Tin Việt Nam – 07/06/2017
Côn đồ ném đá nhà thờ giáo họ Văn Thai
Nhà thờ giáo họ Văn Thai, giáo xứ Song Ngọc trên địa bàn xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vào rạng sáng ngày 7 tháng 6 bị những thành phần lạ mặt ném đá và có hành động phỉ báng.
Tình trạng vừa nêu được người dân địa phương ghi hình lại rồi đưa lên mạng xã hội facebook.
Một người dân địa phương cho Đài Á Châu Tự do biết vào tối ngày 7 tháng 6 như sau:
Giờ đó ai cũng ngủ rồi, khu vực đó có ráp camera nên sáng mở ra xem có quay được hình ảnh, có giới trẻ gọi nói sáng có mở camera ra xem thì thấy hình ảnh đó quay lại và tung lên mạng, cũng có một số nhà có đến nói lúc tối bị ném đá nhưng sợ, không dám ra ngoài vì sợ đá ném trúng đầu.
Vào tối ngày 6 tháng 6, một nhóm những thanh niên mặc áo thun đỏ sao vàng, mang theo cờ đỏ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chạy xe máy vào địa bàn giáo họ Văn Thai, hò hét gây náo động tại đó.
Và như tin đã loan vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, một số nhà của giáo dân Công giáo tại giáo họ Văn Thai cũng bị những thành phần mặc thường phục ném đá, phá hoại tài sản. Linh mục quản xứ Song Ngọc, Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, bị cầm chân tại giáo họ Văn Thai khi đến dâng thánh lễ.
Đài Á Châu Tự Do vào chiều ngày 7 tháng 6 gọi điện đến chủ tịch, trưởng công an xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu để tìm hiểu thêm sự việc; nhưng cả hai ông chủ tịch xã Trần Văn Hùng và trưởng công an xã Thái Bá Hải đều không bắt máy.
Một viên chức công an từng phụ trách tại huyện Quỳnh Lưu nay về thành phố Vinh cũng từ chối trả lời qua điện thoại.
“Không trao đổi qua điện thoại được, phải gặp trực tiếp.”
Những người dân tại giáo họ Văn Thai cũng như ở giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho biết họ chịu tác động bởi thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên kể từ đầu tháng tư năm ngoái. Tuy nhiên họ không thuộc diện được nhà cầm quyền Hà Nội đưa vào danh sách được bồi thường do tác động nặng nề của thảm họa.
Những người dân đó từng mang đơn khiếu kiện đến tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, nơi có nhà máy Formosa gây ô nhiễm, để đòi quyền lợi mà họ cho là hợp pháp. Thế nhưng lần đi nộp đơn kiện hôm ngày 14 tháng 2 của họ bị lực lượng chức năng đàn áp mạnh tay khiến một số người bị thương.
Người Việt ‘ganh tị’ vì Campuchia có bầu cử đa đảng
Nhiều người Việt trong những ngày qua chia sẻ trên mạng xã hội tin tức về cuộc bầu cử đa đảng ở Campuchia, kèm theo là những lời bình tỏ ý ghen tị về việc Việt Nam chưa được như vậy.
Các hãng tin quốc tế nói các cuộc bầu cử hội đồng xã ở Campuchia diễn ra hôm 4/6. Tuy kết quả chính thức chỉ được công bố vào cuối tháng này, nhưng thông tin sơ bộ cho thấy Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập đã giành được 487 ghế, so với hơn 1.100 ghế của Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hunsen.
Đây là bước tiến lớn đối với đảng đối lập. Hồi năm 2012, đảng này chỉ giành vỏn vẹn có 40 ghế.
Nhận xét trên mạng xã hội về cuộc bầu cử ở Campuchia, một số người Việt nói người dân Campuchia được lựa chọn giữa những ứng cử viên của các đảng khác nhau, trong khi ở Việt Nam “có duy nhất 1 đảng, bỏ phiếu hay không bỏ phiếu cũng vậy thôi”. Có người còn tỏ ý nghi ngờ về gian lận bầu cử ở Việt Nam khi viết rằng “‘người ta’ bỏ phiếu dùm dân hết rồi”.
