Ai cũng mong muốn thành công nhưng chỉ số ít biết khi nào cần phải từ bỏ, khi nào nên thay đổi và khi nào thì kiên trì với mục tiêu của mình!
CafeBiz
| Sống
Nếu biết trước những điều này, bạn sẽ rút ngắn được khoảng cách để đi đến thành công.
Bạn muốn xây dựng một doanh nghiệp như mơ, đạt được mục tiêu lớn nhưng rồi lại gặp phải thực tế tàn khốc: Những chướng ngại vật khó khăn, những kẻ cạnh tranh, những khoản hóa đơn cần thanh toán, và cả những khách hàng không thích các sản phẩm của bạn. Vậy bạn phải làm sao?
Từ bỏ sẽ không phải là lựa chọn duy nhất của bạn – và nó cũng không hẳn là lựa chọn tốt nhất. Thay vào đó, có lẽ đã đến lúc bạn cần thay đổi hoạt động kinh doanh của mình hoặc đơn giản là cố gắng kiên trì đối mặt với sự phản đối.
Vậy liệu bạn có biết khi nào cần thay đổi, khi nào cần kiên trì hay đã đến lúc phải từ bỏ kế hoạch của mình?
Nếu bạn đang đối mặt với câu hỏi này, thì hãy đọc câu trả lời đến từ một người đã ở trường hợp này nhiều lần dưới đây - Bedros Keuilian – CEO đồng thời là nhà sáng lập của Fit Body Bood Camp, với những gì rút ra được, doanh nghiệp của anh đã không ngừng phát triển mạnh mẽ.
1. Thay đổi sẽ mang đến thành công lớn hơn
Mỗi doanh nghiệp đều sẽ cần thay đổi tại một thời điểm nào đó. Đó là khi bạn nhận được phản hồi từ những người bạn đang phục vụ và bạn thay đổi để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của họ.
Nếu bạn xác định thành công của công ty chỉ dựa trên một sản phẩm, quy trình hay một lợi thế nào đó, thì doanh nghiệp của bạn có ngày cạn kiệt khách hàng, nó sẽ bị lỗi thời, bị lãng quên vì không đổi mới và thay đổi.
Thay đổi đúng cách, đúng thời điểm sẽ mang đến cho bạn thành công vượt ngoài mong đợi, và tất nhiên, doanh nghiệp của bạn sẽ phải đứng trước thử thách của thời gian.
Một trong những công ty kẹo cao su lớn và nổi tiếng nhất trên thế giới tồn tại chỉ vì nó có một chiến lược thay đổi đúng lúc. William Wrigley Jr. là một người bán xà phòng và baking soda, với mỗi người mua anh lại tặng họ một gói kẹo cao su miễn phí. Ngay sau đó, Wrigley nhận ra khách hàng của mình thích thú với kẹo cao su hơn là xà phòng hay baking soda. Thay vì than thở về sự thật này, anh đã ngay lập tức thành lập công ty kẹo cao su Wrigley. Sau đó, anh đã gửi một mẫu thử miễn phí đến mọi gia đình được liệt kê trong danh bạ điện thoại ở Hoa Kỳ.
Wrigley thay đổi bởi vì anh biết mọi người thích những gì anh cung cấp. Anh cũng nghĩ họ sẽ quay trở lại để mua nhiều hơn. Và anh ấy đã đúng. Anh đã có một công ty thành công đúng nghĩa.
Nhưng khi nào là thời điểm hoàn hảo để bạn thay đổi - một điều thậm chí có thể thay đổi toàn bộ "chân dung" của công ty bạn? Đây hẳn là một câu hỏi khó mà nhiều người gặp phải kể cả trong vấn đề cuộc sống.
Bạn cần những lý do sau để thay đổi:
Thứ nhất, bạn nhận ra nhu cầu mà bạn đang cố gắng đáp ứng cũng đang được cung cấp bởi nhiều công ty khác và công ty bạn đang bị mọi người bỏ qua. Trong tình huống này, hãy tạo ra một phân khúc mở trong ngành đó hoặc tìm một địa điểm mới để thực hiện một sự đổi mới, hơn là cứ dậm chân tại chỗ với những dịch vụ không tạo ra lợi nhuận cho bạn.
Thứ hai, bạn cung cấp một loạt các dịch vụ nhưng chỉ có khoảng ba trong số đó giúp bạn kiếm được tiền. Theo thời gian, thị trường dần thay đổi, cỗ máy kiếm tiền của bạn bỗng trở thành cái máy "nuốt tiền", thì hãy lập tức cắt giảm và có những thay đổi để hạn chế các chi phí phát sinh.
