Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 22/01/2019

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2019 14:31 // ,

Tin khắp nơi – 22/01/2019

Shutdown: Đề xuất của phe Cộng hoà

khó được phe Dân Chủ ủng hộ

Các đảng viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Hoa Kỳ đã đưa ra một đề xuất nhằm chấm dứt tình trạng chính phủ đóng cửa một phần, dựa theo một đề xuất của Tổng thống Donald Trump mà theo ông là một “kế hoạch tương nhượng”, nhưng đã bị các thành viên Đảng Dân chủ bác bỏ, nói rằng kế hoạch này ‘sẽ chẳng đi đến đâu’.
Phần quan trọng nhất về mặt chính trị trong đề xuất này là khoản tài trợ 5,7 tỷ đô la để xây dựng một hàng rào dọc theo biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico, điều mà thời còn vận động tranh cử, ông Trump nói là cần thiết để ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp và các hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới.
Phe Dân chủ phản bác rằng xây tường biên giới là một phương sách tốn kém mà không hiệu quả để đạt các mục tiêu đó, và thay vào đó họ đề nghị chi ra 1,3 tỷ đô la vào các biện pháp khác như tăng số thẩm phán di trú và nâng cấp công nghệ sàng lọc tại các cửa khẩu biên giới. Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã thông qua một số dự luật có những yếu tố đó và đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu quyết phụ trội trong tuần này.
Trong khi đó, Thủ lãnh khối đa số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell dự tính tổ chức một cuộc biểu quyết về đề xuất của đảng Cộng hòa trong tuần này. Điều này sẽ khó diễn ra trong ngày hôm nay, thứ ba 22/1.
Để đánh đổi đòi hỏi của Tổng thống Trump về khoản tiền tài trợ cho bức tường biên giới, đề xuất của phe Cộng Hòa bao gồm một số biện pháp nhằm mục đích lôi kéo sự ủng hộ của phe Dân chủ. Theo đề xuất này, những người nhập cư vào nước Mỹ bất hợp pháp khi còn là những đứa trẻ và đã từng ghi danh theo một chương trình thời Tổng thống Obama mang tên “Chương trình Hành động Hành động Trì hoãn đối với Người đến Mỹ từ nhỏ” (DACA), sẽ được bảo vệ – tức là hoãn truy tố và trục xuất, trong ba năm.
Biện pháp này cũng sẽ được nới rộng để áp dụng cho thành phần được bảo vệ tạm thời (TPS) tức là những người đã từng chạy khỏi các nước Châu Mỹ Latinh và châu Phi để tránh bạo lực hoặc thiên tai. Tổng thống Trump trước đây đã tìm cách chấm dứt chương trình DACA và TPS đến từ một số quốc gia cụ thể.
Ngoài ra, đề xuất của đảng Cộng hòa còn tăng thêm 750 nhân viên tuần tra biên giới và 375 nhân viên hải quan, đồng thời nâng cấp công nghệ tại các cửa khẩu biên giới.
Kế hoạch này sẽ tăng tài trợ cho khâu thực thi các quy định về nhập cư và di trú, gồm: tăng cường đội ngũ này với thêm 2.000 nhân viên thực thi pháp luật, nhân viên hỗ trợ và nhân viên pháp lý, đồng thời cung cấp cho lực lượng này hàng ngàn xe cộ.
Nhưng các quy định đối với trẻ tị nạn đến từ El Salvador, Guatemala và Honduras sẽ trở nên nghiêm ngặt hơn. Đề xuất của Đảng Cộng hoà đề nghị thành phần này phải nộp đơn xin tị nạn tại một trong các trung tâm giải quyết hồ sơ sẽ được thành lập tại Trung Mỹ.
Đảng Cộng hòa cho rằng những thay đổi vừa nêu sẽ gây khó khăn hơn và không khuyến khích những người có ý định thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm đến biên giới nước Mỹ để xin tị nạn.
Những khoản tài trợ cho các chính quyền El Salvador, Guatemala và Honduras sẽ được gắn liền với đòi hỏi là mỗi nước phải khuyến cáo công dân nước họ về những mối hiểm nguy của cuộc hành trình tới Hoa Kỳ, phải có biện pháp chống nạn buôn người và các hoạt động buôn ma túy, hợp tác với những nỗ lực của Hoa Kỳ để hồi hương người di dân không đủ điều kiện xin tị nạn, và hỗ trợ các chương trình giáo dục và chống nạn nghèo đói.
Các thành viên của Đảng Dân chủ trước đó nhấn mạnh rằng ông Trump và đảng Cộng hòa phải mở cửa chính phủ lại trước khi thảo luận về chính sách an ninh biên giới, và cho đến giờ này, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy phe Dân chủ ủng hộ đề xuất của Thượng viện.
Trong bối cảnh Đảng Cộng hòa đang nắm đa số 53-47 tại Thượng viện, họ cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Dân chủ để đạt được 60 phiếu cần thiết để xúc tiến dự luật này.
Tình trạng đóng cửa một phần chính phủ Mỹ đã bắt đầu từ ngày 22 tháng 12 và xét những lập luận cứng rắn của các lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng như đảng Dân chủ, thì chưa thấy có triển vọng nào là tình trạng này sắp sửa được giải quyết.
“Đảng Dân chủ chỉ tự lừa dối mình nếu họ nói là có thể ngăn chặn Tội phạm, Ma túy, Buôn người và những đoàn người nhập cư mà không cần Tường biên giới hoặc Hàng rào Thép”, Tổng thống Trump viết trên trang Twitter của ông hôm thứ Hai. “Hãy ngưng những trò đó, và cung cấp cho Hoa Kỳ những biện pháp bảo vệ an ninh mà đất nước này xứng đáng được hưởng.”
“Đề nghị mới nhất của đảng Cộng hòa không có gì thay đổi”, Justin Goodman, phát ngôn viên của ông Chuck Schumer, Thủ lãnh khối thiểu số tại Thượng viện, nói.
Ông Goodman nói tiếp:
“Tổng thống Trump và các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục nói: ‘Ủng hộ kế hoạch của chúng tôi, nếu không chính phủ sẽ tiếp tục đóng cửa. Đó không phải là thỏa hiệp, hay thương thuyết – mà đơn giản chỉ tiếp tục bắt người khác làm con tin.”
Khoảng 800.000 công chức liên bang đã bị tác động vì chính phủ ngừng hoạt động. Hơn phân nửa được lệnh phải tiếp tục làm việc mà không được trả lương, phần còn lại phải ở nhà trong tình trạng bị nghỉ việc tạm thời. Đông đảo trong số này lại mất thêm một kỳ lương thứ nhì vào ngày thứ Sáu tới đây.
https://www.voatiengviet.com/a/shutdown-de-xuat-cua-cong-hoa-kho-duoc-dan-chu-ung-ho/4753597.html

TNS đảng Dân chủ Kamala Harris

tuyên bố tranh cử Tổng thống

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cho hay bà sẽ ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2020, trở thành nhân vật thứ tám tham gia chạy đua cho cuộc bầu cử sơ bộ của đảng này.
Thượng nghị sĩ California, người được bầu vào năm 2016, từng là bộ trưởng tư pháp của tiểu bang.
“Tôi yêu đất nước tôi”, bà Harris nói với Good Morning America của hãng ABC, và nói thêm rằng bà sẽ “đấu tranh cho những gì tốt đẹp nhất”.
Bà Kamala Harris, 54 tuổi, một người chỉ trích Tổng thống Donald Trump, được mô tả là một ngôi sao đang lên của đảng Dân chủ.
Mỹ: 7 điều nên biết về bức tường của Trump qua biểu đồ
Trump đề xuất ‘thỏa hiệp’
Bầu cử giữa kỳ Mỹ: Dân chủ thắng Hạ viện
Elizabeth Warren, Kirsten Gillibrand, Tulsi Gabbard, John Delaney và Julian Castro nằm trong số những người cũng đã tuyên bố ý định tranh cử.
“Tương lai của đất nước phụ thuộc vào bạn và hàng triệu người khác lên tiếng đấu tranh cho các giá trị Mỹ của chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi tranh cử chức Tổng thống Hoa Kỳ”, thượng nghị sĩ Harris nói trong một video đăng trên Twitter.
Đây là lần đầu tiên có nhiều hơn một phụ nữ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ cho cuộc chạy đua chức Tổng thống Mỹ năm 2020.
Mức kỷ lục lần này là có tới bốn ứng cử viên nữ của đảng Dân chủ đang chạy đua cho các chiến dịch quốc gia.
Việc được đề cử sẽ khiến bà Harris trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi hoặc người Mỹ gốc Ấn đầu tiên trở thành ứng cử viên chính của đảng Dân chủ cho chức Tổng thống Mỹ.
Trong sự kiện đầu tiên cho chiến dịch tranh cử của mình vào thứ Hai 21/1, tại một trường đại học của người Mỹ gốc Phi ở Washington, bà đã cáo buộc Tổng thống Trump biến người Mỹ thành con tin bằng cách kéo dài thời gian đóng cửa một phần chính phủ.
Ưu thế vượt trội
Phân tích của Anthony Zurcher, BBC North America
Bản quyền hình ảnhMICHAEL KOVACImage captionBà Kamala Harris (thứ hai, phải sang) trong
Bà Kamala Harris là loại đảng viên Dân chủ có thể bám sát và thắng thế trong cuộc chiến tranh cử đầy mệt mỏi. Bà đến từ California, nơi giàu có cả về số lượng ứng cử viên và tiền quyên góp được.
Là một phụ nữ, và từ cộng đồng dân tộc thiểu số, bà ấy đang có vị trí tốt để tận dụng sự đa dạng ngày càng tăng của đảng mình.
Bà ấy có một trong những hồ sơ bỏ phiếu cởi mở nhất tại Thượng viện Hoa Kỳ vào thời điểm đảng Dân chủ nghiêng về cánh tả, nhưng bà cũng có một nền tảng là một công tố viên khó tính.
Bối cảnh đó cũng có thể là một điểm yếu, vì một số người cấp tiến đã chỉ trích bà vì đã không ủng hộ các nỗ lực cải cách tư pháp hình sự ở California và chỉ ra hồ sơ công tố của bà là không đủ nhạy cảm với các quyền của bị cáo. Bà ấy sẽ phải hết sức thận trọng để vừa khoe các thành tựu trong khi đồng thời phải biện minh cho các quyết định của mình.
Bà Harris mới chỉ xuất hiện trên chính trường được hai năm và không phải chính trị gia mới nào cũng có thể cầm cự như ông Obama đã làm trong năm 2008. Bà sẽ được thử thách trong những tháng tới, nhưng bà bắt đầu cuộc đua với nhiều ưu thế.
Kamala Harris là ai?
Bà đã phục vụ hai nhiệm kỳ là công tố viên quận San Francisco (2004-2011), trước khi được bầu làm bộ trưởng tư pháp California (2011-2017), trở thành phụ nữ da màu đầu tiên đảm nhiệm vị trí này tại đây.
Năm 2017, bà Harris tuyên thệ nhậm chức thượng nghị sĩ Hoa Kỳ tại California.
Cha mẹ của bà là những người nhập cư từ Jamaica và Ấn Độ, và bà đã chống lại những người chỉ trích “chính trị bản sắc”.
“Nó được sử dụng để khiến chúng tôi im lặng”, bà Harris nói trong một cuộc hội thảo vào mùa hè năm ngoái.
Câu hỏi hóc búa của bà dành cho Thẩm phán Brett Kavanaugh về quan điểm của ông đối với việc phá thai và cuộc điều tra can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 đã thu hút sự chú ý từ đảng Dân chủ.
Nhưng bà cũng phải đối mặt với những chỉ trích rằng bà không nhận thức được các cáo buộc quấy rối tình dục đối với một trong những phụ tá của mình, người đã từ chức năm 2016.
Bà Harris có kế hoạch khởi động chiến dịch của mình trong thời điểm một cuộc biểu tình ở Oakland, California diễn ra vào Chủ nhật.
Vì sao chọn thời điểm này?
Thượng nghị sĩ Harris đã cố tình chọn Lễ Martin Luther King, một ngày lễ quốc gia, để thông báo về quyết định tranh cử của mình.
“Điều Dr. King luôn truyền cảm hứng cho tôi là ông ấy có khát vọng,” bà nói.
Bà nói thêm: “Vì vậy hôm nay, ngày tưởng niệm Dr. King, là một ngày rất đặc biệt đối với tất cả người Mỹ chúng ta và tôi rất vinh dự đưa ra tuyên bố của tôi vào ngày này.”
Một số nhà quan sát cũng nhìn thấy trong tuyên bố của bà một lịch sử song hành khác.
Bốn mươi bảy năm trước trong tuần này, bà Chisholm, một nữ nghị sĩ người Mỹ gốc Phi ở New York, đã trở thành người phụ nữ đầu tiên ra tranh cử vị trí ứng cử viên Dân chủ cho cuộc đua giành ghế Tổng thống Hoa Kỳ.
Một số người lưu ý rằng bà Harris đã chọn các màu cho chiến dịch tranh cử của mình giống với màu bà Chisholm từng chọn, gồm đỏ và vàng, và cả hai ứng cử viên đều tự nhận là “ứng cử viên của nhân dân”.
Nhân viên của bà Harris nói với Buzzfeed logo rằng chiến dịch của bà được lấy cảm hứng từ logo của Chisholm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46955885

Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines:

Công cụ giúp Mỹ bảo vệ đồng minh ở Biển Đông?

