Tin Việt Nam – 12/04/2017
Dân biểu Fabritius ‘quan ngại nhân quyền ở Việt Nam’
Các nhà tranh đấu nói rằng dân biểu Đức, Bernd Fabritius, quan ngại vấn đề vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
Nhà tranh đấu Đỗ Thị Minh Hạnh cho VOA Việt Ngữ biết, tiến sĩ Bernd Fabritius, dân biểu Đức và thành viên của Đảng Liên Minh Xã Hội Cơ Đốc Giáo (CSU) vừa trao đổi các vấn đề nhân quyền Việt Nam với các nhà hoạt động nhân quyền, bao gồm Đỗ Thị Minh Hạnh, Trương Minh Đức, Đoàn Huy Chương và Phạm Bá Hải hôm 10/4 tại Tổng Lãnh Sự Quán Đức ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo trang web của dân biểu Bernd Fabritius, thành viên Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Liên Bang Đức, ông có chuyến công tác đến Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 4, 2017.
Theo bà Minh Hạnh, dân biểu Fabrius muốn nghe ý kiến của các nhà hoạt động về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Bà nói các nhà hoạt đã nêu những khó khăn trong việc bị tước đi quyền tự do lập hội, quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do đi lại, thậm chí phải chịu cả cảnh bị đánh đập bạo lực từ phía an ninh mật vụ.
“Cuộc gặp trao đổi rất nhiều vấn đề về nhân quyền của những người đấu tranh như bị hạn chế về quyền tự do lập hội, quyền tự do đi lại và quyền tự do ngôn luận. Ông cũng lắng nghe tình hình khó khăn của người đấu tranh trong nước khi bị canh giữ, đánh đập, bắt bớ, trù dập về kinh tế.”
Cuộc gặp trao đổi rất nhiều vấn đề về nhân quyền của những người đấu tranh như bị hạn chế về quyền tự do lập hội, quyền tự do đi lại và quyền tự do ngôn luận. Ông cũng lắng nghe tình hình khó khăn của người đấu tranh trong nước khi bị canh giữ, đánh đập, bắt bớ, trù dập về kinh tế.
Đỗ Thị Minh Hạnh
Bà Minh Hạnh, đại diện Phong Trào Lao Động Việt, nói rằng các thành viên phong trào mong sự quan tâm của Quốc Hội và chính phủ Đức cho vấn đề những nạn nhân cũng như những người tranh đấu cho ngư dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thảm họa Formosa.
“Chúng tôi cũng trao đổi về những vấn đề mà người dân miền Trung đang phải chịu đựng, và những người đấu tranh cho người dân đang có nguy cơ bị bắt bỏ tù, như Hoàng Đức Bình, thành viên Phong Trào Lao Động Việt, và Bạch Hồng Quyền, thành viên Con Đường Việt Nam. Các cha giáo xứ miền Trung cũng bị các đài truyền hình VTV và báo đài tỉnh xúc phạm, lăng nhục, du khống.”
Bà Minh Hạnh cho biết, trong cuộc gặp với dân biểu Đức, ông Phạm Bá Hải, đại diện cho Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, và các thành viên Phong Trào Lao Động Việt, cũng nêu lên các trường hợp tù nhân lương tâm bị chính quyền Việt Nam giam cầm như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Lê Thu Hà, Trần Thị Nga, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Trần Huỳnh Duy Thức, Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Văn Đức Độ, và đặc biệt trường hợp tù nhân Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị tra tấn trong tù.
Đại diện Phong Trào Lao Động Việt cho VOA Việt Ngữ biết họ cũng trao đổi với dân biểu Đức về quyền lợi của người lao động, những khó khăn khi hỗ trợ người công nhân, như không thể tiếp cận công nhân, đặc biệt trong những ngày có đình công vì họ bị chính quyền canh giữ không cho ra khỏi nhà.
Minh Hạnh nói rằng Phong Trào Lao Động Việt “mong chính phủ Đức phải mạnh tay trừng phạt nếu nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm đến những điều khoản mà Việt Nam đã ký kết với quốc tế cũng như Châu Âu, đặc biệt là những điều khoản liên quan đến nhân quyền.”
Sau buổi gặp này, Phong Trào Lao Động Việt ra thông cáo: “Ông Bernd Fabritius rất quan tâm đến tình hình về quyền lao động của công nhân Việt Nam vì Việt Nam có ký kết những hiệp định thương mại với Châu Âu. Bên cạnh đó, ông cũng muốn biết làm thế nào để Việt Nam có được công đoàn độc lập và những vấn đề khó khăn kèm theo.”
Ngoài ra, theo bà Minh Hạnh, ông Fabritius đáp lại rằng ông rất quan tâm đến tình hình nhân quyền Việt Nam và hứa sẽ can thiệp với chính quyền Việt Nam bằng mọi khả năng của một dân biểu Đức:
“Ông Fabritius cũng nhắc tới một nghị quyết về ‘Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền’ trên thế giới mà trước đây ông đã đưa ra trước Quốc hội Đức. Nghị quyết này cho thấy họ rất quan tâm giúp đỡ hỗ trợ cho người bảo vệ nhân quyền. Do đó người đấu tranh trong nước gặp rắc rối nào thì có thể liên hệ trực tiếp với ông hoặc thông qua Đại Sứ quán Đức tại Hà Nội, ông sẽ can thiệp.”
Ông Fabritius cũng nhắc tới một nghị quyết về ‘Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền’ trên thế giới mà trước đây ông đã đưa ra trước Quốc hội Đức. Nghị quyết này cho thấy họ rất quan tâm giúp đỡ hỗ trợ cho người bảo vệ nhân quyền.
