Mối nguy ô nhiễm đe dọa sông Cửu Long
Thứ tư, 12/04/2017 09:45
Do tác động của việc phát triển thủy điện, sử dụng nước ở các nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường… đã, đang đặt ra cho ĐBSCL những thách thức rất lớn.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có vị trí quan trọng về kinh tế, xã hội (KT-XH), bảo đảm an ninh, quốc phòng (AN-QP) đối với cả nước và là một vùng trọng điểm về phát triển kinh tế.
Đặc biệt, có tiềm năng lớn nhất để phát triển nông nghiệp nhiệt đới, sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt và xuất khẩu thủy sản; có vai trò quyết định bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tạo ra sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, thủy sản nước ta với thế giới; đem lại giá trị xuất khẩu lớn cho cả nước, mở rộng giao lưu với khu vực và thế giới, trong đó sông Cửu Long có vai trò sống còn.
Tuy nhiên, do tác động của việc phát triển thủy điện, sử dụng nước ở các nước thượng lưu, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường… đã, đang đặt ra cho ĐBSCL những thách thức rất lớn.
ĐBSCL là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mêkông, là nơi tiếp nhận toàn bộ nước từ sông Mêkông đổ về, cộng thêm lượng mưa tại chỗ, rồi sau đó chảy ra biển Đông. Đây là vùng thu nhận nguồn nước lớn nhất nước, cả từ sông và từ biển.
Nhờ nguồn nước dồi dào, khối lượng phù sa lớn, điều kiện khí hậu tương đối thuận lợi, ĐBSCL là nơi sản xuất sản lượng lương thực, thực phẩm lớn nhất nước, đóng vai trò tiên phong trong việc bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như cung ứng nguồn nông, thủy hải sản đáng kể cho thế giới.
Nguồn tài nguyên sống còn của ĐBSCL
Mỗi năm, sông Mêkông chuyển về ĐBSCL khoảng 450-475 tỷ m3 nước và tải theo khoảng 160 triệu tấn phù sa. Nếu đem chia khối lượng nước của sông Mêkông cho khoảng 20 triệu dân sống ở ĐBSCL thì mỗi người có thể nhận từ 25.000-30.000 m³ nước (gấp 5-6 lần lượng nước nội địa trung bình cho mỗi đầu người Việt Nam).
Sông Cửu Long còn mang lại một nguồn lợi cá tự nhiên rất lớn, tính trung bình có thể cung cấp khoảng 35kg cá tự nhiên/năm cho mỗi người trong vùng. Ngoài nguồn nước từ sông Cửu Long mỗi năm vùng ĐBSCL nhận một lượng mưa dao động vào khoảng 1.600-2.200mm; tổng lượng nước dưới đất dự trữ ước lượng vào khoảng 85-90 triệu m³/ngày.
Đồng bằng sông Cửu Long cung ứng tới 65% sản lượng thủy sản của cả nước.
ĐBSCL còn được xem là vùng đất ngập nước lớn nhất Việt Nam với hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học rất cao. Toàn vùng hiện có 10 khu bảo tồn đất ngập nước nổi tiếng, 2 khu bảo tồn Ramsar (Tràm Chim, Mũi Cà Mau), 2 địa danh được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới (Kiên Giang và Cà Mau).
Nhờ những yếu tố thuận lợi về đất, nước và khí hậu, ĐBSCL thực sự là vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản lớn nhất Việt Nam, đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực cho cả nước (khối lượng gạo xuất khẩu chiếm trên 90%), 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 75% sản lượng trái cây trên toàn quốc.
Ước tính, nếu không có những biến động bất lợi về nguồn tài nguyên, tiềm năng nông nghiệp của vùng ĐBSCL có khả năng cung ứng nguồn lương thực và thực phẩm bền vững cho khoảng 120-150 triệu người dân.
ĐBSCL trước những thách thức
Chính sách phát triển kinh tế quá nhanh nhưng thiếu kiểm soát, cộng thêm yếu tố gia tăng dân số khiến chất lượng nguồn nước ở ĐBSCL đang trở nên xấu hơn.
Việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng, các chất hữu cơ chưa phân hủy...
Kế hoạch phát triển lớn diện tích lúa vụ ba buộc nhiều vùng trũng ở các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long phải tăng diện tích đê bao triệt để. Trong khi đó, chất lượng nước trong các vùng đê bao triệt để khá xấu do tích tụ nhiều hóa chất nông nghiệp, do nước thải từ dân cư và không có điều kiện trao đổi với nguồn nước sạch bên ngoài.
Ngoài ra, tập quán cất nhà, họp chợ, chăn nuôi ngay bên sông, kênh, rạch; hầu hết các tỉnh, thành đều có hình thành các khu công nghiệp, khu chế biến và các nhà máy ven sông lớn nhưng chưa chú trọng xử lý nước thải công nghiệp càng làm chất lượng nước suy thoái tới mức báo động.
