Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 02/06/2017

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017 11:16 // , ,

Tin khắp nơi – 02/06/2017

Trump rút ra khỏi Hiệp định Paris, thế giới phản ứng

Các nhà lãnh đạo thế giới và các nhóm bảo vệ môi trường bày tỏ sự thất vọng về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rút ra khỏi hiệp định về khí hậu ở Paris, một nỗ lực toàn cầu để đối phó với những hậu quả của biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông Trump đã phạm một sai lầm lịch sử, và ông mời các nhà khoa học cũng như doanh nhân Mỹ sang sống bên Pháp, một đất nước có thể trở thành “quê hương thứ hai” của họ. Ông Macron nói họ có thể “cùng nhau làm việc để tìm những giải pháp cụ thể cho khí hậu, và cho môi trường”. Ông Macron nói thêm rằng ở Pháp họ sẽ ra sức làm việc để “hành tinh của chúng ta vĩ đại trở lại”, một lối chơi chữ, nhái theo khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, là “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”
Thủ Tướng Đức Angela Merkel mô tả hiệp định Paris là một “bước nhảy vọt lịch sử”.
Bà nói: “Quyết định của ông Trump không thể, và sẽ không ngăn cản được những người trong chúng ta cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ Trái Đất. Tôi xin nói với tất cả những ai xem trọng tương lai của hành tinh chúng ta: “xin hãy sát cánh bên nhau để tiếp tục tiến bước trên con đường này để đi đến thành công và bảo vệ Trái Đất của chúng ta”.
Trong thế giới đang phát triển, nhiều nhà lãnh đạo cũng bày tỏ thất vọng. Tổng thống Ghana John Dramani Mahama nói: “Mỹ đã từ bỏ vai trò lãnh đạo về một vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu thiết yếu”.
​Một thỏa thuận ‘quá khắc nghiệt’
Ông Trump nói Hoa Kỳ rút ra khỏi một thỏa thuận mà theo ông, áp đặt những gánh nặng “quá khắc nghiệt”, tốn kém hàng tỷ đô la, tác động tới hàng triệu công việc làm ăn tại Hoa Kỳ.
Ông mô tả hiệp định Paris là “không công bằng” đối với Mỹ, và có lợi cho các nước lớn gây ô nhiễm khác, như Trung Quốc và Ấn Độ. Ông nói ông sẵn sàng “đàm phán lại” để tái gia nhập Hiệp định Paris.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Châu Âu lập tức dập tắt hy vọng của nhà lãnh đạo Mỹ rằng ông có thể thương thuyết lại hiệp định Paris.
Trong một tuyên bố chung, lãnh đạo Đức, Pháp và Ý khẳng định:
“Chúng tôi chắc chắn là thỏa thuận này không thể được đàm phán lại”.
Các nước ký kết Hiệp định Paris cam kết sẽ cố gắng giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính dẫn tới hiện tượng hâm nóng địa cầu. Hiện tượng này bị quy cho là nguyên nhân gây tan băng và sông băng, làm mực nước biển dâng cao và làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.
Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới. Hoa Kỳ xếp vào hạng nhì, và giờ được ghi vào danh sách các nước không tham gia hiệp định Paris, cùng với chỉ có hai nước khác là Nicaragua và Syria.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn của Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu nói rằng tuân thủ Hiệp định Paris là “trách nhiệm của Trung Quốc trong cương vị là một nước lớn có trách nhiệm”.
Phát biểu hôm 2/6 ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói:
“Chúng tôi tin rằng hiệp định Paris phản ánh sự nhất trí rộng rãi nhất của cộng đồng quốc tế để loại bỏ thay đổi, và các bên nên trân trọng kết quả khó khăn lắm mới đạt được này”.
Ông Trump giải thích rằng Hoa Kỳ phải rút ra khỏi hiệp định vì các quyền lợi của Mỹ. Ông nói: “Tôi được bầu lên để đại diện cho cư dân Pittsburgh chứ không phải cho Paris.”
Tuy nhiên thị trưởng thành phố Pittsburgh, ông Bill Peduto, đơn vị bầu cử nơi bà Hillary Clinton chiếm được 80% phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi, nói “Pittsburgh sát cánh với thế giới và sẽ tuân thủ Hiệp định Paris.”
Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, người đã đứng ra làm trung gian điều giải để đi đến Hiệp định Paris, nói:
“Ngay cả khi thiếu vắng sự lãnh đạo của Mỹ, ngay cả khi chính quyền ông Trump nhập đoàn với một vài nước để gạt tương lai sang một bên, tôi tin rằng các tiểu bang của Hoa Kỳ, các thành phố và doanh nghiệp Mỹ sẽ bước lên và làm nhiều hơn nữa để dẫn đường, và giúp bảo vệ hành tinh duy nhất mà chúng ta có, cho các thế hệ tương lai.”
Mất vai trò lãnh đạo
Tại Australia, thủ lãnh đảng Xanh Richard Di Natale nói bằng cách rút ra khỏi Hiệp định Paris, “Donald Trump chứng tỏ rằng Hoa Kỳ không còn có thể tự coi là một nước lãnh đạo thế giới”.
Ông Koichi Yamamoto, bộ trưởng môi trường Nhật Bản nói: “Làm như vậy chẳng khác nào Mỹ đã quay lưng với sự khôn ngoan của nhân loại”.
Ông nói ông thất vọng đã đành, mà còn cảm thấy phẫn nộ về quyết định của ông Trump.
Thủ tướng Tuvalu nói đảo quốc Thái Bình Dương của ông trong Thế chiến II, “từng là một bệ phóng” cho Hoa Kỳ nhưng bây giờ “khi chúng tôi đang đối mặt với cuộc chiến lớn nhất thời đại, Mỹ lại bỏ rơi chúng tôi.”
Ông Voreqe Bainimarama, người sẽ chủ trì hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu ở Đức vào cuối năm nay, nói: “Trong khi mất sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là điều đáng tiếc, nhưng cuộc đấu tranh chống hậu quả của biến đổi khí hậu còn lâu mới chấm dứt.”
Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ sự thất vọng của ông trong một cuộc điện đàm với ông Trump. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Canada nói ông cảm thấy được khích lệ bởi “đà tiến của phong trào chống hậu quả của biến đổi khí hậu và chuyển tiếp sang các nền kinh tế tăng trưởng sạch”.
Thủ tướng Anh Theresa May nói với ông Trump trong một cuộc điện đàm:
“Hiệp định Paris cung cấp một khung hành động toàn cầu để bảo vệ sự thịnh vượng và an ninh của các thế hệ tương lai, trong khi vẫn duy trì năng lượng giá phải chăng và an toàn cho người dân và doanh nghiệp của chúng ta”.
Mạng lưới Hành động để bảo vệ Môi trường nói quyết định của Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định Paris “báo hiệu chính quyền Trump hoàn toàn xa rời với thực tế và thế giới còn lại”.
Tổ chức Hòa bình Xanh- Greenpeace nói:
“Bằng cách rút khỏi hiệp định Paris, ông Trump biến Hoa Kỳ từ một nước lãnh đạo thế giới về khí hậu thành một nước lạc hậu liên quan tới khí hậu.”
Ông Venki Ramakrishnan, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia Anh, nói:
“Tương lai là những công nghệ mới, sạch hơn và có thể tái tạo, chứ không phải là nhiên liệu hóa thạch. “Các công nghệ mới sẽ giúp ích cho cuộc chiến chống nạn ô nhiễm không khí và đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn cầu. Tổng thống Trump không đặt các lợi ích của nước Mỹ lên trên hết, mà ông ta đang trói chặt nước Mỹ vào quá khứ.”

