Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin khắp nơi – 27/05/2017

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017 20:40 // , ,

Tin khắp nơi – 27/05/2017

Hillary Clinton

đả kích khoản cắt giảm ngân sách của Trump là ‘tàn ác’

Bà Hillary Clinton lên tiếng đả kích người đã đánh bại bà trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong một bài diễn văn vào ngày thứ Sáu, gọi đề xuất của Tổng thống Donald Trump cắt giảm 3,6 ngàn tỉ đôla chi tiêu chính phủ trong thập kỷ tới là “sự tàn ác không tưởng tượng nổi.”
Ứng viên Đảng Dân chủ thất cử không nêu đích danh Tổng thống Cộng hòa trong bài diễn văn của bà trước các sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp tại Đại học Wellesley, trường cũ của bà. Nhưng bà đưa ra những lời chỉ trích bóng gió nhắm vào doanh nhân trở thành chính trị gia này, sau khi đề xuất ngân sách của ông Trump công bố vào đầu tuần này cho thấy những khoản cắt giảm mạnh đối với những chương trình chăm sóc y tế và trợ cấp thực phẩm.
“Hãy nhìn vào ngân sách vừa được đề xuất ở Washington. Đó là một sự tấn công tàn ác không thể tưởng tượng nổi nhắm vào những người dễ bị tổn thương nhất trong số chúng ta,” bà Clinton nói với một đám đông tại trường đại học toàn nữ ở ngoại ô thành phố Boston.
“Nó cấp ngân quỹ cực kỳ ít ỏi cho giáo dục công, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và thậm chí cả những nỗ lực chống lại tình trạng nghiện opioid tràn lan.”
Các quan chức Nhà Trắng mô tả ngân sách đề xuất này cung cấp những khoản giảm thuế mà họ nói là sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực tư nhân. Giống như tất cả những đề xuất ngân sách của tổng thống, đề xuất này là của một danh sách những điều mà chính quyền mong muốn nhưng ít có khả năng được Quốc hội chấp thuận ở hình thức hiện tại.
Bà Clinton, cựu ngoại trưởng Mỹ, cảnh báo về sự xói mòn các tiêu chuẩn sự thật được mọi người chấp nhận trong những cuộc luận đàm công cộng ở Mỹ, và có vẻ như công kích ông Trump về vấn đề này.
“Các bạn tốt nghiệp vào lúc đang có một cuộc tấn công toàn phần nhắm vào sự thật và lý trí. Chỉ cần đăng nhập vào mạng xã hội 10 giây là nó đập ngay vào mặt của bạn,” bà nói, dẫn ra những bản tin lừa bịp trên mạng nói rằng ban vận động tranh cử của bà có dính líu tới một tiệm pizza ở Washington vận hành một đường dây mại dâm trẻ em.
“Khi những người nắm quyền bịa đặt sự thật của chính mình và công kích những người đặt nghi vấn, nó có thể đánh dấu khởi đầu của sự cáo chung của một xã hội tự do,” bà Clinton nói. “Chuyện này không phải cường điệu, đó là điều mà các chế độ độc tài trong lịch sử đã làm.”
Bà cũng kêu gọi các sinh viên tốt nghiệp của trường đại học có thiên hướng tự do này, nằm ở một trong những bang ủng hộ Đảng Dân chủ mạnh mẽ nhất ở Mỹ, chớ thu mình vào môi trường chỉ có những quan điểm giống với quan điểm của họ, nói rằng “sự học hỏi, lắng nghe và phụng sự của bạn phải bao gồm cả những người không đồng ý với bạn về mặt chính trị.”
Bà Clinton có một sự nghiệp phụng sự công chúng lâu dài kể từ khi tốt nghiệp vào năm 1969 tại Đại học Wellesley. Bà là đệ nhất phu nhân trong suốt hai nhiệm kỳ của chồng bà Bill Clinton trong Nhà Trắng và sau đó được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ đại diện bang New York. Bà từng tranh cử tổng thống không thành công vào năm 2008 trước khi trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của đất nước trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama.
Bà Clinton, 69 tuổi, dần xuất hiện trở lại trước công chúng kể từ thất bại bất ngờ vào tháng 11. Bà nói rằng bà sẽ không ra tranh cử nữa nhưng sẽ phục vụ trong vai trò là một công dân tranh đấu.

