Tin khắp nơi – 21/04/2017
Chuyến đi của ông Pence trấn an Đông Nam Á
Phó Tổng Thống Hoa Kỳ nhấn mạnh quan điểm của Washington về lãnh hải tranh chấp tại Biển Đông trong chuyến viếng thăm Indonesia hôm thứ Năm.
“Hoa Kỳ bảo lưu nền tảng của quyền tự do hải hành và không hành trong khu vực Biển Nam Trung Hoa và toàn bộ vùng Châu Á – Thái Bình Dương.” Ông Mike Pence nói tại cuộc họp báo cùng tổng thống Indonesia, Joko Widodo.
Nhân vật số hai của Hoa Kỳ cũng khẳng định Washington sẽ bảo đảm dòng chảy mậu dịch trong khu vực giữa lúc có nhiều quan ngại toàn cầu.
Ước tính, dòng hàng hóa mậu dịch qua lại các hải lộ Biển Đông lên đến $5 ngàn tỷ hàng năm; và lòng đại dương có trữ lượng dầu lên đến 11 tỷ thùng. Đó là chưa kể đến trữ lượng khí thiên nhiên cùng lượng cá đánh bắt chiếm đến 12% toàn cầu.
Ông Pence nói Hoa Kỳ sẽ bảo đảm dòng chảy thương mại hợp pháp, đồng thời cổ súy đối thoại ngoại giao hòa bình để giải quyết các bất đồng khu vực và toàn cầu.
Tại đây, ông Pence cũng khẳng định tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, sẽ dự hội nghị Hoa Kỳ – ASEAN và Đông Á tại Philippines; và APEC tại Việt Nam vào tháng 11 năm nay.
Sự hiện diện sắp tới của ông Trump tại Châu Á, theo lời phó tổng thống Pence, là “chỉ dấu của sự cam kết chắc chắn và không lay chuyển của Hoa Kỳ, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc mà chúng ta đã chia sẻ.”
Những phát biểu của phó tổng thống Pence, theo nhận định từ giới quan sát, giúp các nước Châu Á yên tâm hơn, sau những nỗ lực tạo sự chú ý từ ông Trump.
Xoay trục về Châu Á đã từng là chiến lược của nhiều đời tổng thống Mỹ, nhưng đến tổng thống Trump thì khựng lại. Các quốc gia Đông Nam Châu Á có cảm giác vị tân tổng thống Hoa Kỳ không xem trọng chiến lược đang được gầy dựng.
Sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực là để ngăn chặn ảnh hưởng kinh tế và quân sự Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, giới ngoại giao Châu Á đi lại như con thoi với Washington trong những ngày gần đây. Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ theo lời mời của người đồng nhiệm, Tillerson; và các ngoại trưởng khối APEC sẽ đồng loạt gặp nhau vào đầu tháng Năm.
Trong một động thái chưa có tiền lệ, các ngoại trưởng ASEAN sẽ có cuộc gặp với ngoại trưởng Hoa Kỳ, Rex Tillerson, ngay tại Washington, ngày 4 tháng Năm.
Oanh tạc cơ Nga áp sát Mỹ 4 lần trong 4 ngày
Chiến đấu cơ Nga áp sát duyên hải Alaska 4 lần trong 4 ngày vừa qua. Theo CNN dẫn lời quan chức Quốc Phòng Mỹ.
Hai vụ gần nhất xảy ra khuya thứ Tư và ngày thứ Năm; với phi cơ tuần thám duyên hải IL-38 và hai oanh tạc cơ chiến lược loại TU-95 Bear.
Chiến đấu cơ Nga từng áp sát không phận Hoa Kỳ nhưng chưa từng xâm nhập vào bên trong.
Các oanh tạc cơ Nga lần này bay vào Vùng Nhận Dạng Phòng Không Alaska, 700 hải lý phía Tây Nam Anchorage. Vẫn theo CNN.
Các chuyến bay này chưa tạo ra mối đe dọa quân sự, nhưng, theo giới chức Quốc Phòng Hoa Kỳ, phía Mỹ ghi nhận tần suất cao của các tiếp cận trong tuần này.
“Có cách duy nhất để hiểu hành động này: thông điệp chiến lược.” CNN dẫn lời quan chức Mỹ.
Đầu tuần, giới chức Quốc Phòng Hoa Kỳ mô tả các vụ tiếp cận của oanh tạc cơ Nga là “không có gì bất thường” – khái niệm mà cả 2 phía Nga – Mỹ cùng chấp nhận, nằm giữa một sự phô trương quân sự thường lệ và sự leo thang gây hấn.
Hôm thứ Hai, các phi cơ chiến đấu F-22 của Không Quân Mỹ bay chặn hai oanh tạc cơ Nga trong không phận quốc tế, cách đảo Kodiak, Alaska, khoảng 100 dặm.
Chưa đầy 24 giờ sau, phi cơ thám thính Mỹ lại nhìn thấy hai phi cơ Nga trong cùng khu vực, cách Alaska 41 dặm.
Hoa Kỳ cũng vẫn thường tiến hành các phi vụ tương tự dọc bờ biển Trung Quốc và Nga.
PTT Pence sang Australia bàn về thương mại, an ninh
Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence sẽ tới Australia trễ hơn trong ngày thứ Sáu 21/4. Trọng tâm của chuyến đi dự kiến sẽ tập trung vào vấn đề an ninh khu vực và thương mại.
Ông Mike Pence được các giới chức Úc đánh giá là một nhân vật “điềm tĩnh và có cân nhắc” hiện diện trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phó Tổng thống Pence đang thực hiện chuyến công du sang thăm Châu Á để trấn an các đồng minh về cam kết của Washington đối với khu vực dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump. Tại Australia, ông Pence sẽ được đón tiếp như một người bạn.
Các cuộc thảo luận về vấn đề thương mại theo trông đợi sẽ là một phần chủ yếu của chuyến thăm của ông Pence, kể cả làm thế nào dỡ bỏ nốt những rào cản thương mại giữa Úc và Hoa Kỳ, nước đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Australia. Kim ngạch mậu dịch hai chiều vượt ngưỡng 41 tỉ đôla.
Giáo sư Fariborz Moshirian là Giám Đốc Viện Tài chính Toàn cầu tại Đại học Tài chính New South Wales ở Sydney. Ông nhận định:
“Australia và Hoa Kỳ có một mối quan hệ doanh thương mật thiết. Hai nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do song phương, và lẽ dĩ nhiên một trong những điểm chủ yếu có thể được nêu lên là làm cách nào đê củng cố thương mại tự do giữa hai nước, cũng như trong nội bộ khu vực.”
Quyết định của Tổng thống Trump huỷ bỏ hiệp định thương mại lớn nhất của thế giới, là Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, đã gây thất vọng tại Australia, một trong khoảng 12 quốc gia đã ký hiệp định này hồi năm ngoái.
Tổng thống Trump cho rằng hiệp định TPP có thể “là một thảm hoạ đối với việc làm” của giới lao động Mỹ. Giáo sư Moshirian nói các giới chức ở Canberra hy vọng rằng một số phần của hiệp định TPP vẫn có thể được hồi sinh dù là không có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Giáo sư Moshirian:
“Từ quan điểm của Australia thì huỷ bỏ TPP là điều hết sức đáng thất vọng. Nhưng cùng lúc, nước Úc và ở một chừng mực nào đó, Nhật Bản và ngay cả Mexico, giờ đang tìm cách tiếp tục cuộc đối thoại về TPP bất chấp là không có sự tham gia của Hoa Kỳ. Thế cho nên chúng ta sẽ phải chờ xem.”
Những căng thẳng liên quan tới các tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn, cũng như các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, theo dự kiến cũng sẽ được mang ra thảo luận trong chuyến công du 3 ngày của Phó Tổng thống Pence tới thăm Australia.
Canberra và Washington đã thiết lập một liên minh quân sự vững mạnh từ những năm đầu của thập niên 1950, và nhiều thế hệ lãnh đạo kế tiếp nhau của Australia đều nhấn mạnh quan hệ song phương với Hoa Kỳ là nền tảng của nền an ninh quốc gia Úc.
Phó TT Mỹ cam kết hợp tác chống khủng bố
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence hôm thứ Sáu nói vụ tấn công ở trung tâm Paris là nhắc nhở mới nhất rằng khủng bố có thể xảy ra bất cứ nơi đâu và vào bất cứ lúc nào, và Hoa Kỳ sẽ không bao giờ sờn lòng trong các nỗ lực nhằm chấm dứt khủng bố.
Ông Pence đưa ra lời phát biểu này vào lúc mở đầu cuộc thảo luận bàn tròn với các doanh nhân ở Jakarta, Indonesia, nơi ông vừa kết thúc chuyến đi hai ngày tới thăm quốc gia có nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Phó tổng thống Hoa Kỳ nói:
“Đây chỉ là lời nhắc nhở mới nhất rằng khủng bố có thể tấn công bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào. Điều mà tất cả người dân Indonesia và Hoa Kỳ đã biết quá rõ. Trực diện với cái ác tày đình này, Tổng thống Trump hôm qua đã nói và tôi xin trích lời ông: ‘Chúng ta phải mạnh mẽ lên và chúng ta phải thật cảnh giác’. Hôm nay, chúng ta xin chia buồn và cầu nguyện cho người dân Paris, thành phố Paris. Chúng ta sẽ nghĩ đến người dân Pháp hôm nay. Và người dân Indonesia có thể tự tin sau vụ tấn công mới nhất này. Chúng tôi sẽ không sờn lòng trong nỗ lực nhằm chấm dứt chủ nghĩa khủng bố và mối đe dọa do nó gây ra cho cả hai dân tộc chúng ta. Tôi cam kết với các bạn sự hợp tác không ngừng của chúng tôi trong việc chống lại khủng bố trong thế giới đầy bất ổn mà chúng ta đang sống”.