Cựu giám đốc FBI

tuần sau ra điều trần về cuộc điều tra Nga

Cựu Giám đốc FBI James Comey sẽ ra khai chứng vào thứ Năm tuần sau trước một ủy ban Thượng viện Hoa Kỳ điều tra cáo buộc Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ, trong một cuộc điều trần có thể gây khó khăn cho Tổng thống Donald Trump.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi bị ông Trump sa thải vào ngày 9 tháng 5, ông Comey sẽ trình bày trước Ủy ban Tình báo Thượng viện vào ngày 8 tháng 6. Ông sẽ phát biểu tại một phiên điều trần mở cũng như sau những cánh cửa đóng kín, cho phép ông nêu ra những thông tin mật, ủy ban cho biết.
Những cáo buộc nói rằng Nga có thể đã giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và những nghi vấn về sự thông đồng của các thành viên trong ban vận động tranh cử của ông đang là mục tiêu điều tra của một số ủy ban quốc hội Hoa Kỳ cũng như của Bộ Tư pháp.
Ông Comey dự kiến sẽ được hỏi về những cuộc đối thoại mà trong đó ông Trump gây áp lực buộc ông phải ngưng cuộc điều tra nhắm vào cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, một trong những cộng sự của ông Trump đang bị săm soi liên quan tới Nga và cuộc bầu cử năm ngoái ở Mỹ.
Nga đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ nỗ lực nào nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ, và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết một số người Nga có thể tự ý hành động mà không có sự can thiệp của chính phủ.
Ông Trump đã bác bỏ mọi sự thông đồng giữa Nga và ban vận động tranh cử của ông và đã nhiều lần đặt nghi vấn về kết luận của giới tình báo Mỹ rằng ông Putin đã chỉ thị một hoạt động bao gồm tấn công tin tặc, tin tức giả tạo và tuyên truyền nhằm mục đích nghiên cuộc bầu cử về phía có lợi cho ông Trump trước đối thủ Hillary Clinton.

Mỹ áp đặt thêm chế tài lên Bắc Triều Tiên

Mỹ hôm thứ Năm áp đặt thêm các chế tài mới đối với chín công ty và ba cá nhân bị tình nghi có liên quan đến chương trình phi đạn của Bắc Triều Tiên, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
Các biện pháp ban hành hôm thứ Năm sẽ ngăn chặn các cá nhân và công ty, kể cả hai công ty của Nga, kinh doanh với công dân Mỹ và sẽ phong tỏa bất kỳ tài sản nào mà họ nắm giữ ở Mỹ.
Hành động này được thực hiện trong khi Mỹ đang chật vật kìm chế các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên và sau khi nước này phóng hai phi đạn đạn đạo vào tuần trước.
Các chế tài hôm thứ Năm bao gồm hai công ty Nga là Ardis-Bearings LLC và Independent Petroleum Co., bị đưa vào danh sách đen vì cung cấp dầu mỏ và nguồn cung ứng phi đạn cho Bắc Triều Tiên.
“Bộ Tài chính đang làm việc với các đồng minh của chúng tôi để chống lại các mạng lưới tiếp tay cho các hoạt động gây bất ổn của Bắc Triều Tiên và chúng tôi hối thúc các đối tác của chúng tôi thực hiện các bước song song để cắt đứt các nguồn tài trợ của họ,” John Smith, giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính, cho biết.
Sau đó trong ngày thứ Năm, các nhà ngoại giao Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt thêm chế tài đối với những người và công ty dính líu tới chương trình phi đạn của nước này.
Cùng với các chế tài này, Tổng thống Donald Trump đã điều một lực lượng tấn công hải quân đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên và tổ chức các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc để cảnh cáo.
Ngồi bên cạnh Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ông Trump thứ Sáu tuần trước phát biểu ngay trước các cuộc họp của Nhóm Bảy cường quốc (G-7) ở Sicily rằng, các nhà lãnh đạo G-7 sẽ “chú trọng đặc biệt vào vấn đề Triều Tiên.”
Một tuyên bố của Nhà Trắng thứ Sáu tuần trước cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý “tăng cường các chế tài lên Bắc Triều Tiên” nhằm ngăn chặn nước này phát triển hơn nữa các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Mới đây Mỹ đã thử nghiệm thành công một hệ thống bắn hạ phi đạn đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) đến từ Bắc Triều Tiên.

Khủng bố toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại

Nạn khủng bố toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại, và bạo lực đã làm kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 14,3 nghìn tỷ đôla vào năm ngoái, riêng tác động đến Mỹ là 2,5 nghìn tỷ đôla.
Những con số này được nêu trong Chỉ số Hòa bình Toàn cầu mới được công bố. Đây là một báo cáo về xung đột và an ninh. Các con số vừa được công bố cho thấy hòa bình thế giới đã kém đi trong thập kỷ vừa qua, chủ yếu là do khủng bố và xung đột ở Trung Đông và Bắc Phi.
Nghiên cứu này nói tình hình kém đi như vậy làm gián đoạn những sự cải thiện dài hạn mà thế giới đã và đang thực hiện kể từ khi Thế chiến II kết thúc.
Theo báo cáo, số vụ khủng bố hàng năm đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2011.
Tử vong vì khủng bố đã tăng hơn 900% kể từ năm 2007 tại 35 quốc gia thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Trong số những thành viên đó, 23 quốc gia đã có nhiều người tử vong do khủng bố trong một năm qua.
Trong số các quốc gia này là Đan Mạch, Thụy Điển, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoa Kỳ đã tụt 11 bậc trong bảng xếp hạng của báo cáo, rơi xuống vị trí thấp nhất trong số các nước phát triển. Các chuyên gia nói rằng Hoa Kỳ đã có xung đột nội bộ gia tăng đáng kể do sự phân cực chính trị. Ngoài ra, tỷ lệ giết người đã tăng lên ở một số thành phố lớn của Mỹ, và việc đánh giá về ảnh hưởng của khủng bố đã chịu ảnh hưởng bởi một số vụ tấn công, trong đó có một vụ nổ súng tại hộp đêm ở Orlando, Florida, trong vụ này có 49 người chết.
Steve Killelea, người sáng lập Viện Kinh tế và Hoà bình, là tổ chức đưa ra báo cáo hàng năm, nói những căng thẳng ở Hoa Kỳ có ảnh hưởng quốc tế.
Ông nói: “Khắp thế giới phát triển đều trải nghiệm sự phân cực chính trị gia tăng ở Hoa Kỳ. Nguyên nhân thúc đẩy điều này là sự gia tăng về bất bình đẳng, gia tăng cảm nhận về tham nhũng, thiếu sự chấp nhận các quyền của người khác, và tự do báo chí giảm sút. Những yếu tố này đẩy mạnh sự đi xuống của Hoa Kỳ về mặt hòa bình, và báo hiệu sự gia tăng tiềm tàng trong tương lai về bất ổn và bạo lực”.
Ảnh hưởng của bạo lực đến kinh tế ở Hoa Kỳ tương đương với 2,5 nghìn tỷ đôla, tương đương 9% tổng sản phẩm quốc dân – gần 5.000 đôla Mỹ mỗi người.
Chỉ số Hòa bình Toàn cầu hàng năm đánh giá 163 quốc gia và vùng lãnh thổ về xung đột, an toàn và an ninh trong nước và xung đột nội bộ, và mức độ quân sự hóa của mỗi quốc gia.

Sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp

sẵn sàng tinh thần bước vào ‘thế giới thực’

Những ống pháo giấy trút hàng ngàn mảnh giấy màu vàng bé xíu lên 4.000 sinh viên tốt nghiệp trường Cao đẳng Brooklyn College, tượng trưng cho việc họ chuyển từ sinh viên thành cựu sinh viên.
Benash Khanu, học chuyên ngành tâm lý học, giờ bắt đầu tìm kiếm công việc đầu tiên, nói: “Giờ thì chúng tôi đi đến thế giới thực. Thật đáng sợ, nhưng cuộc sống là thế”.
Phát biểu khai mạc là một người mà nhiều sinh viên ở Brooklyn ủng hộ khi ông tranh cử tổng thống: Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, người đã truyền đi điều mà ông gọi là một thông điệp “đơn giản”: “Hãy nghĩ lớn, đừng nghĩ nhỏ và giúp chúng ta tạo ra đất nước mà tất cả chúng ta đều biết chúng ta có thể trở nên như thế”
Bước vào một “mớ hỗn độn nóng bỏng”
Các sinh viên đại học trên khắp nước Mỹ đã bắt đầu học trung học dưới thời một tổng thống Dân chủ là người đã thúc đẩy các nét đặc trưng gồm khoan dung, bình đẳng và tiền cho người nghèo khổ của đất nước. Những điều này đặc biệt được ủng hộ ở các trường đại học, nhờ vào thái độ của những người trẻ tuổi đối với chủ nghĩa tự do. Họ tốt nghiệp vào lúc Tổng thống Donald Trump cắt giảm một số chương trình do cựu Tổng thống Barack Obama lập ra.
Sinh viên Alexandria Dass của trường Brooklyn bước vào thị trường lao động sau khi học chuyên ngành kế toán. Sinh viên này nói: “Đất nước chúng ta bây giờ là một mớ hỗn độn nóng bỏng. Nhưng tôi cảm thấy thế hệ chúng tôi – thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z – chúng tôi sẽ làm mọi việc tốt đẹp hơn”.
“Reagan thời hiện đại”
Nhưng cách đó tám tiếng đồng hồ, tại trường đại học Thiên chúa giáo lớn nhất thế giới, Đại học Liberty, các sinh viên nhìn thấy tương lai của họ rất khác. Kimberly Burgess, người sẽ tiếp tục học tại trường luật, ghi nhận công lao cho chính quyền của ông Trump về việc thị trường lao động của đất nước có diễn biến tốt. Burgess và các bạn bè cùng thế hệ thiên niên kỷ của cô ấy gọi ông Trump là “ông Reagan thời hiện đại”. ÔngRonald Reagan, người của Đảng Cộng hòa từ năm 1980 và từng là tổng thống. Ông chỉ “tập trung vào những điều thực sự quan trọng”.
Gần 3 triệu sinh viên đại học tham gia vào lực lượng lao động sẽ có cơ hội tốt nhất trong 10 năm qua về mặt kiếm được việc làm. Một cuộc khảo sát của careerbuilder.com cũng cho thấy 3/4 các nhà tuyển dụng đang tuyển sinh viên mới tốt nghiệp và gần 40% số họ sẽ đưa ra mức lương khởi điểm từ 50.000 đôla một năm.
Những gợi ý chính trị
Trong năm thứ nhất học đại học, Dan Carr cầm một chiếc kéo lên và nghĩ anh có thể tiết kiệm cho bạn bè một ít tiền. Đến năm cuối đại học, người sinh viên học chuyên ngành chính phủ đã thành thợ cắt tóc sinh viên với 300 khách hàng. Vào buổi sáng của lễ tốt nghiệp, Josh Close ngồi trên ghế với tấm vải nhựa choàng qua vai, tại tiệm cắt tóc tạm thời nằm trong phòng tắm bé xíu của Carr. Người bạn Sam Stone quan sát trong khi anh chờ đến lượt. Cả ba đã thảo luận về chính trị, phía trên họ là những tấm áp phích của Carr về bộ đôi Trump/Pence có từ cuộc bầu cử năm 2016.
Stone, người sẽ tiếp tục nghiên cứu vì anh làm việc tại trường đại học, chỉ ra rằng nền kinh tế đang mạnh dưới thời ông Trump. “Tôi cảm thấy mọi người tự tin hơn, nghĩ rằng họ có thể có việc làm ngay sau khi rời đại học”.
Close có công việc trong ngành bảo hiểm đang chờ anh. Anh lo lắng về một quốc gia do Tổng thống Trump lãnh đạo. Anh nói: “Ông ấy không phải là người chữa các vết thương, và có xu hướng làm cho chúng nặng thêm”.
Đoán xem ai sẽ đến ăn bữa tối
Các sinh viên tại Đại học Texas ở Austin đã giơ nắm tay với ngón trỏ và ngón út chĩa ra, tượng trưng sừng của linh vật của họ là con bò đực non sừng dài, cùng lúc pháo hoa chiếu sáng bầu trời. Người phát biểu tại lễ tốt nghiệp, cảnh sát trưởng hồi hưu David Brown của Dallas, Texas, nói với các sinh viên tốt nghiệp rằng hãy hàn gắn những chia rẽ chủng tộc ở đất nước này. Ông phát biểu: “Hãy mời một người nào đó đến nhà ăn tối, là người trông không giống bạn”.
Sinh viên Erasto Renteria chuyên ngành quảng cáo trông không giống hầu hết người Mỹ. Anh là người Mexico và lớn lên dọc theo biên giới Texas/Mexico. Anh hy vọng khóa học tốt nghiệp năm 2017 có những kỹ năng để thay đổi đất nước. Anh nói: “Rất nhiều người bị chia rẽ. Tôi nghĩ chúng ta cần quay trở lại với việc quan tâm chăm sóc lẫn nhau”.
Đó là thời của chúng ta
Saha Jamshed là một người Hồi giáo sinh ra ở Afghanistan. Chị đã ở Hoa Kỳ trong 35 năm và coi bản thân là người Mỹ, nhưng vẫn sợ sự phân biệt đối xử. Chị muốn người khác biết rằng chị sẽ sử dụng bằng thạc sĩ của mình để “cống hiến sự nghiệp của mình cho việc làm lợi cho đất nước”.
Jay Woo tốt nghiệp với bằng điện ảnh. Anh nói rằng các cuộc nói chuyện trong lớp về sự đa dạng và thống nhất tại Đại học Nam California là những gì mà tất cả sinh viên tốt nghiệp nên mang ra thế giới. Woo nói: “Giờ là thời của chúng ta, với tư cách là những thủ lĩnh trẻ, chỉ đường về những gì tương lai đang nắm giữ”.

Ông Obama mua nhà trên 8 triệu đôla ở Washington

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và phu nhân Michelle, đang có ý định cư tại thủ đô Washington, ít nhất trong một thời gian, cách Tòa Bạch Ốc một quãng đường ngắn.
Kể từ khi rời Tòa Bạch Ốc hồi tháng 1, ông bà Obama đã thuê một biệt thự kiểu Tudor ở phố Kalorama cao cấp tại thủ đô Hoa Kỳ. Biệt thự này trước đây là nơi ở của các nhà ngoại giao, các nhà vận động hành lang và các chính trị gia.
Hiện nay do ái nữ Sasha của ông bà Obama còn đang học tại một trường trung học tư thục ở Washington trong hai năm nữa, gia đình Obama đã mua căn nhà tám phòng ngủ với giá 8,1 triệu đôla. Ngôi nhà trước đây thuộc sở hữu của ông Joe Lockhart, từng là thư ký báo chí của cựu Tổng thống Bill Clinton và bây giờ là giám đốc truyền thông của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia (NFL).
Các chính khách nổi tiếng trong chính quyền mới của Hoa Kỳ cũng là những người hàng xóm láng giềng của gia đình Obama: Ivanka Trump, ái nữ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, và chồng là ông Jared Kushner, cả hai đều là cố vấn của Tòa Bạch Ốc, cũng chuyển tới khu Kalorama khi họ rời nhà riêng ở New York vào hồi đầu năm nay và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng đang sống gần đó.
Một phát ngôn viên của ông Obama nói: “Giả sử ông bà Obama sẽ ở Washington trong ít nhất hai năm rưỡi nữa, thì điều họ mua nhà vẫn hợp lý hơn là tiếp tục thuê nhà.”
Gia đình Obama còn sở hữu một ngôi nhà ở thành phố Chicago, thành phố lớn thứ ba của Hoa Kỳ và là cơ sở chính trị của ông Obama trước khi ông chuyển đến Washington làm tổng thống Mỹ hai nhiệm kỳ.