WaPo: Đại sứ Nga báo với Moscow

Kushner muốn kênh liên lạc bí mật

Báo The Washington Post loan tin Jared Kushner, con rể và cố vấn cao cấp của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã bàn bạc với đại sứ Nga tại Washington về khả năng thiết lập một kênh liên lạc bí mật giữa nhóm chuyển tiếp của ông Trump và Điện Kremlin.
Tờ báo dẫn lời các quan chức Mỹ hôm thứ Sáu nói rằng hành động này nhằm che giấu những cuộc thảo luận của họ trước lễ nhậm chức để khỏi bị theo dõi.
Các nguồn tin của The Post nói rằng Đại sứ Sergei Kislyak báo cáo với cấp trên của mình ở Moscow rằng ông Kushner đã đưa ra đề xuất trong cuộc gặp gỡ vào đầu tháng 12 tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York. Các nguồn tin cho biết thông tin được phát hiện qua việc do thám những trao đổi liên lạc của Nga mà đã được các quan chức Mỹ thẩm duyệt.
Hôm thứ Năm, các hãng tin của Mỹ đưa tin ông Kushner đang bị FBI điều tra trong cuộc điều tra về sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga. Tờ The Post đưa tin vào tuần trước rằng một quan chức cao cấp của Nhà Trắng thân cận với tổng thống là trọng tâm chính trong cuộc điều tra, mặc dù khi đó bài báo không nêu tên ông Kushner.
Việc FBI tập trung vào ông Kushner không có nghĩa là ông ta bị nghi ngờ phạm tội, và cũng không có nghĩa ông ta bị xem là đối tượng của cuộc điều tra rộng lớn hơn liên quan tới Nga.
Tiết lộ mới nhất này được loan báo hai tuần sau khi ông Trump đột ngột sa thải giám đốc FBI James Comey, người chịu trách nhiệm giám sát cuộc điều tra đó.
Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein tuần trước bổ nhiệm cựu giám đốc FBI Robert Mueller làm công tố viên đặc biệt để giám sát cuộc điều tra. Trong khi đó ít nhất bốn ủy ban của Quốc hội đang tiến hành các cuộc điều tra riêng của họ về vấn đề này.
Ông Trump đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào giữa ban vận động tranh cử của ông với Điện Kremlin, giữa những cáo buộc từ cộng đồng tình báo Mỹ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dàn dựng một chiến dịch sâu rộng nhằm nghiêng cuộc bầu cử về phía ứng cử viên Cộng hòa.

Mỹ-Nhật đồng ý tăng cường chế tài Bắc Triều Tiên

Nhà Trắng cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đồng ý mở rộng các biện pháp chế tài nhắm vào Bắc Triều Tiên vì nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Bình Nhưỡng đã liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm phi đạn trong năm qua, khiến nhiều nước đòi phải áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn để thúc đẩy đất nước bị cô lập này hướng đến việc chấm dứt các chương trình vũ khí của họ.
Gặp gỡ trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 Cường quốc, ông Trump và ông Abe dành phần lớn cuộc thảo luận tập trurng vào vấn đề này, các trợ lý nói.
“Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe nhất trí rằng đội ngũ của họ sẽ hợp tác để tăng cường các biện pháp chế tài đối với Bắc Triều Tiên, bao gồm xác định và chế phạt các thực thể hỗ trợ các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên,” Nhà Trắng nói trong một thông cáo.
“Họ cũng đồng ý củng cố hơn nữa liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, để tăng cường thêm khả năng của mỗi quốc gia nhằm răn đe và phòng vệ trước những mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.
Ông Trump nói rằng ông sẽ ngăn Bắc Triều Tiên đạt tới năng lực tấn công Mỹ bằng phi đạn hạt nhân, một năng lực mà các chuyên gia nói Bình Nhưỡng có thể đạt tới vào một thời điểm nào đó sau năm 2020.
“Đó là vấn đề cả hai chúng tôi rất quan tâm, nó là một vấn đề thế giới và nó sẽ được giải quyết. Tới một lúc nào đó nó sẽ được giải quyết,” ông Trump nói với báo giới trong lúc ngồi cạnh ông Abe.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong tháng này kêu gọi các nước khắp thế giới thi hành những các biện pháp chế tài hiện hữu của Liên Hiệp Quốc nhắm vào những chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, nói thêm rằng chính quyền Mỹ sẽ sẵn sàng sử dụng những biện pháp chế tài thứ cấp để nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài tiếp tục làm ăn Với Bình Nhưỡng.
Hầu hết thương mại của Bắc Triều Tiên là với đồng minh Trung Quốc của họ, và do đó bất kỳ biện pháp chế tài thứ cấp nào có thể sẽ nhắm vào các công ty Trung Quốc.
Phát biểu tại Bắc Kinh, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Sáu cho biết Trung Quốc nhận thức rằng họ không có nhiều thời gian để kiềm chế Bắc Triều Tiên thông qua các cuộc đàm phán và rằng họ sẵn lòng áp đặt thêm chế tài.
Susan Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương, nói với báo giới rằng Mỹ đang thảo luận với Trung Quốc về một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về những biện pháp để giảm bớt sự chậm trễ trong bất kỳ phản ứng nào đối với những vụ thử hạt nhân thêm nữa hoặc những hành động khiêu khích khác từ miền Bắc.