Thứ ba, xuất phát từ việc chính nhân viên và khách hàng của bạn không có hứng thú với sản phẩm của bạn. Đồng thời, khách hàng của bạn đang yêu cầu một dịch vụ hoặc sản phẩm khác mà bạn không cung cấp. Đó chính là các gợi ý để bạn thúc đẩy doanh nghiệp theo hướng phát triển mới, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Thay đổi kịp thời, bạn sẽ có được thành công cỡ Wrigley.
2. Kiên trì sẽ gặt hái lợi nhuận
Còn kiên trì thì sao? Điều đó có cần thiết cho một doanh nhân hay không? Chắn chắn là có. Sự kiên trì sẽ được đền đáp khi bạn vạch ra một kế hoạch và mọi thứ diễn ra theo đúng tiến độ . Nhiều người kiên trì và gặt hái được thành công vì họ hiểu rằng mọi ý tưởng kinh doanh đều không thể mang lại số tiền lớn chỉ sau một đêm, mà nó cần cả một quá trình và bạn cần có niềm tin để chờ đợi. Bạn cần chứng minh bằng sự chăm chỉ và sự cam kết với niềm đam mê của mình.
Vì vậy, hãy kiên trì và tập trung để đạt kết quả tích cực cho dù khó khăn và nhiều cản trở. Ý tưởng vàng của bạn sẽ hoạt động khi bạn thực sự làm việc để đạt được chúng. Bạn sẽ có những khách hàng hiểu về dịch vụ và sản phẩm của mình. Đối với những người nghi ngờ bạn, họ sẽ thấy bạn đúng và ước gì họ có ý tưởng và hướng đi để làm điều tương tự.
Kiên trì sẽ mang đến cho bạn sự giàu có. Và tất nhiên, sự giàu có chỉ đến khi bạn mang lại những giá trị to lớn tương ứng cho thế giới. Nhận thức được điều này và bạn có thể sống cuộc sống mà bạn muốn, trả cho mọi người những gì họ xứng đáng được nhận và tạo ra ảnh hưởng thực sự đến những người xung quanh bạn.
3. Từ bỏ để "cứu vãn" những gì còn lại
Đây sẽ là lựa chọn gây đau đớn nhất cho bạn: "Giết chết" một dự án hoặc ý tưởng của bạn hoàn toàn. Mặc dù đau đớn, nhưng đôi khi nó là cần thiết. Dưới đây là những điều mà bạn cần biết để từ bỏ kịp thời.
Thứ nhất, đối với các ý tưởng, bạn đã dành thời gian cho nó, thực hiện các nghiên cứu, xem xét nguồn tiền đã đi đâu, xoay vòng vốn để định hướng doanh nghiệp đi đến thành công mà vẫn không tạo ra lợi nhuận như bạn mong muốn. Điều này có thể xảy ra ở bất kì ý tưởng, kế hoạch nào, vì vậy khi gặp phải trường hợp này, hãy từ bỏ, đừng tiếp tục ném tiền vào "một con tàu đang chìm".
Thứ hai, đối với nhân viên công ty, bạn không thể giữ chân họ làm việc lâu dài với công ty bởi một số lý do như họ không thích làm việc cùng bạn, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn không tốt hoặc bạn không trả đủ lương cho họ vì bạn không kiếm đủ tiền… Có rất nhiều nguyên nhân nhưng bất kể nguyên nhân là gì, một khi nhân viên đã có ý định ngừng làm việc, có lẽ đã đến lúc bạn cần từ bỏ . Bởi, nếu bạn cố giữ họ lại họ cũng sẽ không làm việc để giúp doanh thu của bạn tăng.
Thứ ba, nếu tình hình kinh doanh hiện tại của bạn rất tệ, tuột dốc, thì cũng đừng phàn nàn. "Hãm phanh" tại đó và bắt đầu nghiên cứu, khám phá những gì bạn thực sự muốn làm. Một khi bạn tìm được mục tiêu khác rõ ràng, có một tầm nhìn tốt thì hãy lên kế hoạch chi tiết. Sau đó, nhảy vào kế hoạch đó và làm việc hết sức.
Thực hiện được những điều này có lẽ là công việc khó khăn nhất bạn từng làm, nhưng nó sẽ mang đến cho bạn một kết quả xứng đáng. Hoặc là tiến tới xây dựng đế chế mạnh mẽ của riêng bạn hoặc nó sẽ trở thành vật sở hữu của một người khác. Bạn cần hiểu những kỹ năng này để có những bước tiến phù hợp hơn trong sự nghiệp của mình.
Nhịp sống kinh tế
0 nhận xét