Tin khắp nơi – 7-10-2016
Chiến hạm Mỹ tập trận « diệt tàu ngầm và phòng không » tại Biển Đông
Chiến hạm Mỹ USS Bonhomme Richard (LHD-6) trên đường tới thăm cảng Hồng Kông, ngày 29/10/2012 REUTERS/Tyrone Siu
Tú Anh Đăng ngày 07-10-2016 Sửa đổi ngày 07-10-2016 13:36
\Trong hai ngày 03 và 04/10 vừa qua, một đơn vị hải quân tác chiến Mỹ, gồm ba chiến hạm tối tân, đã tập trận bằng đạn thật tại Biển Đông. Mục tiêu là để chuẩn bị đưa vào khu vực một hạm đội đa năng « phòng không, diệt hạm, săn tàu ngầm ».
Theo tin từ bộ tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, cuộc tập trận huy động khu trục hạm thuộc nhóm « xung kích viễn chinh ESG » USS Bonhomme Richard và hai chiến hạm trang bị tên lửa đẫn đường USS Spruance và USS Decatur thuộc « Lực lượng Hành động trên mặt biển SAG » của Hạm đội Thái Bình dương. Cuộc tập trận bằng đạn thật theo kịch bản chống chiến thuật tấn công từ dưới mặt biển và từ trên không của đối phương.
Theo giải thích của đô đốc Scott H.Smith, tư lệnh hạm đội 7, cuộc tập trận này « mở đường »cho kế hoạch bố trí một lực lượng hải chiến đa năng « diệt hạm, săn tàu ngầm và phòng không » đối phó với chiến thuật « ba mủi giáp công ».
Lực lượng đa năng sẽ được trang bị chiến đấu cơ F-35 lên thẳng có thể cất cánh, hạ cánh trên khu trục hạm. Bộ chỉ huy Lực lượng Thái Bình dương sẽ có trong tay vũ khí đa hiệu, uyển chuyển đương đầu với mọi tình huống.
Ngoài các chiến hạm, đơn vị « xung kích viễn chinh » còn có một số tàu đổ bộ « lội nước » và vận tải.
Năm quyết định khiến giải Nobel “xuống giá”
Thu HằngĐăng ngày 07-10-2016 Sửa đổi ngày 07-10-2016 17:52
41 năm sau ngày mất, nhà đấu tranh Ấn Độ Mahatma Gandhi được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1989 cùng với Đạt Lai Lạt Ma.DR
Giải thưởng Nobel, một khi đã công bố, sẽ không thu lại được. Do đó, Hội đồng giám khảo phải suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng lựa chọn của họ cho sáu giải thưởng, được lần lượt công bố trong hai tuần, từ 03 đến 13/10/2016.
Alfred Nobel, nhà sáng lập giải thưởng danh giá mang tên ông, muốn tôn vinh những người có khám phá “mang lợi ích lớn cho nhân loại”. Thế nhưng, hãng tin AP (01/10) đặt câu hỏi :Một khám phá mang tính đột phá ngày hôm nay, nhưng liệu có trụ được theo thời gian hay không? AP lật lại năm trường hợp giải Nobel đã bị trao “nhầm”.
Nobel Hóa Học cho một người Đức từng tổ chức tấn công bằng khí độc
Fritz Haber được trao giải Nobel Hóa Học vào năm 1918 vì khám phá cách tạo amoniac từ khí nitơ và hydro. Phương pháp của ông được ứng dụng vào sản xuất phân bón giúp thúc đẩy ngành nông nghiệp toàn cầu.
Tuy nhiên, Hội đồng giám khảo giải Nobel lại hoàn toàn không biết về vai trò của Haber trong cuộc chiến tranh hoá học trong Thế Chiến I. Ông nhiệt tình ủng hộ quân Đức và đích thân giám sát cuộc tấn công đầu tiên bằng khí clo có quy mô lớn tại Ypres, Bỉ, vào năm 1915, khiến hàng ngàn quân Đồng minh thiệt mạng.