Một số người khác so sánh rằng nước láng giềng phía tây nam từng là “chư hầu của Việt Nam” song nay lại cho Việt Nam “ngửi khói” về mặt dân chủ, tự do.
Mong muốn Việt Nam có thể một ngày học hỏi được cách chính trị của Campuchia đang hoạt động là mong ước của những người đang hoạt động cho dân chủ như Thành, và mình nghĩ là tất cả những người khác họ cũng khao khát có được một thể chế tôn trọng quyền tự do như vậy
nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành
Về không khí bầu cử ở Campuchia, nhiều người đánh giá nó “tự do, đầy sôi động và hấp dẫn”, khác hẳn với quy trình “đảng [cộng sản] chọn người lãnh đạo” ở Việt Nam, và họ bày tỏ ước vọng là Việt Nam rồi cũng sẽ có tranh cử, bầu cử dân chủ.
Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành ở thành phố Hồ Chí Minh lý giải với VOA về tâm lý này:
“Được tự do chọn người đại diện cho mình trong các vấn đề quốc gia là một cảm giác mà bất cứ người nào có ý thức công dân đều ham muốn. Và hơn hết đó là sự thể hiện trách nhiệm vào vấn đề cộng đồng. Mong muốn Việt Nam có thể một ngày học hỏi được cách chính trị của Campuchia đang hoạt động là mong ước của những người đang hoạt động cho dân chủ như Thành, và mình nghĩ là tất cả những người khác họ cũng khao khát có được một thể chế tôn trọng quyền tự do như vậy”.
Anh Thành chỉ ra rằng không chỉ trong lĩnh vực bầu cử, mà các sinh hoạt khác của xã hội Campuchia cũng rất “cởi mở, tự do”. Điều này truyền cảm hứng và là động lực để người dân đóng góp vào việc sáng tạo, phát triển đất nước.
Đây cũng là một khía cạnh được nhiều người bình luận. Liên hệ từ chính trị sang kinh tế, không ít người nhận định nhờ có dân chủ đa đảng, Campuchia đang ngày càng phát triển và sẽ qua mặt Việt Nam.
Trong tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, về nhiều mặt, người dân Campuchia đã hơn hẳn người Việt. Cho nên cái chuyện tụt hậu là nhìn thấy rõ ràng. Không cần phải so sánh rằng ngày hôm nay người dân Campuchia được bao nhiêu tiền, ngày mai được bao nhiêu tiền nữa. Nói tóm lại, người dân Campuchia đã được tôn trọng hơn, và giá trị của người dân Campuchia cao hơn giá trị của từng công dân Việt Nam
nhà bất đồng chính kiến J.B Nguyễn Hữu Vinh
Các con số thống kê thực tế cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của Campuchia đạt trên 7% trong suốt 25 năm trở lại đây, so với mức trung bình 5,7% của Việt Nam trong 20 năm qua. Từ năm 2014, các nhà phân tích quốc tế đã cảnh báo Campuchia sẽ sớm vượt Việt Nam về năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và thu nhập của người dân.
Nhà bất đồng chính kiến J.B Nguyễn Hữu Vinh ở Hà Nội khẳng định với VOA vì đảng cộng sản vẫn cố duy trì độc quyền chính trị ở Việt Nam nên điều đó hiển nhiên dẫn đến đất nước bị tụt hậu:
“Như bây giờ thì ta phải nhìn thấy rằng Campuchia rõ ràng quyền con người của họ được đảm bảo hơn. Họ được tự do hơn. Trong tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, về nhiều mặt, người dân Campuchia đã hơn hẳn người Việt. Cho nên cái chuyện tụt hậu là nhìn thấy rõ ràng. Không cần phải so sánh rằng ngày hôm nay người dân Campuchia được bao nhiêu tiền, ngày mai được bao nhiêu tiền nữa. Nói tóm lại, người dân Campuchia đã được tôn trọng hơn, và giá trị của người dân Campuchia cao hơn giá trị của từng công dân Việt Nam”.
