Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 16/02/2019

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2019 15:50 // ,

Tin khắp nơi – 16/02/2019

TT Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

để xây tường biên giới

Tổng thống Trump vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia tại biên giới phía nam hôm thứ Sáu 15/2, cho phép ông trích ra hàng tỷ đô la để xây bức tường biên giới mà Quốc hội đã từ chối tài trợ.
Trong tuyên bố được phát trên truyền hình, đọc tại Vườn hồng của Nhà Trắng, ông Trump cho biết sẽ ký ban hành tuyên bố để bảo vệ đất nước khỏi ma túy, tội phạm và di dân bất hợp pháp đi qua biên giới qua ngả Mexico, và ông coi những tệ nạn vừa nêu là những mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc gia.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ cho phép ông Trump chuyển 3,6 tỷ đô la từ ngân sách dành cho các dự án xây dựng quân sự sang xây tường biên giới, các quan chức Nhà Trắng cho biết. Ông Trump cũng sẽ sử dụng thẩm quyền tùy ứng của tổng thống về ngân sách, để trích ra 2,5 tỷ đô la từ các chương trình liên bang và 600 triệu đô la từ quỹ tịch thu tài sản của Bộ Tài chính.
Kết hợp với 1,375 tỷ đô la được cấp cho việc xây tường rào trong gói chi tiêu được Quốc hội thông qua vào tối 14/2, rốt cuộc ông Trump sẽ có khoảng 8 tỷ đô la để thúc đẩy việc xây tường rào mới và sửa chữa hoặc thay thế tường rào hiện có dọc biên giới trong năm nay, số tiền đó nhiều hơn đáng kể con số 5,7 tỷ đô la mà Quốc hội từ chối cấp cho ông.
Được phác họa hôm 14/2, quyết định của tổng thống Trump, lập tức bị đảng Dân chủ và một số người trong đảng Cộng hòa, lên án.
Họ cho rằng ông Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia là một hành động lạm quyền và vi hiến.
“Đây đơn thuần là sự tiếm quyền lực của một tổng thống bị thất vọng, ông ta đã vượt ra ngoài các giới hạn của luật pháp để cố đạt được những gì ông ta đã không đạt được trong một tiến trình hợp hiến”, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đại diện bang California, và Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York, lãnh đạo khối thiểu số ở Thượng viện, nói trong một tuyên bố chung.
Hai nhà lập pháp này thề sẽ cố gắng lật ngược quyết định của ông Trump, họ kêu gọi những người bên đảng Cộng hòa hãy cùng chung tay với họ.
“Tổng thống không cao hơn luật pháp”, họ nói, “Quốc hội không thể khoanh tay để tổng thống xé bỏ Hiến pháp”.
Các đảng viên Dân chủ ở Hạ viện có kế hoạch đưa ra dự luật nhằm ngăn chặn động thái của Tổng thống, dự luật đó có thể được cả hai viện thông qua nếu giành được phiếu của 6 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từng chỉ trích bản tuyên bố của ông Trump. Trong trường hợp đó, ông Trump sẽ rơi vào tình thế phải lần đầu tiên sử dụng quyền phủ quyết trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
(AP, New York Times, Washington Post)
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-quoc-gia-de-xay-tuong-bien-gioi/4788744.html

Hạ viện điều tra, chủ đất khởi kiện

sau tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Trump

Một ủy ban chủ chốt tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm thứ Sáu cho biết họ đang mở một cuộc điều tra ngay lập tức về tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Donald Trump, nói rằng quyết định của ông huy động tiền để xây bức tường được hứa hẹn từ lâu tại biên giới Mỹ-Mexico khơi ra những vấn đề về hiến pháp và luật pháp.
Ông Trump trước đó trong ngày nói rằng một tuyên bố như vậy là nhằm bảo vệ đất nước khỏi ma túy, tội phạm và di dân bất hợp pháp vượt qua biên giới, những điều mà ông coi là mối đe dọa to lớn đối với an ninh quốc gia.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sẽ cho phép ông chuyển hàng tỉ đôla từ ngân sách dành cho các dự án xây dựng quân sự sang xây tường biên giới, cũng như từ các chương trình liên bang và từ quỹ tịch thu tài sản của Bộ Tài chính.
Trong một bức thư gửi vị tổng thống Cộng hòa, phe Dân chủ kiểm soát Ủy ban Tư pháp Hạ viện yêu cầu ông để cho các quan chức Nhà Trắng và Bộ Tư pháp tham gia trong hành động này ra khai chứng. Họ cũng yêu cầu giao nộp các tài liệu pháp lí về quyết định dẫn đến tuyên bố, định ra thời hạn là ngày thứ Sáu tuần sau.
“Chúng tôi tin rằng tuyên bố về tình trạng khẩn cấp của ông thể hiện sự coi thường liều lĩnh đối với sự phân chia quyền lực và trách nhiệm của ông theo hệ thống hiến pháp của chúng ta,” theo bức thư được kí tên bởi Chủ tịch ủy ban Jerrold Nadler và các nghị sĩ Dân chủ hàng đầu khác trong ủy ban.
“Bằng việc ngụy tạo một tình trạng khẩn cấp nhằm bỏ qua tiến trình chính trị phân bổ ngân sách, ông dường như đang lạm dụng cả sự tín nhiệm này lẫn lời tuyên thệ nhậm chức của chính mình,” bức thư nói thêm.
Trong một diễn biến có liên quan, vụ kiện đầu tiên thách thức tuyên bố của ông Trump đã được đệ trình tại tòa án liên bang ở Washington thay mặt ba chủ đất ở bang Texas, nói rằng tuyên bố này vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ và bức tường dự định xây sẽ xâm phạm quyền sở hữu đất của họ.
Các chủ đất nói trong đơn kiện rằng họ đã được thông báo là chính phủ Mỹ sẽ tìm cách xây tường biên giới trên đất của họ nếu có ngân khoản cho dự án này trong năm 2019.
Thống đốc bang California Gavin Newsom và Tổng chưởng lý bang New York Letitia James, cả hai đều theo Đảng Dân chủ, cũng cho biết họ dự định sẽ thách thức ông Trump tại tòa án.
Ông Trump trước đây đã yêu cầu Quốc hội cấp cho ông 5,7 tỉ đôla ngân khoản tài trợ xây tường như một phần của luật cấp tiền cho các cơ quan chính phủ hoạt động. Đòi hỏi này đã gây ra vụ đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử kéo dài 35 ngày vào tháng 12 và tháng 1, gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và tỉ lệ ủng hộ dành cho ông trong các cuộc khảo sát công luận.
Với việc định hướng lại nỗ lực huy động tiền xây tường bằng cách sử dụng một chiến lược kém vững chắc về mặt pháp lí dựa trên tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có nguy cơ lao vào cuộc chiến lập pháp và pháp lí kéo dài với phe Dân chủ và chia rẽ nội bộ phe Cộng hòa của ông – nhiều người trong số này đã tỏ ra hết sức e ngại vào ngày thứ Sáu về hành động của tổng thống.
https://www.voatiengviet.com/a/ha-vien-dieu-tra-chu-dat-khoi-kien-sau-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-cua-trump/4789809.html

California, New York quyết kiện Trump

vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

California và New York ngày thứ Sáu nói rằng hai bang này sẽ có hành động pháp lí chống lại việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm giải phóng ngân khoản hàng tỉ đôla để xây một bức tường dọc biên giới Mỹ với Mexico.
Hành động của ông Trump sẽ bỏ qua Quốc hội, và trong phát biểu tại Vườn Hồng của Nhà Trắng ông đã dự đoán việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ đối mặt với kiện tụng kéo dài.
Tổng chưởng lý bang New York, Letitia James, phản pháo gần như ngay lập tức sau khi ông Trump tuyên bố hành động của mình.
“Chúng tôi sẽ không dung chấp sự lạm quyền này và sẽ chống trả bằng mọi công cụ pháp lí mà chúng tôi có sẵn,” bà nói trong một phát biểu.
Trong khi đó, thống đốc Đảng Dân chủ của bang California, Gavin Newsom, mô tả tình trạng khẩn cấp quốc gia là “ngụy tạo.”
“Thông điệp của chúng tôi gửi lại cho Nhà Trắng rất đơn giản và rõ ràng: California sẽ gặp các người tại tòa,” ông nói thêm.
Vị Tổng thống Cộng hòa đã tìm cách xây một bức tường như ông đã hứa dọc theo biên giới phía nam. Ông nói tường sẽ ngăn chặn dòng ma túy và dân nhập cư bất hợp pháp đổ vào Mỹ.
Ngược lại, phe Dân chủ nói rằng bức tường chẳng ích lợi gì và gọi đây là chuyện phi đạo đức.
https://www.voatiengviet.com/a/california-new-york-quyet-kien-trump-vi-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-quoc-gia/4789216.html

Trump Viện Tình Trạng Khẩn Cấp Để Xây Tường;

DC Thượng Hạ Viện Sẽ Kiện Trump Lạm Quyền

WASHINGTON   -    TT Trump sẽ dùng tình trạng khẩn cấp để lấy thêm tiền xây tường biên giới theo ý riêng – ông định dùng tiền từ chương trình khác, là “luồn lách” quyền chuẩn chi của Lập Pháp, sẽ bị kiện.
Các luật gia chưa biết tình hình sẽ diễn ra thế nào, nhưng thách thức pháp lý sẽ tập trung vào ý nghĩa của tình trạng khẩn cấp, nghĩa là thực tế tại biên giới có thật là khẩn cấp không.
Bạch Ốc tiết lộ: TT Trump sẽ ký ban hành đề luật lưỡng đảng, nhưng vẫn tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chuyển tiền từ chương trình khác vào việc xây tường biên giới.
Luật 1976 cho phép TT chuyển hướng công quỹ trong trường hợp khẩn cấp – văn bản National Emergencies Act 1976 không định nghĩa “khẩn cấp. Luật này cho phép Lập Pháp vuợt quyền tuyên bố khẩn cấp của TT bằng hành động từ cả 2 Viện. Hoa Kỳ hiện có 30 tình trạng khẩn cấp, gồm 1 có liên quan với vụ Iran cầm giữ con tin tại tòa ĐS Hoa Kỳ, và bệnh dịch cúm heo 2009.
CNN cho biết: TT Trump có thể tạo ra “tình trạng khẩn cấp” thứ 32.
Giới lập pháp thuộc đảng CH chọn cầu nguyện như là chiến lược với TT cùng đảng thường phát biểu bất ngờ và hành động khác thường.
Thủ lãnh Mitch McConnel đang tìm cách phòng tránh tai họa chính trị khi tình trạng đóng cửa công sở tái diễn – hôm Thứ Năm, ông đã được TT Trump trấn an “Sẽ ký ban hành đề luật chuẩn chi thỏa hiệp”. Nhưng, có lẽ ông còn phải tiếp tục trả giá về “cuộc chiến tường biên giới”.
TT Trump xuất hiện tại Vườn Hồng vào lúc 10 giờ sáng Thứ Sáu để ký ban hành đề luật chuẩn chi, cấp quỹ hoạt động cho công sở đến ngày 30-9, là hết tài khóa hiện hành.
Nhân dịp này, ông Trump cũng ký hàng loạt sắc lệnh, chuyển tiền từ các chương trình khác tổng cộng 8 tỉ MK để xây tường biên giới.
Tự quyền chuyển tiền công quỹ là xâm phạm trật tự hiến định của hệ thống mà ông đã tuyên thệ bảo vệ tại lễ nhậm chức.
Giới phân tích đoán trước: chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi sẽ vận dụng 1 điều khoản của National Emergencies Act 1976 để chấm dứt tình trạng khẩn cấp do TT ban bố.
Dân biểu Pelosi và thủ lãnh thiểu số Thượng Viện Chuck Sdchumer đã phát thông cáo chung khẳng định: tuyên bố tình trạng khẩn cấp là lạm quyền, sẽ yêu cầu thẩm quyền bảo hiến can thiệp.
TT Trump ký ban hành thỏa hiệp chuẩn chi lưỡng đảng (tránh đóng cửa công sở, cùng lúc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Ông khẳng định : sẽ ký ban hành tình trạng khẩn cấp vì khủng hoảng an ninh quốc gia tại biên giới. Ông giải thích “Tôi muốn nói tới cuộc xâm lăng bằng ma túy, buôn người gồm mọi loại tội đồ và băng đảng” và khẳng định không làm việc này vì nhu cầu tranh cử.
Tin NBC ghi: TT Trump áp đặt khủng hoảng hiến pháp với tuyên bố “tình trạng khẩn cấp.”
Trong khi đó một bản tin khác cho biết rằng công nhân bị bỏ rơi – Lập Pháp thông qua đề luật chuẩn chi bằng đồng thuận lưỡng đảng, tránh đóng cửa công sở kịp thời hạn 15-2.
Nhưng, văn bản luật không gồm tiền trả lương truy lãnh của hàng trăm ngàn nhân viên hợp đồng làm việc không lương trong 35 ngày gọi là shutdown vì đối đầu giữa Trump và QH.
Dân biểu Peter King (CH-New York) nói: số nhân viên làm việc cho nhà thầu liên bang là nạn nhân vô tội – với ông, cuộc đối đầu vừa qua là vô nghĩa ngay từ đầu.
Nhân số cụ thể của nhân viên hợp đồng (gồm từ kỹ sư đến công nhân nhà ăn tập thể) là không rõ và ước lượng là 1.2 triệu.
https://vietbao.com/a290859/trump-vien-tinh-trang-khan-cap-de-xay-tuong-dc-thuong-ha-vien-se-kien-trump-lam-quyen

