Ý nghĩa ngày 18 tháng 5 - Ngày khai Đạo Phật Giáo Hòa Hảo
Lê Yến Dung
(Kính dâng Đức Tôn Sư nhân kỷ niệm năm thứ 78 ngày khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo).
(Kính dâng Đức Tôn Sư nhân kỷ niệm năm thứ 78 ngày khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo).
Những giọt nắng chói chang, tung tăng nhảy múa đùa giỡn với những cánh phượng đỏ rực cả một bầu trời trong gió hạ. Ngoài kia ngàn chim đua nhau bay lượn, hót vang, hòa cùng với âm điệu nhịp nhàng của những bước chân vội vã của hàng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, đang hân hoan lũ lượt về Thánh Địa Hòa Hảo (sảnh đường Kim Sơn Phật) để cùng chào đón ngày Đại Lễ kỷ niệm năm thứ 78, ngày khai đạo của Phật Giáo Hòa Hảo: “18/5 năm Kỷ Mão 1939”.
Đã 78 năm đi qua rồi, nhưng tất cả chúng sanh, nhân loại vẫn còn âm vang lời vàng ngọc của Đức Huỳnh Giáo Chủ:
“Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh.”
(Bài Sứ Mạng của Đức Thầy)
Hay là:
“Tháng năm mười tám rõ ràng,
Cùng xóm cuối làng ai cũng cười reo.”
(Dặn Dò Bổn Đạo, tr.353)
Caption hình 1: Lễ rước chân dung Đức Thầy từ Tổ Đình đến lễ đài tại chùa An Hòa Tự trước 1975
Với cõi lòng tràn ngập niềm vui, cùng với hằng triệu tín đồ trên thế giới, cùng hòa nhịp con tim cùng nhau trở về Thánh Địa Phật Giáo Hòa Hảo, cùng nhau hướng về cái nôi của nền chánh pháp với một giáo pháp thậm thâm vi diệu của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã truyền khai cho toàn thể chúng sanh, nhân loại trong thời kỳ mạt pháp này.
Vào thập niên 20, 40, dưới ách thống trị của ngoại xâm, dưới tà quyền của nhóm đảng vô thần vô lương, dân chúng sống trong khổ lao đồ thán. Trong hoàn cảnh tối đen không lối thoát của dân tộc nên đấng siêu phàm đã giáng lâm, để cứu vớt sanh linh, nhân loại. Ngài cho biết:
“Vì thời cơ đã đến, lý Thiên Đình hoạch định, cuộc nguy cơ thảm họa sắp tràn lan...Thiên Tào đà xét định khắp chúng sanh trong thế giới, trong cái buổi Hạ Nguơn này, say mê vật dục, chìm đắm trong biển lợi danh, gây nên nghiệp quả, luật trời đà trị tội, xét kẻ thiện căn thì ít, người tội ác quá nhiều, chư Phật mới nhủ lòng từ bi cùng các vị Chơn Tiên lâm phàm độ thế.” (Trích bài Sứ mạng của Đức Thầy)
Đó chính là những trọng trách của Ngài với Thiên Đình, nên ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), nơi thôn Hòa Hảo có chàng thanh niên 19 tuổi, từ một con người mang nhiều bệnh hoạn bỗng hoát nhiên đại ngộ, khôi ngô tuấn tú, khí phách hơn người, vượt qua bao thử thách, đứng ra làm lễ cáo Hoàng Thiên, chánh thức nhận lấy trách nhiệm của Thiên Đình tuyên bố lập đạo cứu đời.
Ngài tiết lộ:“Ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão, Ta hóa hiện ra đời cứu độ chúng sanh. Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng ta thượng xác cỡi đồng, chớ có dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu, chờ đến ngày ra trợ thế. Nên phương pháp của ta tùy trình độ cơ cảm của Tín nữ Thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ Đạo quy căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên gia độ bịnh, cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ-bi của Chư vị với Trăm Quan”. (Sứ mạng của Đức Thầy)
Và kể từ đó...Đất nước Việt Nam có thêm một trang sử đáng ghi nhớ về cách mạng và Tôn giáo. Ngài đã cống hiến cho đời với ba sự nghiệp vĩ đại:
1/-Về mặt Đạo là tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo.
