Giới chuyên gia, học giả quốc tế chỉ trích, lên án hành vi khiêu khích của TQ trong vùng biển Việt Nam
Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019
17:22
//
- TinThế giới
,
Slider
Ngay sau khi thông tin Trung Quốc điều tàu thăm dò địa chất Hải Dương 08 và nhiều tàu chấp pháp xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được công bố, giới học giả quốc tế liên tục đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc.
Các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhận định về động thái cản trở của Trung Quốc đối với hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, tại Biển Đông.
Ông Gregory Poling, giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington cho biết, thông qua hành động phi pháp trên cho thấy Trung Quốc vẫn tìm cách ngăn cản các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương của các nước láng giềng ở bất kỳ khu vực nào nằm trong “đường 9 đoạn”. Vụ việc xảy ra với Việt Nam và Malaysia cho thấy Trung Quốc sẽ chỉ dùng phương thức “bắt nạt” và hành xử thận trọng để tránh xảy ra xung đột trên Biển Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc có ý định làm như vậy (ngăn cản các hoạt động dầu khí đơn phương) thông qua sự hăm dọa và bắt nạt, chứ không phải bằng vũ lực. Khi các bên khác kháng cự lại hành động bắt nạt đó và tiếp tục các hoạt động thương mại như Malaysia và Việt Nam đang làm, thì Trung Quốc thường rút lui và sẽ thử lại vào lúc khác.
Ngoài ra, ông Poling cho rằng chiến lược Biển Đông của Trung Quốc là không bao giờ sử dụng tới vũ lực quân sự vì Bắc Kinh vẫn lo ngại về hình ảnh của nước này trên phạm vi toàn cầu. Nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực, họ sẽ bị xem như một kẻ xâm lược, điều này sẽ gây tổn hại cho khát vọng của họ trong việc đóng vai trò như một nhà lãnh đạo toàn cầu và sẽ kéo theo sự can dự lớn hơn của các cường quốc bên ngoài.
Chuyên gia Poling cho rằng sự việc tại Bãi Tư chính nhắc lại ba bài học: Một là Trung Quốc không muốn các nước láng giềng tham gia vào các hoạt động dầu khí mới, nhưng cùng lúc lại sẵn sàng triển khai các hoạt động của riêng họ ở bất cứ nơi nào họ muốn. Hai là Trung Quốc thích áp dụng biện pháp hù dọa thông qua các tàu hải cảnh và tàu dân quân, thay vì lực lượng quân sự. Ba là khi các bên yêu sách khác kiềm chế, Trung Quốc thường rút lui thay vì leo thang quân sự. Tuy nhiên, nếu xảy ra va chạm vô ý, sẽ khiến căng thẳng có thể leo thang.
Nhắc lại vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, ông Poling cho rằng nếu Việt Nam đệ đơn kiện lên tòa trọng tài theo cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS, tòa án rất nhiều khả năng sẽ xử theo án lệ vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo phán quyết được đưa ra năm 2016, Trung Quốc không có quyền đưa ra yêu sách tại khu vực này. Không những vậy, hành động của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam trên Biển Đông thể hiện rõ chiến lược cốt yếu là sử dụng các tàu “dân quân” và lực lượng được gọi là dân sự để đe dọa các nước láng giềng. Nhưng các bên liên quan cũng đã thể hiện rõ sự cương quyết, không lùi bước trước áp lực từ Trung Quốc. Sự cương quyết đó là cần thiết nhằm tạo niềm tin về nỗ lực khẳng định chủ quyền với các đối tác quốc tế, đảm bảo duy trì liên tục các hoạt động phát triển trên vùng biển này. Tuy nhiên, với những hành động của Trung Quốc hiện nay cũng như diễn tiến thực tế thì có lẽ vẫn còn ẩn chứa những rủi ro khó lường.