Ba Dân biểu Liên Bang hối thúc Ngoại trưởng Mỹ

yêu cầu Việt Nam cho biết Trương Duy Nhất ở đâu

Hôm 15/2/2019, 3 Dân biểu Liên bang Hoa Kỳ gồm Alan Lowenthal, Zoe Lofgren và Harley Rouda đồng ký tên vào bức thư gửi Ngoại Trưởng Mike Pompeo bày tỏ lo ngại về sự mất tích của ông Trương Duy Nhất, blogger của Đài Á Châu Tự Do sau khi ông này đến Bangkok để tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị.
Bức thư nhấn mạnh đến hội nghị thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27/2 – 28/2/2019 tới đây.
Tự do báo chí là giá trị nền tảng của Hoa Kỳ và chúng tôi khẩn thiết đề nghị ông (Mike Pompeo – PV) sử dụng tất cả các kênh ngoại giao để áp lực chính phủ Việt Nam cung cấp thông tin về nơi ở của Trương Duy Nhất.
Chúng tôi đồng thời khẩn thiết đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức điều tra về việc đột nhiên biến mất của ông Nhất.
Thêm nữa, chúng tôi cũng đòi hỏi ông phải gây áp lực lên chính quyền Thái Lan tiếp tục điều tra trường hợp này,” bức thư ký tên 3 dân biểu nêu rõ.
Trước đó, bà Cao Thị Xuân Phượng, vợ của nhà báo độc lập Trương Duy Nhất cũng gửi đơn đến lãnh đạo chính phủ và các cơ quan báo chí bày tỏ quan ngại về tính mạng của chồng mình sau gần 20 ngày mất tích tại Thái Lan và đề nghị tìm kiếm ông này.
Trong bức thư của ba Dân biểu Liên bang được các báo đài Việt ngữ đăng tải lại tiết lộ, ông Nhất đến Bangkok, Thái Lan lúc 4 giờ chiều ngày 19/1/2019 và đăng ký qui chế tị nạn tại văn phòng của Cao ủy Liên Hiệp quốc về người tị nạn hôm 25/1.
Lúc 5 giờ ngày hôm sau, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất hoàn toàn mất liên lạc với cha mình.
Ba dân biểu cũng dẫn lại thông tin từ Đài Á Châu Tự Do cho biết, đã có những mối quan ngại tăng cao từ tháng 1/2019 rằng chính phủ VN nhắm tới Trương Duy Nhất bởi vì ông này có những thông tin gây hại đến Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Hôm 11/2, Giám đốc điều hành của Cơ quan Hoa Kỳ về Truyền Thông Toàn Cầu (USAGM) John Lansin bày tỏ “quan ngại sâu sắc về việc mất tích của blogger của Đài Á Châu Tự Do, ông Trương Duy Nhất, người được tin tưởng là bị bắt cóc tại BangKok, Thái Lan sau khi ông ấy tới đây để tìm kiếm quy chế tị nạn chính trị.”
Ông John Lansin cũng nhắc lại trường hợp của phóng viên RFA Nguyễn Văn Hóa bị bỏ tù hồi đầu năm 2017 và cho rằng đây là “2 ví dụ về việc có rất nhiều nguy cơ nhắm đến tự do báo chí và an toàn, an ninh của những nhà báo trên toàn cầu.”
Trong tuyên bố của ông John Lansin cũng cho biết, Cơ quan Hoa Kỳ về Truyền Thông Toàn Cầu cùng với các tổ chức như Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Ủy ban bảo vệ Ký giả và Phóng viên Không biên giới đồng kêu gọi chính phủ Thái Lan làm mọi việc có thể để xác định vị trí của ông Nhất và bảo đảm an toàn cho ông ấy.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/30-us-congressmen-question-whereabout-of-missing-blogger-02162019084443.html

Ai sẽ làm Phó Bộ trưởng Tư pháp Mỹ?

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Mỹ Jeffrey Rosen là ứng viên hàng đầu thay thế Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein để cùng làm việc với tân Bộ trưởng Tư pháp William Barr, Reuters dẫn nguồn tin từ hai giới chức trong chính quyền cho biết hôm 15/2.
Nguồn tin này cho hay tân Bộ trưởng Tư pháp Barr, người từng làm việc với ông Rosen tại hãng luật Kirkland & Ellis, đã vận động để ông Rosen nắm vị trí thứ hai trong Bộ Tư pháp Mỹ.
Chưa có bình luận từ Bộ Tư pháp hay Tòa Bạch Ốc.
Trước đây, Reuters loan tin Phó Bộ trưởng Tư pháp Rosenstein định rời chức sau khi tân Bộ trưởng Barr tuyên thệ nhậm chức.
Sau khi được Tòa Bạch Ốc đề cử vào vị trí của ông Rosenstein như dự kiến, ông Rosen còn cần được Quốc hội chuẩn thuận.
Ông Rosen chưa từng có kinh nghiệm làm công tố viên hay làm giới chức của Bộ Tư pháp, đây cũng là điều khác lạ đối với ứng viên Phó Bộ trưởng Tư pháp.
https://www.voatiengviet.com/a/ai-se-lam-pho-bo-truong-tu-phap-my-/4789208.html

Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Đông Âu về TQ và Nga

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đang kêu gọi các nước tại Đông và Trung Âu chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga, trong hành trình thăm 5 quốc gia châu Âu, theo Fox News.
Chuyến thăm của ngoại trưởng Mỹ bắt đầu từ Hungary, hiện ông đang ở Slovakia cho chặng thứ 2, sau đó ông sẽ tới Ba Lan, Bỉ, và Iceland.
Phát biểu tại thủ đô Bratislava của Slovakia, ông Pompeo cho biết Trung Quốc và Nga đặt ra mối đe dọa song sinh đối với lợi ích dân chủ và thị trường tự do được tạo nên kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Ông Pompeo nói rằng, các quốc gia Đông và Trung Âu đặc biệt dễ bị tổn thương bởi phương thức đầu tư lợi dụng, và can thiệp vào chính trị. Để chống lại mối đe dọa này, ông nói rằng Hoa Kỳ cam kết tăng cường sự tham gia của họ trong khu vực, thông qua các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và các chương trình trao đổi.
Trung Quốc điêu đứng dưới thời “cảnh sát quốc tế” Donald Trump
Ngoại trưởng Mỹ nói, bởi vì lịch sử và vị trí địa lý của mình, Slovakia đã  có “một sự đánh giá cao đặc biệt đối với vai trò tích cực Nga tiếp tục đóng vai trò trong khu vực”, đặc biệt là ở Ukraine. Tuy nhiên, “Nga không phải là một quốc gia duy nhất tìm cách xói mòn chủ quyền và tự do ở châu Âu”, tờ AP trích dẫn.
Ngoại trưởng Mỹ đã nêu ra vấn đề với các quan chức Slovakia, cần hành động chống lại những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo phụ thuộc và thao túng kinh tế và hệ thống chính trị.
Ông Pompeo cũng nhắc lại với Slovakia cảnh báo mà ông đã đưa ra hôm thứ Hai (11/2) tại Budapest, rằng Hoa Kỳ có thể buộc phải thu hẹp một số quy mô hoạt động ở châu Âu và các nơi khác nếu các nước tiếp tục kinh doanh với công ty viễn thông Huawei của Trung Quốc. Hoa Kỳ có mối lo ngại mạnh mẽ về các động cơ của Huawei tại Châu Âu, đặc biệt là các quốc gia thành viên khối NATO và Liên minh châu Âu, cũng như các hoạt động kinh doanh của Huawei. Các quốc gia sẽ phải cân nhắc lực chọn giữa Huawei và Hoa Kỳ.
Cảnh báo về Huawei đã được nêu ra trên diện rộng, nhưng đầu tiên được đưa ra tại Hungary – một đồng minh khối NATO và thành viên Liên minh châu Âu – nơi Huawei hiện là một người chơi chính.
Hoa Kỳ đã cảnh báo các quốc gia về những rủi ro của công nghệ viễn thông Trung Quốc khi các chính phủ chọn nhà cung cấp cho việc triển khai internet không dây 5G – phương thức mạng cho phép tốc độ tải nhanh hơn và còn có khả năng kết nối tốt hơn giữa các thiết bị.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/26219-ngoai-truong-my-canh-bao-dong-au-ve-tq-va-nga.html

Hoa Kỳ có thể sẽ cắt giảm hơn 1,000 binh sĩ

tại Afghanistan

Muscat / Kabul – Hãng Reuters dẫn lời một vị tướng của Hoa Kỳ cho biết, chỉ huy quân đội mới của Hoa Kỳ dự tính sẽ cắt giảm số lượng binh sĩ ở Afghanistan nhằm tiết kiệm nhân lực. Tướng Joseph Votel, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Quân đội Hoa Kỳ cho biết, sự cắt giảm được dự tính có thể vượt qua con số 1,000 binh sĩ.
Vào tháng 2, Tổng thống Trump từng nói với Quốc hội rằng, Tổng thống dự tính giảm số lượng binh sĩ tại Afghanistan, khi mà các cuộc đàm phán hòa bình với phiến quân Taliban đã đạt được nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, ông Votel cho biết quyết định giảm quân số tại Afghanistan không liên quan đến những nỗ lực hòa bình nói trên. Thay vào đó, ông Votel nói rằng việc cắt giảm quân số là một phần trong nỗ lực nhằm sử dụng tốt hơn các nguồn lực Hoa Kỳ của tướng Scott Miller, người vừa tiếp quản quyền chỉ huy trong cuộc chiến kéo dài 17 năm tại Afghanistan vào tháng 9 năm 2018.
Hiện vẫn chưa rõ số lượng binh sĩ còn lại ở Afghanistan là bao nhiêu. Ngũ Giác Đài cho biết có khoảng 14,000 binh sĩ tại khu vực, nhưng lưu ý rằng đây không phải là dữ kiện chính xác và có thể dao động.
Theo hãng tin Reuters, vấn đề chi phí đang ngày càng trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa Kabul và Washington. Gần đây, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã gửi thư cho Tổng thống Trump đề nghị giúp giảm chi phí của Hoa Kỳ ở nước này. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-co-the-se-cat-giam-hon-1000-binh-si-tai-afghanistan/

Giữa cuộc chiến thương mại ác liệt,

Mỹ thêm “đòn” quân sự với TQ ở Biển Đông

Hai chiến hạm của Mỹ hôm qua (11/2) đã được phái đến gần các đảo mà Trung Quốc đòi chủ quyền một cách bất hợp pháp ở Biển Đông, một quan chức Mỹ cho biết. Động thái này chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh tức giận trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng vì một cuộc chiến thương mại không khoan nhượng.
Bắc Kinh và Washington đang bị kẹt trong một cuộc chiến thương mại nóng bỏng và hai bên đang cố gắng tìm cách ký được một thỏa thuận trước hạn định vào ngày 1/3 tới khi mức thuế đánh vào 200 tỉ giá trị hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ bị tăng từ 10% lên 25%.
Căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến cả hai nước này mất hàng tỉ USD và làm đảo lộn các thị trường tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh hai nước đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại, Mỹ đã đưa hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi vào khu vực trong phạm vi 12 hải lý so với Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá Vành Khăn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền một cách phi pháp.
Chiến dịch đưa hai tàu chiến vào Biển Đông là nỗ lực mới nhất của Washington trong việc thách thức đòi hỏi chủ quyền tham lam và phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Washington công khai tuyên bố sẽ chống lại nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế sự tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược – nơi đang có sự hoạt động của hải quân Trung Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia Đông Nam Á.
Trung Quốc tức giận cáo buộc Mỹ “thủ đoạn” khi đưa hai tàu chiến đi vào gần khu vực Đá Vành Khăn. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Hải quân của nước này đã “cảnh cáo” các tàu chiến Mỹ tránh xa khu vực.
Tuy nhiên, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying lảng tránh câu hỏi về việc liệu động thái của Mỹ có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra ngày hôm nay (12/2) ở thủ đô Bắc Kinh.
Động thái quân sự mới nhất nói trên của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây đang gây bất bình trong khu vực nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung vì một loạt các bước đi, đặc biệt là các bước đi quân sự, ở Biển Đông với mục đích rõ ràng là nhằm quân sự hóa vùng biển này và tiến tới độc chiếm khu vực.
Hồi năm ngoái, Trung Quốc đã ngang nhiên và trắng trợn bố trí tên lửa tại các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – một hành động mà Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc rút ngay tên lửa ra khỏi khu vực. Trung Quốc còn có một loạt hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc đã triển khai thiết bị gây nhiễu tại đá Vành Khăn và đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc còn cho tàu You Lian Tuo 9 tiến hành thi công dưới nước và tổ chức đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 6 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tất cả những hoạt động trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, trái với tinh
thần Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nói trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không có các hoạt động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình ở khu vực.
Mỹ cũng đã bày tỏ sự quan ngại với Trung Quốc về hành động quân sự hóa nói trên của nước này ở Biển Đông đồng thời cảnh báo sẽ có hậu quả trước mắt và lâu dài cho hành động của Trung Quốc.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông – một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
http://biendong.net/bi-n-nong/26209-giua-cuoc-chien-thuong-mai-ac-liet-my-them-don-quan-su-voi-tq-o-bien-dong.html