Đồng sáng lập Microsoft

ra mắt máy bay phóng tên lửa khổng lồ

Đồng sáng lập của hãng Microsoft, ông Paul Allen, giới thiệu một sản phẩm mới trong cuộc đua máy bay thương mại.
Ông Allen đã đăng bức ảnh một chiếc máy bay có biệt danh là “Roc” trên Twitter, cho thấy một chiếc máy bay cực kì bất thường và khổng lồ mà ông hy vọng sẽ phóng được tên lửa vào không gian.
Roc có sáu động cơ, hai thân, 28 bánh xe, do công ty Stratolaunch Systems của ông Allen chế tạo.
Chiếc máy bay có sải cánh dài nhất từ trước đến nay, hơn 117 mét, và nặng hơn 227.000 kg. Để so sánh, sải cánh của Roc dài hơn chiều dài thường khoảng 100 đến 110 mét của một sân bóng đá tiêu chuẩn.
Chiều dài từ mũi đến đuôi máy bay là 72,5 mét và có chiều cao là 15,2 mét tính từ mặt đất.
Trên Twitter, ông Allen nói chiếc máy bay đã được đưa ra khỏi ụ chứa để kiểm tra nhiên liệu. Sau đó sẽ thử động cơ và cho chạy thử trên mặt đất.
Ông Jean Floyd, Giám đốc điều hành của hãng Stratolaunch Systems cho biết: “Trong những tuần và tháng tới, chúng tôi sẽ tiến hành thử nghiệm trên đất liền và trên không tại cảng Mojave Air and Space Port.”Đây là loại máy bay hoàn toàn mới, vì vậy chúng tôi sẽ phải tích cực làm việc trong suốt quá trình thử nghiệm và tiếp tục ưu tiên cho sự an toàn của phi công, phi hành đoàn và nhân viên của chúng tôi.”
Khối lượng cất cánh tối đa của máy bay có thể lên đến 589.000 kg. Công ty cho biết chiếc máy bay này sẽ phóng một tên lửa Orbitital ATK Pegasus XL đầu tiên, và sẽ có khả năng phóng ba tên lửa trong cùng một chuyến bay.

Phóng hỏa sòng bạc Manila, 37 người chết

Cảnh sát thủ đô Manila, Philippines hôm 2/6 cho biết 36 người đã bị ngạt thở vì khói sau khi một người đàn ông vũ trang xông vào một khu phức hợp gồm sòng bài và khách sạn, phóng hỏa đốt nhiều bàn đánh bạc trước khi tháo chạy, mang theo một túi đồng bạc để đặt cược.
Cảnh sát trưởng Oscar Albayalde cho biết thi thể các nạn nhân được nhân viên cứu hỏa tìm thấy trong những phòng đánh bạc mù khói.
Ông nói: “Tôi xin cập nhật sự cố xảy ra tại khu nghỉ mát Resorts World vào sáng hôm nay. Số nạn nhân chết ngạt đã tăng tới 36 người. Cộng thêm một người, là chính hung thủ. Như vậy số xác chết tổng cộng là 37.”
Cảnh sát trưởng Albayalde cho biết là không có thi thể nào có vết thương vì trúng đạn.
Nhà chức trách trước đó nói họ tin rằng cướp của là động cơ dẫn đến vụ này. Họ nói không có bằng chứng cụ thể sự cố này là do khủng bố gây ra. Nghi can được tìm thấy đã chết vào sáng hôm thứ Sáu 2/6 hình như do tự sát, và túi chứa đồng bạc đánh cược đã được thu hồi.
Cuộc tấn công nhắm vào khu nghỉ dưỡng World Resorts Manila đã khiến nhiều người hoảng loạn, giữa đêm chạy túa ra ngoài đường.
Hàng chục người bị thương nhẹ trong khi dẫm dạp nhau để thoát thân.
Cảnh sát vũ trang và các dịch vụ cứu hộ đã được triển khai đến hiện trường. Trong một tin nhắn trên trang Twitter, khách sạn cho biết là đang trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập” và hiện đang hợp tác chặt chẽ với Cảnh sát Quốc gia Philippines để bảo đảm tất cả các khách trọ và nhân viên phục vụ đều an toàn.
Một giới chức làm việc cho Resorts World Manila nói trong số những người thiệt mạng, có 13 nhân viên và 23 khách trọ.

Pháp, Đức, Ý bênh vực Thỏa thuận Paris,

nói không thể tái đàm phán

Pháp, Đức và Ý hôm thứ Năm nói rằng họ lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và bác bỏ đề nghị của ông chỉnh sửa hiệp định toàn cầu này.
“Chúng tôi cho rằng đà tiến được khởi động ở Paris vào tháng 12 năm 2015 là không thể đảo ngược được và chúng tôi tin chắc rằng Thỏa thuận Paris không thể đàm phán lại vì nó là một công cụ thiết yếu cho hành tinh, các xã hội và các nền kinh tế của chúng ta,” các nhà lãnh đạo của ba nước nói trong một tuyên bố chung hiếm có.
Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các đồng minh của họ tăng tốc những nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và nói rằng họ sẽ làm nhiều hơn nữa để giúp các nước đang phát triển thích ứng.
Tại một hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Bảy cường quốc vào tuần trước, ba nhà lãnh đạo đã cố gắng thuyết phục ông Trump ở lại trong thỏa thuận và tôn trọng những cam kết của Mỹ do chính quyền trước đưa ra.
Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump nói Mỹ sẽ đàm phán lại hiệp định này và lên án điều mà ông gọi là những gánh nặng tài chính và kinh tế “nghiệt ngã” của thỏa thuận này.
Thông cáo bất thường của Pháp-Đức-Ý, được công bố chưa đầy một giờ đồng hồ sau khi ông Trump loan báo quyết định của mình, nêu bật sự thất vọng của ba nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro và quyết tâm của họ tiến về phía trước mà không có sự ủng hộ của Washington.
“Chúng tôi tin chắc rằng việc thi hành Thỏa thuận Paris mang lại những cơ hội kinh tế đáng kể cho sự thịnh vượng và tăng trưởng ở các nước và trên quy mô toàn cầu,” ba nhà lãnh đạo nói.
“Do đó chúng tôi tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất của chúng tôi là nhanh chóng thi hành Thỏa thuận Paris, bao gồm các mục tiêu tài chính khí hậu và chúng tôi khuyến khích tất cả các đối tác của mình tăng tốc hành động chống lại biến đổi khí hậu.”
Trong bài phát biểu ông Trump phàn nàn rằng Thỏa thuận Paris bắt buộc các nước giàu có giúp đỡ các nước đang phát triển xây dựng các nguồn năng lượng tái tạo. Pháp, Đức và Ý cho biết họ sẵn sàng làm thêm nữa để giúp đỡ mà không có nguồn tài trợ của Mỹ.
“Chúng tôi sẽ tăng cường các nỗ lực để hỗ trợ các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước nghèo nhất và dễ bị tổn hại nhất trong việc đạt được các mục tiêu khắc phục và thích ứng,” ba nhà lãnh đạo nói.