Anh nối lại chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ

Hoa Kỳ đã có lại được sự chia sẻ thông tin tình báo từ một đồng minh quan trọng sau vụ Washington mới đây để lộ thông tin nhạy cảm.
Chính phủ Anh đã nối lại việc chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ vào cuối ngày thứ 5 và cho biết rằng họ đã nhận được “những đảm bảo mới” sau khi các quan chức của Mỹ tiết lộ những chi tiết quan trọng về cuộc điều tra của Anh trong vụ tấn công khủng bố ở Manchester cho truyền thông.
Trợ lý cảnh sát trưởng Mark Rowley – một quan chức chống tội phạm hàng đầu của Anh, nói “mặc dù chúng tôi ít khi nói về hợp tác chia sẻ thông tin nhưng sau khi nhận được những đảm bảo mới, chúng tôi cộng tác chặt chẽ với các đối tác quan trọng trên toàn thế giới bao gồm cả những đối tác trong liên minh tình báo Five Eyes.”
Liên minh “Five Eyes” gồm có Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand.
Căng thẳng giữa Mỹ và Anh nổi lên sau khi các quan chức Mỹ tiết lộ các chi tiết như tên của kẻ đánh bom ở Manchester chỉ vài giờ sau vụ tấn công và những tiết lộ tê hại nhất xảy ra ra vào thứ 5. Cảnh sát Manchester phẫn nộ khi tờ New York Times của Mỹ đăng tải những tấm ảnh của hiện trường chưa được Anh công bố.
Thủ tướng Anh Theresa May trước đó nói bà bà có ý định làm rõ rằng “những thông tin tình báo đó được chia sẻ giữa các cơ quan thực thi luật pháp cần phải được giữ bí mật.” Ba đã nói lại điều đó với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bussels, theo lời người phát ngôn của chính phủ Anh.
Và dường như thông điệp này đã có tác dụng.
“Chính quyền của tôi sẽ đi đến cùng của việc này,” Tổng thống Trump nói trong một thông cáo và gọi việc tiết lộ này là “vô cùng rắc rối” và là “một mối đe dọa lớn cho an ninh quốc gia.”
Bộ trưởng tư pháp Mỹ Jeff Sessions cũng đã lên tiếng hôm thứ 5, nói rằng ông đã “đề xuất các biện pháp thích hợp” để giải quyết vấn đề này.
Một số quan chức Anh đã nhanh chóng lên tiếng rằng mặc dù có sự cố này nhưng sẽ không có những thiệt hại lâu dài tới mối quan hệ khăng khít và bền vững giữa 2 nước.
Các quan chức Mỹ cũng đã ngay lập tức lên án vụ rò rỉ này và nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo với các đồng minh rằng cộng đồng tình báo là đáng tin cậy.
Nhưng vụ tranh cãi về thông tin rò rỉ trong vụ điều tra vụ tấn công ở Manchester chỉ là một sự kiện mới nhất vì trước đó có một sự việc tương tự đã gây lo lắng cho các đồng minh của Mỹ.
Israel trong tuần này nói họ đã thay đổi các phương thức chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ sau khi Tổng thống Trump cho các quan chức ngoại giao của Nga biết về những thông tin tuyệt mật trong một cuộc gặp mặt với họ tại Nhà Trắng cách đây 2 tuần.
Mặc dù cả Israel và Anh đều nói rằng các mối quan hệ chia sẻ thông tin tình báo với Mỹ vẫn tốt đẹp nhưng sự việc này có thể gây thêm những nghi ngờ mà một số đồng minh của Mỹ đã có kể từ khi Tổng thống Trump lên nắm quyền.

Nguồn tin:

Mỹ điều nhóm tàu tấn công thứ ba răn đe Bắc Triều Tiên

Mỹ đang điều một lực lượng tấn công hàng không mẫu hạm thứ ba đến khu vực tây Thái Bình Dương trong một cảnh báo rõ ràng nhắm tới Bắc Triều Tiên để răn đe các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của nước này, hai nguồn tin nói với VOA.
USS Nimitz, một trong những chiến hạm lớn nhất thế giới, sẽ gia nhập cùng hai siêu hàng không mẫu hạm khác là USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan, ở tây Thái Bình Dương, các nguồn tin nói với thông tín viên Steve Herman của VOA.
Quân đội Mỹ hiếm khi triển khai cả ba hàng không mẫu hạm cùng lúc tới cùng một khu vực.
Tuy nhiên, mối đe dọa hạt nhân và phi đạn đang lớn dần của Bắc Triều Tiên được coi là một thách thức an ninh lớn đối với Tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ ngăn quốc gia này đạt được năng lực tấn công Mỹ bằng một phi đạn hạt nhân, một năng lực mà các chuyên gia nói Bình Nhưỡng có thể có được sau năm 2020 .
Ngồi bên cạnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump hôm thứ Sáu phát biểu ngay trước khi bắt đầu các cuộc họp của Nhóm Bảy Cường quốc (G-7) ở Sicily rằng, các nhà lãnh đạo G-7 sẽ “đặc biệt chú trọng vấn đề Bắc Triều Tiên.”
Một thông cáo của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý “tăng cường chế tài nhắm vào Bắc Triều Tiên” trong một nỗ lực ngăn chặn Bắc Triều Tiên phát triển thêm nữa phi đạn đạn đạo và các chương trình hạt nhân.

