Chiếc Sukhoi Superjet SSJ-100 bốc cháy trên đường băng. Ảnh cắt từ video.
Máy bay Sukhoi Superjet SSJ-100 của hãng hàng không Aeroflot ngày 5/5 bốc cháy sau khi hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Sheremetyevo ở phía bắc thủ đô Moskva. Lúc xảy ra sự cố, máy bay có 78 người trên khoang, gồm 73 hành khách và 5 thành viên tổ bay. Vụ tai nạn khiến ít nhất 41 người thiệt mạng. Trong các video lan truyền trên mạng xã hội, chiếc phi cơ bị nhấn chìm trong biển lửa với khói đen bốc lên dày đặc.
Aeroflot và Ủy ban Điều tra Nga đang mở các chiến dịch riêng nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự cố. Một số giả thiết được đưa ra, bao gồm việc máy bay bị sét đánh.
"Chúng tôi cất cánh và sét đã đánh trúng máy bay. Phi hành đoàn phải quay trở lại và hạ cánh khẩn cấp. Chúng tôi rất lo sợ và hoảng loạn. Máy bay nảy lên, đập xuống như một con châu chấu và bốc cháy trên đường băng", hành khách Pyotr Egorov kể.
Theo chuyên gia an toàn hàng không Jacques Astre, việc máy bay bị sét đánh vẫn xảy ra nhưng dường như không phải nguyên nhân dẫn tới sự cố. "Hầu hết mọi máy bay đều được thiết kế để chống chịu được sét", ông giải thích. "Thỉnh thoảng chúng cũng gây ra thiệt hại nhưng rất nhỏ và không đến mức khiến cả máy bay bị phá hủy".
Astre cho rằng nhiều khả năng lửa bùng phát từ lỗi trong hệ thống điện của máy bay. Sultan Hali, cựu sĩ quan cấp cao thuộc không quân Pakistan, đồng tình với Astre.
"Nguyên nhân cháy thường bắt nguồn từ việc các cáp điện bị chập", Hali nói và thêm rằng cháy do chập điện là "điều đáng sợ nhất" mà một phi công phải đối mặt bởi nó có thể dẫn tới việc mất khả năng liên lạc trên máy bay. "Nếu bạn mất toàn bộ liên lạc, bạn phải dựa vào chính mình", ông nhấn mạnh.
Trước khi gửi tín hiệu khẩn cấp, phi hành đoàn máy bay Sukhoi đã báo cáo về việc hệ thống radio bị hỏng. Liên lạc giữa phi công và đài kiểm soát không lưu bị gián đoạn khi máy bay lượn vòng trên không phận Moskva để tìm cách hạ cánh khẩn cấp.
Trong đoạn video ghi lại cảnh máy bay hạ cánh, phi cơ tiếp đất mạnh và nảy lên trên đường băng với tốc độ cao, phần đuôi quệt xuống đất khiến lửa bùng lên dữ dội. Theo Astre việc máy bay tiếp đất quá mạnh khiến các thùng nhiên liệu của máy bay bị vỡ và bắt lửa do ma sát giữa thân phi cơ với đường băng tạo ra.
Cả hai chuyên gia đều dành lời khen tặng tới các nhân viên cứu hộ và chữa cháy có mặt tại hiện trường. Theo họ, nỗ lực của tổ bay cũng cần được ghi nhận khi họ vẫn giữ bình tĩnh và tiến hành sơ tán hành khách. "Đó là một tình huống cực kỳ khẩn cấp và các bài huấn luyện họ được dạy đã phát huy hiệu quả đúng lúc", Astre nói.
0 nhận xét