Putin: Người Nga yêu nước có thể đã tự ý tấn công tin tặc

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm phát biểu rằng những tin tặc yêu nước người Nga có thể đã tự ý tiến hành các cuộc tấn công mạng nhắm vào các nước có quan hệ căng thẳng với Moscow, nhưng nói rằng nhà nước Nga chưa bao giờ dính dáng vào hoạt động tin tặc như vậy.
Phát biểu trước truyền thông quốc tế tại một diễn đàn kinh tế ở St Petersburg, ông Putin lúc đó đang trả lời câu hỏi về những cáo buộc Moscow có thể can thiệp vào những cuộc bầu cử trong năm nay ở Đức.
Thái độ của Moscow đối với tội phạm mạng đang bị Mỹ theo săm soi kỹ lưỡng sau khi giới chức tình báo Mỹ cáo buộc những tin tặc Nga đã nỗ lực giúp ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống, điều mà Nga vẫn thẳng thừng phủ nhận.
“Nếu họ (tin tặc) có tư tưởng ái quốc, họ bắt đầu đóng góp vào điều mà họ tin là cuộc chiến chính nghĩa chống lại những người nói xấu nước Nga. Chuyện đó có khả dĩ không? Về mặt lý thuyết là có,” ông Putin nói.
So sánh tin tặc với những nghệ sĩ có tư tưởng phóng khoáng hành động theo cảm tính, ông nói rằng những vụ tấn công mạng có thể được làm cho giống như chúng xuất phát từ Nga trong khi không phải như vậy.
Ông Putin cũng nói ông tin rằng tin tặc không thể thay đổi các chiến dịch bầu cử ở Châu Âu, Mỹ hay bất cứ nơi nào khác.
“Ở cấp nhà nước chúng tôi chưa bao giờ dính dáng vào chuyện này, chúng tôi không có ý định dính dáng vào chuyện này. Ngược lại, chúng tôi đang cố gắng chuện đó ở trong nước chúng tôi.”

OAS họp về khủng hoảng ở Venezuela

Bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ đã tổ chức phiên họp đặc biệt tại Washington hôm 31/5 để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Venezuela, sau khi lại diễn ra một ngày có những cuộc biểu tình bạo lực tại Caracas.
Ít nhất 60 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính phủ xã hội chủ nghĩa của Tổng thống Nicolas Maduro và tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng xăng dầu, thuốc men và các loại thực phẩm cơ bản.
Các nhà ngoại giao chia làm hai phe – một bên nói can thiệp của quốc tế và khu vực là cách duy nhất để chấm dứt bạo lực, và một bên cho rằng không ai có quyền can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một quốc gia có chủ quyền.
Maria Angela Holguin, Bộ trưởng Ngoại giao Colombia, nói: “Một lần nữa, chúng tôi kêu gọi chính phủ Venezuela ngừng đàn áp nhân dân đang phản đối trên đường phố, hãy bảo vệ mạng sống của những người biểu tình và trả tự do cho những tù nhân chính trị. Chúng tôi cũng nhắc lại lời kêu gọi không cấp vũ khí cho dân chúng. Trao cho người ta vũ khí không dẫn đến gì khác ngoài những cuộc đối đầu dữ dội mà Venezuela đáng phải nhận”.
Luis Exequiel Alvarado Ramirez, Đại sứ Nicaragua, Đại diện tại OAS, nói: “Chúng tôi nhấn mạnh rằng Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ này không thể tiếp tục bị lợi dụng bởi một quốc gia hoặc một nhóm các quốc gia để gây ảnh hưởng đến chủ quyền, sự tự quyết và quyền của một quốc gia thành viên. Chúng tôi yêu cầu chấm dứt các hành động thù địch và trừng phạt chính trị quốc tế chống chính phủ của Cộng hòa Bolivar Venezuela”.
Ông Maduro đã đe dọa rút khỏi OAS để phản đối điều mà ông cho là một chiến dịch do Hoa Kỳ chỉ đạo nhằm phá hoại chủ quyền của Venezuela.
Ông hiện kêu gọi sửa đổi hiến pháp đất nước, nói rằng điều đó cần thiết để mang lại hòa bình và ngăn chặn các đối thủ của ông làm đảo chính lật đổ.
Những người chỉ trích lo rằng hiến pháp mới có thể ngăn chặn bầu cử và các nỗ lực khác để khôi phục dân chủ.
Venezuela giàu dầu mỏ giờ đang trên bờ vực sụp đổ về kinh tế lẫn chính trị, một phần do giá dầu thế giới giảm mạnh và do chính phủ quản lý yếu kém.
Các cuộc biểu tình hàng ngày đòi hỏi có các cuộc bầu cử mới, trả tự do cho các tù nhân chính trị và viện trợ nhân đạo đã trở nên bạo lực.

Philippines:

Thay vị Tướng chỉ huy cuộc chiến với phiến quân Hồi giáo

Vị tướng chỉ huy cuộc tấn công nhắm vào các phiến quân ủng hộ Nhà nước Hồi giáo ở miền Nam Philippines vừa bị thay thế. Người phát ngôn của quân đội Philippines cho biết như vậy vào hôm 2 tháng 6.
Tướng Nixon Fortes là người đứng đầu lữ đoàn quân đội ở thành phố Marawi. Người mới thay ông là đại tá Generoso Ponio. Người phát ngôn của quân đội cho biết việc rút tướng Fortes khỏi nhiệm vụ không có liên quan gì đến trận chiến đang diễn ra ở thành phố.
Tướng Fortes được bổ nhiệm là tư lệnh lữ đoàn 103 vào tháng 1 vừa qua và chịu trách nhiệm đối với các chiến dịch nhắm vào nhóm Maute là nhóm mới đây đã thề trung thành với nhà nước Hồi Giáo. Sau đó nhóm này đã bao vây thành phố Marawi.
Hãng tin Reuters trích nguồn tin giấu tên trong quân đội cho biết tướng Fortes bị điều đi vì các lực lượng của ông không có mặt đầy đủ ở thành phố Marawi khi thành phố này bị tấn công, mặc dù đã có các nguồn tin tình báo từ trước đo cho thấy phiến quân Hồi Giáo đang dồn về đây.

Hoa Kỳ cam kết duy trì chính sách Châu Á

Điều này được ông James Mattis, Tổng Trưởng Quốc Phòng Mỹ nói với báo chí ngay sau khi đặt chân đến Singapore để dự Hội Nghị Thượng Đỉnh An Ninh Châu Á, còn được biết đến với tên Đối Thoại Shangri-La.
Người điều hành Lầu Năm Góc cũng cho hay trong bài nói chuyện sẽ đọc trước hội nghị vào ngày 3 tháng 6, ông sẽ nói đến “trật tự quốc tế” cần thiết phải có để đảm bảo hòa bình cho khu vực, ý muốn nói đến những biện pháp cần thiết phải làm để chận đứng các hoạt động gây hấn của Bắc Hàn.
Ông còn nói là Hoa Kỳ sẽ tăng cường quan hệ quân sự với các đồng ý trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, hỗ trợ để các nước có thệ tự bảo vệ an ninh quốc phòng, và chính quân đội Mỹ cũng tăng cường khả năng ngăn ngừa chiến tranh.
Ngoài những điều vừa nêu, ông Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ cũng cho biết sẽ nhắc lại điều Washington từng nhiều lần nói tới trước đây là tất cả mọi quốc gia đều có trách nhiệm phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
Điều này được hiểu là nhằm ám chỉ Trung Quốc và những hoạt động xây dựng, cải tạo các bãi đá cạn mà Trung Quốc tự ý chiếm giữ ở Biển Đông.
Washington cũng từng nói rằng các hành động mang tính quân sự hóa Biển Đông mà Trung Quốc làm đã khiến tình hình an ninh khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Cũng nên nhắc lại hôm thứ Năm tuần trước, 25 tháng Năm 2017, chiến hạm USS Dewey của Hoa Kỳ đã đi vào vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn mà Trung Quốc tự ý chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa. Động thái này không chỉ được xem là nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trong khu vực, mà còn được chú ý tới vì đó là chuyến tuần tra bảo vệ tự do hàng hải đầu tiên trong vùng Biển Đông được thực hiện dưới thời Tổng Thống Donald Trump.
Bắc Kinh tức khắc lên tiếng phản đối, nói rằng Hoa Kỳ xâm phạm lãnh hải của họ.

