Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 07/01/2019

Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019 15:08 // ,

Chiến tranh thương mại:

Mỹ, TQ bắt đầu đàm phán tại Bắc Kinh

Giới Tin khắp nơi – 07/01/2019chức Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán vào thứ Hai nhằm giải quyết tranh chấp thương mại đang gây nhiều thiệt hại cho hai bên.
Năm ngoái, cả hai nước áp đặt hàng tỷ đôla thuế quan lên hàng hóa của nhau.
Cuộc đàm phán kéo dài hai ngày đánh dấu cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên kể từ khi hai nước đồng ý kiềm chế việc áp thuế trong vòng 90 ngày.
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về tác động của cuộc chiến thương mại lên nền kinh tế toàn cầu.
Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ.
Trong khi thỏa thuận đình chiến tạm thời đã làm căng thẳng giảm đi đôi chút, người ta hoài nghi về viễn ảnh có tiến triển đột phá tại cuộc họp ở Bắc Kinh.
“Vẫn có những lo ngại về việc vị trí của hai bên còn cách nhau qúa xa”, Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics nói.
“Bất đồng then chốt giữa hai bên là về chính sách công nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ.”
Chiến tranh thương mại: Ván bài lớn tại G20
Chiến tranh thương mại: TQ còn nhiều nhức nhối
Chiến tranh thương mại và chuyện hai nước TQ
Thương chiến Mỹ Trung ‘có ảnh hưởng tới VN’
Chương trình nghị sự có gì?
Các quan chức Trung Quốc và Hoa Kỳ dự kiến sẽ thảo luận một loạt các vấn đề nhức nhối.
Trong tháng 12, Nhà Trắng cho biết hai bên sẽ đàm phán việc “thay đổi cấu trúc liên quan đến việc (các công ty Hoa Kỳ) bị bắt buộc phải chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, xâm nhập không gian mạng và trộm cắp thông tin trên mạng”.
Hoa Kỳ nói rằng các chính sách thương mại “không công bằng” của Trung Quốc đã góp phần vào mức thâm hụt thương mại cao và cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ.
Giống như các quốc gia khác ở phương Tây, Hoa Kỳ cũng lo ngại về những rủi ro mà các công ty Trung Quốc có thể gây ra cho an ninh quốc gia.
Nhiều người ngày càng cho rằng cuộc chiến thương mại là cuộc chiến giành quyền lãnh đạo toàn cầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây là một ván bài rất lớn – việc không đạt được thỏa thuận có thể sẽ khiến cả hai nước tiếp tục đánh thuế lên hàng hóa của nhau.
Năm ngoái Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Hoa Kỳ ”đang sẵn sàng” áp thuế lên hàng hoá khác của Trung Quốc trị giá 267 tỷ đôla.
Những gì đã xảy ra trong chiến thương mại?
Hoa Kỳ áp thuế lên 250 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc kể từ tháng 7 năm ngoái, bao gồm một loạt các mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp.
Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ bắt đầu “cuộc chiến thương mại lớn nhất trong lịch sử kinh tế” và trả đũa bằng cách áp thuế lên 110 tỷ đôla sản phẩm của Hoa Kỳ.
Cuộc chiến thương mại đã khiến thị trường tài chính trở nên bất ổn, có nguy cơ làm tăng chi phí cho các công ty Mỹ và đang gây thêm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang có dấu hiệu căng thẳng.
Trước cuộc họp tại Bắc Kinh, Tổng thống Trump nói rằng sự suy yếu (của kinh tế Trung Quốc) có thể giúp cuộc đàm phán.
“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc muốn giải quyết tình trạng này. Nền kinh tế của họ đang không hoạt động tốt, “ông nói với các phóng viên vào Chủ Nhật.
“Tôi nghĩ rằng điều đó mang lại cho họ một động lực lớn trong việc đàm phán.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46780259

Không có các viên chức cao cấp

trong phái đoàn Hoa Kỳ

 sang đàm phán thương mại với Trung Cộng

Vào ngày Chủ Nhật (6 tháng 01), phái đoàn Hoa Kỳ đã đến Bắc Kinh để tham dự cuộc đàm phán thương mại với nhà cầm quyền Trung Cộng. Theo bản tin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, vào hôm thứ Sáu, văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) xác nhận phái đoàn Hoa Kỳ tới Bắc Kinh vào Chủ Nhật sẽ thiếu vắng một số viên chức cao cấp từng tham gia các cuộc họp cao cấp trước đây.
Theo tờ SCMP, Phó đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jeffrey Gerrish sẽ dẫn đầu phái đoàn Hoa Kỳ tham dự cuộc đàm phán sắp tới. Phái đoàn này sẽ thiếu vắng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, ông Peter Navarro. Đây là lần đầu tiên các viên chức của hai bên gặp nhau để thảo luận về vấn đề thương mại kể từ khi Hoa Kỳ và Trung Cộng tạm dừng cuộc chiến thương mại hồi tháng 12 năm ngoái.
Chuyên gia Nicolas Lardy thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận định, một phái đoàn gồm các viên chức cấp thấp chứng tỏ mục đích của chuyến đi này là nhằm tạo nền móng cho vòng đàm phán cao cấp hơn về sau, thay vì tạo ra tiến triển đáng kể. Trong khi đó, ông Gary Horlick, luật sư phụ trách vấn đề thương mại quốc tế của Ủy ban Tài chính Thượng viện Hoa Kỳ, đồng ý rằng giai đoạn đàm phán hiện nay chưa cần các thành viên cao cấp nhất trong chính quyền Tổng thống Trump.
Theo USTR, đi cùng với phái đoàn là một số viên chức cao cấp từ Tòa Bạch Ốc, văn phòng đại diện thương mại, cùng các bộ nông nghiệp, thương mại, năng lượng và ngân khố. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/khong-co-cac-vien-chuc-cao-cap-trong-phai-doan-hoa-ky-sang-dam-phan-thuong-mai-voi-trung-cong/

Mỹ gia tăng đối đầu với TQ

khi thông qua luật ARIA

Giới phân tích nhận định sự đối đầu Mỹ-Trung ở châu Á, nhất là ở khu vực Biển Đông, sẽ gia tăng sau khi Mỹ thông qua luật Sáng kiến Tái đảm bảo châu Á, nhấn mạnh cam kết của Washington với khu vực.
Theo hãng South China Morning Post, giới phân tích nhận định, sự đối đầu Mỹ-Trung ở châu Á, nhất là ở khu vực Biển Đông, sẽ gia tăng sau khi Mỹ thông qua luật nhấn mạnh cam kết của Washington đối với khu vực.
Theo giới quan sát, trong tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành thành luật Đạo luật Sáng kiến Tái đảm bảo châu Á (ARIA), dấu hiệu chứng tỏ Mỹ muốn duy trì các đồng minh trong khu vực cũng như thuyết phục họ đối phó với Trung Quốc nếu cần.
Ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng bất chấp sự lắng dịu căng thẳng thời gian gần đây, phạm vi bao trùm toàn khu vực của ARIA chứng tỏ “chúng ta sẽ thấy tác động dần dần (của đạo luật này) đối với sự cạnh tranh Mỹ-Trung ở Đông Nam Á.”
Chuyên gia này nêu rõ: “Chúng ta không thể đánh giá thấp khả năng đạo luật này góp phần làm sâu sắc thêm sự đối đầu Mỹ-Trung, kể cả trong trường hợp chính quyền Tổng thống Trump không thực sự thực thi đạo luật này.”
Sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đã dấy lên lo ngại trong khu vực, với việc Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á có thể buộc phải lựa chọn đi theo Trung Quốc hay Mỹ.
Chuyên gia Koh nhận xét, sự can thiệp của các đồng minh khu vực của Mỹ có thể khiến Trung Quốc “nhức đầu” hơn.
Ông chia sẻ: “Đề cập tới khó khăn Trung Quốc phải đối mặt, điều dễ hiểu là sức ép chiến lược có thể không chỉ xuất phát từ bản thân nước Mỹ, mà các đồng minh và đối tác khu vực của Mỹ cũng đóng vai trò quan trọng.”
Trong khi đó, ông Tony Nash, Giám đốc công ty nghiên cứu có tên Complete Intelligence, cho rằng việc ký kết ARIA đồng nghĩa với việc “Mỹ có bạn bè.”
Ông Nash nhận xét: “Những người bạn này không nhất thiết dựa trên cam kết cho vay hàng tỷ USD, mà dựa trên cam kết chính trị, kinh tế và quân sự.
Điều này cho thấy thực tế trái ngược so với các mối quan hệ giao dịch mà Trung Quốc xây dựng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường.”
Tuy vậy, ông Nash cho rằng, đạo luật ARIA được Mỹ thông qua không phải là chiến thuật để gây sức ép buộc Trung Quốc đưa ra nhượng bộ trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới.
http://biendong.net/bi-n-nong/25681-my-gia-tang-doi-dau-voi-tq-khi-thong-qua-luat-aria.html

Lần đầu tiên tập trận tên lửa tại Nhật Bản:

Mỹ tiếp tục gửi thông điệp cứng rắn tới TQ

Mỹ sẽ lần đầu tiên tập trận tên lửa tại Nhật Bản trong năm 2019, động thái được cho là nhằm đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo đất đối biển của Trung Quốc.
Truyền thông Nhật Bản ngày 03/01/2019 cho biết quân đội Mỹ đã trao đổi với đối tác Nhật Bản về kế hoạch triển khai tên lửa đất đối hạm ở Okinawa, hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong năm nay 2019. Đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ tập trận tên lửa tại Nhật Bản, với sự hiện diện của các bệ phóng tên lửa di động, vốn được coi là biện pháp đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ tên lửa đạn đạo đất đối biển của Trung Quốc.
Vài năm gần đây, các tàu chiến Trung Quốc thường xuyên đi qua vùng biển gần Okinawa, địa điểm đóng quân của phần lớn quân đội Mỹ tại Nhật Bản. Giới chuyên gia cho biết việc Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh hoạt động hàng hải ở khu vực là một phần của kế hoạch thiết lập quyền kiểm soát vùng biển được gọi là “chuỗi đảo thứ nhất”, nối liền Okinawa, Đài Loan và Philippines. Bằng cách kiểm soát “chuỗi đảo thứ hai” nối liền quần đảo Ogasawara ở phía Nam của Nhật Bản, đảo Guam của Mỹ và Indonesia, Trung Quốc đang tìm cách từng bước làm suy yếu tiến tới xóa bỏ sự thống trị của quân đội Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương. Vì vậy, việc Mỹ và đồng minh như Nhật Bản tăng cường hoạt động quân sự là biện pháp nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tháng 11/2018 vừa qua, Mỹ và Nhật Bản đã tổ chức cuộc tập trận “Kiếm sắc 2018” (Keen Sword 2018) có quy mô lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản tại vùng biển Philippines, với sự tham gia của tàu sân bay Mỹ cùng gần 150.000 binh sĩ Nhật Bản. Đây là cuộc tập trận được tổ chức hai năm một lần nhằm tăng cường tính sẵn sàng và khả năng phối hợp giữa hai bên. Năm 2016, cuộc tập trận “Thanh kiếm Sắc bén” có sự tham gia của gần 25.000 binh sĩ Nhật Bản và 10.000 binh lính Mỹ. Tham gia “Kiếm sắc 2018”, ngoài các lực lượng Mỹ, Nhật Bản và Canada, các nước Anh, Pháp, Australia và Hàn Quốc cũng cử các quan sát viên đến dự.
Theo Chuẩn Đô đốc Karl Thomas, quân đội Mỹ có mặt tại đây là để duy trì ổn định và khả năng chiến đấu. Những cuộc tập trận Kiếm sắc là chính xác những gì mà Mỹ cần. Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Hiroshi Egawa, Chỉ huy đội tàu chiến Nhật Bản đánh giá liên minh Mỹ – Nhật Bản là cần thiết cho việc duy trì ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Thông điệp của Chuẩn đô đốc Karl Thomas được gửi đi trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chiến tranh lạnh, khi Bắc Kinh đầu tư phát triển công nghệ và tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á và các vùng biển trong khu vực.Tại Biển Đông, Trung Quốc tiếp tục cho xây dựng các đảo nhân tạo và triển khai tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm. Các động thái này dấy lên câu hỏi liệu mục đích của Trung Quốc là để phòng thủ hay để phục vụ cho mục tiêu độc chiếm của nước này.
Trước đó, hôm 31/8/2018 nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan cũng đã tiến hành tập trận với Đội tàu hộ tống tấn công số 4 do tàu sân bay trực thăng Kaga của Nhật Bản dẫn đầu tại Biển Đông. Cuộc tập trận này là một phần trong chuyến đi hiếm hoi của tàu Kaga cùng hai tàu khu trục mang tên lửa Nhật Bản là Inazuma và Suzutsuki tới Biển Đông. Các tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản và Hải quân Mỹ đã triển khai tập trận theo đội hình, tham gia diễn tập cung cấp hậu cần trên biển, trao đổi thông tin liên lạc hải quân và tiến hành các hoạt động phối hợp. Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết việc triển khai lực lượng tập trận cùng Mỹ phù hợp với chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương “mở và tự do” của Thủ tướng Shinzo Abe. Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ tăng cường quan hệ với các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng và có nhiều động thái đòi hỏi yêu sách chủ quyền phi lý tại các vùng biển tranh chấp như Biển Đông, biển Hoa Đông.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25676-lan-dau-tien-tap-tran-ten-lua-tai-nhat-ban-my-tiep-tuc-gui-thong-diep-cung-ran-toi-tq.html