Một cảnh sát Pháp đã bị bắn chết và hai người khác bị thương khuya hôm thứ Năm trong một cuộc tấn công xảy ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
Tổng thống Francois Hollande nói ông tin chắc rằng “vụ giết người hèn hạ” trên Đại lộ Champs Elysees là một hành động khủng bố.
Nhà nước Hồi giáo đã lên mạng tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công trên.
Tại Washington, Tổng thống Donald Trump gửi lời chia buồn với nhân dân Pháp. Ông gọi cuộc tấn công là “một điều khủng khiếp” và nói đây là một ví dụ khác về loại bạo lực “không bao giờ kết thúc”.
Pháp vẫn còn chịu tác động bởi một loạt vụ tấn công khủng bố do thành phần Hồi giáo cực đoan thực hiện trong hai năm qua, giết chết tổng cộng hơn 200 người.
Thêm tin tức Nga có kế hoạch làm ‘chệnh hướng bầu cử 2016’
Một cơ quan nghiên cứu của chính phủ Nga, dưới sự kiểm soát của Tổng thống Vladimir Putin, vạch kế hoạch chuyển hướng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 có lợi cho ông Donald Trump và phá hoại lòng tin của cử tri về hệ thống bầu cử Mỹ. Ba giới chức đang làm việc và bốn cựu giới chức Mỹ nói với Reuters.
Những người này mô tả hai tài liệu mật của cơ quan nghiên cứu đưa ra khung làm việc và cơ sở hợp lý các cơ quan tình báo Mỹ, đã kết luận là đã có một nỗ lực vượt bực của Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 năm ngoái. Các giới chức tình báo có được tài liệu do Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga, trụ sở tại Moscow, soạn thảo, sau cuộc bầu cử.
Viện do một giới chức tình báo quốc ngoại cao cấp của Nga hồi hưu, được văn phòng tổng thống Putin bổ nhiệm, điều hành.
Tài liệu thứ nhất của Viện là một văn bản chiến lược được soạn thảo vào tháng 6 năm ngoái, được luân lưu ở cấp cao nhất trong chính phủ Nga nhưng không đề cập đến cá nhân nào rõ rệt.
Bảy giới chức này nói tài liệu đề nghị Điện Kremlin mở chiến dịch tuyên truyền trên truyền thông xã hội và những hãng tin trên thế giới do nhà nước Nga yểm trợ, khuyến khích cử tri Mỹ bỏ phiếu cho một tổng thống có lập trường mềm mỏng với Nga hơn là chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
Bảy giới chức này nói tiếp, tài liệu thứ hai được soạn thảo vào tháng 10 năm ngoái và được phân phối cùng một cách thức, cảnh báo là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, Hillary Clinton, chắn chắn thắng cử. Và vì lý do đó, tốt hơn hết đối với Nga là chấm dứt tuyên truyền thiên về phía ông Trump và thay vào đó tăng cường các tin tức liên hệ đến gian lận cử tri để phá hoại tính chính đáng của hệ thống bầu cử Mỹ và làm tổn thương uy tín của bà Clinton trong nỗ lực làm bà thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống.
Bảy giới chức Mỹ này cho biết tin với điều kiện ẩn danh vì tình trạng bí mật của tài liệu. Họ cũng từ chối thảo luận làm cách nào Hoa Kỳ có được những tài liệu này. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng từ chối bình luận.
Tổng thống Putin phủ nhận có can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Phát ngôn viên của ông Putin và Viện nghiên cứu của Nga không trả lời khi được yêu cầu bình luận.
Di Dân Không Giấy Tờ trong danh sách ‘2017 Time 100’
Jeanette Vizguerra, một phụ nữ Mexico tránh bị chính phủ Mỹ trục xuất, đã tìm nơi an toàn tại căn hầm của một nhà thờ ở Denver, Colorado vào giữa tháng Hai vừa qua.
Tuần này bà khai thuế liên bang.
Ngày thứ Năm, 20 tháng 4, bà có tên trong danh sách 2017 TIME 100 — Đây là danh sách hàng năm của tạp chí TIME, liệt kê 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Trong một cuộc họp báo tại Hội Thánh First Unitarian – nơi bà Vizguerra sống để tránh bị các giới chức di trú bắt và trục xuất, và qua một thông dịch viên, bà nói “phần thưởng này, hy vọng là giúp chúng tôi, những người không giấy tờ hợp lệ, xóa bỏ những nhãn hiệu gán cho chúng tôi là tội phạm và không đóng góp được gì cả.”
Bà Vizguerra nói “đây là cuộc hành trình 20 năm. Một cuộc hành trình 20 năm để xây dựng đối tác, thành lập những không gian, mở những phong trào mới và mở những cánh cửa mới.”
Toán pháp lý của bà nói câu chuyện của bà được nhiều người biết đến. Tin cho biết bà bị cảnh sát chặn lại vào năm 2009 vì lái xe với một bảng số đăng ký đã hết hạn. Bà bị bắt vì xuất trình giấy tờ giả và bị tù 23 ngày.
Bà Julie Gonzales, đại diện pháp lý của bà Vizguerra, nói với nhật báo Los Angeles Times là thân chủ của bà đã nhận tội vì dùng giấy tờ giả.
Kể từ đó bà bị đặt trong tiến trình bị trục xuất. Trong quá khứ, bà trình diện các giới chức di trú nhiều lần, nhưng sau khi một tổng thống mới được bầu và thấy những người khác trình diện bị trục xuất, bà quyết định tìm nơi cư trú trong một nhà thờ.
Theo hướng dẫn của Cơ quan Di trú và Thực thi Hải quan của Mỹ, ICE, những nơi như trường học, bệnh viện, nhà thờ, đền thờ Do Thái Giáo và Hồi Giáo được xem là những nơi nhạy cảm, có nghĩa là cơ quan này vẫn theo tập tục không vào để bắt người sống trong đó.
Tin tức cho biết, bà Vizguerra rời nước Mỹ vào năm 2012 để thăm mẹ nhưng mẹ bà đã chết trước khi bà về đến nhà. Khi bà trở lại Colorado, bà bị bắt vì vào nước Mỹ bất hợp pháp.
Bà bị giam lần nữa, nhận tội và được thả nhưng phải trình diện giới chức điều tra. Tuy nhiên, theo sắc lệnh hành pháp về di trú của Tổng thống Donald Trump, bà là người ưu tiên bị trục xuất.
Lệnh được ký vào tháng Giêng năm nay, qui định di dân bất hợp pháp với án hình sự đang chờ xét xử, ưu tiên bị trục xuất dù được tòa xét thấy có tội hay không.
Cựu Tổng thống Barack Obama đặt ưu tiên trục xuất những người bị kết án về các tội nặng.
Tiểu sử của bà Vizguerra đăng trên trang mạng của tạp chí TIME do bà America Ferrera viết. Bà Ferrera là một diễn viên và nhà hoạt động, bà mô tả bà mẹ có 4 con khác với những lời lẽ được dùng trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống năm ngoái.
Bà Ferrera viết: “Chính quyền hiện nay đã đem di dân làm dê tế thần, làm cho người Mỹ sợ hãi tin rằng những người không giấy tờ hợp lệ như bà Janette là tội phạm. Bà đến nước này không phải để hiếp dâm, giết người hay bán ma túy, mà để tạo dựng một đời sống tốt đẹp hơn cho gia đình bà. Bà đã đổ máu, đổ mồ hôi và nước mắt để trở thành chủ nhân, cố gắng để cho các con bà nhiều cơ hội hơn bà. Đây không phải là một tội phạm. Đây là Giấc Mơ Mỹ.
Bà Vizguerra từ Mexico đến Mỹ vào năm 1997 với chồng và cô con gái lớn. Bà làm việc quét dọn nhà cửa và tổ chức công đoàn. Bà cũng là người sáng lập Liên minh Cư trú An toàn vùng Denver.
Bà Ferrera viết: “Bà Jeanette đến Mỹ để làm công việc quét dọn nhà cửa, và là một người tổ chức công đoàn năng động và mở một công ty của riêng bà trước khi trở thành một người tích cực vận động cải cách di trú, một việc làm táo bạo và gặp nhiều rủi ro đối với di dân bất hợp pháp như bà.”
Con gái bà được bảo vệ không bị trục xuất theo chương trình Hoãn Hành động Đối với di dân đến Mỹ khi còn là trẻ em, được ban hành dưới thời tổng thống Obama. Bà cũng có 3 con sanh tại Mỹ, tất cả đều dưới tuổi 12.
Bà Vizguerra nói không hy vọng được tặng thưởng, bà không biết sự công nhận này có giúp được gì cho trường hợp của bà hay không, và cũng không hy vọng gì cả từ phần thưởng này. Tuy nhiên bà hy vọng việc này khuyến khích mọi người suy nghĩ cách khác và sâu rộng hơn về những nhãn hiệu gán cho cộng đồng di dân bất hợp pháp.
Bà nói: “Phần thưởng này không thay đổi gì cả. Tôi vẫn cam kết tranh đấu… dù tôi có giấy tờ hay không.”
Tổng Giám Đốc IMF tin vào hợp tác với chính quyền Trump
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế nói bà “có lý do vững chắc để tin” là cơ quan cho vay toàn cầu này có thể hợp tác với chính quyền ông Trump để hỗ trợ và tăng tiến mậu dịch thế giới.
Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, phát biểu tại Washington vào lúc các giới chức kinh tế và chính trị toàn thế giới gặp nhau để dự hội nghị trong tuần này của IMF và Ngân hàng Thế giới.
