Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Võ Văn Ân: Người Hùng Cô Đơn

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019 17:16 // ,

27/04/2019


LTS: dưới đây là bài viết của KQ Đại Tá Võ Văn Ân, từng là “sư phụ” của hoa tiêu Lý Tống tại Căn cứ 20 Chiến Thuật Phan Rang. Cảm phục tinh thần chống cộng bất khuất của người em Lý Tống trong chuyến trở về đất mẹ rất hào hùng, rất ngoạn mục vào năm 1992, ĐT Võ Văn Ân đã góp với Tạp chí Thế Giới Mới và tuyển tập “Lý Tống Trong Lòng Dân Tộc” bài viết tựa đề “Người Hùng Cô Đơn”. Nội dung bài viết ngắn này chỉ tả lại vài chuyện vui buồn đời thường về con người phi thường Lý Tống,  trong giai đoạn CSBV xâm lăng ồ ạt nhất, đó là hai năm cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam 1973-75.
Xin mời bạn đọc:
Sáng Chủ nhật, tôi ngồi một mình với ly café đen thường lê, đọc năm ba tin thời sự quốc tế. Tôi bỗng chú ý đến một bản tin ngằn của tờ ‘Fort Worth Star Telegram” ngày 6 tháng 9 năm 1992 tại thành phố Dallas-Forth Worth”, nói về “một người VN cướp phi cơ dân sự trên không phận Saigòn, ép buộc rải truyền đơn và nhảy dù xuống thành phố”. Tôi chợt nghĩ ngay đến Lý Tống, người anh em chiến hữu mà những ngày còn trong quân ngũ đã sát cánh cùng tôi trên khắp chiến trường Cao nguyên. Đường bay của Lý Tống thì phải nói là tuyệt diệu: “Thiên hạ đệ nhất liều mạng”, “ra đi không ai tìm xác rơi”. Ở lưng trời, Lý Tống là loài ó Đen huyền hoặc, làm khiếp vía loài quỷ đỏ. Những buổi chiều trở về căn cứ thì Lý Tống rất là lãng tử và cũng rất phiền muộn cho những người chung quanh. Có một lần Đại tá Đỗ Trang Phúc, Chỉ huy trưởng căn cứ Phan Rang bắt gặp Trung úy Lý Tống tóc dài, bèn đi một đường giáo huấn, chỉ thị:
– Trung úy đi cạo cái đầu và trình diện tôi ngày mai?
– Vâng lệnh!
Trung úy Lý Tống đứng nghiêm chào ngài Đại tá rất đúng quân cách và lặng lẽ đi thẳng ra phố xin cạo trọc đầu. Ngày hôm sau, Trung úy Lý Tống trình diện Đại tá với cái đầu không tóc. Ngài Đại tá giận lắm nhưng đã lỡ bảo nó “cạo cái đầu” nên đành làm thinh. Vừa xì nẹc vừa tức cười, Đại tá lầm bầm trong bụng: “Đồ cái thằng mắc dịch”. Đó là những cái điên điên của Lý Tống. Nhưng “ở đời, ai hiểu ai? Người bay trằng đêm dài!Đôi khi nhớ chuyện đời, mỉm cười thôi”. Lý Tống chỉ mỉm cười khi thấy thiên hạ nói mình điên. Bởi vì Lý Tống hiểu được cái điên của mình. Điên vì đất nước lầm than, điên cho tuổi trẻ vào đời mất niềm tin! Lý Tống hãnh diện cái “thằng điên” của mình ở chỗ đó!
Ưu tư cho niềm đau đất nước, uất hận dâng cao ngút ngàn, Lý Tống đã thề sống chết với non sông. Những ngày quê hương trong cơn hấp hối, Lý Tống đã thi hành một phi vụ cuối cùng và từ đó không còn gặp lại anh em! Tôi không bao giờ quên giây phút bàng hoàng đó! Ngoài tình chiến hữu, tôi còn một thứ tình đặc biệt cho Lý Tống, cái tình giang hồ hành hiệp đối với một thằng em “không giống ai hết”. Ngày cuối cùng tôi đã nghẹn ngào gắn lon cố Đại úy cho Lý Tống giữa hai hàng nến cô đơn, ngậm ngùi cho con một chim đã gãy cánh khi đất nước lâm nguy!