Phát biểu tại hội nghị của Hiệp hội các nhà báo quốc tế ở Manila, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (17/1) cho rằng Manila nên xem xét lại Hiệp ước đồng minh với Washington để làm rõ khi nào Mỹ hỗ trợ nước này trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông là thách thức an ninh “lớn nhất” của Philippines.
Theo Bộ trưởng Lorenzana, Philippines tin rằng đến lúc cần ngồi lại với Mỹ và xem xét lại các điều khoản về mối quan hệ đồng minh, cho rằng Philippines và Mỹ là đối tác, có quan hệ lịch sử sâu sắc, song cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình khi nhu cầu về việc cùng tham chiến xuất hiện. Ông Lorenzana cho biết một trong các vấn đề ông muốn làm rõ là điều kiện nào sẽ kích hoạt phản ứng hỗ trợ lẫn nhau giữa Mỹ và Philippines theo Hiệp ước bảo vệ đồng minh. Ông đặt câu hỏi liệu Philippines có phải tham chiến hay không nếu “xảy ra bắn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc đâu đó ở đá Vành Khăn”.
Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương Randall Shriver (16/8/2018) cho biết, Mỹ sẽ giúp đồng minh Philippines trong trường hợp Trung Quốc xâm lược các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông, nhấn mạnh Mỹ sẽ là một đồng minh tốt và không có bất cứ một sự hiểu lầm nào về tính rõ ràng trong tinh thần của cam kết này, đồng thời khẳng định Mỹỳ sẽ giúp Philippines đáp trả một cách tương ứng. Vào năm 2012, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines ở Biển Đông, Mỹ lúc đó đã lên tiếng phản đối nhưng vẫn không thể ngăn cản được Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines.
Trung Quốc thời gian qua đã gia tăng xây lấp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai vũ khí ra các thực thể này. Nhiều nhà quan sát Philippines bày tỏ lo ngại khi trong vài tuần gần đây Trung Quốc liên tục cảnh báo các máy bay nước ngoài không được tiến gần các đảo này. Ngoài ra, kể từ khi nhậm chức vào giữa năm 2016, Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte đã tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Nga trong khi giảm nhẹ mối quan hệ với đồng minh Mỹ. Chính điều này đã dẫn đến những đồn thổi về cam kết bảo vệ đồng minh Philippines của Mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế Hiệp ước An ninh Mỹ – Philippines 1951 (MDT) và Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA) giữa hai nước là công cụ pháp lý quan trọng để Mỹ bảo vệ Philippines trước các hoạt động khiêu khích, đe dọa an ninh từ Trung Quốc.
MDT được ký kết vào ngày 30/8/1951 tại Washington, DC giữa đại diện của Philippines và Mỹ, trong đó quy định cả hai nước sẽ hỗ trợ nhau nếu một trong hai nước bị tấn công từ bên ngoài. Cụ thể: Điều II, Mỹ và Philippines bằng cách tự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau để duy trì và phát triển năng lực cá nhân và tập thể chống lại các cuộc tấn công vũ trang. Điều III, Mỹ và Philippines thông qua Bộ Trưởng Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện để tham khảo, trao đổi ý kiến liên quan việc thực hiện MDT khi Mỹ hoặc Philippines nhận thấy toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh bị đe dọa bởi cuộc tấn công vũ trang ở bên ngoài Thái Bình Dương. Điều IV, khi Mỹ hoặc Philippines công nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang trong khu vực Thái Bình Dương đe dọa đến hòa bình và an ninh của một trong hai nước thì Mỹ hoặc Philippines sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nước kia. Điều V, một cuộc tấn công vũ trang quy định trong Điều IV bao gồm một cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ, trên các vùng đảo thuộc chủ quyền của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương, hoặc tấn công các lực lượng vũ trang, tàu, máy bay của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương. ĐIỀU VIII, MDT có hiệu lực vô thời hạn.
Ngày 28/4/2014, Mỹ và Philippines ký kết EDCA nhằm tăng cường khả năng hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai. Thỏa thuận cho phép các lực lượng vũ trang Mỹ tiếp cận, sử dụng các khu vực được chỉ định và các cơ sở thuộc sở hữu và kiểm soát của Mỹ theo yêu cầu của phía Philippines. Ngày 18/3/2016, Mỹ và Philippines đạt được Thỏa thuận cho phép luân chuyển sự hiện diện quân đội Mỹ tại 5 căn cứ ở Philippines, gồm căn cứ không quân Antonio Bautista, gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông; căn cứ không quân Basa, phía Bắc Manila; căn cứ Fort Magsaysay ở Palayan; căn cứ không quân Lumbia ở Mindanao và căn cứ không quân Mactan – Benito Ebuen ở Cebu. Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight tuyên bố thỏa thuận vừa đạt được là dựa trên nền tảng EDCA, cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Philippines bằng cách luân chuyển tàu, máy bay phục vụ mục đích nhân đạo và hoạt động an ninh hàng hải; khẳng định Philippines là một “đồng minh quan trọng của Mỹ”.
Trước đó, tại lễ kỷ niệm 60 năm ký kết Hiệp ước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Philippines Alberto Del Rosario (11/11/2011) tái khẳng định MDT là nền tảng cơ bản trong quan hệ song phương, hai nước có nghĩa vụ chung thực hiện MDT và cam kết sẽ duy trì quan hệ mật thiết, đáp ứng yêu cầu hợp tác để tăng cường khả năng phòng thủ, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh chung; khẳng định tiếp tục hợp tác song phương trong việc giải quyết những thách thức khu vực và trên thế giới, bao gồm cả an ninh hàng hải và các mối đe dọa đối với an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, phát triển hạt nhân, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; khẳng định hai bên chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp chủ quyền ở các vùng biển thông qua các tiến trình hòa bình, hợp tác, đa phương và ngoại giao trong khuôn khổ luật pháp quốc tế; cam kết thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia chung thông qua đối thoại chiến lược cấp cao.
Đối với EDCA, Ngoại trưởng Albert del Rosario nhận định, EDCA là văn bản cần thiết trước hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Thứ trưởng Quốc phòng Lorenzo Batino cho rằng, với việc thông qua EDCA, cơ chế chuẩn bị phòng thủ chung giữa Philippines với Mỹ trong tương lai sẽ được định hình rõ hơn. Quyền Tổng biện lý Florin Hilbay nhấn mạnh EDCA sẽ giúp quân đội chuẩn bị ứng phó tốt hơn trước nguy cơ bị tấn công quân sự. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (13/1/2016) cho biết, mối quan hệ chiến lược giữa Mỹ và Philippines được gắn kết bởi một thỏa thuận đảm bảo an ninh cho Philippines và Mỹ hoan nghênh quyết định của Tòa án tối cao Philippines cho rằng EDCA là phù hợp với Hiến pháp Philippines; khẳng định EDCA sẽ làm tăng
cao khả năng can thiệp của các lực lượng quân đội Mỹ, đóng góp vào sự hiện đại hóa và cải thiện khả năng chung của Mỹ trong các hoạt động cứu trợ thiên tai. Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nhận định Thỏa thuận đạt được vào thời điểm quan trọng, trước khi Tòa trọng tài quốc tế có phán quyết chính thức trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc thực hiện MDT và EDCA còn nhiều khó khăn; hiện còn “mơ hồ” về khả năng Mỹ sẽ can thiệp khi Trung Quốc cải tạo phi pháp bãi cạn Scarborough.
Thứ nhất, việc diễn giải MDT còn nhiều khó khăn và Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện vẫn chưa đưa ra cam kết sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp xảy ra tranh chấp biển đảo. Nhà nghiên cứu chính trị Richard J. Heydarian thuộc Đại học De La Salle (Philippines) cho rằng, nhìn bao quát chung về lập trường ngoại giao của Mỹ trong vài thập niên gần đây, nhiều chính quyền Mỹ đã từ chối việc làm rõ liệu MDT có được áp dụng trong trường hợp xảy ra xung đột về lãnh thổ trên Biển Đông hay không. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng không có cơ sở pháp lý cho việc MDT sẽ bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Philippines trên Biển Đông.
Thứ hai, EDCA sẽ khiến gia tăng nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực. Ông Richard J. Heydarian cảnh báo cho đến nay chưa có một sự đảm bảo chắc chắn rằng EDCA sẽ tăng cường sức mạnh của Philippines tại các vùng biển tranh chấp, nếu xảy ra xung đột chỉ khiến Mỹ và Trung Quốc có những hành động nguy hiểm khi đối đầu với nhau tại Biển Đông.
Thứ ba, MTD không thể đi ngược lại lập trường trung lập của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (12/2012) từng tuyên bố, Mỹ vẫn tiếp tục cam kết đối với an ninh của Philippines, tái khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, duy trì sự ổn định và hòa bình, tôn trọng luật quốc tế và các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, song Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.
Thứ tư, việc ký kết MDT xảy ra trước việc Philippines chiếm hữu thực tế tại Thị Tứ (Pag – Asa) và đây là khu vực tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, không phải là vùng lãnh thổ của Philippines. Tuy nhiên, theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger, Mỹ sẽ can thiệp khi tàu và quân đội Philippines bị tấn công ở những nơi quan trọng tại Thái Bình Dương.
Giới chuyên gia kêu gọi Chính quyền Mỹ cần đưa ra những cam kết, hành động cụ thể để bảo vệ Philippines trước các hành động hung hăng bất chấp luật pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á của Quỹ Heritage ở Washington Walter Lohman kêu gọi Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cần dành cho Philippines một sự bảo đảm rõ ràng về an ninh; cho rằng Mỹ nên thay đổi lập trường về phạm vi áp dụng của MDT bao gồm những hòn đảo và bãi cạn hiện do Philippines chiếm đóng và nằm dưới quyền quản lý của Manila. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Sức mạnh Hải dương Mỹ Cropsey (Viện Hudson) cho rằng, cùng với việc cộng đồng quốc tế ngày càng thể hiện sự quan tâm đối với phạm vi áp dụng của MDT sẽ khiến Chính phủ Mỹ xem xét lại vấn đề và có khả năng đưa ra cam kết sẽ bảo vệ Philippines giống như bảo vệ Nhật Bản ở Hoa Đông. Cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Seth Cropsey từng tuyên bố, Mỹ sẽ xử lý tranh chấp Biển Đông giống như Hoa Đông, cam kết sẽ bảo vệ Philippines giống như việc bảo vệ Nhật Bản.
Tuy nhiên, một số học giả ở Philippines cho rằng vào lúc này Mỹ không nên và sẽ không công khai nới rộng phạm vi áp dụng của MDT bao gồm những hòn đảo và bãi cạn do Philippines kiểm soát ở Biển Đông.Giáo sư Renato Cruz de Castro của Đại học De La Salle ở Manila cho biết, “Mỹ nên duy trì sự mơ hồ chiến lược về vấn đề này, một sự mơ hồ làm cho Trung Quốc không biết cách xoay sở và không thể so sánh quan hệ Mỹ – Nhật với quan hệ Mỹ – Philippines vì nhiều lý do”. Vì với việc nới rộng MDT sẽ “tự động đưa Mỹ và Philippines tới chỗ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc”, trong khi quân đội Philippines yếu hơn nhiều so với quân đội Nhật Bản và Manila có thể chấp nhận sự mơ hồ chiến lược này, chưa yêu cầu Mỹ nới rộng phạm vi áp dụng MDT.
Trong khi đó, Trung Quốc liên tục đưa ra nhiều tuyên bố chỉ trích MDT và EDCA, cho rằng những Hiệp ước song phương giữa Mỹ và Philippines gây mất ổn định trong khu vực. Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng Hiệp định An ninh Mỹ – Philippines sẽ làm cho căng thẳng leo thang và gây phương hại cho hoà bình và an ninh khu vực, Philippines đang quay sang cậy nhờ Mỹ ủng hộ tham vọng chống Trung Quốc; đồng thời cảnh báo Philippines sẽ gánh chịu “hậu quả tiêu cực từ việc làm không cân nhắc này”. Chu Phong, Đại học Nam Kinh, Trung Quốc cũng cảnh báo việc thực hiện EDCA sẽ làm cho những nơi tranh chấp ở Biển Đông có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự.
Nhiều khả năng Trung Quốc nắm được điểm yếu trong MDT và EDCA nên đưa ra các kế hoạch cải tạo phi pháp bãi cạn Scarborough, bất chấp sự phản đối của Philippines và cộng đồng quốc tế. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc cải tạo phi pháp bãi cạn Scarborough và đưa quân ra đồn trú tại khu vực này. Thiết nghĩ, việc Mỹ tiến hành tuần tra xung quanh 12 hải lý tại một số đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa chưa đủ mạnh và chưa đủ để bảo vệ Philippines cũng như hoạt động tự do hàng hải, an ninh khu vực. Chính phủ Mỹ nên có các biện pháp cứng rắn hơn để bảo vệ Philippines, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Đông Nam Á trước các hành động hung hăng, phi pháp của Trung Quốc, đừng để xảy ra “sự đã rồi” ở bãi cạn Scarborough.
http://biendong.net/bi-n-nong/25971-hiep-uoc-phong-thu-chung-my-philippines-cong-cu-giup-my-bao-ve-dong-minh-o-bien-dong.html

Phật tử thắng bài gần 700.000 đôla,

tặng hết cho từ thiện

Ông Scott Wellenbach, một tín đồ Phật giáo người Canada, đã cho hết số tiền 671.240 đôla Mỹ cho các tổ chức từ thiện sau khi ông giành giải ba trong một cuộc thi bài poker ở Bahamas, BBC và tờ Guardian đưa tin.
Công việc chính của ông Wellenbach, Phật tử đến từ Halifax, tỉnh Nova Scotia, là dịch kinh văn Phật giáo từ tiếng Phạn (Sanskrit) và tiếng Tạng sang tiếng Anh. Ngoài thời gian dịch kinh văn và thiền định, ông còn có sở thích là chơi bài.
Các tổ chức nhận được số tiền quyên góp của ông bao gồm các ni viện ở Nepal và Tây Tạng, Oxfam và Bác sĩ Không Biên giới.
Lần thắng cuộc lớn nhất của ông gần đây là 72.176 đôla vào năm 2017. Toàn bộ số tiền này, cũng như tất cả những tiền thắng bài trước giờ của ông, đều quyên góp cho từ thiện, theo Guardian.
“Nếu nữ giới được học hành để họ có thể vươn đến nắm những vị trí trọng yếu trên thế giới thì tôi nghĩ tất cả chúng ta đều được hưởng lợi,” ông nói và giải thích tại sao ông thường quyên tiền cho các tổ chức giáo dục của nữ giới.
Toàn bộ số tiền ông quyên cho từ thiện từ những lần thắng bài trước đây đã lên đến hàng trăm ngàn đô la nhưng ông nói ông không nhớ rõ con số cụ thể.
Do sự hào phóng này mà ông được đặt biệt danh là ‘người hùng của quần chúng’, theo BBC.
Tuy nhiên, ông Wellenbach thừa nhận với BBC rằng ông ‘gặp rất nhiều khó khăn’ để dung hòa những giáo lý của Phật giáo, vốn chú trọng đạt được sự an lạc giữa cuộc sống vô thường, với sự thôi thúc ông đến với cờ bạc.
Ông lo ngại về tính đạo đức của cờ bạc vốn đã đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng.
“Tôi cho rằng tôi làm cho nó chính đáng bằng cách trao hết tiền cho từ thiện,” ông giải thích.
“Là người thực tập Phật pháp, chúng tôi ngồi và thiền định rất nhiều, và điều đó giúp tôi an nhiên tự tại,” ông nói với BBC và cho biết ông ngồi thiền khoảng một tiếng đồng hồ mỗi ngày nhưng thiền nhiều hơn mỗi khi ông tham dự giải poker nào đó để giữ kỷ luật cho bản than.
“Kỷ luật của bản thân tôi có lúc này lúc khác,” ông thừa nhận nhưng cho biết khi ông tham dự giải poker thì tinh thần kỷ luật của ông là ‘tuyệt hảo’ vào mỗi buổi sáng. “Tôi rất cần những khoảnh khắc tinh tường dù là nhỏ nhoi giữa bối cảnh như thế này.”
Ông tìm đến Phật giáo khi còn trẻ. Lúc đó ông đang tìm kiếm phương hướng để vượt qua những bất hạnh trong cuộc song.
Ông nói với trang PokerNews.com: “Tôi hy vọng rằng bằng một cách nào đó chúng ta sẽ có những quyết định khôn ngoan và tiền bạc sẽ được dành cho những mục đích tốt, những con người hay những loài hữu tình, các loài vật có cảm thụ để cho những khổ não được vơi bớt phần nào.”
Tuy nhiên, ông cũng xem bài poker là thế giới thu nhỏ của sự tương phản của hiện thực.
“Khi chơi bài poker, anh có cơ hội lớn để đối mặt với phần thiện và phần ác trong tâm mình,” ông nói.
“Anh sẽ thắng hay thua từng phút rưỡi một, và do đó ngay tại bàn poker cảm giác hy vọng hay lo sợ trước những sự vô thường của cuộc sống sẽ trỗi dậy,” ông giải thích.
Wellenbach cho biết thông thường ông không đi chơi bài trừ phi ông tình cờ đi làm việc ở một nơi có sòng poker hay chiến thắng vòng loại trên mạng (như trong trường hợp ông đến Bahamas lần này).
Mặc dù không khí giải đấu cực kỳ căng thẳng, một phần vì nó được tường thuật trực tiếp trên toàn thế giới, ông Wellenbach nói rằng ông vẫn giữ được tâm lý thoải mái khi chơi.
https://www.voatiengviet.com/a/phật-tử-thắng-bài-gần-700-000-đôla-quyên-hết-cho-từ-thiện/4752398.html

