Long Xuyên Hải Ngoại

Dù số phận mang tới điều gì,

hãy can đảm tranh đấu cho quê hương tự do

Tin Việt Nam – 7-10-2016

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016 20:01 // , ,

Cựu chủ tịch Ocean Bank bị đề nghị truy tố

Image copyright OCEAN BANK
 Image caption 
Ông Hà Văn Thắm 10 năm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng OceanBank

7 tháng 10 2016
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm.
Ông Hà Văn Thắm, 44 tuổi, bị đề nghị truy tố cùng 16 người khác trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank).
Ông Thắm bị bắt hồi tháng 10/2014.
Ông bị đề nghị truy tố ba tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Báo Việt Nam dẫn nguồn cơ quan điều tra tường thuật “ông Thắm cho doanh nghiệp vay 500 tỷ đồng mà không có tài sản đảm bảo”.
“Sau khi bị bắt, ông Hà Văn Thắm đã khai báo thành khẩn, có ý thức hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ sự thật vụ án xảy ra tại OceanBank”, báo Zing hôm 7/10 viết.
Nếu bị truy tố, phiên xử sơ thẩm ông Thắm có thể sẽ diễn ra vào năm sau.
Bình luận về việc này, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói với BBC từ Hà Nội: “Tôi trông đợi phiên tòa xử ông Thắm sẽ diễn ra minh bạch và công minh, làm gương cho những nhà quản lý ngân hàng khác.”
“Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đến nay hãy còn thô sơ, nhiều ngân hàng không hoạt động đúng quy tắc tín dụng.”
“Ngoài ra, một số ngân hàng còn trở thành sân sau cho những quan chức và triền miên trong vấn đề nợ xấu, gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế và tài chính Việt Nam.”
Vụ OceanBank là một trong sáu “đại án” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo “cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý”. – BBC

 Vụ Formosa thách thức chính quyền Việt Nam và các tập đoàn ngoại quốc

Trọng Nghĩa Đăng ngày 07-10-2016 Sửa đổi ngày 07-10-2016 17:19
media
Cầu cảng nhà máy luyện thép Formosa, Đài Loan, Hà Tĩnh, ngày 04/12/2015.HOANG DINH NAM / AFP
Vụ nhà máy Formosa gây ô nhiễm nặng vùng bờ biển miền Trung Việt Nam và cách xử lý bị cho là không thỏa đáng của chính quyền phải chăng sẽ có nhiều ảnh hưởng về kinh tế. Trong bài phân tích ra ngày 06/10/2016, nhật báo kinh tế Anh Financial Times đã xem vụ tai tiếng liên quan đến một đại công ty ngoại quốc là một thách thức đối với cao vọng của chính quyền Việt Nam, muốn biến đất nước thành một trung tâm gia công cho toàn vùng Đông Nam Á.
Vụ ô nhiễm này được cho là liên quan đến rất nhiều vấn đề lớn đang tồn tại ở Việt Nam trong đó có tâm lý chống Trung Quốc rất nặng nề trong dư luận, thiếu sót trong các quy định về quản lý, và sự thiếu minh bạch trong đời sống công cộng.
Nhật báo Anh trước hết ghi nhận một mẫu số chung giữa vụ tập đoàn Đài Loan Formosa gây ô nhiễm nghiêm trọng với các vụ cưỡng bức và bóc lột lao động đã gay chấn động trong ngành khai thác hải sản tại Đông Nam Á gần đây : Đó là xu hướng các đại tập đoàn ngày càng tập trung vào việc thiết lập cơ sở trong vùng Đông Nam Á, vừa để thủ lợi từ các chính sách thu hút đầu tư của các quốc gia sở tại, vừa chen chân được vào các thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Riêng về vụ Formosa, sau khi đã chấp nhận bồi thường 500 triệu đô la thiệt hại, tập đoàn này sẽ phải đối phó với hàng loạt đơn kiện của ngư dân miền Trung Việt Nam, và nhất là một phong trào phản đối rầm rộ của người dân, mà đỉnh cao là cuộc biểu tình huy động được hàng ngàn người tham gia hôm đã biểu tình hôm 02/10/2016 trước nhà máy của tập đoàn này ở Hà Tĩnh.
Trước đó, từ khi vụ ô nhiễm bị phát giác vào tháng Tư, làm cá chết hàng loạt dọc theo 200 km bờ biển miền Trung, biểu tình đã diễn ra tại các thành phố lớn của Việt Nam phản đối Formosa, một trong những công ty lớn nhất trong số 2000 công ty Đài loan ở Việt Nam. Hàng trăm ngư dân đã đệ đơn kiện tập đoàn này trước tòa án Hà Tĩnh.
Vấn đề đáng nói, theo Financial Times, là chính quyền Việt Nam thoạt đầu đã bênh vực Tập đoàn Đài Loan, giảm nhẹ khả năng Formosa có trách nhiệm trong sự cố và cho rằng các cuộc biểu tình đã bị các thành phần « phản động » tổ chức.
Tuy nhiên, áp lực của quần chúng không giảm, và đến tháng Sáu vừa qua, Formosa đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi và thông báo 500 triệu đô la tiền bồi thường thiệt hại, ngay sau khi chính phủ Việt Nam công nhận là theo kết quả điều tra Formosa có trách nhiệm trong sự cố ô nhiễm khí thải chất độc hại ra biển làm cá chết.
Cho dù vậy, chính quyền Việt Nam đã tỏ ý muốn trấn an tập đoàn Formosa, khi hàm ý cho rằng sẽ không đi xa hơn những gì đã quyết vì Việt Nam « đang xây dựng môi trường đầu tư (và) hình ảnh hội nhập cũng như đang tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế ».
Đây cũng là thông điệp mà Hà Nội muốn gởi đến giới đầu tư quốc tế, đang có xu hướng chọn Việt Nam làm cơ sở gia công để tranh thủ nguồn nhân công giá rẻ.
Giáo sư Pavida Pananond về kinh doanh quốc tế tại Trường Kinh Doanh Thammasat (Bangkok) tuy nhiên đã lưu ý rằng vụ Formosa « là một bài học quan trọng cho các tập đoàn đa quốc gia : Họ không còn có thể thoái thác trách nhiệm một cách dễ dàng tại những quốc gia mà tiêu chí về môi trường còn lỏng lẻo ».
Đối với vị giáo sư này, vụ Formosa còn cho thấy là chính quyền các nước tiếp nhận đầu tư không còn có thể chạy theo đầu tư mà không màng đến đời sống, sự an toàn người dân tại chỗ.

