Tin Việt Nam – 05/10/2016
3,000 công nhân công ty MATRIX Nghệ An biểu tình sang ngày thứ ba
Vào sáng ngày 05 tháng 10 năm 2016, hơn 3000 công nhân công ty MATRIX Nghệ An tiếp tục biểu tình, đình công sang ngày thứ ba để đòi các quyền lợi.
Những người tham gia biểu tình đã cầm banner có khẩu hiệu: “Lãnh đạo công ty phải đứng ra trả lời cho công nhân”, “Toàn thể công nhân hãy đứng lên đòi quyền lợi cho mình và chúng ta phải đấu tranh”,… và đứng hai bên đường trước cổng công ty MATRIX Nghệ An ở Khu công nghiệp Bắc Vinh.
Cũng như tất cả những cuộc đình công khác ở Việt Nam, công đoàn không đứng ra tổ chức mà đứng bên ngoài những đòi hỏi chính đáng của công nhân!
Nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An đã huy động lực lượng an ninh mặc sắc phục và thường phục, cảnh sát cơ động, công an, cảnh sát giao thông và trật tự đô thị đến kêu gọi moi người giải tán, kiểm soát tình hình, ngăn cản công nhân đình công.
Một nguồn tin tại hiện trường cho phóng viên SBTN biết có một công nhân đang tham gia đình công bị công an mặc thường phục tấn công, hành hung gây thương tích gãy cánh tay. Những người có mặt tại hiện trường đã can ngăn, nhưng người công an mặc thường phục kia đã kịp thời trốn thoát. Tuy nhiên, lúc ông Nguyễn Xuân Đường, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp xúc với công nhân đã khẳng định không có sự việc công an mặc thường phục tấn công người biểu tình, và hứa sẽ điều tra sự việc.
Được biết, công nhân đã đình công sang ngày thứ 3, nhưng lãnh đạo công ty, ban đại diện công đoàn và nhà cầm quyền vẫn chưa có buổi tiếp xúc, trao đổi với công nhân. Hiện tại, nhiều công nhân cho biết là họ vẫn tiếp tục, cho đến khi nào lãnh đạo công ty đáp ứng những yêu cầu mà họ đang đấu tranh đòi quyền lợi.
Như SBTN đã đưa tin, hơn 3,000 công nhân công ty MATRIX Nghệ An đã biểu tình từ ngày 03/10/2016, để đòi các quyền lợi chính đáng: công nhân tăng ca phải được hỗ trợ thêm khẩu phần ăn giữa giờ, tiền thưởng tăng ca hợp lý, tăng lương… Được biết, tiền lương mỗi tháng mỗi công nhân nhận được khoảng 3,200,000 VNĐ/ tháng (nếu có ăn trưa của công ty), hoặc 3,500,000 VNĐ/tháng (nếu không ăn trưa của công ty), tức chỉ vào khoảng 150 USD
Công ty TNHH Matrix Vinh thuộc Tổng công ty Matrix (Trung Quốc), chuyên sản xuất các loại gấu bông, đồ chơi xuất khẩu. Công ty hiện có hơn 3,400 công nhân, chủ yếu là nữ. Trước đó, tại công ty này đã từng có nhiều cuộc đình công của công nhân diễn ra vào các năm 2009 và năm 2012.
Nghệ An, Hà Tĩnh hiện đang là điểm nóng của những người cùng khổ trong xã hội Việt Nam. Ngư dân đang tiếp tục đệ đơn kiện Formosa và chính quyền. Và nay là công nhân đình công đòi quyền lợi.
Nguyên Nguyễn/SBTN
Đường ống nước Sông Đà gặp bị vỡ lần thứ 20
Đường ống nước sạch sông Đà ở Hà Nội lại bị vỡ, và lần này là lần thứ 20.
Truyền thông trong nước đưa tin, lưu lượng nước của đường ống sông Đà sụt giảm từ tối ngày 2 tháng 10, và công ty cấp nước Viwaco đã phải ngừng cấp nước hoàn toàn từ ngày 3 tháng 10 cho khoảng 100,000 gia đình. Các khu vực dân cư xa đường ống về phía bắc và phía nam thành phố bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Viwaco cho biết các nhân viên kiểm tra đã tìm ra chỗ nước thất thoát tại đoạn đường ống đi qua huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đến tối ngày 4 tháng 10, đường ống đã được sửa chữa, và Viwaco cho biết đã cấp nước trở lại trong ngày 5 tháng 10.
Viwaco ra thông báo cho biết sẽ tiếp tục giảm cung cấp nước cho Khu công nghiệp Bắc Thăng Long và nhiều xã thuộc huyện Đông Anh cho đến ngày 6 tháng 10.
Cư dân Hà Nội đã quá quen thuộc với những vụ vỡ đường ống nước sạch sông Đà. Lần vỡ gần đây nhất là vào ngày 15 tháng 9, ảnh hưởng đến 70,000 gia đình. Hồi tháng 8 vừa qua, công ty Vinaconex hủy hợp đồng với nhà thầu Xinxing của Trung Cộng cung cấp ống gang dẻo cho dự án nước sạch Sông Đà 2.