Rồi thời gian cũng qua mau, tôi âm thầm ngồi đếm ngày tháng vật vờ trên đất khách. Bỗng một hôm tôi nhận được thư của Lý Tống, cũng nét chữ ngang tàng ngày nào; cũng lời văn hào khí năm xưa, những cái mà tôi không bao giờ quên. Tôi chợt nghĩ không thể có chuyện này xảy ra, Lý Tống đã chết rồi! Chính tôi đã thấy phi cơ của anh chui vào lòng đất nổ tan tành, và cũng chính tôi đã gắn lon cố Đại úy trên chiếc áo bay cuối cùng còn lại của Lý Tống. Thử hỏi Lý Tống nào viết thư hôm nay? Nhất định là âm mưu xảo trá của bọn VC? Thế rồi tôi quên đi lá thư của Lý Tống theo tháng ngày nhầy nhụa ở đây!
Một năm sau, tôi được tin Lý Tống vượt biên bằng đường bộ đến Mã Lai. Cuộc đào thoát hào hùng đã được ghi nhận trên các sách báo thế giới. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Thằng em không giống ai vẫn còn sống. Tôi thầm nghĩ: “Ông trời còn có lương tâm, vẫn còn một chút tình cho người có lòng”. Lòng tôi ôm ấp một náo nức, chờ đợi thằng em đến bến bờ tự do!
Lý Tống đến thăm tôi vào một buổi chiều tại New Orleans, mà bây giờ tôi cũng không còn nhớ ngày nhớ tháng! Anh em chén đầy chén vơi chưa hết tâm sự mà đêm đã tàn! Lý Tống kể cho tôi nghe những đọa đày của anh em chiến hữu trong ngục tù Cộng sản, nhưng lòng họ vẫn giữ trọn niềm tin với một tinh thần bất khuất cao độ. Anh ấy kể rằng:
‘Nhiều đêm, Lý Tống một mình lần mò vào phi trường Tân Sơn Nhất, muốn đánh cắp một phản lực cơ A-37, nhưng chúng nó canh gác kỹ quá. Hơn nữa phi cơ không có bom đạn, nên đành phải bỏ ý định thi hành một phi vụ kamikaze cuối cùng. Lý Tống ngồi đó trong đêm, nhìn thật lâu vào hình chiếc phi cơ như cố khắc vào tim hình ảnh dấu yêu lần cuối.
Hình ảnh dấu yêu đó làm tôi nhớ thật nhiều đến “vùng trời ngày cũ”, một dĩ vãng hào hùng làm sao quên được! Sáng đi tối về, những cánh chim không bao giờ biết mỏi mà sao đã phải gãy cánh giữa đường! Tôi ngồi đó nhìn Lý Tống mà lòng đau xót, tuổi trẻ chưa tròn ước nguyện mà sao đời nở phân ly? Tôi vào trong lấy chiếc áo bay đã giấu kỹ từ ngày ra đi… đưa cho Lý Tống. Tôi nói:
– Đây là gia tài cuối cùng của những ngày xưa tao còn cất giữ. Chú mầy có nhìn thấy gì không?
Lý Tống nhìn lơ đảng ra ngoài trời, cười ngạo mạn:
– Còn trời còn đất, còn Lý Tống! Tôi sẽ trở về Việt Nam bằng mảnh “Phi bào” này!
Tôi cảm thấy Lý Tống vẫn còn cái ngông cuồng của ngày nào. Sống với nó, tôi đã hiểu nhiều về con người này, cho nên tôi muốn Lý Tống đi một vòng thăm anh em để mở thêm tầm mắt:
– Ê! Lý Tống, chú mày nên đi một vòng Cali “thăm dân chó biết sự tình”.
