Doanh nghiệp tiên phong
Năm 2018, Tập đoàn Sao Mai ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục 1.150 tỷ đồng, chính thức gia nhập “Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ” vốn không có nhiều doanh nghiệp làm được. Trong tổng mức lợi nhuận cao đến 7 lần so năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI, thành viên Tập đoàn Sao Mai, chuyên về lĩnh vực thủy sản) đóng góp đến gần 1.000 tỷ đồng. Sắp tới, Sao Mai sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản số 3 (công suất 200 tấn/ngày) nhằm nâng cao năng lực hoạt động của IDI.
Thật ra, thành công của IDI không chỉ đơn giản nhờ giá xuất khẩu cá tra tăng mạnh năm 2018 mà đó là kết quả của chiến lược dài hơi được Sao Mai Group xây dựng từ hơn 10 năm trước. Công ty đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với nhiều hộ nuôi có kinh nghiệm ở An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ. Đồng thời, đầu tư mạnh vào Nhà máy thức ăn thủy sản Sao Mai (Sao Mai Super Feed), tận dụng từ chính xương và phần vụn của cá tra để chế biến thức ăn cho cá, cung ứng thức ăn cho các hộ nuôi rồi thu mua lại cá nguyên liệu. Đối với mỡ cá, Sao Mai đã đầu tư công nghệ tiên tiến nước ngoài để sản xuất thành công sản phẩm dầu ăn cao cấp Ranee (chiết xuất 100% từ mỡ cá tra). Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành cho biết, hưởng ứng Đề án sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao ĐBSCL do tỉnh An Giang chủ trì, doanh nghiệp đang đầu tư khu nghiên cứu, sản xuất cá tra giống ở huyện Thoại Sơn, tiến tới hình thành chuỗi liên kết khép kín hoàn toàn từ khâu cung ứng con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật đến thu mua, chế biến, xuất khẩu.
Làm việc với Tập đoàn Sao Mai dịp đầu xuân mới 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao việc Sao Mai xây dựng chuỗi liên kết cá tra, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng từ loài thủy sản đặc hữu vùng ĐBSCL. “Từ những thành công thời gian qua, tôi “đặt hàng” Tập đoàn Sao Mai xây dựng Viện Nghiên cứu cá tra, xây dựng tập đoàn trở thành một trong những hạt nhân, trụ cột trong hình thành chuỗi giá trị cá tra ở Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Đầu tư tương xứng vào công nghệ mới
Năm 2018, Công ty Cổ phần Nam Việt ghi nhận thắng lợi vượt bậc khi doanh số xuất khẩu đạt 150 triệu USD, lợi nhuận sau thuế khoảng 600 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2020 - 2021, khi Dự án nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú (Châu Phú) với quy mô 600ha đi vào hoạt động, doanh số xuất khẩu của công ty có thể đạt từ 250 - 300 triệu USD/năm.
Bên cạnh xây dựng vùng nguyên liệu, Công ty Cổ phần Nam Việt còn đầu tư mạnh vào khâu sản xuất con giống chất lượng cao. “Phải khẳng định rằng, con giống cá tra là khâu then chốt quyết định đến hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm cá tra nguyên liệu. Công ty còn dành 150ha của dự án Bình Phú đầu tư khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao. Đây là nguồn cung ứng cá giống chủ lực, đáp ứng nhu cầu thiếu con giống chất lượng cao hiện nay” - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới nhấn mạnh.
Nhân dịp Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thăm An Giang và chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019, Công ty Cổ phần Nam Việt đã đưa bộ trưởng cùng Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đến ao nuôi cá tra đang thử nghiệm 2 công nghệ mới của Nhật Bản (công nghệ sục khí nano và nano bioreactor). Tuy mới triển khai thời gian ngắn nhưng cho thấy hiệu quả khá tốt. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nếu áp dụng thành công, 2 công nghệ này sẽ góp phần quan trọng bảo vệ môi trường (do không phải xả thải nước, nạo hút bùn đáy ao thường xuyên), mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi cá. “Công ty cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào các khâu, từ sản xuất con giống, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng đến xử lý phế thải, bảo vệ môi trường. Tôi tin với hướng đi đúng, Công ty Cổ phần Nam Việt cùng nhiều doanh nghiệp tâm huyết khác sẽ góp phần đưa ngành hàng cá tra Việt Nam phát triển lên tầm cao mới” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng.
NGÔ CHUẨN
0 nhận xét