Giải pháp để du lịch An Giang “cất cánh”
31/12/2018
An Giang là tỉnh có địa hình đa dạng: sông nước, rừng và 37 ngọn núi sừng sững giữa vùng đồng bằng với những huyền tích bí ẩn. Với tiềm năng và lợi thế, An Giang hoàn toàn có thể đưa ngành du lịch “cất cánh” nếu có giải pháp đột phá.
Giá trị cốt lõi của An Giang là sự đa dạng về văn hóa, tín tưỡng, tôn giáo, điều này thể hiện rõ ở sự khác biệt của các công trình kiến trúc, chùa chiền ở nhiều địa phương trong tỉnh. Thêm vào đó, thiên nhiên An Giang cũng là một giá trị cốt lõi quan trọng, với dãy Thất Sơn hùng vĩ, hệ thống sông ngòi chằng chịt, rừng với đa dạng sinh thái và một nền văn hóa lúa nước là những nét nổi bật.
Đề xuất phát triển du lịch của tỉnh An Giang, ông Guillaume Van Grinsven-chuyên gia cấp cao của tổ chức hỗ trợ quốc tế Hà Lan cho rằng, An Giang phải xác định tầm nhìn, đầu tư gì trong 3-5 năm tới để trở thành điểm đến du lịch thực sự. Để làm được điều này, cần tìm kiếm và định danh những giá trị cốt lõi. Ông Guillaume Van Grinsven đề xuất: "Với những giá trị đó, có thể xác định 4 sản phẩm có tiềm năng mang tầm quốc gia hoặc quốc tế, đó là: Châu Đốc với quần thể chùa ở núi Sam; giá trị văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo lâu đời của núi Cấm và khu di tích văn hóa Óc Eo; cuối cùng là rừng tràm Trà Sư, những sản phẩm này tạo nên một hình ảnh An Giang với đa dạng văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo, đình chùa và thiên nhiên sông nước hùng vĩ. Các dự án phát triển sản phẩm tiềm năng này phải gắn liền với xu hướng và định hướng phát triển quốc tế trong việc quyết định các điểm quan trọng nhất để phát triển du lịch An Giang".
Ông Guillaume Van Grinsven phân tích: "Nhiệm vụ quan trọng nhất để phát triển ngành công nghiệp du lịch là đảm bảo một số ít khách trở thành khách du lịch, điều này có nghĩa là họ sẽ không đến thăm An Giang với một thời gian rất ngắn mà sẽ ở lại lâu hơn. Sau khi đạt được thành công đó, sẽ hướng đến tăng lượng khách du lịch lưu trú, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn, góp phần phát triển các hoạt động du lịch". Chuyên gia cấp cao của tổ chức hỗ trợ quốc tế Hà Lan đề xuất: "Để phục hồi không khí linh thiêng quanh miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, cần giảm tải bớt những cửa hàng bán đồ lưu niệm, nhà hàng, cải tạo một số khu vực giao thông thành phố đi bộ. Để du khách có trải nghiệm độc đáo của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ngay cả khi du khách không thể tham gia vào nghi lễ hoặc khách đến đây vào một thời điểm khác trong năm, chúng ta có thể tạo ra trải nghiệm bằng các tạo dựng rạp chiếu phim trình chiếu các sự kiện của lễ hội dưới dạng phim 3D360 độ, dàn nhạc công và đoàn lân đang trình diễn, lễ rước tượng bà hoành tráng, sự chờ đợi đằng sau những tấm màn trong lễ tắm bà và hàng ngàn người dân nhận lộc của bà với mong ước được hạnh phúc và thịnh vượng. Ngay bên cạnh rạp phim, cần có một bảo tàng trưng bày những cổ vật, câu chuyện, giai thoại về Bà Chúa Xứ. Chính quyền địa phương đóng vai trò tiên quyết trong việc phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường xá, bãi đỗ thực sự thông thoáng, góp phần xây dựng một điểm du lịch tâm linh đúng nghĩa".
Núi Cấm có nhiều bối cảnh tôn giáo và có khả năng phát triển thành một điểm đến tâm linh nổi tiếng với khách du lịch quốc tế, nếu chính quyền địa phương và tỉnh có thể giải quyết những vấn đề đang tồn tại hiện nay. Bên cạnh đó, một trong những nền văn hóa lịch sử lâu đời nhất là vương quốc Phù Nam, nổi tiếng bởi cuộc khai quật lịch sử tại Óc Eo. Ông Guillaume Van Grinsven đề xuất: "Chúng ta có thể phục dựng lại cuộc sống của con người, nhà nước và các vị vua. Những khu khai quật không chỉ dành riêng cho các chuyên gia khảo cổ tiếp cận và nghiên cứu mà còn cho khách tham quan có cái nhìn về những giá trị lịch sử. Hãy tái hiện một cộng đồng Óc Eo, là một bảo tàng lịch sử “sống” tại Việt Nam". Tân Châu xứ lụa có nhiều điểm làng nghề như: lãnh Mỹ A, dệt thổ cẩm và chiếu uzu... có thể trở thành điểm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông đến các làng nghề chưa phát triển. Nên đề xuất việc xây dựng một làng nghề nhỏ theo phong cách tổ chức của địa phương, với mỗi ngành, nghề sẽ có một khu riêng để trưng bày sản phẩm, cách tạo ra các sản phẩm này và các quầy bán những sản phẩm phù hợp với ý thích của du khách.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ xúc động khi nghe ông Guillaume Van Grinsven phát biểu về những giá trị cốt lõi của đất An Giang, cùng với các tham vấn có tính thực tiễn và giàu ý nghĩa. Thủ tướng cho rằng: "Trong toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển của vùng đất này, An Giang là một phần di sản cần được bảo tồn, cần được biết đến trên mọi phương diện văn hóa, tôn giáo, lịch sử của Châu Á. Đây là vẻ đẹp tiềm ẩn cần được nhận diện và trở thành quốc kế dân sinh mới cho sự phát triển của du lịch Việt Nam". Thủ tướng lưu ý, những kiến tạo địa chất đặc biệt hàng triệu năm trước ở An Giang đã hình thành 7 ngọn núi giữa vùng ĐBSCL thẳng cánh cò bay là sự hàm chứa giá trị tâm linh đậm chất phương Đông trong một vùng đất có sự giao thoa về tôn giáo và tín ngưỡng. Điều này rất hấp dẫn du khách. Đối với các nhà đầu tư, đây là yếu tố phong thủy rất tốt cho sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
0 nhận xét