Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 30/01/2019

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019 15:08 // ,

Tin Việt Nam – 30/01/2019

Trung tá Công an ‘lấy chân tác động’ người làm chứng

Ngày 30/1/2019, Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Công an Thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Trung tá Huỳnh Minh Lễ, Phó Công an phường Phú Thạnh, đồng thời yêu cầu ông này tường trình để xử lý kỷ luật theo quy định do vi phạm trong công tác.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày và mô tả hành động của ông Huỳnh Minh Lễ là ‘vung chân trúng mặt người dân’. Mạng báo Pháp luật thành phố dẫn lời Đại tá Dũng giải thích với báo giới về vụ việc cũng nói rằng Phó Công an phường Huỳnh Minh Lễ chỉ ‘lấy chân tác động’ chứ không phải là đạp hay đá.
Đại tá Nguyễn Văn Dũng được dẫn lời rằng theo báo cáo ban đầu, khi đến trụ sở công an để làm việc, anh Lê Hữu Quốc đã uống bia rượu, nói lớn tiếng. Khi ông Lễ nhắc nhở thì anh Quốc nằm vạ ra nền nhà. Tuy nhiên khi Trung tá Công an Huỳnh Minh Lễ lấy chân tác động vào người anh Quốc là không đúng.
Anh Lê Hữu Quốc người bị Trung tá công an đạp vào ngực và mặt cho hay vào chiều ngày 29/1 anh lên phường làm chứng cho vụ đánh nhau ở địa phương.
Anh trình bày :“Một lát sau, tôi thấy đứa em đi cùng để làm chứng từ trong phòng đi ra nhưng không mặc áo. Ngay sau đó, em ấy quay lại phòng. Tôi thấy lạ chạy theo hỏi thì em ấy trả lời là công an yêu cầu cởi áo để chụp hình vết thương trên người do bị thương lúc can ngăn đánh nhau.
Khi tôi vừa quay ra thì gặp ông Huỳnh Minh Lễ bước vào. Ông Lễ hỏi tôi đi đâu rồi ông ấy bất ngờ lao vào bóp cổ, xô té tôi. Tiếp đó, ông Lễ hung hãn xông vào dùng chân đạp liên tiếp lên người tôi,” anh Quốc thuật lại.
Như Đài Á Châu Tự Do thông tin, chiều tối ngày 29/1 trên tài khoản Facebook cá nhân Diem Dang xuất hiện đoạn clip cho thấy một viên trung tá đạp vào mặt và ngực một thanh niên tại trụ sở Công an.
Chị Diễm, người vợ của nạn nhân Lê Hữu Quốc kể lại sự việc trên Facebook cá nhân cho biết, sau khi xảy ra vụ việc có các lực lượng công an, cảnh sát cơ động cầm dùi cui đến nhà đòi đưa anh Quốc tiếp tục lên công an làm việc.
Trong một đoạn video khác, chị Diễm kêu cứu vì có nhiều người lạ mặt lởn vởn trước nhà. Các video này sau đó đã biến mất khỏi tài khoản Facebook của chị Diễm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/police-official-trampled-on-the-face-of-citizen-01302019082617.html

Hơn 10 ngàn công nhân Mỹ Phong mất việc

Hơn 10 ngàn công nhân Công ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Giày Da Mỹ Phong ở Trà Vinh bị mất việc.
Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 30 tháng 1. Theo đó thì Giám đốc Sở Lao Động- Thương Binh và Xã Hội tỉnh Trà Vinh xác nhận với báo giới rằng Công ty TNHH Giày Da Mỹ Phong vào chiều ngày 29 tháng 1 công bố cho hơn 10.100 công nhân thôi việc.
Thời gian thôi việc bắt đầu từ ngày 1 tháng 2 tới đây.
Lý do được nêu ra là đối tác tại Hoa Kỳ bị phá sản khiến gần 70% lượng hàng xuất khẩu của công ty không thể tiêu thụ được.
Tin cho biết thêm trước thực tế này, Liên Đoàn Lao Động tỉnh Trà Vinh đã làm việc với Công ty Mỹ Phong nhằm có thể bảo đảm quyền lợi cho những công nhân bị cho thôi việc theo đúng phát luật Việt Nam.
Cụ thể Công ty Mỹ Phong thống nhất thực hiện các nghĩa vụ trả thưởng tết, trả lương hai tháng 1 và 2, chi trả chế độ thôi việc, trợ cấp mất việc chốt sổ Bảo hiểm Xã Hội, hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng chế độ Bảo Hiểm Xã Hội, Bảo Hiểm Thất Nghiệp…
Công ty TNHH Mỹ Phong là đơn vị 100% vốn đầu tư nước ngoài của Đài Loan, Trung Quốc. Công ty được thành lập vào năm 2005 sản xuất giày nữ bán sang các thị trường Âu Châu, Hoa Kỳ.
Hiện Công ty Mỹ Phong có 19 ngàn công nhân so với thời điểm cao nhất là 28 ngàn công nhân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/more-than-10000-workers-lose-the-job-at-my-phong-company-01302019083409.html

