Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 28/02/2019

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2019 19:24 // ,

Tin Việt Nam – 28/02/2019

Tù nhân Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực

Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực đến ngày thứ 7 trong trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chị gái của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, cho biết tin này sau chuyến thăm đến trại giam An Điềm hôm 26 tháng 2 vừa qua.
Vào ngày 28 tháng 2, bà phát biểu với Đài Á Châu Tự Do về tình hình anh Nguyễn Văn Hóa:
“Lúc đó vào thăm gặp thì Hóa cũng nói luôn những vấn đề liên quan, Hóa nói ra chuyện tuyệt thực luôn. Cụ thể chị gái về nhà viết thư cầu cứu gửi đại sứ quán và các nơi để hy vọng mọi người quan tâm và giúp đỡ Hóa trong thời gian này.
 Những vấn đề Hóa tuyệt thực đã ghi rõ trong thư cầu cứu.
Hóa vẫn nói em sẽ tuyệt thực cho đến khi trại giam giải quyết mọi vấn đề cho Hóa, lúc đó Hóa mới ngừng. Nếu trại giam không giải quyết thì Hóa vẫn tuyệt thực.”
Cũng theo lời bà Nguyễn Thị Huệ, tù nhân Nguyễn Văn Hóa hối thúc gia đình đi thăm mình sớm vào tháng 3 và đi cùng một linh mục để làm bí tích xức dầu.
Đây là một bí tích của Công giáo để ban ơn nâng đỡ sức mạnh tinh thần và thể xác cho những người đang yếu liệt nặng vì lý do bệnh tật, thương tích hay tuổi già vì vậy gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của anh Hóa.
Theo thư cầu cứu của tù nhân Nguyễn Văn Hóa mà bà Huệ nhắc đến, có nêu ra lý do mà anh Hóa tuyệt thực đó là, “phía trại giam An Điềm không cho Hoá gửi đơn tố cáo. Họ chỉ từ chối miệng và không có văn bản xác nhận.
Trung tá Lê Văn Hiếu có thái độ quát tháo lớn tiếng để đội trại giam An Điềm áp dụng luật pháp tùy tiện và độc đoán lên Hóa, trong khi đó Đại uý Nguyễn Văn Tiến tự ý xông vào buồng giam quay phim khi chưa có quyết định của ban giám thị trại giam.”
Đài Á Châu Tự Do gọi cho các số điện thoại của trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam có tiếng chuông reo nhưng không có người bắt máy.
Nguyễn Văn Hóa, sinh ngày 15 tháng 4 năm 1995 và cư ngụ tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Anh bị bắt vào ngày 11/1/2017, tuy nhiên phải tới ngày 23/1 sau khi gia đình làm đơn báo mất tích gửi đi các cơ quan tỉnh thì mới nhận được thông báo tạm giữ của phía chính quyền với lý do bắt giữ là cáo buộc “ăn cắp xe máy và buôn bán ma túy”.
Anh Hóa cũng cáo buộc, mình bị bắt cóc khi đang quay phim ngoài Tòa án nhân dân Hà Tĩnh và bị giam giữ suốt 9 ngày ở thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Thời gian này, Hóa nói bản thân bị 8 sĩ quan công an đánh đập, tra tấn rất dã man, thậm chí còn bị treo tay lên cửa số và tạt nước vào mặt.
Trong phiên xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng, hai nhân chứng là Nguyễn Văn Hóa cùng với Nguyễn Viết Dũng phản cung tại tòa và sau đó anh Hoá cũng nói mình bị 3 cán bộ tra tấn.
Hồi đầu năm nay, tổ chức Freedom Now đề cử anh Nguyễn Văn Hóa, cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 của UNESCO có tên Guillermo Cano World Press Freedom Prize.
Thông cáo báo chí của Freedom Now hôm 18/1 trích lời Giám đốc điều hành Freedom Now, Maran Turner, nhận định việc chính phủ Việt Nam truy tố anh Nguyễn Văn Hóa là đi ngược lại các giá trị của UNESCO.
Freedom Now cho rằng nhà báo Nguyễn Văn Hóa xứng đáng được khen ngợi vì đã đưa tin về những mối đe dọa của ô nhiễm môi trường và sự thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi những mối nguy này.

