Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 18/08/2017

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017 19:43 // , ,

Tin khắp nơi – 18/08/2017

Chiến lược mới cho Afghanistan: tăng quân hay rút quân?

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho biết Tổng thống Donald Trump đang tiến gần hơn tới chỗ quyết định một chiến lược mới để ứng phó với chiến tranh ở Afghanistan đã kéo dài 16 năm.
Nhiều giải pháp sẽ được xem xét hôm Thứ Sáu khi ông Trump gặp Phó Tổng thống Mike Pence và toán an ninh quốc gia của ông tại Trại David ở Maryland.
Trước khi thông qua chiến lược mới, chính quyền Trump cho biết sẽ duyệt lại lối tiếp cận với khu vực Nam Á, bao gồm cả Pakistan và Ấn Độ.
Các lựa chọn khác nhau bao gồm việc gửi thêm hàng ngàn binh sĩ sang Afghanistan, hoặc triệt thoái toàn bộ binh sĩ Mỹ, giao lại nhiệm vụ cho các nhà thầu quân sự của tư nhân duy trì nền an ninh mong manh ở nước này.
Bộ Quốc phòng Mỹ tháng trước đã thông qua một kế hoạch để bổ sung thêm 3.800 quân sang hỗ trợ quân đội Afghanistan, nhưng một số quan chức Toà Bạch Ốc đặt nghi vấn về liệu gửi thêm các nguồn lực phụ trội sẽ có hiệu quả hay không.
Tổng thống Trump đã ủy quyền cho Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ấn định quân số ở Afghanistan, nhưng vài tháng sau, quân số của lực lượng đồng minh vẫn không thay đổi.
Hiện có khoảng 8.400 binh sĩ Mỹ và 5.000 binh sĩ NATO có mặt ở Afghanistan, chủ yếu trong vai trò cố vấn và huấn luyện.
Hoa Kỳ cũng duy trì một lực lượng ở Afghanistan có nhiệm vụ chiến đấu chống các nhóm khủng bố, kể cả Nhà nước Hồi giáo và al-Qaeda.
Bộ trưởng Mattis đã nói ông sẽ ra quyết định điều chỉnh quân số lực lượng Mỹ một khi chính phủ đạt được thỏa thuận về một chiến lược rõ rệt, hợp lý cho Afghanistan và khu vực rộng lớn hơn, kể cả những sự tương tác của Pakistan với các nhóm khủng bố.
Ông Jonah Blank, chuyên gia về Nam Á của tập đoàn Rand, nói những báo cáo tình báo mà ông nhận được cho thấy tăng quân là lựa chọn được ưa chuộng nhất của chính quyền Tổng thống Trump. Chiến lược gia cấp cao Steve Bannon được cho là một trong số các cố vấn của ông Trump ủng hộ giải pháp rút quân và giao lại nhiệm vụ cho các nhà thầu quân sự tư.
Nhưng nhiều nhân vật Afghanistan có thế lực lo ngại các nhà thầu tư nhân sẽ không chịu trách nhiệm về hành động của họ. Họ lo ngại về nguy cơ tái diễn những hành vi tàn ác mà lính đánh thuê của Công ty an ninh Blackwater đã làm ở Afghanistan và Iraq cách đây một thập niên.
Khả năng đảo ngược tình hình ở Afghanistan vấp cản trở vì chính phủ Afghanistan không có khả năng chặn đà tiến của Taliban, nếu không được yểm trợ. Theo báo cáo mới nhất của Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ đặc trách Tái thiết Afghanistan thì phe Taliban đang kiểm soát gần phân nửa nước này.
Các thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ đã bày tỏ bực dọc về cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan, và thời gian quá lâu mà chính quyền Tổng thống Trump cần để đi đến một chiến lược mới khả dĩ có thể phá vỡ tình trạng bế tắc ở Afghanistan.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain tuần trước nói:
“Hoa Kỳ đang mất hướng di liên quan tới tình hình Afghanistan.”
Ông McCain nói tiếp
“Gần bảy tháng sau khi chính quyền Tổng thống Trump lên nắm quyền, chúng ta vẫn không có một chiến lược nào cả, giữa lúc các điều kiện tại hiện trường ngày càng trở nên tồi tệ hơn”.
Thượng nghị sĩ McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ, trước đây đề nghị mở rộng hoạt động chống khủng bố và tăng sự hỗ trợ dành cho quân đội Afghanistan.

Các nạn nhân vụ tấn công tại Tây Ban Nha

13 người thiệt mạng cùng nhiều người bị thương sau khi một chiếc xe van lao vào đám đông tại quận trung tâm Las Ramblas của Barcelona.
Lượng khách du lịch đông đúc của khu vực này đồng nghĩa với việc các nạn nhân của sự việc tới từ nhiều quốc gia. Vụ tấn công thứ hai xảy ra tại Cambrils cũng đã khiến ít nhất một người thiệt mạng.
Cơ quan y tế khẩn cấp cho biết, khách du lịch từ 34 quốc gia khác nhau đã bị thương hoặc thậm chí tử vong.
Úc
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop nói có tám công dân Úc bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công. Bốn người bị thương, ba người yêu cầu giúp đỡ từ lãnh sự và một người vẫn chưa rõ tung tích.
Công dân bị mất tích là một cậu bé 07 tuổi đã bị tách khỏi mẹ mình trong vụ tấn công, theo ABC. Mẹ cậu bé được cho biết là một trong những người bị thương.
Bà Bishop nói một người phụ nữ từ New South Wales bị thương nghiêm trọng nhưng trong điều kiện khá ổn định. Một công dân khác, mang hộ chiếu Anh cũng tới từ New South Wales, đang trong tình trạng nguy kịch. Hai người đàn ông từ Victoria cũng được điều trị vết thương, nhưng sau đó đã ra viện.
Bỉ
Bỉ đã xác nhận một công dân tử vong. Phó thủ tướng Bỉ cho biết hai người khác đang điều trị tại bệnh viện, một trong hai người đang trong tình trạng nguy kịch.
Pháp
Trong một thông cáo, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian nói 26 công dân Pháp bị thương, trong đó ít nhất 11 người trong tình trạng nguy kịch. Ông đã tới Barcelona vào thứ sáu để “thay mặt Pháp giúp đỡ Tây Ban Nha”.
Hy Lạp
Bộ trưởng Ngoại giao cho biết một người phụ nữ Hy Lạp bị thương, theo báo cáo chính thức của cơ quan chức trách Tây Ban Nha.
Đức
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Đức nói với hãng tin Reuters rằng ông nghĩ có khoảng 13 công dân Đức bị thương, một số trong tình trạng nguy kịch, nhưng ông chưa xác nhận có công dân Đức thiệt mạng hay không.
Hong Kong
Cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết một công dân từ Hong Kong “bị thương nhẹ” tại vụ tấn công, trích lời Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Barcelona. Thông tin cho biết hiện tại chưa có công dân Trung Quốc nào khác bị thương.
Ireland/ Philippines
Bộ ngoại giao Ireland cho biết một gia đình bốn người đã bị thương từ vụ tấn công. Người cha và người mẹ gốc Philippines, nhưng sinh ra và lớn lên tại Ireland. Nước này không xác nhận danh tính của họ.
Nhưng đài truyền hình quốc gia RTÉ đã trích dẫn thông tin từ sứ quán Philippines tại Madrid, rằng các thành viên trong gia đình này có tên Norman và Pederlita Putot, cùng hai người con là Nathaniel và Pearl.
Trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Simon Coveney, người cha bị thương tại đầu gối và đứa con trai 05 tuổi bị gãy xương đùi. Người mẹ và con gái không bị thương.
Ý
Hai công dân Ý đã tử vong trong vụ tấn công.
Lãnh đạo công ty sản xuất thiết bị máy tính Tom’s Hardware đã xác nhận nạn nhân tử vong là Bruno Gulotta trên Facebook. Anh là cha của hai con nhỏ, công ty cho biết.
Tờ báo La Repubblica của Ý đưa tin rằng anh đang đi bộ cùng vợ, người đã kéo đứa con 05 tuổi một cách an toàn ra khỏi tay Bruno vào giây phút sinh tử.
Nạn nhân còn lại người Ý vẫn chưa được xác nhận danh tính.
Hà Lan
Trong một thông cáo, Bộ ngoại giao cho biết 03 công dân Hà Lan đã bị thương nhưng “đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch”, và đang điều trị tại bệnh viện. Họ đã nói chuyện với gia đình, thông cáo cho biết.
Peru
Một người phụ nữ Peru bị thương tại vụ tấn công đã được xuất viện. Một thông cáo của tờ Andina, đồng sản xuất bởi Bộ ngoại giao Peru, trích lời một quan chức rằng không có công dân Peru nào khác chết hay bị thương.
Romania
Romania có ba nạn nhân từ vụ tấn công, Bộ ngoại giao nước này cho biết.
Một người được miêu tả là đang trong tình trạng ổn định và được điều trị tại bệnh viện, người thứ hai là một phụ nữ, đang nhận chăm sóc đặc biệt, trong tình trạng ổn định, và người thứ ba được điều trị cho chấn thương nhẹ.
Tây Ban Nha
Chỉ có một công dân Tây Ban Nha được xác nhận chính thức là đã thiệt mạng: người đàn ông 60 tuổi, Francisco Lopez Rodriguez. Tờ El Pais cho biết vợ ông cũng nằm trong số nạn nhân bị thương nghiêm trọng và hai thành viên khác trong gia đình, trong đó có một trẻ em, cũng tử vong.
Số nạn nhân người Tây Ban Nha vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, truyền thông địa phương cho biết trẻ em – bao gồm nhỏ nhất khoảng 03 tuổi – cũng có thể nằm trong số nạn nhân.
Đài Loan
Nhiều cơ quan truyền thông tại Đài Loan cho biết có hai công dân trong một nhóm khách du lịch đã bị thương và điều trị tại bệnh viện. Tờ Taiwan News nói rằng đó là một cặp mẹ và con gái, và người mẹ bị “rạn xương nhẹ”.
Thổ Nhĩ Kỳ
Hãng tin Anadolu của Thổ Nhĩ Kì đưa tin một công dân nước này đã “bị thương nghiêm trọng”, trích dẫn thông tin từ Sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Madrid. Danh tính của nạn nhân không được công bố.
Anh
Bộ ngoại giao Anh đăng tải một thông cáo cho biết: “Chúng tôi đang giúp đỡ một nhóm công dân Anh bị ảnh hưởng và tìm kiếm những nạn nhân khác cần hỗ trợ.” Không có thông tin nào được cung cấp thêm.
Mỹ
Hãng tin ABC News cho biết một công dân Mỹ bị thương tại vụ tấn công, trích dẫn thông tin từ cơ quan chức năng. Một thông tin khác cũng cho biết một người đàn ông 43 tuổi từ California bị mất tích, nhưng không rõ hai báo cáo trên có nói về cùng một người. Chính quyền Tây Ban Nha cũng chưa xác nhận công dân Mỹ nào trong danh sách những người thiệt mạng và bị thương.
Các quốc gia khác
Một số quốc gia khác cũng được cho là có công dân bị ảnh hưởng, nhưng chưa xác nhận được thông tin chi tiết.
Các quốc gia này bao gồm: Algeria, Argentina, Áo, Canada, Trung Quốc, Colombia, Cuba, Cộng hòa Dominica, Ecuador, Ai Cập, Honduras, Kuwait, Macedonia, Mauritius, Ma-rốc, Pakistan và Venezuela.

