Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 13/01/2019

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019 15:55 //

Tin khắp nơi – 13/01/2019

Chính trường Mỹ bế tắc

Chính phủ Mỹ có nguy cơ trải qua đợt đóng cửa dài nhất trong lịch sử vì căng thẳng giữa Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo quốc hội ngày càng gay gắt.
Hôm qua, Tổng thống Trump và các lãnh đạo quốc hội Mỹ có cuộc họp tại Nhà Trắng nhằm tìm giải pháp cho tình trạng bế tắc kéo dài liên quan đến việc xây tường biên giới và ngân sách chi tiêu mới để chính phủ hoạt động lại hoàn toàn. Tuy nhiên, theo lời kể của những người tham dự, cuộc họp kết thúc chóng vánh vì không bên nào chịu nhượng bộ. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho hay Tổng thống Trump đã giận dữ “đập tay xuống bàn và tuyên bố không còn gì để thảo luận” rồi bỏ ra ngoài sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi từ chối thông qua ngân sách để xây bức tường biên giới. “Một lần nữa chúng ta chứng kiến cơn thịnh nộ vì ông ấy không thể có được điều mình muốn”, theo AP dẫn lời ông ông Schumer.
Trong khi đó, các đại diện đảng Cộng hòa tại phòng họp, gồm Phó tổng thống Mike Pence, bác bỏ thông tin Tổng thống Trump đập bàn và chỉ trích thái độ của phe Dân chủ là “đáng xấu hổ”. Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy cho biết ông Schumer và bà Pelosi một mực yêu cầu mở cửa chính phủ trước rồi mới đàm phán về việc xây tường. Theo hạ nghị sĩ McCarthy, khi ông Trump hỏi liệu sẽ có được kinh phí để xây tường biên giới nếu đồng ý mở cửa chính phủ trong 30 ngày tới hay không thì bà Pelosi quơ tay bác bỏ, khiến chủ nhân Nhà Trắng chấm dứt cuộc họp. Tổng thống Trump sau đó cho biết đã nói “tạm biệt” và rời khỏi phòng họp vì cho rằng đang lãng phí thời gian khi yêu cầu của ông không được chấp nhận. BBC dẫn kết quả khảo sát mới cho thấy 51% người Mỹ quy trách nhiệm cho ông Trump về việc chính phủ đóng cửa, nhưng 77% cử tri Cộng hòa ủng hộ chủ nhân Nhà Trắng tiếp tục yêu cầu xây tường biên giới.
Cũng trong hôm qua, Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát thông qua dự luật ngân sách chi tiêu để một số cơ quan có thể hoạt động trở lại nhưng dự kiến không được Thượng viện cũng như Tổng thống Trump phê chuẩn. Trước tình trạng bất đồng giữa Nhà Trắng và quốc hội, cụ thể là phe Dân chủ, khiến chính phủ đóng cửa một phần, khoảng 800.000 nhân viên liên bang dự kiến sẽ không nhận được lương đúng hạn vào hôm nay 11.1. Hơn nữa, nếu bế tắc kéo dài đến hết tuần này thì đây sẽ là lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử chính phủ Mỹ, theo CNN. Một khả năng khác được nhắc đến là Tổng thống Trump có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, cho phép ông sử dụng ngân sách quốc phòng để xây tường mà không cần sự đồng ý của quốc hội. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders hôm qua cho biết lựa chọn này “vẫn còn nằm trên bàn” dù giới quan sát nhận định nếu được thực hiện, động thái trên sẽ mở màn cho một cuộc chiến pháp lý giữa tổng thống và quốc hội.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25778-chinh-truong-my-be-tac.html

4 Cựu TT Phủ Nhận Ủng Hộ Việc Xây Tường Của Trump;

Thương Nghị Sĩ Graham: TT Trump

Nên Ban Bố Tình Trạng Khẩn Cấp

WASHINGTON   -     Nghị sĩ Cộng Hòa Lindsey Graham tuyên bố hôm Thứ Năm “đã đến lúc TT nên ban bố tình hình khẩn cấp an ninh, bỏ qua QH, để xây tường biên giới – tôi hy vọng bức tường có hiệu quả”.
Ông Graham giải thích: chủ tịch Hạ Viện Pelosi từ chối thương lượng kinh phí, là chấm dứt tiến trình chuẩn chi, theo tường thuật của Reuters.
Trong khi đó, TT Trump thị sát biên giới tại thung lũng Rio Grande thuộc địa phận Texas trong lúc công sở liên bang đóng cửa qua ngày thứ 20 – ông dọa ban bố tình trạng khẩn cấp an ninh để dùng Công Binh dựng tường phân cách với Mexico. Ông khẳng định: Mexico sẽ đóng góp gián tiếp chi phí.
Giới lập pháp của đảng DC cương quyết không kém, khẳng định lập trường là phải ngưng đóng cửa công sở để thảo luận kinh phí 5.6 tỉ như đòi hỏi của lãnh đạo hành pháp.
Các thủ lãnh CH nói: đảng đoàn kết hậu thuẫn TT Trump – nhưng, đã có 1 số dân biểu, nghị sĩ cùng đảng CH muốn mở của công sở từng phần dù yêu sách của TT Trump không được đáp ứng.
Nhà báo viết: có tín hiệu bắt đầu cô lập ông Trump.
Tại Texas, TT Trump nói “Có lẽ phải ban hành tình trạng khẩn cấp để bỏ qua Lập Pháp”.
Giới phân tích cho biết: TT chỉ có thể chỉ thị cho quân đội xây dựng công trình trong thời chiến hay tình trạng khẩn cấp quốc gia, ý định của ông Trump sẽ đưa tới thách thức pháp lý, vì là vi phạm thủ tục hiến định.
Kinh phí xây tường biên giới sẽ lấy từ ngân sách liên bang do QH chuẩn cấp cho các mục đich khác và 1 số dân cử cùng đảng CH phản đối.
Có tin ông Trump đã được thuyết trình cách chuyển tiền tái thiết vùng thiên tai (như Pierto Rico) vào việc xây tường biên giới.
Khi đứng quan sát biên giới, TT Trump tuyên bố “Nếu chúng ta không có phân cách, sẽ không giải quyết được vấn đề này”. Với ông, tường biên giới là 1 hứa hẹn trong thời gian tranh cử TT, không thể bỏ qua. Ông còn nói “Kết qủa tranh đấu bức tường này sẽ là đề tài trung tâm trong chu kỳ tuyển cử 2020” – ông giải thích “Tôi không thấy thành tựu lớn trừ phi xây tường biên giới, là việc chúng ta đang làm”.
NBC đưa tin: Công Binh có thể nhận làm 318 dặm tường biên giới cao 30 feet trong 18 tháng. Công Binh định tập trung vào lưu vực sông Rio Grande (Texas), San Diego (Califofrnia) và Yuma (Arizona) trước.
Liên quan đến chuyện xây tường biên giới, một bản tin khác cho biết tuần qua, TT Trump loan báo “một số cựu TT” ủng hộ sứ mạng xây tường biên giới của ông – tính vào hôm Thứ Ba, không vị nào nói thế, theo tin CBS.
Tuyên bố từ cựu TT Carter không nhận đã nói chuyện bức tường với Trump – sau đó, các cựu TT Clinton, Bush và Obama cũng phản bác lời của TT thứ 45.
Phát ngôn viên của TT Clinton nói rõ: 2 người không tiếp xúc từ sau lễ tuyên thệ của TT tại chức.
Riêng ông Obama không minh thị phủ nhận – văn phòng cựu TT không trả lời yêu cầu bình luận. Cựu TT Obama từng nhiều lần chỉ trích chính sách di trú của Trump, không hậu thuẫn bức tường ngay từ thời gian vận động tranh cử 2016. Theo Politico, ông Obama và người kế vị không có thảo luận đáng kể nào với Trump từ đầu năm 2017.
https://vietbao.com/p114a289611/4-cuu-tt-phu-nhan-ung-ho-viec-xay-tuong-cua-trump-thuong-nghi-si-graham-tt-trump-nen-ban-bo-tinh-trang-khan-cap

Vụ đóng cửa chính phủ

phá kỉ lục lâu nhất trong lịch sử Mỹ

Vụ đóng cửa chính phủ một phần đã trở thành vụ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ khi đồng hồ điểm quá nửa đêm sang sáng ngày thứ Bảy.
Một giải pháp có thể sẽ chưa sớm được đưa ra trong khi công chức liên bang nhận được thông báo trả lương vào ngày thứ Sáu với con số 0.
Hạ viện và Thượng viện đã biểu quyết thông qua dự luật trả ngược tiền lương cho công chức liên bang bất cứ khi nào chính phủ liên bang mở cửa trở lại. Sau đó họ ngưng họp và rời Washington nghỉ cuối tuần, để chính phủ tiếp tục đóng cửa cho đến khi kim đồng hồ nhích quá nửa đêm sang ngày thứ 22, thiết lập kỉ lục chính phủ đóng cửa lâu nhất trong lịch sử của Mỹ.
Và trong khi ông Trump đang cân nhắc có nên tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia hay không để xây bức tường mà không cần ngân khoản từ Quốc hội, các thành viên trong chính đảng của ông đang tranh luận gay gắt về ý tưởng đó, và tổng thống kêu gọi Quốc hội đưa ra một giải pháp khác, theo AP.
“Điều chúng tôi không muốn làm ngay bây giờ là tình trạng khẩn cấp quốc gia,” ông Trump nói. Ông khẳng định mình có thẩm quyền để làm điều đó, nói thêm ông “sẽ không làm điều đó quá nhanh chóng” vì ông vẫn muốn làm việc với Quốc hội.
Khoảng 800.000 công chức đã không nhận được tiền lương vào ngày thứ Sáu. Một số người đăng thông báo trả lương trống trơn của họ lên mạng xã hội như lời hiệu triệu chấm dứt vụ đóng cửa.
Với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump bị quy trách nhiệm phần lớn về vụ đóng cửa, chính quyền đã đẩy nhanh việc chuẩn bị cho một tuyên bố tình trạng khẩn cấp khả dĩ để bỏ qua Quốc hội và huy động tiền xây bức tường từ các nguồn thu liên bang hiện có.
Nhà Trắng đang xem xét lấy bớt tiền được cấp cho Công binh Lục quân Hoa Kỳ sau những trận bão và lũ lụt gây chết người vào năm ngoái.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-dong-cua-chinh-phu-pha-ki-luc-lau-nhat-trong-lich-su-my/4740272.html

Nếu kéo thêm 2 tuần, thiệt hại từ shutdown

sẽ bằng giá bức tường Trump

Thụy My
Vụ « shutdown » (chính phủ đóng cửa) dài nhất trong lịch sử Mỹ cho đến hôm nay 13/01/2019 ngày càng tỏ ra đe dọa cho tăng trưởng của nền kinh tế đứng đầu thế giới. Nếu kéo dài thêm hai tuần nữa, tình trạng shutdown sẽ gây thiệt hại cho Hoa Kỳ tương đương với bức tường trị giá 5,7 tỉ đô la, mà tổng thống Donald Trump đòi hỏi và phe Dân Chủ từ chối.
Hầu hết các vụ shutdown trước đây (từ 1976 đến nay tổng cộng 21 vụ) đều ngắn, khó gây tác động. Nhưng lần này chính quyền liên bang đã đóng cửa suốt ba tuần qua. Theo bà Bett Ann Bovino, kinh tế gia trưởng của S & P Global Ratings, thiệt hại đã lên đến 1,2 tỉ đô la một tuần, với một phần tư công chức liên bang (800.000 người) phải nghỉ việc.
Không có tiền xây tường, ông Trump từ chối thông qua ngân sách chính phủ liên bang. Tình hình hiện nay hầu như trong ngõ cụt.
Cho dù các trường hợp shutdown năm 1995 và năm 2013 cho thấy nền kinh tế có thể nhanh chóng lại sức, nhưng việc chính quyền liên bang tê liệt có tác động tiêu cực trên rất nhiều phương diện, chứ không chỉ đối với lương công chức.
Nông dân gặp khó khăn vì thương chiến Mỹ-Trung hiện chưa nhận được trợ cấp, các gia đình nghèo nhất sẽ không còn trợ giúp thực phẩm kể từ cuối tháng Hai. Nhà nông đã bắt đầu gieo hạt, nhưng trợ cấp hạt giống và thức ăn gia súc vẫn chưa có.
Các nhân viên có hợp đồng với chính phủ bị thiệt mất 200 triệu đô la mỗi ngày, theo Bloomberg News. Cơ quan quản lý chứng khoán SEC đã ngưng giải quyết việc niêm yết, thủ tục cấp giấy phép khai thác dầu khí bị chậm lại, thanh tra vệ sinh ngưng làm việc…
Ngành du lịch cũng bị ảnh hưởng, vì 400 công viên quốc gia bị mất nguồn thu 18 triệu đô la một ngày ; các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm mất khách.
Ngân hàng Trung ương đã yêu cầu các nhà băng tỏ ra thông cảm với khách, và bộ Gia Cư đề nghị các sở hữu chủ không trục xuất những người thuê nghèo khổ nhất, mà tiền thuê được chính quyền liên bang trợ giúp.
Đối với 380.000 nhân viên liên bang bị thất nghiệp bất đắc dĩ, và 420.000 người khác đành phải làm việc không công do công việc mang tính thiết yếu, tác động là rất lớn. Công ty địa ốc Zillow ước tính, những nhân viên này còn nợ 438 triệu đô la tiền nhà một tháng, phải đóng trước tiền tạm ứng. Lực lượng tuần duyên công bố (và sau đó nhanh chóng gỡ bỏ) danh sách những việc cần làm để sống qua ngày trong thời gian shutdown, từ giữ trẻ cho đến bán đồ cũ.
Tại một số khu phố ở thủ đô Washington, nơi 20% nhân viên liên bang cư ngụ, các nhà hàng vắng bóng thực khách, taxi hiếm khi chạy nên giao thông trên đường thông suốt một cách đáng ngạc nhiên.
Yingrui Huang, kỹ sư làm việc cho một công ty gia công cho cơ sở quốc phòng Goddard Space Flight Center của NASA ở Maryland, cho AFP biết, doanh nghiệp chuyên sản xuất vệ tinh khí tượng và kính viễn vọng cho chính quyền phải đóng cửa cho đến khi có lệnh mới. Trong khi chờ đợi, người kỹ sư này chạy taxi cho công ty công nghệ Lyft.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190113-neu-keo-them-2-tuan-thiet-hai-tu-shutdown-se-bang-gia-buc-tuong-trump