Lý Tống đồng ý. Ngày hôm sau tôi đưa một số tiền, Lý Tống mua một chiếc xe lên đường chu du miền Tây.
Những ngày “Tây” du, Lý Tống cũng gặt hái được một chút ít thế thái nhân tình, tâm hồn cũng có phần nào lắng dịu. Trở lại New Orleans, tôi nhờ Lý Tống “trụ trì” khu thương mại ChinaTown. Ngày tháng trôi đi lặng lẽ, Lý Tống buồn quá bèn có ý kiến: “Lập đảng trừ gian diệt bạo” theo kiểu Zorro. Rồi một đêm không trăng sao, người anh em ngủ không được bèn xách súng cầm chơi, bắn chết cha nó một thiếu nên Mỹ đen đang chui vào ăn cắp đồ trong khu thương xá. Khổ nổi thằng nhỏ chỉ mới có 15 tuổi. Ôi! Tai họa! Thế nhưng nhờ trời thương nên vụ án được dàn xếp ổn thỏa, tránh được tù tội.
Sau biến cố đó, Lý Tống có vẻ trầm lặng, tối ngày ở trong phòng tập “thiền” và bắt đầu ghi danh vào đại học. Tôi thấy yên lòng, mừng cho thằng em đã tìm được lẽ sống cuộc đời, cố gắng học hỏi cái hay cái đẹp của xứ người để mai sau đem về tô điểm non sông!
Tám năm sau, Lý Tống học xong học trình Tiến sĩ chính trị học. Tôi thật tình vô cùng bái phục! Nhưng ở đời, người tài thường hay có tật, mà cái tật của Lý Tống thì thật lắm phiền muộn! Lý Tống là một người rất ư đa tình, hoặc nói một cách khác, mang chứng: “YÊU”! Yêu dã man, yêu vô nhân đạo, yêu trần truồng, yêu lớn, yêu nhỏ… ai đã một lần bị yêu, được yêu thì họa chăng mới diễn tả nổi cái tâm trạng đó!
Rồi thời gian qua mau, tôi rời thành phố New Orleans trôi dạt về Dallas. Những tháng ngày ở đây cũng buồn tênh. Tôi về Houston tham dự “Đêm Không Gian Hội Ngộ” với anh em Không Quân do lời “dụ dỗ” của ông bà Bác sĩ Vĩnh Phương.  Anh Vĩnh Phương và tôi là hai người bạn chí thân từ những ngày còn trong quân ngũ.  Share với nhau đủ thứ: “Share tình share tiền, share thú đam mê, share cả những phi vụ diệt giặc hiểm nghèo!”. Anh Vĩnh Phương rất thông cảm cho nỗi buồn của tôi. Nhiều đêm hai thằng ngồi nhìn nhau không biết nói gì, chỉ cười khà cho cái sự đời mà thôi!
Đêm “Đêm Không Gian Hội Ngộ” tại Houston thật thắm thiết. Người Không Quân đã ngồi lại với nhau, nối vòng tay lớn, sửa soạn cho một ngày về trong danh dự. Những ánh mắt trong đêm sáng ngời như tinh cầu dẫn lộ, diệt cho xong loài quỷ đỏ! Tôi gặp lại Lý Tống trong cái hào khí ngút ngàn của đêm dạ hội. Người anh em vẫn còn phong độ ngày nào, có hơi dày dặn thêm một chút. Trong đôi mắt đó, tôi vẫn còn thấy giấu kín một niềm u uất. Lý Tống tâm sự:
– Sư phụ có thấy chán cái xứ khốn nạn nầy chưa? Tôi thì chịu hết nỗi rồi! Chắc phải làm một cái gì cho nó lạ lạ!