Vụ đóng cửa chính phủ:

phe Dân chủ tăng sức ép lên TT Trump

Phe Dân chủ vừa lên nắm quyền kiểm soát ở Hạ viện dự trù gia tăng áp lực buộc Tổng thống Donald Trump và nhà lập pháp Đảng Cộng hòa phải mở cửa hoạt động trở lại cho chính phủ sau khi những cuộc thương lượng cuối tuần qua không đạt được một sự đột phá nào để chấm dứt tình trạng đóng cửa một phần của chính phủ liên bang đã kéo dài sang tuần thứ ba, trong lúc Tổng thống Trump vẫn kiên quyết với yêu cầu cấp ngân sách xây tường biên giới.
Tổng thống Trump không tỏ dấy hiệu nào cho thấy ông sẽ thay đổi yêu cầu cấp ngân sách hơn 5 tỷ đô la để xây tường thành dọc biên giới Hoa Kỳ-Mexico, mặc dù hôm Chủ nhật, ông đã đề nghị xây tường bằng thép thay vì bê tông.
Với việc chính phủ ngừng hoạt động một phần đã bước sang tuần thứ ba, nhiều đảng viên Cộng hòa đang hồi hộp theo dõi các diễn biến từ bên lề khi mấy trăm ngàn công chức liên bang không được trả lương và sự gián đoạn hoạt động của chính phủ đã ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân Mỹ.
Các quan chức Nhà Trắng khẳng định yêu cầu cấp ngân sách xây tường biên giới trong một công văn gửi đến Quốc hội sau cuộc họp hôm Chủ nhật giữa các đại diện bên Quốc hội với các giới chức Tòa Bạch Ốc do do Phó Tổng thống Mike Pence dẫn đầu. Văn thư của quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Russell Vought đề nghị cấp ngân sách xây một hàng rào thép ở biên giới Tây Nam.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dự định bắt đầu thông qua các dự luật riêng để mở cửa lại các cơ quan trong những ngày tới, bắt đầu với Bộ Tài chính để người dân có thể nhận được tiền hoàn thuế. Kế hoạch đó được đề ra nhằm gây khó khăn hơn cho phe Cộng hòa ở Thượng viện, mà trong đó một số người đang ngày càng lo lắng về việc chính phủ đóng cửa kéo dài.
Trong số những người Cộng hòa bày tỏ mối quan ngại có Thượng nghị sĩ Susan Collins, người nói rằng Lãnh đạo khối đa số Thượng viện Mitch McConnell nên xem xét các dự luật được Hạ viện của phe Dân chủ chuyển sang.
Thượng nghị sĩ Collins nói với đài truyền hình NBC rằng: “Hãy mở cửa cho các cơ quan đó hoạt động trong lúc tiếp tục thương lượng.”
https://www.voatiengviet.com/a/vu-dong-cua-chinh-phu-phe-dan-chu-tang-suc-ep-len-tt-trump/4732023.html

”Shutdown”: Trump đề nghị

tường thép thay vì bê-tông

Thụy My
Tại Hoa Kỳ, tình trạng shutdown (chính phủ bị đóng cửa) đến hôm nay 07/01/2019 đã kéo dài hơn hai tuần lễ, và các cuộc thương lượng cấp cao đã diễn ra vào cuối tuần qua nhưng không mang lại kết quả. Tổng thống Donald Trump nhất định muốn xây bức tường dọc theo biên giới Mêhicô.
Nhượng bộ duy nhất của Donald Trump là tường có thể làm bằng thép, thay vì bê-tông. Phe Dân Chủ cho biết sẵn sàng thảo luận về việc đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp, nhưng luôn chống việc xây bức tường dài cả ngàn cây số.
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :
“Liệu tổng thống Donald Trump sẽ tuyên bố « tình trạng khẩn cấp quốc gia » liên quan đến an ninh biên giới Mêhicô, để chấm dứt « shutdown » và nhất là có được ngân quỹ để xây dựng bức tường mà ông mong muốn ? Ông Trump vẫn để treo lơ lửng mối đe dọa này, nhưng đây là một ý định mang nhiều rủi ro, và có thể dẫn đến bế tắc.
Như vậy nên có giải pháp nào ? Hồi tháng 12 hai bên đã đạt được một thỏa thuận, nhưng tổng thống đã lùi bước dưới áp lực của phe mình. Dân biểu Steny Hoyer của đảng Dân Chủ tỏ ý tiếc về việc dự định này bị bác bỏ. Ông nói : « Chúng tôi đã quyết định bỏ phiếu thông qua văn bản ấy, nhưng phe Cộng Hòa đã chọn việc làm cho chính phủ bị tê liệt. Thế nên giờ đây trước hết phải khởi động lại chính quyền và tiếp đến là thương lượng, chứ không phải ngược lại ».
Vấn đề là đôi bên giờ đang so găng, và uy tín của Hoa Kỳ đang bị ảnh hưởng.
Phe Dân Chủ cho rằng việc xây dựng một bức tường dọc theo biên giới là « phi đạo đức ». Nhưng dân biểu Liz Cheney của đảng Cộng Hòa phân tích theo hướng khác. Bà nói : « Điều phi đạo đức chính là không giữ an ninh khu vực biên giới, không bảo vệ các công dân của đất nước. Tổng thống không có nghĩa vụ nào quan trọng hơn thế, và tương tự đối với chúng ta, các dân biểu ở Hạ Viện. Chúng ta nhất thiết phải bảo vệ biên giới nước mình ».
Những lý lẽ được ông Donald Trump nêu ra để cảnh báo xem chừng hơi quá so với thực tế, vì số lượng người nhập cư bất hợp pháp đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Tổng thống Mỹ khẳng định đã có 4.000 người, được cho là khủng bố, bị ngăn chận tại biên giới, trong khi trên thực tế những người này đã bị chận lại khi quá cảnh ở các  sân bay.
Liệu ông Trump có thuyết phục được công luận rằng phe Dân Chủ đã quá khoan dung, và họ phải chịu trách nhiệm về tình trạng bế tắc hiện nay hay không ? ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190107-my-shutdown-keo-dai-trump-de-nghi-tuong-thep-thay-vi-be-tong

Cố vấn an ninh của Trump

nêu điều kiện Mỹ rút quân khỏi Syria

Anh Vũ
Ông John Bolton, cố vấn an ninh của Nhà Trắng trên đường công du Trung Đông, hôm qua 06/01/2019, tại Jerusalem đã khẳng định việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ được tiến hành trong điều kiện việc bảo vệ các đồng minh của Washington phải được bảo đảm.
Trước khi tới Ankara, ông Bolton cũng đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ phải bảo đảm không tấn công lực lượng Kurdistan tại Syria, một điều kiện có thể ảnh hưởng xấu tới quan hệ Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ vừa mới được làm ấm lại.
Thông tín viên RFI Alexandre Billette tại Istanbul :
“Bề ngoài thì chuyến công du diễn ra trong không khí thân mật, vì quan hệ ngoại giao Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã nồng ấm trở lại. Nhưng chuyến đi của ông John Bolton có lẽ phức tạp hơn bởi những ngày qua, Nhà Trắng đã tỏ thái độ chỉ trích Ankara nhiều hơn.
Trước tiên là ngoại trưởng Mike Pompeo tỏ lo ngại về một « vụ thảm sát người Kurdistan » tại Syria do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện. Tiếp đến chính ông John Bolton đã khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ phải cam kết không tấn công người Kurdistan, và đó là điều kiện để Mỹ rút quân khỏi Syria.
Ankara đã tỏ phản ứng bực tức. Phát ngôn viên phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua nói tuyên bố của ông Bolton là « phi lý ». Theo bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ, người Mỹ nhầm lẫn giữa « những tổ chức khủng bố » với « những người anh em Kurdistan của chúng ta ».
Tóm lại, sau thông báo dứt khoát của tổng thống Donald Trump, giờ là lúc đặt điều kiện và các chi tiết về việc rút quân Mỹ khỏi Syria. Những điều kiện đó có thể sẽ làm cho cuộc gặp giữa ông John Bolton với tổng thống Recep Tayyip Erdogan trở nên kém nồng nhiệt hơn dự kiến.”
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190107-co-van-an-ninh-cua-tong-thong-trump-neu-dieu-kien-my-rut-quan-khoi-syria

Giới đầu tư TQ tháo chạy khỏi Thung lũng Silicon

Các chính sách mới của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm kiểm soát sự tiếp cận của Trung Quốc đối với ngành công nghệ của Mỹ đã ngăn chặn nguồn đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Hoa Kỳ, theo hãng tin Reuters.
Theo Công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group có trụ sở ở New York, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc trong các dự án khởi nghiệp vào năm ngoái tăng đến 3 tỷ đôla, khi ấy các nhà đầu tư và các công ty công nghệ ồ ạt tranh giành các giao dịch làm ăn tại Mỹ.
Thế nhưng kể từ khi Hoa Kỳ đưa ra một quy chế mới vào tháng 8/2018 thì tình hình đã thay đổi. Theo kết quả khảo sát mà Reuters đã thực hiện với 35 công ty, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ đã chững lại.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành một dự luật mới, gia tăng thẩm quyền của chính phủ để ngăn chặn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các công ty của Hoa Kỳ, bất kể nhà đầu tư có xuất xứ từ nước nào. Nhưng Tổng thống Trump đặc biệt lên tiếng về việc ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ chiến lược của Hoa Kỳ.
Trong khi bộ quy tắc mới vẫn đang được hoàn thiện, thì các nhà đầu tư công nghệ cho biết việc rút lui cũng đang diễn ra.
Luật sư Nell O’Donnell, người đại diện cho các công ty công nghệ Hoa Kỳ giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài, cho biết: “Các thỏa thuận liên quan đến các công ty Trung Quốc, khách hàng Trung Quốc, và các nhà đầu tư Trung Quốc gần như đã chững lại.”
Các luật sư nói với Reuters rằng họ đang điều chỉnh các điều khoản hợp đồng để được Washington chấp thuận. Các nhà đầu tư Trung Quốc, bao gồm các công ty đại gia đình, đã từ bỏ các giao dịch và ngừng tham gia các cuộc họp với các công ty khởi nghiệp ở Hoa Kỳ. Trong khi đó, một số doanh nhân khác lo ngại việc phê duyệt kéo dài của chính phủ Mỹ có thể làm mai một các nguồn lực và động lực của họ trong một lĩnh vực mà tốc độ tiếp cận thị trường nhanh là rất quan trọng.
Một nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon nói với Reuters rằng ông biết có đến ít nhất 10 giao dịch đã bị rút, trong đó có một số công mà công ty của ông có mua cổ phần, họ hủy giao dịch vì cần phải có sự chấp thuận từ nhóm liên ngành chính phủ được gọi là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS). Ông từ chối cho Reuters nêu tên vì sợ gây ra tác động tiêu cực cho các công ty khách hàng của mình.
CFIUS là một cơ quan liên nghành của chính phủ được giao nhiệm vụ phê duyệt dự án đầu tư nước ngoài có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và rủi ro cạnh tranh.
Từ trước đến nay, các nhà đầu Trung Quốc luôn đi đầu trong ngành công nghệ được coi là quan trọng đối với khả năng cạnh tranh toàn cầu và sức mạnh quân sự. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua cổ phần của các công ty phi mã như Uber Technologies Inc và Lyft, cũng như các công ty có công nghệ nhạy cảm hơn bao gồm công ty mạng trung tâm dữ liệu Barefoot Networks, công ty xe ôtô tự lái Zoox và công ty nhận dạng giọng nói AISense.
Ông Reid Whitten, một luật sư của công ty Sheppard Mullin, nói rằng trong số 6 công ty mà ông gần đây đã tư vấn để có được sự chấp thuận của CFIUS, thì chỉ có 2 công ty tiếp tục nộp hồ sơ. Những công ty khác đã từ bỏ giao dịch của họ hoặc vẫn đang xem xét liệu có nên tiếp tục hay không.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã áp thuế nhập khẩu trị giá hàng tỷ đôla đối với hàng hóa của nhau. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng đang xem xét một sắc lệnh để cấm các công ty Mỹ sử dụng các thiết bị viễn thông do hai công ty Trung Quốc Huawei và ZTE sản xuất, mà chính phủ Hoa Kỳ cáo buộc các công ty này hoạt động gián điệp.
https://www.voatiengviet.com/a/gioi-dau-tu-tq-thao-chay-khoi-thung-lung-silicon/4731932.html

Elon Musk khai trương nhà máy ô tô ở Trung Quốc

Ông chủ hãng Tesla, Elon Musk, vừa dự lễ động thổ nhà máy ở Thượng Hải, dự kiến sản xuất xe hơi điện vào cuối năm 2019.
Đời sống sắc màu của ‘trùm’ công nghệ Elon Musk
Bí quyết quản trị của Elon Musk, ông chủ Tesla
Đây là nhà máy sản xuất đầu tiên của Tesla bên ngoài Hoa Kỳ.
Nơi này sẽ làm loại xe Model 3 và Model Y, với hy vọng phát triển ở thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.
Nhà máy mới sẽ giúp Tesla không phải đóng thuế nhập khẩu vào Trung Quốc.
Nhà máy Gigafactory 3 sẽ là nhà máy ô tô hoàn toàn 100% vốn ngoại đầu tiên ở Trung Quốc.
Buổi động thổ diễn ra cùng ngày khi quan chức Mỹ và Trung Quốc bắt đầu họp để tìm giải pháp cho tranh chấp thương mại đang diễn ra.
Gần đây Bắc Kinh loan báo trong năm nay sẽ chấm dứt việc cấm nước ngoài sở hữu các công ty làm xe điện.
Cho tới nay, công ty nước ngoài muốn sản xuất ở Trung Quốc thì phải hợp tác với công ty quốc doanh Trung Quốc.
Nhà máy Tesla ở Thượng Hải sẽ sản xuất “phiên bản giá rẻ” của Model 3 và sản xuất Model Y (hoàn toàn mới, chưa có tên chính thức).
Tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc nâng thuế đánh vào xe hơi Mỹ lên 40%, nhưng đầu năm nay đã giảm còn 15% trong lúc diễn ra tranh chấp thương mại.
Mức thuế thấp sẽ kéo dài tới cuối tháng 3 trong lúc hai nước đàm phán.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46763721

