Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của báo chí!
15-3-2019
Một anh chồng đốn mạt làm đơn tố cáo vợ là một cô giáo “quan hệ bất chính” với một nam sinh 16 tuổi. (Tôi nói đốn mạt, vì dù người vợ có sai thì người đàn ông tử tế cũng không mang vợ mình ra làm nhục trước công luận). Chưa ai điều tra xác minh cái đơn đó cùng clip anh ta cung cấp thật giả thế nào, nhưng lập tức báo chí vào cuộc.
Một loạt báo to, báo nhỏ, báo trung ương, báo địa phương, báo ngành, báo hội, báo giấy báo điện tử hùa vào dấy máu ăn phần. Do báo chí “vào cuộc”, nên một loạt các quan chức từ huyện, tỉnh đến trung ương phải lên tiếng. Sự lên tiếng cũng chỉ nước đôi yêu cầu xác minh, rằng nếu đúng như vậy thì sẽ thế này thế khác. Hậu quả là cô giáo bị đình chỉ công tác “để xác minh”, còn em học sinh thì xấu hổ không đi học.
Nhiều báo ra vẻ khách quan bằng cách đăng tố cáo trước, sau đó gặp những người trong cuộc, anh này nói A, cô kia nói B, ông nọ nói C, bà khác nói D… tương hết lên báo để ai hiểu gì thì hiểu. Chẳng ai quan tâm đến thân phận của hai con người là cô giáo và em học trò. Đừng tưởng hôm trước nói xuôi hôm sau nói ngược là khách quan.
Đó là một trong những “sự kiện báo chí” lạ lùng của thế giới, nhưng không lạ mấy ở nước ta. Trên thế giới có những tờ báo chuyên “ngồi lê đôi mách” chuyện đời tư của người khác, thường gọi là báo lá cải, những tờ báo đó cũng có nhiều người đọc, nhưng người ta chỉ đọc chúng để thỏa những cơn tò mò chứ không ai đọc chúng để biết cái gì là trúng cái gì là trật.
Còn ở nước ta, mọi tờ báo được cấp giấy phép đều là báo chí cách mạng, mỗi khi lên cơn, đều đồng loạt biến thành báo lá cải. Tôi thành thật bày tỏ lòng kính trọng đối với những tờ báo không tham gia “sự kiện báo chí” này. Xu hướng trên mạng xã hội xung quanh vụ trên có vẻ khách quan đàng hoàng hơn là báo chí chính thống.
Qua vụ trên, một lần nữa cho thấy ai cũng có thể trở thành nạn nhân của báo chí. Muốn hại người khác, chỉ cần nhử được báo chí vào cuộc ắt sẽ thành công. Các nước văn minh không như thế. Ở các nước văn minh báo chí thông tin sai sự thật làm tổn hại đời tư của người khác sẽ bị kiện sạt nghiệp.
Còn ở nước ta, báo chí vừa bị giới hạn trong những vấn đề mang tính chính trị và không dám động đến những nhân vật có quyền thế, nhưng lại quá tự do trong việc chà đạp lên thân phận con người. Hệ thống tòa án nước ta không đủ minh bạch để bảo vệ đời tư công dân, nên thường thì “được vạ má đã sưng”. Báo chí chỉ sợ Ban Tuyên giáo Trung ương, không sợ tòa án.
Xin dẫn một bài trong vô số các bài viết về vụ cô giáo. Qua bài này, có thể thấy việc điều tra xác minh là vô cùng đơn giản. Nếu như ngay từ đầu, các báo hoặc các “cơ quan chức năng” chỉ cần xác minh những lời người trong cuộc nói đúng hay là sai trươc khi đăng báo thì đã không có cái “sự kiện báo chí” kỳ quặc kia.
https://baotiengdan.com/2019/03/15/ai-cung-co-the-tro-thanh-nan-nhan-cua-bao-chi/
0 nhận xét