Giáo sư Panos Mourdoukoutas tại Đại học LIU Post (New York) và Đại học Columbia cho biết hành động của Việt Nam với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông không giống với Philippines. Việt Nam bác bỏ quan điểm của Bắc Kinh rằng Biển Đông là vùng biển của Trung Quốc. Một phần của vùng biển này thuộc về Việt Nam và Việt Nam có chiến lược để bảo vệ vùng biển này.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nhận định, trong lúc Trung Quốc luôn tìm cách biến các nước ngoài ASEAN trở thành “người ngoài” trong tranh chấp trên Biển Đông, các cường quốc phải tìm cách đưa vấn đề này ra thảo luận ở các cơ chế hợp tác đa phương, thậm chí có thể áp đặt trừng phạt cơ quan của Bắc Kinh triển khai tàu xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam. Theo đó, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 thuộc cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc, được triển khai đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, mà không có sự cho phép của Việt Nam trong hoạt động vì mục đích thương mại, là vi phạm luật pháp quốc tế. Hơn nữa, tàu Hải Dương Địa Chất 8 còn có hai tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống, một trong hai tàu đó nặng 12.000 tấn. Tất cả những yếu tố đó biến hành động của Trung Quốc trở thành thách thức nghiêm trọng đối với quyền tài phán và quyền chủ quyền Việt Nam trong EEZ của mình. Ngoài ra, Trung Quốc không hề có căn cứ luật pháp cho hành động của họ. Ba năm trước, Tòa Trọng tài quốc tế PCA đã phán quyết trong vụ kiện của Philippines rằng tuyên bố về quyền lịch sử và “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Theo giáo sư Carl Thayer, Trung Quốc hiện muốn hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với những điều khoản có lợi cho họ như loại bỏ “các nước bên ngoài” ra khỏi hoạt động thăm dò dầu khí, diễn tập quân sự ở biển Đông. Trung Quốc đang thúc đẩy việc cùng phát triển giữa các công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc và các thành viên ASEAN. COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ đóng vai trò nền tảng pháp lý chống lại bất kỳ sự can thiệp nào của các siêu cường bên ngoài khu vực. Trung Quốc cũng đang dần dần nâng cao năng lực quân sự của họ để thực sự thách thức vị thế của Mỹ ở Biển Đông. Cuối cùng, Trung Quốc muốn ASEAN tôn trọng cái gọi là các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, bao gồm chủ quyền ở biển Đông. Trung Quốc sẽ gây sức ép về ngoại giao, chính trị và gây hấn trên biển để từng thành viên ASEAN phải nghe họ. Thông qua các kênh chính trị và ngoại giao, Trung Quốc đã thành công trong việc ép hầu hết các nước ASEAN tránh công khai đề cập phán quyết của tòa trọng tài quốc tế vụ Philippines kiện Trung Quốc. Thay vào đó, họ chỉ dùng cụm từ chung chung là “tiến trình ngoại giao và pháp lý”.
Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định Việt Nam đang thực thi các quyền chủ quyền với tư cách một quốc gia ven biển trong khai thác tài nguyên tại vùng đặc quyền kinh tế của mình, theo các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Còn Trung Quốc đang thách thức điều đó hoàn toàn dựa trên yêu sách và chính sách của họ chống lại phán quyết của PCA. Trong khi đó, hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc chắc chắn quyết tâm thách thức các hoạt động dầu khí nước ngoài tại vùng biển mà họ đòi chủ quyền. Lưu ý rằng Trung Quốc đã nhiều lần phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016, vốn vô hiệu hóa yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý Bắc Kinh tuyên bố trên Biển Đông. Bắc Kinh sẽ tiếp tục bám vào tiền đề đó (đường chín đoạn) và sẽ không chấp nhận các hoạt động khai thác dầu khí nước ngoài diễn ra. Các tổ chức khu vực có ảnh hưởng như ASEAN và EU nên chính thức bày tỏ quan ngại về diễn biến lần này, ít nhất là để Trung Quốc biết họ không dễ được bỏ qua mà không bị chú ý và trừng phạt. Ngoài ra, các tuyến liên lạc trên biển hay các tuyến hàng hải thương mại sẽ không bị nguy hiểm. Cả hai bên, bao gồm Trung Quốc, đều nhận thức rõ những mối nguy hiểm của khả năng quốc tế hóa tình hình nếu sự việc leo thang vượt tầm kiểm soát. Đặc biệt, Bắc Kinh vẫn luôn nói rằng tự do hàng hải luôn được đảm bảo. Với những tuyên bố đó, họ thực ra chỉ muốn nói đến việc vận chuyển hàng hải chứ không phải các hoạt động quân sự. Thế nên, gây nguy hại tới các tuyến liên lạc trong khu vực phục vụ tàu thuyền vận chuyển qua Bãi Tư Chính sẽ là điều cuối cùng Bắc Kinh muốn, bởi đơn giản điều đó sẽ làm tiêu tan những lời huyễn hoặc rằng tất cả đều yên bình và ổn định ở Biển Đông mà không cần sự can thiệp của bên ngoài.
