Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 18/01/2019

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019 14:49 // ,

Tin Việt Nam – 18/01/2019

Thành viên Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết

sẽ bị xử phúc thẩm vào ngày 21/1

Ngày 21/1/2019 tới đây, Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM sẽ xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của 5 thành viên tổ chức Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết gồm các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Phan Trung (tức sư thầy Nhật Huệ) và Từ Công Nghĩa với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Chiều ngày 18/1/2019, ông Nguyễn Đức Hải cho Đài Á Châu Tự Do hay, hôm 9/1 ông có đi thăm anh trai của mình là Nguyễn Văn Đức Độ trong trại giam Chí Hòa và được thông báo là tinh thần tốt mặc dù sau phiên tòa sơ thẩm ông bị bạn tù đánh đến ngất xỉu.
Tinh thần vẫn tốt, sức khỏe cũng bị ảnh hưởng bởi trận đòn ngày 15/10/2018, đợt đó anh Độ cũng bị đánh nhiều, đến bất tỉnh.
Anh Độ nói trong người vẫn còn hơi đau. Anh Độ có nói là lúc bị đánh xong, sau khi làm biên bản thì họ nói là đưa 3 người đánh anh đi kỷ luật cùm chân. Anh Độ có yêu cầu cán bộ là không kỷ luật mấy người đó, vì anh nói thực ra chuyện này cũng do bên an ninh họ xi nhan cho đánh, chứ còn tù không ai đánh,” ông Hải nói qua điện thoại.
Ông Độ trong cuộc thăm gặp cũng nhắn gởi là “cần sự quan tâm của cộng đồng bên ngoài” và ông đã xác định là phiên tòa phúc thẩm không trông mong gì về việc giảm án, nhưng do ông không có tội nên phải kháng cáo.
Bà Lê Thị Thập, vợ ông Lưu Văn Vịnh nói chồng mình sức khỏe và tinh thần tốt, nhưng bà không nhận được thư mời hay giấy triệu tập tham dự phiên tòa mà phải làm đơn để được dự tòa nhưng chưa biết có được tham dự hay không.
Vào ngày 5/10 năm ngoái, Tòa án nhân dân TPHCM mở phiên sơ thẩm tuyên phạt 5 nhà hoạt động thuộc tổ chức Liên minh dân tộc Việt Nam tự quyết các mức án khác nhau gồm:
Ông Lưu Văn Vịnh bị tuyên 15 năm tù giam, Nguyễn Văn Hoàn 13 năm tù, Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù, Từ Công Nghĩa 10 năm tù và Phan Trung 8 năm tù giam.
Ngoài ra, toà cũng yêu cầu quản chế những người này tại địa phương từ 3 năm đến 5 năm, kể từ sau khi chấp hành xong án tù.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, 5 người này đã có hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia như thành lập tổ chức phản động “Liên minh dân tộc Việt Nam” nhằm tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của đảng Cộng sản, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong đó, ông Lưu Văn Vịnh được cho là người có vai trò chủ mưu cầm đầu, ông Nguyễn Văn Đức Độ với vai trò là Phó Chủ tịch tổ chức. Hai người khác là Nguyễn Quốc Hoàn và Phan Trung có vai trò cố vấn và ông Từ Công Nghĩa được giao “phụ trách quân sự”.
Ngoài việc thành lập tổ chức cáo trạng không thể hiện những người này đã làm việc gì cụ thể.
Ngay sau phiên tòa, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam hôm cũng ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc Việt Nam kết án năm nhà hoạt động với cáo buộc mơ hồ “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Tuyên bố được đăng trên trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nêu rõ, “Hoa Kỳ kêu gọi Việt Nam thả tất cả tù nhân lương tâm, và cho phép tất cả các cá nhân ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không lo sợ bị trừng phạt.”
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/members-of-vn-national-coalition-to-stand-trial-01182019085201.html

Nhà báo độc lập Đỗ Công Đương sắp

bị xử phúc thẩm vì “xâm phạm lợi ích của nhà nước”

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội ngày 21/1 tới đây sẽ đưa nhà báo độc lập Đỗ Công Đương ra xét xử phúc thẩm do có đơn kháng cáo trong bản án thứ 2 với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Hồi 12/10/2018, ông Đương bị tòa án tỉnh Bắc Ninh xử sơ thẩm tuyên phạt 5 năm tù giam.
Nhà báo độc lập này cũng bị tuyên 4 năm tù giam với cáo buộc khác là “gây rối trật tự công cộng”.
Ông Đương được xem là một người hoạt động truyền thông dùng mạng xã hội Facebook phát trực tiếp những bài nói chuyện của mình tố cáo những sai phạm đất đai ở thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh gọi là “Tiếng dân TV”.
Một số trang mạng ủng hộ chính phủ cho rằng, kênh do ông Đỗ Công Đương làm chủ có sự hậu thuẫn về kịch bản, nội dung của một nhóm những phần tử xấu khác, trong đó có cả luật sư.
Cả 2 bản án đối với ông Đương đều vấp phải phản ứng của dư luận quốc tế, Ủy ban Bảo vệ ký giả CPJ và tổ chức Phóng viên Không biên giới RSF đồng loạt 2 lần ra thông cáo chỉ trích chính quyền Việt Nam và kêu gọi phóng thích nhà báo độc lập này ngay lập tức và vô điều kiện.
Theo CPJ ghi nhận tính đến cuối năm 2017, Việt Nam bắt giữ và tuyên án tù ít nhất 10 nhà báo độc lập với cáo buộc chống đối Nhà nước Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/freelance-do-cong-duong-to-stand-trial-on-jan-21-01182019084510.html