Trong nhiều dịp khác nhau, các nhà lãnh đạo Việt Nam phát biểu công khai rằng do những đặc thù của đất nước và mặt lịch sử, văn hóa, thậm chí cả về dân trí, nên hệ thống chính trị đa đảng không phù hợp với Việt Nam.
Sau các cuộc bầu cử Campuchia, nhiều người cho rằng giới cầm quyền Việt Nam cần xem lại lập luận của họ, xét đến thực tế rằng các yếu tố dân trí, văn hóa, lịch sử của hai nước láng giềng không có chênh lệch lớn.
Nhà bất đồng J.B Nguyễn Hữu Vinh đưa ra quan điểm:
“Cái gọi là dân trí thấp là luận điệu tuyên truyền của đảng đưa ra mà thôi. Vấn đề ở chỗ là không phải vì người dân dân trí thấp mà người ta không làm. Đó là cách nói ngụy biện. Cuối cùng, tất cả những ngụy biện đó cũng chỉ để bảo vệ sự độc tài của mình mà thôi. Chứ còn nói do người dân dân trí thấp không thể đa đảng, không thể có thể chế dân chủ hơn, thì tôi nghĩ có lẽ cũng không thể có một đất nước nào có nền dân chủ”.
Đến khi mà 1% dân số Việt Nam họ ý thức được quyền của mình, và họ thực hiện quyền đã được quy định trong Hiến pháp thành một quyền cụ thể ngoài đời sống thì lúc đó ở Việt Nam nó có thể là một áp lực để mà thay đổi. Thành hy vọng nó đến trong vòng 10 năm, mong muốn thế hệ con mình nó được hưởng cái cảm giác mà mình đang khao khát hiện tại chưa được
anh Nguyễn Hồ Nhật Thành
Mặc dù có những ý kiến không mấy lạc quan cho rằng không biết đến bao giờ Việt Nam mới có thể có dân chủ đa đảng như nước láng giềng phía tây nam, song nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành nhận định kiểm soát chính trị đã được nới lỏng trong vài năm gần đây, cho phép người dân nuôi hy vọng.
Từ quan sát cá nhân, anh Thành nói hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự hiện tự do hơn so với cách đây 3 năm. Anh dẫn chứng rằng nhiều tổ chức XHDS được hoạt động độc lập, nhiều diễn đàn, hội thảo về những vấn đề “gai góc”, kể cả về nhân quyền, đã diễn ra trong khi cách đây 2 năm không được phép.
Nhận định đó là “sức ép từ dưới lên” ngày càng lớn dẫn đến “bên trên” buộc phải nới rộng các hạn chế, nhà hoạt động 31 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ hy vọng dân chủ sẽ đến sớm với Việt Nam:
“Đến khi mà 1% dân số Việt Nam họ ý thức được quyền của mình, và họ thực hiện quyền đã được quy định trong Hiến pháp thành một quyền cụ thể ngoài đời sống thì lúc đó ở Việt Nam nó có thể là một áp lực để mà thay đổi. Thành hy vọng nó đến trong vòng 10 năm, mong muốn thế hệ con mình nó được hưởng cái cảm giác mà mình đang khao khát hiện tại chưa được”.
Anh Thành cho rằng khi người dân thực sự có ý thức về tự do và luôn hoạt động để bảo vệ nó, điều đó sẽ tạo ra đủ áp lực đem lại sự thay đổi “từ dưới lên”. Thay đổi theo cách này sẽ bảo đảm cho nền dân chủ được bền vững, anh nói.
Vụ bắt người chống Formosa đến tai quan chức Mỹ
Quan chức cấp cao về nhân quyền của Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam bắt giữ nhà hoạt động xã hội chống Formosa, đồng thời cho biết đã nêu với Hà Nội tên cụ thể của hơn 10 người đang bị tống giam.
Mỹ quan ngại về thông tin bắt giữ ông Hoàng Đức Bình và tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép mọi cá nhân quyền được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng hay trong đời thường mà không sợ bị trừng phạt.
Bà Virginia Bennett nói.
Bà Virginia Bennett, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói với VOA Việt Ngữ hôm 6/6, ít ngày sau khi dẫn đầu một phái đoàn của Hoa Kỳ tham dự một cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền ở Hà Nội.