27 năm tù cho băng nhóm đưa di dân Việt Nam

vào Anh bất hợp Pháp

Tin Walmer, Deal, Anh quốc.- Theo kentonline.co.uk, một băng đảng âm mưu đưa di dân nhập cảnh Anh quốc bất hợp pháp bằng thuyền bơm hơi vượt English Channel bị kết án tổng cộng 27 năm và 7 tháng tù giam tại phiên toà diễn ra tại St Albans thứ Tư 27 tháng 2, trong đó có 2 thành viên người Việt Nam.
Bị cáo Thomas Mason bị buộc tội đã lái chiếc thuyền bơm hơi đưa 4 người đàn ông Việt Nam vào Walmer, Deal. Chuyến hải trình nguy hiểm vì vượt biển vào lúc nửa đêm, không lắp đặt thiết bị an toàn, không đèn báo, đèn hiệu, cũng không có máy thu – phát tín hiệu. Mason có áo phao nhưng những người khách đi cùng thì không.
Mason 36 tuổi, ngụ tại Eyeworth cùng với Hoa Thi Nguyen, 49 tuổi, cư dân Walthamstow, East London; Chi Tan Huynh, 41 tuổi, cư dân Hoxton, London bị đưa ra toà về tội đưa người ngoại quốc nhập cảnh nước Anh bất hợp pháp. Mason và Nguyen bị kết án 8 năm tù, và Huynh 2 năm 6 tháng tù giam.
Theo công tố viên Wayne Cleaver thì bà Hoa Thi Nguyen là người Việt Nam đã liên lạc với các thành viên ở ngoại quốc để tổ chức các chuyến đi. Cảnh sát lục soát nhà bà Hoa Thi Nguyen tìm thấy một di dân tên Tuan Nguyen cư trú bất hợp pháp tại Anh. Ông này khai đã đến Anh cuối tháng 5 năm 2018.
Công tố viên Cleaver cho rằng băng đảng buôn người nói trên là một tổ chức qui mô với chứng cứ cho thấy trong thời gian trên, bà Hoa đã đến Tây Ban Nha, Hy Lạp, Paris, Warsaw và Amsterdam để móc nối, liên lạc để sắp xếp các chuyến đi. Bà Hoa trước đó từng phạm tội điều hành hai cơ sở sản xuất cần sa tại nhà riêng.
Song Châu

Bộ tài nguyên và môi trường CSVN cho phép

 đổ 15 triệu tấn chất thải xuống biển

Tin Việt Nam –  Báo Tuổi Trẻ ngày 26 tháng 2 loan tin, thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường CSVN đã ký quyết định đồng ý cho Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đổ 15 triệu mét khối rác thải được nạo vét ở khu vực cảng, luồng tàu thuộc dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.
Cũng như những lần đồng ý cho các công ty đổ rác thải xuống biển, Bộ tài nguyên và môi trường CSVN cho rằng những thứ rác thải này là 86.4% là cát, 13.6% là bùn sét. Vị trí được đổ xuống biển là cách cảng Hòa Phát gần 7km về hướng Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 28km, nằm trên vùng biển Dung Quất, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Khu vực được đổ chất thải có tổng diện tích được đổ là 180 ha, có độ sâu sử dụng từ 51 đến 55m. Phương thức đổ chất thải là loại tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7,000 đến 35,000 mét khối, mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến trong một ngày, và được đổ xuống biển theo cách xả đáy.
Trước đó, dư luận Việt Nam cũng đã nhiều lần lên tiếng phản đối về việc Bộ tài nguyên và môi trường CSVN nhiều lần cho các công ty đổ rác thải xuống biển với tên gọi nhận chìm chất nạo vét.
An Nhiên