Đưa người lên Mặt Trăng:

canh bạc đầy rủi ro của Mỹ

Richard HollinghamBBC Future
Đó là ngày 21/12/1968, vào lúc 7.50 sáng tại Mũi Kennedy, bang Florida, Mỹ.
Phi hành đoàn của phi thuyền Apollo 8, gồm Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders, được buộc dây an toàn vào ghế ở vị trí cách mặt đất khoảng 110 mét trên đỉnh tên lửa đầu tiên có người lái, Saturn 5, cỗ máy mạnh nhất từng được chế tạo.
Những anh hùng thầm lặng giải cứu Apollo 13
Tsar Bomba: Trái bom ‘thần thánh’ của Liên Xô
Chiến tranh hạt nhân: Nhân loại đã sẵn sàng tới đâu?
Chiếc phi cơ bay nửa vòng Trái đất trong 30 phút
Khi đồng hồ đang chạy những giây cuối cùng đến giờ phóng thì họ không còn gì để nói và cũng không còn có thể làm gì được.
Khoảng bốn triệu lít nhiêu liệu sắp sửa khai hỏa phía dưới họ. Đúng như lời bình luận viên trên BBC TV đã nói: “Họ đang ngồi trên một thứ tương đương với một quả bom khổng lồ.”
Quyết định táo bạo
Có rất nhiều lý do để quan ngại. Trong lần phóng thử Saturn 5 không có người kèm theo được thực hiện trước đó vài tháng, những rung lắc nghiêm trọng và lực G không lâu sau khi phóng có thể đã giết chết tất cả mọi người trên khoang.
Mặc dù kể từ đó tên lửa này đã được điều chỉnh, vợ của Borman đã được Nasa kín đáo cảnh báo rằng chồng bà chỉ có cơ hội sống sót là 50/50.
Tên lửa Saturn 5 hoạt động như thế nào không phải là điều duy nhất khiến các lãnh đạo Nasa lo lắng.
Phi thuyền Apollo 8 là sứ mạng của những cái đầu tiên – một bước nhảy vọt trong cuộc đua đưa con người lên Mặt Trăng.
Nó là phi thuyền có người đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái Đất, phi thuyền đầu tiên đi vào quỹ đạo Mặt Trăng và phi thuyền đầu tiên trở lại Trái Đất với vận tốc không ngờ là 40.000km/h.
Sứ mạng này là ván bài có tính toán của Nasa để chiến thắng trước Liên Xô trong cuộc đua đến hành tinh gần nhất của chúng ta.
“Đó là một quyết định rất, rất táo bạo,” ông Teasel Muir-Harmony, người quản thủ về Apollo tại Bảo tàng Không gian và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ ở thủ đô Washington.
“Mọi người ở Nasa đều biết đó là một sứ mạng đặc biệt rủi ro và đã có rất nhiều chỉ trích, nổi tiếng nhất là lời chỉ trích của phi hành gia Anh Bernard Lovell, cho rằng nước Mỹ đã đánh cược với tính mạng con người.”
Thật ra, chương trình Apollo 8 không bao giờ có mục tiêu tham vọng như thế. Ban đầu, nó được trù tính như là thử nghiệm đầu tiên đưa tàu đổ bộ Apollo vào quỹ đạo Trái Đất, nhưng việc sản xuất tàu đổ bộ đã bị chậm trễ.
Trên hết, CIA cảnh báo rằng thông tin tình báo cho thấy Liên Xô đang sắp thử nghiệm chuyến bay có người lái của họ vòng quanh Mặt Trăng.
Cuộc đấu trong Chiến tranh Lạnh
“Mọi người quên rằng chương trình Apollo không phải là hành trình thám hiểm hay khám phá khoa học gì hết, đó là một cuộc đấu trong Chiến tranh Lạnh,” Borman nói, “và chúng tôi là những chiến binh Chiến tranh Lạnh.”
Bất chấp những dằn vặt của các thượng cấp ông, và chỉ sau bốn tháng huấn luyện với cường độ cao, Borman, một cựu phi công chiến đấu của không quân, nói rằng ông không hề nghi ngờ gì và tin rằng sứ mạng này sẽ thành công.
“Chúng tôi buộc phải thay đổi chương trình để có thể đưa người lên Mặt Trăng trước khi kết thúc thập kỷ, đó là điều mà Tổng thống Kennedy đã hứa,” Borman nói. “Theo ý kiến của tôi sứ mạng này cực kỳ quan trọng không chỉ đối với Mỹ mà còn đối với người dân tự do ở khắp nơi.”
Người rèn kiếm ‘samurai’ đang thiết kế tàu vũ trụ
Người Âu lên vũ trụ cũng phải học tiếng Trung
‘Bảo tàng không gian bay trong quỹ đạo’
Khi động cơ đã được khởi động và tiến trình đếm ngược đã chạm đến con số không, Saturn 5 từ từ cất mình lên khỏi bệ phóng và tăng tốc bay vào bầu trời Florida trong xanh.
“Tôi cảm giác như là chúng tôi nằm trên mũi kim vậy,” Borman nói. “Tiếng ồn khiến chúng tôi có ấn tượng về sức mạnh cực lớn – tôi có cảm giác mình đang được đưa đi chứ không phải là đang ở vị trí kiểm soát.”
“Rất khó để thở, gần như không thể vận động và đôi mắt bị kéo giãn ra do đó tầm nhìn của bạn trở thành đường hầm,” ông nhớ lại, “đó là một cảm lạ thường.”
Khoảng tám phút sau họ đã vào quỹ đạo. Sau một vòng rưỡi bay quanh quỹ đạo, họ khai hỏa động cơ giai đoạn ba của hỏa tiễn và nó vọt ra xa Trái Đất đi về hướng Mặt Trăng.
Sau đó, sau hai ngày và 402.000 km, vào lúc 8h55 giờ GMT vào đêm Giáng Sinh, Borman thực hiện công đoạn đốt động cơ quan trọng để đưa phi thuyền vào quỹ đạo Mặt Trăng.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã khai hỏa động cơ trong khoảng bốn phút để hãm tốc vừa đủ để đi vào quỹ đạo Mặt Trăng,” Borman nhớ lại. “Vào khoảng ba phần tư hành trình, chúng tôi nhìn xuống và thấy Mặt Trăng.”
Khoảnh khắc tuyệt diệu
Phi hành đoàn này là những người đầu tiên từng nhìn thấy tận mắt phía bên kia của Mặt Trăng.
“Tôi không nghĩ bất cứ những gì tôi đã học giúp tôi biết trước về tính chất thật sự gồ ghề của bề mặt Mặt Trăng – nó hỗn độn đến mức khó tin,” Borman nói. “Tôi thấy hết sức bức bối với nào là lỗ, miệng núi lửa và tàn tích núi lửa. Đó là cái nhìn đầu tiên thú vị về một thế giới khác.”
Và đó không chỉ là quang cảnh duy nhất của Mặt Trăng đã khiến họ kinh ngạc. Khi phi thuyền đã bay được khoảng 75 giờ 48 phút, Anders nhìn thấy chấm xanh của Trái Đất nhô lên phía chân trời của Mặt Trăng và ông đã cố lục tìm phim màu để ghi lại khoảnh khắc đó.
“Sự tương phản giữa Mặt Trăng buồn tẻ và Trái Đất màu xanh tươi đẹp thật là tuyệt diệu. Trái Đất là nơi duy nhất trong toàn vũ trụ có màu sắc,” Borman nói. “Anh có thể thấy mây trắng, những lục địa có màu xám hồng… chúng ta thật sự rất may mắn được sống trên hành tinh này.”
Sứ mạng với mục đích ban đầu là một cuộc thử nghiệm đầy rủi ro về khả năng sáng tạo kỹ thuật của con người và lòng can đảm của phi hành gia đã trở thành một trải nghiệm đầy xúc cảm không ngờ đối với những người liên quan.
Cho đến khi Apollo 8 trở về Trái Đất thì bức ảnh Earthrise (Trái Đất nhô lên) mới được tung ra, nhưng cho mùa Giáng Sinh năm 1968 phi hành đoàn đã có món quà khác cho Trái Đất.
‘Nói điều gì đó thích hợp’
“Trước chuyến bay, các nhân viên phụ trách quan hệ công chúng của Nasa nói với Borman rằng họ dự đoán có khoảng một tỷ người – tức một phần tư dân số thế giới – sẽ bật đài lên nghe buổi phát sóng của họ từ quỹ đạo Mặt Trăng,” ông Muir-Harmony nói.
“Số người nghe buổi phát sóng của họ là nhiều hơn bất cứ buổi phát sóng nào khác trong lịch sử và ông ấy được dặn dò là phải nói điều gì đó thích hợp.”
“Đó là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của một đất nước tự do,” Borman nói. “Anh có thể tưởng tượng nếu như người Liên Xô lên đến đó thì chúng ta sẽ nói về Lenin và Stalin và chúng tôi đã được nhắc là nói điều gì đó phù hợp.”
Tuy nhiên tìm ra ‘điều gì đó phù hợp’ để nói không hề dễ dàng chút nào. “Cả ba người chúng tôi và vợ chúng tôi cố gắng suy nghĩ,” Borman nói. “Chúng tôi không nghĩ ra.”
Ông tìm đến một người bạn và người này lại đi hỏi cựu phóng viên chiến trường Joe Layton. “Theo tôi hiểu, ông ấy thức suốt đêm ném đi những tờ giấy bị vò nát khi vợ ông bước ngang qua. Vợ ông là cựu chiến binh cuộc kháng chiến Pháp, bà ấy đề xuất là tại sao không bắt đầu ở điểm khởi đầu?”
Với máy quay bắt đầu chạy và khi phi thuyền tiến gần đến bình minh trên Mặt Trăng vào đêm Giáng Sinh (theo giờ Mỹ), phi hành đoàn bắt đầu đọc một đoạn từ Sách Sáng Thế: “Vào thuở khởi đầu…” Anders bắt đầu đọc. Borman kết thúc buổi phát sóng bằng câu: “Chúc ngủ ngon. Chúc may mắn. Chúc mừng Giáng Sinh và Chúa ban phước cho tất cả quý vị, tất cả mọi người trên Trái Đất an lành.”
“Chúng tôi rất tin rằng đó là câu thích hợp nhất để nói bởi vì ít nhất bản thân tôi có cảm giác choáng ngợp rằng vũ trụ lớn hơn tất cả chúng ta,” Borman nói.
Quà Giáng Sinh
Tuy nhiên, sứ mạng còn lâu mới xong. Vào ngày Giáng Sinh, Borman khai hỏa động cơ một lần nữa để rời khỏi quỹ đạo Mặt Trăng.
Cuộc tập trận suýt dẫn tới Thế Chiến III
Ông già Noel bí mật tặng quà trong không gian
Tăng nỗ lực tìm người ngoài hành tinh
“Việc chạy động cơ để đi vào quỹ đạo Trái Đất được hoàn tất ở phía xa của Mặt Trăng, không liên hệ với bộ phận kiểm soát ở mặt đất – nếu nó thất bại thì tôi vẫn bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng.”
“Thông báo, có ông già Nô-en!” Lovell thốt lên khi họ tái thiết lập liên lạc với mặt đất. Và ông già Nô-en thậm chí còn phát quà. Gói quà được bọc bằng cái nơ trang trí không cháy được thiết kế đặc biệt, phi hành đoàn tháo món quà của họ do bộ phận kiểm soát gửi lên: bữa tối gà tây với nước sốt.
“Sếp chúng tôi Deke Slayton cũng đã lén đưa ba cốc rượu brandy lên phi thuyền nhưng chúng tôi không uống,” Borman nói. “Chúng tôi không muốn nếu có bất kỳ trục trặc gì thì người ta đổ cho nó cho nên chúng tôi đem nó trở về Trái Đất.”
Vào ngày 27/12, phi hành đoàn trở về Trái Đất – tiếp xuống mặt nước khá sát với địa điểm dự kiến ở Thái Bình Dương đến nỗi con tàu cứu hộ chờ sẵn phải di chuyển ra xa. Đó là kết thúc hoàn hảo cho một sứ mạng hoàn hảo, bằng chứng cho thấy ván cược đưa người lên Mặt Trăng sẽ được đền đáp.
“Apollo 8 không chỉ là một thành tựu khoa học kỹ thuật vĩ đại,” Muir-Harmony nói. “Nó mở rộng giới hạn trải nghiệm của người, nó ảnh hưởng đến cách chúng ta trân trọng Trái Đất và vị trí của chúng ta trong vũ trụ.”
Đối với Đại tá Borman, nay đã 90 tuổi và vẫn là một chiến binh Chiến tranh Lạnh ngoan cường, thành tích vĩ đại của sứ mạng cuối cùng của ông là đưa nước Mỹ đến gần Mặt Trăng thêm một bước.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-46775203

Hải quân Mỹ đặt tên tàu,

vinh danh cựu tù nhân chiến tranh VN

Một tàu khu trục của Hải quân Hoa Kỳ sắp được đóng ở Mississippi sẽ được đặt tên theo một cựu tù nhân chiến tranh Việt Nam sau này trở thành thượng nghị sĩ đại diện cho bang Alabama.
Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Hải quân Richard Spencer hôm thứ Sáu 4/1, tuyên bố ông sẽ đặt tên Jeremiah Denton cho một tàu khu trục sắp đóng. Là một phi công thuộc lực lượng hải quân Mỹ xuất thân từ thành phố Mobile, bang Alabama, ông Denton bị bắn hạ vào năm 1965 và bị Việt Nam bắt làm tù binh.
Ông được nhiều người biết tiếng là người đã đánh vần bằng mắt chữ “torture”- có nghĩa là “tra tấn” theo ký hiệu Morse trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình.
Ông Denton được trao Huân chương Thập tự Hải quân, huân chương cao quý thứ nhì của Hải quân Hoa Kỳ. Ông rời quân ngũ năm 1977 với cấp bậc Chuẩn Đô đốc.
Ông Jeremiah Denton, một thành viên của Đảng Cộng hòa, sau đó dành được một ghế đ tại Thượng viện Hoa Kỳ, nơi ông phục vụ một nhiệm kỳ bắt đầu từ năm 1980. Ông qua đời năm 2014.
Hiện hải quân Hoa Kỳ đã phê chuẩn quyết định đóng thêm 4 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường tại trung tâm đóng tàu của tập đoàn công nghệ Huntington Ingalls ở Pascagoula, gần thành phố Mobile.
Trong số I1,500 nghìn nhân viên của Ingalls, có hơn 2000 người sinh sống tại bang Alabama.
https://www.voatiengviet.com/a/4732181.html

