Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Thứ Sáu, 18 Tháng 4, 2025
Cập nhật :

Tin khắp nơi – 26/03/2017

Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017 20:27 // , ,

Tin khắp nơi – 26/03/2017

170 nước tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất

Đèn đã được tắt ở khoảng 170 quốc gia hôm thứ Bảy khi hàng triệu người và hàng ngàn thành phố đã tham gia Giờ Trái đất, một nỗ lực toàn cầu để thu hút sự chú ý đến biến đổi khí hậu, chương trình do Quỹ Thiên nhiên Thế giới tổ chức.
Hàng chục tòa nhà và công trình nổi tiếng từ khắp Hoa Kỳ cho đến các nước ở Mỹ La tinh, châu Âu, Trung Đông, Úc đã tham gia, họ tắt đèn trong 60 phút vào lúc 8 giờ 30 phút tối, giờ địa phương.
Nhiều sự kiện đã được tổ chức để thu hút sự chú ý đến việc các hoạt động của con người góp phần làm thay đổi khí hậu như thế nào.
Ở Ấn Độ, hàng trăm người đi xe đạp tham gia cuộc “Đạp xe vì hành tinh”, một phần trong chiến dịch nhằm khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Quỹ Thiên nhiên Thế giới đã tổ chức Giờ Trái đất lần đầu tiên vào năm 2007 tại Úc. Nỗ lực quốc tế này bắt đầu như một sự kiện ở cấp cơ sở để thúc giục mọi người giảm việc sử dụng năng lượng như một cách để chống lại biến đổi khí hậu.
Tổ chức bảo tồn lớn nhất thế giới hoạt động từ năm 1961, khi họ được thành lập ở Thụy Sĩ, với tên ban đầy là Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới. Nhiều năm sau, họ đã đổi tên để phản ánh rằng họ quan tâm đến tất cả các vấn đề môi trường chứ không chỉ là động vật hoang dã; nhưng ở Mỹ và Canada người ta vẫn dùng tên Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, còn tất cả chi nhánh trên toàn thế giới đều sử dụng tên viết tắt là WWF.

Cảnh sát nói không có dấu hiệu

vụ nổ súng ở Ohio liên quan đến khủng bố

Các quan chức thành phố Cincinnati của bang miền trung tây Hoa Kỳ Ohio nói có ít nhất 15 người bị bắn, một người tử vong tại một hộp đêm đông người vào sáng sớm Chủ nhật. Nhà chức trách tin rằng có ít nhất hai tay súng đã dính líu đến vụ việc.
Trợ lý Cảnh sát trưởng Paul Neudigate cho biết hiện trường tại hộp đêm Cameo thật “khủng khiếp” và bổ sung trên Twitter là “không có dấu hiệu nào cho thấy vụ việc này liên quan đến khủng bố”.
Neudigate cho biết hàng trăm người đã có mặt bên trong hộp đêm khi kẻ bắn súng nhả đạn.
Đài truyền hình địa phương WLWT đưa tin một số nạn nhân bị thương nguy kịch, còn các quan chức chưa cho biết có ai bị tạm giam hay không.