Phóng viên Nguyễn Văn Hóa

được đề cử giải thưởng Tự do báo chí của UNESCO

Tổ chức Freedom House vừa đề cử tù nhân lương tâm, nhà báo của RFA, anh Nguyễn Văn Hóa, cho giải thưởng Tự do báo chí 2019 của UNESCO có tên Guillermo Cano World Press Freedom Prize.
Thông cáo báo chí của Freedom House hôm 18/1 trích lời Giám đốc điều hành Freedom House, Maran Turner, nhận định việc chính phủ Việt Nam truy tố anh Nguyễn Văn Hóa là đi ngược lại các giá trị của UNESCO. Freedom House cho rằng nhà báo Nguyễn Văn Hóa xứng đáng được khen ngợi vì đã đưa tin về những mối đe dọa của ô nhiễm môi trường và sự thất bại của chính phủ trong việc bảo vệ người dân khỏi những mối nguy này.
Trước khi bị bắt vào tháng 11/2017, anh Nguyễn Văn Hóa đã quay được những hình ảnh về tình trạng ô nhiễm biển ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, và những phản đối của người dân về tình trạng ô nhiễm biển do công ty gang thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải ra biển gây nên từ tháng 4 năm 2016.
Mặc dù bị bắt từ tháng 11/2017, nhưng mãi đến tháng 4/2017, chính quyền Việt Nam mới có thông báo chính thức về việc bắt giữ này và cáo buộc Nguyễn Văn Hóa tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự cũ.
Vào ngày 27/11/2017, nhà báo Nguyễn Văn Hóa bị bất ngờ đưa ra xử kín tại tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Văn Hóa bị kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế.
Vào tháng 10/2018, trong một bức thư gửi về cho gia đình mình, nhà báo Nguyễn Văn Hóa cho biết anh đã bị đánh đập, bức cung.
Tháng 11/2018, tổ chức Freedom Now và hãng luật Dechert LLP đã nộp đơn lên Ủy ban chống bắt người tùy tiện của Liên Hiệp Quốc về trường hợp của Nguyễn Văn Hóa.
Giải thưởng Tự do báo chí Thế giới Guillermo Cano của UNESCO được đặt theo tên của một nhà báo người Colombia là Cuillermo Cano Isaza, người đã bị ám sát ngay trước trụ sở tòa báo của mình ở Bogota hồi tháng 12/1986.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/freedom-house-nominates-nguyen-van-hoa-for-2019-unesco-prize-01182019095831.html

Việt Nam cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng,

gây bất mãn cho Công Giáo

Thụy My
Reuters hôm 17/01/2019 nhận định, việc chính quyền phá hủy trên 100 căn nhà ở khu Vườn rau Lộc Hưng, Tân Bình trong đó có một cơ sở của Công Giáo, đã đẩy Giáo Hội vào thế phải phản đối, trong bối cảnh đã có nhiều vụ chính quyền trưng thu đất đai.
Hãng tin Anh cho biết cư dân khu vực này thuộc phường 6 quận Tân Bình, đã không được chính quyền cảnh báo trước khi nhà cửa bị đập phá, và sau đó được đề nghị nhận một món tiền bồi thường nhỏ. Theo báo chí Nhà nước, những căn nhà này được xây dựng bất hợp pháp.
Hơn 100 hộ dân trong đó có nhiều người sinh sống trên khu đất bị cưỡng chế từ năm 1954, đã gởi đơn kêu cứu lên chính quyền trung ương, và hiện nay đã có 17 văn phòng luật sư nhận trợ giúp pháp lý. Được biết trong số những căn nhà bị phá hủy có một cơ sở của Dòng Chúa Cứu Thế dành làm chỗ trú ngụ cho khoảng 20 thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa không nơi nương tựa.
Tuy Giáo Hội chưa chính thức lên tiếng, nhưng gần đây xuất hiện lá thư của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn gởi chính quyền địa phương năm 2007, khẳng định khoảng 3 hecta tại Vườn rau Lộc Hưng là sở hữu của Giáo Hội Công Giáo chứ không phải của chính quyền Sài Gòn cũ. Văn bản lưu ý là bà con canh tác ở đây đã vượt quá xa tiêu chuẩn để được đền bù về đất, vì họ đã sử dụng liên tục và ổn định suốt hơn nửa thế kỷ qua, trong khi đó theo quy định thì chỉ cần được sử dụng trước ngày 15/10/1993.
Chính quyền quận Tân Bình không trả lời hãng tin Anh.
Reuters dẫn lời giám mục gốc Việt Vincent Nguyễn Văn Long ở Úc tố cáo chính quyền thường sử dụng vũ lực cưỡng chế đối với đất đai có giá trị thương mại, và trong vụ Vườn rau Lộc Hưng, cả trăm gia đình đã bị mất nơi cư ngụ, tài sản bị hư hại.
Theo Thomson Reuters Foundation, đây là xung đột mới nhất trong số các vụ tranh chấp đất đai kể từ khi đảng Cộng Sản Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế vào cuối thập niên 1980. Nhiều khu đất nông nghiệp đã bị trưng dụng để xây xa lộ hoặc các khu công nghiệp lớn.
Đặc biệt có không ít cơ sở của Công Giáo bị trưng thu gây tranh chấp với chính quyền, và đây là một trong những trở ngại chính trong việc bình thường hóa quan hệ với Vatican.
Ông John Gillespie, thuộc trường đại học Monash ở Melbourne, nói : « Nhà nước Việt Nam vẫn nghi kỵ Công Giáo vì lịch sử gắn với thời kỳ Pháp đô hộ. Xung đột thường xảy ra khi đất đai của Giáo Hội bị rơi vào tầm ngắm của tư nhân ngành địa ốc ».
Tại miền Bắc, nhiều đất đai của Công Giáo bị nhà nước quản lý sau năm 1954, tuy có trả lại một số trong thập niên 1980 và 90. Theo báo cáo của Open Doors công bố hôm thứ Tư 16/1, nhiều nhà thờ, tu viện ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn bị áp lực phải giải tỏa ; chẳng hạn vụ Đan Viện Thiên An ở Huế.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190118-viet-nam-cuong-che-vuon-rau-loc-hung-gay-bat-man-cho-cong-giao

Ủy ban Kiểm tra trung ương kỷ luật,

khai trừ đảng nhiều cán bộ cấp cao

Trong kỳ họp lần thứ 33 diễn ra từ ngày 14 đến 16/1 tại Hà Nội, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương (UBKTTW) đã xem xét, kết luận thi hành kỷ luật và khai trừ đảng một loạt cán bộ cấp cao.
Cụ thể, truyền thông trong nước hôm 17/1 cho biết UBKTTW đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đắk Nông và các cá nhân liên quan về các vi phạm, khuyết điểm đã được kết luận tại kỳ họp lần thứ 32.
Theo đó, UBKTTW đã thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông; và thi hành cảnh cáo đối với ông Trương Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông. Hai cán bộ cấp cao tỉnh Đắk Nông trước đó đã bị kết luận có những vi phạm về quản lý, bảo vệ đất rừng.
UBKTTW cũng thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng đối với ông Đỗ Minh Tân, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư đảng ủy, Trưởng Công an huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Ông Tân bị kết luận đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, tiếp tay cho hành vi lập hồ sơ khống xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng.
Sai phạm của ông Tân được nói đã dẫn đến tình trạng rừng bị chặt phá với diện tích lớn; nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị kỷ luật và xử lý hình sự vì bao che, đối phó với cơ quan điều tra, gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
UBKTTW nói vi phạm của ông Tân là rất nghiêm trọng, có hiểu hiện vụ lợi cá nhân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành công an.
Một quan chức khác đã bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo là ông Hồ Văn Thế, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Ông Thế bị xác định trong thời gian giữ chức vụ đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, không chấp hành chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND Tỉnh trong việc xem xét, xử lý đối với công chức vi phạm.
Các vi phạm của ông Hồ Văn Thế cũng được UBKTTW nhận định gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cơ quan đồng chí.
Ngoài ra, một cán bộ cao cấp khác bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách là ông Nguyễn Văn Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng ban Nội chính tỉnh ủy, nguyên Bí thư đảng đoàn, nguyên chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh. Ông Thanh bị xác định chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của đảng, đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh nhiệm kỳ 2013 – 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-central-inspection-committee-disciplines-and-expels-party-officials-01182019075200.html

