Tin Việt Nam – 08/03/2019
Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2019
19:24
//
Slider
,
Tin Việt Nam
Hà Văn Nam là ai,
tại sao nhiều người phản đối việc bắt giữ anh?
Thùy LinhBBC Tiếng Việt“Tối hôm 4/5, tôi dặn Nam nhớ đúng giờ đón bà nhé. Sáng 5/3, tôi gọi cháu để nói ‘Thôi đỗ ra đầu đường bà ra’, nhưng gọi mãi máy của Hà Văn Nam không trả lời.”
“Sau 8 giờ vợ Nam mới nói là ‘Cụ ơi nhà con bị bắt rồi’. Tôi choáng người. Không phải tôi sợ gì đâu. Tôi tức là một, hai là tôi thừa biết đó là âm mưu của chính quyền, móc ngoặc với BOT. Nó sợ Nam đưa tôi đi giám sát BOT, nó mới cố tình bắt Hà Văn Nam đúng 7 giờ sáng 5/3 như vậy,” cụ Lê Hiền Đức kể lại với BBC.
Sáng 5/3, Hà Văn Nam đã bị hàng chục công anh, cảnh sát giao thông vây quanh nhà, bắt giam để điều tra vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở trạm thu phí BOT Phả Lại hôm 31/12/2018 – hơn hai tháng trước đó.
Dân sẽ tự đếm xe ở BOT Ninh Lộc bằng camera
Quanh phát ngôn của bộ trưởng GTVT về mất bằng lái xe
VN: Quanh vụ từ chối hai xe vào đường cao tốc
“7 giờ kém 10 tôi ngủ dậy thì có nghe tiếng dưới nhà. Nhà tôi công an phường hay qua nhà, hỏi thăm, nhắc nhở nên tôi nghĩ bình thường. Thì vài giây sau đó, tôi nghe giọng anh rất nghiêm trọng ‘Xuống đây anh nhờ với’ thì tôi thấy anh ấy đã còng, hai người anh, và họ đọc lệnh bắt giữ anh ấy,” chị Trần Thị Nhài, vợ anh Nam kể lại.
Anh Hà Văn Nam bị bắt giữ khi vết rạn trên xươn sườn vẫn chưa lành hẳn từ đợt anh đột ngột bị bắt giữ, hành hung vào cuối tháng Một.
“Họ bắt lúc 8 giờ sáng khi anh ấy đang uống nước đầu ngõ. Nhóm người bị khẩu trang khống chết bắt anh ấy lên xe. Tầm 11 giờ 30 anh mượn điện thoại bảo là thả rồi, bảo là đánh nhầm người…,” chị Nhài kể tiếp.
Hà Văn Nam, chủ doanh nghiệp 38 tuổi, với gần 35.000 người theo dõi trên trang Facebook cá nhân, là một cái tên không xa lạ với nhiều người.
Anh tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Hà Văn Nam phản đối bằng cách đàm phán, trao đổi trước với các lãnh đạo BOT đầu tiên, rồi mới đâm đơn kiến nghị lên bộ ngành. Nếu vẫn không có kết quả, thì anh đem xe đến chặn làn.
Anh cùng các anh em đặt các trạm xả, tức các lán, các trại, thi nhau ăn nằm bám trụ, theo dõi quan sát BOT liệu có dám thu phí người dân hay không.
“Trạm Tân Đệ thu phí đường tránh nhưng lại đặt ở trung tâm, giờ đã phải gỡ bỏ hoàn toàn và đặt lại đúng vị trí. Trạm Mỹ Lộc giờ cũng hoàn toàn bỏ thu phí, không có nhân viên trong kiốt nữa,” anh Đỗ Nam Trung, một người đồng hành cũng anh Nam phản đối các trạm BOT cho biết.
“Trạm Bắc Thăng Long, ban đầu yêu cầu trạm đối thoại nhưng lại không gặp. Anh em chặn làn thì 15-20 phút sau phải gỡ barie từ đó đến nay. Hôm qua có tin Hà Văn Nam bị bắt, trạm này hạ barie tính thu phí lại nhưng cánh tài xế tỏ ra rất giận dự nên lại phải gỡ barie,” anh Trung nói tiếp.
Theo anh Trung tính toán, anh em đấu tranh chống BOT đã tiết kiệm cho người dân ít nhất hàng chục tỷ đồng và đều có công sức của Hà Văn Nam đóng góp trong đó.
Nên thông tin Hà Văn Nam bị công anh huyện Quế Võ bắt giữ đã khiến tài xế vô cùng tức giận, không kém lần anh bị bắt cóc tấn công khoảng một tháng trước.
Vụ bắt Hà Văn Nam có nhiều uẩn khúc?
Hà Văn Nam bị bắt hai tháng sau khi vụ việc tại BOT Phả Lại xảy ra, và một tháng sau khi 6 nghi can đầu tiên đã bị bắt.
Khi được hỏi có gì bất thường trong việc bắt anh Nam, luật sư Trần Thu Nam nói về mặt luật pháp thì vụ án vẫn chưa hết thời hiệu xử lý hình sự.
Tuy nhiên, vị luật sư đăng ký bào chữa cho anh Hà Văn Nam nhấn mạnh vụ việc có nhiều uẩn khúc.
“Khi cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố 6 bị can trong vị gây rối mất trật tự hồi tháng Một, họ không đề cập đến anh Nam. Mà trải qua một thời gian khá dài thì lại bắt anh ta.”
“Anh Nam đã hoạt động chống đối BOT bẩn nhiều, phải chăng họ đang lợi dụng thời điểm anh Nam đang có mặt ở đó để quy kết anh ta gây rối, đồng phạm với những bị can họ bắt trước đây.”
Theo anh Trung, anh và Nam đang cùng đấu tranh BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài vào cuối 2018, anh Nam quyết định xuống Bắc Ninh ủng hộ cánh tài xế phản đối BOT Phả Lại.
Hà Văn Nam không phải là một thanh niên hoạt động chính trị quấy rồi gì, chỉ là một người đi theo tư tưởng của tôi, tìm những xấu xa, tham nhũng trong xã hội. Cho nên tôi mới đồng hành cùng cháu.Cụ Lê Hiền Đức, Nhà giáo hưu trí chống tham nhũng
“Thực sự bất ngờ vì tôi biết Nam không liên quan đến sáu người kia. Nam không đem xe mình ra chặn làn mà ngồi trong trụ sở BOT, đến đưa đơn kiến nghị. Đang làm việc thì anh em bên ngoài tự phát tự đánh, Nam hoàn toàn không biết có người đánh.”
“Đây có thể là một dạng cố ngụy tạo tội danh, ép Nam phải chịu trừng phạt. Nếu thế thì thật vô thiên vô pháp.”