Cựu giám đốc tranh cử của Donald Trump

có thể bị lĩnh án 24 năm tù

Thu Hằng
Ông Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump, có nguy cơ lĩnh án rất nặng vì đã nói dối các nhà điều tra. Ngày 15/02/2019, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã đề nghị lên Tòa án liên bang Virginia mức án từ 19 đến 24 năm tù và khoản tiền phạt từ 50.000 đến 24 triệu đô la đối với ông Paul Manafort.
Ông Manafort, 69 tuổi, bị cáo buộc các tội âm mưu chống lại nước Mỹ và cản trở Tư pháp. Tuy nhiên, cựu giám chiến dịch tranh cử của Donald Trump có thể được giảm án vì đã chấp nhận hợp tác trong nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Ông Manafort đã thú nhận « cố tình »nói dối về những lần gặp gỡ vào năm 2016 và 2017 với Konstantin Kilimnik, một người có liên quan đến tình báo Nga, cũng như những vụ chuyển tiền.
Theo Reuters, phiên xét xử ông Manafort ban đầu được ấn định vào ngày 08/02 nhưng đã bị hoãn lại để chờ thêm những kết luận của thẩm phán quận Columbia, bà Amy Berman Jackson, người giám sát vụ Manafort.
Cũng trong khuôn khổ điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đã trả lời thẩm vấn nhóm điều tra của công tố viên Robert Mueller. Trong thông cáo gửi đến Reuters ngày 15/02, bà cho biết làm theo yêu cầu của tổng thống Mỹ, « như ông vẫn yêu cầu tất cả nhân viên trong chính quyền hợp tác hoàn toàn với công tố viên đặc biệt ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190216-cuu-giam-doc-tranh-cu-cua-donald-trump-co-the-bi-linh-an-24-nam-tu

Mỹ: 5 người chết

trong vụ xả súng nơi công sở tại Illinois

Năm người thiệt mạng và một số người khác bị thương khi một tay súng xả súng tại một khu công nghiệp ở bang Illinois, Mỹ, cảnh sát cho biết.
Tay súng cũng bị giết trong khi đối đầu với cảnh sát. Năm sĩ quan đã bị bắn trúng và bị thương.
Vụ nổ súng diễn ra tại một công ty sản xuất ở Aurora, ngoại ô khoảng 40 dặm về phía tây của thành phố Chicago.
Cảnh sát cho biết tay súng là Gary Martin, 45 tuổi, một nhân viên tại một công ty đã bị sa thải trước vụ tấn công.
Tờ báo Chicago Sun-Times đưa tin rằng gia đình ông nói rằng ông Martin đã “căng thẳng” vì bị sa thải.
Vụ việc được cho là xảy ra tại Công ty Henry Pratt, một công ty sản xuất van cho các đường ống nước lớn.
Cảnh sát đã nói gì về vụ nổ súng?
Cảnh sát đã nhận được tin báo về một vụ xả súng ở Aurora vào khoảng 13:24 giờ địa phương.
Cảnh sát trưởng Aurora, bà Kristen Ziman nói cảnh sát đã bị “nã đạn ngay lập tức” khi đến hiện trường.
Bà Ziman nói thêm rằng một đội đặc nhiệm cứu hộ đã nhanh chóng được triển khai đến khu công nghiệp, bao gồm lính cứu hỏa và nhân viên y tế.
Chris Southwood thuộc Hội Cảnh sát Illinois mô tả các sĩ quan Aurora đã chiến đấu và bị thương là những người rất “quả cảm”.
“Các sĩ quan và đồng nghiệp đã không ngần ngại nguy hiểm mạng sống ngày hôm nay để ngăn chặn có thêm bất kỳ sự đổ máu nào,” ông Southwood nói trong một tuyên bố.
Trong số năm sĩ quan bị thương, hai người được đưa đến các trung tâm y tế gần đó.
Danh tính năm người bị giết vẫn chưa được công bố.
Nhân chứng mô tả lại vụ xả súng ra sao?
Nhân chứng John Probst, người làm việc tại Công ty Henry Pratt, trước đó đã nói với đài truyền hình ABC7 rằng anh ta đã nhìn thấy kẻ tấn công, và nhận ra đó là một người đồng nghiệp.
Ông cho biết người đàn ông đang mang một khẩu súng ngắn được trang bị kính ngắm laser, nhưng điều này vẫn chưa được các quan chức xác nhận.
Một nhân viên tại Công ty In ấn gần đó nói với ABC7 rằng họ đã trốn trong tủ khi vụ nổ súng bắt đầu. Những người khác trong các tòa nhà gần đó cho biết họ cũng tự khóa trái cửa.
Cảnh sát ở Aurora, Colorado – nơi một người đàn ông nổ súng trong một rạp chiếu phim đông người vào năm 2012 – đã nhanh chóng tweet rằng vụ việc không xảy ra ở thành phố Aurora ở bang Colorado.
Thượng nghị sĩ bang Illinois Tammy Duckworth nói: “Đây là một ngày đáng sợ, đáng buồn cho tất cả người dân Illinois và người Mỹ.”
Tổng thống Donald Trump đã đăng một dòng tweet trên Twitter gửi lời chia buồn tới các nạn nhân và nhân thân của họ.
Vụ việc xảy ra vào thứ Sáu, một ngày sau khi kỷ niệm một năm vụ xả súng ở một trường học tại Parkland, Florida, khiến 17 người chết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47263713

Hoa Kỳ và Facebook

thương lượng hàng tỷ Mỹ kim tiền phạt

Ảnh: Reuters
Washington, DC – Theo tờ Washington Post đưa tin vào hôm thứ Năm (14 tháng 2), chính phủ Hoa Kỳ và công ty Facebook đang thỏa thận dàn xếp sự việc rò rỉ quyền riêng tư, theo đó, Facebook có thể phải trả hàng tỷ Mỹ kim tiền phạt.
Tờ báo dẫn lời hai nguồn tin thân cận cho biết, Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và Facebook vẫn chưa hoàn tất thỏa thuận con số chính xác. Trong tam cá nguyện thứ 4, Facebook đã thu về 16.9 tỷ Mỹ kim doanh thu, và lợi nhuận 6.9 tỷ Mỹ kim. FTC đã điều tra nghi vấn Facebook chia sẻ thông tin của 87 triệu người dùng cho công ty tham vấn chính trị Anh quốc Cambridge Analytica. Cuộc điều tra tập trung vào việc liệu các dữ liệu được chia sẻ cho Cambridge Analytica, và các mâu thuẫn về quyền riêng tư, có vi phạm thỏa thuận bảo vệ quyền riêng tư người dùng được ký kết với FTC năm 2011. Ngoài ra, thỏa thuận dàn xếp cũng sẽ thay đổi cách Facebook kinh doanh.
Phía Facebook đã từ chối bình luận về bài báo của Washington Post. Phát ngôn viên Facebook cho biết, họ đang và sẽ luôn hợp tác với FTC. Phía FTC cũng từ chối yêu cầu bình luận.
Đối với các vi phạm về quyền riêng tư, mức phạt lớn nhất mà FTC từng đưa ra là 22.5 triệu Mỹ kim đối với công ty Alphabet Google vào năm 2012. Năm 2015, FTC cũng từng dàn xếp với công ty dược phẩm Teva Pharmaceutical Industries, với mức phạt 1.2 tỷ Mỹ kim để giải quyết vi phạm chống độc quyền của công ty con Cephelon. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-facebook-thuong-luong-hang-ty-my-kim-tien-phat/

Mỹ không vận thêm hàng viện trợ

tới biên giới Venezuela

Chính quyền Trump đang gửi thêm một lô hàng viện trợ nhân đạo lớn đến biên giới Venezuela-Colombia, lần đầu tiên sử dụng máy bay quân sự của Mỹ trong khi gia tăng áp lực buộc Tổng
thống Nicolas Maduro từ bỏ quyền lực, AP dẫn thông tin từ một email của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi đến Quốc hội.
Thông báo về viện trợ bổ sung được đưa ra vào lúc chính quyền Trump hôm thứ Sáu đưa tên người lãnh đạo công ty dầu mỏ của Venezuela và các sĩ quan tình báo quan trọng vào một danh sách dài những người trung thành với ông Maduro chịu chế tài của Mỹ.
250 tấn thực phẩm, bộ dụng cụ vệ sinh và chất bổ sung dinh dưỡng ngày thứ Bảy sẽ bắt đầu tới thành phố biên giới Cucuta của Colombia, nơi hàng tấn thùng cứu trợ khẩn cấp in cờ Mỹ đang nằm trong kho chờ được chuyển đến Venezuela.
AP cho biết email gửi hôm thứ Sáu được cung cấp cho hãng tin này bởi một trợ lí Quốc hội. AP nói người này không được phép thảo luận công khai về việc này.
Viện trợ được đưa ra theo yêu cầu của lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido, người mà Mỹ và hàng chục quốc gia khác đã công nhận là nhà lãnh đạo chính đáng của Venezuela sau khi Tổng thống Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kì thứ hai bị nhiều người coi là không chính danh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm thứ Sáu loan báo chế tài mới nhắm vào Thiếu tướng Manuel Quevedo, chủ tịch công ty dầu mỏ nhà nước PDVSA của Venezuela. Ông nói rằng ông Quevedo đóng vai trò chính yếu trong việc chống lưng cho “chế độ bất chính danh” của ông Maduro.
Các chế tài mới cũng nhắm vào bốn quan chức tình báo cao cấp, bao gồm người đứng đầu cơ quan cảnh sát tình báo SEBIN đáng sợ và một đơn vị biệt động tinh nhuệ được gọi là FAES bị cáo buộc thực hiện một số vụ giết người nhắm mục tiêu.
Các chế tài của Mỹ ngăn chặn tiếp cận bất kì tài sản nào mà các cá nhân sở hữu tại Mỹ và cấm công dân Mỹ kinh doanh với các đối tượng bị chế tài.
Trong một cuộc phỏng vấn với AP, ông Maduro cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Donald Trump bất cứ lúc nào hoặc ở bất cứ đâu để giải quyết cuộc khủng hoảng về việc Mỹ công nhận ông Guaido là Tổng thống chính đáng của Venezuela.
Ông Maduro nói với AP rằng Bộ trưởng Ngoại giao của ông đã gặp đặc phái viên Mỹ Elliott Abrams hai lần gần đây tại New York để đàm phán bí mật.
https://www.voatiengviet.com/a/my-khong-van-them-hang-vien-tro-toi-bien-gioi-venezuela/4789227.html

Venezuela : Ông Nicolas Maduro dự định

triển khai quân ở biên giới Colombia

Anh Vũ
Trong lúc hàng cứu trợ nhân đạo nước ngoài cho Venezuela đang đổ dồn đến Colombia, hôm qua, 15/02/2019, tổng thống Nicolas Maduro cam đoan sẽ cho triển khai quân đội tại biên giới với Colombia.
Trong một cuộc họp với các tướng lĩnh, ông Maduro đã chỉ đạo quân đội chuẩn bị « kế hoạch đặc biệt triển khai quân » tại biên giới với Colombia, có chiều dài 2200km. Ông muốn quân đội cân nhắc sử dụng lực lượng nào để bảo đảm đường biên giới của Venezuela « không bị xâm phạm ».
Có ý nhắc tới cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và Colombia hôm thứ Tư 13/02 bàn về viện trợ nhân đạo cho người dân Venezuela, ông Maduro nói : « Donald Trump và Ivan Duque đã thông báo tại Nhà Trắng về các kế hoạch chiến tranh chống lại Venezuela ».
Tổng thống Trump đã khẳng định lại ông đã nghiên cứu « mọi lựa chọn » để giải quyết khủng hoảng Venezuela, đồng thời ông nhấn mạnh Nicolas Maduro đã phạm một « sai lầm kinh khủng » khi ngăn hàng cứu trợ nhân đạo của quốc tế khi đất nước trong tình kiệt quệ.
Về phần tổng thống Colombia, ngày 15/02, ông Duque đã tỏ quyết tâm đưa hàng cứu trợ đến người dân Venezuela bằng cách trao đổi trực tiếp với ông Juan Guaido, tổng thống tự phong hiện được khoảng 50 nước công nhận.
Từ hôm 07/02, nhiều tấn lương thực, thuốc men được Hoa Kỳ chuyển tới Cucuta, thành phố Colombia sát biên giới, vẫn bị kẹt lại do chính quyền Caracas không cho phép chuyển qua Venezuela. Theo nhiều nguồn tin Bộ Quốc Phòng Mỹ, trong những ngày tới, quân đội Mỹ sẽ đưa tới Colombia thêm 200 tấn hàng cứu trợ cho dân Venezuela.
Tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido tuyên bố mạnh mẽ rằng bất kể thế nào hàng cứu trợ nhân đạo sẽ phải vào Venezuela ngày 23/02.
Đến giờ, ông Maduro vẫn từ chối mọi nguồn viện trợ nhân đạo từ nước ngoài, coi đó là cái cớ để Mỹ chuẩn bị xâm lược Venezuela. Tuy nhiên, ông Maduro cho biết đã mua 993 tấn hàng hóa y tế của Trung Quốc, Nga, Cuba và các đồng minh khác. Ông cam đoan sẽ phân phối kho trợ giúp lương thực với giá ưu đãi tới 6 triệu gia đình.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190216-venezuela-ong-nicolas-maduro-du-dinh-trien-khai-quan-o-bien-gioi-colombia