Bộ giáo dục đề xuất kỷ luật ba cán bộ liên quan

quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&DT) vào ngày 16/1 đã đề xuất kỷ luật 3 cán bộ của ngành này vì để xảy ra sai xót liên quan đến quy định sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học.
Truyền thông trong nước loan tin vào hôm 18/1 cho biết, lãnh đạo của Bộ GD&DT đã ký quyết định thành lập 3 hội đồng kỷ luật về việc xem xét kỷ luật các cán bộ liên quan đến quy định sinh viên bán dâm bị đuổi học.
Hình thức kỷ luật được đề nghị bao gồm: 1 cán bộ bị xử lý cảnh cáo, 1 xử lý khiển trách và 1 bị phê bình.
Theo VTC, trong số các cán bộ của ngành giáo dục bị kỷ luật có 1 lãnh đạo của Vụ giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên.
Trước đó, vào tháng 10 năm 2018 vừa qua, Cổng thông tin của Bộ Giáo dục có ra bản dự thảo về quy chế xử lý kỷ luật đối học sinh sinh viên của ngành sư phạm, trong đó có quy định về việc sinh viên bán dâm lần thứ 4 sẽ bị đuổi học. Dư luận đã phản ứng gay gắt về quy định này.
Nhiều ý kiến cho rằng quy định này vừa trái luật vừa xúc phạm ảnh hưởng đến học sinh sinh viên của ngành sư phạm.
Ngay sau khi phản ứng từ dư luận, ban soạn thảo của Bộ GD&DT cho rà soát lại dự thảo và cho rằng nhiều nội dung liên quan đến quy định xử lý kỷ luật đối hành vi vi phạm của học sinh sinh viên trong việc vi phạm hoạt động mại dâm là không phù hợp và cần điều chỉnh khi ban hành quy chế mới.
Do đó, bộ này đã xin rút lại bản dự thảo và đồng thời sẽ xem xét kỷ luật những cán bộ của ban soạn thảo và cá nhân có liên quan.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/education-officials-to-be-disciplined-for-involving-in-drafting-controversial-regulation-for-female-students-01182019075111.html

Báo chí Việt Nam đưa tin kỷ niệm 45 năm

mất Hoàng Sa nhưng

tránh nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa

Báo chí nhà nước trong 2 ngày 17 và 18/1/2019 rầm rộ đưa tin kỷ niệm 45 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa nhưng tránh nhắc đến chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Các tờ báo lớn hiện nay của Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài gòn Giải phóng, Giáo dục… đều có bài liên quan đến chủ đề này nhưng không dòng nào nhắc về Việt Nam Cộng Hòa, chế độ trực tiếp quản lý quần đảo Hoàng Sa.
Chỉ duy nhất tờ báo Infonet, chuyên trang của tờ Vietnamnet là gọi đúng và đủ cuộc giao tranh vào ngày 19-1-1974 giữa Hải quân Việt Nam Cộng Hòa và Trung Quốc khiến ít nhất 74 lính Việt Nam Cộng Hòa tử trận.
Trên báo Thanh Niên có bài viết “45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông”.
Tờ báo là Diễn đàn của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam nêu rõ, từ sau khi Trung Quốc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, nước này liên tục ngang ngược tiến hành hàng loạt các biện pháp nhằm củng cố hiện diện dân sự lẫn quân sự phi pháp tại Hoàng Sa, nhất là trong những năm gần đây, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và làn sóng lên án từ cộng đồng quốc tế.
Mạng báo Tuổi trẻ Online thì có bài viết với tiêu đề “Người Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19-1” mô tả lại cuộc viếng thăm của Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng đến với gia đình các nhân chứng từng sinh sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa.
Bài báo nêu tên các nhân chứng như: Trần Văn Sơn, Nguyễn Văn Cúc và Nguyễn Văn Dữ và Lê Điều (đã mất) từng sinh sống và làm việc tại Hoàng Sa, nhưng không nói rõ thời gian nào và làm công việc gì.
Báo Sài Gòn Giải Phóng thì nêu rõ sự việc hơn, như nói ông Trần Văn Sơn từng công tác ở Hoàng Sa vào năm 1973 với nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo; hay ông Nguyễn Văn Dữ là người từng tham gia lính địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam và ngày 27/1/1973, ông xuống chiến hạm Trần Khánh Dư rời Đà Nẵng ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ biển đảo.
Tờ báo trực thuộc Đảng bộ đảng Cộng sản Việt Nam TPHCM này còn cho biết thêm là ông Nguyễn Văn Cúc (sinh năm 1952, hiện nay ở An Hải Bắc, quận Sơn Trà), một trong những người bị Trung Quốc bắt giữ sau khi dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974.
Ngày 9/1/2019 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về vụ khu trục hạm của Mỹ – USS McCampbell thực hiện hoạt động tuần tra “tự do hàng hải” áp sát các đảo ở Hoàng Sa đầu năm mới 2019 thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao lặp lại tuyên bố: ”Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Trước đó, ngày 3/1, Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định, việc tàu công vụ của nước này đâm các tàu cá của Việt Nam là “hành động chấp pháp bình thường” nhưng Việt Nam đến nay chưa có phản ứng gì.
Quần đảo Hoàng sa vốn do chế độ Việt Nam Cộng Hòa quản lý bị Trung Quốc cưỡng chiếm và chiếm đóng phi pháp từ ngày 19/1/1974.
Năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, tỉnh Hải Nam để quản lý hai quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi Tây Sa) và Trường Sa (Trung Quốc gọi Nam Sa) cùng với bãi cạn Scarborough (Trung Sa – Trung Quốc gọi).
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/state-media-reports-on-paracels-skirmisth-avoid-mentioning-south-vn-army-01182019083917.html