Bà nói tiếp: “Mỹ quan ngại về thông tin bắt giữ ông Hoàng Đức Bình và tiếp tục kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép mọi cá nhân quyền được tự do bày tỏ quan điểm chính trị trên mạng hay trong đời thường mà không sợ bị trừng phạt”.
Bà Bennett nói tiếp rằng bà đã thúc giục Hà Nội bảo vệ các quyền cơ bản của người dân, như đã được ghi trong hiến pháp cũng như trong các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam.
Ông Hoàng Đức Bình bị bắt giữa tháng trước vì bị cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, ít ngày sau khi Việt Nam phát lệnh truy nã đối với ông Bạch Hồng Quyền “vì tội gây rối trật tự công cộng”.
Cả hai nhà hoạt động xã hội này từng xuất hiện tại nhiều cuộc biểu tình vì môi trường và chống sự hiện diện của nhà máy thép của Đài Loan đã gây ra vụ ô nhiễm biển gây thiệt hại lớn ở miền Trung. Dù bị chính quyền buộc tội, người dân cho biết ông Bình và ông Quyền đã hỗ trợ họ công tác tuyên truyền.
Việt Nam lâu nay vẫn phản bác các cáo buộc của nhiều tổ chức quốc tế về việc “bịt miệng tiếng nói đối lập”.
Việt Nam lâu nay vẫn phản bác các cáo buộc của nhiều tổ chức quốc tế về việc “bịt miệng tiếng nói đối lập”, và nhiều lần nhấn mạnh rằng Hà Nội không bắt người bất đồng chính kiến mà chỉ tống giam ai vi phạm pháp luật.
Trao đổi với VOA tiếng Việt, nữ quan chức ngoại giao Mỹ cho biết rằng Hà Nội và Washington vẫn còn khác biệt quan điểm về việc bày tỏ quan điểm bất đồng một cách ôn hòa.
Bà Bennett cũng cho biết rằng bà “thất vọng” vì chuyện, theo lời bà, “chính quyền chặn một số cá nhân gặp gỡ chúng tôi”, đồng thời cho biết đã yêu cầu phía Hà Nội “dỡ bỏ việc hạn chế đi lại của các nhà hoạt động”.
Tháng trước, một số nhà hoạt động xã hội như tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhà báo tự do Phạm Đoan Trang đăng ảnh và video trên mạng xã hội, cho biết rằng họ đã bị “cản trở” trong thời điểm diễn ra cuộc đối thoại. Chính quyền trong nước không công khai thừa nhận hay bác bỏ các thông tin này.
Dù không cho VOA Việt Ngữ biết cụ thể tên họ vì lý do ngoại giao, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động cho hay đã nêu hơn 12 trường hợp cụ thể những người đang bị giam giữ ở Việt Nam.
Một thông cáo của các thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, Christopher Coons và John Barrasso cho biết rằng khi thăm Việt Nam đầu tháng này, họ đã kêu gọi Việt Nam thả một số tù nhân chính trị như luật sư Nguyễn Văn Đài.
Cuộc đối thoại nhân quyền lần thứ 21 ở Hà Nội diễn ra ít ngày trước khi Thủ tướng Việt Nam trở thành lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên diện kiến Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng.
Khi được hỏi về những chỉ trích của các nhà hoạt động ở Việt Nam về việc Hoa Kỳ đặt những lợi ích về thương mại lên trên vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội, bà Bennett dẫn một tuyên bố chung sau cuộc gặp ở Nhà Trắng giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cuối tháng trước.
Tôi muốn nói thêm rằng thường thì các cuộc trao đổi, cả bất đồng lẫn mang tính xây dựng, diễn ra riêng tư và không phải cái gì cũng công khai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cam kết của chúng tôi về các quyền cơ bản như nêu trong tu chính án đầu tiên của hiến pháp mang tính bền vững và mạnh mẽ.
Bà Virginia Bennett nói.