Hội nghị an ninh Munich mổ xẻ vai trò châu Âu

Anh Vũ
Khoảng ba chục nguyên thủ và vài chục bộ trưởng của các quốc gia trên thế giới từ hôm qua có mặt tại Munich, Đức để tham dự hội nghị an ninh quốc tế thường niên.
Ngày đầu tiên của diễn đàn được dành chủ yếu cho các cuộc thảo luận về tương lai quan hệ đồng minh giữa hai bờ Đại Tây Dương và vai trò của Liên Hiệp Châu Âu trong thời kỳ đầy bất trắc.
Đặc phái viên RFI tại Munich, Pascal Thibaut tường trình :
Đúng ra đó là hội nghị về mất an ninh đang diễn ra tại Munich cuối tuần này. Trong khi mà mối quan hệ liên Đại Tây Dương đang nhốn nháo và hiệp ước giải trừ tên lửa tầm trung (INF) đang bị đình lại, thì ở đây người ta cố gắng trấn an bằng cách biện hộ về một châu Âu mạnh hơn.
Chủ tọa hội nghị, ông Wolgan Ischinger đã gây ấn tượng khi khoác một chiếc áo pull hình cờ châu Âu khai mạc thảo luận. Ngoại trưởng Pháp Le Drian đã nhắc lại rằng châu Âu đã có chủ quyền hơn. Một số diễn giả khác nhắc lại công lao của Liên Minh Đại Tây Dương bất chấp các chỉ trích của tổng thống Mỹ.
Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhắc lại điều mà ông Donald Trump tâm đắc nhất. Ông nhấn mạnh NATO đã được trang bị tốt hơn trước các đe dọa mới.
Tổng thư ký Stoltenberg nói : « Giờ đây, các căng thẳng gia tăng. Lần đầu tiến từ nhiều năm qua chúng ta đã bắt đầu tăng ngân sách quân sự của mình ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức, bà Ursula von der Layen, phát biểu với nhiều ẩn ý. Bà thừa nhận việc Hoa Kỳ đòi hỏi các nước châu Âu cần đóng góp nhiều hơn là chính đáng. Thường bị Washington chỉ trích, Berlin đã tăng ngân sách dành cho Quốc Phòng, nhưng Mỹ vẫn cho là chưa đủ.
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức nói : « Chúng ta, những nước châu Âu, phải làm nhiều hơn nữa. Lời kêu gọi của Hoa Kỳ để NATO có nguồn tài chính cân đối hơn là chính đáng ».
Phó tổng thống Mỹ, Mike Pence sẽ có câu trả lời cho những tuyên bố của các nước châu Âu trong ngày hôm nay.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190216-hoi-nghi-an-ninh-munich-mo-xe-vai-tro-chau-au

Các nước phương Tây tăng chi tiêu quốc phòng

nhằm đi trước kỹ thuật của Trung Cộng và Nga

Munich, Đức – Hãng Reuters trích dẫn thông tin từ một báo cáo hội nghị đưa ra vào hôm thứ Sáu (15 tháng 2) cho biết, Hoa Kỳ đang đứng đầu trong số các nước Tây phương tăng đầu tư vào quốc phòng trong năm 2018. Các nước này muốn đi trước các bước thúc đẩy của Trung Cộng và Nga vào kỹ thuật quân sự tối tân.
Viện nghiên cứu an ninh quốc tế (IISS) cho hay, tại hội nghị Liên phòng Bắc Đại Tây Dương vào tháng 4 tới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể sẽ yêu cầu các nước châu Âu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và quân sự. Các cường quốc châu Âu sẽ phải tìm thêm 102 tỷ Mỹ kim để đáp ứng nhu cầu mới nhất của Tổng thống Trump.
Theo thông tin từ báo cáo tại Hội nghị An ninh Munich, số tiền đầu tư vào vũ khí và quốc phòng trên toàn thế giới tăng 1.8% trong năm 2018. Trong đó, Hoa Kỳ chiếm nửa lượng tăng này. Các cường quốc phương Tây lo lắng về việc Nga nâng cấp căn cứ không quân và hệ thống phòng không ở Crimea.
Trong khi đó, Trung Cộng cho ra mắt nhiều hệ thống vũ khí tối tân, và đang tham gia vào một chiến lược nhằm cải thiện khả năng của lực lượng quân sự để hoạt động bên ngoài đất nước. Trung Cộng đã tuyên bố tham vọng tối tân hóa quân đội của nước này vào năm 2035, do đó nước này đang ngày càng đẩy mạnh chi tiêu vào lĩnh vực quốc phòng. Mặc dù sự tăng trưởng kinh tế của Trung Cộng đang chậm lại, gây ra sự giảm sút trong chi tiêu, nhưng ngân sách quốc phòng vẫn tăng gần 6% trong giai đoạn 2017-2018. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/cac-nuoc-phuong-tay-tang-chi-tieu-quoc-phong-nham-di-truoc-ky-thuat-cua-trung-cong-va-nga/

Tại sao Châu Á vẫn chưa thôi Huawei?

Karishma VaswaniPhóng viên mảng kinh tế châu Á
Công ty viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei đang phải đối mặt với các phản ứng dữ dội trên toàn cầu nhưng có vẻ nó vẫn đang được ưa chuộng ở các nước châu Á.
Dù Mỹ đang gây áp lực buộc các đồng minh ở Châu Âu phải đóng cửa với Huawei, lo ngại rằng công ty này đang hoạt động do thám cho chính phủ Trung Quốc.
Một số công ty viễn thông châu Á đã nói với tôi rằng “công việc làm ăn vẫn bình thường” đối với Huawei ở nước họ.
Huawei luôn phủ nhận rằng họ là một mối đe dọa bảo mật và nói rằng họ sẽ không bao giờ làm tổn thương khách hàng của mình.
Vì sao Huawei khiến nhiều nước lo ngại
Tại sao công ty Huawei gặp quá nhiều rắc rối?
Huawei phạt nhân viên vì dùng iPhone để đăng tweet
Công ty cũng đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại và phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Nhưng điều đó đã không làm giảm sức hấp dẫn của nó đối với khách hàng châu Á.
Huawei là một trong những nhà cung cấp thiết bị viễn thông chính cho các nhà khai thác tiến hành thử nghiệm 5G tại Philippines, Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Và mới đây, trong cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei Asia Review, đại diện công ty này tuyên bố “tự tin sẽ tăng trưởng tại Việt Nam”.
Các nguồn tin trong ngành cho biết các đối thủ cạnh tranh không thể sánh với Huawei về chi phí và khả năng công nghệ.
5G là gì?
Internet tốc độ cao đã được mô tả là cột sống của nền kinh tế hiện đại và 5G là một phần quan trọng trong đó. Vì nó có đầy đủ các chức năng, và dự kiến sẽ biến đổi cách chúng ta sử dụng internet.
Huawei cũng là nhà cung cấp chính cho các nhà khai thác viễn thông tại các thị trường mới nổi, như Campuchia, nơi mạng 4G hiện tại của Huawei được xem như một phần không thể thiếu.
Ở mức cơ bản, 5G có nghĩa là có thể tải xuống một video dài trong chỉ vài giây. Theo một cách tinh vi hơn thì hãy nghĩ đến những chiếc xe tự động, ngôi nhà thông minh hay những thành phố được phủ sóng internet toàn bộ.
Một mạng 5G an toàn và bảo mật sẽ rất quan trọng đối với một nền kinh tế hiện đại trong tương lai, Tom Uren từ Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI) nói.
Và đó là lý do tại sao Huawei đang bị dò xét đến như vậy.
“Mặc dù không có công ty nào tạo ra các sản phẩm hoàn toàn an toàn, Huawei có những rủi ro bên lề còn lớn hơn rủi ro ‘thông thường’ khi mua một thiết bị phức tạp,” ông Uren viết trong một bài đăng trên trang web của ASPI.
Ông Uren chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa chính phủ Trung Quốc và các công ty địa phương, và nói rằng các công ty Trung Quốc bắt buộc phải tuân thủ việc hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ công tác tình báo.”
“Thiết bị sẽ bao gồm mạng 5G không chỉ là một thiết bị thụ động,” ông viết.
“Nó có toàn bộ khả năng hiển thị và kiểm soát tất cả các kết nối trong mạng. Nó sẽ xem ai gọi cho ai, khi nào, từ đâu và kiểm soát tuyến dữ liệu nào được gửi xuống.”
Huawei – rẻ hơn và tốt hơn?
Huawei được cho là đi trước một năm so với các đối thủ về công nghệ về những gì họ có thể cung cấp cho khách hàng, theo các nguồn tin trong ngành.
Globe Telecoms tại Philippines đã hợp tác với Huawei từ năm 2011 để giúp hiện đại hóa mạng lưới cơ sở hạ tầng viễn thông.
Cuối năm nay, Globe có kế hoạch đưa khách hàng lần đầu tiên được kết nối internet hoàn toàn khi sử dụng thiết bị Huawei để cung cấp kết nối 5G ở các khu vực của Manila, nơi không có internet.
“5G là một khối xây dựng quan trọng cho khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Philippines. Đây là lý do chúng tôi đang tăng tốc nỗ lực triển khai 5G, vì vậy chúng tôi có thể cung cấp cho càng nhiều người Philippines tiếp cận công nghệ này càng tốt,” giám đốc công nghệ và thông tin của Globe, Gil Genio, nói trong một tuyên bố với BBC.
Đối với nhiều quốc gia ở châu Á, việc cấm Huawei theo cách mà Mỹ và Úc là không thực tế.
Tuy có vài lựa chọn khác nhưng để tìm ra một nhà cung cấp khác có thể đánh bại mức giá mà Huawei đưa ra là khó khăn.
Mặc dù các hãng viễn thông hoặc Huawei sẽ không tiết lộ chi phí đối với khách hàng, nhưng nhiều người cho rằng công ty Trung Quốc sẽ giảm giá thậm chí đến 10% so với các công ty khác trên thị trường.
Và sau cùng là dịch vụ chăm sóc khách hàng của Huawei – các nhà phân tích nói rằng Huawei đã đi xa hơn bằng cách thiết lập một mạng lưới hỗ trợ khách hàng ở các quốc gia mà các công ty phương Tây thường bỏ qua vì cho rằng không đủ quan trọng.
Nhưng mối lo ngại cũng gia tăng
Nhưng trong khi có nhiều quốc gia ở châu Á cam kết với Huawei, mối lo ngại vẫn đang tăng lên. Theo các nhà phân tích bảo mật, sự quan tâm của quốc tế về công ty Trung Quốc này đang khiến một số chính phủ châu Á suy nghĩ lại về việc sử dụng các sản phẩm của Huawei.
Một công ty bảo mật nói với tôi rằng ngày càng có nhiều câu hỏi từ các khách hàng chính phủ về việc các sản phẩm của Huawei có vấn đề như thế nào và những bước họ có thể thực hiện để giảm thiểu những rủi ro đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-47263924

Đại sứ Pháp quay trở lại Ý

sau căng thẳng ngoại giao

Đại sứ Pháp tại Ý đã quay trở lại Rome vào ngày thứ Sáu, tám ngày sau khi được Tổng thống Emmanuel Macron gọi về nước, vào lúc hai nước láng giềng Châu Âu hóa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất của họ kể từ Thế chiến thứ hai.
Đại sứ Pháp tại Ý đã quay trở lại Rome vào ngày thứ Sáu, tám ngày sau khi được Tổng thống Emmanuel Macron gọi về nước, vào lúc hai nước láng giềng Châu Âu hóa giải cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất của họ kể từ Thế chiến thứ hai.
Một nhà ngoại giao cao cấp của Pháp mô tả vụ triệu hồi đại sứ là một “liệu pháp điện giật” cần thiết để chấm dứt “những vụ công kích liên tục, vô căn cứ” của các nhà lãnh đạo chính trị Ý nhắm vào Pháp, Reuters cho biết.
Một số nhà bình luận coi vụ triệu hồi là một phản ứng thái quá, nhưng các quan chức Pháp nói họ đã thuyết phục các chính trị gia Ý tái khẳng định công khai tình hữu nghị của họ với Paris và ngưng những lời lẽ công kích của họ – ít nhất là vào lúc này.
“Chúng tôi đã thổi còi đủ lớn để khiến mọi người dừng lại,” nhà ngoại giao này được Reuters dẫn lời nói.
Mối quan hệ giữa hai nước đồng minh thân thiết lâu nay đã ngày càng trở nên căng thẳng kể từ giữa năm 2018, với việc Phó Thủ tướng Ý Luigi di Maio và Matteo Salvini chỉ trích ông Macron và chính phủ của ông, chủ yếu là về vấn đề di cư.
Đại sứ Pháp được triệu hồi sau khi ông di Maio gặp gỡ các thành viên của phong trào “áo gi-lê vàng” ở Pháp. Phong trào này đã tổ chức các cuộc biểu tình đôi khi bạo lực chống lại chương trình cải cách kinh tế theo khuynh hướng tự do của ông Macron.
Chính sách di cư và các sáng kiến của Pháp nhằm mang lại hòa bình cho Libya, một thuộc địa cũ của Ý, mà không tham khảo ý kiến của Rome, đều là nguồn cơn gây căng thẳng trong những tháng gần đây.
Một sự chia rẽ trong chính phủ liên minh Ý về số phận của một đường hầm xe lửa xuyên dãy Alps hiện đang được thi công nối liền giữa Pháp và Ý, cũng có thể thử thách mối quan hệ của hai nước trong tương lai.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-phap-quay-tro-lai-y-sau-cang-thang-ngoai-giao/4789203.html