Đỗ Thị Minh Hạnh
Theo thông cáo của Phong trào Lao động Việt, các nhà tranh đấu Việt Nam “mong mỏi chính phủ Đức sẽ quan tâm đến các tù nhân lương tâm, đề nghị đại diện chính phủ Đức kêu gọi Việt Nam trao trả tự do cho họ vô điều kiện. Ông Bernd Fabritius đã yêu cầu anh Phạm Bá Hải gởi cho ông danh sách những tù nhân đang còn bị giam giữ.”
Ông Bernd Fabritius là Nghị Sĩ Quốc Hội Liên bang Đức từ năm 2013, thuộc đảng Xã Hội Cơ Đốc Giáo (CSU). Tháng 3/2015, ông cùng với các nghị sĩ Châu Âu khác đã gặp các thành viên các tổ chức xã hội dân sự ở Hà Nội.
Tháng 12 năm ngoái, nhận kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 68, Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã vận động các dân biểu Đức, trong đó có tiến sĩ Bernd Fabritius, thuộc Ủy Ban Nhân Quyền Quốc Hội Liên Bang Đức, lên tiếng ủng hộ tù nhân lương tâm Việt Nam.
Dân biểu Bernd Fabritius cũng là người ký tên vào thỉnh nguyện thư gửi Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc, vào tháng 10 năm ngoái, yêu cầu trả tự do cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, người vừa được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao giải nhân quyền 2017 ngày 5/4.
Việt Nam xử tử hình nhiều thứ ba thế giới
Việt Nam đứng thứ ba trong danh sách các nước xử tử hình nhiều nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Iran, theo báo cáo mới đưa ra ngày 11/4 của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Theo báo cáo này, trong ba năm qua, Việt Nam xử tử 429 người từ tháng 8/2013 đến tháng 6/2016.
“Mức độ hành quyết ở Việt Nam trong những năm gần đây thực sự gây sốc. Một chuỗi các vụ hành quyết đã làm lu mờ hoàn toàn những cải cách về hình phạt tử hình gần đây,” lời Tổng Thư Ký Ân Xá Quốc Tế, Salil Shetty, nói với Asian Correspondent.
Ông Shetty cũng đặt ra câu hỏi liệu còn bao nhiêu người khác phải đối mặt án tử hình mà không được ai biết tới.
Bí mật đằng sau các vụ tử hình ở Việt Nam, nơi được xem là một điểm nóng du lịch của khu vực Đông Nam Á, chính là điều mà nhóm bênh vực nhân quyền lo ngại. Lý do là vì dữ liệu về án tử hình ở Việt Nam được xếp loại là “bí mật quốc gia.”
Một thành viên của tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho rằng “bí mật quốc gia” chỉ là cái cớ để che giấu số liệu về những vụ hành quyết bất công và cho phép chính quyền giết người mà không bị trừng phạt.
Theo báo cáo của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế, có ít nhất 1.032 người đã bị hành quyết trên toàn thế giới trong năm 2016 và có ít nhất 3.117 người đã bị kết án tử hình.
Trung Quốc đứng đầu với hàng ngàn vụ hành quyết được cho là đã diễn ra tại nước này. Cũng như Việt Nam, Bắc Kinh xếp loại dữ liệu về án tử hình là “bí mật quốc gia”.
Ngoài Trung Quốc và Việt Nam, Malaysia cũng là quốc gia trong khu vực bị lưu ý trong báo cáo của Ân Xá Quốc Tế.
Năm 2016, sau khi bị nghị viện gây áp lực, nhà chức trách Malaysia đã buộc phải tiết lộ con số hiện có 1.042 người đang bị tuyên án tử hình vì các tội giết người, buôn lậu ma túy, buôn bán vũ khí hoặc bắt cóc.
Nhưng nhìn chung cả khu vực châu Á Thái-Bình Dương năm 2016, số lượng các vụ xử tử có giảm đi do Pakistan giảm đến 73% các vụ hành quyết.
Ân xá Quốc tế cho biết có ít nhất 130 vụ hành quyết xảy ra trong khu vực vào năm 2016 ở 11 quốc gia, so với ít nhất 367 vụ hành quyết tại 12 quốc gia vào năm 2015.
(Theo AI, Asian Correspondent)
Biểu tình lớn ngày 30/4 sắp tới
Nhiều cuộc biểu tình dự trù diễn ra nhân dịp 42 năm chiến tranh Việt Nam kết thúc (30/4) tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Washington DC, Paris, Frankfurt, Canberra… và có thể ở cả Việt Nam.
Ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch Cộng Đồng Việt Nam tại thủ đô Hoa Kỳ và vùng phụ cận cho biết về kế hoạch tại Washington DC:
“Cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải là cuộc biểu tình phản đối thường lệ, mà là một cuộc biểu tình để yểm trợ cho những người đòi quyền sống ở Việt Nam, những người đòi quyền tự do chính đáng của người dân, nhất là đấu tranh đòi hỏi dân chủ, tự do, và nhân quyền cho Việt Nam. Phản đối hành động đánh đập người dân đi biểu tình đòi hỏi quyền lợi về vấn đề Formosa.”
Cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải là cuộc biểu tình phản đối thường lệ, mà là một cuộc biểu tình để yểm trợ cho những người đòi quyền sống ở Việt Nam, những người đòi quyền tự do chính đáng của người dân, nhất là đấu tranh đòi hỏi dân chủ, tự do, và nhân quyền cho Việt Nam. Phản đối hành động đánh đập người dân đi biểu tình đòi hỏi quyền lợi về vấn đề Formosa.