2/-Về mặt Quân sự là bộ đội Nguyễn Trung Trực.
3/-Về mặt Chánh trị là Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Về mặt Đạo: Ngài khai sáng một tôn giáo hoàn toàn dân tộc. Phật Giáo Hòa Hảo chủ trương nhập thế, học Phật tu Nhân, giữ vẹn Tứ ân, thực hành pháp môn Tịnh độ để tiến tu đến giải thoát. Bước đầu mở đạo, Ngài dùng phương pháp huyền diệu của tiên gia để trị bệnh, phương cách trị bệnh của Ngài rất là đơn giản: Dùng nước lã, bông trang, bông thọ, lá cây và luôn luôn kèm theo lời khuyên của Ngài: “Rán niệm Phật và van vái Trời Phật” vì:
“Thành lòng nước lã nên hồ,
Hữu tâm chí đức cam lồ Phật ban.”
(Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi)
Để gây lấy thiện duyên, lòng cảm mến cứu độ mà người đời đã đặt cả đức tin vào sự giáo độ của Ngài.
Đức Huỳnh Giáo Chủ còn thuyết giảng những giáo lý cao siêu của đạo Phật...Ngài thuyết giảng cả ngày lẫn đêm mà không biết mệt. Chính phương pháp thuyết giảng có ẩn ý thiên cơ đã thu hút rất đông người, và để thức tỉnh lòng người, đi theo con đường thiện lành bằng giọng êm dịu, lưu loát rõ ràng, không vấp váp, thật là:
“Miệng nhích môi đầy văn tao nhã,
Hạ bút thần thơ đã đề khai.”
(Nang Thơ Cẩm Tú)
Ngài còn thấu hiểu cả tiền căn hậu kiếp của từng người, vì thế càng ngày Ngài càng được mọi người khâm phục qui ngưỡng, tất cả đều tin tưởng Ngài là bậc siêu phàm có sứ mạng xuống trần cứu dân độ thế, điều đó tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ngay cả những người ngoại đạo cũng tin như vậy.
Song song với việc trị bịnh và giảng đạo, Ngài còn chú tâm viết Sấm giảng để phổ truyền giáo pháp của Ngài. Ngài viết rất là dễ dàng không cần giấy nháp, những tác phẩm của Ngài thuộc nhiều thể văn, phần nhiều thuộc thể văn vần với dụng ý để cho mọi người bình dân ít học, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và nhất là sức truyền cảm quyến rủ qua lời kinh tiếng kệ hơn là văn xuôi để hợp với hoàn cảnh đất nước hiện tại thời đó.
Caption Hình 2: Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo khắp nơi về Thánh Địa dự lễ Khai đạo trước 1975
Những giáo pháp của Ngài tuy đơn sơ dễ hiểu, nhưng siêu việt, có giá trị vượt cả thời gian và không gian, một giá trị tối thượng cho tín đồ của Ngài nói riêng, và cho cả nhân loại, quần sanh nói chung.
Tháng 4 năm Ất Dậu 1945, Ngài sáng lập “Hội Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp” để đoàn kết các Tăng ni Phật tử không phân biệt tông phái nào, để nỗ lực sự vận động, sự hợp nhất Phật giáo trên toàn quốc.
Trong lịch sử Phật giáo, Ngài cũng là người đầu tiên và duy nhất trong việc xây dựng đoàn thể tu học Phật pháp, với hằng triệu thành viên là khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Ngài đã thành công vượt xa sức tưởng tượng của nhân loại.
Phật Giáo Hòa Hảo đã đứng vững vị trí, duy trì và phát triển trong ba phần tư thế kỷ đi qua và hiện tại dù rằng Phật Giáo Hòa Hảo đang bị đàn áp, bức hại trăm bề, khó khăn trong việc hoằng pháp độ sanh.