Hồi 14 của Áo Vàng : 56% người dân Pháp

muốn phong trào chấm dứt

Thu Hằng
Ngày 16/02/2019 đánh dấu ba tháng những người Áo Vàng xuống đường biểu tình. Hồi thứ 14, diễn ra trong hai ngày thứ Bẩy và Chủ nhật, được dự đoán là « chia rẽ » với cách thức và những khẩu hiệu trái ngược nhau.
Số liệu thống kê của chính phủ, khoảng 51.400 người biểu tình vào tuần trước, cho thấy sự thoái trào của Áo Vàng trong những tuần vừa qua. Trong khi đó, theo thăm dò của Elabe ngày 14/02, khoảng 56% người dân Pháp muốn phong trào Áo Vàng chấm dứt.
Đài truyền hình BFM TV cho biết tính đến 14 giờ, có khoảng 10.200 người Áo Vàng trên khắp nước Pháp, trong đó có 3.000 người ở Paris. Họ xuất phát từ quảng trường Ngôi Sao trên đại lộ Champs-Elysée và tuần hành « ôn hòa ».
Nhiều cuộc tập hợp khác cũng diễn ra ở quảng trường République, Bastille… ở Paris cũng như trên khắp nước Pháp : Bordeaux, Marseille, Lille, Lyon, Strasbourg, Montpellier… Lực lượng cảnh sát tiếp tục được huy động đông đảo để chống bạo động và đập phá cửa hàng.
Theo AFP, nhiều gương mặt tiêu biểu của phong trào Áo Vàng tỏ ra kín tiếng hơn, trong đó có Eric Drouet, người bị kết án một tháng tù treo vì « tổ chức tập hợp không xin phép ». Hôm 14/02, bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner đã lên án những lời đe dọa « đảo chính »của một đại diện Áo Vàng khác, Christophe Chalençon, khi người này trả lời báo chí Ý mà không rõ bị ghi âm.
http://vi.rfi.fr/phap/20190216-phap-56-nguoi-dan-bat-dau-chan-ao-vang

Pháp – Ý giảm căng thẳng ngoại giao

Thu Hằng
Cuộc khủng hoảng ngoại giao Pháp-Ý dường như đã hạ nhiệt. Sau một tuần bị triệu hồi về Paris để phản đối hai phó thủ tướng Ý can thiệp vào nội tình nước Pháp, đại sứ Pháp tại Ý Christian Masset đã quay lại Roma ngày 15/02/2019. Ông đã chuyển lời mời thăm Pháp của tổng thống Emmanuel Macron đến đồng nhiệm Sergio Mattarella.
Thông tín viên RFI Eric Sénanque tường trình từ Roma :
« Trước một vài nhà báo Pháp và Ý tại phòng làm việc ở điện Farnèse, đại sứ Masset bày tỏ : « Tôi rất vui vì có thể thắp lại ánh sáng ». Ông nhắc lại nhiều lần rằng mối quan hệ Pháp-Ý là nền tảng lâu đời, là cơ sở để tiếp tục quá trình hợp tác vì lợi ích của cả hai nước, cũng như cho các đối tác của hai bên, mà đứng đầu là Liên Hiệp Châu Âu. « Một mối quan hệ không thể bị tấn công », theo giải thích của đại sứ Pháp.
Đối với ông Masset, « Pháp sẵn sàng làm việc với Ý trên mọi chủ đề, kể cả những chủ đề gây bất đồng, nhưng trong sự tôn trọng lẫn nhau và mong muốn hợp tác ». Đây là những điều kiện duy nhất để tiến lên phía trước. Đại sứ Pháp tại Ý đề cập đến một chương mới, từ giờ được mở ra giữa hai nước. Ông Masset bày tỏ, tình hữu nghị Pháp-Ý « không chỉ là những lời nói ».
Bất đồng giữa Roma và Paris dường như đã lùi lại. Ngay khi trở lại Roma, đại sứ Pháp đã được tổng thống Ý Sergio Mattarella tiếp ở điện Quirinal. Nhân dịp này, ông Masset đã trao tận tay bức thư của tổng thống Emmanuel Macron đến tổng thống Ý để mời đồng nhiệm Ý thăm chính thức Paris trong những tháng tới ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190216-phap-y-giam-cang-thang-ngoai-giao

Pháp: Báo động về chăm sóc

người rối loạn tâm lý, tâm thần

Thùy Dương
Một vụ cháy lớn xảy ra tại một khu nhà ở phố Erlanger, quận 16, Paris, trong đêm 04 rạng sáng 05/02/2019 đã khiến 10 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Vụ việc được truyền thông Pháp nói đến rất nhiều, không chỉ bởi đây là vụ hỏa hoạn gây nhiều thiệt hại về người nhất tại thủ đô nước Pháp suốt từ 14 năm qua, mà còn bởi nguyên nhân gây ra thảm cảnh.
Nghi phạm là một người phụ nữ 40 tuổi sống trong tòa nhà. Điều đặc biệt là người phụ nữ này có tiền sử rối loạn tâm thần. Từ năm 2009 đến năm 2019, bà đã từng 13 lần phải nhập viện Sainte-Anne để chữa trị bệnh tâm thần. Lần gần đây nhất, sau hơn chục ngày điều trị, từ ngày 18 đến ngày 30/01/2019, bà được bác sĩ cho xuất viện. Chưa đầy 1 tuần sau đó, người phụ nữ này phóng hỏa đốt chung cư. Vụ việc lại làm dấy lên nhiều tranh luận về cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần tại Pháp.
Hội chứng « cửa xoay »
Bà Marie-Jeanne Richard, chủ tịch Hiệp hội gia đình của những người mắc bệnh tâm thần, nhấn mạnh trên đài Arte ngày 08/02/2019: « Thực ra không thể nói là tất cả những người có rối loạn về tâm lý đều sẽ gây ra hành vi bạo lực. Rõ ràng là như vậy. Thực sự chúng ta cần nói rõ và nhắc đi nhắc lại điều đó. Không phải vì có vấn đề tâm lý là người ta sẽ phạm tội hay gây tội ác. Phải nói rõ như vậy.
Ngoài ra, có một điều mà chúng ta thấy rõ, đó là hội chứng mà người ta gọi là « cửa xoay » là một vấn đề quan trọng. Việc theo dõi, chữa trị thường bị ngắt quãng. Vấn đề trong vụ hỏa hoạn nằm ở chỗ, như chúng ta đã nghe, người phụ nữ đã qua 13 lần nằm viện điều trị, cứ ra viện rồi lại nhập viện. Điều này cũng có nghĩa là bà ấy bị bỏ rơi khi đang được chăm sóc, với những đợt trị liệu bị huỷ bỏ. »
Theo nhiều chuyên gia, hội chứng « cửa xoay », hiện tượng nhiều người rối loạn tâm lý, tâm thần nhiều lần nhập viện, xuất viện lặp đi lặp lại – như trường hợp nghi phạm vụ phóng hỏa nói trên ở Paris – phản ánh tình trạng người bệnh không được điều trị đủ lâu, thường phải ra viện quá sớm khi thần kinh chưa thực sự ổn định. Điều này cũng cho thấy hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần tại Pháp đang ngày càng xuống cấp.
Tại các thành phố lớn, cảnh những người đi lang thang, nói cười một mình, gào thét, khóc lóc trên phố hay tại các bến tàu điện ngầm là cảnh thường thấy. Liệu có phải số người như vậy đang ngày càng nhiều ? Rất khó để biết rõ vì hiện không có số liệu cụ thể, nhưng khi phát biểu với báo Le Parisien, bác sĩ Antoine Pelissolo, trưởng khoa tâm thần của bệnh viện Henri-Mondor, thành phố Créteil, cùng Val-de-Marne, ngoại ô Paris, nhận xét : « Quá nhiều người bị như vậy không phải là điều bình thường ».
Còn giáo sư tâm thần học Michel Lejoyeux thuộc bệnh viện Bichat cho rằng : « Đó thực sự là một vấn đề. Không thể chấp nhận được chuyện không có một nghiên cứu đánh giá nào về một vấn đề nghiêm trọng như vậy ». Bác sĩ tâm lý Marion Leboyer, thuộc bệnh viện Henri-Mondor, đồng tác giả cuộc điều tra gây sốc « Tâm thần học : Tình trạng khẩn cấp » thì phẫn nộ : « Một phần lớn người dân không được chăm sóc đúng mức ».
Trong khi dân số tăng và số người phải đi khám tâm lý cũng ngày càng nhiều, thì số giường bệnh tại các khoa, bệnh viện tâm thần lại giảm mạnh 60-70% trong vòng 30 năm qua. Báo Le Parisien ngày 16/01/2019 cho biết theo nhiều nghiên cứu trong năm 2018, 20% dân Pháp mắc chứng rối loạn tâm lý, trầm uất, rối loạn lưỡng cực hay còn được biết đến với tên gọi bệnh phấn khích – trầm cảm, tự kỷ, tâm thần phân lập … Mỗi năm, tại Pháp có 10.000 vụ tự tử do rối loạn tâm thần và số vụ người có vấn đề tâm lý tìm cách tự vẫn là 220.000 vụ.
Còn theo báo Le Monde ngày 18/08/2018, trong năm 2016, có tổng 2,1 triệu bệnh nhân được thăm khám và theo dõi tại 3.900 trung tâm khám tâm lý hoặc các bệnh viện tâm thần. Riêng số bệnh nhân được điều trị tại các bệnh viện tâm thần là 417.000 người.
Bệnh viện tâm thần quá tải
Các bệnh viện tâm thần là nơi điều kiện chăm sóc bệnh nhân ngày càng tồi tệ. Trong một phóng sự trên kênh truyền hình Arte ngày 08/02/2019, bác sĩ tâm lý Bellashen trích dẫn hai trong số các ý kiến than phiền của bệnh nhân: « Khi chúng tôi gặp vấn đề, chúng tôi không thể trao đổi với các y tá. Khoa tâm lý, tâm thần không còn như trước đây nữa. Chúng tôi vẫn là chúng tôi với các vấn đề của chính mình. Cần thảo luận để làm dịu bớt mọi chuyện. Điều này có liên quan đến việc giảm quân số. Càng có ít người thì càng có ít thời gian ». Một người khác thì nói : « Chúng tôi cần có thời gian chứ không cần nghe y tá nói là ‘Ông bà hãy quay lại khi khác nhé’. Các nhân viên y tế ở đây lẽ ra là để chăm sóc chúng tôi, giúp đỡ chúng tôi ».
Nhiều bệnh nhân kể lại với bác sĩ Bellashen là họ ngày càng có ít đối thoại trao đổi với y bác sĩ trong các cơ sở chăm sóc tâm lý, tâm thần, ngày càng uống nhiều thuốc và đặc biệt ngày càng có ít mối liên hệ với xã hội, thế giới bên ngoài.
Trong năm 2018, nhiều y bác sĩ đã đấu tranh đòi cải thiện điều kiện khám xét, chăm sóc bệnh nhân tại các bệnh viện tâm thần ở nhiều thành phố trên cả nước Pháp, từ Bourges, Rennes, đến Amiens, Saint-Etienne … Một nhân viên chăm sóc tâm lý tham gia tuần hành trên đường phố lấy làm tiếc : « Trước đây, chúng tôi có đông người và chúng tôi có thể làm nhiều việc cùng với bệnh nhân. Khi họ cần chúng tôi để giảm nhẹ nỗi lo sợ, chúng tôi đồng hành hỗ trợ họ. Bây giờ thì chúng tôi không thể làm như vậy nữa. Điều mà người ta đòi hỏi chúng tôi bây giờ chỉ là lợi nhuận và lợi nhuận. »
Bác sĩ tâm thần Bellashen chia sẻ thẳng thắn trên đài Arte : « Chuyện hàng ngày tại một khoa tâm lý, tâm thần, nếu quý vị muốn biết, thì hiện giờ phải nói một cách rõ ràng là sự phản kháng của các nhân viên chăm sóc trong các bệnh viện tâm thần không phải là do vấn đề về tiền lương mà là làm thế nào để bệnh nhân được tiếp đón xứng đáng với nhân phẩm của họ. Và ngay cả chúng tôi, về đạo đức nghề nghiệp, chúng tôi cũng tự cảm thấy rất xấu hổ, chúng tôi cảm thấy những điều chúng tôi làm là không xứng đáng với nhân phẩm ».
Điển hình nhất trong phong trào đấu tranh của đội ngũ y bác sĩ tâm thần của các bệnh viện là phong trào của « Áo Blu Đen » - tập thể các nhân viên của Bệnh viện tâm thần Rouvray, tại thành phố Scotteville-Iès-Rouen.
Truyền thông Pháp trích dẫn nhiều bác sĩ, y tá, hộ lý và cả các bệnh nhân theo đó điều kiện tại bệnh viện này là đáng báo động, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, các phòng bệnh quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường, trẻ em nằm chung phòng với người lớn, thậm chí nhiều giường bệnh được kê cả trong phòng làm việc của nhân viên, có bệnh nhân phải ngủ ngồi trên ghế vì không có giường nằm.
Bệnh viện quá tải khiến nhiều bệnh nhân chưa thực sự ổn định trở lại đã được cho ra viện để có chỗ cho bệnh nhân khác nhập viện. Không chỉ thiếu giường bệnh mà bệnh viện còn thiếu cả y tá, hộ lý, khiến đội ngũ y bác sĩ phải làm việc quá sức, không khí làm việc căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ bệnh nhân.
Ông Nicolas Fourneyron, một đại diện của Áo Blu Đen, giải thích trên đài France 3 ngày 20/03/2018 : « Các nhân viên chăm sóc trong bệnh viện này rõ ràng là đã kiệt sức. Nhân viên tại các bệnh viện khác cũng vậy, tôi nghĩ thế. Và sau giờ làm, chúng tôi thường trở về nhà mà không dứt khỏi được các vấn đề ở bệnh viện. Công việc là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng tôi.
Và như tôi đã nói, chúng tôi làm công việc này vì chúng tôi muốn chăm sóc mọi người. Nhưng giờ ngay đến việc chăm lo cho chính chúng tôi, chúng tôi cũng thấy rất khó khăn. Mỗi người phải tự lo cho mình. Chúng tôi thật không may. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện đều trở nên khó khăn hơn cho tất cả mọi người. Cần phải làm một điều gì đó, nếu không mọi chuyện sẽ thực sự nổ tung mất ».
Đối với các nghiệp đoàn ở bệnh viện tâm thần Rouvray, giải pháp duy nhất là thành lập thêm các khu điều trị dài ngày. Y tá Cyril Boutin, thuộc nghiệp đoàn CGT phát biểu trên đài France 3 : « Nói khái quát thì bệnh viện cần có thêm ít nhất 35 giường bổ sung hay cho trường hợp khẩn cấp, tương đương với gần hai khu điều trị lúc nào cũng kín bệnh nhân. Vì thế, chúng tôi yêu cầu các cơ quan quản lý và bộ Y Tế cung cấp phương tiện để đưa các khu điều trị này vào hoạt động và nhằm đón tiếp bệnh nhân xứng đáng với nhân phẩm của họ ».
Sau nhiều tháng đình công, thậm chí có nhiều y bác sĩ tuyệt thực trong suốt hai tuần liền để gây áp lực cho bộ Y Tế, cuối cùng thì vào tháng 06/2018, đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện tâm thần Rouvray được tăng cường bổ sung thêm 30 người. Tương tự, bệnh viện tâm thần ở thành phố Le Havre cũng được nhận bổ sung 34 y bác sĩ.
Tuy nhiên, một số bệnh viện tâm thần lại lâm vào tình cảnh dù được phép tuyển dụng thêm người nhưng vẫn có nhiều vị trí bị bỏ trống. Theo Le Monde, nghiệp đoàn thầy thuốc chuyên khoa tâm thần tại các bệnh viện ước tính có khoảng 900-1.000 vị trí hiện vẫn bị bỏ trống. Dường như không nhiều người « mặn mà » với công việc ở các bệnh viện tâm thần vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Trung tâm khám tâm lý cho thanh thiếu niên cũng quá tải
Không chỉ các bệnh viện tâm thần bị quá tải, mà các phòng khám, nhất là các trung tâm khám tâm lý cho trẻ em, thanh thiếu niên (CMP) cũng lâm vào tình trạng này. Để đặt hẹn khám tâm lý cho con, nhiều phụ huynh thậm chí phải đợi cả năm trời, việc chẩn bệnh vì thế bị muộn, các em nhỏ có vấn đề tâm lý nhiều khi không được theo dõi và trị liệu. Các bậc phụ huynh có con mắc bệnh có cảm giác bị bỏ rơi, một mình phải tự mò mẫm, xoay xở chăm sóc các bé.
Phát biểu trên đài RFI ngày 10/02/2019, bác sĩ Clémentine Badet, thuộc một trung tâm khám tâm lý CMP ở thành phố Amiens, miền bắc nước Pháp, chia sẻ cảm giác bất lực : « Thật là đau lòng, thật là đáng thất vọng. Chúng tôi có vấn đề về quân số. Chúng tôi không có đủ người làm việc trong trung tâm khám tâm lý này.
Chúng tôi có một dự án về chăm sóc và hỗ trợ người có vấn đề về tâm lý. Nếu mà tôi có thể có mối liên hệ chặt chẽ hơn, chẳng hạn với đồng nghiệp là nhân viên trợ giúp xã hội không quá bận bịu, hoặc nếu tôi có thể thu xếp để hẹn gặp bệnh nhân hay gia đình họ một, đến hai lần mỗi tuần, thì chúng tôi cảm thấy sẽ có thể giải quyết được điều gì đó, nhưng chúng tôi không có đủ người để làm như vậy. Đôi khi việc đó cần rất nhiều thời gian ».
Cuộc khủng hoảng của hệ thống chăm sóc tâm lý, tâm thần cũng đã được bộ trưởng Y Tế, Agnès Buzin thừa nhận hồi cuối tháng 12/2018. Theo lãnh đạo ngành Y Tế, lĩnh vực này của Pháp « chậm trễ một cách khó tin ». Bộ trưởng Buzin đã cam kết chi thêm 50 triệu euro ngân sách năm 2019 để cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần. Bộ Y Tế Pháp cũng mong muốn đến năm 2022, tất cả các bác sĩ đa khoa phải có kỳ thực tập về tâm thần học trong khóa học bác sĩ nội trú, bởi vì khi hành nghề họ sẽ phải thường xuyên đối diện với các bệnh lý tâm thần.
http://vi.rfi.fr/phap/20190215-phap-bao-dong-ve-cham-soc-nguoi-roi-loan-tam-ly-tam-than

