Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 01/03/2019

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019 18:47 // ,

Tin Việt Nam – 01/03/2019

Khởi tố ba người đập phá xe qua trạm BOT Bắc Hải Vân

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, quyết định khởi tố 3 người bịt mặt đập phá xe ô tô qua trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân ở thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 1/3, trích dẫn thông tin từ Thượng tá Trần Đăng Điền, Phó trưởng Công an huyện Phú Lộc, gọi đây là vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản” tại trạm thu phí Bắc Hải Vân.
Tin cho biết, ba người bị khởi tố được xác định là nhân viên bảo vệ dự án thi công, bao gồm Đoàn Văn Hiếu 43 tuổi, Trần Văn Phúc 24 tuổi và Nguyễn Tuấn 23 tuổi. Cả 3 đều trú tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Hiện 3 người bị khởi tố bị cấm không được rời khỏi nơi cư trú nhằm phục vụ công tác điều tra của Công an huyện Phú Lộc.
Trước đó, theo báo cáo của Công ty Cổ phần Phước Tượng – Phú Gia BOT là chủ đầu tư BOT Bắc Hải Vân, vào 12 giờ trưa ngày 15/2 đã có 2 xe ô tô chạy hướng Huế – Đà Nẵng dừng tại làn số 2 và số 3 của trạm mà không chịu mua vé. Lý do không mua vé vì cho rằng trạm thu phí đặt sai vị trí.
Ngay sau đó, trạm nói đã gọi điện thoại trình báo sự việc với Công an thị trấn Lăng Cô, Công an huyện Phú Lộc và Trạm Cảnh sát Giao thông Phú Lộc, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế nhờ xử lý.
16 phút sau, BOT Bắc Hải Vân nói mở barie miễn phí cho 2 ô tô nói trên đi qua nhưng 2 xe vẫn không di chuyển.
Trong lúc 2 xe dừng lại, đã có một nhóm người mang khẩu trang bịt mặt, được báo trong nước nói có “biểu hiện say xỉn” và lớn tiếng đe dọa những người ngồi trên ô tô, cũng như dùng dùng gậy 3 khúc, bình xịt hơi cay đập phá 2 xe rồi bỏ chạy.
Sự việc trên được người ngồi trong xe quay video lại, phát trên mạng xã hội và được nhiều người chia sẻ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/prosecuting-3men-attacking-cars-at-the-north-hai-van-bot-03012019073050.html

Tàu dầu VN đến Triều Tiên

trong lúc diễn thượng đỉnh Mỹ-Triều

Một tàu chở 2.000 tấn xăng dầu của Việt Nam đã đến Triều Tiên ngay trước khi Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuẩn bị gặp nhau ở Hà Nội, hãng tin Reuters trích dữ liệu hàng hải của Refinitiv cho biết hôm 1/3.
Tàu chở dầu Việt Tin 01 của Việt Nam đã đến gần cảng Nampo ở phía tây Bắc Triều Tiên vào ngày 25/2, chở theo 2.000 tấn xăng dầu, dữ liệu Refinitiv ghi nhận.
Tuy nhiên, không chắc chắn rằng con tàu này có dỡ hàng tại cảnh Nampo hay không. Theo lệnh trừng phạt của LHQ, Triều Tiên bị cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
Theo thông tin hải trình mà tàu này đã đăng trước đó thì lẽ ra tàu này sẽ giao hàng ở cảng Daesan ở Hàn Quốc vào ngày 28/2.
Điểm dừng trước đây của Việt Tín 01 là Đài Loan, Singapore và Bangladesh.
Một nhân viên của Công ty Cổ phần Vận tải Việt Tín ở Tp. HCM, chủ sở con tàu Việt Tín 01, nói với Reuters rằng bà không biết chính xác hiện nay con tàu này đang ở đâu. Bà cho biết thêm rằng công ty sở hữu hai con tàu là Việt Tín 01 và Việt Tín Lucky, và chiếc Việt Tín Lucky hiện đang ở ngoài khơi bờ biển phía tây Thái Lan.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Trang NKNews nhận định rằng nếu đúng như tàu Việt Tín 01 đã giao dầu cho Triều Tiên thì hành động này đã vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-dau-vn-den-trieu-tien-trong-luc-dien-ra-thuong-dinh-my-trieu/4809485.html

Quỹ Phan Châu Trinh đóng:

Còn đường khác để đưa tri thức về Việt Nam?