Nobel Y Học trao cho một phát hiện “nhầm” về bệnh ung thư
Nhà khoa học người Đan Mạch Johannes Fibiger được trao giải Nobel Y Học năm 1926 vì phát hiện một loại giun tròn (roundworm) gây bệnh ung thư ở chuột. Nhưng vấn đề ở chỗ : giun tròn không phải là nguyên nhân gây ung thư.
Trong nghiên cứu của mình, ông khẳng định những con chuột bị nhiễm ấu trùng giun tròn khi ăn những con gián mắc loài ký sinh này và đây là nguyên nhân gây ung thư. Vào thời điểm ông được trao giải, ban giám khảo Nobel đánh giá lập luận trên hoàn toàn logic. Sau này, người ta phát hiện là những con chuột bị ung thư… do thiếu vitamin A.
Nobel Y Học trao cho người phát hiện ra công dụng DDT… sau này bị cấm
Giải Nobel Y Học 1948 được trao cho nhà khoa học người Thụy Sĩ Paul Mueller với một phát minh vừa có mặt tốt vừa có mặt xấu.
Mueller không phải là người phát minh ra hợp chất dichlorodiphenyltricloroethane (DDT) nhưng ông là người phát hiện ra rằng đó là một loại thuốc trừ sâu cực mạnh, có thể tiêu diệt rất nhiều ruồi, muỗi và bọ cánh cứng trong thời gian ngắn.
Hợp chất này có vẻ rất hiệu quả trong việc bảo vệ cây nông nghiệp và chống các bệnh lây truyền qua côn trùng như sốt phát ban và sốt rét. DDT giúp cứu sống hàng trăm nghìn người và giúp tiêu diệt sốt rét ở miền nam châu Âu.
Nhưng trong những năm 1960, các nhà nghiên cứu môi trường nhận thấy rằng DDT là chất độc đối với môi trường và động vật hoang dã. Hợp chất này bị cấm sử dụng trong hoạt động nông nghiệp tại Hoa Kỳ vào năm 1972, đến năm 2001 trên quy mô toàn cầu bởi một hiệp ước quốc tế, ngoại trừ tại một số nước để chống dịch sốt rét.
Nobel Y Học cho phẫu thuật mở thùy não
Nhà khoa học Bồ Đào Nha Egas Moniz được trao giải Nobel Y Học năm 1949 vì phát minh phẫu thuật mở thùy não (lobotomy) để chữa bệnh tâm thần. Phát minh được đánh giá cao vào thời điểm đó, nhưng hiện như không còn được đón nhận như vậy.
Phương pháp này trở nên rất nổi tiếng trong những năm 1940 và tại lễ trao thưởng còn được ca ngợi là “một trong những phát minh quan trọng nhất chưa từng có trong điều trị tâm thần”.
Tuy nhiên, phương pháp này lại gây những tác dụng phụ nghiêm trọng : một số bệnh nhân tử vong và một số khác bị tổn thương não nghiêm trọng. Ngay cả những ca được cho là thành công, bệnh nhân lại không có phản ứng và tê liệt cảm xúc.
Phương pháp này ít được sử dụng hẳn trong thập niên 1950 khi các loại thuốc điều trị bệnh tâm thần trở nên phổ biến. Hiện nay, phẫu thuật mở thùy não hiếm khi được áp dụng.
Nobel Hòa Bình… chưa bao giờ được trao cho Mahatma Gandhi
Lãnh đạo đấu tranh đòi độc lập của Ấn Độ, Mahatma Gandhi, người từng được coi là một trong những nhà vô địch dẫn dắt phong trào phản kháng phi bạo lực chống đế quốc Anh, từng ít nhất 5 lần được đề cử cho giải Nobel Hòa Bình, nhưng ông chưa bao giờ được trao.
Ủy ban giải Nobel Hòa Bình, hiếm khi thừa nhận một sai lầm, cuối cùng phải thừa nhận rằng không trao giải cho Ghandi là một thiếu sót. 41 năm sau ghi Gandhi qua đời, chủ tịch Ủy ban đã trao giải năm 1989 cho nhà đấu tranh Ấn Độ cùng với đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nga ‘dùng tin tặc phá bầu cử Mỹ’
Giới chức Mỹ chính thức tố cáo Nga tiến hành tấn công mạng vào các tổ chức chính trị nhằm “can thiệp bầu cử Mỹ”.