Venezuela : Một nhóm binh sĩ

kêu gọi dân chúng thủ đô nổi dậy

Trọng Thành
Tại Venezuela, ngày 21/01/2019, vào lúc 3 giờ sáng, giờ địa phương, một nhóm binh sĩ đã kêu gọi nổi dậy chống chế độ Maduro. Lời kêu gọi của họ ngay lập tức được dân chúng tại nhiều khu phố nghèo ở thủ đô Caracas hưởng ứng đông đảo. Cuộc nổi loạn của nhóm binh sĩ tự xưng thuộc « Vệ binh quốc gia » đã nhanh chóng bị an ninh dập tắt.
Tổng cộng 27 người bị bắt giữ. Tuy nhiên, đối lập coi đây là một dấu hiệu tích cực, hai ngày trước một cuộc biểu tình toàn quốc chống chính quyền, kêu gọi thành lập « chính phủ chuyển tiếp » và bầu cử trước thời hạn để đưa Venezuela thoát khỏi khủng hoảng.
Thông tín viên Benjamin Dellile tường trình từ  :
« Sau khi lấy được nhiều vũ khí hạng nặng, nhóm binh sĩ nói trên đã thông báo về cuộc nổi dậy của họ, thông qua mạng xã hội Twitter. Từ doanh trại Cotiza, ở một khu phố bình dân nằm tại trung tâm thủ đô, họ kêu gọi dân chúng Venezuela xuống đường.
Người dân ở khu vực này ngay lập tức hưởng ứng. Vào lúc lực lượng an ninh được điều đến để khống chế nhóm nổi dậy, họ đã được đón tiếp bằng cả một dàn nhạc xoong nồi. Cư dân khu phố này đã xuống đường hô vang khẩu hiệu ủng hộ các quân nhân nổi dậy. Họ dựng nên nhiều chướng ngại vật, để kháng cự lại lựu đạn cay của cảnh sát.
Bất chấp việc các binh sĩ nổi loạn bị bắt giữ, đụng độ giữa cảnh sát và dân chúng ở đây vẫn tiếp diễn, và thậm chí còn lan sang cả hai khu phố láng giềng, San Bernardino và Los Mecedores. Vào cuối ngày, xa lộ bắc Caracas bị người biểu tình làm tê liệt.
Cuộc phản kháng của dân chúng, trước hết để ủng hộ nhóm quân nhân nổi dậy, và cũng là để chống lại chính quyền của tổng thống Maduro, đã bị cảnh sát đàn áp mạnh tay. Tuy nhiên, cuộc phản kháng nói trên đã lan đến tận khu phố 23 de Enero, một trong những khu vực ủng hộ chế độ Maduro mạnh nhất. Tại đây, tối qua, người ta cũng nghe thấy dàn nhạc xoong nồi chống Maduro».
Kể từ hơn một tuần nay, đối lập tổ chức trên khắp cả nước nhiều cuộc hội họp công khai, để chuẩn bị cho cuộc tuần hành toàn quốc ngày thứ Tư 23/01/2019. Các cuộc họp ngày càng thu hút nhiều người tham gia.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190122-venezuela-mot-nhom-binh-si-keu-goi-dan-chung-thu-do-noi-day

Venezuela: Cuộc nổi dậy của Vệ binh quốc gia bị dập tắt

Bộ Quốc phòng Venezuela cho biết một “nhóm nhỏ” các thành viên Vệ binh Quốc gia đã nổi dậy chống lại chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro.
Họ đã đánh cắp vũ khí từ một bộ chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Quốc gia ở thủ đô Caracas và bắt bốn sĩ quan làm con tin trước khi lên đường đến Cotiza vào đầu giờ thứ Hai.
Một video được gửi tới tài khoản Twitter đối lập @soldadoDfranela cho thấy một người đàn ông mặc đồng phục nói rằng anh ta đang hành động “nhân danh người Venezuela” và khuyến khích người dân Venezuela xuống đường biểu tình chống chính phủ.
Venezuela phớt lờ chỉ trích về Maduro
Lãnh đạo đối lập Venezuela bị bắt giữ
Brazil đuổi ngay 300 công chức ‘xã hội chủ nghĩa’
Không lâu sau đó, hai mươi bảy thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Venezuela đã bị bắt giữ sau khi bị cáo buộc nổi dậy chống lại chính phủ.
Không rõ những sĩ quan này đã bị áp đảo hay là tự giao nộp cho chính quyền.
Vụ việc xảy ra một năm sau khi phi công Óscar Pérez ném lựu đạn vào các tòa nhà chính phủ trước khi bị giết trong vụ xả súng với lực lượng an ninh.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng, họ gặp phải “sự phản kháng mạnh mẽ” từ các sĩ quan trung thành trong bộ chỉ huy Vệ binh Quốc gia ở Cotiza.
Bộ Quốc phòng Venezuela cho biết đã lấy lại vũ khí và các sĩ quan này đang bị thẩm vấn.
Bộ Quốc phòng cũng tuyên bố rằng các sĩ quan đã bị thúc đẩy bởi “lợi ích đen tối của phe cực hữu” mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Chính phủ Venezuela thường xuyên đổ lỗi cho các lực lượng cánh hữu mờ ám đối với bất kỳ hoạt động bất đồng chính kiến nào ở nước này.
Video clips trên các trang web đối lập cho thấy cư dân của khu phố xuống đường biểu tình phản đối chính phủ sau sự cố tối hôm trước.
Người dân phàn nàn về việc thiếu nước và hét lên “chúng tôi muốn Nicolás ra đi” khi lực lượng an ninh cố gắng giải tán họ bằng hơi cay.
Người dân Venezuela đã bị cắt điện và nước cũng như tình trạng thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng trong nhiều năm.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, ba triệu người đã rời khỏi đất nước trong những năm gần đây.
Làn sóng biểu tình chống chính phủ ồ ạt quét qua đất nước vào tháng 4 và tháng 5 năm 2017 nhưng sau khi bắt giữ hàng trăm người biểu tình và một số vụ đụng độ chết người, các cuộc biểu tình đã giảm dần với nhiều người nói rằng họ quá sợ phải xuống đường.
Nhưng trong những tuần qua, nhà lãnh đạo mới của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, Juan Guaidó, đã kêu gọi những người chỉ trích chính phủ tiếp tục biểu tình một lần nữa và kêu gọi các cuộc tuần hành chống chính phủ được tổ chức vào thứ Tư.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46955895

Châu Âu muốn chinh phục Mặt Trăng trước năm 2025

Thu Hằng
Sau Nga, Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cũng muốn đổ bộ lên Mặt Trăng. Cơ quan Không Gian châu Âu (ESA) đã giao cho tập đoàn ArianeGroup nghiên cứu về khả năng đặt chân được lên Mặt Trăng trước năm 2025.
Hôm 21/01/2019, giám đốc điều hành của Cơ Quan Không Gian Châu Âu (ESA), ông André-Huber Roussel, cho biết ESA có kế hoạch giao cho công ty ArianeGroup nghiên cứu kế hoạch thám hiểm để « khai thác regolithe, một khoáng chất từ đó có thể tách được nước và oxy, cần thiết cho sự hiện diện của con người trên Mặt Trăng », và cũng để tạo thêm nguồn năng lượng cần thiết cho các chuyến du hành xa hơn trong vũ trụ. Cho đến nay, mới chỉ có ba nước đổ bộ lên Mặt Trăng, là Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Giám đốc điều hành của Cơ Quan Không Gian Châu Âu (ESA) tin chắc rằng cuộc chinh phục không gia là việc cần thiết cho tương lai của nhân loại nói chung. « Châu Âu phải có vị trí trong hành trình này ». Cơ quan EAS không loại trừ tham vọng lập tiền đồn trên Mặt Trăng để phục vụ các cuộc thám hiểm tương lai.
Năm 2019 đánh dấu tròn 50 năm nhân loại bước những bước đầu tiên trên Mặt Trăng với chuyến du hành của hai phi hành gia người Mỹ Neil Amstrong và Buzz Aldrin trên tầu vũ trụ Apollo 11.
Hiện mới chỉ có ba nước chinh phục được Mặt Trăng, cách Trái Đất 384.000 km : Mỹ, Nga và Trung Quốc. Ấn Độ và Israel cũng bắt đầu tham gia vào cuộc đua, trong đó có một số dự án hợp tác quốc tế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190122-chau-au-muon-chinh-phuc-mat-trang-truoc-nam-2025

Davos 2019 vắng cả Trump, May,

Putin, Macron và Tập Cận Bình

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos tuần này sẽ vắng mặt một loạt lãnh đạo quốc tế vì họ đều đang phải đối phó với nhiều vấn đề nội bộ.
TQ: Tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong gần 30 năm
Việt Nam học được gì từ TQ về khởi nghiệp?
Lời đe dọa ‘euro tan rã’ và cuộc gặp May-Trump
Tổng thống Donald Trump sẽ hủy chuyến công du đến khu nghỉ đông ở Thuỵ Sĩ, nơi WEF họp thường niên.
Lý do là một phần chính phủ Hoa Kỳ vẫn đóng cửa và ông Trump đang đấu nhau với phe Dân chủ về ngân khoản xây tường ngăn di dân ở biên giới Mexico.
Diễn đàn Davos, tổ chức từ 22-25/01 này, cũng sẽ không có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới dự.
Chính phủ Pháp liên tục phải đối phó với làn sóng biểu tình hàng tuần của phe Áo Vàng, và các cải tổ thị trường lao động ông Macron đưa ra chưa có hiệu quả.
Bà Theresa May ở nhà để lo Brexit với liên tục các thất bại của chính phủ Anh trong nỗ lực thuyết phục Hạ viện thông qua một thỏa thuận nào đó.
Anh đang chưa rõ có phải trưng cầu dân ý Brexit II, bầu cử Quốc hội lại, hay ra khỏi EU cuối tháng 3/2019 mà không đạt thỏa thuận nào.
Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ không đến Davos tuần này mà tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ở Moscow trước khi ông Abe tới Davos.
Moscow và Tokyo mong muốn đạt tiến bộ trong đàm phán để ký hiệp ước hòa bình vốn bế tắc về tranh chấp lãnh thổ từ sau Thế Chiến 2.
Nga sẽ chỉ cử bộ trưởng phát triển kinh tế Maxim Oreshkin đến Davos và quan chức Nga nói sự kiện này năm nay “chỉ đem lại thất vọng”, theo TASS hôm 21/01.
Ngôi sao năm nào của Davos, Chủ tịch Tập Cận Bình, năm nay sẽ không đến dự diễn đàn.
Ông Tập từng công khai ca ngợi toàn cầu hóa và tự do kinh tế tại Davos năm 2017.
Rất nhiều vấn đề
Năm nay Trung Quốc cử Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn đi Davos còn cả chủ tịch và thủ tướng ở nhà lo các vấn đề kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế TQ chậm nhất từ 28 năm và cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ chưa thấy lối ra.
Mới hồi tháng 9/2018, Trung Quốc tổ chức ‘Summer Davos’ hay Diễn đàn Kinh tế Thế giới Mùa hè lần thứ 12 ở Thiên Tân.
Từ đó đến nay, không ít ý kiến cho rằng ‘vận may’ kéo dài của kinh tế Trung Quốc sang 2019 đã không còn.
Trung Quốc cho họ là ‘nạn nhân’ hàng đầu của chính sách thuế quan mà Hoa Kỳ áp đặt lên hàng loạt đối tác thương mại.
Chính sách đó bị phê phán ở nhiều nơi và Davos tuần này là dịp để Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross tới phát biểu, giải thích vì sao Hoa Kỳ làm như vậy.
Tuy thế, chừng ba nghìn lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp, diễn giả và nhất là các tổng giám đốc, nhà quản trị công nghệ cao sẽ đến Davos.
Oxfam: Tám người giàu nhất bằng một nửa nghèo nhất thế giới
Được biết chủ đề an ninh mạng sẽ được bàn thảo nhiều ở Diễn đàn Davos tuần này.
Trong số các gương mặt mới ở Davos có tân tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro.
Quan chức Ấn Độ cũng sẽ đến đông đảo và Thủ tướng Angela Merkel của Đức sẽ có mặt.
Từ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của nước này đến dự hội nghị Davos năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46946942

