Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 07/01/2019

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019 15:16 // ,


Tin Việt Nam – 07/01/2019

Tài xế lại phản đối

tại trạm thu phí An Sương – Tp Hồ Chí Minh


Nhiều tài xế dừng xe hơn 4 giờ tại trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM trong ngày 7 tháng 1 năm 2019, để phản đối việc thu phí, khiến quốc lộ 1 bị kẹt xe kéo dài cả hai hướng.
Các tài xế không chịu mua vé và liên tục bóp còi phản đối, yêu cầu dỡ trạm thu phí.
Sau đó, công ty IDICO buộc phải xả trạm để đảm bảo giao thông trên quốc lộ 1 thông suốt. Tuy nhiên, các tài xế vẫn không chịu cho ôtô qua trạm thu phí, yêu cầu chủ đầu tư có giải thích rõ ràng.
Một tài xế cho mạng báo Zing biết, anh đã nhận thông báo của Thanh tra Chính phủ rằng BOT An Sương – An Lạc đã thu phí quá thời hạn 31 tháng. Xe của anh hiện di chuyển trên cung đường không sử dụng dịch vụ xây cầu, nên không trả tiền.
Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty IDICO, sau xả trạm, các tài xế vẫn không chịu đi. Các tài xế yêu cầu nhân viên phải nói: “Anh em tài xế không sử dụng dịch vụ, xin mời qua trạm, thì họ mới chịu cho xe đi.” Tuy nhiên, công ty IDICO không thực hiện yêu cầu đó.
Đến hơn 1 giờ trưa cùng ngày, các tài xế vẫn đậu xe phản đối việc thu phí tại trạm BOT An Sương – An Lạc. Giao thông quốc lộ 1 qua khu vực này vẫn chưa trở lại bình thường.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-at-bot-toll-fee-station-an-suong-01072019075649.html

Dân dựng chướng ngại

phản đối xe chở đất đá gây ô nhiễm

Hàng chục người dân tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng hôm 7/1/2019 đã chặn đường phản đối mỏ đất đá gây ô nhiễm kéo dài.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.
Người dân đã dùng vật là bàn ghế, bảng hiệu, cây gỗ… làm chướng ngại vật để ra đường Hoàng Văn Thái chặn các xe tải chở đất, đá đang lưu thông ra vào các mỏ đất, đá trên địa bàn.
Theo người dân địa phương, các mỏ đất đá tại quận Liên Chiểu hoạt động lâu nay gây ô nhiễm bụi trên địa bàn. Ngoài ra, xe tải chở đất đá lưu thông thường xuyên trên tuyến đường Hoàng Văn Thái – Trần Đức không những làm bụi bặm bay vào nhà mà còn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông.
Trả lời báo chí cùng ngày, ông Đàm Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Liên Chiểu cho biết, cho đến trưa cùng ngày chính quyền đã vận động người dân tháo dỡ chướng ngại vật, phối hợp với đơn vị môi trường tưới nước và vệ sinh mặt đường để giảm bụi bặm.
Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2019, người dân sống dọc tuyến đường Hoàng Văn Thái – Trần Đức dùng chướng ngại vật chặn xe tải để phản đối xe tải gây ô nhiễm, phá nát đường.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/local-residents-in-lien-chieu-set-up-obstruction-to-protest-pollution-01072019073105.html

Ý kiến một luật sư về vụ Vườn rau Lộc Hưng

Hôm 6/1, một nhà hoạt động ngụ tại Vườn rau Lộc Hưng nói với BBC rằng “không nghĩ chính quyền có thể lấy trắng đất của dân trước Tết” trong lúc luật sư bình luận về nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất.
Hôm 6/1, tình hình tại Vườn rau Lộc Hưng được ghi nhận tiếp tục căng thẳng, với người của chính quyền mặc thường phục theo dõi gắt gao khu vực, trong lúc dân địa phương cũng cắt cử người luân phiên canh gác.
Vườn rau Lộc Hưng ‘tan hoang sau cưỡng chế’
Câu chuyện cô gái vụ ném giày ở Thủ Thiêm
Dân Thủ Thiêm đòi cụ thể nhưng chính quyền đưa phương án ‘mơ hồ’
Cùng thời điểm, một văn bản được cho là của Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình phát đi ghi: “Đề nghị cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị tập trung nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng trong nhân dân trên địa bàn dân cư để kịp thời tuyên truyền về dự án đầu tư xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia và xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng vi phạm pháp luật tại khu đất công trình công cộng ở phường 6, quận Tân Bình.”
Trước đó, tin cho hay, hơn 10 ngôi nhà và tài sản của của người dân ở Vườn rau Lộc Hưng đã bị phá sau đợt cưỡng chế hôm 4/1.
‘Phản ứng cương quyết’
Hôm 6/1, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, đang ngụ tại Vườn rau Lộc Hưng, nói với BBC: “Theo quan sát của tôi, tình hình hôm nay vẫn tiếp tục căng thẳng.”
“Chính quyền vẫn cho phát loa phóng thanh tuyên truyền, khuyến cáo người dân ở khu vực này tự tháo gỡ, dọn tài sản.”
“Như vậy, còn hơn 40 căn nhà mà chính quyền cho là xây dựng trái phép đang nằm trong tầm ngắm.”
Nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất và đền bù giải tỏa trong thời gian qua xuất phát từ việc nhà nước “xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đai, do nhà nước thống nhất quản lý”. Bởi về bản chất, đây là chính sách nhằm dọn đường cho việc chính quyền “quốc hữu hóa” đất đai của người dân một cách hợp pháp với giá rất rẻ.luật sư Phùng Thanh Sơn
“Hiện tại, tôi cảm nhận được rằng người dân ở đây rất đông và phản ứng rất cương quyết để giữ nhà cửa, tài sản mà gia đình họ đã gầy dựng từ năm 1954 đến nay.”
“Do vậy, tôi không nghĩ là chính quyền có thể lấy trắng đất của dân khu vực này trước Tết.”
“Cũng cần nói thêm là trong vụ Vườn rau Lộc Hưng, nếu chính quyền tự tin rằng họ xử lý đúng thì sao báo chí Việt Nam không đưa tin các diễn biến tại khu vực này?”
Quốc hữu hóa đất đai’
Cùng ngày, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, TP HCM bình luận với BBC: “”Điểm nóng” Vườn rau Lộc Hưng thuộc địa bàn có nhiều tín đồ công giáo, lại có sự ủng hộ tinh thần từ Giám mục Micae Hoàng Đức Oanh. Do đó, tôi tin rằng chính quyền đã và buộc phải nghiên cứu rút kinh nghiệm từ việc cưỡng chế đất tại các địa phương khác, đặc biệt những địa phương có nhiều tín đồ Công giáo. Tuy nhiên, theo tôi thì chính quyền chỉ rút kinh nghiệm nhằm để đối phó hiệu quả với người dân và thu hồi trót lọt khu đất chứ không phải rút kinh nghiệm để tìm ra bài học để an dân hay kiến nghị cấp có thẩm quyền thay đổi chính sách đất đai đang rất bất cập hiện nay.”
“Tôi không có hồ sơ của vụ việc này nên không bình luận về trình tự thủ tục thu hồi đất, giải phóng mặt bằng khu đất này có đúng trình tự pháp luật hay không. Tuy nhiên, theo chính sách pháp luật về đất đai của Việt Nam, nếu người dân sử dụng đất ổn định từ trước 15/10/1993 (ngày luật Đất đai 1993 có hiệu lực pháp luật), Nhà nước có trách nhiệm phải công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân mà không truy nguyên nguồn gốc.”
‘Vụ Thủ Thiêm không thể dàn xếp được nữa’
Đoàn Văn Vươn: ‘Đặng Văn Hiến sẽ thoát án tử’
Giải tỏa Quận 1: ‘Cần làm đúng pháp luật’
Vì sao cần tìm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm?
“Sở dĩ có chính sách này là xuất phát từ bất cập của luật Đất đai năm 1987. Theo luật Đất đai năm 1987, người dân không được tặng cho, mua bán, thế chấp, cầm cố, để lại thừa kế đối với quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, chính sách này đi ngược lại với quy luật khách quan, trên thực tế người dân vẫn mua bán, tặng cho, để lại thừa kế, cầm cố, thế chấp… mà nhà nước không thể kiểm soát được.”
“Do đó, buộc chính quyền phải sửa đổi luật Đất đai năm 1987 bằng luật Đất đai năm 1993 (có hiệu lực kể từ ngày 15/10/1993). Theo Luật mới, người dân được quyền chuyển nhượng, tặng cho, cầm cố, thế chấp, để lại thừa kế quyền sử dụng đất. Để giải quyết hậu quả của các giao dịch trái pháp luật đã diễn ra trước 15/10/1993, nhà nước yêu cầu người dân kê khai việc sử dụng đất. Với tư cách là đại diện chủ sở hữu, bằng quyền lực nhà nước, nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để công nhận theo hiện trạng sử dụng đất của người dân trên cơ sở kê khai sử dụng đất của người dân.”
“Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền trong công tác thu hồi đất và đền bù giải tỏa trong thời gian qua xuất phát từ việc nhà nước “xác lập sở hữu toàn dân đối với đất đai, do nhà nước thống nhất quản lý”. Bởi về bản chất, đây là chính sách nhằm dọn đường cho việc chính quyền “quốc hữu hóa” đất đai của người dân một cách hợp pháp với giá rất rẻ.”
“Đối với người dân thì họ suy nghĩ rất đơn giản và rất chính đáng rằng đất của họ khai hoang, nhận chuyển nhượng từ người khác thì Nhà nước phải thừa nhận đó là tài sản của họ. Nhà nước chỉ thực hiện công việc quản lý hành chính nhà nước về đất đai chứ không được thực hiện với tư cách là chủ sở hữu đối với đất đai.”
“Nghĩa là Nhà nước không có quyền thu hồi của người này để giao cho tổ chức, cá nhân khác. Bất kể đất thu hồi đó được sử dụng vào mục đích công cộng hay kinh doanh thương mại. Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, nhà nước buộc phải trưng dụng, trưng thu, trưng mua thì phải giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân.”
“Đất nước này là của chung nên nhà nước không thể buộc những người có đất bị thu hồi phải hy sinh cho lợi ích quốc gia bằng cách buộc họ nhận tiền đền bù với giá thấp hơn giá thị trường gấp nhiều lần trong khi những người khác thì không.”
Khu vườn rau Lộc Hưng nằm trong khu vực có dự án xây trường công lập do Ủy ban Nhân dân quận Tân Bình làm chủ đầu tư.
“Tình trạng xây dựng không phép tại khu vực này vẫn diễn ra, nhất là trong khoảng thời gian từ cuối năm 2016 đến nay,” theo website của Ủy ban Nhân dân phường 6, quận Tân Bình hồi tháng 8/2018.
Người dân Lộc Hưng nói suốt 20 năm qua, họ đã xin kê khai và làm giấy tờ thủ tục xin sử dụng đất nhưng không được giải quyết dù đã hai lần có văn bản từ văn phòng thủ tướng chính phủ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46778850