BOT Cai Lậy ‘thu phí trở lại’ sau Tết
Chuyện gì đang xảy ra tại BOT An Sương-An Lạc?
Do đâu cứ xảy ra nạn kẹt xe về Sài Gòn sau Tết?
“Hiện cánh anh em tài xế rất tức giận đó. Họ hỗ trợ gia đình, tìm đến cụ Lê Hiền Đức, luật sư, tìm cách bào chữa cho Nam. Họ cũng tiếp tục phản đối các BOT, không nhụt chí.”
Theo chị Nhài, anh Nam xuống làm việc với quản lý BOT Phả Lại để yêu cầu miễn phí cho người dân địa phương trong vòng bán kính 5km vì họ mỗi ngày qua lại trạm rất thường xuyên.
“Hôm đó anh ấy đang làm việc với quản lý, trong văn phòng BOT. Lái xe không đồng ý thu phí người tự dưng thắc mắc, anh ấy không hề biết.”
Cụ Lê Hiền Đức, người sát cánh cùng gia đình Nam trong nhiều ngày nay nói: “Hà Văn Nam không phải là một thanh niên hoạt động chính trị quấy rồi gì, chỉ là một người đi theo tư tưởng của tôi, tìm những xấu xa, tham nhũng trong xã hội. Cho nên tôi mới đồng hành cùng cháu.”
Luật sư Trần Thu Nam thì nói, “Tôi thấy anh Nam là một người dũng cảm, rất đáng tân trọng, dám đương đầu với các thế lực, dám đấu tranh vì quyền lợi chung của mọi người.
“Và trước khi anh bị bắt anh đã bị hành hung, điều này đặt ra nhiều câu hỏi, sự nghi ngờ của người dân đối với các cơ quan thực thi pháp luật và các thế lực đứng đằng sau BOT.”
Trong khi đó không ít người trên mạng xã hội kêu gọi trả tự do cho Hà Văn Nam.
Nguyễn Lai viết: ”Trong khi bộ chính trị luôn miệng hô hào bảo vệ người tố giác, tham nhũng, tiêu cực. Nhưng thật chất họ lại làm ngược lại tất cả. Hà Văn Nam và một số anh em, đã phản đối ôn hòa để dẹp các BOT bẩn đang lạm thu bỏ túi một con số lời khủng, thay vì chính quyền phải bảo vệ những người đã đứng ra tố cáo bọn BOT thì họ lại làm ngơ trước những sự việc.”
Hoan Dang Thuy: Trong mắt tôi em thật tuyệt vời chàng trai dũng cảm Hà Văn Nam ạ. Đừng ai nghi ngờ cậu ấy là phần tử này nọ mà tội nghiệp. Tôi muốn nói với cả thế giới này rằng Hà Văn Nam là một người tử tế cậu ấy có trái tim ấm áp tình yêu thương và một lý tưởng sống cao đẹp.”
Tạ Phương: Sự thật thì Nam là 1 người nhút nhát và lành tính. Trong lão chỉ có 1 tình yêu thương đồng loại vô bờ bến và tôi trân trọng lão!… Ngày anh cả bị bọn nó bắt đi đánh, thằng Út lương tháng 5 triệu, bắt vội máy bay đi về. Tôi theo các anh chị chống BOT đi ra công an, đi lên tận Đan Phượng đón được anh mình về! Nhìn thấy anh mình trong tình trạng bầm dập hoảng loạn! Tôi không kìm được nước mắt gào lên…
Bối cảnh
Hồi tháng Một, công an huyện Quế Võ cũng khởi tố bắt giữ 6 người khác gồm Nguyễn Quỳnh Phong, Nguyễn Quang Hùng, Nguyễn Tuấn Quân, Lê Văn Khiển, Vũ Văn Hà và Trần Quang Hải để điều tra cùng hành vi gây rối trên.
Trạm BOT Phả Lại nằm ở xã Đức Long, huyện Quế Võ trên Quốc lộ 18 giáp, đoạn tiếp giáp giữa Bắc Ninh – Hải Dương và trạm đi vào hoạt động từ 24/12/2018.
Vẫn theo báo Tiền Phong, ba ngày sau khi đi vào hoạt động, hôm 27/12, hàng chục người dân địa phương “có biểu hiện gây rối trật tự công cộng.”
Đến ngày 31/12, khoảng 100 người cùng nhiều ô tô tập trung dừng đỗ, không chịu mua vé. Chiều cùng ngày, khi xả trạm, nhiều người vẫn không đưa xe qua trạm.
Theo chị Nhài và cụ Hiền Đức, gia đình và người thân vẫn liên tục gửi đơn kiến nghị lên nhiều cơ quan, bộ ban ngành về vụ việc của anh Hà Văn Nam.
Cụ Lê Hiền Đức cho biết cán bộ trực ban Bộ Công an đã từ chối tiếp nhận đơn của gia đình anh Nam nhưng phía Tổng cục An ninh và Công an Thành phố đã vui vẻ tiếp nhận đơn.
Luật sư Trần Thu Nam cũng cho biết đang chờ đợi văn bản trả lời của công an Bắc Ninh về hồ sơ đăng ký bào chữa cho anh Hà Văn Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47465805
‘Nhân chứng duy nhất’ vụ Trương Duy Nhất mất tích
kêu cứu từ Thái Lan
Tối 8/3, VOA nhận được thư kêu cứu của ông Bạch Hồng Quyền, một nhà hoạt động Việt Nam đang tị nạn tại Thái Lan, nói rằng ông đang trong tình trạng “hết sức nguy hiểm” vì là “nhân chứng duy nhất chứng nhận việc ông Trương Duy Nhất đã có mặt ở Thái Lan để tìm kiếm quy chế tị nạn”.Trong thư, ông nói cảnh sát Thái Lan đang kết hợp với đại sứ quán Việt Nam để truy lùng nhằm bắt giữ và trục xuất ông về Việt Nam “với mục đích xóa dấu vết ông Trương Duy Nhất đến Thái Lan.
VOA Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn trực tiếp với ông Bạch Hồng Quyền để tìm hiểu thêm sự việc.
Theo lời ông Bạch Hồng Quyền nói với VOA, hồ sơ xin tị nạn ở nước thứ ba của ông đã được chính phủ Canada nhận. Hiện ông đang chờ phỏng vấn và làm tiến hành các thủ tục tiếp theo để đi định cư tại đây.