Thẩm phán Venezuela Christian Zerpa

trốn sang Mỹ

Thẩm phán Tòa án tối cao Venezuela Christian Zerpa trốn sang Mỹ để phản đối nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Nicolás Maduro.
Cuộc bầu cử năm ngoái “không tự do và không mang tính cạnh tranh”, viên chức từng trung thành với ông Maduro nói với đài phát thanh Florida.
Và ông cáo buộc Tổng thống Maduro đã thao túng tòa án tối cao.
Hai phi cơ ném bom Nga sang Venezuela làm gì?
Venezuela sẽ nâng lương tối thiểu 40%
Venezuela: Trump cảnh báo Maduro
Bạn giống Obama hay Putin?
Venezuela: Trực thăng tấn công Tòa Tối cao
Đáp lại, tòa án này cho biết ông Zerpa đang chạy trốn các cáo buộc quấy rối tình dục.
Các đảng đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử năm 2018 gọi đó là cuộc bầu cử giả hiệu.
Ông Zerpa từng là một đồng minh quan trọng của ông Maduro, soạn đánh giá ​pháp lý quan trọng vào năm 2016 để chứng thực cho quyết định tước bỏ quyền lực của quốc hội của tổng thống.
Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela đã mất quyền kiểm soát cơ quan lập pháp trước phe đối lập trong cuộc bỏ phiếu hồi đầu năm đó.
Nhưng trong cuộc phỏng vấn với kênh EVTV của Miami hôm 6/1, ông Zerpa gọi Tòa án tối cao là “phần phụ của nhánh hành pháp” và nói rằng tổng thống sẽ chỉ đạo các thẩm phán trong một số vụ án nhất định.
Ông nói rằng ông đã không công khai chỉ trích kết quả bầu cử năm 2018 để đảm bảo ông và gia đình có thể trốn sang Mỹ an toàn.
Ông Maduro chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 10/1.
Đến nay, 14 quốc gia triệu hồi đại sứ khỏi thủ đô Caracas để phản đối kết quả của cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5/2018 và Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mới với Venezuela.
Hồi tháng 12/2018, Venezuela đón hai phi cơ ném bom chiến lược của Nga như một cách tăng cường hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc để phá thế bị cấm vận do Hoa Kỳ áp đặt.
Thông tin Bộ Quốc phòng Nga đưa ra hôm 10/12 cho hay không chỉ có hai phi cơ TU-160 thuộc loại máy bay ném bom chở được vũ khí nguyên tử, Nga còn cho sang Venezuela một máy bay vận tải An-124 và một phi cơ tầm xa Il-62.
Các máy bay này đều đã đáp xuống sân bay Maiquetia gần Caracas, để chuẩn bị diễn tập quân sự cùng nước chủ nhà Nam Mỹ.
Thông cáo báo chí của chính phủ Venezuela nói đây là bằng chứng của “hợp tác đa diện giữa Nga và Venezuela, được khởi xướng từ thời (cố) Tổng thống, Tổng tư lệnh Hugo Chavez”.
Tướng Vladimir Padrino Lopez, Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela đón đoàn phi công, sỹ quan Nga chừng 100 người và nói các chuyến bay này “không gây sợ hãi cho ai cả”, nhằm trấn an các nước láng giềng Nam Mỹ.
Nga giúp đồng minh bị bao vây, cấm vận
Phản ứng ngay lập tức của Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Mike Pompeo, là đăng trên mạng Twitter về Nga và Venezuela rằng “hai chính phủ tham nhũng phí tiền công quỹ để siết chặt tự do trong khi người dân của họ đau khổ”.
Vài ngày trước đó, Tổng thống nước xã hội chủ nghĩa Venezuela Nicolas Maduro đã thăm Moscow và gặp Tổng thống Vladimir Putin.
Ông Putin phát biểu khi đón khách rằng “hành động cấm vận Venezuela là mang tính chất khủng bố”, và Nga sẵn sàng giúp đỡ Caracas.
Đây không phải là lần đầu tiên Nga cử phi cơ TU-160 sang Venezuela.
Trong các lần trước, phi cơ chiến lược mang hỏa tiễn và bom loại này của Nga đã sang Venezuela tháng 9/2008 và cuối năm 2013, theo TASS.
Theo BBC Tiếng Nga, ông Maduro đang đối phó với lệnh bao vây, cấm vận của Hoa Kỳ bằng cách tìm tới hai đồng minh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, Venezuela cũng vay được tiền từ Trung Quốc để cứu vãn nền kinh tế đang rất khó khăn.
Gần đây, ông Maduro cũng gặp tân tổng thống cánh tả mới đắc cử của Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador, người có thái độ dè dặt hơn với Hoa Kỳ so với vị tiền nhiệm.
Cuộc diễn tập không quân dự kiến sẽ xảy ra cũng là cách ông Maduro chứng tỏ ông không bị cô lập, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump nói về khả năng can thiệp quân sự nhằm hạ bệ chính quyền xã hội chủ nghĩa ở Venezuela.
Kinh tế Venezuela tiếp tục khủng hoảng với lạm phát năm lên tới 1,3 triệu phần trăm, theo chủ tịch ủy ban tài chính Hạ viện nước này, Rafael Guzman cho biết hôm thứ Ba 11/12/2018.
Hồi tháng 8/2017, chính phủ Mỹ gọi Tổng thống Maduro là “kẻ độc tài” và đóng băng tài sản của ông tại Mỹ.
Cũng thời gian cuối năm nay, Hoa Kỳ đã có động thái ủng hộ nước đối thủ của Nga là Ukraine về quân sự.
Hôm 6/12, Không quân Hoa Kỳ cho hay họ cử một phi cơ do thám, OC-135 bay vào vùng trời Ukraine để đánh giá tình hình quân Nga.
Chiếc máy bay đem theo quan sát viên từ Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Romania và Anh, theo tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46778849

Chủ tịch Quốc hội mới của Venezuela cho rằng

Tổng thống Maduro sẽ là một người chiếm quyền

Caracas, Venezuela – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Bảy (5 tháng 1), chủ tịch mới được bầu của Quốc hội Venezuela, ông Juan Guaido cho biết Tổng thống Nicolas Maduro là một người chiếm quyền tổng thống.
Nhà lập pháp Juan Guaido – vốn là một chính khách thuộc đảng đối lập cứng rắn nổi tiếng Will Will – cho biết ông sẽ đối đầu với chế độ độc tài và tìm kiếm các cuộc bầu cử công bằng, tuy nhiên không đưa ra các chi tiết cụ thể.
Những tuyên bố của ông Guaido càng làm tăng thêm sự chỉ trích của các chính phủ trên khắp thế giới, khi họ cáo buộc ông Maduro đã phá hoại nền dân chủ và làm suy yếu nền kinh tế Venezuela. Nhưng phần lớn Quốc hội yếu ớt đã không có nhiều biện pháp cụ thể để ngăn chặn lễ nhậm chức hoặc nới lỏng quyền lực của Tổng thống Maduro.
Theo Liên Hiệp Quốc, lạm phát hàng năm của Venezuela hiện đang đứng đầu với 1,000,000%, dẫn đến phần lớn người dân không thể có được những thực phẩm căn bản và thuốc men, hậu quả là tạo ra một cuộc di dân của khoảng 3 triệu người kể từ năm 2015. Khi ấy, ông Maduro đã bào chữa rằng Venezuela là nạn nhân của một cuộc chiến kinh tế, gây ra bởi các nhà lãnh đạo phe đối lập, cùng với sự trợ giúp của Washington. Ông Maduro cho rằng họ đã áp dụng nhiều lệnh trừng phạt đối với chính phủ và nội các của ông.
Tổng thống Maduro sau đó tiếp tục giành chiến thắng cho nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2018, nhưng cuộc bỏ phiếu đã bị phe đối lập tẩy chay rộng rãi, vì họ cho rằng cuộc bầu cử được tổ chức theo hướng có lợi cho ông Maduro.
Vào hôm thứ Sáu, một nhóm các nước châu Mỹ Latin đã kêu gọi ông Maduro không nhậm chức vào ngày 10 tháng 1, nhưng Mexico – hiện đang có mối quan hệ tốt hơn với Venezuela sau cuộc bầu cử của chính phủ cánh tả – đã kêu gọi nhóm này không can thiệp vào các vấn đề của Venezuela. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/chu-tich-quoc-hoi-moi-cua-venezuela-cho-rang-tong-thong-maduro-se-la-mot-nguoi-chiem-quyen/

LHQ : Nạn buôn người

không bị trừng phạt vẫn phổ biến

Anh Vũ
Hôm nay, 07/01/2019, Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo bày tỏ lo ngại về các tội phạm buôn người cho các đường dây bóc lột tình dục, lấy nội tạng trên thế giới đa phần vẫn không bị trừng phạt.
Báo cáo của Cơ Quan Liên Hiệp Quốc chống Ma túy và Tội phạm (ONUDC), trụ sở tại Vienna ghi nhận, mặc dù gần đây các bản án liên quan đến tội phạm buôn người ở châu Phi và Trung Đông tăng nhiều, nhưng ở phần còn lại thế giới số án phạt như vậy vẫn còn rất ít, chưa có nhiều tội phạm buôn người được đưa ra xét xử. Trong khi đó, số lượng các nạn nhân tiếp tục tăng.
Văn kiện Liên Hiệp Quốc kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế để đưa các mạng lưới tội phạm buôn người ra xét xử trước công lý.
Báo cáo tổng hợp các dữ liệu cho đến năm 2016 cho thấy phổ biến nhất là nạn buôn bán phụ nữ để bóc lột tình dục, chiếm 59% số nạn nhân được thống kê trong năm 2016. Trong đó, đặc biệt là các phụ nữ của các sắc tộc thiểu số bị bán làm nô lệ tình dục cho các nhóm thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak.
Lao động cưỡng bức là hình thái phổ biến thứ hai của nạn buôn người. Con số nạn nhân chiếm 1/3, chủ yếu tại châu Phi và Trung Đông.
Từ 2014 đến 2017, báo cáo của Liên Hiệp Quốc thu thập được 100 trường hợp nạn nhân của tệ buôn người lấy nội tạng. Các trại tị nạn là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động tội phạm này.
Cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhân 70% nạn nhân của tệ buôn người bị phát hiện là phụ nữ và 23% các nạn nhân là trẻ vị thành niên. Ở khu vực châu Á, chủ yếu là nạn buôn bán phụ nữ cho mục đích cưỡng ép hôn nhân.
ONUCD đưa con số 25 nghìn nạn nhân trong năm 2016, tức tăng 10 nghìn người từ năm 2011, đa phần ở châu Mỹ và châu Á.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190107-lhq-nan-buon-nguoi-khong-bi-trung-phat-van-pho-bien

Thành viên liên minh của Thủ tướng Merkel

 yêu cầu câu trả lời về vụ tấn công mạng dữ liệu ở Đức

Berlin, Đức – Theo tin từ Reuters, vào Chủ Nhật (6 tháng 1), đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), một thành viên mới gia nhập liên minh của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ của thủ tướng nhanh chóng tìm hiểu về những thông tin mà các cơ quan an ninh của Đức biết về vụ rò rỉ dữ liệu nghiêm trọng, cũng như cách họ phản ứng với sự việc này.
Hôm thứ Sáu (4 tháng 1), chính phủ Đức thông báo về việc dữ liệu cá nhân của hàng trăm chính trị gia Đức và người nổi tiếng, trong đó có Thủ tướng Merkel, bị rò rỉ trên mạng xã hội. Đây dường như là một trong những vụ tấn công dữ liệu lớn nhất ở Đức. Vụ tấn công này đã làm chấn động nước Đức, và có nguy cơ làm lung lay “liên minh lớn” của Thủ tướng Merkel một lần nữa.
Ông Lars Klingbeil, tổng thư ký của đảng Dân chủ Xã hội Đức, tuyên bố rằng phía chính phủ phải nhanh chóng làm sáng tỏ về thời gian xảy ra sự việc cũng như cách giải quyết. Bên cạnh đó, ông Klingbeil nhấn mạnh, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer cần ưu tiên việc này, để bảo vệ nền dân chủ của Đức. Ông Seehofer cho biết, ông chỉ mới biết về sự việc này vào sáng thứ Sáu, và ông sẽ chia sẻ mọi thông tin ông biết cho công chúng vào giữa tuần này.
Ông Anton Hofreiter, lãnh đạo của đảng Xanh (Greens), yêu cầu ông Arne Schoenbohm, chủ tịch của Cơ quan liên bang về an ninh thông tin (BSI), phải giải thích khẩn cấp về sự việc này trong một cuộc họp đặc biệt của ủy ban Quốc hội.
Vào thứ Bảy, phía BSI khẳng định họ không thể liên kết trường hợp của các cá nhân bị rò rỉ thông tin mà họ biết vào năm ngoái, cho đến khi toàn bộ sự việc rò rỉ dữ liệu này được công bố vào tuần trước. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thanh-vien-lien-minh-cua-thu-tuong-merkel-yeu-cau-cau-tra-loi-ve-vu-tan-cong-mang-du-lieu-o-duc/