Bộ trưởng gặp ‘bão’ dư luận

vụ ‘xe công đón phu nhân sát máy bay’

Một cơn bão dư luận nổi lên trên mạng xã hội và báo chí Việt Nam trong suốt dịp cuối tuần, sau khi có thông tin một xe công vụ được điều đến sát máy bay để đón phu nhân của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh hôm 4/1 ở Hà Nội.
Đến cuối ngày 7/1, theo tìm hiểu của VOA, Bộ trưởng Tuấn Anh chưa trả lời chính thức về vấn đề này, dù mấy ngày nay một số đại biểu quốc hội và nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã lên tiếng chỉ trích hay cáo buộc ông Tuấn Anh về những gì mà họ gọi là “lạm quyền” hoặc “sử dụng xe công sai mục đích”.
Thông tin về sự việc ban đầu xuất hiện trên mạng xã hội, từ một số hành khách trên chuyến bay hôm 4/1. Theo lời họ, sau khi máy bay hạ cánh và dừng lại trên đường băng, các tiếp viên hàng không yêu cầu “tất cả hành khách, kể cả khách hạng thương gia” phải “đứng nép sang một bên, nhường đường” cho một phụ nữ rời máy bay trước tiên.
Tiếp đến, người phụ nữ được một xe công vụ đeo biển xanh và xe cảnh sát dẫn đường đến tận chân cầu thang máy bay đón và đưa đi. Sau đó các hành khách mới có thể rời máy bay, vẫn theo lời tường thuật của một số hành khách.
Các hành khách này cho rằng người phụ nữ trong sự việc kể trên là người mẫu Thủy Hương, 54 tuổi, phu nhân Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Từ thông tin trên mạng xã hội, nhiều báo đài trong nước, trong đó có Tiền Phong, Người Lao Động, Đất Việt, Giáo Dục Việt Nam, VOV, VTC… đã liên lạc với cơ quan quản lý sân bay Nội Bài để làm rõ đoàn xe biển xanh là của cơ quan nào và người được đưa đón là ai.
Theo một thông tư của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, việc đưa đón tại chân máy bay chỉ áp dụng với các quan chức hàng đầu của Đảng Cộng sản và chính phủ, trong đó có các bộ trưởng, không áp dụng với người nhà của các quan chức trong trường hợp người nhà đó đi riêng rẽ.
Trả lời báo chí hôm 5/1, Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho hay họ nhận được công văn đề ngày 3/1 của Bộ Công thương về việc đón Bộ trưởng Trần Tuấn Anh “tại khu vực sân đỗ máy bay” vào chiều 4/1, khi ông bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Ngoài thông tin này, Cảng vụ không đưa ra xác nhận cụ thể liệu người được đoàn xe biển xanh đón hôm 4/1 có phải là Bộ trưởng Tuấn Anh, hay đó là người nào khác.
Dẫn thông tin về lịch làm việc của bộ trưởng do chính Bộ Công thương công bố, các báo khẳng định rằng Bộ trưởng Tuấn Anh có mặt ở bộ để chủ trì một sự kiện nhỏ vào gần cuối buổi chiều 4/1, và như vậy, ông không thể cùng một lúc cũng thực hiện chuyến bay từ Tp. HCM ra Hà Nội để rồi được đón rước ở sân bay Nội Bài.
Xâu chuỗi những thông tin kể trên, dư luận Việt Nam bày tỏ bất bình trên cả mạng xã hội lẫn báo chí nhà nước vì họ cho rằng Bộ trưởng Công thương đã “lạm quyền”, “sử dụng xe công sai mục đích”, và họ đòi ông Trần Tuấn Anh phải giải thích.
Một bài báo đăng hôm 7/1 trên Giáo Dục Việt Nam cho hay, đại biểu quốc hội khóa 13 Nguyễn Bá Thuyền đưa quan điểm rằng dù theo quy định, bộ trưởng được đưa đón tại chân máy bay, nhưng cũng không cần thiết phải làm như vậy vì điều đó là “quá phô trương”. Ông Thuyền được trích lời nói rằng: “Cỡ Bộ trưởng đã là cái gì đâu mà phô trương đến vậy?”
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền tiếp đến đề nghị rằng Bộ trưởng Tuấn Anh cần làm rõ là xe của Bộ Công thương đã đón bộ trưởng hay vợ của bộ trưởng để “tránh nhiễu loạn thông tin hay đồn đoán”.
Cũng hôm 7/1, một đại biểu quốc hội khác, ông Phạm Văn Hòa, nói trên báo điện tử Kiến Thức rằng sự việc vừa diễn ra “cần phải xử lý nghiêm vì không thể nào chấp nhận được, rất là phản cảm”. Ông Hòa nhấn mạnh: “Nếu không thuộc đối tượng theo quy định được ưu tiên mà lại được xe biển xanh đưa rước tới cầu thang sân bay thì không thể chấp nhận được”.
Một vấn đề khác được báo chí và dư luận đặt ra là việc các quan chức và người thân của họ tuân thủ rao sao một quy định của Đảng Cộng sản về nêu gương.
Quy định do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành hồi tháng 10/2018 có một điều nêu rõ quan chức cấp bộ trưởng, cũng là Ủy viên Trung ương Đảng, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống việc “vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi”.
Họ cũng phải chống việc “vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật”, theo quy định.
Liên hệ quy định này với vụ việc vừa xảy ra, đại biểu quốc hội Nguyễn Bá Thuyền bình luận: “Bộ trưởng mà không nêu gương thì làm sao nói được ai nữa!”
Ở thời điểm vẫn chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào từ Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Thuyền nêu ý kiến rằng: “Nếu đúng là dùng xe công vụ để ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ thì Bộ trưởng cần lên tiếng xin lỗi”.
Trên mạng xã hội, những người có nhiều ảnh hưởng có quan điểm thậm chí còn khắt khe hơn. Các nhà báo Nguyễn Như Phong và Hoàng Hải Vân viết trên các trang cá nhân lần lượt hôm 6/1 và 7/1 rằng Bộ trưởng Tuấn Anh “nên làm đơn từ chức” và các ý kiến này nhận được hàng nghìn phản ứng “yêu, thích”, cùng với hàng trăm lời bình luận bày tỏ ủng hộ.
Diễn đàn Góc nhìn Báo chí – Công dân trên nền tảng Facebook với hơn 73.000 thành viên cũng có nhiều bài viết xem việc lạm dụng chức vụ, sử dụng xe công sai mục đích là hành vi tham nhũng, đồng thời kêu gọi ông Trần Tuấn Anh “nhận lỗi” và “từ chức”.
VOA không thể liên lạc được với Bộ trưởng Bộ Công thương để nghe ý kiến của ông về vấn đề này.
Trả lời phỏng vấn tờ Thanh Niên đầu năm 2018, Bộ trưởng Tuấn Anh đã đề cập tới người cha là nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, khi được hỏi thân phụ mình “đóng vai trò như thế nào trong việc để ông có được những gì bây giờ”.
Người đứng đầu Bộ Công thương trả lời rằng “cha tôi có nguyên tắc mà tôi học được, đó là trong suốt 2 nhiệm kỳ làm phó thủ tướng và sau đó là 2 nhiệm kỳ chủ tịch nước, ông không bao giờ để cho những mối quan hệ gia đình có cơ hội tác động vào phạm vi công việc và thẩm quyền của ông”.
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-gap-bao-du-luan-vu-xe-cong-don-phu-nhan-sat-may-bay/4732170.html