Chủ trương, chính sách

và hoạt động thực tiễn của Anh tại Biển Đông

Trong những năm gần đây, để bảo vệ lợi ích và phối hợp với hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, Anh đã có nhiều sự điều chính chính sách và hoạt động thực tiễn tại Biển Đông.
Quan điểm chính thức của Anh về vấn đề Biển Đông
Lãnh đạo Anh đã đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định chính sách của Anh trong vấn đề Biển Đông: (1) Thủ tướng Anh Theresa May (19/10/2018) nhấn mạnh tầm quan trọng của luật biển quốc tế và tự do hàng hải tại các vùng biển trên thế giới; tái khẳng định cam kết vững chắc của Anh đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tầm quan trọng của tự do đi lại và an ninh hàng hải, phù hợp với luật quốc tế. Trước đó, cựu Thủ tướng Anh David Cameron (5/2016) tuyên bố Trung Quốc phải tuân theo phát quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (7/2016) liên quan tới vụ Philippines kiện TQ về các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông; nhấn mạnh Anh muốn khuyến khích TQ là một phần của thế giới dựa trên các quy tắc. (2) Phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond (12/4/2018) cho biết, Anh có lợi ích quốc gia to lớn trong việc duy trì, đảm bảo ổn định và an ninh trong khu vực. Lập trường vững vàng của Anh là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông cần phải được giải quyết phù hợp với các nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Các bên có liên quan không nên đe dọa hay sử dụng vũ lực và có các hành động đơn phương như triển khai lực lượng quân sự, vũ khí quân sự tại những vùng biển đang tranh chấp.  (3) Bộ trưởng Quốc phòng Anh Garvin Williamson cho biết Anh đang xúc tiến kế hoạch thiết lập 2 căn cứ quân sự mới ở nước ngoài trong một vài năm tới sau khi rời EU, một căn cứ sẽ đặt tại Singapore hoặc Brunei và một căn cứ nằm trong khu vực Caribbe. Theo quan điểm của Anh, việc lựa chọn hai địa điểm này là hợp lý bởi cả Singapore và Brunei đều đang có một lực lượng nhỏ quân đội Anh đồn trú. Hai nước này từng là thuộc địa cũ của Anh và nằm cạnh Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, việc lập căn cứ tại châu Á sẽ là sự mở rộng một cách logic các động thái quân sự Anh đã thực hiện trong vài năm qua, chứ không phải là một sáng kiến ngẫu nhiên, chưa có sự chuẩn bị trước. Trước đó, Tại Đối thoại Shangri-La (6/2018) Bộ trưởng Quốc phòng Anh Garvin Williamson cho biết, Anh sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với việc vận hành các hệ thống căn cứ vào luật lệ tại các vùng biển ở châu Á bằng cách điều tàu chiến đến đây. Trong khi đó, Đô đốc Sir Philip Jones, Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh (10/2018) tuyên bố Anh sẽ ủng hộ các đồng minh trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương  và sẽ có phản ứng nếu TQ vi phạm luật hàng hải quốc tế. (4) Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách khu vực châu Á -Thái Bình Dương Mark Field (3/1) cho biết Chính phủ Anh muốn vùng biển này được đảm bảo hàng hải tự do và rộng mở, tái khẳng định việc Anh đã đưa tàu đi qua Biển Đông là nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế được tuân thủ trong khu vực. Trong khi đó, Quốc Vụ Khanh chuyên về Đông Á của chính phủ Anh Hugo Swire (20/4/2018) cho rằng phán quyết của Tòa án trọng tài (7/2016) có “tính ràng buộc về pháp lý”, đồng thời cho rằng TQ và Philippines nên ngồi lại đàm phán với nhau về tranh chấp chủ quyền biển đảo. (5) Ông Piers Craven, Trưởng Đại diện cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Anh (UKTI) tại Hà Nội cho biết, ngành dầu khí của Việt Nam thời gian qua rõ ràng có tốc độ phát triển tốt, các công ty của Anh hy vọng sẽ tìm kiếm các cơ hội làm ăn với các công ty của Việt Nam; khẳng định lại chính sách của Anh với vấn đề này không thay đổi, chúng tôi mong các tranh chấp được giải quyết thông qua thương lượng một cách hòa bình. (6) Đại sứ Anh tại Mỹ Kim Darroch (1/12/2016) tuyên bố: máy bay chiến đấu của Anh sẽ được triển khai tới Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng không, hàng hải. Ông Darroch không cho biết khung thời gian cụ thể của hoạt động này; khẳng định Anh hoàn toàn chia sẻ mục tiêu chung với chính quyền Mỹ hiện nay, cũng như chính quyền sắp tới, nhằm bảo vệ tự do hàng hải và giữ cho các tuyến đường biển, đường không luôn thông thoáng.
Trung quốc và các nước liên quan đưa ra nhiều phản ứng khác nhau liên quan việc Anh tăng cường hiện diện ở Biển Đông
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (24/9/2018) cho biết, Trung Quốc hy vọng Anh thực hiện đúng lập trường không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông và không làm bất cứ điều gì gây xáo trộn sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai nước; yêu cầu Anh tôn trọng cái gọi là “chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của TQ. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (1/9/2018) cho rằng “hành động của tàu đổ bộ Anh đã vi phạm luật pháp Trung Quốc, luật pháp quốc tế liên quan và xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”, nhấn mạnh “Trung Quốc phản đối mạnh mẽ hành động này và đã gửi tới phía Anh sự không hài lòng mạnh mẽ, yêu cầu Anh ngay lập tức chấm dứt các hành động khiêu khích này”. Cùng với phản ứng về ngoại giao, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng đã điều một tàu khu trục nhỏ và 2 máy bay trực thăng theo sát tàu HMS Albion.
Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (1/1) lên án Anh về kế hoạch lập các căn cứ quân sự tại khu vực Đông Nam Á và Caribbe, cho rằng trong bối cảnh căng thẳng quân sự và chính trị đang gia tăng trên thế giới, tuyên bố về dự định thiết lập căn cứ quân sự ở một nước thứ 3 sẽ gây ra tác động tiêu cực, bất ổn và có thể là khiêu khích; nhấn mạnh Nga đã sẵn sàng tiến hành các biện pháp trả đũa nếu lợi ích của Nga và các đồng minh bị đe dọa.
Trái ngược với phản ứng của Trung Quốc và Anh, Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (5/1) tuyên bố bà ủng hộ việc Anh thiết lập căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á nếu động thái này “có ích cho duy trì hòa bình ; nhấn mạnh nếu sự hiện diện của Anh đóng góp vào 2 mục tiêu nói trên thì Đài Loan “sẽ có thái độ cởi mở”; Đồng thời bà Thái còn bày tỏ nguyện vọng rằng tất cả các quốc gia có thể hợp tác hoàn toàn với nhau ở Biển Đông trong tất cả các vấn đề liên quan đến hòa bình và tự do đi lại, trong tinh thần tôn trọng lập trường của mỗi bên. Mỹ và một số nước đồng minh đưa ra nhiều tuyên bố khẳng định ủng hộ và hoan nghênh đối với việc Anh tăng cường hiện diện quân sự và tổ chức các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông, cho rằng hành động của Anh sẽ góp phần đảm bảo hòa binh, ổn định trọng khu vực và ngăn chặn các hoạt động phi pháp, mang tính khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông khu vực, quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định, đánh giá liên quan việc Anh tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPPRI), việc xây dựng căn cứ quân sự tại châu Á không chỉ đóng vai trò quan trọng chiến lược về mặt quân sự mà còn mở ra các cơ hội kinh tế cho Anh. Anh là nhà xuất khẩu vũ khí lớn trê thế giới, nếu kế hoạch nêu trên được triển khai, các căn cứ quân sự tại châu Á sẽ là “nơi trưng bày” nhiều khí tài quân sự của Anh và những hợp đồng bán vũ khí sẽ là cú hích lớn cho nền kinh tế của nước này. Từ năm 2013 đến năm 2017, Anh đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu vũ khí. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng của Anh cho biết, trong giai đoạn từ 2008 đến 2017, Anh là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới. Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Anh, vào năm 2017, Anh đã thu về 11,3 tỷ USD từ việc bán khí tài quân sự cho nước ngoài. Nhìn vào lịch sử 10 năm bán vũ khí của Anh có thể thấy các khách hàng của nước này phần lớn là những quốc gia bên ngoài Liên minh Châu Âu. Trong đó, các khách hàng lớn bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Ấn Độ, Brazil và Mỹ.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, một khi kế hoạch của Anh được triển khai, sự xuất hiện của các tàu khu trục Anh tại những các căn cứ quân sự của nước này ở châu Á sẽ giúp việc bán vũ khí được đẩy mạnh hơn. Theo giới quan sát, nếu được triển khai, kế hoạch mở căn cứ quân sự có thể sẽ “phủ bóng đen” lên mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á, đồng thời có nguy cơ gây leo thang căng thẳng giữa TQ và Anh. Ông Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết kế hoạch này là cho thấy Anh và các đồng minh khác của Mỹ ngày càng gắn kết trong cách tiếp cận cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với TQ. Đây là bước đi bổ sung quan trọng cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ. Điều này sẽ khiến Washington hài lòng. Nhưng đối với TQ, kế hoạch này có thể là báo hiệu cho những thách thức gay gắt hơn đối với cân bằng an ninh khu vực, nguy cơ gia tăng căng thẳng hay thậm chí đối đầu. Các chuyên gia Trung Quốc còn nghi ngờ tính khả thi của dự án xây căn cứ hải quân mới của Anh.  Dù Anh có tham vọng khôi phục địa vị ảnh hưởng toàn cầu, ông Ni cho rằng vẫn phải chờ xem liệu London có đủ khả năng chi trả cho các căn cứ ở nước ngoài không khi nước này vẫn đang chật vật duy trì ngân sách bảo đảm năng lực răn đe quốc phòng mạnh. Chi tiêu quốc phòng của Anh tăng nhẹ trong năm 2018 nhưng quân đội Anh đã giảm gần một nửa kể từ sau Thế chiến 2.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định Anh tăng cường hiện diện ở Biển Đông là để thực hiện cam kết với các nước đồng minh trong khu vực. Năm 1971, Anh đã ký kết Thỏa thuận phòng thủ năm quốc gia (Five Power Defense Arrangement – FPDA), một thỏa thuận bao gồm cả Singapore, Australia, New Zealand và Malaysia. Tháng 10/2018, nhóm 5 quốc gia này đã tiến hành tập trận quân sự tại Biển Đông, với mục đích đảm bảo an ninh khu vực và hỗ trợ cứu nạn khi có thiên tai. Tuy nhiên, nếu Anh theo đuổi kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại châu Á, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối gay gắt. Nếu kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Anh ở Biển Đông được triển khai, giới phân tích ở Trung Quốc cho rằng sẽ phủ bóng lên quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á và có thể sẽ khiến quan hệ Bắc Kinh và London căng thẳng. Xu Liping, giáo sư tại Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng đây rõ ràng là động thái phô trương sức mạnh cơ bắp nhằm vào Trung Quốc và cho thấy sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc bên ngoài vào tranh chấp trên Biển Đông; đồng thời cáo buộc Mỹ đứng sau kế hoạch xây căn cứ quân sự mới của London, khi cho rằng “Anh ngày càng chủ động hơn trên Biển Đông” vào thời điểm Mỹ có thể lo ngại việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ở khu vực; kế hoạch của Anh vẫn ở giai đoạn sớm nhưng sẽ thử thách quan hệ của Trung Quốc với Singapore và Brunei, hai nước từng là thuộc địa của Anh.
Về việc Anh đẩy mạnh hoạt động tuần tra ở Biển Đông, giới chuyên gia cho rằng hành động này nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc và phối hợp với hoạt động tuần tra của Mỹ. Việc Anh điều tàu tấn công đổ bộ HMS Albion tiến gần quần đảo Hoàng Sa nhằm khẳng định rằng Anh không công nhận bất cứ tuyên bố hàng hải quá đáng nào. Việc Hải quân Hoàng gia Anh đưa tàu chiến tới Biển Đông không phải là hành động gây bất ngờ. Thực tế, cùng với Mỹ, Anh đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về đảm bảo quyền tự do hàng hải tại Biển Đông. Hải quân Hoàng gia Anh (2018) lần lượt đã điều tàu HMS Sutherland, tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll đi qua Biển Đông. Bộ trưởng Williamson khẳng định, một phần sứ mệnh của đội tàu này là đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Tuy nhiên, chuyên gia Wang Yiwei Đại học Nhân dân TQ cho rằng thông qua các hoạt động tuần tra ở Biển Đông, Anh muốn duy trì ảnh hưởng toàn cầu của mình và cho rằng châu Á vẫn là một phần lợi ích của mình. Trong khi đó, Thiếu tướng hải quân Trung Quốc Trương Thiệu Trung (7/1) cáo buộc, Mỹ và Anh đã “cố tình khuấy đảo cục diện Biển Đông”, cho rằng tuyên bố Anh có thể xây dựng một căn cứ quân sự mới ở Biển Đông, Caribbean là minh chứng cụ thể cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa
Anh và Mỹ trong vấn đề Biển Đông, đồng thời cảnh Anh cần phải “lượng sức mình” khi muốn khiêu khích TQ; nhấn mạnh sau khi rời EU, mất đi sự ủng hộ quan trọng của khối này, Anh lo sợ sẽ dần mất vũ đài quốc tế, không được ai quân tâm nên mới chạy tới địa bàn của người khác để chứng minh sự hiện diện, coi hiện diện quân sự là bàn đạp, để rồi sau đó can thiệp vào các sự vụ của khu vực châu Á Thái Bình Dương, dần dần chiếm lấy vị trí nhất định ở khu vực này. China Daily thì cho rằng việc Anh đưa HMS Albion tới tham gia tự do hàng hải ở Biển Đông là vì muốn “cầu cạnh Mỹ” trong thời điểm Brexit. Hoạt động này đã khiến Trung Quốc tức giận. Trong bài viết đăng tải ngày 6/9, China Daily (Trung Quốc) còn nhắc tới khả năng cản trở đàm phán về thỏa thuận tự do thương mại giữa hai bên và đe dọa: “Anh nên có nhiều hơn một người bạn”. Nhận định về hành động của London, China Daily cho rằng việc Anh đưa HMS Albion tới tham gia tự do hàng hải ở Biển Đông là vì muốn “cầu cạnh Mỹ” trong thời điểm Brexit. “Những hành động thiếu thận trọng của hải quân Anh chỉ có thể giải thích là nước này muốn cầu cạnh Mỹ. Mỹ vẫn thường phàn nàn rằng đồng minh của mình tắc trách khi không tham gia vào các hoạt động “tự do hàng hải” do Washington dẫn đầu trên Biển Đông”. “Anh đang coi Mỹ là đường sống kinh tế sau khi nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu. Không còn nghi ngờ gì nữa, Anh muốn nắm lấy bất cứ cơ hội nào mình có để lọt vào mắt xanh của Mỹ”. Với nhận định trên, China Daily tiếp tục nhấn mạnh rằng, hành động của Anh là không khôn ngoan: “Với nỗ lực khôi phục “mối quan hệ đặc biệt” theo cách này khi mà hiện nay Anh không còn là cửa ngõ vào châu Âu, Anh đang đứng trước nguy cơ mất nhiều hơn được”. Tờ báo của Trung Quốc cũng mang triển vọng đạt thỏa thuận thương mại tự do giữa hai nước ra để đe nẹt và nhắc nhở London “ngừng bám gót Mỹ” ở Biển Đông: “Trung Quốc và Anh đã nhất trí tìm kiếm khả năng thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do sau Brexit, nhưng bất cứ hành động nào ảnh hưởng tới lợi ích chủ chốt của Trung Quốc thì sẽ chỉ tạo ra rào cản”. “Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh hồi đầu năm nay, Thủ tướng Anh Theresa May đã cam kết thúc đẩy “kỷ nguyên vàng” trong quan hệ Anh – Trung Quốc. Để đạt được điều đó, Anh sẽ phải ngừng “bám gót” Mỹ ở Biển Đông”.
Giới chuyên gia quân sự cũng nhận định, việc triển khai tàu đổ bộ HMS Albion của Anh, cũng như chỉ trích mạnh mẽ của phía chính phủ Trung Quốc xảy ra trong bối cảnh 2 bên đang chuẩn bị các cuộc đàm phán hậu Brexit. Anh dự kiến khởi động các vòng đàm phán với Trung Quốc về một thỏa thuận thương mại tự do. Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về vụ việc HMS Albion cho rằng, sự kiện này có thể ảnh hưởng tới bức tranh hợp tác song phương rộng lớn giữa 2 bên, cũng như tác động tới hòa bình và ổn định khu vực.
http://biendong.net/bi-n-nong/25938-chu-truong-chinh-sach-va-hoat-dong-thuc-tien-cua-anh-tai-bien-dong.html