Bác sỹ Hoàng Công Lương bị án tù 42 tháng

Bác sỹ Hoàng Công Lương trong vụ án ‘chạy thận nhân tạo chết người’ vừa bị tuyên án 42 tháng tù với tội danh ‘vô ý làm chết người’ trong phiên xử sơ thẩm tại Tòa án Nhân dân thành phố Hòa Bình.
Ngoài ông Lương, còn có sáu bị cáo khác chịu các mức án tù khác nhau, từ 30 tháng đến 54 tháng tù.
BS Hoàng Công Lương: Phòng xử bị ‘phá sóng’
Vụ BS Hoàng Công Lương: Tòa trả hồ sơ, điều tra lại
Chạy thận Hòa Bình: Khởi tố giám đốc công ty bảo dưỡng máy
Tòa chấp nhận cáo buộc của Viện Kiểm sát, theo đó nói ông Lương đã chủ quan ra y lệnh chạy máy lọc thận trong khi chưa có căn cứ xác định chất lượng nước, dẫn đến gây chết người.
Cơ quan công tố cho rằng ở vị trí bác sỹ có chuyên môn, ông Lương phải biết tầm quan trọng của nước dùng chạy thận cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng nước trong quá trình bảo dưỡng, khi có tẩy rửa màng RO và đường ống.
Tuy nhiên, trước ngày tuyên án ít hôm, trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với báo điện tử Tri thức Trẻ, ông Lượng nói rằng các kiến thức mà phía Viện Kiểm sát cho là bắt buộc phải biết là những thứ mà ông không hề được dạy.
“Nếu tôi có tội và phải đi tù, thì hy vọng sau phiên tòa này, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục sẽ phải thay đổi trong việc đào tạo, trang bị kiến thức cho sinh viên các thế hệ sau,” ông Lương nói với Tri thức Trẻ.
‘Hồ sơ có dấu hiệu bị chỉnh sửa’
Ông Lương tại tòa cũng cho rằng những chứng cứ mà cơ quan công tố dùng để buộc tội ông “đã có dấu hiệu bị chỉnh sửa”, theo báo Lao động.
Trong các phiên tranh tụng diễn ra trước ngày tuyên án ít hôm, các luật sư bào chữa cho ông Hoàng Công Lương đã nêu ra những dấu hiệu mà bên bảo vệ bị cáo cho là nhằm hợp thức hóa hồ sơ, thậm chí có thể là ngụy tạo hồ sơ, để quy trách nhiệm cho ông Lương.
Các luật sư yêu cầu tòa trả hồ sơ để điều tra làm rõ những nghi vấn trên, hoặc phải chấp nhận tính không hợp lệ của các bằng chứng có nghi vấn và do đó phải tuyên bác sỹ Lương vô tội.
Quan điểm trên đã không được tòa chấp nhận.
Ông Hoàng Công Lương nói ông vô tội và sẽ ‘kháng cáo đến cùng’.
Phiên tòa sơ thẩm bắt đầu từ 15/5/2018.
Trong quá trình xét xử, hồi 6/2018, tòa đã trả lại hồ sơ và yêu cầu điều tra bổ sung.
Vụ chín bệnh nhân chạy thận tử vong gây chấn động dư luận xảy ra năm 2017.
Thời điểm đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thuê công ty bên ngoài sửa chữa hệ thống lọc nước RO.
Sau khi công việc hoàn thành, các cán bộ bệnh viện, trong đó có bác sỹ Hoàng Công Lương, đã không kiểm tra chất lượng nước cũng không báo cáo cấp trên về kết quả sửa chữa mà vẫn cho hệ thống hoạt động để lọc thận cho 18 bệnh nhân, theo cáo trạng của Viện Kiểm sát.
Kết quả làm chín người chết do tồn dư axit trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.
Hồi tháng 5/2018, bác sĩ Lương từng gửi tâm thư đến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong được ‘xem xét lại bản chất của vụ án…’ để ‘không làm oan người vô tội’.
Thời điểm đó cũng có một chiến dịch kêu gọi ủng hộ bác sĩ Hoàng Công Lương thu hút hơn 10.000 chữ ký từ đồng nghiệp, người dân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47030786