Những trang trại cần sa bất hợp pháp

của các băng đảng Việt Nam tại Vương quốc Anh

Jack Nguyễn – Ảnh: Lancashire Police
Theo tin từ Việt Nam News, các băng đảng tội phạm từ Việt Nam đang điều hành một mạng lưới rộng lớn các trang trại cần sa bất hợp pháp trên khắp Vương quốc Anh.
ECPAT UK, một trong những tổ chức quyền trẻ em hàng đầu của Vương quốc Anh, cho biết đã có sự gia tăng lớn về số lượng trang trại cần sa trong những năm gần đây, và nhiều trẻ em Việt Nam đã bị bán sang Anh để làm việc tại các trang trại nói trên.
Trước đây, cần sa được nhập lậu vào Vương quốc Anh từ châu Âu nhưng vì rủi ro quá cao, hầu hết cần sa bây giờ được trồng ngay tại Anh. Và các viên chức cho biết các băng đảng Việt Nam đang kiểm soát nguồn cung cấp.
Sau nhiều cuộc điều tra, ECPAT đã phát hiện ra những câu chuyện thương tâm về những đứa trẻ bị bán sang Anh từ Việt Nam, bị đánh đập và dọa giết nếu họ không làm theo lời của những băng đảng. Nhiều người trong số những thanh thiếu niên nói trên đã bị bắt trong các cuộc bố ráp của cảnh sát, để rồi phải vào tù vì họ quá sợ hãi để khai với cảnh sát họ đang làm việc cho ai.
Hồi tháng trước, 16 người quốc tịch Việt Nam đã bị phải chịu án tù tổng cộng hơn 35 năm sau khi cảnh sát phá hủy một đường dây ma túy hoạt động ở phía tây bắc nước Anh. Người đứng đầu đường dây, ông Jack Nguyễn, 28 tuổi, đã bị kết án bảy năm bốn tháng sau khi nhận tội sản xuất và cung cấp cần sa và rửa tiền.
Các băng đảng đã đến Vương Quốc Anh và chọn các khu vực có nhà ở giá rẻ để tạo ra các dây chuyền sản xuất ma túy tinh vi. (BBT)
https://www.sbtn.tv/nhung-trang-trai-can-sa-bat-hop-phap-cua-cac-bang-dang-viet-nam-tai-vuong-quoc-anh/

Biểu tình “áo khoác vàng” tiếp tục nổ ra ở Pháp

vì sự thờ ơ của Tổng thống Macron

Paris, Pháp – Theo tin từ Reuters, vào thứ Bảy (5 tháng 1), những người biểu tình theo phong trào “áo khoác vàng” đã đốt xe và rào chắn trên đại lộ Saint Germain, trong bối cảnh sự phản đối của người dân đối với chi phí sinh hoạt cao và sự thờ ơ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, dần trở thành bạo lực.
Cuộc diễn hành mới nhất của đoàn người “áo khoác vàng” bắt đầu một cách hòa bình nhưng dần chuyển hướng bạo lực vào buổi chiều, khi người biểu tình ném pháo vào cảnh sát đang chặn các cây cầu qua sông Seine, buộc cảnh sát phải đáp trả bằng hơi cay để ngăn đoàn người đến Quốc hội. Một nhà hàng trên sông đã bị đốt cháy và một cảnh sát đã bị thương khi người biểu tình ném một chiếc xe đạp trúng ông ta.
Theo hãng tin Reuters, nguyên nhân chính đằng sau các cuộc biểu tình là sự phẫn nộ của người dân, đặc biệt là những người lao động thu nhập thấp. Họ tin rằng Tổng thống Macron đang bỏ ngoài tai những khiếu nại của người dân trong lúc ông ban hành những cải cách được coi là có lợi cho những người giàu có.
Phát ngôn viên chính phủ Benjamin Griveaux đã phải bỏ chạy khỏi văn phòng bằng cửa sau, sau khi một số người biểu tình đột nhập vào khu văn phòng và đập phá xe hơi.
Bộ trưởng Nội vụ Barshe Castaner cho biết khoảng 50,000 người đã biểu tình tại các thành phố trên toàn quốc, bao gồm cả Bordeaux, Toulouse, Rouen và Marseille. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/bieu-tinh-ao-khoac-vang-tiep-tuc-no-ra-o-phap-vi-su-tho-o-cua-tong-thong-macron/

Tai tiếng ấu dâm : Pháp xét xử một hồng y

Minh Anh
Tòa án thành phố Lyon ngày 07/01/2019 bắt đầu xét xử hồng y Philippe Barbarin, cùng với ba cựu chức sắc khác trong giáo phận của ông, vì tội « không tố cáo các hành động ấu dâm » của một linh mục. Vụ tai tiếng này được tiết lộ cách nay bốn năm.
Theo dự kiến, từ hôm nay cho đến ngày 09/01, các vị thẩm phán chỉ xử lý những vấn đề thủ tục. Họ sẽ quyết định xem hồng y Barbarin và những người có liên quan đã có những phản ứng đúng mực hay chưa khi có những lời tố cáo linh mục Bernard Preynat xâm hại tình dục trẻ vị thành niên trong giai đoạn 1986 – 1991.
Hiệp hội Giải phóng lời nói, đại diện cho bên nguyên đơn, đã kiện những vị chức sắc này do họ đã « không tố cáo nạn ấu dâm nhắm vào trẻ vị thành niên 15 tuổi ». Trong vòng nhiều tháng, hiệp hội này đã thu thập được hàng chục lời chứng từ những cựu hướng đạo sinh ở xã Sainte-Foy-lès-Lyon. Những người này đều khẳng định đã bị vị linh mục trên lạm dụng tình suốt trong suốt giai đoạn đó.
Mặc dù linh mục Preynat đã bị truy tố, nhưng tư pháp cũng quan tâm đến vai trò của hồng y Barbarin và ba cựu chức sắc khác. Theo các nguyên đơn, những vị chức sắc này dường như đã bỏ ngoài tai mọi lời tố cáo, nhất là hồng y Barbarin, đã từng nhận được thông tin này bằng thư vào năm 2014.
Theo AFP, từ hai năm qua, vụ tai tiếng này đã làm hoen ố hình ảnh của Giáo hội cũng như của Tòa Thánh Vatican.
http://vi.rfi.fr/phap/20190107-tai-tieng-au-dam-phap-xet-xu-hong-y-barbarin-vi-toi-%C2%AB-im-lang-%C2%BB

Hàng ngàn người biểu tình ở Belgrade

chống lại Tổng thống Serbia

Belgrade, Serbia – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Bảy (5 tháng 1), hàng ngàn người tuần hành qua trung tâm thành phố Belgrade để phản đối Tổng thống Aleksandar Vucic và đảng Tiến bộ Serbia (SNS) cầm quyền của ông, đồng thời yêu cầu các quyền tự do truyền thông cũng như chấm dứt các cuộc tấn công chống lại các nhà báo và những nhân vật đối lập.
Các cuộc biểu tình cũng được tổ chức tại thị trấn Kragujevac, sau khi chính trị gia đối lập Borko Stefanovic bị đánh bởi những kẻ tấn công chưa xác định danh tính ở thị trấn Krusevac hồi tháng 11.
Liên minh vì Serbia gồm 30 đảng và tổ chức đối lập, cùng với những người ủng hộ đã cáo buộc Tổng thống Vucic là một người chuyên quyền và đảng SNS đã tham nhũng. Những người biểu tình cũng yêu cầu các đài truyền hình đưa tin nhiều hơn cho các nhóm đối lập và bảo đảm điều tra kỹ lưỡng các cuộc tấn công nhắm vào các nhà báo và chính trị gia của những nhóm này.
Tổng thống Vucic trước đó từng nói rằng ông sẽ không khuất phục trước yêu cầu của phe đối lập về cải cách bầu cử và tăng cường tự do truyền thông, ngay cả khi có 5 triệu người biểu tình trên đường phố. Đáp lại, các nhóm đối lập tuyên bố sẽ tẩy chay bất kỳ cuộc bầu cử nào.
Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 10 của cơ quan giám sát bầu cử CESID có trụ sở tại Belgrade, riêng đảng SNS đã đạt được 53.3% sự ủng hộ, vượt xa các đảng khác. Cũng theo thăm dò này, nếu các đảng đối lập hoạt động như một liên minh, họ có thể chiếm khoảng 15% số phiếu. Tuy nhiên cho đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự thống nhất giữa các đảng còn lại ngoài sự mâu thuẫn của họ dành cho Tổng thống Vucic và đảng SNS của ông.
Trong suốt quá trình sụp đổ của Nam Tư cũ vào những năm 1990, Tổng thống Vucic được coi là một người truyền lửa theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng sau đó ông đã chấp nhận ủng hộ châu Âu và coi việc gia nhập Liên minh châu Âu là mục tiêu chiến lược của Serbia. Ông cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga và Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-nguoi-bieu-tinh-o-belgrade-chong-lai-tong-thong-serbia/

Cô gái Saudi ‘cố thủ’ ở Bangkok

được Cao ủy Tỵ nạn nhận

Tin mới nhất từ Bangkok cho hay cô gái Ả Rập Saudi 18 tuổi đã đồng ý rời nơi cô ‘cố thủ’ trong khách sạn để được Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) đón nhận.
Trước đó, quan chức di trú Thái Lan tìm cách trao trả Rahaf Mohammed al-Qunun, về Kuwait.
Nhưng phụ nữ trẻ người Ả Rập Saudi cho biết cô đã trốn khỏi gia đình vì lo sợ cho cuộc sống của mình đã tự lập rào chắn trong phòng khách sạn tại sân bay Bangkok.
Cô gái từ chối lên chuyến bay đến Kuwait City vào thứ Hai, mặc cho các quan chức bao vây bên ngoài phòng của mình.
“Anh em và gia đình tôi và đại sứ quán Saudi sẽ đợi tôi ở Kuwait”, cô gái nói với Reuters.
“Họ sẽ giết tôi. Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm. Gia đình tôi đe dọa sẽ giết tôi vì những điều tầm thường nhất.”
Các tổ chức đấu tranh quyền bao gồm Tổ chức Human Rights Watch đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với sự an nguy của Mohammed al-Qunun.
“Cô ấy đã tự lập rào chắn trong phòng và nói rằng cô ấy sẽ không rời đi” cho đến khi được phép gặp cơ quan tị nạn của Liên Hiệp Quốc và xin tị nạn, phó giám đốc Châu Á của Human Rights Watch, Phil Robertson, nói trên Twitter.
Ông Robertson cho biết các luật sư Thái Lan đã đệ trình một lệnh cấm tại tòa án hình sự ở Bangkok “để ngăn chặn việc trục xuất Rahaf sang Kuwait”, nói thêm: “thời gian rất cấp bách và cô ấy phải đối mặt với nguy hiểm khủng khiếp”.
Đầu đuôi sự việc ra sao?
Cô Mohammed al-Qunun đang đi nghỉ hè cùng gia đình ở Kuwait khi cô trốn đi hai ngày trước. Cô đã tìm cách đến Úc, nơi cô hy vọng xin tị nạn, thông qua một chuyến bay kết nối ở Bangkok.
Cô nói rằng hộ chiếu của cô đã bị một nhà ngoại giao Ả Rập giữ lấy, người này đã gặp cô lúc cô rời khỏi chuyến bay tại sân bay Suvarnabhumi vào Chủ Nhật.
Cô khẳng định mình có visa đi Úc và không bao giờ muốn ở lại Thái Lan.
Đại sứ quán Saudi tại Bangkok cho biết Mohammed al-Qunun đã bị giữ tại sân bay “vì không có vé khứ hồi” và sẽ bị trục xuất tới Kuwait “nơi hầu hết gia đình cô đang sống”.
Họ nói Ả Rập Saudi không có quyền giữ cô tại sân bay hoặc bất cứ nơi nào khác, và các quan chức đang liên lạc với cha cô.
Cô gái Saudi ‘bị kẹt khi tìm cách bỏ trốn’
Phụ nữ Ả Rập Saudi nhận thông báo ly dị qua tin nhắn
Ông Robertson của Tổ chức Human Rights Watch nói với BBC: “Dường như chính phủ Thái Lan đang dựng ra câu chuyện là cô ấy đã cố gắng xin Visa và bị từ chối. Trên thực tế, cô đã có một vé đi Úc, và không muốn vào Thái Lan ngay từ đầu.”
Ông lập luận rằng chính quyền Thái Lan rõ ràng là đã hợp tác với Ả Rập Saudi vì các quan chức Ả Rập đã có thể đón chờ máy bay khi nó hạ cánh.
Thế giới được cảnh báo ra sao?
Cô Mohammed al-Qunun bắt đầu thu hút sự chú ý qua các bài đăng trên phương tiện truyền thông xã hội của mình vào cuối tuần qua. Cô cũng đã cho một người bạn quyền truy cập vào tài khoản Twitter của mình, gọi đó là một tình huống dự phòng trong trường hợp có bất cứ điều gì xảy ra với cô.
Cô nói với BBC Newshour rằng cô đang ở trong một khách sạn trong khu vực quá cảnh.
“Tôi đã chia sẻ câu chuyện và hình ảnh của mình trên phương tiện truyền thông xã hội và cha tôi rất tức giận vì tôi đã làm điều này… Tôi không thể đi học và làm việc ở đất nước của mình, vì vậy tôi muốn được tự do, được học tập và làm việc như tôi muốn “, cô nói.
Phụ nữ ở Ả Rập Saudi phải tuân theo luật giám hộ của nam giới, điều đó có nghĩa là họ cần sự cho phép của người thân nam giới để làm việc, đi du lịch, kết hôn, mở tài khoản ngân hàng hoặc thậm chí rời khỏi nhà tù.
Ả rập Saudi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe
Ả Rập Saudi điều tra video phụ nữ mặc váy ngắn
Cô Mohammed al-Qunun viết trên Twitter rằng cô đã quyết định chia sẻ tên và chi tiết của mình vì hiện tại cô “không còn gì để mất”.
Cô đã xin tị nạn từ các chính phủ trên khắp thế giới.
Tại sao có những lo ngại cho an nguy của cô gái?
Jonathan Head của BBC tại Bangkok nói rằng cô Mohammed al-Qunun rất sợ hãi và bối rối.
Cô nói với BBC rằng cô đã từ bỏ Hồi giáo, và sợ rằng cô sẽ bị buộc quay trở lại Ả Rập Saudi và bị gia đình giết chết.
Michael Page, phó giám đốc phụ trách Trung Đông của tổ chức Human Rights Watch cho biết trong một tuyên bố: “Phụ nữ Ả Rập Saudi trốn khỏi gia đình có thể phải đối mặt với bạo lực nghiêm trọng từ người thân, bị tước quyền tự do và tổn hại nghiêm trọng khác nếu bị buộc trở lại trái với ý muốn của họ.”
Thiếu tướng cảnh sát Thái Lan Surachate Hakparn nói với BBC rằng cô Mohammed al-Qunun đang thoát khỏi một cuộc hôn nhân, và gọi sự việc là “vấn đề gia đình”.
Sự kiện này lặp lại trường hợp của một phụ nữ Ả Rập khác quá cảnh tới Úc vào tháng 4/2017.
Dina Ali Lasloom, 24 tuổi, đang trên đường từ Kuwait qua Philippines nhưng bị gia đình đưa trở về Ả Rập Saudi từ sân bay Manila.
Cô đã sử dụng điện thoại của một khách du lịch Canada để gửi tin nhắn, một đoạn video được đăng lên Twitter, nói rằng gia đình cô sẽ giết cô.
Số phận của cô khi trở lại Ả Rập Saudi đến giờ vẫn chưa ai biết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46780264