Ông Quyền cũng đã gửi thư kêu cứu và trình bày về tình trạng an ninh của mình hiện nay với cơ quan di trú và Đại sứ quán Canada ở Thái Lan. Tuy nhiên, ông Quyền lo sợ với những diễn tiến hiện nay, phía Canada sẽ không kịp can thiệp nếu ông bị bắt và trục xuất về Việt Nam.
https://www.voatiengviet.com/a/bach-hong-quyen-truong-duy-nhat-keu-cuu/4820256.html
Hai nữ tù chính trị Việt Nam được CPJ nêu danh nhân dịp 8/3
Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho biết tổ chức này ghi nhận hiện có 32 nữ nhà báo đang bị cầm tù trên thế giới, trong đó có 26 người đưa tin tức liên quan đến lãnh vực chính trị tại quốc gia của họ.Trong báo cáo phổ biến nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, 08/03/19, CPJ xếp Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đứng đầu trong danh sách giam giữ đến 14 nữ nhà báo trong tổng số 68 nhà báo bị buộc tội chống chính quyền.
Trung Quốc xếp thứ nhì với 6 trong 7 nữ nhà báo bị tuyên án tù với tội danh “chống nhà nước”.
Việt Nam đứng thứ 4 với hai nhà báo được nêu tên, bao gồm Trần Thị Nga và Huỳnh Thục Vy bị tuyên án tù do những công việc đăng tải thông tin về vi phạm nhân quyền và tham nhũng.
Bà Trần Thị Nga bị bắt giữ vào hạ tuần tháng 1 năm 2017 và bị tuyên án 9 năm tù giam. Hiện tại, bà Nga đang bị giam giữ ở trại tù Gia Trung, tỉnh Gia Lai. Vào tối ngày 8 tháng 3, thân nhân của bà Trần Thị Nga, ông Lương Dân Lý cho biết về tình hình của bà Nga:
“Nga bị áp lực là bị giam riêng. Tuy không bị cùm chân tay, không bị nhốt trong tối nhưng bị ở phòng riêng, không được tiếp xúc chuyện trò với ai cả. Tôi nghĩ thì cũng giống như một hình thức biệt giam. Nga bảo rất bị áp lực về chuyện này vì giống như mình bị đày ra ngoài hoang đảo. Sức khỏe thì Nga mới bị thoái hóa đốt sống lưng nên cũng bị đau nhức. Vì bị giam riêng nên lúc trước họ không cho chữa bệnh gì đâu. Nhưng vừa rồi, Nga gọi điện về bảo là đột xuất cách đây khoảng độ 1 tuần thì họ cho đi khám bệnh. Thấy hơi lạ!”
Blogger Huỳnh Thục Vy, thành viên của tổ chức xã hội dân sự độc lập-Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, vào ngày 30/11/18 bị tòa án tại Buôn Hồ, tỉnh Đăk Lăk tuyên án 2 năm 9 tháng tù giam với cáo buộc “xúc phạm quốc kỳ” theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự và bản án sẽ có hiệu lực khi con của cô tròn 3 tuổi. Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, cô Huỳnh Thục Vy chia sẻ với RFA:
Mình không phân biệt đàn ông hay phụ nữ trong cuộc đấu tranh này. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam thì ai có chút sức lực nào thì góp sức bấy nhiêu đó thôi. Mình thấy điều này là bình thường. Ai đã lên tiếng chống lại chính quyền thì chính quyền ghét và bỏ tù thì cũng là điều bình thường luôn. Nếu họ không ghét, họ không bỏ tù thì chính quyền đó không phải là độc tài. Và nếu đó không phải là chính quyền độc tài thì mình cũng không phải đấu tranh cho nhân quyền gì cả.”
Vào ngày 7 tháng 3 Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) cũng ra thông cáo báo chí nêu trường hợp những nữ tù chính trị đang bị giam giữ trên khắp thế giới. Trường hợp của bà Trần Thị Nga của Việt Nam được nêu ra.
Ngoài ra trường hợp nữ tù chính trị Nguyễn Đặng Minh Mẫn được nêu trong thông cáo báo chí về nhóm bị ngược đãi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/cpj-highlights-jailed-female-journalists-03082019073332.html
Ân Xá Quốc Tế kêu gọi hành động khẩn
cho tù chính trị Huỳnh Trương Ca.
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế vào ngày 8 tháng 3 kêu gọi cộng đồng viết thư cho Ông Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về trường hợp tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi chính phủ Hà Nội và Bộ Công An trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù nhân chính trị Huỳnh Trương Ca.Theo Ân Xá Quốc Tế, tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca đang bị giam giữ trong những điều kiện được nói vi phạm thêm nữa các quyền của người này.
Cụ thể Ông Huỳnh Trương Ca bị giam chung với 4 tù nhân khác trong một phòng nhỏ thiếu ánh sáng, và ông Ca không được phép rời khỏi phòng giam kể cả trong giờ ăn.
Ông này chỉ được phép rời phòng giam mỗi tháng một lần để đi gặp thân nhân theo tiêu chuẩn.
Bản thân Ông Huỳnh Trương Ca có một số bệnh; tuy nhiên không được chữa trị theo yêu cầu của ông. Gia đình cho biết ông này bị bệnh phổi, vấn đề bao tử, cao huyết áp và tiểu đường. Gia đình nhiều lần gửi thuốc vào tù cho ông nhưng bị từ chối.
Ân Xá Quốc Tế còng cho biết thêm là Bộ Công An sẽ chuyển Ông Huỳnh Trương Ca đến một nhà tù xa địa phương nơi gia đình ông sinh sống.
Nội dung thư mà Ân Xá Quốc Tế đế nghị cộng đồng viết gửi đến Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan ngại về trường hợp tù chính trị Huỳnh Trương Ca.
Theo đó thì ông Ca bị bắt tù chỉ vì thực thi một cách ôn hòa quyền tự do lập hội và hội họp.
Ông Huỳnh Trương Ca, 51 tuổi, là thành viên của nhóm có tên Hiến Pháp. Mục tiêu của nhóm này là giúp bảo đảm quyền người dân được qui định trong Hiến Pháp năm 2013 của Việt Nam.
Ông Ca bị bắt vào ngày 4 tháng 9 năm ngoái khi đang trên đường đến Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa. Cùng ngày, có 8 thành viên khác của nhóm cũng bị bắt giữ.
Ông bị đưa ra tòa vào ngày 28 tháng 12 năm 2018 và bị kết án 5 năm 6 tháng tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 117 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Trước khi bị bắt, an ninh địa phương từng nhiều lần sách nhiễu và đe dọa yêu cầu Ông Huỳnh Trương Ca phải ngưng dùng Facebook để nói về vấn đề nhân quyền và chỉ trích chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, Ông Huỳnh Trương Ca từ chối yêu cầu của an ninh tỉnh Đồng Tháp, nơi ông cư ngụ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ai-ca-ur-ac-03082019103427.html
Ông Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ Đảng vì bài viết trên FB
Nhà nghiên cứu Biển Đông, ông Anh Sơn, vừa chính thức bị Đảng Cộng sản khai trừ do các bài viết ‘sai sự thật’ trên Facebook.Truyền thông Việt Nam hôm 8/3 đưa tin ông Trần Đức Anh Sơn bị Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng khai trừ Đảng do “đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên mạng xã hội Facebook”.
