Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Thứ Ba, 29 Tháng 4, 2025
Cập nhật :

Mùa xuân đi “săn” gà rừng

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017 19:04 // , ,


Thứ năm, 26/01/2017 01:08
(AGO) - Ngoài nét đẹp đặc trưng có một không hai mà các giống gà kiểng khác không có được, như: Lông cong hình cầu vồng, đốm trắng phía dưới 2 tai hay cái tướng thì hơi cao cao… gà rừng còn có những tiếng gáy hoang dã làm “người chơi” phải mê mệt. Và khi mùa xuân chuẩn bị về thì cuộc “săn” gà cũng bắt đầu. 
“Săn” mùa này, chuẩn bị mùa sau 
Cứ vào dịp cuối năm, những người thích gà rừng bắt đầu chuẩn bị cho cuộc chinh phục đồi núi. Họ muốn tìm kiếm vài chú gà trống đẹp, “oai vệ” hay cô gà mái sai đẻ để lai tạo thêm giống gà độc đáo này. “Săn” gà rừng là vậy, chứ không phải nhằm thỏa mãn thú vui giết chóc, ăn uống đơn thuần.
Với tôi, một người sinh ra và lớn lên ở thành thị, dù đã thấy, biết rất nhiều giống gà kiểng khác nhau, nhưng 2 chữ “gà rừng” vẫn rất mới mẻ. Nhân chuyến về thăm người anh sinh sống ở miền núi Tri Tôn, sau hồi trò chuyện, tôi mới biết: Bên cạnh các loài chim, sóc, chồn…, thì gà rừng là động vật hoang dã góp phần làm sinh động cho vùng đồi núi này, được quý trọng như bao loại gà kiểng khác. Theo lời giới thiệu của người anh, tôi quyết định tìm đến khu vực núi Dài, gặp anh Phan Văn Dũng (sinh năm 1975), người chuyên “săn” gà rừng. Khi ấy, anh cũng vừa hoàn thành xong công việc mưu sinh hàng ngày.
GA3.jpg
Gà rừng F1 của anh Dũng làm giống
Trong lúc chờ đợi anh dở tay, ngồi trên bộ ván ngựa, bỗng tôi cảm thấy mình như lạc giữa một vườn chim. Tiếng gáy của những chú chim cu từ phía gian nhà sau vọng ra như bản hòa tấu của núi rừng, bắt đầu từ tiếng “kêu mồi” của anh. Tôi liền hỏi: “Chim cu đâu nhiều vậy anh?”, anh cười: “Toàn do tôi gác được, để trong nhà nghe cho vui”. Không thấy con gà nào gáy, mà chỉ nghe tiếng chim cu, tôi tiếp tục thắc mắc: “Vậy còn gà rừng đâu rồi anh?”. Anh chỉ ra trước sân nhà: “Kìa, nó đó”. Đó là một chú gà trống đang đi lòng vòng phía hàng rào, nhưng không hoàn toàn giống với những đặc điểm tôi được nghe kể về gà rừng. Thấy tôi chau mày thắc mắc, anh liền giải thích: “Đây là con F1 rồi. Tôi dùng để làm gà mồi. Do được thuần dưỡng lâu ngày, nó đã trở nên dạn dĩ, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng quan trọng là có tiếng gáy thật to, thật nhiều. Còn gà rừng thuần chủng thì có đôi mắt rất khác so với gà nhà: Có chút gì đó vừa ngơ ngác, vừa sợ hãi. Thường, sau khi bẫy được gà trống đem về, tôi cho nó đạp mái lấy giống liền. Không hiểu sao, gà rừng chẳng thể nào để lâu trong nhà mình được. Dù chăm sóc tốt cách mấy, nó cũng chết yểu…”.
Tôi ngỏ ý muốn tham gia một cuộc “săn”. Anh lắc đầu, giọng đầy kinh nghiệm: “Bây giờ chưa thể. Lúc này, gà vẫn còn đang trú ẩn, phục vụ giai đoạn thay lông, chúng hiếm khi xuất hiện. Nếu chú muốn theo, thì phải đợi qua tháng sau. Gà rừng thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa xuân đến đầu mùa hè. Đặc biệt, gà rừng sinh sống theo từng “lãnh địa” riêng, nên không con nào “đội trời chung” với con nào, “hơn thua nhau” bằng tiếng gáy. Chính vì đặc tính này mà gà rừng mặc dù tinh khôn đến đâu cũng bị phát hiện. Khi con gà mồi cất tiếng gáy, con gà bản địa liền xem đó là lời thách thức. Chắc chắn, chúng sẽ tìm đến, xua đuổi kẻ “lạ mặt”, để giữ “lãnh địa” và đàn gà mái trong vùng đất mà chúng “quản lý”, sinh sống”.