Lý Tống quen gọi tôi là sư phụ vì những khi đi bay tôi thường mang một thanh kiếm samurai ở sau lưng, để những khi bị bắn rơi xuống rừng già, hù mấy thằng thượng Cộng cho đỡ buồn. Từ đó thiên hạ đặt cho tôi cái biệt danh là: “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm”. Tôi thấy Lý Tống than phiền cũng ngần ngại, không hiểu cái bệnh “điên vì nước” lại tái phát chăng? Tôi trở về Dallas mà trong lòng còn vương vấn một nỗi buồn cho thằng em ngông cuồng cô đơn!
Hai tháng đi qua như bóng câu qua cửa, lại thêm một “Không Gian Hội Ngộ” nữa. Lần này Lão Gà Tre, chủ bút tờ Thế Giới Mới nhờ tôi viết phóng sự hội ngộ cho anh em Không Quân Dallas-Fort Worth. Thật là phiền muộn! Biết viết gì đây khi tâm tư mình còn mãi lang thang ở tận bên kia bờ đất quê hương? Tôi ngồi đó, cắn bút suy tư. Bỗng dưng tôi nhớ tới Lý Tống, nhớ những ưu tư sâu kín của thằng em, muốn viết lên đôi giòng cho niềm đau câm nín đó!
Người Không Quân đôi khi nhớ “chuyện đời” chỉ mỉm cười thôi! Bởi vì trên cõi đời không giống ai nầy, có mấy ai hiểu được người Không Quân? Người Không Quân khi chơi thì chơi đúng mức, chơi cho trời long đất lở. Nhưng khi làm thì xin đừng ai đến gần, nó sẽ rất là vô tình. Người Không Quân “hành sự” bằng con tim chân chính. Đủ và đúng lúc. Thử hỏi, mười bảy năm qua, thiên hạ đã làm gì? Và làm được những gì? Giờ đây đất nước đang chuyển mình, đâu ai biết là có những cánh chim đã ra đi không ai tìm xác rơi… Và ở một phương trời nào đó, muốn làm một cái gì cho quê hương.
Hôm nay, người Không Quân Lý Tống đã làm một cái gì cho quê hương rồi đó! Tôi thật hãnh diện và cũng rất đau lòng, không hiểu cái hình hài bộ xương đó có đủ sức chịu đựng nỗi đọa đày trong những ngày sắp tới! Xin Mẹ Việt Nam hãy che chở cho đứa con yêu đã hai lần gãy cánh!
Hỡi những người anh em chiến hữu ở đây, các anh có thấy gì không? Có thấy dòng máu Việt Nam còn lưu chảy trong huyết quản, hay đã khô cạn theo những tháng ngày giá buốt? Chúng ta hãy đứng lên, làm một cái gì nữa đi? Hãy nhóm lại ngọn lửa quê hương để đốt thêm cho ngọn đuốc của Lý Tống rạng ngời hai chữ Tự Do!
Kính thưa quý vị niên trưởng,
Mười bảy năm qua quý vị đã hướng dẫn đàn em làm cái việc chống Cộng bằng mồm nào là không đội trời chung với Cộng sản, nào là sẵn sàng trở về cứu quê hương (!) Bây giờ thằng em đã trở về làm cái việc mà quý vị đã “Yêu Cầu, ôm ấp”. Sự trở về của người anh em không phải bằng mồm mà bằng thân bằng xác, đã tự nguyện xin làm viên gạch lót đường cho công cuộc cứu nước. Như vậy là thằng em đã tuân lệnh thượng cấp, thi hành nhiệm vụ! Xin quý vị tuyên bố hùng hồn trên những diễn đàn chống Cộng: “Thằng em, chú mầy làm coi được lắm”. Có làm được như vậy thì thằng em trong ngục tù mời nở được một nụ cười thân ái!
Chúng tôi đang chờ đợi lời vàng tiếng ngọc của Quý vị.
Võ Văn Ân
(Trich:  Lý Tống Trong Lòng Dân Tộc, xuất bản năm 1992).
https://baotgm.net/vo-van-an-nguoi-hung-co-don/

Tags: ,

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.