Tin Biển Đông – 18/01/2019
Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2019
14:43
//
Biển Đông
,
Slider
Trung Quốc dùng trí thông minh nhân tạo
kiểm soát Biển Đông
Sau thành công chinh phục không gian, trị dân trong nước, Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo trong hàng loạt dự án đầy tham vọng, trên danh nghĩa nghiên cứu khoa học, nhưng thực chất là kiểm soát Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền hơn 80% diện tích.Trong bài viết về Trí thông minh nhân tạo ở Biển Đông (Artificial Intelligence in the South China Sea) trên trang Global Risk Insights (28/12/2018), Jonathan Hall, chuyên gia phân tích rủi ro chính trị và an ninh chuyên về địa chính trị Á-Âu, lược lại những dự án ở Biển Đông được Trung Quốc sử dụng trí thông minh nhân tạo, từ thăm dò dưới biển sâu, đầu tư quốc tế, cho đến hoạt động quân sự và an ninh mạng.
Lập căn cứ trí thông minh nhân tạo dưới đáy Biển Đông
Các nhà khoa học Trung Quốc lên kế hoạch lập một căn cứ đầu tiên trên thế giới do trí thông minh nhân tạo điều hành và nằm dưới biển sâu. Dự án mang tên Hades (từ chỉ địa ngục trong thần thoại Hy Lạp) được khởi động vào tháng 11/2018 tại Viện Khoa Học Trung Quốc sau chuyến thăm hồi tháng Tư của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Viện Nghiên cứu Hải dương ở thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Ông Tập đã kêu gọi các nhà khoa học, kỹ sư thực hiện một việc chưa từng có : « Không có con đường nào dưới đáy biển. Chúng ta không cần phải đuổi theo các nước khác, chúng ta tự làm đường ».
Dự án trị giá khoảng 160 triệu đô la. Trên lý thuyết, khu phức hợp dưới đáy biển sẽ có nơi neo đậu cho các thiết bị lặn không người lái phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nhưng hẳn Trung Quốc sẽ sử dụng căn cứ này phục vụ mục đích quân sự.
Khu vực đang được nghiên cứu là Rãnh Manila (Manila Trench), nơi duy nhất ở Biển Đông có độ sâu trên 5.000 mét. Nằm gần bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ Philippines vào năm 2012, Trung Quốc sẽ lấy cớ lập căn cứ nhân đạo để triển khai lực lượng mang lợi ích chiến lược ở khu vực này.
Nằm tại điểm giao nhau giữa khối lục địa Á-Âu và châu Đại Dương, Rãnh Manila là địa điểm hoàn hảo để ghi lại hoạt động địa chấn. Ở một trong những vùng xảy ra động đất nhiều nhất thế giới, Trung Quốc lại càng có khả năng đẩy nhanh lịch trình « lợi cả đôi đường » : một mặt, theo dõi động đất và sóng thần nhằm giúp giới chuyên gia lập biện pháp khẩn cấp ở mỗi nước, mặt khác, tiến hành những chiến dịch đối kháng và theo dõi tầu bè nước ngoài.
Thiết bị lặn không người lái
Vẫn sau chuyến thăm vào tháng 04/2018 của ông Tập Cận Bình, Viện Hàn Lâm Khoa Học Trung Quốc bắt đầu theo đuổi kế hoạch lập một đội tầu lặn tự hành, hay còn được gọi là “Phương tiện không người lái dưới nước” (Extra Large Underwater Unmanned Vehicles, XLUUV).
Những con tầu này có khả năng làm nhiệm vụ từ theo dõi cá voi đến hoạt động chống tầu sân bay. Tất cả hoạt động nhờ vào trí thông minh nhân tạo. Có thể vượt qua hàng nghìn hải lý, tùy thuộc vào kích cỡ của đội tầu mà Trung Quốc có thể xuất hiện ở khắp nơi trong khu vực. Khi di chuyển dưới đại dương, đội tầu ngầm tự hành này sẽ có khả năng hoạt động trên phạm vi rộng lớn, từ chiến tranh điện tử đến rà mìn (mine warfare), cũng như nhiều khả năng tấn công khác.
Chuyên gia Jonathan Hall không loại trừ khả năng một thiết bị ngầm tự động không người lái, bị mất kiểm soát, vì công nghệ trí thông minh nhân tạo vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nên có thể bắn vào tầu hải quân hoặc tầu dân sự. Trung Quốc có thể sẽ gây ra một cuộc tấn công quy mô nhỏ kiểu như vậy nhắm vào các tầu nước ngoài, sau đó tuyên bố tại nạn xảy ra ngoài ý muốn vì « sự cố công nghệ ».
Phát triển hệ thống thiết bị tự động dưới lòng biển nằm trong chiến lược « Vạn lý trường thành dưới nước » của Trung Quốc. Dự án bao gồm cả một mạng lưới máy dò, được đặt ngầm trong khu vực Biển Đông, nhằm phục vụ cho quốc phòng. Lợi ích chiến lược chính của dự án này là nhằm phát hiện tầu ngầm của Mỹ, Nga, đồng thời loại bỏ lợi thế hiện nay của những nước này trong lĩnh vực hải quân.
Công nghệ « 2 trong 1 »
Theo Tổng công ty Đóng tầu Nhà nước Trung Quốc (China State Shipbuilding Corporation), cơ quan phụ trách dự án, một mục tiêu khác là cung cấp cho khách hàng « một giải pháp trọn gói về giám sát và thu thập dữ liệu môi trường dưới nước, theo dõi trực tiếp các mục tiêu trên mặt nước và dưới lòng biển, cảnh báo động đất, sóng thần và những thảm họa khác, cũng như những nghiên cứu hải dương ».
Dự án có lợi cho tất cả các bên tham gia nhưng, một thực tế không được nêu lên, đó là lợi ích mang tính quyết định mà lực lượng hải quân Trung Quốc có thể được hưởng. Với hệ thống giám sát trực tiếp trên khắp Biển Đông, tiềm lực chiến thuật là gần như vô hạn.
Công nghệ trí thông minh nhân tạo còn được phát triển rộng hơn nhờ khả năng dễ dàng chuyển từ ứng dụng tư nhân sang ứng dụng quân sự. Nếu thuật toán lập trình được phát triển trong lĩnh vực dân sự có khả năng dễ dàng thích ứng trong ứng dụng quân sự, thì toàn bộ cộng đồng khởi nghiệp trí thông minh nhân tạo của Trung Quốc cũng có thể tham gia vào quá trình phát triển các ứng dụng bảo mật của công nghệ trí thông minh nhân tạo.
Lấy ví dụ thiết bị lặn không người lái, một thuật toán thông minh nhân tạo sẽ được sử dụng để điều khiển những con tàu đó khi chúng đi tìm tài nguyên và những dữ liệu khoa học hữu ích khác. Được thiết kế để kết hợp với nhau, thuật toán lập trình có thể dễ dàng giúp tìm ra thêm cách sử dụng trong khuôn khổ gọi là « kỹ thuật quần thể » (swarming techniques), có nghĩa là cho phép các thiết bị lặn không người lái hoạt động đồng bộ và thích ứng dễ dàng với mọi thay đổi trong môi trường chiến đấu. Những thuật toán như vậy đã tồn tại trong lĩnh vực tư nhân, quân đội chỉ cần thích ứng để có được khả năng sử dụng trọn vẹn trong các chiến dịch hải quân.
