Việt Nam và nạn ma tuý tổng hợp ở khu vực Mekong
Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019
14:39
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Vũ Quốc Ngữ dịch
(VNTB) – Phần lục địa của Đông Nam Á vẫn là một điểm nóng về sản xuất ma túy bất hợp pháp và Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm trung chuyển.
Một trùm ma tuý và số hàng bị bắt giữ ở thành phố HCM. Ảnh: Công an thành phố
Mặc dù Việt Nam có một điều luật trừng trị nghiêm khắc tội buôn bán và sử dụng ma tuý– án tử hình cho những người sở hữu hoặc buôn lậu hơn 600 gram heroin hoặc hơn 2,5 kg methamphetamine – nhưng quốc gia này vẫn phải đối mặt với sự tồn tại của một trung tâm buôn lậu và vận chuyển ma túy bất hợp pháp quanh Tam giác vàng, một khu vực biên giới giữa Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Myanmar. Tam giác vàng là khu vực sản xuất ma túy lớn thứ hai thế giới, và đang có những tác động tới Việt Nam
Methamphetamine vẫn tăng
Theo báo cáo thường niên của Văn phòng Liên Hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNDOC) công bố vào tháng 3 năm 2019, lượng chất kích thích dạng amphetamine (ATS) và các chất kích thích tâm thần mới (NPS) bị thu giữ ở Đông Á và Đông Nam Á năm 2018 đã đạt được kỷ lục 116 tấn, tăng 210% so với năm năm trước.. Một so sánh khác, lượng chất này bị bắt trong các vụ bắt giữ năm 2017 là 82 tấn. Dựa trên dữ liệu tổng hợp của Chương trình SMART toàn cầu, các nước ASEAN, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, đang chứng kiến thị trường ma túy chuyển từ heroin sang ATS.. Tại Việt Nam, một lượng lớn methamphetamine được cho là có nguồn gốc từ Tam giác vàng ngày càng bị buôn lậu và vận chuyển qua biên giới Việt Nam đến và từ các nước láng giềng, bao gồm Campuchia, Trung Quốc và Lào.
Cho đến năm ngoái, methamphetamine chủ yếu được nhập lậu từ nguồn cung ở Myanmar, qua Chiang Mai và Bangkok ở Thái Lan, sau đó đến Indonesia và Malaysia để đến các nước tiêu thụ. Các lô hàng thậm chí đã được vận chuyển đến Australia, nơi các cơ quan thực thi pháp luật đã tịch thu 1,2 tấn ở Tây Australia vào tháng 12 năm 2017 và 0,9 tấn vào tháng 4 năm 2018 tại Melbourne. Mặc dù Tam giác vàng không còn là nguồn cung cấp thuốc phiện chính cho toàn thế giới, sau khi được thay thế bởi Afghanistan vào đầu thế kỷ 21, khu vực này đã trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu ma túy tổng hợp lớn nhất thế giới, tập trung quanh khu vực biên giới của một nước Myanmar đầy hỗn loạn và mâu thuẫn. Khi chính quyền Thái Lan đàn áp dữ dội buộc những kẻ buôn lậu ma túy phải thay đổi tuyến vận chuyển, nguồn cung bắt đầu chuyển từ Myanmar sang Lào, Campuchia, rồi qua Việt Nam.
Việt Nam: Trung tâm trung chuyển
Vào ngày 25 tháng 3 tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức một cuộc họp báo về công việc sơ bộ của các cơ quan chống ma túy (DEAs). Theo dữ liệu được đưa ra tại cuộc họp báo, chỉ trong quý 1 năm 2019, lực lượng thực thi pháp luật trên toàn quốc đã điều tra 6.552 tội phạm liên quan đến ma túy và thu giữ hơn 6 tấn ma túy bất hợp pháp – nhiều hơn số vụ và số lượng bị bắt trong cả năm 2018.
