Liên hệ Việt-Mỹ thời chính quyền Trump rạn nứt: Việt Nam làm gì?
Người Việt
Cổ Lũy
16-8-2017
Những điều đáng quan tâm
Bài kỳ trước viết về đám mây đen đeo đẳng ứng viên rồi chính quyền Trump, những “thông đồng/collusion” mỗi ngày một rõ rệt giữa mặt trận tranh cử Trump với chính quyền Nga Vladimir Putin. Ông Putin cùng đám “oligarch/đầu sỏ chính trị” bị giới tình báo, trí thức và truyền thông Mỹ xem là đồng lõa với mặt trận Trump triệt hạ ứng viên Hillary Clinton (nắm chắc phần thắng) để ông Trump (không chút hy vọng) đắc cử. Những đi lại và đồng lõa nói trên bị giới tình báo và truyền thông, thêm Quốc Hội và nhất là “special counsel/công tố viên đặc nhiệm” Robert Mueller III điều tra ráo riết.
Khi “special counsel” chú mục vào những hồ sơ làm ăn và tài chính tổng thống vẫn giấu nhẹm, ông Trump như ngồi trên lửa vì đây có thể là những bằng chứng trọng tội, như “money laundering/rửa tiền bẩn” cho giới oligarch Nga, hoặc bị giới này giật dây, và giấu diếm hay khai láo “obstruction of justice/ngăn cản thi hành công lý,” cùng vô số tội với sở thuế IRS. Theo Hiến Pháp, với bằng chứng như trên tổng thống có thể bị Quốc Hội bãi nhiệm dễ dàng – hai dân biểu đối lập đã khởi tố ông Trump để đi tới việc này; ông vội nhờ luật sư xem xét tổng thống có thể “pardon/bãi tội” cho chính mình không.
Hốt hoảng chính vì (a) điều tra đi tới những người cộng tác, trong gia đình, rồi chính mình, (b) nửa năm tại chức với không mấy thành quả như đã hứa hẹn, dù đảng Cộng Hòa nắm Tòa Bạch Ốc, Quốc Hội, và Tối Cao Pháp Viện, (c) những khó khăn ngoại giao với bạn lẫn địch (ác cảm, nghi ngại từ Châu Âu, đe dọa từ Bắc Hàn cùng Trung Quốc), ông Trump chối trách nhiệm. Và đổ tội cho người khác: Tòa Bạch Ốc và nội các nhốn nháo vì hàng loạt các cố vấn, phụ tá, phát ngôn viên, giám đốc, luật sư thân cận bị khiển trách, thóa mạ, từ chức hoặc bị đuổi. Phó Tổng Thống Mike Pence (móc nối giữa tổng thống cực đoan với Quốc Hội và giới ủng hộ tiền bạc Cộng Hòa ôn hòa) vừa triệt để trung thành với tổng thống, vừa sửa soạn nhân sự, tiền bạc, hoạt động (chánh văn phòng mới, “tổ chức xin tiền/super PAC” mới, học hỏi về ngoại giao để đủ điều kiện làm tổng thống). Giới quan sát chính trị nghĩ ông sửa soạn thay thế ông Trump trên đường tới bãi nhiệm; ông chỉ hé ý ứng cử sau nhiệm kỳ năm 2020.
Nguy cơ và khó khăn trong nước là mối bận tâm chính cho ông Trump và dĩ nhiên ảnh hưởng lớn vào những chính sách, đường lối và hoạt động ngoại giao của chính quyền – vốn bị hạn hẹp (cả tổng thống, phó tổng thống lẫn ngoại trưởng không hiểu biết và kinh nhiệm mấy về ngoại giao) vì cắt giảm ngân sách lớn lao và thiếu sót nhân sự chuyên môn ở Bộ Ngoại Giao (nhiều đồn đại về Ngoại Trưởng Rex Tillerson ra đi). Ông cũng bị những hứa hẹn nặng tính cách “jingoism/chủ nghĩa quốc gia cực đoan” hẹp hòi và bài ngoại nhằm mua chuộc nhóm chủ lực của mình trói buộc.
Một tuần qua ông Trump thêm điên đảo do chính phản ứng bất nhất của mình, phản đối của dân chúng, giới chính trị và truyền thông sau khủng bố chết người vì kỳ thị chủng tộc ở Virginia do đám theo “white nationalism/một nước Mỹ toàn trắng,” Klu Klux Klan (KKK), “da trắng độc tôn/white supremacist,” và “néo-Nazi/tân Phát-xít” gây ra – luôn luôn là thành phần nòng cốt ủng hộ “người bạn/đồng minh [Trump/Bannon] trong Tòa Bạch Ốc,” theo lãnh tụ KKK David Duke và lãnh tụ white supremacist Richard Spencer. Từ thời tranh cử ông Trump vẫn dựa nhiều vào “Chief Strategist/Cố Vấn Chiến Lược Tối Cao” Stephen Bannon (chức vụ mới đặt ra), gốc gác từ buôn bán chứng khoán tới báo mạng Breitbart News. Mục tiêu của ông Bannon: xiển dương phong trào “bảo thủ mới/alternative conservatism” nối liền “white nationalism” từ Mỹ tới Âu, và nắm chặt thành phần “chủ lực/base” ủng hộ Trump (khoảng 30% cử tri, phần lớn thuộc nhóm da trắng thấp kém và kỳ thị chủng tộc).
Nay, với mức ủng hộ xuống mức 1/3 theo viện thăm dư luận lâu đời Gallup, ông Trump bị đặt giữa hai chọn lựa sinh tử: “Tổng thống của toàn dân Mỹ” hay “tổng thống cho đám base?”
