Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Đọc báo Pháp – 29/01/2019

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2019 15:05 // ,


Đọc báo Pháp – 29/01/2019

Cam Bốt – Trung Quốc : Mối liên minh mờ ám

Từng dung túng, nuôi dưỡng chế độ diệt chủng Pol Pot, giờ đây Trung Quốc đang đóng vai nhà tài trợ lớn cho Cam Bốt. Thời gian gần đây, quan hệ Bắc Kinh và Phnom Penh được dư luận quốc tế chú ý nhiều. Nhật báo Pháp Libération hôm nay dành cả trang quốc tế để nói về mối quan hệ này qua bài : « Trung Quốc – Cam Bốt : Mối liên minh mờ ám ».
Libération nhắc lại chuyến thăm Bắc Kinh của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen cách đây ít ngày. Tờ báo viết : « Tại Đông Nam Á, Hun Sen là người bạn lớn của Trung Quốc. Trong 3 ngày, từ 20 đến 23/01, ông đã được chiều chuộng, được tiếp đón như khách danh dự của chủ tịch Tập Cận Bình. Đến để xin đầu tư thêm cho đất nước mình, nhân vật đầy quyền uy ở Cam Bốt đã trở về với 588 triệu đô la mà Bắc Kinh hứa sẽ rót cho Phnom Penh đến tận năm 2021».
Trong khi dưới cái nhìn của phương Tây, Hun Sen là nhân vật khó chơi, tham quyền cố vị, cai trị đất nước bằng bàn tay sắt, thì Trung Quốc lại thấy ở ông ta một đồng minh quý giá, nếu không muốn nói là một kẻ gọi dạ bảo vâng. Nhật báo Pháp nêu dẫn chứng: theo yêu cầu của Bắc Kinh, Hun Sen đã bác bỏ mọi ý tưởng đòi độc lập của Đài Loan (Ghi trong thông cáo chung của chuyến thăm). Với dự án Con đường tơ lụa mới, Tập Cận Bình biết rằng ông có thể tin tưởng vào Hun Sen để thâu tóm cảng Sihanoukville, nhằm kiểm soát tuyến đường giao thương ở eo biển Malacca và bảo đảm có thể bao quát cả vùng Biển Đông.
Theo Libération, Trung Quốc hiện diện sâu rộng ở Cam Bốt. Từ năm 1994 đến 2017, Trung Quốc đã đổ vào Cam Bốt 12,5 tỷ đô la đầu tư cho các công trình hạ tầng cơ sở và công nghiệp. Từ khi Tập cận Bình lên nắm quyền cuối năm 2012, mối quan hệ với Cam Bốt lại càng được tăng cường. Hiện có 200 nhà đầu tư Trung Quốc tại Cam Bốt. Hồi tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh đã viện trợ 100 triệu đô la cho Phnom Penh để hiện đại hóa quân đội. Sự xích lại gần nhau về mặt quân sự giữa Trung Quốc và Cam Bốt đang khiến dư luận không khỏi lo ngại về vai trò của Bắc Kinh trong vịnh Thái Lan.
Mối « quan hệ đặc biệt » này, như Hun Sen đánh giá, không lọt qua sự chú ý của Mỹ. Libération nhắc lại hồi tháng 11, trang báo mạng Asia Times quả quyết rằng một căn cứ quân sự rộng 45 ha, với một cảng nước sâu đang được xây dựng trên đảo Ko Kong, ngoài khơi Sihanoukville. Thông tin này khiến phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã phải viết một bức thư cảnh cáo tới Hun Sen. Thủ tướng Cam Bốt đã phải dẫn cả Hiến Pháp Cam Bốt không cho phép nước ngoài làm căn cứ quân sự để thanh minh với Mỹ. Thế nhưng, theo nhật báo Pháp, « công trình trị giá 3,8 tỷ đô la do Tianjin Union Development Group đầu tư vẫn đang tiến hành. Tập đoàn Trung Quốc bắt đầu công trường này từ năm 2008 và được quyền thuê đất 99 năm ».
Sihanoukville : Lãnh địa Trung Hoa trong lòng Cam Bốt
Libération có bài phóng sự điều tra dài về công trình trên để cho thấy thành phố biển Sihanoukville đang trở thành lãnh địa Trung Hoa trong lòng Cam Bốt như thế nào.
Tác giả ghi nhận từ hai năm trở lại đây, thành phố cảng có 150 nghìn dân này đang thay hình đổi dạng từng ngày. Hàng nghìn người Trung Quốc đang làm việc ngày đêm tại đây. Sihanoukville thực sự là một đại công trường, một cỗ máy tiêu tiền. Chỉ trong 2 năm 2016-2018, Trung Quốc đã đổ vào hơn 1 tỷ đô la đầu tư ở thành phố này. Một sân bay, tuyến đường cao tốc chạy thẳng về thủ đô dài 225 km, một khu Chinatown của các công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc, hàng loạt khách sạn 5 sao có chủ người Trung Quốc đang mọc lên trong thành phố biển này.
Ở phía bắc Sihanoukville, phóng sự của Libération cho biết, một đặc khu kinh tế, với các nhà máy dệt may với hàng chục nghìn công nhân đang nuốt chửng các khoảng đất trống. Khu công nghiệp rộng 11km khi hoàn thành sẽ chứa được 300 xí nghiệp với 100 nghìn lao động.
Trong thành phố Sihanoukville có tới 88 sòng bạc được xây dựng, hiện đã có tới 40 nghìn người Trung Quốc sống tại đó. Trong các khu phố đó, người ta chỉ nói tiếng quan thoại. Đó là khu được gọi là « Macau 2 ». Người dân Cam Bốt vẫn hay gọi đó là « thuộc địa » hay « lãnh địa » Trung Hoa trong đất người Khmer.
Made in China 2025 để vươn tầm thống trị kinh tế thế giới
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, phụ trang kinh tế của báo Le Monde đề cập đến « cuộc tấn công công nghiệp của Bắc Kinh để chinh phục thế giới ».
Với tiêu đề « Giấc mơ tự cung tự cấp Trung Hoa », Le Monde cho biết với chương trình Made in China 2025, Bắc Kinh có tham vọng nâng tầm nhiều ngành công nghiệp. Nhưng hàng tỉ đô la trợ cấp và các số liệu mục tiêu đang gây tranh cãi ở trong và ngoài nước.
Hoa Kỳ và châu Âu sợ rằng chương trình trên của Trung Quốc dựa trên hàng tỷ đô la trợ cấp của Nhà nước là nhằm mục tiêu tới năm 2050 Trung Quốc sẽ vươn lên thống trị kinh tế thế giới. Theo Le Monde, rất có thể đây chính là căn nguyên của cuộc chiến thương mại do tổng thống Mỹ Donald Trump phát động. Chương trình Made in China 2025 được Bắc Kinh khởi xướng từ năm 2015 liên quan đến 10 lĩnh vực chủ chốt, từ các công nghệ tin học cho đến trang thiết bị năng lượng, từ lĩnh vực sinh dược đến giao thông. Bắc Kinh hy vọng chương trình này sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt sự lệ thuộc và nước ngoài. Nhưng Mỹ tố cáo đó là chương trình đánh cắp công nghệ dưới sự hỗ trợ của nhà nước để cạnh tranh không lành mạnh.