Nhà Trắng đệ đơn lên Tòa Tối cao về lệnh cấm đi lại

Tòa Bạch ốc vừa yêu cầu Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tái áp dụng lệnh cấm đi lại đối với những người đến từ các quốc gia có đa số dân là Hồi giáo.
Lệnh cấm đã bị các tòa cấp dưới chặn lại với lý do mang tính phân biệt đối xử.
Hai lá đơn khẩn cấp nay đã được chính phủ nộp lên chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện, đề nghị lật lại nội dung phán quyết của các tòa cấp dưới.
Lệnh cấm gây tranh cãi đã châm ngòi nổ cho các cuộc biểu tình và tranh luận trên toàn nước Mỹ.
“Chúng tôi đã yêu cầu Tối cao Pháp viện hãy nghe trình bày về vụ việc quan trọng này, và hãy tin rằng lệnh của Tổng thống Trump được ban hành hoàn toàn trong thẩm quyền của ông, nhằm giữ cho nước Mỹ an toàn và bảo vệ các cộng đồng của chúng ta khỏi chủ nghĩa khủng bố,” phát ngôn viên Bộ Tư pháp Sarah Isgur Flores nói.
“Tổng thống không buộc phải cho những người đến từ các nước tài trợ hoặc che chở cho chủ nghĩa khủng bố vào Mỹ, cho tới khi ông thấy rằng họ đã được kiểm tra một cách thích hợp và không tạo ra mối đe dọa an ninh nào cho Hoa Kỳ.”
Chính phủ nay yêu cầu tòa chuẩn thuận các yêu cầu khẩn cấp, theo đó tái lập ngay lập tức nội dung lệnh cấm đi lại. Phán quyết của tòa sẽ được đưa ra trong vòng hai tuần lễ.
Tòa sau đó sẽ quyết định xem liệu có thụ lý toàn bộ đơn kháng cáo của chính phủ hay không. Nếu tòa chấp nhận, thì việc xem xét sẽ diễn ra trong tháng Mười.
Những người phản đối lệnh cấm đi lại nói họ sẽ tiếp tục đấu tranh.
Sắc lệnh của tổng thống
Ông Trump ký sắc lệnh cấm đi lại lần đầu tiên là ngay khi ông vừa nhậm chức, hồi tháng Giêng.
Sắc lệnh có nội dung cấp các công dân từ Somalia, Iran, Iraq, Syria, Sudan, Lybia và Yemen vào Mỹ trong 90 ngày, và ngưng chương trình nhận người tị nạn trong 120 ngày.
Việc triển khai sắc lệnh đã gây hỗn loạn tại các sân bay và đã làm nổ ra các cuộc biểu tình ở một số thành phố.
Lệnh cấm đã bị chặn sau khi có khiếu nại pháp lý từ tiểu bang Washington và Minnesota.
Sau đó, ông Trump ký một sắc lệnh sửa đổi, hồi tháng Ba, nhằm điều chỉnh các vấn đề pháp lý, và bỏ Iraq ra khỏi danh sách cấm.
Tuy nhiên, một tòa án cấp quận tại Maryland cho rằng lệnh cấm mới là vi hiến, và đã ra phán quyết chặn trước khi sắc lệnh có hiệu lực, 16/3.
Một thẩm phán liên bang tại Hawaii cũng ủng hộ những người phản đối, cho rằng lệnh cấm mang tính phân biệt đối xử và dẫn “chứng cứ đáng đặt câu hỏi” về lập luận của chính quyền rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia.
Hồi tháng trước, tòa kháng cáo liên bang tại Virginia đã từ chối gỡ bỏ phán quyết chặn lệnh cấm.
Tòa nói lập luận của chính phủ về an ninh quốc gia là “lý do thứ yếu để đưa ra một sắc lệnh được đặt trên động cơ tôn giáo và nhằm cấm người Hồi giáo vào nước này”.
Ông Trump nay sẽ cần sự ủng hộ của năm trong tổng số chính thẩm phán của Tối cao Pháp viện mới có thể tái lập hiệu lực của lệnh cấm.

Nga xen vào bầu cử Mỹ:

Comey sẵn sàng khai việc Trump gây sức ép

Cựu giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang Mỹ FBI James Comey, người chịu trách nhiệm điều tra về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2016 sẽ ra điều trần trước Ủy Ban Điều Tra của Thượng Viện vào thứ Hai 08/06/2017. Kênh truyền hình CNN khẳng định là James Comey sẽ cho biết công khai các sức ép của tổng thống Donald Trump, trước khi ông bị cách chức giám đốc FBI.
Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier phân tích :
“Ngày James Comey ra điều trần trước Thượng Viện vẫn chưa được công bố chính thức. Nhưng Donald Trump đang phải chịu nhiều sức ép. Cựu giám đốc FBI dường như sẵn sàng khẳng định những thông tin đã bị rò rỉ, theo đó tổng thống Hoa Kỳ đã yêu cầu ông ngưng tìm kiếm thông tin về sự can thiệp của Nga vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Nếu vậy, đó là hành động ngăn cản tư pháp hoạt động, thậm chí là một khinh tội nghiêm trọng, nhất là đối với chủ nhân Nhà Trắng. 
Donald Trump, người đang lập một ê kíp đặc biệt để xử lý vụ khủng hoảng này, có vài ngày để hành động trước khi James Comey ra điều trần trước Nghị Viện, nhưng Donald Trump sẽ không có nhiều sự lựa chọn. Trên thực tế, lợi dụng vị thế để ngăn cản James Comey tiết lộ câu chuyện chỉ làm tăng mối nghi ngờ, trong khi chính Donald Trump nhiều lần tiết lộ hai người đã có nhiều cuộc trao đổi. 
Có vẻ như chính Donald Trump đang tự rơi vào bẫy của ông. Bởi vì nếu vai trò của những người thân cận của ông trong vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ còn lâu mới được làm sáng tỏ, thì chính cách làm việc và sự hời hợt về luật pháp của Donald Trump từ khi ông thành chủ nhân của Nhà Trắng mới bị đưa ra bàn cãi nhiều. 
James Comey đang được trông chờ sẽ làm sáng tỏ vụ này. Cựu giám đốc FBI có thể đã ghi lại nội dung các cuộc trao đổi với Donald Trump. Điều đó cũng có nghĩa là các hành động có thể gây sức ép được thể hiện trong các bản ghi nhớ giờ đây trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý.”