Không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ

cho dịp Tết 2019

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không phát hành tiền lẻ mới mệnh giá dưới 10.000 đồng nhân dịp Tết nguyên đán năm nay. Đây là năm thứ sáu liên tiếp NHNN đưa ra chủ trương này. Báo chí trong nước loan tin hôm 7/1/2019.
Báo Mới dẫn lời ông Phạm Bảo Lâm, Cục trưởng Cục phát hành kho quỹ khẳng định dù không phát hành tiền lẻ mới nhưng tiền lẻ mệnh giá dưới 10.000 đồng vẫn được cung ứng đầy đủ với lượng tiền đã qua lưu thông. Ông cho biết thêm dự trữ tiền mặt cả nước đã tăng thêm 25% trong năm qua. Ông khẳng định chủ trương của NHNN là vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt chính đáng của người dân. Việc không cung ứng tiền lẻ mới trong dịp Tết sẽ không ảnh hưởng tới nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế.
Theo báo chí trong nước thì NHNN có chủ trương đẩy mạnh cung cấp tiền mệnh giá nhỏ dưới 10.000 đồng từ tháng 4 đến hết tháng 11/2018, gồm cả tiền đã qua lưu thông và tiền mới in. Việc không đưa tiền lẻ mới in ra lưu thông trong dịp Tết này, ước tính sẽ giúp NHNN tiết kiệm khoảng 390 tỷ đồng. Nâng tổng số tiền tiết kiệm được sau 6 năm thực hiện chủ trương này lên con số gần 2.600 tỷ đồng.
Trong khi các ngân hàng giới hạn việc đổi tiền lẻ mới dịp Tết 2019 thì tại thị trường chợ đen hay đổi tiền online, dịch vụ này được cho biết hiện rất nhộn nhịp và cam kết “bao nhiêu cũng có”. Tuy nhiên, phí đổi tiền mới cho các mệnh giá thấp khá cao.
Nhiều ngân hàng cho biết hiện vẫn chưa có nguồn tiền mới để đổi nhưng cận Tết chắc chắn số tiền mới mệnh giá nhỏ sẽ không nhiều và chỉ có mệnh giá cao, từ 100.000 đến 500.000 đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/no-issue-cash-under-10000-vnd-on-the-new-year-2019-01072019082733.html

Hà Nội ra quy định cấm người dân

quay phim cán bộ tiếp dân

Ông Nguyễn Đức Chung làm việc với giới chức lãnh đạo thành phố Hà Nội. Ảnh: Báo Đất Việt
Tin từ Hà Nội – Bản nội quy mới được Ủy ban nhân dân CSVN (UBND) thành phố Hà Nội ban hành, quy định rằng người dân sẽ không được phép quay phim, chụp ảnh, ghi âm nếu chưa có sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.
Báo Tiền Phong ngày 6 tháng 1 năm 2019, cho biết Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, vừa ký quyết định số 12, quy định về việc tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân của thành phố.  Theo đó, ngoài các quy định chung khi làm việc tại trụ sở tiếp dân, bản nội quy cũng ghi rõ rằng người dân “không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân.”  Đặc biệt, bản nội quy còn quy định rằng những “hành vi sai trái” của công dân khi làm việc tại trụ sở tiếp công dân sẽ có thể bị “lập biên bản yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật.”
Bản nội quy tiếp dân của ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội dường như đang bộc lộ sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng.  Cụ thể, theo khoản 3, điều 8, luật cán bộ, công chức hiện hành quy định nghĩa vụ của cán bộ, công chức tại Việt Nam là phải “lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân”. Chính vì phải chịu sự giám sát của người dân, nên việc quay phim, chụp hình, ghi âm hoàn toàn bình thường và không thể bị coi là vi phạm pháp luật.
Thực trạng các cơ quan, chính quyền tại Việt Nam không nắm vững luật, dẫn đến việc ban hành nhiều quy định trái pháp luật, thậm chí là vi hiến không phải là hiếm.
Báo Dân Trí hôm 31 tháng 7 năm 2018, dẫn dữ kiện thống kê của Bộ Tư Pháp Việt Nam cho thấy, trong năm 2017, cơ quan này phát hiện tới 5,639 văn bản của nhiều bộ, ngành, chính quyền địa phương trái pháp luật.
https://www.sbtn.tv/ha-noi-ra-quy-dinh-cam-nguoi-dan-quay-phim-can-bo-tiep-dan/