Thảo chính sách nhờ hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo
Những tiến bộ trong bộ Ngoại Giao Trung Quốc là một ví dụ khác cho thấy rõ lợi ích kép của trí thông minh nhân tạo. Một bản mẫu (prototype), đang được thử nghiệm, cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo một hệ thống ngoại giao được trí thông minh nhân tạo hỗ trợ. Phiên bản này hiện đang được sử dụng để giảm tải cho các nhà hoạch định dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.
Với hơn 70 nước và khoảng 65% dân số thế giới liên quan đến dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc, rất nhiều yếu tố cần được cân nhắc khi đưa ra quyết định. Nhờ công nghệ trí thông minh nhân tạo giúp tổng hợp các dữ liệu và đưa ra những đề xuất, bộ Ngoại Giao Trung Quốc có lẽ đã thu được những lợi ích quan trọng về mặt hiệu quả và độ chính xác trong phán đoán.
Ngoài hữu ích cho đầu tư nước ngoài, hệ thống này đã được quân đội Trung Quốc sử dụng cho hoạt động quân sự.
Triển vọng của trí thông minh nhân tạo
Năm 1997, phần mềm Deep Blue của IMP đã đánh bại Garry Kassparov, kiện tướng cờ vua người Nga. Dù chưa phải là một công nghệ trí thông minh nhân tạo thực thụ, nhưng nó đã tổng hợp được vài nghìn cử động mỗi giây. Đây là một trong những thành công đầu tiên trong loạt thử nghiệm như vậy.
Năm 2016, phần mềm AlphaGo của Google đã đánh bại Lee Sedol, một trong những kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới. Chưa đầy một năm sau, Google công bố AlphaGo Zero. Trong khi phiên bản đầu AlphaGo học chơi cờ bằng cách phân tích các trận đấu giữa trí thông minh nhân tạo và con người, thì AlphaGo Zero tự chơi. Sau ba ngày, AlphaGo Zero đã có thể thắng phiên bản trước và khẳng định khả năng tự học của trí thông minh nhân tạo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố vào năm 2017 rằng « bất kỳ nước nào trở thành thủ lĩnh trong lĩnh vực này thì sẽ trở thành nước lãnh đạo thế giới ». Dường như không nước nào chú ý đến lời phát biểu đó, trừ Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190118-trung-quoc-dung-tri-thong-minh-nhan-tao-kiem-soat-bien-dong
Hoạt động phi pháp của TQ
tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Sau khi sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động phi pháp trên quần đảo này nhằm tìm cách gia tăng kiểm soát và ngụy tạo bằng chứng khẳng định yêu sách “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa. Từ đó đến nay, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối mạnh mẽ của dư luận các nước, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động phi pháp đối với khu vực này.Trung Quốc thành lập cái gọi là “thị xã Tam Sa”
Tháng 11/2007, Quốc vụ viện Trung Quốc ngang nhiên ký quyết định thành lập một đô thị cấp huyện (huyện cấp thị) thuộc tỉnh Hải Nam lấy tên là “Tam Sa” có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngay sau đó, Chính phủ Việt Nam đã phản đối việc thành lập “thị xã” này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức tuyên bố: “Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên”. Đảng Cộng sản Việt Nam tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hành động này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, không phù hợp với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, không có lợi cho tiến trình đàm phán tìm kiếm biện pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề trên biển giữa hai bên. Đồng thời khẳng định quan điểm, Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng Luật pháp Quốc tế và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002 nhằm giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông và khu vực. Quốc hội Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng khoá VII cũng đã phản đối việc lập thị xã cấp huyện Tam Sa. Đáng chú ý, Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã ra nghị quyết khẳng định chủ
quyền đối với Hoàng Sa, nghị quyết nêu rõ: “Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hòa phản đối việc Trung Quốc đưa huyện Trường Sa của Khánh Hòa vào đơn vị hành chính mới trực thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Quốc và khẳng định huyện Trường Sa là một trong 9 đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Khánh Hòa”.
Trung Quốc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”
Ngày 21/6/2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn quyết định thành lập “Tam Sa”. Ngày 17/7/2012, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định thành lập “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Ngày 20/7/2012, truyền thông Trung Quốc loan tin Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập Bộ chỉ huy quân đồn trú tại Tam Sa. Ngày 21/7/, Trung Quốc tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Hai ngày sau đó, phiên họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa” đã bầu một nhân vật tên Tiêu Kiệt làm Thị trưởng. Theo truyền thông Trung Quốc, buổi lễ thành lập “thành phố Tam Sa” có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Dân chính Tôn Thiệu Sính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy Lý Hiến Sinh, Phó tư lệnh Quân khu Quảng Châu Viên Thư Thành. Ngoài ra, còn có một loạt các quan chức thuộc các bộ Giao thông, Công an, Dân chính và Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc tham dự buổi lễ được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc phát sóng trực tiếp. Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để “quản lý” một khu vực mà nhiều nước đang tranh chấp chủ quyền, trong đó bao gồm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, nguỵ tạo bằng chứng phi pháp về chủ quyền bằng cách công bố bản đồ “đường chín đoạn phi pháp”, cấp hộ chiếu cho công dân có in bản đồ Trung Quốc với đường chín đoạn phi pháp này, tiếp đó là đưa khách du lịch ra các đảo tham quan, đưa vào chương trình giáo dục từ tiểu học đến phổ thông của nước này rằng Trung Quốc chính nghĩa và đang bị các nước khác đánh hội đồng…
Trước hành động phi pháp trên của Trung Quốc, Việt Nam và cộng đồng quốc tế đều kịch liệt lên tiếng phản đối. Bộ Ngoại giao Việt Nam (24/7/2012) đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc, nhấn mạnh việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp. Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nói trên của Trung Quốc; đồng thời yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt và hủy bỏ ngay các hành động sai trái đó, đóng góp thiết thực vào việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng cùng ra tuyên bố nêu rõ: Chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa một lần nữa hết sức lo ngại và bất bình trước việc ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa” và ngày 21/7/2012 phía Trung Quốc đã tổ chức bầu cử đại biểu Đại hội đại biểu Nhân dân khóa I của cái gọi là “thành phố Tam Sa.” Những hành động sai trái của Trung Quốc không làm thay đổi thực tế hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là bộ phận không tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa cương quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, cản trở nỗ lực chung duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, làm tổn hại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Tuyên truyền về cái gọi là “thành phố Tam Sa”.Tháng 7/2018, Trung Quốc cho tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập cái họ gọi là “thành phố Tam Sa”, tiếp đến lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cho phép kênh Thiếu nhi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi ở Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, rồi Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam… tất cả chiêu bài này đều nằm trong một kế hoạch lâu dài của Trung Quốc nhằm từng bước “đặt sự đã rồi”, thiết lập quyền kiểm soát trên Biển Đông, sau
đó là thâu tóm toàn bộ khu vực. Trước đó, tháng 6/2013, Trung Quốc ngang nhiên xuất bản sách giới thiệu “thành phố Tam Sa” nhằm đánh dấu một năm ngày thành lập “thành phố Tam Sa”. Quyển sách do Nhà Xuất bản Nhân dân Trung Quốc phát hành nói về lịch sử thành phố, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vai trò của “thành phố” này trong việc bảo vệ chủ quyền, quốc phòng Trung Quốc.