Hành vi này được xem là vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Và vi phạm Quy định của Ban thường vụ Thành ủy về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp.
‘Bán đảo Sơn Trà là miếng mồi ngon’
Viết Facebook, nhiều người bị ‘mời lên phường’
Ông Trần Đức Anh Sơn bị ‘cảnh cáo’ vì bài viết
Việt Nam: Vận động trưởng thôn làm Đảng viên
Đây là bước ‘thi hành kỷ luật’, tiếp sau bước ‘cảnh cáo’ mà Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã tuyên bố với ông Trần Đức Anh Sơn hồi đầu năm 2018 cũng do các lỗi nói trên.
Vi phạm này của ông Sơn được cho “là rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan nơi ông Sơn sinh hoạt, công tác”, theo Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng.
Ông Sơn hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng.
‘Đây là giây phút hạnh phúc’
BBC liên hệ với ông Sơn hôm 8/3 để hỏi về phản ứng của ông nhưng ông Sơn dường như tắt máy.
Trên Facebook cá nhân, ông Sơn đề cập đến việc trong cùng ngày 8/3, cả hai vợ chồng ông đều được ‘lên báo’.
Vợ ông xuất hiện trên báo Đà Nẵng ở mục Nét đẹp đời thường. Trong khi ông Sơn xuất hiện ở nhiều báo trung ương ở mục Thời sự, do bị khai trừ Đảng.
“Nhiều người hỏi tôi: Anh thấy thế nào?”
“Tôi thấy khó trả lời đầy đủ, nên mượn bức ảnh chụp tờ lịch có thủ bút của thầy Thích Nhất Hạnh mà tôi được tặng trong dịp Tết Kỷ Hợi vừa rồi, để trả lời chung cho mọi người,” ông Sơn viết.
Ảnh chụp tờ lịch mà ông Trần Đức Anh Sơn đăng kèm có dòng chữ “Đây là giây phút hạnh phúc”.
Ông Sơn đã viết gì?
Hồi đầu năm 2018, chia sẻ trên Facebook cá nhân sau khi nhận quyết định cảnh cáo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn không nói rõ bị kỷ luật vì những bài viết cụ thể nào nhưng cho hay “nhận được yêu cầu giải trình” về những gì ông “viết trên Facebook trong ba năm qua”, từ “giữa tháng 11/2017″.
Một số ý kiến trên mạng xã hội cho rằng nhiều khả năng đó là những bài viết của ông Sơn phân tích tình hình Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa và các nhận định về Trung Quốc.
Trên Facebook cá nhân có gần 18.000 người theo dõi, ông Anh Sơn cũng thường xuyên chia sẻ các bài viết bày tỏ chính kiến quanh các vấn đề chính trị xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng mấu chốt của sự việc là từ bài trả lời phỏng vấn New York Times của ông Sơn năm 2017 với tiêu đề ‘Người săn bản đồ ủng hộ lập trường của Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông”.
Bài viết kể về hành trình ông Sơn, theo lệnh cấp trên, đi tìm kiếm các tài liệu và bản đồ trên khắp thế giới để hỗ trợ chứng cứ cho khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Sau đó ông kết luận rằng Việt Nam nên thách thức các hoạt động của Trung Quốc tại một số đảo thuộc các vùng biển đang tranh chấp, như Philippines đã làm và đã thành công. Nhưng cấp trên của ông ‘không bị lay chuyển’ bởi đề xuất này.
“Họ luôn luôn nói với tôi, “Sơn, hãy giữ bình tĩnh”, “Đừng nói xấu về Trung Quốc”, ông Sơn nói trong bài báo trên New York Times.
“Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là ‘”nô lệ” của Bắc Kinh, ông [Trần Đức Anh Sơn] cay đắng nói… Đó là lý do tại sao chúng ta giấu nhiều tài liệu trong bóng tối,” bài báo của Mike Ives trên New York Times viết.
Ông cho biết đã tìm thấy bằng chứng trong hơn 50 cuốn sách bằng tiếng Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – về việc một nhà thám hiểm Việt Nam thời Nguyễn đã cắm cờ ở Hoàng Sa và Trường Sa vào những năm 1850.
Ông Trần Đức Anh Sơn là ai?
Người được New York Times gọi là “Người săn bản đồ” sinh năm 1967 tại Huế. Cha ông chết năm 1970 trong khi chiến đấu cho quân miền Nam Việt Nam.
Ông lớn lên trong nghèo khó, sau đó trở thành sinh viên xuất sắc của trường Đại học Huế, nơi ông làm khóa luận về đồ sứ thời nhà Nguyễn. Ông Sơn sau đó trở thành giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, vẫn tờ báo này cho hay.
Ngoài nghiên cứu về Biển Đông, mới đây, ông Sơn đã cho ra mắt cuốn sách Đồ Sử ký kiểu thời Nguyễn, thu hút sự quan tâm của giới học thuật trong nước.
Ông Sơn từng có một số sách được xuất bản như “Hoàng Sa, Trường Sa, Tư liệu và quan điểm của học giả quốc tế”, “Chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, v.v…
“Tôi không phải là một chính trị gia,” ông Sơn nói với New York Times. “Tôi là một nhà khoa học.”
Cộng đồng mạng chúc mừng
Trang Facebook cá nhân của ông Trần Đức Anh Sơn hôm 8/3 tràn ngập lời chúc mừng của cộng đồng mạng.
Facebooker Le Thi Linh viết: “Bên thầy luôn có các thế hệ sinh viên hiểu thầy, tôn trọng thầy và luôn ủng hộ thầy nên thầy hãy cứ tràn đầy nhiệt huyết thầy nhé.
Facebooker Lâm Nguyễn chúc mừng ông Sơn “quay trở lại với hàng ngũ quần chúng trong khi người có tên Khanh Tram Nguyen Thi viết: “Truyền thông đưa tin tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ ĐCS. Tốt quá! Đảng ghét, dân yêu…”
Facebooker Nguyễn Đức Hiền chúc mừng ông Sơn và cảm ơn vì “đã có nhiều bài viết công phu về Hoàng Sa -Trường Sa, về chính sách của Trung Quốc…không hợp với quan điểm của đảng nhưng hợp với lòng dân.” Đồng thời đặt câu hỏi: “Những người có tài có tâm huyết đều ra đi, vậy trong đảng còn lại những ai?”