Bốn người Việt Nam hành nghề mãi dâm

bị bắt tại Đài Loan

Tin Đài Loan- Nhật báo thoibao.de hôm Chủ Nhật 6 tháng Giêng cho biết, 4 phụ nữ Việt Nam bán dâm bị bắt quả tang tại một nhà thổ ở phía tây đảo quốc Đài Loan.
Thoibao.de nói rằng một đoạn video trước đó được tung lên mạng xã hội cho thấy một số phụ nữ ăn mặc hở hang đầy khêu gợi thu hút một triệu lượt người xem, buộc cảnh sát Đài Loan mở cuộc điều tra và đã tiến hành đột kích một nhà chứa tại địa điểm kể trên, bắt tổng cộng 12 người, trong đó có 4 phụ nữ Việt Nam.
Tin này nói rằng cả triệu người xem đoạn băng video được quay lén cuối tháng 11 vừa qua tại khu đèn đỏ Xishimei nổi tiếng của thành phố Miaoli. Người đàn ông quay lén, tung đoạn băng lên Youtube gây sự chú ý của cộng đồng mạng, khiến giới chức thẩm quyền Đài Loan sửng sốt. Cảnh sát mở cuộc điều tra tiết lộ rằng khu đèn đỏ Xishimei quy tụ nhiều phụ nữ trẻ từ các quốc gia Đông Nam Á đến rước khách từ 1,000 đến 1,500 đài tệ, giá rẻ mạt nên đông đảo khách làng chơi đổ xô tới khu nhà cũ nát với căn phòng nhỏ chật chội.
thoibao.de dẫn tin của Liberty Times cho biết cảnh sát đã mở cuộc đột kích hôm thứ Hai 7 tháng Giêng, bắt 5 cô gái mãi dâm, 4 khách làng chơi và 3 người môi giới tại khu nhà thổ. Trong số 5 cô gái mãi dâm có 4 người Việt Nam, người còn lại là dân địa phương.
Nguồn tin trên nói rằng, 4 người Việt Nam bị bắt gồm 3 khách du lịch trốn ở lại bán dâm, và người còn lại là công nhân đến Đài Loan theo diện “lao động xuất khẩu.” Công tố viên Đài Loan cho biết họ sẽ bị trục xuất trở về Việt Nam sau khi ra toà và mãn án tù.
https://www.sbtn.tv/bon-nguoi-viet-nam-hanh-nghe-mai-dam-bi-bat-tai-dai-loan/

101 du khách Việt Nam vẫn mất tích ở Ðài Loan

47 du khách Việt Nam mất tích sau khi nhập cảnh Ðài Loan hồi tháng trước đã bị nhà chức trách bắt giữ.
Focus Taiwan hôm 7/1 loan tin rằng 47 người bị bắt giữ này nằm trong số 148 du khách Việt Nam biến mất khỏi các nhóm du lịch không lâu sau khi nhập cảnh Ðài Loan.
Cục Di dân Ðài Loan (NIA) hôm thứ Hai 7/1 cho biết nhóm chuyên án của cơ quan này tiếp tục truy tìm 101 người của bốn nhóm du khách Việt Nam đến đảo quốc này hôm 21 và 23 tháng 12.
NIA trước đó nói rằng 152 trong tống số 153 người đến Ðài Loan du lịch đã mất tích, nhưng sau đó xác nhận tung tích của bốn du khách trong số này.
Các du khách Việt Nam này đến Ðài Loan theo chương trình nới lỏng thủ tục xin thị thực. Chương trình này bắt đầu có hiệu lực từ năm 2015, miễn phí visa cho các đoàn du lịch có ít nhất 5 người đến từ Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và Brunei. Du khách được miễn chứng minh tài chính nếu đi theo nhóm du lịch được do các công ty du lịch được Cục Du lịch Đài Loan cấp phép tổ chức.
Các nguồn tin từ Việt Nam nói rằng một số người Việt phải trả từ 20.000 Đài tệ (khoảng 650 đôla) cho tới 70.000 Đài tệ để có tên trong các nhóm du lịch đến Ðài Loan.
Hãng tin Focus Taiwan dẫn lời Cục Du lịch Đài Loan hôm 26/12 cho biết 409 trong tổng số 566 du khách nước ngoài đến Đài Loan theo chương trình nới lỏng thủ tục xin thị thực và trốn mất là du khách Việt Nam.
Theo VnExpress, Đài Loan đã giảm số ngày lưu trú đối với du khách Việt Nam từ 30 ngày xuống 14 ngày và Cục Du lịch Đài Loan đã đề nghị ngừng cấp visa cho các đoàn du khách Việt Nam sau vụ 148 du khách biến khỏi đoàn du lịch. Tuy nhiên, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam cho biết vẫn cấp visa cho khách đoàn nhưng siết chặt quản lý sau khi nhập cảnh.
Người nước ngoài nhập cảnh Ðài Loan không có giấp tờ hợp lệ có thể bị phạt đến 90.000 Đài tệ (khoảng 2.900 đôla) và 3 năm tù. Cơ quan di trú khuyến cáo những ai chứa chấp người vi phạm có thể bị tù đến 2 năm.
(Theo Focus Taiwan, AP, VnExpress)
https://www.voatiengviet.com/a/du-khach-viet-nam-van-mat-tich-o-dai-loan/4731816.html

Người Việt ra ngoại quốc

không được dùng quá 30 triệu/ngày

Tin Saigon–  Báo Lao Động ngày 6 tháng 1 năm 2019 loan tin, quy định mới của Ngân hàng nhà nước CSVN  với nội dung, người dân Việt Nam ra ngoại quốc chỉ được rút ngoại tệ tiền mặt tương đương không quá 30 triệu đồng trong một ngày, trước đó là các quy định khi xuất cảnh không được mang quá 15 triệu đồng và 5,000 Mỹ Kim tiền mặt, mang nhiều hơn phải khai báo. Quy định này đã có hiệu lực từ đầu năm 2019. Theo đó, các ngân hàng đã giảm hạn mức rút ngoại tệ tại ngoại quốc tối đa không quá 30 triệu đồng/ngày.
Ngân hàng Vietcombank cho báo Tuổi Trẻ biết, quy định này áp dụng cho tất cả sản phẩm thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế. Trước đó, hạn mức rút tiền mặt của các thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế do các ngân hàng phát hành tuỳ thuộc vào từng loại thẻ khác nhau, hạn mức tín dụng khác nhau.
Quy định mới này được Ngân hàng giải thích, nhằm cai quản tình trạng rút tiền mặt ở ngoại quốc, trong đó bao gồm cả việc hạn chế tình trạng rửa tiền, phòng chống tội phạm thẻ. Mặt khác, các ngân hàng có chủ trương là không khuyến khích rút tiền mặt qua các thẻ tín dụng vì chức năng của thẻ là công cụ thanh toán.
Báo Lao Động cho biết, thực tế việc đổi ngoại tệ tại các địa điểm hợp pháp theo quy định của ngân hàng nhà nước rất phức tạp. Khách hàng cần chứng minh mình có nhu cầu đổi ngoại tệ vì lý do hợp pháp như học tập, chữa bệnh ở ngoại quốc, đi công tác, du lịch… Và dù nhu cầu là hợp pháp thì cũng chỉ được đổi tối đa 100 Mỹ Kim cho một người trong một ngày, hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở ngoại quốc là 10 ngày.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nguoi-viet-ra-ngoai-quoc-khong-duoc-dung-qua-30-trieu-ngay/

Rụt rè kỷ niệm chiến tranh biên giới Tây Nam,

 còn chiến tranh phía Bắc thì sao?