Các email bị lộ gần đây “trùng khớp phương pháp và động cơ của những nỗ lực do Nga đạo diễn”, theo Bộ An ninh Nội địa.
Đầu năm nay các cuộc thảo luận nội bộ của đảng Dân Chủ đã bị lộ.
Nhiều email nhạy cảm cũng bị lộ ra trong chiến dịch tranh cử 2016.
Thông cáo chung của Bộ An ninh Nội địa và Giám đốc Tình báo Quốc gia nói các quan chức cao cấp của Kremlin gần như chắc chắn dính líu.
Họ nói “chỉ có những quan chức cao nhất của Nga mới có thể cho phép các hoạt động này”.
Hồi tháng Bảy, một tin tặc tự gọi là Guccifer 2.0 tuyên bố nhận trách nhiệm cho vụ công bố tài liệu của đảng Dân Chủ.
Có lúc nhiều quan chức Mỹ đã nói vụ này là do Nga làm. Lúc đó, Moscow phủ nhận mọi liên quan.
Các email bị lộ dường như cho thấy giới chức đảng Dân Chủ không thích ông Bernie Sanders trong lúc ông còn đua tranh với bà Hillary Clinton.
Vụ việc khiến chủ tịch đảng Debbie Wasserman Schultz phải từ chức.- BBC
Trump xin lỗi ‘vì bình luận khiếm nhã’
Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã có phản ứng sau khi xuất hiện đoạn video năm 2005 cho thấy ông bình phẩm khiếm nhã về phụ nữ.
Trong video, do tờ Washington Post đăng tải, ông Trump nói với người dẫn truyền hình Billy Bush “anh có thể làm bất kỳ điều gì” với phụ nữ “khi anh là ngôi sao”.
Ông cũng khoe về ý muốn quan hệ tình dục với một phụ nữ đã kết hôn, và hôn những người khác.
Trong cuộc nói chuyện, ông Trump nói với Billy Bush rằng ông “tự nhiên bị thu hút vì phụ nữ đẹp” và thường muốn hôn họ.
Ông Trump ra thông cáo, nói đây là “cuộc nói chuyện riêng tự từ nhiều năm trước”.
“Bill Clinton đã nói những điều tệ hơn với tôi trên sân golf. Tôi xin lỗi nếu có ai bị xúc phạm.”.- BBC
Truyền thông Mỹ bắt đầu bỏ rơi Donald Trump ?
7-10-2016
Càng đến gần cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 08/11/2016, truyền thông Mỹ có vẻ không còn chịu nổi ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump. Trong bài phân tích công bố đầu tháng 10, hãng tin Pháp AFP đã ghi nhận việc báo giới Mỹ bắt đầu mổ xẻ kỹ càng các phát biểu của ông Trump, và sẵn sàng chỉ trích không nể nang, không còn giữ thế « trung lập » vốn có.
Hãng tin Pháp nêu một ví dụ điển hình là tờ báo có uy tín New York Times, thông thường rất chừng mực, nhưng vừa qua đã tố cáo thẳng thừng những lời ‘dối trá’ của Donald Trump. Ngày 24/09 tờ báo đã loan báo ủng hộ ứng viên Hillary Clinton, và hai ngày sau đã bài xã luận không nương tay với ông Donald Trump, một ứng viên « hẹp hòi, huênh hoang, hứa cuội ».
Sau hơn một năm vận động sôi nổi, những lời tố cáo của ông Donald Trump nhắm vào bà Hillary Clinton và ông Obama – như về gốc tích của ông Obama, đã khiến cho đài truyền hình CNN phải từ bỏ đường hướng trung lập và chỉ trích lời lẽ của ông Trump là « không đúng sự thật », trên băng đỏ chạy phía dưới màn hình.
Trong hàng tháng trời, Donald Trump đã được truyền thông Mỹ đưa tin rộng rãi, nhưng giờ thì xu hướng đã có khác đi. Theo Dan Kennedy, giáo sư báo chí tại đại học Northeastern, « Giới truyền thông đã nhận thấy cuộc vận động này không thể được theo dõi và đưa tin như một cuộc vận động tranh cử tổng thống bình thường ».