Lần đầu người Việt được chơi casino

 ở Phú Quốc và Vân Đồn

Một sòng bài ở Phú Quốc sẽ cho ‘người Việt vào chơi thí điểm’ bên cạnh casino ở Vân Đồn, theo truyền thông Việt Nam.
Báo Việt Nam cho hay sẽ có khách chơi casino ‘người Việt đầu tiên’ được vào cơ sở ở đảo Phú Quốc.
Ngoài casino ở Phú Quốc, Kiên Giang thì hiện chỉ có một điểm nữa tại Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh “cho người Việt vào chơi”, theo báo Tiền Phong.
Nguồn tin này cũng trích dẫn Nghị định 03/2017 của Thủ tướng Chính phủ VN về “thí điểm kinh doanh casino cho người Việt vào chơi”.
Khi công an đánh bạc và bảo kê
Ông Trịnh Văn Quyết đầu tư vào casino ở Quảng Ninh
Casino các nước ‘lo mất khách’ khi VN cho dân đánh bạc
“Sau đó, tháng 10/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 102/2017 hướng dẫn hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của người Việt vào chơi casino.”
Các dùng ngôn từ ở đây có nghĩa là “công dân Việt Nam” chứ không chỉ là người Việt chung chung vốn sống cả ở các nước khác.
Có vẻ như việc thí điểm này chỉ tạm được “cho phép” trong ba năm.
Tin tức nói casino tại Phú Quốc sẽ đón khách VN đầu tiên từ 19/1/2019.
Người Việt được chơi casino phải trên 21 tuổi, có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.Báo VN
Người Việt được chơi casino phải trên 21 tuổi, có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.
Vé casino là 1 triệu VND/24 giờ liên tục một người, hoặc 25 triệu một tháng.
Tại Quảng Ninh, trang của Sun Group giới thiệu họ đầu tư vào “tám casino/hotel”.
Ngay từ 2017, một dự thảo đề án phát triển đơn vị đặc khu kinh tế cho phép cả ba đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc được Sun Group xây dựng và phát triển dự án casino quy mô lớn, theo truyền thông Việt Nam.
“Ngoài dự án khu du lịch nghỉ dưỡng có hạng mục casino mà Sungroup đang đầu tư, Vân Đồn đang kêu gọi đầu tư 5 dự án BĐS du lịch nghìn tỷ khác.”
Báo Việt Nam trích thống kê của Bộ Tài chính nước này nói hiện cả nước có tám doanh nghiệp kinh doanh casino, với tổng số 408 bàn và 4.579 máy chơi.
Dự án Hồ Tràm, Bà Rịa Vũng Tàu được cho là có số bàn và máy chơi lớn nhất.
Nhưng đa số các cơ sở này chỉ cho người nước ngoài vào đánh bạc.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46923939

VN sẵn sàng tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Kim-Trump?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói Việt Nam sẵn sàng làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Trang Bloomberg cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với họ rằng Việt Nam sẵn sàng tổ chức cuộc gặp, mặc dù Việt Nam chưa được chọn.
“Chúng tôi không biết về quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cuộc họp.”
“Việt Nam đã phối hợp rất tốt với Hoa Kỳ trong quan hệ phát triển kinh tế và thương mại cũng như trong các lĩnh vực khác.”
Ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg TV.
Quan chức Bắc Hàn tới Mỹ, đồn đoán Kim gặp Trump ở Việt Nam
Hà Nội: địa điểm cho hội nghị Trump-Kim lần 2?
TQ ‘ủng hộ’ Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai
Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam trong một “chuyến thăm chính thức cấp nhà nước” vào tháng 2.
Một trong các tướng lĩnh hàng đầu của Bắc Hàn, ông Kim Yong Chol, được trông đợi là sẽ gặp gỡ ông Trump tại Tòa Bạch Ốc vào hôm thứ Sáu để thảo luận chi tiết về lần họp thứ hai với ông Kim, bao gồm cả việc lựa chọn địa điểm tổ chức cuộc gặp.
Ông Kim Yong Chol đã tới Washington vào tối thứ Năm. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ gặp ông Kim trong trưa thứ Sáu.
Trong một động thái riêng rẽ, Reuters dẫn một nguồn tin ngoại giao nói các phái viên từ Hoa Kỳ và Bắc Hàn đang có các cuộc thảo luận tại Thụy Điển nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai nước.
Trump-Kim: Abe tới Mỹ giữa đợt sóng ngoại giao
Mỹ: ‘chuẩn bị thượng đỉnh Trump-Kim tiến triển tốt’
Bắc Hàn thả ba tù nhân Mỹ
Chỉ vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol tới Mỹ, Tổng thống Trump – vốn đã tuyên bố chỉ một ngày sau kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singpore hôm 12/6/2018 rằng mối đe dọa từ Bắc Hàn đã hết – công bố việc củng cố chiến lược phòng thủ tên lửa, là chiến lược coi Bắc Hàn như một “mối đe dọa đặc biệt”.
Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều diễn ra hồi năm ngoái là cuộc gặp lịch sử đầu tiên từ trước tới nay giữa hai đương kim lãnh đạo của hai nước.
Trong một tuyên bố có ngôn từ không mấy rõ ràng được đưa ra sau đó, ông Kim cam kết sẽ hợp tác nhằm hướng tới “giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.
Tuy nhiên, đã không có mấy tiến triển từ cả hai phía.
Ông Kim đang hy vọng làm giảm bớt các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn, nhưng Hoa Kỳ nói sẽ tiếp tục duy trì áp lực tối đa cho tới khi Bình Nhưỡng có bước đi tiến tới từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ.
Hiện chưa có chỉ dấu nào cho thấy có sự rút ngắn lại trong khoảng cách giữa đòi hỏi của Mỹ đối với việc Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân và đòi hỏi của Bình Nhưỡng muốn các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ.Các nhà phân tích từ Mỹ nói rằng Bắc Hàn sẽ muốn có một thông điệp rõ ràng từ phía chính quyền ông Trump về những nhượng bộ từ phía Mỹ.
Ngoại trưởng Nam Hàn Kang Kyung-wha hôm thứ Tư nói nếu Bắc Hàn có những bước đi vững chắc tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí của mình thì Washington có thể sẽ đề nghị chính thức chấm dứt Cuộc chiến Triều Tiên 1950-53, bên cạnh việc đưa ra các viện trợ nhân đạo hoặc mở kênh đối thoại song phương thường trực.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46918415