Tổng thống Trump tập trung cải cách thuế

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đang hướng sự chú ý sang việc cải cách thuế, sau khi thất bại trong nỗ lực loại bỏ và thay thế chương trình chăm sóc y tế liên bang hay còn được gọi là Obamacare.
“Tôi muốn nói rằng chúng tôi có thể sẽ bắt đầu mạnh mẽ cắt giảm và cải tổ thuế. Đó là vấn đề tiếp theo”, ông Trump nói hôm 24/3, sau khi phe Cộng hòa rút dự luật thay thế Obamacare.
Đảng Cộng hòa buộc phải hoãn việc bỏ phiếu về dự luật y tế tại Hạ viện sau khi không nhận được đủ sự hậu thuẫn.
Trước đó trong ngày 24/3, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói trong một cuộc phỏng vấn với trang tin Axios rằng ông đã giám sát dự luật cải tổ thuế của chính quyền của ông Trump trong hai tháng qua.
Ông cho biết dự luật sẽ bao gồm các đề xuất cắt giảm thuế cá nhân và doanh nghiệp. “Trọng tâm chính của chúng tôi là cắt giảm thuế cho người có thu nhập trung bình, chứ không phải nhóm đứng đầu”, ông nói.
Ông Mnuchin từ chối cho biết mức thuế đánh vào doanh nghiệp dự tính sẽ như thế nào, nhưng tuyên bố nó sẽ “thấp hơn nhiều” so với mức 35% hiện thời.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói rằng kế hoạch thuế của Tổng thống Trump sẽ sớm được đệ trình và hy vọng nó sẽ được quốc hội thông qua sớm nhất là tháng Tám.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer nói với các phóng viên hôm 24/3 rằng thời hạn tháng Tám “rất tham vọng”, nhưng nói thêm rằng đó là điều chính quyền sẽ cố gắng đạt được.
Việc không thông qua được dự luật y tế thay thế Obamacare cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Đảng Cộng hòa, đe dọa tới các sáng kiến khác của Tổng thống Trump như tái thiết cơ sở hạ tầng và xây dựng tường ngăn trên biên giới.

Ngũ Giác Đài xác nhận

một thủ lĩnh Al-Qaida bị tiêu diệt ở Afghanistan

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm thứ Bảy cho hay một cuộc không kích chống khủng bố của Mỹ hồi đầu tháng này tại Afghanistan đã giết chết một thủ lĩnh al-Qaida chịu trách nhiệm về cuộc tấn công chết chóc vào khách sạn ở Islamabad năm 2008 và cuộc tấn công năm 2009 vào xe buýt chở đội bóng gậy cảu Sri Lanka.
Với việc khẳng định về cái chết của Qari Yasin, các quan chức Mỹ cho biết Yasin là một kẻ khủng bố cấp cao có xuất thân từ Balochistan, Pakistan, hắn có quan hệ với nhóm Tehrik-e Taliban và đã lên kế hoạch cho nhiều cuộc tấn công khủng bố của al-Qaida. Cuộc không kích dẫn tới cái chết của hắn đã được tiến hành vào ngày 19/3 ở tỉnh Paktika, Afghanistan.
Các quan chức cho biết Yasin đã lên kế hoạch cho vụ đánh bom khách sạn Marriott ở Islamabad vào ngày 20/9/2008, giết hàng chục người.
Vụ tấn công xe buýt ở thành phố Lahore của Pakistan đã làm chết 6 cảnh sát Pakistan và 2 thường dân, đồng thời làm 6 thành viên đội bóng gậy bị thương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nói trong một tuyên bố rằng: “Cái chết của Qari Yasin là bằng chứng cho thấy những kẻ khủng bố báng bổ Hồi giáo và cố tình nhắm vào những người vô tội sẽ không thoát khỏi công lý”.

Iran ‘trừng phạt’ công ty Mỹ

Iran đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 15 công ty Hoa Kỳ bị cáo buộc vi phạm nhân quyền và hợp tác với Israel, hãng tin nhà nước IRNA đưa tin hôm 26/3.
Theo Reuters, hãng tin của Iran dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này nói rằng các công ty của Mỹ đã “trắng trợn vi phạm nhân quyền” và hợp tác với Israel trong hành động “khủng bố” chống lại người Palestine và trong việc mở rộng các khu định cư Do Thái.
Chưa rõ ngay là liệu bất kỳ công ty nào trong số bị trừng phạt có hợp đồng làm ăn với Iran, hay họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi quyết định của Tehran, mà IRNA nói sẽ bao gồm việc tịch thu tài sản và cấm liên lạc.
Reuters cho biết rằng các công ty bị cấm có tập đoàn công nghệ quốc phòng Raytheon hay công ty sản xuất các loại xe chuyên dụng Oshkosh.
Quyết định của Iran được công bố hai ngày sau khi Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 11 công ty và cá nhân của Trung Quốc, Bắc Hàn và Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất vì chuyển giao công nghệ giúp phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran.
Theo một dự luật được một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng của Mỹ công bố tuần trước, Iran cũng sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn vì các vụ phóng tên lửa đạn đạo.
Tổng thống Donald Trump trước đó từng có những phát biểu cứng rắn đối với Tehran.

