Đọc báo Pháp – 21/04/2017
Bầu cử tổng thống Pháp 2017 :
Mối hoài nghi của cử tri với chính giới
Các chính khách “nói dối như Cuội“, “trở mặt như bàn tay“, không tôn trọng cử tri. Đi bầu cho họ để làm gì ? Đó là câu hỏi nhiều cử tri Pháp chưa thể giải đáp, nhưng phản ánh thất vọng của một phần công luận với chính giới.
Nổ súng trên đại lộ đẹp nhất thế giới, Champs Elysées, ba ngày trước bầu cử tổng thống Pháp, liệu có ảnh hướng tới lá phiếu của cử tri vào ngày Chủ Nhật này ? Chương trình vận động của các ứng viên tổng thống trong ngày cuối cùng phần nào bị xáo lộn. Kết quả bầu cử “không biết đâu mà lường“. Nguy cơ hai cánh cực tả và cực hữu đắc cử đe dọa sự tồn tại của Liên Hiệp Châu Âu, của đồng euro : điều khiến giới đầu tư, Đức và cả Bruxelles “lo sợ“, khoảng cách quá lớn giữa cử tri với chính giới Pháp là những đề tài lớn trên các mặt báo Paris hai ngày trước bầu cử tổng thống vòng 1.
Tống cựu nghinh tân
“Có đến 4 người cùng có thể vào chung kết”, kịch bản mới chỉ ”thấy lần đầu”, tựa trên trang nhất báo công giáo La Croix. “Không có gì là chắc chắn về kết quả”, “thái độ do dự của cử tri” một phần do “thất vọng của người Pháp với chính giới”.
Báo Le Monde giải thích những gì khiến cử tri mất niềm tin : những hứa hẹn cũ rích được đưa ra mỗi mùa tranh cử nhưng chẳng bao giờ được thực hiện, kiểu hứa một đàng, làm một nẻo, những vụ bê bối liên quan đến bản thân một số ứng cử viên hay những người có chức có quyền trong hàng ngũ lãnh đạo và dân biểu.
Việc cựu tổng thống Sarkozy không có cơ may để ra tranh cử lần này, sự kiện tổng thống Hollande phải từ bỏ tham vọng tái tranh cử cho thấy dân Pháp muốn có một sự thay đổi thực sự. Những gương mặt cũ, như hai cựu thủ tướng Manuel Valls và Alain Juppé của hai cánh tả hữu cũng bị loại ngay từ các vòng tuyển chọn sơ bộ.
Sự dối trá của cánh hữu và thái độ trở mặt bên cánh tả
Chỉ có cựu thủ tướng Fillon- đảng Những Người Cộng Hòa là còn trụ vững cho tới khi tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé tiết lộ vụ tạo việc làm giả cho vợ và hai con ông. Bản thân ứng cử viên Fillon bị khởi tố về tội “biển thủ công quỹ”, “lạm dụng tài sản của xã hội”. Ra tranh cử với hình ảnh một chính trị gia liêm khiết, Fillon khiến không ít cử tri cánh hữu thất vọng. Trước những tuyên bố trái ngược nhau của chính ứng viên này, công luận nhận thấy François Fillon “nói dối như Cuội“.
“Gáo nước lạnh”, “tất cả đều thối nát”, “tởm lợm” hay “phản bội” là từ ngữ nhiều người từng chọn François Fillon ngay từ vòng 1 cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Những Người Cộng Hòa dùng khi nói về ứng viên đại diện cho đảng này, về nỗi thất vọng của họ với chính giới. Fillon đang là một trong số 4 ứng cử viên có nhiều triển vọng trở thành tổng thống Pháp tương lai.
Bên cánh cực hữu, ứng cử viên của đảng Mặt Trận Quốc Gia cũng không khá hơn. Bà Le Pen đang trong tầm ngắm của Tư Pháp vì bị nghi ngờ lấy tiền của Nghị Viện Châu Âu để tài trợ cho các chương trình vận động tranh cử của mình.