TTg Phúc: Việt Nam sẽ nhập hàng của Mỹ

để thỏa lòng ông Trump

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 17/1 cam kết rằng Việt Nam sẽ nhập thêm hàng hóa của Mỹ từ các công ty như Boeing và General Electric để thu hẹp khoảng cách thương mại giữa hai nước, theo Bloomberg.
Đây được coi là một động thái nhằm giúp Việt Nam tiếp tục tránh được các biện pháp trừng phạt từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người đã đưa Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại” cho nền kinh tế Mỹ.
Tổng thống Trump hồi tháng 3/2017 ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu báo cáo điều tra Việt Nam và 15 quốc gia khác vì liên quan tới tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ với Mỹ.
Trả lời phỏng vấn truyền hình Bloomberg hôm 17/1, Thủ tướng Phúc nói rằng Việt Nam đã hợp tác tốt với Mỹ trong phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại.
“Chúng tôi nhắm mục tiêu đạt được sự cân bằng thương mại nhiều hơn với Mỹ,” ông Phúc nói với phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg. Theo người đứng đầu chính phủ, Việt Nam đã mua 150 máy bay Boeing cũng như các sản phẩm của General Electric và của các công ty dầu không được nêu tên. “(Các thương vụ đó) sẽ giúp cân bằng hơn về thương mại và thúc đẩy phát triển giữa hai nước,” theo Thủ tướng Phúc.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam lên tới 33 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2018. Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách những nước có tỷ lệ thâm hụt thương mại cao nhất của Mỹ, sau Trung Quốc, Mexico, Đức, Canada và Nhật.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phúc tới Nhà Trắng hồi tháng 5/2017, ông Trump đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại ‘lớn’ với Việt Nam mà ông hy vọng sẽ ‘sớm được cân bằng.’
Sau đó trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 11/2017, Tổng thống Trump thúc giục ông Phúc mua nhiều hàng hóa của Mỹ hơn, trong đó gồm cả vũ khí.
Việc Việt Nam mua nhiều hàng của Mỹ hơn được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm nhẹ căng thẳng với ông Trump. Ngoài ra, theo nhận định của Bloomberg, các mối quan hệ kinh tế và chiến lược với Mỹ sẽ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cũng như tăng cường mối quan hệ quốc phòng đang đâm chồi trong lúc Hà Nội đang phải chống trọi lại những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Thủ tướng Phúc nói với Bloomberg rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ với các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Tôi tin rằng chúng tôi có một mối quan hệ thương mại tốt với cả Mỹ và Trung Quốc,” ông Phúc nói. “Hai đối tác lớn này đều quan trọng như nhau đối với Việt Nam.”
Nhận định về việc Việt Nam thực hiện những lời đề nghị của chính quyền Trump, cựu Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius nói hồi đầu tuần này rằng Việt Nam đã rất “thực tế.”
“’Đừng có áp thuế lên chúng tôi – chúng tôi có thể đối phó với việc thâm hụt thương mại bằng cách mua nhiều hàng của Mỹ hơn,” ông Osius được Bloomberg trích lời nói. “Giờ đây (Việt Nam) cần phải tiếp tục theo quy trình đó và tôi nghĩ rằng họ sẽ làm điều đó.”
https://www.voatiengviet.com/a/ttg-phuc-viet-nam-se-nhap-hang-cua-my-de-thoa-long-ong-trump/4748885.html

Kế hoạch giảm biên chế năm 2019: Chỉ là trò mị dân?

Diễm Thi, RFA
Tinh giản biên chế là cụm từ được truyền thông trong nước nói đến nhiều từ năm 2011, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước đến năm 2020. Chương trình này được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến năm 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến năm 2020.
Trọng tâm của chương trình là cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công.
Tại Hội nghị toàn quốc triển khai nhiệm vụ của ngành Nội vụ năm 2019 vào sáng 15/1/2019, Bộ Nội vụ dự kiến năm 2019 sẽ giảm 44.000 biên chế hưởng lương.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn nhận định con số 44.000 thực ra rất khiêm tốn so với con số mà Nhà nước dự định giảm cho đến năm 2020, và còn nhỏ hơn nữa so với con số biên chế hiện nay ở Việt Nam. Ông cho rằng việc giảm biên chế là đúng vì nhân sự quá nhiều, quá tốn ngân sách Nhà nước mà làm việc không hiệu quả:
Lý do để giảm biên chế, thứ nhất là số lượng công chức viên chức đã phình ra kinh khủng, chiếm đến gần 3 triệu người và cực kỳ mất cân đối so với nhu cầu hành chính và quản lý dân số xã hội. – TS. Phạm Chí Dũng
Lý do để giảm biên chế, thứ nhất là số lượng công chức viên chức đã phình ra kinh khủng, chiếm đến gần 3 triệu người và cực kỳ mất cân đối so với nhu cầu hành chính và quản lý dân số xã hội. Hiện tượng bộ máy công chức ngồi chơi xơi nước chiếm một tỷ lệ rất cao. Đã có những con số ước đoán ngay trong nội bộ đưa ra ước đoán khoảng 1/3 số công chức sáng cắp ô đi tối cắp ô về và vẫn lãnh lương.
Lý do thứ hai là tỷ lệ chi lương cho bộ phận công chức viên chức là quá cao, hiện chiếm tới khoảng 74% tổng chi ngân sách, trong khi ở các nước con số này chỉ khoảng 50%. Như vậy đây là tỷ lệ rất cao và gây ra phản ứng phẫn nộ của người dân với việc người dân phải nai lưng ra đóng thuế để nuôi một đội ngũ ăn không ngồi rồi và chẳng được tích sự gì cả.”
Giáo sư Tương Lai, Cựu Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, từng là thành viên nhóm cố vấn cho các cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, cũng có cùng nhận định:
“Vấn đề nó quá rõ rồi, bởi vì một cái ngân sách như thế và phải nuôi số lượng người trong biên chế gồm viên chức nhà nước, quân đội, công an và tất cả các đoàn thể… thì không có một ngân sách nào có thể chịu được.”
Liệu có khả thi?
Mục đích của mọi cuộc tinh giản biên chế từ bao nhiêu năm nay được cho là nhằm tạo ra được bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả với số lượng nhân sự phù hợp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp.
Ngay khi đưa ra chương trình tinh giản biên chế 8 năm trước, Chính phủ cũng xác định đến năm 2020, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bảo đảm được cuộc sống và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội.
Nhiều người tỏ ra nghi ngờ mục tiêu này của Chính phủ. Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nêu lên ý kiến của mình với RFA rằng, việc này không dễ dàng thực hiện vì sẽ thừa ra rất nhiều lãnh đạo:
“Thu gọn lại thì ảnh hưởng đến chức vụ. Thí dụ trước đây có ba, bốn cấp trưởng, năm, sáu cấp phó. Bây giờ chỉ còn một cấp trưởng, hai cấp phó thì không dễ dàng thực hiện được… Lâu nay trên Diễn đàn Quốc hội và trong dư luận cũng ca thán là bộ máy cồng kềnh, thuế lại nuôi bộ máy đó, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thứ hai, bộ máy cồng kềnh làm cho hiệu quả phục vụ nhân dân giảm sút.”
Không có gì cải thiện
Tại hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế đầu năm 2016, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Tổ chức biên chế thuộc Bộ Nội vụ cho hay, trong năm 2015 và số đăng ký 6 tháng đầu năm 2016, có trên 9.000 công chức, viên chức bị tinh giản biên chế. Phần lớn số người tinh giản được hưởng chính sách về hưu trước tuyển, một số cho thôi việc ngay.
Với kế hoạch giảm 44.000 biên chế trong năm 2019 được Nhà nước đưa ra, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng tỏ ra không tin việc này sẽ thành hiện thực. Ông lấy “thành tích” đạt được trong giai đoạn giảm biên chế từ 2011 đến 2015 để dẫn chứng:
Tất cả những điều đó chỉ là trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, là những người nai lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy hành là chính. – TS. Phạm Chí Dũng
“Năm 2016 khoe khoang thành tích giảm ba ngàn công chức trong tổng số ba triệu công chức. Nhưng thực tế giảm được ba ngàn công chức thì lại tăng 123 ngàn viên chức, cũng là biên chế nhà nước.
Công chức thì thuộc khối quản lý nhà nước và viên chức thì thuộc khối sự nghiệp có thu, tức là những đơn vị thuộc các bộ ngành trung ương mà có hoạt động công ích hoặc hoạt động kinh doanh nhưng không phải là đơn vị doanh nghiệp độc lập. Nhìn vào thành tích như vậy để thấy là không có gì cải thiện. Đó là giai đoạn từ 2011 đến 2016.”
Ông cho rằng ở Việt Nam, chuyện ‘nước chảy chỗ trũng’ hay ‘đánh bùn sang ao’ là cực kỳ phổ biến, và mối quan hệ chằng chịt giữa các quan chức với nhau và người nhà quan chức đã sinh ra tình trạng chạy ghế quan chức, và khi giảm biên chế thì xin chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Cuối cùng là chẳng giảm được ai cả.
Báo cáo tổng kết công tác năm 2016 của Ban Tổ chức Trung ương khẳng định vẫn chưa khắc phục được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Theo ban này, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị ban hành ngày 17/4/2015, tổng biên chế cả nước đã tăng thêm hơn 11.000 người. Điều này có nghĩa là chủ trương tinh giản không hiệu quả.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra kết luận về việc Nhà nước tiếp tục đưa ra kế hoạch tinh giản biên chế cho năm 2019:
“Tất cả những điều đó chỉ là trò mị dân để xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng, là những người nai lưng ra đóng thuế để nuôi một bộ máy hành là chính”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/plan-to-reduce-44000-civil-servants-in-2019-just-a-demagogism-dt-01172019150001.html