Tây Ban Nha: Cảnh sát ‘chặn vụ tấn công thứ hai’

Cảnh sát nói họ giết bốn người tại Cambrils để ngưng điều họ gọi là mưu toan tấn công thứ hai sau vụ tấn công ở Barcelona.
Cảnh sát cảnh báo mọi người không ra đường. Tin cho hay nhiều tiếng súng nổ tại cảng Cambrils.
13 người chết và hàng chục người bị thương trong vụ xe van lao vào đám đông ở khu vực Las Ramblas, Barcelona vào chiều hôm thứ Năm.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói đó là “vụ tấn công thánh chiến”.
Một kẻ tấn công khác bị thương trong khi cảnh sát nổ súng tại Cambrils, cảnh sát cho biết.
Truyền thông Tây Ban Nha đưa tin những kẻ tấn công tại Cambrils đã đâm nhiều người vào sáng sớm hôm thứ Sáu làm nhiều người bị thương trong vụ dường như để lặp lại vụ tấn công ở Barcelona.
Xe van được dùng để lao vào đám đông trong một loạt vụ tấn công tại nhiều nơi ở châu Âu kể từ tháng Bảy năm ngoái.
Tổ chức được gọi là Nhà nước Hồi giáo nói họ đứng sau vụ tấn công tại Las Ramblas và nói các chiến binh Nhà nước Hồi giáothực hiện vụ này.
Tổ chức này không đưa thêm bằng chứng hay chi tiết chứng minh cho tuyên bố này.
Giới chức Tây Ban Nha nói một vụ nổ vào tối hôm thứ Tư tại một căn nhà gần Barcelona làm một người chết là có liên quan tới vụ tấn công ở Las Ramblas.
Cảnh sát đưa hình ảnh một người có tên Driss Oubakir có giấy tờ tùy thân được dùng để thuê chiếc xe van dùng trong vụ tấn công.
Truyền thông Tây Ban Nha nói người này ở độ tuổi ngoài 20, sinh ra tại Morocco. Tuy nhiên người này nói với cảnh sát rằng mình không dính líu gì và giấy tờ bị đánh cắp.
Las Ramblas là một đại lộ trung tâm dài 1,2 cây số tại trung tâm Barcelona.
Hoa Kỳ đã đề nghị trợ giúp Tây Ban Nha
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết đang trợ giúp lãnh sự cho công dân Mỹ tại Barcelona và thúc giục công dân nước này liên lạc với người thân.
“Những kẻ khủng bố trên khắp thế giới nên biết Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta quyết tâm tìm và đưa thủ phạm ra công lý,” ông nói với các phóng viên.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói ba người Úc đã bị nạn trong cuộc tấn công. Một phụ nữ bị thương nặng.
Ông Turnbull nói: “Chúng tôi đoàn kết tuyệt đối với người dân Tây Ban Nha”.
Thủ tướng Anh Theresa May nói Vương quốc Anh sát cánh với Tây Ban Nha để chống khủng bố”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Chúng ta đoàn kết và quyết tâm.”

