Quy trình quân đội Mỹ sơ tán công dân khỏi Venezuela khi khẩn cấp
Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019
18:14
//
Slider
,
Tin Hoa Kỳ
Tác giả: Vũ Anh
01/29/2019
Mỹ có thể triển khai nhiều lực lượng đặc nhiệm để đưa nhân viên ngoại giao khỏi Venezuela nếu bất ổn vượt tầm kiểm soát.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm 23/1 tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Mỹ, tố cáo nước này "muốn cai trị Venezuela từ Washington" và yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ rời đi trong vòng 72 giờ. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định nhân viên ngoại giao nước này sẽ không rời Venezuela, cảnh báo sẽ đáp trả thích đáng với bất cứ ai đe dọa an toàn của họ.
Dù các cuộc biểu tình tại Venezuela đã lắng dịu, Lầu Năm Góc vẫn chuẩn bị nhiều phương án sơ tán nhân viên ngoại giao và công dân Mỹ nếu căng thẳng chính trị vượt tầm kiểm soát và làm bùng phát xung đột bạo lực, theo Drive.
Trong trường hợp Tổng thống Donald Trump không ra lệnh can thiệp quân sự, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ là cơ quan quyết định về an ninh tại Venezuela, trong đó bao gồm đề nghị tăng cường lực lượng bảo vệ hoặc sơ tán người Mỹ khỏi quốc gia này. Khi tình hình an ninh trở nên xấu đi, cơ quan này có thể triển khai phi đội máy bay chở khách hạng nhẹ hoặc các chuyến bay dân dụng để đưa người Mỹ khỏi Venezuela.
Quá trình sơ tán khẩn cấp này sẽ được đảm bảo an ninh bởi lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ bảo vệ đại sứ quán cũng như các lực lượng đặc nhiệm được Lầu Năm Góc triển khai. Lầu Năm Góc đã ban hành quy trình sơ tán công dân khẩn cấp (ONN) từ sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya hồi năm 2012.
Một trong những phản ứng thường gặp nhất của Lầu Năm Góc là điều binh sĩ thuộc các đại đội An ninh Chống khủng bố (FAST) thuộc thủy quân lục chiến Mỹ tới khu vực cần sơ tán công dân. Lực lượng này có quan hệ chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, đủ sức triển khai chớp nhoáng để bảo vệ đại sứ quán và các cơ sở ngoại giao Mỹ ở nước ngoài.
Một đơn vị FAST diễn tập chống bạo động. Ảnh: USMC.
Lầu Năm Góc đang duy trì ba đại đội FAST trên lãnh thổ Mỹ và có thể nhanh chóng triển khai tới Venezuela. Trang bị của họ phụ thuộc vào nhiệm vụ cụ thể, bao gồm vũ khí bộ binh, súng máy 12,7 mm và súng phóng lựu tự động Mark 19 cỡ nòng 40 mm. FAST cũng có thể mang theo các thiết bị chống bạo động, kiểm soát đám đông như đạn hơi cay và súng bắn keo dính.
Một đơn vị FAST diễn tập chống bạo động. Ảnh: USMC.
Tuy nhiên, các đơn vị FAST này khó có thể chống lại những cuộc tấn công quy mô lớn khi lực lượng thù địch được trang bị vũ khí hạng nặng. Trong trường hợp đó, Mỹ có thể triển khai đặc nhiệm từ lãnh thổ hoặc những khu vực gần Venezuela để thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh cho chiến dịch sơ tán công dân. Bộ Tư lệnh Các chiến dịch Đặc biệt Mỹ (SOCOM) đang có một sở chỉ huy ở Colombia để điều phối các hoạt động tác chiến đặc biệt tại Nam Mỹ.
Bên cạnh đó là Lực lượng đặc nhiệm hải lục không quân (SPMAGTF) đóng quân thường trực tại căn cứ không quân Soto Cano ở Honduras. SPMAGTF được thành lập từ năm 2015 nhằm ứng phó với các khủng hoảng tại Trung Mỹ và Nam Mỹ, với thành phần được thay đổi luân phiên và trang bị nhiều loại máy bay như vận tải cơ KC-130, trực thăng hạng nặng CH-35E và trực thăng lai MV-22 Osprey.
Những chiếc KC-130 đóng vai trò vận chuyển binh sĩ và hàng hóa, tiếp dầu trên không cho phi đội CH-53E và MV-22. Điều này cho phép SPMAGTF tự triển khai ở những khu vực cách xa căn cứ, không có đủ cơ sở hậu cần kỹ thuật. Để vượt hành trình hơn 2.200 km từ Soto Cano tới thủ đô Caracas của Venezuela, các máy bay Mỹ có thể phải đáp xuống những nước gần đó để tiếp liệu như Costa Rica, Panama và Colombia.
Trực thăng CH-53E triển khai tại Soto Cano hồi năm 2018. Ảnh: USMC.
Một giải pháp khác là điều động lực lượng thường trực tại các căn cứ Mỹ ở những khu vực gần Venezuela. Hai địa điểm lý tưởng cho chiến dịch này là Puerto Rico và căn cứ tiền phương ở đảo Curacao, chỉ cách thủ đô Caracas khoảng 320-800 km.
Trực thăng CH-53E triển khai tại Soto Cano hồi năm 2018. Ảnh: USMC.
Những căn cứ tiền phương ở Nam Mỹ sẽ trở thành điểm tập kết cho mọi chiến dịch đường không của Washington. Không quân Mỹ thường xuyên triển khai máy bay tại các khu vực này để phục vụ chiến dịch chống ma túy, trong đó có phi cơ cảnh báo sớm E-3 Sentry, máy bay tiếp dầu KC-135E và vận tải cơ C-130.
Phi đội C-130 luôn phải sẵn sàng xuất phát ngay khi có lệnh để làm nhiệm vụ giải cứu công dân. Phương án này từng được áp dụng năm 2016, khi một tổ lái C-130 cất cánh chớp nhoáng để sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nam Sudan, đánh dấu nhiệm vụ đầu tiên được thực thi theo quy trình ONN.
Tàu đổ bộ USS Somerset trở về sau nhiệm vụ ở Nam Mỹ. Ảnh: US Navy.
Các tàu chiến Mỹ ở Biển Caribbean có thể đóng vai trò căn cứ dã chiến nếu không có tàu đổ bộ cỡ lớn. Hải quân Mỹ từng phô diễn khả năng triển khai một đơn vị nhỏ gồm tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tàu vận tải đổ bộ lớp San Antonio, trong đó khu trục hạm làm nhiệm vụ hộ tống, còn tàu đổ bộ chở theo một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ để bảo đảm an ninh và sơ tán công dân Mỹ.
Tàu đổ bộ USS Somerset trở về sau nhiệm vụ ở Nam Mỹ. Ảnh: US Navy.
"Còn quá sớm để dự đoán diễn biến chính trị ở Venezuela. Tuy nhiên, việc triển khai binh sĩ Mỹ vào lãnh thổ nước này có thể dẫn đến xung đột quân sự và gây thiệt hại nặng nề cho hai bên, nhất là khi quân đội Venezuela trang bị nhiều vũ khí chuyên đối phó với vận tải cơ bay thấp có vai trò quan trọng trong sơ tán nhân viên ngoại giao Mỹ", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận xét.
Nhiều nước trên thế giới cũng cảnh báo về nguy cơ nổ ra bạo lực nếu Mỹ có bất cứ hành động can thiệp quân sự nào vào tình hình nội bộ của Venezuela, đồng thời kêu gọi các bên liên quan đàm phán, tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Vũ Anh
0 nhận xét