Hồi tháng 2, cơ quan công tố đề nghị đưa hội đồng quản trị Vinaconex ra tòa liên quan đến hàng chục vụ vỡ ống nước. Tuy nhiên, đến tháng 7, Bộ Công An Cộng Sản Việt Nam xin miễn truy cứu hình sự đối với các quan chức này, với lý do họ có thân thế tốt và một vài trường hợp có sức khỏe kém.
Huy Lam / SBTN
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao tới mức đáng lo ngại
Trang web theo dõi chất lượng không khí có tên aqicn.org hôm 5/10 đưa ra số liệu từ một trạm đo lường đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho thấy không khí ở thủ đô Việt Nam được xếp vào nhóm “rất không tốt cho sức khỏe”.
Theo trạm đo lường chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, chỉ số chất không khí của Hà Nội là 285, tức là đạt mức độ ô nhiễm rất cao, đứng thứ hai trong số các thành phố ô nhiễm nhất vào thời điểm được đo.
Trạm cũng đưa ra các số liệu dự báo trong 2 ngày tới, không khí tại Hà Nội sẽ tiếp tục có mức ô nhiễm cao, có thể đạt mức cao nhất vào 10 giờ sáng thứ Sáu 7/10.
Chỉ số chất lượng không khí, gọi tắt là AQI, cho biết về chất lượng không khí hàng ngày hoặc hàng giờ. Chỉ số AQI cho biết không khí mà người ta hít thở còn sạch hay ô nhiễm, cũng như ảnh hưởng của không khí tới sức khỏe con người. Chỉ số càng cao có nghĩa mức độ ô nhiễm càng trầm trọng.
Những khí thải được đo trong chỉ số AQI gồm có ozone, bụi lơ lửng trong không khí, khí các-bon ô-xit (CO), đi-ô-xit lưu huỳnh (SO2) và các loại ô-xit nitơ.
Hồi đầu tháng 3/2016, trạm của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội đã ghi nhận chỉ số AQI rơi vào khoảng 388 là một con số cho thấy vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội đang ở mức độ nguy hiểm.
Số liệu của trạm cho thấy từ tháng 5 đến tháng 8, là những tháng có nhiều mưa, chất lượng không khí Hà Nội đạt mức tốt hoặc trung bình.
Cử tri thắc mắc
vụ ông Trịnh Xuân Thanh trước kỳ họp Quốc Hội
Các nhà lãnh đạo Việt Nam vừa khẳng định quyết tâm diệt tham nhũng và kiên quyết truy nã ông Trịnh Xuân Thanh, người được cho là đã bỏ trốn sang châu Âu.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang hôm 5/10 khẳng định “dù có lẩn trốn đi đâu nữa, những đối tượng tham nhũng (như ông Thanh) sớm muộn cũng bị truy tố pháp luật”.
Theo VietNamNet, ông Quang nói như vậy trong lần tiếp xúc cử tri ở TP.HCM trong khi trả lời chất vấn và thắc mắc của cử tri xung quanh việc phòng chống tham nhũng.
Cùng ngày, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng tuyên bố rằng “lãnh đạo Đảng và Nhà nước kiên quyết xử lý đúng người đúng tội, nghiêm minh, đúng pháp luật” khi tiếp xúc cử tri của thành phố trước kỳ họp quốc hội sẽ được tổ chức ở Hà Nội trong tháng này.
Ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam đang bị truy nã quốc tế do vi phạm điều 165 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam với tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhưng theo nhận xét của cụ bà chống tham nhũng nổi tiếng Lê Hiền Đức, việc tìm kiếm ông Thanh trên quy mô quốc tế có thể không có tác dụng và đang hướng dư luận đến việc khác.
“Tôi lại nghĩ rằng anh (Thanh) này chưa đi, vẫn ở trong nước, cá nhân tôi vẫn nghĩ như thế nhưng tôi không có nhiệm vụ phải điều tra nên tôi không phát biểu. Nhưng tất cả những chuyện này đưa ra, tôi nghĩ rằng, làm cho nó ồn ào và làm cho nhân dân quên đi cái quan trọng bây giờ nhân dân thắc mắc nhất là vấn đề Formosa”.
Một cử tri của TP.HCM được VietNamNet trích lời thắc mắc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang rằng tại sao ông Thanh có thể bỏ trốn trong khi nhiều cơ quan cùng giám sát điều tra vụ việc. Theo cử tri có tên Trần Đăng Thanh của quận 1, ông Thanh đã làm thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng, có thông tin con số thực tế là hơn 5.700 tỷ đồng.
Trước những thắc mắc của một số cử tri khác xoay quanh cách xử lý của chính phủ nếu không truy tìm được ông Thanh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết “Trung ương đang công khai tuyên bố kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng”.
Nhưng theo bà Đức, tham nhũng có từ chính những người lãnh đạo cao cấp.