Phản đối dự án lấp biển ở Lý Sơn

Trung Khang, RFA
Một công ty đang đề xuất với tỉnh Quảng Ngãi xin lấp đến 51 ha biển ở đảo Lý Sơn để làm dự án du lịch và nhà ở. Điều này gây quan ngại ảnh hưởng môi trường biển và vấn nạn quan trọng hơn là hủy diệt văn hóa đảo của địa phương. Ý kiến người dân và các nhà khoa học như thế nào?
Vào trung tuần tháng 12 năm 2018, Công ty cổ phần phát triển Lý Sơn, là công ty con của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hợp Nghĩa, xin đầu tư dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes. Ngay sau đó, dự án này được ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký “thẩm định, trình phê duyệt dự án”.
Khi trả lời báo chí, công ty này cho biết dự án được quy hoạch thương mại dịch vụ và nhà ở này gồm 4 phân khu gồm một khu đô thị biển và ba khu cộng đồng dân cư… với tổng mức đầu tư là 1.713 tỷ đồng, thời gian thực hiện  từ năm 2019 đến năm 2022.
Trong tổng diện tích 54,65ha của dự án này thì có đến 51 ha nằm trên thềm lục địa, vũng nước cạn ở phía nam đảo Lý Sơn, kéo dài 2,5km, phần diện tích còn lại cũng rất sát mép biển.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Thạc Sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho biết vấn đề chung này thì hiện nay không chỉ riêng Lý Sơn mà rất nhiều khu vực khác cũng rất quan ngại:
Thế giới bây giờ phải hiểu là phát triển thì phải phát triển bền vững, để có thể duy trì cho nhiều đời sau để có thể phát triển được tiếp.
-Thạc Sĩ Hoàng Việt
“Người ta chọn phát triển cho cuộc sống người dân, hay là chọn gìn giữ môi trường biển, văn hóa biển thì vẫn duy trì cuộc sống người dân như trước, dẫn đến cuộc sống người dân khốn khó? Thế thì phát triển kinh tế thì luôn luôn cần thiết, bất cứ nơi nào trên thế giới cũng muốn. Nhưng mà thế giới bây giờ phải hiểu là phát triển thì phải phát triển bền vững, để có thể duy trì cho nhiều đời sau để có thể phát triển được tiếp. Chứ nếu chỉ phát triển một vài đời, rồi đến con cháu không còn gì để phát triển thì đấy là vấn đề cần suy nghĩ và cân nhắc.”
Một người dân ở Lý Sơn khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do cho biết:
“Dự án mà tôi được biết là bên mặt phía nam của đảo, tức là khu có view biển và san hô cực kỳ đẹp, trong những năm gần đây, đảo Lý Sơn phát triển, theo dự án thì họ sẽ lấp hơn 53 ha, họ bảo rằng để lập ra khu dân cư, khu đô thị. Nhưng rõ ràng họ lấp để họ giao cho một doanh nghiệp.”
Với quy mô và vị trí của dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ The Sea Eyes, người dân lo sợ dự án sẽ bồi lấp, tàn phá một diện tích khá lớn mà ở đó là rạn san hô, rong, cỏ biển nằm trong Khu vực phục hồi và tiếp giáp Khu vực bảo vệ nghiệm ngặt của Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
Cư dân Lý Sơn nói tiếp:
“Tôi là dân Lý Sơn, khi mà biết tỉnh Quảng Ngãi giao cho một công ty dự án lấp biển, thì tôi cũng như toàn thể dân Lý Sơn kịch liệt phản đối. Bởi vì nó xâm phạm thứ nhất là liên quan đến văn hóa đảo của Cha Ông chúng ta hàng trăm năm đã xây dựng, thứ hai là nó sẽ xâm hại sinh thái biển của người dân Lý Sơn. Người dân Lý Sơn sẽ không được hưởng lợi gì nếu như dự án đó được hình thành.”
Ông cho rằng, nếu thực hiện dự án đó thì sẽ hủy diệt văn hóa đảo, chặn không cho người dân đi biển, ảnh hưởng hệ sinh thái biển… chưa kể người dân rất bức xúc, chuyện chính quyền muốn biến đất công thành đất tư cho doanh nghiệp.
Theo Thạc Sĩ Hoàng Việt, gần đây Việt Nam đã tuyên bố chiến lược biển cho đến năm 2020 và sẽ xây dựng chiến lược biển tiếp nối. Trong chiến lược biển thì Việt Nam cũng đặt ra nhiều mục tiêu cũng như yêu cầu phát triển kinh tế biển. Thế nhưng theo ông, nếu lấp biển, lấn biển thì rạng san hô tuyệt đẹp ở Lý Sơn sẽ chết, chắn chắn sẽ chết và không bao giờ tái tạo lại được. Như vậy nếu xây dựng dự án lấn biển mà tiêu diệt rạng san hô thì có đáng đánh đổi hay không? Chưa kể Việt Nam cũng có nhiều vấn đề cần bảo tồn như không gian biển, văn hóa biển cũng như tài nguyên biển.
Trước đó, nhiều nhà bảo tồn biển, chuyên gia về địa chất cũng bày tỏ quan ngại nếu dự án được triển khai sẽ ảnh hưởng đến địa chất của đảo Lý Sơn. Ngoài ra, dự án sẽ làm mất rất lớn diện tích san hô, rong, cỏ biển… vốn đang được bảo tồn nhằm cân bằng lại hệ sinh thái biển đảo.
Thạc Sĩ Hoàng Việt nhận định:
“Chúng ta sẽ thấy đó là một nghịch lý, khi toàn bộ tài nguyên đất nước, toàn bộ tài nguyên đẹp nhất của địa phương, sẽ chỉ cho một số ít người có thể hưởng thụ được nó, chưa kể việc hưởng thụ đó tàn phá môi trường biển rất là nhiều, tôi nghĩ đó là vấn đề Việt Nam cần xem xét. Câu chuyện này không chỉ ở Lý Sơn mà trước đây đã xảy ra ở Nha Trang, tôi nhớ chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa còn nói rằng, những đảo đó thuộc tỉnh Khánh Hòa nên tỉnh có quyền làm những gì mình muốn. Thế nhưng sau đó Bộ VHTT và Du lịch phải trả lời là, đấy không phải là tài sản của Khánh Hòa mà là của cả nước, giao cho Khánh Hòa quản lý, chứ không phải Khánh Hòa muốn làm gì thì làm mà còn liên quan rất nhiều đến luật pháp Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường biển.”
Tôi nghĩ phải bảo tồn Lý Sơn và làm cho nó càng ngày càng đẹp hơn, sao lại lấn biển như thế nhỉ?
-Lê Kế Lâm
Vì vậy ông cho rằng, thứ nhất phải xem xét Lý Sơn làm vậy có đúng luật hay không? Và nếu đúng luật thì có nên chăng đánh đổi hy sinh tài nguyên biển để chỉ cho một số người hưởng lợi?
Khi trao đổi với chúng tôi hôm 26 tháng 2 năm 2019, ông Lê Kế Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, đưa ra ý kiến của mình:
“Cái đó là ý tưởng của ai thì tôi nghĩ phải suy nghĩ thật kỹ, lấn biển thì thiếu gì chỗ để lấn. Riêng đảo Lý Sơn thì có rất nhiều di tích lịch sử, biết bao nhiêu sự kiện của dân tộc, của đất nước, nhất là đối với Hoàng Sa. Ở Lý Sơn hàng năm đều có những đội ra quản lý Hoàng Sa. Tôi nghĩ phải bảo tồn Lý Sơn và làm cho nó càng ngày càng đẹp hơn, sao lại lấn biển như thế nhỉ?”
Ông bày tỏ không đồng tình việc lấn biển làm du lịch, ông cho rằng phát triển kinh tế là phải đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo vệ truyền thống lịch sử của dân tộc, của đất nước. Phải bảo vệ những cái gì cha ông đã đổ xương máu ra để xây dựng.
Đảo Lý Sơn còn được gọi là cù lao Ré, theo cách lý giải của dân gian là ‘cù lao có nhiều cây Ré’, là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm về phía đông bắc tỉnh, cách đất liền 15 hải lý, với diện tích khoảng 9,97 km² và dân số hơn 20 ngàn người.
Người dân sinh ra và lớn lên trên đảo Lý Sơn tin vào hồn cốt thiêng liêng của đảo này, phần nhiều nằm ngay bến Đình, từ đình làng An Vĩnh hướng tầm mắt ra biển. Cũng tại Bến Đình, hình ảnh hải đội Hoàng Sa được tái hiện qua lễ khao lề thế lính tổ chức hằng năm. Và theo người dân Lý Sơn, nếu lớp lớp biệt thự, khách sạn cao tầng mọc lên án ngữ Bến Đình thì còn đâu di tích, còn đâu văn hóa.