Đông Nam Á ‘mất niềm tin vào Mỹ

và cảnh giác với TQ’

Cuộc khảo sát 1.000 chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp Đông Nam Á cho thấy họ đang mất niềm tin vào Washington, nhưng vẫn lo ngại sâu sắc về Bắc Kinh, theo SCMP.
Một cuộc thăm dò ý kiến hơn 1.000 chuyên gia, nhà phân tích và lãnh đạo doanh nghiệp Đông Nam Á cho thấy mối lo ngại của một khu vực đang cố gắng tìm vị thế của mình giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ.
Mỹ ban hành đạo luật mới để tăng cạnh tranh với Trung Quốc
Trung Quốc 2019: Ưu tiên tập trận và chuẩn bị cho chiến tranh
Tập Cận Bình: Đài Loan ‘phải và sẽ’ hợp nhất với TQ
Hơn 68% người được khảo sát nghi ngờ về độ tin cậy của Hoa Kỳ trong tư cách đối tác chiến lược và nhà cung cấp an ninh khu vực.
Đồng thời, báo cáo – được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Asean tại Viện ISEAS-Yusof Ishak – cho biết chỉ 8,9% xem Trung Quốc là một cường quốc “tử tế và vô hại”.
Gần 70% số người được hỏi cho biết Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn đụng độ ở Đông Nam Á, với ý kiến rõ rệt nhất đến từ Malaysia, Myanmar và Indonesia.
Chỉ có 22,5% dự đoán hai siêu cường sẽ giải quyết mâu thuẫn của họ và xây dựng mối quan hệ dựa trên công việc.
Đối với tham vọng của Bắc Kinh, hơn 45% số người được hỏi cho biết, Trung Quốc sẽ trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa xét lại với ý định biến Đông Nam Á thành khu vực có ảnh hưởng của mình. Đây là phản ứng hàng đầu ở sáu quốc gia Asean, dẫn đầu là Philippines và Việt Nam.
‘The State of Southeast Asia: 2019 Report’ là một cuộc khảo sát trực tuyến thu hút các chuyên gia trong khu vực thể hiện quan điểm của mình quanh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của họ.
Báo cáo, theo các tác giả, nhằm mục đích trình bày thái độ phổ biến của những người “đang thực hiện các công việc thông tin hoặc tác động đến chính sách về chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực”.
Lo ngại Sáng kiến Vành đai Con đường
Trong báo cáo về kết quả khảo sát công bố hôm thứ Hai 7/1, 70% người được hỏi cho rằng các nước Đông Nam Á nên thận trọng khi đàm phán với Trung Quốc về Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) để tránh bị mắc kẹt trong các khoản nợ không bền vững, theo Reuters.
Gần một nửa số người được hỏi cho rằng Sáng kiến này sẽ đưa Asean vào gần hơn quỹ đạo của Trung Quốc, trong khi một phần ba cho biết dự án thiếu minh bạch và 16% dự đoán Sáng kiến này sẽ thất bại.
Một số chính phủ phương Tây đã cáo buộc Trung Quốc kéo các quốc gia vào bẫy nợ với Sáng kiến này. Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này, Reuters cho hay.
Các tác giả của nghiên cứu này viết: “Đây là một lời cảnh tỉnh là Trung Quốc phải đánh bóng hình ảnh tiêu cực của mình trên khắp Đông Nam Á bất chấp việc Bắc Kinh đã liên tục trấn an (thế giới) về sự trỗi dậy ôn hòa và lành mạnh của mình”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46778689

Vùng tối Mặt trăng và chiến lược vũ trụ của TQ

Một lần nữa, Trung Quốc đã làm được điều đầu tiên trong lĩnh vực vũ trụ: Cho tàu thăm dò đáp xuống khu vực vùng tối bí ẩn chưa từng được khám phá của Mặt trăng. Thành tựu này là một trong loạt nhiệm vụ sắp tới, góp phần hiện thực hóa chiến lược vũ trụ của Trung Quốc.
Thành tựu lịch sử
Tàu thăm dò nói trên mang tên Hằng Nga 4, đã đáp thành công xuống vùng tối Mặt trăng lúc 10 giờ 26 ngày 3/1 (giờ Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử con người đưa được thiết bị xuống vùng tối Mặt trăng. Tuyên bố trên trang web của Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc khẳng định: “Sứ mệnh đã mở ra một chương mới trong hành trình khám phá Mặt trăng của nhân loại”.
Tàu thăm dò đã gửi về Trái đất những hình ảnh cận cảnh đầu tiên về vùng tối Mặt trăng bằng vệ tinh chuyển tiếp.
Sau đó, tàu Hằng Nga 4 đã hạ một xe tự hành tên là Thỏ ngọc-2 để xe này đi khắp khu vực xung quanh. Các thiết bị trên tàu thăm dò và xe tự hành gồm camera, radar xuyên đất và quang phổ kế để hỗ trợ xác định thành phần của khu vực cấu tạo bằng thiên thạch. Các nhà khoa học hi vọng đá và bụi trong khu vực sẽ giúp hiểu thêm về địa chất Mặt trăng.
Tàu Hằng Nga 4 cũng sẽ thực hiện một thí nghiệm sinh học để xem hạt giống cây có nảy mầm được không và trứng tằm có nở được trong điều kiện trọng lực thấp như ở Mặt trăng không.
Khu vực mà tàu thăm dò Trung Quốc đáp xuống là khu vực xa nhất và cổ xưa nhất trên Mặt trăng vì thế những gì mà tàu thăm dò khám phá ra có thể giúp con người có cái nhìn xa hơn, sâu hơn về nguồn gốc và sự phát triển của Mặt trăng. Một số nhà khoa học cho rằng khu vực xung quanh đó có thể giàu khoáng sản. Nếu bước tiếp theo trong phát triển vũ trụ là phát triển nguồn lực trên Mặt trăng thì sứ mệnh thành công nói trên có thể giúp Trung Quốc có vị thế tốt hơn các nước.
Mặc dù khám phá vũ trụ chậm vài chục năm nhưng Trung Quốc nhanh chóng bắt kịp và có thể thách thức vị thế vượt trội của Mỹ trong lĩnh vực này cũng như trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử…
Trung Quốc là quốc gia thứ ba sau Mỹ và Nga đưa nhà du hành vào vũ trụ trên rocket của riêng mình. Sứ mệnh đầu tiên diễn ra vào năm 2003 và Trung Quốc từ đó đã đưa 11 nhà du hành vào vũ trụ. Năm 2016, hai trong số họ đã ở trên trạm không gian của Trung Quốc 30 ngày.
Năm 2018, lần đầu tiên Trung Quốc phóng nhiều rocket vào vũ trụ hơn bất kỳ quốc gia nào: 38.
Ông Namrata Goswami, một nhà phân tích độc lập, cho rằng đây là một thành tựu lớn về mặt kỹ thuật và mang tính biểu tượng. Khu vực mà tàu thăm dò đang khám phá có thể trở thành cơ sở tiếp liệu tương lai cho các sứ mệnh xa hơn trong vũ trụ.
Ông Zhu Menghua, giáo sư trường Đại học Khoa học và Công nghệ Macao nhận định: “Sứ mệnh vũ trụ này cho thấy Trung Quốc đã đạt trình độ thế giới về khám phá vũ trụ. Chúng ta, người Trung Quốc đã làm được điều mà người Mỹ chưa dám thử”.
Chiến lược tham vọng của Trung Quốc
Theo tờ Diplomat, báo chí phương Tây dường như có xu hướng phớt lờ hoặc cố tình hạ thấp thành tựu vũ trụ của Trung Quốc, kể cả sự kiện mới nhất liên quan tới tàu Hằng Nga 4 nói trên. Tuy nhiên, Trung Quốc chứng tỏ rất nghiêm túc thực hiện các hạn chót đã đặt ra cho từng sứ mệnh trên vũ trụ.
Tham vọng đưa tàu đáp xuống vùng tối Mặt trăng đã được cơ quan vũ trụ Trung Quốc đưa ra cách đây nhiều năm và chọn năm 2018 là năm phóng tàu Hằng Nga 4. Đúng ngày 8/12, Trung Quốc đã phóng tàu Hằng Nga 4 theo kế hoạch.
Trước đó, các sứ mệnh khác cũng được thực hiện đúng hạn chót. Ví dụ như các sứ mệnh phóng tàu không người lái năm 1999 và có người lái năm 2003, phóng trạm vũ trụ Thiên Cung 1 năm 2011 và Thiên cung 2 năm 2016, hay xây dựng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Châu 1 năm 2016.
Điều nổi bật là các tham vọng khám phá Mặt trăng và vũ trụ của Trung Quốc luôn luôn lớn dần theo thời gian. Ví dụ như tham vọng về một cơ sở nghiên cứu của Trung Quốc trên Mặt trăng hay phát hiện hệ thống hỗ trợ sự sống bằng tái tạo sinh học để đảm bảo con người có thể sống và tồn tại trên Mặt trăng.
Năm 2017, Đại học Beihang ở Bắc Kinh đã thiết lập một phòng thí nghiệm mang tên Nguyệt cung 1, mô phỏng bề mặt Mặt trăng ngay trên Trái đất. Tám sinh viên đã sống trong điều kiện như ở Mặt trăng trong 365 ngày. Đây là lần đầu tiên có một cuộc thử nghiệm như vậy với con người.
Nhà thiết kế của Nguyệt cung 1, ông Liu Hong, cho biết thí nghiệm này là lần ở trong hệ thống hỗ trợ sự sống bằng tái tạo sinh học lâu nhất. Trong đó, con người, động vật, thực vật, vi sinh vật cùng tồn tại trong môi trường đóng mô phỏng Mặt trăng. Oxi, nước và thức ăn được tái chế trong hệ thống. Các sinh viên trồng khoai tây, lúa mỳ, cà rốt, đậu và hành tây.
Thí nghiệm này rất quan trọng đối với tham vọng sống lâu dài bên ngoài Trái đất, đặc biệt là trên Mặt trăng. Các hệ thống tương tự nhưng nhỏ hơn sẽ được đưa lên tàu thăm dò Mặt trăng và sao Hỏa để thử nghiệm trong điều kiện thực tế.
Trung Quốc đã chứng tỏ với thế giới rằng quá trình sinh sản có thể xảy ra ngoài vũ trụ năm 2016. Khi đó, vệ tinh S-J10 đã đưa 6.000 phôi chuột vào vũ trụ. Một số phôi đã phát triển giai đoạn đầu trong bốn ngày. Sự kiện này được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng trong khám phá vũ trụ của con người.
Thành tựu của Trung Quốc trong vũ trụ là nhờ có một chiến lược phát triển năng lực vũ trụ. Đầu tiên là đạt được khả năng đưa con người ra ngoài vũ trụ. Tiếp đó là thực hiện các sứ mệnh robot để xây dựng năng lực hiện diện lâu dài. Sau đó là phóng trạm vũ trụ để dọn đường cho các sứ mệnh khai thác, thăm dò vũ trụ xa hơn.
Các cơ quan vũ trụ thuộc sở hữu nhà nước như Tập đoàn Công nghệ và Khoa học Không gian Vũ trụ Trung Quốc và Cục Không gian Quốc gia Trung Quốc đã giám sát nghiêm ngặt và cam kết thực hiện nhiệm vụ mà đảng và chính phủ giao phó.
Theo lộ trình vũ trụ từ năm 2020 đến 2045, Trung Quốc muốn đạt được một số bước ngoặt quan trọng về công nghệ vũ trụ. Ví dụ như phóng tàu thăm dò sao Hỏa vào năm 2020, phóng tàu thăm dò hành tinh nhỏ năm 2022, thực hiện sứ mệnh sao Mộc năm 2029, phóng tên lửa đẩy năm 2035 và phóng tàu con thoi năng lượng hạt nhân năm 2040.
Trong một bài báo đăng trên trang nhất Nhân dân Nhật báo, Viện Công nghệ Thiết bị phóng Trung Quốc nói rõ rằng tàu vũ trụ năng lượng hạt nhân sẽ chở được nhiều hàng hơn, cho phép Trung Quốc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ vào năm 2040.
Theo Diplomat, Chủ tịch Tập Cận Bình đã coi sứ mệnh ngoài vũ trụ là ưu tiên của Trung Quốc. Tầm quan trọng của lĩnh vực nghiên cứu không gian vũ trụ đối với Trung Quốc được thể hiện qua việc nhiều nhà khoa học vũ trụ có chỗ đứng chính trị quan trọng tại nước này.
Theo Tiến sĩ Namrata Goswami, một nhà phân tích cấp cao và là tác giả cuốn “Vũ trụ và các cường quốc”, chiến lược trong thiết lập các sứ mệnh vũ trụ lâu dài, xây dựng năng lực và các cơ quan vũ trụ, thể hiện năng lực kỹ thuật trong lĩnh vực vũ trụ cho thấy Trung Quốc sẽ đạt các mục tiêu mà các cơ quan vũ trụ đã đặt ra.
Với tham vọng hiện diện đầu tiên ở những khu vực giàu tài nguyên, năng lực đưa tàu đổ bộ thành công xuống vùng tối của Mặt trăng sẽ cho phép Trung Quốc đặt ra luật chơi ngoài vũ trụ.
http://biendong.net/bi-n-nong/25682-vung-toi-mat-trang-va-chien-luoc-vu-tru-cua-tq.html

TQ thực thi “nhận dạng phòng không”

ở biển Hoa Đông?