Một số ý kiến của các học giả trẻ cho rằng sẽ còn nhiều con đường khác để đưa tri thức thế giới tới độc giả Việt Nam sau khi Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ngừng hoạt động.
Việc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh (PCT) ngưng hoạt động xảy ra chỉ vài tháng sau ồn ào Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố khai trừ Giáo sư Chu Hảo, một trong những người đồng sáng lập Quỹ.
‘Sự kiện đáng buồn’
Nhà báo Bill Hayton của BBC nhận định rằng đây là “bước thụt lùi của tự do tri thức” ở Việt Nam.
Nguyễn Vi Yên, một trí thức trẻ hiện là Chủ nhiệm nhóm Tinh Thần Khai Minh và từng có thời gian làm việc cho Giáo sư Chu Hảo, nhận định với BBC hôm 25/2 rằng “đây là một sự kiện đáng buồn cho xã hội nói chung”.
Đảng khai trừ GS Chu Hảo ‘vì chống đối’
Vụ GS Chu Hảo khiến sách về dân chủ ‘cháy hàng’
GS Chu Hảo tuyên bố ‘từ bỏ Đảng CS’
Kỷ luật ông Chu Hảo là ‘giọt nước tràn ly’
“Tôi từng tham gia vào các hoạt động của Quỹ như Trao giải Sách hay, sinh hoạt học thuật, trao giải văn hóa Phan Châu Trinh, giao lưu với các anh chị cô chú trong Quỹ. Trong thời gian đó tôi thấy một điều là thực sự trong giới trí thức, học thuật của Việt Nam thì Quỹ Phan Châu Trinh hoạt động tốt nhất, mạnh nhất trong việc ủng hộ giới trí thức. Họ dấn thân vào công cuộc khai dân trí và xa hơn nữa là thúc đẩy phong trào dân chủ ở Việt Nam.”
“Cá nhân tôi thực sự rất trân trọng hoạt động của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Bước ngoặt đầu tiên khiến tôi bước chân vào con đường hoạt động dân chủ là khi tôi đọc cuốn Bàn về Tự do của John Stuart Mill do NXB Tri Thức ấn hành. Cuốn sách này cũng nằm trong dự án Tủ sách Tinh hoa Thế giới do Quỹ Phan Châu Trinh bảo trợ.”
“Những công việc của Quỹ Phan Châu Trinh trong suốt 11 năm vừa qua đóng góp không hề nhỏ trong việc thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển từ tầng sâu.”Nguyễn Vi Yên, Chủ tịch nhóm Tinh Thần Khai Minh
“Từ đó tôi thấy chính từ những hành động, công việc nho nhỏ như vậy của Quỹ Phan Châu Trinh đã thúc đẩy người trẻ dấn thân vào các công việc xã hội như thế nào, mà tôi chính là một trường hợp điển hình.”
“Ngoài việc ngoài việc xuất bản, Quỹ còn vinh danh cách cuốn sách và các nhân vật có ảnh hưởng, có tầm vóc đối với xã hội. Những công việc như vậy của Quỹ Phan Châu Trinh trong suốt 11 năm vừa qua đóng góp không hề nhỏ trong việc thúc đẩy xã hội Việt Nam phát triển từ tầng sâu.”
“Việc đóng cửa Quỹ, theo tôi, không tạo ra bước ngoặt hay đà mới cho một nhóm khác hình thành, mà thậm chí còn gây ra cảm giác tiêu cực về việc đàn áp những người đấu tranh ở trong nước,” Vi Yên nói.
Tuy nhiên, Vi Yên cũng như một số trí thức khác ở Việt Nam vẫn nhìn thấy những con đường khác để đưa kiến thức, văn hóa và tinh hoa của thế giới về cho độc giả Việt Nam.
Con đường khác?
Nhìn lại việc kỷ luật Đảng, sau đó là khai trừ Đảng Giáo sư Chu Hảo do xuất bản một số sách được cho là “có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng”, cùng với việc cấm một số hoạt động giao lưu học thuật khác, Vi Yên cho rằng “từ nay trở đi, những hoạt động sinh hoạt văn hóa, học thuật như vậy sẽ còn bị đàn áp nhiều hơn nữa.”
Dù vậy, Vi Yên nói còn có những cách khác để đưa tri thức về Việt Nam trong bối cảnh “đàn áp hiện nay” mà nhóm Tinh Thần Khai Minh do cô khởi xướng là một ví dụ.
“Có thể nhắc đến NXB Giấy Vụn là một NXB độc lập. Hay NXB Vô Danh không cần đăng ký ở Việt Nam nhưng sách của họ vẫn được dịch thuật, ấn loát và lưu hành tại Việt Nam. Đó là cách hay mà không phải phụ thuộc vào nhà nước.”
“Một cách khác là thành lập doanh nghiệp xã hội không đăng ký với nhà nước, sau đó nhận quỹ từ các nguồn nước ngoài, hoặc tự gây quỹ tư nhân trong nước để mình hoạt động. Nhóm Tinh Thần Khai Minh cũng hoạt động theo kiểu này. Hiện những nhóm, tổ chức như thế đang trăm hoa đua nở. Các nhóm sinh hoạt chung với nhau và có thể tự dịch thuật, xuất bản theo cách của mình.”
“Tôi nghĩ rằng có thể gặp một số khó khăn như sự cản trở của chính quyền, Nhưng cứ gặp khó khăn này thì mình sẽ có cách khác và cá nhân tôi thì khá lạc quan với những công việc như vậy.”
Vi Yên cũng cho rằng chính quyền Việt Nam chỉ có thể ngăn chặn một vài tổ chức chứ không thể chặn toàn bộ, nhất là trong trào lưu hiện nay với nhiều nhóm dân chủ của giới trí thức trẻ được thành lập.
“Điều đó cho thấy khuynh hướng phát triển và vận động của giới tri thức Việt Nam sẽ càng ngày càng tăng lên chứ không thể nào cản trở được.”
Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang cũng chia sẻ chung quan điểm của Vi Yên về vấn đề này.
Trên trang Facebook cá nhân, bà Đoan Trang dẫn ý kiến của luật sư Trần Quý Vi rằng các tổ chức xã hội dân sự làm phải đăng ký với nhà nước và làm việc “dựa trên luật pháp” Việt Nam là đi vào “ngõ cụt”.
Theo đó, luật sư Vi cho rằng cách hoạt động như Quỹ Phan Châu Trinh là cách làm ‘của lớp người đi trước’. Trong khi đó, nếu thực sự muốn chia sẻ kiến thức tới người khác thì không cần phải lập quỹ trong giới hạn ‘cho phép’ của bất kỳ ai.
Bà Trang cũng bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, rằng việc ‘xin phép nhà nước’ khiến nhiều trí thức Việt Nam tự giới hạn mình trong những việc ‘nằm trong khuôn khổ nhà nước cho phép”.
“Giả sử có lúc nào trong đầu tôi có ý nghĩ ‘chờ xin giấy phép xuất bản’, thì chắc chắn 100% là tôi sẽ không bao giờ viết sách Chính trị bình dân hay Học chính sách công qua chuyện đặc khu. Đấu tranh chống độc tài mà lại chỉ làm những việc độc tài ấy cho phép, thì nghĩa là gì? Nghĩa là: Họ không hề có tư tưởng chống độc tài, giành lấy tự do, xây dựng dân chủ,” nhà báo Đoan Trang viết.
Đóng cửa vì thiếu nhân lực hay do sức ép?
Cuối tháng Hai, mạng xã hội lan truyền bức thư với chỹ ký được cho là của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ PCT, tuyên bố việc Quỹ ngừng hoạt động “vì lý do khách quan”.
Ngay sau đó, Giáo sư Chu Hảo đã chính thức thừa nhận việc đóng cửa Quỹ.
Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thành lập năm 2007. Chủ tịch Quỹ là bà Nguyễn Thị Bình, nguyên phó CT nước, con gái ông Phan Châu Trinh.
Bên cạnh cách hoạt động tọa đàm, văn hóa, đào tạo nghiên cứu, Quỹ còn có Tủ sách Tinh hoa Thế giới nhằm “Du Nhập, Phục Hưng, Khởi Phát, Gìn giữ & Lan Tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm góp phần canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21″.
Ông Chu Hảo nói với RFA rằng Quỹ ngưng hoạt động không phải do áp lực nào, mà từ ‘điều kiện khách quan’ là sức khỏe của bà Bình nay 90 tuổi, giảm sút. Trong khi đó không thể tìm được người thay thế hội đủ các tiêu chí mà Quỹ đặt ra.
Dù vậy, Vi Yên nói với BBC rằng nhìn nhận từ các vụ việc với Giáo sư Chu Hảo nói riêng và phong trào dân chủ ở Việt Nam nói chung, “có thể thấy dù chính quyền không gây sức ép trực tiếp thì tất cả những hội nhóm, tổ chức ở Việt Nam đều đang gặp sức ép gián tiếp. Và không thể nói việc đóng cửa này không liên can đến chính quyền được.”
Nhà báo Bill Hayton của BBC cho hay vào năm 2008, Đảng Cộng sản Việt Nam ngăn cản Quỹ Phan Châu Trinh trao giải thưởng vinh danh học giả có đóng góp nổi trội cho giáo dục Việt Nam cho Giáo sư người Mỹ Keith Taylor, tác giả cuốn A history of the Vietnamese.
Giáo sư Keith Taylor từng tổ chức các sự kiện nhìn nhận lại Chiến tranh Việt Nam từ quan điểm của miền Nam Việt Nam, được cho là “làm phiền lòng rất nhiều lãnh đạo của Hà Nội”, theo Bill Hayton.
Trong khi đó, việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo bắt đầu từ cuối tháng 10/2018, khi trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có bài viết nhận định ông Chu Hảo khi làm Tổng Biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức đã cho in nhiều sách “có nội dung sai phạm, trái quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng”.
Theo đó, từ 2005 đến 2009, ông Chu Hảo xuất bản 5 cuốn bị chính quyền cấm phát hành, như cuốn Đường về nô lệ của F.A. Hayek, cuốn Karl Marx của Peter Singer, cuốn Ông Sáu Dân trong lòng dân.
Cuốn Ông Sáu Dân trong lòng dân cho thấy Nhà Xuất bản có “dấu hiệu khuynh hướng tập hợp những bài viết về những người có quan điểm khác với chủ trương, đường lối của Đảng, nhằm “gợi ý”, “gợi mở” một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước”. Trang web của Ủy ban Kiểm tra Trung ương viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47383849