Mỹ không cam kết theo đuổi thỏa thuận khí hậu

tại hội nghị G-7

Sáu quốc gia khác thuộc nhóm Bảy Cường quốc (G-7) nhất trí khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận khí hậu Paris, trong khi chờ đợi quyết định của chính quyền Trump về việc liệu Mỹ sẽ tiếp tục ở lại trong thỏa thuận hay không.
“Hoa Kỳ đang đánh giá chính sách của mình về khí hậu, vì vậy sáu nước G-7 khác sẽ tái khẳng định cam kết của họ đối với thỏa thuận Paris toàn cầu trong khi ghi nhận” lập trường của Mỹ, hãng tin AFP dẫn lời một quan chức Pháp cho biết.
Các quan chức Mỹ đã nói rằng Tổng thống Donald Trump, người từng gọi sự tăng nhiệt toàn cầu do con người gây ra là một “trò bịp” trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của mình vào năm ngoái, sẽ đợi đến sau hội nghị thượng đỉnh để đưa ra quyết định về vấn đề này.
Gary Cohn, cố vấn kinh tế của Tổng thống, nói ông Trump “đang ghi nhận những gì mà ông ấy nghe được từ các nhà lãnh đạo thế giới” hôm Sáu để quyết định xem liệu có tôn trọng cam kết của Washington cắt giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris ký hai năm trước hay không.
Thủ tướng Anh Theresa May nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng các nhà lãnh đạo đã có “cuộc thảo luận rất tốt về các vấn đề khí hậu” và nói thêm rằng “không có nghi ngờ gì quanh bàn họp” – kể cả ông Trump – về tầm quan trọng của vấn đề này.
Chủ nghĩa bảo hộ bị lên án
Các nhà lãnh đạo G-7 đã có thể đạt được đồng thuận về một vấn đề khác gây tranh cãi khác: thương mại tự do. Thông cáo của hội nghị thượng đỉnh về thương mại sẽ có những ngôn từ chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Trước cuộc họp, quan chức từ một số quốc gia G-7 đã bày tỏ lo ngại về những lời lẽ của Mỹ đối với thương mại, đặc biệt là sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói rằng Mỹ có quyền bảo hộ nếu họ nghĩ rằng thương mại không tự do hay công bằng.
Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết,” ông Trump thường nói rằng Mỹ vẫn có những điều khoản thương mại tồi trong thương mại toàn cầu và đe dọa đáp trả bằng thuế quan và các chính sách khác ưu ái các công ty và người lao động trong nước.
Lãnh đạo châu Phi tham dự
Vào ngày thứ hai và cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G-7, nước chủ nhà Ý muốn thu hút sự chú ý tới cuộc khủng hoảng di dân và những vụ vượt Địa Trung Hải nguy hiểm mà hàng chục ngàn người thực hiện để tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn ở Châu Âu
Các nhà lãnh đạo từ Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia tham gia các cuộc hội đàm hôm thứ Bảy, vì đây là những nước nguyên quán của những di dân đang tìm cách tới Châu Âu.