Brexit mờ mịt, tương lai các doanh nghiệp bất ổn

Trở lại với khu vực châu Âu, Brexit vẫn là chủ đề được quan tâm. Trang nhất báo La Croix chạy tựa lớn : « Brexit : Các doanh nghiệp căng thẳng».
Chỉ còn hai tháng nữa đến hạn nước Anh ra đi khỏi Liên Hiệp Châu Âu, nhưng cách thức chia tay thế nào vẫn chưa ai biết được. Điều này khiến các doanh nghiệp ở cả hai bên bờ biển Manche đều lo lắng và họ đang có các biện pháp chuẩn bị cho khả năng xấu nhất là Brexit không thỏa thuận.
La Croix ghi nhận « các doanh nghiệp Anh đang chạy đua với thời gian ». Một trong những phương án là đi khỏi Anh. Tờ báo cho biết trong vài tuần tới thôi hãng vận tải biển P&O niềm tự hào của người Anh, với những chiếc phà chở khách trên biển Manche sẽ không còn cắm cờ Anh nữa, mà là cờ hiệu của Chypre. Công ty này đã chuyển đăng ký sang một nước thành viên châu Âu. Cũng như P&O, tập đoàn Dyson, nổi tiếng với sản phẩm máy hút bụi không túi đã thông báo dời trụ sở sang Singapore…
La Croix cho biết, từ hơn một năm rưỡi nay, các doanh nghiệp đặt trụ sở ở Vương Quốc Anh luôn đòi hỏi Luân Đôn phải rõ ràng trong việc ra đi, để họ có thể tổ chức lại các hoạt động tùy theo hình thức Brexit mà Quốc Hội nước này ấn định. Đến giờ này, các chính khách Anh đã không thể thống nhất được với nhau trong chuyện ra đi thế nào.
Phòng thương mại Anh cho biết trên nhật báo The Guadian là 35 công ty đã bắt đầu kế hoạch để di chuyển trụ sở, hoạt động của mình ra khỏi Anh. Một số công ty bắt đầu tích trữ sản phẩm để chuẩn bị ứng phó với trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Các tập đoàn lớn của châu Âu như Airbus cũng tỏ ra rất căng thẳng, cho biết từ hơn 2 năm qua, kể từ khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý 2016, các công ty của tập đoàn không làm sao lên được kế hoạch cho tương lai. Tập đoàn Nhật Sony trong tháng cũng đã kín đáo cho chuyển trụ sở châu Âu từ Luân Đôn sang Amsterdam. Sony, theo bước đối thủ cạnh tranh Panasonic, cũng đã làm như vậy nhưng từ tháng 8.
Hàng chục cơ sở tài chính Anh và các nước khác đã thông báo chuyển nhân viên sang Paris, Frankfurt, Madrid, Dublin hay Luxembourg.