Khủng bố ở Barcelona và Cambrils: Cập nhật mới nhất

Hai vụ tấn công vào đám đông bằng xe van đã xảy ra tại vùng Catalonia, Tây Ban Nha.
Sau đây là những thông tin ban đầu đã được thu thập.
Chuyện gì đã xảy ra?
Vào 16h50 giờ địa phương (14h50 GMT) chiều thứ năm, một xe van trắng đã lao vào đám đông tại Las Ramblas, một đại lộ nổi tiếng ở trung tâm Barcelona dài 1,2km (0.75 dặm) và chật kín du khách.
Kẻ lái xe van được miêu tả là lái xe theo đường zig zag nhằm đâm càng nhiều người càng tốt trong khu vực dành cho người đi bộ. Nhiều nạn nhân ngã xuống và những người khác phải nhanh chóng chạy trốn vào các cửa hàng và quán cà phê.
Kẻ tấn công làm 13 người thiệt mạng, hơn 100 người khác bị thương, và trốn thoát khỏi hiện trường.
Cảnh sát Tây Ban Nha miêu tả đây là một vụ tấn công khủng bố.
Cuộc tấn công thứ hai?
Khoảng tám tiếng sau, một chiếc xe Audi A3 lao vào người đi bộ tại thành phố biển nghỉ dưỡng nổi tiếng Cambrils, cách Barcelona 110km (68 dặm) về phía tây nam.
Một cảnh sát và sáu dân thường bị thương, trong đó một người bị thương nghiêm trọng.
Năm kẻ tấn công, được cho là đeo đai thuốc nổ, đã bị bắn bởi cảnh sát. Bốn kẻ tấn công chết tại hiện trường và một kẻ tử vong sau đó vì vết thương quá nặng.
Những vụ tấn công có tổ chức đã xảy ra và chính quyền cho biết các đai thuốc nổ tìm thấy đều là giả.
Hai vụ tấn công tại Las Ramblas và Cambrils được cho là có liên quan tới nhau.
Ai đã bị bắt?
Vào thứ năm, Một nghi phạm từ vùng Melilla của Tây Ban Nha, nằm giáp ranh với phía bắc châu Phi, đã bị bắt giữ tại Alcanar và một nghi phạm người Ma-rốc bị bắt giữ tại Ripoll. Cả hai thị trấn đều nằm trong Catalonia – khu vực bao gồm cả Barcelona.
Cảnh sát cho biết cả hai người bị bắt giữ đều không phải kẻ đã lái xe.
Hồ sơ của nghi phạm 28 tuổi người Ma-rốc, Driss Oubakir, được sử dụng để thuê xe van trong vụ tấn công Las Ramblas nhưng truyền thông địa phương cho biết giấy tờ của người này đã bị lấy cắp và sử dụng mà không hề biết.
Theo báo El Pais, trích nguồn tin từ cảnh sát, nguời đàn ông này tới Barcelona từ Ma-rốc ngày 13/8.
Vào thứ sáu, cảnh sát tuyên bố một nghi phạm khác bị bắt giữ tại Ripoll. Tuy nhiên, vẫn chưa biết chính xác có tất cả bao nhiêu người liên quan đến vụ việc.
Có những vụ tấn không khác hay không?
Tối thứ năm lúc 19h30 giờ địa phương, một chiếc ô tô đã lao vào cảnh sát tại một trạm kiểm soát ở ngoại ô Barcelona.
Chiếc xe này sau đó được phát hiện có một thi thể người đàn ông ở bên trong, nhưng Bộ Nội vụ đã phủ nhận thông tin người này tử vong do bị cảnh sát bắn. Theo các nhà chức trách, vụ tấn công này không được cho là liên quan đến vụ tấn công Las Ramblas, nhưng vẫn đang được điều tra mở rộng.
Đêm thứ tư, một vụ nổ đã phá hủy hoàn toàn một ngôi nhà tại Alcana, cách Barcelona 200km về phía nam, làm một người chết và bảy người bị thương.
Ngôi nhà bị bao phủ bởi các bình chứa khí nén butan và propano, tờ El Pais đưa tin.
Cảnh sát Tây Ban Nha đang điều tra theo giả thiết vụ nổ này có liên quan tới việc nhóm khủng bố đã sử dụng ngôi nhà tại Alcana làm căn cứ để chuẩn bị cho các cuộc tấn công sau đó.
Các nạn nhân là ai?
Họ tới từ khắp nơi trên thế giới, với ít nhất 24 quốc tịch.
Các nạn nhân được xác định tới từ Ireland, Pháp, Úc, Trung Quốc, Pakistan, Venezuela, Algeria, Peru, Đức, Hà Lan, Hy Lạp, Hong Kong, Đài Loan và Philippines.
Vương quốc Bỉ công bố một trong các công dân của họ đã thiệt mạng và Pháp cho biết 26 người dân nước này đã bị thương, trong đó 11 người trong tình trạng nguy kịch. Chính phủ Úc cũng nói rằng có ít nhất bốn công dân Úc bị thương.
Ai chịu trách nhiệm?
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công Las Ramblas và nói rằng các ‘chiến binh’ IS đã thực hiện. Nhưng nhóm này không đưa ra các bằng chứng hay chi tiết để chứng minh cho lời tuyên bố này.
Tại sao là Tây Ban Nha?
Tây Ban Nha là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất châu Âu nhưng trong những năm gần đây chưa hề gặp phải những vụ tấn công như với Pháp, Anh, Bỉ và Đức.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha đã từng bị rơi vào tầm ngắm khi nhiều chuyến tàu tại thủ đô Madrid đã bị tấn công bởi những kẻ bị xúi giục bởi al-Qaeda vào năm 2004, làm thiệt mạng 191 người.
Trang tin của IS, Amaq, nói rằng vụ tấn công xảy ra trong nỗ lực của IS hướng tới các quốc gia liên minh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Vài trăm binh lính Tây Ban Nha đang ở Iraq để huấn luyện quân đội địa phương trong cuộc chiến với đội quân Hồi giáo dòng Sunni.
Hoạt động của chủ nghĩa hồi giáo tại Tây Ban Nha ở mức độ nào?
Số chiến dịch chống hồi giáo cực đoan đã tăng mạnh từ khi Tây Ban Nha tăng mức độ cảnh báo khủng bố lên mức 4/5 vào tháng 06/2015, nghĩa là “nguy cơ cao” bị tấn công khủng bố.
Trước những vụ tấn công này, 51 kẻ Hồi giáo cực đoan bị tình nghi đã bị bắt giữ trong nước trong năm nay, 69 kẻ bị bắt giữ năm ngoái và 75 kẻ bị bắt giữ năm 2015, theo tờ El Pais.
An ninh và hoạt động giám sát được đẩy mạnh sau sự cảnh tỉnh từ những cuộc tấn công bằng xe tải tại Nice (Pháp) vào tháng 7/2016 và thủ đô Berlin (Đức) vào tháng 12.
Những cuộc tấn công “lớn hơn” đã được lên kế hoạch?
Cảnh sát cho biết, những kẻ tình nghi liên quan đến hai vụ khủng bố tại Barcelona và Cambrils đã lên kế hoạch cho không chỉ một mà nhiều vụ tấn công khác lớn hơn.
Cảnh sát trưởng Catalonia nói rằng vụ nổ xảy ra hôm thứ tư tại một thị trấn phía nam Barcelona đã phá hoại kế hoạch đánh bom, khiến kẻ tình nghi thay đổi kế hoạch hành động sang hình thức đơn giản hơn là lao xe van vào đám đông.
Cảnh sát đang ráo riết truy tìm Moussa Oukabir, 18 tuổi, bị tình nghi đã sử dụng giấy tờ của anh trai mình để thuê chiếc xe đã tấn công đám đông hôm thứ năm tại Barcelona.
Moussa Oukabir được cho là đã thuê hai chiếc xe, một chiếc để thực hiện vụ khủng bố tại Las Ramblas và một chiếc, được tìm thấy tại thị tấn Vic nằm ở phía bắc Barcelona, để làm phương tiện tẩu thoát.

Nhật sẽ giúp VN và Philippines về an ninh hàng hải

Nhật Bản sẽ viện trợ 500 triệu USD từ năm nay đến năm 2019 cho các nước ven biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tăng cường năng lực an ninh hàng hải, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono tuyên bố hôm thứ Năm 17/8.
Các nước nhận viện trợ là Việt Nam và Phillipines, hai quốc gia đều có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông.
Động thái này được cho là để đáp sự hiện diện hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, theo hãng tin Kyodo, Nhật Bản.
Ông Kono đưa ra thông báo này trong trong cuộc họp báo chung sau cuộc đối thoại an ninh giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản tại Washington D.C.
Bộ Ngoại giao Nhật cũng cho biết với khoản viện trợ phát triển chính thức này, phía Nhật dự kiến sẽ chuyển giao 16 tàu tuần tra cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng tuần duyên Phillippines.
Với khoản viện trợ này, Nhật Bản muốn giúp các nước nhận viện trợ mua tàu tuần tra và thiết bị tuần duyên cũng như đào tạo năng lực cho nhân viên để tăng cường khả năng hành pháp và giám sát biển, một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật nói với báo giới.
Ngoại trưởng Kono cho biết khoản viện trợ khoảng 500 triệu USD sẽ được chi từ năm nay đến năm 2019. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các nước nhận viện trợ khi Tokyo dự kiến trao tổng cộng 16 tàu tuần tra cho cảnh sát biển Việt Nam. Phía lực lượng tuần duyên Philippines cũng sẽ nhận được tàu tuần tra theo kế hoạch viện trợ.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định kế hoạch viện trợ này không nhằm chống lại hoạt động của bất kỳ nước cụ thể nào mà chỉ để giúp các nước được hỗ trợ cải thiện khả năng tuần tra giám sát và hành pháp.
Ngoại trưởng Kono nói Nhật sẽ mở rộng hợp tác với Mỹ trong việc xây dựng năng lực cho các nước châu Á đang phát triển, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi nhất trí rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để đảm bảo phát triển kinh tế ở khu vực này trong sự minh bạch.”
Ông Kono cũng nói Nhật sẽ tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng với Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Tướng Mỹ: ‘Chiến tranh Bắc Hàn sẽ ‘kinh hoàng’

Giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn sẽ là “kinh hoàng” nhưng vẫn là một lựa chọn, cố vấn quân sự hàng đầu cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói.
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, đã đưa ra nhận xét này khi đến thăm Trung Quốc.
Ông đưa ra nhận xét về lời bình luận của một cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump về các hành động quân sự đối với chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Căng thẳng đã bùng nổ giữa Mỹ và Bắc Hàn sau khi Bình Nhưỡng gia tăng việc thử nghiệm tên lửa.
Ông Trump đã cảnh báo Bắc Hàn rằng họ đang phải đối mặt với “lửa đạn và cuộng nộ”, trong khi Bình Nhưỡng đe doạ tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ ở Guam.
Tuy nhiên, lời lẽ hiếu chiến vào tuần trước đã dịu bớt, với lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un hoãn kế hoạch tấn công Guam – một động thái được khen ngợi bởi Tổng thống Trump.
Nhà hoạch định chiến lược chính của Nhà Trắng Steve Bannon, cho biết hôm 16/8 rằng có thể sẽ không có giải pháp quân sự nào.
“Cho đến khi ai đó giải quyết được một phần của phương trình này, rằng 10 triệu người ở Seoul không chết trong 30 phút đầu tiên từ vũ khí thông thường, sẽ không có giải pháp quân sự ở đây,” ông nói với The Prospect của Hoa Kỳ.
Tướng Dunford nói một giải pháp quân sự sẽ “kinh hoàng” nhưng vẫn tiếp tục nói “những gì không thể tưởng tượng đối với tôi sẽ không phải là một lựa chọn quân sự”
“Điều không thể tưởng tượng được đó chính là cho phép [lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un] phát triển tên lửa đạn đạo với đầu đạn hạt nhân có thể đe doạ Hoa Kỳ và tiếp tục đe dọa khu vực.”
Ông nói rằng Tổng thống Trump “đã nói với chúng tôi để tính toán các lựa chọn quân sự tin cậy, khả thi, và đó là chính những gì chúng tôi đang làm”.
Một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc, người đã gặp Tướng Dunford, nói với rằng phải loại bỏ hành động quân sự và “đối thoại” là lựa chọn duy nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói.
Trung Quốc là đồng minh lớn duy nhất của Bắc Hàn. Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc đã không làm đủ để kiềm chế nó, nhưng Bắc Kinh nói rằng họ đã bắt đầu ngừng nhập khẩu sắt, quặng sắt và hải sản từ Bắc Hàn, phù hợp với các biện pháp trừng phạt mới của Liêp Hiệp Quốc.