Chủ tịch Kim Jong-Un thăm chính thức Việt Nam

 trong hai ngày đầu tháng 3

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-Un thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 1 và 2 tháng 3, ngay sau cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Truyền thông trong nước, vào ngày 27 tháng 2 cho biết thông tin vừa nêu, dẫn nguồn từ Hãng thông tấn KCNA của Bắc Hàn loan đi trong cùng ngày.
Bộ Ngoại Giao Việt Nam trước đó cho biết Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời mời đến Lãnh đạo Bắc Hàn thăm chính thức Việt Nam nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ở Hà Nôi.
Chủ tịch Kim Jong-Un cùng đoàn tùy tùng đã đến Hà Nội vào sáng ngày 26 tháng 2 và đã đến thăm Đại sứ quán Triều Tiên trong buổi chiều cùng ngày.
Theo đúng lịch, Chủ tịch Kim và Tổng thống Trump vào lúc khoảng 6:30 tối ngày 27 tháng 2 đã đến khách sạn Metropole, bắt tay nhau và cùng ăn tối khởi đầu cho cuộc thượng đỉnh giữa hai phía lần thứ hai.  Thượng đỉnh giữa hai ông sẽ tiếp diễn ở khách sạn Metropole trong ngày 28 tháng 2.
Tại bữa ăn tối, tháp tùng tổng thống Donald Trump có Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Về phía Triều Tiên tháp tùng chủ tịch Kim Jong-Un có ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Đảng Lao động Triều Tiên (cựu lãnh đạo cơ quan tình báo Bắc Hàn) và Bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong Ho.
Trước cuộc gặp, trên mạng Twitter của mình, tổng thống Trump cho rằng Bắc Hàn sẽ có một tương lai ‘tuyệt vời’ nếu ‘người bạn’ Kim của ông chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump nêu ví dụ của Việt Nam, nước đã chuyển sang nền kinh tế tư bản và từ một kẻ thù trong chiến tranh đã trở thành bạn của Mỹ.
Tổng thống Trump viết: “Ít có nước nào trên thế giới phát triển được như Việt Nam, Bắc Hàn sẽ làm được như thế nếu quyết định phi hạt nhân hóa.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, truyền thông trong nước loan tải những hình ảnh của đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Triều Tiên tham quan Vịnh Hạ Long vào sáng ngày 27 tháng 2.
Tin cho biết trong lịch trình tham quan, 12 vị đại điểu của phái đoàn Triều Tiên còn đến thăm nhà máy lắp ráp ô tô Vinfast ở Hải Phòng và tham quan tỉnh Hải Dương trước khi trở lại Hà Nội.
Chủ tịch Kim Jong-Un cùng phái đoàn Triều Tiên được cho biết lưu trú tại khách sạn Melia, ở Hà Nội trong chuyến đến Việt Nam lần này.