Ứng cử viên Donald Trump trước đây từng đổ lỗi cho điều ông gọi là mậu dịch không công bằng làm cho mất nhiều việc làm tại Mỹ và ông đề nghị tăng thuế đối với hàng nhập khẩu. Tổng thống Trump mới đây ký lệnh giúp cho các công ty Mỹ bán hàng cho chính phủ Mỹ, và chỉ trích kịch liệt chính sách di trú.
Bà Lagarde nói thương mại là “cột trụ” của thịnh vượng. Bà cam kết tiếp tục ủng hộ tăng trưởng mậu dịch, tìm những phương cách để mậu dịch hữu hiệu và công bằng hơn và chống lại các biện pháp bảo hộ mậu dịch.
Bà Lagarde nói kinh tế toàn cầu “đang có đà tiến,” vì những chính sách “nhạy cảm” tại nhiều nước. Phát biểu trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Jim Young Kim, nói ông “được khích lệ” khi thấy viễn ảnh kinh tế mạnh mẽ hơn sau nhiều năm tăng trưởng toàn cầu gây nhiều “thất vọng.” Ông nói tăng trưởng bị chậm lại vì xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng người tị nạn tệ hại nhất kể từ Thế Chiến Hai, và đói kém tại một số khu vực.
Nhóm chiến hạm Mỹ nay hướng đến Bán đảo Triều Tiên
Các giới chức Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư bác bỏ cáo buộc cho rằng thông báo về vị trí của nhóm hàng không mẫu hạm tác chiến của Mỹ là lừa dối. Nhóm chiến hạm này trước đó được cho là sẽ đến bán đảo Triều Tiên, nhưng thực tế lại di chuyển theo hướng ngược lại.
Việc Mỹ điều nhóm chiến hạm đến khu vực là để cho thấy quyết tâm của Washington trước những đe dọa từ Bắc Triều Tiên của lãnh tụ Kim Jong Un.
Nhưng ngược lại, diễn biến này đã gây ra thêm một vu tranh cãi chính trị ở Washington, lần này mang những yếu tố quốc tế.
Sự việc bắt đầu hồi tuần trước, khi quân đội Mỹ ra thông báo nói rằng họ “điều nhóm tàu sân bay Carl Vinson” từ Singapore “về hướng bắc” nhắm đến bán đảo Triều Tiên.
Một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis giải thích các lý do cơ bản đưa đến quyết định này:
“Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tự do di chuyển ở mọi nơi trên Thái Bình Dương. Tàu Carl Vinson trên đường hướng lên phía bắc, nơi chúng tôi cho rằng sự có mặt của hàng không mẫu hạm Carl Vinson là cần thiết vào thời điểm này.”
Truyền thông báo chí hiểu thông báo đó có nghĩa là nhóm chiến hạm này trực chỉ Bán đảo Triều Tiên.
Ám chỉ đó càng được củng cố bởi phát biểu của Tổng thống Donald Trump trong cùng ngày tại cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Fox Business.
Ông Trump nói: “Chúng tôi phái đi một nhóm chiến hạm rất mạnh. Nhóm chiến hạm có tàu ngầm rất mạnh.”
Vấn đề đã nổi lên khoảng hơn một tuần sau khi nhóm chiến hạm này đi theo hướng ngược lại, rời xa Bán đảo Triều Tiên khoảng 5.000 kilômét.
Hôm thứ Tư, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer đã biện minh cho chuyện bày và bác bỏ việc Tổng thống Trump đánh lừa dư luận.
Ông Spicer nói: “Tổng thống nói rằng chúng tôi điều một hạm đội về hướng bán đảo Triều Tiên. Đó là sự thật. Việc đó đã diễn ra và vẫn đang diễn ra.”
Phát ngôn viên Spicer thay vào đó đã đổ lỗi cho các phóng viên báo chí rằng đáng lẽ họ đã phải xác nhận thông tin đó với Ngũ giác đài:
“Quý vị hỏi tại sao tôi không biết vấn đề này rõ hơn. Tôi không biết. Đó là chuyện lẽ ra cần phải hỏi bên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) hoặc bên Bộ Quốc phòng.”
Trong khi đó, các giới chức Ngũ giác đài xác nhận rằng hàng không mẫu hạm cuối cùng đã đi về hướng Bán đảo Triều Tiên, và có thể sẽ đến nơi trước cuối tháng này.
Phi thuyền Soyuz kết nối với Trạm Không Gian Quốc Tế
Một phi thuyền không gian loại Soyuz đã kết nối với Trạm Không Gian Quốc Tế, chở theo một phi hành gia người Mỹ lần đầu bay vào vũ trụ và một phi hành gia kỳ cựu người Nga.
Phi thuyền chở hai ông Jack Fischer và Fyodor Yurchikhin rời khỏi bệ phóng vệ tinh Baikonur của Nga để thực hiện sứ mệnh 4 tháng trên quỹ đạo. Theo kế hoạch, hai người sẽ đến Trạm Không Gian Quốc Tế sau sáu giờ bay.
Ông Fischer và ông Yurchikhin sẽ gặp nữ phi hành gia người Mỹ, Peggy Whitson, nhà du hành vũ trụ người Nga, Oleg Novitskiy, và ông Thomas Pesquet, người Pháp.
Bà Whitson là chỉ huy trưởng ISS hiện tại, vào thứ Hai tới sẽ chính thức lập kỷ lục Mỹ về thời gian bay nhiều ngày nhất trong quỹ đạo, bà sẽ phá vỡ kỷ lục hiện tại là 534 ngày.
Bà sẽ trở lại trái đất vào tháng 9 cùng Fischer và Yurchikhin.
Tillerson: ‘Iran là mối đe dọa khu vực và thế giới’
Phóng viên VOA Zlatica Hoke VOA có thêm chi tiết sau đây.
Chính quyền ông Trump đang lưu ý Iran, lên tiếng thông báo rằng Mỹ đang tiến hành xem xét lại chính sách đối với Iran do Tehran đang tạo mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh toàn cầu.
Ngoại trưởng Rex Tillerson nói:
“Iran là nhà tài trợ hàng đầu thế giới cho chủ nghĩa khủng bố và chịu trách nhiệm về việc châm ngòi đa xung đột và phá hoại lợi ích của Hoa Kỳ tại các quốc gia như Syria, Yemen, Iraq và Libăng, và tiếp tục hỗ trợ các cuộc tấn công chống lại Israel.”
Ông Tillerson nói nếu không được kiểm soát, những tham vọng hạt nhân của Iran có thể trở nên nguy hiểm đối với thế giới giống như tham vọng của Bắc Triều Tiên.
“Với lần thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung gần đây nhất, sự tiếp diễn việc phát triển và gia tăng vũ khí hạt nhân của Iran vẫn đang đi ngược lại Nghị Quyết 2231 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” Vẫn lời ông Tillerson.
Năm 2015, Tehran ký thỏa thuận với Hoa Kỳ và năm quốc gia khác, cam kết ngưng chương trình phát triển hạt nhân được xóa bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Tổng thống Donald Trump luôn coi trọng thỏa thuận, dù gọi đó là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán”.
Nhưng ông Tillerson cho biết thỏa thuận này chưa có tác dụng loại bỏ mối đe dọa hạt nhân của Iran:
“Đây là một ví dụ khác về việc mua chuộc một quốc gia có tham vọng hạt nhân. Chúng tôi mua chuộc họ trong một khoảng thời gian ngắn thôi và sau đó một quốc gia nào đó sẽ phải theo sát việc này.”
“Đây là một ví dụ khác về việc mua chuộc một quốc gia có tham vọng hạt nhân. Chúng tôi mua chuộc họ trong một khoảng thời gian ngắn thôi và sau đó một quốc gia nào đó sẽ phải theo sát việc này.”
Ông Tillerson cho biết thỏa thuận này hoàn toàn bỏ sót các mối đe dọa khác mà Tehran đặt ra cho khu vực và thế giới.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng chính quyền ông Trump sẽ xem xét các mối nguy hiểm tiềm ẩn từ Iran một cách toàn diện và sẽ áp dụng giải pháp triệt nhằm loại bỏ mối nguy hiểm này. Tuy nhiên, ông không nói những biện pháp có thể được thực hiện là gì.
Một số nhà lập pháp Mỹ chỉ trích việc xóa bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran. Nhưng các nhà phân tích nói rằng nếu Hoa Kỳ tái áp dụng các lệnh trừng phạt này thì Washington lại vi phạm một thỏa thuận quốc tế.
TT Trump – 100 ngày:
FBI, Quốc Hội điều tra sự can thiệp của Nga
Sự tập trung vào dấu mốc 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đã bị phân tán vì nhiều cuộc điều tra về hành động can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong số những câu hỏi mà các cơ quan thi hành công lực và Quốc hội Mỹ muốn được giải đáp gồm có: liệu chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow hay không?
Ngày 10 tháng 1: Các viên chức tình báo hàng đầu Hoa Kỳ lần đầu tiên ra điều trần về các nỗ lực của Nga nhằm phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái.
Cựu Giám Đốc Tình báo quốc gia James Clapper:
“Chúng tôi tin chắc rằng Tổng thống Putin vào năm 2016 đã ra lệnh tiến hành một chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Mục đích của chiến dịch này là làm suy yếu niềm tin của công chúng vào tiến trình dân chủ của Hoa Kỳ, bôi nhọ Ngoại trưởng Hillary Clinton và làm tổn hại đến triển vọng bầu cử của bà, và trong trường hợp bà đắc cử, phương hại đến nhiệm kỳ Tổng thống của bà. Ông Putin và chính phủ Nga cũng dần dà nhen nhúm ý tưởng muốn thấy ông Trump đắc cử”.
Đấy là những lời tố cáo quan trọng nhưng không mang lại giải đáp trong một trong các vụ bê bối chính trị lớn nhất từng làm rúng động Washington trong nhiều năm qua.