Vụ Vũ ‘nhôm’: Hai tướng công an

bị phạt 2 năm rưỡi và 3 năm tù

Cựu thứ trưởng công an Việt Nam Bùi Văn Thành bị Tòa tuyên phạt 30 tháng tù và Trần Việt Tân bị phạt 36 tháng tù về cùng tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 285, khoản 2 – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Ông Bùi Văn Thành, sinh năm 1959, cựu Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, còn ông Trần Việt Tân, sinh năm 1955, cựu Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Hai tướng công an khai ‘không thao túng đất vàng’
VN: Đâu là thực chất trận đồ chiến dịch ‘đốt lò’?
Thủ tướng VN cách chức Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành
Vụ án Vũ Nhôm: Khởi tố cựu quan chức TP HCM
Báo Tuổi Trẻ cho hay, Hội đồng Xét xử nhận định đủ căn cứ cáo buộc ông Thành và ông Tân “có hành vi giúp sức hoặc thiếu trách nhiệm để ông Vũ ‘nhôm’ thâu tóm đất công sản.
Nói lời sau cùng trước tòa, ông Tân, cho biết: “Bản thân cảm thấy rất xót xa và tội đến đâu, tôi nhận đến đấy, không đổ cho bất cứ ai.”
Trước đó, hai cựu thứ trưởng công an Việt Nam khai không được báo cáo việc ông Vũ “nhôm” bán “bất động sản nghiệp vụ” làm của riêng.
15 năm tù cho ông Vũ ‘nhôm’
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ngày 30/1 cũng đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Hữu Bách (sinh năm 1963, cựu Đại tá, Phó Cục trưởng Cục B61, Tổng cục V, Bộ Công an) và Phan Hữu Tuấn (sinh năm 1955, cựu Trung tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục V, Bộ Công an) cùng bị phạt 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 356, khoản 3 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tổng hợp với bản án trước đó về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước,” hình phạt chung áp dụng với bị cáo Nguyễn Hữu Bách là 11 năm tù, bị cáo Phan Hữu Tuấn là 12 năm tù.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trước đó, ngày 31/10/2018, đã bị tòa phúc thẩm xử 8 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Nhưng bị cáo đang kháng án vụ này, vì thế hiện tại, tạm thời tòa chưa tổng hợp hình phạt của hai vụ với ông Vũ.
Bình luận
Hôm 30/1, Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận với BBC từ TP. HCM:
“Vụ án xét xử hình sự hai tướng công an, đồng thời là thứ trưởng Bộ công an liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ đã làm hé lộ ra cho công chúng thấy nhiều góc khuất của nền kinh tế nước nhà. Trong đó, ngành công an đã tham gia kinh doanh dưới danh nghĩa các công ty bình phong chiếm rất nhiều ưu quyền để chiếm giữ, sử dụng công sản quốc gia trục lợi bất hợp pháp cho cá nhân.”
“Không thể nhìn vụ án đơn giản là đã gây hậu quả thất thoát về tài sản quốc gia mà thực tế, đã gây hậu quả ở bình diện lớn hơn là phá hoại nền kinh tế nước nhà vốn đã yếu kém thì nay còn bị lũng đoạn, làm méo mó đi sự vận hành lành mạnh của nền kinh tế. Nguyên tắc bình đẵng giữa các chủ thể kinh doanh không còn được bảo đảm.”
“Chưa kể, điều đáng nói nhất là những hành vi bất hợp pháp đã được dung dưỡng ngay chính trong cơ quan bảo vệ pháp luật! “
“Với hậu quả nặng nề gây ra cho nền kinh tế quốc gia, mà hình phạt tuyên nặng nhất chỉ 36 tháng tù thì lại nhẹ nhàng như “gãi ngứa”, khó mà thuyết phục được công chúng tâm phục, khẩu phục đối với quyết định của thẩm phán xét xử.”
Bộ Công an Việt Nam ngày 14/12/2018 thông báo khởi tố bị can với ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Đây là một phần trong cuộc điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Phan Văn Anh Vũ, còn biết tới với tên gọi Vũ ‘nhôm’ và đồng phạm thực hiện.
Cùng ra tòa trong phiên xử này là cựu Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Phan Hữu Tuấn và cựu Phó cục trưởng B61 – Tổng cục Tình báo Nguyễn Hữu Bách.
Các bị cáo bị thẩm vấn về vai trò của họ trong việc ký các văn bản, đề nghị UBND TP.HCM, Đà Nẵng cho hai công ty bình phong của ông Vũ được nhận quyền sử dụng 7 khu đất có tổng diện tích 6.700m2 nhà và 26.800m2 đất ở các vị trí đắc địa, trị giá hơn 2.500 tỷ đồng không qua đấu giá.
Hồi tháng 12/2018, cựu thượng tá an ninh Việt Nam Phan Văn Anh Vũ bị tòa tuyên phạt thêm 17 năm tù về tội ‘lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản’ cộng với bản án 9 năm tù tuyên trước đó.
Truyền thông trong nước cho hay tại tòa hôm 28/01 cựu Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành thừa nhận tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” như cáo trạng của VKSND Tối cao.
Cựu Thứ trưởng Trần Việt Tân cho biết ông nhận trách nhiệm người đứng đầu phụ trách về mặt hành chính nhưng không phải tư cách người đứng đầu về trách nhiệm hình sự.
Trong phần thẩm vấn diễn ra sáng 28/1, ông Phan Văn Anh Vũ khẳng định ông ta cho thuê, chuyển nhượng các lô “đất vàng” ở Đà Nẵng, TP.HCM để “phát triển tiềm lực kinh tế tình báo”.
Trong khi đó hai cựu thứ trưởng công an Thành và Tân khai rằng họ không biết việc ông Vũ chuyển nhượng, sử dụng trái mục đích các lô đất cho đến khi vụ án được khởi tố.
Hồi tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản ra thông báo về vi phạm của ông Bùi Văn Thành, Thứ trưởng Công an, trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, đã để xảy ra nhiều vi phạm gồm việc ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật.
Còn ông Trần Việt Tân bị cho là thiếu trách nhiệm, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản vào ngày 28/7/2018 quyết định cách hết chức vụ trong Đảng với ông Bùi Văn Thành, và cách chức Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Trần Việt Tân.
Việc đưa ra xét xử các vụ đại án trong những năm gần đây được xem là nỗ lực làm trong sạch bộ máy chính quyền của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Ông Trọng hồi cuối năm ngoái nói ‘Trung ương không bao giờ nhụt chí’ trong nỗ lực phòng chống tham nhũng.
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội vào hôm 24/11/2018, ông nói: “Tôi đã nói ai nhụt chí thì đứng sang một bên… Trung ương không bao giờ nhụt chí, lòng dân đang lên như thế, ngay cả quốc tế cũng phải thừa nhận và đánh giá cao”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47052788