Còn Jean-Luc Mélenchon, ứng cử viên cực tả có chủ trương bài châu Âu thì cũng chẳng“trước sau như một”. Bức hí họa trên Le Monde vẽ hai ông Mélenchon : một đang xé tan nát bản đồ Liên Hiệp Châu Âu, một thản nhiên khẳng định “chưa bao giờ nói chuyện ra khỏi khu vực đồng euro” và bình luận, “Hologramme, ảnh nổi ba chiều của tôi nói chứ không phải tôi”.
Về những đòn trở mặt như bàn tay, cánh tả cũng chẳng thua bên cánh hữu bao nhiêu. Le Monde nhắc lại rằng, trước vòng tuyển chọn sơ bộ, 7 ứng cử viên muốn đại diện cho đảng Xã Hội mở rộng đều cam kết sẽ đứng về phía người thắng cuộc. Thế nhưng rồi lại bỏ rơi Benoît Hamon, đại diện chính thức của đảng này để ủng hộ lãnh đạo phong trào Tiến Bước- En Marche ! là Emmanuel Macron.
Kẻ “phản bội trắng trợn nhất”, theo tờ báo là cựu thủ tướng Valls. Tới nay đã có khá nhiều thành viên trong chính phủ của đảng Xã Hội, dân biểu của đảng này quay lưng lại với ứng cử viên tổng thống đảng.
Một sinh viên 22 tuổi nói với phóng viên báo Le Monde : thái độ của cựu thủ tướng Valls còn “tệ hơn cả một sự phản bội. Đó là bằng chứng cho thấy chính giới quá xem thường nguyện vọng của cử tri (…) Vậy thì chúng tôi đi bầu làm gì ? Chúng tôi không còn tin tưởng vào đời sống chính trị ở Pháp nữa. Cuối cùng chỉ vẫn ngần ấy người được quyền định đoạt vận mệnh của đất nước”.
Le Pen – Mélenchon, cơn ác mộng của Berlin và Bruxelles
Tương lai Liên Hiệp Châu Âu đi về đâu nếu đảng cực tả hay cực hữu của Pháp đắc cử ? Thăm dò về ý định bỏ phiếu cho thấy 4 ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua đang “sát nút” với nhau. Chỉ số tín nhiệm của hai đảng này càng tăng, giới đầu tư và cả Đức lẫn Châu Âu càng run sợ. “Chủ Nhật này, các nhà đầu tư chăm chú nhìn về nước Pháp“, tựa của báo Les Echos.
Các ngân hàng và thị trường tài chính trên thế giới đang chuẩn bị tinh thần chứng khoán trên thế giới chao đảo trong phiên giao dịch ngày Thứ Hai 24/04/2017 nếu như Marine Le Pen hay/và Jean-Luc Mélenchon lọt vào vòng hai. Một nhân viên tài chính than phiền là từ nhiều tuần qua, khách hàng ở mãi tận châu Á, chỉ hỏi thăm về ông Mélenchon, một người “thiên cộng” có triển vọng gây bất ngờ trong cuộc bầu cử năm nay.
Bầu cử tổng thống Pháp ngày 23/04/2017 là một ẩn số với Đức và Liên Hiệp Châu Âu : lá phiếu của người Pháp mang tính quyết định với tương lai khu vực đồng euro. Berlin và Bruxelles hồi hộp hơn cả so với cuộc trưng cầu dân ý về Brexit ở Anh Quốc hồi tháng 6/2016.
Thông tín viên báo Le Figaro từ Berlin cho biết ở thượng tầng cơ quan quyền lực của Đức, chính giới xì xào về “Kịch bản tai hại“, “tai họa toàn diện” nếu cặp bài trùng cực tả-cực hữu, Mélenchon và Le Pen vào vòng 2, bởi vì theo như ghi nhận của các nhà quan sát ở bên kia bờ sông Rhin, cả hai ứng cử viên tổng thống này cùng chủ trương bài Đức kịch liệt.