Nguy cơ Việt Nam trở thành trung tâm vận chuyển ma túy không mới. Trong nghiên cứu trước đây của tôi tập trung vào biên giới Việt Nam – Lào, đặc biệt là tại điểm tam giác ở khu vực tây bắc giữa Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, tôi thấy rằng DEAs ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc đối phó với buôn bán ma túy xuyên quốc gia từ Tam giác vàng. Hầu hết những kẻ buôn ma tuý tận dụng các điều kiện địa lý, địa hình và khí hậu khó khăn trên khắp các biên giới chung khác của Việt Nam – với Trung Quốc ở phía bắc và Campuchia ở phía nam – nơi cung cấp nhiều con đường chính thức cũng như không chính thức để vận chuyển ma túy bất hợp pháp đến và qua Việt Nam và vượt ra ngoài.
Năm 2014, trong một trong những vụ án ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Quảng Ninh ở biên giới với Trung Quốc, lực lượng cảnh sát chống ma túy của Việt Nam đã hợp tác với các đồng nghiệp Trung Quốc để điều tra và truy tố 89 nghi phạm buôn bán hơn 12 tấn heroin. Ba mươi người đã bị kết án tử hình. Ông trùm ma túy ở Việt Nam đã thông đồng với những kẻ buôn lậu Trung Quốc và Lào để tạo ra bốn mạng lưới lớn nhất trên cả ba quốc gia để vận chuyển và buôn bán ma túy bất hợp pháp trong giai đoạn 2007-2012.
Vấn đề tiếp tục ngày hôm nay. Trong những tháng đầu năm 2019, hơn một tấn ma tuý đá đã bị bắt giữ sau một hoạt động kéo dài 5 tháng của cơ quan thực thi pháp luật, với 300 kg ma tuý đá được thu giữ tại Thành phố Hồ Chí Minh, 309 kg ở Quảng Bình, gần 300 kg Hà Tĩnh và hơn 270 kg trên đường đến Philippines. Mạng lưới này được tổ chức và chỉ đạo bởi một nghi phạm người Trung Quốc, người đã đến Việt Nam với lý do hợp pháp điều hành công ty may mặc Hasan đăng ký dưới tên của bạn gái người Việt Nam. Vào thời điểm đó, DEAs đã bắt giữ 16 người Trung Quốc, ba người Việt Nam cùng một người Lào và đang tiếp tục điều tra và tìm cách truy tìm thêm các thành viên băng đảng. Tuyến đường buôn bán và vận chuyển ma túy bất hợp pháp này kéo dài từ khu vực Tam giác vàng (Myanmar) đến Lào qua cửa khẩu quốc tế Bo Y ở tỉnh Kon Tum. Sau khi đến Việt Nam, một phần của số hàng được đưa ra biển, từ thành phố HCM, cảng Cát Lái và sang Manila.
Từ ngày 12 đến 17 tháng 4 năm 2019, DEAs đã tiếp tục chống buôn bán ma túy xuyên quốc gia qua biên giới Việt Nam-Lào. Trong ba trường hợp trong thời gian đó, cơ quan thực thi pháp luật đã thu giữ hai tấn ATS và heroin, khoảng 1.110 kg methamphetamine, và chỉ dưới một kg ketamine ở SàiGòn, cộng với hơn 1.300 kg tinh thể meth và 100 khối heroin ở Nghệ An. Cả ba hoạt động buôn lậu ma túy đều sử dụng một phương thức tương tự – thuốc ngụy trang trong túi trà có nhãn hiệu Daguanyin và sau đó giấu chúng trong loa thùng – và được dẫn dắt bởi những kẻ cầm đầu từ Đài Loan với người làm thuê Việt Nam.
Với việc DEAs quyết liệt chống buôn bán ma túy dọc biên giới Việt Nam với Lào và Trung Quốc ở miền bắc và miền trung miền bắc, các trùm ma túy đã chuyển hướng sang các tuyến đường phía Nam. Đó là lý do tại sao gần đây thành phố HCM đã nổi lên như một trung tâm vận chuyển ma túy cho Việt Nam và hơn thế nữa. Theo thiếu tướng Minh, phó giám đốc Sở Công an, thành phố HCM hội tụ nhiều ưu thế cho những kẻ cung cấp ma tuý: kết nối vận chuyển tuyệt vời, kiểm soát thanh toán ngoại tệ yếu và hoạt động không hiệu quả của hải quan. Tướng Minh nhấn mạnh rằng Hà Nội không có bất kỳ cảng biển nào, làm cho nó trở thành một lựa chọn buôn lậu ít hấp dẫn hơn.