Phản ứng trước hoạt động phi pháp trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Các hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động nêu trên, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thực hiện nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng như Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có hành động làm phức tạp tình hình; đóng góp thiết thực và tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông và khu vực”.
Quân sự hóa “thành phố Tam Sa”
Trung Quốc đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m trên đảo Phú Lâm. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất tám máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác. Tháng 5/2018, Trung Quốc triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trước đó, từ tháng 2/2016, nhiều đơn vị HQ-9 cũng đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa. Trung Quốc đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Căn cứ quân sự này kiên cố nhất trên Biển Đông. Trung Quốc Hồng Lỗi cũng công khai thừa nhận rằng Trung Quốc đã bố trí tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm. Tân hoa xã cho biết tàu tiếp tế giao thông “Tam Sa số 1” đã được đưa đến đảo Phú Lâm. Đây là tàu tiếp tế cỡ lớn do Trung Quốc đóng sau khi tuyên bố thành lập trái phép “thành phố Tam Sa”, có thể chở đến 456 người và được trang bị sân bay trực thăng cùng hàng loạt chức năng khác nhằm phục vụ mục đích tiếp tế cho quân và dân Trung Quốc đang đồn trú và cư ngụ trái phép ở các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại đảo Phú Lâm. Gần đây nhất, vào tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố đoạn video cho thấy máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cất hạ cánh từ một trên những hòn đảo ở Biển Đông. Chiếc H-6K này đã tiến hành các cuộc không kích mô phỏng chống lại lực lượng hải quân đối phương giả định. Trước đó, mạng Tin tức Trung Quốc cho biết khoảng 20 tàu thuyền của các cơ quan chức năng biển của Trung Quốc và tàu của ngư dân, binh lính đóng trái phép trên đảo Phú Lâm đã tổ chức diễn tập. Cuộc diễn tập chia làm ba phần, gồm diễn tập biên đội tàu thủy; giả định xử phạt tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm qui định đánh bắt ở biển và xử phạt tàu nước ngoài mà Trung Quốc cho rằng xâm phạm vùng biển nước này cho là thuộc chủ quyền của mình; diễn tập các hoạt động cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp có người rơi xuống biển.
Trước các hoạt động phi pháp trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam hết sức quan ngại trước các thông tin nêu trên và khẳng định mọi hoạt động quân sự hóa, bao gồm cả việc bố trí tên lửa trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), làm gia tăng căng thẳng, gây mất ổn định trong khu vực và không có lợi cho nỗ lực của các nước trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông hiện nay (COC). Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuân thủ nghiêm túc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc”.
Xây dựng, đưa vào sử dụng Đồn giam giữ và Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa
Ngày 25/7/2015, Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành xây dựng trái phép công trình Đồn giam giữ và Trung tâm phòng ngự liên hợp cho “thành phố Tam Sa”. Công trình Đồn giam giữ được xây dựng tòa nhà 3 tầng với tổng diện tích 1.498 m2, sau khi xây dựng xong có thể tạm giam cùng lúc 56 người. Chính quyền Tam Sa ngang nhiên nói rằng sẽ sử dụng Đồn giam giữ này để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm lãnh thổ chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Giới chức “thành phố Tam Sa” loan tin Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa nhằm nâng cao khả năng phòng thủ cho “thành phố Tam Sa” tại các vùng biển, nâng cao hiệu quả trong công tác tìm kiếm, cứu nạn.
Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Bông Bay ở Hoàng Sa
Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho biết thông qua hình ảnh vệ tinh, họ phát hiện “một cấu trúc mới còn khiêm tốn” trên đá Bông Bay thuộc nhóm đảo An Vĩnh, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cấu trúc này ẩn dưới mái che radar và các tấm pin năng lượng mặt trời. Báo cáo từ AMTI cho hay hiện chưa rõ mục đích của cấu trúc này song nó có thể được dùng cho mục đích quân sự.
Phủ sóng mạng internet không dây (wifi) và điện lưới
Từ đầu tháng 10/2015, Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ngư dân và nhân viên Trung Quốc đồn trú (trái phép) trên các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây và đảo Bắc và tiếp đó sẽ triển khai lắp đặt tại các đảo đá khác như đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa. Hồi đầu tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn.
Theo Asia Times, Trung Quốc đã vận hành trái phép mạng lưới điện thông minh cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm. Các bản tin của Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo ngang nhiên đưa tin rằng mạng lưới này sẽ cung cấp điện cho các cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên các hòn đảo mà nước này tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Theo Tân hoa xã, mạng lưới điện phi pháp này sẽ giúp tăng khả năng cung cấp điện trên đảo thêm 08 lần, đồng thời có thể kết nối với mạng lưới điện chính trên đảo Hải Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về quân sự và dân sự. Báo Trung Quốc thậm chí còn đưa tin mạng lưới điện trên đảo Phú Lâm có thể được phát triển thành trung tâm kiểm soát nhằm quản lý các mạng lưới điện khác trên các đảo lân cận.
Mở các đường bay dân sự và tàu thuyền ra “Tam Sa”
Trung Quốc đã ngang nhiên mở đường bay dân sự đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên đã cất cánh từ thành phố Hải Khẩu thuộc tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) vào lúc 8h45 sáng 21/12/2016 đến đảo Phú Lâm rồi từ đảo Phú Lâm quay lại thành phố Hải Khẩu vào lúc 13h chiều cùng ngày. Theo đó, các chuyến bay như thế này sẽ được tiến hành hàng ngày với giá 1.200 Nhân dân tệ (tương đương 172 USD/Chiều). Truyền thông Trung Quốc loan tin sân bay trên đảo Phú Lâm là sân bay hỗn hợp và mới được chấp thuận sử dụng cho mục đích dân sự vào ngày 16/12/2016, giúp cải thiện điều kiện làm việc của các nhân viên dân sự và các binh sĩ sống tại “thành phố Tam Sa”.
Khai trương rạp chiếu phim, thư viện số, cúp đua thuyền buồm
Tháng 7/2017, Trung Quốc thông báo khai trương rạp chiếu phim hiện đại tại “thành phố Tam Sa” có tên gọi “Ân Long Tam Sa”, trong đó đã trình chiếu bộ phim “Sự bất tử của Giao Ngọc Lã” (The Eternity of Jiao Yulu) cho hơn 200 cư dân và binh sỹ ngay trong ngày đầu mở cửa. Hãng Tân Hoa Xã cho biết rạp chiếu phim này sẽ chiếu ít nhất một lần mỗi ngày để dân cư được ước tính là khoảng 2.000 người đang sinh sống trên đảo “có thể thưởng thức cùng lúc với khán giả trên cả nước”. Ngày 30/7/2018, Trung Quốc tiếp tục cho khai trương “Thư viện số Trung Quốc chi nhánh Tam Sa” tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, trong đó áp dụng các công nghệ hiện đại nhất hiện nay như Big Data, Cloud… để lưu trữ khoảng 200.000 bản tài liệu số hóa âm thanh và hình ảnh. Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc đua thuyền buồm cúp Ty Nam lần thứ 5 ở quần đảo Hoàng Sa, thành lập văn phòng Cục Kiểm dịch kiểm nghiệm xuất nhập cảnh Hải Nam trên đảo Phú Lâm.