Chính quyền đập phá chùa, bắt sư thầy

nhập Giáo hội Phật giáo của nhà nước

Tuấn Khanh
Chùa Sơn Linh Tự, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, là ngôi chùa đầu tiên trong năm 2019, bị nhà cầm quyền Việt Nam đập phá bất ngờ, nhân lúc thầy trụ trì đi nằm bệnh viện. Mục đích chính của nhà cầm quyền là muốn thầy trụ trì Thích Đồng Quang phải gia nhập giáo hội của nhà nước quản lý, bên cạnh đó còn vòi vĩnh hối lộ để cho giấy phép xây chùa.
Thầy Thích Đồng Quang, mua đất dựng tịnh thất từ năm 2009 tại thị trấn Plei Kần. Chỉ là 50m2 đất, nhưng chính quyền ở đây nhất quyết không cho xây kiên cố. Tịnh thất chỉ là ván bìa, vách gỗ làm chỗ thờ phụng của thầy Thích Đồng Quang. Từ năm 2015, thầy đi đi lại lại để xin phép nhưng chính quyền ở đây không cho, lại làm áp lực với thầy cũng như với Phật tử.
Khi bài phỏng vấn này đưa lên, những Phật tử chung quanh thầy Thích Đồng Quang có cảnh báo rằng phía nhà cầm quyền địa phương đang có những biểu hiện cử các an ninh thường phục hoặc côn đồ thuê mướn theo đuổi, có khả năng làm hại thầy Thích Đồng Quang, chỉ vì thầy dám lên tiếng với truyền thông tự do trong và ngoài nước.
Tuấn Khanh: Chính quyền địa phương đã nói gì về việc đập phá chùa của thầy trong lúc thầy đi vắng? Hoặc trước đó họ có giấy thông báo gì cho thầy không?
Thích Đồng Quang: Dạ, thưa anh, trước đây chính quyền địa phương cũng có đánh giấy mời, gọi lên làm việc. Thầy cũng mang đơn lên xin dựng chùa nhiều lần nhưng họ không cho. Khi hỏi lý do vì sao không cho, thì họ nói rằng đất này nằm trong khu quy hoạch mà họ sẽ giải tỏa. Thầy có yêu cầu họ cho xem các sơ đồ và quyết định giải tỏa nhưng họ nói không có, và nói là chỉ có xác định trước như vậy thôi.
Rồi ngày 11/1/2019, khi thầy đang nằm trị bệnh ở bệnh viện ngoài Đà Nẳng, vì có dấu hiệu là ung thư đại tràng giai đoạn đầu, thì nghe điện thoại của Phật tử gọi vào, nói rằng chùa đã bị đập phá. Đây là việc hoàn toàn bất ngờ vì việc xảy ra khi thầy đang nằm viện.
Lúc đó, thầy mới chứng minh rằng chung quanh, các công ty,doanh nghiệp… thậm chí nhà dân đều xây dựng vẫn được nhưng tại sao riêng tịnh thất của thầy lại gặp khó khăn? Chính quyền ở đây không trả lời được. Nhưng qua nhiều năm, nhiều lần thì thầy hiểu rằng mục đích của họ đàn áp tôn giáo.
Rồi ngày 11/1/2019, khi thầy đang nằm trị bệnh ở bệnh viện ngoài Đà Nẳng, vì có dấu hiệu là ung thư đại tràng giai đoạn đầu, thì nghe điện thoại của Phật tử gọi vào, nói rằng chùa đã bị đập phá. Đây là việc hoàn toàn bất ngờ vì việc xảy ra khi thầy đang nằm viện. Phật tử cho biết chính quyền ùn ùn đưa người và xe ủi đến phá sập chùa. Lúc đó thì thầy chỉ còn biết dặn dò đệ tử là chụp hình ảnh lại để biết, rồi thu gom kinh sách, tượng Phật ngổn ngang chờ thầy về rồi tính. Ngày hôm sau, thầy cố chạy về xem tình hình thì thấy mọi thứ tan hoang rất là đau thương.
Nhiều tủ, tượng không đập hết thì chính quyền mang về trụ sở Ủy ban rồi sau đó tự động mang qua một ngôi chùa của nhà nước quản lý và gửi ở đó. Thầy khuyên đạo hữu bình tĩnh và đừng làm gì rồi để bị tội vạ.