TT Moon Jae-in

ngăn chận mọi cách chiến tranh không xảy ra

Tại Seoul, Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-In tiếp tục lên tiếng kêu gọi Bắc Hàn ngưng ngay những hành động tạo bất ổn, đồng thời cũng nói rõ là ông sẽ ngăn chận bằng mọi cách để chiến tranh không xảy ra.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 17 tháng 8 tại Seoul, Tổng Thống Nam Hàn cho biết theo quan điểm của ông, Bắc Hàn sẽ bị xem là vượt lằn ranh đỏ nếu bắn tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân.
Cũng cần nói thêm chiều hôm 16 tháng 8 tại Washington, ông Cố Vấn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ Hebert Raymond McMaster đã gặp ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản, để thảo luận về những biện pháp cần làm đối với Bắc Hàn.
Tin từ Tokyo nói trong cuộc gặp này, hai chính phủ cũng đã bàn thảo về khả năng của hệ thống phòng thủ phi đạn mà Nhật Bản đang có
Cũng tại Tokyo, đại sứ Hoa Kỳ William Hagerty khẳng định Washington có thừa khả năng để bảo vệ an ninh cho chính mình và cho các nước đồng minh như Nhật Bản.

Giới dân chủ HK lo ngại có thêm người bị tù

Các nhà hoạt động dân chủ ở Hong Kong vào ngày 18 tháng 8 bày tỏ lo ngại sẽ có nhiều người nữa trong số họ sẽ bị tù sau khi chính quyền đặc khu tuyên án tù anh Hoàng Chi Phong và hai nhà hoạt động nổi tiếng khác  từ sáu đến tám tháng tù giam vào hôm 17 tháng Tám.
Những người này nói rằng biện pháp tuyên án đó là bằng chứng cho thấy sự can thiệp ngày càng sâu của Bắc Kinh vào đặc khu hành chánh Hong Kong, và điều này sẽ làm ảnh hưởng xấu đến nền pháp trị của vùng theo qui định ‘một quốc gia, hai thể chế’ này.
Đước biết là vào tháng Chín tới đây có thêm chín thành viên của phong trào dân chủ năm 2104 phải ra hầu tòa, và họ có thể chịu những bản án lên đến 7 năm tù giam về tội gây rối trật tự.
Ông Benny Tai, một trong chín người sắp ra tòa nói rằng ông đã chuẩn bị tin thần cho việc đó, và ông nhấn mạnh rằng tòa án đã bỏ qua những vấn đề thuộc về quyền bất tuân dân sự của người dân.
Anh quốc đã lên tiếng nói hy vọng rằng bản án vừa qua sẽ không làm chùn bước sự phản kháng hợp pháp trong tương lai.
Nhưng một trong ba quan tòa ra phán quyết ngày 17 tháng 8 lại nói rằng đang có một khuynh hướng không lành mạnh nơi người dân Hong Kong khi họ vi phạm luật lệ với một thái độ kiêu căng và tự mãn.
Người đứng đầu Cơ quan Tư pháp Hồng Kông vào ngày 18 tháng 8 cũng lên tiếng phủ nhận mọi cáo buộc cho rằng kết án ba thủ lĩnh Cuộc Cách Mạng Dù năm 2014 là có động cơ chính trị.
Vào năm ngoái, tòa quyết định miễn án tù đối với 3 sinh viên này. Tuy nhiên Cơ quan Tư pháp Hồng Kông yêu cầu xét xử lại và muốn kết án tù.
Hãng Reuters loan tin Người đứng đầu Cơ quan Tư pháp ông Viên Quốc Cường bỏ qua mọi lời góp ý của các công tố viên cao cấp trong Bộ này. Sau đó ông Viên giải thích rằng trong bất cứ điều gì đều có thể xảy ra chuyện bất đồng ý kiến và cho rằng những ý kiến khác nhau thực ra lại tốt nếu muốn cuộc thảo luận mang tính xây dựng.
Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối mọi lời chỉ trích liên quan đến việc kết án tù 3 sinh viên này, cho rằng không thể lạm dụng điều được gọi là dân chủ để thực hiện những hành động bạo lực vi pháp.
Hãng AFP dẫn lời phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh rằng Hồng Kông là một khu đặc chính của Hoa Lục, và Hoa Lục hoàn toàn phản đối bất cứ lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào chuyện nội bộ của Hồng Kông.
Xin nói lại ngày 17/8 vừa qua Hồng Kông đã tuyên án 3 sinh viên Hoàng Chi Phong, La Quán Thông và Châu Vĩnh Khang bị tòa kết án từ 6 đến 8 tháng tù vì tham gia lãnh đạo cuộc biểu tình năm 2014 tại đặc khu hành chánh này.

‘Sát thủ chiến tranh biên giới Việt- Trung’

sẽ là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương TQ

Tướng Tổng tư lệnh binh chủng Lục Quân, Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Hoa, Lý Tác Thành dự kiến sẽ đảm nhận chức vụ phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương, một số nguồn tin quân sự cho mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng biết và mạng này loan đi hôm 17 tháng 8.
Theo đó tướng Lý Tác Thành, 64, tuổi, được đưa vào Quân Ủy Trung ương để thế chỗ của tướng Hứa Kỳ Lượng chuyển đi; và chắc hẳn tướng Lý sẽ nắm chức phó chủ tịch thứ nhất cơ quan quyền lực này khi tướng Phạm Trường Long 70 tuổi dự kiến về hưu vào tháng tới.
Ông Lý Tác Thành là người tỉnh Hồ Nam và được tuyên dương anh hùng nhờ vào thành tích khi tham gia cuộc chiến biên giới Việt- Trung năm 1979. Tin nói, ông này lúc đó bị thương nhưng từ chối ‘ngưng chiến đấu’.
Mạng Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn nguồn từ một đại tá cấp cao về hưu sống tại Bắc Kinh nói rõ việc bổ nhiệm ông Lý Tác Thành nhằm dọn đường cho đợt cải tổ trong hàng ngũ lãnh đạo sắp đến khi đảng cộng sản Trung Quốc tiến hành đại hội vào mùa thu tới đây.
Vị đại tá này cho rằng ông Lý là một vị tướng có kinh nghiệm nhất vì từng tham gia trận mạc và những đợt cứu nạn thiên tai. Điều đó có nghĩa ông đáp ứng được những yêu cầu mà chủ tịch Tập Cận Bình đề ra khi kêu gọi xây dựng một lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu.
Việc đề bạt tướng Lý Tác Thành vào Quân Ủy Trung Ương còn được nhận định là một ‘đột phá’ vì ông này hiện không phải là một trong 10 thành viên quân đội của cơ quan quân sự đầu não này của Trung Quốc. Đây còn được cho là dấu hiệu trở lại của việc bổ nhiệm không dựa theo quan hệ mà căn cứ vào thành tích, kinh nghiệm cá nhân.
Ông Lý Tác Thành từng được xem là một trong những ngôi sao quân sự đang lên được chính chủ tịch họ Tập chọn lựa từ năm 2013. Vào thời điểm đó ông Lý được bổ nhiệm chức tư lệnh Quân Khu Thành Đô. Sau đó vào năm 2015, ông được thăng chức thượng tướng.
Một nguồn tin nói với Bưu Điện Hoa Nam Buổi sáng rằng Chủ tịch Tập Cận Bình khen ngợi tướng Lý Tác Thành có lý lịch trong sạch. Và việc bổ nhiệm ông vào chức Tổng Tư Lệnh Lục Quân cũng một phần nhờ vào điểm này.
Tin nói chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu có ba loại người không thể được đưa vào chức tư lệnh lục quân: thứ nhất là con cháu của những quan chức cấp cao, thứ hai cả con rể của giới này và thứ ba là những trợ lý riêng của những quan chức quân đội. Chủ tịch họ Tập muốn Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Hoa có những vị tướng lãnh đạo từ dưới cơ sở đi lên.
Một số nguồn nội bộ quân đội Trung Quốc nói rõ là tướng Lý Tác Thành không có cơ hội tiến thân khi hai ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu còn là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương đảm trách công tác thăng cấp vào những năm 2000.
Hai ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu là những quan chức quân đội Trung Quốc cao cấp nhất bị trừng trị trong chiến dịch chống tham nhũng ‘đả hổ, diệt ruồi’ do chủ tịch Tập Cận Bình chủ xướng.
Ông Quách Bá Hùng 75 tuổi bị kết án chung thân vào tháng 7 năm ngoái. Còn tướng Từ Tài Hậu mất vì bệnh ung thư vào tháng 3 năm 2015 khi đang bị giam giữ.