Nhân viên liên bang dùng cơm tối tại Maryland

Washington, DC – Khi tình trạng đóng cửa chính phủ kéo dài khiến nhân viên liên bang không được trả lương, vào hôm thứ Sáu (11 tháng 1), hàng trăm nhân viên cùng gia đình đã tham dự bữa cơm tối cộng đồng miễn phí tại một trường trung học ở ngoại ô thủ đô Washington, DC.
Bữa tối được tổ chức bởi nghị viên Tom Hucker thuộc quận Montgomery. Nhóm diễn hành trung học cũng tham gia biểu diễn tại bữa cơm tối; người dân địa phương, các nhà hàng và sở cứu hỏa cũng đóng góp lương thực cho bữa cơm tối.
Tính đến ngày thứ Bảy (12 tháng 1), tình trạng đóng cửa chính phủ đã bước sang ngày thứ 22, trở thành lần đóng cửa dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Các nhân viên liên bang bị ảnh hưởng đã không được trả lương đúng hạn vào thứ Sáu, sự chậm trễ này đang ngày càng đè nặng áp lực tài chính lên các nhân viên có vai trò quan trọng, như nhân viên kiểm soát không lưu, và nhân viên an ninh phi trường, vì họ đang phải làm việc không lương.
Theo ước tính, có khoảng 800,000 viên chức liên bang không được nhận lương vào thứ Sáu. Một số người đã phải bán tài sản, hoặc tìm đến các trang web gây quỹ để nhờ giúp đỡ chi trả hóa đơn sinh hoạt. Nhiều người cho biết họ phải dùng đến khoản tiền tiết kiệm, nhưng họ đang lo lắng về sự bế tắc của chính phủ.
Hiện nay, Tổng thống Donald Trump vẫn kiên quyết yêu cầu 5.7 tỷ Mỹ kim để xây dựng bức tường biên giới, nhưng phía đảng Dân Chủ cho rằng đây là biện pháp không hiệu quả và lỗi thời đối với một vấn đề rất phức tạp. Hạ viện do đảng Dân Chủ kiểm soát đã thông qua một số dự luật chi tiêu để mở cửa lại chính phủ, nhưng các dự luật này không bao gồm ngân sách cho bức tường của Tổng thống Trump. Chính vì lý do này, Thượng viện do đảng Cộng Hòa kiểm soát đã từ chối bỏ phiếu cho những dự luật chi tiêu được Hạ viện phê chuẩn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nhan-vien-lien-bang-dung-com-toi-tai-maryland/

Nhân viên an ninh TSA được thưởng 500 Mỹ kim

trong khi chính phủ vẫn đóng cửa

Washington, DC – Theo tin từ đài CBS, quản trị viên TSA David Pekoske đã đồng ý thưởng 500 Mỹ kim cho mỗi nhân viên an ninh TSA. Mức tiền thưởng này tương đương với khoản lương 4 ngày, và được xem là số tiền thưởng cho các nhân viên có tác phong làm việc tốt trong kỳ nghỉ đông.
Theo đài CBS, tình trạng đóng cửa chính phủ đã bước sang tuần thứ tư vào thứ Bảy (12 tháng 1), chính thức trở thành lần đóng cửa dài nhất lịch sử Hoa Kỳ. Khoảng 800,000 nhân viên liên bang vẫn đang phải nghỉ phép không lương, hoặc làm việc không lương. Vì vai trò của nhân viên an ninh TSA quan trọng, nên họ phải làm việc không lương kể từ ngày chính phủ đóng cửa vào hôm 22 tháng 12.
Mức tiền thưởng 500 Mỹ kim, kèm theo khoản lương cho nhân viên đã làm việc vào ngày 22 tháng 12, sẽ được chuyển vào tài khoản trong vài ngày tới.
Sự tức giận đã thể hiện rõ tại trụ sở TSA về tình hình hiện tại, vì tình trạng đóng cửa chính phủ giới hạn nhiều lựa chọn trả lương của các nhân viên. Ngoài ra, số lượng nhân viên TSA xin nghỉ bệnh ngày càng tăng.
Phi trường quốc tế Miami đã phải đóng một cổng lên máy bay (terminal) như “một biện pháp phòng ngừa,” sau khi số lượng nhân viên TSA xin nghỉ phép tăng gấp đôi.
Trong khi thời gian chờ kiểm tra an ninh vẫn đồng đều khắp cả nước, hôm thứ Bảy, số lượng nhân viên an ninh xin nghỉ bệnh đã tăng 70% so với ngày này năm 2018. Tuy nhiên, 94% nhân viên TSA vẫn làm việc bình thường.
Hôm thứ Bảy, phát ngôn viên Michael Bilello đăng dòng tweet tuyên bố rằng, tiêu chuẩn an ninh ở các phi trường vẫn không bị ảnh hưởng, dù nhiều nhân viên đã xin nghỉ phép. Dù vậy, các viên chức TSA vẫn lo lắng về “cao điểm” của sự việc, khi các nhân viên an ninh tìm việc khác. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nhan-vien-an-ninh-tsa-duoc-thuong-500-my-kim-trong-khi-chinh-phu-van-dong-cua/

Giới chức Mỹ kêu gọi TQ ngừng đe dọa Đài Loan

Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) hôm thứ Năm (10/1) đã nhấn mạnh quan điểm ủng hộ Đài Loan đồng thời lên tiếng nhắc nhở Bắc Kinh phải ngừng các mối đe dọa bạo lực nhắm vào Đài Loan.
Amanda Mansour, phát ngôn viên của AIT đưa ra tuyên bố nhằm kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng với Đài Bắc, theo Taiwan News.
Bà Mansour cho biết Nhà Trắng và AIT chắc chắn không thừa nhận việc Trung Quốc đe dọa hoặc dùng vũ lực để ép người dân Đài Loan. Tuyên bố này cho thấy Hoa Kỳ “quan tâm sâu sắc và bền vững” đến việc duy trì hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan. Hoa Kỳ cũng nói Đài Loan là “câu chuyện thành công về dân chủ, đối tác đáng tin cậy và lực lượng tốt cho thế giới.”
Trước đó, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ Garret Marquis cho biết Mỹ không công nhận việc đe doạ hay sử dụng vũ lực để ép buộc người dân Đài Loan.
Phát ngôn viên an ninh quốc gia Hoa Kỳ Garret Marquis tuyên bố Trung Quốc nên dừng việc ép buộc và tiếp tục đối thoại với Đài Loan. (Ảnh Twitter)
Những phản ứng của giới chức Mỹ được đưa ra sau bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về mối quan hệ xuyên qua Eo biển. Ông Tập tuyên bố Bắc Kinh sẽ không từ bỏ việc sử dụng vũ lực cho mục tiêu sáp nhập Đài Loan, ngay sau đó một số nhà làm luật Mỹ và ít nhất một quan chức Nhà Trắng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan.
Bên cạnh đó, người dân Đài Loan cũng lên tiếng phản đối tuyên bố “một quốc gia, hai chế độ” mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến trong bài phát biểu vào tuần trước. Người dân hòn đảo khẳng định Đài Loan là một vùng đất truyền thống của các thổ dân trên hòn đảo, và không phải là một phần lãnh thổ Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25787-gioi-chuc-my-keu-goi-tq-ngung-de-doa-dai-loan.html

Lần thứ hai, Mỹ điều oanh tạc cơ B-2 đến Hawaii

 ”dằn mặt” Trung Quốc

Thu Hằng
Ba máy bay ném bom tối tân B-2 Spirit và một đơn vị gồm 200 người của Mỹ đã được điều đến Căn cứ Quân sự hỗn hợp Trân Châu Cảng ở Hawaii vào ngày 11/01/2019 để tham gia huấn luyện ở Thái Bình Dương. Đây là lần thứ hai, máy bay B-2 được triển khai ở Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo trang Business Insider, trích thông tin của Bộ chỉ huy Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, ba chiếc B-2 xuất phát từ căn cứ không quân Whiteman, ở Missouri, đến Hawaii nhằm trấn an các đồng minh và gửi thông điệp rõ ràng tới bất kỳ quốc gia nào đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.
Bản thông cáo của trung tá Joshua Dorr, giám đốc điều hành Phi đội ném bom 393, nhấn mạnh đến khả năng giám sát thường trực của máy bay B-2, có thể « xuyên thủng hệ thống phòng thủ tinh vi nhất của kẻ thù » và « sẵn sàng bảo vệ Hoa Kỳ cũng như các đồng minh ».
Theo ông, đợt huấn luyện này rất quan trọng và nhằm ba mục đích : duy trì khả năng tương tác trong khu vực của quân đội Mỹ, tạo khả năng phối hợp với các đồng minh của Mỹ trong các cuộc tập trận chung và xác nhận khả năng sẵn sàng tấn công toàn cầu.
Đây là lần thứ hai, Mỹ điều oanh tạc cơ tối tân B-2 đến Hawaii. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 10/2018 sau khi Trung Quốc tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo trung gian DF-26 (còn được gọi là « sát thủ đảo Guam »).
Phía Trung Quốc luôn phản ứng mạnh mẽ với các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, thường xuyên chỉ trích gay gắt Washington, thậm chí đe dọa các chiến hạm Mỹ.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190113-lan-thu-hai-my-dieu-oanh-tac-co-b-2-den-hawaii-dan-mat-trung-quoc

Nhà Trắng ‘mưu tìm khả năng tấn công Iran’

Nhóm cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng mùa thu năm ngoái đã yêu cầu Lầu Năm Góc cung cấp các lựa chọn tấn công Iran, sau khi một nhóm chiến binh có liên hệ với Tehran nã pháo cối vào một khu vực ở thủ đô Baghdad của Iraq, nơi đặt đại sứ quán Mỹ.
Reuters dẫn lại tin của The Wall Street Journal đăng hôm 13/1.
Tờ báo trích lời các quan chức Mỹ, cả đương nhiệm lẫn đã rời chức vụ, nói rằng yêu cầu của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), với sự lãnh đạo của ông John Bolton, đã gây quan ngại lớn đối với quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.
Theo Reuters, Lầu Năm Góc đã tuân thủ yêu cầu, nhưng hiện không rõ các lựa chọn tấn công Iran có được cung cấp cho Nhà Trắng, hay liệu Tổng thống Donald Trump có biết về việc này, hay không.
XEM THÊM:
Mỹ muốn LHQ cấm Iran chế tạo phi đạn hạt nhân
Tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng quyết định mưu tìm các giải pháp tấn công Iran được đưa ra sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng ba quả pháo cối nhắm vào một khu vực ngoại giao ở thủ đô của Iraq tháng Chín năm 2018.
Hai ngày sau đó, các chiến binh không rõ danh tính đã bắn ba quả rocket rơi gần lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Basra ở miền nam Iraq. Không ai bị thương trong cả hai vụ này.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ không đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Một phát ngôn viên của NSC nói trong tuyên bố ra ngày 13/1 rằng hội đồng này “phối hợp về chính sách và cung cấp cho tổng thống các lựa chọn nhằm dự đoán và phản ứng đối với một loạt các mối đe dọa” và rằng cơ quan này sẽ tiếp tục cân nhắc “nhiều giải pháp” sau các vụ tấn công trên.
https://www.voatiengviet.com/a/nhà-trắng-mưu-tìm-khả-năng-tấn-công-iran-/4741008.html

Bão tuyết ập vào thủ đô Hoa Kỳ

Một trận bão mùa đông gây chết chóc đã ập vào Washington DC và vùng bờ Đông nước Mỹ.
Tới cuối ngày 13/1, tại một số khu vực phụ cận của thủ đô, dự báo tuyết có thể rơi dày từ 13 tới 25 cm, theo AP.
Các hãng hàng không sáng 13/1 đã phải hủy hơn một trăm chuyến bay cất cánh từ thủ đô của Hoa Kỳ.
Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia đã phát cảnh báo rằng bão có thể khiến việc đi lại tại thủ đô và các tiểu bang kế cận như Virginia và Maryland hết sức nguy hiểm hoặc thậm chí không thể.
Thống đốc Virginia ngày 12/1 phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và huy động lực lượng ứng phó với cơn bão.
Trận bão trước đó đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn vì đường trơn trượt ở Kansas và Missouri thuộc vùng Trung Tây nước Mỹ, theo Reuters.
Cảnh sát tiểu bang Missouri cho biết rằng tới giữa ngày 12/1, họ đã phải xử lý khoảng 900 vụ tai nạn liên quan tới cơn bão tuyết.
Đây được coi là trận bão tuyết lớn đầu tiên ở khu vực thủ đô Washington DC trong mùa đông năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/bão-tuyết-ập-vào-thủ-đô-hoa-kỳ/4740972.html