Liên minh Mỹ không kích, hạ sát 3 thủ lãnh IS

Quân đội Mỹ hôm 26/5 cho biết các cuộc không kích của liên minh chống IS do Hoa Kỳ lãnh đạo đã giết chết 3 viên chỉ huy quân sự cấp cao của Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq trong tháng qua.
Mustafa Gunes từ Thổ Nhĩ Kỳ, người điều phối các hoạt động nước ngoài của IS, bị giết trong một cuộc không kích ở gần Mayadin, Syria hôm 27/4. Một thông cáo của Bộ Tư lệnh Miền Trung Hoa Kỳ – cơ quan giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ ở Trung Đông – nói ông Gunes được liên kết tới những hỗ trợ tài chính cho các cuộc tấn công nhắm vào các nước phương Tây.
Một thành viên cao cấp khác của Nhà nước Hồi giáo, Abu Asim al-Jazaeri, quốc tịch Pháp và Algeria, bị giết hôm 11/5trong một cuộc không kích của liên minh gần Mayadin.
Các giới chức quân đội Mỹ nói al-Jazaeri được liên kết với việc huấn luyện một nhóm thanh thiếu niên IS được đặt tên là “Những sói con của Nhà nước Hồi giáo”.
Một thủ lãnh IS khác tên Abu-Khattab al-Rawi bị tiễu trừ hôm 18/5 cùng với 3 chiến binh ISIS khác trong một cuộc tấn công gần Al-Qaim, Iraq. Thông cáo của Bộ Tư Lệnh Miền Trung Hoa Kỳ nói Al-Rawi là thành viên IS hoạt động ở tỉnh Anbar và “trực tiếp hỗ trợ các thủ lãnh cầm đầu IS”.
Về phía Mỹ, một quân nhân tử vong vì các vết thương hôm 26/5 khi xe anh bị lật ở bắc Syria.
Các lực lượng Mỹ đã giúp các chiến binh Syria ở địa phương đẩy lủi Nhà nước Hồi giáo trên khắp Iraq và Syria.
Các chiến binh Syria ở địa phương đang bao vây Raqqa, được coi như thủ đô ‘trên thực tế’ của Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Các lực lượng Iraq đã đẩy bật nhóm khủng bố IS ra khỏi 90% lãnh thổ Mosul, thành phố đông dân nhất mà IS đã chiếm được ở Iraq.

Taliban tấn công căn cứ quân sự Afghanistan,

16 binh sĩ thiệt mạng

Quân Taliban tấn công các đồn an ninh xung quanh một căn cứ quân sự ở miền nam Afghanistan, giết chết ít nhất 16 binh sĩ chính phủ và làm bị thương nhiều người khác, các giới chức cho biết hôm 26/5.
Người phát ngôn Zia Durani nói với VOA vụ tấn công diễn ra trong đêm ở quận Shah Wali Kot ở tỉnh Kandahar đã làm dấy lên các cuộc đụng độ căng thẳng, làm ít nhất 27 phiến quân nổi dậy thiệt mạng.
Người phát ngôn của cảnh sát Afghanistan xác nhận là có ít nhất 4 binh sĩ Afghanistan bị quân nổi dậy Taliban bắt làm con tin và khi rút lui, Taliban không mang theo thi thể của các đồng đội đã chết tại mặt trận này.
Một người phát ngôn của phe nổi dậy Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công, nói rằng có 35 binh sĩ chính phủ bị giết và 8 người khác bị bắt sau vụ đụng độ này. VOA không thể kiểm chứng một cách độc lập số thương vong về phía quân nổi dậy.
Cả 2 bên đều bị tố cáo là thổi phồng số thương vong của đối phương.
Vụ chạm trán hôm thứ Năm 25/5 là cuộc tấn công thứ nhì vào căn cứ quân sự này trong 1 tuần qua. Khuya hôm thứ Hai trong tuần, một cuộc tấn công do Taliban phát động đã giết chết 20 thành viên của lực lượng an ninh và làm bị thương 15 người khác.
Cuối ngày thứ 4, phiến quân nổi dậy đã thực hiện một cuộc đột kích tấn công một căn cứ quân sự ở quận Maiwand của tỉnh này, giết chết 13 binh sĩ.
Quân nổi dậy trong năm nay đã liên tục tấn công các căn cứ quân sự chính của Afghanistan, gây nhiều thương vong lớn cho các lực lượng chính phủ. Mở đầu là cuộc tấn công hồi tháng trước nhắm vào một căn cứ quân sự khu vực ở bên ngoài thành phố Mazar-i-Sharif ở bắc Afghanistan.
Cuộc tấn công gây nhiều tử vong nhất đã cướp đi sinh mạng của 150 binh sĩ, mặc dù các nguồn tin độc lập cho rằng con số này trên thực tế cao hơn thế nhiều.
Số thương vong gia tăng làm dấy lên những lo ngại về khả năng chiến đấu của các lực lượng Afghanistan. Nạn tham nhũng, đào ngũ và hiện tượng “binh sĩ ma” – tức những người có tên trên bảng lương nhưng lương của họ chảy vào túi tham của các viên chỉ huy tham nhũng – là những nguyên nhân chính dẫn đến những thất bại trên chiến trường.
Khoảng 300 binh sĩ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công do các phần tử chủ chiến phát động nhắm vào các căn cứ quân sự Afghanistan kể từ tháng 3.
Trong các cuộc tấn công này có một vụ đánh bom và nổ súng vào bệnh viện quân sự lớn nhất ở Kabul, giết chết 50 người.