Phát triển du lịch biển đảo
Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu tổ chức trái phép các tour du lịch biển tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Mỗi tour bốn ngày, ba đêm đưa du khách đến các đảo Áp Công (Yagong), Toàn Phú (Quanfu) và Ngân Tự (Yinyu). Hai hoạt động dành cho khách tham quan Hoàng Sa là lễ thượng kỳ và xem các tài liệu tuyên truyền về lòng yêu nước. Ngày 23/10/2017, Bí thư của “thành phố Tam Sa” cho biết trong năm 2017 đã có 59 đoàn du khách tại Trung Quốc lục địa ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016.
Khai trương Văn phòng Tân hoa xã tại “thành phố Tam Sa”
Ngày 25/8/2018, Tân Hoa xã đã chính thức thành lập văn phòng tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Giới chức cái gọi là “thành phố Tam Sa” và Trưởng Đại diện Tân Hoa xã tại Phú Lâm đã kéo biển khai trương văn phòng hãng thông tấn này tại Phú Lâm để tăng cường đưa tin xuyên tạc về vấn đề Biển Đông, đánh dấu sự tăng cường hoạt động truyền thông về các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, núp danh cái gọi là “thành phố Tam Sa”, động thái vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, phá vỡ mọi nguyên tắc và thông lệ luật pháp quốc tế.
Phản ứng của chính giới và chuyên gia, học giả các nước
Bộ Quốc phòng Mỹ đã nhiều lên lên án “việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các thực thể có tranh chấp tại Biển Đông chỉ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn khu vực”. Mỹ đã có nhiều phản ứng phản đối Trung Quốc như rút lại lời mời Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018; tiến hành hàng loạt chuyến tuần tra tự do hàng hải, diễn tập quân sự ở Biển Đông bằng tàu thuyền và máy bay ném bom B-52; lên án Trung Quốc tại các diễn đàn song phương và đa phương.
Nhiều nước khác như Anh, Pháp, Australia, Ấn Độ, New Zealand cũng đã chỉ trích và triển khai tàu chiến tới tuần tra tự do hàng hải, tăng cường hợp tác hàng hải với các nước để đối phó với những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Philippines Roilo cho rằng cần phải tiến hành cuộc chiến pháp lý như là cách ôn hòa buộc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Hiến chương Liên hợp quốc về Luật biển (PCA) hồi tháng 7/2016, trong đó bác hỏ hoàn toàn tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Giới chuyên gia các nước lên án hoạt động chiếm đóng, quân sự hóa của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm nói chung, trong đó có việc đưa J-11 ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành vi vi phạm hàng loạt các hệ thống luật pháp hiện hành, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc. Cụ thể, hành động của Trung Quốc đã vi phạm khoản 3, 4 trong Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970, 7 điều trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982. Giáo Sư Jonathan London tại Đại học thành phố Hồng Kông cho rằng “hành động của Trung Quốc khi cho việc làm này là trái với tinh thần luật pháp quốc tế và đó là một động thái lộ rõ ý muốn xâm lược của Trung Quốc và là hành vi hết sức ngu xuẩn vì tự cô lập mình”. Mục đích của Trung Quốc là muốn biến Phú Lâm thành căn cứ quân sự phục vụ các hoạt động kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Đáng chú ý, giới chuyên gia nhận định giải pháp duy nhất là các bên kiên trì đàm phán đa phương, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường đối thoại, buộc Bắc Kinh cùng các nước ASEAN đàm phán thông qua Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với các điều khoản ràng buộc về mặt pháp lý, chỉ khi đó mới đảm bảo Trung Quốc không gây tổn hại đến kinh tế, đe doạ an ninh và ổn định khu vực. COC khi đó sẽ là một công cụ đóng góp hiệu quả cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25912-hoat-dong-phi-phap-cua-tq-tai-quan-dao-hoang-sa-cua-viet-nam.html
Bản tin Biển Đông ngày 17/01/2019
Hải quân Mỹ và Anh tập trung chung ở Biển ĐôngNgày 16/1, Japan Times đưa tin, hải quân Mỹ và Anh đã kết thúc tập trận quân sự chung lần đầu tiên ở Biển Đông, có vẻ như lại khiến cho Bắc Kinh tức giận. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết, từ ngày 11-16/1, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ và tàu hộ vệ Hải quân Hoàng gia Anh HMS Argyll đã cùng tiến hành các hoạt động như tập trận liên lạc, chiến thuật phân chia, trao đổi nhân sự, nhằm giải quyết các ưu tiên an ninh biển chung, tăng cường khả năng tương tác, phát triển quan hệ có lợi cho cả hai hải quân trong nhiều năm tới. Tư lệnh Toby Shaughnessy, chỉ huy tàu Argyll ca ngợi hoạt động đã “đóng góp cho việc tăng cường an ninh và thịnh vượng của khu vực”. Trong khi đó, Tư lệnh Allison Christy, chỉ huy tàu McCampbell tại căn cứ ở tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, cho rằng hoạt động tập trận chung này là “cơ hội hiếm có” để hợp tác với Hải quân Hoàng gia Anh.
CNOOC bắt đầu sản xuất dầu mở từ dự án ở Biển Đông
Theo tin từ trang Offshore Energy Today ngày 16/1, Tổng công ty Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã bắt đầu hoạt động sản xuất dầu từ tổ hợp dầu khí Huệ Châu (Huizhou) 32-5/dự án phát triển chung mỏ dầu Huệ Châu 33-1 ở Biển Đông. Mỏ dầu này nằm ở Đông Biển Đông, cách Hồng Kông xấp xỉ 170km, có độ sâu khoảng 115m. Theo CNOOC, ngoài việc sử dụng các trang thiết bị hiện có của mỏ dầu Huệ Châu 25-8, dự án này cũng sẽ xây dựng thêm một nhà giàn để khoan và sản xuất dầu. Dự kiến, dự án sẽ đạt sản lượng xấp xỉ 19.200 thùng dầu thô mỗi ngày vào năm 2020.
Brexit giúp Việt Nam trong vấn đề Biển Đông như thế nào?