Bộ Cộng An điều tra vi phạm hình sự

tại Nhà máy gang thép Thái Nguyên

Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ sai phạm tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) sang Bộ Công An để điều tra, sau khi có kết luận thanh tra đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO hồi ngày 20 tháng 2.
Truyền thông trong nước cho biết thông tin vừa nêu được công bố tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2019, diễn ra vào chiều ngày 1 tháng 3.
Trong phiên họp báo, Thanh tra Chính phủ kiến nghị giao các bộ, ngành liên quan cùng Tổng Công ty Gang thép Việt Nam (VNS) và TISCO rà soát toàn bộ hợp đồng ký với nhà thầu Trung Quốc là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC) để khởi kiện theo quy định pháp luật.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công An để điều tra những vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 tại Nhà máy thép Thái Nguyên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm 2005, giao cho VNS thẩm định, xem xét, phê duyệt và TISCO là chủ đầu tư của dự án với mức tổng đầu tư là gần 4000 tỷ đồng, nhằm tạo khả năng sản xuất lên 500 ngàn tấn phôi thép/năm.
Tháng 7 năm 2007, TISCO ký kết hợp đồng một phần của dự án với MCC về thiết kế, cung cấp thiết bị, xây dựng và lắp đặt với giá trị gần 161 triệu đô la Mỹ (USD) cùng sự cam kết gói thầu không thay đổi mức giá trong thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến 30 tháng.
Tuy nhiên đến năm 2012, VNS và TISCO gửi văn bản xin Bộ Công Thương điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên hơn 8 ngàn tỷ đồng, so với mức ban đầu vào khoảng gần 4300 tỷ đồng.
Theo kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ công bố, MCC chưa chuyển đủ thiết bị theo hợp đồng, cung cấp nhiều máy móc sai khác về xuất xứ, tình trạng máy móc hư hỏng, bị gỉ sét và dự án bị chậm tiến độ 10 năm, đã bị tạm dừng thi công từ năm 2013.
Điều đáng chú ý là TISCO đã thanh toán cho MCC trên 92% giá trị hợp đồng và còn thanh toán thay cho MCC tiền thuế 11,6 triệu USD cùng hơn 4,7 tỷ đồng chi phí bốc xếp bảo quản thiết bị vượt giá trị hợp đồng.
Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên nằm trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-public-security-investigates-the-case-of-wrongdoing-at-thai-nguyen-steel-factory-03012019074207.html

Vẫn chưa xử lý vụ xe công

đón vợ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở sân bay

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/3/2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết vụ xe biển xanh đón người nhà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ở sân bay Nội Bài hôm 4/1/2019 vẫn đang trong quá trình xử lý, chưa có kết quả.
Ông Hải cho biết khi có kết quả sẽ thông báo cho các cơ quan truyền thông.
Theo báo chí trong nước thì câu hỏi về việc xử lý chuyện xe công đón vợ bộ trưởng Trần Tuấn Anh từng được đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, nhưng câu trả lời của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng không có gì thay đổi.
Bốn ngày sau vụ việc diễn ra, công luận tại Việt Nam phản ứng dữ dội, hôm 8/1/2019 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phải có thư xin lỗi gửi đến nhân dân, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công thương. Trong thư có đoạn “Với tư cách là người đứng đầu Bộ Công Thương, đồng thời người trong gia đình có liên quan, tôi xin được nhận lỗi trước công luận vì đã để xảy ra sự việc này”. Ông cho biết lý do chậm phản hồi là do đang nằm điều trị tại khoa tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, theo yêu cầu của Ban bảo vệ sức khỏe trung ương.
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 31/1/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng phát biểu rằng “Chúng ta đều rút kinh nghiệm qua bài học tại Bộ Công thương, không mắc phải hay tái phạm như thế nữa. Tôi cho đây là sự theo dõi, giám sát của người dân và báo chí là rất tốt. Nếu không có sự phản ánh này thì chúng ta có thể bỏ qua các việc, dẫn đến nói một đằng, làm một nẻo thì không ổn”.
Tuy nhiên sau cả tháng vụ việc lại được giải thích như cũ.
Tình trạng xe biển số xanh, tức xe công, bị sử dụng để làm việc riêng của những quan chức được bố trí xe từng được báo chí phản ánh nhiều trong những năm qua; đặc biệt trong những dịp lễ, tết.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/state-vehicle-pick-up-minister-s-wife-still-under-investigation-03012019073408.html