Đã tới lúc hành động trong nước và hợp tác khu vực
Việt Nam đã xây dựng một chương trình và chiến lược quốc gia để ngăn chặn và kiểm soát ma túy đến năm 2030, tập trung vào ba trụ cột – cung, cầu và giảm tác hại. Trong khuôn khổ này, chính sách dựa vào cộng đồng sẽ là một trong những nhiệm vụ thiết yếu và trung tâm nhất để chống buôn bán ma túy, với ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn và kiểm soát các luồng ma túy qua biên giới Việt Nam. Tuy nhiên, các mạng lưới ma túy bất hợp pháp này đã được chứng minh khá thích nghi ở mọi bước dự trữ, vận chuyển và giao dịch giữa các quốc gia. Do đó, những nỗ lực hạn chế của một quốc gia đơn độc như Việt Nam là không hiệu quả. Hợp tác quốc tế cần được tăng cường và các nước trong khu vực cần thực hiện các cam kết quốc tế trong việc chống lại các tập đoàn ma túy quốc tế.
Cả ATS và NPS đều đến tất cả các quốc gia này, và nhờ các thành phần tiền chất sẵn có của họ, sẽ trở thành một trở ngại đáng kể cho các nỗ lực chống ma túy ở tiểu vùng sông Mê Kông.. Năm 2017, Bộ Công an đã báo cáo có ít nhất 223.000 người nghiện ma túy ở nước này, và khoảng 1.600 người chết vì quá liều ma túy ở Việt Nam mỗi năm.
Nhiều quốc gia trong khu vực có dữ liệu về ma túy, bao gồm cả Việt Nam, nhưng đã quên thu thập dữ liệu về buôn bán tiền chất. Trên thực tế, tiền chất cần thiết để tạo ra ATS và NPS có sẵn với số lượng lớn trong khu vực vì các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, là trung tâm cung cấp hóa chất của thế giới. Tại Việt Nam, trong khi đó, tiền chất không bị cấm mà lạiđược sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp dược phẩm và hóa chất. Mỗi khi một chất được liệt kê là chất bị kiểm soát bởi LHQ, những kẻ buôn bán ma túy luôn tìm ra chất mới để tạo ra ma túy tổng hợp. Do đó, các quốc gia cần phối hợp chặt chẽ và thường xuyên cập nhật danh sách các hóa chất bị cấm. Tại Việt Nam, trong ba năm qua, hàng trăm loại ATS và NPS mới đã được tìm thấy và con số này đang tăng lên nhanh chóng: từ 292 loại năm 2015 đến 559 loại trong năm 2017. Theo dõi nhiều biến thể của các loại thuốc này là cần thiết để hiểu chính xác những tiền chất nào đang được sử dung.
Trong khi đó, kiểm soát biên giới giữa các quốc gia dọc theo sông Mê Kông vẫn còn yếu và dễ bị vượt qua. Hỗ trợ hợp tác giữa các cuộc tuần tra biên giới vẫn chưa đủ và cần phải được tăng cường. Kể từ sau vụ giết hại 13 thủy thủ Trung Quốc vào tháng 10 năm 2011, Trung Quốc đã khuyến khích và hợp tác với Lào, Myanmar và Thái Lan trong Đội tuần tra chung; đã có 81 cuộc tuần tra chung này tính đến tháng 4 năm 2019. Nhưng nghịch lý thay, mặc dù cả Campuchia và Việt Nam đều ở cuối sông Mê Kông, họ vẫn không tham gia trực tiếp vào chương trình này. Ở đây một lần nữa hợp tác khu vực cần một sự thúc đẩy để thực sự chống lại các đường dây buôn bán ma túy.
Tiến sĩ Hải Thanh Lương là trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Khoa học toàn cầu, đô thị và xã hội, Đại học tổng hợp RMIT, Australia. Cuốn sách gần đây của ông về điều tra buôn bán ma túy xuyên quốc gia qua biên giới Việt Nam – Lào do Palgrave MacMillan xuất bản (2019)
0 nhận xét