Tuấn Khanh: Sau sự kiện đó, chính quyền địa phương có gặp thầy để nói rõ về hành động này không?
Thích Đồng Quang: Dạ sau đó thầy có lên Ủy ban, rồi gặp Chánh văn phòng của Huyện ủy… nhưng người ta chuyển đi khắp nơi, cuối cùng chỉ qua nơi tiếp dân gọi là Phòng một cửa. Rồi khi thầy đến thì người ta lại nói không trúng ngày tiếp dân nên hẹn lại.
Trong sự việc phá chùa, đập tượng này, thầy không nhận được bất kỳ một văn bản nào. Trước đó, nhận giấy mời làm việc, chính quyền ở đây không giải quyết rõ ràng mà đẩy qua đẩy lại. Mọi thứ y kiểu Cắc ké mẹ Kỳ nhông, Kỳ nhông ông Kỳ đà, Kỳ đà cha Cắc ké… nghĩa là không có ai giải quyết mà mục đích cuối cùng là làm mình mỏi mệt và cùng đường mà thôi.
Tuấn Khanh: Điều kiện của chính quyền là gì, để đổi lại việc thầy được dựng chùa?
Thích Đồng Quang: Họ gây khó khăn rất nhiều, nhưng lại có mở ngỏ bằng cách khuyên là nên gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước quản lý. Nhưng thưa anh, thầy biết rất rõ điều này, là giáo hội đó hiện nay rất ô hợp. Nghiêng về Phật giáo chánh thống thì thầy nghĩ rằng không có đâu. Bởi khi xuất gia, thầy có phát nguyện rằng mình không nằm trong tổ chức nào hết, không dính vào chuyện chính trị và tránh không va chạm về mặt pháp luật với nhà nước. Nhưng chính quyền địa phương thì mãi luôn gây áp lực với thầy từ năm 2009 cho đến nay.
Tuấn Khanh: Nhưng với nhận định của thầy, mọi chuyện xảy ra cho thấy chính quyền muốn giải tỏa đất hay muốn thầy phải gia nhập giáo hội của Nhà nước?
Thích Đồng Quang: Thầy biết họ muốn đưa mình vào hệ thống Phật giáo quốc doanh để họ quản lý. Mục đích chính là vậy. Đất là thầy sở hữu nên mình che chòi ở tạm thì được, chứ xây dựng chắc chắn thì họ sẽ làm khó. Trước đây họ có gợi ý là chi một số tiền để được cấp giấy xây chùa. Nhưng thầy từ chối. Thầy có nói rằng tiền của bá tánh thập phương góp giúp để xây chùa, thì thầy chỉ có thể làm vào việc đó chứ không thể dùng vào việc hối lộ.
Mục đích chính của họ là đưa mình vào hệ thống Phật giáo quốc doanh để quản lý. Nhưng làm sao được, thầy đi tu, thầy lạy Phật chứ không thể lạy Cộng sản.
Họ có nói là đưa cho họ 20 triệu thì chuyện sẽ êm. Tiếc là khi đó, họ đặt vấn đề thầy lại không lanh trí để ghi âm làm chứng cứ. Nhưng thầy là người đi tu, thầy không thể nói gian để hại người khác.
Tuấn Khanh: Lúc này, giữa những khó khăn vây quanh như vậy, và giới Phật tử lại có nỗi lo là chính quyền địa phương sẽ dùng côn đồ tấn công làm hại, thầy có suy nghĩ gì?
Thích Đồng Quang: Dạ, nghĩ thật đau lòng, thưa anh. Chế độ Cộng sản này tàn ác quá. Với một người đi tu, không màng thế sự như mình mà họ vẫn không chừa, luôn gây áp lực, làm khó mình đến tận cùng.
Mục đích chính của họ là đưa mình vào hệ thống Phật giáo quốc doanh để quản lý. Nhưng làm sao được, thầy đi tu, thầy lạy Phật chứ không thể lạy Cộng sản.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/buddhist-says-he-only-worships-buddha-not-communists-01302019095157.html