Venezuela : đọ sức Juan Guaido – Nicolas Maduro,

 thành bại ở quân đội

Về thời sự châu Mỹ, các báo Pháp tiếp tục chú ý tới Venezuela. Nhật báo Les Echos có bài : “Tại Venezuela, Guaido muốn chia rẽ quân đội nhằm làm suy yếu Maduro”.
Theo tờ báo thì giờ đây quân đội là trọng tâm của cuộc tranh giành ảnh hưởng, quyết định thành bại của hai vị tổng thống Venezuela lúc này.
Để hy vọng hạ được đối thủ, Juan Guaido, tổng thống tự xưng, đang tập trung vào chiến lược chia rẽ quân đội. Lực lượng này trong những ngày qua vẫn khẳng định trung thành với tổng thống Maduro. Tổng thống tự phong đã có nhiều động thái lôi kéo quân đội, như dự thảo luật ân xá cho quân đội, vận động binh sĩ đứng về phía người biểu tình hay kêu gọi các sĩ quan quay lưng lại với Maduro….
Từ nhiều năm qua, Nicolas Maduro đã làm tất cả để tăng cường vai trò và sức mạnh của quân đội. Ông ta tăng số lượng các tướng lĩnh lên gấp đôi, cho quân đội hoạt động kinh tế, không chỉ thế mà còn được nhiều đặc quyền đặc lợi trong làm ăn. Đối lập từ nhiều năm qua cũng đã cài người của họ vào trong hàng ngũ quân đội. Quyền lực của Maduro chắc chắn sẽ bị suy yếu đi, nếu quân đội không còn trung thành nữa. Nhưng không dễ gì các chỉ huy quân đội bỏ đi quyền lợi mà họ đang được hưởng dưới trướng của Nicolas Maduro.