Ngành truyện tranh Pháp nhân liên hoan Angoulême

Tuấn Thảo
Thành phố Angoulême nổi tiếng nhờ hai sự kiện văn hóa : liên hoan phim tiếng Pháp mỗi mùa hè và festival truyện tranh quốc tế tổ chức vào đầu năm. Đúng với thông lệ, Liên hoan truyện tranh Angoulême lần thứ 46 diễn ra từ 24/01 cho tới 27/01/2019.
Nằm ở miền Tây Nam nước Pháp, Angoulême là một thành phố nhỏ với khoảng 180.000 dân. Nhưng vào đầu năm, không khí tại Angoulême lại nhộn nhịp hẳn lên, do số dân được nhân lên gấp đôi, thành phố này đón tiếp khoảng 200.000 lượt khách tham gia liên hoan truyện tranh Angoulême. Năm 2019 hứa hẹn là một mùa bội thu với hơn 5.000 tập truyện tranh đủ loại được xuất bản. Chính cũng vì khối lượng truyện tranh phát hành hàng năm rất phong phú dồi dào, cho nên Liên hoan Angoulême đóng vai trò khám phá các tài năng mới thông qua các giải thưởng thường niên.
Trong số này phải đến Jérémie Moreau, từng đoạt giải nhất Liên hoan Angoulême 2017 nhờ tập truyện “Saga de Grimr”, nay xuất hiện trở lại với cuộc triển lãm về các dự án mới kết hợp ảnh hưởng của các họa sĩ Franquin và Winsor McCay. Phía các nghệ sĩ châu Á từng được công nhận ở quê nhà nhưng ít được biết đến tại Pháp, có nghệ sĩ Hàn Quốc Kim Jung Gi và Nhật Bản Tsutomu Nihei. Ngoài ra, còn có sự tham gia của các nữ họa sĩ như Beradette Desprès hay là Emil Ferris từng đoạt giải thưởng của ban giám khảo quốc tế với tập truyện tranh đầu tay.
Họa sĩ người Mỹ Richard Corben được mời làm chủ tịch Liên hoan Angoulême năm nay, thế giới của ông khá tiêu biểu cho giới nghệ sĩ độc lập ở Hoa Kỳ, khai thác mạch truyện khoa học viễn tưởng với thế giới siêu nhiên huyền bí, thậm chí kinh dị, giống như thần tượng của ông là văn hào Edgar Allan Poe. Với sự chủ tọa của Richard Corben, Liên hoan Angoulême mang thêm nhiều màu sắc Hoa Kỳ, do ngoài sinh nhật 90 tuổi của phóng viên Tintin, năm 2019 còn đánh dấu đúng 80 năm ngày nhân vật Batman ra đời dưới ngòi bút chì của hai tác giả Bob Kane và Bill Finger.
Trong vòng 8 thập niên, thế giới của Người Dơi đã trải qua nhiều thay đổi tùy theo cảm hứng vẽ của Bob Kane, Carmine Infantino, Frank Miller, Jim Lee, Greg Capullo, Scott Snyder, hay là David Mazzuchelli. Công chúng (không chuyên đọc truyện tranh) chủ yếu biết đến Người Dơi qua ba tập phim The Dark Knight (Hiệp sĩ Bóng đêm) của đạo diễn Christopher Nolan phóng tác từ truyện tranh của Frank Miller. Dòng truyện Batman vẫn sẽ thu hút thêm nhiều fan, cho dù kế hoạch của DC Rebirth tái khởi động các tập truyện Batman, qua việc tái bản mỗi tháng hai lần, kể từ mùa hè năm 2016 đã không gặt hái được nhiều kết quả như mong đợi.
So với ngành sản xuất băng đĩa hay phim ảnh, thế giới xuất bản truyện tranh ở Pháp không bị cuộc ‘‘cách mạng’’ internet tác động nhiều : công nghệ cao cấp thay đổi cung cách tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Hàng ngàn đĩa CD được thu gọn lại thành một thư viện âm nhạc bỏ túi, nghe qua cloud hay trữ trong điện thoại di động. Tuy thời nay đã có sẵn truyện tranh qua phiên bản số, có thể lưu và tải trực tuyến, sao chép để đọc qua màn ảnh phẳng, máy tính bảng. Thế nhưng đa số các độc giả vẫn thích mua, sưu tầm và sở hữu các tập truyện tranh in trên giấy.
Điều đó có thể giải thích vì sao truyện tranh vẫn là một ‘‘sản phẩm’’ văn hóa nổi bật, ngày càng được phổ biến do chinh phục thêm nhiều bạn đọc. Trong một thập niên qua, doanh thu ngành xuất bản truyện tranh ở Pháp đã tăng thêm 20%. Trong truyện tranh, có nhiều hạng mục khác nhau : thể loại truyện thiếu nhi phát triển khá nhanh trong 10 năm (+78%), truyện tranh manga theo kiểu Nhật tăng đều đặn (+23%), nhưng mạnh nhất vẫn là loại comics của Mỹ được nhân lên gần gấp ba lần (+ 275%). Hiện tượng này phần lớn là do sự thành công của dòng phim siêu anh hùng trên màn ảnh lớn phóng tác từ hai bộ truyện Marvel & DC Comics.
Hollywood có phim blockbuster, Angoulême có những tập truyện tranh “best seller” được xem như là đầu tàu kéo ngành sản xuất đi lên, tựa như cột buồm giúp cho các nhà xuất bản trụ vững, và như vậy họ có thể an tâm khai thác các tựa truyện khác cho dù các tập truyện này ít thu hút độc giả. Theo số liệu của Nghiệp đoàn xuất bản, mạng thông tin Livre Hebdo và công ty phân phối GfK, tập truyện gần đây nhất với nhân vật anh hùng gô loa ‘‘Astérix và vòng đua xuyên nước Ý’’ (Transitalique) của hai tác giả Didier Conrad và Jean-Yves Ferri, đã lập kỷ lục số bán trong năm 2017 với 1,6 triệu bản.
Điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì mỗi tập truyện Astérix (hai tập trước ra mắt độc giả vào năm 2013 và năm 2015) đều đứng đầu bảng xếp hạng, với hơn một triệu bản trở lên. Các tập truyện cỡ trung bình như nhân vật Titeuf, rất được giới thiếu niên yêu thích, thu hút khoảng 175.000 lượt người mua cho mỗi tập.Các nhân vật truyện tranh rất quen thuộc như phóng viên Tintin, chú Vượn Đốm Marsupilami, các thám tử thú vật trong Blacksad hay điệp viên XIII, Corto Maltese hay Largo Winch được bán đều đặn và dễ đạt tới mức hơn 100.000 bản.
Ngoại trừ trường hợp của Blake và Mortimer không thành công như mong đợi, nhưng tập truyện Lucky Luke 8 : “Cao bồi đến Paris” lại thống lĩnh thị trường truyện tranh từ cuối năm qua. Năm 2019 đánh dấu sinh nhật 90 tuổi của Tintin, hẳn chắc các tập truyện với nhân vật này sẽ thu hút được thêm nhiều độc giả mới. Phiên bản màu của tập truyện Tintin đến xứ Xô Viết, trong lần tái bản trong năm qua, đã bán được 168.000 bản (phiên bản gốc trắng đen được phát hành lần đầu tiên vào năm 1930).
Theo số liệu của mạng thông tin ActuaBD, trong năm qua đã có hơn 44 triệu quyển truyện tranh được bán tại Pháp, tức là mức cao nhất tính từ 15 năm qua. Trên tổng số 44 triệu cuốn truyện, có 5,3 triệu bản bán chạy nhờ 50 tựa truyện ăn khách nhất. Số lượng người Pháp mua và đọc truyện tranh thường xuyên là khoảng 8 triệu rưỡi độc giả. Tính trung bình, họ chi khoảng 47 euros mỗi năm để mua từ ba đến bốn cuốn truyện. Cũng cần biết rằng hàng năm hơn 5.000 tựa truyện mới được tung ra thị trường Pháp và Bỉ xuất bản : trong đó có hai phần ba (3378 quyển) là các tựa truyện tiếng Pháp, phần còn lại là truyện manga Nhật Bản được phóng tác sang tiếng Pháp (1712 cuốn).
Nhìn chung, ngành xuất bản truyện tranh ở Pháp tràn đầy sinh lực bội thu nhờ có được một lượng độc giả trung thành, mua truyện đều đặn hàng năm. Tuy nhiên có nhiều sức sống không có nghĩa là dư sức sáng tạo. Rất nhiều tài năng mới phải mất một thời gian dài để được công nhận. Trên số 5.000 tựa truyện mới hàng năm, có tới hơn một nửa chỉ bán được khoảng vài trăm quyển, tức là không đủ để nuôi sống tác giả. Trong ngành xuất bản truyện tranh, số nghệ sĩ sáng tác rất nhiều, nhưng để làm giàu sống dư dả thì lại chẳng bao nhiêu.
http://vi.rfi.fr/phap/20190122-nganh-truyen-tranh-phap-nhan-mua-lien-hoan-angouleme-0

Thế giới bất trắc,

Paris-Berlin cần nhau hơn bao giờ hết

Tú Anh
Hiệp định hợp tác Pháp-Đức mà Emmanuel Macron và Angela Merkel ký kết tại Aix-la-Chapelle ngày 22/01/2019 nhằm củng cố mối quan hệ giữa hai đầu tàu châu Âu từ kinh tế, chính trị cho đến quốc phòng. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và chính trường Liên Âu đứng trước nhiều bất trắc, thời điểm được chọn không phải là ngẫu nhiên.
Cách nay đúng 56 năm, vào năm 1963, tổng thống Pháp Charles de Gaulle và thủ tướng Đức Konrad Adenauer ký hiệp định hợp tác song phương đầu tiên tại Elysée, khẳng định mối quan hệ thân hữu giữa hai quốc gia cựu thù, vĩnh viễn không dùng vũ lực đối đầu nhau. Bổ sung cho văn kiện này, hiệp định Aix-la-Chapelle 2019 được xem là bức tường thành chống lại phong trào dân túy đe dọa châu Âu cũng như để bảo vệ Liên Âu trước những bất trắc đến từ bên ngoài.
Trước hết về ý nghĩa biểu tượng. Ngày 22/01/2019 là sinh nhật 56 năm của hiệp định Elysée. Về địa điểm, khi chọn Aix-la-Chapelle, thành phố biên giới Đức, kinh đô của vương quốc Charlemagne, vị vua đầu tiên muốn thống nhất châu Âu, tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Angela Merkel muốn bày tỏ tham vọng biến trục Pháp-Đức thành một « điểm hội tụ » khuyến khích các thành viên châu Âu khác cùng tham gia vào một dự án chung từ kinh tế, thuế vụ, quốc phòng và chính trị quốc tế, theo nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos tuần trước.
Hiệp định Pháp-Đức 2019 với 7 chương và 28 điều khoản qui định những lãnh vực mà hai nước muốn tăng cường là « bệ phóng để (châu Âu) hiện hữu và đi tới », như tuyên bố của tổng thống Pháp.
Luật chơi chung trong mọi lãnh vực
Trong lĩnh vực kinh tế : Hai nước cam kết tạo mẫu số chung cho sinh hoạt kinh tế, mô hình xã hội và lối sống sao cho mỗi ngày mỗi gần nhau. Cụ thể lập vùng « kinh tế chung » ở biên giới, bước đầu tiến tới mô hình thuế khóa chung.
Về chính trị quốc tế, Paris và Berlin sẽ luôn cố gắng trình bày một lập trường chung tại Liên Hiệp Quốc và vận động cho Đức một chiếc ghế thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An. Chương chính trị quốc tế được mô tả chi tiết nhất.
Về an ninh quốc phòng, mối quan tâm số một của Paris, hai nước cam kết sẽ trợ lực nhau, kể cả bằng quân sự, nếu một trong hai nước bị tấn công. Cho đến nay, Đức vẫn thận trọng trong lãnh vực này nhưng lần đầu tiên Berlin đồng ý « lập quỹ phòng thủ chung cho châu Âu » và dự kiến phối hợp công nghiệp quân sự, chế tạo vũ khí.
Đi tới
Cho dù cả hai nhà lãnh đạo đều gặp khó khăn nội bộ : Angela Merkel trả giá cho chính sách nhập cư rộng lượng, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thua liên tục trong các cuộc bầu cử địa phương, Emmanuel Macron đụng với cuộc khủng hoảng xã hội « Áo Vàng », nhưng Paris và Berlin vẫn muốn cải cách sâu rộng Liên Âu. Vì sao ?
Reuters liệt kê một số yếu tố đe dọa sự tồn vong của Liên Hiệp Châu Âu : trong phe đồng minh là những cú đá ngược của Donald Trump vào liên minh NATO cũng như quyết định ly dị của Anh Quốc làm châu Âu như cua gãy một càng. Bên ngoài biên giới, Trung Quốc và Nga tiếp tục lấn sân sau lẫn sân trước. Trong nội bộ thì phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan nắm quyền ở Hungary, ở Ý và đang đe dọa các đảng truyền thống ở Pháp và Đức.
Bầu cử Nghị Viện tháng 5
Ký kết hiệp định Aix-la-Chapelle vào thời điểm này do vậy, còn là một thông điệp mạnh mẽ gửi đến công luận và một số nhà chính trị trong Liên Hiệp Châu Âu. Như tổng thống Pháp tuyên bố vào tháng 11 năm 2018, bầu Nghị Viện là cơ hội để đoàn kết những « ai còn tin » vào châu Âu và thấy rõ « ai đã mất hết niềm tin », cụm từ thứ hai nhằm ám chỉ thủ tướng Hungary Viktor Orban và bộ trưởng Nội Vụ Ý Matteo Salvini.
Với hiệp định Pháp-Đức mới, chiến dịch tranh cử Nghị Viện Châu Âu đã thật sự bắt đầu.
http://vi.rfi.fr/phap/20190122-the-gioi-bat-trac-paris-berlin-can-nhau-hon-bao-gio-het

Pháp – Đức ký hiệp định

tăng cường quan hệ hợp tác và hữu nghị

Hôm nay, 22/01/2019, tại Aix-La-Chapelle, Đức, thủ tướng Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký hiệp định hợp tác mới, bổ sung và tăng cường hiệp định Elysée, được ký năm 1963 giữa tổng thống Charles de Gaulle và thủ tướng Konrad Adenauer.
Sự kiện này thể hiện mong muốn của Paris và Berlin đi xa hơn nữa trong quan hệ hợp tác song phương, trong bối cảnh sắp có bầu cử Nghị Viện Châu Âu.
Từ Aix-La-Chapelle, thông tín viên Anthony Lattier gửi về bài tường trình :
« Hiệp định hợp tác năm 1963 được ký tại Pháp, do vậy, hiệp định mới bổ sung chứ không thay thế văn bản trước đây đã được ký tại Đức. Bản hiệp định mới, khoảng 15 trang, đề ra một nguyên tắc quan trọng là thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nước, như phối hợp lập trường với nhau trước các cuộc họp cấp cao quốc tế, tạo thuận lợi cho cuộc sống của người dân hai nước sinh sống ở khu vực biên giới chung hay đề ra ưu tiên là vận động để Đức có thể trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, hiệp định mới có một điều khoản về phòng thủ tương hỗ : Pháp và Đức sẵn sàng trợ giúp nhau trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công. Hai nước sẽ hợp tác với nhau nhiều hơn để phát triển vũ khí khí tài và tiến hành các chiến dịch chung. Vào lúc sự năng động của châu Âu đang bị suy giảm, phủ tổng thống Pháp ca ngợi đây là một hiệp định hữu ích. Liệu người ta có coi động thái này là một sự co cụm, củng cố cặp Pháp-Đức và quay lưng với phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu ? Điện Elysée lại cho đây là một cách để cũng cố khối này ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190122-phap-duc-ky-hiep-dinh-tang-cuong-quan-he-hop-tac-va-huu-nghi

Paris phản đối phó thủ tướng Ý

cáo buộc Pháp “làm nghèo châu Phi”