Lý do là vì Donald Trump « đã lập đi lập lại khá thường xuyên những thông tin thất thiệt, và nó đã trở thành những lời nói dối. Ông cố tình loan truyền những lời nói dối. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này nơi một ứng viên tổng thống. »’
Phần ông Trump thì luôn miệt thị giới truyền thông, tấn công cá nhân một số nhà báo, nhục mạ phóng viên đến các cuộc mít tinh của ông trước đám đông cử tọa ủng hộ la ó.
Nhà sử học chính trị Allan Lichtman, đại học American University, Washington, phân tích : « Dĩ nhiên không phải lần đầu tiên mà các ứng viên chỉ trích truyền thông báo chí, nhưng chưa ai chỉ trích thậm tệ như Donald Trump, và biến nó thành một phần cơ bản trong thông điệp của ông ».
Uy tín của Donald Trump trong giới truyền thông đã xuống đến một mức thấp đến nỗi mà khoảng một chục phương tiện truyền thông truyền thống bảo thủ, đã hoặc kêu gọi không bỏ phiếu cho ứng viên đảng Cộng Hòa « không có khả năng » phục vụ đất nước hoặc tuyên bố thẳng thừng ủng hộ bà Clinton.
Lần đầu tiên trong lịch sử của họ, hai tờ báo bảo thủ Dallas Morning News và Arizona Republic đã lên tiếng ủng hộ một ứng viên đảng Dân Chủ, bà Hillary Clinton. Còn tờ USA Today, trong suốt 34 năm tồn tại vẫn luôn tỏ ra không thiên vị, lần đầu tiên đã kêu gọi độc giả cưỡng lại tiếng hát quyến rũ của một nhà ngụy biện nguy hiểm và bác bỏ ông Donald Trump. Nhưng tờ báo không kêu gọi dồn phiếu cho Hillary Clinton vì theo AFP, không đạt được đồng thuận trong nội bộ.
Tờ Chicago Tribune, rất bảo thủ, cũng đánh giá ứng viên đảng Cộng Hoa không đủ khả nang lãnh đạo đất nước và đã quyết định ủng hộ ứng viên thứ 3 Gary Johnson.
Và theo thói quen của ông, Donald Trump đã phản ứng qua mạng Twitter sau bài xã luận của USA Today : « Người hủy bỏ việc đặt mua dài hạn báo Dallas và Arizona đã rất tinh khôn, bây giờ đến lượt USA Today sắp mất đọc giả ! »
Đối với chuyên gia chính trị Brendan Nyhan, đại học Dartmouth, ứng viên đảng Cộng Hòa đã đẩy các truyền thông đến giới hạn trong việc đưa tin một cách hoàn toàn trung lập : « Trump đã buộc các truyền thông thừa nhận giới hạn của việc đua tin theo kiểu ‘ông ấy/ bà ấy đã nói’, né tránh bằng mọi cách cho thấy thiên về phía nào. »
Trong bối cảnh như thế, Donald Trump đã dựa vào mạng Twitter được ông cho là công cụ lý tưởng để trao đổi trực tiếp với những cử trị của ông. Ông cũng dựa trên những website rất bao thủ. Những người ủng hộ ông đã đẩy được hashtag #TrumpWins (#Trump thắng) lên đầu những chủ đề được bàn thảo nhiều nhất trên Twitter sau cuộc tranh luận đầu tiên với bà Hillary Clinton, 26/09, cho dù bà Clinton được xem là thắng thế trong cuộc đọ sức này qua kết quả một số thăm dò dư luận.
Theo một số nhà quan sát phản ứng giới truyền thông như vậy là tốt, nhưng đã quá ít và quá trễ.Trong hơn một năm họ đã đưa tin nhưng không phán xét và đã giúp Donald Trump thắng dễ dàng trong cuộc bầu sơ bộ.