Trump ‘đơn độc’ tại đàm phán biến đổi khí hậu G7

Các nhà lãnh đạo nhóm G7 không đạt được thỏa thuận về thay đổi khí hậu.
Sáu nhà lãnh đạo thế giới khẳng định lại cam kết thực hiện hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, thỏa thuận tổng quát đầu tiên nhằm giảm hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã từ chối tái cam kết thực hiện hiệp định này và cho biết họ sẽ ra quyết định vào tuần sau.
Đám phán về biến đổi khí hậu là rất không khả quan… Chúng tôi ở trong tình huống sáu nước đối lại một nướcThủ tướng Đức Angela Merkel
Ông Trump, người từng nói trái đất nóng dần lên là một “trò đùa”, đã từng đe dọa Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định.
Đây là Hội nghị Thượng đỉnh G7 đầu tiên của ông Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 từ Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật đã đồng ý ra thông cáo chung về chống khủng bố.
Vì sao không có thỏa thuận?
Thông cáo báo chí cuối cùng của G7 được đưa ra tại Ý viết Mỹ “đang trong quá trình xem xét lại chính sách về biến đổi khí hậu và về Hiệp định Paris và vì vậy chưa thể cùng nhất trí [với các nước khác] về những vấn đề này.”
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo các nước còn lại trong G7 đều “khẳng định lại cam kết mạnh mẽ nhanh chóng thực hiện Hiệp định Paris.”
Thủ tướng Pháp Angela Merkel nói đám phán về biến đổi khí hậu là “rất không khả quan”. Bà nói thêm “chúng tôi ở trong tình huống sáu nước đối lại một nước”.
Ông Trump viết trên Twitter: “Tôi sẽ ra quyết định cuối cùng về Hiệp định Paris vào tuần sau!”
Cố vấn kinh tế của ông Trump, ông Gary Cohn, nói ông Trump “đến đây để học. Ông ấy đến đây để khôn lên. Các quan điểm của ông ấy đang hình thành… đúng như mọi việc phải thế.”
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, người cũng có mặt tại cuộc họp ở Sicily, nói với BBC trước đó rằng hiệp định này vẫn đứng vững cho dù quan điểm của ông Trump là thế nào đi nữa.
Thương mại thì thế nào?
Ông ấy đến đây để học. Ông ấy đến đây để khôn lên. Các quan điểm của ông ấy đang hình thành… đúng như mọi việc phải thếCố vấn của Tổng thống Trump
Nhóm G7 từ khi phôi thai đã là nhóm tiên phong về tự do thương mại.
Tại hội nghị thượng đỉnh ở Nhật năm ngoái, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh cần phải tránh xu hướng bảo hộ. Nhưng đó là trước khi ông Donald Trump lên nhậm chức và đưa ra khẩu hiệu “America First” (“Đặt nước Mỹ lên trước”).
Tờ tuần báo Der Spiegel của Đức dẫn lời ông Trump phát biểu tại một cuộc họp với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker hôm thứ Năm 25/5 rằng người Đức “rất tệ” trong việc xuất khẩu xe hơi sang Mỹ.
Tuy thế, tất cả các vị lãnh đạo trong nhóm G7 đồng ý ủng hộ thông cáo chung cam kết “chống lại chủ nghĩa bảo hộ”, và mặt khác thừa nhận rằng “thương mại không phải lúc nào cũng có lợi cho tất cả các bên.”
Còn nhập cư thì sao?
Lãnh đạo các nước Tunisia, Kenya, Ethiopia, Niger và Nigeria tham gia vào cuộc thảo luận về vấn đề di dân ở thị trấn Taormina, Sicily, sớm ngày thứ Bảy 27/5.
Nước Ý đang khuyến khích các quốc gia giàu nhất thế giới giúp các nước châu Phi phát triển kinh tế, để ít người dân trẻ châu Phi buộc phải vượt chặng đường đầy nguy hiểm sang châu Âu.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao nói với Reuters rằng những đề nghị khác của Ý – nhằm làm nổi bật lợi ích của nhập cư và đề ra sáng kiến lớn về an ninh thực phẩm – đã bị xóa bỏ trước khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu.
Theo nguồn tin này, chính quyền của ông Trump không muốn nhấn mạnh lợi ích của di dân, hãng tin Reuters đưa tin.
Lúc đầu, dự định của nhóm là có một thông cáo riêng dài vài trang về vấn đề di dân. Nhưng cuối cùng vấn đề này chỉ còn hai đoạn trong một thông cáo riêng.
Từ đầu năm 2017, hơn 1.500 người nhập cư được cho là đã chết đuối trên biển Địa Trung Hải.