Tiếp theo đó là nhiều tuần lễ với những diễn tiến liên tục tới chóng mặt: cố vấn an ninh quốc gia của Trump từ chức, Bộ trưởng Tư pháp, rồi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện rút ra khỏi cuộc điều tra.
Tiếp theo đó Giám đốc FBI cuối cùng thừa nhận công khai điều mà nhiều người đã đồn đoán trong nhiều tuần lễ: FBI đã bắt đầu điều tra vai trò của Nga từ tháng 7 năm ngoái.
Giám Đốc FBI James Comey phát biểu:
“Tôi đã được Bộ Tư pháp cho phép xác nhận rằng FBI đang điều tra những âm mưu của chính phủ Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 – như một phần trong sứ mệnh phản gián của chúng tôi. Cuộc điều tra bao gồm việc tìm hiểu bản chất của bất kỳ mối liên kết nào giữa các cá nhân tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump với chính phủ Nga”.
Như trong bất kỳ cuộc điều tra phản gián nào, FBI muốn biết liệu có bất cứ tội hình sự nào đã xảy ra hay không.
Ông Trump khẳng định các cáo buộc liên quan tới sự can thiệp của Nga là một tin “giả mạo”, đồng thời nói vụ bê bối thực sự là chính quyền của Tổng Thống Obama đã theo dõi ông và các cộng sự của ông trong chiến dịch tranh cử.
Tổng thống Trump nói:
“Tất cả đều là những tin giả mạo. Tin giả mạo.”
Ông Richard Ben-Veniste, cựu công tố viên trong vụ tai tiếng Watergate, cho hay cuộc điều tra liên quan tới ông Trump khá nghiêm trọng.
“Vụ này nêu bật những yếu điểm của nền dân chủ của chúng ta cũng như của các nền dân chủ khác trên khắp thế giới trong việc đối phó với những hành động can thiệp thông qua hacking, tung tin thất thiệt và các hình thức gây gián đoạn khác mà chúng ta phải đề phòng.”
Các nhà lập pháp Mỹ nói họ muốn biết sự thật cho dù có mất bao nhiêu thời gian đi chăng nữa.
Chủ tịch Uỷ ban Tình báo Thượng viện Richard Burr:
“Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi không thể nói hết về nhiệm vụ của ủy ban tình báo Thượng viện, là xem xét tất cả các hoạt động mà Nga có thể đã thực hiện nhằm thay đổi hoặc ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử năm 2016 ở Hoa Kỳ”.
Ủy ban Tình báo Thượng viện là một trong năm uỷ ban đã xem xét hành động can thiệp của Nga.
Người ta quay sang chú ý tới uỷ ban này sau khi Chủ tịch uỷ ban tình báo Hạ viện Devin Nunes, người dẫn đầu các cuộc điều tra vào vai trò của Nga, rút lui giữa những lời cáo buộc về việc rò rỉ tài liệu mật.
Để tìm câu trả lời, bảy chuyên gia của uỷ ban -đặc biệt được phép tham khảo tài liệu tối mật, bỏ công ra nghiên cứu hàng ngàn tài liệu tình báo mật. Uỷ ban dự định sẽ thẩm vấn ông Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn cao cấp của Tổng thống Trump, trong số ít nhất 20 nhân chứng được yêu cầu xuất hiện trước uỷ ban.
Các cuộc điều tra của FBI được thực hiện từ hai văn phòng ở hiện trường và trụ sở chính của FBI ở thủ đô Washington.
Để phối hợp các cuộc điều tra, tin cho hay FBI đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm ở Washington.
Trao đổi với VOA, FBI từ chối bình luận.
Được hỏi các cuộc điều tra như thế này thông thường kéo dài bao lâu, Giám đốc FBI James Comey hồi tháng trước trả lời:
“Không có chuyện thông thường ở đây. Thật tình mà nói, không thể nào trả lời câu hỏi này.”
Tuy nhiên, theo cựu công tố viên vụ bê bối Watergate Ben-Veniste, cuộc điều tra có thể sẽ kéo dài một thời gian dài nữa trong năm tới.
“Điều đó phụ thuộc vào mức độ hợp tác của các nhân chứng, các thông tin thu thập bằng những phương tiện điện tử khác nhau có khả năng mang nhiều thông tin hứa hẹn cho các điều tra viên …. nhưng điều chắc chắn là, cuộc điều tra sẽ không kết thúc trong một vài tháng”.
So sánh với cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cuộc điều tra vào vụ tai tiếng Watergate trong những năm đầu của thập niên 1970 kéo dài hai năm, và cuộc điều tra vụ tai tiếng Iran Contra trong những năm 1980 kéo dài tới 6 năm.
Nga bác tin tăng viện gần biên giới Bắc Triều Tiên
Quân đội Nga nói không xây dựng lực lượng ở gần biên giới Bắc Triều Tiên, phủ nhận thông tin đã đưa trên truyền thông trước đó. Thông tấn Nga dẫn lời phát ngôn quân đội ngày 21 tháng Tư.
Trước đó, truyền thông Nga dẫn nguồn cư dân địa phương cho biết họ trông thấy các thiết bị quân sự đang được chuyển về hướng Bắc Triều Tiên trong khi căng thẳng với Hoa Kỳ về chương trình hạt nhân đang leo thang.
Ông Alexander Gordeyev, người phát ngôn của quân khu miền Đông của Nga, nói: “Đây hoàn toàn là cuộc tập trận quân sự đã lên kế hoạch trước, không hề liên quan đến chính trị”.
Ông nói thiết bị mà mọi người nhìn thấy đang được vận chuyển trở lại các căn cứ nơi được lắp đặt vĩnh viễn sau khi kết thúc tập trận.
Bắc Hàn, khúc xương khó nuốt trong bầu cử Nam Hàn
Tuần này, các ứng viên tổng thống Hàn Quốc tranh luận về cách điều phối mối quan hệ với đồng minh Mỹ, cũng như cách đối phó với những căng thẳng đang gia tăng về mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn.
Bầu cử tổng thống Hàn Quốc, dự kiến diễn ra vào ngày 9/5, bất ngờ xảy ra do cựu Tổng thống Park Geun-hye bị luận tối với cáo buộc dính vào vụ tai tiếng tham nhũng trị giá nhiều triệu đô la. Bà Park hiện đang bị bắt và đã bị truy tố hình sự vì nhận hối lộ.
Trong một cuộc tranh luận tổng thống ở Seoul vào hôm thứ Tư, 19/4, các ứng cử viên lớn của đảng đã chỉ ra rằng Hàn Quốc có thể làm gì để giải quyết sự bất ổn giữa việc phát triển vũ trang hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và những lời cảnh báo liên tục của chính quyền Mỹ rằng Washington sẽ đơn phương xem xét việc sử dụng quân đội chống lại một hành động khiêu khích đe dọa an ninh Hoa Kỳ của chính quyền Bình Nhưỡng.
Sau cuộc luận tội của bà Park thuộc phe bảo thủ, hai đối thủ là ứng viên tổng thống hàng đầu trong các cuộc thăm dò dư luận đều là những người ủng hộ phe tự do muốn tăng cường đối thoại với Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Moon Jae-in, ứng viên nổi trội của Đảng Dân Chủ, nhấn mạnh sự ủng hộ của ông đối với các biện pháp chế tài khắc nghiệt chống lại Bình Nhưỡng và liên minh quân sự mạnh mẽ với Hoa Kỳ, và nói bất kỳ sự khác biệt so với chính sách Hoa Kỳ có thể được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao mang tính xây dựng.
Tất cả các ứng viên, cả tự do và bảo thủ, đều đồng ý với chính quyền Trump rằng Trung Quốc phải tăng áp lực lên đồng minh Bình Nhưỡng, nước phụ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc. Nhưng các ứng viên có mục đích khác nhau về việc gia tăng các lệnh trừng phạt đối với lãnh đạo Kim Jong Un.
Các ứng viên hàng đầu của Nam Hàn ủng hộ các lệnh trừng phạt như là cách để thuyết phục Bắc Hàn tiến hành các cuộc đàm phán đa phương để có thể tăng cường viện trợ phát triển, đầu tư đổi lấy sự nhượng bộ hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nhà phân tích Đông Bắc Á, Daniel Pinkston, thuộc Đại Học Troy ở Seoul, nói rằng dù có bất cứ sự khác biệt nào có thể nảy sinh giữa một chính phủ thiên về cánh tả ở Seoul và những nhà lãnh đạo cứng rắn tại thủ đô Washington, đồng minh lâu năm của Hàn Quốc, cũng sẽ được tiếp tục thống nhất bởi các lợi ích chung và một kẻ thù chung.
Pháp cảnh báo:
các phần tử thánh chiến Hồi giáo âm mưu phá bầu cử
Các giới chức cấp cao của Pháp nói vụ nổ súng hôm thứ Năm ở Paris và một âm mưu tấn công bị cảnh sát phá vỡ ở Marseilles hồi đầu tuần là một phần của mưu đồ gây ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử sắp tới của Pháp.
Giới hữu trách lo rằng sẽ có thêm các vụ khủng bố đang được hoạch định, và có thể có tấn công khủng bố trong ngày bầu cử.
Ông Thibault de Montbrial, cựu giám đốc Trung tâm Phân tích và Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Pháp, nói với nhật báo Le Figaro rằng “bọn chúng muốn gây ảnh hưởng đến đời sống chính trị của Pháp bằng cách tấn công trực tiếp vào sinh hoạt chính trị hoặc vào tổ chức của cuộc bầu cử.”
Giới hữu trách Pháp cho hay hung thủ, mà bộ phận tin tức Amaq của nhóm Nhà nước Hồi giáo nhanh chóng loan tin tên là Abu Yousif al-Bajiki, người Bỉ, dùng tiểu liên Kalashnikov (súng AK) bắn vào một xe cảnh sát đang đậu trên đại lộ Champs-Élysées. Ba cảnh sát viên và một du khách bị trúng đạn trong vụ tấn công xảy ra bên ngoài cửa hàng quần áo Marks and Spencer.