Việt Nam sắp trang bị chiến xa T-90 của Nga ?

Minh Anh Đăng ngày 06-10-2016 Sửa đổi ngày 06-10-2016 14:54
mediaXe tăng T-90 của Nga trong cuộc diễu hành Ngày Chiến thắng, tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva, ngày 09/05/2014.AFP PHOTO / KIRILL KUDRYAVTSEV
Việt Nam có nhu cầu cấp thiết đổi mới binh chủng xe tăng và đang thương 
lượng với Nga mua khoảng 100 chiến xa nhằm tăng cường năng lực chiến đấu cho quân đội. Báo mạng Sputnik ngày 03/10/2016 thông báo như trên.
Tờ báo mạng này dẫn lại nguồn tin từ tờ Izvestia cho hay phía Việt Nam muốn tăng cường khả năng tác chiến cho quân đội và đang đàm phán với Nga mua khoảng 100 chiến xa T-90. Tuy nhiên, theo lời ông giám đốc điều hành nhà xưởng Ouralvagonzavod, Vladimir Rochtchoupkin, « đơn đặt hàng chỉ ở mức trung bình. Phía Việt Nam muốn được bớt giá đáng kể và mong muốn được trả rẻ hơn so với mức giá chúng tôi đề ra ».
Cũng theo vị giám đốc trên, « một khi giá được ấn định, các bên sẽ bắt đầu thương thuyết về những yêu cầu đặc biệt về những trang thiết bị thích hợp cho việc triển khai tại địa hình Đông Nam Á ». Về điểm này, giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga, Rouslan Poukhov cho rằng Matxcơva nên có chính sách linh hoạt.
Tờ báo Nga đánh giá điều này cho thấy Việt Nam đang có nhu cầu cấp thiết đổi mới đội xe tăng cũ kỹ có từ Xô Viết và đã được hiện đại hóa một phần nhờ vào các chuyên gia Israel.
Trước đó, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam dự tính mua chiến xa T-72 được sản xuất tại Ba Lan, nhưng vụ giao dịch đã bất thành. Kết quả là Việt Nam đã chuyển hướng sang Nga.
Sputnik trích dẫn bảng xếp hạng đăng trên tờ The National Interest cho rằng chiến xa T-90 có tên là « Vladimir » từng được xếp vào danh sách các loại xe tăng thiện chiến nhất trên thế giới.
Lợi thế đầu tiên của T-90 là nhờ vào những đặc thù của nòng pháo 125mm-D-81 (2A46) có thể hủy diệt những mục tiêu ở cự ly xa cực kỳ hiệu quả. Một lợi điểm khác của T-90 là sức công phá dữ dội của tên lửa Refleks (9K119M) có tia laser dẫn đường. Loại tên lửa này có khả năng chọc thủng một xe bọc thép dày 700 mm ở cự ly 5 km.