Hầu hết các ý kiến viết trên Facebook của ông Sơn đều chúc mừng ông Sơn ‘bị khai trừ khỏi Đảng’.
Nhưng cũng có ý kiến khác, như của Facebooker Đinh Đức Hiền, “mong ước ông Sơn được cho đi học lại lớp cảm tình [Đảng] để không làm phụ lòng những người đã luôn quan tâm đến ông”, và Mong ông được quay lại tổ chức để trở thành một người đảng viên tốt!”
“Tôi thấy những bài ông Sơn viết được nhân dân ủng hộ, uy tín của ông được thấy rõ qua từng comment, share, like chứ chưa thấy mất chút uy tín nào! Có lẽ nào quần chúng nhân dân đang like những sai phạm? … Tôi mong việc ông Sơn bị khai trừ chỉ là một giấc mơ không có thật,” người này viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47492717
Hai quan chức giao thông
nhận nhiều chỉ trích vì các đề xuất ‘độc đoán’
Bộ trưởng Giao thông-Vận tải và phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đang bị công chúng Việt Nam chỉ trích nhiều trong những ngày gần đây sau khi hai quan chức này đưa ra những đề xuất bị xem là “vô lý”, “độc đoán”, “đẩy khó cho dân”.Báo chí Việt Nam đưa tin hôm 6/3 cho hay Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể phát biểu trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội rằng bộ của ông muốn đề xuất phương án “ai mất bằng lái xe sẽ phải thi lại toàn bộ”.
Bộ trưởng Thể giải thích thêm rằng bộ muốn làm như vậy vì có tình trạng nhiều lái xe vi phạm luật và bị nhà chức trách thu bằng lái đã “lợi dụng” quy định về cấp lại bằng lái bị mất để có thêm bằng lái thứ 2, thậm chí thứ 3.
Ông Thể được báo chí trích lời nói rằng đã có những trường hợp vi phạm như vậy “ở miền núi” và “ở chỗ chúng ta [Bộ GT-VT] không quản lý được”.
Ý kiến của vị bộ trưởng đã lập tức nhận nhiều chỉ trích từ công luận, cả trên báo chí chính thống lẫn trên mạng xã hội.
Các báo Thanh Niên, Tiền Phong, hay các trang web của Soha, VOV, và nhiều cơ quan báo chí khác liên tiếp đăng nhiều bài phản ánh ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, công chúng, đặc biệt là giới lái xe, trong đó họ gọi đề xuất của Bộ trưởng Thể là “tối kiến”, “vô trách nhiệm” hay “không quản được, đẩy phần khó cho dân”.
Vẫn theo các bài báo, nhiều người bình luận rằng đề xuất của bộ trưởng “thể hiện sự yếu kém trong quản lý” hay có thể xem là “đi ngược chủ trương về giảm sách nhiễu đối với nhân dân”.
Báo Vietnam Finance trích lời cựu đại biểu Quốc hội Trần Khắc Tâm nói rằng từ ngày ông Nguyễn Văn Thể nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải “chưa thấy ông làm gì thật sự có lợi cho dân, cho nước. Trái lại, ông rất nổi tiếng với những phát biểu, cách làm ‘khác người’”.
Tờ báo viết tiếp rằng về đề xuất ‘mất bằng lái xe phải thi lại’ của Bộ trưởng Thể, vị cựu đại biểu Quốc hội chỉ nói một câu: “Bó tay”.
Trên mạng xã hội Facebook và một số diễn đàn mạng khác, nhiều người chơi chữ với các cụm từ “ngu quá thể” hay “sai quá thể” khi nói về đề xuất của bộ trưởng giao thông-vận tải, theo tìm hiểu của VOA.
Nhà báo Hoàng Hải Vân viết trên trang cá nhân có khoảng 90.000 người theo dõi rằng Bộ trưởng Thể từng gây chú ý với thuật ngữ “thu giá” lạ tai, gây nhiều thắc mắc, được sử dụng trong một thời gian ngắn hồi năm ngoái thay cho chữ “thu phí đường bộ”, và nay vị bộ trưởng “lại tiếp tục làm trò cười cho thiên hạ” khi tuyên bố ai mất bằng lái xe đều phải thi lại.
Theo bài viết của nhà báo kỳ cựu, lối tư duy của Bộ trưởng Thể bị xem là “thiểu năng”, đồng thời, ông Hoàng Hải Vân nêu ra thắc mắc “Điều lạ lùng là sao nhà nước lại cứ đẻ ra những ông bộ trưởng không phải để làm việc mà để làm trò cười cho dân chúng”.
Trong phần sau của bài viết, ông Vân đề cập đến một đề xuất khác cũng đang gây nhiều tranh cãi do một phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đưa ra, cũng trước Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Ông Phó Chủ tịch Khuất Việt Hùng được báo chí dẫn lời nói hôm 7/3 rằng cần thay đổi điều luật hiện nay của Việt Nam quy định rằng nhân viên nhà nước khi xử phạt vi phạm giao thông phải chứng minh là lái xe đã có vi phạm, hay nói cách khác, ông Hùng đề xuất nhân viên công lực có thể xử phạt người bị coi là vi phạm mà không cần chứng minh về lỗi của người đó.
Theo quan sát của VOA, đề xuất nêu trên cũng đã nhận được vô số chỉ trích từ báo chí và những người sử dụng mạng xã hội.
Nhà báo Hoàng Hải Vân nhận xét trên trang cá nhân rằng điều mà ông Hùng nêu ra không phải là “giải pháp hay ho gì”, nếu như không nói đó là một dạng “luật mafia” khi nhân viên nhà nước xử phạt người vi phạm “mà không cần phải chứng minh là xử phạt đúng”. Nhà báo kỳ cựu chất vấn liệu vị phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia có ý thức được rằng nếu điều luật được sửa, nó “có thể tiếp tay cho thảo khấu không?”
Luật sư Lê Luân viết trong trang Facebook của mình rằng ông coi điều mà Phó Chủ tịch Hùng nêu ra là “một đề xuất cho một nhà nước trở nên vô pháp và sẵn sàng tước bỏ mọi quyền con người mà không cần luật pháp”.
Trước những phản ứng từ dư luận, theo quan sát của VOA, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể đã có động thái “chữa cháy”.
Một số bản tin của báo chí trong nước hôm 8/3 cho hay Bộ trưởng Thể mới ký một công văn đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý việc cấp giấy phép lái xe. Bộ trưởng cũng đề nghị tổng cục rà soát các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin bằng mới nhằm mục đích cùng một lúc có nhiều giấy phép lái xe.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng chưa có phát ngôn hay động thái gì mới sau đề xuất nhân viên công lực được phạt người dân mà không cần chứng minh về vi phạm.