40 làng nghề ở Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng

Có đến 40 làng nghề bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu và phân tích môi trường tại 65 làng nghề theo Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề ở Hà Nội.
Truyền thông trong nươc loan tin vừa nêu hôm 1/3/2019.
Việc khảo sát do Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội thực hiện theo Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”.
Cụ thể, có 57 làng nghề ô nhiễm môi trường nước, 22 làng nghề ô nhiễm môi trường không khí, về môi trường đất chỉ kiểm tra 37 làng nghề và có 5 làng nghề ô nhiễm.
Theo Sở Tài nguyên -Môi trường Hà Nội đây sẽ là cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh để có kế hoạch xử lý ô nhiễm phù hợp với từng loại hình sản xuất, với điều kiện thực tế của địa phương.
Cũng tin liên quan môi trường, hôm 1 tháng 3, lực lượng chức năng đã tìm ra người đổ hóa chất xuống khiến kênh thủy lợi đoạn qua xã Tam Phước và Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam làm cá chết hàng loạt.
Khi trả lời báo chí trong nước, thượng tá Nguyễn Văn Phong, Phó công an huyện Phú Ninh cho biết, thủ phạm là ông Đ.N.M., 45 tuổi sống ở thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước. Vào chiều ngày 26/2, ông M. đã đem một thùng phuy có chứa dung dịch hóa chất đến bờ kênh thủy lợi để súc rửa và gây nên tình trạng kênh bị nổi bọt trắng kéo dài khoảng 500m và làm cá chết hàng loạt.
Tin cho biết, công an huyện Phú Ninh đã thu giữ chiếc thùng phuy và tiếp tục xác minh nguồn gốc dung dịch để làm rõ vụ việc.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/40-production-areas-in-hanoi-are-seriously-polluted-03012019084505.html

Lợi ích từ Thượng đỉnh Trump-Kim chưa thể thấy ngay

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Việt Nam, Ông Mai Tiến Dũng, cho rằng Hà Nội gặt hái được nhiều món lợi khi tổ chức Thượng đỉnh Hoa Kỳ- Bắc Hàn; tuy nhiên đó là những món lợi vô hình chưa thể thấy ngay được.
Phát biểu của Ông Mai Tiến Dũng được đưa ra vào ngày 1 tháng 3 với báo giới trong nước khi được hỏi về con số thống kê về khoản tiền bỏ và và lợi nhuận thu về.
Theo Ông Mai Tiến Dũng thì thời gian chuẩn bị cho Thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai diễn ra ở Hà Nội là rất ngắn; tuy vậy phía Việt Nam bảo đảm được an ninh cho sự kiện quan trọng này.
Đối với lợi ích kinh tế thì Ông Mai Tiến Dũng nói rõ vẫn chưa có được những con số thống kê chính thức; nhưng nguyên văn lời ông nói với báo giới và được trích lại là ‘được nhiều hơn là mất’. Còn khoản chi phí bỏ ra để tổ chức thì Ông Mai Tiến Dũng cho rằng không nhiều. Ông này cho biết Việt Nam rất tiết kiệm qua phương cách là ‘lấy thu bù chi, lấy mỡ nó rán nó.’
Ông Mai Tiến Dũng nêu ví dụ là cho các hãng thông tấn thuê gian hàng với giá 4500 đô la Mỹ một gian. Khoản này trừ đi 1500 đô la Mỹ trả cho Truyền hình Quốc Gia VTV, như vậy còn thu 3 ngàn đô la Mỹ cho một gian cho thuê. Khoản này dùng để chi phí mua máy tính, TV, bàn ghế…
Kỳ thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhất vào tháng 6 năm ngoái được phía Singapore cho biết chi ra khoảng 20 triệu đô la Mỹ và thu về khoảng trên 500 triệu đô la Mỹ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-be-sum-tr-ki-03012019081031.html

Việt Nam đón Kim Jong-Un thăm chính thức

Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, Ông Nguyễn Phú Trọng, vào chiều ngày 1 tháng 3 tiến hành lễ đón Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Jong-un tại Phủ Chủ tịch Hà Nội.
Ông Kim Jong Un có chuyến thăm chính thức Việt Nam trong 2 ngày 1 và 2/3 sau hội nghị Thượng đỉnh với Hoa Kỳ mà không có bất kỳ thỏa thuận nào được ký.
Sau khi gặp Ông Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong- Un còn hội kiến Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và Bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Tại cuộc họp với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un, Ông Chủ tịch và cũng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng chuyến thăm của vị nguyên thủ Bắc Hàn hiện nay đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa đôi bên.
Việt Nam và Bắc Hàn chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 31 tháng giêng năm 1950.
Ông Hồ Chí Minh, Chủ tịch Việt Nam, có chuyến thăm Bắc Triều Tiên vào năm 1957; năm sau Chủ tịch Kim Nhật Thành của Bắc Triều Tiên sang thăm Việt Nam.
Ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Bắc Hàn năm 1961 và Ông Kim Nhật Thành có chuyến thăm lần thứ hai Việt Nam năm 1964.
Sau đó Ông Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh của Việt Nam thăm Bắc Hàn vào năm 2007 và Ông Bộ trưởng Công An Lê Hồng Anh thăm Bắc Hàn năm 2008.
Trong dịp Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 1 và 2 tháng 3 sau cuộc thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng ngay tại Hà Nội, cơ quan chức năng Việt Nam cho đóng 14 tuyến đường thủ đô với lý do được nói nhằm phục vụ chuyến thăm của ông Kim Jong-Un.
Phiên bản tiếng Anh của Mạng báo VnExpress vào ngày 1 tháng 3 cho biết từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào ngày thứ bảy 2 tháng 3, tất cả các phương tiện vận chuyển sẽ bị cấm trên tuyến đường dài 170 kilomet của Quốc Lộ 1 từ Hà Nội đến biên giới Việt-Trung.
Đối với loại xe tải trên 10 tấn và xe ô tô chín chỗ ngồi trở lên bị cấm lưu thông trên đoạn đường vừa nêu kể từ 1 giờ sáng ngày 2 tháng 3. Những giao lộ với Quốc Lộ 1 thuộc tuyến 170 kilomet từ Hà Nội đến biên giới Việt- Trung cũng bị đóng cấm các loại xe cộ qua lại.
Tại Ga Đồng Đăng ở Lạng Sơn, vào ngày 1 tháng 3, công tác chỉnh sửa, trang hoàng, vệ sinh được tiến hành và an ninh được xiết chặt.
Đoàn tàu bọc thép chở Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un đến Ga Đồng Đăng hôm 26 tháng 2. Sau đó ông này được đưa về Hà Nội bằng xe chuyên dụng để tham dự thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/kim-nk-ngan-vn-03012019080533.html

Việt Nam làm gì để đối phó

với ô nhiễm không khí và bụi mịn-PM2.5?