Ông Đinh Hùng Cường
Theo chương trình, sự kiện này sẽ bắt đầu vào lúc 14 giờ ngày 30/4 trước tòa đại sứ Việt Nam ở Washington, mà theo ông Đinh Hùng Cường sẽ tập hợp nhiều cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ tham gia:
“Chúng tôi luôn luôn kêu gọi và hy vọng rằng sẽ có một số đông cô bác tham gia vì cuộc biểu tình ngày 30/4 này không phải như thường lệ thành ra số người chúng tôi tin tưởng rằng số người tham gia sẽ đông đảo hơn những lần trước.”
Ngoài cuộc biểu tình tại thủ đô Washington, cộng đồng người Việt tại vùng đông bắc Hoa Kỳ còn tổ chức các sự kiện tri ân và tưởng niệm các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày cuối tuần bắt từ ngày 22/4 cho đến ngày 2/5.
Từ Melbourne, Australia, ông Đỗ Văn Thắng, người phụ trách ghi danh cho cuộc biểu tình 30/4 sắp tới tại thủ đô Canberra của Cộng đồng Người Việt Tự do Úc Châu cho VOA biết đoàn sẽ thực hiện một cuộc biểu tình trước Tòa đại sứ Việt Nam và Tòa đại sứ Trung Quốc tại Canberra.
“Nhiều tiểu bang gom lại cũng vài ngàn người, trung bình khoảng 2.000-3.000 người. Kỳ này hy vọng cũng đông. Mình yểm trợ để cho người dân trong nước đứng lên quang mục quê hương, đòi quyền tự quyết.”
Theo trang lyhuong.net, cộng đồng người Việt tại Pháp cũng sẽ tổ chức một cuộc biểu tình trước sứ quán Việt Nam tại Paris từ 14 giờ đến 18 giờ ngày 30/4 với chủ đề: “Hãy đứng lên vì môi sinh và sự sống còn của dân tộc và là trách nhiệm của người dân.”
Tại Đức vào lúc 13 giờ ngày thứ Bảy 29/04 sẽ diễn ra cuộc biểu tình trước Tổng lãnh sự Việt Nam ở Frankfurt “để hỗ trợ cho tất cả những cuộc xuống đường của toàn dân tại quốc nội,” theo trang lyhuong.net.
Linh mục Nguyễn Đình Thục, giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An, nơi chịu thiệt hại nặng nề vì thảm họa Formosa cho VOA biết giáo xứ của ông chưa có kế hoạch cho cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 30/4 năm nay, nhưng theo ông, việc thực hiện một cuộc biểu tình thì “không phải là điều quá khó khăn.”
Linh mục Nguyễn Đình Thục nói:
“Cho đến bây giờ thì vẫn chưa có lời kêu gọi biểu tình. Nhưng việc chúng tôi biểu tình cũng không phải cái gì khó khăn mà chúng tôi cần phải có một chương dài và kế hoạch này nọ. Đối với cộng đồng giáo sứ thì việc chúng tôi xuống đường biểu tình, yêu cầu hay phản đối một vấn đề gì đó thì không phải là điều quá khó khăn.”
Liên tiếp trong tháng 3 tháng vừa qua, hàng trăm giáo dân giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An, đã nhiều lần xuống đường yêu cầu chính quyền giải quyết bồi thường thiệt hại cho ngư dân trong sự cố môi trường Formosa.
Vào ngày 03 tháng 4, một cuộc biểu tình lớn đã diễn ra ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, mà theo người địa phương ước tính lúc cao điểm có khoảng 7.000 người quanh khu vực đặt trụ sở Ủy ban huyện; đa số người biểu tình là giáo dân.
Tại Hà Nội, ngày 10/4, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm, đã chủ trì cuộc họp “bàn về các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong dịp Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4.”
Tại một cuộc họp này, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ đạo cấp dưới “kiên quyết” không để xảy ra các vụ “tụ tập đông người, chặn quốc lộ” như đã xảy ra ở miền trung trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, theo truyền thông trong nước, cũng trong ngày 10/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì một cuộc họp với Quân ủy trung ương tại Bộ Quốc phòng “nhằm chỉ đạo nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu.”
Những cuộc họp quan trọng của lãnh đạo Việt Nam phần nào cho thấy sự thận trọng của chính quyền và cũng là chỉ dấu rằng các biện pháp răn đe, bắt bớ sẽ được tiếp tục sử dụng để ngăn chặn các cuộc biểu tình, nếu có, vào dịp lễ 30/4 năm nay.
Cộng đồng người Việt hải ngoại nói các cuộc biểu tình đã lên lịch nhằm yểm trợ cho các phong trào kêu gọi dân chủ trong nước.
Ông Đinh Hùng Cường nói:
“Cuộc biểu tình bên nhà Việt Nam là thái độ của những người anh hùng, những người dân đã không chịu nỗi sự áp bức. Chúng tôi thấy đây là đúng lúc. Người dân Việt Nam phải can đảm. Chúng tôi ở hải ngoại sẽ làm hết sức mình yểm trợ các bạn trong nước. Việc làm của các bạn là vô cùng chính đáng. Thái độ đó chúng tôi rất kính phục và ngưỡng mộ, cho dù bị đe dọa, bóp chặt trong trứng nước trước các vụ phản đối.”