Vì sao TQ cố gắng đầu tư đường sắt Đông Nam Á ?

Khi nhà thầu Nhật Bản Itochu và nhà sản xuất xe lửa Hitachi rút khỏi một bỏ thầu cho dự án đường sắt cao tốc gần Bangkok, đây dường như là một chiến thắng khác đối với Trung Quốc, theo Nikkei.
Thái Lan trong nhiều thập kỷ qua là trung tâm của chiến lược của Tokyo đối với Đông Nam Á, và các kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt mô hình “shinkansen” rộng lớn ở phía đông và phía bắc nước này nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai quốc gia đã được thương thảo từ lâu.
Nhưng trong khi dự định của Nhật Bản bị trì hoãn vì những bất đồng về tài chính và các vấn đề khác, Bắc Kinh đã tranh thủ đẩy mạnh việc xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc khác cũng ở Thái Lan. Đối với một vài người, dự án đường sắt là một biểu tượng cho những ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại một quốc gia mà Nhật đã xây dựng mối quan hệ trong hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc về tuyến đường sắt cao tốc tại Đông Nam Á chưa dừng lại tại Bangkok.
Kết thân Singapore
Theo kế hoạch của Bắc Kinh, với mạng lưới đường sắt xuyên Á 3.000 km, các tuyến đường sắt Trung Quốc sẽ còn vươn xa về phía nam, trải dài qua Malaysia và đi vào Singapore.
Tọa lạc đầu bán đảo Malay, Singapore là 1 thành viên phát triển nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cũng là một trong những nước có mối quan hệ mạnh mẽ nhất với Washington tại khu vực, giúp dự án tăng phần ý nghĩa đối với Trung Quốc.
“Nếu Bắc Kinh có thể cầu thân thành công với Singapore, và đưa nước này vào quỹ đạo của họ, có thể có nghĩa là Singapore giảm mối quan hệ an ninh với Hoa Kỳ, sẽ cho Bắc Kinh nhiều “vùng trời” hơn để hoạt động ở Đông Nam Á”, theo Phó giáo sư Stephen Nagy, Đại học Quốc tế Christian tại Tokyo. Điều đó cũng có thể có nghĩa là ASEAN sẽ trở nên “dễ bảo” hơn đối với các yêu cầu của Trung Quốc, như việc thúc đẩy kiểm soát Biển Đông, Stephen nói thêm.
Singapore cũng là cửa ngõ vào Eo biển Malacca, điểm nối giao thông hàng hải – nối Trung Đông “giàu có dầu mỏ” với Đông Á “đói năng lượng”. Các tàu của Mỹ thì neo đậu tại các cảng Singapore và diễn tập hải quân hàng năm với nước này.
Tuy nhiên, một sự thay đổi kịch tính trong chính trị Malaysia đã khiến kế hoạch của Trung Quốc đối với Singapore bị trì hoãn.
Thủ tướng 93 tuổi Malaysia cam kết “dọn đường” cho người kế nhiệm
Sau cuộc bầu cử hồi tháng Năm, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã quyết định ngừng “ngay lập tức” tuyến đường sắt bờ biển phía đông trị giá 20 tỷ USD, kéo dài 688 km nối từ phía nam Thái Lan đến Kuala Lumpur. Đồng thời, hoãn lại 2 năm tuyến đường sắt cao tốc dài 350 km giữa thủ đô của Malaysia và Singapore.
Điều quan trọng là, dự án ước tính từ 18 tỷ đến 27 tỷ USD bị đóng băng – chứ không bị bỏ rơi hoàn toàn. Ông Mahathir 93 tuổi, và ông đã cam kết sẽ “dọn đường” cho một người kế nhiệm trong 1 – 2 năm, và câu hỏi đặt ra là liệu nhà lãnh đạo tiếp theo sẽ đứng vững với Trung Quốc như ông hay không. Và Malaysia đã đàm phán với Trung Quốc về các điều khoản mới cho tuyến đường sắt bờ biển phía đông.
Dưới thời Mahathir, Malaysia đã rút lui khỏi các dự án cơ sở hạ tầng được “tài trợ – bẫy nợ” được ưa chuộng bởi người tiền nhiệm Najib Razak, người sẽ đối mặt với khoảng 40 cáo buộc liên quan tới tham nhũng tại tòa vào tháng tới.
Một tuyến đường hao tiền tốn của tại Lào
Lào có dân số dưới 7 triệu người, và được Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm “quốc gia kém phát triển nhất”. Bất chấp những lo ngại về khả năng thanh toán cho phần của họ, Trung Quốc đã hậu thuẫn một dự án đường sắt cáo tốc 160kph tại quốc gia hình thành tuyến đầu trong mạng lưới đường sắt châu Á của Trung Quốc.
Nếu tất cả theo kế hoạch, tuyến đường 417 km sẽ nối thủ đô Viêng Chăn, Lào với thành phố Côn Minh, Trung Quốc.
Dự án đã được quốc hội Lào phê duyệt năm 2012, nhằm chặn lại những lo lắng rằng họ không thể chi trả tổng chi phí xây dựng khoảng 6 tỷ USD. Sáng kiến Vành đai – Con đường ra mắt vào năm sau, đưa dự án quay trở lại đúng hướng. Với việc Trung Quốc đồng ý gánh 70% tổng chi phí xây dựng, dự án khởi công năm 2015 và bắt đầu xây dựng cuối 2016. Dự án đã được tái khẳng định trong chuyến thăm Lào của ông Tập Cận Bình năm 2017, theo Nikkei.
Chính phủ Lào đã chấp nhận dự án này với hy vọng cải thiện hệ thống đường sắt của đất nước sẽ giảm chi phí vận chuyển lấy đà cho thương mại. Địa hình của Lào đặt ra những thách thức riêng. Tuyến đường sắt sẽ cần tới 167 cây cầu và 75 đường hầm để xuyên qua quốc gia miền núi. Tuy nhiên, dự án đã không tạo ra nhiều việc làm như người dân địa phương hy vọng, vì Trung Quốc đã đưa các kỹ sư và công nhân của họ tới.
Tham vọng nghìn tỷ USD
Trung Quốc đã rất muốn phát triển lục địa và đầu tư rất nhiều cho việc kéo về phía tây đối với Trung và Đông Nam Á.
Sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá 1 nghìn tỷ USD của nước này được thiết kế nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nhằm nhập khẩu năng lượng và các tài nguyên quan trọng khác. Đồng thời cũng là con đường xuất khẩu hàng hóa sang các khu vực khác của lục địa Á-Âu mà không phải dựa vào tuyến đường biển dễ gặp nguy cơ vấp phải các lệnh trừng phạt tiềm năng của phương Tây và phong tỏa hải quân, theo phó giáo sư Stephen Nagy, Đại học Quốc tế Christian tại Tokyo.
Khát vọng thống nhất Đông Nam Á
Giấc mơ về một tuyến đường sắt xuyên Á bắt nguồn từ thời thuộc địa, khi Anh và Pháp đã cố gắng phát triển một mạng lưới đường sắt kết nối các thuộc địa của họ ở Đông Dương.
Năm 1995, các thành viên ASEAN đã có một ý tưởng tương tự, phản ánh khát vọng thống nhất toàn bộ Đông Nam Á, theo ông Seiya Sukegawa, cựu quan chức thương mại và phó giáo sư tại Đại học Kokushikan, Tokyo.
Từ những năm 1990, Nhật Bản hợp tác với Ngân hàng Phát triển Châu Á, đã giúp ASEAN xây dựng các hành lang giao thông trên toàn khu vực.
Theo mô hình của Nhật, Thái Lan được định vị là một nền tảng để xây dựng các liên kết cơ sở hạ tầng với các nước khác nội Đông Nam Á. Kết nối đường sắt với Trung Quốc không phải là một ưu tiên.
Thời thế đổi thay
Đối với các quan chức Tokyo, mối quan hệ Bangkok – Bắc Kinh như một cú sốc, và cho thấy một thông điệp rằng thời thế đã đổi thay, cảnh quan địa chính trị đang dịch chuyển. Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã thay thế Nhật trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Thái Lan, và nổi lên là nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp lớn thứ 2 sau Nhật.
Hơn 10 triệu du khách từ Trung Quốc mỗi năm tới Thái Lan cung cấp một nguồn ngoại tệ quan trọng cho một quốc gia tăng trưởng chậm chạp và bất ổn chính trị liên miên.
Tiến sỹ Surachart Bamrungsuk, giáo sư khoa học chính trị Đại học Chulalongkorn cho biết, các liên kết đường sắt sẽ có tác động lớn đến an ninh quốc gia Thái Lan. “Chắc chắn, một chuyến tàu cao tốc là một ‘chuyến tàu chính trị’ vì đây là một phần trong kế hoạch chiến lược của Trung Quốc nhằm kết nối Đông Nam Á với Trung Quốc”, ông Surachart nói.
Trung Quốc cũng đang tranh giành cho một tuyến đường sắt cao tốc dài 220 km kết nối 2 sân bay quốc tế tại Bangkok, Suvarnabhumi và Don Mueang, và một cửa ngõ thay thế thứ 3 tại U-Tapao, Thái Lan.
Một tập đoàn gồm Xây dựng Đường sắt Trung Quốc cũng đang đấu thầu dự án trị giá 7 tỷ USD, ngay cả khi các tập đoàn Nhật Bản, gồm Hitachi, Itochu và công ty xây dựng Fujita đã quyết định đứng ngoài cuộc vì lý do thiếu khả năng tài chính.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26222-vi-sao-tq-co-gang-dau-tu-duong-sat-dong-nam-a.html