Hòa Ái, phóng viên RFA
Từ đầu năm 2019 đến nay, truyền thông trong nước liên tục đăng tải thông tin chất lượng không khí tại hai thành phố lớn của Việt Nam, Hà Nội và Sài Gòn chạm ngưỡng nguy hại và nồng độ bụi mịn(PM2.5) vượt mức quy chuẩn.
Đài RFA tìm hiểu các cơ quan chức năng và dân chúng tại Việt Nam đối phó với tình trạng vừa nêu như thế nào?
Đạt ngưỡng báo động?
Báo mạng Tuổi Trẻ Online liên tiếp đăng tải thông tin cập nhật về chỉ số chất lượng không khí (AQI) được ghi nhận suy giảm trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán ở hai hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Số liệu quan trắc tại các trạm đo chỉ số AQI trên 300, cho thấy nhiều nơi ở mức kém, chạm ngưỡng nguy hại.
Song song đó, Tuổi Trẻ Online còn dẫn nguồn cảnh báo từ giới chuyên gia khoa học và y tế liên quan tần suất bụi mịn (PM2.5) trong không khí ngày càng tăng, cụ thể trong tháng 1 năm 2019, nồng độ bụi mịn vượt mức 100, gấp 2 lần quy chuẩn quốc gia và trên 4 lần so với quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Các chuyên gia y tế thế giới qua nhiều nghiên cứu y học xác nhận bụi mịn (PM2.5) gây tác hại lên sức khỏe con người với những căn bệnh chết người về hô hấp, ung thư, tim mạch…
Bụi mịn không phải đến mức nguy hiểm vì đó chỉ là chỉ số đột xuất của một lần đo hoặc là một vài lần đo, chứ còn chỉ số so với tiêu chuẩn trung bình ngày, trung bình năm thì cũng bằng độ gần 2 lần quy định tối đa thôi. Cho nên, chỉ số này có cao hơn nhưng không giống như ở Bangkok hay ở Bắc Kinh. Thành ra, hiện nay vẫn là bình thường
-GS-TS. Phạm Ngọc Đăng
Tuy nhiên, báo giới quốc nội cũng ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong lãnh vực môi trường lên tiếng lý giải tình trạng ô nhiễm không khí tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội diễn biến xấu và nguy hại trong thời gian từ đầu năm 2019 đến nay chỉ là do tình trạng đột biến trong hoạt động giao thông dịp lễ tết và tình trạng kẹt xe kéo dài trong phạm vi thành phố, theo như nhận định của Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng; hay ông Hoàng Xuân Cơ, giảng viên khoa Môi trường của Đại học Khoa học Tự nhiên nói với Báo Người Đô Thị rằng không nên quá bi quan vì tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị của Việt Nam chưa đến mức nguy hiểm. Đồng quan điểm với hai vị chuyên gia này, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp khẳng định với RFA:
“Nó không phải đến mức nguy hiểm vì đó chỉ là chỉ số đột xuất của một lần đo hoặc là một vài lần đo, chứ còn chỉ số so với tiêu chuẩn trung bình ngày, trung bình năm thì cũng bằng độ gần 2 lần quy định tối đa thôi. Cho nên, chỉ số này có cao hơn nhưng không giống như ở Bangkok hay ở Bắc Kinh. Thành ra, hiện nay vẫn là bình thường.”
Cư dân thành thị nói gì?
Trong khi đó, cư dân sinh sống ở Hà Nội và Sài Gòn cho biết họ ghi nhận tình trạng khói bụi trong những năm gần đây ra sao? Một cư dân ở Hà Nội và cũng là một bác sĩ cho biết:
“Khỏang tầm hai, ba năm trở lại đây có những ngày bụi rất là ghê gớm. Vào buổi sáng thường có những hôm không nhìn thấy mặt trời do bụi. Người dân Hà Nội đi làm đa số đi bằng xe máy nên cảm nhận được bụi. Về nhà thấy mắt của mình bị khô và gỉ mắt ra đen sì, thứ hai nữa là bụi bám vào trong đường hô hấp, đọng lại ở mũi, hỉ ra ở mũi rất là đen và rất là nhiều.
Trong quá trình khám bệnh, tôi nhận thấy bụi gây ảnh hưởng đến rất nhiều nguời già và trẻ em. Đặc biệt là trẻ em vì cơ thể của các bé dễ bị bệnh. Có những bé cứ tuần này bị viêm đường hô hấp, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản…uống thuốc, khỏi bệnh xong thì tuần sau lại bị tiếp. Nhiều bà mẹ, ông bố phàn nàn rằng một tháng con tôi bị bệnh đến 2,3 lần mà toàn là bệnh đường hô hấp.”
Hai cư dân ở Sài Gòn chia sẻ:
“Tôi ở đây thì cứ việc bịt mặt miết thôi. Còn không bịt thì chịu không được. Bụi trắng phếu như vầy. Ngay ngã 3, gió xoáy từ đó theo hướng đến đây.”
“Hai, ba năm trước đã thấy. Bây giờ thì hơn hay sao đó. Cần đi ra đường thì phải bị khẩu trang, đeo gang tay, chứ không có thì mình hít thở, chịu không nỗi đâu.”
Đối phó thế nào?
Bà Nguyễn Thị Anh Thư, chuyên viên nghiên cứu về chất lượng không khí, thuộc Tổ chức GreenID cho Tuổi Trẻ Online biết tổ chức này thực hiện báo cáo định kỳ đánh giá chất lượng không khí ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trong 3 năm trở lại đây với kết quả cả hai thành phố đang đối mặt ô nhiễm bụi mà nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí ở mức cao.
Trong một báo cáo về tình trạng môi trường không khí năm 2010 của Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải thực hiện cho thấy bụi khói thải ra nhiều nhất từ công nghiệp; trong đó nhiệt điện chiếm 40%, dân dạng than dầu khí chiếm 33%, giao thông vận tải 22% và theo quy hoạch phát triển nhiệt điện than của Việt Nam thì khí thải nhiệt điện than được cho là sẽ tăng gấp 5%.
Chuyên gia Nguyễn Thị Anh Thư của GreenID còn cho rằng nguyên nhân hàng đầu khiến chất lượng không khí suy giảm ở các thành phố lớn tại Việt Nam là do sự gia tăng các nguồn gây ô nhiễm nội ô như các hoạt động xây dựng và sinh hoạt của người dân cùng với số lượng các phương tiện giao thông và đặc biệt là các nguồn khí thải theo hướng gió từ các khu công nghiệp hay ô nhiễm không khí xuyên biên giới từ các nước láng giềng ảnh hưởng đến Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung.
Đài Á Châu tự Do ghi nhận không chỉ thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam bị xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí mà các thành phố lớn ở những quốc gia Châu Á như Bangkok, Thái Lan; Seoul, Hàn Quốc; Bắc Kinh, Trung Quốc; New Delhi, Ấn Độ cũng bị chìm ngập trong bụi mịn (PM2.5) và khói độc. Các quốc gia này cho biết có những biện pháp ngắn hạn và dài hạn để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí như khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, giảm phát khí thải nhà máy, kiểm soát bụi từ hoạt động xây dựng, cắt giảm lượng lớn than đốt, hạn chế lượng xe và các phương tiện vận tải công cộng, phun mưa nhân tạo để làm sạch không khí…
Trả lời câu hỏi của RFA rằng những biện pháp đối phó tình trạng ô nhiễm không khí mà các cơ quan chức năng của Việt Nam có thể thực hiện trong ngắn hạn và dài hạn gồm những gì, Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng cho biết:
“Thật ra khi chỉ số trung bình ngày, trung bình năm vượt qua khoảng 3,4 lần lên thì mới báo động. Bấy giờ coi như là giống như các nước khác thôi, phải hạn chế xe cộ hoặc là hạn chế sản xuất hay người già, phụ nữ, trẻ em không nên ra ngoài trời…Nhưng Việt Nam chưa đến mức độ như vậy, cho nên Nhà nước chưa có biện pháp gì gọi là báo động cả.”
Số người bị ung thư đến bệnh viện rất nhiều, đông hơn cái chợ. Người chăm sóc cũng rất nhiều, kể cả nhân viện bệnh viện, kể cả người thường. Tốn rất nhiều sức lao động vào đấy. Chi phí rất nhiều. Tiêu tốn ra rất nhiều. Đấy là bằng chứng rõ nhất! Tôi đọc các thông tin về nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường đều thiếu. Thế tại sao các cơ quan chức năng không mời chuyên gia đến họp về ô nhiễm môi trường? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bảo rất muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học. Thế làm thế nào góp ý được? Suốt ngày thấy ông trên tivi nói rằng các vấn đề khoa học cần được giải quyết, mà ông bận đi khắp nơi.Thế ai nghe
-TS. Nguyễn Văn Khải