Trung Quốc bắt một nhà hoạt động Đài Loan vì tội «lật đổ»

Trung Quốc đã bắt giữ một nhà hoạt động nhân quyền Đài Loan vì nghi ngờ « âm mưu lật đổ chính quyền ». AFP hôm nay 27/05/2017 dẫn nguồn tin từ Tân Hoa Xã loan báo như trên.
Ông Lý Minh Triết (Lee Ming Che), 42 tuổi, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, đã mất tích từ ngày 19/3 sau khi từ Macao vào thành phố Chu Hải (Zhuhai) thuộc tỉnh Quảng Đông. Đến hôm qua, Tân Hoa Xã thông báo ông Lý Minh Triết đang bị giam giữ và đã « nhận tội » khi bị thẩm vấn.
Hãng tin Nhà nước Trung Quốc nói thêm, công dân Đài Loan này đã « thú nhận » các tội danh « thông đồng với những người ở Hoa lục lập ra những tổ chức bất hợp pháp, lên kế hoạch và thực hiện những hành động nhằm lật đổ chính quyền ». Lý Minh Triết và nhóm của ông « nhìn nhận đã tham gia những hành động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia ».
Ông Lý Minh Triết làm việc tại một trường trung học cộng đồng ở Đài Bắc, lâu nay vẫn hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động Trung Quốc. Theo Hiệp hội Xúc tiến Nhân quyền Đài Loan (Taiwan Association for Human Rights), ông Lý thường chia sẻ « các kinh nghiệm dân chủ Đài Loan » với những bạn bè người Trung Quốc trên mạng từ nhiều năm qua, và thường xuyên gởi sách vở cho họ.
Đại lục Ủy viên Hội, tức Hội đồng phụ trách các vấn đề Hoa lục của Đài Loan (Mainland Affairs Council) chiều qua tố cáo : « Chính quyền Trung Quốc không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào liên quan đến trường hợp trên ». 
Nhà nghiên cứu Patrick Poon của Amnesty International China nói với AFP : « Thật đáng báo động khi việc chia sẻ kinh nghiệm về dân chủ của Đài Loan lại bị coi là ‘lật đổ’ ». Bộ Ngoại Giao Trung Quốc từ chối đưa ra lời bình luận với hãng tin Pháp.
Tháng trước, Bắc Kinh đã cấm vợ ông Lý Minh Triết nhập cảnh vào Hoa lục.
Việc bắt giữ ông Lý Minh Triết là sự kiện mới nhất trong hàng loạt sự cố giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn lên nắm quyền.

Khủng bố Manchester :

Cảnh sát Anh phá gần như toàn bộ mạng lưới

Cảnh sát Anh Quốc đang tiến rất nhanh trong cuộc điều tra về vụ khủng bố tự sát ở Manchester ngày 22/05 khiến 22 người chết, với việc phá vỡ gần như toàn bộ mạng lưới thánh chiến Hồi giáo đứng sau vụ tấn công này.
Hôm nay, 27/05/2017, cảnh sát Anh vừa bắt giữ thêm 2 thanh niên, nâng tổng số các nghi phạm bị tạm giam lên tới 11 người trong cuộc điều tra về vụ khủng bố tối thứ hai vừa qua tại nơi trình diễn của nữ danh ca Mỹ Ariana Grande. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ này.
Theo các chuyên gia, quả bom mà Salman Abedi, thanh niên gốc Libya, sử dụng là một quả bom tự tạo có sức công phá mạnh, với một ngòi nổ rất tinh vi mà thanh niên này rất có thể là không thể chế tạo một mình.
Theo bản tổng kết mới nhất, vụ khủng bố tự sát đã khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, và 166 người bị thương. Trong số những người bị thương, 66 người hiện còn nằm bệnh viện, trong đó 23 người vẫn trong tình trạng rất nguy kịch.
Trong khi đó, hôm qua, các chính đảng ở Anh đã mở lại chiến dịch vận động tranh cử, tạm ngưng sau vụ khủng bố tối thứ hai, theo thỏa thuận giữa thủ tướng Theresa May và lãnh đạo đối lập Jeremy Corbyn. Phe đối lập chỉ trích chính phủ của thủ tướng May về việc đã cắt giảm lực lượng cảnh sát Anh khiến cho rất khó ngăn chận nguy cơ khủng bố. Theo Viện Nghiên cứu Ngân sách IFS, trong thời gian từ 2009 đến 2016, số cảnh sát ở Anh đã giảm khoảng 14%, tức 20 ngàn người.
Trong cuối tuần này, các sự kiện thể thao chính vẫn được duy trì trên khắp nước Anh, nhưng sẽ được bảo vệ an ninh rất chặt chẽ. Riêng câu lạc bộ bóng đá Chelsea đã hủy cuộc diễu hành mừng chức vô địch Anh Quốc, dự trù diễn ra tại Luân Đôn ngày mai.
Vào thứ ba tới, nam ca sĩ Liam Gallagher, cựu thành viên nhóm nhạc Oasis và người gốc Manchester, sẽ trình diễn tại thành phố này. Tiền thu từ buổi diễn sẽ được chuyển cho gia đình các nạn nhân vụ khủng bố tối thứ hai. Ariana Grande, vốn đã đình chỉ chuyến lưu diễn sau vụ khủng bố, hôm qua cũng loan báo sẽ trở lại Manchester để trình diễn gây quỹ, nhưng chưa thông báo ngày giờ cụ thể.

