Tin Biển Đông – 07/06/2017
Mỹ : Trung Quốc xây nhà
chứa chiến đấu cơ và đặt vũ khí cố định ở Biển Đông
Theo báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ gởi Quốc Hội hôm qua, 06/06/2017, Trung Quốc đang xây các nhà chứa chiến đấu cơ và các vị trí đặt vũ khí cố định, cùng với nhiều cơ sở quân sự khác trên ba đảo chính mà Bắc Kinh kiểm soát ở Biển Đông.
Trong báo cáo thường niên về những phát triển an ninh và quân sự liên quan đến Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho biết là Trung Quốc đang tập trung xây dựng tại ba tiền đồn lớn nhất là Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, sau khi đã hoàn tất các công trình xây dựng tại 4 đảo nhỏ hơn.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, một khi xây dựng xong, các cơ sở trên 3 đảo nói trên có thể chứa đến 3 trung đoàn chiến đấu cơ trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với các nước như Việt Nam và Philippines.
Báo cáo của Lầu Năm Góc nhắc lại rằng năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên đã cho máy bay dân sự hạ cánh xuống các sân bay ở Đá Chữ Thập, Đá Su Bi và Đá Vành Khăn, cũng như cho hạ cánh một máy bay quân sự xuống Đá Chữ Thập để di tản các nhân viên bị thương. Theo bản báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ, như vậy là Bắc Kinh đang cố làm thay đổi nguyên trạng vùng biển đang tranh chấp.
Lầu Năm Góc nhận định: « Mặc dù việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo không giúp củng cố những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về mặt pháp lý, nhưng Bắc Kinh sẽ dùng các đảo đó như là những căn cứ dân sự và quân sự thường trực để tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và củng cố khả năng kiểm soát các đảo và vùng biển lân cận ».
Tuy nhiên, tài liệu của bộ Quốc Phòng Mỹ nhận xét rằng kể từ sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, Bắc Kinh đã dịu giọng hơn khi nói về bản đồ đường « lưỡi bò » trên báo chí chính thức.
Về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc, theo thẩm định của Lầu Năm Góc, chi tiêu quân sự của Bắc Kinh năm 2016 đã lên tới 180 tỷ đôla, chứ không phải 144,3 tỷ đôla như được thông báo vào tháng 3 năm ngoái.
ASEAN có nhượng bộ Trung Quốc về biển Đông?
Việt Hà, phóng viên RFA
Các nước ASEAN và Trung Quốc hy vọng sẽ có thể đạt được một Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC) trong năm nay, chấm dứt 15 năm dài đàm phán. Tuy nhiên một khung về COC được đưa ra mới đây bị chuyên gia quốc tế đánh giá là quá sơ sài và còn quá nhiều câu hỏi về khả năng thực hiện COC này một khi nó được thông qua.
“Một con voi sinh ra một con chuột”
Trong bài phân tích được đăng tải trên trang blog Thayer Consultancy, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quân sự thuộc trường đại học New South Wales, Úc, nhận định những nỗ lực ngoại giao của các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được một bộ khung COC giống như một con voi sinh ra một con chuột với một trang viết và những điểm chấm đầu dòng.
Khi đi sâu vào chi tiết, giáo sư Carl Thayer cũng chỉ ra những điểm có thể nói là còn thiếu trong khung COC:
Bản thảo hiện tại không chỉ ra các vùng địa lý được bao gồm trong COC. Trung Quốc nhất quyết COC chỉ áp dụng cho khu vực phía Nam của biển Đông (quần đảo Trường Sa) nhưng lại bỏ bãi cạn Scaborough Shoal và quần đảo Hoàng Sa.
-Carl Thayer
Bản thảo hiện tại không chỉ ra các vùng địa lý được bao gồm trong COC. Trung Quốc nhất quyết COC chỉ áp dụng cho khu vực phía Nam của biển Đông (quần đảo Trường Sa) nhưng lại bỏ bãi cạn Scaborough Shoal và quần đảo Hoàng Sa. Bản thảo cũng không chỉ ra là COC sẽ đi vào hiệu lực thế nào, ai sẽ ký COC? ASEAN muốn COC phải được quốc hội của cả 11 nước tham gia thông qua. Trung Quốc thì ngần ngừ. Quan trọng hơn cả là bản thảo không nói đến một cơ chế để phiên dịch COC nếu có xuất hiện những khác biệt hoặc các vụ việc sẽ được giải quyết thế nào thông qua một quá trình giải quyết tranh chấp đã được thiết lập.