Thượng đỉnh Trump-Kim và ‘điệp viên’ đường phố ở Hà Nội

Hà Nội không chỉ đón chào gần 3000 phóng viên quốc tế mà còn chứng kiến sự xuất hiện của một đội ngũ người săn tin mới, các bác xe ôm.
“Người ta thuê mình đi theo ông đeo kính,” anh Tuấn, một trong những người như thế, nói với BBC Tiếng Việt.
“Dịp này, nhà báo cần một người bản địa biết đường đi để xem người ta đi tới đâu thì thông báo về.”
Công việc của họ không khác hoạt động của các thám tử là bao: cần theo dõi, bám sát đối tượng, và thông báo cho khách hàng biết các thông tin.
“Ví dụ tầm 10 giờ ông ấy đi, tôi sẽ nhắn tin về là ông ấy đi rồi. Còn ví dụ như ông ấy đi tới bên này hay bên kia thì khi đến tôi tôi lại nhắn: ‘Ông ấy đến Hotel du Parc rồi,” anh Tuấn cho biết thêm.
Cũng có lúc họ cần tới sự trợ giúp của “đồng đội”, bởi giao thông đi lại ở Hà Nội không hẳn lúc nào cũng dễ dàng.
“Chúng tôi có một đội hơn chục xe máy chạy theo. Mọi người không quen nhau từ trước, khi gặp thì chúng tôi lập một nhóm Zalo,” anh Tuấn nói.
“Ví dụ tôi không theo kịp thì nhắn tin cho nhau là sẽ biết được địa điểm.”

Tập đoàn Mý sẽ sản xuất linh kiện máy bay ở Đà Nẵng

Tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation) chi nhánh châu Á của Mỹ sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất linh kiện máy bay trị giá 170 triệu đô la Mỹ tại Đà Nẵng.
Nhà máy này sẽ sản xuất 4000 trong số khoảng 5 triệu chi tiết của máy bay hiện đại các loại.
Thông tin này được Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng công bố trong ngày 27 tháng 2.
Theo dự án này, khi hoàn tất, nhà máy của UAC sẽ tuyển dụng đến 1200 lao động có tay nghề cao, và có thể sinh ra thêm 2000 công việc khác sản xuất những sản phẩm hỗ trợ.
Dự kiến là nhà máy UAC Đà Nẵng sẽ xuất khẩu trị giá 25 triệu đô la Mỹ vào năm 2021 sang thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ. UAC được biết là nhà cung cấp hàng đầu cho các hãng máy bay lớn là Boeing và Airbus.
Tại Việt Nam hiện đã có hai nhà máy sản xuất phụ tùng máy bay cung cấp chủ yếu cho hãng Airbus tại khu công nghiệp Biên Hòa.

Bỏ củi nhà vào lò Cụ Tổng có đau lòng?