Liên quân xác minh thông tin

hơn 100 người chết do không kích ở Mosul

Các quan chức Mỹ thừa nhận liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo đã thực hiện một cuộc không kích mà theo các nhân chứng đã giết chết hơn 100 thường dân trong trận chiến tái chiếm thành phố Mosul từ tay các phần tử Nhà nước Hồi giáo.
Tuy nhiên, vào hôm Chủ nhật, một số thường dân nói một quả bom gắn vào xe tải lớn do Nhà nước Hồi giáo kích nổ trong khu vực có thể đã gây ra ít nhất một số thương vong trong các tòa nhà.
Rất khó xác minh chính xác những gì đã xảy ra ở thành phố Mosul trong những ngày gần đây.
Trong một tuyên bố, liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống IS nói rằng họ đã “mở một cuộc đánh giá chính thức đáng tin cậy về con số thương vong của thường dân” đối với cáo buộc rằng các cuộc không kích gần đây của liên minh đã giết hơn 100 thường dân trong khu phố Jidideh của thành phố Mosul.
Trước đó khi có tuyên bố hôm thứ Bảy, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Miền trung Hoa Kỳ, Đại Tá John Thomas, nói với tờ New York Times rằng quân đội Mỹ không chắc liệu một vụ nổ ở tây Mosul là do một cuộc không kích của Mỹ hay của liên minh gây ra, hay là do bom hoặc mìn bẫy do IS gài”.
Nhưng một sĩ quan Iraq đã nói với tờ báo này rằng ông biết chính xác điều gì đã xảy ra.
Thiếu tướng Maan al-Saadi – chỉ huy lực lượng đặc biệt Iraq – nói với Times rằng binh lính của ông đã đề nghị liên quân tiến hành không kích để đối phó với những kẻ bắn tỉa trên mái của ba ngôi nhà ở khu Jidideh trong thành phố Mosul. Tuy nhiên, ông nói, các lực lượng của ông không biết có đông thường dân ở dưới tầng hầm của các ngôi nhà này.
Nawfal Hammadi, thống đốc vùng đất quanh Mosul, nói với hãng thông tấn Pháp rằng những phần tử thánh chiến IS đã dồn dân thường vào tầng hầm tòa nhà và sử dụng họ làm “lá chắn sống”.

Anh xem xét lại an ninh tại quốc hội

Anh sẽ xem xét lại tình hình an ninh tại quốc hội nước này, sau khi xảy ra vụ tấn công chết chóc tuần trước làm bốn người chết, trong đó có một cảnh sát.
Reuters dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Amber Rudd hôm 26/3 nói với BBC rằng vấn đề an ninh ở quốc hội sẽ được xem lại, nhưng việc bảo đảm an toàn tại đó luôn được đánh giá thường xuyên.
Bà Rudd lên tiếng như vậy sau khi xuất hiện những lời chỉ trích rằng cổng vào dành cho các phương tiện cơ giới đã để mở khi xảy ra khi Khalid Masood thực hiện vụ tấn công.
Tờ The Times cho đăng tải một đoạn video trong đó cho thấy rằng không ai bảo vệ cửa vào quốc hội trong khi một cảnh sát được ứng cứu.
Quan chức Anh không bác bỏ hay thừa nhận về chi tiết này, theo Reuters, cho tới khi cuộc điều tra hoàn tất.
Các nhà điều tra của Anh đang tìm hiểu xem lý do nào khiến ông Masood, 52 tuổi, thực hiện vụ tấn công mà họ tin là ông ta hành động một mình.
Theo Reuters, nhiều nhà lập pháp Anh hiện ngày càng tỏ ra lo ngại về an ninh của họ, nhất là trên mạng xã hội, sau cuộc trưng cầu dân ý mà Anh quyết định rời EU.
Chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu hôm 23/6 năm ngoái, nhà lập pháp Jo Cox bị một kẻ tấn công “cuồng” Đức Quốc xã sát hại. Tên này khi đó đã hét lên “Hãy giữ Anh độc lập” trong vụ tấn công.

