Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đọc báo Pháp – 01/03/2019

Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019 18:52 // ,


Đọc báo Pháp – 01/03/2019

Thượng đỉnh Hà Nội đổ vỡ: Giới quan sát

bác bỏ cách giải thích của TT Mỹ

Đổ vỡ bất ngờ của thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội ngày 28/02/2019 tiếp tục được báo chí hôm nay, 01/03, tìm cách lý giải. Việc quy thất bại cho đòi hỏi « dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận » của tổng thống Mỹ bị phê phán. Đa số các nhà phân tích dự đoán thượng đỉnh lẽ ra đã có thể đạt được một thỏa hiệp « tối thiểu ». Dân chúng Algeri sôi sục xuống đường chống việc tổng thống Bouteflika, hơn 80 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ thứ 5 là chủ đề lớn khác của báo Pháp.
Le Monde chạy tựa trang nhất « Donald Trump : Thất bại kép », với nhận định : Tổng thống Mỹ vừa phải hứng chịu sự đổ vỡ của thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, lại vừa bị cựu luật sư trong nước tố cáo là « phân biệt chủng tộc », « gian lận » và « lừa đảo ».
Báo kinh tế Les Echos khẳng định : « Trump và Kim : Đà đi tới đã bị bẻ gẫy », hai bên đổ lỗi cho nhau về trách nhiệm của thất bại. Để giải thích cho kết cục bất ngờ của một thượng đỉnh, mà chính ông Trump dự báo là « có tính quyết định » và « đầy hy vọng », Donald Trump nêu lý do Bắc Triều Tiên đã đòi hỏi « dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận ». Ngay sau đó, phía Bắc Triều Tiên đã bác bỏ lập luận của tổng thống Mỹ.
Ngay tối hôm qua, đa số các nhà phân tích đã tỏ ra không tin tưởng vào cách giải thích của ông Trump. Chuyên gia Stephen Nagy, Đại học International Christian University ở Tokyo, cho biết : Đòi hỏi xóa bỏ toàn bộ các trừng phạt rất khó là « chiến lược đàm phán » của Bắc Triều Tiên. Cho đến nay, ngược với Washington, chế độ Bình Nhưỡng chủ trương « tiến từng bước một », Bắc Triều Tiên hiểu rằng việc dỡ bỏ toàn bộ các trừng phạt về nguyên tắc là không thể thực hiện được trong khuôn khổ đàm phán song phương với Hoa Kỳ, vì đây là chuyện liên quan đến nhiều quốc gia.
Theo Le Figaro, trước thềm thượng đỉnh này, đã hé lộ khả năng Hoa Kỳ sẽ không đòi hỏi « phi hạt nhân hóa hoàn toàn và ngay lập tức » hệ thống vũ khí Bắc Triều Tiên. Và đổi lấy một số nhượng bộ khác của Bình Nhưỡng, như chấp nhận cho thanh tra quốc tế trở lại…, Washington có thể sẽ « tặng » cho Bình Nhưỡng một tuyên bố hòa bình « không chính thức » và giảm nhẹ một số trừng phạt, để giúp Hàn Quốc khởi sự một số hợp tác song phương với miền Bắc.
Đa số dự đoán Trump – Kim đạt « thỏa thuận tối thiểu »
Le Figaro trong bài « Kim – Trump trong ngõ cụt hạt nhân » cũng cho biết đa số các chuyên gia đã dự đoán một « thỏa thuận tối thiểu » sẽ được hai bên đưa ra, để duy trì được đà năng động ngoại giao hiện nay, căn cứ vào « mối quan hệ đặc biệt » Trump – Kim mà tổng thống Mỹ thường quảng bá. Thông báo hủy bỏ Thông cáo chung vào giờ chót đã gây bàng hoàng cho 2.500 phóng viên trên toàn thế giới có mặt tại chỗ.
Theo một số nguồn tin gần gũi với cuộc đàm phán, một lý do chính dẫn đến thất bại là Bình Nhưỡng đã đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ nhiều trừng phạt quan trọng, để đánh đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon. Trong khi đó, đối với Washington, đây chỉ là « phần nổi của tảng băng chìm » của toàn bộ hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Bắc Triều Tiên cũng bác đòi hỏi của Mỹ, cung cấp một danh sách đầy đủ « về các cơ sở quan trọng », được coi là điểm khởi đầu cho một lộ trình phi hạt nhân hóa, cũng như sự trở lại của thanh tra quốc tế.