Gió Bấc
Sau nhiều năm im lặng, ngày 4-1 vừa qua, Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giời Tây Nam với hình thức đơn giản có phần rụt rè so với các lễ  kỷ niệm  Kháng chiến chống Mỹ hay Cách Mạng tháng 8. Các cuộc mít tinh tổ chức cấp Trung ương, Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành, đều tổ chức trong hội trường, không có duyệt binh hay diễu hành của quần chúng. Một số hoạt động triển lảm hình ảnh một số bài viết theo kiểu hồi ức theo chủ đề ca ngợi thành tích quân đội và tình hữu nghị Việt – Nam CamPuChia.
Thông tin mâu thuẫn và nhợt nhạt
Sự rụt rè ấy bộc lộ qua mâu thuẫn trong nội dung đưa tin của các cơ quan truyền thông cấp cao của Đảng. Cùng lễ mít tinh kỷ niệm cấp trung ương nhưng Tạp chí Công Sản và Báo Nhân Dân đưa tin vai trò tổ chức lễ hoàn toàn khác nhau. Tạp chí Cộng sản bản điện tử đưa tin “Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot” với nội dung “sáng 04-01, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ,Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (07-01-1979 – 07-01-2019).
Tham dự buổi lễ, về phía Việt Nam có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng…”{1}
Cùng với hình ảnh buổi lễ ấy và thành phần tham dự ấy, nhưng báo Nhân Dân thông tin với tiêu đề dài hơn là “Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 – 7-1-2019)”. Nội dung tin viết là: “Sáng 4-1, tại Hà Nội, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Việt Nam và cùng quân dân Cam-pu-chia chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979 – 7-1-2019)…..” {2}
Với hai thông tin trên thì tầm mức của buổi lễ sẽ theo hai thang bậc khác nhau. Theo Tạp Chí Cộng Sản thì đây là nghi lễ cấp quốc gia do các tổ chứcTrung ương Đảng, Chính Phủ và Quốc Hội tổ chức, còn theo báo Nhân Dân thì đây chỉ là nghi lễ của các tổ chức quần chúng cấp trung ương và chính quyền Hà Nội. Các vị tam tứ trụ chỉ là khách mời. Phải chăng vì sợ mích lòng ai đó mà báo Nhân Dân phải hạ cấp cuộc mít tinh xuống như vậy?
Không chỉ báo Nhân Dân mà báo Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Thành Ủy TP HCM cũng có thái độ tương tự. Cùng ngày, TP.HCM cũng tổ chức mít tinh nhưng báo này không đưa thành thông tin độc lập mà gộp vào tin nghi lễ của Hà Nội như là một thông tin phụ. Bài báo này cũng khẳng định “Ngày 4-1, tại Hà Nội,Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng” {3}
Trong khi đó thì báo Tiền Phong lại thông tin Hà Nội có cuộc mít tinh khác với những đối tượng, thành phần tham dự khác. “Sáng 6/1, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)”{4}
Chỉ có thế lực phản động, thù địch, không có bành trướng bá quyền Trung Quốc!
Việc chuẩn bị cho lễ kỷ niệm này đã được chuẩn bị từ lâu. Từ tháng 12-2018 trang thông tin của Ban Tuyên Giáo trung ương đã đăng tải “Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc”. Ai cũng biết rằng, Pol Pot là lực lượng xung kích của Trung Quốc, cuộc chiến tranh Biên Giới Tây Nam gắn liền với cuộc chiến Biên Giới Phía Bắc thế nhưng trong đề cương của Ban Tuyên Giáo và tất cả các bài viết trong đợt kỷ niệm này không hề có chữ Trung Quốc nào. Trung Quốc như là từ kỵ húy đối với bài thi của các thí sinh trong thời phong kiến đã được Ban Tuyên Giáo thay bằng khái niệm “các thế lực phản động, thù địch nước ngoài”.
Giải thích về nguyên nhân cuộc chiến, Đề cương đã viết rằng: “Từ lâu, nhân dân Việt Nam – Campuchia đã xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết cùng chống kẻ thù chung, đặc biệt đã kề vai sát cánh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Tuy nhiên, do bị các thế lực phản động, thù địch nước ngoài kích động, lợi dụng, từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ (1970 -1975), quân Pôn Pốt đã tiến hành một số vụ tiến công, bắt cóc giết hại cán bộ, bộ đội Việt Nam hoạt động ở chiến trường Campuchia, đồng thời gây chia rẽ nội bộ những người cộng sản Campuchia.”
Đã có thời kỳ trong Điều lệ Đảng và Hiến Pháp năm 1980 nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”. Bây giờ khép lại quá khứ đâu phải là xóa bỏ thực tế lịch sử ấy. Ngay hiện nay, đã bình thường hóa quan hệ và thiết lập cấp độ quan hệ hợp tác toàn diện với nước Mỹ, Ban Tuyên Giáo vẫn dùng từ “đế quốc Mỹ xâm lược” ngon lành kia mà? Kỷ niệm một chiến thắng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc mà không dám nêu đích danh kẻ thù trong chiến thắng ấy thì kỷ niệm làm gì? {5}
Món nợ với lịch sử, dân tộc
Cũng qua thông tin báo chí trong nước liên quan đến kỷ niệm cuộc chiến tranh này, chiều 28-12, Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư và Tỉnh ủy An Giang tổ chức “Hội thảo khoa học cấp quốc gia 40 năm Ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 – 7-1-2019)”.
Hội thảo đã thu hút gần 90 tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học quân sự, những nhân chứng lịch sử trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là dịp chúng ta tri ân những người con đã ngã xuống vì độc lập, tự do và cuộc sống yên bình cho hai dân tộc Việt Nam và Campuchia.
Bộ Quốc phòng khẳng định, với tinh thần khách quan, khoa học, hội thảo tập trung đánh giá tầm vóc, vai trò, ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và tinh thần liên minh đoàn kết chiến đấu của quân đội, nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Qua hội thảo sẽ đúc kết những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tăng cường hợp tác quốc phòng – an ninh, thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của 2 nước Việt Nam – Campuchia trong thời kỳ mới…{6}
Tuy nhiên chỉ riêng cái tên của Hội thảo và việc cắm mốc lịch sử ngày 7-1-1979 đã cho thấy đây chỉ là cuộc họp để tô vẽ thành tích, thậm chí khỏa lấp và làm lệch lạc lịch sử. Thực chất ngày 7-1-1979 chỉ mới là ngày chiếm Phnompenh. Cuộc chiến còn kéo dài thêm 10 năm nữa, đẫm máu không kém với giai đoạn cầm cự dọc theo biên giới hay trong chiến dịch tiến vào Phnompenh. 40 năm qua, nhà nước Việt Nam vẫn chưa công bố con số thương vong chính xác trong cuộc chiến này, bao nhiêu tử sĩ đã được quy tập hài cốt và còn bao nhiêu xác thân vẫn đang vùi lấp trên đất khách quê người?
Theo VOA, một bài báo của tờ The Washington Post đưa tin Trung tướng Lê Khả Phiêu, người khi đó là Phó tư lệnh lực lượng Việt Nam tại Campuchia và sau này là Tổng bí thư Đảng Cộng sản, nói trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 6 năm 1988 ở Thành phố Hồ Chí Minh rằng 55.000 bộ đội Việt Nam tử trận kể từ năm 1977, và số người bị thương ở mức tương đương.{7}
Trên mạng xã hội hiện đang lưu hành phim tài liệu rất chân thực và xúc động “Tìm lại vết thương” của ba cựu binh trên chiến trường Tây Nam và đất K họ cùng quay lại chiến trường xưa để tìm hài cốt của đồng đội và tìm lại ký ức chiến tranh của mình. Cả ba đều không hối tiếc sự hy sinh tuổi trẻ của mình. Vừa tốt nghiệp phổ thông đã khoác áo lính và đi vào một thế giới hết sức khắc nghiệt. Một trong ba người là Trung sĩ Xuân Tùng, tác giả hồi ký Chuyện lính Tây Nam chân thật, xúc động đến từng con chữ. Cả ba đều vào Phompenh trong ngày 7-1 và cũng đều ngỡ rằng cuộc chiến đã kết thúc nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó họ đã nhận ra là cuộc chiến mới lại bắt đầu. Họ không tìm được hài cốt đồng đội đành rước linh hồn bạn về. Điều ray rứt của họ là làm thế nào để nhận rõ cuộc chiến và tránh được cuộc chiến tranh với cái giá quá đắt của nó. Khát vọng đó không chỉ là vết thương riêng của ba người lính ấy mà là u uất chung của mọi người lính đã đi qua cuộc chiến{8}
Có những câu hỏi nhức nhối cần được trả lời: Có phải đây là cuộc chiến bắt buộc không thể tránh? Có phải bắt buộc tiếp tục đóng quân ở Campuchia đến gần 10 năm? Kỷ niệm một cuộc chiến tranh, cho dù là chiến thắng một cách thực chất và có trách nhiệm là phải giải đáp được những điều ấy.
Cuộc chiến tranh phía Bắc thì sao?
Với cuộc chiến tranh Tây Nam đã e dè như vậy còn cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, trực tiếp đối đầu với Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam sẽ làm sao? Mấy mươi năm qua, bình thường quan hệ với Trung Quốc theo kiểu thần phục, Việt Nam đã sửa Hiến Pháp, đục bia tưởng niệm những di tích của trận chiến, đàn áp những người phản đối và rộng cửa đón nhận những công nghệ rác rưởi độc hại của Trung Quốc, liệu có tổ chức kỷ niệm 40 Chiến thắng bảo vệ biên giới phía Bắc?
Ngày 14.12, tại Hội nghị công tác văn học năm 2018 diễn ra ở Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN, cho biết T.Ư đã có quyết định rất quan trọng và có ý nghĩa lớn lao là kỷ niệm 40 năm cuộc chiến tranh biên giới phía bắc (1979 – 2019). Trong năm 2019 Hội Nhà văn VN đã có kế hoạch triển khai tổ chức kỷ niệm này một cách sâu sắc, tri ân bằng con đường văn học, bằng các tác phẩmvới lương tâm của các nhà văn trước những hy sinh vô cùng to lớn của đồng đội, đồng bào 40 năm trước. Trước mắt, trong thời gian sớm nhất, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật VN sẽ tổ chức một cuộc hội thảo văn học, một trại sáng tác và mời các nhà văn viết về chiến tranh biên giới phía bắc, nhất là các nhà văn ở 6 tỉnh biên giới phía bắc từng tham gia cuộc chiến này về dự hội thảo để có những sáng tác sâu sắc{9}. Hãy chờ xem Mẫu Sơn, Vị Xuyên, những trận đánh đẫm máu năm 1984, 1988 có được tôn vinh thành tác phẩm văn học hay không?
Nhưng ngày 29.12, đúng nửa tháng sau hội nghị của Hội Nhà Văn thì Cục Xuất bản đã cấm lưu hành tiểu thuyết Lưng Rồng của nhà văn nữ Đỗ Hoàng Diệu. Huy Đức đã viết trên fb rằng “Điều tôi đang tự hỏi, là bây giờ Cục Xuất Bản cấm Lưng Rồng, liệu vài tuần nữa, Tuyên Giáo có cấm nói về cuộc chiến tranh Biên giới. Chỉ còn 8 tuần nữa là tới ngày 17-2, ngày quân Trung Quốc gây chiến tranh 1979. Cuộc chiến tranh chưa xa, hàng nghìn liệt sĩ ở Vị Xuyên vẫn chưa tìm thấy xác. Cuộc chiến tranh cũng không còn quá gần để ta phải sợ nó tấy lên, mưng mủ.” {10}
Kiêu hãnh, hiếu chiến với một cường quốc láng giềng như thời điểm 1975 là sai lầm phải trả giá đắt, nhưng khiếp nhược trước kẻ xâm lược để mất dần từ chủ quyền, lãnh thổ thì sẽ là tội đồ của dân tộc.
http://tapchicongsan.org.vn/Home/Thoi_su/2019/53717/Le-ky-niem-40-nam-Ng…
2-http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38801502-ky-niem-40-nam-ngay-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-viet-nam-va-cung-quan-dan-cam-pu-chia-chien-thang-che-do-diet-chung-7-1-1979-7-1-2019.html
3-http://www.sggp.org.vn/thang-loi-chung-cua-nhan-dan-viet-nam-campuchia-c…
4-https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ha-noi-gap-mat-ky-niem-40-nam-chien-tran…
5-http://tuyengiao.vn/ban-can-biet/de-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-40-nam-ngay-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-cua-to-quoc-117308
6-http://daidoanket.vn/chinh-tri/hoi-thao-khoa-hoc-40-nam-chien-thang-chie…
7-https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-ki-niem-40-nam-giai-phong-campuc…
8-https://int.search.myway.com/search/video.jhtml?enc=0&n=7848dd1d&p2=%5EC…
9https://thanhnien.vn/van-hoa/ky-niem-40-nam-chien-tranh-bien-gioi-bang-tac-pham-van-hoc-1033521.html
10-https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/1915841591784346
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/vietnam-gingerly-celebrate-anniversary-of-cambodia-war-01072019072603.html