Mỹ : Tiết lộ mới về quan hệ với Matxcơva,

 Donald Trump điên tiết

Tú Anh
Liệu Donald Trump có phải là « nhân viên » của điện Kremlin ? Và nếu có thì do tự nguyện hay vì vô tình trúng kế Matxcơva ? Hư thực ra sao chưa rõ nhưng theo tiết lộ mới nhất của báo chí Mỹ, FBI đã đặt câu hỏi này trước khi nhà tỉ phú địa ốc đắc cử tổng thống. Từ năm 2017, FBI đã bắt đầu điều tra. Sáng sớm thứ Bảy 12/01/2019, chủ nhân Nhà Trắng không tiếc lời nhục mạ nhật báo New York Times, FBI và cựu giám đốc James Comey.
Kết quả điều tra của chưởng lý đặc biệt Robert Muller sắp được công bố trong vài tuần nữa. Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier tường thuật :
Ngay trước khi ông Robert Muller được bổ nhiệm làm chưởng lý đặc biệt, cục cảnh sát liên bang FBI đã tiến hành điều tra tổng thống Donald Trump trên hai hồ sơ.
Thứ nhất, liên quan đến an ninh quốc gia, FBI muốn biết nhà tỉ phú này trong quá khứ, vì vô tình hay hữu ý, từng hoạt động cho Matxcơva hay không ? Bởi vì, cho dù ông Donald Trump khẳng định không có tham vọng làm ăn buôn bán gì với Nga trong thời gian tranh cử, các dự án đầu tư tại Nga vẫn tiếp tục được thương lượng, theo lời khai của Michael Cohen, luật sư cũ của chủ nhân Nhà Trắng.
Hồ sơ thứ hai liên quan đến quyết định của tổng thống Donald Trump cách chức giám đốc FBI, James Comey.
Tổng thống Donald Trump đã nhìn nhận, trong một cuộc phỏng vấn, quyết định cách chức là phản ứng của ông về việc FBI mở điều tra nghi án Nga can thiệp vào chiến dịch vận động tranh cử tổng thống 2016.
Sự kiện được báo New York Times tiết lộ hôm thứ Sáu, theo đó cảnh sát liên bang đã nghi ngờ tỉ phú Donald Trump hoạt động cho Matxcơva, từ trước khi đắc cử, không phải là tin chấn động duy nhất. Vì ngay sau đó, Washington Post đưa thêm tin « sốt dẻo » : nội dung một số cuộc hội kiến giữa Donald Trump và Vladimir Putin vẫn là chuyện bí ẩn, kể cả Hội Đồng An Ninh Quốc Gia cũng không rõ.
Bởi vì khác với thông lệ, nội dung các cuộc hội đàm này không được báo cáo đầy đủ chi tiết và ít người được tham dự. Theo Washington Post, có ít nhất là một trường hợp tổng thống Donald Trump đã tịch thu sổ ghi chép của thông dịch viên. Và một trường hợp nữa là tổng thống Mỹ, một mình trao đổi với Vladimir Putin và chỉ dựa vào thông dịch viên của tổng thống Nga mà thôi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190113-my-tiet-lo-moi-ve-quan-he-voi-matxcova-donald-trump-dien-tiet

Cựu bộ trưởng thời Obama

tuyên bố tranh cử tổng thống 2020

Julian Castro, cựu thị trưởng thành phố San Antonio và cựu quan chức nhà ở hàng đầu của Hoa Kỳ, chính thức tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào ngày thứ Bảy. Ứng cử viên Đảng Dân chủ này có phần chắc sẽ cạnh tranh trong một cuộc đua đông đúc để thách thức Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2020.
Ông Castro, 44 tuổi, cháu trai của một người nhập cư Mexico, từng giữ chức Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và từ lâu được coi là một ngôi sao đang lên trong Đảng Dân chủ.
“Tôi tranh cử tổng thống vì đã đến lúc cần có sự lãnh đạo mới. Vì đã đến lúc cần có năng lượng mới,” ông Castro nói, khởi động chiến dịch tranh cử của mình ở San Antonio, bang texas. “Và đã đến lúc cần có một cam kết mới để đảm bảo rằng mọi người dân Mỹ có được những cơ hội mà tôi từng có.”
Tóm lược các lập trường chính trị của mình, ông Castro tuyên bố ủng hộ “Medicare for all,” một chủ trương mà trên thực tế sẽ tạo ra một kế hoạch chăm sóc y tế quốc gia bằng cách cho phép tất cả mọi người tham gia hệ thống chăm sóc y tế công cộng. Điểm chính sách này có thể gây chia rẽ phe Dân chủ trong đợt bầu cử sơ bộ, với các ứng cử viên ôn hòa hơn ủng hộ một cách tiếp cận ít triệt để hơn.
Ông Castro, có bà sinh ra ở Mexico, sử dụng câu chuyện cá nhân của gia đình ông để chỉ trích các chính sách biên giới của ông Trump.
“Đúng, chúng ta phải có an ninh biên giới, nhưng có một cách thông minh và nhân đạo để làm điều đó. Và không cách nào mà chúng ta được an toàn với việc nhốt trẻ em vào trong chuồng,” ông Castro nói.
Ông Castro là ứng cử viên thứ hai chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống. Cựu Dân biểu Hoa Kỳ John Delaney đã đi vận động được hơn một năm nay. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Elizabeth Warren của bang Massachusetts đã lập một ủy ban khảo cứu và Dân biểu Tulsi Gabbard cho biết hôm thứ Sáu bà sẽ ra tranh cử tổng thống.
Hơn một chục ứng cử viên Đảng Dân chủ tiềm năng đang cân nhắc tranh cử tổng thống vào năm 2020. Những người có chủ trương ôn hòa và cấp tiến trong đảng vẫn đang tranh luận làm thế nào để thách thức ông Trump theo cách hữu hiệu nhất. Ông có nhiều phần chắc sẽ là ứng cử viên của Đảng Cộng hòa.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-bo-truong-thoi-obama-tuyen-bo-tranh-cu-tong-thong-2020/4740354.html

Venezuela tuyên bố chiến thắng ngoại giao,

phớt lờ chỉ trích Maduro

Chính phủ Venezuela tuyên bố giành chiến thắng ngoại giao trong một cuộc tranh cãi ngoại giao với các nước Mỹ Latinh về tranh chấp biên giới với Guyana, trong khi phớt lờ chỉ trích nhiệm kỳ hai của Tổng thống Nicolas Maduro.
Theo Reuters, ông Maduro cảnh báo các thành viên của nhóm Lima “về các biện pháp ngoại giao” sau khi họ tuyên bố vào ngày 4/1 rằng sẽ không công nhận nhiệm kỳ thứ hai của ông vì cuộc bầu cử Venezuela 2018 không tự do và công bằng.
Thẩm phán Venezuela trốn sang Mỹ
Hai phi cơ ném bom Nga sang Venezuela làm gì?
Venezuela sẽ nâng lương tối thiểu 40%
Venezuela: Trump cảnh báo Maduro
Bạn giống Obama hay Putin?
Venezuela: Trực thăng tấn công Tòa Tối cao
Tuyên bố, được các quốc gia bao gồm Brazil, Argentina và Colombia ký kết, cũng bày tỏ lo ngại rằng Venezuela đã vi phạm chủ quyền của Guyana, bằng cách ngăn một con tàu thay mặt cho Exxon Mobil Corp thực hiện thăm dò dầu khí ngoài khơi.
Trong cuộc họp báo hôm 12/1, Bộ trưởng Ngoại giao Jorge Arreaza cho biết rằng 10/12 chính phủ đã ký tuyên bố làm rõ lập trường của họ về vụ tranh chấp Guyana.
Ông bày tỏ hy vọng rằng hai quốc gia còn lại – Paraguay và Canada – sẽ theo gương của các thành viên khác. Paraguay cắt quan hệ ngoại giao với Venezuela hôm 10/1.
Arreaza đã không đề cập đến quan điểm của nhóm Lima về tính chính danh của ông Maduro, người đã tuyên thệ hôm 10/1, ngoại trừ việc bác bỏ tuyên bố hôm 4/1 của nhóm này là “can thiệp thô bỉ” vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.
Cuộc bầu cử năm 2018 của Venezuela đã bị phe đối lập tẩy chay và bị quốc tế lên án gian lận. Ông Maduro bảo lưu quan điểm cuộc bầu cử công bằng và các nhà lãnh đạo phe đối lập không tham gia vì biết rằng họ sẽ nắm chắc phần thua.
Vài ngày trước, Thẩm phán Tòa án tối cao Venezuela Christian Zerpa trốn sang Mỹ để phản đối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Maduro.
Và ông cáo buộc Tổng thống Maduro đã thao túng tòa án tối cao.
Đáp lại, tòa án này cho biết ông Zerpa đang chạy trốn các cáo buộc quấy rối tình dục.
Các đảng đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử năm 2018 gọi đó là cuộc bầu cử giả hiệu.
Ông Zerpa từng là một đồng minh quan trọng của ông Maduro, soạn đánh giá ​pháp lý quan trọng vào năm 2016 để chứng thực cho quyết định tước bỏ quyền lực của quốc hội của tổng thống.
Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đã mất quyền kiểm soát cơ quan lập pháp trước phe đối lập trong cuộc bỏ phiếu hồi đầu năm đó.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn với kênh EVTV của Miami hôm 6/1, ông Zerpa gọi Tòa án tối cao là “phần phụ của nhánh hành pháp” và nói rằng tổng thống sẽ chỉ đạo các thẩm phán trong một số vụ án nhất định.
Ông nói rằng ông đã không công khai chỉ trích kết quả bầu cử năm 2018 để đảm bảo ông và gia đình có thể trốn sang Mỹ an toàn.
Ông Maduro chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 10/1.
Đến nay, 14 quốc gia triệu hồi đại sứ khỏi thủ đô Caracas để phản đối kết quả của cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5/2018 và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới với Venezuela.
Hồi tháng 12/2018, Venezuela đón hai phi cơ ném bom chiến lược của Nga như một cách tăng cường hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để phá thế bị cấm vận do Hoa Kỳ áp đặt.
Thông tin Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm 10/12 cho hay không chỉ có hai phi cơ TU-160 thuộc loại máy bay ném bom chở được vũ khí nguyên tử, Nga còn cho sang Venezuela một máy bay vận tải An-124 và một phi cơ tầm xa Il-62.
Các máy bay này đều đã đáp xuống sân bay Maiquetia gần Caracas, để chuẩn bị diễn tập quân sự cùng nước chủ nhà Nam Mỹ.
Thông cáo báo chí của chính phủ Venezuela nói đây là bằng chứng của “hợp tác đa diện giữa Nga và Venezuela, được khởi xướng từ thời (cố) Tổng thống, Tổng tư lệnh Hugo Chavez”.
Tướng Vladimir Padrino Lopez, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela đón đoàn phi công, sỹ quan Nga chừng 100 người và nói các chuyến bay này “không gây sợ hãi cho ai cả”, nhằm trấn an các nước láng giềng Nam Mỹ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46791144

Mỹ kêu gọi thành lập chính phủ mới ở Venezuela

Thu Hằng
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Venezuela đang tăng lên. Washington không công nhận nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Maduro, vừa nhậm chức hôm 10/01, và hôm qua 12/01/2019 công khai kêu gọi thành lập chính phủ mới.
Phát ngôn viên Robert Palladino của bộ Ngoại Giao Mỹ nhấn mạnh : « Dân tộc Venezuela đáng được sống tự do trong một xã hội dân chủ do một Nhà nước pháp quyền điều hành », đồng thời kêu gọi « Quốc Hội và toàn thể người dân Venezuela cùng hành động ôn hòa, để thành lập một chính phủ đúng theo Hiến Pháp và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn ».
Trước đó, đang công du Trung Đông, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định « chế độ Maduro là bất hợp pháp ». Hoa Kỳ chỉ coi Quốc Hội Venezuela là « cơ chế hợp pháp nắm quyền duy nhất, do người dân bầu lên ». Tương tự, Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ cũng không công nhận tính chính đáng của tổng thống Maduro, tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu hôm 20/05/2018 và bị phe đối lập tẩy chay.
Liên Hiệp Quốc trợ giúp nhân đạo Venezuela
Ông Maduro nhậm chức nhiệm kỳ hai trong bối cảnh kinh tế Venezuela bị khủng hoảng trầm trọng. Ngày 12/01, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất trợ giúp một số lĩnh vực « khẩn cấp » cho quốc gia dầu mỏ này, bao gồm thực phẩm và y tế.
Trong buổi làm việc với ông Peter Grohmann, điều phối viên của Liên Hiệp Quốc tại Venezuela, tổng thống Maduro « kêu gọi sự hỗ trợ của mọi hệ thống lương thực vì đây là một trong số các vấn đề mà chúng tôi phải đối phó trong các năm 2016, 2017 và 2018 » nhưng ông không thừa nhận « khủng hoảng nhân đạo ». Ông Maduro cáo buộc các biện pháp trừng phạt của Mỹ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay.
Vào tháng 10/2018, tổ chức UNICEF đã viện trợ 32 triệu đô la cho Venezuela nhằm giảm bớt tình trạng tử vong ở trẻ sơ sinh và bảo vệ trẻ em.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190113-my-keu-goi-thanh-lap-chinh-phu-moi-o-venezuela