Cảnh sát Tây Ban Nha truy lùng khủng bố

Lực lượng chức năng Tây Ban Nha vào ngày 18 tháng 8 tiến hành cuộc truy lùng tổng lực chống khủng bố, sau vụ nghi phạm là một dân quân Hồi Giáo cho đâm xe vào đám đông ở Barcelona khiến 13 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương vào ngày hôm trước, 17 tháng 8.
Theo cảnh sát Tây Ban Nha thì chẳng bao lâu trước nửa đêm ngày thứ tư 16 tháng 8, có vụ nổ xảy ra tại một thị trấn ở tây nam Barcelona. Qua vụ này cảnh sát bắt một người Maroc và một người từ thành phố tự trị Melilla của Tây Ban Nha ở Bắc Phi.
Tuy nhiên cả hai được nói không phải là thủ phạm lái chiếc xe tải đâm vào đám đông trên đại lộ Las Ramblas của Tây Ban Nha vào chiều ngày 17 tháng 8..
Vào sáng sớm thứ Sáu 18 tháng 8, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết họ bắn hạ 5 nghị phạm ở thị trấn Cambrils, thuộc mạn nam Barcelona để ngăn chặn một âm mưu tấn công khác.
Một nguồn tin tư pháp cho biết các nhà điều tra tin rằng một tổ gồm từ 8 đến 12 người có thể dính líu vào vụ tấn công ở Barcelona và âm mưu tại Cambrils.
Nhóm thánh chiến Nhà nước Hồi giáo ISIS cho rằng những kẻ chủ mưu đáp lại kêu gọi của nhóm này cho tiến hành vụ tấn công tại Barcelona.
Trong vòng 13 tháng qua, những dân quân Hồi Giáo tiến hành một loạt những vụ tấn công khắp Châu Âu làm hơn 100 người thiệt mạng tại Nice, Berlin, London và Stockholm.
Vụ tấn công ở Barcelona là vụ đẫm máu nhất ở Tây Ban Nha kể từ tháng 3 năm 2004. Lúc đó những kẻ chủ mưu là dân quân Hồi Giáo cho nổ bom trên các chuyến tàu ở thủ đô Madrid khiến 191 người chết và hơn 1800 người bị thương.
Thống kê cho thấy số nạn nhân thương vong trong vụ tấn công ở Barcelona là công dân 24 quốc gia khác nhau. Trong số này có một số trẻ em.
Đối với vụ tấn công mới xảy ra hôm 17 tháng 8 ở Barcelona, thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố ba ngày quốc tang cho những nạn nhân của vụ tấn công mà ông này cho là do những kẻ thánh chiến Hồi giáo gây ra.
Hoàng gia Tây Ban Nha cũng đưa ra ý kiến về vụ việc tố cáo thủ phạm là những kẻ giết người, đó là những tội phạm khủng bố đất nước Tây Ban Nha.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng lên án vụ tấn công khủng bố ở Barcelona, Tây Ban Nha và hứa sẽ làm tất cả những gì cần để giúp đỡ nước này.
Nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới cũng lên tiếng tố cáo vụ tấn công ở Barcelona và chia xẻ nổi đau của người dân địa phương. Trong số này có tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nước cũng từng gánh chịu một số vụ tấn công đẫm máu bởi các tay súng theo Hồi giáo cực đoan trong những năm gần đây.
Barcelona là thủ phủ của vùng Catalonia giàu có ở mạn đông bắc Tây Ban Nha. Theo kế hoạch vào ngày 1 tháng 10 tới đây, vùng này sẽ tiến hành cuộc bỏ phiếu có nên tách khỏi Tây Ban Nha hay không. Kế hoạch này không được chính quyền trung ương đồng ý vì cho là vi hiến.

Tây Ban Nha điều tra

liệu các vụ tấn công khủng bố có liên hệ với nhau

Hàng ngàn người cử hành phút mặc niệm hôm thứ Sáu (18/8) tại quảng trường chính của thành phố Barcelona, tưởng niệm các nạn nhân trong hai vụ tấn công bằng xe đã làm ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Quốc vương Tây Ban Nha và thủ tướng nước này tham dự lễ tưởng niệm tại Quảng trường Placa de Catalunya của Barcelona. Thủ tướng Mariano Rajoy cũng tuyên bố ba ngày quốc tang.
Nhà chức trách tiếp tục ráo riết truy lùng những kẻ khủng bố sau hai vụ tấn công bằng xe lao vào đám đông người đi bộ xảy ra tại vùng Catalonia làm ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Vụ hỗn loạn thứ nhất xảy ra tại thành phố Barcelona hôm thứ Năm khi một chiếc xe van lao vào đám đông người đi bộ trên đại lộ Las Ramblas nổi tiếng, làm 14 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Kẻ lái chiếc xe van đã nhảy khỏi xe và chạy trốn. Cảnh sát bắt giữa 2 nghi can hôm thứ Năm, một người Morocco và một người Tây Ban Nha, nhưng hiện chưa rõ hai nghi can này liên hệ như thế nào đến vụ tấn công. Giới hữu trách Catalonia cho hay một nghi can thứ ba bị bắt giữa ở thị trấn Ripoll ở phía bắc khu vực này hôm thứ Sáu (18/8).
Một vụ tấn công tương tự xảy ra vài giờ sau đó hôm thứ Năm tại Cambrils, một thị trấn du lịch nghỉ mát nằm về phía nam của thành phố Barcelona. Trong vụ tấn công này, một chiếc xe lao vào một chiếc xe cảnh sát và những người đi bộ. Cảnh sát đã hạ sát 5 kẻ tấn công mà ban đầu các giới chức cho biết là có quấn chất nổ trong người, nhưng sau đó khám phá ra là bom giả. 6 thường dân và một cảnh sát viên bị thương trong vụ tấn công ở Cambrils.
Giới hữu trách hôm thứ Sáu cho hay vụ tấn công ở Cambrils diễn ra “tiếp theo sau và giống như” vụ tấn công ở Barcelona, và “có liên hệ với nhau,” nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Cảnh sát tin rằng vác vụ tấn công này cũng có dính líu đến một vụ nổ tại một ngôi nhà ở Catalonia hôm thứ Tư trước đó, làm một người thiệt mạng. giới hữu trách nghi những người trong ngôi nhà đó chế bom để tấn công khủng bố.
Nhà nước Hồi giáo (IS) tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công ở Barcelona.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian hôm thứ Sáu nói có 26 công dân Pháp trong số những người bị thương ở Barcelona. Ông nói 11 người bị thương trầm trọng. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh rằng “số người bị thương nặng có thể lên đến 17 người.”
Ngoại trưởng Le Drian nói trông một thông báo rằng ông sẽ đến Barcelona trong ngày thứ Sáu “để thăm các nạn nhân người Pháp trong vụ tấn công đê hèn này, và khẳng định Pháp ủng hộ người dân và chính quyền Tây Ban Nha.”
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy gọi vụ đâm xe van này là “vụ tấn công khủng bố của bọn thánh chiến Hồi giáo.”
Thủ tướng Rajoy nói với các phóng viên báo chí rằng: “Hôm nay, cuộc chiến chống khủng bố là ưu tiên căn bản cho xã hội tự do và rộng mở như của chúng ta. Đó là một mối đe dọa toàn cầu và trách nhiệm đáp lại của toàn cầu.”
Lãnh đạo thế giới quyết tâm đoàn kết
Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng” “Mỹ lên án vụ tấn công khủng bố ở Barcelona, Tây Ban Nha, và sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giúp đỡ. Hãy kiên cường & mạnh mẽ, chúng tôi yêu mến các bạn!”
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh cáo: “Những kẻ khủng bố trên thế giới phải nhớ rằng Hoa Kỳ và các đồng minh quyết tâm truy lùng và mang các ngươi ra trước công lý.”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chia buồn với các nạn nhân vụ tấn công. Ông nói Pháp “luôn đoàn kết và quyết tâm.” Tháp Eiffel ở Paris đã tắt đèn tối thứ Năm để tưởng niệm các nạn nhân.
Thủ tướng Thụy Ðiển Stefan Lofven nói “ông kinh hoàng trước những gì xảy ra ở Barcelona.”
Thủ tướng Ðan Mạch Lars Rasmussen nói châu Âu “lại bị tấn công khủng bố.”
Cờ vàng đỏ của Tây Ban Nha được treo lên trên Tòa thị chính Tel Aviv và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng thế giới văn minh phải đoàn kết chống khủng bố và đánh bại chúng.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama viết trên Twitter: “Người Mỹ luôn sát cánh với người Tây Ban Nha bạn hữu.”