Hung thủ bị cảnh sát bắn chết khi đang tìm cách tẩu thoát. Một cảnh sát viên thiệt mạng tại hiện trường. Những người chứng kiến kể lại rằng nhân viên cảnh sát bị bắn chết khi đang ngồi trong chiếc xe đậu tại một chốt đèn giao thông. Hung thủ vượt qua một chiếc xe ở cạnh đó và nổ súng nhắm thẳng vào chiếc xe an ninh.
Một người phát ngôn của bộ an ninh nội địa Pháp nói rằng có hơn một kẻ tấn công tham gia trong vụ này và chúng “cố tình nhắm mục tiêu vào cảnh sát.” Một nghi can thứ hai đã ra đầu thú với nhà cầm quyền hôm thứ Sáu tại thị trấn Antwerp bên Bỉ.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã họp khẩn cấp với các cố vấn cấp cao và trưởng ngành an ninh hôm thứ Sáu để bàn về kế hoạch bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử vào ngày Chủ nhật này. Nhà lãnh đạo Pháp sau đó nói với các phóng viên báo chí rằng “cả nước sẽ truy điệu cảnh sát viên bị sát hại bằng cách đê hèn này.”
Chuyên gia chống khủng bố Oliver Guitta người Anh nói với đài VOA rằng nhóm Nhà nước Hồi giáo nhanh chóng một cách bất thường tuyên bố đã thực hiện vụ tấn công dường như là dấu hiệu cho thấy vụ nổ súng này không phải được gợi hứng bởi nhóm khủng bố đó mà chính Nhà nước Hồi giáo đã âm mưu thực hiện.
Ông Guitta, giám đốc tổ chức tư vấn rủi ro GlobalStrat có trụ sở ở London, nhận định tiếp rằng: “Khả năng sẽ xảy ra thêm các vụ tấn công trong cuộc bầu cử ở Pháp là rất cao.”
Vụ nổ súng xảy ra vào lúc 11 ứng cử viên tranh chức tổng thống đang tranh luận trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia Pháp. Một số nhà phân tích chính trị dự đoán rằng vụ tấn công có thể làm tăng vị thế cho bà Marine Le Pen, ứng cử viên theo chủ trương dân túy cực hữu với quan điểm cho rằng di dân đe dọa an ninh và văn hóa của Pháp.
Đối thủ của bà Le Pen nói rằng các phần tử thánh chiến Hồi giáo muốn bà chiến thắng, và cáo buộc chính sách chống di dân cứng rắn của bà sẽ giúp các nhóm cực đoan như Nhà nước Hồi giáo chiêu dụ người. Những người ủng hộ bà Le Pen bác bỏ những lập luận đó.
Trong cuộc tranh luận, bà Le Pen, người đạt được vị trí cao nhất trong các cuộc thăm dò dư luận về vòng đầu của cuộc bầu cử vào Chủ nhật tới, đã nhấn mạnh quan điểm kiên quyết của bà kêu gọi Pháp rút khỏi hiệp ước đi lại tự do Schengen và thiết đặt kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn.
Bà Le Pen nói: “Dòng di dân ồ ạt đang ở trước mặt chúng ta. Phải kiểm soát biên giới, bằng không chúng ta không thể ngăn chặn được làn sóng này.”
Trong lúc tin tức vụ tấn công lan truyền, các ứng cử viên hình như tìm cách công kích nhau về mức độ cứng rắn của các đề nghị bảo vệ nước Pháp trước các mối đe dọa khủng bố. Bà Le Pen nói: “Phải chấm dứt tình trạng sao lãng. Phải chấm dứt tình trạng ngây thơ.” Trong khi đó, ứng cử viên Francois Fillon của phe bảo thủ đề nghị bắt hàng trăm nghi can nổi dậy có tên trên danh sách cần theo dõi, giống như hung thủ trong vụ tấn công hôm thứ Năm.
Các nhà thăm dò dư luận nhiều tuần qua nói rằng cuộc đua tranh chức tổng thống Pháp sẽ diễn ra quyết liệt giữa bốn ứng cử viên hàng đầu, đó là bà Le Pen, ông Fillon, ông Emmanuel Macron, người theo chủ trương trung hữu và thân EU, và ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Melenchon. Các nhà phân tích nói rằng một sự kiện lớn xảy ra vào phút cuối có thể làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử.
Ông Macron, một cựu bộ trưởng kinh tế có ít kinh nghiệm về an ninh, có luận điệu ít cứng rắn hơn so với bà Le Pen và ông Fillon trong cuộc tranh luận hôm thứ Năm. Ông cảnh báo rằng nước Pháp có thể phải sống với khủng bố trong nhiều năm nữa. Trong một cuộc thăm dò hồi giữa tuần, ông Macron hình như vượt lên dẫn trước bà Le Pen đôi chút.
Hôm thứ Ba, cảnh sát ở Marseilles bắt giữ hai người đàn ông bị tình nghi “sắp” thực hiện một vụ tấn công ở Pháp. Cảnh sát cho biết đã tìm thấy chất nổ và súng đạn trong một căn hộ có liên quan đến hai nghi can này. Các ứng cử viên tổng thống được cơ quan an ninh khuyến cáo phải tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh cho cá nhân.
Cơ quan tình báo Pháp cho hay họ tình nghi hai người đàn ông ở Marseilles, cả hai đều có sinh quán tại Pháp và khoảng trên 20 tuổi, đang âm mưu thực hiện một vụ tấn công ngay trong ngày bầu cử.
Hồi giữa tuần này, ông Macron và bà Le Pen đã đấu khẩu qua lại về các biện pháp an ninh trong các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh.
Bà Le Pen nói với đại phát thanh RFI: “Hiện nay các phần tử Hồi giáo cực đoan bảo thủ đang gây chiến và không có các biện pháp an ninh được áp dụng để ngăn chặn rủi ro.”
Ông Macron phản bác lại trên đài RTL: “Không bao giờ có chuyện không còn chút rủi ro nào. Tôi nghe bà Le Pen, hay bất cứ ai đó nói rằng họ có thể đảo ngược lại tình hình. Điều đó vừa là vô trách nhiệm vừa là một kẻ nói dối.”
Cách đây hai năm, đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen đã về nhất trong vòng một của các cuộc bầu cử khu vực diễn ra vài tuần sau các vụ tấn công khủng bố khiến 130 người thiệt mạng ở Paris năm 2015. Nhưng hình xu hướng ủng hộ đảng Mặt tận Quốc gia không kéo dài sang vòng đầu phiếu thứ hai và đảng này đã không giành được quyền kiểm soát ở bất cứ khu vực nào.
Tay súng Paris là ‘trọng tâm điều tra chống khủng bố’
Tay súng bắn chết một cảnh sát ở Paris, Pháp, hôm 20/4 được nhận diện từ các giấy tờ trong xe ông ta, nhưng giới chức Pháp chưa công bố danh tính người này.
Báo địa phương cho hay người đàn ông 39 tuổi sống ở ngoại ô Paris, và được ghi nhận là người Hồi giáo cực đoan có nguy cơ tiềm tàng.
Tay súng cũng làm bị thương hai cảnh sát trước khi bị lực lượng an ninh giết tại đại lộ Champs-Elysees.
Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ chủ trì một cuộc họp về an ninh trong bối cảnh Pháp bước vào vòng một kỳ bầu cử tổng thống hôm 23/4.
Khu vực Champs Elysees nơi xảy ra vụ nổ súng hiện đang bị phong tỏa.
Tổng thống Hollande nói ông tin rằng vụ bắn chết một cảnh sát ở giữa trung tâm Paris có liên quan tới khủng bố.
Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) nói một trong các “chiến binh” của họ đã tiến hành vụ tấn công.
Một tay súng hành động đơn lẻ đã nổ súng và sau đó bị tiêu diệt khi bỏ chạy khỏi hiện trường, cảnh sát nói.
Vụ việc xảy ra vào lúc các ứng viên tổng thống đang có những nỗ lực vận động cuối cùng trên truyền hình trước khi Pháp bước vào vòng một kỳ bầu cử tổng thống hôm Chủ Nhật tới đây.
Giới chức đã mở cuộc điều tra chống khủng bố.
“Có vẻ như các nhân viên cảnh sát là mục tiêu tấn công,” phát ngôn viên Bộ Nội vụ Pierre-Henry Brandet nói với kênh thời sự Pháp BFMTV.
Các tay súng Hồi giáo cực đoan là một vấn đề lớn trong kỳ bầu cử này. 238 người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công thánh chiến mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm kể từ 2015 tới nay, theo dữ liệu của AFP.
Do đại lộ Champs Elysees nổi danh khắp thế giới và là nơi có lượng lớn du khách tới thăm, nơi này từ lâu nay đã bị coi là một mục tiêu dễ bị tấn công, phóng viên BBC Hugh Schofield tường thuật từ thủ đô Paris của Pháp.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc họp khẩn cấp với Thủ tướng Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nội vụ Matthias Fekl.
Ông Hollande sau đó nói rằng các lực lượng an ninh được cả nước ủng hộ tối đa, và sẽ có một buổi lễ tưởng niệm được tổ chức trên toàn quốc dành cho viên cảnh sát vừa ngã xuống.
Toàn bộ đại lộ Champs Elysees đã được cho sơ tán, xe cảnh sát chặn ở khoảng gần giữa cho tới đoạn phố quanh nhà ga tàu điện ngầm George V, phóng viên BBC nói.
Người ta nghe thấy những tiếng súng nổ vào khoảng 21:00 giờ địa phương (19:00GMT) ở chỗ bên trong hoặc gần với cửa hàng Marks & Spencer, khiến du khách và những người có mặt hoảng sợ bỏ chạy.