Quốc tế chỉ trích tổng thống Mỹ bỏ Hiệp Định Khí Hậu

Sau một thời gian bắt thế giới chờ đợi, ngày thứ năm 01/06/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris COP21. Quyết định này, nhân danh « quyền lợi nước Mỹ trên hết » gây ra một làn sóng chỉ trích trên khắp địa cầu.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, Hiệp Định Paris vừa vi phạm chủ quyền vừa là một « gánh nặng tài chính » cho dân Mỹ. Diễn văn của Donald Trump, với nhiều đoạn mơ hồ lẫn lộn, không đề cập đến thực chất hiệu ứng nhà kính đe dọa tồn vong của nhân loại.
Ông chỉ nói đến tiền, đòi thương thuyết lại sao cho có lợi cho Mỹ gây phẫn nộ trong 190 nước thành viên COP21. Ngay tức khắc, cộng đồng quốc tế cũng như công luận Mỹ quan tâm đến môi trường đã lên tiếng chỉ trích Donald Trump.
Từ Paris, tổng thống Pháp Emmanuel Macron điện thoại nhắn nhủ một cách thách thức chủ nhân Nhà Trắng : không có chuyện thương thuyết lại Hiệp Định Paris. Pháp và Mỹ tiếp tục hợp tác, trừ vấn đề khí hậu. Đó cũng là quan điểm của Berlin, Paris và Rôma trong một bản tuyên bố chung.
Theo AFP, từ nay, Hoa Kỳ của Donald Trump bị cô đơn. Liên Hiệp Châu Âu, qua tuyên bố của ủy viên hành động vì khí hậu Miguel Arias Canete, sẵn sàng đóng vai trò « chủ đạo ». Trung Quốc cũng cho biết « gắn bó với thành quả đạt được tại Paris và sẽ có biện pháp cụ thể để thực thi hiệp định ».
Donald Trump cũng bị công luận Mỹ lên án
Quyết định rút bỏ Hiệp Định Khí Hậu gây thất vọng ngay trong nước Mỹ. Từ người tiền nhiệm cho đến tác nhân kinh tế đều chỉ trích Donald Trump.
Cay đắng, cựu tổng thống Barack Obama lấy làm tiếc là nước Mỹ thụt lùi thay vì đi tiên phong. Tuy nhiên, ông tin rằng, cho dù Donald Trump đã làm Hoa Kỳ mất vai trò lãnh đạo, đánh mất tương lai, thì các tiểu bang, các thành phố và giới doanh nghiệp sẽ nỗ lực hơn để bảo vệ các thế hệ mai sau.
Cũng trong chiều hướng này, lãnh đạo tập đoàn General Electric, Jeff Immelt kêu gọi giới công kỹ nghệ hãy làm gương sáng, tỏ ra độc lập với chính phủ, nhìn nhận biến đổi khí hậu là một thực tế.
Elon Musk, chủ tịch tổng giám đốc công ty xe hơi điện Tesla và cũng là người bảo vệ triệt để năng lượng tái tạo tuyên bố rút lui khỏi các nhóm đại gia cố vấn cho Donald Trump. Bob Iger, chủ tịch tổng giám đốc Disney cũng bỏ ông Trump.
Lloyd Blankfein, chủ tịch tổng giám đốc ngân hàng Goldman Sachs trách tổng thống làm nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo thế giới.

Pháp: Bộ trưởng Tư Pháp công bố dự án cải cách “chưa từng có”

Tại Pháp, hôm qua, 01/06/2017, tân bộ trưởng Tư Pháp công bố một kế hoạch cải cách, được đánh giá là “chưa từng có”, nhằm tấn công vào các tệ nạn trong giới chính trị, tồn tại từ nhiều thập niên. “Đạo đức hóa các hoạt động của Nhà nước” là một cam kết hàng đầu của tân tổng thống Emmanuel Macron trong thời gian tranh cử.
Dự án “đạo đức hóa các hoạt động của Nhà nước” theo chủ trương của tổng thống Macron bao gồm việc cải cách Hiến Pháp, thông qua hai luật, với khoảng 20 biện pháp cụ thể. Bộ trưởng Tư Pháp François Bayrou đặt lại tên dự án này là “gây dựng tín nhiệm trong đời sống dân chủ”, để tránh hiểu nhầm là chính quyền muốn can dự vào các vấn đề đạo đức cá nhân.
Bộ trưởng Tư Pháp François Bayrou giải thích một trong các mục tiêu hàng đầu của dự án cải cách này là làm sao để các dân biểu hay quan chức không còn được đối xử khác với các công dân bình thường. Một trong những biện pháp tiêu biểu để thực hiện điều này là xóa bỏ “Tòa Công Lý” (Cour de justice de la République/CJR), một cơ quan tư pháp chuyên xét xử các quan chức chính phủ cao cấp, phạm tội trong khi làm nhiệm vụ.
Một số biện pháp quan trọng khác của dự án này là cấm các nghị sĩ tuyển mộ thân nhân làm trợ lý, cấm đảm nhiệm cùng một chức vụ quá ba nhiệm kỳ liên tục (đối với các dân biểu, thượng nghị sĩ, phụ trách hành chính địa phương), trừ đối với các xã nhỏ.
Một biện pháp đặc biệt được hoan nghênh là dự án thành lập một “ngân hàng dân chủ”, để bảo đảm việc tài trợ công bằng cho các đảng phái chính trị và các ứng cử viên.
Hiện tại ba văn bản lập pháp đang được Hội Đồng Nhà Nước xem xét và sẽ được trình ra trước cuộc họp hội đồng bộ trưởng vào ngày 14/06. Theo bộ trưởng Tư Pháp, ba văn bản này sẽ được bổ sung, điều chỉnh trong các thảo luận tại Quốc Hội sắp tới.
Theo AFP, nhìn chung, dự án “gây dựng tín nhiệm trong đời sống dân chủ” của tân bộ trưởng Tư Pháp được đông đảo các đảng phái chính trị và hiệp hội chống tham nhũng tại Pháp hoan nghênh.

Donald Trump bỏ hiệp định khí hậu: Trong rủi có may

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump, rút khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu, gây phản ứng bất bình trên khắp thế giới kể cả tại nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học và giới ngoại giao lại cho rằng trong cái rủi có cái may : việc thực thi hiệp định COP 21 sẽ không bị cản trở từ bên trong.
Có một thành viên thế lực như Mỹ luôn tìm cách cản trở tiến trình thực thi hiệp định Paris về khí hậu trong khuôn khổ hội nghị COP hàng năm là nỗi lo của giới chuyên gia.
« Để Donald Trump đứng ngoài vẫn tốt hơn là đứng bên trong làm trì trệ hiệp định ». « Đứng bên trong hiệp định Hoa Kỳ có thể gây nhiều tác hại hơn là nếu đứng bên ngoài ». Mohamed Adow, chuyên gia khí hậu của tổ chức phi chính phủ Christian Aid và Luke Kemp, tác giả bài phân tích « Thà ở bên ngoài hơn là bên trong » trên tạp chí khoa học The Nature, tuần trước không phải là những tiếng nói đơn độc chào mừng quyết định của Donald Trump.
Mầm hy vọng
Quan điểm « Tái ông thất mã », thiếu Hoa Kỳ biết đâu lại là chuyện tốt cho nhân loại, đang được lan rộng trong giới khoa học và ngoại giao.
Anden Meyer, chuyên gia theo dõi đàm phán khí hậu từ 20 năm qua dự đoán : Washington muốn nói gì thì nói, chẳng có nước nào ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ.
Từ khi hiệp định COP21 được long trọng ký kết tại Paris vào năm 2015, còn nhiều nguyên tắc thực thi đang được thương thảo đặc biệt là bản tổng kết đầu tiên về « nỗ lực chung » làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2018.
Cũng quan trọng không kém là công khai hóa chính sách khí hậu của « từng thành viên » mà mục tiêu là giữ cho nhiệt độ khí quyển, từ nay đến cuối thế kỷ chỉ được tăng dưới 2°C, hầu tránh đại họa diệt vong, thiên tai, lũ lụt.
Hiệp định COP21 là kết quả của hơn 20 năm đàm phán gay go, và thỏa hiệp, tính từ hiệp định khung đầu tiên của Liên Hiệp Quốc về trái đất được 160 quốc gia ký kết tại Rio ( Brazil ) năm 1992, rồi đến Nghị Định Thư Kyoto 1997, giảm khí thải làm nóng bầu khí quyển.
Donald Trump cho là hiệp định COP 21 gây nhiều bất lợi cho kinh tế Mỹ và cần phải thương thuyết lại. Trong khi đó, Hoa Kỳ chỉ đứng sau Trung Quốc trên bảng xếp hạng các quốc gia gây ô nhiểm nhất địa cầu.
Không có Mỹ góp phần, liệu mục tiêu chung có thể đạt được hay không ? Theo bà Laurence Tubiana, nguyên là trưởng đoàn thương thuyết của Pháp, yêu sách của tổng thống Mỹ sẽ làm cho tình thế nghiêm trọng hơn. Kinh tế Mỹ sẽ chậm chuyển đổi trong khi nhân loại không còn đủ thời gian để hành động.
Tuy nhiên, Thoriq Ibrahim, bộ trưởng bộ môi trường đảo Maldives và cũng là phát ngôn viên của các tiểu quốc đảo đang bị nước biển đe dọa xóa tên lại nhẹ nhõm. Ông cho rằng sự kiện Hoa Kỳ rút chân là cơ hội để cộng đồng quốc tế chứng tỏ quyết tâm « đối đầu với thử thách » diệt vong.
Bằng chứng là tin Donald Trump đắc cử tổng thống rơi vào thời điểm Thượng đỉnh COP 22 diễn ra tại Maroc, làm cử tọa choáng váng như bị « điện giật ». Thế là, nhiều quốc gia bỏ ngay thái độ lưỡng lự, tuyên bố gia nhập hiệp định khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út…. tái cam kết thực thi. Châu Âu, Trung Quốc và Canada và những quốc gia bị biến đổi khí hậu đe dọa trực tiếp sẽ là đầu tàu của nỗ lực sử dụng năng lượng sạch.
Tổng giám đốc Hiệp Hội WWF, bảo vệ động vật thiên nhiên, Pascal Canfin, thẩm định « không có Trump, Hiệp Định COP sẽ được nước Mỹ, dân Mỹ thực thi từ cấp doanh nghiệp, thành phố cho đến tiểu bang ».
Nhưng mối lo lớn khi Mỹ rút chân, là vấn đề tài chính cho Hiến Chương Khí Hậu của Liên Hiệp Quốc và Quỹ Xanh (100 tỷ đôla) tài trợ cho các nước nghèo chống biến đổi khí hậu.