Ngày 17/1, The Diplomat đăng bài viết “Cách Brexit giúp Việt Nam trong vấn đề Biển Đông”. Theo bài viết, từ năm 2016, Trung Quốc đã đổ tiền vào Malaysia thông qua các dự án cơ sở hạ tầng tại nước này. Đổi lại, Thủ tướng khi đó của Malaysia Najib Razak đã ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông tại các Hội nghị cấp cao ASEAN 28, 29 tại Lào cùng năm đó. Nhiều người cũng lo ngại về Sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc: Bắc Kinh đang mua cả thế giới. Việt Nam – nước phản đối mạnh mẽ nhất các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông – đang phải đối mặt với khả năng bị cô lập bởi tiền của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ngoài khả năng được chọn là địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim lần hai, Hà Nội cũng có cơ hội mở rộng sự ủng hộ trong đối ngoại và Brexit sẽ là một lợi thế cho Việt Nam trong vấn đề này. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, tham gia các hoạt động của Liên hợp quốc về gìn giữ hòa bình, an ninh toàn cầu, luật pháp quốc tế,… Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung, được coi là một trong những lựa chọn tốt nhất cho Anh sau Brexit. Anh đang đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề Biển Đông. Tuyên bố chung của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Jeremy Hunt ngày 10/10/2018 có đoạn ghi nhận sự tôn trọng đối với các phán quyết của Tòa Trọng tài, khẳng định cam kết của Anh và Việt Nam trong tăng cường tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng Phán quyết và quyền tự do hàng hải, hàng không, giải quyết
các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, theo luật quốc tế, thông qua các cơ chế pháp luật hiện có. Bên cạnh đó, có những dấu hiệu cho thấy Anh đang coi trọng vấn đề Biển Đông một cách nghiêm túc: cùng với việc tổ chức các chuyến thăm cảng (ví dụ tàu HMS Albion đến Việt Nam tháng 9/2018), Anh đang hành động theo chiến lược “Hướng Đông”. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Sunday Telegraph, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân lâu dài ở Đông Nam Á, điều mà gần như ngay lập tức đã gây ra phản đối từ phía Bắc Kinh. Có ý kiến cho rằng Anh đang đi theo ý tưởng tương tự như chiến lược “xoay trục Châu Á” trước đây của Mỹ, nhằm bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp bằng sự hiện diện quân sự ngay gần Trung Quốc. Tóm lại, với việc tiếp cận, ve vãn Việt Nam, Anh đang muốn bảo đảm rằng những nỗ lực đó sẽ đóng góp cho chiến lược toàn cầu nói chung của nước này.
http://biendong.net/diem-tin/25904-ban-tin-bien-dong-ngay-17-01-2019.html
TQ tìm cách đánh lừa cộng đồng quốc tế
liên quan môi trường sinh thái ở Biển Đông
Theo đánh giá của giới chuyên gia, phần lớn môi trường sinh thái và các rạn san hô ở khu vực Biển Đông bị tàn phá là do các hoạt động phi pháp của Chính quyền và ngư dân Trung Quốc gây ra. Tuy nhiên, nhằm tránh bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và lên án, Bắc Kinh đang tìm mọi cách đánh lừa về “nỗ lực” của Trung Quốc trong việc khôi phục môi trường sinh thái trong khu vực.Cách Trung Quốc dối gạt cộng đồng quốc tế
Đầu tiên, Trung Quốc thông qua các cơ quan chính thống, giới chuyên gia, học giả và truyền thông trong nước tích cực tuyên truyền về việc Bắc Kinh đang “nỗ lực” bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông, nhất là các rạng san hô tại khu vực quần đảo Trường Sa. Gần đây nhất, Bộ Tài nguyên Trung Quốc (1/1) thông báo Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực nơi san hô sẽ được bảo vệ và khôi phục sử dụng phương pháp “khôi phục tự nhiên” để giúp các rạn san hô tự hồi phục, được bổ trợ bằng các phương pháp nhân tạo và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt cho Trường Sa. Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở bảo vệ và khôi phục san hô trên các bãi Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đồng thời khẳng định hoạt động trên bước đầu đã giúp khôi phục hệ sinh thái ở các vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn. Ngoài ra, tại các hội thảo, diễn đàn quốc tế và khu vực, giới chuyên gia, học giả Bắc Kinh cũng đưa ra các đánh giá “khách quan” khi cho rằng “hoạt động cải tạo đảo, đá ở Biển Đông của Trung Quốc không đe dọa đến hệ sinh thái trong khu vực” và “Trung Quốc đã đánh giá khoa học, lựa chọn kỹ các biện pháp hút cát khi cải tạo đảo (phi pháp) phù hợp với các tiêu chuẩn của quốc tế”. Năm 2015, Cục Hải dương Quốc gia của Trung Quốc cho biết hoạt động xây cất không làm biến đổi sức khỏe của hệ sinh thái ở Quần đảo Trường Sa, nhưng họ đề nghị trồng, sửa chữa và cấy san hô sau khi thi công. Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cũng có các bài viết tuyên truyền về chủ trương, chính sách và hành động cụ thể của Trung Quốc đối với việc bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông, đồng thời tìm cách bao biện, lấp liếm cho hoạt động đánh bắt sản sản theo cách tận diệt của ngư dân, chỉ trích các nước liên quan “cố tình đổ lỗi cho Trung Quốc nhằm gia tăng sức ép và làm xấu hình ảnh của Bắc Kinh”.
Thứ hai, Trung Quốc thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường ở Biển Đông, có số vốn hơn 2,2 triệu USD và hoạt động trong 3 năm để thám hiểm hố sâu nhất thế giới tại Hoàng Sa của Việt Nam, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, phát triển phương pháp và thiết bị mới bảo vệ môi trường. Đáng chú ý, giới chức Trung Quốc ngang nhiên cho rằng trong 4 năm qua Bắc Kinh đã chi hơn 30 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,5 triệu USD) để “bảo vệ các rặng san hô” ở Biển Đông. Hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã còn nói Bắc Kinh đã nhiều lần thả các loài cá, rùa biển quay lại môi trường tự nhiên, đồng thời “trấn áp các hoạt động săn bắn chim biển bất hợp pháp”.
Thứ ba, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông.“Lệnh cấm đánh cá hàng năm” trên có phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, đã bao trùm lên một phần vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng với việc áp đặt (phi pháp) “Lệnh cấm đánh cá hàng năm” sẽ giúp hệ sinh vật ở Biển Đông có thời gian khôi phục.
Thứ tư, Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tệ nạn đánh trộm các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng và quản lý chặt ngư dân sử dụng các hình thức đánh bắt tận diệt, mang tính phá hủy môi trường của ngư dân. Đồng thời, Trung Quốc tìm cách nâng cao năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển, gia tăng các hoạt động tuần tra, chấp pháp trong khu vực, bắt giữ ngư dân vi phạm luật pháp.
Phán quyết công tâm của Tòa Trọng tài
Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông nêu rõ, Trung Quốc không hề có cơ sở pháp lý nào để đòi quyền lịch sử đối với cái gọi là “đường chín đoạn” tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông.
Tòa Trọng tài Quốc tế cũng chỉ trích các dự án tôn tạo và các công trình xây dựng các đảo nhân tạo tại 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng, Trung Quốc đã “gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị hủy diệt”. Toà cho rằng, nhà chức trách Trung Quốc đã nhận thức được việc ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm trên diện rộng ở Biển Đông (bằng các biện pháp gây ra tổn hại nghiêm trọng với môi trường rạn san hô) và đã không thực hiện các nghĩa vụ của nước này trong việc ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động này. Toà nhận thấy rằng việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển, xây dựng một đảo nhân tạo lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các bên.