Gia đình tù nhân lương tâm VN gặp Bộ Ngoại giao Đức

Gia đình các tù nhân lương tâm Việt Nam vừa có cuộc gặp với đại diện của Bộ Ngoại giao Đức để vận động chính quyền Berlin kêu gọi Hà Nội trả tự do cho các nhà tranh đấu đang bị cầm tù.
Cuộc gặp diễn ra hôm 25/1 tại Berlin, Đức, vài ngày sau khi Hội đồng Nhân quyền LHQ thực hiện chương trình Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát đối với Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ.
Từ Berlin, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, cho VOA biết bà đã có cuộc gặp với bà Annette Knobloch, Phó phòng Đông Nam Á, của Bộ Ngoại giao Đức.
Tôi có gặp Bộ Ngoại giao của Đức và trình bày việc chồng tôi bị bắt giam theo điều 79 ‘lật đổ chính quyền.’ Đó là một bản án oan sai và mơ hồ vì những việc anh ấy làm là những điều bình thường nhằm giúp các nhà đấu tranh bất đồng chính kiến và lên tiếng những điều bất công trong xã hội, giúp những người thấp cổ bé miệng, nghèo khổ, các anh em đấu tranh bị đánh đập, các công nhân bị chủ sở ép.”
Ông Trương Minh Đức bị bắt từ tháng 7/2017 và hiện đang thụ án 13 năm tù tại tỉnh Nghệ An.
XEM THÊM:
Hàng trăm người biểu tình tại LHQ khi phái đoàn VN báo cáo UPR
Bà Thanh cho biết ngoài bà ra, phái đoàn gặp đại diện Bộ Ngoại giao Đức còn có anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa, con trai của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn; luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ (Hội AEDC); và bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm, Chủ tịch Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại CHLB Đức.
Bà Thanh cho biết thêm:
“Ông Nguyễn Văn Đài cũng trình bày về các trường hợp tù nhân lương tâm khác là thành viên của Hội Anh em Dân chủ và tất cả cả các tù nhân lương tâm khác và cũng đề cập đến các người dân ở vườn rau Lộc Hưng (Quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh) vừa bị nhà cầm quyền cộng sản tàn phá và cướp đất.”
Bà Thanh thuật lại lời bà Knobloch rằng chính phủ Đức sẽ tiếp tục theo dõi và yêu cầu Hà Nội thực thi và cải thiện những điều khuyến cáo về vi phạm nhân quyền.
“Bà Knobloch ở Bộ Ngoại giao Đức có hứa rằng tháng hai tới bà sẽ cử một nhân viên cấp cao của Bộ Ngoại giao Đức sang gặp Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Công an Việt Nam và đề nghị các vấn đề để giúp cho các tù nhân lương tâm nói chung và chồng tôi nói riêng được đảm bảo vệ sinh, an toàn, thuốc men, sức khỏe…”
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Đức để tìm hiểu thêm về cuộc gặp này nhưng chưa được phản hồi.
BHD Media cho biết trong cuộc gặp với nhà ngoại giao Đức, anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa nói cha anh là mục sư Nguyễn Trung Tôn, đang thụ án 12 năm tù về tội ‘lật đổ chính quyền,’ đã bị công an tấn công và tra tấn nhiều lần khiến ông trở thành tàn phế, anh miêu tả tình trạng sức khỏe của ông hiện nay rất là “bi đát.”
XEM THÊM:
Xử phúc thẩm Hội AEDC: Tòa không công bố file ‘chứng cứ’, giữ nguyên mức án
Ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh, thành viên của tổ chức Việt Tân tại Đức, người cũng có mặt trong cuộc gặp, tường thuật rằng Luật sư Nguyễn Văn Đài kêu gọi Chính phủ và Quốc hội CHLB Đức trên tinh thần nhân đạo hãy tiếp nhận 4 tù nhân lương tâm Việt Nam, bao gồm các ông Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Trung Trực, và gia đình họ được sang nước Đức tị nạn chính trị.
Vào tháng 6/2018, Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà hoạt động bị Việt Nam kết án tù 15 năm với cáo buộc “lật đổ chính quyền,” đã nhận giải thưởng nhân quyền của Liên đoàn Thẩm phán Đức, vài ngày sau khi ông được chính quyền Việt Nam phóng thích sớm và đưa sang Đức cùng với vợ, và cộng sự Lê Thu Hà.
https://www.voatiengviet.com/a/gia-dinh-tu-nhan-luong-tam-vn-gap-bo-ngoai-giao-duc/4765131.html