Pháp : Bốn người chết, 51 bị thương

trong vụ nổ ở trung tâm Paris

Thụy My
Hôm nay 13/01/2019 Viện Công tố Paris loan báo đã tìm thấy xác một phụ nữ dưới tòa nhà bị nổ, có thể do rò rỉ khí đốt, tại trung tâm Paris hôm thứ Bảy. Như vậy tổng số nạn nhân thiệt mạng trong tai nạn này là 4 người, và có 51 người khác bị thương.
Đây là người cư ngụ tại căn hộ ngay trên địa điểm bị phát nổ, đã mất tích từ hôm qua và được 55 lính cứu hỏa cùng với chó nghiệp vụ tìm kiếm suốt đêm. Hôm qua cơ quan chức năng thông báo có hai người lính cứu hỏa (27 và 28 tuổi), một nữ du khách Tây Ban Nha bị chết và 51 người bị thương trong đó có 10 người bị thương nặng. Khoảng 150 cư dân đã được sơ tán.
Vụ nổ xảy ra vào sáng sớm hôm qua 12/1 tại một tiệm bánh mì ở tòa nhà số 6 đường Trévise ở quận 9 Paris, gây cháy ở tầng trệt và lầu 1. Sức công phá mãnh liệt cho đến nỗi nhiều căn nhà ở cách đó mấy con đường cũng bị vỡ kính, xe hơi bị lật ngửa.
Trên 200 lính cứu hỏa và 100 cảnh sát được huy động, hai trực thăng đậu trước Nhà hát Opera luân phiên chở những nạn nhân bị thương nặng đến bệnh viện, do một phần Paris bị phe Áo Vàng phong tỏa. Tòa Đô chính Paris đã lập một bộ phận tiếp đón và hỗ trợ tại quận 9 để giúp cư dân khu này tìm nơi tạm trú và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu.
Rất nhiều tòa nhà ở Paris có hệ thống khí đốt để nấu ăn và sưởi ấm, nhưng các vụ nổ vì rò rỉ khí gas rất hiếm hoi.
http://vi.rfi.fr/phap/20190113-phap-bon-nguoi-chet-51-bi-thuong-trong-vu-no-o-trung-tam-paris

Người biểu tình Áo vàng Pháp cảnh báo

‘ác mộng tệ nhất’

Những người biểu tình Áo vàng Pháp dự định sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng bằng một làn sóng rút tiền phối hợp trên toàn nước này để gây sức ép với chính quyền.
Theo hãng tin Nga RT, những người Áo vàng cho biết, bằng cách đe dọa hệ thống tài chính, họ muốn đấu tranh ôn hòa để buộc Chính phủ Pháp phải thông qua các chương trình cải cách của họ.
“Nếu các ngân hàng suy yếu, nhà nước cũng lập tức suy yếu”, RT dẫn lời Tahz San, một “người có cảm tình” với phong trào Áo vàng, tuyên bố trên Facebook. “Đó là cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với các quan chức được dân chọn bầu”.
Người biểu tình dự kiến sẽ rút cạn các tài khoản ngân hàng của họ vào thứ Bảy tới (12/1), rút nhiều nhất có thể. Kế hoạch này nhằm “đe dọa nhà nước một cách hợp pháp và không có bạo lực”, buộc chính phủ phải chấp nhận Sáng kiến Trưng cầu Dân ý của người dân mà phong trào biểu tình đưa ra, theo đó cho phép các công dân đề xuất và bỏ phiếu về các luật mới.
“Chúng tôi sẽ giành lại bánh mì của mình… Các người đang kiếm tiền từ tiền của chúng tôi, và chúng tôi chán ngấy rồi”, người biểu tình tên là Maxime Nicolle nói trong một thông điệp video đăng trên Youtube.
Một hành động tài chính được phối hợp tốt có thể khiến hệ thống ngân hàng Pháp sụp đổ, vì ngân hàng luôn nắm một phần quỹ mà người dân nước này có trong các tài khoản của họ. Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng giới hạn lượng tiền rút qua máy tự động (ATM), do vậy người biểu tình sẽ phải xếp hàng bên trong các nhà băng để rút nốt phần còn lại.
Như vậy có nghĩa là nhà chức trách có đủ thời gian để áp đặt các giới hạn rút tiền. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ sẽ khiến biểu tình phản đối càng trở nên gay gắt hơn.
Cách biểu tình tài chính này là một phương thức mới của phong trào Áo vàng nhằm phá hỏng kế hoạch trấn áp “những cuộc biểu tình trái phép” mà Thủ tướng Edouard Philippe thông báo mới đây sau một cuối tuần bạo loạn. Ông Philippe tuyên bố 80.000 nhân viên an ninh sẽ được triển khai cho biểu tình cuối tuần tới.
Trong khi đó, chia rẽ đang tồn tại bên trong chính phong trào Áo vàng, với một số cựu thủ lĩnh kêu gọi theo đuổi một giải pháp chính trị. Chính phủ đề nghị người biểu tình hãy cất lên tiếng nói của mình trong một cuộc thảo luận toàn quốc thay vì đổ ra đường như hai tháng vừa qua. Cuộc thảo luận này, dự kiến vào tuần tới, sẽ bao gồm nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho tới “các vấn đề dân chủ”, thuế và dịch vụ công.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25789-nguoi-bieu-tinh-ao-vang-phap-canh-bao-ac-mong-te-nhat.html

Anh có kế hoạch

thiết lập căn cứ quân sự tại Đông Nam Á

Một tàu chiến đổ bộ của Vương quốc Anh đã đi qua Biển Đông vào tháng 8/2018 để khẳng định quyền tự do hàng hải, và nước này đang có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự tại Đông Nam Á.
Một quyết định được cho là cùng với đồng minh kiềm chế tham vọng của Trung Quốc, theo VOV.
Khi có một căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, nước Anh có thể điều tàu chiến thực hiện các nhiệm vụ một cách thuận lợi hơn, ít nhất là so với lần triển khai tàu chiến mới nhất tới Biển Đông hôm 31/8.
Căn cứ quân sự này sẽ giúp Anh thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc khi Anh sẽ kết hợp với Mỹ trong các cuộc tập trận chung trên Biển Đông, theo đánh giá của các chính trị gia châu Á.
“Họ sẽ phải kết hợp với Mỹ, nếu không thì không còn ý nghĩa nữa. Họ sẽ hợp tác với Mỹ để thực hiện các hoạt động tự do hàng hải”, theo phó Giáo sư Eduardo Araral, Đại học Quốc gia Singapore.
Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền một phần trên Biển Đông, nhưng Trung Quốc tuyên bố khoảng 90% diện tích Biển Đông, kéo dài từ Hồng Kông đến Borneo (Malaysia), trải rộng 3,5 triệu km2.
Từ năm 2010 Bắc Kinh đã sử dụng lợi thế về công nghệ, kinh tế và quân sự để gia tăng hiện diện trên vùng biển này. Trung Quốc đã cải tạo hàng loạt đảo nhỏ thành các đảo nhân tạo lớn, đồng thời trang bị vũ khí trên các đảo này.
Để hạn chế việc mở rộng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và đồng minh thường xuyên điều tàu chiến và máy bay tới Biển Đông nhằm khẳng định luật biển quốc tế trên vùng biển này. Anh cũng đã nhiều lần có động thái tương tự.
Nhận định về kế hoạch của Anh xây căn cứ quân sự tại Đông Nam Á, ông Carl Thayer, Giáo sư của Đại học New South Wales cho hay, có thể sau khi rời EU, quốc gia này muốn mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực.
VOA đánh giá, các nước Đông Nam Á sẽ trải qua một quá trình tranh luận để chấp nhận cho Anh xây dựng một cơ sở quân sự ở đây. Còn The Telegraph cho hay, Anh đang có ý định chọn Singapore và Brunei để triển khai căn cứ quân sự của mình.
Vương quốc Anh hiện đang duy trì một cơ sở hậu cần tại căn cứ hải quân Sembawang ở Singapore.
http://biendong.net/bien-dong/25788-anh-co-ke-hoach-thiet-lap-can-cu-quan-su-tai-dong-nam-a.html

Thủ tướng Anh quốc khuyến cáo về thảm họa

nếu các nhà lập pháp không ủng hộ thỏa thuận Brexit

London, Anh Quốc – Theo tin từ Reuters, trong một lời kêu gọi ủng hộ, được đưa ra hai ngày trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh quốc, Thủ tướng Theresa May đã khuyến cáo các nhà lập pháp rằng, việc không ủng hộ kế hoạch rời khỏi Liên minh châu Âu của bà sẽ là thảm họa đối với nước Anh.
Theo hãng tin Reuters, các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit vào ngày thứ Ba (15 tháng 1) tới đây, sau khi bà May đã tạm hoãn kế hoạch bỏ phiếu vào tháng 12 năm ngoái, vào thời điểm mà rõ ràng là bà sẽ không có đủ sự ủng hộ của các nhà lập pháp từ chính đảng của bà.
Mặc dù bà May gần như đã bảo đảm được những ủng hộ cần thiết cho mình, tuy nhiên bà vẫn viết trên tờ Sunday Express rằng, các nhà lập pháp không nên làm thất vọng những người đã bỏ phiếu cho kế hoạch Brexit. Bà cũng nhấn mạnh việc không ủng hộ Brexit sẽ là một sự vi phạm nghiêm trọng và không thể tha thứ cho niềm tin vào nền dân chủ của nước Anh.
Nước Anh với nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, dự kiến sẽ rời Liên minh châu Âu vào ngày 29 tháng 3 tới đây. Tuy nhiên vào hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông Jeremy Hunt cho biết Brexit có thể hoàn toàn không xảy ra nếu như thỏa thuận của bà May bị đánh bại.
Tờ Sunday Times trích dẫn một nguồn tin từ một viên chức chính phủ cho biết, các nhà lập pháp đang chuẩn bị kế hoạch giành quyền kiểm soát chương trình nghị sự lập pháp từ bà May vào tuần tới, với mục đích đình chỉ hoặc trì hoãn kế hoạch Brexit của bà. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-anh-quoc-khuyen-cao-ve-tham-hoa-neu-cac-nha-lap-phap-khong-ung-ho-thoa-thuan-brexit/

Đức tuyên bố EU hình thành đội quân chung

nhờ vào Pháp

Theo tin từ Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen tuyên bố rằng, một đội quân chung của châu Âu đã được hình thành, nhờ vào đồng minh Pháp.
Bà Leyen cho biết thêm rằng, Đức và Pháp hiện là lực lượng chính trong rào chắn phòng thủ châu Âu, và sẽ sát cánh cùng nhau trước bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào. Nữ chính trị gia cũng đáp trả lại những người phê phán kế hoạch phòng thủ PESCO của Liên minh châu Âu EU. Các nhà lãnh đạo quân sự quốc gia cam kết hợp tác với nhau trong kế hoạch này.
Theo Fox News, PESCO là tên viết tắt của Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường trực, với sự tham gia của 25 lực lượng quân sự hoạt động cùng nhau. Bà Ursula von der Leyen khẳng định các quốc gia thực hiện thỏa thuận không phải vì họ phải chấp nhận yêu cầu từ Brussels, mà là tự nguyện vì lợi ích cho mỗi quốc gia và lợi ích an ninh châu Âu.
Trên tờ Handelsblat, bà cho hay thỏa thuận đang trong tiến trình phát triển tốt. Mặc cho quá trình Brexit đang diễn ra, và những sự bất đồng giữa các nước trong khu vực, châu Âu vẫn là một thực thể đồng nhất, góp phần kết nối nửa tỷ công dân nhân danh tự do và thịnh vượng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/duc-khang-dinh-lien-minh-chau-au-dang-xay-dung-duoc-mot-doi-quan-thong-nhat-nho-vao-phap/

Serbia : Biểu tình chống chính phủ

bước sang tuần thứ sáu

Thụy My
Khoảng 12.000 người hôm qua 12/01/2019 đã tập hợp lại ở Beograd để phản đối chính sách của tổng thống Aleksandar Vucic và chính phủ Serbia. Từ một tháng rưỡi qua, cứ mỗi thứ Bảy, hàng ngàn người dân bất bình với chính quyền lại biểu tình ở trung tâm thủ đô Beograd.
Từ Beograd, thông tín viên RFI Laurent Rouy tường trình :
« Phong trào phản kháng nổi lên vào đầu tháng 12 năm ngoái, sau khi một nhà đối lập với tổng thống Vucic bị tấn công bằng gậy sắt. Người biểu tình cũng yêu cầu phải làm rõ vụ ám sát nhà đối lập Oliver Ivanovic cách đây một năm, và việc sử dụng bạo lực đàn áp các nhà báo.
Bộ trưởng Nội Vụ cũng được yêu cầu từ chức, và phong trào còn đòi các phương tiện truyền thông thân chính phủ phải đưa tin về các cuộc biểu tình. Do bị kiểm duyệt, một bộ phận dân chúng ở tỉnh không biết về phong trào phản kháng diễn ra ở trung tâm thủ đô.
Một người đàn ông tức giận nói : « Người dân Serbia không có quyền nói ra những gì mình nghĩ. Những ai phát biểu thì lập tức bị sỉ nhục công khai, bị mắng là đồ rác rưởi ». Một phụ nữ thêm vào : « Cần phải thay đổi tổng thống và chính phủ này ».
Tổng thống Serbia phản ứng bằng những tuyên bố trái ngược nhau. Khi thì ông tỏ ra nghi kỵ phong trào biểu tình, lúc khác lại nói chính phủ sẵn sàng đối thoại với nhân dân.
Đối với Stéphane, một sinh viên ở Beograd, đây là bằng chứng cho thấy các cuộc biểu tình đã có được tác động. Anh nói : « Ông Vucic đã sợ, ông ta chuẩn bị một cuộc mít-tinh để đối phó vào ngày 17 tháng Giêng tới. Chúng tôi hy vọng người dân biết tỉnh thức đúng lúc. Hy vọng, đó là tất cả những gì còn lại của chúng tôi ».
Trong tuần này, các cuộc biểu tình đã bắt đầu tại 9 thành phố khác. Nhưng phong trào phản kháng chưa đủ tầm cỡ để đe dọa quyền lực của tổng thống Vucic, còn phải chờ xem tiến triển sẽ như thế nào. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190113-serbia-bieu-tinh-chong-chinh-phu-buoc-sang-tuan-thu-sau

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mua tên lửa Mỹ

nếu bị cấm mua vũ khí Nga

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara sẽ không chấp nhận việc Mỹ áp đặt điều kiện liên quan đến thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Nga.
Ngày 10/1, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ nếu các điều kiện thích hợp. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không thể được thực hiện nếu Mỹ buộc Thổ Nhĩ Kỳ không mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Phát biểu trên truyền hình, ông Cavusoglu nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không chấp nhận việc Mỹ áp đặt điều kiện liên quan đến thỏa thuận mua hệ thống S-400 của Nga.
Thỏa thuận mua hệ thống S-400 được Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký vào tháng 12/2017 với trị giá 2,5 tỷ USD, bất chấp những phản đối gay gắt từ Mỹ. Mỹ chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vì mua công nghệ quân sự của Nga, cho rằng nó có thể không tương thích với vũ khí trang bị của khối NATO, đồng thời đe dọa áp đặt trừng phạt nếu thỏa thuận được tiếp tục.
Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, việc mua hệ thống S-400 là chuyện riêng của nước này, không liên quan đến bất kỳ quốc gia nào khác.
Liên quan đến kế hoạch rút quân của Mỹ tại Syria, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định, một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại nhóm vũ trang Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) tại Syria không phụ thuộc vào quyết định rút quân của Mỹ
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25779-tho-nhi-ky-se-khong-mua-ten-lua-my-neu-bi-cam-mua-vu-khi-nga.html

Túi Fukubukuro là gì

mà người Nhật xếp hàng dài để mua?