Nhà mồ Ba Chúc, tội ác của ai?

Nhà mồ Ba Chúc nằm ở thị trấn Ba Chúc, một xã vùng biên giới thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam, giáp giới với Campuchia. Đây là nơi lưu trữ của hơn ba ngàn bộ hài cốt không còn nguyên vẹn của người dân thôn Ba Chúc trong cuộc tàn sát do Khmer Đỏ gây ra trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978. Hiện tại, theo ghi chép trong khu tưởng niệm thì còn ba người trong thôn sống sót, nhưng trên thực tế, còn nhiều hơn con số 3 mà cứ liệu đã ghi. Những người chúng tôi phỏng vấn dưới đây đều là nhân chứng sống sót sau vụ tàn sát. Và có một câu hỏi đặt ra là liệu có nên giữ nhà mồ như một chứng cứ tố cáo tội ác nữa hay không, khi mà chính quyền Khmer Đỏ đã cáo chung nhiều năm nay?
Sống sót, kinh hoàng…
Chị Phan Thị Đậm, một trong nhiều nạn nhân sống sót sau cuộc tàn sát, chia sẻ: “Cái lúc đó là gia đình bà ngoại chị thì kéo vô trong chùa Phi Lai rồi nhưng bà nội lôi đi, ông bà già chị bốc mang mấy chị em chị lên chân núi, hồi ức chị chỉ có vậy… Lúc đó chị nhỏ có đi lượm xương đâu, có những người họ đi ra ngoài ruộng họ lượm về luôn. Như trước nhà chị, trước bãi này cả đống xương cao chất ngất…”
Chị Đậm cho biết thêm là vụ thảm sát xảy ra vào ban đêm, lúc đó chị được tám tuổi, chị còn nhớ như in cảnh người ta dắt nhau vào trốn trong chùa Phi Lai, tức ngôi chùa nằm bên cạnh khu nhà mồ hiện nay, đông đến mức không có chỗ để đứng. Lúc đó bà nội chị mới bảo rằng những kẻ giết người kia cũng không từ ngôi chùa ra đâu, nên lên núi trốn càng sâu càng tốt. Vậy là gia đình chị kéo nhau vào núi Tượng để trốn. Gia đình chị nấp trong một hang đá nhỏ. Nhiều người ẩn nấp bên trong chùa cũng chuyển hướng lên núi Tượng và dường như họ đều bị giết trên đường chạy trốn. Tất cả những người trong chùa đều bị giết sạch.
Hiện tại, theo ghi chép trong khu tưởng niệm thì còn ba người trong thôn sống sót, nhưng trên thực tế, còn nhiều hơn con số 3 mà cứ liệu đã ghi. Những người chúng tôi phỏng vấn  đều là nhân chứng sống sót sau vụ tàn sát. Và có một câu hỏi đặt ra là liệu có nên giữ nhà mồ như một chứng cứ tố cáo tội ác nữa hay không, khi mà chính quyền Khmer Đỏ đã cáo chung nhiều năm nay?
-TTVN