Theo quan sát của ông Collin Koh, trong giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện tồn tại nhiều yếu tố địa lý lẫn chính trị tạo điều kiện để nước này tiến hành các động thái bắt nạt và đe dọa ở Biển Đông. Thứ nhất, các tiền đồn xây dựng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa giúp TQ thực hiện các hành vi gây hấn. Thứ hai, TQ khăng khăng bám lấy quan điểm nước này chỉ phản ứng trước các hành động của nước khác chứ không hề có ý khiêu khích. Thậm chí Bắc Kinh còn tố ngược lại chính các nước lên án hành vi của TQ là bên phá hoại tiến trình hòa bình ở biển Đông. Thứ ba, TQ cho rằng các quốc gia trong khu vực sẽ không lên tiếng phản đối do lo ngại “rút dây động rừng”, đặc biệt là khi khối ASEAN và TQ được cho là đang có những bước tiến đáng kể trong việc đàm phán thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Dù vậy, kế hoạch của TQ có nguy cơ thất bại khi gặp phải sự phản đối kịch liệt từ phía Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia Collin Koh không nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ vì thế mà buộc phải thay đổi chiến thuật, ít nhất là cho tới khi nước này có giải pháp “giữ thể diện” quốc gia.
Việc Việt Nam muốn kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với sự kiện ở bãi Tư Chính là hành động đúng đắn. Động thái này có khả năng sẽ làm ảnh hưởng toàn bộ đến tình hình tranh chấp ở toàn bộ biển Đông và đi ngược với quan điểm không muốn ảnh hưởng từ bên ngoài của Bắc Kinh. Theo đó, bất kỳ động thái nào làm xấu đi căng thẳng ở bãi Tư Chính cũng sẽ thu hút chú ý hoặc chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước như Mỹ đang thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông. Điều này sẽ khiến Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ nếu còn muốn tiến hành thêm bất kỳ hành động nào ở vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ tuyên bố từ phía Việt Nam sẽ chưa đủ sức buộc Trung Quốc phải rút tàu ra khỏi bãi Tư Chính. Ông Collin Koh cho rằng việc này đòi hỏi phải có một lập trường rõ ràng và dứt khoát phản đối hành động của Trung Quốc đến từ các nước ASEAN. Các lãnh đạo của khối này cần phải lên tiếng cảnh báo mọi hành vi đe dọa như những gì xảy ra ở bãi Tư Chính sẽ đi ngược lại với luật pháp quốc tế, đồng thời phá hoại thành quả đàm phán COC của ASEAN và Trung Quốc trong hai năm qua. Đã đến lúc cộng đồng thế giới và khối ASEAN phải nhận ra rằng việc cố gắng làm hòa với TQ về vấn đề Biển Đông đã không đem lại kết quả gì. Một bên Trung Quốc dùng biện pháp ngoại giao như trong đàm phán COC, mặt khác nước này sử dụng các chiến thuật đe dọa để đạt được mục tiêu của mình, bất chấp quyền lợi của nước khác. Việc im lặng trước các động thái của Bắc Kinh sẽ “hợp thức hóa” hành động đe dọa mà nước này đang tiến hành ở Biển Đông. Về lâu dài, hệ lụy của nó sẽ làm kéo theo các nước khác đi theo con đường của Trung Quốc, biến cái bất thường thành điều bình thường trong khu vực.
Tiến sĩ Satoru Nagao, Chuyên gia Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ nhận định, gần đây, Trung Quốc có một loạt hành động hung hăng nhằm vào các nước và vùng lãnh thổ xung quanh trong khu vực. Từ quấy phá tàu cá Philippines đến những hành động nhằm vào Nhật Bản, Đài Loan. Với Biển Đông, sau khi triển khai chiến đấu cơ đến quần đảo Hoàng Sa, thì giờ đưa tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ - Trung đang có nhiều bất đồng, những hành động này của Bắc Kinh có thể còn nhằm gây chú ý với Washington. Với những gì đang diễn ra, để phản ứng lại sự hung hăng của Trung Quốc, các nước xung quanh và cộng đồng quốc tế cần gia tăng phối hợp nhằm đảm bảo sự ổn định cho khu vực.