Mỹ: ‘lập tức bắn hạ tên lửa Bắc Hàn nhắm vào Mỹ

và đồng minh’

Các giới chức Mỹ nói Hoa Kỳ trước sau như một vẫn duy trì cam kết với các đồng minh Châu Á tiếp theo sau một loạt động thái đe dọa của Bắc Triều Tiên. Trong hội nghị Mỹ-Nhật về ngoại giao và quốc phòng hôm thứ Năm 17/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis tuyên bố Washington sẽ có hành động tức thời và cụ thể để bắn hạ bất cứ tên lửa nào của Bắc Triều Tiên nhắm tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ và các đồng minh của Hoa Kỳ.
Các cuộc tập trận chung của Hoa Kỳ và Nhật Bản ở Đông Bắc Á trong tuần này, theo các giới chức, chỉ là những ví dụ thể hiện các quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng chặt chẽ giữa hai đồng minh trong bối cảnh những mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên.
Sau các cuộc hội đàm với các vị đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã cùng đưa ra một thông điệp thống nhất hôm thứ năm, gửi tới Bình Nhưỡng: đó là Hoa Kỳ sẵn sàng tự vệ và bảo vệ các đồng minh của mình.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis:
“Cùng sát cánh bên nhau, chúng tôi sẽ răn đe để không xảy ra, và nếu cần, đánh bại bất cứ mối đe dọa nào. Bất cứ động thái nào khởi động thù nghịch sẽ vấp phải sức mạnh áp đảo và hữu hiệu của liên minh. Hai nước chúng tôi sẽ chứng minh sự vững mạnh của liên minh bằng cách tiếp tục các hoạt động song phương, và thông qua việc tăng cường hợp tác với Cộng hòa Triều Tiên.”
Ngoại trưởng Rex Tillerson lưu ý rằng trong khi giải pháp ngoại giao cần được cho một cơ hội, giải pháp quân sự vẫn không bị gạt sang một bên.
Ngoại Trưởng Tillerson:
“Rõ ràng là bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào trong bất cứ tình huống nào khi mà mức độ đe doạ lên tới mức chúng ta phải đối mặt, một mối đe dọa ở tầm cỡ mà không ai trong chúng ta muốn nghĩ tới, phải được hậu thuẫn bởi hậu quả quân sự nghiêm trọng, nếu Bắc Triều Tiên ra một chọn lựa sai lầm.”
Cam kết mới của Hoa Kỳ có mục đích trấn an Nhật Bản, giữa lúc Tokyo đang tìm cách tăng cường phòng thủ chống bất cứ hành động quân sự nào mà Bắc Triều Tiên có thể thực hiện.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono tuyên bố Bình Nhưỡng cần chấm dứt những hành động khiêu khích hạt nhân trước khi có thể nói tới đàm phán.
Trong khi đó, lên tiếng tại Seoul hôm thứ Năm, Tổng thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in nói ông sẽ xem xét việc cử một đặc sứ đặc biệt tới Bắc Triều Tiên để đàm phán nếu miền Bắc đình chỉ các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa.

Mỹ, Nhật tăng cường hợp tác quốc phòng

chống lại Bắc Triều Tiên

Mỹ và Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác quốc phòng để đối phó với mối đe dọa từ nước Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân trong khi căng thẳng ở khu vực Đông Á vẫn còn cao, các quan chức từ hai nước đồng minh này cho biết hôm thứ Năm.
“Về mối đe dọa Bắc Triều Tiên này, tại cuộc họp chúng tôi đã đồng ý gia tăng áp lực và tăng cường năng lực của liên minh,” Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói sau cuộc hội đàm với các quan chức cao cấp của Mỹ ở Washington.
Những lo ngại của Mỹ về chương trình phi đạn và bom hạt nhân của Bắc Triều Tiên đã gia tăng trong những tuần gần đây. Bình Nhưỡng cho biết họ đang cân nhắc kế hoạch phóng phi đạn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, dù lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dường như đã hoãn lại quyết định này.
Tại một cuộc họp ở Washington hôm thứ Năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và những người tương nhiệm Nhật Bản đã nhất trí sẽ hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề Bắc Triều Tiên.
“Sau khi xét tới mối đe dọa Bắc Triều Tiên, cả bốn người chúng tôi xác nhận tầm quan trọng của cam kết không suy suyển của Mỹ đối với sự răn đe lâu dài,” ông Onodera nói.
Ông Tillerson nói rằng Mỹ muốn đối thoại với Bình Nhưỡng, nhưng chỉ khi việc này có ý nghĩa.
“Nỗ lực của chúng tôi là làm cho họ muốn tham gia vào các cuộc đàm phán nhưng tham gia vào các cuộc đàm phán với sự thông hiểu rằng những cuộc đàm phán này sẽ kết thúc khác đi với các cuộc đàm phán trong quá khứ,” ông Tillerson nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cảnh báo Bắc Triều Tiên rằng nước này sẽ phải đối mặt với “lửa và thịnh nộ” nếu đe doạ Mỹ, khiến Bắc Triều Tiên tuyên bố họ đang cân nhắc kế hoạch bắn phi đạn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Cả hai nước đều đã bớt đi những lời lẽ gay gắt.
Nhật Bản dự định sẽ mở rộng vai trò của mình trong liên minh với Washington và “tăng cường khả năng phòng thủ trong khi Mỹ vẫn cam kết triển khai những hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất đến Nhật Bản,” Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong một thông cáo.
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói Nhật Bản sẽ củng cố tư thế phòng thủ để đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên và cung cấp 500 triệu đôla để giúp tăng cường an ninh hàng hải ở Đông Á, nơi Trung Quốc đang theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên vùng biển rộng lớn.
Bắc Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa nhắm mục tiêu vào Nhật Bản, nơi có khoảng 54.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú, cũng như là Hàn Quốc và Mỹ, bằng phi đạn của họ.
Phi đạn của Bắc Triều Tiên nhắm tới Guam sẽ phải bay qua Nhật Bản để vươn tới được mục tiêu, khiến Tokyo lo lắng rằng đầu đạn hạt nhân hoặc mảnh phi đạn có thể rơi vào lãnh thổ của họ.

Chile bác đề nghị ‘tẩy chay’ Bắc Triều Tiên

Chile từ chối đề nghị của Mỹ yêu cầu Chile cắt đứt mọi quan hệ thương mại và ngoại giao với Bắc Triều Tiên do Phó Tổng thống Mike Pence trong chuyến công du đất nước Nam Mỹ này.
Ngoại trưởng Heraldo Munoz nhấn mạnh Chile chưa tính tới việc đó.
Ông Munoz nói thêm rằng: “Chúng tôi tôn trọng đề nghị của Mỹ, nhưng Chile duy trì các mối quan hệ.”
Ông cũng lưu ý rằng Chile đã áp dụng chặt chẽ mọi biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc áp đặt lên Bình Nhưỡng và mô tả các mối quan hệ với Bắc Triều Tiên là ‘xa cách.’
Chile và Bắc Triều Tiên không duy trì đại sứ quán trên lãnh thổ của đối phương.
Đại sứ Chile tại Trung Quốc là người đảm trách bất cứ vấn đề gì liên quan đến Bắc Triều Tiên.
Trao đổi thương mại giữa Chile với Bắc Triều Tiên khoảng 27 triệu đô la mỗi năm.
25 triệu trong số này là sản phẩm Chile nhập khẩu từ Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên:

Không đàm phán chương trình hạt nhân

Chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ không bao giờ được mang ra đàm phán chừng nào “chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân của Mỹ vẫn tiếp tục,” phó đại sứ của Bình Nhưỡng tại Liên Hiệp Quốc khẳng định với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.
Ông Guterres đã nói chuyện qua điện thoại với Phó Đại sứ Kim In Ryong hôm thứ Ba, phái bộ của Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc cho biết trong một thông cáo hôm thứ Năm. Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Ja Song Nam hiện đang ở Bắc Triều Tiên, còn được gọi là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
“Chừng nào mà chính sách thù địch và đe dọa hạt nhân của Mỹ vẫn tiếp tục, thì CHDCND Triều Tiên … sẽ không bao giờ đem khả năng răn đe hạt nhân tự vệ của mình ra bàn đàm phán hoặc chùn bước dù chỉ một phân khỏi con đường mà nước này đã lựa chọn, con đường đẩy mạnh lực lượng hạt nhân nhà nước,” ông Kim nói với ông Guterres theo một tường thuật về cuộc điện đàm do phái bộ Bắc Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc công bố.
Ông Guterres hôm thứ Tư nói rằng đã đến lúc phải “giảm bớt những lời lẽ gay gắt và tăng cường ngoại giao” đối với Bắc Triều Tiên và ông trước đó đã nói với Nga, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc cùng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc rằng ông sẵn sàng giúp điều giải các cuộc đàm phán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước cảnh báo Bắc Triều Tiên rằng nước này sẽ đối mặt với “hỏa thịnh nộ” nếu đe dọa Mỹ, khiến Bắc Triều Tiên tuyên bố họ đang cân nhắc kế hoạch bắn phi đạn tới lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, truyền thông Bắc Triều Tiên hôm thứ Ba loan tin rằng lãnh tụ Kim Jong Un đã hoãn lại quyết định này trong khi chờ đợi xem Mỹ sẽ làm gì tiếp theo, khiến ông Trump khen ngợi quyết định của ông Kim là “khôn ngoan.”
“Trong khi Mỹ phát động sự khiêu khích toàn cục chống lại CHDCND Triều Tiên trên khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự, không có gì có thể làm thay đổi ý chí và quyết tâm của quân đội và nhân dân CHDCND Triều Tiên đáp trả bằng cách áp dụng các biện pháp trả đũa kiên quyết,” phó đại sứ Kim nói với ông Guterres theo thông cáo của Bắc Triều Tiên.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đồng lòng thông qua một nghị quyết do Mỹ dẫn đầu để áp đặt những chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên vào ngày 5 tháng 8 mà có thể cắt giảm nguồn thu xuất khẩu hàng năm của quốc gia cộng sản này đi khoảng 3 tỉ đôla.
Ông Kim nói với ông Guterres rằng nghị quyết này “cấu thành một hành vi vi phạm trắng trợn đối với chủ quyền (của Bắc Triều Tiên) và là một thách thức không che đậy đối với nước này.”
Bắc Triều Tiên đã bị Liên Hiệp Quốc chế tài từ năm 2006 về các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của họ và Hội đồng Bảo an đã tăng cường các biện pháp này để đáp lại năm vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và bốn vụ phóng phi đạn tầm xa.
“CHDCND Triều Tiên sẽ bắt Mỹ trả giá đắt cho tất cả các tội phạm tàn ác gây ra chống lại nhà nước và nhân dân của đất nước này,” ông Kim nói với ông Guterres theo phái bộ Bắc Triều Tiên ở Liên Hiệp Quốc.

