Mỹ ‘tấn công’ Trung Quốc: Bổn cũ soạn lại
Nguồn: Stephen S. Roach, “Japan Then, China Now”, Project Syndicate, 27/05/2019.
Biên dịch: Phan Nguyên
“Khi các chính phủ cho phép làm giả hoặc sao chép các sản phẩm của Mỹ, họ đang đánh cắp tương lai của chúng ta và đó không còn là thương mại tự do nữa”. Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã bình luận như vậy về Nhật Bản sau khi Hiệp định Plaza được ký vào tháng 9 năm 1985. Trên nhiều khía cạnh, những gì đang diễn ra hôm nay giống như một phiên bản làm lại của bộ phim thập niên 1980 này, nhưng với một ngôi sao truyền hình thực tế thay thế một ngôi sao điện ảnh Hollywood trong vai tổng thống – và với một nhân vật phản diện mới thay cho Nhật Bản.
Hồi những năm 1980, Nhật Bản được coi là mối đe dọa kinh tế lớn nhất của nước Mỹ – không chỉ vì những cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, mà còn vì những lo ngại về thao túng tiền tệ, chính sách công nghiệp do nhà nước bảo trợ của Nhật, sự suy yếu của ngành chế tạo Hoa Kỳ và thâm hụt thương mại lớn của Mỹ với Nhật. Trong cuộc đối đầu với Mỹ, Nhật Bản cuối cùng đã nhượng bộ, nhưng họ đã phải trả giá đắt khi làm như vậy – gần ba “thập niên mất mát” với kinh tế đình trệ và giảm phát. Ngày nay, cốt truyện tương tự nhưng nhân vật chính là Trung Quốc.
Bên cạnh việc cả hai quốc gia đều theo đuổi chủ nghĩa trọng thương đáng phản đối, Nhật Bản và Trung Quốc còn có một điểm chung khác: Họ trở thành nạn nhân của một thói quen đáng tiếc của nước Mỹ, đó là biến người khác thành vật tế thần cho các vấn đề kinh tế của chính mình. Giống như việc “trừng phạt” Nhật Bản hồi những năm 1980, việc “trừng phạt” Trung Quốc ngày nay xuất phát từ sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô trong chính nước Mỹ. Trong cả hai trường hợp, tiết kiệm nội địa thấp của Hoa Kỳ đã tạo ra thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt thương mại lớn, tạo bối cảnh cho các cuộc chiến, cách nhau 30 năm, với hai gã khổng lồ kinh tế châu Á.
Khi Reagan nhậm chức vào tháng 1 năm 1981, tỷ lệ tiết kiệm ròng trong nước ở mức 7,8% thu nhập quốc dân, và tài khoản vãng lai về cơ bản cân bằng. Trong vòng hai năm rưỡi, do chính sách cắt giảm thuế rất được lòng dân của Reagan, tỷ lệ tiết kiệm trong nước đã giảm xuống còn 3,7%, và tài khoản vãng lai và cán cân thương mại hàng hóa rơi vào tình trạng thâm hụt vĩnh viễn. Ở khía cạnh quan trọng này, cái gọi là vấn đề thương mại của Mỹ phần lớn là do chính Mỹ tạo nên.
Tuy nhiên, chính quyền Reagan đã từ chối nhìn vào sự thật. Họ rất ít hoặc hầu như không nhìn nhận mối liên hệ giữa tiết kiệm và mất cân bằng thương mại. Thay vào đó, họ đổ lỗi cho Nhật Bản, nước chiếm 42% thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong nửa đầu thập niên 1980. Việc “trừng phạt” Nhật Bản sau đó có thêm một số lý do của riêng mình với một loạt các bất bình về các hoạt động thương mại không công bằng và bất hợp pháp. Dẫn đầu cuộc tấn công Nhật Bản lúc đó là một vị Phó Đại diện Thương mại trẻ tuổi tên là Robert Lighthizer.
Thấm thoắt 30 năm sau, những điểm tương đồng xuất hiện rất rõ nét. Không giống như Reagan, Tổng thống Donald Trump đã không kế thừa một nền kinh tế Mỹ với một kho tiết kiệm dồi dào. Khi Trump nhậm chức vào tháng 1 năm 2017, tỷ lệ tiết kiệm ròng trong nước chỉ là 3%, thấp hơn một nửa so với mức khởi đầu của kỷ nguyên Reagan. Nhưng, giống như người tiền nhiệm của mình, người đã tuyên bố hùng hồn về “một bình minh mới của nước Mỹ”, ông Trump cũng đã chọn biện pháp giảm thuế mạnh – lần này là để “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Kết quả là sự gia tăng thâm hụt ngân sách liên bang có thể dự đoán được, điều đã ăn vào phần gia tăng tiết kiệm tư nhân theo chu kỳ thường đi kèm với sự mở rộng một nền kinh tế đã trưởng thành. Do đó, tỷ lệ tiết kiệm ròng trong nước thực sự đã giảm xuống mức 2,8% thu nhập quốc dân vào cuối năm 2018, khiến các cán cân tài khoản quốc tế của Mỹ chìm trong sắc đỏ – với thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 2,6% GDP và thâm hụt thương mại hàng hóa ở mức 4,5% vào cuối năm 2018.