Bà nói: “Tôi muốn nói thêm rằng thường thì các cuộc trao đổi, cả bất đồng lẫn mang tính xây dựng, diễn ra riêng tư và không phải cái gì cũng công khai. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cam kết của chúng tôi về các quyền cơ bản như nêu trong tu chính án đầu tiên của hiến pháp mang tính bền vững và mạnh mẽ”.
Khi được hỏi lại rằng vậy người Việt Nam nên an tâm về chuyện Mỹ sẽ “thúc” Hà Nội về nhân quyền, bà Bennett nói ngắn gọn rằng “đúng”, đồng thời nói thêm rằng “tiến bộ về nhân quyền nói chung là điều sống còn để đưa quan hệ song phương đạt tới tiềm năng tối đa”.
Trong những năm gần đây, Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản bác báo cáo nhân quyền của Mỹ mà mới nhất, hồi tháng Ba năm nay, người phát ngôn Lê Hải Bình nói rằng Washington “vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, không phản ánh đúng tình hình thực tế tại Việt Nam”, dù “đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam”.
Hội đồng Giám mục:
Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ‘bước thụt lùi’
Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa công bố thư ‘Nhận định về Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016’. Trong thư, các lãnh đạo Công giáo cho rằng bộ luật mới “có những bước thụt lùi”, “tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho” và ẩn chứa cách nhìn các tôn giáo “như những lực lượng đối kháng”.
Trong thư gửi cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội đồng Giám mục Việt Nam lấy ví dụ so sánh cụ thể về quy định tham gia hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và y tế của các tổ chức tôn giáo để cho thấy “bước thụt lùi” của Luật mới.
Theo Hội đồng Giám mục, bản Dự thảo trước đó quy định các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53) và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội” (Điều 54). Nhưng Bộ Luật mới đưa ra quy định “tổng quát và mơ hồ” trong điều 55 rằng các tổ chức này “được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Hội đồng Giám mục Việt Nam nói Bộ Luật mới “tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho” mặc dù trên bề mặt từ ngữ đã thay những từ “xin phép”, “cho phép” bằng các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”, nhưng thực chất các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo và cần phải có sự chấp thuận của chính quyền. Điều này, theo Hội đồng Giám mục, “cho thấy tự do tín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người mà chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát”.
Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những thế lực đối kháng.
Trích thư Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Đi kèm với các nhận định trên, tổ chức đại diện cho các giám mục Việt Nam còn đưa ra một số suy nghĩ, cho rằng ẩn dưới những bất cập là cách nhìn của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo.
“Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những thế lực đối kháng”, trích thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Từ cách nhìn đó, chính quyền có khuynh hướng quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi không hài lòng, đồng thời tiêu tốn nhiều tiền của, nhân lực vào việc theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động tôn giáo. Trong khi đó, những hoạt động tôn giáo trong các lĩnh vực từ thiện, y tế và giáo dục lại không được đánh giá đúng mức, “thậm chí bị ngăn cản”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human Rights Watch, cho rằng mấu chốt chính ở đây là do chính quyền muốn kiểm soát những điều mà lẽ ra phải được độc lập.
“Đây là điều mà chúng ta đã thấy lâu nay giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo. Chính quyền muốn kiểm soát mọi thứ, trong khi các tổ chức tôn giáo cố gắng kháng cự lại sự kiểm soát đó”.
Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng cần phân biệt khái niệm “dân tộc” và “chế độ”, vì dân tộc thì trường tồn, còn chế độ thay đổi theo thời gian. Do đó, cần “đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết”.
Đại diện của HRW cho rằng những lời lẽ có phần “cứng rắn” trong nhận định mới nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam là kết quả của những căng thẳng trong suốt một thời gian dài giữa chính quyền Việt Nam và Giáo hội Công giáo vì nhiều vấn đề, trong đó có những vụ cưỡng chế đất đai của các tổ chức Công giáo và việc thắt chặt kiểm soát của chính quyền.
Những căng thẳng vì vụ ô nhiễm môi trường Formosa hồi gần đây cũng là một nguyên nhân, theo ông Robertson:
“Tôi cho rằng nhận định của Hội đồng Giám mục còn xuất phát từ một số sự kiện lớn, chẳng hạn như ở khu vực bị ảnh hưởng bởi chất thải độc của Formosa, giáo dân và linh mục đã đóng vai trò dẫn đầu để giúp người dân đòi công lý”.