Trái lại, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải cho rằng Việt Nam lơ là trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí để bảo vệ sức khỏe cho người dân:
“Số người bị ung thư đến bệnh viện rất nhiều, đông hơn cái chợ. Người chăm sóc cũng rất nhiều, kể cả nhân viện bệnh viện, kể cả người thường. Tốn rất nhiều sức lao động vào đấy. Chi phí rất nhiều. Tiêu tốn ra rất nhiều. Đấy là bằng chứng rõ nhất! Như người ta bảo rằng cá chết hồi biến cố thảm họa môi trường biển Formosa chết là do thủy triều đỏ. Nhưng tôi nói không phải là thủy triều đỏ thì có ai lên tiếng phản biện với tôi không? Tôi đọc các thông tin về nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường đều thiếu. Thế tại sao các cơ quan chức năng không mời chuyên gia đến họp về ô nhiễm môi trường? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bảo rất muốn nghe ý kiến của các nhà khoa học. Thế làm thế nào góp ý được? Suốt ngày thấy ông trên tivi nói rằng các vấn đề khoa học cần được giải quyết, mà ông bận đi khắp nơi và tôi trình bày thì mất cả ngày. Thế ai nghe?”
Ô nhiễm không khí được giới chuyên gia thế giới gọi tên là “sát thủ thầm lặng và toàn diện (silent mass killer) vì không chừa bỏ một ai, do bụi khói xâm nhập buồng phổi suốt 24 giờ, không thể không hít thở được.
Theo ghi nhận của Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch tổ chức Viet Ecology có trụ sở ở Mỹ, trong hai năm 2016 và 2017, bụi mịn (PM2.5) tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, dựa theo dữ liệu hai trạm quan trắc của Hoa Kỳ tại Việt Nam có thể ước lượng đã gây ra 13 ngàn trường hợp tử vong hàng năm và theo nghiên cứu của Tiến sĩ Lê Việt Phú, Đại học Fulbright Vietnam cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người chết do ô nhiễm không khí.
Kỹ sư Phạm Phan Long cũng như Tiến sĩ Nguyễn văn Khải cùng cảnh báo nếu Việt Nam không chủ động nhanh chóng đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí ngay từ bây giờ thì tử vong và tổn thất kinh tế sẽ tăng nhanh trong hai thập niên tới. Riêng kỹ sư Phạm Phan Long còn nhấn mạnh rằng người dân Việt Nam sẽ phải gánh chịu ô nhiễm từ điện than đến những 30 lần rủi ro nhiều hơn so với dân chúng ở Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-vietnam-deals-with-air-pollution-and-pm25-03012019105503.html

CSVN dừng tuyển sinh đại học công an

ở các trường phía Nam

Tin Việt Nam –  Báo Tuổi trẻ ngày 28 tháng 2 loan tin, nhà cầm quyền CSVN đã đưa ra dự thảo dừng tuyển sinh đại học năm 2019, đối với hai trường đại học công an CSVN có cơ sở ở phía Nam là trường Đại học an ninh nhân dân, và trường đại học Cảnh sát nhân dân. Nếu dự thảo này được thông qua và thực hiện thì khối các trường công an chỉ còn ba trường tuyển sinh trình độ đại học ở phía Bắc là Học viện an ninh nhân dân, Học viện cảnh sát nhân dân, và trường đại học Phòng cháy chữa cháy.
Để vỗ về dư luận, một hành động mà nhà cầm quyền gọi là bù đắp cho việc không tuyển sinh ngành công an bậc đại học ở phía Nam, thì họ lần đầu tiên thực hiện mở rộng vùng tuyển sinh toàn quốc đối với nhóm ngành nghiệp vụ an ninh, nghiệp vụ cảnh sát của Học viện cảnh sát nhân dân, và Học viện an ninh nhân dân. Cả ba nhóm ngành này, từ trước đến nay chỉ giới hạn vùng tuyển sinh phía Bắc, tất cả các vùng khác đều không được tuyển sinh. Tuy nhiên, việc tuyển sinh này không giành cho tất cả những người có năng lực nhất trên toàn quốc, mà các chỉ tiêu đầu người sẽ được phân bổ phân biệt vùng miền như chỉ tiêu cho phía Bắc riêng, và phía Nam riêng.
Thông tin cho biết thêm, dự trù chỉ tiêu đại học khối các trường công an năm 2019 là khoảng 1,200 người.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/csvn-dung-tuyen-sinh-dai-hoc-cong-an-o-cac-truong-phia-nam/

Hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Hà Nội,

sao lại cấm đường ở Sài Gòn?