Chúng được gọi là Fukubukuro – và vào ngày đầu Năm Mới, hàng ngàn người Nhật xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ để có được một chiếc túi này.
Fukubukuro – hay túi may mắn – là các túi có các món đồ bí mật, có thể bao gồm bất kỳ thứ gì từ quần áo tới thực phẩm, tùy thuộc vào cửa hàng bán chúng.
Ban đầu, chúng được các cửa hàng bách hóa Nhật bán như một cách tiêu thụ hàng tồn kho vào dịp đầu năm, nhưng giờ đây túi Fukubukuro đã trở thành trào lưu trên cả nước.
Hộ chiếu Nhật ‘mạnh nhất’ thế giới năm 2018
Nhật: Trẻ em tự tử cao nhất trong 30 năm qua
Câu chuyện về con búp bê Nhật kokeshi
‘Hồi hộp vì không biết’
Những chiếc túi Fukubukuro được bày bán hàng năm vào ngày 1/1, và chúng được bán trong suốt tuần đầu của tháng Một, hoặc cho đến khi bán hết.
Đối với nhiều người Nhật, không phải là Năm Mới nếu không có túi Fukubukuro.
Không rõ túi Fukubukuro có xuất xứ từ đâu – có nhiều ‘sự tích’ khác nhau – nhưng một giả thuyết cho rằng chúng được bán từ đầu những năm 1900 khi các cửa hàng bách hóa bắt đầu mọc lên ở Nhật.
Ngày nay, các cửa hàng bách hóa ở Nhật, thậm chí các thương hiệu quốc tế như Starbucks hay Armani đều ăn theo trào lưu này.
Các túi bí mật này giờ đây không còn chứa các món đồ tồn kho vớ vẩn nữa, mà thường là đầy các món hàng chất lượng mà nếu mua riêng lẻ bạn sẽ phải trả giá cao hơn rất nhiều.
Giá của mỗi túi Fukubukuro từ vài đô là cho tới hàng trăm đô la.
Nhiều người xếp hàng nhiều giờ đồng hồ trước cửa hàng ưa thích chỉ để ẵm được một chiếc Fukubukuro, vì chúng thường chỉ được bán ra với số lượng có hạn.
“[Mua một chiếc Fukubukuro] cũng như là đánh cược vậy,” Clark Lawton ở Nhật nói với BBC.
“Tôi đã từng mua túi Fukuburo… háo hức là ở chỗ không biết bên trong túi có gì, và cũng là cơ hội mua đồ rẻ hơn giá thực.”
Sao khiêu dâm Nhật dạy một thế hệ TQ về sex
Diên Hy Công Lược ‘được tìm nhiều nhất trên Google’
VN phá thai cao nhất châu Á
Thử vận may
Hàng năm, mọi người lên mạng xã hội để khoe các món đồ bất ngờ trong túi Fukubukuro.
“Tôi rất hài lòng với túi Fukubukuro năm nay!” một người dùng Twitter nói. “Điều tuyệt nhất, là lại vừa cỡ.”
Thậm chí cả các nhà hàng và quán cà phê nay cũng bán túi Fukubukuro.
Những ai không may mắn lắm với túi Fukuburo thì có thể bán lại trên mạng, hay đổi chác với bạn bè.
Và nếu người đó là bạn – bạn luôn có thể chờ đến sang năm.
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-46849808

Nhật giúp Angola 643 triệu USD

chống gánh nợ từ dự án ‘Vành đai’

Nhật Bản huy động vốn nhà nước và tư nhân lên tới 643 triệu USD giúp Angola thoát khỏi gánh nặng nợ nần từ “Vành đai Con đường” của Trung Quốc, theo Nikkei.
Công ty thương mại Toyota Tsusho và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang hợp tác trong một dự án cảng biển tại Angola. Kế hoạch huy động 70 tỷ yên (643 triệu USD), từ người cho vay nhà nước lẫn tư nhân tại Nhật Bản, trong một nỗ lực nhằm giúp đỡ quốc gia châu Phi.
Động thái từ phía Nhật Bản được đưa ra giữa bối cảnh những lo ngại rằng Trung Quốc đang “chất gánh nặng” lên các nước đang phát triển với nợ quá mức, khi Trung Quốc đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Phi.
Trung Quốc đã tiếp tục thúc đẩy sáng kiến Vành đai và Con đường trên diện rộng đối với đầu tư cơ sở hạ tầng, và Trung Quốc cũng đã đứng sau nhiều dự án ở Châu Phi.
Trung Quốc đã đưa các dự án tới Angola vào khoảng năm 2002, khi nước này kết thúc một cuộc nội chiến, và hiện nay Trung Quốc được cho là chiếm hơn một nửa các khoản nợ nước ngoài của Angola.
Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, họ ưu tiên lợi nhuận và sẽ đảm bảo các khoản nợ của nước chủ nhà vẫn ổn định, nhằm thiết lập một mô hình xuất khẩu cơ sở hạ tầng cho các nền kinh tế mới nổi.
Công ty Toyota Tsusho sẽ đảm nhận trọng trách đối với cảng phía nam Angola. Cảng này sẽ sử dụng thiết bị và vật liệu của Nhật Bản để xây dựng cơ sở hạ tầng, thông qua một hợp đồng công ty Nhật ký kết với chính phủ Angola. Cảng cũng sẽ nhận các khoản vay từ ngân hàng JBIC của Nhật và các đơn vị khác.
Angola là quốc gia phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu dầu, vì vậy nâng cấp các cảng vận chuyển là nhu cầu thiết yếu, và cũng nhắm tới mục đích vận chuyển quặng sắt từ một nhà máy mới xây dựng do Nhật hậu thuẫn. Thỏa thuận sẽ được ký kết vào thứ Sáu (11/1).
Ngân hàng JBIC dự định thiết lập một hạn mức khoản vay khoảng 70 tỷ yên cho chính phủ Angola. Bên cho vay sẽ cung cấp  một nửa số tiền đó, và phần còn lại huy động từ các ngân hàng tư nhân. Cơ quan Bảo hiểm Đầu tư và Xuất khẩu Nippon (Nippon Export and Investment Insurance) đứng ra đảm bảo số tiền vay.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25786-nhat-giup-angola-643-trieu-usd-chong-ganh-no-tu-du-an-vanh-dai.html

Đài Loan: Không Anh Em Với TQ

TAIPEI, Đài Loan — Sau khi Tập Cận Bình tuyên bố rằng Đài Loan là một huyết thống với Trung Quốc lục địa, là anh em một nhà, rằng trước sau gì cũng phải sáp nhập, nhiều người Đài Loan đã lên tiếng rằng không phải như thế, rằng hai bờ eo biển Đài Loan luôn luôn là 2 bờ xa cách.
Bản tin RTI ghi về tình hình “Phê bình thuyết huyết thống của Trung Quốc, Tổ chức dân tộc nguyên trú Đài Loan nói: Thấy được sự đáng sợ của việc chung nhau một nhà”…
Bản tin RTI ghi rằng vào ngày 11/1, Ủy ban tuyên giáo người dân tộc nguyên trú thuộc Tổng giáo hội trưởng lão Cơ đốc Đài Loan đã dẫn theo đại diện của 10 dân tộc nguyên trú gồm tộc người Paiwan, Bunun v.v. cùng hô lớn khẩu hiệu, để phản đối cuộc nói chuyện của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần đây đã nói “Hai bờ eo biển cùng là người Trung Quốc”.
“Chúng tôi không phải người Trung Quốc, chúng tôi là người dân tộc nguyên trú của Đài Loan, chúng tôi phản đối một nước hai chế độ.”
Chủ nhiệm Ủy ban tuyên giáo – Mục sư Utux Lbak cho hay, người dân tộc nguyên trú Đài Loan đã đến Đài Loan định cư cách đây 16000 năm, những ngôn luận của Trung Quốc là vô liêm sỉ, bất chấp sự thật lịch sử phát triển.
Ông cũng bày tỏ thêm, Trung Quốc đã mang theo tâm lý lấy mình làm trung tâm, bức ép thế giới, và từ mô hình thực hiện “Một nước hai chế độ” ở  Tây Tạng, Tân Cương, Hong kong, sẽ giúp xã hội càng hiểu hơn nữa “sự đáng sợ của việc chung nhau một nhà”. Ông nói: “Sự thống nhất của
người Trung Quốc được đổi bằng máu tươi và súng đạn, hãy nhìn Tây Tạng, Tân Cương, hay Hong kong bây giờ thì sẽ hiểu sự đáng sợ của việc “chung nhau một nhà”. Khi quốc gia gặp phải cảnh thù trong giặc ngoài, Tổng hội chúng tôi ủng hộ Tổng thống Thái Anh Văn đứng ra ổn định chính trị, gìn giữ bảo vệ đất nước quốc gia cho Đài Loan. ”
RTI ghi rằng chuyên gia huyết học quốc tế – bác sĩ Lâm Má Lợi đã đến hiện trường ủng hộ, bà đã đưa ra chủ trương từ tuyến đường di cư cũng như lịch sử phát triển của người dân tộc nguyên trú tại Đài Loan hơn mười nghìn năm nay, bà cho rằng dù là tộc người nguyên trú trên núi hoặc đồng bằng đều không hoàn toàn có tính liên quan đến sự phát triển dòng máu của Trung Quốc.
Ủy ban tuyên giáo người dân tộc nguyên trú cho rằng, cách nói của ông Tập Cận Bình đã hoàn toàn xóa bỏ sự thật tồn tại độc lập của dân tộc nguyên trú Đài Loan. Hơn nữa huyết thống, văn hóa và sự thừa nhận cũng như tín ngưỡng của họ đều khác với Trung Quốc. Vì thế, ngoài phê phán mạnh ông Tập Cận Bình, đồng thời ủng hộ Tổng thống Thái Anh Văn đã giữ vững ổn định chính trị, lãnh đạo quốc gia.
https://vietbao.com/a289659/dai-loan-khong-anh-em-voi-tq

Tội phạm liên quan tới súng: Ở Trung Quốc có an toàn?