Báo chí Trung Quốc loan tin một chiến đấu cơ của nước này đã áp sát một máy bay nước ngoài sau khi nó bị phát hiện “đang trong vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc thiết lập ở biển Hoa Đông”.
Phi công Trung Quốc được cho là đã ra lệnh cho “máy bay nước ngoài” tại ADIZ trên biển Hoa Đông (Weibo)
Trong một video clip trên truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), phi công Trung Quốc nói bằng tiếng Anh với đội bay của chiếc phi cơ nước ngoài, chưa xác định kiểu loại hay quốc tịch.
“Đây là không quân Trung Quốc”, phi công nói trên video. “Các anh đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc. Báo cáo quốc tịch của các anh và mục đích chuyến bay”.
Bản tin của đài Trung Quốc không nói sự kiện diễn ra khi nào, hay máy bay nước ngoài đã phản ứng gì với thông điệp phía Trung Quốc đưa ra.
Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) bao gồm vùng trời trên đất liền hoặc trên biển và các hoạt động nhận dạng, định vị và kiểm soát các máy bay được thực hiện vì lợi ích an ninh quốc gia. Tuy nhiên khái niệm này không được định nghĩa, xác định ở bất cứ hiệp ước quốc tế nào, cũng chưa có cơ quan quốc tế nào chuyên trách, theo SCMP.
Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013 nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ở vùng nước tranh chấp với Nhật Bản.
Trung Quốc đã tăng cường hoạt động tuần tra bằng không quân và hải quân sau khi Tokyo mua lại ba đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông thuộc sở hữu tư nhân vào năm 2012.
Không quân Nhật Bản nói họ cần các đảo này để có thể nhanh chóng phái tiêm kích chặn máy bay quân sự Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp.
Việc Trung Quốc tuyên bố ADIZ đã khiến nhiều nước phản đối, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tất cả đều không công nhận ADIZ mà Trung Quốc thiết lập.
Tokyo nói các luật lệ mà quân đội Trung Quốc đưa ra vi phạm quyền tự do hàng không trên biển và không có hiệu lực đối với Nhật Bản.
Trong một diễn biến khác nhưng cũng liên quan đến Không quân Trung Quốc, lực lượng này đang mở đợt tuyển mộ các phi công cho các máy bay tiêm kích J-20 thế hệ mới, một năm sau khi nó được phiên chế vào các đơn vị chiến đấu.
Hiện tại, có vẻ mới chỉ có 18 phi công bay được trên các tiêm kích tàng hình do Trung Quốc tự phát triển này, theo một video quảng cáo về việc tuyển lựa phi công được phát trên truyền hình. Đây là một phần chiến dịch tìm kiếm phi công mới của Không quân Trung Quốc trong số thanh niên độ tuổi từ 17-20, tốt nghiệp phổ thông trong năm 2019.
http://biendong.net/bi-n-nong/25680-tq-thuc-thi-nhan-dang-phong-khong-o-bien-hoa-dong.html

Vì sao quân đội TQ chuẩn bị chiến tranh?

Trong những ngày đầu năm mới, hôm 4/1 vừa qua, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã triệu tập Hội nghị công tác quân sự tại Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình, Chủ tịch Quân ủy đã dự và phát biểu chỉ đạo.
Ông Tập đã phát biểu nhấn mạnh trong hội nghị: cần làm tốt công tác chuẩn bị chiến tranh trên điểm xuất phát mới, mở ra cục diện mới cho sự nghiệp “cường quân”, ý nói sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh.
Vì sao quân đội phải sẵn sàng cao độ cho chiến tranh? Người đứng đầu Đảng, Nhà nước Trung Quốc cho hay: hiện Trung Quốc có những nguy cơ có thể dự liệu và cả những nguy cơ không thể dự liệu trước được. Vì vậy toàn quân phải tăng cường ý thức về hiểm họa, ý thức về nguy cơ và ý thức chiến tranh, thiết thực chuẩn bị tốt các mặt công tác cho chiến tranh.
Ông Tập giao nhiệm vụ rất cụ thể: “Phải đi sâu trù tính trước cho chiến tranh và tác chiến, đảm bảo khi tình huống xảy ra có thể nhanh chóng ứng phó”. Và: “Các lực lượng vũ trang phải chuẩn bị cho xung đột quân sự toàn diện. Công tác chuẩn bị cho tác chiến và chiến tranh phải được củng cố để đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong tình huống khẩn cấp”.
Một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến động thái cho rằng chiến tranh đã bén lửa ngoài cửa là do thái độ cứng rắn của Đài Loan. Hôm 2/1, phát biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày Quốc hội Trung Quốc ra “Thư gửi nhân dân Đài Loan”, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, kiên quyết đánh bại các âm mưu chủ trương “hai nước Trung Quốc”, “một Trung Quốc, một Đài Loan”, “Đài Loan độc lập”; giành thắng lợi trong cuộc chiến chống “Đài Loan độc lập”, chống chia cắt đất nước.
Ông Tập tuyên bố: “Tổ quốc phải được thống nhất và đương nhiên thống nhất” và đe dọa không từ bỏ phương thức dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan.
Đây là những động thái cứng rắn của Bắc Kinh nhằm củng cố thanh thế quân đội, cũng là thông điệp gửi tới Đài Loan. Nhưng rộng hơn là thái độ đối với Mỹ, phản ứng này xuất hiện trước chính sách ngày càng cứng rắn hơn về thương mại, chính trị và quân sự của Wasinghton. Khi Mỹ liên tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc bằng một loạt các hoạt động quân sự thì Bắc Kinh không thể “chờ đợi” bằng các hoạt động ngoại giao để đến lúc tự cho tay vào còng.
Không chỉ chỉ đạo bằng… mồm, ông Tập Cận Bình đã lập tức ký Mệnh lệnh số 1 năm 2019 của Quân ủy, ra lệnh động viên huấn luyện cho toàn quân. Ông Tập ngồi ký mệnh lệnh trước mặt hai vị Phó chủ tịch và bốn Ủy viên Quân ủy đứng phía sau, thể hiện quyền uy lãnh đạo tối cao của ông trong thời điểm hiện tại.
Trước khi Tập Cận Bình ký Mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị quân đội đã bắt đầu luyện binh với quy mô lớn. Ngày 2/1, Tập đoàn quân 76 đã tổ chức ra quân huấn luyện đồng bộ tại bãi tập tổng hợp và huấn luyện đội hình xe tăng chiến đấu trên sa mạc.
Ngày 3/1, Tổng đội Cảnh sát vũ trang Giang Tô tổ chức huấn luyện dã ngoại theo tình huống hành quân vượt qua khu vực bị đối phương tấn công bằng vũ khí hóa học. Tổng đội Cảnh sát vũ trang Bắc Kinh thì huấn luyện hành quân dã ngoại hành quân bộ 100km với các tình huống báo động khẩn cấp, thay đổi đội hình, cảnh giới, thông tin đơn giản, truyền đạt khẩu lệnh, hành quân gấp, di chuyển nhanh qua vùng nhiễm độc, cứu thương tại trận địa…Tổng đội Cảnh sát vũ trang Cam Túc triển khai huấn luyện bộ đội tiềm nhập trên tuyết trong điều kiện -24 độ. Ngày 4.1, Tổng đội Cảnh sát vũ trang tỉnh An Huy bắt đầu huấn luyện quân sự thực chiến.
Vào năm 2018 lần đầu tiên Quân ủy Trung Quốc tổ chức Đại hội động viên huấn luyện toàn quân cũng vào ngày đầu năm, 3/1. Ông Tập Cận Bình đã ra lệnh triển khai huấn luyện năm 2018 cho toàn quân với yêu cầu “tăng cường huấn luyện thực chiến hóa để tạo nên đội quân tinh nhuệ “Gọi là có, đến là đánh, đánh là thắng”.
Tờ “Giải phóng quân báo”, cơ quan của Quân ủy Trung Quốc hôm 4/1/2019 đã đăng bài điểm lại công tác huấn luyện thực chiến hóa một năm qua. Bài báo thông tin, trong năm 2018, quân đội Trung Quốc đã tổ chức 18 nghìn cuộc diễn tập với hơn 2 triệu lượt binh sĩ tham gia. 15 cơ quan trực thuộc Quân ủy đã tiến hành huấn luyện nâng cao năng lực hoạch định chiến lược, chỉ huy và quản lý. Các quân chủng lục quân, hải quân, không quân và tên lửa chiến lược chú trọng huấn luyện nâng cao năng lực chỉ huy.
Đáng chú ý là, Quân chủng lục quân đã tiến hành diễn tập hành quân di chuyển vượt khu vực, hỏa lực và thọc sâu. Còn lực lượng hải quân diễn tập “Sấm sét”, “Săn cá mập”, tên lửa chiến lược diễn tập tác chiến mang tên “Thiên kiếm”. Lực lượng đảm bảo hậu cần quân đội tổ chức diễn tập “Sứ mạng liên cần”. Cảnh sát vũ trang thì tổ chức các cuộc diễn tập “Vệ sĩ”. Không quân thì tập trung thực hiện nhiệm vụ huấn luyện “lên cao nguyên, ra biển xa, xuống đảo đá”.
Trong năm 2018, quân đội Trung Quốc đã tham gia tổng số 40 cuộc huấn luyện, diễn tập chung với quân đội các nước; trongđó có các cuộc diễn tập “Liên hợp trên biển” và diễn tập chiến lược “Đông Phương 2018” với Nga, diễn tập “Hùng Ưng” với Pakistan.
Đủ thấy ở Trung Quốc đạn đã lên nòng, chỉ chờ phát hỏa từ người đứng đầu. Vậy mà ông Donald Trump chưa thấy dấu hiệu gì xuống thang!
http://biendong.net/dam-luan/25657-vi-sao-quan-doi-tq-chuan-bi-chien-tranh.html

Bắc Kinh hậu thuẫn Khmer Đỏ :

