Ai cho tôi làm ăn liêm chính?
Thứ Ba, 7 tháng 5, 2019
14:37
//
Slider
,
Tin Việt Nam
(VNTB) “Đọc báo thấy ông thủ tướng nhà mình nói rằng ‘Doanh nhân cần có khát vọng dân tộc, kinh doanh liêm chính’. Xin mượn lời nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm văn học của Nam Cao, ‘ai cho tôi làm ăn liêm chính’?”.
Doanh nhân N.C.K, chua chát nhận xét. Bài báo trên tờ Thanh Niên rút tít “Thủ tướng: Doanh nhân cần có khát vọng dân tộc, kinh doanh liêm chính” [http://bit.ly/2vuU7kH]. Báo điện tử Vietnamnet đặt tựa bài viết là “Thủ tướng: Doanh nhân kinh doanh liêm chính, kiếm lợi nhuận chân chính” [http://bit.ly/2J9tJos].
Làm cách nào để ‘liêm chính’ ở quốc gia tham nhũng?
Bình luận khá dè dặt về câu chuyện xoay quanh “liêm chính”, ông N.C.K cho rằng ở một quốc gia mà chỉ số về tự do báo chí được đánh giá thấp như Việt Nam thì tham nhũng dễ hoành hành; và đương nhiên một khi ‘bánh ít đi để bánh quy lại’, doanh nghiệp buộc hiểu chuyện ‘phải quấy’ để có thể thu lợi về nhanh nhất, tránh ‘đêm dài lắm mộng’ bởi chính sách hay thay đổi của Việt Nam.
Theo bản thông cáo báo chí hôm trung tuần tháng 4-2019 của tổ chức Phóng viên không biên giới, thì Việt Nam thuộc nhóm cuối bảng về chỉ số tự do báo chí thế giới do tổ chức này lập ra, và chỉ số năm nay của Việt Nam tuột một bậc xuống vị trí 176 so với vị trí 175 vào năm ngoái. Trung Quốc hạng 177.
Cuối tháng 1-2019, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2018, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 toàn cầu, giảm nhẹ 2 điểm so với năm 2017. Điểm số CPI 2018 của Việt Nam được tính dựa trên cơ sở 8 nguồn dữ liệu là những khảo sát quốc tế độc lập. Về mặt thống kê, việc giảm điểm này được xem là không đáng kể. Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 – 100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng.
Cùng giảm điểm tương tự như Việt Nam trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn có các quốc gia Trung Quốc, Maldives và Bangladesh.
Như vậy, từ hai kết quả nói trên cho thấy với một quốc gia không có tự do báo chí và chỉ số cảm nhận tham nhũng vào loại tệ hại, thì để có thể ‘ăn nên làm ra’ một cách nhanh chóng trong môi trường đầu tư tại Việt Nam, không cách nào khác là doanh nghiệp cần phải biết ‘lót tay’, ‘hoa hồng’, ‘bồi dưỡng’, ‘bôi trơn’ trong mọi hoạt động từ thủ tục hành chính cho đến cả khâu vận chuyển lưu thông logigistics.
Ngài thủ tướng có làm gương về liêm chính không?
“Một chính phủ chưa liêm chính thì đừng yêu cầu doanh nghiệp phải liêm chính. Thực tế chẳng có doanh nhân nào lại đi phí phạm đồng vốn của mình cho những chuyện được gọi là ‘không liêm chính’. Tôi nghĩ rằng ngài thủ tướng cần nhìn thẳng vào bộ máy điều hành của Chính phủ. Đâu phải tự nhiên mà ngài Brian Hull, Tổng giám đốc ABB Việt Nam kêu gọi “Chính phủ Việt Nam cần làm gương để phát triển kinh tế số” ở hội thảo về phát triển kinh tế số hôm sáng 2-5 tại Hà Nội”. Nhà báo N.H.D, phụ trách lập đường truyền trực tuyến ở một tòa soạn báo chí về tường thuật buổi hội thảo này, nhận xét.
Liên quan chủ đề tham nhũng và yêu cầu ‘chính phủ làm gương’, trước đó, hôm 28-3 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo Tham vấn lần 2 báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (chỉ số PACA) trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh ở Việt Nam.
Theo báo cáo tại hội thảo, qua đánh giá kết quả chỉ số PACA năm 2016 cho thấy, điểm trung bình quân toàn quốc do địa phương đánh giá là 71,68 điểm và điểm do Thanh tra Chính phủ chấm và đánh giá lại là 58,37, chênh lệch 13,31 điểm. Tương tự PACA năm 2017 là 67,33 và 60,67 điểm. Như vậy, điểm công tác phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa. Đòi hỏi ‘liêm chính’ trong môi trường đó sẽ thực sự làm khó cho doanh nghiệp.
Cũng khó trách cách hiểu về tham nhũng kiểu ‘phủ bênh phủ – huyện bênh huyện’, bởi nguyên lý mà PACA tiếp cận, là đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh với vai trò là đơn vị thực hiện, vừa là đơn vị quản lý nhà nước ở địa phương và thiếu sự giám sát độc lập từ bên thứ 3; nghĩa là vừa đá bóng trên sân nhà và vừa làm trọng tài luôn. Do vậy, PACA được đánh giá là thiếu khách quan.
Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1-7-2019. Liệu đây có phải là luật sẽ trả lời cho thắc mắc: “Ai cho tôi làm ăn liêm chính?”. Người viết cho rằng câu trả lời thẳng ở đây là “Không”.
Trước tiên, lý thuyết về công tác giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ ở Việt Nam là bất khả thi, vì cả Quốc hội lẫn Chính phủ đều có những quan chức ‘chóp bu’ cùng góp mặt trong danh sách Bộ Chính trị – cơ quan quản lý mọi mặt và quyền lực lớn nhất Việt Nam. Điều đó kéo theo tính độc lập trong xét xử của các cơ quan Tư pháp chỉ dừng lại ở những mệnh đề chủ yếu dùng để đối ngoại.
Từ hai đánh giá về chỉ số tự do báo chí và chỉ số cảm nhận tham nhũng, cho thấy để có một Chính phủ liêm chính, tất yếu phải mở rộng không gian xã hội dân sự không chịu sự lệ thuộc vào tổ chức Mặt trận Tổ quốc. Phải thiết lập và củng cố cơ chế tham gia hiệu quả để người dân, báo chí cùng các tổ chức xã hội ngoài nhà nước tham gia vào quá trình ra quyết định, và giám sát các hoạt động quản lý Nhà nước. Các quyền hiến định đó cũng cần sớm được luật hóa về quyền biểu tình, quyền tự do lập hội.
“Nếu Việt Nam thực thi nghiêm chỉnh các thỏa thuận giao kết về các điều ước quốc tế, khi đó tôi tin bản thân doanh nghiệp của mình sẽ mạnh miệng tuyên bố cam kết hưởng ứng ngay lời kêu gọi của ngài Nguyễn Xuân Phúc, là ‘kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính’. Giờ thử đi làm thủ tục hành chánh gì đó, nếu ‘không biết điều’, doanh nghiệp sẽ thấm thía của câu dặn dò ông bà mình để lại, ‘đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn’ đến mức độ nào ở thể chế này…”. Ông N.C.K bình luận.
Minh Châu
0 nhận xét