Phong cách « tài tử » của tỉ phú bất động sản bị phê phán
Tại sao thượng đỉnh Trump – Kim lần thứ hai tại Hà Nội thất bại ? Rõ ràng là có nhiều cách lý giải khác nhau. Đặc biệt đáng đáng chú ý có bài phân tích : « Đối mặt với Kim Jong Un : Phong cách ngoại giao của ông Trump thất bại » của đặc phái viên Le Monde Gilles de Paris và nhà báo Philippe Pons, một chuyên gia kỳ cựu về Bắc Triều Tiên. Le Monde lưu ý là trước thềm thượng đỉnh này đã có một số « phương án » được chuẩn bị cho một thỏa thuận tối thiểu. Cụ thể là « một tuyên bố hòa bình » về nguyên tắc, mở đường cho một hiệp định hòa bình trong tương lai. Hai bên cũng có thể mở văn phòng liên lạc tại thủ đô của đối tác, trên thực tế sẽ hoạt động như các sứ quán. Bắc Triều Tiên cũng có thể tuyên bố chính thức ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, điều đã được thực thi từ đầu 2018 đến nay. Tuy nhiên, đã không có bất cứ phương án nào được « theo đuổi đến cùng ».
Hai nhà báo Le Monde nhấn mạnh là « thất bại đau đớn » trong các đàm phán với lãnh đạo Bắc Triều Tiên tại Hà Nội cho thấy « tài năng » thương lượng, mà tỉ phú bất động sản Donald Trump thường xuyên phô trương, rõ ràng là đã không mấy có ích trong các hoạt động chính trị, ngoại giao tầm quốc gia.
Với nhiều bê bối hiện nay trong nước (về nghi án Nga can thiệp bầu cử đang tiếp tục bị tư pháp phanh phui, về thất bại trong việc đòi Quốc Hội giải ngân cho bức tường biên giới với Mêhicô…), tổng thống Trump khó gây niềm tin cho Kim Jong Un là ông có thể sẽ tái đắc cử năm 2020. Kim Jong Un như vậy cũng khó lòng mạo hiểm để có được một thỏa thuận không lấy gì làm chắc chắn với một tổng thống có thể sẽ không còn ở đó vào năm 2021.
Le Monde kết luận là, nếu như thượng đỉnh Hà Nội gây nhiều hy vọng, thì đổ vỡ bất ngờ này khiến uy tín của tổng thống Mỹ tụt dốc thê thảm tại khu vực. Nguyên nhân của « thất bại cay đắng nhất »của tổng thống Mỹ về mặt ngoại giao, kể từ khi nhậm chức đến nay, chủ yếu là do ông Trump đã quá ưu tiên một phong cách ngoại giao dựa vào cá nhân tổng thống, nhưng lại không hề được chuẩn bị đúng mức.
Đau nhất là Hàn Quốc
Có lẽ bên cảm thấy thua thiệt nhất trong thất bại của thượng đỉnh Hà Nội là Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae In đã coi việc xích gần lại với Bắc Triều Tiên là « cốt lõi » trong chính sách của ông. Tuy nhiên, việc hâm nóng quan hệ với miền Bắc lại phụ thuộc chặt chẽ vào quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Cũng Le Monde có bài cho biết thất bại của thượng đỉnh Hà Nội khiến viễn cảnh dỡ bỏ trừng phạt với Bắc Triều Tiên lùi xa. Nhiều dự án hợp tác hai miền cùng việc phối hợp tổ chức Thế Vận 2032 bị cản trở, do phải được sự cho phép của Liên Hiệp Quốc. Tổng thống Moon Jae In ngay hôm nay sẽ phải đưa ra các đề xuất mới, cho phép thúc đẩy quan hệ với Bắc Triều Tiên, trong bối cảnh thượng đỉnh Trump – Kim bất thành.
Không « hoàn toàn đổ vỡ »
Một cuộc thượng đỉnh lần thứ ba giữa Mỹ-Bắc Triều Tiên là điều mà nhiều báo tỏ ra không tin tưởng. Tuy nhiên, La Croix có bài « Hà Nội : Một thất bại giữa ‘‘những người gọi nhau là bạn tốt’’ » tỏ ra lạc quan hơn. La Croix bày tỏ hy vọng là đối thoại vẫn sẽ tiếp tục, nguy cơ căng thẳng trở lại dường như được gạt qua một bên.
Thất bại này cần được coi là « một tai nạn » trong một tiến trình mong manh và rất phức tạp, chứ không phải là một đổ vỡ hoàn toàn. Cũng theo La Croix, ông Donald Trump có lẽ đã phải đưa ra quyết định không ra Tuyên bố chung do áp lực của nhiều cộng sự thân cận, không muốn tổng thống có các « nhân nhượng quá mức » và « bị Kim Jong Un ru ngủ ».