Theo các bản tin, đề xuất của ông Hùng nhận được phản ứng không thuận lợi từ Quốc hội. Tin cho hay Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, sẽ “khó” sửa luật theo ý ông Hùng vì “hiện nay trong chính sách pháp luật về hành chính cũng như hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về người xử phạt”.
Bà Nga nói thêm rằng nếu sửa quy định này trong luật, nhiều khả năng việc này cần phải báo cáo ra Quốc hội.
https://www.voatiengviet.com/a/hai-quan-chuc-giao-thong-nhan-nhieu-chi-trich-vi-cac-de-xuat-doc-doan/4820286.html
Hà Nội lùi thời gian báo cáo vụ đất rừng Sóc Sơn
Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, xin lùi thời hạn báo cáo kết quả thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn đến trước ngày 15/3/2019.Truyền thông trong nước loan tin hôm 8/3 cho biết nguyên nhân việc lùi thời hạn báo cáo được UBND TP. Hà Nội đưa ra là vì phạm vi thanh tra trên diện rộng (gồm 9 xã, thị trấn), khối lượng công việc lớn, và phải làm việc với nhiều đơn vị thu thập hồ sơ, nội dung phức tạp.
Trước đó, theo văn bản chính thức của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, việc UBND TP. Hà Nội thanh tra đất rừng huyện Sóc Sơn phải được báo cáo trước ngày 1/2/2019.
UBND TP. Hà Nội cho biết ngày 10/10/2018 đã có văn bản giao Thanh tra thành phố tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng, trật tự xây dựng tại địa bàn xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn từ năm 2008 đến nay.
Ngày 22/10/2018, UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ bổ sung cho Thanh tra thành phố thanh tra toàn diện các khu vực Đồng Quan, hồ Hàm Lợn, hồ Đồng Bò và một số hồ khác tại huyện Sóc Sơn.
Báo trong nước nói hiện nay Thanh tra Hà Nội vẫn đang tổ chức thực hiện công tác thanh tra.
Vào năm 2006, thanh tra chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm về xây dựng trên đất lâm nghiệp lên tới 11 hecta với 650 hộ dân tại Sóc Sơn và các khu vực xung quanh. Trong số này có 80 căn nhà kiên cố, 26 trang trại sản xuất và nhiều trường hợp vi phạm khác. Nổi bật là trường hợp biệt thự rộng 1,3 hecta trị giá triệu đô của nữ ca sĩ Mỹ Linh được nhận định đã vi phạm ‘xẻ thịt đất rừng’ từ hơn 12 năm về trước.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-delayed-the-time-to-submit-investigation-report-of-soc-son-03082019080114.html
Tập huấn cho bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề ở Việt Nam
Thanh Trúc, RFABáo chí trong nước đưa tin Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tập huấn cho bác sĩ nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam mà nhất là các bác sĩ Trung Quốc.
Dư luận trong nước ngay lập tức chú ý và thắc mắc về từ tập huấn, đặc biệt các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc trong địa bàn thành phố từng gây nhiều điều tiếng lâu nay.
Tập huấn cho bác sĩ Trung Quốc đang hành nghề tại Việt Nam là quyết định được nêu ra sau một loạt những bài báo như “Sở Y Tế Bất Lực Với Phòng Khám Trung Quốc Lừa Đảo” hoặc “ Một Phòng Khám Có Bác Sĩ Trung Quốc Bị Tước Giấy Phép 3 Tháng” vân vân…
Theo nhận định gần đây từ ngành Y Tế, được báo chí đăng tải lại, thì bác sĩ nước ngoài mà nhất là bác sĩ người Trung Quốc gần như không nắm vững các qui định pháp luật và qui trình chuyên môn khi hành nghề khám chữa bệnh tại Việt Nam.
Và theo lý giải của Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh, trong lúc các y, bác sĩ Việt Nam phải tuân thủ qui định của Bộ Y Tế về việc tập huấn liên tục ít nhất là 48 tiếng trong 2 năm, thì bác sĩ nước ngoài đang hành nghề trong thành phố không có điều kiện thực hiện qui định này.
Chính vì thế vào ngày 4 tháng Ba Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh loan báo sẽ tổ chức khóa tập huấn liên tục như vậy và khóa đầu tiên được dành cho các bác sĩ Trung Quốc tại các phòng khám đa khoa trong địa bàn thành phố.
Trước tin này, Ông Sơn, một người dân trong nước có ý kiến:
“Cái chữ tập huấn tôi nghĩ sử dụng sai hay sao đó, chứ còn làm sao mà tập huấn bác sĩ được, cái đó chỉ có thí dụ như tập hợp họ lại rồi thông báo luật lệ hành nghề ở Việt Nam. Bị vì họ qua đây cũng phải có người mời họ cộng tác chứ họ đâu có qua làm suông được. Nếu Sở Y Tế có mời là mời cả cái người đã mời họ. Tôi không nghĩ là tập huấn đâu mà chỉ có mời lại để phố biến thôi.”
Được hỏi có bao nhiêu phòng khám chữa bệnh mà có bác sĩ Trung Quốc ở trong thành phố, ông Sơn trả lời:
Có gì cứ vô Google, đề Phòng Khám Trung Quốc /TP Hồ Chí Minh thì có đầy đủ hết, quảng bá đầy hết. – Ông Sơn
“Đi ở ngoài đường hay thấy mấy phòng khám đó, ở Chợ Lớn thì ghi chữ Tàu, còn ở ngoài này chữ Việt Nam. Có gì vô Google để “Phòng Khám Trung Quốc tại TP HCM thì có đủ hết, quảng bá đầy hết.”
Tháng Mười Một năm 2017, Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh công khai 17 phòng khám có bác sĩ Trung Quốc. Đây là những phòng khám đa khoa có tên trên mạng như ông Sơn vừa nói, có cả đường dây tư vấn cho người bệnh gọi tới. Sau đây là cách tiếp chuyện của một nhân viên từ phòng khám đa khoa Đại Việt ở Quận 11:
“Đúng rồi, có người phiên dịch cho mình nghen, bạn muốn bác sĩ người Hoa hay người nước ngoài thì bên chị có phiên dịch, có nghĩa là có bác sĩ người Hoa thì đúng rồi, em đến khám trực tiếp nghe, bây giờ chị đọc cái địa chỉ cho mình nghen.”
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, Việt Nam không cấm người nước ngoài, kể cả người Trung Quốc, hành nghề bác sĩ tại vì:
“Từ thập niên 90 ban đầu chỉ có lác đác một số bác sĩ Trung Quốc sang Việt Nam hành nghề và sau này càng ngày càng khá đông đảo và phổ biến, người ta gọi là phòng khám Trung Y , tức là y tế Trung Hoa đó, Tây Y Và Đông Y cũng có.”