Hôm qua 10/4, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam nói rằng “tận dụng sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung, hơn một năm qua, những phần tử xấu dưới vỏ bọc ‘tôn giáo’ đã ra sức lôi kéo một bộ phận giáo dân gây rối an ninh trật tự hòng tạo cớ ‘vu khống, ăn vạ’ chính quyền ‘đàn áp tôn giáo, bóp nghẹt dân chủ’ để từ đó lu loa với thế giới về một Việt Nam ‘bất ổn’, chia rẽ đoàn kết dân tộc, kích động bạo loạn, kêu gọi nước ngoài can thiệp vào Việt Nam.”
Việt Nam thuộc nhóm các nước tham nhũng hàng đầu
Tham nhũng tại Việt Nam đe dọa sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội, Việt Nam đứng thứ 133/176 bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu của Minh Bạch Quốc Tế, nằm trong nhóm các quốc gia có tình trạng tham nhũng nghiêm trọng.
Đây là thông tin được công bố tại hội thảo hôm 12 tháng tư ‘Thúc Đẩy Xây Dựng Môi Trường Kinh Doanh Liêm Chính’ do Phòng Thương Mai Và Công Nghiệp Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Trị Xã Hội, gọi tắt là CENSOGOR.
Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn của Trung Tâm Nghiên Cứu Quản Trị Xã Hội cho rằng doanh nghiệp tại Việt Nam như mắt xích kép, ý nói như con dao hai lưỡi, khi vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây tham nhũng. Bà nói trên 61% doanh nghiệp có hành vi đút lót tiền bạc, hầu hết đều có chuyện lại quả cho đối tác của mình. Ngoài ra, có đến 66% doanh nghiệp dân doanh phải chi trả những khoản phí không chính thức, gần 60% doanh nghiệp FDI tức có vốn đầu tư nước ngoài phải chi trả chính thức khi làm thủ tục hải quan.
Đây là những hành động xói mòn tinh thần liêm chính trong kinh doanh, báo cáo cho biết. Bên cạnh đó, 38% người Việt Nam cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp trong nước là những người nằm trong top 3 của tham nhũng, hình ảnh những người đứng đầu doanh nghiệp bị xuống cấp một cách tồi tệ vì tham nhũng.
Báo cáo của Censogor còn cho thấy tham nhũng tại Việt Nam tạo ra những nguồn tiền bất hợp pháp dưới hình thức trốn thuế, hối lộ và r ửa tiền.
Tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, phó chủ tịch Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần học hỏi cũng như ứng dụng phương cách chống hối lộ thì mới mong tham gia được vào thị trường kinh tế toàn cầu.
Nỗi sợ hãi của 3 gia đình vượt biên lần hai
Hòa Ái, phóng viên RFA
Kể từ ngày mùng 2 Tết Âm lịch Đinh Dậu, 3 gia đình ở Bình Thuận quyết định vượt biên lần thứ hai và hiện đang ở Trung tâm Giam giữ Nhập cư tại Indonesia. Cuộc hành trình định mệnh của họ đến nay như thế nào?
Chuyến vượt biên định mệnh
Vào thời điểm tết đoàn viên năm Đinh Dậu theo phong tục của người Việt, 3 người phụ nữ, ở Bình Thuận, đang chịu án tù vì vượt biên sang Úc hồi năm 2015 lại quyết định lên tàu một lần nữa cùng 15 người khác, trong đó có 12 trẻ em với quyết tâm thà chết trên biển chứ không hồi hương.
Chuyến vượt biên lần thứ nhì của ba gia đình phụ nữ Trần Thị Lụa, Trần Thị Thanh Loan và Nguyễn Thị Phúc bị cảnh sát Indonesia bắt giữ tại bờ biển Java vào hôm mùng 9 tháng 2 do tàu đâm phải đá ngầm và bị đắm.
Bây giờ họ nhốt trong một căn phòng giống như tạm giam. Họ khóa cửa lại, không cho ra ngoài. Đến giờ cơm thì họ mở cửa ra và đưa cơm vào. Sau đó họ đóng cửa lại.
- Bà Lụa
Bắt đầu trao đổi với chúng tôi sau khi nhóm 18 người được phỏng vấn lần hai với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và được chuyển đến Trung tâm Giam giữ Nhập cư (Immigration Detention Centre) ở thủ đô Jakarta, bà Lụa cho biết:
“Bây giờ họ nhốt trong một căn phòng giống như tạm giam. Họ khóa cửa lại, không cho ra ngoài. Họ nhốt 18 người, ngăn ra đàn ông ở một bên và phụ nữ cùng trẻ em ở một bên. Đến giờ cơm thì họ mở cửa ra và đưa cơm vào. Sau đó họ đóng cửa lại. Ở đây tụi em cũng thiếu thốn như không có gối nằm hay mền đắp. Hàng đêm tụi em lấy quần áo trùm lại ngủ.”
Nói chuyện trực tiếp với RFA qua điện thoại, bà Lụa kể về diễn tiến của chuyến vượt biên lần thứ nhì và cũng là chuyến vượt biên cuối cùng trong cuộc đời của mình. Bà Lụa nhớ lại sau khi bị cảnh sát Indonesia bắt giữ, đã xin được liên lạc với cô Ngọc Nhi Nguyễn nhờ thông dịch.
Qua cuộc nói chuyện có thông dịch thể theo yêu cầu, nhóm 18 người khẩn thiết xin Chính phủ Indonesia đừng trả về Việt Nam. Tuy nhiên đại diện Giới chức Di trú Indonesia nói rằng không thể dùng tiền thuế của dân để nuôi họ. Cô Ngọc Nhi Nguyễn cam kết với chính quyền Indonesia sẽ cung cấp tài chính giúp đỡ nhóm người 18 người cho đến khi được gặp Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Và nữ ký giả Shira Sebban đã sử dụng số tiền gây quỹ giúp cho họ chỗ ăn ở trong thời gian 5 ngày, đúng như lời chia sẻ của bà Shira Sebban nói với RFA hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Sau vài ngày ăn ở tại khách sạn, Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc đến đưa nhóm 18 người về một căn nhà thuộc Bộ Di trú của Indonesia và Tổ chức Di trú Quốc tế (IOM) lo chi phí ăn ở cho họ.