Chiến tranh thuế kìm hãm kinh tế Mỹ-Trung

Về kinh tế quốc tế, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang kìm hãm kinh tế hai nước là tựa chính của phụ trương Le Figaro. Kinh tế Mỹ trong quý 4/2018 giảm tốc, còn chỉ số mua hàng PMI của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 2/2019, lần đầu tiên kể từ 10 năm nay. Tăng trưởng của Trung Quốc cũng giảm ở mức thấp nhất từ 30 năm nay (6,6%). IMF dự đoán năm 2019, tăng trưởng Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại (6,2%) và Hoa Kỳ cũng tương tự (2,5%).
Không chỉ tác động đến hai nước, cuộc chiến thương mại hiện nay tác động đến toàn cầu. Theo CBP (World Trade Monitor), tổng lượng trao đổi hàng hóa trên thế giới trong hai tháng 11 và 12/2018 sụt giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.
Về triển vọng đàm phán Mỹ-Trung nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại, hôm thứ Tư, 27/02, trong lúc đàm phán Trump – Kim đang diễn ra tại Hà Nội, lãnh đạo đàm phán Mỹ Lighthizer thông báo là vẫn còn nhiều trở lực phải vượt qua mới đi đến được thỏa thuận, đặc biệt trong nạn « cưỡng bức chuyển giao công nghệ », mà Bắc Kinh bị Hoa Kỳ cáo buộc.
Tuy nhiên, về kinh tế Mỹ, Le Figaro cho biết cho dù bị chững lại trong quý 4, tính về toàn năm, kinh tế nước này tăng trưởng tổng cộng 2,9%, tức mức cao nhất kể từ 2015.

« Mùa xuân Algeri » ?

Biến động tại Algeri là tâm điểm chú ý của Le Figaro, với tựa trang nhất « Algeri : Cuộc phản kháng chống lại chính quyền gia tăng ». Hôm nay, Le Figaro dự kiến sẽ có hàng triệu người dân quốc gia Bắc Phi này xuống đường trên khắp cả nước, để chống lại tổng thống hơn 80 tuổi, cầm quyền từ 30 năm nay, ứng cử lần thứ 5.
Đây là ngày hành động thứ hai, tiếp theo cuộc xuống đường chưa từng có hôm 22/02, kể từ hai thập niên nay. Theo báo chí Algeri, « bức tường sợ hãi » đã sụp đổ. Tại Algeri, đông đảo dân chúng đặt hy vọng vào một « cuộc cách mạng trong hòa bình ».
Trong khi đó, La Croix chạy tựa lớn : « Algeri : Nổi dậy ». Nhật báo Công Giáo có bài « Tuần lễ quan trọng đối với chế độ ». Các nhà quan sát dự báo nhiều kịch bản có thể xảy ra : tổng thống mãn nhiệm Bouteflika sẽ tiếp tục ứng cử, nhưng có cũng thể rút lại quyết định này, cũng có thể ông sẽ hủy bỏ hoặc hoãn bầu cử.

Châu Âu trong « vùng không khí nhiễu động »

Thời sự châu Âu cũng là một chủ đề lớn khác của La Croix. Xã luận La Croix mang tựa đề « Vùng không khí nhiễu động », ghi nhận một số trục trặc giữa nhiều chính phủ châu Âu trong thời gian gần đây làm xấu đi hình ảnh của Liên Hiệp Châu Âu, đúng vào lúc chỉ còn ba tháng nữa là cử tri châu Âu sẽ bỏ phiếu bầu Nghị Viện mới. Theo nhật báo Công Giáo, đây là thời điểm hệ trọng mà chính quyền các nước cần chú ý nỗ lực để tăng cường các quan hệ tin cậy lẫn nhau, nhằm cổ vũ mạnh mẽ cho dự án xây dựng châu Âu, hiện đang phải đối mặt với sự công phá quyết liệt của các thế lực dân tộc chủ nghĩa.
Các trục trặc được La Croix chỉ đích danh là sự lưỡng lự của Đức, Ailen, Thụy Điển và Đan Mạch khiến Liên Âu không đạt được thỏa thuận về đánh thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia GAFA, việc một số lãnh đạo Ý ca ngợi phong trào Áo Vàng tại Pháp hay nhục mạ tổng thống Pháp, cũng như các bất đồng Pháp–Hà Lan trong vụ chính quyền Hà Lan đột ngột mua nhiều cổ phần trong tập đoàn hàng không Pháp–Hà Lan Air France – KLM nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Pháp, mà không theo các thể thức thông thường (Paris đã đề nghị Amsterdam giải thích lý do).