Cũng từ đó, báo chí trong nước bắt đầu biết đến những tin tức không hay về các phòng khám Trung Quốc này:
“Khách quan thì kể cả những phòng khám của bác sĩ Việt Nam lâu lâu cũng có tiêu cực, thí dụ làm quá chức năng, làm sai qui trình kỹ thuật, làm bệnh nhân chết oan vân vân… nhưng tỷ lệ tiêu cực rất ít so với những phòng khám Trung Y. Đặc biệt những thông tin trên cộng đồng mạng và thông qua báo chí thì thấy rằng các phòng khám Trung Y ở thành phố Hồ Chí Minh mức độ tiêu cực là phổ biến và lớn nhất.
Nền y học Trung Hoa cũng có những điểm rất hay, trong Đông Y là họ dẫn đầu, nhưng có nhiều người núp dưới cái mác đó để hành nghề một cách bất chính để xảy ra lừa đảo, tiền mất tật mang. Giờ theo tôi nghĩ chủ trương mở lớp tập huấn là việc cần thiết, những qui tắc về hành chính như thế mà Sở Y Tế dành cho bác sĩ tại các phòng khám Trung Quốc là cần thiết. Những qui định pháp luật của Việt Nam là những cơ sở nào thì được điều trị bệnh, phải công khai tài chính hay thuốc men như thế nào thì người Trung Quốc có thể không biết cho nên sang đây làm thì phải học.”
Nền Y học Trung Hoa cũng có những điểm rất hay, trong Đông Y là họ dẫn đầu, nhưng có nhiều người núp dưới cái mác đó để xảy ra lừa đảo, tiền mất tật mang. – Nhà báo Võ Văn Tạo
Bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên giám đốc Trung tâm Hiến máu Hội Chữ Thập Đỏ trực thuộc Sở Y Tế thành phố Hồ Chính Minh, cho hay bên cạnh các phòng khám đa khoa Trung Quốc có giấy phép của Sở Y Tế, có thể mở thêm chi nhánh, thì cũng có nhiều phòng khám chui hoạt động không phép.
Vì thế, ông nhấn mạnh, mở khóa đào tạo liên tục cho các bác sĩ Trung Quốc là một cách tiếp cận và kiểm soát chặt chẽ hơn những phòng khám đa khoa của họ trong thành phố:
“Không phải một phòng khám đâu mà nhiều chi nhánh nữa, lúc đó mình thực sự là khó kiểm soát. Những phòng khám chui thì bị Sở Y Tế bắt gặp hoài, mỗi lần tới kiểm tra thì họ trốn, họ để mấy người Việt ra mặt còn họ tránh đi chỗ khác. Các phòng khám nước ngoài thì họ nghe của Trung Quốc họ cũng tới, tới thì phí khám bệnh rất cao mà có khi tiền mất tật mang. Nói chung bác sĩ thật thì không thấy mà bác sĩ giả nhiều, không có giấy phép cũng như trị bệnh lăng nhăng, gọi là thầy lang, thì nhiều lắm. Cho nên cái này nếu cho phép thì phải qui định chặt chẽ, ở đây là một số qui định hành chính của nhà nước Việt Nam về công tác của các phòng khám Trung Quốc ở Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.”
Dưới mắt luật sư Đặng Trọng Dũng, Đoàn Luật Sư Thành phố Hồ Chí Minh, đã đến lúc Sở Y Tế thành phố phải nghiêm khắc hơn và phải kiểm tra tích cực hơn mọi hoạt động của các phòng khám đa khoa có bác sĩ Trung Quốc được phép khám chữa bệnh cho người thành phố:
“Qua đó cũng nói lên được tính “Lương Y Như Từ Mẫu “ trong hoạt động y học của Việt Nam, cũng để đối phó với dư luận báo chí không ngớt nói về những tiêu cực của các phòng khám có dấu hiệu người nước ngoài đó. Làm sao để chứng minh cho Bộ Y Tế ngoài Hà Nội biết rằng chúng tôi cũng có bám sát có tập huấn người ta về khám chữa bệnh theo luật Việt Nam như thế nào.”
Được biết ngoài quyết định tăng cường việc thanh tra, kiểm tra cũng như xử lý nghiêm khác mọi vi phạm pháp luật của các phòng khám đa khoa Trung Quốc, từ ngày 11 cho đến ngày 14 tháng này Sở Y Tế thành phố Hồ Chí Minh sẽ khởi sự khóa thí điểm đào tạo liên tục cho các bác sĩ người Trung Quốc được cấp chứng chỉ hành nghề trong phạm vi thành phố.
Tin nói tham gia khóa đào tạo liên tục này, các bác sĩ Trung Quốc sẽ được lượng định kiến thức trước và sau khi học xong, để rồi được đánh giá kỹ năng thực hành theo từng chuyên khoa.
Đến lúc kết thúc khóa học các bác sĩ Trung Quốc được cấp một giấy chứng nhận có tham gia đào tạo từ các bệnh viên chuyên trách hướng dẫn và phổ biến cũng như cập nhật qui định cho họ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/training-for-chinese-doctor-in-vn-tt-03072019210352.html
Ủy ban kiểm tra trung ương kỷ luật một số cán bộ
Trong kỳ họp lần thứ 34 diễn ra từ ngày 6 đến 7/3 tại Hà Nội, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương (UBKT Trung ương) đã xem xét, kết luận thi hành kỷ luật một loạt cán bộ cấp cao.Cụ thể, truyền thông trong nước hôm 8/3 cho biết UBKT Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì, thành phố Hà Nội về nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra, giám sát… trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai, quản lý trật tự xây dựng… Nhiều can bộ lãnh đạo huyện Ba Vì phải chiệu trách nhiệm về việc này.
UBKT Trung ương cũng thi hành kỷ luật, cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng của Đại tá Nguyễn Ngọc Thư và Đại tá Đào Ngọc Tuấn., nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng. Các ông này đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và thiếu trách nhiệm… trong việc tiếp nhận, chuyển ngạch lương, bổ nhiệm, phong quân hàm đối với Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc) sai quy định, để Út Trọc thực hiện các hành vi phạm tội rất nghiêm trọng trong thời gian dài.