Mỹ thử nghiệm bắn chặn tên lửa liên lục địa

Lầu Năm Góc vào tuần tới sẽ thử nghiệm bắn chặn một tên lửa đạn đạo liên lục địa, loại tên lửa mà Bắc Triều Tiên đang muốn trang bị. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa của bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua, 26/05/2017, cho biết là cuộc thử nghiệm sẽ được tiến hành vào ngày 30/05.
Trong cuộc thử nghiệm này, một tên lửa liên lục địa sẽ được phóng lên từ quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Tên lửa này sẽ bị bắn chặn trên không gian bởi một tên lửa bắn đi từ căn cứ Vanderberg của Không lực Hoa Kỳ ở California. Mục đích của cuộc thử nghiệm là đo lường hiệu quả của hệ thống phòng thủ chống các tên lửa liên lục địa. Hệ thống này, đặt ở Alaska và California, dựa vào các radar và các thiết bị cảm ứng đặt rải rác trên khắp thế giới để phát hiện việc bắn những tên lửa của kẻ thù.
Cuộc thử nghiệm lần cuối vào năm 2014 đã thành công, nhưng 3 cuộc thử nghiệm trước đó thì đã thất bại. Theo Lầu Năm Góc, việc bắn chặn một tên lửa liên lục địa là một tiến trình hết sức phức tạp, giống như là bắn một viên đạn để chặn một viên đạn.
Hoa Kỳ sẽ thử nghiệm bắn chặn tên lửa vào lúc Bắc Triều Tiên đang tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm nhằm chế tạo một tên lửa hạt nhân liên lục địa có thể bắn tới Hoa Kỳ. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và đẩy nhanh chương trình tên lửa bất chấp các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Philippines không kích quân Hồi giáo

trong thành phố Marawi

Tại Philippines, hôm nay 27/05/2017, ngày thứ năm của trận đánh Marawi, lực lượng chính phủ đã thả nhiều quả bom xuống thành phố này nhằm tiêu diệt quân Hồi giáo thuộc nhóm Maute liên minh với Daech. Chính quyền lo ngại khi phát hiện sự hiện diện của những người nước ngoài từ Indonesia, Malaysia, Singapore trong nhóm này.
Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard cho biết thêm chi tiết :
« Quân đội Philippines loan báo sáu kẻ khủng bố nước ngoài, là người Indonesia và Malaysia, đã bị tiêu diệt hôm qua ở Marawi. Các đối tượng này bị nghi ngờ là đã đến hỗ trợ cho nhóm Maute của Philippines để chế tạo bom.
Nhóm Maute ủng hộ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) và duy trì các quan hệ ưu tiên với tổ chức Yemaah Islamiyah ở Indonesia, có liên hệ với Al Qaida.
Đây không phải là lần đầu tiên phát hiện được sự hiện diện của quân thánh chiến nước ngoài trên lãnh thổ Philippines. Cách đây hai năm, đối tượng người Malaysia Zulkifli Abdhir có liên can đến vụ khủng bố Bali năm 2002 đã bị tiêu diệt tại miền nam Philippines.
Năm ngoái, một video được cho là của Daech lần đầu đã đưa ra lời kêu gọi quân thánh chiến châu Á thành lập một « vương quốc Hồi giáo » tại miền nam Philippines và di chuyển đến đó, nếu không thể sang Irak hay Syria ». 
Bạo lực đã bùng phát hôm thứ Ba 23/5, khi mấy chục tay súng tung hoành khắp thành phố Marawi, thuộc khu tự trị Hồi giáo Mindanao. Những người vũ trang này cắm những lá cờ đen của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, bắt giữ một linh mục cùng với 14 người khác trong nhà thờ, đốt cháy các tòa nhà. Theo chính quyền, có 13 quân nhân, 2 cảnh sát và 31 quân Hồi giáo đã bị chết trong các trận đánh.
Việc quân Hồi giáo bắt tay với bọn tội phạm và chính khách tham nhũng là phổ biến ở Mindanao, nơi phong trào nổi dậy Hồi giáo đã làm cho trên 120.000 người thiệt mạng kể từ thập niên 70 đến nay. Các nhóm Maute, Abu Sayyaf và những nhóm cực đoan khác không muốn thương lượng hòa bình và trong những năm gần đây đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ Daech.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.