Vợ ca sĩ nhạc rock Pháp Johnny Hallyday xây trường ở Việt Nam


Thu HằngĐăng ngày 07-10-2016 Sửa đổi ngày 07-10-2016 15:26

mediaLaeticia Hallyday đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi trường mới ở tỉnh Đăk Nông, Việt Nam, ngày 06/10/2016.© Instagram, Laeticia Hallyday
Laeticia Hallyday, vợ của danh ca nhạc rock Johnny Hallyday, đã đến Việt Nam để tiếp tục chương trình xóa nạn mù chữ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo website Purepeople ngày 07/10/2016, cựu người mẫu nổi tiếng của Pháp đặt viên gạch đầu tiên, ngày 06/10, để xây ngôi trường mới do Quỹ « Ngôi sao may mắn » (La Bonne Etoile) của bà tài trợ.
Mùa Xuân năm 2016, Laeticia Hallyday và người bạn Hélène Darroze (một trong nữ đầu bếp nổi tiếng của Pháp), cả hai cùng nhận con nuôi người Việt Nam, đã kêu gọi quyên tiền trên trang Ulule để thực hiện dự án trên. Theo giải thích của hai nhà đỡ đầu dự án trên Ulule, Quỹ « Ngôi sao may mắn » muốn xây một ngôi trường mới ở « tỉnh Đăk Nông, chính xác hơn là ở huyện Krông Nô. Đây là trung tâm xã hội đầu tiên tại tỉnh này. Đăk Nông là một trong những tỉnh nghèo nhất ở Việt Nam, nơi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống và họ không có bất kỳ một cơ tổ chức xã hội nào để giúp đỡ người dân địa phương ».
Công trình này nằm trong loạt dự án đã được Quỹ « Ngôi sao may mắn » hợp tác với « Ngôi nhà may mắn » (Maison chance), một hiệp hội tiếp nhận và đỡ đầu trẻ mồ côi, tàn tật, trẻ bị nhiễm HIV và không được đi học.
Mục tiêu ban đầu của dự án là xây 5 lớp tiểu học, rộng 289,8 m2 với trị giá 43.810 euro. Thế nhưng, với sự ủng hộ của một số người nổi tiếng, như Amanda Sthers và diễn viên Léa Seydoux và sự đóng góp nhiệt tình của cộng đồng mạng, dự án đã thu về được hơn 155.000 euro.
Trên các mạng xã hội của mình, cựu người mẫu 41 tuổi cho biết « vô cùng xúc động vì dự án đã thành hiện thực » và đăng một số hình ảnh đang đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi trường mới, nơi tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ quên, trẻ mồ côi, trẻ tàn tật và trẻ gặp khó khăn ở tỉnh Đăk Nông.
Trước đó, vào tháng 12/2015, Quỹ « Ngôi sao may mắn » của Laeticia Hallyday đã khánh thành và tặng một ngôi trường cho trung tâm trẻ mồ côi Ba Vì, ngoại thành Hà Nội.
Laeaticia Hallyday và Việt Nam có mối quan hệ thân thiết. Việt Nam đã tặng cho bà niềm hạnh phúc được làm mẹ. Cùng với người chồng, ca sĩ Johnny Halliday, bà đã nhận hai cô con gái nuôi, Jade năm nay 12 tuổi và Joy 8 tuổi. Đáng lẽ ra một cậu bé Việt Nam đã gia nhập đại gia đình Hallyday nếu như cậu không bị bệnh nặng vào cuối năm 2009.

Dư lượng kim loại trong thủy sản Việt Nam

RFA
7-10-2016
Cá vừa đánh bắt về bãi biển Vũng tàu, ảnh minh họa.
Cá vừa đánh bắt về bãi biển Vũng tàu, ảnh minh họa. 
 AFP photo
EU vừa cảnh báo 11 lô hàng thủy sản Việt Nam có dư lượng kim loai nặng như thủy ngân và cadmium vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Việt Nam cho báo chí biết như vậy vào hôm nay và nhấn mạnh tình trạng này đã gia tăng 2,2 lần so với cả năm 2015.
11 lô hàng thủy sản bị nhiễm kim loại nặng đã được Tổng vụ Sức khỏe và An toàn thực phẩm thuộc Ủy ban Châu âu (EC) phát hiện trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2016.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vào EU phải rà soát chương trình quản lý chất lượng, thiết lập, thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát mối nguy kim loại năng.