Blogger Gió Bấc
Cái lò đưa vào Thành Phố Hồ Chí Minh mới vừa nguội lửa sau mấy ngày tết đã bất ngờ quay về trung ương cháy bùng hai thanh củi to làm dư luận dậy sóng. Ngược với tâm lý phò suy, thương hại người ngả ngựa như đã từng xảy ra với Đinh La Thăng hay Nguyễn Thành Tài, lần này hầu hết người dân đồng tình và còn hơn thế nữa hả hê với hai thanh củi này và vỡ ra thêm nhiều điều thú vị về nhân cách, bản lĩnh của hai ông nguyên bộ trưởng.
Bộ trưởng trả thù nhà!
Đồng tình hả hê không chỉ vì hai con sâu tham nhũng to ăn tiền ngàn tỉ bị tóm mà chủ yếu là hai cái mặt nạ giả trá nhất đã bị lột trần, hai bàn tay thô bạo tàn nhẫn đã bóp nghẹt quyền thông tin, phạt vô tội vạ các cơ quan báo chí truyền thông hai nhiệm kỳ qua, nhất là triều đại của Trương Minh Tuấn. Chỉ một cái tin tường thuật phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang ủng hộ luật biểu tình và một ý kiến bạn đọc phê phán về sự bất công đường sá ở miền Tây quá thiếu, miền Bắc quá dư, báo Tuổi trẻ online bị phạt tiền trên 100 triệu và đình bản 3 tháng. Không có khiếu nại nào của người được trích phát biểu, không có bằng chứng nào chứng minh người viết bịa đặt thông tin, không có biên bản nào ghi nhận về vi phạm, thế mà vẫn bị phạt bất cần luật lệ.
Không chỉ dùng quyền hành công khai phạt vạ nhà báo và cơ quan báo chí, Trương Minh Tuấn còn hèn hạ dùng quyền lực ngấm ngầm thúc ép lãnh đạo cơ quan báo sa thải những nhà báo dũng cảm, trung thực dám chọc ngoái vào sự hãnh tiến trân tráo của y. Trong bài viết NGÀY TÀN CỦA BẠO CHÚA, Fbker Hằng Thanh đã kể về trường hợp nhà báo Nguyễn Thông bị Tuấn gây áp lực với báo Một Thế Giới cắt hợp đồng. Lý do chình từ bài viết HIỆN TƯỢNG LẶNG LẼ trên Fb của Nguyễn Thông. Bài viết phê phán tình trạng tất cả các tờ báo từ báo giấy đến điện tử rộ lên ca ngợi một nghệ sĩ đa tài, đa ngành, văn thơ, sân khấu, nhạc… nhưng không có tác phẩm nào có tiếng vang, gây hiệu ứng cho người đọc, hầu như chưa ai biết tới. Hóa ra người nghệ sĩ tài hoa lặng lẽ ấy là Trương Minh Phương, cha của bộ trưởng Trương Minh Tuấn. {1}
‘Tạo điều kiện’ cho báo chí bốc thơm Trương Minh Tuấn còn “đục khoét” ngân sách tổ chức hội thảo khoa học và trao giải thưởng Đào Tấn cho cha mình. “Chương trình được tổ chức đúng vào khoảng thời gian kỷ niệm 85 năm ngày sinh và 5 năm ngày mất của ông. Những người tham dự hội thảo đã dành những nhận xét hết sức trân trọng cho ông Phương, người được cho là “điển hình cho nền văn học nghệ thuật đáng tự hào của dân tộc, một nền văn học nghệ thuật toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc và của nhân dân”.{2}
Đệ nhất công thần tưởng đã thoát!
Mặc khác, dư luận cũng vừa thắc mắc, tại sao bác Cả lại cam lòng chặt đứt cánh tay đắc lực của mình khi số phận của Trương Minh Tuấn tưởng chừng đã được định đoạt sau hội nghị Ban chấp hành Trung ương 8. Trong khi Nguyễn Bắc Son bị cách chức nguyên Ủy Viên BCH TƯ, nguyên Bộ trưởng thì Trương Minh Tuấn được xử lẹ làng hơn, mất chức bộ trưởng nhưng vẫn còn nguyên chức Ủy Viên BCH TƯ và được tái bổ nhiệm làm Phó ban Tuyên Giáo. Cái cách Tuấn được tái bổ nhiệm khác hẳn cách nhốt quyền lực vào cái lồng như Đinh La Thăng làm Phó ban Kinh tế. Lễ trao quyết định rôm rả. Trưởng ban Võ Văn Thưởng ngọt ngào đon đả chào mừng nói Trương Minh Tuấn “không có gì xa lạ với Ban Tuyên giáo Trung ương, nay được phân công về Ban cũng là trở về nhà”. Trương Minh Tuấn bày tỏ lời “cảm ơn tập thể lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã dang rộng vòng tay để đón ông trở về”.
Vốn từng là bộ đội, ông xin hứa thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao với ‘tinh thần của người lính”, và nói “dù có ngã gục ở đâu thì tiếp tục đứng dậy ở đó”.{3}
Sau đợt xử lý này cứ tưởng là Tuấn đã an toàn. Xét cho cùng điều ấy cũng công bằng vì nếu về “võ” Trần Quốc Vượng đốn củi cây nào ra cây ấy cho vào lò của bác Cả thì Tuấn có công thổi lửa, ém lửa dư luận đúng theo chiều gió, cái nào cháy to, cái nào cháy nhỏ, thậm chí có những cái phải dập ngay từ đầu trước khi phát lửa.
Tuấn đã mạnh tay cách chức Tổng biên tập, thu thẻ nhà báo của cựu đại tá Nguyễn Như Phong, đình bản tờ Petrotimes và công khai họp báo công bố việc đăng lại bài phỏng vấn Bùi Thanh Hiếu (người có nick name “Người buôn gió” trên mạng xã hội) về việc Trịnh Xuân Thanh liên lạc với ông này tại Đức chỉ là một trong những lý do. Cuốn sổ tay thù vặt của Tuấn còn nên ra hàng lô hàng lốc những tội khác của Như Phong vì mất quan điểm lập trường xa rời tôn chỉ mục đích, báo dầu khí đi nói chuyện linh tinh.
Hại người già, diệt báo tận gốc
Trước đó Bộ Thông tin Truyền thông của cặp đôi Son, Tuấn đã tiến hành thanh tra báo Người cao tuổi và kết luận cuộc thanh tra báo Người Cao Tuổi, nêu rõ chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xem xét, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi đăng 11 bài viết có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo đó, sáu bài báo có dấu hiệu lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân và năm bài báo tiết lộ bí mật nhà nước, có dấu hiệu tiết lộ bí mật nhà nước. Sự phối hợp giữa Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an nhịp nhàng đến độ ông tướng già 70 tuổi Kim Quốc Hoa Tổng biên tập báo Người cao tuổi bị khởi tố về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại điều 258 Bộ luật hình sự ngay trong ngày Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông của Tuấn có kết luận. {4} Phối hợp với công an ăn ý đến mức ấy là cùng.