Dự án Metro số 1:

 Xin tạm ứng 2.245 tỷ đồng trước Tết

Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh vừa xin tạm ứng ngân sách thành phố 2.245 tỷ đồng để giải quyết nợ đọng cho nhà thầu dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên trước ngày 1 tháng 2.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 18/1, trích nội dung văn bản Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh gửi Ủy ban Nhân dân thành phố và Sở Tài chính Thành phố.
Hiện Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh chưa thanh toán cho các nhà thầu trong năm 2018 là 2.481 tỷ đồng. Nhưng dự tính chỉ thanh toán được 236 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/1. Do đó, 2.245 tỷ đồng còn lại đang cần được tạm ứng ngân sách thành phố trước Tết Nguyên đán.
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh, vốn dự kiến cho năm 2019 cho dự án metro số 1 là 7.257 tỷ đồng, cộng với 2.245 tỷ đồng vừa nêu, nên tổng nhu cầu vốn cần có là 9.502 tỷ đồng.
Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã lên tiếng phàn nàn về việc chậm tiến độ ở dự án Metro số 1 và việc chậm thanh toán tiền cho các nhà thầu lên đến 100 triệu đô la. Ông cảnh báo nếu không thanh toán, việc thi công dự án có thể bị ngưng lại.
Dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư gần 42.000 tỷ đồng, chiếm 88,4%. Vốn từ ngân sách TP.HCM chiếm 11, 6% tổng mức đầu tư.
Vào năm 2007, dự án metro số 1 được Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt với tổng mức đầu tư dự án khoảng 17.388 tỷ đồng và không cần trình Quốc hội để phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đến năm 2009 thì dự án đội vốn với tổng mức đầu tư cần có là 47.325 tỷ đồng.
Giữa tháng 12/2018, ông Hoàng Như Cương, Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đã đi nước ngoài có việc riêng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Trước khi đột ngột đi nước ngoài, ông Cương có đơn xin nghỉ việc.
Đến ngày 25/12/2018, truyền thông trong nước loan tin nêu rõ sau gần 2 tháng làm việc, Kiểm Toán Nhà Nước đã có báo cáo công tác kiểm toán dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, chỉ ra hằng loạt sai phạm và kiến nghị các đơn vị kiểm toán phải xử lý tài chính số tiền lên đến gần 2.900 tỷ đồng. Trong đó chỉ rõ sai phạm của ông Hoàng Như Cương khi phê duyệt điều chỉnh dự án là trái thẩm quyền vì ông Cương chỉ là cấp phó, không có thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư và quy mô của dự án quan trọng quốc gia.
Hồi đầu tháng 1, truyền thông trong nước đưa tin Bộ Chính trị đã đồng ý điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tuyến metro số 1 từ 17.388 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/maur-needs-2k2-billion-dong-for-the-metro-project1-before-tet-01182019073725.html

Bảo vệ người tố giác tham nhũng:

Con đường từ cơ chế đến thực tế còn gập ghềnh

Trung Khang, RFA
Bộ Chính trị vừa ban hành chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng… Chỉ thị này cũng như Luật tố cáo 2018 vừa có hiệu lực có dễ dàng thực thi?
“Việc thực thi pháp luật còn lơ là, yếu kém”
Ngày 16 tháng 1 năm 2019, thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng vừa ký ban hành Chỉ thị số 27 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng trong công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác tham nhũng…
Ông Vượng cho rằng, chỉ thị này nhằm góp phần tạo động lực, khuyến khích người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, chống lãng phí, chống tiêu cực, nhưng không làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người tố cáo.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam nhận xét về chỉ thị 27:
Tôi xin nói thẳng, ở Việt Nam hay có tình trạng, pháp luật thì thông qua rồi, nhưng việc thực thi pháp luật còn lơ là, yếu kém.
-GS Đặng Hùng Võ
“Tôi cho rằng chỉ thị 27 là một điểm nhấn trong chính sách bảo vệ người tố cáo nói chung, trong đó chiếm đa số là tố cáo tham nhũng. Tôi xin nói thẳng, ở Việt Nam hay có tình trạng, pháp luật thì thông qua rồi, nhưng việc thực thi pháp luật còn lơ là, yếu kém. Chính vì vậy, bên đảng ra thêm một chỉ thị nữa, đó là thực thi pháp luật tố cáo trong đó có một nội dung mới được sửa đổi quốc hội thông qua, là những cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được tiến hành tốt hơn về mặt pháp luật. Tôi cho rằng điều này tốt cho việc chống tham nhũng ở Việt Nam.”
Theo Chỉ thị 27, một trong những nguyên nhân hạn chế về việc bảo vệ người tố cáo, là do cấp ủy đảng, tổ chức đảng ở một số địa phương chưa quan tâm đến công tác này.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/1/2019, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đưa ra nhận xét về chỉ thị này:
“Thường những chỉ thị trong đảng người ta nói trong nội bộ đảng là chính, còn Luật tố cáo thì người ta nói trên phạm vi toàn xã hội, tất cả mọi người dân. Còn những biên bản của đảng thì nó có giá trị trong nội bộ đảng là chính.”
Theo luật sư Trần Quốc Thuận, ở Việt Nam chuyện gì cũng có luật cả. Chuyện khuyến khích nhân dân tố cáo tiêu cực, tham nhũng không chỉ có văn bản quy định mà ngay cả những người lãnh đạo đảng, nhà nước cũng hô hào. Theo ông, luật cũng quy định người tố cáo được bảo vệ, nhưng vấn đề là cơ chế để bảo vệ như thế nào thì chưa được cụ thể lắm.
Phát biểu lúc giới thiệu chỉ thị 27 tại Hà Nội, ông Trần Quốc Vượng cho rằng, mặc dù thời gian qua chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, quy định trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông Vượng vẫn còn nhiều hạn chế như tình trạng lộ thông tin của người tố cáo, nhiều trường hợp người tố cáo không được bảo vệ, bị trả thù, trù dập…
Bà Lê Hiền Đức, một cụ bà được nhiều người tại Việt Nam biết đến vì từng giúp nhiều người khác đấu tranh chống tham nhũng. Bà cũng từng được Tổ chức Minh bạch Quốc tế trao giải thưởng Liêm chính năm 2007. Khi nói chuyện với chúng tôi hôm 17/1, bà kể lại chuyện bà bị hăm dọa trả thù khi tố cáo tham nhũng trước đây:
“Từ nhiều năm nay, đối với tôi thì phải hơn chục năm rồi, khi mà tôi tố cáo bọn tham nhũng rất nhiều chuyện, phanh phui rất nhiều sai phạm của bọn tham nhũng, tôi không sợ gì hết. Tôi còn nhớ khi tôi tố cáo một cán bộ bên tập đoàn VNPT và tố cáo một hiệu trưởng ăn bớt tiền ăn của học trò cấp một trong hai năm liền, khi đó không biết ai trong số những người tôi tố cáo còn thuê người đem đến trước cửa nhà tôi, chặn một vòng hoa tang cao hơn đầu người tôi, với dòng chữ ‘Kính Viếng Hương Hồn Cụ’. Đấy là một điều chúng nó khủng bố tôi, nhưng tôi đã tố cáo và tôi chống tham nhũng thì tôi không sợ một cái gì cả. Chứ còn người tố cáo có được bảo vệ hay không? Khi ông Trần Quốc Vượng đưa chỉ thị đó ra, tôi hoan nghênh, nhưng quan trọng nhất là có làm được đúng như chỉ thị đó hay không?”
Chỉ thị số 27 của Bộ Chính trị được ban hành ngay thời điểm Luật Tố cáo 2018 vừa có hiệu lực nhằm thay thế cho Luật Tố cáo 2011, được cho rằng nhằm nhắc nhở việc thực thi pháp luật tố cáo.
Còn nhiều quan ngại
Tuy nhiên trong những điểm mới Luật Tố cáo 2018, cũng có một số điểm gây quan ngại. Như theo khoản 3 Điều 24, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết thì không xử lý. Điều khoản này này làm dấy lên quan ngại sẽ gây khó khăn cho người tố cáo. Bà Lê Hiền Đức kể lại kinh nghiệm của mình liên quan vấn đề này:
“Rất nhiều cán bộ bị tôi tố cáo nhưng nó bao che cho nhau, nó đùn đẩy chỗ nọ chỗ kia. Thanh tra bộ thì đẩy xuống tỉnh, tỉnh lại không giải quyết, lại trả lời tôi là tố cáo của tôi không có căn cứ. Nghĩa là trên thì đẩy xuống, dưới đẩy lên, và chúng nó bao che cho nhau, chúng nó không xử lý.”
Với tin thần của luật tố cáo, thì người tố cáo phải tố cáo đúng sự việc và đúng địa chỉ, chứ bây giờ giữa tố cáo và nói xấu này kia thì nó mênh mông lắm.
-LS. Trần Quốc Thuận
Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng nhìn nhận hạn chế này, ông đưa ra khuyến nghị:
“Không đúng thẩm quyền thì không giải quyết cũng là một nguyên tắc pháp luật đúng. Nhưng trong hướng dẫn thực thi phải có thêm cái điều là người nhận tố cáo dù ở vị trí nào nếu không giải quyết thì vẫn phải chuyển về đúng nơi có thẩm quyền giải quyết. Tôi cho rằng đấy cũng là một điểm rất quan trọng.”
Chỉ thị 27 của Bộ chính trị cũng nhìn nhận tình trạng để lộ thông tin của người tố cáo, không ít trường hợp bị trả thù… Tuy nhiên, theo khoản 1 điều 25 của Luật Tố cáo 2018 quy định, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc dùng họ tên của người khác để tố cáo thì cơ quan có thẩm quyền không xử lý.
Liên quan vấn đề này, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận định:
“Với tin thần của luật tố cáo, thì người tố cáo phải tố cáo đúng sự việc và đúng địa chỉ, chứ bây giờ giữa tố cáo và nói xấu này kia thì nó mênh mông lắm. Mà gởi không có địa chỉ thì cũng không có ai mà bám theo lời nói đó. Thường trên mạng xã hội nó nhiều ý kiến lắm, nhưng mà không phải cứ cái gì trên mạng xã hội là chuyển thành tố cáo phải giải quyết, cái đó thì không ổn vì nó không có chứng cứ gì cả?”
Luật sư Thuận cho rằng, việc này nhằm đề phòng việc lợi dụng để nói chuyện này kia không chúng cứ. Nhưng theo ông, luật tố cáo cũng nêu rõ, nếu mà có chứng cứng cụ thể thì cũng phải xem xét, chứ không phải là bác bỏ.
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, công khai danh tính để người tố cáo phải có trách nhiệm với việc mình tố cáo. Bởi vì đã có trường hợp nhiều người cũng đã từng lợi dụng việc tố cáo để hại người khác. Ông cho rằng việc công khai nhân thân người tố cáo là việc cần thiết để tăng hiệu quả việc tố cáo.
Luật sư Trần Quốc Thuận cũng cho biết, Luật tố cáo 2018 vừa có hiệu lực và Chỉ thị 27 của Ban bí thư không có gì mâu thuẫn nhau. Chỉ thị này khuyến khích người dân tố cáo và không loại bỏ người tố cáo dù là ở cương vị xã hội nào vẫn được bảo vệ. Ông cho đó là một biểu hiện tích cực, tuy nhiên ông bày tỏ mong muốn việc này sẽ được diễn ra trong thực tế chứ không phải chỉ trong văn bản.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mechanism-to-protect-corruption-informants-01172019203522.html