Phần Lan :

Nhiều người bị đâm. Một nghi can bị bắt

Nhiều người đã bị đâm bằng dao vào chiều nay, 18/08/2017, tại thành phố Turku của Phần Lan và một nghi can đã bị bắt giữ, theo thông báo của cảnh sát nước này. Hiện chưa rõ đây có phải là một vụ tấn công khủng bố hay không.
Trên mạng Twitter, cảnh sát Phần Lan thông báo : « Cảnh sát đã bắn vào chân nghi can và bắt giữ người này. Mọi người nên tránh khu vực trung tâm Turku ». Nhưng cảnh sát không nói rõ con số nạn nhân. Vụ việc xảy ra tại khu vực Quảng trường Puutori-Market.
Một phóng viên của đài phát thanh truyền hình Nhà nước Phần Lan Yle có mặt tại chổ cho biết đã nhìn thấy một thân người được phủ lên. Các nhân chứng cũng kể lại là có ít nhất một người nằm bất động, dường như đã chết. Theo nhật báo The Sun của Anh, có sáu người bị thương, gồm một đàn ông và năm phụ nữ, trong đó có một người đẩy xe em bé.
Hiện giờ nhà chức trách Phần Lan chưa nói rõ đây có phải là một vụ tấn công khủng bố hay không. Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo cũng chưa lên tiếng nhận trách nhiệm.
Trước cuộc họp nội các Phần Lan hôm nay, thủ tướng Juha Sippila cho biết là chính phủ theo dõi sát tình hình ở Turku và một chiến dịch của cảnh sát đang được tiến hành. Đài truyền hình MTV3 thì loan tin là cảnh sát đã tăng cường an ninh tại sân bay Helsinski và các trạm xe lửa.
Turku là một thành phố cỡ trung bình nằm ở miền tây Phần Lan.

Philippines:

Đối lập tố cáo chính phủ coi nhẹ hiểm họa Trung Quốc

Sau khi được báo động là 5 tàu Trung Quốc đang áp sát đảo Thị Tứ, ngoại trưởng Philippines ngày 16/08/2017 đã công khai cho rằng sự kiện đó không có gì là quan trọng. Phản ứng trên đây đã lập tức bị một dân biểu đối lập đả kích, cho rằng chính quyền có dấu hiệu thuần phục Bắc Kinh trên vấn đề Biển Đông, và xem nhẹ nguy cơ Philippines  lại bị Trung Quốc chiếm đảo.
Hôm 15/08, dân biểu đối lập Philippines Gary Alejano, trích dẫn các nguồn tin quân đội, đã báo động về việc 5 tàu Trung Quốc, gồm tàu chiến, tàu hải cảnh và tàu cá, bên trên chở đông đảo dân quân biển, đã áp sát đảo Thị Tứ ở Trường Sa hiện do Philippines kiểm soát.
Dân biểu này lo ngại trước nguy cơ Bắc Kinh áp dụng trở lại chiến lược lấn chiếm Đá Vành Khăn từ tay Manila vào năm 1995, để chiếm Thị Tứ.
Trong một cuộc họp báo ngày 16/08, ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayatano đã giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vụ việc, cho rằng sự hiện diện của tàu Trung Quốc « không có ý nghĩa gì cả », tàu Trung Quốc rất có thể chỉ hành xử quyền tự do hàng hải, tương tự như tàu Mỹ.
Vào ngày 17/08, dân biểu Alejano đã bác bỏ giải thích của ngoại trưởng Cayetano. Theo ông, sự hiện diện của tàu Trung Quốc gần đảo Thị Tứ « thực sự có ý nghĩa », trong bối cảnh các tàu này còn ngăn chặn, không cho tàu ngư chính Philippines đến gần khu vực.
Fin publicité dans s
Bên cạnh đó, theo ông Alejano, không thể so sánh các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ với hành động của Trung Quốc vì lẽ Mỹ không hề có mang tiếng là « cướp đảo và sách nhiễu ngư dân Philippines ».
Ông Alejano tự hỏi là phải chăng Philippines đã bắt đầu áp dụng chiến thuật « lặng thinh, bất động và khấu đầu tại biển Tây Philippines để khỏi làm phật ý Trung Quốc ».

Nga cấm đạo Nhân chứng Giê-hô-va

Bị xem là những kẻ cực đoan, các tín đồ của đạo Nhân chứng Giê-hô-va kể từ ngày 16/08/2017 bị cấm trên toàn lãnh thổ nước Nga.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin tường trình :
« Toàn bộ 395 cộng đoàn địa phương của Nhân chứng Giê-hô-va tại Nga bị cấm hoạt động kể từ ngày 16/08 và tài sản của họ sẽ bị tịch biên. Đây chỉ là việc thi hành một phán quyết của Tòa án Tối cao Nga đưa ra ngày 17/07 vừa qua, xem Nhân chứng Giê-hô-va, tôn giáo được lập ra tại Hoa Kỳ năm 1873, là tổ chức cực đoan.
Như vậy là Tòa án Tối cao đã đồng tình với bộ Tư Pháp Nga, xem Nhân chứng Giê-hô-va là một mối đe dọa đối với các công dân, trật tự công cộng và an ninh của xã hội.
Đúng là các tín đồ Nhân chứng Giê-hô-va vẫn từ chối được truyền máu, cho dù tình trạng sức khỏe của họ cần được như thế, nhưng từ đó mà kết luận tổ chức tôn giáo này là mối đe đọa cho xã hội là một bước mà ngành tư pháp Nga đã không ngần ngại vượt qua.
Play Video
Đối với một số nhà quan sát, lệnh cấm này là do ảnh hưởng rất lớn của Giáo hội Chính thống giáo Nga, vốn xem Nhân chứng Giê-hô-va là một giáo phái nguy hiểm. Giáo hội Chính thống giáo vẫn trách Nhân chứng Giê-hô-va là không từ bỏ phương tiện nào để áp đặt đức tin lên các tín đồ. »

Báo chí Bắc Triều Tiên

chê thậm tệ tổng thống Hàn Quốc

Theo hãng tin AFP hôm nay, 18/08/2017, tờ báo nhà nước Bắc Triều Tiên Rodong Sinmun đã chấm điểm thấp nhất cho tân tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In, nhân dịp 100 ngày cầm quyền đầu tiên của ông. Tờ báo cũng cho rằng những lời kêu gọi hòa bình của ông Moon Jae-In chỉ là đạo đức giả.
Trong thông cáo nhân dịp đúng 100 ngày đắc cử tổng thống vào hôm qua, 17/08/2017, ông Moon Jae-In đã bày tỏ mong ước hòa bình tại bán đảo Triều Tiên, và kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân. Hôm nay, tờ nhật báo nhà nước Bắc Triều Tiên Rodong Sinmun đăng bài báo chấm điểm thành tích tổng thống Moon Jae-In. Tờ báo chấm điểm thấp nhất cho ông Moon Jae-In, và viết rằng thành tích trong khoản thời gian này của ông là rất “nghèo nàn và đáng thất vọng”.
Bài viết đã không nêu tên ông Moon Jae-In, mà chỉ viết là “người lãnh đạo miền nam”. Tờ báo viết :”Lời kêu gọi hợp tác của người lãnh đạo phía nam hóa ra chỉ là đạo đức giả. Kẻ cầm quyền này vừa kêu gọi hợp tác hòa bình, mặt khác lại đưa ra chính sách trừng phạt.”
Sau khi ông Kim Jong-Un tuyên bố tạm hoãn kế hoạch bắn tên lửa đến gần đảo Guam, tình hình tại bán đảo Triều Tiên đã dịu xuống. Nhưng căng thẳng tại đây có thể sẽ leo thang trong tuần tới, lúc Hoa Kỳ và Hàn Quốc mở cuộc tập trận thường niên Ulchi Freedom Guardian. Bắc Triều Tiên luôn luôn chỉ trích gay gắt sự kiện này, xem đấy là một hành vi khiêu khích.