Tù nhân lương tâm Nguyễn Kim Nhàn được trả tự do

Tù nhân lương tâm Nguyễn Kim Nhàn.
RFA7-10-2016
Tù nhân lương tâm Nguyễn Kim Nhàn. 
Photo courtesy of danlambao
 Tù nhân lương tâm Nguyễn Kim Nhàn vừa được tha tù sớm hai tháng sau khi đã gần mãn án tù  5 năm 6 tháng tại trại giam số 6, Thanh Chương, Nghệ An. Ông Nhàn trở về nhà ngày hôm nay 7/10 /2016 và chịu quản chế 5 năm ở nơi cư trú.
Bà Ngô Thị Lộc, vợ của ông Nguyễn Kim Nhàn xác nhận“Anh Nhàn về đến nhà vào lúc 12 giờ trưa nay. Xã làm thủ tục xong thì xe của Trại đưa về.”
Bản thân ông Nguyễn Kim Nhàn cho biết thông tin về việc giảm án hai tháng tù:
“Quan điểm của tôi trong đấu tranh với chính quyền và Nhà nước này là dựa trên pháp luật, lẽ phải và công bằng. Trong tù tôi cũng tiếp tục đấu tranh theo ‘ý chí’ đó. Sau này tôi không có gì ‘vi phạm’ nên họ buộc phải cho tôi loại khá. Đối với loại khá thì tù hình sự được giảm (án) 8,9 tháng đến 1 năm, nhưng tù chính trị như tôi chỉ được 2 tháng.”
Ông Nhàn còn cho biết, tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã khởi sự tuyệt thực lần thứ hai từ ba ngày nay, lý do là để phản đối Formosa và ủng hộ người dân miền Trung chịu thảm họa môi trường.
“Anh Thức ở buồng 1, tôi ở buồng 3. Vào giờ lấy cơm anh ấy nói với tôi ra ngoài cố gắng nói với ai có hỏi là anh Thức bắt đầu tuyệt thực từ ngày 5 tháng 10 để ủng hộ người dân Hà Tĩnh về vụ cá chết, để mọi người cùng lên tiếng.”
Được biết, đây là lần thọ án thứ nhì của ông Nguyễn Kim Nhàn, trước đây vào năm 2008 ông đã bị ngồi tù 2 năm, 2 năm quản chế trong cùng vụ án với nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng vì tranh đấu cho dân chủ nhân quyền và đã bị bắt cùng với một số nhà hoạt động lúc đó. Cả hai lần ông đều bị buộc tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Ông Nguyễn Kim Nhàn sinh năm 1949 là một cựu chiến binh gốc Nghệ An, trước khi bị bắt ông  cư trú ở Bắc Giang.

Việt Nam gia nhập khu vực tự do mậu dịch do Nga dẫn đầu

VOA
7-10-2016
Các quốc gia thuộc Liên minh Kinh tế Á Âu (EEU) bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan – sẽ được bán hàng sang Việt Nam trên căn bản ưu đãi, theo thỏa thuận tự do mậu dịch bao gồm hơn 90% tất cả các mặt hàng trao đổi giữa EEU và Việt Nam.
Thỏa thuận này sẽ giúp cho các nhà xuất khẩu EEU tiết kiệm được khoảng từ 40 đến 46 triệu đô la trong năm đầu tiên. Các công ty Việt Nam có thể kỳ vọng tiết kiệm được từ 5 triệu đến 10 triệu đô la một năm.
Với thỏa thuận này, Hà Nội hy vọng sẽ gia tăng đáng kể lượng hàng hóa bán ra nước ngoài. Trao đổi thương mại Việt-Nga dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, lên đến 10 tỉ đô la vào năm 2020.
Hàng xuất khẩu chính của Nga sang Việt Nam gồm có lò phản ứng hạt nhân, nhiên liệu khoáng sản, dầu mỏ và các phó sản, phân bón. Những sản phẩm Nga nhập của Việt Nam gồm có máy móc và sản phẩm dệt may.
Theo những điều khoản của thỏa thuận, các nhà sản xuất xe của Nga như GAZ, Kamaz và Sollers sẽ được phép thành lập những công ty liên doanh để sản xuất các loại xe, bao gồm cả xe buýt và xe tải. Tỉ lệ nội địa hoá sẽ đạt đến mức từ 40% đến 50% trong thập niên tới.
Việt Nam ký thỏa thuận mậu dịch tự do với EEU vào năm 2015, trở thành quốc gia đầu tiên không thuộc khu vực này gia nhập khối.
Hơn 40 quốc gia và các tổ chức quốc tế trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Israel và Iran đã tỏ ý muốn có một thỏa thuận tự do mậu dịch với khối này.