Tin Sài Gòn, Việt Nam –  Báo Trithucvn ngày 27 tháng 2 loan tin, mặc dù hội nghị thượng đỉnh Mỹ và Triều Tiên được tổ chức tại Hà Nội, nhưng nhà cầm quyền CSVN tại Sài Gòn đã ra lệnh cho cấp dưới cấm một số tuyến đường để phục vụ công tác “hỗ trợ hội nghị.”
Lệnh cấm được thực hiện trong hai ngày 27 và 28 tháng 2. Theo đó, một số tuyến đường đã bị nhà cầm quyền CS hạn chế hoặc cấm luôn việc lưu thông bằng các phương tiện giao thông. Một số tuyến đường bị cấm như Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du… đều thuộc quận 1 trung tâm.
Trên trang facebook cá nhân của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cho biết, sáng ngày 28 tháng 2, ông có một cuộc hẹn với khách hàng ở số 4 đường Lê Duẩn, quận 1 thế nhưng ông phải hủy hẹn vì mọi ngã đường vào khu vực này đã bị chặn, không được phép lưu thông.
Hành động này của nhà cầm quyền CSVN được Facebook Quãng Tăng cho rằng, nhà cầm quyền đang lo sợ lòng dân. Bởi, hội nghị thượng đỉnh chỉ diễn ra ở Hà Nội, cách Sài Gòn hơn 1600km, vì vậy việc cấm đường không cho người dân tham gia giao thông là một hành động ngăn chận những cuộc biểu tình có thể diễn ra, và nó cho thấy tâm lý bất an của nhà cầm quyền CSVN hiện nay.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hoi-nghi-thuong-dinh-to-chuc-o-ha-noi-sao-lai-cam-duong-o-sai-gon/

Hố nặng vì vẫn một tấc đến… Trời!

