Biểu tình Áo vàng rúng động nước Pháp sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris
Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2019
17:03
//
Slider
,
Tin Châu Âu
Dân trí Bất chấp lời kêu gọi đoàn kết của giới chức sau vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà Paris, ngày 20/4, những người biểu tình Áo vàng tiếp tục xuống đường để phản đối tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Pháp.
>>Pháp lo ngại bạo lực tiếp diễn khi biểu tình “Áo vàng” tăng nhiệt
>>Biểu tình “Áo vàng” bùng phát tuần 18: Đốt phá, cướp bóc, bạo lực tại Paris
Theo hãng tin The Local, khoảng 60.000 cảnh sát và nhân viên an ninh hôm qua 20/4 đã được triển khai trên khắp nước Pháp để ứng phó với cuộc biểu tình Áo vàng bạo lực nhất trong những tuần qua.
Hàng chục nghìn người biểu tình Áo vàng đã tiếp tục xuống đường, đánh dấu tuần biểu tình thứ 23 liên tiếp để phản đối các chính sách của chính phủ gây tình trạng bất bình đẳng xã hội. Đây là cuộc biểu tình Áo vàng đầu tiên kể từ sau vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà Paris ôm 15/4 và cũng là cuộc biểu tình bạo loạn nhất trong nhiều tuần trở lại đây.
Các vụ đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh đã xảy ra ở thủ đô Paris buộc cảnh sát phải dùng đến hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Tính đến chiều qua, cảnh sát đã bắt giữ gần 200 người biểu tình, tiến hành khám xét với 14.000 người.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, khoảng 10.000 người đã tham gia vào các cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp, trong đó có thủ đô Paris và các thành phố như Nantes, Pau, Caen, Montbeliard, Bordeaux, Lyon. Trong đó, riêng tại Paris, gần 7.000 người đã tham gia biểu tình.
Người biểu tình cho rằng, vụ hỏa hoạn chỉ càng bộc lộ rõ sự bất bình đẳng sau khi giới tỷ phú tuyên bố quyên góp hàng trăm triệu Euro để khôi phục nhà thờ.
"Nếu họ có thể chi hàng chục, hàng trăm triệu (euro) để khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris, thì họ đừng nói rằng không có tiền để giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội", Philippe Martinez, một lãnh đạo công đoàn, nói với hãng tin France24.
Phong trào biểu tình Áo vàng manh nha từ giữa năm ngoái và bắt đầu bùng phát mạnh từ tháng 11/2018 bắt nguồn từ tình trạng giá nhiên liệu tăng. Người biểu tình đã xuống đường phản đối các chính sách của chính phủ gây tình trạng bất bình đẳng thu nhập, trong khi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thì lại ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ tầng lớp thu nhập thấp.
Chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đã đưa ra nhiều nhượng bộ, song vẫn không thể dập tắt làn sóng biểu tình. Sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris, Tổng thống Macron đã phải hoãn bài phát biểu trên sóng truyền hình trực tiếp với kế hoạch công bố gói cắt giảm thuế và một số cải cách kinh tế khác nhằm xoa dịu người biểu tình. Ông Macron dự kiến đưa ra công bố này vào tuần tới.
Minh Phương
Theo RT
0 nhận xét