Với tờ báo Báo Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT)ị, một tờ báo có bản sắc và phong cách khá độc đáo, lập trường cấp tiến, với những bài nổi sóng dư luận như: Tháng hai biên giới, Chị Hai Thủ tướng, loạt phóng sự về quân đội Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa bắn vào tàu cá Việt Nam trú bảo …. cặp đôi Son- Tuấn (câu kết với Tất Thành Cang) đã xử lý độc ác hơn theo phương châm nhổ cỏ tận gốc “thu hồi giấy phép”, một tòa soạn chuyên nghiệp trên 100 cán bộ phóng viên phải tan đàn lạc nghé, một thương hiệu báo chí lừng lẫy bị xóa sổ.
“Thừa hành quyết định “thu hồi giấy phép hoạt động báo chí” từ cấp có thẩm quyền, Ban biên tập Báo SGTT trân trọng thông báo với quý bạn đọc là từ sau 28/2/2014, Báo SGTT trực thuộc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) sẽ ngưng xuất bản. Tờ SGTT số 18 năm 2014 mà bạn đang cầm trên tay là số báo cuối cùng”.{5} Sau 19 năm hoạt động, Ban biên tập SGTT ngậm ngùi trăn trối người đọc trong số báo cuối cùng.
Đi trước Luật An Ninh Mạng
Tham vọng của Tuấn không dừng lại ở báo chí trong nước mà còn muốn quản lý cả hệ thống truyền thông, các nhà mạng xã hội của thế giới như Google, Face book, đặt yêu cầu phải gở thông tin xấu theo tiêu chí của Tuấn, phải cung cấp thông tin người dùng, phải dùng face, điện thoại chính chủ … Những điều luật giết chết quyền thông tin mà thế giới đang lên tiếng trong luật An Ninh Mạng hiện nay đều đã được Tuấn đặt ra trước khi có luật.
Báo nhà nước thời ấy đã rầm rộ thông tin “Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 22/12, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin năm vừa qua, việc quản lý hoạt động các doanh nghiệp xuyên biên giới đã đạt được những thành công lớn, đặc biệt là 2 mạng xã hội lớn nhất hiện nay là Google và Facebook.
Cụ thể, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thông tin hồi tháng 3/2017 khi phát hiện những nội dung xấu độc trên YouTube, Bộ TT&TT đã làm việc với Google và doanh nghiệp này cam kết sẽ xóa bỏ ngay.
Đến nay, YouTube đã gỡ 4.500 video mang nội dung xấu độc trên tổng số 5.000 video được yêu cầu. Con số này chiếm trên 90% số video xấu độc.
Việt Nam cũng là một trong số ít các nước mà Google đáp ứng tối đa các điều kiện trên thế giới.
Facebook cũng gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo, 394 link rao bán quảng cáo các sản phẩm bất hợp pháp, gỡ bỏ 159 tài khoản bôi xấu lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước”.
Tóm lại, Trương Minh Tuấn đã có công rất lớn trong việc tiêu diệt mầm móng dân chủ của báo chí Việt Nam từ trong trứng nước đến tận gốc rễ. Ông Phạm Quang Nghị còn đặt ra lề trái phải nhưng với Tuấn thì chỉ có một lề. Nếu Tuấn còn tại vị thì số phận mạng xã hội Việt Nam chưa biết sẽ ra sao?
Thịt nấu thịt sao đành?
Công lao như thế, trung thành như thế, tài kinh bang tế thế giỏi giang như thế vì sao bác Cả lại phải xuống tay ném Tuấn vào lò?
Tiến sĩ, nhà báo Phạm Chí Dũng cũng thắc mắc và dự đoán nhiều giả thiết khác nhau thậm chí là trái ngược nhau
Vậy phải chăng từ sau Hội nghị trung ương 9 đến nay đã xảy ra những động thái đủ lớn trong nội bộ mà đã khiến Trương Minh Tuấn cuối cùng đã không thể ‘thoát’?”
“Phải chăng Nguyễn Phú Trọng cũng đang thực hành nguyên tắc ‘công bằng và đối ứng’, có qua có lại đầy đủ giữa ‘phe ta’ và phe đối phương’?”
“Nếu đúng thế, vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ – Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn – đang phát đi thông điệp rằng ‘Minh quân’ sẽ có thể không nương tay với ‘củi rừng’ – chẳng hạn như nhóm lợi ích Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Tất Thành Cang… và có thể còn ‘máu lửa’ hơn nữa trong năm 2019 này.
Nhưng cũng còn một dấu hỏi khác: vụ bắt Son – Tuấn xảy ra khi Nguyễn Phú Trọng có một chuyến công du đến Campuchia và Lào, tức có thể ông Trọng không hẳn là người trực tiếp chỉ đạo đối với vụ bắt bớ này, thậm chí ông ta ‘không biết’. Nếu giả thiết này là đúng, dù chỉ với xác suất nhỏ, chóp bu nào mới là người ra lệnh bắt Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn? Liệu có xảy ra một sự biến gì trong nội bộ giới lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam khi Trọng vắng mặt?” {7}
Giả thiết cuối cùng của Tiến sĩ Dũng cho rằng cụ Tổng không biết về vụ bắt này có thể loại trừ. Tuấn bị bắt ngày 23-2, đến ngày 24 cụ Tổng mới đi Lào và từ ngày 21-2, cây bút tín hiệu Phạm Việt Thằng của phe lò đã có nhiều thông tin rao trước trên fb,
Sợ lò mốc hẩm mốc hiu
Nghe đâu đã kịp câu lưu 2 ngài
Ngày 22-2, Phạm Việt Thắng công bố
Vụ Son, Tuấn: Đã phê chuẩn.
Cả làng hóng nhé!!!!
Như vậy có thể khẳng định rằng, cụ Tổng có biết hoặc chính xác là việc Trương Minh Tuấn vào lò là có sự đồng ý của cụ Tổng dù (ít nhất là trước đây mấy tháng) cụ không có ý đó. Điều gì là cụ phải thay đổi? Tội tình Tuấn trong vụ mua bán AVG thì vẫn như vậy, sao án lại tăng? Vì sao thanh củi bé hơn ở Thành Phố Hổ Chí Minh vẫn còn đứng nhởn nhơ trước cửa lò thậm chí còn đi tiệc tùng liên hoan như khiêu khích? Phải chăng quyền lực của cái lò vẫn chưa đạt mức tuyệt đối như mong muốn và con số 36% Ủy viên Trung ương không kỷ luật Tất Thành Cang là nỗi ám ảnh với người đốt lò?
Nhưng động thái tuyệt tình thẳng mực tàu liệu có đau lòng gỗ. Những cánh tay đắc lực, trung thành của cụ khi nhìn vào số phân Phạm Minh Tuấn liệu có chột dạ khi nghĩ đến số phận của mình ngày nào đó…?