Chính phủ Syria, Nga không kích phiến quân

Các máy bay chiến đấu của chính phủ Syria và đồng minh Nga đã không kích các mục tiêu là phiến quân trên khắp cả nước hôm thứ Bảy, giết chết nhiều người, trong đó có các tù nhân tại một nhà tù của phụ nữ do phiến quân kiểm soát ở thành phố miền tây bắc Idlib.
Đến thứ Bảy, vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết về cuộc oanh tạc vào nhà tù trong đêm. Tuy nhiên, những người theo dõi thuộc Đài quan sát Nhân quyền Syria nói số người thiệt mạng ở nhà tù gồm 16 tù nhân và nhân viên nhà tù. Đài quan sát cho biết một số tù nhân đã bị các lính canh giết chết khi họ cố bỏ trốn sau cuộc không kích.
Ngoài ra, các nhà theo dõi nói rằng các lực lượng chính phủ đã nhắm mục tiêu các địa điểm của phiến quân ở phía đông Damascus, nơi có ít nhất 16 người thiệt mạng và 50 người khác bị thương ở thị trấn Hamoria.
Đợt tấn công của chính phủ, được mô tả là một trong những trận đánh ác liệt nhất trong vài tuần qua, diễn ra chỉ vài ngày sau khi phiến quân muốn lật đổ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã tấn công bất ngờ vào Damascus bằng cách đào các đường hầm để xâm nhập vào thủ đô.
Đài quan sát cho biết phe nổi dậy hôm thứ Tư đã tiến sát một căn cứ không quân của chính phủ ngoại ô, chỉ cách vài kilomet.
Tuy nhiên, các nhà theo dõi nói hôm thứ Bảy rằng chính phủ đã bắn rocket dồn dập, buộc các phiến quân rút lui khỏi một số vị trí tiền tuyến của họ.

Lãnh đạo đối lập Nga bị bắt

Alexei Navalny, lãnh đạo của phe đối lập tại Nga đã bị bắt tại Moscow.
Lãnh đạo của đảng đối lập chính tại Nga, Alexei Navalny, đã bị bắt cùng với hàng chục người tham gia biểu tình phản đối nạn tham nhũng tại thủ đô Moscow, theo nhân chứng nói.
Những người biểu tình đã tìm cách ngăn chặn không cho chiếc xe của cảnh sát đưa ông Nalvalny đi.
Hàng ngàn người đã tham gia cuộc tuần hành trên toàn quốc, kêu gọi Thủ tướng Dmitry Medvedev từ chức do những cáo buộc về tham nhũng.
Cảnh sát được huy động với số lượng lớn để đối phó với cuộc biểu tình ở thủ đô.
Những hình ảnh từ truyền hình cho thấy người biểu tình hô to những khẩu hiệu như ‘Đả đảo Putin!’, ‘Nước Nga không cần Putin!’ và ‘Putin là kẻ cắp!’.
Ông Navalny đã bị bắt giữ khi đến nơi biểu tình để tham gia vào cuộc tuần hành, theo truyền thông đưa tin.
Viết trên tài khoản Twitter, sau khi bị bắt giữ, ông Navalny kêu gọi những người tham gia cuộc biểu tình tiếp tục với việc tuần hành và bày tỏ thái độ.
“Hỡi các bạn! Tôi vẫn ổn. Không cần phải đấu tranh để tôi được thả. Hãy tuần hành dọc theo Tverskaya [con đường chính ở Moscow]. Hãy tập trung vào chủ đề đấu tranh chống tham nhũng,” ông nói (bằng tiếng Nga).
Alexei Navalny nổi tiếng với cuộc vận động chống tham nhũng, nhắm vào những quan chức cao cấp thân cận Điện Kremlin.
Nhóm hoạt động nhân quyền OVD Info, nói có ít nhất 130 người đã bị bắt tại Moscow, trong khi cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán đám đông, hãng thông tấn AFP cho biết.
Alexei Navalny kêu gọi biểu tình trên toàn quốc sau khi công bố báo cáo cho rằng ông Medvedev kiểm soát nhiều khu dinh thự, du thuyền và trang trại thông qua một mạng lưới các tổ chức phi lợi nhuận có hoạt động mờ ám.
Ông bị cấm tham gia tranh cử Tổng thống vào năm tới, đối chọi với ông Putin sau khi bị kết tội trong một vụ án mà theo ông có ý đồ chính trị hóa.