Quan hệ ngoại giao Paris-Roma thêm căng thẳng sau phát biểu của phó thủ tướng Ý, Luigi Di Maio, cáo buộc Pháp « làm châu Phi nghèo đi » thông qua đồng franc CFA, dẫn đến làn sóng di dân vào châu Âu.
Chiều 21/01/2019, chánh văn phòng của bộ trưởng Nathalie Loiseau phụ trách về châu Âu của Pháp đã triệu mời đại sứ Ý để phản đối « những phát biểu không chấp nhận được ». Ngay lập tức, lãnh đạo Phong trào Năm Sao – M5S tiếp tục cáo buộc Pháp.
Thông tín viên RFI Anne Le Nir tường trình từ Roma :
« Ở tuổi 32, phó thủ tướng Ý kiêm lãnh đạo Phong trào Năm Sao, không hề tỏ ra hối hận. Ngược lại, ông Luigi Di Maio tiếp tục đả kích việc sử dụng đồng franc CFA, di sản từ thời thuộc địa Pháp ở châu Phi.
Ông nói : Tôi không nghĩ là người ta có thể nói về bất đồng ngoại giao. Tôi nghĩ rằng mọi chuyện đều là sự thật. Khi in đồng tiền cho cả 14 quốc gia châu Phi, Pháp là một nước ngăn cản sự phát triển của những quốc gia này và góp phần vào việc người dân châu Phi bỏ xứ và chết ở Địa Trung Hải hoặc đặt chân lên bờ biển châu Âu.
Những phát biểu này sẽ không giúp giảm căng thẳng ngày càng lớn giữa Roma và Paris. Ông Luigi Di Maio là người chính thức ủng hộ phong trào Áo Vàng tại Pháp. Trong khi ông Matteo Salvini, cũng giữ chức phó thủ tướng Ý, thì cáo buộc tổng thống Emmanuel Macron điều hành chính phủ « chống lại dân tộc mình ».
Giờ thì chỉ còn hy vọng vào tài năng hòa giải của người đứng đầu chính phủ Ý, thủ tướng Giuseppe Conte, không theo đảng phái chính trị nào ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190122-paris-phan-doi-pho-thu-tuong-y-cao-buoc-phap-lam-ngheo-chau-phi

Quần đảo Kuril :

Trọng tâm cuộc gặp Abe-Putin tại Matxcơva

Thu Hằng
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, hôm nay, 22/01/2019 tới Matxcơva và hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin. Hồ sơ quần đảo Kuril là trọng tâm cuộc gặp thượng đỉnh. Theo AFP, đây là lần thứ 25, lãnh đạo hai nước gặp nhau, kể từ năm 2013.
Bốn hòn đảo núi lửa, mà Nga gọi là quần đảo Kuril, còn Nhật Bản gọi là Vùng Lãnh thổ phương Bắc, bị Liên Bang Xô Viết sáp nhập sau Thế Chiến II, nhưng Tokyo luôn đòi chủ quyền.
Tranh chấp lãnh thổ đã khiến Nga và Nhật Bản vẫn chưa ký được hiệp định hòa bình, cho dù hai bên đã tái lập quan hệ ngoại giao vào năm 1956.
Quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ, theo thỏa thuận của lãnh đạo hai nước vào tháng 11/2018 tại Singapore, được đánh giá là « không dễ dàng », đặc biệt do phản ứng từ phía người dân Nga.
Trả lời thông tín viên của RFI Daniel Vallot tại Matxcơva, ông Valéri Kristanov, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, thuộc Viện Viễn Đông Nga, phân tích :
« Những hòn đảo này mang tính chất quan trọng đối với Nga vì nhiều lý do. Trước hết, về mặt kinh tế, người ta thấy ở đó có trữ lượng khoáng sản lớn và vùng biển xung quanh dồi dào nguồn cá và khí đốt.
Ngoài ra còn phải kể đến tầm chiến lược quan trọng : những hòn đảo này hình thành một dạng rào cản giữa Thái Bình Dương và biển Okhotsk, nơi neo đậu tầu ngầm nguyên tử của Nga. Trả lại cho Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ, những hòn đảo này sẽ có nguy cơ làm giảm mức độ an ninh chiến lược của Nga.
Cuối cùng, nếu Matxcơva chấp nhận trả lại quần đảo Kuril cho Tokyo, quyết định này sẽ khiến người dân Nga bất bình và chắc chắn mức độ tín nhiệm của tổng thống Vladimir Putin sẽ bị tác động ! Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy đông đảo người dân Nga phản đối ý định nhượng lại, dù nhỏ nhất, một phần lãnh thổ ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190122-quan-dao-kuril-trong-tam-cuoc-gap-abe-putin-tai-matxcova

Tổng thống Zimbabwe hoãn công du Davos

do bạo lực tại quê nhà

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa đã hủy chuyến công du tới châu Âu sau những cuộc biểu tình bạo lực đang diễn ra tại quê nhà.
Davos vắng hẳn vì nhiều lãnh đạo phải trông nhà
Từ cô đánh máy thành đệ nhất phu nhân
Zimbabwe ‘luôn là bạn của Trung Quốc’
Ông Mnangagwa dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh Davos, nơi ông được kỳ vọng sẽ tìm thêm được những nguồn đầu tư mới cho Zimbabwe.
Các bộ trưởng của Zimbabwe cáo buộc đảng đối lập, Phong trào Thay đổi Dân chủ (MDC), đang lợi dụng việc tăng giá nhiên liệu như một cái cớ cho bạo lực.
Nhưng Đảng MDC lại cáo buộc chính quyền nước này về một cuộc đàn áp tàn bạo.
Biểu tình bắt đầu như thế nào?
Thông báo của ông Mnangagwa về việc tăng giá nhiên liệu một tuần trước đó đã dẫn tới các cuộc biểu tình tại thủ đô Harare và phía tây nam thành phố Bulawayo.
Ông Mnangagwa đã quay trở lại Harare vào tối muộn hôm thứ Hai (21/01/2019).
Ông lên án các cuộc biểu tình và nói rằng “Mọi người đều có quyền biểu tình, nhưng đây không phải là một cuộc biểu tình ôn hòa”.
Ông cáo buộc những người biểu tình ” bạo lực và mang tính phá hoại” và “cướp phá các đồn cảnh sát, trộm cắp súng và đồng phục”.
Trước đó, lãnh đạo đảng MDC, ông Nelson Chamisa cho biết nhiều thành viên trong đảng này đã bị tạm giam bao gồm bốn nghị sĩ.
Ông này cáo buộc các lực lượng an ninh đã tấn công gia đình họ tại nhà riêng.
Đại hội Công đoàn Zimbabwe, nhóm kêu gọi các cuộc biểu tình, nói rằng nhà lãnh đạo Japhet Moyo cũng đã bị bắt giữ.
Ông Mnangagwa cho biết bất cứ hành vi bạo lực nào cũng sẽ bị điều tra và trừng phạt.
Ông George Charamba, phát ngôn viên của ông Mnangagwa, đưa ra cảnh báo vào hôm chủ Nhật (20/01/2019) rằng các hành động của lực lượng an ninh chỉ là ‘bước khởi đầu cho những điều xảy ra sắp tới”.
“Lãnh đạo đảng MDC đã liên tục đưa ra các thông điệp sẽ sử dụng bạo lực đường phố để lật ngược kết quả của những lá phiếu bầu cử năm ngoái,” ông nói thêm.
Phe đối lập không chấp nhận phán quyết của tòa khi xác nhận Tổng thống Mnangagwa đã đánh bại ông Chamisa trong cuộc bầu cử tháng 8 năm ngoái.
Phe đối lập nói gì?
Ông Chamisa nói với BBC rằng:
”Không có lí do nào để bào chữa cho việc các binh lính sử dụng súng ống, đạn dược, súng máy trên đường phố tấn công dân thường”.
“Mọi người đã bị các lực lượng vũ trang tiếp cận tại nhà riêng.”
”Rồi họ bị đưa ra khỏi ra khỏi nhà cùng với gia đình ngay cả khi còn đang ngủ…nhiều người đã bị bắt giữ mà không có lí do rõ rang,” ông cho biết
Chủ tịch MDC, bà Thabitha Khumalo cho biết bà đã phải lẩn trốn trong nhà sau khi cảnh sát và quân đội xuất hiện tại nhà riêng của bà vào ban đêm.
Tại sao giá nhiên liệu tăng?
Việc tăng giá nhiên liệu nhằm mục đích giải quyết tình trạng thiếu thốn bị gây ra bởi sự gia tăng sử dụng nhiên liệu và các giao dịch bất hợp pháp diễn ra “tràn lan”, Tổng thống Mnangagwa cho biết.
Nhưng nhiều người dân Zimbabwe cảm thấy mệt mỏi vì nhiều năm kinh tế khó khăn và đột nhiên nhận ra rằng họ thậm chí không thể đủ tiền mua vé xe buýt tới công sở.
Mức giá mới cũng đồng nghĩa Zimbabwe hiện là quốc giá có giá nhiên liệu đắt nhất trên thế giới, theo GlobalPetrolPrices.com.
Ông Mnangagwa gặp rất nhiều khó khăn trong việc khôi phục nền kinh tế đang bị lạm phát cao tại nước này trong khi mức lương cơ bản lại không có nhiều sự thay đổi.
Có thông tin vào thứ Hai (21/01) rằng Nam Phi đã từ chối lời đề nghị từ Zimbabwe cho khoản vay gấp 1,2 tỷ đô la (932 triệu bảng) vào tháng 12.
Chính phủc Zimbabwe đã hy vọng tiền mặt sẽ giúp ổn định nền kinh tế và giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu trong quốc gia này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46960652

Giữa lúc nguy nan, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

nhận được giúp đỡ từ người không ngờ tới

Chỉ vài tuần trước, đảng của bà Thái Anh Văn thua trong cuộc bầu cử địa phương. Nhưng sau đó, bà nhận được sự trợ giúp từ một người không ngờ tới: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
“Người mẹ bảo vệ con trước kẻ bắt nạt”
Trong bài phát biểu đầu tháng này gửi tới người dân Đài Loan, ông Tập Cận Bình tuyên bố, Đài Loan “phải được thống nhất và sẽ được thống nhất” với Trung Quốc, đồng thời cảnh báo rằng, mọi nỗ lực độc lập có thể sẽ đối mặt với vũ lực.
Sau tuyên bố này, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố, các giá trị dân chủ là những giá trị và cách sống mà người Đài Loan trân trọng, đồng thời bác bỏ đề xuất “một quốc gia, hai chế độ” của ông Tập Cận Bình.
Tỷ lệ ủng hộ của bà Thái Anh Văn đã tăng lên sau bài phát biểu, theo truyền thông Đài Loan. Bà Thái cũng xuất hiện để khẳng định lại tầm ảnh hưởng của mình trong đảng bằng việc bổ nhiệm một đồng minh, Cho Jung-tai, làm Chủ tịch đảng.
Sự hồi sinh của triển vọng chính trị của bà Thái đã nêu bật thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc đưa ra một công thức chính trị để thống nhất Đài Loan.
Hầu hết 23 triệu người dân Đài Loan ủng hộ việc duy trì sự độc lập mà không gây ra bất kỳ động thái chính thức nào có thể dẫn đến phản ứng quân sự từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Đài Loan vẫn có xu hướng đẩy lùi các mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Hans Ts Tung, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Đài Loan cho biết, với nhiều người Đài Loan, những phát biểu của bà Thái Anh Văn rất “ra dáng lãnh đạo” và giúp bà giành được sự hỗ trợ lớn hơn từ đảng Dân chủ tiến bộ của bà.
Đó là một bước ngoặt đáng chú ý sau khi đảng của bà thua trong cuộc bầu cử thị trưởng quan trọng hồi tháng 11 năm ngoái trước phe đối lập Quốc dân đảng, phần lớn là do không hài lòng với cách bà xử lý các vấn đề kinh tế.
Thất bại này khiến bà Thái phải từ chức Chủ tịch đảng, dẫn đến khả năng bà trở thành ứng viên của đảng này trong cuộc bầu cử vào năm tới sụt giảm.

Nhưng sự phản đối cứng rắn từ bà Thái Anh Văn giành được sự ủng hộ từ những cử tri như Li Imte, một công dân Đài Bắc. “Để thay đổi tình hình của Đài Loan tốt hơn, tôi thực sự không tin là có ai có khả năng hơn bà Thái Anh Văn”, Li Imte nói.
Sự ủng hộ đối với bà Thái được thể hiện khắp trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong số đó có một post ví von bà như một người mẹ bảo vệ đứa con khỏi kẻ bắt nạt. Hàng trăm nữ bác sĩ Đài Loan đã giành hẳn mục quảng cáo trang bìa của 2 tờ báo địa phương để kêu gọi độc giả ủng hộ bà Thái.
Cú lội ngược dòng bất ngờ
Bài phát biểu của ông Tập cũng giúp bà Thái thổi bay đảng đối lập Quốc dân đảng, những người ủng hộ quan hệ thân thiết hơn với Bắc Kinh.
Bà Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết, Quốc dân đảng không muốn được cho là ủng hộ mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà ông Tập đề xuất.
Một quốc gia, hai chế độ” được áp dụng ở Hồng Kông sau khi được Anh trả lại quyền kiểm soát cho Trung Quốc vào năm 1997. Mô hình này cung cấp cho Hồng Kông một số quyền tự trị nhưng một số hoạt động ủng hộ dân chủ và tự do ngôn luận đã bị thu hẹp trong những năm gần đây.
Việc bác bỏ đề xuất “một quốc gia, hai chế độ” của bà Thái Anh Văn dường như nhận được sự hỗ trợ từ cả phe đối lập.
Wayne Chiang, nhà lập pháp của Quốc dân đảng đã ca ngợi bà Thái sau các phát ngôn này, nhấn mạnh, Bắc Kinh cần tôn trọng nền dân chủ và tự do của Đài Loan. Ông Wayne Chiang cũng bác bỏ đề xuất của ông Tập. “Đài Loan không phải là Hồng Kông. Đa số người dân Đài Loan cũng không thể chấp nhận một quốc gia, hai chế độ”, ông phát biểu trước các phóng viên vào tuần trước.
Một nhà lập pháp Quốc dân đảng khác là ông Jason Hsu, thậm chí còn đi xa hơn, cho rằng, Quốc dân đảng cần nghĩ ra một chiến lược mới .
Câu hỏi đặt ra là liệu sự ủng hộ đang tăng mạnh cho bà Thái liệu có phải chỉ là tạm thời, theo nhà nghiên cứu Glaser. “Không rõ liệu làn sóng hỗ trợ hiện tại dành cho bà Thái có thể cải thiện cơ hội của bà trong cuộc bầu cử hay không, vì vẫn còn rất nhiều thách thức trong nước mà bà Thái vẫn phải đối mặt”, bà Glaser nói.
Nhưng nhà nghiên cứu Mỹ cũng lưu ý rằng, các mối đe dọa từ Bắc Kinh với Đài Loan có xu hướng mang lại lợi ích cho đảng của bà Thái. “Người dân muốn có một chính phủ có thể bảo vệ họ khỏi các mối đe dọa bên ngoài khi họ cảm thấy không an toàn”, bà Bonnie Glaser nói.
http://biendong.net/bi-n-nong/25967-giua-luc-nguy-nan-lanh-dao-dai-loan-thai-anh-van-nhan-duoc-giup-do-tu-nguoi-khong-ngo-toi.html

Chiến tranh thương mại với Mỹ

đang khiến kinh tế TQ ‘lụn bại’?