Tổng Thống Trump và ngoại giao Việt Nam: Việt Nam ráo riết mở cửa
Việt Nam là nước thứ ba, sau Nhật và Trung Quốc, được Tổng Thống Trump liên hệ trực tiếp sau khi nhậm chức. Cuối Tháng Năm, Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc được mời đến gặp ông Trump ở Tòa Bạch Ốc, sau ông Shinzo Abe. Trước đó, ông Trump cũng gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc ở nhà nghỉ của ông tại Florida.
Lo sợ bị mất những lợi thế thương mãi và chiến lược đã đạt được thời chính quyền Obama thân thiện với Việt Nam, Hà Nội sớm xúc tiến việc “lobby/vận động hành lang” với chính quyền Trump kém thân thiện. Ðại sứ Việt Nam ở thủ đô Washington, từng “lốp-bi” bãi bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam và Hiệp Ðịnh Mậu Dịch Xuyên TBD (Trans-Pacific Partnership), mở đầu những liên hệ đưa đến điện đàm giữa ông Phúc và ông Trump hơn một tháng trước khi ông nhậm chức.
Hà Nội có vẻ “chịu làm bài tập/do homework,” điều tra, nghiên cứu kỹ về các định chế chính trị, kinh tế, văn hóa và phương cách hoạt động trong môi trường “tư bản trước, tự do dân chủ sau” Mỹ với đầy mâu thuẫn, trái ngược. Theo Reuters, trung tâm Nghiên Cứu Chính Sách Ngoại Giao và Chiến Lược, Học Viện Ngoại Giao, rất tự tin cho biết, “Chúng tôi tính toán đã lâu những gì có thể làm được.” Cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng ngoại giao Việt qua Washington nhiều lần nhằm “vận động/lốp-bi” giới dân cử, trí thức đại học, cùng giới kỹ thương mại Mỹ, Việt. Thông điệp từ Hà Nội được chuyển qua Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Mỹ tới Phó Tổng Thống Mike Pence, Bộ Quốc Phòng và Bộ Ngoại Giao Mỹ. Việt Nam là nước Ðông Nam Á “độc nhất” chịu trả tiền nhóm “Podesta Group” với giá $30,000 một tháng, theo đăng ký với Bộ Tư Pháp Mỹ.
Xin mở dấu ngoặc, như những nhóm lốp-bi khác, Podesta Group là công ty chuyên về “lốp-bi và công vụ/lobbying and public affairs” (hoàn toàn hợp pháp ở Mỹ; ở nước ngoài đây chẳng khác gì hối lộ, lấy tiền mua quyền) với lợi tức gần $28 triệu năm 2011. Cùng năm, ông John Podesta (thành lập công ty năm 1988) cũng được xem là nhân vật có ảnh hưởng lớn hàng thứ ba trong làng lốp-bi nhộn nhịp trên K Street, cận kề Tòa Bạch Ốc và Mayflower Hotel, nơi gặp gỡ của nhiều giới lốp-bi với khách và giới chức chính quyền. Ông Podesta nguyên chánh văn phòng Tổng Thống Bill Clinton (Dân Chủ) rồi chủ tịch mặt trận tranh cử Hillary Clinton năm 2016, có ảnh hưởng lớn phía Dân Chủ. Nhưng tổng giám đốc công ty là bà Kimberly Fritts, nhân vật Cộng Hòa nòng cốt từng làm việc cho gia đình George H. W. Bush – đề huề hai đảng để dễ làm ăn. Khách hàng công ty gồm nhiều nước xã hội chủ nghĩa từ Albania tới Ukraine và Việt Nam, cùng những công ty tư bản gộc như: Amgen, Bank of America, BP, Lockheed Martin, Nestlé, Novartis, Raytheon, Walt-Mart và cả Orange County. Người hợp tác mật thiết với công ty đáng lưu ý: cựu chủ tịch ủy ban tranh cử Trump, ông Paul Manafort, mới bị mật vụ tới thăm lúc 2 giờ sáng tại nhà để thu thập hồ sơ đi lại với Nga cho công tố viên Mueller.
Theo Giáo Sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc, Hà Nội “tìm mọi cách và cải thiện sâu rộng liên hệ” đôi bên. Truyền hình cho thấy ở Tòa Bạch Ốc ông Trump có vẻ thoải mái với ông Phúc, một người Cộng Sản chú ý nhiều tới kinh tế thị trường; không rõ hai bên đối thoại riêng với nhau ra sao, nhưng bên ngoài dễ nhận ra ông khách cũng khéo léo đóng bộ đúng theo khiếu thẩm mỹ của ông chủ nhà. Ông Trump hay huênh hoang, phách lác nhưng thiếu tự tin nhiều mặt; đây có lẽ là lý do ông luôn luôn mặc đồng phục cho an toàn: bên ngoài mầu xanh đậm với áo sơ-mi trắng toát, thêm ca-vát đỏ chát chúa (theo sách vở làm ăn, buôn bán phổ thông đây để trưng “power/quyền lực;” cộng những mầu “ái quốc” lại thành cờ Mỹ, khó ai bắt bẻ được).
Một phát triển quan trọng là Việt Nam ký hợp tác với trung tâm nghiên cứu về Ðông Nam Á dưới quyền Giáo Sư Sheldon Simon, thuộc đại học University of Arizona. Ông Simon từng là chuyên gia về chính trị học, giám đốc trung tâm nghiên cứu Asian Studies với kinh nghiệm giảng huấn tại Hoa Kỳ, Canada, Scotland, Úc, và cố vấn cho Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc Phòng Mỹ. Ðây có lẽ là liên hệ cố vấn chuyên môn giống như liên hệ giữa Việt Nam Cộng Hòa và đại học University of Michigan thời chiến tranh Mỹ ở Việt Nam.
(Còn tiếp)
0 nhận xét