Tranh cử tổng thống Pháp căng thẳng vì khủng bố
Hai ngày trước vòng một (Chủ Nhật 23/04/2017), cuộc chạy đua vào điện Elysée bị đảo lộn vì vụ khủng bố trên đại lộ Champs-Elysées làm hai người chết : hung thủ và một cảnh sát Pháp. Nhiều ứng cử viên, Marine Le Pen, François Fillon, Emmanuel Macron thông báo hủy bỏ các cuộc diễn thuyết trong ngày thứ Sáu, 21/04/2017, ngày cuối cùng theo quy định của luật bầu cử.
Chiến dịch tranh cử vòng một kết thúc vào lúc 12 giờ đêm nay 21/04/2017. Trong cuộc chạy đua nước rút, bốn ứng cử viên dẫn đầu các kết quả thăm dò ý kiến dự trù sẽ tăng tốc trong ngày cuối cùng để tranh thủ 30% cử tri chưa dứt khoát. Thế nhưng, vụ khủng bố trên đại lộ được mệnh danh là mỹ lệ nhất thế giới vào đêm 20/04 làm xáo trộn chương trình.
Là hai trong số các ứng cử viên trong danh sách bị khủng bố đe dọa, đại diện cực hữu Marine Le Pen và đại diện phe hữu truyền thống François Fillon thông báo hủy bỏ các buổi diễn thuyết ngày hôm nay. Với giọng « sắt thép chiến tranh », ứng cử viên bài ngoại và bài châu Âu công kích tổng thống François Hollande « bất tài » cần phải thức tỉnh ban hành các biện pháp an ninh triệt để. Cùng quan điểm, ứng cử viên cánh hữu François Fillon một lần nữa lên án « Hồi giáo toàn trị » và dự báo « cuộc chiến sẽ rất dài », người dân Pháp cần một nhân vật có « bàn tay thép » ở điện Elysée.
Khác với phe hữu và cực hữu, ứng cử viên cánh trung Emmanuel Macron, hiện dẫn đầu các kết quả thăm dò dân ý, kêu gọi cử tri đừng nghe những lời hù dọa « khai thác tâm lý sợ hãi » để lấy phiếu. Tuy nhiên, lãnh đạo phong trào « Tiến bước » thẩm định nước Pháp sẽ phải sống chung với đe dọa của khủng bố trong một thời gian dài. Để tránh mọi bất trắc, ứng cử viên trẻ tuổi nhất hủy bỏ hai cuộc diễn thuyết ở Rouen và Arras, nhưng duy trì « điểm hẹn » tại Paris.
Lãnh đạo phong trào cực tả « Nước Pháp bất khuất » Jean-Luc Melenchon, đứng thứ tư trong bảng xếp hạng, thì cho biết « duy trì cuộc họp mặt chiều nay » như là một thông điệp « bất khuất » chống bạo lực. Ứng cử viên chính thức của đảng Xã Hội, Benoit Hamon dành diễn văn cuối cùng đọc tại Carmaux, quê hương của Jean Jaurès, và lên án phe hữu khai thác khủng bố để lấy điểm chính trị. Hầu hết các ứng cử viên khác đều tiếp tục vận động cử tri cho đến giờ phút chót.
Tổng thống Pháp long trọng cam kết an ninh sẽ « cảnh giác tối đa » bảo vệ bầu cử trong khi thủ tướng chính phủ Bernard Cazeneuve lên án bà Marine Le Pen sử dụng vụ khủng bố như một « công cụ chính trị ».
Bầu cử tổng thống Pháp : Tiếng vang lớn tại Bỉ và Đức
Bầu cử tổng thống Pháp đâu chỉ là mối quan tâm của người Pháp : các nước láng giềng cũng hướng nhìn về sự kiện 5 năm một lần này.
Có nước thậm chí còn xôn xao theo dõi không kém gì bầu cử của chính mình, như vương quốc Bỉ, nhất là trong vùng nói tiếng Pháp Wallonie phía nam, bao gồm Bruxelles. Phóng viên AFP tại Bruxelles đã ghi nhận trong bài phóng sự các cuộc tranh luận sôi nổi về các ứng viên tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Marine Le Pen, François Fillon hay Jean-Luc Mélenchon.
Chủ bút của tập san ‘Politique’ tại Bruxelles, Henri Goldman khẳng định “người Bỉ quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp như thể là số phận của họ dính vào đấy“. Họ vui mừng hay lo âu dán mắt vào điểm tín nhiệm người họ ủng hộ, và không điều gì mà không biết như vụ ‘Pénélope gate’, tai tiếng việc làm giả của bà Pénélope Fillon.
Thái độ quan tâm đặc biệt này đối với chính trị Pháp, có lẽ do đời sống chính trị Bỉ quá quanh co, người dân cảm nhận bị tước quyền chọn lựa lãnh đạo : Tại Bỉ thủ tướng được chọn sau các cuộc thương lượng gay go mất hàng tháng trời giữa hơn một chục đảng phái sau bầu cử Quốc Hội theo thể thức tỷ lệ. Cho nên họ rất hứng khởi trước cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp, theo hình thức phổ thông đầu phiếu ở Pháp. Tình hình năm 2017, với nhiều sự cố, diễn biến bất ngờ, gay cấn đến giờ phút chót càng làm dân Bỉ say mê.
Trong các đợt mít tinh ở Paris và Marseille, ứng viên Mélenchon, phong trào ‘Nước Pháp Bất Khuất’ đã có sự ủng hộ rất nhiệt tình của vùng « Wallonie bất khuất », những ủng hộ viên này hãnh diện khoe những lá cờ với hình một chú gà trống đỏ trên nền vàng, biểu tượng vùng Wallonie.
Truyền thông Bỉ huy động lực lượng đưa tin
Trước sự say mê của dân chúng, giới truyền thông cũng rộn rịp theo dõi, đưa tin như thể là đây là một cuộc bầu cử của nước Bỉ, với nào là phỏng vấn trực tiếp, nào là phóng sự, với đặc phái viên tường thuật tại chỗ. Một thông tín viên đài truyền hình Bỉ tại Paris, Pierre Marlet giải thích : « Dân chúng Bỉ theo dõi rất sát cuộc bầu cử ở Pháp, nói đến rất nhiều như thể là người Pháp bầu thay cho họ ».
Vùng nói tiếng Pháp theo dõi như thế còn dễ hiểu, nhưng vùng nói tiếng Hà Lan phía bắc cũng không thua kém gì. Truyền thông vùng này cũng dán mắt vào cuộc chạy đua vào điện Elysée : Một thông tín viên đài truyền hình vùng này cho biết là họ có vẻ còn quan tâm nhiều hơn là cuộc bầu cử vừa qua ở Hà Lan. Theo nhà báo Steven Decraene, « vụ tai tiếng Fillon, phong trào mới của Macron, những chủ đề của Le Pen và hiện tượng Mélenchon đã đập mạnh vào trí tưởng tượng, gây ấn tượng không ít. »
Kết quả sẽ được loan báo trước Pháp
Theo dõi sát sao thì dĩ nhiên cũng nôn nóng muốn biết kết quả sớm. Truyền thông Bỉ có thói quen là nhanh chóng công bố ngay những tin đầu tiên có được, trong khi đồng nghiệp Pháp thì bị hạn chế hơn, không được quyền công bố bất cứ điều gì trước khi phòng phiếu đóng cửa. Cho nên cứ mỗi lần có bầu cử ở nước láng giềng, thì truyền thông Bỉ lại căng thẳng chuẩn bị đón cư dân mạng Pháp truy cập để tìm kết quả.
Nhân cuộc bầu sơ bộ đảng Xã Hội, nhật báo La Libre Belgique đã đưa kết quả 2 tiếng đồng hồ trước đồng nghiệp Pháp. Nhà báo Pierre Marlet giải thích là người Pháp biết là muốn nhanh chóng thấy được xu hướng thì phải đi tìm thông tin trên truyền thông Bỉ và Thụy Sĩ.
Đức e ngại Le Pen đắc cử
Đức, nước đầu tàu châu Âu cùng với Pháp, không thể thờ ơ trước cuộc bầu tổng thống của thành viên châu Âu quan trọng này. Nhưng thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibaut, nhìn thấy mối quan tâm rất lớn, không chỉ trong giới chính trị truyền thông, mà còn rất lớn nơi dân chúng. Pascal hóm hỉnh cho là mối quan tâm này lớn đến nỗi một người Pháp ở Đức, hễ ló mặt ra đường là thế nào cũng bị hỏi ngay : Liệu Marine Le Pen có sẽ đắc cử hay không ?
Người ta có thể nói nôm na là nước Đức đang lo sợ, sợ rằng sau Brexit và Trump, hai sự kiện mà các cuộc thăm dò đã dự báo trước, sáng ngày 08/05 lại thức dậy với tin không hay. Tại Đức người ta đang lo ngại mất đi người đồng minh chủ yếu và thấy châu Âu đứng bên bờ vực thẳm.
Truyền thông Đức đưa tin rất nghiêm túc. Có rất nhiều bài báo nói đến bà Bà Marine Le Pen, ‘mối hiểm nguy’ hàng đầu đối với Đức. Một khám phá đối với Đức là ứng viên Emmanuel Macron, được nói nhiều đến thời gian gần đây. Người thứ ba được chú ý nữa là Jean-Luc Mélenchon, sau khi ông vươn lên đứng hàng thứ 3 trong các cuộc thăm dò dư luận.