Hồng Kong có nữ đặc khu trưởng đầu tiên

Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tên tiếng Anh là Carrie Lam, được bầu làm đặc khu trưởng lãnh thổ Hồng Kong. Bà là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này.
Bà Lâm năm nay 60 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Hồng Kong, bà trải qua nhiều chức vụ trong lĩnh vực hành chính của đặc khu Hồng Kong, bà từng đảm trách cơ quan lo về phúc lợi xã hội của thành phố này.
Trong diễn văn thắng cử bà Lâm nói rằng Hồng Kong đang bị chia rẽ trầm trọng và nhiệm vụ sắp tới đây của bà sẽ là thống nhất mọi tầng lớp dân chúng tại đặc khu. Bà cũng hứa là sẽ đảm bảo quyền tự do ngôn luận cho lãnh thổ này.
Đã có những cuộc biểu tình chống lại việc bà Lâm đắc cử, với những biểu ngữ tố cáo sự can thiệp của chính quyền trung ương Bắc Kinh vào chuyện chính trị Hồng Kong. Và cũng có những nhóm ủng hộ bà Lâm giương cao cờ đỏ của Trung Quốc trên đường phố.
Việc bầu chọn đặc khu trưởng Hồng Kong không theo phổ thông đầu phiếu mà được một ủy ban chọn lựa. Kết quả là bà Lâm được 777 phiếu, hơn hẳn đối thủ chính của bà là ông Tăng Tuấn Hoa được 365 phiếu.
Người ta nói ủy ban này là thân Trung Quốc cho nên họ sẽ chọn ứng cử viên nào gần với Bắc Kinh. Trong một số tầng lớp dân chúng Hồng Kong, nhất là giới trẻ có khuynh hướng chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh lên Hồng Kong. Vào năm 2014 đã xuất hiện những cuộc biểu tình lớn và kéo dài đòi bầu cử tự do của sinh viên Hồng Kong.
Xin được nhắc lại Hồng Kong được người Anh trả về cho Trung Quốc vào năm 1997, và cho đến nay lãnh thổ này được điều hành bởi một hệ thống gọi là một quốc gia hai chế độ, tức là đặc khu Hồng Kong có hiến pháp và một số luật lệ riêng. Nhưng ngày càng có nhiều quan ngại, nhất là từ giới trẻ cho rằng Bắc Kinh ngày càng xem vào chuyện nội trị của Hồng Kong, ví dụ như chuyện công an Hoa lục bắc cóc 5 người Hồng Kong làm nghề xuất bản đem sang lục địa vào năm ngoái.

Thượng viện xác nhận David Friedman là đại sứ mỹ tại Israel

Buổi bỏ phiếu diễn ra hôm qua 25 tháng 3, với kết quả 52 trên 46. Tất cả phiếu thuận thuộc về Cộng Hòa. Tất cả phiếu chống thuộc về Dân Chủ. Riêng 2 thượng nghị sĩ Robert Menendez và Joe Manchin, gia nhập vào đảng Cộng Hòa để ủng hộ ông Friedman. 46 phiếu phản đối ông Friedman là điều bất thường đối với một ứng cử viên cho chức vụ đại sứ Mỹ tại Israel, một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ.
Trong nhiều thập niên qua, ứng cử viên thường được cả 2 đảng đồng thuận ủng hộ. Thành viên Dân Chủ nói với Reuters rằng có nhiều lý do khiến họ phản đối ông Friedman. Một là ông không có kinh nghiệm làm ngoại giao. Hai là ông chỉ phục vụ cho cựu thương gia New York trong nhiều năm với công việc của một luật sư về phá sản. Ba là ông ủng hộ việc chuyển Tòa Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv sang Jerusalem. Cam kết trên khiến nhiều đồng minh của Hoa Kỳ phản đối, vì cả Israel lẫn Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của họ.
Sau khi ông Friedman được ủy ban quan hệ đối ngoại Thượng Viện xác nhận, thượng nghị sĩ Bob Corker là chủ tịch ủy ban, ca ngợi ông Friedman là người ủng hộ nhiệt tình cho mối quan hệ mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Israel. Cuộc bỏ phiếu hôm qua 25 tháng 3, đồng nghĩa với việc tổng thống Donald Trump có một đại sứ để tham dự cuộc họp thường niên của nhóm thân Israel, tổ chức ở Washington vào tuần tới. (Phong Ly)