Ở đây được vài ngày, ông Nguyễn Long cùng người cháu trai tên Trần Ngọc Tuấn được chở lên Bộ Di trú. Bà Lụa kể lại cuộc trao đổi diễn ra tại đây:
“Họ đưa một người Việt Nam, nói rằng ‘Tôi là người thông dịch Việt Nam’. Anh đó nói với Nguyễn Long là chồng em như vầy ‘Nếu các anh ở đây có khó khăn gì thì các anh đi về lại Việt Nam, mua chiếc thuyền khác đi tiếp’. Chồng em, Nguyễn Long mới nói ‘Đi về Việt Nam để ở tù à?” Anh ta nói lại ‘Ở tù 3 năm chớ bấy nhiêu’. Sau đó anh Long nói rằng ‘Vậy anh đi về ở tù giùm tôi. Cộng sản đưa vào tù đánh đập như thế nào mà ông biểu tôi đi về Việt Nam? Dù có chết thì tôi cũng chết tại đây, chứ tôi không về Việt Nam’. Sau đó ông không nói gì nữa và Bộ Di trú chở quay về lại nhà nghỉ”.
Được thuyết phục hồi hương
Hai tuần sau đó, một người Việt Nam khác, giới thiệu tên Trần Văn Tăng là người thông dịch tiếng Việt được cảnh sát Indonesia thuê và khẳng định sẽ dịch đúng sự thật lời của cảnh sát cũng như của nhóm 18 người Việt này:
“Anh Tăng nói ‘cách đây 2 tuần lễ, các anh chị có gặp Đại sứ quán Việt Nam tại Bộ Di trú phải không?’ Em nói ‘Không, chúng tôi không gặp Đại sứ quán Việt Nam nhưng chúng tôi có gặp một ông thông dịch’. Anh Tăng có nói là ‘Không phải đâu, anh đó là Đại sứ quán Việt Nam đi xuống khuyên nhóm chị nên trở về Việt Nam; nhưng các chị dứt khoát không chịu về. Bây giờ tôi cũng đến đây nói với mấy chị rằng nếu có khó khăn gì thì mấy chị trở về Việt Nam đi’. Em trả lời anh Tăng rằng ‘Anh nghĩ làm sao mà nói ra những lời nói đó như vậy?’”
Bà Lụa, bà Loan và bà Phúc tường thuật với cảnh sát Indonesia những gì xảy ra với họ khi vừa đáp chuyến bay từ Úc trở về theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Australia rằng sẽ không trừng phạt những người vượt biên cũng như sẽ tạo công ăn việc làm cho họ.
Bà Lụa nói qua người thông dịch với cảnh sát Indonesia là bà bị tống thẳng vào nhà giam ngay, nhốt 26 ngày, đánh đập lấy lời khai và sau đó được yêu cầu ký vào văn bản để được chở về nhà gặp chồng con. Bà Lụa nhắc lại những gì đã nói với người thông dịch tên Trần Văn Tăng vụ việc sau khi được chở về đến nhà:
“Tôi xin văn bản mà khi chị bên Xuất nhập cảnh đứng trên máy bay nói ‘Chính phủ Việt Nam đã hứa rồi thì không bao giờ thất lời hứa’, mà bây giờ bắt tôi ở tù như vậy, oan cho tôi nên tôi không ký’. Khi đó 4 công an vô lôi em đi từ ở nhà em ra đường 200 mét rồi quăng em lên xe chở tù nhân, chở đi luôn. Sau đó, đánh đập em hộc máu rồi em bị ngất xỉu và em được chở đến bệnh viện’. Em mới nói (với anh Tăng) ‘Tôi ở tù rồi mới biết bị đánh đập như thế nào’”.
Vậy anh đi về ở tù giùm tôi. Cộng sản đưa vào tù đánh đập như thế nào mà ông biểu tôi đi về Việt Nam? Dù có chết thì tôi cũng chết tại đây, chứ tôi không về Việt Nam.
- Ông Nguyễn Long
- Ông Nguyễn Long
Không những vậy, thời gian bà Lụa được ở nhà để điều trị bệnh, bà còn chịu cảnh bị bêu danh tại địa phương qua các phương tiện truyền thông:
“Bôi xấu, bôi nhọ em trên đài. Sáng thì 5 đến 7 giờ sáng. Buổi trưa từ 11 đến 12 giờ trưa. Còn buổi chiều từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối. Nhà trường nào nhận các đứa bé (vượt biên theo gia đình) đều nhận thông tin bôi nhọ hết. Thông tin đó cũng đưa đến trước cửa nhà thông báo là vượt biên trái phép, bao nhiêu năm tù. Sau đó là ra tòa.”
Tại tòa, bà Lụa lên tiếng phản bác tội bị cáo buộc, nói rằng Chính phủ Việt Nam không giữ lời hứa tạo công ăn việc làm và cho con cái học hành. Nhưng:
“Ông Bùi Thanh Trúc làm bên thanh tra, nói ‘Cho mấy bà chết luôn chớ làm gì mà làm. Con bà đi học thì làm được gì. Không học được gì hết. Đừng nên đi học nữa’. Ông nói ‘Bà nói chừng nào thì cho bà chết chừng đấy. Rồi lôi em đi luôn.”
