Thế giới chuẩn bị đón năm 2019
RFI
Màn pháo hoa chào đón năm mới trên cầu Harbour và nhà hát Opera ở Sydney, ngày 31/12/2018.PETER PARKS / AFP
Những thời khắc cuối cùng của năm 2018 đang đến gần. Người dân trên khắp năm châu hồi hộp đón chờ năm 2019 trong niềm hân hoan xen lẫn lo âu. Dư âm của nhiều biến động chính trị, xã hội và kinh tế trên thế giới trong năm qua vẫn còn đó và có nguy cơ kéo dài sang năm 2019.
Nhưng AFP khẳng định có một điều chắc chắn không thể thiếu và rất được mọi người trông đợi vào thời khắc linh thiêng : Những màn pháo hoa rực rỡ đón mừng năm mới. Tại Úc, một trong những nơi đầu tiên đón năm 2019, chính quyền Sydney hứa hẹn mang đến cho người xem 12 phút trình diễn pháo hoa đẹp nhất và lộng lẫy nhất từ trước đến nay tại Vịnh Sydney.
Năm 2019 còn được Liên Hiệp Quốc mệnh danh là Năm Quốc tế các Ngôn Ngữ Bản Địa. Vịnh Sydney sẽ là nơi diễn ra các lễ hội tôn vinh các nền văn hóa bản địa, bao gồm cả việc chiếu phim hoạt hình trên các trụ cầu Sydney Harbour Bridge nổi tiếng.
Ở Hồng Kông, dự kiến có khoảng 300.000 người tập trung đông đảo ở Victoria Harbour tận hưởng 10 phút pháo hoa được bắn đi từ năm chiếc thuyền.
Còn tại châu Âu, Anh Quốc bước sang năm 2019 trong một mối quan hệ mới với Liên Hiệp Châu Âu sau quyết định Brexit, đang gây chia rẽ đất nước. Như để khẳng định quyết tâm duy trì mối quan hệ hữu hảo với châu lục, màn pháo hoa từ London Eye sẽ được tiếp nối với các chương trình âm nhạc do các nghệ sĩ đến từ châu lục trình diễn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2019 vẫn sẽ tiếp tục chiếm lĩnh trang nhất các nhật báo quốc tế lớn. Thế cân bằng địa chính trị trên thế giới trong năm qua đã bị chao đảo và tiếp tục sẽ có những đổi thay vì tính cách khó lường của vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ.
Dù vậy, AFP cũng nhận thấy là nếu như tại nhiều nơi trên địa cầu, người dân hân hoan mừng năm mới trong cảnh an bình, thì đâu đó vẫn còn nhiều người phải đón năm 2019 trong loạn lạc như tại Yemen, Syria hay Afghanistan…
Pháo hoa : Niềm đam mê tốn kém và nguy hiểm của người Đức
Người Đức rất thích pháo hoa. Đêm giao thừa, hàng triệu người dân trên khắp cả nước trở thành những nghệ sĩ pháo hoa. Thế nhưng, tai nạn cũng thường xuyên xảy ra và làm dấy lên cuộc tranh luận xưa cũ mỗi năm về việc cấm pháo hoa.
Từ Berlin, thông tín viên đài RFI Nathalie Versieux cho biết vì sao :
« Hàng năm, vào ba ngày cuối cùng trong năm, các loại pháo hoa tại các quầy hàng đều được bán sạch. Năm 2017, người dân Đức tiêu tốn hết 137 triệu euro cho các loại pháo và đủ kiểu pháo hoa mầu.
Trên nguyên tắc, chỉ có những loại pháo lớn nhập bất hợp pháp từ Ba Lan là bị cấm. Những du khách nào từng đón năm mới ở Berlin hẳn không quên tiếng nổ lốp đốp không ngừng của các loại pháo hoa trên các ngõ phố từ lúc màn đêm vừa buông xuống cho đến lúc trời hừng sáng.
Ầm ĩ, xác pháo rơi vãi khắp vỉa hè, bụi pháo cực kỳ ô nhiễm, và nhất là hàng chục cánh tay, ngón tay thậm chí là những con mắt bị mất đi mỗi năm, cái giá phải trả cho niềm đam mê pháo của người Đức là rất cao.
Hiện một số địa phương của Đức như Hanovre, Dusseldorf hay Suttgart đang tìm cách cấm đoán hay thiết lập các vùng cấm đốt pháo. Ngay cả Berlin cũng đang nhắm đến việc cấm đốt pháo hoa bừa bãi trước nỗi lo của cảnh sát, làm thế nào buộc người dân phải tuân thủ một lệnh cấm như vậy ».
0 nhận xét