Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Thứ Tư, 16 Tháng 4, 2025
Cập nhật :

Đình Phú Hưng- gắn với quá trình lập làng xưa

Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017 19:01 // , ,


Thứ hai, 13/02/2017 01:02
(AGO) - Tuy không đặc biệt về nét kiến trúc hay di tích lịch sử, nhưng đình Phú Hưng (ấp Hưng Tân, xã Phú Hưng, Phú Tân) lại mang một ý nghĩa về tín ngưỡng với người dân địa phương. Bởi, sự hiện diện của ngôi đình gắn liền với quá trình khai hoang, lập làng. Đây còn là nơi bà con tìm đến gửi gắm nguyện vọng, cầu gia đạo bình an, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an…
Trong quá trình đi mở đất ở những vùng hoang vu, cuộc sống của bà con gắn liền với việc sản xuất nông nghiệp nên khó tránh khỏi những trắc trở của thiên nhiên. Những lúc như thế, người dân lại mong muốn tìm được nơi trấn an tinh thần và qua đây cũng giải thích sự xuất hiện của nhiều ngôi đình làng ở Nam Bộ. Với quan niệm “có thờ có thiêng”, bà con làm ăn sinh sống thường tin rằng, nơi nào có thờ phượng, làm ăn được thì tất nơi đó có thần linh phù hộ. “Việc xây dựng đình Phú Hưng mang ý nghĩa như thế, giúp người dân địa phương gửi gắm ước vọng, tập trung sản xuất, chăm lo đời sống nơi vùng đất mới…” - ông Đặng Thành Nghề, Trưởng ban Quý tế đình Phú Hưng, cho hay. 
 
T6-1.jpg
 
Sắc phong ở đình thần Phú Hưng
 
Vẫn là kiểu kiến trúc đình làng Nam Bộ xưa, đình thần Phú Hưng ngoài thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh là vị thần của làng, đình còn thờ sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh, hương tề và các anh hùng liệt sĩ của địa phương. Trước đây, xã Phú Hưng là xã Hưng Nhơn thuộc huyện Châu Phú, tỉnh Châu Đốc, nay là huyện Phú Tân. Theo ông Nghề, đình thần được xây dựng vào những năm đầu thành lập làng Nhơn Hưng, năm Bính Tý (1876) và đã được sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh vào năm thứ 9, thời vua Khải Định. Những ngày đầu thành lập, đình Phú Hưng chỉ xây cất đơn sơ bằng cây, lợp lá nhưng vẫn thu hút được đông đảo người dân đến chiêm bái, cầu nguyện. Đến nay, ngôi đình đã trải qua nhiều lần tái thiết và trùng tu, di dời để bảo quản được nơi thờ phượng, tín ngưỡng của người dân địa phương. Đợt trùng tu mới và lớn nhất là vào năm 2014, với kinh phí trên 1 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa trong và ngoài địa phương. 
 
T6-2.jpg
 
Chánh điện thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh
 
“Dù đã nhiều trùng tu, sửa chữa, nhưng trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, lịch sử, một số bộ phận của đình đã xuống cấp. Thêm vào đó, khuôn viên đình trở nên chật hẹp, mặt bằng trũng, ít nhiều ảnh hưởng đến vẻ mỹ quan, không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của bà con địa phương” - ông Nghề thông tin. Tại vị trí cũ như trước đây, công trình được di dời ra phía sau 12 mét, nâng cao đình lên 1,5 mét, giữ nguyên vẹn kiến trúc vốn có. Theo Phó Trưởng ban Quý tế Ngô Văn Nhung, hàng năm, cứ vào các ngày 16, 17, 18 tháng 3 âm lịch, tại đình sẽ diễn ra lễ cầu an. Đây là dịp để cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người có được cuộc sống ấm no hạnh phúc. “Chưa hết, đây còn là cơ hội để ôn lại truyền thống văn hóa, lịch sử ông cha ta từ những ngày khai hoang mở cõi. Qua đó, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ phải sống có ích. Đó là những truyền thống tốt đẹp và quý báu từ bao đời nay của dân tộc ta”- ông Nhung cho biết thêm. 
 
Đình là nơi tôn vinh công lao của các vị Thành Hoàng, các bậc tiền nhân, hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ đã ra sức cống hiến cho quê hương, đất nước. Người dân đến đình thành tâm chiêm bái, cầu gia đạo bình an, hạnh phúc, con cái nên người… “Đình Phú Hưng là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng của địa phương, qua đó, tình làng nghĩa xóm thêm phần đoàn kết, thắt chặt. Ngôi đình được trùng tu khang trang, bảo tồn như hôm nay, với mục đích gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử văn hóa vốn có từ lâu đời. Đây sẽ là di sản quý báu để lại cho thế hệ mai sau…”- ông Nghề chia sẻ.
Bài, ảnh: ÁNH NGUYÊN

+ Ý kiến
Được tạo bởi Blogger.