Thiên Hạ Luận
Kết quả cuộc hội đàm giữa ông Donald J. Trump (Tổng thống Mỹ) và ông Kim Young-un (Chủ tịch Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên) giống như một gáo nước lạnh tạt vào nhiều viên chức cũng như hệ thống truyền thông chính thức ở Việt Nam. Những nhận định, tuyên bố kiểu như: “Việt Nam – Trung tâm hòa giải xung đột quốc tế”, hay “Đã đến lúc Việt Nam định vị mình là cường quốc hạng trung” trở thành lố bịch, đáng thương nhưng chẳng ai cảm thấy tội nghiệp!
Trên mạng xã hội, việc xiển dương thái quá cả tâm thế lẫn tư thế của Việt Nam qua sự kiện chính phủ Bắc Hàn và chính phủ Mỹ chọn Việt Nam làm nơi gặp nhau để thương lượng giờ giống như cung cấp đạn và bia cho công chúng tự do tác xạ. Trương Thanh Lê bỡn cợt, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Bắc Hàn là hội nghị đầu tiên ở Việt Nam không… “thành công tốt đẹp”. Trương trách đảng và nhà nước… chủ quan, khai trương “trung tâm” to đùng mà quên… coi ngày (1)!
Phuc Dinh Kim thì nhìn thất bại của cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Bắc Hàn ở một khía cạnh khác: “Trung tâm hòa giải xung đột thế giới” đời đời căm thù… Cohen (nhân vật từng là luật sư riêng của ông Trump, trình diện Quốc hội như một nhân chứng, cung khai nhiều chi tiết không chỉ bất lợi cho sự nghiệp chính trị của ông Trump mà còn có thể gây nguy hại cho vị thế Tổng thống của ông, đó cũng là lý do nhiều người tin ông Trump rời Việt nam sớm hơn dự kiến) (2).
Cũng có những facebooker như Ngọc Vinh viết hẳn một lá thư gửi ông Trump và ông Young-un, trách cả hai “làm màu”. Lẽ ra chỉ cần trò chuyện qua điện thoại thì lại bày vẽ gặp nhau ở “Trung tâm hòa giải xung đột thế giới”. Thế là rình rang chuyên cơ, xe lửa bọc thép, đặc vụ, cận vệ chạy bộ, cảnh khuyển… khiến trẻ con Việt Nam phải dậy sớm, ra đường phơi mình trong gió lạnh để vẫy cờ, vẫy hoa. Sinh hoạt chẳng phải Hà Nội mà ngay cả Sài Gòn cũng rối loạn vì cấm đường. Ngân sách – cũng là phúc lợi của dân chúng bị cắt để tiếp đãi, kể cả nuôi ba, bốn ngàn “thằng” nhà báo quốc tế (3).
Theo hướng đó, Vũ Bùi thắc mắc, thực đơn năm món, hết sức sang trọng mà Việt Nam chuẩn bị để chiêu đãi thượng khách nhưng thượng khách không thèm ăn không rõ Thủ tướng và tùy tùng có xúm vào xơi không chứ đổ bỏ rõ ràng uổng quá (4). Tương tự, không ít facebooker như Thuy Le nhấn mạnh, Mỹ và Bắc Triều Tiên chỉ mượn chỗ để gặp nhau, Việt Nam chẳng có vai trò nào trong hội đàm, song bởi hoang tưởng về vị thế, vai trò (trung tâm hòa giải xung đột quốc tế), cả hệ thống truyền thông chính thức lẫn giới hữu trách cùng trở thành ấu trĩ, bắt cả trẻ con ra đường xếp hàng dưới mưa phùn, gió lạnh cắt da để nghênh đón một lãnh tụ độc tài như Kim Young-un, chẳng nghĩ gì tới sức khỏe của chúng là điều không thể chấp nhận được (5).
Ở vị trí một nhà báo, Nguyen Son nêu thắc mắc: Bao giờ báo chí Việt Nam bớt nhảm nhí, loan tin giả trong những sự kiện chính trị như cuộc hội đàm giữa ông Trump và Young-un? Bao giờ hệ thống truyền thông Việt Nam tường thuật, phân tích, bình luận “lõi” của sự kiện, ngưng khai thác những chuyện ngoài lề như xe nguyên thủ, trang bị đặc vụ,…thậm chí tào lao như nam phóng viên ngoại quốc đẹp thế nào, nữ phóng viên ngoại quốc xinh ra sao?
Nguyen Son còn dẫn một số tin, bài bịa đặt nhằm tâng bốc sai sự thật như câu chuyện về Harris Edbrahim (làm việc cho Reuters) để ba lô ngoài hàng rào 30 phút, khi quay lại vẫn còn nguyên. Son nhấn mạnh, nơi Harris để ba lô là khu vực hạn chế, cảnh sát và camera dày đặc, làm sao mất được (!), khai thác chi tiết ấy, “cho” Harris ca ngợi Việt Nam an ninh là… lạ lùng! Một bài viết ngắn, sai nhiều chi tiết, từ quốc tịch của Harris, đến chuyện đương sự ăn, nghĩ đã khiến Reuters phản ứng và cả cơ quan truyền thông lẫn phóng viên tường thuật phải xin lỗi đương sự, đính chính là điều phải ngẫm nghĩ (6).
***
Hồ hởi, náo nức vì Việt Nam trở thành địa điểm mà cả Mỹ lẫn Bắc Hàn đồng ý chọn làm địa điểm hội đàm lần thứ hai đã tan. Tiếp tục quá lời, quá phận, nên những chì chiết của công chúng như Dung Tran dẫu rộ lên khắp mạng xã hội, giới hữu trách và hệ thống truyền thông chính thức vẫn tìm không ra cửa để biện bạch: Thông báo! “Trung tâm hòa giải xung đột thế giới” đã sập tiệm. Nay tuyên bố giải tán! M… tưởng ngon ăn, nổ thấu Trời (7).
Đó cũng là lý do có những facebooker như Hung Dang thách thức: Việt Nam nên tiếp tục vai trò “Trung tâm hoà giải xung đột”, kiến tạo hoà bình bằng cách… mời hai “thằng” đang đánh nhau kịch liệt là Pakistan và Ấn Độ qua uống trà đàm đạo (8)! Có những facebooker như Loc Pham nhận định gọn bâng: Việt Nam vẫn đi mây về gió! “Trung tâm hoà giải xung đột quốc tế”? Hoà giải với dân còn chưa xong, làm sao hoà giải “xung đột quốc tế” (8)?
Điềm đạm hơn, Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, sự phấn khích khi Việt Nam được Mỹ và Bắc Hàn chọn làm nơi hội đàm lần hai là có thể hiểu được vì đã lâu Việt Nam mới được giữ một vai trên sân khấu chính trị quốc tế song không nên để cảm xúc dẫn đi xa quá, nhất là khi nhìn vào lý do mà Việt Nam được chọn: Với Bắc Hàn, Việt Nam có thể là một mô hình đáng tham khảo, dù cải tổ kinh tế và hội nhập quốc tế song đảng cộng sản vẫn cầm chịch. Với Mỹ và cộng đồng quốc tế, chuyện Bắc Hàn trở thành một Việt Nam thứ hai sẽ giúp thiên hạ bớt lo. Tuy nhiên không phải lúc nào được xem như “tấm gương” cũng đáng tự hào. Tại sai Việt Nam không phải là “tấm gương” cho những Malaysia, Indonesia, Thái Lan, thậm chí cho Philippines, Myanmar, Cambodia mà chỉ là “tấm gương” cho Bắc Hàn – một thảm họa cả về nhân quyền kinh tế, xã hội? Liệu có đáng tự hào? Chỉ nên tự hào khi kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ song hành với pháp trị được củng cố, dân chủ được thúc đẩy, nhân quyền được tôn trọng giống như đã từng xảy ra ở Nhật (Sự thần kỳ Nhật Bản), Nam Hàn (Kỳ tích sông Hán), Đài Loan (Kỳ tích Đài Loan) và trở thành tấm gương cho nhiều quốc gia trên thế giới (9).
Đó cũng là lý do khiến Jonathan London ngỏ lời, tâm tình với người Việt: Đừng để bị bịp vì những lời khen của những nhân vật như Trump, Young-un. Sự phát triển của Việt Nam có thể gây ấn tượng vì mức tăng trưởng GDP, mức sống,… nhưng theo sau đó còn có khủng hoàng môi trường, hối lộ – tham nhũng, những vụ cưỡng đoạt đất. So với một số quốc gia, Việt Nam đạt được một số thành công song còn nhiều mặt khác rõ ràng chưa được. Việt Nam đang tìm đường để đi. Tự quyết định đường để mình đi là tốt nhưng con đường đó phải thực sự là nguyện vọng của dân chúng. Muốn phát triển mạnh hơn, nâng danh tiếng và vị trí lên cao hơn, rõ ràng là cần nỗ lực đề giữ vai trò tích cực trên chính trường khu vực và thế giới song đừng ôm những lời khen của Trump, của Young-un, hãy ôm lấy những giá trị thật sự xứng đáng với một quốc gia văn minh: Chính trị đa nguyên, tôn trọng nhân quyền của mọi người, bảo đảm công bằng xã hội… Chỉ như thế mới giành được sự tôn trọng thật sự của nhân loại (10).
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/lethanhtruong/posts/2564706263544332
(2) https://www.facebook.com/phuc.dinhkim.7/posts/2324831661069803
(3) https://www.facebook.com/ngoc.vinh.315/posts/1983888388388858
(4) https://www.facebook.com/nguyen.song.902/posts/1501983549934224
(5) https://www.facebook.com/groups/nhabaocongdan/permalink/988257751563996/
(6) https://www.facebook.com/quangson.nguyen11/posts/10156170624516589
(7) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2213992265332214&id=100001643878327
(8) https://www.facebook.com/hung3rd/posts/10217797262419482
(9) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=2595316867149857&set=a.527066403974924&type=3&theater
(10) https://www.facebook.com/jonathan.london.VN/posts/1045423128998242
https://www.voatiengviet.com/a/trump-kim-mot-tac-toi-troi/4809420.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.