Đảng Xanh muốn « chôn vùi » cánh tả

Vẫn về châu Âu, La Croix bài phỏng vấn lãnh đạo đảng Xanh (EE-LV) của Pháp, ông Yannick Jadot, với tựa đề « Cần cứu châu Âu để cứu khí hậu ». Đảng Xanh Pháp quyết định ra tranh cử Nghị Viện Châu Âu với tư cách độc lập với đảng Xã Hội là chủ đề chính của Libération. Nhật báo thiên tả chạy tựa : « Liệu đảng Xanh có chôn vùi cánh tả ? ». Trong bối cảnh, hai đảng lớn dự kiến về đầu trong cuộc bầu cử tới là Nước Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống và đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia, và cánh tả đang tan tác, đảng Xanh từ chối mọi liên minh với các đảng phái cánh tả khác, để khẳng định như một lực lượng chính trị độc lập tiên phong.
Tuy nhiên, xã luận Libération lưu ý là đảng chính trị này đang phải đối mặt với một thách thức lớn. Đó là làm rõ đường lối : Chọn « tăng trưởng xanh » hay chọn « giảm phát triển ». Theo Libération, cuộc chiến quyết định giữa cánh tả và đảng Xanh sẽ xoay xung quanh vấn đề này.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Hoa Vi mời truyền thông nước ngoài tham quan cơ sở. 
Tập đoàn viễn thông Trung Quốc đã mua trọn một trang báo của nhiều nhật báo lớn nhất của Mỹ và in lời mời trong số ra ngày 28/02/2019. Đây là đòn phản công của tập đoàn Trung Quốc trước những cáo buộc của Washington là Hoa Vi làm gián điệp cho chính quyền Bắc Kinh. AFP cũng nhận được lời mời của Hoa Vi.
(AFP) –Một nhóm ly khai Bắc Triều Tiên tự lập chính phủ lâm thời. 
Trong thông cáo đăng trên mạng ngày 01/03/2019, nhóm Bảo vệ Công dân Cheollima (Cheollima Civil Defense, CCD) tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời miền Bắc, dưới tên gọi « Jeseon tự do ». Jeseon là tên gọi của triều đại trị vị Triều Tiên từ 1392 đến 1910, năm Nhật Bản sáp nhập bán đảo Triều Tiên. Nhóm ly khai trên cũng khẳng định đang bảo vệ con trai của Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
(AFP) – Singapore tăng cường vũ trang.
Hôm nay, 01/03/2019, ông Ng Eng Hen, bộ trưởng Quốc Phòng Singapore cho biết đảo quốc này dự tính mua bốn chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ để hiện đại hóa không quân. Singapore cho biết ban đầu họ sẽ mua một số lượng nhỏ để thử nghiệm, trước khi quyết định mua số lượng lớn. F-35 tàng hình là một trong những loại chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới hiện nay, có giá 90-115 triệu đô la. Singapore có tham vọng xây dựng quân đội hiện đại nhất châu Á.
(AFP) – Bangladesh không thể tiếp nhận thêm người Rohingya.
Hôm qua 28/02/2019, ngoại trưởng Bangladesh đã thông báo như trên với Hội Đồng Bảo An và đề nghị Liên Hiệp Quốc có những biện pháp cụ thể để hồi hương người tị nạn Rohingya về Miến Điện. Đại sứ Miến Điện tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bangladesh kiên nhẫn, vì chính phủ nước này đang cố gắng hết sức. Từ mùa hè 2017, khoảng 740.000 người Hồi Giáo Rohingya đã sang Bangladesh, trốn chạy sự truy đuổi của quân đội Miến Điện.
(AFP) – Nga khẳng định tình đoàn kết của Putin với tổng thống Venezuela Maduro. 
Trong cuộc gặp với phó tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez, ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov hôm nay 01/03/2019 hứa hỗ trợ Caracas giải quyết khó khăn kinh tế – xã hội, tiếp tục viện trợ nhân đạo « hợp pháp, chính đáng » cho Venezuela, nhất là dược phẩm.
(AFP) – Washington treo thưởng 1 triệu đô la để truy bắt con trai Ben Laden.
Bộ Ngoại Giao Mỹ hôm qua, 28/02/2019, thông báo thưởng 1 triệu đô la cho những ai cung cấp thông tín giúp tìm ra Hamza Ben Laden, con trai của Ben Laden và cũng là một lãnh đạo chủ chốt của Al-Qaida. Được coi là đứa con trai cưng nhất, thậm chí có thể kế tục sự nghiệp của ông trùm khủng bố Oussama Ben Laden, Hamza từ lâu nay bị Hoa Kỳ xếp trong danh sách đen như một « lãnh đạo mới nổi lên » của Al Qaida.
(AFP) – Tunisia thu được 19 lá thư tẩm độc gửi đến chính khách. 
Trong thông báo ngày 01/03/2019, bộ Nội Vụ Tunisia lên án âm mưu của một « tổ chức khủng bố » nhắm vào « nhiều chính trị gia, giới nghiệp đoàn và nhà báo ». Một cuộc điều tra đang được tiến hành để truy tìm thủ phạm. Giới chính trị gia, nhà báo được khuyến cáo cẩn thận và báo ngay cho lực lượng an ninh nếu nhận được những bức thư khả nghi.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.