Gần 170.000 hộ dân Sài Gòn đang sử dụng nguồn nước

chứa chất gây ung thư

VOA
7-10-2016
Hệ thống lọc nước đặt trong nhà ở làng Chàng Sơn. (Ảnh minh họa) 
Hệ thống lọc nước đặt trong nhà ở làng chàng sơn. (ảnh minh họa)
Một kết quả giám sát mới vừa được công bố trên báo chí Việt Nam hôm 6/10 cho biết hiện có gần 170.000 hộ dân sinh sống tại Sài Gòn đang sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm, chứa chất Amoni có thể gây ung thư.
Theo số liệu được Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM ghi nhận trong 8 tháng đầu năm, mặc dù đa số người dân thành phố hiện đang sử dụng nguồn nước máy, nhưng vẫn có tới 168.635 hộ sử dụng nguồn nước tự khai thác như nước giếng, nước mưa. 
Những mẫu nước giếng được cơ quan y tế thành phố kiểm tra ở các điểm tại quận 12, quận Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Hóc Môn có hàm lượng Amoni vượt mức giới hạn cho phép (9.14%). Chất Amoni khi gặp không khí sẽ chuyển hóa thành Nitrat và Nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể sẽ tạo ra tình trạng thiếu oxy trong máu, kết hợp với các axit amin trong cơ thể tạo thành chất nitrosamine gây bệnh ung thư.
Hàm lượng sắt tổng số trong mẫu nước ở một số điểm tại quận 12, Hóc Môn cũng không đạt chỉ tiêu vi sinh. Độ pH trong hầu hết các mẫu nước đều thấp, gây ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa, dễ làm hư hỏng vật dụng, ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, tăng nguy cơ bệnh ngoài da…
Ngoài ra, kết quả giám sát còn cho biết nguồn nước ngầm ở nhiều khu vực trong thành phố bị nhiễm vi sinh E. Coli và Coliform từ nước thải ngấm vào. Sử dụng nguồn nước này sẽ dễ bị các bệnh về đường ruột, có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, suy thận…
Chị An, một bà mẹ trẻ đang sống tại Sài Gòn, tỏ ra không mấy ngạc nhiên về những kết quả vừa được công bố. “Sợ” và “không biết làm sao” là cảm giác hiện nay của chị và nhiều người dân khác trước thực trạng ô nhiễm tràn lan. 
Chị cho biết: “Quá sợ luôn! Vì bây giờ cái gì cũng độc hại, cái gì cũng gây ung thư, gây đủ thứ bệnh hết. Thực phẩm cũng nhiễm, cũng bị thuốc này kia, rồi rau thịt tất cả luôn, rồi nước, cá biển giờ cũng không dám ăn, rồi không khí nữa, nói chung cái gì cũng ô nhiễm hết rồi. Mình sống ở đây thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao bây giờ”.
0:01:19
0:00:00/0:01:19
 Đường dẫn trực tiếp 
Dù ô nhiễm xảy ra khắp nơi, nhưng người dân đa số vẫn chấp nhận “sống chung với lũ”. Ngoài chuyện kém ý thức, chị An cho rằng cuộc sống vất vả mưu sinh khiến nhiều người không có điều kiện để tìm hiểu hay biết đến những vấn đề môi trường đang xảy ra.
Chị nói: “Một số người, giống như khu An ở, người dân lao động nhiều lắm, người ta đi làm từ sáng tới tối, người ta đâu có lên mạng, đâu có đọc báo gì nhiều đâu nên người ta không biết những chuyện đó. Người ta cũng không biết cái ảnh hưởng của môi trường lên con người nghiêm trọng như thế nào nữa. Dân trí mình quá thấp đi!”
Theo báo Người Lao Động, nguyên nhân nhiều hộ dân vẫn không chịu dùng nguồn nước máy, được gọi là nước sạch, là vì giá nước máy cao và người dân chưa tin nước sạch thật sự sạch. Một số người cho biết nước máy nhiều lúc bị cặn đỏ, đục, váng và có mùi hôi nên nhiều hộ gia đình tuy có gắn đồng hồ nước nhưng lại không sử dụng.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn được Người Lao Động trích lời cho biết nguyên nhân nước đục ở các trạm cấp nước thuộc Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn là do nguồn nước ngầm đầu vào ở một số trạm cấp nước bị ô nhiễm mà không thể xử lý được. Giới chức này cho biết các trạm này đã được yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước và xử lý trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước. Tin cho hay đến năm 2025, các trạm này sẽ đóng cửa theo quy hoạch cấp nước.

0 nhận xét

Leave a comment

Được tạo bởi Blogger.