Ngài cũng không ngần ngại cho biết xuất xứ của Ngài, để tăng trưởng đức tin vào sự giáo độ của Ngài để mọi sanh linh sớm tu hành để khỏi bị sa đọa trong thời kỳ hoại diệt của buổi Hạ nguơn, và cũng vì thương sót chúng sanh đến hồi tai ách, nên Ngài lìa bỏ cảnh thơm tho của mùi sen báu, xuống trần cứu thế như Ngài cho biết:
“Bồng lai Điên dại có ngôi,
Tây Phương Cực Lạc, Khùng ngồi tòa sen.”
(Dặn Dò Bổn Đạo, tr.353)
Vì vâng sắc lệnh của Phật A Di Đà nên giáo pháp của Ngài chuyên chú vào Pháp môn Tịnh độ:
“Môn Tịnh độ là phương cứu cánh,
Rán phụng hành kẻo phụ Phật xưa.”
(Khuyến Thiện, tr.175)
Ngoài sắc lệnh của Phật A Di Đà, Ngài còn lãnh sắc chỉ của Phật Thích Ca như Ngài đã thố lộ:
“Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,
Khắp hạ giái truyền khai Đạo pháp.”
(Diệu Pháp Quang Minh)
Ngài cũng tự nhận Ngài là đệ tử của Phật Thích ca “Tôi vẫn không quên rằng tôi là một đệ tử trung thành của Phật Thích Ca”.
Về mặt quân sự: Cuối năm 1945, khi quân xâm lược Pháp tái chiếm Sài Gòn và các tỉnh Miền Nam, Đức Huỳnh Giáo Chủ tổ chức lực lượng kháng Pháp lấy tên là “Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc - Liên Đội Nguyễn Trung Trực”, lấy tên một vị anh hùng dân tộc kháng Pháp để làm gương cho binh sĩ noi theo, để bảo vệ dân chúng và quê hương xứ sở, cũng là phương tiện cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thi thiết hạnh Vô úy thí.
Liên đội Nguyễn Trung Trực gồm bốn Chi đội: Đứng đầu bốn Chi Đội là Ông Trần Văn Soái, Lê Minh Điều, Lê Phát Khuynh và Phan Hà. Sau đó để kịp thời đối phó trước tình hình nghiêm trọng của đất nước, vào ngày 18/12/1946 Ngài đã cải tổ bốn Chi đội thành một Chi đội cho được mạnh hơn là Chi đội 30 Nguyễn Trung Trực, Chi đội Trưởng là ông Nguyễn Giác Ngộ. Về mặt vũ khí Ngài còn thiết lập một công binh xưởng tại Hiệp Xương. Tổ chức các lớp đào tạo các cấp chỉ huy và khóa huấn luyện quân sự đầu tiên tại núi Dài vùng Thất Sơn, đào tạo cấp tốc 10.500 binh sĩ.
Về mặt chánh trị: Để tranh đấu cho quyền lợi quốc gia dân tộc, dân chủ, lập lại công bằng xã hội với chủ trương: Thực thi chế độ dân chủ, một nền kinh tế và xã hội, được xây dựng trên nền tảng: “Tự do và đạo đức”.
Ngày 21/9/46 Đức Huỳnh Giáo Chủ công bố thành lập chính đảng mang tên “Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng” viết tắt là Dân Xã Đảng và chính Ngài là linh hồn là lãnh tụ tối cao của đảng cách mạng này. Ngài cũng từng khuyên các anh em đồng đạo: “Tất cả tín đồ anh em, nếu thấy mình còn nặng nợ với non sông tổ quốc, thương giống nòi dân tộc hãy tham gia Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng mà tranh đấu. Đây là phương tiện để anh em hành xử tứ ân”.
Qua việc sáng lập nền đạo Phật Giáo Hòa Hảo, tham gia các lực lượng kháng chiến và lập đảng chính trị, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã chủ xướng một lúc ba cuộc cách mạng:
1.- Cách mạng Tôn giáo.