Nhiều người đã tỏ ra quan ngại rằng Trung Quốc sẽ không thể đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thế giới khi số liệu GDP của quốc gia này hiện gia tăng với tốc độ chậm nhất trong vòng 28 năm qua.
Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 28 năm qua.
Theo báo cáo chính phủ mới được công bố ngày 21/1, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 6,6% trong năm 2018, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn so với tỉ lệ 6,8% trong năm 2017. Có thể thấy rằng sau nhiều năm tăng trưởng cực nhanh, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu chững lại.
Chúng ta đang thấy rằng đang có những tác động đối với kinh tế khiến nhiều người quan ngại. Tình hình lúc này đang trở nên phức tạp và nghiêm trọng. Nền kinh tế đang có nguy cơ đi xuống”, ông Ning Jizhe, giám đốc Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nói, mặc dù ông vẫn khẳng định kinh tế Trung Quốc lúc này “nhìn chung vẫn ổn định”.
Những thống kê được nêu ra ở trên, mặc dù đã được dự báo từ trước, cho thấy, Bắc Kinh đang phải chịu thêm sức ép để có được một thỏa thuận với Mỹ nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại hiện tại. “Căng thẳng Trung – Mỹ đúng là đang ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng này có thể kiểm soát được”, ông Ning nói.
Thống kê này cũng khiến nhiều người dự báo rằng Trung Quốc có thể sẽ không còn giúp bù đắp tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm như trước đây nữa.
Với việc chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến dịch nhằm kiểm soát khối lượng nợ cùng với cuộc chiến thương mại với Mỹ, niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư đã bị giảm sút. Trong vài tháng qua, mức chi tiêu của người tiêu dùng, đầu ra trong ngành sản xuất và đầu tư đều đã ở mức thấp kỷ lục.
Trước mắt, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện những biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế mà quốc gia này từng làm vào năm 2009, dẫn đến sự xuất hiện của hàng loạt dự án xây dựng và nhiều khoản nợ xấu mà nhiều công ty và chính phủ phải gánh chịu.
Các nhà phân tích cho biết, không những các biện pháp này sẽ phá hỏng nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát rủi ro trong thị trường tài chính mà nó sẽ không còn hiệu quả như trước nữa.
“Những số liệu trên cho thấy kinh tế Trung Quốc đang trải qua một thời kỳ đầy thách thức, và nhiều yếu điểm đang bộc lộ ở nhiều ngành khác nhau”, ông Tom Rafferty, nhà kinh tế về Trung Quốc thuộc công ty Economist Intelligence Unit cho biết.
Theo ông Rafferty, Trung Quốc sẽ có những biện pháp thúc đẩy kinh tế thận trọng, và niềm tin của các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục mong manh trong lúc căng thẳng thương mại còn tiếp diễn. Ông và nhiều chuyên gia khác dự báo rằng trong năm 2019 tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chỉ là 6.3% và sang năm 2020 con số sẽ còn thấp hơn thế nữa.
Nhiều nhà kinh tế thậm chí còn nghi ngờ con số GDP mà Trung Quốc đã công bố, khi cho rằng con số thực sự có thể sẽ chỉ bằng phần nửa. Những số liệu về kinh tế Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang rất quan tâm đến nước này.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ có chuyến thăm tới Mỹ vào ngày 30 và 31/1 tới để có cuộc đàm phán thương mại với Washington, trong khi đó Phó Chủ tịch Vương Kỳ Sơn sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos trong những ngày tới.
Cũng có những người cho rằng sự đi xuống của nền kinh tế Trung Quốc có thể không tệ như nhiều người tưởng tượng. Năng suất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 5,7% và lợi nhuận bán lẻ cũng đã tăng 8,2% vào tháng 12/2018 so với cùng kỳ năm trước đó. Các ngành thúc đẩy kinh tế Trung Quốc như xây dựng, bất động sản và xuất khẩu cũng tăng lên vừa phải trong năm 2018, trong khi các ngành công nghệ tiên tiến và dịch vụ tiếp tục phát triển.
“Kinh tế Trung Quốc vẫn đang mở rộng rất mạnh, và nền kinh tế của quốc gia này hiện lớn gấp 3,5 lần so với 10 năm trước đây”, ông Scott Kennedy, một chuyên gia thương mại Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington (Mỹ) cho biết.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25969-chien-tranh-thuong-mai-voi-my-dang-khien-kinh-te-tq-lun-bai.html

“Nghiện” tín dụng, kinh tế TQ đáng nhẽ

 đã “vỡ tung” từ giữa năm 2018: Tại sao chưa xảy ra?

Thay vì một “vụ nổ bom tài chính” bất ngờ hủy diệt hệ thống ngân hàng, phiên bản khủng hoảng của Trung Quốc kéo dài hơn, chậm rãi hơn và khó nhận diện hơn.
Cấu trúc kinh tế Trung Quốc
Một lần nữa, các nhà đầu tư thế giới lại có lí do chính đáng để lo lắng về Trung Quốc. Tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia này trong quý 3 đã giảm xuống mốc 6,5% – mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.
Doanh số xe ô tô bán ra năm ngoái giảm lần đầu tiên trong hơn 2 thập kỉ. Công ty Apple hồi đầu tháng 1 cảnh báo rằng số lượng iPhone tiêu thụ tại Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại.
Đây là điều nguy hiểm bởi sự trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ khiến thị trường toàn cầu và lợi nhuận doanh nghiệp sa sút nghiêm trọng.
Nhưng có lẽ người dân Trung Quốc là những người đầu tiên nhận thức được vấn đề này. Kể cả sau khi phục hồi trong thời gian gần đây, thị trường chứng khoán tại Thượng Hải vẫn suy giảm hơn 1/4 so với đỉnh năm 2018. Viễn cảnh tương lai cũng không tươi sáng hơn là mấy.
Cấm vận của tổng thống Donald Trump đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc tới Mỹ đang bắt đầu khiến các doanh nghiệp Trung Quốc lâm vào thế bế tắc.
Đợt sụt giảm xuất khẩu bất ngờ vào tháng 12 vừa qua cho thấy mức độ suy thoái nghiêm trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Đây là điều khiến Bắc Kinh phải hạ nhiệt căng thẳng và đàm phán với Washington để hóa giải những mâu thuẫn còn tồn đọng.
Một thỏa thuận thương mại, nếu có thể, sẽ tạm thời làm yên lòng các nhà đầu tư, và thậm chí còn thúc đẩy kinh tế phát triển – ít nhất trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng nó sẽ không giúp giải quyết toàn bộ những rắc rối mà Trung Quốc gặp phải.
Mặc dù cấm vận từ Mỹ là một điều không hề tốt đẹp, nhưng vấn đề thực sự còn sâu xa hơn rất nhiều, và nằm ngay trong cấu trúc kinh tế Trung Quốc.
Lâu nay, chẳng mấy ai nhận thấy Trung Quốc đã thực sự lâm vào khủng hoảng. Hơn nữa, đây không phải là kiểu khủng hoảng “hấp hối” của nước Mỹ hồi năm 2008 hay sự sụp đổ đột ngột, chớp nhoáng của những Con Hổ Châu Á vào năm 1997.
Tuy nhiên, đây vẫn là một cuộc khủng hoảng, với sự xuất hiện của ngân hàng, nợ xấu, các công ty phá sản, và “bàn tay cứu rỗi” từ chính phủ.
Vì Trung Quốc đặt tên mô hình quản lý là “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”, nên chúng ta cũng sẽ có “khủng hoảng tài chính đặc sắc Trung Quốc”.
Cuộc khủng hoảng không chỉ là liên quan tới việc tăng trưởng bị chững lại, mà nó đã diễn ra được một khoảng thời gian dài và có vẻ như sẽ không kết thúc trong tương lai gần.
Việc vấn đề này được giải quyết – hay không được giải quyết – cũng sẽ có hậu quả lớn hơn rất nhiều so với chuyện chỉ số tăng trưởng bị giảm sút trong một vài tháng trở lại đây.
Cuộc khủng hoảng liên quan tới tương lai của kinh tế Trung Quốc và liệu Bắc Kinh có thể tiến hành những thay đổi cấu trúc cần thiết để đưa nền tốc độ phát triển quay trở lại “quỹ đạo” của nó hay không. Và hơn cả, chuyện này sẽ quyết định Trung Quốc sẽ trở thành trụ cột để kinh tế thế giới phát triển – hay là mối đe dọa cho sự ổn định kinh tế thế giới.
Thoáng nhìn qua, chuyện Trung Quốc rơi vào khủng hoảng nghe rất nực cười. Dù tỉ lệ tăng trưởng có giảm, nhưng chỉ số vẫn ở trong ngưỡng cao – tất nhiên theo số liệu của chính phủ Trung Quốc. Ngân hàng và các công ty Trung Quốc vẫn chưa mất khả năng thanh khoản trên diện rộng.
Đồng NDT thậm chí còn mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Mặc dù sự lo ngại về nền kinh tế đang gia tăng, ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của người tiêu dùng, thì nhìn chung bầu không khí tại Trung Quốc vẫn chưa rơi vào tình cảnh ảm đạm thường thấy trước các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.
Khủng hoảng tới từ đâu?
Đúng là Trung Quốc chưa bao giờ phải trải qua tình cảnh tương tự như Wall Street đã gây ra cho nước Mỹ hồi năm 2008. “Cuộc khủng hoảng đặc sắc Trung Quốc” sẽ không có diễn biến như những cuộc khủng hoảng khác.
Thay vì một “vụ nổ bom tài chính” bất ngờ hủy diệt hệ thống ngân hàng, phiên bản khủng hoảng của Trung Quốc kéo dài hơn, chậm rãi hơn và khó nhận diện hơn. Tuy nhiên, tới cuối cùng, hậu quả và tổn thất gây ra sẽ tương đương – và thậm chí còn kinh hoàng hơn – những cuộc khủng hoảng mà nhân loại đã chứng kiến.
Vài năm trước, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc đã dự đoán rằng nền kinh tế nước này sẽ rơi vào khủng hoảng giống như năm 2008. Tất cả những dấu hiệu của “ngày tận thế” đều hiển hiện rõ nét: bong bóng nhà đất, dư thừa sản phẩm công nghiệp từ sắt thép tới tấm pin năng lượng mặt trời, và đáng lo ngại hơn cả, khối nợ tăng cao lên mức khổng lồ.
Theo số liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, vào giữa năm 2018, tổng nợ của Trung Quốc đã tương đương với 253% sản lượng quốc gia – trong khi hơn 10 năm trước, con số này chỉ là 140%.
Không một nền kinh tế đang nổi nào từ những năm 1990 có thể nới rộng khối nợ tới mức khổng lồ như vậy và thoát khỏi thảm họa tài chính. Trung Quốc dường như đã đảo ngược lịch sử trong vấn đề này.
Các chuyên gia của Bloomberg đã theo dõi và chờ đợi giây phút Lehman Brothers phiên bản Trung Quốc (Lehman Brothers là một trong những ngân hàng hàng đầu của Mỹ tuyên bố phá sản, kéo theo sự sụp đổ liên hoàn trong hệ thống tài chính năm 2008 – ND). Nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
Vai trò của chính phủ
Một số nhà phân tích nhận định rằng “tận thế” sẽ không xảy ra bởi Trung Quốc quá lớn để có thể sụp đổ. Những bình luận khác cho rằng chính phủ Trung Quốc có khả năng kiểm soát ở nhiều mức độ – đối với ngân hàng, các doanh nghiệp lớn, và dòng tiền – để kìm hãm cuộc khủng hoảng mà một nền kinh tế tự do hơn không thể chống đỡ.
“Siêu năng lực” này của Bắc Kinh đã được thể hiện vào năm 2015 khi bong bóng chứng khoán vỡ do chính sách thúc đẩy tín dụng và can thiệp hành chính. Nguồn tiền nhanh chóng rút khỏi Trung Quốc khi đồng tiền mất giá.
Tuy nhiên, những gì có thể khiến các thị trường mới nổi sụp đổ lại có thể được chính phủ Trung Quốc giải quyết chỉ trong một ngày. Bắc Kinh quyết định giải cứu ngành chứng khoán và ngăn chặn xu hướng thoái vốn. Khủng hoảng chấm dứt.
Đây cũng là cách giải quyết điển hình của Bắc Kinh đối với các vấn đề về nợ. Chính phủ Trung Quốc – vốn luôn chú trọng ổn định xã hội – không cho phép quả bom nợ phát nổ. Nhưng “khủng hoảng tài chính đặc sắc Trung Quốc” vẫn đang gây ra tổn hại nhất định tới nền kinh tế.
Cũng như bất kì cuộc khủng hoảng tài chính nào khác, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đang bị ăn mòn một cách nguy hiểm. Mặc dù theo chính phủ, nợ xấu đã tăng tới mức cao nhất trong thập kỉ vào cuối năm 2018, tỉ lệ này vẫn giữ ở mức dưới 2% tổng nợ. Hầu như không ai tin con số này.
Charlene Chu, một học giả cấp cao tại Autonomous Research và là một trong những chuyên gia hàng đầu về nợ tín dụng của Trung Quốc, ước tính rằng 24% tổng nợ tín dụng – khoảng 8,5 nghìn tỉ USD – thuộc diện nợ xấu. Đây có vẻ là điều khó tin, nhưng trong cuộc khủng hoảng hồi năm 1997, nợ xấu của Indonesia, Hàn Quốc và Thái Lan đã đạt mức 1/3 tổng nợ.
Và cũng như trong các cuộc khủng hoảng khác, mức độ thực sự của nợ và hậu quả của nó lớn hơn rất nhiều so với dự đoán của mọi người. Trong một nghiên cứu hồi tháng 10, S&P Global Ratings đã lưu ý rằng khối lượng nợ quốc gia của Trung Quốc vẫn là một bí ẩn, vì quá nhiều số liệu không được đưa vào sổ sách.
Khoản nợ ẩn này có thể cao gấp nhiều lần con số được công bố chính thức, đạt mức 6 nghìn tỉ USD. S&P gọi đây là “tảng băng nợ cho con thuyền tín dụng Titanic”. Chính quyền địa phương Trung Quốc đã can thiệp rất nhiều để thúc đẩy tăng trưởng thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhưng với quá nhiều nợ như vậy, thì vai trò của chính quyền cũng tới giới hạn.
“Nghiện” tín dụng và hậu quả
Trung Quốc hiện đang đối phó với một khía cạnh khác của cuộc khủng hoảng: đào thoát vốn. Bởi sự kiểm soát nghiêm ngặt, vốn không thể rời khỏi Trung Quốc dễ dàng như tại các nền kinh tế khác. Nhưng tới cuối cùng, vốn vẫn được chuyển ra nước ngoài.
Theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ, người Trung Quốc đã liên tục đứng đầu trong danh sách người nước ngoài mua bất động sản ở Mỹ trong 6 năm liên tiếp. Trong vòng 12 tháng (tính tới tháng 3/2018), công dân Trung Quốc đã mua tới 30 tỉ USD trị giá nhà đất ở Mỹ. Người Canada chỉ mua 1/3 số này; người Mỹ và người Ấn Độ chỉ mua khối lượng bằng 1/4.
Về mặt lý thuyết, cuộc khủng hoảng tài chính kiểu Trung Quốc có lợi thế hơn so với những khủng hoảng khác. Bằng việc duy trì tăng trưởng và việc làm, Bắc Kinh đang “câu giờ” để cải thiện hệ thống.
Trên thực tế, những nhà lập pháp còn khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Họ cố gắng đạt được những mục tiêu tăng trưởng khó có thể hoàn thành nếu thiếu hoạt động vay tín dụng. Trung Quốc “nghiện” tín dụng, và quốc gia này cần những “liều thuốc” tín dụng để tiếp tục tồn tại.
Khi sự bình ổn nhất thời qua đi, nền kinh tế lại bị chậm lại. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo lắng, mất bình tĩnh trong việc xử lí nợ nần, và quyết định dùng một “liều thuốc tín dụng” khác để đạt mục tiêu.
Đây là những điều Bắc Kinh đang làm. Những kết quả tăng trưởng chậm của Trung Quốc trong thời gian gần đây cho thấy nỗ lực của chính phủ trong việc kiểm soát nợ. Các nhà lập pháp, như thường lệ, lại sử dụng chiến lược vay tín dụng.
Đầu tháng 1, ngân hàng trung ương Trung Quốc lệnh giảm lượng tiền tích trữ tại các ngân hàng, cho phép vay nhiều hơn. Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc có nhiều nợ xấu hơn.
Dinny McMahon, tác giả của cuốn China’s Great Wall of Debt (tạm dịch: Vạn Lý Trường Thành Nợ của Trung Quốc), nói: “Nhiều khoản nợ mới hình thành, và nợ được dùng để tạo ra tất cả những thứ gây nên vấn đề cho chúng ta trong suốt thập kỉ qua”.
Vì lẽ đó, Bắc Kinh đang khiến cuộc khủng hoảng tài chính kiểu Trung Quốc tệ hơn rất nhiều cuộc khủng hoảng thông thường. Giây phút ngân hàng Lehman phá sản thực sự đáng sợ, nhưng đó là cuộc thanh lọc, là cơ hội để thị trường loại bỏ những “chất độc” và tạo cơ hội cho những điều tốt đẹp trong tương lai.
Trì hoãn khủng hoảng
Bắc Kinh, thông qua việc trì hoãn khủng hoảng, đã tạo điều kiện cho các khoản nợ xấu ăn mòn hệ thống tài chính, và khiến chi phí “dọn dẹp” khủng hoảng sau này trở nên lớn hơn rất nhiều.
Cuối cùng, chính phủ sẽ phải can thiệp và xử lí hậu quả, cũng như Washington đã làm hồi năm 2008. Chúng ta có thể tưởng tượng tổng chi phí từ kinh nghiệm trong quá khứ.
Chính phủ Hàn Quốc đã tiêu tốn 31% tổng sản lượng quốc gia để cải thiện hệ thống tài chính trong cuộc khủng hoảng năm 1997. Nếu áp dụng công thức này, “liều thuốc” cho Trung Quốc sẽ có giá 3,8 nghìn tỉ USD. Thậm chí còn cao hơn. 57% GDP của Indonesia đã bị “thổi bay” trong đợt tái thiết năm 1997.
Trong khi đó, nền kinh tế vẫn bị trì hoãn. Quá nhiều nợ của Trung Quốc đang được tích tụ theo cách thiếu hiệu quả – những nhà máy không cần thiết, những công ty phá sản – và hàng loạt nguồn tài nguyên được bố trí sai chỗ đã và đang cản trở nhân tố then chốt cho sự phát triển kinh tế.
Hiệp hội nghiên cứu Conference Board ước tính tăng trưởng của Trung Quốc đã có dấu hiệu tiêu cực từ năm 2012.
Tất cả những điều này đều cho thấy một xu hướng đi xuống theo chiều xoắn ốc. Khi quốc gia đã chìm trong nợ nần, mọi nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế với khoản vay tín dụng mới sẽ chỉ đem lại hiệu quả ngày càng giảm sút.
Như hãng nghiên cứu Fathom Consulting lí giải trong nghiên cứu hồi tháng 10/2018, mô hình kinh tế cũ của Trung Quốc “đang cho thấy lợi nhuận cận biên giảm dần”. Sau nhiều tháng thúc đẩy cho vay, tăng trưởng tín dụng vẫn không đạt được mục tiêu như các nhà lập pháp mong muốn.
Sự lo lắng đối với nền kinh tế kết hợp cùng sự trì trệ của nợ đang khiến chính phủ ngày càng khó khăn hơn trong việc lệ thuộc vào tín dụng để giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng.
Giải pháp cuối cùng
Có thể sẽ tới lúc các nhà lập pháp Trung Quốc sẽ nhận ra rằng nợ quá nguy hiểm, và phải kiểm soát nợ trước khi tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, thật khó để biết điều gì sẽ giúp đánh thức giới chức Trung Quốc.
Tỉ lệ lạm phát tăng cao có thể sẽ là một yếu tố giúp “lật ngược thế cờ”, vì trong tình hình đó ngân hàng trung ương sẽ rất khó để tiếp tục bơm tiền vào hệ thống tài chính. Nhưng trong tương lai gần, điều này sẽ không xảy ra.
Mức sụt giảm nhanh chóng trong tỉ lệ lạm phát đang làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc đang bước vào thời kì giảm phát, khiến nợ ngày càng khó chống đỡ hơn.
Giải pháp duy nhất, theo như McMahon viết, là “thay đổi cách phát triển kinh tế”. Các nhà kinh tế và chuyên gia về chính sách đã tranh cãi trong nhiều năm qua về việc Trung Quốc cần phải “tái cân bằng” – chuyển động cơ tăng trưởng từ đầu tư sang tiêu thụ.
Chuyện này không diễn ra với tốc độ nhanh như dự kiến. Mỗi khi chính phủ sử dụng tín dụng để kích thích tăng trưởng, việc cải cách hệ thống tài chính lại bị lùi một bước. Theo Fathom, Bắc Kinh đang “trốn tránh hiện thực kinh tế trong khi tích lũy vấn đề cho tương lai”.
Ưu tiên hàng đầu của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là có thể quản lí được mọi mặt kinh tế.
Ông Tập đã chủ trương phát triển nền kinh tế do nhà nước dẫn đầu, đặt nặng về đầu tư.
Các chính sách công nghiệp mới đây nhất đưa ra những sản phẩm hứa hẹn – robot, chip điện tử siêu nhỏ, xe ô tô điện – nhưng đều có thể gây ra những rắc rối tương tự: quá nhiều công ty, quá nhiều nợ, quá nhiều sản phẩm dư thừa.
Kể cả khi giải pháp của ông Tập có tạo lập nên những ngành mới và khoảng trống mới để phát triển, thì điều đó cũng không giúp khôi phục những tổn hại sẵn có.
Các khoản nợ xấu sẽ không bỗng dưng tự biến thành vàng.
Điều khác biệt duy nhất giữa khủng hoảng tài chính thông thường và “khủng hoảng tài chính đặc sắc Trung Quốc” là thời gian. Hầu hết các khủng hoảng kéo dài vài tháng, nhưng khủng hoảng của Trung Quốc sẽ kéo dài hàng năm.
Là một trong những đầu tàu kinh tế thế giới, Trung Quốc nên là trụ cột chống đỡ cho các quốc gia khác. Nhưng cho tới khi đất nước này tự giải quyết được khủng hoảng kinh tế của mình, Trung Quốc vẫn sẽ là mối lo ngại toàn cầu.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25968-nghien-tin-dung-kinh-te-tq-dang-nhe-da-vo-tung-tu-giua-nam-2018-tai-sao-chua-xay-ra.html