Vụ ô nhiễm biển miền Trung được xem là thảm họa môi trường lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong khi đó, việc khắc phục hậu quả vẫn là một vấn đề gây bất bình cho nhiều người dân trong khu vực.
Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra vì nhiều người dân bị thiệt hại không được xếp vào danh sách được đền bù.
Một số linh mục giúp đỡ các nạn nhân vụ ô nhiễm đã bị tấn công dưới nhiều hình thức, từ “đấu tố” trên báo chí đến bị côn đồ hành hung.
Tháng trước, Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã đích thân đi vận động ở châu Âu và trao thỉnh nguyện thư của người dân về vụ ô nhiễm Formosa cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế.
Chính quyền muốn kiểm soát mọi thứ, trong khi các tổ chức tôn giáo cố gắng kháng cự lại sự kiểm soát đó.
Ông Phil Robertson.
Vào thời điểm tân chính quyền Trump mới lên nắm quyền ở Mỹ và vấn đề nhân quyền chưa được chú trọng nhiều, ông Robertson khẳng định cộng đồng quốc tế “không chỉ có Mỹ”, mà còn rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế khác rất quan tâm đến nhân quyền.
Ông nói: “Hiện các nhóm Liên Hiệp Quốc ở các quốc gia và các tổ chức quốc tế đóng một vai trò lớn hơn trong việc nêu lên những quan ngại về cách chính quyền Việt Nam đối phó với các vấn đề về nhân quyền”.
Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào tháng 11/2016. Luật mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2018. Nhưng trong thời gian qua, nhiều tôn giáo bày tỏ lập trường phản đối Bộ Luật mới vì cho rằng có nhiều quy định vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong khi đó thì Báo Công an trong bài viết ngày 24/10/2016 nói: “Luật tín ngưỡng tôn giáo được nhiều đại biểu [Quốc hội] đánh giá là một ‘tuyên ngôn về nhân quyền’”.
https://www.voatiengviet.com/a/hoi-dong-giam-muc-luat-tin-nguong-ton-giao-buoc-thut-lui/3889156.html
Đại sứ quán Mỹ
có những hoạt động nhân ngày Đại Dương Thế giới
Có nhiều biện pháp để bảo vệ đại dương như dọn bãi biển, sử dụng lưới không gây hại đến rùa biển, hay hợp tác với chính quyền địa phương để bảo vệ các rặng san hô.
Đó là phát biểu của Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bà Susan Sutton tại buổi thảo luận giữa các chuyên gia nhân kỷ niệm Ngày đại dương thế giới, diễn ra tại Hà Nội ngày 7/6.
Thông cáo báo chí của đại sứ quán Mỹ cho biết cũng tại buổi thảo luận, bà Ali Davis, cán bộ Phòng môi trường, Khoa học, Công nghệ và Y tế thuộc cơ quan này nêu rõ sức khỏe của đại dương và sinh kế của ngư dân bị ảnh hưởng bởi các hoạt động đánh bắt cá tràn lan và ô nhiễm biển.
Tại buổi thảo luận các chuyên gia đã cùng bàn bạc để đưa ra biện pháp xử lý tình trạng này, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm chất dẻo.
Ngày Đại dương thế giới năm nay do Sứ quán Mỹ tổ chức ở Hà Nội có sự tham gia của đại diện Chương trình Rừng và Đồng bằng của cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, Trung tâm bảo tồn và phát triển cộng đồng Marinelife, Trung tâm hỗ trợ và Phát triển Xanh
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/us-embassy-celebrates-world-oceans-day-06072017103622.html
Gần 200 cán bộ ngân hàng bị khởi tố chỉ trong 5 năm
Việt Nam đã khởi tố bị can gần 200 cán bộ ngân hàng liên quan đến 95 vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2011 đến 2016. Đó là phát biểu trước quốc hội vào sáng ngày 7 tháng 6 của ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ông Minh cho biết, chỉ tính riêng một số vụ án lớn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố xét xử 128 cán bộ, trong đó có những người là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị, với những mức án như tử hình, chung thân hay trên 20 năm.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết nguyên nhân chủ yếu là do quy trình tín dụng của một số tổ chức tín dụng còn chưa đầy đủ và chặt chẽ, tạo kẽ hở để khách hàng và cán bộ ngân hàng lợi dụng. Ông cũng nói đến việc một bộ phận cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ quyền hạn để câu kết với khách hàng cố ý làm trái các quy định.