Christopher GilesBBC Reality Check
Quan chức công an Trung Quốc Lý Kinh Sinh nói rằng nước này là “một trong các quốc gia an toàn nhất thế giới”.
Ông nói tội phạm liên quan tới súng đã giảm 27,6% trong năm 2018.
Hãng tin chính thức của nhà nước, China News Service, chia sẻ một đoạn video ông Lý tuyên bố mức giảm, và video này đã được xem hơn 1 triệu lượt.
‘Trạm cho thuê súng’ mỉa mai văn hóa súng ở Mỹ
Sẽ ra sao nếu thế giới không còn súng đạn?
Dân Úc nộp 57.000 khẩu súng trong đợt ân xá
Vậy so sánh Trung Quốc với các nước khác thì thế nào, chúng ta có tin được vào các số liệu mà giới chức nước này nêu ra không?
Tội phạm liên quan tới súng ở Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc nói từ 2012 đến 2017, mức phạm tội liên quan tới súng giảim 81,3%, từ 311 vụ xuống 58 vụ.
Các số liệu này liên quan tới toàn bộ các vụ phạm tội có mang theo hoặc có sử dụng súng, theo Tiến sỹ Xu Jianhua, một chuyên gia về tội phạm từ Đại học Macau.
TQ chi hàng tỷ USD xây trại giam ở Tân Cương
Những khu trại bí ẩn của Trung Quốc
Tìm hiểu chuyện ‘người Hồi giáo ở TQ bị trấn áp’
“Nói về tội phạm có sử dụng súng thì Trung Quốc có thể là một trong các nước có tỷ lệ thấp nhất, bởi chính phủ có những hạn chế rất nghiêm ngặt đối với súng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các loại tội phạm khác cũng thấp,” Tiến sỹ Xu nói.
Dữ liệu trên được nhiều chuyên gia xem xét một cách thận trọng.
Borge Bakken từ Đại học Quốc gia Australia, người nghiên cứu về tình trạng phạm tội ở Trung Quốc, thì chỉ trích mạnh mẽ.
“Có những lời dối trá, những lời dối trá trắng trợn, và những số liệu thống kê về tình trạng phạm tội ở Trung Quốc. Đó là sự tuyên truyền và dữ liệu sai được đưa ra từ từng đồn cảnh sát cho tới cấp cao nhất,” ông nói.
Có những lý do khiến tỷ lệ phạm tội liên quan tới súng ở Trung Quốc thấp, ngay cả khi bản thân các số liệu đó cũng là không đáng tin cậy.
Tại Trung Quốc, cá nhân các công dân không được phép sở hữu súng, và chính phủ đã có chiến dịch nghiêm khắc nhằm tịch thu vũ khí.
Những nơi khác trên thế giới
Số liệu về tội phạm liên quan tới súng ở châu Âu và Hoa Kỳ là những tư liệu có thể dễ dàng tiếp cận hơn nhiều so với số liệu từ Trung Quốc.
Tại Hoa Kỳ, trong 2017, có 314.931 vụ đươc ghi nhận gồm các tội ngộ sát, cướp, hành hung có liên quan tới súng, theo FBI.
Trong cùng năm, tại Anh và Đức, nếu tính cả các vụ dùng súng để đe dọa thì có 6.375 vụ và 8.935 vụ được cảnh sát ghi nhận tại hai nước này.
Các số liệu trên không thể đem so sánh trực tiếp với số liệu mà Trung Quốc đưa ra, nhưng có thể nhìn thấy dễ dàng là truyền thông Trung Quốc thích lấy các câu chuyện tội phạm ở Mỹ ra để chứng minh cho sự nguy hiểm tại các thành phố nước Mỹ.
Việc tổng hợp và báo cáo về các số liệu thống kê tội phạm là chủ để gây tranh cãi tại nhiều quốc gia.
Những số liệu khác nhau được đưa theo kiểu gì thì phụ thuộc vào việc công chúng sẵn lòng tới đâu trong việc trình báo với giới chức về các vụ tội phạm, cũng như vào việc định nghĩa về các hành vi tội phạm được thay đổi ra sao.
Tường thuật về tội phạm mang tính bạo lực tại Trung Quốc
Celia Hatton, biên tập viên chuyên về vùng châu Á- Thái Bình Dương của BBC, phân tích
Hầu như ngày nào trong tuần báo chí lá cải do nhà nước kiểm soát tại Trung Quốc cũng đều nói về các vụ đâm dao, bắn súng và các vụ tấn công tình dục xảy ra tại các nước phương Tây.
Họ đặc biệt bị ám ảnh về tội phạm liên quan tới súng ở Hoa Kỳ.
Thông điệp ẩn dưới mà họ muốn đưa ra: Thế giới phương Tây không hề an toàn. Hồi tháng Bảy năm ngoái, Tòa Đại sứ Trung Quốc tại Washington cảnh báo du khách Trung Quốc tới Mỹ hãy “tránh đi ra ngoài một mình vào ban đêm”.
Bắc Kinh muốn bảo vệ công dân của mình, đúng vậy, nhưng họ cũng muốn tranh thủ khoa trương về các chính sách an ninh trong nước của mình. Các chính sách này nhằm bảo hộ công dân, tuy nhiên cũng lại là công cụ để duy trì quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản.
Tỷ lệ phạm tội trông có vẻ thấp bên trong Trung Quốc giúp chính phủ biện minh cho việc áp dụng một hệ thống theo dõi ngày càng dày đặc, không ai thoát được ở nước này.
Trung Quốc thời Tập Cận Bình sắp đi về đâu?
‘VN sao chép cách kiểm soát thông tin của TQ’
Camera an ninh TQ ‘nhìn rõ mặt từng người’
Hồi 2015, giới chức Bắc Kinh công bố rằng mọi ngóc ngách trong thành phố đều bị theo dõi bởi hệ thống camera an ninh của cảnh sát. Và tới 2020, truyền thông nhà nước Trung Quốc nói, nước này sẽ hoàn thành việc triển khai hệ thống camera theo dõi trên toàn quốc, với công nghệ nhận dạng mặt người.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường nói đến các vụ mà hệ thống theo dõi, được gọi là ‘Shar Eyes’, được áp dụng để chặn các vụ phạm tội.
Tháng Sáu năm ngoái, báo chí đăng chuyện có một cuộc tranh cãi gay gắt nổ ra giữa hai người trong một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, liên quan tới tiền bạc. “Ngay khi một phụ nữ trẻ định rút dao ra thì cảnh sát đã tới nơi, ngăn chặn được một vụ lẽ ra đã thành một vụ tắm máu,” một bài báo khi đó viết.
Cũng không ngạc nhiên gì khi một số công dân Trung Quốc nói với những người khác trên mạng xã hội rằng họ ưa đi nghỉ ở bên trong Trung Quốc hơn, bởi đó là “nơi an toàn”.
Áp lực chính trị
Tại Trung Quốc, các nhà phân tích nói rằng ở các cấp bậc khác nhau trong chính quyền, các quan chức được khuyến khích tiến hành thay đổi các số liệu về tội phạm.
Cảnh sát báo về tình trạng phạm tội đầu tiên là ở mức thành phố cho tới mức tỉnh thành, rồi sau lên cấp quốc gia.
“Số liệu thống kê về tội phạm là rất quan trọng trong việc xác định thành tích hoạt động cảu cảnh sát và chính quyền địa phương – và các cơ quan khác nhau ở cấp địa phương sẽ điều chỉnh, sửa chữa số liệu,” Tiến sỹ Xu hnói.
Nếu được coi là hoạt động tốt thì các viên chức địa phương sẽ có cơ hội được tăng lương, thăng chức nhiều hơn, ông nói thêm.
Số liệu thống kê về tình trạng tội phạm trên toàn quốc được tổng hợp từ các báo cáo của cảnh sát địa phương, và một số loại tội phạm chỉ được báo cáo nếu các vụ xảy ra ở mức độ nghiêm trọng.
Cũng có những khác biệt giữa số các cuộc điện thoại gọi tới đường dây khẩn cấp với số liệu tội phạm được công bố chính thức, theo nghiên cứu của Tiến sỹ Xu.
“Nếu bạn so sánh các vụ tội phạm được báo qua đường dây nóng, tất nhiên không phải là vụ nào cũng là tội phạm thật, nhưng bạn sẽ thấy trên 90% các cuộc điện thoại đó không được trình báo,” ông nói.
Việc đưa tin về số liệu tội phạm của Trung Quốc có thể là điều khiến người ta đặt câu hỏi, nhưng nhìn chung các thành phố của nước này được đánh giá là khá an toàn, ít xảy ra tình trạng tội phạm mang tính bạo lực.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46844407

Huawei sa thải Vương Vệ Tinh

sau khi ông này bị bắt ở Ba Lan

Cựu cán bộ ngoại giao, quan chức Huawei tại Ba Lan, ông Vương Vệ Tinh vừa bị công ty này tuyên bố sa thải.
Hôm 8/1, ông Vương bị bắt cùng cựu sỹ quan an ninh Ba Lan, Piotr D., và cuối tuần qua bị tòa án ở Warsaw ra lệnh tạm giam ba tháng để điều tra tội làm gián điệp.
Vương Vệ Tinh, còn có tên Ba Lan là Stanislaw, từng học tiếng Ba Lan ở Bắc Kinh và tại ĐH TH Lodz, đã làm tùy viên trong Lãnh sự Trung Quốc ở Gdansk, trước khi chuyển ra ngoài và làm cho Huawei.
Ba Lan bắt quan chức Huawei ‘vì nghi gián điệp’
Huawei: TQ nổi giận vụ Mạnh Vãn Chu bị bắt
Tại sao Anh không cấm Huawei?
Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt
Khi bị bắt, ông Vương đang là giám đốc phụ trách mảng khách hàng ở Ba Lan của Huawei, công ty muốn tham gia dự án 5G tại quốc gia Đông Âu, thành viên EU và Nato.
Ngay từ các phát biểu đầu tiên của Huawei, người ta đã có cảm giác công ty này muốn giữ khoảng cách với ông Vương.
Hôm 11/1, Huawei ra thông cáo báo chí nói họ “luôn tuân thủ pháp luật các nước họ lập chi nhánh, và yêu cầu mọi nhân viên tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành ở mọi thị trường họ hoạt động”.
Sang ngày 12/11, một nữ cán bộ đại diện cho Đại sứ quán TQ ở CH Ba Lan trao đổi với báo chí nhưng không xưng danh và cho biết họ muốn phía Ba Lan “đối xử với công dân TQ theo đúng quy định pháp luật”.
Người này từ chối cho báo chí biết ai ủy quyền cho bà ta nói thế nhưng truyền thông có thể hiểu Bộ Ngoại giao TQ chỉ thị bà làm như vậy.
Cùng thời gian, báo chí Ba Lan tập trung nói khá nhiều về ông Piotr D., mà có trang mạng nói tên là Piotr Durbajlo.
Trang Onet.pl cho hay ông từng là đại uý, phó cục trưởng Cục an toàn mạng của Bộ Nội vụ, và từng là cố vấn cao cấp cho Giám đốc AWB, cơ quan phản gián và bảo vệ chính trị Ba Lan.
Vào thời điểm đó, vị giám đốc AWB là tướng Krzysztof Bondaryk.
Tốt nghiệp Học viện Kỹ thuật Quân sự ở Warsaw, và cũng có bằng tại Đại học Thương mại SGH nổi tiếng của Ba Lan, ông Piotr D., còn giữ nhiều chức vụ trong các hội đồng nghiên cứu về thông tin liên lạc, an ninh mạng ở cấp chính phủ.
‘Thanh trừng’
Báo Ba Lan cũng đặt câu hỏi việc sa thải ông khỏi AWB có lý do ‘thanh trừng’ sau khi chính phủ mới lên nắm quyền từ 2015 hay không.
Sau khi không còn làm việc cho bộ máy nhà nước, ông Piotr D., vào làm cho Huawei.
Một bài báo của Witold Jurasz cũng đặt câu hỏi ‘Có gì để mà thu thập tin tình báo ở đất nước chẳng có bí mật gì?’ để gợi ý rằng vụ việc không nên là cách Ba Lan lấy lòng Mỹ “trong cuộc chiến đánh vào Huawei”.
Tác giả này cho rằng Đông Âu là vùng giành ảnh hưởng với Phương Tây của Nga và tình báo Nga chứ không phải của Trung Quốc, và đồng ý là tình báo kinh tế TQ hoạt động mạnh gần đây ở khắp nơi, như ở Đức, để tiếp quản công ty có công nghệ cao, Ba Lan xem ra khó là đối tượng.
Tuy thế, tác giả cũng không loại trừ khả năng các thông tin liên quan đến an ninh của khối Nato là mục tiêu của hoạt động tình báo nước ngoài.
Dù đã “bỏ rơi” ông Vương Vệ Tinh, có vẻ như số phận của các hợp đồng lớn mà Huawei muốn tiến hành ở Ba Lan đang bị đặt câu hỏi.
Tin mới nhất cho hay Huawei đang rơi vào tầm ngắm của chính phủ Ba Lan, dù có vụ Vương Vệ Tinh hay là không.
Hôm 12/01, phát ngôn viên của Cục an ninh mạng Ba Lan, ông Karol Okonski cho báo chí hay chính phủ “sẽ xem xét việc có loại Huawei ra khỏi thị trường Ba Lan” hay không.
Ông xác nhận các cơ quan an ninh Ba Lan đã theo dõi Huawei từ lâu, và quyết định nói trên “sẽ được công bố trong vòng vài tuần tới”, sau khi xem xét cả quan điểm của các đồng minh EU và Nato.
Một cựu nhân viên của chính Cục An ninh Quốc gia (ABW) là người Ba Lan cũng bị bắt trong cùng vụ việc.
Tin này được Phó Giám đốc Cục An ninh ABW, Maciej Wasik xác nhận với báo chí.
Theo Đài truyền hình Quốc gia Ba Lan (TVP), người Trung Quốc bị bắt là Vương Vệ Tinh, giám đốc một bộ phận của tập đoàn Huawei tại Ba Lan.
Người Ba Lan bị bắt là Piotr D. cựu nhân viên an ninh cao cấp và hiện đang làm việc trong ngành viễn thông.
Đài TVP đưa tin “Piotr D” rời ABW sau khi có cáo buộc tham nhũng, nhưng ông ta chưa bao giờ bị truy tố.
Bộ Nội vụ Ba Lan cho hay hai người này bị bắt hôm 8/1 và đã bị tòa ra lệnh tạm giam ba tháng chờ điều tra.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo rằng họ “hết sức lo ngại” về vụ bắt người này.
TVP đưa tin Cục An ninh Quốc gia khám văn phòng Huawei ở Ba Lan, cũng như văn phòng của Orange Polska nơi ông “Piotr D” được cho là đang làm việc.
Có tên là Stanislaw
Đài báo Ba Lan trong ngày 11/01 liên tiếp đăng bài về vụ ‘bắt gián điệp’.
Theo các thông tin đã đăng tải đó, ông Vương Vệ Tinh dùng tên Ba Lan là Stanislaw.
Được biết ông học ngành ngôn ngữ Ba Lan ở Bắc Kinh và nói thạo tiếng này, và từng làm việc trong Lãnh sự quán Trung Quốc tại Gdansk cho đến 2011.
Còn ông Piotr D. từng làm trong Học viện Kỹ thuật Quân sự Ba Lan ở Warsaw.
Cả hai ông Stanislaw Vương Vệ Tinh và Piotr D. đều không nhận tội khi bị bắt.
Công tố viên Ba Lan nêu cáo buộc họ “cộng tác chặt chẽ với các cơ quan an ninh Trung Quốc” và có hành vi “chống lại nước Cộng hòa Ba Lan”.
Nếu bị kết án, họ có thể nhận 10 năm tù giam.
Trong một thông cáo, Huawei nói hãng “tuân thủ tất cả các luật lệ và quy định ở các quốc gia mà hãng hoạt động, và chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên tuân thủ luật lệ và quy định ở những nước họ làm việc.”
Hãng dịch vụ viễn thông Orange nói trong một thông cáo rằng an ninh Ba Lan đã thu thập thông tin có liên quan đến một nhân viên, nhưng hãng không rõ liệu cuộc điều tra có liên quan tới công việc chuyên môn của nhân viên đó hay không.
Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Cục An ninh Ba Lan, nói với BBC rằng nhà riêng của cả hai người đàn ông đều đã bị lục soát trong cuộc điều tra.
Năm ngoái, Orange Polska cộng tác với Huawei để triển khai mạng mobile 5G ở Ba Lan.
New Zealand, Australia và Mỹ đã cấm Huawei tham gia vào phát triển mạng 5G của họ.
Có ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể dùng Huawei để do thám các quốc gia đối thủ.
Huawei đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc hãng này có liên hệ bí mật với chính phủ Trung Quốc.
Giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada hồi tháng 12 năm ngoái vì cáo buộc vi phạm trừng phạt của Mỹ với Iran.
Tin mới nhận nói CH Czech cũng vừa ra lệnh cấm dùng thiết bị 5G của Huawei và một số nhà bình luận tại Ba Lan viết trên báo chí nước này về nhu cầu “làm tương tự”, sau vụ “bắt gián điệp” tuần này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46791143