Thế giới nhất loạt lên án các vụ khủng bố ở Tây Ban Nha

Ngay từ tối 17/08/2017, từ Pháp đến Mỹ, từ Liên Hiệp Châu Âu đến Liên Hiệp Quốc, cả thế giới đã đồng thanh lên ánloạt khủng bố tại Tây Ban Nha mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech tự nhận là chủ mưu. Các lãnh đạo quốc tế đồng thời tỏ tình đoàn kết với Tây Ban Nha và khẳng định quyết tâm tiêu diệt khủng bố.
Trong một tin ngắn Twitter, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã bày tỏ « tấm lòng liên đới của nước Pháp đối với các nạn nhân vụ tấn công bi thảm tại Barcelona » và xác định quyết tâm đoàn kết với Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống khủng bố. Pháp là nước nạn nhân đầu tiên của hình thức khủng bố bằng « xe húc », xảy ra cách nay một năm tại thành phố Nice, đã khiến cho hàng chục người chết. Đô trưởng Paris, bà Anne Hidalgo, đã cho tắt đèn chiếu sáng trên Tháp Eiffel vào lúc 00 giờ 45, « để tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công Barcelona ».
Các nước như Đức, Anh, Bỉ, những nạn nhân khác của khủng bố trong thời gian gần đây, cũng nhanh chóng lên tiếng tố cáo một hành vi « đáng ghê tởm », như lời phát ngôn viên thủ tướng Đức Angela Merkel, hay hành động « sát nhân điên cuồng của bọn khủng bố » như phát biểu của ngoại trưởng Bỉ.
Phản ứng cũng dồn dập đến từ Hà Lan, Ý, Hy Lạp, Nga, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Canada, và dĩ nhiên là từ các định chế quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Âu, NATO.
Riêng trong trường hợp nước Mỹ, ngay sau phản ứng của ngoại trưởng Rex Tillerson, đã cam kết sát cánh cùng Tây Ban Nha truy lùng các thành phần khủng bố. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhanh chóng gởi tin nhắn Twitter xác định rằng « Hoa Kỳ lên án vụ tấn công khủng bố ở Barcelona và sẽ làm mọi điều cần thiết để trợ giúp Tây Ban Nha ». Tuy nhiên, ông Trump đã lại đưa ra một lời khuyên đầy tranh cãi mà theo ông có thể giúp tiêu diệt khủng bố.
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier phân tích :
Đang lúc họp báo không lâu sau vụ tấn công khủng bố, ngoại trưởng Mỹ đã nhanh chóng cho biết là nước Mỹ « sẵn sàng hỗ trợ » chính quyền Tây Ban Nha. Ông Rex Tillerson nói thêm : « Các kẻ khủng bố trên thế giới phải biết rằng Hoa Kỳ và các đồng minh quyết tâm truy lùng họ để đem ra truy tố trước luật pháp. »
Tổng thống Mỹ đã gởi tweet sau đó để lên án vụ tấn công khủng bố, một phản ứng nhanh chóng khác hẳn với phản ứng chậm chạp của ông sau cái chết của một phụ nữ ngày 12/08, bị một cảm tình viên Tân Quốc Xã ở Mỹ giết chết.
Tổng thống Mỹ đã kết tin nhắn Twitter của ông với câu : « Hãy cứng rắn và mạnh mẽ lên, chúng tôi yêu các bạn ».
Thế nhưng, tổng thống Mỹ đã không dừng lại ở đấy. Sau đó ông đã khuyến khích « nghiên cứu » một phương pháp cách đây một thế kỷ đã cho phép loại trừ khủng bố Hồi Giáo trong vòng 35 năm, điều từng được ông Trump nêu lên trong lúc vận động tranh cử tổng thống : « Phải nghiên cứu những gì tướng Pershing đã làm đối với những kẻ khủng bố bị bắt. Và đã không còn khủng bố Hồi Giáo cực đoan trong 35 năm ».
Theo ông Trump, trong thời kỳ chiếm đóng Philippines, tướng Pershing đã bắt 50 kẻ khủng bố, hành quyết 49 người và chừa lại một người để về kể lại trong làng của mình điều đã chứng kiến.
Tuy nhiên, đề nghị của ông Trump có hai vấn đề : trước tiên là phương pháp quá tàn bạo, và thứ hai đó chỉ là một chuyện bịa đặt mà các sử gia đã phủ nhận.
Tóm lại, khi háo hức cổ vũ cho luật ăn miếng trả miếng đối với Hồi Giáo cực đoan, ông Trump đã bỏ phí cơ hội cho thấy ông là người biết tập hợp người khác ».

Chính quyền Hồng Kông

trấn áp mạnh giới dân chủ theo lệnh Bắc Kinh ?

Như vậy là ngày 17/08/2017, tư pháp Hồng Kông đã kết án tù giam đối với ba thủ lĩnh sinh viên biểu tình có vai trò lớn trong các cuộc biểu tình cổ vũ cho dân chủ ở vùng đặc khu này vào năm 2014. Nếu chính quyền Hồng Kông xác định rằng họ chỉ phán xử theo đúng luật pháp, thì giới đấu tranh cho dân chủ tại Hồng Kông tố cáo bàn tay của Bắc Kinh trong các quyết định bóp nghẹt ý hướng đòi dân chủ đang vươn lên trở lại tại nơi mà trên nguyên tắc vẫn còn được hưởng một chế độ tự do hơn phần còn lại của Trung Quốc.
Giới quan sát đều ghi nhận xu hướng càng lúc càng mạnh tay hơn của chính quyền Hồng Kông đối với những thành phần đòi dân chủ cho vùng lãnh thổ này, không chấp nhận sự áp đặt của Bắc Kinh thông qua các tầng lớp thân cận mình.
Trong vụ xử ba lãnh tụ phong trù Dù Vàng còn rất trẻ – Hoàng Chi Phong (Joshua Wong, 20 tuổi), La Quán Thông (Nathan Law, 24 tuổi) và Chu Vĩnh Khang (Alex Chow, 26 tuổi) – đặc biệt là Hoàng Chi Phong vẫn còn vị thành niên lúc xẩy ra vụ việc – bản án tù giam đã được tòa phúc thẩm tuyên bố cho dù một tòa cấp dưới trước đó đã cho phép ba bị cáo không phải ngồi tù.
Chính đại diện chính quyền Hồng Kông, tức là bên công tố, đã cho rằng án phạt lúc ban đầu là quá nhẹ, cho nên đã kháng cáo để đòi có được bản án nặng nề hơn, mang tính chất răn đe nhiều hơn.
Theo bản án ban đầu, Hoàng Chi Phong và La Quán Thông chỉ phải làm lao động công ích, còn Chu Vĩnh Khang thì bị án 3 tuần tù giam nhưng được án treo. Thế nhưng bản án phúc thẩm đã trở thành tù giam, với hệ quả chính trị rõ nét : Do bị án tù, cả ba thủ lĩnh sinh viên này đều bị cấm ra tranh cử chính trị trong vòng 5 năm, bớt đi một mối lo cho giới thân Bắc Kinh trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Play Video
Theo hãng tin Pháp AFP, đối với các tổ chức bảo vệ nhân quyền, những bản án này mang tính chất truy bức chính trị, việc tống giam những sinh viên đấu tranh này là một ngón đòn mới, đánh vào những lực lượng đang thúc đẩy cải tổ chính trị tại đặc khu Hồng Kông, điều mà chính quyền trung ương tại Bắc Kinh không thể chấp nhận.
Việc dùng đến bàn tay tư pháp là một vố mới đánh vào quy chế bán tự trị của đặc khu hành chính này, làm sói mòn thêm chế độ tương đối tự do mà dân Hồng Kông đang được hưởng.
Dưới mắt những người ủng hộ ba bị cáo, án tù được tuyên hôm qua là thêm một bằng chứng cho thấy là Bắc Kinh đang xiết chặt thêm gọng kềm quanh Hồng Kông. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã tố cáo một cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận và phản đối ôn hòa.
Dĩ nhiên là Bắc Kinh đã lên tiếng bênh vực cho chính quyền Hồng Kông. Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 18/08, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng : « Người dân Hồng Kông được hưởng đầy đủ các quyền và tự do. Nhưng không ai có thể viện cớ dân chủ và tự do để tiến hành các hoạt động bạo lực và phi pháp.
Theo bà Hoa Xuân Oánh, Hồng Kông là một đặc khu hành chính của Trung Quốc cho nên Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ lực lượng bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Hồng Kông và sự độc lập của ngành tư pháp Hồng Kông ».

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.