Chia tay anh sau gần 1 giờ trò chuyện, tôi rời xứ núi, trở về thành thị trong niềm mong chờ. Cũng giống như bao loại gà kiểng khác, để sở hữu được một con gà rừng như ý, “người chơi” bỏ không biết bao nhiêu công sức đi khắp các dãy núi đồi tìm kiếm. Đặc biệt, phải cố gắng lai tạo thế hệ F1, F2 vẫn còn nguyên dáng vẻ thuần chủng, từ màu lông bắt mắt cho đến chân đen chì. Có như vậy, mới tạm coi là thành công, chuẩn bị cho đợt “săn” mùa sau. 
Đam mê và yêu quý cái đẹp hoang dã
Giữa tháng 11, sau bao ngày chờ mong, tôi trở lại xứ núi để “đi săn”. 8 giờ sáng ngày cuối tuần, tôi đã có mặt tại nhà anh Nguyễn Hữu Phước (sinh năm 1974, ngụ xã Lương Phi, Tri Tôn). Anh Phước báo tin vui: “Mới nghe tiếng gà gáy vòng vòng đây nè”. Chúng tôi vội thẳng tiến về phía tiếng gáy. Hơn 20 phút tìm kiếm, cả nhóm quyết định ngồi nghỉ ở một bụi rậm, hoang mang chờ tiếng gáy tiếp theo. Anh Phước trấn an: Theo kinh nghiệm, đây là vị trí thuận lợi để bẫy gà rừng. Giáp với bìa rừng là rẫy của người dân, có những hồ chứa nước. Khi đi kiếm ăn vào buổi sáng, nhất định gà sẽ qua đây. Rồi anh chọn một khoảng đất trống bên bụi rậm làm điểm đặt bẫy giò. Chỉ hơn 5 phút, chừng 20 chiếc bẫy giò đã hoàn thành, được cột với cành cây rừng, vít đinh cắm xuống đất, rồi ngụy trang bằng lá khô. Chuẩn bị xong, anh đưa chú gà mồi ra đặt ở giữa, cách giàn bẫy khoảng 3 mét. Bản năng khiến gà mồi vỗ cánh, cất tiếng gáy. Đằng xa, bỗng vọng lại tiếng gà rừng đáp trả. Anh Phước kéo tôi lùi ra xa, nép mình dưới gốc xoài lớn. Anh vừa quan sát động tĩnh xung quanh, vừa thầm thì: “Loài này rất tinh khôn, thính tai lắm. Chỉ cần một tiếng động nhẹ là chúng bay đi, không dám đến nữa. Cho nên, khi đã đặt bẫy xong, phải núp cho kỹ rồi chờ đợi...”. Từ phía xa xa, tiếng gà gáy đáp trả mỗi lúc một gần, nhưng vẫn chưa thấy chú gà nào xuất hiện. Tiếng gà gáy vang vọng trong không gian núi đồi yên tĩnh, làm người nghe cảm thấy thư thái, hạnh phúc lạ kỳ. 
GA2.jpg
Con gà mái anh Phước bẫy được
Gần một giờ sau, không có động tĩnh gì mới. Thấy tôi bứt rứt ở vị trí “núp”, anh Phước lại trấn an: “Chú thấy tôi nói đúng không? Muốn bẫy được gà rừng thì phải kiên nhẫn lắm”. Để cho con gà mồi tiếp tục gáy, anh Phước phải dùng đến công cụ hỗ trợ “máy nhạc mồi” mang theo trong người. Ít phút sau, trong lùm cây trước mặt có tiếng gà rừng gáy đáp lại, rồi một cô gà mái “lông bông, chân chì” bay đến. Thấy chú gà trống “bảnh bao”, cô gà từ từ tiến lại. Nhưng chưa kịp “bắt chuyện”, chân gà mái đã dính vào bẫy. Cô giãy phành phạch, kêu quang quác. Anh Phước nhanh chân chạy đến gỡ bẫy một cách cẩn trọng, để không làm tổn thương “thân thể vàng ngọc” của gà quý. Dù khác với dự định “săn” gà trống ban đầu, nhưng chúng tôi vẫn ưng ý.
Đó chỉ mới là cuộc “đi săn” mở đầu của những người “say gà rừng” trong tiết xuân năm nay. Mỗi lần được tận mắt nhìn thấy, tận tay chạm vào giống gà quý này, họ đều cảm thấy thỏa đam mê. Họ thưởng thức cái đẹp hoang dã bằng cách tiếp sức cho chúng sinh tồn. Họ cũng tìm cho mình thú vui riêng biệt: Sau hàng giờ chờ đợi căng thẳng, thử thách lòng kiên nhẫn của bản thân, chợt vỡ òa sung sướng khi gà rừng đã vào tay. Chỉ mong rằng, đừng vì lòng tham mà các tay săn tận diệt giống loài, đi săn với mục đích lợi nhuận. Hãy để cho nhiều năm sau nữa, tiếng gà rừng vẫn còn gáy vang vọng trong các khu rừng, để con người vẫn ngất ngây với thú vui tao nhã ấy…
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG 

+ Ý kiến
Được tạo bởi Blogger.