Trung Quốc: Sập mỏ than ở Thiểm Tây,

21 người thiệt mạng

Ít nhất 21 thợ mỏ thiệt mạng khi mái của mỏ than ở Thiểm Tây, Trung Quốc, bị sập, giới chức cho biết.
66 thợ mỏ được giải cứu sau vụ tai nạn hôm 12/1 tại mỏ Lijiagou gần thành phố Thần Mộc, tỉnh Thiểm Tây.
TQ hỗ trợ điện than, gây lo ngại biến đổi khí hậu
TQ dừng nhập khẩu than từ Bắc Hàn
Bắc Hàn vi phạm lệnh cấm vận, thu lợi 200 triệu đôla
TQ thực thi lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bắc Hàn
Nguyên nhân vụ này đang được điều tra, Tân Hoa Xã đưa tin.
Các vụ tai nạn khai thác mỏ ở Trung Quốc xảy ra khá thường xuyên dù đã có nỗ lực cải thiện mức độ an toàn.
Mỏ Lijiagou được Công ty khai thác Baiji vận hành, theo Tân Hoa Xã. Không có thêm thông tin chi tiết về vụ việc.
Tháng 10/2018, 21 thợ mỏ thiệt mạng trong vụ lở đá làm sập hầm mỏ tỉnh Sơn Đông.
Theo Cơ quan An toàn mỏ than quốc gia Trung Quốc, đã có 375 trường hợp tử vong trong các mỏ năm 2017, giảm khoảng 28% so với năm trước đó.
Trong thông cáo hồi tháng 1/2018, cơ quan này cho biết thực trạng an toàn tại các mỏ than “vẫn còn ảm đạm dù đã có nhiều cải thiện”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46854649

Liệu Trung Quốc có thành công

nếu tiến hành xâm lược Đài Loan?

Vào ngày 2/1, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thống nhất Đài Loan với Trung Quốc, đó không phải lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc đe dọa sử dụng sức mạnh quân sự để buộc đảo quốc sáp nhập với đại lục.
Nhưng khi ông Tập nói với các lực lượng quân sự của mình vài ngày sau đó để chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện, lời kêu gọi vũ lực rõ ràng khác với các mối đe dọa trước đây đối với hòn đảo mà Bắc Kinh xem là một tỉnh nổi loạn, theo Asia Times.
Ông Tập đang nổi lên như một người mạnh mẽ thứ ba của Cộng sản Trung Quốc hiện đại, và cũng như hai người chuyên quyền trước đây, thống nhất lãnh thổ là một ưu tiên.
Mao Trạch Đông, người sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã tàn bạo đưa Tây Tạng vào dưới sự cai trị của chính quyền trung ương Bắc Kinh. Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo mạnh thứ hai của ĐCSTQ, đã giám sát việc tiếp quản đàm phán sáp nhập Hồng Kông và Ma-cao từ người Anh và người Bồ Đào Nha.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khi ông xem một màn hình quân sự của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Biển Đông ngày 12 tháng 4 năm 2018. Ảnh chụp ngày 12 tháng 4 năm 2018. (Ảnh: Li Gang / Xinhua qua REUTERS)
Ông Tập hiển nhiên tin rằng một trong những nhiệm vụ chính của lãnh đạo như ông là sáp nhập Đài Loan, vốn đã bị tách ra khỏi đất liền kể từ sau chiến thắng của ĐCSTQ năm 1949 trong cuộc nội chiến Trung Quốc.
“Ông Tập đã gia tăng kêu gọi thống nhất sau khi cuộc bầu cử năm 2016 của Đài Loan đã loại bỏ đảng ủng hộ Bắc Kinh [Đảng Kuomintang] khỏi nhiệm kỳ tổng thống và lập pháp, đưa ra hạn chót vào năm 2020 để quyết định cuối cùng về việc có nên xông vào các bãi biển hay quay trở lại bàn đàm phán”, ông Wendell Minnick, một nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Đài Loan và là tác giả của một số cuốn sách về các lực lượng vũ trang của Trung Quốc, cho biết.
Những người theo dõi Trung Quốc khác tin rằng năm 2021, 100 năm thành lập ĐCSTQ, sẽ là một năm rất quan trọng đối với Đài Loan. Thông qua các cuộc chơi và thanh trừng quyền lực trong Đảng gần đây, ông Tập đã đảm bảo rằng ông sẽ giữ vững được quyền lực khi các lễ kỷ niệm của đất nước được tổ chức.
Vào tháng 3/2018, cơ quan lập pháp Trung Quốc đã phê chuẩn lại việc bổ nhiệm ông Tập làm Chủ tịch, xóa bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ 5 năm cho chức vụ đó. Hai vị trí quyền lực khác của Tập Cận Bình – Tổng bí thư đảng Cộng sản và Chủ tịch Ủy ban quân sự Đảng – cũng không phải chịu giới hạn nhiệm kỳ.
Ông cũng là Chủ tịch Ủy ban Quân sự song song của chính phủ, một cơ quan nhà nước trung ương, củng cố vai trò là nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Những người theo dõi Trung Quốc vẫn tin rằng chiến tranh là lựa chọn cuối cùng để ông Tập có thể khiến Đài Loan đồng ý với một thỏa thuận tương tự như đã đạt được đối với Hồng Kông và Ma Cao, được đặt tên là “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó các vùng lãnh thổ này được hưởng quyền tự trị lớn.
Nhưng, trong một bài phát biểu ngày 2/1, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng hầu hết người Đài Loan đều kiên quyết phản đối khái niệm đó, và họ sẽ không bao giờ chấp nhận cai trị theo công thức do ông Tập và lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đề xuất.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Luque, Paraguay, ngày 28 tháng 6 năm 2016. (Ảnh: REUTERS / Jorge Adorno)
Một cuộc thăm dò ý kiến ​​gần đây cho thấy 80% người Đài Loan sẽ từ chối bất kỳ mô hình nào của “một quốc gia, hai chế độ”, và 61% hài lòng với phản ứng của bà Thái đối với ông Tập. Hơn nữa, 85% đã chấp thuận các điều kiện của bà Thái đưa ra cho bất kỳ cuộc đàm phán nào với Bắc Kinh, bao gồm cả yêu cầu họ trao đổi trên cơ sở chính phủ với chính phủ.
Bài Thái đại diện cho Đảng Tiến bộ Dân chủ (DPP), coi Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và dân chủ không thuộc Trung Quốc. Đảng của bà đã phải chịu một thất bại lớn trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 11/2018, bao gồm cả thành trì truyền thống của nó ở thành phố cảng phía Nam của Cao Hùng, cho đảng Kuomintang (Quốc Dân Đảng).
Mặc dù các vấn đề về lao động, cải cách lương hưu và suy thoái kinh tế là những yếu tố chính dẫn đến kết quả, Trung Quốc đã nhanh chóng nói rằng họ đã hoan nghênh sự hợp tác nhiều hơn giữa các thành phố và quận của Đài Loan sau khi có kết quả.
Sau cuộc thăm dò ý kiến, Ma Xiaoquang, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Đài Loan của Bắc Kinh, đã cố tình dẫn dắt dư luận rằng kết quả bầu cử phản ánh mong muốn mạnh mẽ của Đài Loan nói chung để tiếp tục chia sẻ lợi ích của sự phát triển hòa bình trong quan hệ eo biển Đài Loan.
Quốc Dân Đảng luôn tuyên bố rằng Trung Quốc là một quốc gia và Đài Loan là một tỉnh, mặc dù Trung Quốc theo cách hiểu của họ là Trung Hoa Dân Quốc (ROC – tên chính thức của Đài Loan), chứ không phải Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC – tên chính thức của Trung Quốc).
Mặt khác, DPP lập luận rằng Đài Loan chỉ bị cai trị từ lục địa chỉ 4 năm trong suốt 123 năm qua, và do đó đã phát triển một bản sắc riêng. Đài Loan nằm dưới sự cai trị của Nhật Bản từ năm 1895 đến năm 1945 và sau đó thống nhất với Trung Hoa Dân Quốc cho đến khi những người cộng sản Mao rút ​​về tiếp quản đại lục vào năm 1949.
Kể từ đó, ROC chỉ tồn tại trên Đài Loan và một số đảo nhỏ ngoài khơi Trung Quốc và về phía nam.
Người Đài Loan vẫy cờ dưới những tia sáng mặt trời. (Ảnh: iStock)
Thảm họa bầu cử gần đây của DPP rõ ràng đã mang lại cho Bắc Kinh hy vọng về mối quan hệ tốt hơn và các cuộc đàm phán có thể xảy ra với hòn đảo này vào năm 2020, khi Đài Loan sẽ bầu một tổng thống và cơ quan lập pháp mới.
Theo Trinick, một sự trở lại của tổng thống với ứng cử viên Quốc dân đảng hoặc bên thứ ba sẽ cho Trung Quốc một cái cớ để tránh xâm chiếm hòn đảo và quay trở lại bàn đàm phán.
Nhưng ngay cả Quốc Dân Đảng, đảng tuân thủ chính sách Một Trung Quốc, đã ban hành một tuyên bố vào ngày 3/1, nói rằng “một quốc gia, hai chế độ” không thể chấp nhận được đối với Đài Loan vì không có sự hỗ trợ phổ biến.
Sự bất đồng kéo dài ra Biển Đông, nơi Trung Quốc và Đài Loan cạnh tranh các yêu sách chồng chéo. Các nhà phân tích cho biết việc xây dựng quân đội Trung Quốc ở Biển Đông được xem chủ yếu là một phần trong chiến lược bảo đảm kiểm soát các tuyến vận tải quan trọng, nhưng cũng có một yếu tố Đài Loan đằng sau nỗ lực này.
Trung Quốc muốn bảo đảm sườn phía Nam trong trường hợp họ quyết định xâm chiếm Đài Loan, một nhà Hán học châu Âu chuyên theo dõi các sự kiện trong khu vực tuyên bố, ông yêu cầu giấu tên vì sự nhạy cảm của vấn đề.
Khi Hoa Kỳ chuyển sự công nhận từ Trung Hoa Dân Quốc sang Trung Quốc năm 1979, Washington đã ban hành Đạo luật Quan hệ Đài Loan, trong đó xác định quan hệ phi ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đài Loan.
Đạo luật không đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ can thiệp quân sự nếu Trung Quốc tấn công hoặc xâm chiếm Đài Loan, nhưng tuyên bố rằng Mỹ sẽ xem xét mọi nỗ lực để xác định tương lai của Đài Loan bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm tẩy chay hoặc cấm vận, đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực Tây Thái Bình Dương và mối quan tâm sâu sắc đối với Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ cũng đã cam kết cung cấp cho Đài Loan vũ khí với “tính chất phòng thủ” để cho phép họ “chống lại bất kỳ lực lượng hoặc vũ khí hoặc các hình thức cưỡng chế nào khác sẽ gây nguy hiểm cho an ninh, hoặc hệ thống kinh tế hoặc xã hội của người dân Đài Loan”.
Vào tháng 9, Mỹ đã phê duyệt một thương vụ bán vũ khí trị giá 330 triệu đô la Mỹ cho Đài Loan, hứa hẹn sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ. Thỏa thuận bao gồm các bộ phận cho các đội tàu F-16, C-130 và F-5 của Đài Loan và các hệ thống khác.
Một câu hỏi mở nhưng quan trọng là Đài Loan có thể chống lại một cuộc xâm lược tiềm tàng từ lục địa hay không. Đài Loan có một quân đội hiện đại và được trang bị đầy đủ với vũ khí của Hoa Kỳ sẽ khiến việc Trung Quốc xâm chiếm là cực kỳ rủi ro.
Đài Loan cũng đang phát triển khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng của riêng mình với mục tiêu xuất khẩu, qua đó giảm chi phí cho quân đội. “Là người đã theo dõi Đài Loan trong 20 năm qua, tôi chưa bao giờ thấy họ hung hăng như vậy trên thị trường quốc tế”, ông Minnick nói.
Trong vài năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chung Sơn Đài Loan, đã phát triển radar, tên lửa và cảm biến. Những sản phẩm này đã được trưng bày tại các triển lãm quốc phòng ở Trung Đông, châu Âu và châu Á.
Nhưng khi Bắc Kinh tăng cường hùng biện chiến tranh, các nhà phân tích chiến lược đang đánh giá khả năng phòng thủ mặt đối mặt của Đài Loan với Trung Quốc.
Đài Loan từng có thời gian gia cố các đảo Kinmen và Matsu để làm “đảo tiền tiêu”, nơi đã diễn ra những trận chiến khốc liệt với quân đội Trung Quốc lục địa trong quá khứ. Nhưng nay các hòn đảo hầu hết là phi quân sự.
Mặc dù quân đội Đài Loan vẫn đóng quân ở đó, nhưng họ được triển khai chủ yếu để bảo vệ các đảo khỏi sự xâm nhập của ngư dân từ đất liền và đẩy lùi những người nhập cư bất hợp pháp. Đồng thời, Đài Bắc duy trì các cơ sở giám sát tinh vi trên các hòn đảo nhằm vào Trung Quốc, điều rất quan trọng đối với hệ thống phòng thủ Đài Loan.
Đài Loan cũng kiểm soát đảo Taiping, hoặc Itu Aba, ở Biển Đông và đảo Pratas, hoặc Dongsha, các đảo ở phía Bắc, nhưng chỉ có lực lượng bảo vệ bờ biển đóng quân ở đó.
Điều đó khiến các đảo Bành Hồ giữa Đài Loan và đại lục cũng như đảo Đông Âm ở phía Bắc của Matsu là những nơi mà Bắc Kinh phải lo lắng trước khi bất kỳ đội quân xâm lược nào của họ có thể đến đảo chính của ROC.
Đài Loan duy trì một căn cứ tên lửa đất đối không tầm xa trên Đông Âm, chỉ cách bờ biển Trung Quốc 45 km ở lục địa Phúc Kiến. Vào tháng 9, có thông tin rằng Hải quân Đài Loan đang tìm cách mua các tàu tấn công nhanh bằng tên lửa chống hạm để bảo vệ hòn đảo trước một cuộc xâm lược tiềm tàng của Trung Quốc.
Với một thế hệ những người trẻ của Đài Loan được nuôi dưỡng trên máy tính, thức ăn nhanh và ý thức mạnh về quyền lợi cá nhân, coi việc mua sắm vũ khí là một sự lãng phí quỹ nhà nước, Trung Quốc có thể nghĩ rằng phòng thủ của Đài Loan đã dịu xuống trong những năm qua và một cuộc xâm lược sẽ là một việc nhanh chóng và dễ dàng.
Theo các nguồn tin tại Đài Loan, cũng có những lo ngại trong giới quyền lực Đài Loan, rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể sẵn sàng thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề thương mại có thể bao gồm lời thề của Hoa Kỳ ngừng bảo vệ nền dân chủ Đài Loan.
Mặt khác, chính phủ Trump, đã bán vũ khí, khuyến khích trao đổi chính thức và gần đây đã chỉ định nhân vật diều hâu thân Đài Loan và chống Trung Quốc John Bolton làm cố vấn an ninh quốc gia.
Dù bằng cách nào, quân đội công nghệ cao Đài Loan đã chuẩn bị tốt cho bất kỳ hành động quân sự nào của Trung Quốc.
Nếu thất bại, đó là sự tử vong đối với vị trí của ông Tập với tư cách là nhà lãnh đạo, cần đạt được những gì ông coi là cuộc thống nhất cuối cùng của Trung Quốc. Nhưng khi áp lực kinh tế ngày càng lớn ở lục địa, ông Tập có thể sẵn sàng chấp nhận rủi ro để thực hiện tầm nhìn đó và củng cố di sản của mình.
http://biendong.net/xung-dot-chien-tranh/25785-lieu-trung-quoc-co-thanh-cong-neu-tien-hanh-xam-luoc-dai-loan.html