Ngoài ra, UBKT Trung ương cũng thi hành kỷ luật một số cán bộ quân đội chỉ huy Sư đoàn 375, Quân chủng Phòng không – Không quân, vì có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Cũng trong kỳ họp này, UBKT Trung ương cũng xem xét kết quả giám sát đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-central-inspection-committee-disciplines-party-officials-03082019085116.html
BOT Ninh Lộc
nhờ Chính Phủ can thiệp chuyện người dân đếm xe
Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 7/3 đã gửi văn bản đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng, chỉ đạo Bộ Công an, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ Giao thông vận tải để thành lập công tác liên ngành thực hiện giám sát thu phí tại Trạm thu phí Ninh Lộc và tổ chức điều tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.Truyền thông trong nước loan tin hôm 8/3 nói lý do Chủ đầu tư gửi văn bản nhờ Chính phủ can thiệp là vì lo ngại về nguy cơ an toàn an ninh và mất kiểm soát trạm, trước việc người dân đến tại trạm BOT Ninh Lộc đếm xe qua trạm.
Ông Hồ Đình Chung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa – Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc, nói ông quan ngại nhóm người dân đếm xe có thể gây ra các tình huống nguy hiểm như khống chế, cưỡng chế, cướp bóc tài sản.
Chủ đầu tư BOT Ninh Lộc cho biết nhóm người dân đếm xe tự đăng lên mạng xã hội những thông tin sai lệch về tổng mức đầu tư, thời gian thu phí hoàn vốn và số tiền thu hàng ngày do những người này thu thập được, gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành lập Đoàn kiểm tra về tình hình thu phí của Trạm BOT Ninh Lộc trong thời gian 3 tháng để đưa số liệu công khai lên phương tiện thông tin đại chúng.
Từ ngày 26/2, tại trạm thu phí BOT Ninh Lộc xuất hiện một nhóm người dân ngồi cạnh cabin thu phí, trực đếm xe ngang qua trạm. Những người này nghi ngờ BOT Ninh Lộc gian lận thu phí vì tổng mức kinh phí đầu tư được cho rằng nâng cao hơn so với dự kiến và kéo dài thời gian thu phí.
Trước tiên nhóm người dân này đếm xe tại BOT Ninh Lộc chỉ kiểm đếm bằng phương pháp thủ công tính tay. Tuy nhiên sau một tuần nhóm cho biết hầu hết giấy kiểm đếm bị mất cắp. Nhóm ngưng và nói sẽ sử dụng camera để ghi số lượng xe qua trạm. Kết quả được nói sẽ gửi đến cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đó nói đã biết sự việc người dân tự ý đếm xe nhưng khẳng định nếu họ không gây cản trở gì tới hoạt động thu phí thì chưa có biện pháp can thiệp.
Tình trạng người dân tự kiểm đếm xe cũng xảy ra tương tự tại BOT Thăng Long – Nội Bài ở Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/bot-ninh-loc-asks-the-government-to-intervene-the-people-who-count-cars-03082019075717.html
Hầm mộ
Blogger Nguyễn Lân ThắngKể từ ngày 30/11/2018 đến nay là hơn 3 tháng, tôi đã không có một bài viết nào đáng kể trên mạng xã hội. Điều đó một phần là vì tôi bị report Facebook mấy đợt liên tục, một phần khác là do tôi cũng bận bịu mấy tháng trời phải tập trung vào công việc sửa sang nhà cửa. Trong hơn ba tháng qua có bao chuyện đã xảy ra, nhưng không được bình luận, không được viết status, không được like, không được share, không thể nhắn tin trả lời ai được… mới ban đầu điều đó quả là một cực hình thật ghê gớm. Bạn cứ tưởng tượng mình như biến thành một ông phỗng đá ngồi đó, biết hết đấy, nghe hết đấy, hiểu hết đấy, nhưng không thể biểu lộ một chút cảm xúc nào ra bên ngoài dù chỉ là một cái nhíu mày khẽ thôi.
Nhưng rồi tôi bắt đầu quen với điều đó. Và rồi hơn một tháng nay tôi đã rảnh rang hơn, dù rất dễ nhưng tôi cũng cố tình không lập thêm một Facebook phụ nào để tương tác với mọi người. Cái cảm giác im lặng kéo dài chầm chậm, lặng lẽ, từ ngày này sang ngày khác, từ tháng này sang tháng khác sao nó giống y như một người còn sống mà bị nhốt xuống hầm mộ đến thế. Bạn thấy người ta nháo nhác hỏi thăm đến mình trên Facebook. Thấy những nắm đất và những cánh hoa từ bên trên rơi xuống. Thấy cả những lời trách mỉa mà nếu mình còn trên mặt đất chắc là sẽ không được nghe. Rồi đám đông ồn ào trên cửa huyệt dần tan đi. Mọi người tản bớt ra và bắt đầu nói về những điều khác. Những niềm vui, những nỗi buồn, những lo âu, những phẫn uất… lại tuôn chảy hàng ngày trên mạng xã hội, mà không có mình. Con người ta chúng ta sinh ra ở trên đời rồi ai cũng phải đi xa. Nhưng trải nghiệm như thấy rõ được khung cảnh mình chết đi ra sao, mọi người phản ứng ra sao, rồi ai còn nhớ đến mình không quả là khá thú vị. Tôi cố tình vẫn im lặng không lập facebook khác là vì thế.
Chỉ trong vòng khoảng 2 ngày nữa thôi, nick facebook của tôi sẽ mở khoá. Hai ngày nữa là tôi lại ngoi lên từ huyệt mộ tối tăm của mình. Để nói. Để cười. Để buông lời trêu ghẹo ai đó vẫn đang nằm trong tủ kính mà chưa được chôn. Hi hi… thật là tuyệt! Dù chẳng biết niềm vui đó kéo dài trong bao lâu.
Trong những khoảng im lặng giả chết, tôi mới có được rất nhiều thời gian để xem phim, đọc sách, quan sát mà không bình luận mọi chuyện, và để suy nghĩ về chính bản thân cuộc đời mình. Mark Twain, nhà văn Mỹ từng có câu nói như thế này: “Hai ngày quan trọng nhất trong cuộc đời là ngày bạn sinh ra, và ngày bạn tìm ra lý do vì sao mình sinh ra” <<
Ngày mình chết đi hoàn toàn không quan trọng. Dù chỉ là khoảng ngắn trong cuộc đời để giả chết, dù chỉ là giả chết trong cõi ảo, nhưng bây giờ tôi mới thấy thấm thía câu nói trên của Mark Twain. Tôi biết mình là ai. Tôi hiểu được sức mình đến đâu. Và tôi biết mình phải làm gì tiếp theo, dù có thể bất ngờ biến mất mãi mãi trong thế gian này bất cứ lúc nào.
Chắc các bạn còn nhớ bài viết “Những người đi ném sao biển” của tôi dạo trước. Tôi đang ở đây. Ngay đây. Vẫn vung tay ném những con sao biển về với nước cùng với các bạn như trong câu chuyện kia.
Xin chào nhé cuộc đời mến yêu!
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/hi-no-in-03082019090620.html
0 nhận xét