Hàng nghìn người biểu tình

chống tham nhũng trên khắp nước Nga

Ngày 26/03/2017, hàng chục cuộc biểu tình chống tham nhũng, với hàng nghìn người tham gia, đã diễn ra trên khắp nước Nga, theo lời kêu gọi của lãnh đạo đối lập Alexei Navalny. Hơn 100 người bị câu lưu, trong đó có ông Nalvany.
Biểu tình diễn ra tại nhiều thành phố lớn ở miền đông nước Nga, như Novossibirsk (2.000 người), Vladivostok (700 người) …. Riêng tại Matxcơva, theo cảnh sát, đã có ít nhất 7.000 người tham gia cuộc tuần hành tại một trong các trục đường chính của thủ đô.
Phóng viên AFP có mặt tại chỗ cho biết cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán biểu tình. Đây là một trong các biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất được tổ chức tại thành phố này trong những năm gần đây.
Tại Saint Peterbourg, thành phố lớn thứ hai nước Nga, khoảng 4.000 người xuống đường. Theo một người biểu tình, dân chúng đã “quá mệt với những lời dối trá“, cần phải hành động.
Chính quyền địa phương tại Nga đưa ra nhiều lý do để cấm các cuộc biểu tình. Một số trường đại học tổ chức thi vào ngày này, để cản trở sinh viên tham gia biểu tình.
Theo tổ chức OVD-Info, có ít nhất 130 người bị cảnh sát bắt giữ.
Cho dù biểu tình diễn ra ngay tại trung tâm Matxcơva, các báo chí thân chính quyền hoàn toàn giữ im lặng.
Nhà đối lập Navalny kêu gọi biểu tình tại 99 địa điểm trên khắp nước Nga, sau khi công bố một điều tra, cáo buộc thủ tướng Medvdev là chủ nhân của cả “một đế chế bất động sản”. Cuộc điều tra của ông Nalvany được chuyển thành phim, được 11 triệu lượt truy cập trên mạng Youtube.
Nhà đối lập Alexi Nalvany được coi là nhà đối lập số một của chế độ Putin. Từ nhiều năm nay, luật gia Alexei Nalvany là người liên tục lên án nạn tham nhũng tại Nga trên trang blog cá nhân. Năm 2013, ông từng được 27,2% cử tri ủng hộ trong một cuộc bầu cử cấp thành phố tại Matxcơva.
Nhà đối lập dự kiến ra tranh cử tổng thống năm 2018. Tuy nhiên, việc ứng cử của Alexei Nalvany có nguy cơ không thành, do việc ông vừa bị phạt 5 năm tù treo trong một vụ án “biển thủ tiền”.

Đông Timor:

Một biểu tượng phong trào kháng chiến đắc cử tổng thống

Hôm qua, 25/03/2017, ủy ban bầu cử của quốc gia  Đông Timor ở vùng Đông Nam Á công nhận chiến thắng của ông Francisco Gutteres, 63 tuổi, bí danh « Lu-Olo », một hình tượng tiêu biểu của cuộc kháng chiến chống Indonesia để giành độc lập. Tthắng cử với 57% phiếu bầu, tân tổng thống Đông Timor sẽ phải đối mặt với tình trạng kinh tế khó khăn, do dự trữ dầu mỏ cạn kiệt.
Thông tín viên RFI Joel Bronner trở về từ Dili, thủ đô Đông Timor, cho biết cụ thể:
Ngón tay trỏ vẫn còn thấm mực và nụ cười rạng rỡ, ngay sau khi bỏ phiếu hôm thứ Hai vừa qua, ứng cử viên Lu-Olo đã dự báo sẽ chiến thắng ngay sau vòng một. Việc được ủng hộ từ hai đảng chính trị chủ yếu của Đông Timor, đảng Fretilin và đảng CNRT, cuối cùng đã cho phép ông Luo-Olo đắc cử.
Tại Đông Timor, vai trò của tổng thống về cơ bản mang tính nghi thức, tuy nhiên tân tổng thống có sứ mạng lớn trong việc củng cố sự đoàn kết của đất nước. Độc lập từ năm 2002, Đông Timor, đảo nằm giữa Indonesia và Úc, đang nỗ lực tìm cách đa dạng nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ của nước này, dự kiến sẽ cạn kiệt ngay trong những năm tới.
Thách thức chủ yếu của chính quyền Đông Timor nhiệm kỳ tới, sau cuộc bầu cử dự kiến vào mùa hè này, là dùng tiền thu được từ dầu mỏ để mỏ để tiếp tục phát triển kinh tế. Đông Timor hiện là một trong những nước nghèo nhất châu Á.
Kể từ đầu năm 2017, Đông Timor bắt đầu đàm phán với Úc để thông qua một thỏa thuận về phân định biên giới trên biển Timor và quyền khai thác các mỏ dầu khí ở khu vực Greater Sunrise, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực tại La Haye (Hà Lan).
Đông Timor hiện đang thương lượng để gia nhập Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN).

Bầu cử cấp vùng tại Đức,

bài trắc nghiệm cho thủ tướng Merkel

Sáu tháng trước bầu cử Quốc Hội, ngày 26/03/2017 cử tri bang Saarland (tiếng Pháp gọi là Sarre), Länder nhỏ nhất trong số 16 bang của nước Đức, sát biên giới với Pháp và Luxembourg, bầu lại hội đồng cấp vùng. Đây được coi là một cuộc trắc nghiệm đối với thủ tướng Merkel và đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của bà, trong bối cảnh uy tín của đảng đối lập Xã Hội Dân Chủ SPD ngày càng tăng.
Thông tín viên Pascal Thibaut từ Berlin cho biết thêm về tầm mức quan trọng của một cuộc bỏ phiếu cấp vùng lần này :
Với một triệu dân, về lá phiếu mà nói, vùng Sarre không có trọng lượng đối với cả nước Đức. Mới cách nay vài tuần, kết quả cuộc bầu cử ngày hôm nay coi như là đã được biết trước. Ứng cử viên của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo, bà Annegret Kramp-Karrenbauer, gọi tắt là AKK, được coi là sẽ dễ dàng chiến thắng để có thể tiếp tục đứng đầu một chính quyền liên minh với phe Xã Hội Dân Chủ.
Thế nhưng từ đó tới nay, ảnh hưởng của ông Martin Schulz đã ngày càng lớn. Kể từ khi cựu chủ tịch Nghị Viện Châu Âu được chỉ định lãnh đạo đảng Xã Hội Dân Chủ SPD vào tháng Giêng, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, uy tín của đảng này tăng thêm gần 10 điểm trên bình diện quốc gia. Vùng Sarre không là một ngoại lệ trong trào lưu đó.
Như vậy cuộc bỏ phiếu hôm nay thêm phần sôi động. Hiện tại theo các cuộc thăm dò, đảng Xã Hội Dân Chủ hãy còn đứng sau đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo thuộc cánh bảo thủ. Nhưng nếu như đảng CDU – vốn đã liên tục cầm quyền ở Sarre từ 18 năm qua, bị thua hôm nay, thì đây sẽ là điềm gở với thủ tướng Angela Merkel trong bối cảnh 2017 là năm có nhiều cuộc bầu cử tại Đức. Vào tháng 5 này sẽ có hai cuộc tuyển cử ở cấp vùng khác được diễn ra, trước kỳ bầu cử Quốc Hội vào tháng 9.
Nếu như đảng SPD phải liên kết với đảng cánh tả Die Linke để thành lập một chính quyền liên minh ở cấp vùng, thì đây cũng sẽ là sự kiện chưa từng thấy tại bang miền tây nước Đức này. Đây cũng sẽ là một tín hiệu mạnh về mặt chính trị sáu tháng trước cuộc tổng tuyển cử.