Ông Allan Lichtman nhận thấy là công thức giúp Donald Trump thành công đến nay chưa đủ để ông giành được thắng lợi cuối cùng mà ông phải vượt qua số ủng hộ cơ bản để thắng và điều này thì ông Trump không thể làm chỉ qua các phương tiện truyền thông thứ yếu.- RFI
Đối lập Campuchia tẩy chay họp quốc hội
Tin từ Phnom Penh cho hay các đại biểu đối lập tiếp tục tẩy chay, không tham dự các cuộc họp của Quốc Hội, lấy lý do vẫn bị đảng đương quyền của Thủ tướng Hun Sen đe dọa.
Ông Yim Sovann, một đại biểu đối lập thuộc Đảng Cứu Quốc, nói rằng các đồng viện cùng đảng với ông quyết định không tham dự các cuộc họp sau khi tính mạng của thành phần lãnh đạo đảng bị đe dọa, nhưng không cho biết những ai bị đe dọa, đồng thời từ chối trả lời câu hỏi ai là người lên tiếng đe dọa.
Đảng Nhân Dân đương quyền lên tiếng bác bỏ điều này.- RFA
Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha được đề cử làm Tổng thư ký LHQ
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chính thức loan báo quyết định đề cử Cựu Thủ Tướng Bồ Đào Nha là ông Antonio Guterres làm tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, thay thế cho ông Ban Ki-moon sẽ mãn nhiệm kỳ vào ngày 31 tháng Mười Hai tới đây.
Ông Guterres được đề cử sau cuộc bỏ phiếu kín của 15 nước thành viên Hội Đồng Bảo An. Tin từ giới ngoại giao Liên Hiệp Quốc cho biết ông được 13 phiếu ủng hộ và 2 phiếu không có ý kiến. Những nguồn tin này cũng nói 5 quốc gia có quyền phủ quyết là Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc đều ủng hộ người sẽ điều hành tổ chức quan trọng nhất thế giới, với 4 phiếu thuận và 1 phiếu không có ý kiến.
Theo thủ tục, Hội Đồng Bảo An sẽ đề cử người được chọn, và Đại Hội Đồng sẽ bỏ phiếu thông qua. Cuộc bỏ phiếu này chỉ mang tính cách hình thức.
Vài hàng về người sẽ điều hành Liên Hiệp Quốc: ông Antonio Guterres năm nay 67 tuổi, làm thủ tướng Bồ Đào Nha từ 1995 đến 2002, sau đó giữ vai trò Cao Ủy Trưởng Cao Ủy Tỵ Nạn từ 2005 đến 2015. Ông thông thạo tiếng Anh, Pháp và tiếng Tây Ban Nha.- RFA
Hơn 800 người Haiti thiệt mạng vì bão Matthew
Một bé gái đang đợi để được sơ tán ra khỏi nhà tại Tabarre, Haiti.
Bão Matthew trên đường quét qua Haiti đã làm hơn 800 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác mất nhà cửa trước khi đổ bộ vào Florida hôm 7/10 mang theo mưa to gió lớn, tiến lên phía bắc dọc bờ biển ven Đại Tây Dương của Hoa Kỳ.
Thông tấn xã Reuters dẫn số liệu từ giới chức Haiti cho hay số tử vong tại Haiti, quốc gia nghèo nhất châu Mỹ, lên đến ít nhất là 842 người tính tới 7/10, sau khi nhận được tin tức từ các khu vực xa xôi của Haiti gởi về. Trước đây bão làm cho những khu vực này mất liên lạc với trung ương.
Bão Matthew khiến cư dân tại các vùng bờ biển thuộc Florida, Georgia, South Carolina và North Carolina (Hoa Kỳ) phải di tản.
Bão Matthew trút mưa gió xuống khu vực St. Augustine, Florida, ngày 07 tháng 10 năm 2016.
Hôm nay (7/10), bão đổ bộ vào Florida với sức gió lên đến 195 kilômét một giờ.
Thống đốc Florida, Rick Scott, cảnh báo thành phố Jacksonville có thể bị ngập nặng và khoảng 600.000 nhà bị mất điện.
Cơ quan Dự báo Thời tiết Mỹ cho hay bão Matthew có thể là cơn bão mạnh nhất thổi vào vùng đông bắc Florida trong vòng 118 năm nay.
0 nhận xét