Rác: Một vấn nạn ‘nóng’ tại Việt Nam

Rác và ô nhiễm môi trường là câu chuyện dài nhiều tập ở Việt Nam mà cho đến nay chưa có giải pháp nào khả thi.
Hiện trạng
Tình trạng những bãi rác quá tải tràn ra đường bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đường phố diễn ra từ nhiều năm nay tại các thành phố lớn, nhưng chính quyền chưa giải quyết được. Thực tế dường như mỗi ngày một trầm trọng thêm.
Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Bùi Khắc Minh – Công ty Môi trường đô thị TPHCM – rằng mỗi ngày phía công ty điều xe đi từ 5h30 sáng để lấy rác, sau đó chạy tới bãi rác Đa Phước xếp hàng tới 9h mới được vào đổ. Đến 5 giờ chiều thì bãi rác đóng cửa, nên mỗi ngày mỗi xe chỉ chạy được hai chuyến, thời gian đi về mỗi chuyến mất khoảng 3 tiếng rưỡi, mà lượng rác quá lớn nên dồn từ ngày này sang ngày khác dẫn tới tình trạng ứ đọng.
Còn tại các bãi xử lý rác thì cũng không có gì khả quan khi hơn hai năm, nhiều cuộc biểu tình phản đối các nhà máy rác gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống người dân quanh vùng xảy ra tại nhiều nơi trên cả nước.
Một trong những vụ nổi cộm là vào hai ngày 22 và 23 tháng 9 năm 2018, hàng chục người dân đã dựng lều trước cổng bãi rác Khánh Sơn ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng phản đối bãi rác này gây ô nhiễm, bốc mùi hôi thối suốt ngày đêm. Một người dân sống gần bãi rác Khánh Sơn cho RFA biết:
Thúi dễ sợ luôn, chịu không được. Buổi tối khoảng 7-8 giờ là nó hôi ghê lắm. Nhất là ban đêm tại vì ban ngày gió lên, ban đêm gió xuống. Cứ khoảng 7-8 giờ gió trên đèo nó xuống là nó thổi từ trên đó thổi xuống.
Hay gần đây nhất là những ngày đầu năm 2019, hàng trăm người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ dựng lán tại hai con đường dẫn vào Trung tâm xử lý chất thải rắn Nam Sơn ở Sóc Sơn, Hà Nội, chặn đường không cho xe chở rác vào bãi do bãi rác này gây ô nhiễm nặng nề đến cuộc sống của họ.
Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng do ý thức kém của người dân lẫn sự quản lý kém của chính quyền dẫn đến tình trạng vừa ứ rác, vừa ô nhiễm môi trường, vừa ô nhiễm không khí như hiện nay:
Đầu tiên là dân, ý thức của dân, xong đến nhà quản lý. Hai cái đấy đều không tốt cả thì thành ra rác ngập. Bây giờ chúng ta thử xem nhé, tất cả các đống rác đầy ni lông, tại sao không lọc ra mà lại vứt lẫn?
Những loại rác như cơm, rau, cỏ là chất hữu cơ có thể làm phân bón lại đổ lẫn với gạch ngói xi măng. Thế thì lò nào mà đốt được gạch ngói xi măng?
Theo số liệu được Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng đưa ra trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9 Hội đồng Nhân dân TP.HCM tháng 7/2018, thì mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 11.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó có 2.300 tấn rác thải ra nơi công cộng.
Giải pháp nào cho VN?
Hiện Việt Nam xử lý rác thải bằng cách chôn lấp hoặc đốt. Muốn xử lý theo cách nào thì rác cũng phải được phân loại tại nguồn.
Vietnam News dẫn lời ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, rằng rác không được phân loại tại nguồn ở Việt Nam, vì vậy rác hữu cơ và rác thải nhựa được chôn lấp chung. Phải mất hàng triệu năm nhựa mới bị phân hủy; Chuyên gia Doãn Hà Thắng thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thì cho rằng giải pháp đốt rác có thể giải quyết rác tồn đọng, nhưng giải pháp đó chỉ là tạm thời, bởi người dân không thấy những bãi rác trên đường, nhưng khi đốt thì dioxin/furan sinh ra trong quá trình đốt gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải kết luận:
Dân thì không chịu phân loại rác. Các nhà máy đốt rác thì làm đểu, đốt đểu, không đầu tư cẩn thận, không khử khói.
Ngày 14/11/2018, Ủy ban Nhân dân TPHCM ban hành Quyết định số 44/2018 quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, đi kèm với Nghị định số 155/2016 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, thì kể từ ngày 24/11/2018, nếu các hộ dân không phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm thì sẽ bị phạt lên đến 20 triệu đồng.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng quy định này không khả thi vì nhiều hộ dân ở Sài Gòn rất nghèo, họ lấy đâu ra mấy chục triệu nộp phạt. ông nói thêm:
Bây giờ chỉ hỏi mỗi một câu là ai đi phạt. Trong văn bản đó phải quy định là cảnh sát nôi trường phạt hay dân phố phạt, mà trong dân phố là ai, tiền đó thu như thế nào?
Cái kiềng phải có ba chân. Bây giờ có câu không phân loại rác thì bị phạt là câu nói vô thức. Người soạn ra văn bản đó là những người vô thức. Nói cho vui, nói cho sướng mồm.
Chuyện xử lý rác thải như thế nào cho hiệu quả đến nay dường như chưa có lối thoát. Các bãi rác quá tải, các nhà máy xử lý rác quá tải trong khi  xả rác bừa bãi là thói quen lâu nay của người dân từ thành thị đến nông thôn.
Nhiều người dân đem rác ra nơi công cộng vứt vào ban đêm, sáng hôm sau rác ngập đường phố, công nhân vệ sinh quét dọn không xuể.
Nhiều ngày “Ngày chủ nhật xanh” được các địa phương tổ chức, để tuyên truyền cho người dân từ cấp thành phố đến phường xã, nhưng rồi đâu đâu cũng đầy rác, từ đường phố, bến xe, công viên, kênh rạch cho tới bãi biển, nơi được cho là trong lành cho những ngày hè nóng bức.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho rằng phải bắt đầu từ giáo dục, phải dạy cho con trẻ ý thức bảo vệ môi trường ngay từ cấp học đầu tiên.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/waste-is-a-burning-problem-dt-01302019095940.html