Mặt tối của một giai đoạn lịch sử

Trọng Thành
Hôm nay, 07/01/2019, là đúng 40 năm chế độ diệt chủng Khmer Đỏ sụp đổ, sau một cuộc can thiệp chớp nhoáng của quân đội Việt Nam. Chính quyền Cam Bốt long trọng kỷ niệm sự kiện mà thủ tướng Hun Sen gọi là « ngày đất nước Cam Bốt được khai sinh lần thứ hai ». Tuy nhiên, diễn văn của lãnh đạo Cam Bốt không một lời đả động đến Trung Quốc, thế lực hậu thuẫn cho Khmer Đỏ, ngay cả sau khi chế độ này sụp đổ.
Tháng 11/2018 vừa qua, Tòa Án Quốc Tế xét xử tội ác tại Cam Bốt lần đầu tiên khép một số cựu lãnh đạo Khmer Đỏ vào tội diệt chủng, chống lại hai cộng đồng người Việt và người Chăm ở Cam Bốt. Hai cựu lãnh đạo Khieu Samphan, chủ tịch nước Campuchia Dân Chủ và Nuon Chea, nhân vật số 2, nhà tư tưởng của chế độ Khmer Đỏcũng bị khép tội ác « chống nhân loại » trong một phiên tòa hồi 2014. Vai trò cụ thể của Bắc Kinh trong các tội ác khủng khiếp chống lại người dân Cam Bốt, và nhiều sắc tộc khác, khiến ít nhất 2 triệu người thiệt mạng (vì bị hành quyết, bị hãm hiếp, tra tấn, bỏ đói, bệnh tật, kiệt sức…) vẫn còn là một vấn đề còn để ngỏ. RFI chuyển đến quý thính độc giả những ghi nhận, phân tích của một số nhà quan sát về cái phần khuất tối ấy của giai đoạn lịch sử phức tạp này.
***
Khách du lịch Trung Quốc nổi giận
Nhà báo Mỹ Dan Levin, trong một bài viết trên New York Times mang tựa đề « Trung Quốc bị hối thúc phải đối mặt với lịch sử của chính họ » (1), kể lại câu chuyện về một người hướng dẫn du lịch, khi đưa du khách tham quan các phòng học, nơi từng được sử dụng làm phòng tra tấn (thuộc bảo tàng tội ác diệt chủng Tuol Sleng), thủ đô Phnom Penh, đã đặt câu hỏi : Trong số quý vị, có ai đến từ Trung Quốc ? Không ai đáp lời, hướng dẫn viên có vẻ thoải mái hẳn ra. Anh thuật lại với du khách về vai trò chủ đạo của Trung Quốc trong cuộc diệt chủng tại Cam Bốt, khởi sự từ năm 1975.
Giải đáp về lý do vì sao anh hỏi có người Trung Quốc hay không. Hướng dẫn viên cho biết : Bởi mỗi lần nói về việc Trung Quốc đã thúc đẩy chế độ Pol Pot thảm sát dân chúng, du khách Trung Quốc thường nổi giận. Họ khẳng định đây là điều bịa đặt và nhấn mạnh là bây giờ Trung Quốc và Cam Bốt là bạn, và không nên nói về quá khứ.
Bắc Kinh biện minh và giảm nhẹ
Về mặt chính thức, theo nhiều nhà quan sát, Nhà nước Trung Quốc rõ ràng có một chính sách kiểm duyệt lịch sử ngay trong các trường học. Sách giáo khoa về lịch sử tránh đề cập tới thời kỳ Khmer Đỏ, kể cả cuộc chiến tranh biên giới 1979 do Đặng Tiểu Bình phát động chống Việt Nam và cứu chế độ Pol Pot cũng không được nhắc tới. Chính sách kiểm duyệt lịch sử khiến đa số giới sinh viên đại học ở Trung Quốc ngày nay hầu như không biết gì về cả hai sự kiện này, chưa nói đến việc Trung Quốc hậu thuẫn chế độ Khmer Đỏ.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc năm 2009, vào lúc Tòa Án Quốc Tế xét xử các tội ác của Khmer Đỏ vừa khai mạc phiên đầu tiên, đã thừa nhận mối quan hệ hữu nghị giữa « Nhà Nước Cam Bốt Dân Chủ », tên gọi chính thức của chế độ Khmer Đỏ, và đồng thời giải thích chính quyền Khmer Đỏ vào thời điểm đó có đại diện hợp pháp tại Liên Hiệp Quốc, và có quan hệ với không chỉ Bắc Kinh, mà hơn 70 quốc gia.
Chính quyền Cam Bốt : Từ có đến không
Một thập kỉ sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, thủ tướng Hun Sen từng viết trong một tiểu luận rằng « Trung Quốc là gốc rễ của tất cả những tội ác (của Khmer Đỏ) ở Campuchia » (2). Cụ thể là ngay cả sau khi chế độ Pol Pot sụp đổ vào năm 1979, Trung Quốc vẫn tiếp tục yểm trợ cho tàn quân Pol Pot, cho đến đến đầu những năm 1990, và mỗi năm chi hàng trăm triệu USD nhằm chống lại Phnom Penh. Tuy nhiên, ông Hun Sen sau này đã hoàn toàn thay đổi lập trường. Trong lời kể mới đây của Hun Sen về sự sụp đổ của Pol Pot trong một bộ phim tài liệu được chiếu trên truyền hình Campuchia đầu năm 2018, sau đó được phổ biến trên mạng, không có bất cứ một từ nào nói về Trung Quốc.
Bắc Kinh hậu thuẫn cho chế độ Pol Pot như thế nào ?
Theo nhà nghiên cứu Andrew Mertha, giáo sư đại học Mỹ Cornel « không có sự giúp của Trung Quốc, chế độ Khmer Đỏ không thể tồn tại một tuần lễ ». Bắc Kinh cung cấp ít nhất 90% viện trợ nước ngoài cho chế độ Pol Pot, từ hàng nhu yếu phẩm, cho đến máy móc xây dựng và đặc biệt là vũ khí từ xe tăng, đến phi cơ và pháo các loại (3).
Năm 2010, đại sứ Trung Quốc tại Cam Bốt thời đó, ông Zhang Jinfeng, trong một phát biểu thừa nhận hiếm hoi từ phía Bắc Kinh, đã khẳng định Trung Quốc chỉ viện trợ không hoàn lại cho Khmer Đỏ thực phẩm và một số dụng cụ nông nghiệp như cuốc xẻng (1).
Đầu năm 2012, trong lời khai tại Tòa Án Quốc Tế ECCC, nhân vật số hai của Khmer Đỏ Nuon Chea, tuy thừa nhận Trung Quốc viện trợ vũ khí hạng nhẹ, nhu yếu phẩm, nhưng đã nhấn mạnh vào « tính chất vô điều kiện » trong các viện trợ từ Trung Quốc. Lời khai của Nuon Chea cũng trùng với những tuyên bố chính thức của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những thừa nhận về mối quan hệ Trung Quốc – Cam Bốt hữu nghị và « vô tư » của Bắc Kinh bị ông Youk Chhang (người thoát khỏi nạn diệt chủng và hiện là giám đốc một trung tâm tư liệu về chế độ Khmer Đỏ ở Cam Bốt) bác bỏ. Nhân chứng sống này cho biết các cố vấn Trung Quốc đã có mặt khắp nơi trong thời kỳ Khmer Đỏ, và cộng tác với tất cả các cấp chính quyền của chế độ anh em cộng sản này (4).
Nhà nghiên cứu Andrew Mertha, tác giả một cuốn sách hiếm hoi về vai trò của Trung Quốc với chế độ Khmer Đỏ mang tựa đề « Các chiến hữu : Sự trợ giúp của Trung Quốc với Khmer Đỏ 1975-1979 » nhấn mạnh đến việc Trung Quốc có quan hệ hết sức mật thiết với chế độ Khmer Đỏ, bởi Bắc Kinh coi chế độ này là một chỗ dựa chính để kìm hãm Hà Nội, mà Trung Quốc gọi là « tiểu bá » và coi là chư hầu của Liên Xô.
Bắc Kinh thua một trận đánh, nhưng thắng cả cuộc chiến ?
Các hậu thuẫn của Trung Quốc dành cho chế độ Khmer Đỏ là một hiện thực lịch sử, mà Bắc Kinh cũng thừa nhận phần nào, thế nhưng hậu thuẫn đến mức nào là điều cho đến nay còn gây nhiều tranh cãi. Trở lại hiện tại, có thể rút ra nhận xét chung gì về giai đoạn lịch sử bi thảm và éo le này ?
Nhà nghiên cứu Ấn Độ Nayan Chanda, cũng là một nhà báo chiến tranh kỳ cựu, có mặt tại chỗ và biết rõ về giai đoạn lịch sử này, có một bài viết mới đây mang tựa đề « Xét lại cuộc xâm chiếm Cam Bốt của Việt Nam » (5), nêu ra một nhận định cô đúc như sau : « Cuối năm 1977, Việt Nam nhận ra Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp và kết luận rằng Bắc Kinh đang mượn tay Khmer Đỏ hung hãn để nghiền nát Việt Nam từ phía biên giới Tây Nam. Hà Nội cho rằng đánh phủ đầu là một lựa chọn khôn ngoan nhất ». Cuộc tấn công vũ bão đã làm chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, thế nhưng « chiến lược phản công kiên nhẫn của Trung Quốc » đã làm Việt Nam tuy thắng trên chiến trường, nhưng thua cả một cuộc chiến. Vào dịp thế giới tưởng nhớ 40 năm ngày lật đổ chế độ Khmer Đỏ được Trung Quốc hậu thuẫn, cũng nên nhắc tới « những quyết sách tàn nhẫn, kiên định, bền bỉ » của Bắc Kinh, rốt cục họ « đã biến một thất bại thành chiến thắng ».
Rõ ràng là Trung Quốc đã thua trong các can thiệp nhằm hậu thuẫn Khmer Đỏ trong những năm 1970 – 1980. Chế độ khát máu Khmer Đỏ mà Bắc Kinh ủng hộ đã vĩnh viễn không còn nữa. Thế nhưng nhìn về dài hạn, trong 20 năm trở lại đây, ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng tại Cam Bốt. Ảnh hưởng lớn đến nỗi mà chính quyền Cam Bốt giờ đây dường như không còn dám nhắc đến liên minh ma quỷ giữa Bắc Kinh và Khmer Đỏ, thì phải chăng có thể nói Trung Quốc đã giành chiến thắng trong toàn bộ cuộc chiến mở rộng ảnh hưởng trên bán đảo Đông Dương, như đúc kết trên đây của nhà nghiên cứu Ắn Độ ?
Tuy nhiên, nói đến cái gọi là « thắng lợi » của Trung Quốc cũng không thể không nói đến những ủng hộ của nhiều nước phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, đối với Trung Quốc trong các hoạt động hậu thuẫn Khmer Đỏ, khiến cho lực lượng này tiếp tục có được chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc cho đến đầu thập niên 1990. Và một vấn đề khác cũng không thể bỏ qua là thái độ ủng hộ của khối ASEAN vào thời điểm đó đối với phương Tây và Trung Quốc, hậu thuẫn Khmer Đỏ sau khi chế độ này sụp đổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ bành trướng của nước Việt Nam cộng sản tại vùng lục địa Đông Nam Á (6).
Ghi chú
1. « China Is Urged to Confront Its Own History », New York Times, 30/03/2015.
2. « China: Rewriting (and Repeating) History », The Diplomat, 15/01/2018.
3. Andrew Mertha là tác giả cuốn « Brothers in Arms: Chinese Aid to the Khmer Rouge, 1975-1979 », Cornell Univ. Press, 2014.
4. « How Red China Supported the Brutal Khmer Rouge », Visiontimes, 28/01/2018.
5. « Vietnam’s Invasion of Cambodia, Revisited », The Diplomat, 01/12/2018. Nayan Chand là tác giả cuốn « Brother Enemy: The War After the War », Harcourt, 1986.
6. Bị đẩy vào chân tường đầu những năm 1980, chế độ cộng sản Việt Nam phải tự cải tổ, nới lỏng kiểm soát xã hội. Cuối năm 1991, Liên Xô sụp đổ. Năm 1992, Hà Nội tham gia Hiệp Ước Thân Thiện và Hợp Tác ở Đông Nam Á và trở thành quan sát viên tại các hội nghị bộ trưởng ASEAN. Việt Nam được kết nạp vào khối ASEAN năm 1995. Xem thêm : « ASEAN sinh nhật 50 tuổi : Bài học cũ để vượt qua thách thức mới », 8/8/2017.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190107-bac-kinh-hau-thuan-khmer-do-mat-khuat-cua-mot-giai-doan-lich-su

Lãnh tụ Triều Tiên đến Trung Quốc

 họp thượng đỉnh lần thứ tư

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trên đường tới Trung Quốc để họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ tư, truyền thông Hàn Quốc cho biết hôm thứ Hai 7/1.
Báo Hank Hankoreoreh của Hàn Quốc trích một nguồn tin giấu tên có liên hệ với các vấn đề Bắc Triều Tiên-Trung Quốc, nói rằng ông Kim trên đường đến Bắc Kinh vào cuối ngày thứ Hai để gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc trích một nguồn tin giấu tên am tường về các vấn đề của Triều Tiên cho biết một chuyến tàu hỏa của Triều Tiên có thể chở một quan chức cấp cao đã băng qua biên giới sang Trung Quốc.
Nguồn tin này nói với Yonhap rằng họ chưa được xác nhận liệu một quan chức cấp cao có ở trên chuyến tàu đó hay không, nhưng các đoàn xe và lực lượng an ninh đã phong tỏa các con đường quanh một nhà ga ở thành phố biên giới Đan Đông của Trung Quốc khi đoàn tàu đi qua.
Năm ngoái, ông Kim đã tới Trung Quốc ba lần để họp với Chủ tịch Tập Cận Bình, trước và sau khi ông Kim họp thượng đỉnh với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Lãnh tụ Kim dự kiến sẽ gặp lại cả tổng thống Hoa Kỳ lẫn tổng thống Hàn Quốc trong tương lai gần, và một chuyến thăm đến Trung Quốc vào lúc này được xem là một động thái chuẩn bị cho các hội nghị thượng đỉnh đó.
Trước đó trong ngày thứ Hai, tờ Munhwa Ilbo của Hàn Quốc đưa tin rằng các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ gần đây đã gặp gỡ nhiều lần với các đối tác của Bắc Triều Tiên tại Hà Nội và thảo luận về kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim, khiến cho có nhiều suy đoán rằng Việt Nam có thể tổ chức sự kiện này.
Tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 6 năm ngoái ở Singapore, ông Kim và ông Trump đã cam kết sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa, nhưng hiệp ước đó không có các chi tiết cụ thể và các cuộc đàm phán kể từ đó đã đạt được rất ít tiến bộ.
Trung Quốc là nước hậu thuẫn kinh tế và ngoại giao quan trọng nhất của Bắc Triều Tiên, bất chấp sự phẫn nộ của Bắc Kinh đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Các mối quan hệ đã ấm lên trở lại trong năm qua trong khi mối quan hệ của Bình Nhưỡng với cả Seoul và Washington cũng được cải thiện.
Trung Quốc cũng đóng một vai trò trong cuộc gặp Trump-Kim. Bắc Kinh cho nhà lãnh đạo Triều Tiên mượn một chiếc máy bay cho chuyến đi tới Singapore của ông Kim.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết ông Tập có thể sẽ đi Triều Tiên vào một dịp nào đó. Việc này sẽ khiến ông trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên đi thăm Bình Nhưỡng kể từ năm 2005.
Đầu tháng 12, ông Tập nói với Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên trong chuyến thăm Bắc Kinh rằng ông hy vọng Triều Tiên và Hoa Kỳ tìm được những điểm tương đồng và giải quyết những mối quan tâm hợp lý của nhau, cho phép tiến trình đàm phán hạt nhân bán đảo Triều Tiên tiến triển tích cực.
https://www.voatiengviet.com/a/lanh-tu-trieu-tien-den-trung-quoc-hop-thuong-dinh-lan-thu-tu/4732128.html

Thái Lan hoãn trục xuất thiếu nữ Ảrập

 ‘cố thủ’ tại khách sạn

Hôm 7/1, Thái Lan đã dừng kế hoạch trục xuất một thiếu nữ Ảrập Xêút 18 tuổi đang chạy trốn khỏi gia đình và muốn xin tị nạn tại Úc.
Cô Rahaf Mohammed al-Qunun đến sân bay quốc tế Bangkok hôm 5/1 trên một chuyến bay từ Kuwait. Cô nói rằng cô lo sợ mình sẽ bị giết chết nếu bị trả về với gia đình.
Các quan chức Thái Lan hiện có kế hoạch gặp đại diện của Cao ủy Tị nạn LHQ (UNHCR) để thảo luận về vụ việc này, giám đốc cơ quan di trú Surachate Hakparn nói với các phóng viên hôm 7/1.
Trước đó, ông Hakparn đã bác bỏ cáo buộc của cô Qunun nói rằng cô đang bị giam giữ theo yêu cầu của chính phủ Ảrập Xêút.
Bộ Ngoại giao Ảrập Xêút cũng bác bỏ cáo buộc của cô rằng đại sứ quán của họ đã tịch thu hộ chiếu của cô.
Ông Abdul-Ilah al-Shuaibi, Đại biện lâm thời Ảrập Xêút tại Bangkok, khẳng định rằng cô Qunun bị bắt tại sân bay vì vi phạm luật pháp Thái Lan, theo tờ Saudi Gazette.
Ông nói thêm rằng cha của cô, hiện đang sống ở Kuwait và Hail, là người đã trình báo việc cô chạy trốn và có thể bị mất tích ở Thái Lan.
Hôm 7/1, cô Qunun đã đăng một video lên Twitter cho biết cô hiện đang cố thủ trong một khách sạn ở Bangkok và cô đã dùng một chiếc bàn và một tấm nệm để chắn cửa phòng khách sạn.
Cô nói với Reuters rằng cô đã trốn khỏi Kuwait trong khi gia đình cô đang đến thăm đất nước vùng Vịnh và cô đã lên kế hoạch đi từ Thái Lan đến Úc để xin tị nạn.
https://www.voatiengviet.com/a/thai-lan-hoan-truc-xuat-thieu-nu-arap-co-thu-tai-khach-san/4731861.html

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.