Để đi đến kết luận trên, Tòa Trọng tài đã có sự trợ giúp của ba chuyên gia độc lập về sinh học của rặng san hô được chỉ định để đánh giá các chứng cứ khoa học có được và các báo cáo của chuyên gia của Philippines. Tòa Trọng tài xác định rằng việc Trung Quốc cải tạo đất quy mô lớn và xây dựng đảo nhân tạo gần đây tại bảy cấu trúc tại Trường Sa đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hô và Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ của mình theo Điều 192 và 194 của Công ước trong việc bảo tồn và bảo vệ môi trường biển đối với các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sinh sống của các loài động vật bị đe dọa, sắp cạn kiệt. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng xác định rằng ngư dân Trung Quốc đã thực hiện việc khai thác động vật bị đe dọa như rùa biển, san hô và trai khổng lồ ở quy mô lớn tại Biển Đông, sử dụng các biện pháp gây hủy hoại nghiêm trọng đối với môi trường rặng san hộ. Tòa Trọng tài xác định rằng chính quyền Trung Quốc đã nhận thức được các hành vi này và không thực hiện nghĩa vụ cẩn trọng theo Công ước để ngăn chặn.
Tuy nhiên, sau khi phán quyết từ tòa PCA được công bố, bằng ngôn từ “bất chấp”, Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền lãnh thổ và quyền hàng hải ” của nước này ở các vùng biển sẽ không bị ảnh hưởng.
Trung Quốc mới chính là nước phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông
Trên thực tế, tất cả các hành động, chủ trương, chính sách trên của Trung Quốc không phải phục vụ mục đích bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn hải sản ở Biển Đông mà chỉ nhằm phục vụ âm mưu độc chiếm Biển Đông. Thông qua các hành động trên để Trung Quốc từng bước khẳng định yêu sách “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo các giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế, nguyên nhân chính dẫn đến môi trường sinh thái ở Biển Đông bị phá hủy là do hoạt động phi pháp của Bắc Kinh gây ra.
Tại hội thảo khoa học quốc tế “An ninh Môi trường và Hàng hải vì một Biển Đông xanh”, Giáo sư John W.MacManus, Trường Đại học tổng hợp Miami (Mỹ) cho rằng môi trường Biển Đông đang bị tàn phá nặng nề, nhất là do các hoạt động của Trung Quốc. Theo đó, các tàu cá Trung Quốc đào bới, nạo vét để tìm ngao, sò khổng lồ và quá trình xây dựng đảo nhân tạo ở các rạn san hô gần như phá hủy hoàn toàn môi trường sinh thái biển, đồng thời nhấn mạnh tác động của các quốc gia khác chưa bằng 1/100 những hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư John W.MacManus lấy dẫn chứng cho biết, ở bãi cạn Scarborough (bãi cạn Trung Quốc giành quyền kiểm soát từ Philippines hồi năm 2012), Trung Quốc chẳng những cho tàu quây kín không cho ngư dân Philippines đánh bắt cá mà nước này còn cho các tàu có các lưỡi cắt để đào sâu xuống đáy biển nhằm khai thác loài trai khổng lồ. Những rạn san hô ở Biển Đông đẹp như những vườn hoa, có thể nói là đẹp nhất trên thế giới. Nhưng khi tàu của Trung Quốc đến đây để đánh bắt loài trai khổng lồ thì họ đã tạo nên những rặng núi hình vòng cung từ cát và san hô. Theo giáo sư Mc Manus, những khu vực rạn san hô sống gần đó sớm muộn cũng sẽ bị chết khi cát và bùn từ các hoạt động nạo vét và công trình xây dựng bao phủ chúng. Phải mất cả nghìn năm để các rạn san hô làm việc tạo ra một mét sỏi, cát và bùn quanh chúng và vì vậy những nơi mà cát, sỏi, bùn và san hô bị nạo vét đi sẽ bị thay đổi vĩnh viễn. Theo ước tính của giáo sư Mc Manus, các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông đã gây thiệt hại cho khoảng 159/162 km2 san hô tại vùng biển này. Trong đó hoạt động bồi lấp, xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 14/15 km2; hoạt động nạo vét của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 39/40 km2; hoạt động nạo vét làm bến đỗ, kênh rạch cho tàu thuyền đi lại của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 2/3 km2; hoạt động khai thác trai khổng lồ của Trung Quốc gây thiệt hại khoảng 104/104 km2. Giáo sư McManus cho rằng, những thiệt hại từ các hoạt động khai thác trai khổng lồ cùng với hoạt động đánh bắt tận diệt tại Biển Đông còn làm suy sảm số loài thủy sản và gây ra nguy cơ tuyệt chủng đối với một số loài. Điều này có nghĩa là nguồn cá để nuôi sống một bộ phận dân số các nước ven Biển Đông sẽ thiếu hụt, do đó làm gia tăng nguy cơ về an ninh lương thực.
Đáng chú ý, Đại học Hawaii (Mỹ) đã công bố một báo cáo nghiên cứu về các rạn san hô tại bảy địa điểm: Cuarteron (đá Châu Viên), Fiery Cross (đá Chữ Thập), Gaven (đá Gaven), Hughes (đá Tư Nghĩa), Johnsons South (đá Gạc Ma), Mischief (đá Vành Khăn), Subi (đá Xu Bi). Nghiên cứu của đại học Hawaii khẳng định Trung Quốc đã bồi đắp khoảng 10,7km² tại khu vực này từ tháng 2/2014 đến tháng 5/2015, cùng lúc đó diện tích san hô bị giảm là 11,6 km², tương đương 26,9% diện tích; cho biết, san hô tại Trường Sa không chỉ là nạn nhân của việc mở rộng, bồi đắp trực tiếp nói trên, mà còn đe dọa bị hủy diệt hàng loạt do việc nạo vét lòng biển bằng phương thức hút. Hoạt động này để lại vô số các trầm tích, trùm lên các rạn san hô, khiến chúng rất khó lòng hồi sinh. Ông Camilo Mora, người phụ trách của nhóm nghiên cứu cho biết, đây là một trong những hoạt động gây tổn hại nghiêm trọng nhất cho san hô, đồng thời khẳng định những người chủ trương bồi đắp như vậy không hiểu rằng, về mặt sinh thái, khi nạo vét lòng biển để bồi đắp đảo nhân tạo, với việc san hô bị phá hủy, họ đã tấn công vào chính nền móng của “đảo”, việc bồi đắp sẽ phải tiến hành liên tục sau đó, để tránh cho đảo nhân tạo bị chìm.
Cũng bày tỏ sự nuối tiếc về môi trường của Biển Đông đang bị hủy hoại, Tiến sĩ Annette Junio Menne, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học biển, Đại học Tổng hợp Philippines khẳng định ở Biển Đông có một tam giác san hô với hơn 500 loài san hô khác nhau. Đây là ngôi nhà của 3.000 loài sinh vật. Tuy nhiên việc xây dựng, bồi đắp biển các bãi đá thành đảo nhân tạo của Trung Quốc là quá thô bạo, vượt quá các tiêu chuẩn. Nhiều khu vực của rạn san hô và bãi trầm tích đã bị mất vĩnh viễn. Điều đó gây tổn thất lớn về lâu dài cho môi trường. Về khía cạnh kinh tế, Tiến sĩ Annette Junio Menne cho biết mỗi năm thế giới mất ít nhất 4 tỉ USD vì các hoạt động khai thác bừa bãi ở rạn san hô trên Biển Đông của Trung Quốc, khẳng định điều đó không chỉ vi phạm hòa bình mà còn cả sự thịnh vượng của các quốc gia trên Biển Đông nữa.