Nghỉ Tết dài ngày và những tác động kinh tế

Trung Khang, RFA
Chuyện nghỉ Tết dài ngày ảnh hưởng như thế nào đến lợi ích kinh tế của quốc gia vẫn còn gây tranh luận trong nhiều năm qua. Nhân dịp Tết đến, Đài Á Châu Tự Do một lần nữa tìm hiểu ý kiến của các chuyên gia kinh tế liên quan vấn đề này trong tình hình hiện tại của Việt Nam.
Hồi cuối năm 2018, Bộ Lao động Thương binh Xã hội công bố quy định việc nghỉ tết năm 2019 đối với cán bộ, công chức và người lao động của các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị – xã hội. Theo đó, dịp nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi-2019 sẽ gồm 9 ngày, dài hơn dịp nghỉ năm 2018 là 2 ngày.
Nếu chỉ tính yếu tố văn hóa, xã hội, kỳ nghỉ Tết nguyên đán mang đến giá trị tinh thần lớn cho người Việt. Tuy nhiên về mặt kinh tế, một kỳ nghỉ quá nhiều ngày của cả một hệ thống thì chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều.
Việc nghỉ Tết dài ngày qua không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, bộ máy nhà nước tuy đã được nghỉ dài ngày, nhưng trước khi nghỉ Tết và sau khi nghỉ Tết đều hoạt động kém hiệu quả, cán bộ nhân viên dùng thời gian để làm những việc chuẩn bị Tết.
-TS Lê Đăng Doanh
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 29 tháng 1 năm 2019, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Thị trường Giá cả, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Nói chung đây là phong tục truyền thống của người Việt Nam, hàng năm đều như thế, nhưng tất nhiên chuyện nghỉ dài ngày chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc, cái đấy là tất yếu. Nhưng phong tục tập quán thì không thể ngày một ngày hai xử lý làm được. Chuyện đấy cũng bình thường và đã xảy ra nhiều năm nay rồi.”
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc nghỉ Tết quá nhiều ngày chắc chắn ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế:
“Việc nghỉ Tết dài ngày ảnh hưởng đến việc sản xuất, ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy nhà nước. Và đối với nông nghiệp thì có thuận lợi là Tết Nguyên Đán diễn ra sau thời điểm nông dân cấy lúa, nhưng bây giờ không chỉ có cấy lúa mà còn có rau, hoa quả.v.v… Vì vậy theo tôi, việc nghỉ Tết dài ngày qua không có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Hơn thế nữa, bộ máy nhà nước tuy đã được nghỉ dài ngày, nhưng trước khi nghỉ Tết và sau khi nghỉ Tết đều hoạt động kém hiệu quả, cán bộ nhân viên dùng thời gian để làm những việc chuẩn bị Tết.”
Còn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, ít có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam nghỉ Tết quá nhiều ngày như vậy. Theo ông, nhìn chung trong nghề nông thì thời vụ cũng tránh ngày Tết. Cho nên cũng không ảnh hưởng gì nhiều lắm. Tuy nhiên, ông nói tiếp:
“Tuy nhiên, ngày xưa nếu làm nghề nông thì thời vụ tương đối là thong dong, lúa thì thu hoạch rồi, vụ mới thì chưa trồng nên người nông dân có cả tháng giêng để ăn chơi. Nhưng từ khi đưa vụ ngắn ngày vào thì vụ cấy xuân lại đúng dịp Tết nên lắm lúc cũng căng thẳng.”
Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng khi trao đổi với báo chí trong nước đã nêu lên câu hỏi “Tết có thật sự cần thiết trong thời đại 4.0?” Không dễ để trả lời câu hỏi này khi Tết đã thành truyền thống, đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Nhiều người cho rằng, đã là truyền thống thì cái gì không gây cản trở cho phát triển kinh tế xã hội thì cứ tiệp tục kế thừa có chọn lọc, cái nào không phù hợp thì từ từ sẽ phải đào thải.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày là việc bình thường từ trước đến nay, đó là truyền thống của người Việt Nam, đó là cơ hội để mọi người được nghỉ ngơi sau một năm vất vả, cũng là cơ hội thăm viếng nhau. Tuy nhiên cũng có người cho rằng nghỉ dài và lệch ngày với nhiều nền kinh tế khác sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ giao thương quốc tế nói riêng và sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung.
Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:
“Tôi nghĩ là cần phải tiến tới nghỉ ngắn ngày hơn và phải siết chặt kỷ luật làm việc, nếu không thì việc sản xuất trong tháng có Tết bao giờ cũng giảm và tăng trưởng GDP cũng giảm. Chưa kể uống nhiều rượu quá cũng gây tai nạn giao thông. Ngoài ra trong dịp Tết thì thường có việc chi tiêu một cách lãng phí, phô trương, chi vào các việc không hiệu quả và không cần thiết lắm. Như vậy là trái với văn hóa sống có hiệu quả và sử dụng đồng tiền có hiệu quả và tiết kiệm.”
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng cận Tết, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động nhờ nhu cầu mua sắm trong dân chúng tăng cao, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của người Việt ước tính đạt 402.200 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa gần 305.400 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, ước tính đạt 49.500 tỷ đồng và các dịch vụ khác là khoảng 43.000 tỷ đồng.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long nhận xét về những con số ấn tượng này:
Ngày xưa nếu làm nghề nông thì thời vụ tương đối là thong dong, lúa thì thu hoạch rồi, vụ mới thì chưa trồng nên người nông dân có cả tháng giêng để ăn chơi. Nhưng từ khi đưa vụ ngắn ngày vào thì vụ cấy xuân lại đúng dịp Tết nên lắm lúc cũng căng thẳng.
-TS Đặng Kim Sơn
“Người Việt chi tiêu Tết hơn 400 ngàn tỷ đồng, đặc biệt tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái, thì phải xem tiêu dùng những mặt hàng gì? Nếu tiêu dùng những mặt hàng mà phải nhập từ nước ngoài vào thì đáng lưu ý, phải cảnh báo. Còn nếu tiêu dùng những mặt hàng sản xuất trong nước thì đó là điều đáng mừng, vì đó là động lực kích thích sản xuất, phải xem cụ thể những loại mặt hàng nào? Chứ còn tổng lượng như vậy, mức lưu chuyển hàng hóa như vậy là hoạt động thương mại tăng, kích cầu tăng.”
Hiện cũng có nhiều ý kiến tranh luận, liệu tăng doanh thu bán hàng khi nhu cầu tăng cao dịp Tết là làm lợi cho các nhà sản xuất trong nước, hay làm lợi cho hàng hóa nước ngoài? Liên quan vấn đề này. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết:
“Theo tôi còn tùy thuộc vào từng mặt hàng. Gần đây tôi thấy, hàng Việt Nam có chất lược cao hơn và cũng đã chiếm lĩnh thị trường trong nước đáng kể, có tiến bộ như rau quả… không chỉ có hàng ngoại không. Tuy vậy cạnh tranh vẫn diễn ra một cách gay gắt. Vì vậy phía hàng nội cũng phải cố gắng phấn đấu, đặc biệt những loại hàng vẫn dùng hàng ngoại nhiều như rượu ngoại. Và một số các sản phẩm bánh kẹo ngoại cũng đang được sử dụng nhiều, và theo tôi điều này hoàn toàn có thể khắc phục.”
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chi tiêu của người dân tăng lên là một điều đáng mừng. Tức là người dân đã có thu nhập và chi tiêu khá hơn. Tuy vậy cần chi tiêu tránh phô trương hình thức, lãng phí không cần thiết. Trong khi đó có rất nhiều thứ chi khác như chi về sức khỏe, chi về giáo dục… khi cần chi thì lại thiếu tiền. Ông cho rằng, cần có sự điều chỉnh trong việc chi tiêu, những điều này tùy thuộc vào thói quen và tâm lý của người dân. Nên ông khuyến nghị chính phủ cần có cuộc vận động trong xã hội, để làm sao có chi tiêu hiệu quả và tiết kiệm hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-tet-holidays-affect-economy-01292019121258.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.