Hơn một tuần sau thì những người sống sót mới dám trở về nhà. Dường như nhà cửa đã bị đốt sạch, phá sạch. Một đống xương cao chất ngất của những người bị giết, đốt đã được người sống sót thu về chất trước sân đình làng Ba Chúc. Và cũng sau đó vài ngày, gia đình chị phải chuyển xuống Long Xuyên tản cư bởi Ba Chúc trở nên chết chóc, nguy hiểm hơn bao giờ. Sau đó thì chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia xảy ra và gia đình chị phải chật vật kiếm sống nhiều nơi trong suốt gần mười lăm năm sau mới dám quay trở về Ba Chúc.
Cũng theo chị Đậm, những người sống sót trong vụ thảm sát Ba Chúc không chỉ là ba người. Nhưng nói họ là những người bị giết chưa chết thì không sai, bởi ông Ba Lai, bà Hà Thị Nga và bà Võ Thị Ngọc Châu là những người nằm ngay trong vùng bố ráp và giết tróc của kẻ diệt chủng nhưng do chúng không nhìn thấy hoặc do số trời còn lớn nên sống sót giữa hàng trăm xác người. Nói đến chuyện người ba Chúc còn sót sau đợt thảm sát đó, có lẽ còn nhiều nhưng họ hoặc đi xa Ba Chúc trước đó vài ngày, vài tháng, hoặc chạy trốn trên núi và sau đó bỏ xứ đi nơi khác.
Bảo quản hộp sọ…
Ông Nguyễn Lại, là người dân ba Chúc, khi trận thảm sát xảy ra, ông còn là đứa bé lên ba, hiện tại, ông là người trong nom nhà mồ Ba Chúc, chia sẻ: “Ở đây thì không có bà con thân nhân vì chết hết trơn rồi chỉ là nhờ khách thập phương cúng nhang khói cho các vong linh ở đây. Chỉ là đến ngày 16 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ chung thì bà con nơi đây, rồi ban quản lý tập trung vô đây cúng cho các vong linh…”
Cũng theo ông Lại, năm 1979, chính quyền tỉnh An Giang đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác Khmer Đỏ gồm 7 hạng mục: Nhà Mồ, Bia Căm thù, Nhà Truyền thống, Nhà Thủy tạ, Hồ sen, Nhà khách và Vòng rào. Nhà Mồ, công trình chính, chứa đựng hộp sọ của 1.159 nạn nhân trong cuộc thảm sát. Trong số đó, có 29 sọ của trẻ sơ sinh, 88 cô gái từ 16 đến 20 tuổi, 155 phụ nữ từ 21 đến 44 tuổi, 103 phụ nữ từ 41 đến 60 tuổi, 86 phụ nữ trên 60 tuổi, 23 nam giới từ 16 đến 20 tuổi, 79 nam giới 21 đến 40 tuổi, 162 nam giới từ 41 đến 60 và 38 nam giới trên 60 tuổi. Ngoài ra, còn nhiều đoạn xương lẻ và mảnh vỡ hộp sọ được bỏ vào trong các rương và bảo quản định kì.
Nói về bảo quản định kỳ, ông Lại chia sẻ:“Cái số người chết là do bọn diệt chủng Khmer đỏ xuống thảm sát bà con ở đây, số hộp sọ 1.159 thì cứ 5 năm một lần mới đem ra tẩm thuốc một lần, tẩm hóa chất để giữ xương.”
Sau khi chúng tôi phỏng vấn ông Lại, ông giới thiệu với chúng tôi các vị bô lão đang tu tập trong chùa Phi Lai và cho biết họ cũng là những người sống sót sau vụ thảm sát, họ biết khá nhiều chuyện. Nhưng khi chúng tôi gặp và đề cập đến vụ thảm sát Ba Chúc thì các bô lão này hỏi giấy tờ tùy thân, hỏi giấy giới thiệu phỏng vấn và đưa ra quan điểm chính trị của họ rằng đây là vấn đề nhạy cảm, không phải lúc nào cũng trả lời được, hơn nữa, họ từ chối trả lời phỏng vấn vì lý do họ được chỉ đạo khi họp chi bộ đảng Cộng sản là không được nói thêm về thông tin thảm sát Ba Chúc một khi chưa có văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Cũng có vị nói rằng họ không phải là người thôn Ba Chúc mà họ từ nơi khác đến. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì họ đều là người Ba Chúc và khi cuộc thảm sát xảy ra, trong số họ có người đã cầm súng chiến đấu, có người đã lập gia đình… Như vậy, chắc chắn phải còn mối ẩn khuất nào đó từ câu chuyện thảm sát Ba Chúc.
Và chúng tôi cũng lấy làm lạ là chính quyền khmer Đỏ đã cáo chung từ rất lâu, những bộ hài cốt cần được an nghỉ theo phong tục của người dân nơi đây là hỏa thiêu hoặc chôn cất tử tế chứ chẳng mấy ai muốn mỗi năm, các hộ hài cốt và hộp sọ lại được mang ra lau rửa, nhúng hóa chất một lần theo định lỳ. Hay nói cách khác, các bộ hài cốt và hộp sọ không được phép trở về với cát bụi theo qui luật tự nhiên mà phải bằng mọi giá tồn tại như một chứng tích nhắc nhớ tội ác của một nhóm chính trị đã tiêu vong từ rất lâu!
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/ba-chuc-crypt-whose-crime-10052018120322.html

Quan chức Hoa Kỳ và Bắc Hàn gặp nhau ở Hà Nội

bàn về Thượng đỉnh hai nước lần 2

Các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Bắc Hàn gần đây có nhiều cuộc gặp tại Hà Nội để thảo luận về kế hoạch hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un.
Reuters đưa tin vừa nêu theo tờ báo Munhwa Ilbo của Nam Hàn hôm thứ Hai, 7/1/2018, dẫn các nguồn ngoại giao không nêu tên từ cả Seoul và Washington.
Theo Reuters, những cuộc gặp gỡ giữa các giới chức ngoại giao Hoa Kỳ và Bắc Hàn vừa qua làm dấy lên suy đoán rằng Việt Nam có thể là nơi tổ chức sự kiện này.
Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn. Bình Nhưỡng vẫn duy trì cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, và gần đây tin tức cho thấy lãnh tụ Bắc Hàn mong muốn học hỏi kinh nghiệm cải cách kinh tế của Việt Nam. Cả hai là những quốc gia tuyên bố theo chủ nghĩa cộng sản.
Reuters có liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Seoul để hỏi về thông tin vừa nêu nhưng chưa nhận được trả lời trong ngày 7 tháng 1.
Vào Chủ nhật, ngày 6/1, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên ở Washington rằng Hoa Kỳ và Bắc Hàn đang đàm phán một địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh thứ hai, và cho biết có thể nó sẽ được công bố trong tương lai gần.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 1 giữa tổng thống Donald Trump và chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong- un diễn ra ở Singapore vào ngày 12 tháng 6 năm 2018.
Trong bài phát biểu mừng năm mới 2019 được phát sóng toàn quốc, Lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un nói rằng ông sẵn sàng gặp lại Tổng thống Trump bất cứ lúc nào để đạt được mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng cảnh báo ông có thể phải đi một con đường khác nếu Mỹ tiếp tục thực hiện lệnh trừng phạt và áp lực đối với Bình Nhưỡng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-nkorean-officials-met-in-hanoi-to-discuss-2nd-trump-kim-summit-01072019074125.html

Làm thế nào Việt Nam

để Campuchia lọt vào tay Trung Quốc?