Thế giới ‘tỉnh mộng’ với Huawei của TQ

Sự thật về các sản phẩm công nghệ của Huawei đang dần bị phơi bày, chính phủ các nước dần “tỉnh mộng” và gia tăng cảnh giác trước hãng sản xuất thiết bị viễn thông giá rẻ lớn nhất thế giới đến từ Trung Quốc này.
Trong một bài viết đăng ngày 1/2, tờ The BL khẳng định rằng việc Huawei sử dụng công nghệ của họ để đánh cắp những bí mật thương mại công nghệ, bí mật nhà nước và thậm chí là bí mật cá nhân của người dùng là chuyện hoàn toàn có thể.
Cụ thể, các mạng lưới truyền và liên kết các dữ liệu sẽ được xâu chuỗi với các loại thiết bị điện tử công nghệ cao khác nhau, chẳng hạn như bộ định tuyến và chuyển mạch. Những thiết bị điện tử này có thể sao chép, chuyển tiếp dữ liệu và chuyển hướng dữ liệu hoặc thay đổi dữ liệu khi chuyển phát.
Huawei đã thu được nhiều lợi nhuận hơn và chiếm được thị phần lớn hơn nhờ vào sự chuyển giao công nghệ này, điều này có nghĩa là một phần lớn dữ liệu của thế giới đã và đang được truyền đi thông qua công nghệ của Huawei. Và thế là từ email trao đổi giữa các tướng lĩnh quân đội cho đến những hồ sơ khai thuế của cá nhân, tất cả rất có thể đã được truyền dẫn thông qua công nghệ của Huawei.
huawei Một camera giám sát được gắn gần trụ sở Thâm Quyến của Huawei, phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 18/12/2018. (Ảnh: AP / Andy Wong).
Trong lĩnh vực bảo mật thông tin có 3 mục tiêu cốt lõi: Tính bảo mật; tính toàn vẹn và tính sẵn sàng của thông tin. Ai nắm quyền kiểm soát công nghệ truyền dẫn, thì người đó có khả năng chi phối bất kỳ hoặc cả ba mục tiêu này theo ý họ, mà không ai hay biết.
Bên cạnh đó, Huawei còn xây dựng các tháp điện thoại di động và bất cứ người nào làm việc bên trong các tòa tháp đó đều có thể nghe lén và ghi âm lại các cuộc hội thoại của những người trong các khu vực đã gắn các thiết bị.
Cánh tay đắc lực của chính phủ Trung Quốc
Tờ Guardian cho biết, “Hoa Kỳ xem Huawei như là cánh tay của chính quyền Trung Quốc – và thiết bị của họ có khả năng là công cụ gián điệp của Bắc Kinh”.
Người sáng lập Huawei, tỷ phú Nhậm Chính Phi, đã bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu điện tử của mình trong quân đội Trung Quốc, nhưng ngay cả khi không phải vậy, thì công ty của ông cuối cùng vẫn sẽ phục vụ cho chính quyền Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đã âm thầm tung những vòi “xúc tu” vươn sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội Trung Quốc, một điều hoàn toàn tương phản với hình ảnh cởi mở mà chính quyền nước này nỗ lực tô vẽ, The BL bình luận.
Tỉnh mộng
Huawei lúc này đang phải đối mặt với lệnh cấm từ chính phủ nhiều quốc gia, tương tự các công ty công nghệ khác của Trung Quốc. Điển hình là Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Đài Loan đã “tẩy chay” Huawei, Đức và EU cũng đang xem xét điều đó.
Theo Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, vào tháng 2/2018, các quan chức của FBI, CIA và NSA đã khuyến nghị mọi người không nên mua thiết bị của Huawei hoặc bất kỳ một công ty Trung Quốc nào khác, điển hình như ZTE.
Chính phủ các nước đang dần thức tỉnh, và những khách hàng cá nhân cũng bắt đầu gia tăng cảnh giác trước một “tính năng bổ sung” – không thể nhìn thấy – nhưng đã được phát hiện, của các sản phẩm công nghệ đến từ Huawei, theo The BL.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/26221-the-gioi-tinh-mong-voi-huawei-cua-tq.html

Trung-Thổ căng thẳng

vì Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Hình ảnh nhà thơ và nhạc sĩ người Duy Ngô Nhĩ Abdurehim Heyit xuất hiện trong một video mới đây đã xua tan nghi ngờ về cái chết của người nghệ sĩ nổi tiếng ở vùng Tân Cương, nhưng không vì thế mà khiến căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc giảm bớt, theo VOA.
Đoạn video được một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc cho công bố hôm Chủ nhật (10/2), trong đó ông Heyit nói mình vẫn ổn. Video xuất hiện chỉ một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố “hết sức đau buồn” về cái chết của ông Heyit, và lên án cách đối xử của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với người nghệ sĩ nổi tiếng của người Duy Ngô Nhĩ.
Theo VOA, nhiều nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ là một sai lầm ngoại giao nghiêm trọng và tin là nó có thể gây thiệt hại lâu dài cho quan hệ Trung-Thổ. Nhưng những người khác lại nghĩ rằng cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ về cái chết của ông Heyit dù có sai cũng không là gì đối với việc Trung Quốc đang giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong cái gọi là “trại cải tạo” trên khắp vùng tây bắc của nước này, một việc làm mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ mô tả là “một nguyên nhân lớn tạo ra sự xấu hổ cho nhân loại”.
“Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể sai về một trường hợp duy nhất [của Heyit]. Nhưng nhìn chung, tôi nghĩ mức độ chú ý của thế giới đối với Tân Cương tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh”, Arthur Ding, một nghiên cứu viên tại khoa Quan hệ quốc tế, Viện Đại học Quốc gia Chengchi, nói.
Heyit, 57 tuổi, là một nhà thơ, cũng là một nhạc sĩ kiêm vai trò ca sĩ, ông làm việc cho một đoàn kịch ở Tân Cương, ông bị nhà chức trách bắt giam vào đầu năm 2017 với nghi ngờ ông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Không có minh bạch ở Tân Cương
Việc ông Heyit vẫn bị điều tra sau hai năm giam giữ “là bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy bản chất tư pháp [ở Trung Quốc] trong những vụ giam giữ như này”, Michael Clarke, phó giáo sư tại Đại học An ninh Quốc gia Úc, nói trong email gửi cho VOA.
Giáo sư Úc nói thêm rằng Trung Quốc cần chứng minh tính xác thực của video về Heyit, điều mà ông Clarke coi là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đang bắt đầu cảm thấy áp lực trước các chỉ trích quốc tế đối với chính sách Tân Cương của mình.
Cả Clarke và Ding đều thống nhất quan điểm rằng tuyên bố sai về cái chết của Heyit là kết quả dễ hiểu của sự thiếu minh bạch của những gì mà chính quyền Trung Quốc đã và đang thực hiện ở Tân Cương, và điều này cũng phản ánh những lo ngại của thế giới về hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
VOA cho hay, Trung Quốc hiện không cho thấy dấu hiệu cởi mở hơn về cách đối xử với ông Heyit hoặc kế hoạch đóng cửa các trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, điều này được thể hiện thông qua việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ‘lờ’ đi những câu hỏi chi tiết.
Tại sao người đàn ông Duy Ngô Nhĩ phải đau khổ thốt lên- Tôi thà bắn mẹ và vợ mình còn hơn
  Lo ngại tăng cao, quan hệ sứt mẻ
Ông Tugrul Keskin, giám đốc Trung tâm quản trị toàn cầu tại Đại học Thượng Hải, cho rằng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi đưa ra tuyên bố của mình mà không kiểm chứng kỹ về thông tin nghệ sĩ Heyit chết trong tù. Nhưng ông Keskin nghi ngờ rằng nhiều nước Hồi giáo có thể cũng sẽ lên tiếng về số phận của người Duy Ngô Nhĩ như cách mà Thổ Nhĩ Kỳ đã làm.
Trong khi đó Clarke, giáo sư Đại học An ninh Quốc gia Úc, đồng ý với quan điểm cho rằng nhiều quốc gia Hồi giáo trong khu vực, đặc biệt là ở Trung Á và Trung Đông, “đã xem Trung Quốc như một đối trọng với Mỹ và là nhà đầu tư [của họ] thông qua BRI [Sáng kiến Vành đai và Con đường]”.
Người Duy Ngô Nhĩ và những người ủng hộ đứng trước tòa nhà Liên Hợp Quốc biểu tình phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Trung Quốc ở Tân Cương, hôm 15/3/2018. (Ảnh: AP)
Nhưng, trong email gửi cho VOA ông viết, “có một số dấu hiệu cho thấy các quốc gia Trung Á (ví dụ Kazakhstan) hay chính xác hơn là người dân của họ đang dần nhìn nhận vấn đề này nghiêm trọng hơn [vấn đề Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ] khi thấy [bên cạnh người Duy Ngô Nhĩ thì] người dân tộc Kazakhstan và người Slovak ở Tân Cương cũng bị bắt vào các trại [cải tạo]”.
Trong cuộc họp báo hôm thứ Hai (11/2), phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã không đáp lại yêu cầu của phóng viên muốn biết thêm chi tiết về tình trạng của ông Heyit, thay vào đó bà Hoa liên tục xoáy vào Thổ Nhĩ Kỳ.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những lời buộc tội vô căn cứ đối với Trung Quốc dựa trên lời nói dối vô lý khi miêu tả người sống là đã chết. Điều này là vô cùng sai lầm và vô trách nhiệm, và chúng tôi kiên quyết phản đối”, bà Hoa nói.
Bắc Kinh hôm thứ Ba đã đưa ra một cảnh báo đối với công dân của họ rằng không nên tới Thổ Nhĩ Kỳ du lịch; một cảnh báo tương tự đã được ban hành vào tháng 12/2018 liên quan đến du lịch Canada và Thụy Điển, sau vụ CFO của Huawei bị Ottawa bắt theo đề nghị của Washington.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/26220-trung-tho-cang-thang-vi-bac-kinh-dan-ap-nguoi-duy-ngo-nhi.html