Tiến sĩ James Holmes, Đại học Hải chiến Mỹ cho rằng những gì đang diễn ra là một phần trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc để củng cố cái mà họ gọi là chủ quyền trên Biển Đông, kiểm soát bằng một lực lượng hữu hình. Bắc Kinh muốn ép các bên liên quan phải tuân theo luật của họ. Chỉ khi nào những quốc gia tôn trọng quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế thống nhất với nhau thì mới có thể đẩy lùi thực trạng một cách hiệu quả. Nhưng nỗ lực này dường như đang diễn ra quá chậm so với kỳ vọng của nhiều người, trong đó có tôi.
Phó Giáo sư Stephen Robert Nagy, Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada nhận định bên cạnh những hành động “cơ bắp” mang tính đe dọa, Trung Quốc còn tập trung rất lớn vào khai thác các biện pháp phi quân sự hòng tìm cách kiểm soát Biển Đông. Điển hình như nước này lợi dụng danh nghĩa nghiên cứu khoa học để đưa tàu ngầm, tàu lặn đến khu vực, rồi xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp hướng đến quân sự hóa vùng biển. Hay như việc thành lập các đơn vị hành chính, chức năng quản lý những khu vực ở Biển Đông, ban hành các quy định… cũng để thực hiện mục tiêu trên. Trung Quốc chắc chắn sẽ còn tận dụng những chiêu trò này nhằm phục vụ tham vọng kiểm soát Biển Đông mà không gây ra phản ứng quân sự trực tiếp. Trong bối cảnh đó, những nước nhỏ hơn đang có tranh chấp với Trung Quốc chắc chắn cần một chính sách ngoại giao phù hợp với vị thế bất đối xứng cả về kinh tế lẫn quân sự. Vì thế, chính sách đối ngoại cần hạn chế đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh. Bước đi hữu hiệu sẽ là tăng cường phối hợp cùng những đối tác quốc tế có cùng lợi ích trong việc đảm bảo sự ổn định cho vùng biển trong khu vực. Việc phối hợp không nhất thiết phải hình thành liên minh để đối đầu trực diện với Trung Quốc, mà có thể tận dụng các chương trình hợp tác nhằm tăng “đòn bẩy” để giải quyết các bất đồng. Ngoài ra, cộng đồng quốc tế đóng vai trò quan trọng nhưng chưa phát huy trong việc đem lại ổn định trên Biển Đông. Chính vì thế, nỗ lực đem lại ổn định trên Biển Đông hiện nay dường như dựa vào một nhóm các quốc gia, chứ không phải cả cộng đồng quốc tế, nhằm đẩy lùi các yêu sách của Bắc Kinh. Nhóm quốc gia này đang đẩy mạnh thực thi tự do hàng hải (FONOP), phối hợp cùng nhau huấn luyện, hỗ trợ giữ gìn luật pháp quốc tế và hợp tác mạnh mẽ hơn vấn đề liên quan Biển Đông.
Tiến sĩ Patrick M.Cronin, Chủ tịch An ninh châu Á - Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ cho rằng dù có là một nước lớn, Trung Quốc cũng không có quyền đưa ra các luật lệ riêng, phớt lờ luật pháp quốc tế, ép buộc láng giềng và ép cả ASEAN thực hiện một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) theo kiểu xâm hại quyền lợi các nước lớn. Việt Nam nên tiếp tục chính sách ngoại giao khôn khéo, tiếp tục tăng cường thực lực trên biển. Còn với cộng đồng quốc tế thì Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ... cũng như nhiều cường quốc khác trên biển cần tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ quan trọng để đảm bảo khu vực Đông Nam Á nói chung, và Việt Nam nói riêng, không bị ép buộc bởi các hành động quân sự và kinh tế từ Bắc Kinh. Trong nỗ lực đó, cộng đồng quốc tế sẽ luôn hoan nghênh những hành động như việc tàu cá Việt Nam mới đây đã cứu 22 ngư dân Philippines.
0 nhận xét