Tin đọc nhanh

(AFP) – Phó TT Trung Quốc Lưu Hạc tới Mỹ thương thuyết về thương mại. 
Trong bối cảnh quan hệ Bắc Kinh – Washington đang căng thẳng về vụ tập đoàn viễn thông Hoa Vi, phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc về các tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, hôm qua 28/01/2019 đã tới Washington để thương thuyết về các vấn đề kinh tế và thương mại với các lãnh đạo Mỹ.
(AFP) - Trung Quốc : Chủ nhân một trang mạng độc lập lãnh án tù.
Lưu Phi Dược (Liu Fei Yue), sáng lập viên trang mạng « Dân Sinh Quan Sát » đã bị một toà án ở Hồ Bắc kết án 5 năm tù giam với tội danh « kêu gọi lật đổ chính quyền » hôm 29/01/2019. Nhà báo mạng chỉ làm một việc đơn giản là phổ biến các thông tin không được báo chí nhà nước nói đến : biểu tình phản kháng, bạo lực công an, quan chức tham nhũng, dân oan khiếu kiện…
(AFP) -Trung Quốc : Phóng viên quốc tế bị cản trở hoạt động.
Theokết quả một cuộc thăm dò ý kiến được công bố hôm thứ ba 29/01/2019, đại đa số nhà báo nước ngoài hoạt động tại Hoa lục cho biết môi trường làm việc ngày càng suy thoái, năm 2018 tệ hơn năm 2017 : lo sợ điện thoại bị nghe lén (91%), thời gian chờ visa hành nghề kéo dài, bị theo dõi khi đi làm phóng sự, thậm chí bị câu lưu.
(AFP) - Trung Quốc : Phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu đến Tân Cương. 
Sau chuyến « viếng thăm » ba ngày tại Tân Cương từ ngày 11 đến 13 tháng giêng, phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu hôm qua, 28/01/2019, cho biết đã bị quan chức Trung Quốc theo dõi sát sao. Tuy nhiên, phái đoàn cũng thu thập được một số thông tin về tình trạng giam cầm người Duy Ngô Nhĩ và các cộng đồng thiểu số khác trong các nhà tù tập thể.
(AFP) – Vợ của một nhà đấu tranh dân chủ Đài Loan bị cấm sang Trung Quốc thăm chồng.
Nhà đấu tranh người Đài Loan Lý Minh Triết hồi tháng 11/2017 bị một tòa án tỉnh Hồ Nam kết án 5 năm tù về tội âm mưu lật đổ chính quyền. Hôm nay, 29/01/2019, vợ của ông Lý Minh Triết chỉ trích chính quyền Bắc Kinh vì đã cấm bà sang Trung Quốc thăm chồng trong vòng 3 tháng. Lệnh cấm của Bắc Kinh được đưa ra sau khi bà Lý cách nay một tháng công khai chỉ trích các điều kiện tồi tệ mà chồng bà phải chịu đựng trong tù.
(Reuters) – Phong bì chứa thư đe dọa và chất bột nghi là chất kali xyanua được gửi đến hàng chục doanh nghiệp ở Tokyo. 
Trong bức thư gửi đến trụ sở báo Asahi tại Tokyo, người gửi đe dọa sẽ phân tán chất độc kali xyanua nếu Asahi không trả 35 triệu won Hàn Quốc (31.000 đô la) bằng Bitcoin, nhưng không nói rõ phải trả cho ai. Các phong bì tương tự đã được chuyển đến các văn phòng của nhiều tờ báo, công ty dược phẩm và thực phẩm. Truyền thông Nhật cho biết tên người gửi ghi trên phong bì là lãnh đạo của giáo phái Aum Shinrikyo, người đã bị xử tử trong năm 2018.
(AFP) – Hy Lạp : Lương tối thiểu sẽ tăng 11% kể từ tháng 02/2019.
Thủ tướng Hy Lạp hôm qua 28/01/2019 thông báo lương tối thiểu sẽ tăng từ 586 euro/tháng ( trước khi khấu trừ các khoản đóng góp xã hội ) lên thành 650 euro/tháng. Đây là lần tăng lương tối thiểu đầu tiên tại Hy Lạp từ 10 năm nay. Từ năm 2010 đến năm 2018, mức lương tối thiểu đã giảm 22%. Hy Lạp vẫn là một trong các nước có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất khu vực đồng euro.
(BMFTV) – Mỹ đón một đợt lạnh giá kỷ lục.
Theo dự báo, tại một số khu vực, ngày mai 30/01/2019, nhiệt độ ở Chicago, Minneapolissẽ giảm xuống còn -25%. Ở miền đông bắc, nhiệt độ những ngày tới có thể sẽ xuống tới -48 độ C, nhiệt độ cảm nhận có thể xuống tới -55 độ C. Nhiều chuyên gia khí hậu đánh giá đây sẽ là đợt lạnh nhất ở Mỹ tính từ 20 năm qua.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu yêu cầu Facebook, Google và Twitter tăng cường nỗ lực chống thông tin sai lệch trên mạng.
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh kỳ bầu cử nghị viện Châu Âu sắp diễn ra vào tháng 05/2019. Ủy viên châu Âu phụ trách an ninh Julian King hôm nay thông báo châu Âu đã đạt được một số bước tiến, nhất là về việc xóa các tài khoản giả mạo và hạn chế các trang web đưa tin sai.
(Reuters) – Trung Quốc dự kiến tài trợ cho ngành công nghiệp xe hơi.
Kể từ năm 1990, đây là năm đầu tiên thị trường xe hơi Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, sụt giảm. Ủy ban quốc gia về phát triển và cải cách hôm nay, 29/01/2019,  thông báo là các quy định về thị trường xe hơi cũ sẽ linh hoạt hơn, nhà nước sẽ tài trợ « xứng đáng » để thúc đẩy việc mua bán xe hơi ở nông thôn và kích thích nhu cầu xe hơi chạy bằng năng lượng sạch.
(AFP) – Pháp đạt lỷ lục về số doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2018 : 691.000 công ty.
Số doanh nghiệp mới được thành lập tăng 17% so với năm 2017, trong đó 30% là ở Paris và vùng phụ cận. Những người thành lập công ty có độ tuổi trung bình là 36 tuổi và 40% là nữ giới.
( AFP ) – Minh Bạch Quốc Tế: Mỹ bị loại khỏi top 20 các nước ‘trong sạch’ nhất.
Trong bảng xếp hạng theo Chỉ Số Cảm Nhận Tham Nhũng (CPI) 2018, được tổ chức phi chính phủ Minh Bạch Quốc Tế công bố hôm nay, 29/01/2019, lần đầu tiên từ năm 2011 đến nay, Hoa Kỳ không nằm trong danh sách 20 quốc gia và vùng lãnh thổ được xem là « ít tham nhũng » nhất trên tổng số 180 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.