Năm 2019 đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày Việt Nam xua quân sang Campuchia, lật đổ chế độ Khmer đỏ và đưa ông Hun Sen, một cựu chỉ huy Khmer đỏ, lên cầm quyền.
Đúng bốn mươi năm sau, Campuchia giờ vẫn do Hun Sen lãnh đạo, rõ ràng đang nằm trong quỹ đạo của Bắc Kinh, tác giả David Hutt viết trong một bài báo đăng trên Asia Times, ngày 7 tháng 1 năm 2019.
Bốn mươi năm về trước khoảng 100.000 chiến binh Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh cùng với 20.000 người Campuchia để lật đổ chế độ cực đoan của Khmer đỏ theo chủ nghĩa Mao. Ngay ngày hôm sau, Hà nội đưa Hun Sen lên cầm quyền vào ngày 8 tháng 1 năm 1979. Ông Hun Sen trở thành Thủ tướng Campuchia vào năm 1985, một vị trí mà ông vẫn nắm giữ cho tới bây giờ.
Lên cầm quyền năm 1975, Khmer đỏ đã đuổi dân ra khỏi thủ đô Phnom Penh, những tội ác do tổ chức này gây ra trong thời nắm quyền sinh sát ở Campuchia, đã làm rúng động lương tâm thế giới. Uớc lượng trong thời gian cầm quyền từ 1975 tới 1979, chế độ tàn bạo này đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,2 triệu người Campuchia.
Theo các nguồn tin từ Việt Nam, Khmer đỏ không chỉ giết hại người dân nước họ, mà còn giết rất nhiều người Việt và người thiểu số Chăm ở các vùng biên giới, dẫn tới ‘chiến tranh biên giới Tây Nam’.
Theo phim tài liệu Chạm vào Ký ức Tây Nam, một lý do khiến Việt Nam xua quân sang Campuchia là vì Khmer đỏ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, thực hiện những vụ thảm sát ở biên giới, “giết chết và thủ tiêu gần 3 vạn người Việt”.
Ở Campuchia, ngày 7 tháng 1 được đánh dấu là “Ngày Giải phóng” hoặc là “Ngày Chiến thắng”, đây là ngày mà hai nước Campuchia và Việt Nam ăn mừng mối quan hệ ‘vững bền’ giữa hai bên. Hôm thứ Bảy vừa rồi, giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đánh dấu chiến thắng trước Khmer đỏ với một buổi lễ và một loạt tượng đài.
Ước lượng 25.000 chiến binh Việt Nam đã mất mạng ở Campuchia trong thời gian từ tháng 12/1978 đến tháng 9/1989, khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia theo hiệp định hòa bình do Liên Hiệp Quốc làm trung gian.
Thủ Tướng Hun Sen đã nhiều lần bày tỏ cảm kích về vai trò của Hà nội chấm dứt chế độ cầm quyền Khmer đỏ, và năm nay, tại lễ kỷ niệm 40 năm tổ chức ở Sân vận động Olympic Phnom Penh ngày 7/1/1979, một lần nữa ông Hun Sen “bày tỏ sự biết ơn với sự hỗ trợ kịp thời và lớn lao của quân tình nguyện Việt Nam”, trước một cử tọa 60.000 người, trang Zing.com cho biết.
Tuy nhiên bài báo Asia Times nêu lên rằng Việt Nam can thiệp và giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer đỏ, là do bản năng tự vệ chứ không phải vì lòng vị tha, thương xót dành cho nhân dân Campuchia.
“12 vạn bộ đội VN đã hy sinh ở CPC trong cuộc chiến (1977 – 1989); hàng chục vạn người khác để lại một phần thân thể ở đây, rất nhiều chàng trai trẻ đã để lại hai chân”.
Tướng Hoàng Kiền được Soha trích lời- Trên FB Trương Huy San
Dù thế nào đi chăng nữa, Việt Nam cũng đã trả một cái giá đắt trong những năm 1980. Trên trang Facebook của ông, nhà báo Trương Huy San nói rằng “nhà nước chưa bao giờ công bố cho dân biết, cuộc chiến ở Campuchia đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng người Việt”. Nhà báo trích thông tin trên Soha, dẫn lời Tướng Hoàng Kiền, cho biết “12 vạn bộ đội VN đã hy sinh ở CPC trong cuộc chiến (1977 – 1989); hàng chục vạn người khác để lại một phần thân thể ở đây, trong đó, rất nhiều chàng trai trẻ đã để lại hai chân”.
Bất chấp những sự hy sinh đó, hiện đang có nhiều dấu hỏi về sự gần gũi trong mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Campuchia, trong bối cảnh Trung Quốc giờ đã trở thành nước viện trợ và đầu tư lớn nhất, cũng như là đồng minh thân cận nhất của Campuchia.
Quan trọng không kém, Trung Quốc là nước bảo vệ đảng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) do ông Hun Sen, người được Hà nội đưa lên nắm quyền hồi năm 1979, trước làn sóng chỉ trích từ phương Tây và đe dọa của các nước này sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt Campuchia vì xu hướng rủ bỏ con đường “dân chủ đa đảng” của giới lãnh đạo tại Pnom Penh.
Mặc dù Việt Nam và Campuchia vẫn duy trì quan hệ lành mạnh đã xây dựng trong bốn thập kỷ qua, đặc biệt trong quan hệ giữa hai quân đội, và nhiều quan chức cấp cao CPP vẫn có cảm tình với người Việt vì đã từng học ở Việt Nam trong những năm 1980 và 1990, nhưng theo các chuyên gia, với sự ra đi của thế hệ này, những quan hệ đó ngày càng phai nhạt hơn.
Bài phân tích trên Asia Times dẫn lời Giáo sư Paul Chambers, giảng viên Đại học Nghiên cứu Cộng đồng Asean tại Đại học Naresuan, nhận định rằng sau năm 1997, ông Hun Sen đã dần dần đưa Campuchia từ cân bằng giữa Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây đến một nước Campuchia hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Trong bối cảnh đó, theo Giáo sư Chambers, cũng là lẽ tự nhiên khi Campuchia có phần lơ là với Việt Nam vì được hưởng nhiều lợi ích hơn từ Trung Quốc.
Vẫn theo Asia Times, về mặt lý thuyết, Campuchia tuyên bố vẫn duy trì quan hệ với hai đồng minh một cách ngang hàng. Việt Nam vẫn được hoan nghênh là “đồng minh lịch sử” và là nước đã giải phóng Campuchia khỏi ách Khmer đỏ. Nhưng, trong thực tế, về mặt ngoại giao, Việt Nam bây giờ đóng vai trò thứ yếu so với Trung Quốc.
Giáo sư Sophal Ear, trợ giảng môn Ngoại giao và các Vấn đề quốc tế tại tại Trường Occidental College ở Los Angeles, Hoa Kỳ, nói thực tế là 40 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Trung Quốc, nước từng hậu thuẫn cho Khmer đỏ, lại là nước đã “chinh phục được Campuchia và bây giờ hoàn toàn chi phối Campuchia”.
https://www.voatiengviet.com/a/lam-the-nao-vietnam-de-campuchia-lot-vao-tay-trung-quoc/4732080.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.