1.- Cách mạng Tôn giáo.
2.- Cách mạng Giải phóng dân tộc.
3.- Cách mạng Chính trị xã hội.
Ngài đã đi trước xa thời đại. Có thể nói Ngài là vị đầu tiên đã đưa ra phương thức sinh hoạt chính trị dân chủ cho Việt Nam và đưa ra ý thức dân chủ vào hành động chính trị.
Ngoài ba sự nghiệp lịch sử nói trên mà Ngài đã cống hiến cho đất nước Việt Nam, Ngài còn có sứ mạng:
1/- Chấn hưng Phật Pháp:
Ngài viết:
“Tháng năm kỷ Mão đến nay,
Khắp trong bá tánh gặp bài Sấm Kinh.
Lời văn tao nhã hữu tình,
Bởi vâng sắc lệnh Thiên Đình sai Ta.”
(Từ giã Bổn Đạo Khắp Nơi).
2/- Cứu độ chúng sanh khỏi sông mê, biển khổ:
Ngài viết:
“Thấy biển khổ đâu an lòng đặng,
Xông thuyền ra cứu vớt chúng sanh.”
(Thu Đã Cuối, tr.439)
3/- Chỉ đường về Tây phương Cực lạc:
Ngày đã thọ lãnh của Phật A Di Đà, Ngài quyết lòng chỉ đường để chúng sanh hưởng quả bồ đề bất sanh bất diệt. Ngài cũng nói:
“Tìm Cực Lạc, Đây rành đường ngõ,
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu.
Tận thế gian còn có bao lâu,
Mà chẳng chịu làm tròn nhơn đạo.”
(Kệ Dân Của Người Khùng, tr.88)
4/- Lập Hội Long Hoa:
Ngài cũng lãnh lệnh của Đức Ngọc Đế, lập bảng Phong thần chọn những người có tâm hiền đức, Ngài cũng thố lộ:
“Thân bần tăng mặc bộ sồng nâu,
Cuộc thiên lý một bầu đều hãn.
Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,
Trên đài cao gọi các linh hồn.”
(Nang Thơ Cẩm Tú, tr.407)
5/- Trừ con nghiệt thú:
Ngoài sứ mạng cứu độ người hiền, Ngài còn lãnh nhiệm vụ trừ con nghiệt thú, Ngài cho biết:
“Con sông nước chảy vòng cầu,
Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha.
Chừng ấy nổi dậy phong ba,
Có con nghiệt thú nuốt mà người hung.
Đến chừng thú ấy phục tùng,
Bá gia mới biết người Khùng là ai.”
(Khuyên Người Đời Tu Niệm, tr.54)
6/- Cầm cân thưởng phạt:
Ngoài sứ mạng cứu độ chúng sanh, trừ con nghiệt thú, Ngài còn lãnh sứ mạng đại diện công lý cầm cân thưởng phạt theo luật nhân quả báo ứng của nhà Phật, Ngài nói:
“Lão đây vưng lịnh Phật Tôn,
Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành.”
(Thiên Lý Ca, tr.261)
Để hoàn thành sứ mạng cao cả của chư Phật phó thác, Ngài đã thệ nguyên như các Đại Bồ Tát đã thệ nguyện:
“Dầu cho xoay chuyển đất trời,
Lòng ta chí dốc độ đời mà thôi.”
(Gởi Về Cho Bổn Đạo)
Qua những lời thệ nguyện bi thiết của Ngài, chúng tôi thiết nghĩ, chỉ có hàng Đại Bồ Tát mới phát hằng thệ nguyện như vậy, thật là vĩ đại.