Các nhà đầu tư nhỏ Trung Quốc mệt

vì chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Thu Hằng
Sau vòng đàm phán thứ ba tại Bắc Kinh kết thúc hôm 15/02/2019, hai phái đoàn Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ gặp lại nhau vào tuần tới tại Washington. Dù hai ngày làm việc « đạt hiệu quả » nhưng chưa đủ để đạt được một thỏa thuận, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tỏ ra lạc quan về khả năng chấm dứt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Theo thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh, giới đầu tư nhỏ Trung Quốc, hiện bị tác động vì cuộc chiến thương mại song phương, kỳ vọng rất nhiều vào khả năng « đình chiến ».
« Hình ảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến gặp phái đoàn Mỹ tại Đại lễ đường Nhân dân hôm 15/02 vẫn chưa đủ để lên tinh thần cho những nhà đầu tư nhỏ Bắc Kinh. Ở sàn chứng khoán Trung Tín (Zhongxin), vài chục nhà đầu tư nhỏ vẫn dán mắt lên các màn hình và các biểu đồ xanh đỏ của thị trường chứng khoán Thượng Hải lúc đóng cửa.
Ông Chen, một người nghỉ hưu, tìm kết quả cuộc đàm phán Mỹ-Trung trên chiếc điện thoại thông minh. Ông nói : « Tôi theo dõi sát sao các cuộc đàm phán, việc này rất quan trọng. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận, thị trường chứng khoán sẽ tăng lên. Nếu không được như vậy, sẽ lại có một đợt giảm mới. Điều này kéo dài từ một năm nay rồi. Thậm chí, ngay cả trong giai đoạn hưu chiến thương mại, giá cổ phiếu vẫn không ổn định ».
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã gây ra nhiều hệ quả, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp bị các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm đến.
Với cặp kính nhỏ, cổ áo khoác kéo cao lên tận tai, bà Liu, 70 tuổi, biết mình đang nói gì : « Chắc chắn là cuộc chiến thương mại ảnh hưởng đến giá cổ phiếu và nó không ngừng hạ xuống. Trong vòng một năm, tôi bị mất hơn 200.000 tệ. Nếu cuộc chiến ngừng lại, tình hình sẽ tốt hơn ! Hoa Kỳ nhắm đến các doanh nghiệp như Hoa Vi và ZTE và cổ phiếu của nhưng công ty này bị mất giá. Như tôi chẳng hạn, tôi đã mua cổ phiếu của ZTE và tôi đã bị mất ! »
Chắc chắn là các nhà đầu tư nhỏ Bắc Kinh, phần lớn là người cao tuổi, sẽ còn theo dõi sát sao các cuộc đàm phán diễn ra vào tuần tới ở Washington ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190216-cac-nha-dau-tu-nho-trung-quoc-met-vi-chien-tranh-thuong-mai-my-trung

Xung khắc Ấn Độ-Pakistan

từ ngày lập quốc quanh Kashmir

Xung đột tại Kashmir chỉ là một phần của quan hệ không thân thiện giữa hai nước lớn ở Tiểu lục địa Nam Á.
Ngày 15/02/2019, Ấn Độ tuyên bố sẽ ‘cô lập toàn bộ’ Pakistan sau vụ 46 binh sỹ Ấn bị bom cảm tử giết chết tại vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát hôm 14/02.
Vụ đánh bom Pulwama được Dehli cho là do nhóm chiến binh Hồi giáo Jaish-e-Mohammad đóng ở Pakistan gây ra.
Nhưng xung khắc giữa Ấn Độ (1,3 tỷ dân) với Pakistan (212 triệu) đã có từ ngày hai quốc gia này hình thành năm 1947, khi các vùng thuộc địa Anh giành độc lập.
Chuyến bay định mệnh từ Đà Nẵng
Ấn Độ sợ bị Trung Quốc ‘cắt cổ gà’
Ấn Độ – TQ giành ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương
Ngôi làng bị biên giới Ấn Độ-Pakistan chia cắt
Xung đột Ấn Độ – Pakistan
Thời thuộc địa Anh, tiểu lục địa Ấn Độ được chia làm trên 500 vương quốc, công quốc, lãnh địa nhỏ do các ông hoàng bản địa lãnh đạo về hình thức, còn quyền lực thật do người Anh nắm giữ.
Người Anh làm chủ bộ máy hành chính, quân đội, hệ thống hỏa xa, bưu chính, và ngoại giao nhưng không can thiệp vào các tập tục văn hóa, tôn giáo bản địa.
Jammu và Kashmir chỉ là hai trong số hàng trăm lãnh địa nhỏ.
Vùng đất của đa số người Hồi giáo nằm về phía Tây tiểu lục địa cũng chỉ mới có tên là Pakistan vào năm 1933.
Hậu thuộc địa và chia cắt
Vào tháng 8/1947, Anh Quốc quyết định trao trả độc lập cho vùng Nam Á, và cắt Pakistan thành nước cho người theo Hồi giáo.
Còn Ấn Độ sẽ là quốc gia cho đa số người theo Ấn giáo và các đạo khác.
Chừng 14 triệu người bị đuổi khỏi nhà cửa, phải chọn trở thành công dân của một trong hai quốc gia mới, trong cuộc chia cắt vĩ đại, gọi là Partition.
Khoảng 2 triệu người bị giết trong xung đột theo sau cuộc di cư khổng lồ đó, tạo ra không khí thù địch mang màu sắc tôn giáo, sắc tộc đầu tiên cho hai nước.
Các tiểu vương quốc đều phải chọn hoặc trở thành bộ phận của Dominion of Pakistan, hoặc Dominion of India.
Nhưng Jammu và Kashmir không chọn theo Pakistan.
Tháng 10/1947, một nhóm vũ trang từ Pakistan đem quân vào chiếm Kashmir.
Vị tiểu vương ở Kashmir kêu gọi Ấn Độ trợ giúp và giao tranh Ấn Độ – Pakistan lần 1 tại Kashmir nổ ra.
Tháng 5/1948, quân chính quy Pakistan lên biên giới và giao tranh với quân đội Ấn Độ.
Cuộc chiến chỉ tạm ngưng vào tháng 1/1949.
Nhiều thập niên thù địch
Sau cuộc chiến 1949, Liên Hiệp Quốc phải cử quân gìn giữ hòa bình vào phân giải tranh chấp tại Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.
Nhưng lời hứa mở trưng cầu dân ý để người địa phương tự quyết đã không được thực hiện.
Năm 1954, Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn luật đưa Jammu và Kashmir vào lãnh thổ Cộng hòa Ấn Độ.
Nhưng phần do Ấn Độ kiểm soát chỉ chiếm 2/3 Kashmir, nay có khoảng 12 triệu dân.
Năm 1957, bang Kashmir thuộc Ấn Độ thông qua hiến pháp, dựa trên căn bản Hiến pháp Ấn Độ.
Bên phía Pakistan, vùng bán tự trị Azad Jammu và Kashmir được thành lập.
Từ ‘azad’ có nghĩa là tự do, hàm ý đây là sự lựa chọn của người địa phương.
Nhưng một vùng lớn hơn, gồm cả lãnh địa cũ của hai vương quốc cổ Hunza và Nagar, thì do chính quyền Pakistan trực tiếp quản trị.
Pakistan không công nhận bang Kashmir do Ấn Độ lập ra.
Năm 1962 và 1963, sau chiến tranh Trung – Ấn ở vùng núi Himalaya, Ấn Độ và Pakistan đồng ý mở đàm phán về biên giới ở Kashmir dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ và Anh Quốc mà không đạt kết quả gì.
Năm 1965: chiến tranh Ấn Độ – Pakistan lại nổ ra từ tháng 4 đến tháng 9.
Năm 1971: giao tranh Ấn Độ – Pakistan bùng nổ ở diện rộng vì vấn đề Đông Pakistan, vùng nói tiếng Bengal, nằm cách biệt khỏi Tây Pakistan và muốn độc lập.
Ấn Độ đưa quân vào trợ giúp người bản địa chống lại quân đội Pakistan, là bắt sống 90 nghìn tù binh Pakistan ở Dhaka.
Đông Pakistan tuyên bố độc lập, thành nước Bangladesh vào cuối 1971.
Năm 1974, Islamabad công nhận Bangladesh, và ký đường Kiểm soát Hành chính tại Kashmir với Ấn Độ dài 450 dặm nhưng không công nhận bang Kashmir thuộc Ấn Độ.
Các năm 1987-89: nhóm đấu tranh Kashmir nổi lên chống quyền lực của Dehli.
Phong trào vũ trang Hồi giáo Jammu và Kashmir chống Ấn Độ được Pakistan công khai hỗ trợ “về đạo lý và ngoại giao”.
Năm 1998, cả Pakistan và Ấn Độ đều thử vũ khí nguyên tử.
Pakistan phóng thành công tên lửa tầm xa Ghauri, mang tên một chiến binh Hồi giáo từng chinh phục Ấn Độ vào thế kỷ 12.
Tháng 5/1999, lần đầu từ 30 năm, Ấn Độ oanh kích lực lượng do Pakistan yểm trợ tại vùng núi phía Bắc Kargil, nằm về bên do Ấn Độ kiểm soát.
Sau đó, trong nhiều tháng liền, Ấn Độ cho pháo kích hàng trăm nghìn lần vào các vị trí trong khu vực họ cho là ‘quân khủng bố’ kiểm soát, làm 50 nghìn dân ở hai bên đường giới tuyến phải sơ tán, trở thành người tỵ nạn.
Cuối 1999, tướng Pervez Musharraf làm đảo chính, lên nắm quyền ở Pakistan.
Năm 2002: căng thẳng lại lên cao. Ấn Độ thử hỏa tiễn Agni có khả năng mang đầu đạn nguyên tử. Musharraf tuyên bố đáp trả toàn diện mọi tấn công của Ấn Độ nếu xảy ra.
Năm 2010-17: phong trào đòi độc lập cho Kashmir lên cao. Các vụ tấn công vào quân đội Ấn Độ cũng xảy ra rải rác.
Năm 2015: lần đầu thủ tướng Narendra Modi sang thăm Lahore, chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Ấn Độ sang Pakistan trong một thập niên.
Năm 2016: tình hình lại xấu đi với vụ tấn công của du kích Hồi giáo vào quân đội Ấn Độ, làm chết 18 quân nhân Ấn ở Uri.
Xung đột Ấn Độ – Pakistan cũng chịu ảnh hưởng của địa chính trị khu vực.
Năm nay, 2019, sau vụ đánh bom tại Pulwama, Ấn Độ muốn đưa tên ông Masood Azhar, lãnh đạo nhóm Jaish-e-Mohammed, vào danh sách khủng bố của Liên Hiệp Quốc.
Tin mới nhất cho hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước đồng minh của Pakistan, không ủng hộ điều đó.
Pakistan từng nhượng cho Trung Quốc một phần Kashmir và nay nhận nhiều tiền đầu tư vào Hành lang Kinh tế khổng lồ nối vùng phía Bắc nước họ với Biển Ả Rập.
Ấn Độ phản đối Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở Nam Á.
Những năm qua, Ấn Độ và Trung Quốc có đối đầu nhỏ tại vùng núi cao.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47254722

Thủ tướng Ấn cảnh báo Pakistan:

‘sẽ đáp trả mạnh mẽ’ vụ tấn công ở Kashmir

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm thứ Sáu 15/2 cảnh báo Pakistan rằng New Dehli sẽ đáp trả mạnh mẽ vụ đánh bom ở Kashmir đã giết chết 44 cảnh sát bán quân sự, làm tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Vụ đánh bom xe nhắm vào một đoàn xe cảnh sát hôm 14/2 là vụ tấn công thảm khốc nhất trong nhiều thập kỷ từ khi cuộc nổi dậy được phát động ở bang Jammu và Kashmir, bang duy nhất của Ấn Độ có đa số dân theo Hồi giáo.
Phát biểu sau khi gặp các cố vấn an ninh để thảo luận về các lựa chọn của Ấn Độ, ông Modi tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đáp trả đích đáng, chúng tôi sẽ không cho phép nước láng giềng gây bất ổn cho chúng tôi”.
Nhóm Hồi giáo hiếu chiến Jaish-e-Mohammad (JeM) trú đóng ở Pakistan đã nhận trách nhiệm ngay sau khi một kẻ đánh bom tự sát đâm chiếc xe chở đầy chất nổ vào chiếc xe buýt chở nhân viên cảnh sát.
Ấn Độ trong nhiều năm đã cáo buộc Pakistan hậu thuẫn phiến quân ly khai ở vùng Kashmir bị chia cắt. Cả Ấn Độ lẫn Pakistan đều tuyên bố chủ quyền trên toàn khu vực, nhưng mỗi bên chỉ kiểm soát được một phần vùng lãnh thổ này.
Pakistan bác bỏ cáo buộc đó, nói rằng họ chỉ ủng hộ về mặt chính trị cho những người Hồi giáo bị đàn áp ở khu vực này trên dãy Hy Mã Lạp sơn.
Trong một tuyên bố, Nhà Trắng kêu gọi Pakistan hãy “chấm dứt ngay lập tức những sự hỗ trợ đó, và ngưng cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho tất cả các nhóm khủng bố hoạt động trên đất của Pakistan”.
Ấn Độ nói họ có những bằng chứng chắc chắn về sự dính líu của Pakistan vào vụ tấn công. Chính phủ Pakistan lập tức bác bỏ cáo buộc này, và miêu tả vụ tấn công là một vấn đề “nghiêm trọng” đáng quan tâm.
https://www.voatiengviet.com/a/4788706.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.