11 là Buzz Aldrin liên tục xuất hiện, tuy NASA không muốn chỉ một người ôm trọn vinh quang. Dù vậy Aldrin có lý do để tự hào : từng thực hiện 66 phi vụ trong chiến tranh Triều Tiên, có bằng tiến sĩ không gian của trường đại học danh giá MIT. Về đời tư, ông có nhiều chuyện buồn. Mẹ ông, mà tên thời con gái là Moon (cũng là mặt trăng), đã tự sát một năm trước chuyến bay Apollo 11, còn Aldrin thì sau chuyến thăm Chị Hằng vẫn khó bước xuống Trái Đất.
Michael Collins thì tự hài lòng với vai trò phụ của mình : ở lại trong mô-đun bay quanh Mặt Trăng, trong khi hai phi hành gia bạn làm việc, chỉ phàn nàn không thể theo dõi trực tiếp các hình ảnh như 500 triệu khán giả trên Trái Đất. Nhưng Collins lại là người thành công nhất về mặt cá nhân, ông giữ một vai trò trong chính quyền Nixon thời chiến tranh Việt Nam, rồi giám đốc bảo tàng hàng không không gian ở Washington, và là tác giả một cuốn sách best-seller kể lại cuộc sống của phi hành gia.
Cha đẻ chương trình không gian Liên Xô
từng bị đày đi gu-lắc
La Croix trong bài viết cuối về « Những người hùng của Mặt Trăng » nhin sang phía Liên Xô, cho biết chi tiết về Serguei Korolev, người kỹ sư tận tụy lãnh đạo việc nghiên cứu về không gian tại Liên Xô trong thập niên 50-60
Trong thời kỳ Stalin thanh trừng, Serguei Korolev bị đày đi gu-lắc, nhưng thoát được nhờ sự can thiệp của người mẹ và viện sĩ Andrei Tupolev. Năm 1945, Korolev được gởi sang Đức để thu thập kiến thức và đội ngũ kỹ sư trong ê-kíp Von Braun về hỏa tiễn V2.
Các thành công của vệ tinh nhân tạo đầu tiên Sputnik, tàu thăm dò Luna và người đầu tiên đi ra ngoài không gian, Gagarine, là nhờ vào Korolev. Năm 1964 được chính quyền giao trọng trách đua tranh với chương trình Apollo trong khi đang thua kém nhiều về công nghệ, Serguei Korolev làm việc quá tải, đã qua đời trong một cuộc giải phẫu. Tên ông được đặt cho một miệng núi lửa trên Mặt Trăng.
Tin đọc nhanh
(Reuters) –Liên Hiệp Quốc chê lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào giới tướng lãnh Miến Điện là quá yếu.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Miến Điện, bà Yanghee Lee, ngày 18/07/2019 đã cho rằng các biện pháp trừng phạt Miến Điện vừa được Mỹ công bố sẽ không có tác dụng. Hoa Kỳ hôm 16/07 đã ra lệnh trừng phạt đối với tổng tư lệnh quân đội Miến Điện Min Aung Hlaing và 3 lãnh đạo quân đội khác, cùng với gia đình họ, về trách nhiệm trong về những vụ giết người Rohingya. Trong số các trừng phạt có việc cấm nhập cảnh vào Mỹ.
(Reuters) – Nạn suy dinh dưỡng đang gia tăng ở Bắc Triều Tiên.
Hội Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ Quốc Tế đã thẩm định như trên ngày 18/07/2019, sau khi báo động rằng thu hoạch nông nghiệp trong năm nay sẽ chỉ bằng một nửa so với dự kiến. Các cơ quan nhân đạo quốc tế và báo chí chính thức Bắc Triều Tiên đã đề cập đến nguy cơ quốc gia này bị khủng hoảng lương thực, do hạn hán nghiêm trọng trong bối cảnh nước này đã liên tục bị thiếu ăn và bị trừng phạt quốc tế nghiêm ngặt.
(AFP) – Ukraina đề nghị Nga trao đổi Sentsov với một nhà báo.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hôm 19/07/2019, đề nghị Matxcơva trao trả đạo diễn Oleg Sentsov đang bị Nga cầm tù để đổi lấy nhà báo Ukraina gốc Nga Kyrylo Vychynsky, bị Kiev kết tội « phản quốc ». Thông cáo tổng thống Ukraina nêu rõ trong trường hợp đôi bên đồng ý, cuộc trao đổi phải được tiến hành « cùng lúc ».
(AFP) -Syria : Liên Hiệp Quốc kêu gọi Nga chấm dứt oanh kích bệnh viện.
Văn bản phổ biến cho báo chí cho biết « rất lo âu » về vụ bệnh viện Quốc Gia Maarat, một trong những trung tâm y tế lớn nhất trong tỉnh Idleb bị ném bom hôm 10/07/2019. Nga bị chất vấn trong cuộc họp kín được tổ chức khẩn cấp ngày 18/07/2019 tại NewYork theo yêu cầu của Koweit, Đức và Bỉ. Từ đầu tháng 5/2019 một loạt cuộc họp của Hội Đồng Bảo An được triệu tập để yêu cầu Matxcơva chấm dứt oanh kích các cơ quan y tế.
(AFP) – Hai phe Venezuela tiếp tục đàm phán.
Phái đoàn của tổng thống Nicolas Maduro và tổng thống tự phong Juan Guaido cho biết đạt được tiến triển sau bốn ngày họp tại đảo quốc La Barbade, dưới sự bảo trợ của Na Uy. Hai bên đồng ý thương lượng tiếp và cùng kín tiếng không tiết lộ nội dung.
(AFP) – WorlCup 2022 : Nam Bắc Hàn cùng bảng vòng loại.
Cuộc rút thăm tranh vòng loại Cúp Bóng Đá Thế Giới 2022 vùng châu Á đưa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vào chung bảng H. Hàn Quốc đủ sức đánh bại Bắc Triều Tiên nhưng trận cầu giữa hai nước anh em chia đôi sẽ mang ý nghĩa đặc biệt. Huấn luyện viên Paulo Bento của Hàn Quốc chỉ thị cho các cầu thủ « tôn trọng đội tuyển Bắc Triều Tiên như tôn trọng các đối thủ khác sẽ gặp » trong cuộc tranh tài.
(AFP) – Pháp chuẩn bị đối phó với một đợt nắng nóng mới.
Đợt nóng gay gắt sẽ bắt đầu ngay từ đầu tuần tới. Cơ quan khí tượng hôm 19/07/2019, nêu rõ đợt nóng không kéo dài, nhưng nhiệt độ sẽ rất cao, nhiều nơi có thể lên đến 40°C và tác động phần lớn nước Pháp.
(Le Figaro) – Pháp : Citroen 100 năm tuổi.
« Cuộc tập hợp của thế kỷ » là tên cuộc triển lãm mừng hiệu xe Citroen 100 năm tuổi. Trong ba ngày cuối tuần từ 19-21/07/2019, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng 4500 mẫu xe đủ mọi thời đại và gặp gỡ 1100 nhà sưu tập tại La Ferté-Vidame, vùng Eure-et-Loir. Đây là điểm những chiếc xe 2CV đầu tiên được cho chạy thử.
0 nhận xét