Caption hình 3: Rước Bàn Thờ Tổ Quốc đến khán đài trong ngày Đại Lễ khai đạo PGHH
Hôm nay “18 tháng 5” là ngày đại hỷ của chúng tôi, của toàn thể Tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và của cả nhân loại quần sanh. Đứng trước cảnh muôn hoa đua nở, và cách bày biện hoa quả, nghi ngút khói hương trên bàn thờ và hàng loạt tín đồ đang quỳ trước sân của Tổ đình Phật Giáo Hòa Hảo tức Sảnh Đường Kim Sơn Phật, Chùa An Hòa Tự trong bầu không khí thật là trang nghiêm, để cảm tạ, để tri ân pháp nhũ của Đức Phật Kim Sơn đã truyền dạy cho chúng sanh, nhân loại, và cũng luôn van vái cầu nguyên cho ngày trở lại của Đức Tôn Sư. Đó là một ước mong lớn nhất trong cuộc đời của chúng sanh, trong cõi đời mạt pháp này.
Và trong ánh mắt buồn xa xăm, mong đợi của chúng sanh, của hằng triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo vẫn còn đọng mãi hình dáng của đấng từ bi giác ngộ như mới hôm qua đây. Đức Tôn Sư trong dáng dấp thoát tục, khôi ngô tuấn tú của một chàng trai ngoài 20 tuổi, dãi dầu sương gió trong bóng đêm, trên chiếc thuyền chèo xuôi ngược đó đây, khắp nẻo đường đất nước để hoằng hóa độ sinh, lắm lúc nhọc nhằn qua những lần đi khuyến nông, khuyến khích đồng bào rán lo cày cấy để giúp đỡ đồng bào ruột thịt đang đói khổ vì chiến tranh dưới chế độ bị trị, gian nan đối phó với những ngày tháng bị giặc lưu giữ và dời đổi đó đây, bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Ngài không bao giờ ngừng nghỉ, chỉ một chí hướng độ đời và xây dựng một xã hội tự do vững chắc, để hướng dẫn, chuyển đổi đời sống cho dân chúng, trong suốt thời gian dài trong tủi nhục, oan trái, bị ám hại trăm bề, để cứu nhân loại thoát khỏi chính sách ngu dân của ngoại xâm, của nhóm người, nhóm đảng phái vô thần, bạo ác, đã tạo cho nhân loại lâm vào kiếp lầm than thống khổ.
Thế rồi ngày 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi (1947) Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thực sự vắng mặt, lặng lẽ ra đi để đổi lấy sinh mạng đồng bào, những cuộc xô sát đẫm máu giữa người cùng chủng tộc, màu da, mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thấy từ duyên nghiệp vay trả máu xương của chúng sanh trong tiền kiếp, phong thái này đã thể hiện lòng từ bi siêu thoát của đấng cứu đời giác ngộ.
Ngoài kia, cả một vùng đất Thánh tại An Giang như rộn ràng và náo nhiệt, tất cả những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đang hớn hở phục vụ hàng triệu khách thập phương về mừng ngày Đại lễ. Tất cả những sinh hoạt cho những ngày Đại lễ từ ăn uống ngủ nghỉ, y tế thuốc men có những y sĩ, bác sĩ, đồng đạo lúc nào cũng túc trực trong tinh thần tương thân tương ái, đây cũng là lúc người tín đồ thể hiện một trong những hạnh, và những lời giáo huấn của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Những cộ đèn sáng rực di chuyển trên đường và rất nhiều thuyền ghe đang ngược xuôi lấp lánh trên sông Tiền Giang, đã tạo nên một cảnh đẹp của thiên thai, một cõi đi về của nhân loại chúng sanh, của những tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thân thương, và đâu đây vẫn còn thấp thoáng bóng dáng của Đấng từ bi giác ngộ và lời đại nguyện bi thiết của Ngài:
“Nếu chừng nào khai thông đại đạo,
Đuốc từ bi rọi khắp cả nhân gian.
Bể trầm luân khô cạn sáu đàng,
Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.
(Trao Lời Cùng Ông Táo, tr. 446)
Lê Yến Dung.
(18 tháng 5 năm Đinh Dậu - tức 12 tháng 6 năm 2017).
0 nhận xét