Mối quan tâm này của Đức phần nào có thể được giải thích do Berlin cũng được các ứng viên tổng thống Pháp đề cập đến, như một ví dụ nên hoặc không nên noi theo. Có người cũng viếng thăm Đức trong chương trình vận động của họ. Bà Marine Le Pen thường hay tấn công vào Đức, nói đúng hơn là vào thủ tướng Merkel và chính sách nhập cư của bà. Nhưng nếu điều này không mấy gây ngạc nhiên, ngược lại những luận điệu bài Đức nơi một số ứng viên khác, đặc biệt là ông Mélenchon, thì rất được chú ý tại đây.
Các ứng viên khác đã đến Đức và gặp giới lãnh đạo, thủ tướng như các ông Macron, Hamon, Fillon càng thu hút thêm sự chú ý. Đến nỗi mà các truyền thông Đức đã không ngần ngại lên tiếng ủng hộ người này hay người nọ. Hiện nay họ ủng hộ Macron, xem ông là ‘thành trì’ ngăn chặn Marine Le Pen. Quan điểm thiên châu Âu của ông đã thuyết phục ngay cả giới bảo thủ ở Đức.
Bầu cử tổng thống Pháp: 5 yếu tố thu hút dư luận Mỹ
« Tại sao bầu cử tổng thống Pháp lại hấp dẫn kể cả khi bạn không phải là người Pháp ? » : Dưới tựa đề này, tuần báo Mỹ Newsweek ngày 18/04/2017 đã đề cập một cách dí dỏm đến cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Pháp, và ghi nhận 5 điểm mà người Mỹ cần chú ý.
Tuần báo Mỹ đã nhìn thấy trước tiên mẫu số chung nơi 4 ứng cử viên nam giới trong số 5 ứng viên lớn : « Một lô ứng viên tổng thống, phần đông là đàn ông tóc đen, mà tên đều kết thúc bằng ‘-on’ (Macron, Fillon, Mélanchon, Hamon). Và cũng có hàng loạt chuyện về châu Âu bị làm cho rối tung lên. » Đối với Newsweek, có 5 lý do khiến người Mỹ nên chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 vì đây « có lẽ là cuộc bầu cử quan trọng và thú vị nhất của châu Âu năm nay ».
Một trận đấu giữa các thái cực
Không giống như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ chẳng hạn, với một ứng viên theo khuôn mẫu chính trị thuộc đảng Dân Chủ đấu với một ứng viên Cộng Hòa không theo quy ước, ở Pháp phần đông các ứng viên lớn đều thuộc diện « không quy ước » và một số còn khá cực đoan là khác.
Ở cánh hữu thì có bà Marine Le Pen, dân túy, bài Hồi Giáo, đã hứa đình chỉ nhập cư và đảo ngược hàng thập kỷ tự do mậu dịch. Ông François Fillon, cánh trung hữu, đảng Những Người Cộng Hòa, là người gần với một « ứng viên bình thường » nhất, nhưng lại là một người ngưỡng mộ đường lối của thủ tướng Anh Margaret Thatcher trước đây, pha lẫn giá trị xã hội truyền thống với kinh tế thị trường tự do, một quan điểm khá bất thường tại Pháp nơi mà Nhà nước hay can thiệp.
Phía tả, thì cả ứng viên trong luồng chính thống thuộc đảng Xã Hội, Benoit Hamon lẫn ông Mélenchon, đều đề nghị những phương thức mạnh bạo nhằm chia lại thu nhập quốc gia, ông Hamon thì muốn quy định một thu nhập cơ bản toàn dân, trong lúc ông Mélenchon thì có kế hoạch thay đổi hoàn toàn hệ thống dân chủ Pháp theo hướng từ dưới lên trên.
Cuộc chiến giành trung tâm
Nếu quý vị quan tâm đến việc nền tảng cánh trung ôn hòa trong chính trị phải được bảo vệ bằng mọi giá, hay là quý vị hoan nghênh sự trở lại của một xu hướng đấu tranh mạnh bạo hơn trên mặt lý tưởng chính trị, thì hãy theo dõi Emmanuel Macron, ứng viên cánh trung đang dẫn đầu.
Chủ trương của Macron không có gì là trái với lẽ thường : ông đề nghị Nhà nước chi tiêu theo mục tiêu cụ thể và cắt giảm ngân sách ; ông chủ trương một đường lối quốc tế chủ nghĩa và thân Liên Hiệp Châu Âu. Hệ tư tưởng của ông là lý tưởng đã hun đúc Tây Âu trong mấy thập niên qua. Thế nhưng điểm lý thú là ông đã bảo vệ những quan điểm này một cách thẳng thắn, không một chút thẹn thùng, cho dù phần còn lại của nước Pháp đang càng lúc càng thiên về xu hướng bảo hộ mậu dịch hay dân tộc chủ nghĩa.
Và Macron cũng đang đấu tranh mà không hề có một đảng chính thống nào hỗ trợ. Phong trào En Marche ! (Tiến Bước !) của ông chỉ mới được một tuổi mà thôi. Nếu Macron giành được thắng lợi, thì điều đó có nghĩa là cho dù chủ nghĩa dân túy đang vươn lên, cử tri phương Tây vẫn còn lưu ý đến những thông điệp như những gì ông Macron nêu lên, nếu các thông điệp đó được « chào hàng » một cách đúng đắn. Nếu ông thảm bại, thì điều đó sẽ góp thêm củi lửa cho phe ủng hộ quan điểm ngược lại.
Nga đang nhòm ngó
Cũng như ở Mỹ, đang có lo ngại về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Pháp. Le Pen, Mélenchon và Fillon đều là những người có thiện cảm với Putin, ở mức độ khác nhau, và tổng thống Nga đều có lợi khi họ giành được thắng lợi. Ủy Ban Bầu Cử Pháp đã ra thông cáo cảnh báo về một bản tin ngụy tạo của Nga theo đó ứng cử viên François Fillon dẫn đầu cuộc đua vào điện Elysée.
Trong lúc đó thì ban vận động tranh cử của ông Macron cho biết là bị tin tặc tấn công. Trong một cuộc phỏng vấn tháng Hai, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã tố cáo một hành vi can thiệp « không thể chấp nhận được ». Đến giờ chưa có bằng chứng là Nga can thiệp, và có thể là điện Kremlin không có vai trò trực tiếp nào trong tiến trình chính trị Pháp. Nhưng cho dù thế, kết quả bầu cử có thể là một cú hích đáng kể đối với Putin, và do đó càng nên theo dõi.
Thời điểm khủng hoảng cho châu Âu
Sau Brexit, khủng hoảng về người tỵ nạn, nợ Hy Lạp năm 2015, và một lô rắc rối nhỏ hơn, Liên Hiệp Châu Âu vào lúc này không phải đang ở vào thời điểm khỏe mạnh nhất. Nhưng đồng thời, châu Âu có sức đề kháng cao hơn là nhiều người lầm tưởng, và không phải là trên đà sụp đổ.
Nhưng cuộc bầu cử Pháp có thể thay đổi phần nào ván bài. Ứng viên cực hữu Marine Le Pen đang ở vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò. Bà muốn tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế thành viên vùng đồng Euro của Pháp, trong lúc Mélenchon, ứng viên độc lập bên cánh tả, đang vươn lên hàng thứ 3, lại muốn đàm phán lại một loạt hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu. Chiến thắng của bất kỳ ai trong hai người này sẽ đẩy châu Âu tiến thêm nhiều bước đến khủng hoảng.
Bộ trưởng Mattis lạc quan ‘quan hệ quân sự’ Hoa Kỳ-Ai Cập
Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Jim Mattis, nói ông và người tương nhiệm Ai Cập đồng ý về sự cần thiết có được đối tác an ninh mạnh mẽ và đổi mới giữa hai quốc gia, vào lúc Ai Cập đang phải đối phó với những đe dọa ngày càng tăng của các phần tử cực đoan.
Ông Mattis nói với phóng viên Ngũ Giác Đài sau khi đến Tel Aviv vào khuya thứ Năm 20 Tháng 4: “Tôi rời Cairo rất tin tưởng, rất tin tưởng về vấn đề là chúng ta phải tăng cường các mối quan hệ giữa quân đội hai nước vốn đã có một nền tảng vững chắc trong những năm qua.”
Trong những cuộc thảo luận tại Cairo trước đó trong ngày, ông Mattis cho biết cùng Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi và Bộ trưởng Quốc phòng Sedki Sobhy thảo luận về chống khủng bố và an ninh biên giới trong một môi trường an ninh “rất phức tạp.”
Sau cuộc gặp với các giới chức Ai Cập, ông Mattis đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh ở Cairo trước khi lên đường đến Israel – chặng dừng chân thứ ba trong chuyến viếng thăm Trung Đông bắt đầu từ Ả Rập Xê-út.
Bộ Trưởng Mattis là giới chức đầu tiên của chính quyền ông Trump đi thăm Ai Cập. Những cuộc thảo luận diễn ra vài tuần sau khi Tổng thống Donald Trump tiếp Tổng thống Sissi tại Tòa Bạch Ốc, chuyến thăm nước Mỹ đầu tiên của một nhà lãnh đạo Ai Cập kể từ khi cựu Tổng thống Barack Obama tiếp Tổng thống Hosni Mubarak vào năm 2009.
Biến động chính trị năm 2011 đã lật đổ ông Mubarak và làm phát sinh những năm xáo trộn đưa tướng Sissi chuyên chế lên cầm quyền.
Trump: Vụ bắn ở Champs-Elysées ‘trông giống khủng bố’
Một cảnh sát tử vong trong vụ chạm súng tại Paris vào thứ Năm, và người tấn công đã bị “hạ gục,” theo tin BFMTV.
Một cảnh sát viên khác bị trọng thương, và một người chưa xác định danh tánh bị trúng đạn trong lúc vụ chạm súng diễn ra, vẫn theo BFMTV. Chưa xác định được người bị trúng đạn là người tấn công hay vô can.
Vụ bắn xảy ra trên đại lộ Champs-Elysées.