Gần 18 ngàn người bỏ xứ tìm việc vì thảm họa Formosa
Có gần 18 ngàn lao động tại 4 tỉnh bắc miền Trung chịu tác động bởi thảm họa môi trường Formosa phải ra nước ngoài làm việc tính từ tháng sáu năm ngoái cho đến cuối tháng 5 năm nay.
Đó là con số chính thức do Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam đưa ra và được truyền thông trong nước loan đi ngày 7 tháng 6.
Theo thống kê cụ thể của cơ quan phụ trách lao động của nhà cầm quyền Hà Nội thì số gần 18 ngàn lao động thuộc 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế đi làm việc tại các nước Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngành nghề chủ yếu mà những người này làm gồm thuyền viên tàu cá, sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp và làm các công việc thuộc lĩnh vực dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở các trung tâm dưỡng lão và các hộ gia đình.
Thống kê cho thấy Đài Loan tiếp nhận hơn 10 ngàn 200 lao động; trong số này Hà Tĩnh chiếm hơn 6100 người, Quảng Bình hơn 3300, Quảng Trị gần 700 và Thừa Thiên- Huế trên 80 lao động.
Nhật Bản nhận gần 4500 lao động theo hai chương trình thực hiện trực tiếp tại Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội Việt Nam, và Hàn Quốc nhận lao động làm việc theo các chương trình đánh cá gần cũng như xa bờ.
Ba Lan bắt người làm 17 hộ chiếu Việt Nam giả
Cảnh sát Ba Lan trong tuần vừa bắt một công dân Việt Nam 38 tuổi cùng nhiều hộ chiếu và giấy tờ giả được tạo ra ngay trong căn hộ ở Warsaw, truyền thông nước này đưa tin.
Tang vật thu được trong vụ bắt giữ có 17 tấm hộ chiếu Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam màu xanh lá cây, sẵn sàng cho sử dụng, và 33 tấm thẻ cư trú Ba Lan, tất cả đều là giả mạo.
Ngoài ra, công dân Việt Nam này còn lưu trữ số liệu và hợp đồng về các mạng điện thoại di động.
Có vẻ như người này thu mua điện thoại rồi bán cho một số cửa hàng và hiệu cầm đồ.
Theo trang tin của cảnh sát Ba Lan ở địa chỉ Policja.pl hôm 7/06/2017, người này đã bán ít nhất 20 máy điện thoại theo cách này.
Được biết cảnh sát Ba Lan đã đề nghị lên tòa án để ra lệnh tạm giam người này trong vòng ba tháng để điều tra.
Nếu bị xử và chứng minh là có tội, công dân Việt Nam này có thể bị tù đến hai năm.
Đây không phải là lần đầu tiên công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt bị bắt ở Ba Lan vì tội hình sự, gồm cả tội làm giấy tờ giả.
Hồi tháng 1/2015, cảnh sát bắt tại Warsaw, Wolka Kosowska và Raszyn hai công dân Việt Nam, một công dân Montenegro và một từ Thổ Nhĩ Kỳ vì tội buôn ma tuý, làm hộ chiếu giả và giấy tờ định cư giả.
Các loại giấy tờ này được bán cho công dân nước ngoài sống trên lãnh thổ Ba Lan.
Wolka Kosowska, nằm về phía Nam thủ đô Warsaw là nơi có các trung tâm bán buôn hàng hóa với đông đảo các doanh nhân và khách hàng quốc tế, từ Việt Nam, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Đông Âu.
Trong chiến dịch năm đó, cảnh sát Ba Lan còn bắt một nữ công dân Việt Nam và phụ nữ khác gốc Việt nhưng đã mang quốc tịch Ba Lan.
0 nhận xét