Lo lắng cho tương lai
Trả lời câu hỏi người thân trong gia đình có gặp trở ngại nào kể từ khi khởi hành chuyến vượt biên lần thứ nhì hay không, bà Trần Thị Thanh Loan cho biết các em trong gia đình cứ bị đưa xe đến nhà chở đi mỗi khi công an cần điều tra và thông tin nhận được về chồng của bà là ông Hồ Trung Lợi đang thụ án tù 2 năm:
“Nhà em đi thăm anh Lợi thường thường một tháng chỉ thăm một lần vì mới có chuyến xe đi. Nhà em thăm lần cuối hơn 1 tháng nay. Lúc thăm, chồng em nói được thông báo cho biết mẹ con em đi vượt biên chìm ghe chết hết rồi và công an làm việc với anh Lợi đến mấy ngày để lấy lời khai điều tra. Nhưng thực tế chồng em không biết gì hết. Chồng em hay tin bị lên cơn sốc. Ảnh bị tai biến, bên mắt trái không thấy đường nữa. Em rất lo lắng cho chồng em vì đang gặp nhiều nguy hiểm trong trại.”
Bà Lụa nhận tin từ gia đình cho hay công an địa phương và cấp tỉnh đến nhà ba mẹ chồng đọc thông báo và bắt ký vào biên bản:
“Người nhà em nói như vầy ‘Họ sẽ mời tất cả khu phố, tuyên truyền cho dân làng và mọi người biết chị Trần Thị Lụa là có án tù 30 tháng và chị Trần Thị Thanh Loan 36 tháng tù. Khi nào đất nước nào trả về lại Việt Nam thì sẽ tăng án lên, chị Trần Thị Lụa lên từ 15 đến 20 năm tù, còn chị Thanh Loan cũng từ 15 đến 20 năm tù. Chị Nguyễn Thị Phúc phạm tội lần thứ hai, tuy rằng án treo nhưng án của chị Phúc từ 10 đến 15 năm tù. Anh Nguyễn Long, chồng của chị Lụa mới đi lần đầu tiên làm tài công thì phải 15 năm tù. Nguyễn Tài và Nguyễn Thị Kim Nhung đều 10 đến 15 năm tù. Những trẻ em từ 17 tuổi trở xuống, trừ các em nhỏ 5-6 tuổi, còn lại tống vào tù hết’.
Mẹ chồng em mới nói ‘Cho tôi một tờ giấy photo lại giống như nội dung viết trong tờ giấy này để cho tôi biết’. Công an tên Nhu nói rằng “Tôi đưa cho bà để bà đưa ra nước ngoài lên báo chí để cho các nước khỏi trả con bà về à? Không bao giờ chúng tôi đưa cho bà đâu’”.
Kết thúc cuộc trò chuyện với Đài Á Châu Tự Do vào dịp cuối tuần của đầu tháng 4, ba người phụ nữ quê Bình Thuận nói rằng sau cánh cửa sắt luôn đóng kín không biết ngày giờ thế nào giống như số phận người thân ở Việt Nam ra sao và chính 18 người họ, được Liên Hiệp Quốc chấp thuận cho “quy chế tị nạn” hay không, cũng như đến bao giờ mới được thông báo.
Chuyển các công ty thương mại quân đội thành dân sự?
Việt Hà, phóng viên RFA
Sách trắng quốc phòng Việt Nam năm 2009 lần đầu tiên đưa ra danh sách 10 công ty quốc phòng lớn nhất và khẳng định vai trò của quân đội là bảo vệ đất nước đồng thời tham gia xây dựng đất nước, tức là bao gồm cả nhiệm vụ làm kinh tế.
Sách trắng tiếp theo của Việt Nam dự định công bố vào năm ngoái hiện đã bị hoãn lại hơn một năm. Liệu trong sách trắng quốc phòng mới, Việt Nam sẽ định nghĩa vai trò của các công ty quân đội ra sao trong tình hình mới?
Quyền lực kinh tế
Ngày 9 tháng 2 năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đồng ý với chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành ở tỉnh Đồng Nai, cách thành phố Hồ Chí Minh 40 km. Dự án được dự kiến có công suất 100 triệu hành khách một năm và sẽ trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai, thay thế cho sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn. Quyết định này của chính phủ ngay lập tức nhận phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia trong nước và quốc tế trong đó có ý kiến cho rằng đề xuất xây dựng này là để tránh lô đất mà Bộ Quốc phòng đang dùng làm sân golf, một dấu hiệu cho thấy quyền lực và tầm ảnh hưởng lên kinh tế của quân đội.
Vào lúc đó nhiều ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng chính phủ nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất hiện tại. Hãng tin AP trích lời ông Lê Trọng Sanh, Cục trưởng Phòng Quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất nói sử dụng lô đất kế bên làm sân golf là bất hợp lý và sân bay Tân Sơn Nhất cần lấy lại sân golf từ quân đội.
Vấn đề ở đây rất phức tạp. Quân đội Việt Nam luôn tham gia vào các hoạt động xã hội, xây dựng các công trình.