Tự hào nên dành cho dịp khác

Nguyễn Anh Tuấn
Không có gì bất ngờ trước niềm phấn khích của nhiều người Việt Nam với Hội nghị Thượng định Trump-Kim được tổ chức ở Hà Nội lần này vì đã lâu rồi Việt Nam mới có chút gì đó đóng góp để giải quyết những vấn đề quốc tế.
Cảm xúc này của công chúng đáng được trân trọng bởi lẽ sâu xa nó phản ánh khát vọng của một dân tộc muốn thoát dần ra khỏi thân phận tầm gửi luôn dựa vào sự giúp đỡ của quốc tế để vươn lên có một địa vị nào đó trên trường quốc tế và đóng góp cho quốc tế.
Hân hoan một chút như thế cũng tốt, nhưng dĩ nhiên không nên để cảm xúc dẫn chúng ta đi xa quá.
Nhất là khi nhìn vào lý do mà Việt Nam được chọn đăng cai hội nghị lần này.
Bên cạnh việc thuận tiện về hậu cần đi lại, còn có một hậu ý chính trị mà cả đôi bên, Hoa Kỳ và Triều Tiên đều không hề giấu giếm.
Với Triều Tiên, Việt Nam mặc dù đã cải tổ kinh tế song đảng cộng sản vẫn giữ được địa vị thống lĩnh xã hội. Với Mỹ và cộng đồng quốc tế, việc Bắc Hàn trở thành một Việt Nam thứ hai không phải là lựa chọn tồi, nếu không muốn nói là khá lý tưởng, bởi thế giới bớt được một nỗi lo hạt nhân, bù lại bằng việc cho phép Triều Tiên hội nhập, mở mang kinh tế.
Tóm lại Việt Nam được chọn như một tấm gương cho Bắc Hàn noi theo.
Nhưng không phải lúc nào được chọn làm gương cũng đáng tự hào. Câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam không được chọn làm gương cho các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, hay ngay cả là Cambodia, Myanmar, mà chỉ là cho Bắc Hàn – một thảm họa cả về kinh tế lẫn nhân quyền?
Phải chăng Bắc Hàn như một đứa bé ngỗ nghịch vừa quậy nhà mình vừa phá nhà hàng xóm khiến cộng đồng quốc tế không mong gì hơn là đứa bé ấy thành một Việt Nam thứ hai, vẫn còn ngỗ nghịch nhưng khi được cho kẹo thì chỉ quậy nhà mình thôi để hàng xóm làng giếng được yên thân?
Mà nếu thế thì liệu có gì đáng tự hào?
Chỉ khi nào kinh tế phát triển vượt bậc đi kèm với pháp trị được củng cố, dân chủ được thúc đẩy, nhân quyền được tôn trọng, như những gì được chứng kiến ở Nhật Bản (Sự Thần kỳ Nhật Bản), Hàn Quốc (Kỳ tích sông Hán), hay Đài Loan (Kỳ tích Đài Loan) thì chúng ta mới có nhiều lý do hơn để tự hào.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.