Nước nhỏ Nepal bị giằng xé giữa TQ và Ấn Độ

Navin Singh KhadkaBBC World Service, tường thuật từ Kathmandu
Nepal bám vào Vành đai & Con đường của TQ nhưng Ấn Độ vẫn muốn tác động đến quốc gia láng giềng nhỏ bé ở vùng Himalaya.
Thủ tướng Nepal, ông KP Oli, là người lên tiếng ủng hộ dự án gây tranh cãi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Nepal muốn xây Hành lang Kinh tế với TQ
Nepal muốn khôi phục đập thủy điện với TQ
Khi các ni cô Nepal luyện võ Kung-Fu
Nepal có mốt giày ‘Sao Vàng’ của du kích Maoist
Trong một chương trình gần đây, ông Oli nói:
“BRI sẽ là chất xúc tác quan trọng giúp Nepal vạch ra chiến lược phát triển và mục tiêu thịnh vượng.”
“Chúng tôi tin tưởng rằng, BRI có thể hỗ trợ các nước như Nepal phát triển và thành công với tốc độ nhanh hơn, bằng cách đảm bảo lợi ích công bằng cho chúng tôi,” ông Oli nói thêm.
Nepal giáp với Trung Quốc ở phía Bắc và có đường biên giới dài nhất với khu tự trị Tây Tạng của quốc gia này.
Tiếp cận các cảng của Trung Quốc
Vài ngày trước, chương trình có sự tham gia của ông Oli, Nepal và Trung Quốc đã hoàn thiện văn bản thoả thuận cho phép Nepal tiếp cận tất cả các cảng biển của Trung Quốc.
“Đây là cột mốc quan trọng đối với sự chuyển đổi của Nepal, từ một vùng đất liền bị cô lập sang một vùng đất liền được kết nối,” ông Oli phát biểu.
Thủ tướng Nepal chia sẻ thêm rằng:
“Kết nối là vấn đề cốt lõi trong các cuộc thảo luận của tôi với Chủ tịch Tập Cận Bình và các vị lãnh đạo Nhà nước khác của Trung Quốc trong hai chuyến thăm gần đây.”
“Tuyến đường sắt xuyên Himalaya sẽ là bước đột phá trong chặng đường phát triển của chúng tôi. Cả hai nước đã ký biên bản hợp tác cho dự án này.”
“Nghiên cứu về tính khả thi của dự án cũng đã được hoàn thành.”
Đường đến Tây Tạng
Ba con đường riêng biệt đang được nâng cấp để kết nối Nepal với một đường cao tốc lớn, nối liền Nepal với Tây Tạng. Tuyến đường sắt của Trung Quốc cũng đã đặt chân đến đây.
Hai trong số ba con đường này sẽ kết nối trực tiếp thủ đô Katmandu với Tây Tạng.Ông Janak Bohara, một nhà thầu địa phương thuộc quận Rasuwa, giáp biên giới Tây Tạng cho hay:
“Chúng tôi làm việc cả vào mùa mưa để hoàn thành việc nâng cấp đường cao tốc nối liền Nepal với Tây Tạng.”
“Chúng tôi phải hoàn thành dự án này sớm nhất có thể.”
“Trong tương lai gần, tuyến cao tốc này sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn về giao thông giữa Nepal và Tây Tạng”
BBC đã thấy một số máy xúc, máy ủi và các phương tiện xây dựng hạng nặng ở khu vực Đông Bắc của thủ đô Katmandu.
Nepal thúc đẩy xây dựng đường nối với Tây Tạng
Ấn Độ lo lắng
Ấn Độ, một gã khổng lồ khác trong khu vực, là nước có sức ảnh hưởng đối với Nepal nhiều thập kỷ nay. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Ấn Độ tỏ ra bồn chồn trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Trong chuyến thắm Ấn Độ của ông Oli vào tháng 3 năm ngoái, nhiều tờ báo lớn của Ấn Độ đã đăng một câu chuyện khá nổi bật.
Tiêu đề của nó là “Nếu Trung Quốc xây đập cho Nepal, Ấn Độ sẽ dừng mua năng lượng: Thủ tướng Narenda Modi nói với KP Oli.”
“Nhiều người nghĩ rằng, điều ông Modi muốn nói với ông Oli đó là, ông ta có thể giao bao nhiêu dự án xây đập cho Trung Quốc cũng được, nhưng Ấn Độ sẽ không mua năng lượng được sản xuất từ các đập đó,” tờ Indian Express nói.
Được bao quanh bởi Ấn Độ ở cả ba phía (Nam, Đông, Tây), Nepal vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ Ấn Độ trong nhiều thập kỷ nay.
Các dự án của Trung Quốc
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc, gã láng giềng ở phía Bắc đã nỗ lực không ngừng để chứng minh sự hiện diện của mình.
Trung Quốc đã ký thoả thuận với Nepal để đưa tuyến đường sắt từ Tây Tạng đến thủ đô Khatmandu và sau đó là đến vùng đất Phật giáo Lumbini ở phía nam Nepal.
Dự án sân bay quốc tế ở Pokhara, một trung tâm du lịch thuộc phía Đông Nepal do Trung Quốc tài trợ cũng đang được triển khai.
Theo các thoả thuận của hai chính phủ, tuyến cao tốc mới nối liền Nepal với Trung Quốc đang được xây dựng, trong khi đó các tuyến cũ đang được nâng cấp.
Một công ty của Trung Quốc cũng đã tham gia vào một dự án thuỷ điện lớn (Tây Seti) ở phía Tây Nepal. Đây chính là công ty đã xây đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới ở Trung Quốc.
Các dự án của Ấn Độ bị trì hoãn
Trong khi danh sách các dự án của Trung Quốc đang kéo dài ra, thì một số dự án ký với Ấn Độ vẫn chưa được thực hiện nhiều năm nay.
Chẳng hạn như, dự án nước đa năng Pacheswor đã được ký từ năm 1996 nhưng đến nay vẫn chưa được tiến hành.
Hai dự án thuỷ điện lớn là Arun III và Upper Karnali đã được ký lần lượt vào năm 2014 và 2015 cũng vẫn chưa được thực thi.
Chỉ đến khi làn sóng chỉ trích các dự án này gia tăng thì một số chính sách chính trị quan trọng mới được ban hành, nhằm bắt đầu thay đổi cân bằng địa chính trị ở nước này.
Sau khi Cộng hoà dân chủ liên bang Nepal (trước kia là Vương quốc Hồi giáo Nepal) thông qua hiến pháp mới vào năm 2015, một số đảng chính trị ở miền Nam Nepal giáp với Ấn Độ đã phản đối. Họ cho rằng, những yêu cầu của họ đã không được đáp ứng.
Ấn Độ đề xuất rằng “hiến pháp phải toàn diện”, trong khi chính phủ lúc đó lập luận rằng Quốc hội ban hành hiến pháp hoàn toàn thống nhất và những vấn đề còn tồn tại sẽ được giải quyết đúng hạn.
Ngay sau đó, nguồn cung cấp các nhu yếu phẩm bao gồm nhiên liệu, thực phẩm, thuốc men từ Ấn Độ vào Nepal đã bị ngừng lại.
Hầu hết các nguồn cung cấp nhu yếu phẩm của Nepal là từ Ấn Độ.
Phong toả và sự phản ứng dữ dội
Nhiều người Nepal đổ lỗi cho chính phủ Ấn Độ trong việc gây ra sự phong toả, dẫn đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vài tháng sau trận động đất kinh hoàng năm 2015.
Tuy nhiên, New Delhi đã bác bỏ cáo buộc này và nói rằng chính các đảng biểu tình ở miền Nam Nepal đã ngăn chặn các xe tải chở hàng tiếp tế từ Ấn Độ.
Trong bổi cảnh người dân không có nhiên liệu để nấu ăn, ông Oli, thủ tướng lúc đó đã ký thoả thuận nhập nhiên liệu từ Trung Quốc và sử dụng lãnh thổ Trung Quốc để vận chuyển hàng hoá từ các nước thứ ba.
Lợi thế của Trung Quốc
Điều đó đã phá vỡ sự độc quyền của Ấn Độ trong việc cung cấp nhiên liệu cho Nepal cũng như vị trí quá cảnh thương mại.
“Ấn Độ đã dâng Nepal cho Trung Quốc thông qua sự phong toả này,” Hari Sharma, một nhà phân tích chính sách đối ngoại có tiếng nói với BBC.
“Trung Quốc có được Nepal (từ Ấn Độ) mà không cần phải làm gì. Chúng ta có thể thấy rằng, bây giờ Trung Quốc đã bắt đầu đầu tư mạnh vào Nepal để làm cầu nối với Nam Á, và tất nhiên mọi thứ sẽ chưa dừng lại ở đây,” ông Sharma nói thêm.
Động thái của Trung Quốc được đưa ra ngay khi Bắc Kinh thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình tung ra, nhằm làm hồi sinh Con đường Tơ lụa cổ đại bằng các tuyến xây cất, đại dự án cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển.
Trung Quốc nói rằng BRI chỉ giúp các quốc gia kết nối thương mại và phát triển kinh tế, nhưng nó còn là chiến lược xây dựng sức mạnh toàn cầu cho Trung Quốc.
Nepal đã ký tham gia BRI và một số dự án của Trung Quốc đã được tiến hành theo mục đích này.
Thủ tướng Nepal, ông Oli, hăng hái ủng hộ BRI như một dự án toàn cầu. Ông nói:
“Trong bối cảnh quỹ đạo phát triển đang chuyển sang Châu Á, BRI sẽ là nguồn năng lượng cho một làn sóng toàn cầu hoá mới.”
“Toàn cầu hoá toàn diện, toàn cầu hoà công bằng và toàn cầu hoá mang tính nhân văn.”
Ấn Độ tẩy chay
Ấn Độ đã tẩy chay một dự án lớn của Trung Quốc và sẵn sàng chống lại nó bằng mạng lưới cơ sở hạ tầng của mình trong khu vực, bao gồm Nepal.
Ngoài việc xây dựng một đường ống dẫn dầu để cung cấp nhiên liệu cho quốc gia Nam Á bị cô lập này, Ấn Độ cũng đang đẩy nhanh xây dựng một tuyến đường sắt riêng ở Nam Nepal.
Ấn Độ cũng cung cấp điện cho Nepal nhằm giúp chính quyền Nepal chấm dứt tình trạng cắt điện mà quốc gia này đã phải chịu đựng trong nhiều năm do thiếu nguồn cung nghiêm trọng.
“Trung Quốc và Ấn Độ nên đồng hành hỗ trợ sự phát triển của Nepal”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với người đồng cấp phía Nepal, ông Pradip Gyawali trong chuyến thăm Bắc Kinh hồi tháng 3 năm ngoái.
“Là hai nền kinh tế lớn nổi bật, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích cho các nước láng giềng, bao gồm Nepal, thông qua sự phát triển của mình”, ông Vương Nghị nói thêm.
Nhưng liệu hai đối thủ khổng lồ ở châu Á này sẽ thực sự làm điều đó?
Hay sự cạnh tranh sẽ khiến họ ra tay cản trở lẫn nhau?
Nepal sớm muộn cũng sẽ biết câu trả lời là gì.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46837039

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.