Giới học giả quốc tế đề xuất một số biện pháp giúp khắc phục môi trường sinh thái ở Biển Đông
Theo các học giả, mỗi quốc gia đều phải có nghĩa vụ bảo vệ tài nguyên biển, tuân thủ các quy định và phán quyết quốc tế. Trong đó phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc là rất đúng đắn và cần thiết. Tiến sĩ Masanori Muto, đại diện Viện nghiên cứu Mitsubishi, Đại học Tổng hợp Tokyo, Nhật Bản cho biết: “Phán quyết của Tòa là một tiền đề cơ bản cho những thảo thuận, hành động tiếp theo. Chúng ta cần phải hiểu rằng vấn đề trên biển rất phức tạp, cần có sự tiếp cận liên ngành, liên giới. Có rất nhiều vấn đề như an ninh, khai thác, chủ quyền… nên sẽ rất khó để có tiếng nói toàn diện. Nhưng hãy bắt đầu từ 1 phương diện cụ thể nào đó, ví dụ như vấn đề môi trường. Dần dần chúng ta sẽ có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin với nhau và tiến tới thỏa thuận cơ chế đặc biệt. Một bức tranh tổng thể về Biển Đông cần có nhiều nét vẽ.” Tiến sĩ Masanori Muto cũng nhận định, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh xây dựng trái phép trên Biển Đông và không ngăn chặn ngư dân của họ tận diệt tài nguyên biển, các nước rất khó ngăn cản Trung Quốc chấm dứt các hành vi phi pháp trên, chỉ trừ khi Bắc thấy được lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Trong khi đó, Tiến sĩ Michael Parsons nhấn mạnh: “Trung Quốc vi phạm luật quốc tế, điều đó sẽ gây bất lợi cho họ sau này. Kinh tế vận tải biển của Trung Quốc cũng đang suy giảm, nhiều tàu đã không còn cập cảng của họ nữa. Nội bộ Trung Quốc cũng đang có mâu thuẫn về Biển Đông, người dân Trung Quốc biết quá ít thông tin về việc này. Họ sẽ thắc mắc tại sao đất nước họ lại đối đầu với tất cả ở Biển Đông”.
Cựu Giám đốc chương trình Địa Chính trị của Viện nghiên cứu Scott Polar (Anh), ông Paul Berkman cho rằng “an ninh môi trường” cần là ưu tiên trong chiến lược an ninh quốc gia của các nước ven biển bên cạnh sự ổn định chính trị hay an ninh quốc phòng. Theo ông Paul Berkman, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thực phẩm đang tới gần, nhu cầu cân đối giữa các lợi ích về an ninh, quân sự với các lợi ích kinh tế từ biển đòi hỏi các nhà khoa học phải khẩn trương phối hợp để đưa ra các giải pháp, đặc biệt trong việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường biển. Riêng việc bảo vệ san hô tại Biển Đông, ông đề nghị thành lập một Mạng lưới Hành động vì San hô (Reef Action Network Coral), tương tự với mạng lưới bảo vệ rừng trên đất liền. Các chuyên gia xuất sắc nhất về đa dạng sinh thái và phát triển bền vững thuộc các nước có tranh chấp tại Biển Đông cần tập hợp lại tại một diễn đàn về chính sách, khoa học biển. Một ủy ban khoa học nghiên cứu Biển Đông cũng cần được thành lập để hướng các nước ASEAN đến hợp tác trong việc quản lý biển.
Giáo sư McManus thì cho rằng “một nước đánh bắt quá nhiều thì đương nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến các nước khác. Nó cũng giống như trong cuộc sống hàng ngày, khi cơ hội trao cho bạn nhiều hơn thì cơ hội dành cho người khác sẽ ít đi. Vì thế nên cách tốt nhất ở đây là phải dừng ngay những tuyên bố chủ quyền phi lý. Nếu không muốn nguồn lợi thủy sản bị cạn kiệt, các nước liên quan cần phải ngồi lại với nhau để tính toán lại, phối hợp xây dựng kế hoạch đánh bắt ở Biển Đông. Chúng ta cần một thỏa thuận hòa bình, có thể kéo dài 30 năm rồi gia hạn và tiến tới thỏa thuận quản lý Biển Đông về nguồn lợi thủy sản.
Phản ứng của Việt Nam
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, một phần quần đảo Trường Sa, tự ý cải tạo (phi pháp) 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông, phá hủy hệ sinh thái Biển Đông… mà chưa được phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông; đi ngược lại các quy định luật pháp quốc tê hiện hành như Hiến chương LHQ, UNCLOS… Hành động trên cũng đi ngược lại Tuyên bố chung của lãnh đạo hai nước Việt Nam – Trung Quốc về việc hạn chế các hành vi gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Kết luận:
Trung Quốc một mặt tìm cách tuyên truyền, tô vẽ cho các hoạt động phi pháp của nước này ở Biển Đông nhằm đánh lừa cộng đồng quốc tế để tránh bị lên án, chỉ trích, từ đó phục vụ âm mưu thôn tính khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã phá hủy gần như toàn bộ hệ sinh thái ở Biển Đông để phục vụ việc xây đảo nhân tạo (phi pháp) và đánh bắt trộm các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng. Hành động của Trung Quốc là đáng lên án, các nước liên quan cần gia tăng các biện pháp theo dõi, giám sát và trừng phạt thích đáng để Bắc Kinh chấm dứt các hành động trên.
http://biendong.net/bi-n-nong/25910-tq-tim-cach-danh-lua-cong-dong-quoc-te-lien-quan-moi-truong-sinh-thai-o-bien-dong.html
Lần đầu tiên Việt Nam nói rõ sự khác biệt
với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông?
Kính Hòa RFATrong buổi họp báo ngày 16/1/2017 tại Hà Nội, Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói rằng việc tiến hành soạn thảo Bộ qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là chậm trễ, và nhiều điểm từ trong Tuyên bố về bộ qui tắc ứng xử (DOC) không được các bên tham gia nghiêm túc coi trọng.
Ngoài ra trong buổi họp báo ông Phạm Bình Minh còn đưa ra những bình luận khác về quan hệ với các cường quốc trên Biển Đông, về những nghi ngờ tiết lộ nội dung việc thương lượng giữa các bên.
Nội dung của cuộc họp báo này được trang tiếng Anh Vietnam News của nhà nước Việt Nam đăng tải, trong khi đó tất cả các tờ báo lớn bằng tiếng Việt lại không có.
Đánh giá về những phát biểu của ông Phạm Bình Minh, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà quan sát độc lập làm việc tại Singapore nói với RFA:
“Điều ông ấy nói rất là mới, từ trước giờ chưa có ai Bộ trưởng Ngoại giao nói thẳng như thế cả. Mà nói thẳng ra lúc này là tốt, vì cái khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc từ trước đến nay ai cũng rõ nhưng chưa ai nói rõ cả, nói rõ như vậy là rất tốt, nhất là với quốc tế.”