Và đây chính là bối cánh mà Trung Quốc đã xuất hiện để đảm nhận vai trò của Nhật Bản trong những năm 1980. Nhìn bề ngoài, mối đe dọa lần này có vẻ lớn hơn. Xét cho cùng, Trung Quốc chiếm 48% thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ trong năm 2018, so với 42% của Nhật Bản trong nửa đầu thập niên 1980. Nhưng sự so sánh này bị bóp méo bởi các chuỗi cung ứng toàn cầu, thứ cơ bản đã không tồn tại hồi những năm 1980. Dữ liệu từ OECD và Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy khoảng 35-40% thâm hụt thương mại song phương Mỹ-Trung là do các thiết bị, nguyên liệu đầu vào được sản xuất bên ngoài Trung Quốc nhưng được lắp ráp ở đó và nhập khẩu vào Mỹ. Điều đó có nghĩa là tỉ lệ chế tạo tại Trung Quốc trong thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ ngày nay thực sự nhỏ hơn so với tỉ lệ của Nhật Bản hồi thập niên 1980.
Giống như việc công kích Nhật Bản hồi những năm 1980, việc công kích Trung Quốc ngày nay đã bị tách ra một cách thuận tiện khỏi bối cảnh kinh tế vĩ mô rộng lớn hơn của Mỹ. Đó là một sai lầm nghiêm trọng. Nếu không tăng tiết kiệm quốc gia – điều rất khó thực hiện nếu xét quỹ đạo ngân sách hiện tại của Mỹ – thương mại sẽ đơn giản là được chuyển từ Trung Quốc sang các đối tác thương mại khác của Mỹ. Do thương mại có thể chuyển hướng sang các nền tảng chi phí cao hơn trên toàn thế giới, người tiêu dùng Mỹ sẽ bị ảnh hưởng với hệ quả tương đương với việc tăng thuế nhập khẩu.
Trớ trêu thay, Trump đã triệu tập chính Robert Lighthizer, vị cựu binh của các trận chiến thương mại với Nhật Bản hồi những năm 1980, để lãnh đạo cuộc chiến chống lại Trung Quốc ngày nay. Thật không may, Lighthizer dường như không biết gì về cuộc tranh luận vĩ mô ngày nay cũng như trước kia.
Trong cả hai bộ phim, Hoa Kỳ đã từ chối nhìn vào thực tế, gần như đắm chìm trong ảo ảnh. Dựa vào lời hứa mơ hồ của chính sách kinh tế trọng cung chưa được kiểm chứng – đặc biệt là lý thuyết cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ tự bù đắp (tức làm tăng nguồn thu về dài hạn do hoạt động sản xuất tăng lên– ND) – chính quyền Reagan đã không thừa nhận mối liên hệ giữa thâm hụt ngân sách với thâm hụt thương mại. Ngày nay, sức mạnh quyến rũ của lãi suất thấp, cùng với lý thuyết kinh tế học “dị giáo” mới nhất – Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại – cũng đã hấp dẫn không kém đối với chính quyền Trump và tạo nên sự đồng thuận lưỡng đảng giữa những nghị sĩ chống Trung Quốc trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Những vấn đề kinh tế vĩ mô khó khăn đối mặt với một nền kinh tế ít tiết kiệm của Mỹ đã bị bỏ qua vì lý do chính đáng: không có cử tri nào ủng hộ việc Hoa Kỳ giảm thâm hụt thương mại bằng cách cắt giảm thâm hụt ngân sách và qua đó thúc đẩy tiết kiệm trong nước. Mỹ vừa muốn ăn bánh vừa muốn giữ nó trong tay, với một hệ thống chăm sóc y tế nuốt chửng 18% GDP, chi tiêu quốc phòng vượt quá tổng chi tiêu quốc phòng của 7 quốc gia lớn nhất tiếp theo, và các khoản cắt giảm thuế đã làm doanh thu thuế của chính phủ liên bang giảm xuống chỉ còn 16,5% GDP, thấp hơn mức trung bình 17,4% của 50 năm qua.
Bộ phim làm lại này, nói một cách nhẹ nhàng nhất, đang gây ra sự bối rối. Một lần nữa, Hoa Kỳ nhận thấy việc công kích các nước khác– trước đây là Nhật Bản và bây giờ là Trung Quốc – dễ dàng hơn nhiều so với việc chấp nhận chỉnh sửa các vấn đề nội bộ của chính mình. Tuy nhiên, lần này bộ phim có thể có một kết cục rất khác.
Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.
0 nhận xét