Nhiều khảo sát ở các trạm quan trắc môi trường cho thấy, chất lượng nước trong các kênh, rạch nhỏ đang ô nhiễm nghiêm trọng, vượt nhiều lần mức cho phép của tiêu chuẩn nguồn nước, khiến khả năng tự làm sạch nguồn nước tự nhiên bị hạn chế.
Môi trường sống nhiều loài thủy sinh bị đe dọa; hàng trăm vụ tôm, cá, các loài nhuyễn thể đột ngột chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm đã minh chứng cho thực tại rất đáng lo ngại này.
Vệc khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn tài nguyên nước mặt ở ĐBSCL đang trở thành một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Trong nông nghiệp, ĐBSCL có diện tích canh tác khoảng 3 triệu ha, nguồn nước tưới chủ yếu là nước ngọt trên sông rạch do sông Mêkông chảy đến và nước trời do mưa đem đến. Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng do phát triển tăng vụ trong trồng trọt, chăn nuôi…
Hằng năm, ĐBSCL sử dụng khoảng 2 triệu tấn phân bón hóa học, gần 500.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, có thể gây các rủi ro sự cố môi trường do sự tồn dư hóa chất độc hại trong môi trường nước.
Do tác động của việc phát triển thủy điện, sử dụng nước ở thượng lưu, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến ĐBSCL. Ảnh: M.H
Trong nuôi trồng thủy sản, toàn vùng có diện tích nuôi thủy sản nước ngọt, nước mặn trên 685.800 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, với rất nhiều mô hình canh tác khác nhau. Một điều hết sức quan tâm là, với các mô hình nuôi thâm canh càng cao, quy mô công nghiệp càng lớn thì lượng chất thải lại càng lớn và mức độ nguy hại cho môi trường nước càng nhiều.
Các nguồn chất thải sau nuôi trồng chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vẫn được thải ra các sông, kênh, rạch trong khu vực gây nên các tác động xấu đến chất lượng nước và dịch bệnh phát sinh. Trong sản xuất công nghiệp, ở ĐBSCL có trên 12.700 doanh nghiệp đang hoạt động, tác động mạnh đến các thành phần của môi trường, nhất là môi trường nước.
Đặc biệt, có 111 khu công nghiệp và cụm sản xuất công nghiệp, 119 cơ sở chế biến thủy sản với công suất 3.200 tấn/ngày… sử dụng các nguồn nước trong sản xuất chế biến đã thải ra lượng nước thải trên 47 triệu m³/năm; các đô thị và các khu dân cư thải ra 102 triệu m³/năm.
Lượng nước thải này chưa được xử lý triệt để, tiếp tục thải ra nguồn tiếp nhận là sông, kênh, rạch, làm suy giảm chất lượng nước mặt, gây nên các dịch bệnh cho nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là gây hại đến sức khỏe người dân.
Nói như PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, hiện khu vực ĐBSCL cũng như nhiều khu vực khác đang gặp nhiều khó khăn trong quản trị nguồn nước.
Trong đó, vấn đề đầu tư lớn cho công nghiệp gây ô nhiễm đã và đang là thách thức cho các dòng sông. Cùng với đó, việc thiếu cơ chế quản trị nguồn nước hữu hiệu; kinh phí cải thiện chất lượng nước sông ngòi thiếu nghiêm trọng và chưa rõ ràng, cụ thể cho chiến lược dài hạn kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đã và đang đặt nhiều nguy cơ cho việc bảo vệ nguồn nước trên các dòng sông.
Riêng về sự lo lắng trong việc chồng chéo của nhiều bộ, ngành cùng quản lý trên một dòng sông, PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết: “Một con sông rất nhiều bộ, ngành quản lý. Quản lý chung về nước sông thì do Bộ TN&MT. Còn lấy nước cho tưới tiêu thì lại là Bộ NN&PTNT. Lấy nước cho sinh hoạt thì lại là Bộ Xây dựng. Còn nếu trên sông xây dựng cảng hay bến thủy… thì lại là Bộ GT-VT. Trên một dòng sông nhiều đơn vị quản lý như thế thì sẽ có nhiều văn bản chồng chéo”…
Đồng bằng sông Cửu Long thuộc lãnh thổ Việt Nam và nằm trong lưu vực sông Mêkông. Sông Mêkông dài 4.200km, chảy qua 6 nước là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, có diện tích lưu vực 795.000km², trong đó vùng châu thổ 49.367km²
Đồng bằng sông Cửu Long là phần cuối châu thổ sông Mêkông bao gồm 13 tỉnh, thành là: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau; có diện tích tự nhiên khoảng 4.058.046ha; dân số tính đến năm 2016 trên 20 triệu người (bằng 21% dân số cả nước); mật độ 430 người/km².
0 nhận xét