- Giáo sư Carl Thayer
Thời gian gần đây, trước thực trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và sức ép từ dư luận, lãnh đạo Cục Hàng không mới đây cho báo chí biết, muốn giải quyết được tình hình của Tân Sơn Nhất cần tính tới cả phương án thu hồi đất quân sự ở Bắc sân bay và 127 ha đất trong sân bay đang làm sân golf. Ngày 21 tháng 2, Bộ Quốc phòng ký biên bản bàn giao 21 ha đất làm sân đỗ cho các máy bay quân sự tại Tân Sơn Nhất cho Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng đường băng và làm sân đỗ máy bay. Tuy nhiên biên bản cũng ghi rõ là Bộ Quốc phòng chỉ tạm bàn giao mặt bằng và khi có tình huống phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì diện tích này phải được ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Hiện không có con số thống kê quân đội nắm bao nhiêu đất vì đây là thông tin bí mật quốc gia. Tuy nhiên, trong số đất mà quân đội nắm giữ có những phần đất thuộc các công ty thương mại của quân đội và họ có thể lấy lời từ đó. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) đã giải thể nhận định:
Chuyện quân đội tận dụng đất đai để mang kinh doanh là chuyện tùy thuộc vào mỗi một môi trường ở mỗi nước cụ thể. Chuyện quân đội lấy đất rồi chia cho sĩ quan thì xảy ra ở nhiều nước….. thậm chí quân đội ở Indonesia nhiều khi còn lấn sang làm kinh tế, làm bảo kê khai mỏ, đánh cá để lấy nguồn lực cho quân đội, không biết bao nhiêu cho quân đội, bao nhiêu cho tướng tá.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc học viện Quốc phòng Úc, người đã có nhiều bài viết về quân đội Việt Nam, thì cho rằng mặc dù có thông tin quân đội sử dụng đất kinh doanh kiếm lời hay mua các hàng hóa đắt tiền, nhưng chủ yếu là cho công ty là chính:
Có thông tin nói là quân đội có bán đất và thu lời từ đó, cũng có thông tin là họ cũng mua những đồ dùng, hàng hóa đắt tiền, rồi thậm chí xây dựng nơi chiếu phim. Nhưng thay vì tất cả vào tay một vài cá nhân thì phần lớn những thứ này là cho công ty nơi người làm cho công ty được hưởng lợi.
Theo số liệu từ sách trắng quốc phòng năm 2009, quân đội vào lúc đó có 98 doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực từ dịch vụ bay, cảng biển, viễn thông, đến đóng tàu. Trong số các công ty quân đội, nổi bật nhất là công ty viễn thông Viettel và Ngân hàng Quân đội được đánh giá là những doanh nghiệp thành công nhất. Thống kê mới nhất của chính phủ công bố vào năm 2015 cho thấy các công ty quân đội đã đạt lợi nhuận trước thuế trên 46,000 tỷ đồng vào năm 2014, nộp ngân sách đạt 41 ngàn tỷ đồng.
Tại Việt Nam, vai trò quan trọng của quân đội trong làm kinh tế đã được xác định từ thời kỳ đầu của quân đội vào những năm 40 của thế kỷ trước và cho đến bây giờ vẫn chưa thay đổi. Giáo sư Carl Thayer nhận xét:
Ở Việt Nam thì quân đội bắt đầu từ những du kích từ hồi những năm 40 của thế kỷ trước. Đến khoảng năm 1954 khi hai miền chia cắt, quân đội cũng tham gia làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp. Khoảng sau năm 1975 thì có những đơn vị chuyển toàn bộ sang xây dựng và các hoạt động khác. Cho nên nếu chúng ta nói về những công ty quân đội chỉ sản xuất xe tăng thì đó là chức năng quân đội, nhưng nếu họ làm đàn guitar hay máy amplifier thì đó là thương mại, hay như trường hợp của công ty Viettel thì một phần là quân đội, một phần là thương mại. Cho nên khi bạn có các công ty quân đội chỉ tập trung vào thương mại thì họ không thể là những lực lượng chiến đấu hiệu quả, nhưng họ cung cấp công ăn việc làm cho gia đình quân nhân, hay thân nhân liệt sĩ. Vấn đề ở đây rất phức tạp. Quân đội Việt Nam luôn tham gia vào các hoạt động xã hội, xây dựng các công trình. Câu hỏi bây giờ là khi việt Nam chuyển hơn về phía kinh tế thị trường thì các công ty quân đội có sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà Việt Nam phải đối mặt vì những trợ cấp từ chính phủ hay không hay là họ vẫn được trợ cấp vì họ cung cấp công ăn việc làm cho gia đình các quân nhân?
Nỗ lực đẩy công ty quân đội khỏi thương mại
Từ năm 2007, Việt Nam đã tìm cách chuyển toàn bộ các công ty thương mại thuần túy của quân đội ra bên ngoài dân sự. Nghị quyết trung ương 4 của Đảng Cộng sản năm 2007 xác định quân đội sẽ chỉ có thể nắm quyền sở hữu và quản lý các công ty liên quan trực tiếp đến quốc phòng và an ninh. Theo dự kiến đến năm 2012, quá trình chuyển giao phải hoàn tất. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh vào lúc đó cho biết, quân đội sẽ chuyển giao khoảng 140 công ty thương mại do quân đội nắm giữ chậm nhất là cho đến cuối năm 2012, và sau đó quân đội chỉ tập trung vào việc huấn luyện và xây dựng lực lượng quân đội hiện đại. Cả công ty Viettel và ngân hàng Quân đội theo dự kiến cũng phải được chuyển giao.
Tuy nhiên khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã làm thay đổi kế hoạch chuyển đổi này của Việt Nam. Vào tháng 4 năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra chỉ đạo về việc chuyển giao 113 công ty thương mại do quân đội nắm giữ, theo đó quân đội vẫn được quyền nắm giữ những tài sản quan trọng nhất bao gồm công ty Viettel và 9 doanh nghiệp chính khác.