Hiện Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra đi qua các vùng lãnh hải của một số nước khác. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.
Bãi cạn Scaborough Shoal của Philippines đã bị Trung Quốc chiếm vào năm 2012.
Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm từ Việt Nam vào năm 1974.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, trang tin Forbes của Mỹ có bài viết nhận định Việt Nam sẽ là người bị thiệt hại nhiều nhất nếu một COC được thành hình vì Trung Quốc sẽ không chấp nhận đưa Hoàng Sa vào phạm vi của COC.
Thạc sĩ luật Hoàng Việt, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông trước đó có đưa ra nhận định với đài Á châu Tự do về điểm này:
COC có liên quan đến Hoàng Sa nên một trong những lý do mà COC dậm chân cũng là vì nó có liên quan đến Hoàng Sa. Các nước ASEAN đưa ra COC là toàn bộ biển Đông còn Trung Quốc thì cho rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và không có gì phải đàm phán cả, chỉ có thể đưa ra COC cho vùng Trường Sa thôi.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng, không ai có thể lấy lại được Hoàng Sa từ Trung Quốc và hy vọng lớn nhất mà Việt Nam có được đối với quần đảo này là ra tòa quốc tế.
COC sẽ không bao gồm tranh cãi là chủ quyền?
Năm 2013, Philippines đã nộp đơn kiện lên tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague để yêu cầu tòa làm rõ những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Tháng 7 năm 2016, tòa ra phán quyết bác bỏ yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc ở biển Đông và xác định việc Trung Quốc ngăn cản các ngư dân Philippines vào bãi cạn Scaborough Shoal là trái pháp luật. Tuy nhiên Trung Quốc không công nhận phán quyết của tòa và nước này hiện vẫn nắm quyền kiểm soát toàn bộ bãi cạn.
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ của Việt Nam, việc Trung Quốc không muốn bỏ yêu sách đường 9 đoạn sẽ khiến COC đạt được sẽ không bao gồm những phần gây tranh cãi là chủ quyền.
Nếu các bên vẫn giữ yêu sách của mình thì người ta phải tìm một giải pháp khác là tạm thời gác tất cả những yêu sách tranh chấp chủ quyền sang một bên, chỉ giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật…
-TS Trần Công Trục
-TS Trần Công Trục
Nếu các bên vẫn giữ yêu sách của mình thì người ta phải tìm một giải pháp khác là tạm thời gác tất cả những yêu sách tranh chấp chủ quyền sang một bên, chỉ giải quyết những vấn đề mang tính kỹ thuật thôi như vấn đề đánh cá, giao thông vận tải, hàng không, hàng hải và các tranh chấp dân sự và hình sự xảy ra trong khu vực này.
Theo ghi nhận của giáo sư Carl Thayer, bản thảo COC có nói đến Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, luật quốc tế bao gồm Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc lại không chấp nhận phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện mà Philippines đưa ra. Bản thảo COC cũng kêu gọi các bên tôn trọng chủ quyền. Tuy nhiên theo giáo sư Carl Thayer, điều này rất khó thực hiện vì các phần đất trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa hiện vẫn còn đang có tranh chấp giữa các nước. Ngoài ra, bản thảo COC cũng không đả động gì đến Bộ Quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước tren biển (CUES) mà cả Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất thực hiện đối với khu vực Trường Sa.
COC là một quá trình đàm phán kéo dài hơn 10 năm giữa ASEAN và Trung Quốc. Các nước hy vọng một COC đạt được sẽ có tính ràng buộc hơn giữa các nước, tránh những đụng độ trên biển. Tuy nhiên các chuyên gia quốc tế và quan chức ASEAN trước đây vẫn cho rằng Trung Quốc đã làm chậm tiến trình đạt đến COC trong suốt thời gian qua. Theo giáo sư Carl Thayer, việc các nước đạt được một bộ khung COC và tiến tới thông qua một COC trong năm nay một phần vì Tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte muốn thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng một phần lớn là vì Trung Quốc muốn cho Hoa Kỳ thấy ASEAN và Trung Quốc có thể làm việc được với nhau về mặt ngoại giao mà không cần sự can thiệp từ Mỹ. Ngoài ra đại hội đảng cộng sản Trung Quốc thứ 19 sắp diễn ra vào cuối năm nay và Chủ tịch Tập Cận Bình muốn cho thấy là vấn đề biển Đông không phải là vấn đề chính của đại hội lần này.
0 nhận xét