Tổng thống Pháp công du Đông Nam Á với trọng tâm kinh tế

Tổng thống Pháp François Hollande hôm nay, 26/03/2017, tới Singapore, chặng đầu tiên trong chuyến đi Đông Nam Á, vòng công du cuối cùng với tư cách nguyên thủ. Mục tiêu chủ yếu của tổng thống Hollande là siết chặt các quan hệ giữa Pháp với một khu vực « có tiềm năng rất lớn » về kinh tế (theo điện Elysée). Paris cũng tìm cách khẳng định vị thế một cường quốc Thái Bình Dương, sau khi chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước TPP, để ngỏ không gian cho Trung Quốc tung hoành.
Tổng thống Hollande sẽ ở Singapore trong hai ngày, Chủ Nhật 26/03 và thứ Hai 27/03. Cùng đi với tổng thống Pháp là khoảng 40 lãnh đạo các doanh nghiệp, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tổng thống Pháp có kế hoạch gặp các doanh nhân Pháp làm việc tại Singapore trước khi hội kiến với đồng nhiệm Singapore Tony Tan Keung Yam. Ngày mai, ông Hollande sẽ tham dự lễ khánh thành một diễn đàn của 170 start-up Pháp hoạt động tại Singapore.
Singapore là đối tác thương mại số một của nước Pháp tại Đông Nam Á, với trao đổi thương mại khoảng 8 tỉ euro.
Tiếp theo Singapore, thứ Ba 28/03, tổng thống Pháp tới Malaysia, khách hàng truyền thống của Pháp trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Kuala Lumpur đã mua nhiều tầu ngầm và máy bay vận tải của Pháp và hiện tại quan tâm đến các máy bay chiến đấu Rafale của tập đoàn Dassault. Chuyến công du của tổng thống Hollande khép lại với Indonesia. Quốc gia quần đảo chiếm đến 40% trọng lượng kinh tế của khối ASEAN đang có nhu cầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng biển. Pháp có thể hợp tác với Indonesia trong các lĩnh vực vận tải biển, xây dựng cảng, năng lượng biển, thông tin liên lạc, và kể cả du lịch.
Triển vọng hợp tác với Đông Nam Á của Pháp, với tư cách quốc gia Thái Bình Dương
Theo các nhà quan sát, bên ngoài các mục tiêu về kinh tế, Pháp cũng tìm kiếm vai trò trên lĩnh vực địa chính trị Đông Nam Á, trong bối cảnh khu vực đang rơi vào không khí « bất định », sau khi tân chính quyền Donald Trump rút khỏi Hiệp định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều nước ASEAN đang tìm kiếm các đồng minh chính trị và kinh tế mới, để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lấn át của Trung Quốc tại khu vực này.
Nước Pháp là một trong các động lực chính trong hợp tác giữa Liên Hiệp Châu Âu và khối ASEAN, thông qua các hiệp ước thương mại tự do. Thỏa thuận với Việt Nam đã được ký kết, dự kiến tiếp theo sẽ là Indonesia. Theo báo Huffington Post, với các lãnh thổ hải ngoại và vùng đặc quyền kinh tế biển tại Thái Bình Dương, Pháp chắc chắc là một quốc gia Thái Bình Dương. Paris có thể có được một vai trò tại khu vực này, « nếu biết cách liên kết hiệu quả với ‘‘các láng giềng’’ châu Á ».
Tại Singapore, ngày mai, 27/03, tổng thống Pháp François Hollande sẽ có một bài phát biểu về tình hình khu vực và quốc tế tại diễn đàn nổi tiếng Singapore Lecture, do Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS Yusof Ishak Institute) tổ chức.

+ Ý kiến
Được tạo bởi Blogger.