Putin: Việc phương Tây bài Nga “lợi bất cập hại”

Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint-Pétersbourg lần thứ 21 diễn ra từ ngày 01 đến 03/06/2017. Trong phiên khai mạc, tổng thống Nga Vladimir Putin đã đả kích thái độ bài Nga « lợi bất cập hại » của phương Tây.
Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Muriel Pomponne giải thích :
« Chính giám đốc của hãng tin Tass đã đặt câu hỏi, hay chính xác hơn là đã trình bày khá dài về cái mà ông ấy gọi là hiện trạng « bài Nga » được cho là của phương Tây. Như vậy, không phải tổng thống Vladimir Putin đã nêu lên vấn đề, mà là giám đốc một hãng truyền thông thân cận với điện Kremlin.
« Thái độ bài Nga » là do các chính trị gia và giới truyền thông phương Tây tạo ra là một trong những chủ đề được nhà chức trách Nga đặc biệt ưa thích trong các cuộc đối thoại với nước ngoài. Cáo buộc trên thường cho phép chấm dứt nhanh chóng mọi cuộc tranh luận. Đối với công luận Nga, cáo buộc trên cho phép tránh mọi lời giải thích.
Nắm lấy cơ hội, Vladimir Putin lại phát triển khả năng hùng biện thường thấy : thái độ bài Nga là « cú nhẩy vọt » gần đây nhất của những kẻ ủng hộ một thế giới đơn cực độc quyền, trong khi một thế giới đa cực đang được hình thành theo ý tưởng của Nga.
Thái độ bài Nga dường như cũng thể hiện sự tồi tệ của một số quốc gia muốn ngăn cản Nga thực hiện nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, theo tổng thống Nga, mọi chuyện sẽ được cải thiện nếu các nước ý thức được rằng thái độ bài Nga không có lợi, mà chỉ có hại.
Nga là nước bị bài xích một cách phi lý. Bài diễn văn nhắm vào công chúng trong nước không hề thay đổi. »

Các doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn

bị phân biệt đối xử tại Trung Quốc

Hồ sơ kinh tế là một vế quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu-Trung Quốc. Nhân dịp này, ngày 31/05/2017, Phòng Thương Mại Châu Âu tại Trung Quốc đã công bố báo cáo thường niên, theo đó, 50% số doanh nghiệp nước ngoài được hỏi cho biết không phải lúc nào Trung Quốc cũng hồ hởi đón tiếp các đầu tư châu Âu hay Hoa Kỳ.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gửi về bài tường trình :
« 56% số doanh nghiệp châu Âu đang hiện diện trên thị trường Trung Quốc mong muốn đầu tư thêm, nhưng việc tiếp cận thị ngày càng hạn chế và luật lệ đề ra ngày càng chặt chẽ và thường xuyên được áp dụng một cách không công bằng. Đây là các rào cản đối với các doanh nghiệp này.
Đơn cử một ví dụ rõ ràng nhất : đó là các luật lệ về bảo vệ môi trường. Hơn 60% các doanh nghiệp châu Âu cho rằng họ bị kiểm tra ngặt nghèo hơn các đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Ông Denis Depoux, phụ trách khu vực châu Á của Roland Berger, công ty tư vấn đã tiến hành cuộc điều tra, hỏi ý kiến 570 doanh nghiệp. Ông cho biết : Các quy định về môi trường của Trung Quốc rất nghiêm ngặt. Hiện nay, các quy định này ở cùng một mức độ, thậm chí còn cao hơn các quy định ở châu Âu hay Hoa Kỳ.
Thế nhưng, việc áp dụng các quy định lại không công bằng đối với các doanh nghiệp châu Âu. Họ thường xuyên bị các chuyên gia Trung Quốc đến kiểm tra về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, việc phát thải các sản phẩm độc hại. Các thanh tra Trung Quốc xem xét rất kỹ lưỡng việc tôn trọng các quy định, chuẩn mực. Thế nhưng, họ lại không làm như vậy đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.
50% các doah nghiệp châu Âu cảm thấy giờ đây họ không được đón tiếp tốt như lúc mới tới thị trường Trung Quốc và chỉ có 15% các nhà đầu tư cho rằng Trung Quốc sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường nội địa trong vòng 5 năm tới ».

Châu Âu muốn cùng Trung Quốc

đi đầu trong lĩnh vực khí hậu

Hồ sơ khí hậu với việc tổng thống Donald Trump quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận COP 21 Paris là một trong những chủ đề chính tại thượng đỉnh châu Âu-Trung Quốc, khai mạc hôm nay, 02/06/2017 tại Bruxelles.
Phát biểu khai mạc hội nghị, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker, được AFP trích dẫn, đã khẳng định là không có chuyện thay đổi thụt lùi các cam kết trong thỏa thuận Paris, về tiến trình chuyển đổi sử dụng năng lượng. Về phần mình, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh luôn luôn « bảo vệ các quy định đa phương ».
Không chỉ các quốc gia mà ngay cả các định chế châu Âu cũng chỉ trích gay gắt quyết định của tổng thống Mỹ.
Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gửi về bài tường trình :
« Tổng thống Mỹ đã làm dấy lên sự đồng thuận bên trong các định chế châu Âu, và đã giúp cho cánh tả, cánh hữu và phe môi sinh đạt đồng thuận trong việc chỉ trích ông.
Ví dụ, phe bảo thủ thuộc Đảng Nhân Dân Châu Âu cho rằng quyết định của tổng thống Donald Trump là vô trách nhiệm và sẽ ảnh hưởng lâu dài đến uy tín quốc tế của Hoa Kỳ. Về phần mình, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker coi quyết định này là một sai lầm nghiêm trọng.
Phe môi sinh dự tính đến việc đưa ra các trừng phạt về các-bon trong việc nhập khẩu sản phẩm Mỹ vào châu Âu, bởi vì Donald Trump bắt đầu tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại bằng cách muốn tận dụng các lợi thế trước mắt để tiếp tục sử dụng thoải mái các nhiên liệu hóa thạch.
Trong mọi trường hợp, tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đều bày tỏ tham vọng tiếp tục áp dụng đầy đủ thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Liên Hiệp Châu Âu muốn đi tiên phong và chuẩn bị cùng với Trung Quốc nhân hội nghị thượng đỉnh song phương đang diễn ra, tiến hành một chiến dịch vận động trong lĩnh vực khí hậu. Hai bên có thể ra tuyên bố chung kêu gọi đẩy nhanh việc áp dụng thỏa thuận khí hậu Paris ».

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.