Dư luận gần đây cũng chú ý nhiều hơn đến hoạt động của một số công ty quân đội nhất là sau những rắc rối liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất và sân golf quân đội hay trường hợp điều chuyển người từng đứng đầu Tổng công ty 319 là đại tá Phùng Quang Hải, con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Có những đồn đãi trên mạng xã hội về tham nhũng trong trường hợp của tổng công ty 319 nhưng báo chí chính thống không có thông tin nào về vấn đề này. Những thông tin trên báo chí về tham nhũng cũng chủ yếu tập trung ở các công ty ngoài quân đội, bao gồm cả công ty nhà nước mà hiếm khi có dính líu đến bên quân đội. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng hiện những thông tin về các công ty quân đội là rất hạn chế và rất thiếu minh bạch nên công chúng không thể biết rõ về những hoạt động kinh doanh cụ thể của họ cũng như những nghi ngờ về tham nhũng.
Nguy cơ tham nhũng khủng khiếp ở trong hoạt động của quân đội là luôn xảy ra. Giờ lại lẫn lộn giữa hoạt động quân sự và hoạt động kinh tế, thì đó là sự lạm dụng.
- Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nguy cơ tham nhũng khủng khiếp ở trong hoạt động của quân đội là luôn xảy ra. Giờ lại lẫn lộn giữa hoạt động quân sự và hoạt động kinh tế, thì đó là sự lạm dụng. Trong những chuyện như thế họ có thể vin đủ thứ để không ai dám đụng đến. Vì là quân đội nên tòa bên ngoài không dám đụng đến thì xác suất, khả năng tham nhũng càng nhiều hơn. Ở đấy hầu như không có sự minh bạch vì họ vin vào đó là lĩnh vực quân sự. Những chuyện nó phơi rành rành ra ai cũng nhìn thấy như sân golf Tân Sơn Nhất chẳng hạn thì ai cũng thấy, ai đi máy bay cũng có thể nhìn thấy. Trong những trường hợp như thế mọi người thấy đập vào mắt thì người dân mới bức xúc. Còn nhiều trường hợp dân không thấy được thì khả năng tham nhũng của nó là khủng khiếp.
Bên cạnh đó, giáo sư Carl Thayer cũng nhận định việc chuyển các công ty sản xuất công nghệ quốc phòng của quân đội ra bên ngoài như ở Mỹ cũng là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên sự minh bạch về hoạt động của các công ty này hoàn toàn có thể được giải quyết một khi có ý chí chính trị.
Tôi không nghĩ là sẽ có một quyết định chính trị chia rẽ công nghệ quốc phòng khỏi quân đội tương tự như các công ty như các công ty Lockheed hay Boeing ở Mỹ và các công ty cạnh tranh nhau để lấy hợp đồng từ chính phủ. Dù là Việt Nam nhập thiết bị từ nước ngoài hay sản xuất trong nước thì đó cũng là việc của quân đội. Sự minh bạch có thể được giải quyết bằng cách công bố chi tiết hoạt động đối với mỗi công ty quốc phòng nhưng đó là một quyết định chính trị.
Cho đến lúc này vẫn chưa thấy có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam sẽ thực hiện việc chuyển toàn bộ các công ty thương mại thuần túy của quân đội ra bên ngoài. Chuyên gia Carl Thayer cho rằng việc thay đổi này là rất khó vì quân đội không muốn mất đi một nguồn thu nhập đáng kể từ các công ty thương mại, nhất là trong khi quân đội vẫn đang nắm một số phiếu đáng kể trong các cơ quan quyền lực quan trọng như Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương.
Khởi tố vụ biểu tình ở Lộc Hà, Hà Tĩnh
Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng và bắt giữ người trái pháp luật”, xảy ra tại xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà, hôm 3/4.
Hôm đó tin từ giới hoạt động nói hàng nghìn người đã biểu tình tại Ủy ban Nhân dân huyện, đòi chính quyền địa phương đối thoại, trả lời về việc họ gọi là “uy hiếp dân” và bồi thường thiệt hại trong vụ Formosa.
Công an tỉnh Hà Tĩnh trong quyết định khởi tố vụ án hình sự số 10/CSĐT-PC44 ra ngày 12/4 viết “đây là vụ việc rất nghiêm trọng, có sự tham gia đông người, tính chất phức tạp, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự” ở địa phương.
Họ cũng mô tả “hàng trăm người kéo vào các phòng làm việc, gây ngưng trệ hoạt động của chính quyền nhiều giờ”.
Cảnh sát điều tra cho hay người biểu tình “đã đánh trọng thương một chiến sỹ công an và có hành vi ngăn cản việc đưa người đi cấp cứu”.
‘Côn đồ tấn công’
Các nhà hoạt động có mặt tại hiện trường hôm 3/4 cho biết cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa cho tới khi một số kẻ mà họ nói là côn đồ “dùng gậy và gạch tấn công người dân”.
Có một “kẻ khiêu khích” đã bị đánh ngất xỉu, sau đó được xác định là công an viên.
Những người biểu tình từ hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim cũng như khu vực lân cận cầm băng rôn với khẩu hiệu “Phản đối Công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân” và “Lẽ nào vì Formosa mà giết dân thật sao?”
Thực ra các vụ biểu tình đã bắt đầu từ tuần trước đó, khi người dân Thạch Bằng đến UBND xã và nhà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đòi tiền bồi thường đã được hứa sau vụ Formosa nhưng chưa nhận được.
Vào lúc 19:30 giờ Hà Nội thứ Năm 13/4, BBC Tiếng Việt sẽ có thảo luận hàng tuần live trên Facebook BBCVietnamese về quyết định khởi tố vụ án hình sự ở Lộc Hà, mời quý vị đón theo dõi.
0 nhận xét