DOC được đưa ra từ năm 2002, đến 2012 thì COC bắt đầu được soạn thảo với mong muốn điều tiết được những xung đột trên Biển Đông giữa các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, và Brunei là những nước đang có những tranh chấp về lãnh hải trên biển.
Điều ông ấy (Phạm Bình Minh) nói rất là mới, từ trước giờ chưa có ai Bộ trưởng Ngoại giao nói thẳng như thế cả.
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Ông Phạm Bình Minh có nói đến việc COC phải là một văn bản có sự ràng buộc về pháp lý. Ông không đề cập đến Trung Quốc, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng chính Bắc Kinh là quốc gia không muốn có một sự ràng buộc về pháp lý, để có thể dễ dàng thao túng khi tranh chấp với các quốc gia Đông Nam Á nhỏ và yếu hơn.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói tiếp;
“COC là phải có tính pháp lý, không chỉ Việt Nam mà những nước khác nữa, chỉ có Trung Quốc thì quan niệm rằng biển đảo là của họ, các nước khác phải khai thác chung với họ, nói như thế ai mà chịu được.”
Trích dẫn những phát biểu của ông Phạm Bình Minh, tác giả Keegan Elmer của tờ Bưu điện Hoa Nam tại Hong Kong cho rằng Việt Nam đang mệt mỏi và mất kiên nhẫn với tiến trình đàm phán trên Biển Đông.
Ông Hà Hoàng Hợp cho rằng tựa đề đó trên tờ Bưu Điện Hoa Nam là không đúng, vì ông Phạm Bình Minh chỉ nói rõ ra quan điểm của Việt Nam xưa nay mà thôi. Ngoài ra ông Hà Hoàng Hợp còn nói rằng ông Phạm Bình Minh cũng muốn ám chỉ là Trung Quốc đang câu giờ để họ có thể từ từ chiếm đóng các đảo, xây đảo nhân tạo, lập nên một hiện trạng và bắt các quốc gia khác phải công nhận.
Liên quan đến sự hiện diện của các cường quốc như Mỹ, Anh, Nhật Bản trong khu vực Biển Đông, ông Phạm Bình Minh nói rằng việc các cường quốc tìm kiếm đồng minh là một lẽ tự nhiên, và Việt Nam cũng như các quốc gia nhỏ khác cũng phải tìm cách sống còn trong sự cạnh tranh đó.
Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn duy trì một đường lối đối ngoại độc lập.
Cuộc họp báo của ông Phạm Bình Minh diễn ra vài ngày sau việc chiến hạm Mỹ USS McCampell đi sát các đảo do Trung Quốc chiếm giữ tại quần đảo Hoàng Sa.
Đây là diễn biến mới nhất của cái gọi là chiến dịch tự do hàng hải do Mỹ chủ xướng cùng các đồng minh Anh, Úc, Pháp kéo dài trong ba năm qua nhằm thách thức tất cả những đòi hỏi chủ quyền biển xung quanh những đảo đá nhỏ trên Biển Đông.
Bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình tại Hoàng Sa.
Cũng tác giá Keegan Elmer, dựa theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam viết trên tờ Bưu điện Hoa Nam cho rằng Việt Nam đang lợi dụng việc Mỹ và đồng minh phương Tây tiến hành chiến dịch tự do hàng hải để tái khẳng định chủ quyền của mình, hơn nữa theo tác giả này Việt Nam muốn thể hiện sự ủng hộ của mình với các “đồng minh” phương Tây, và điều này có thể làm Trung Quốc giận dữ.
Theo ông Hà Hoàng Hợp, tác giả này nhìn sai những động thái của Việt Nam, vì thực ra quan điểm và hành động của Việt Nam đối với các cuộc tuần tra tự do hàng hải từ trước đến nay không có gì thay đổi.
Ông Hà Hoàng Hợp nói về quan hệ của Việt Nam với các cường quốc bên ngoài khi các nước này can dự vào Biển Đông:
“Khi Trung Quốc bắt nạt một nước nhỏ, mà có một nước khác chống lại việc đó thì không chỉ Việt Nam có lợi mà bất cứ nước nhỏ nào rơi vào hoàn cảnh đó cũng đều có lợi.”
Một tác giả trong nước là nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt cũng có ý kiến tương tự như ông Hà Hoàng Hợp, ông nói với hãng BBC rằng:
Nếu nhận định rằng Việt Nam nhân cơ hội McCampbell để tái khẳng định chủ quyền trên Biển Đông thì tôi cho rằng có thể họ đã không theo sát các phát biểu của Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đặc biệt khi có tầu tuần tra tới khu vực này, Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình
Liên quan đến nhận định rằng Việt Nam lần đầu tiên trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ông Hoàng Việt nhận định:
“Không phải là bây giờ Việt Nam mới cứng rắn hơn. Một mặt Việt Nam vẫn muốn duy trì quan hệ với Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, và Việt Nam cần phải bảo vệ những lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông mà những lợi ích này hoàn toàn được quốc tế công nhận. Nên Việt Nam phải cương quyết điều đó vì nếu Việt Nam không giữ được thì Việt Nam sẽ mất hết. Quan điểm của Việt Nam từ trước là thống nhất như vậy.”
Thông tin Việt Nam trở nên cứng rắn với Bắc Kinh được hãng Reuters loan báo trước đây ít lâu, nói rằng đã xem được bản nháp của văn bản COC tại cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc tại Vientiane, Lào.
Tại cuộc họp báo ngày 16/1/2019, trả lời câu hỏi về những thông tin rò rỉ rằng ASEAN và Trung Quốc có những bất đồng không thể dàn xếp được, ông Phạm Bình Minh nói rằng việc thương thảo ASEAN Trung Quốc diễn ra trong những cuộc họp kín, còn ngoài ra là những lời đồn đoán.
Không phải là bây giờ Việt Nam mới cứng rắn hơn.
-Nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt.
Ông Hà Hoàng Hợp nhận định với đài RFA:
“Tôi không đồn đoán nhưng nói thẳng vào sự việc thì Trung Quốc cho rằng những vùng nằm trong đường chín đoạn là của họ. Trong khi những quốc gia khác cũng có tranh chấp, thì như vậy là khác nhau về mặc nguyên tắc rồi.”
Ông Hà Hoàng Hợp nói thêm về những điểm bất đồng mà Trung Quốc khó chấp nhận khi Việt Nam đưa vào COC, ví dụ như không tuyên bố vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, không quân sự hóa Biển Đông,…
Việc đàm phán COC trở nên nhanh hơn trong hai năm gần đây khi Trung Quốc có vẻ tích cực hơn trong việc đàm phán cũng các đối tác ASEAN. Theo ông Hoàng Việt mặc dù việc hình thành COC còn xa nhưng cũng có hy vọng là Trung Quốc sẽ bị sức ép của cộng đồng quốc tế sẽ phải nhường bước, và trong sức ép đó có sự nao núng của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ diễn ra trong năm 2018.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp có nhận định khác, ông cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ Trung hiện nay nằm ở tầm mức khác, là cuộc cạnh tranh giữa một siêu cường lâu đời và một cường quốc đang lên, Việt Nam chưa chắc có lợi gì trong cuộc cạnh tranh này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/first-time-vn-clear-difference-china-01172019130401.html
0 nhận xét