Các tổ chức dân sự kêu gọi Quốc hội Châu Âu

hoãn bỏ phiếu thông qua FTA với Việt Nam

18 tổ chức dân sự trong và ngoài Việt Nam hôm 18/1 đã gửi thư đến Quốc hội Châu Âu, đề nghị EU hoãn việc bỏ phiếu thông qua Hiệp định tự thương mại với Việt Nam (EVFTA) vì những lo ngại về tình hình nhân quyền đang xuống dốc tại Việt Nam.
Bức thư bày tỏ sư quan ngại sâu sắc trước tình trạng chính phủ Việt Nam đã lờ đi những lời kêu gọi từ phía Quốc Hội Châu Âu thời gian qua liên quan đến tình hình nhân quyền đang trở nên tồi tệ ở Việt Nam, đặc biệt là việc Luật An ninh mạng gặp nhiều chỉ trích của Việt Nam đã đi vào hiệu lực vào ngày 1/1/2019 vừa qua.
“Bất chấp là một thành viên của Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, Việt Nam có một bộ luật hình sự đàn áp nhất trong khu vực, với các điều khoản lỏng lẻo thường xuyên được dùng để bỏ tù những người có tiếng nói chỉ trích chính phủ một cách ôn hòa, những bloggers, những nhà hoạt động vì quyền của người lao động, hoạt động môi trường, bảo vệ nhân quyền và các lãnh đạo tôn giáo”, bức thư viết.
Bức thư cũng chỉ trích chính phủ Việt Nam đã kiểm soát chặt chẽ báo chí, kiểm duyệt internet, không cho phép các tổ chức của người lao động độc lập được hoạt động, và chưa bao giờ tổ chức một cuộc bầu cử thực sự tự do, công bằng.
Những tổ chức gửi thư đề nghị Quốc hội Châu Âu hoãn việc bỏ phiếu EVFTA và sử dụng các hoạt động tương tác sắp tới bao gồm cuộc họp Bộ trưởng EU – ASEAN và Kiểm điểm định kỳ ở UN, cũng như đối thoại nhân quyền giữa EU – Việt Nam để đòi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức cho một loạt những nhà hoạt động, bloggers đang bị câm tù. Con số này được bức thư ước tính là hơn 100 người.
Ngoài ra, các tổ chức này cũng đề EU phải yêu cầu Việt Nam có những thay đổi trong bộ luật Hình sự, tố tụng hình sự, luật an ninh mạng, luật tôn giáo và luật lao động để cho phép sự hòa động của các tổ chức công đoàn độc lập; ký Nghị định thư tùy chọn về Công ước chống Tra tấn; chấm dứt các hình phạt tử hình.
Việt Nam và EU đã hoàn tất việc đàm phán EVFTA từ năm 2015. Hai phía hy vọng hiệp định này sẽ sớm được Quốc hội Châu Âu thông qua trong thời gian tới để có thể đi vào hiệu lực. Tuy nhiên hôm 13/11 vừa qua Quốc hội Châu Âu đã ra nghị quyết lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tiếp diễn tại Việt Nam và kêu gọi chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến.
Vào ngày 21/1 tới đây, tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Việt Nam sẽ có cuộc Kiểm điểm định kỳ. Một số tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ có báo cáo tại đây về tình trạng nhân quyền thời gian qua ở Việt Nam.
Hôm 17/1/2019, Human Rights Watch, tổ chức vừa tham gia ký thư gửi Quốc hội Châu Âu, đã công bố phúc trình toàn cầu 2019, chỉ trích chính quyền Việt Nam đã gia tăng chính sách đàn áp có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong năm 2018. Theo HRW, tỏng năm 2018, chính quyền Việt Nam đã kết án ít nhất 42 người vì bày tỏ ý kiến chỉ trích chính phủ, tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ngos-urge-the-eu-to-postpone-vote-on-vn-free-trade-agreement-01182019104235.html

Vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo

được phóng tại Nhật

Thụy My
MicroDragon, vệ tinh đầu tiên do người Việt Nam thiết kế và sản xuất hôm nay 18/01/2019 được phóng lên tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura ở Nhật Bản. Đây là dự án khoa học lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam, với số vốn đầu tư lên đến 600 triệu đô la. Chương trình do 36 kỹ sư trẻ được đào tạo tại Nhật thực hiện.
Japan Times cho biết sáng nay Nhật đã phóng thành công hỏa tiễn Epsilon-4 mang theo bảy vệ tinh, trong đó có vệ tinh MicroDragon do các kỹ sư thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam chế tạo, với sự hỗ trợ của các giáo sư thuộc năm trường đại học uy tín nhất Nhật Bản.
Epsilon là hỏa tiễn có giá thành thấp nhờ sử dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo, cắt giảm được chi phí lao động và vận hành.
Theo báo chí trong nước, vệ tinh MicroDragon nặng 50 kg, có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ, nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, thu thập dữ liệu khí tượng, giám sát tàu thuyền trên biển.
Được biết Nhật Bản là nước duy nhất đồng ý chuyển giao công nghệ vệ tinh cho Việt Nam. Khi tự chế tạo, Việt Nam tiết kiệm được chi phí, tăng cường bảo mật và nâng cao trình độ một số ngành khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190118-ve-tinh-dau-tien-do-viet-nam-che-tao-duoc-phong-tai-nhat

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.