Một chiếc xe dừng lại tại số 102, đại lộ Champs-Elysees, ngay trước một xe van của cảnh sát. Phát ngôn nhân Bộ Nội Vụ Pháp nói, theo tường thuật của CNN.
Một người bước ra khỏi xe, nả đạn vào chiếc van của cảnh sát với một “vũ khí tự động.” Cảnh sát nổ súng phản ứng, hạ gục kẻ tấn công.
Chưa có kết luận đây có phải là hành động khủng bố hay không.
Khu vực đã được đóng cửa. Giới hữu trách yêu cầu mọi người nên tránh vào đây. Video cho thấy đại lộ này, một trong những con đường nổi tiếng nhất thế giới, giờ đây vắng tanh; không du khách, không cư dân, chỉ toàn nhân viên an ninh.
Cảnh sát Pháp gởi thông báo trên Twitter: “Sự can thiệp của giới hữu trách đang diễn ra tại khu vực Champs-Elysees; nên tránh khu vực này và thực hiện theo hướng dẫn của cảnh sát.”
CNN đưa tin, cho biết có rất nhiều cảnh sát đang hoạt động tại đây.
Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump, phát biểu trong cuộc họp báo cùng Thủ Tướng Ý, Paolo Gentiloni, rằng vụ bắn trông có vẻ là một vụ tấn công khủng bố.
“Chúng tôi gởi lời chia buồn từ đất nước chúng tôi đến với nhân dân Pháp.” Ông Trump nói. “Một lần nữa, điều ấy lại xảy ra, có vẻ là vậy … Đó là việc rất, rất khủng khiếp xảy ra trên thế giới hôm nay. Trông có vẻ lại là một cuộc tấn công khủng bố. Các bạn có thể nói gì được đây? Nó chẳng chấm dứt…”
Champs-Elysées thuộc khu hành chánh số 8, thủ đô Paris, dài gần 2 cây số, rộng 70 mét, chạy ngang quảng trường Concorde và quảng trường Charles de Gaulle, nơi có Khải Hoàn Môn. Đại lộ này nổi tiếng thế giới với hàng loạt nhà hát, tiệm cà phê, các shop sang trọng, và cả cuộc diễn hành hàng năm mang tên Bastille Day.
Bầu cử Tổng thống Pháp: Những điều đáng chú ý
Cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 thật khó đoán, với 11 ứng viên tranh đua trong vòng một ngày 23/4.
Nếu không ai giành hơn 50% phiếu, hai người về đầu sẽ tiếp tục vào vòng hai ngày 7/5.
Tổng thống đảng Xã hội Francois Hollande không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Pháp làm như vậy.
An ninh đang là vấn đề lớn, vì một cảnh sát vừa bị bắn chết tại Paris. Bầu cử vòng một cũng sẽ diễn ra chỉ năm ngày sau khi hai người bị giữ ở Marseille vì nghi định tấn công.
Bất thường?
Việc Tổng thống Hollande không tranh cử lần hai là chưa từng có.
Ngoài ra, người được chọn của đảng Xã hội, Benoit Hamon, lại bị cho là không có hy vọng gì.
Đối thủ bên đảng Cộng hòa thì cũng đang vất vả vì ứng viên Francois Fillon đang bị điều tra vì “việc làm giả mạo”.
Thế nên, có thể lần đầu tiên sau vài thập niên, tổng thống mới lại sẽ là một người không thuộc hai đảng chính.
Vậy ai có thể thắng?
Theo các thăm dò dư luận, hai người dẫn đầu hiện nay là Marine Le Pen của phe cực hữu và Emmanuel Macron theo quan điểm trung dung.
Marine Le Pen lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thay cha ruột từ năm 2011.
Ông Macron, 39 tuổi và từng làm ngân hàng đầu tư, là bộ trưởng kinh tế của Tổng thống Hollande nhưng từ nhiệm năm 2016 để tranh chức tổng thống của đảng riêng của ông tên là En Marche!.
Ông Macron chưa từng là nghị sĩ và cũng chưa từng ra tranh cử lần nào.
Ông Fillon của đảng Cộng hòa lúc đầu là ứng viên số một nhưng hy vọng bị mờ dần vì tố cáo ông trả tiền công cho vợ nhưng vợ chẳng làm việc gì. Ông đang bị điều tra chính thức.
Một nhân vật bất ngờ là Jean-Luc Mélenchon, theo lập trường cực tả, đang thu hút cử tri.
65 tuổi và từng là bộ trưởng đảng Xã hội, ông này ra khỏi đảng năm 2008 và dẫn dắt đảng tên là La France Insoumise. Ông lại nổi tiếng vì biết dùng công nghệ hologram, nhờ đó phát biểu cùng lúc trước nhiều đám đông.
Các vấn đề quan tâm?
Thất nghiệp đang gần 10%, cao thứ tám trong 28 nước thành viên EU.
An ninh cũng là vấn đề lớn. Hơn 230 người đã chết trong các vụ tấn công từ tháng Giêng 2015. Pháp vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp.
Nhiều người dự đoán các vụ tấn công dính líu nhóm Hồi giáo sẽ tăng cơ hội cho cánh hữu, đặc biệt cho bà Le Pen. Bà tuyên bố sẽ ngừng việc nhập cư hợp pháp, ưu tiên việc làm, trợ cấp cho công dân Pháp.
Theo phóng viên BBC Hugh Schofield ở Paris, tình báo đã đặt giả thiết rằng những kẻ tấn công đang cố tình thúc đẩy cho chiến thắng của Le Pen vì nó có thể đưa Pháp tới hỗn loạn.
Bắc Hàn có thể cho nổ thử nghiệm hạt nhân vào tuần tới
Nam Hàn vào ngày 21 tháng tư cho biết đang trong tình trạng cảnh giác cao độ trước khi Bắc Hàn chuẩn bị phô trương thanh thế bằng lễ duyệt binh kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Quân Đội Triều Tiên vào thứ ba tuần tới.
Bản tin Reuters hôm nay cho thấy dịp này Bình Nhưỡng tập trung vào các loại vũ khí mạnh mà họ thủ đắc, trong đó không loại trừ khả năng cho tiến hành một vụ nổ thử nghiệm hạt nhân khác nữa.
Tin nói các giới chức Hoa Kỳ, Nam Hàn cũng như Trung Quốc mấy tuần qua đều theo dõi diễn biến về sự kiện mà Bắc Hàn cho là rất quan trọng này với quan ngại Bình Nhưỡng vẫn bất chấp lệnh chế tài của Liên Hiệp Quốc cho nổ thử nghiệm hạt nhân một lần nữa.
Một viên chức Nam Hàn cho hay đặc sứ Mỹ, Nam Hàn, Nhật Bản chuyên trách vấn đề Bắc Hàn dự kiến gặp nhau vào thứ Ba tuần tới để thảo luận phương cách giảm nhiệt trên bán đảo Triều Tiên, tìm cách áp lực Bắc Hàn ngưng những hành động có tính cách khiêu khích, đồng thời bảo đảm vai trò trọng yếu của Trung Quốc trong vấn đề hạn chế khả năng phát triển vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Donald Trump ra lệnh mở điều tra về thép nhập khẩu
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua 20/04/2017 loan báo mở điều tra xem thép nhập khẩu có là mối đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ hay không. Động thái này cho thấy khả năng Mỹ sẽ tăng thuế hải quan, khiến cổ phiếu các công ty luyện kim tăng lên ở Wall Street.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Đây không chỉ là vấn đề giá cả hay việc làm, mà còn là an ninh quốc gia, vốn chưa bao giờ được nói đến. Thép rất quan trọng cho nền kinh tế và quân đội của chúng ta, đó là một lãnh vực mà ta không được để lệ thuộc vào các nước khác ».
Ông Trump đã ký một văn bản yêu cầu bộ Thương Mại nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra trong khuôn khổ điều 232 Luật Thương mại. Đây là một tiến trình hiếm khi được sử dụng đến, nêu ra lý do quốc phòng để hạn chế nhập khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ. Điều khoản này từng được vận dụng trong thập niên 70 trong cuộc khủng hoảng dầu lửa, và năm 2001 về mặt hàng thép. Bộ Thương Mại có 270 ngày để xem xét tình hình và đưa ra kết luận, sau khi thông báo cho bộ Quốc Phòng.
Đưa ra ví dụ về nhu cầu các sản phẩm bọc thép, bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross nói rằng đây là sự đáp trả trước thép Trung Quốc, hiện đang chiếm 26% thị trường Mỹ. Số lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng lên « mặc dù Bắc Kinh thường xuyên đảm bảo rằng sẽ giảm sản lượng », theo ông Ross.
Chỉ số S&P 1500 trong ngành luyện kim sau đó đã tăng 5,22% trên thị trường chứng khoán Wall Street. Về phía Hàn Quốc hôm nay cho biết đang nghiên cứu các biện pháp đối phó, kể cả việc kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO).
Trump chỉ trích Iran về hồ sơ nguyên tử
Về hồ sơ Iran, ông Donald Trump cho rằng Teheran không tôn trọng tinh thần của hiệp định nguyên tử được ký kết năm 2015, mà nhờ đó quốc tế đã giảm nhẹ cấm vận đối với nước này. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng hiệp định « lẽ ra không nên được thương lượng với cách thức như đã tiến hành ».
Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm nay gặp gỡ các lãnh đạo Israel để thảo luận về Iran và Syria. Israel trước đó đã lên tiếng cảnh báo về sự hiện diện của quân Hezbollah Liban tại Syria, với sự yểm trợ của Teheran. Bộ trưởng Tình Báo Israel gần đây tố cáo Iran muốn thiết lập một trục nối liền lãnh thổ nước này với Liban, Irak và Syria, gây phương hại cho an ninh của Israel.
0 nhận xét