Còn tại Bruxelles, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean Claude Junker báo trước ông sẽ “mặc đồ tang” trong trường hợp bà Le Pen đắc cử.
Khủng bố và bầu cử tổng thống Pháp
Các tờ báo Paris lên khuôn muộn sau vụ khủng bố trên đại lộ Champs Elysées đêm ngày 20/4 làm 1 cảnh sát thiệt mạng, ba người bị thương. Hung thủ bị hạ sát tại chỗ. Tất cả các báo cùng đăng ảnh Champs-Elysées vắng lạnh dưới ánh đèn vàng, xa xa là Khải Hoàn Môn, chỉ có xe và nhân viên cảnh sát, đặc nhiệm chống khủng bố.
Les Echos đưa tin ngắn gọn ở phần cuối tờ báo : “Một vụ nổ súng chết người tại Champs Elysées“, tác giả chọn đúng thời điểm bầu cử để ra tay. “Lại diễn ra khủng bố giữa lòng Paris“, tựa lớn trên trang nhất của báo Le Figaro. Tờ báo nhắc lại : đe dọa khủng bố cao hơn bao giờ hết đang là một thách thức lớn của nước Pháp.
Trả lời báo Le Figaro, luật gia chuyên về khủng bố Thibault de Montbrial khẳng định : đây là một vụ tấn công mang tính biểu tượng cao. Champs-Elysées là hình ảnh của nước Pháp, nhân viên cảnh sát tượng trưng cho quyền lực của Pháp. Thủ phạm biết rằng, sự kiện này được toàn thế giới chú ý, ba ngày trước bầu cử tổng thống Pháp.
Libération nói tới bầu không khí “siêu thực” tối ngày 20/04/2017 : vào lúc 11 ứng cử viên tổng thống lần lượt trình bày trên đài truyền hình nhà nước France 2, lúc 9 giờ 30, ứng viên Hamon đang phát biểu thì các phương tiện truyền thông hay tin máu đổ trên con lộ tráng lệ nhất Paris. Thủ tướng Cazeneuve lập tức đến phủ tổng thống để thẩm định tầm mức nghiêm trọng của tình hình. Hay tin, các ứng viên tổng thống đều bị bất ngờ.
Thân phận khốn khổ của bảo tàng Victor Hugo
Để kết thúc mục điểm báo chỉ tập trung về Pháp xin điểm qua bài báo trên Le Figaro nói về ngôi nhà của văn hào Victor Hugo ở đảo Guernesey, thuộc chủ quyền của Anh Quốc. Đây là nơi ông sáng tác ra ra những Les Travailleurs de la Mer- Những người lao động của biển cả; la Légende des siècles- Huyền thoại qua nhiều thế kỷ và nhất là Les Misérables- Những kẻ khốn cùng.
Khốn khổ thay là ngôi nhà ấy đang xuống cấp một cách nghiêm trọng, cần 2 triệu euro để trùng tu. Căn nhà số 38 Phố Thượng trên hòn đảo Guernesey là nơi Victor Hugo sống trong thời gian ông bị “đi đày” từ năm 1856 đến 1870. Nay là bảo tàng mang tên cha đẻ của tập thơ để đời Les Contemplations.
Hàng năm có chừng 20.000 du khách dừng chân tại nơi này. Căn phòng làm việc của Victor Hugo nhìn ra biển cả. Chiếc bàn gỗ nơi ông từng sáng tác ra câu chuyện về nàng Esmeralda gốc Bô-hêm xinh đẹp và Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà là những “kỳ quan trong làng văn học của thế giới“.
Với thời gian, tủ sách của Hugo, những tấm thảm treo tường có khắc ghi tên tuổi những văn hào mà ông yêu thích nhất – như Molière, hay Shakespeare… cần được khoác lên mình những chiếc áo mới. Trong trường hợp sớm quyên góp được số tiền 2 triệu euro cần thiết, phải mất một năm để trùng tu ngôi nhà đầy ắp những kỷ niệm này.
0 nhận xét