Trung Quốc đòi Mỹ hủy

yêu cầu dẫn độ Giám Đốc Tài chính Huawei

Trung Quốc hôm 22/1 đòi Hoa Kỳ hủy bỏ đề nghị yêu cầu Canada dẫn độ một giám đốc điều hành hàng đầu của Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của TQ, đồng thời quay sang đổ lỗi cho Washington trong cuộc tranh chấp đã làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ giữa Bắc Kinh với chính phủ Canada ở Ottawa.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói bà Mạnh Vãn Chu là một trường hợp bất thường, và hiệp ước dẫn độ giữa Canada và Hoa Kỳ vi phạm “sự an toàn cũng như các quyền và lợi ích chính đáng của một công dân Trung Quốc.
Bà Hoa nói Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ rút lại lệnh bắt giữ đối với bà Mạnh Vãn Chu, và đừng chính thức yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng sau khi hơn 100 học giả và cựu quan chức ngoại giao quốc tế ký vào một bức thư, kêu gọi Bắc Kinh thả hai công dân Canada đang bị Trung Quốc cầm giữ để trả đũa vụ bắt giữ bà Mạnh.
Bà Hoa Xuân Oánh phát biểu như vừa kể sau khi một bài báo đăng trên tờ Globe and Mail của Canada tường thuật rằng Hoa Kỳ định chính thức yêu cầu chính quyền Canada dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ để đối mặt với những cáo buộc về tội lừa đảo ngân hàng vì đã che dấu những giao dịch kinh doanh của tập đoàn Huawei ở Iran.
Trung Quốc bắt giữ 2 công dân Canada, là nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, và doanh nhân Michael Spavor vào ngày 10/12/2018 trong một động thái rõ ràng nhằm gây áp lực với Canada để nước này phải thả bà Mạnh Vạn Chu, bị bắt ở Canada vào ngày 1/12 theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ.
Bà Mạnh Vãn Chu là Giám đốc Tài chính của Huawei và là ái nữ của người sáng lập ra tập đoàn, ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei). Huawei có mối quan hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc và được coi là một trong những doanh nghiệp quốc tế thành công nhất của Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, là lĩnh vực mà Trung Quốc hy vọng một ngày nào đó, sẽ thống trị.
Bức thư mà các học giả và các nhà ngoại giao ký lập luận rằng vụ bắt giữ hai công dân Canada sẽ dẫn tới tình trạng “ít đối thoại, và tăng nghi kỵ giữa hai bên, làm suy yếu các nỗ lực nhằm giải quyết bất đồng và tìm những điểm đồng thuận. Hậu quả là tình hình sẽ trở nên tệ hại hơn cho cả Trung Quốc lẫn cho thế giới”.
Hơn 20 nhà ngoại giao từ 7 quốc gia và hơn 100 học giả từ 19 quốc gia đã ký vào bức thư ngỏ này.
Bà Mạnh đang sống trong tình trạng bị quản thúc tại biệt thự riêng của bà ở Vancouver trong khi giới hữu trách cân nhắc trường hợp của bà. Trong khi đó hai công dân Canada, ông Kovrig và ông Spavor, đang bị giam giữ trong các nhà tù Trung Quốc, theo các nguồn tin thân cận với hai ông.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-doi-my-huy-yeu-cau-dan-do-giam-doc-tai-chinh-huaweu/4753921.html

Phát hiện cơ sở tên lửa Bắc Hàn ‘chưa khai báo’

Một trong 20 căn cứ vận hành tên lửa đạn đạo chưa được khai báo ở Bắc Hàn đóng vai trò là một trụ sở tên lửa, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố hôm 21/1.
Reuters dẫn báo cáo cho biết: “Cơ sở vận hành tên lửa Sino-ri và tên lửa Nodong được triển khai tại địa điểm này phù hợp với chiến lược quân sự hạt nhân được phỏng đoán của Bắc Hàn.”
Trump: ‘Đã chọn được quốc gia để gặp Kim Jong-un’
Quan chức Bắc Hàn tới Mỹ, đồn đoán Kim gặp Trump ở Việt Nam
Hà Nội: địa điểm cho hội nghị Trump-Kim lần 2?
TQ ‘ủng hộ’ Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai
Việc phát hiện một trụ sở tên lửa chưa được khai báo diễn ra ba ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump loan báo ông “hướng tới” một hội nghị thượng đỉnh khác để thảo luận về phi hạt nhân hóa với nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un vào cuối tháng 2/2019.
CSIS cho biết căn cứ Sino-ri chưa bao giờ được Bình Nhưỡng công khai và vì thế mà “dường như không phải là đối tượng của các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa”.
Báo cáo lưu ý rằng các căn cứ vận hành tên lửa lẽ ra phải được khai báo, xác minh và dỡ bỏ trong bất kỳ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào.
“Bắc Hàn sẽ không đàm phán về những điều mà họ không tiết lộ,” ông Victor Cha, một trong những tác giả của báo cáo cho biết. “Có vẻ như họ đang không nghiêm túc. Họ vẫn muốn có năng lực hạt nhân, ngay cả khi họ tuyên bố phá hủy các cơ sở đã được khai báo.”
Nằm cách khu phi quân sự 212 km về phía bắc và rộng 18 km2, khu phức hợp Sino-ri đóng vai trò then chốt trong việc phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng bắn đến Nam Hàn, Nhật và thậm chí cả đảo Guam, lãnh thổ Hoa Kỳ ở Tây Thái Bình Dương, báo cáo viết thêm.
Vài ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã chọn xong địa điểm diễn ra cuộc gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un cuối tháng Hai.
“Chúng tôi đã chọn được quốc gia nhưng sẽ thông báo sau.”
“Kim Jong-un rất mong đợi sự kiện và tôi cũng thế,” ông Trump nói với các phóng viên.
Hiện giới phóng viên nước ngoài đang đồn đoán Việt Nam là nơi được chọn.
AFP dẫn nguồn chính phủ Việt Nam nói “chuẩn bị hậu cần” đang diễn ra, có thể ở Hà Nội hay Đà Nẵng.
Hôm thứ Sáu, Nhà Trắng đã thông báo cuộc gặp lần hai giữa ông Trump và ông Kim sẽ diễn ra tháng Hai, theo sau chuyến thăm Washington của một tướng Bắc Hàn.
Kim Yong Chol, cánh tay phải của Kim Jong-un, đã gặp Tổng thống Trump hôm thứ Sáu, trong cuộc gặp kéo dài tới 90 phút.
Việt Nam ‘sẵn sàng tạo điều kiện’
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói Việt Nam sẵn sàng làm nơi tổ chức cuộc này.
Trang Bloomberg cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với họ rằng Việt Nam sẵn sàng tổ chức cuộc gặp, mặc dù Việt Nam chưa được chọn.
“Chúng tôi không biết về quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, nếu chuyện đó xảy ra thì chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tạo điều kiện cho cuộc họp.”
“Việt Nam đã phối hợp rất tốt với Hoa Kỳ trong quan hệ phát triển kinh tế và thương mại cũng như trong các lĩnh vực khác.”
Ông Nguyễn Xuân Phúc trả lời phóng viên Haslinda Amin của Bloomberg TV.
Reuters dẫn một nguồn tin giấu tên nói rằng nhà lãnh đạo Bắc Hàn dự kiến sẽ tới thăm Việt Nam trong một “chuyến thăm chính thức cấp nhà nước” vào tháng 2.
Chỉ vài giờ trước khi ông Kim Yong Chol tới Mỹ, Tổng thống Trump – vốn đã tuyên bố chỉ một ngày sau kỳ họp thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singpore hôm 12/6/2018 rằng mối đe dọa từ Bắc Hàn đã hết – công bố việc củng cố chiến lược phòng thủ tên lửa, là chiến lược coi Bắc Hàn như một “mối đe dọa đặc biệt”.
Cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều diễn ra hồi năm ngoái là cuộc gặp lịch sử đầu tiên từ trước tới nay giữa hai đương kim lãnh đạo của hai nước.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46936510

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.