“Tham nhũng ngày càng tràn lan. Ngay trong thanh tra chính phủ – là cơ quan có nhiệm vụ điều tra xác minh và kết luận – cần chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng”.
Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng vấp phải nhiều thắc mắc của cử tri về vấn đề chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt qua vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Ông Thăng được VietNamNet trích lời nói: “Riêng trường hợp Trịnh Xuân Thanh, đây là vụ án được Tổng bí thư trực tiếp chỉ đạo, làm hết sức quyết liệt”. Ông Thăng thông báo với các cử tri rằng trong kỳ họp tới ông sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng để luật thực sự đi vào cuộc sống.
VOA Việt Ngữ không thể liên lạc với ông Thăng để hỏi ông về tuyên bố này.
Kỳ họp thứ 2 của Quốc Hội khóa 14 sẽ diễn ra vào cuối tháng này với các hoạt động chất vấn và giám sát nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội.
Làm sao Chính phủ biết Trịnh Xuân Thanh ‘trốn ở châu Âu’?
Trùng hợp thời gian nổ ra vụ biểu tình “chiếm Formosa” của hàng chục ngàn giáo dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, và như để làm loãng sự kiện quá an nguy này, chính phủ Việt Nam bất ngờ tung ra thông tin “Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn sang châu Âu”, đồng thời khẳng định “không có sự bao che, dung túng cho Trịnh Xuân Thanh”.
Thậm chí trong cuộc họp báo chính phủ thường kỳ tháng 9/2016, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ còn lôi “quyết tâm chính trị cao của toàn đảng toàn dân” để vào cuộc mạnh mẽ bắt Trịnh Xuân Thanh (!?).
Những thông tin trên đang gây ra nghi ngờ rất lớn về tính căn cứ của nó. Đặc biệt, cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ tin tức nào cho thấy tổ chức Interpol quốc tế đã đăng tải thông tin về “truy nã Trịnh Xuân Thanh” như Bộ Công an Việt Nam yêu cầu.
Không những thế, sau khi xuất hiện tin đồn Trịnh Xuân Thanh đã trốn sang Đức, Đại sứ quán Đức đột nhiên tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 28/9/2016 tại Hà Nội và gián tiếp làm cho công luận hiểu là chính quyền Việt Nam đang thất bại ra sao: Phó Đại sứ Wolfang Manig cho biết Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế ông Trịnh Xuân Thanh thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết cho biết ông Thanh đang ở đâu. Mà khi chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì vấn đề về việc dẫn độ nhân vật này không được đặt ra.
Chắc hẳn câu trả lời của phía Đức đã khiến giới quan chức đảng, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, tràn trề thất vọng. Có thể hiểu câu trả lời đó có hai ý: thứ nhất, không khẳng định sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và do đó có thể hiểu ông Thanh đang có thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả… Việt Nam; thứ hai, không hứa hẹn bất cứ một động tác hỗ trợ tư pháp nào để giúp chính quyền Việt Nam tìm ra, hoặc nếu tìm được thì sẽ dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Câu trả lời của phía Đức như thể vụ Trịnh Xuân Thanh là… chuyện nội bộ triều đình Việt Nam.
Mà chuyện nội bộ triều đình Việt Nam thì lại vô cùng phức tạp. Trong khi Chính phủ khẳng định không có bao che, dung túng cho Trịnh Xuân Thanh tẩu thoát, thì rất nhiều cán bộ lão thành và quan chức lại đòi hỏi đảng phải phanh phui cho được những ai đã giúp cho Thanh bỏ trốn, đặc biệt chĩa mũi dùi vào khối “công an Việt Nam giỏi nhất thế giới”.
Cách đây không lâu, khi hùng hổ (hoặc miễn cưỡng) phát lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an CSVN còn cho rằng cho dù không có hiệp định dẫn độ, thì những quy định về tương trợ tư pháp quốc tế cũng có thể giúp Việt Nam nhận được Trịnh Xuân Thanh từ bàn tay Interpol, hoặc cảnh sát một quốc gia nào đó. Một quan chức công an còn tự tin khẳng định với báo chí là Interpol có “kênh riêng” để bắt Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng cho tới giờ, thực tế sống sượng là chẳng có bất kỳ tin tức nào về sự tồn tại của Trịnh Xuân Thanh trên thế giới, ngoài tin lan truyền trên mạng xã hội về Trịnh Xuân Thanh đang đánh bài ở… “quốc đảo Phú Quốc của Nguyễn Thanh Nghị”.
Lê Dung / SBTN
‘VN luân chuyển cán bộ rất khác thường’
Một nhà quan sát kinh tế – chính trị tại Việt Nam, kinh tế gia Lê Đăng Doanh, nói cần có cơ quan “kiểm soát quyền lực” và cần rà soát thực trạng “luân chuyển cán bộ”.
Trả lời phỏng vấn với BBC hôm 5/10, ông cũng nói cách chống tham nhũng như hiện nay có hiệu quả thấp và chưa đáp ứng được mong đợi của người dân.
BBC:Từ các diễn biến liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, ông đánh giá gì về cách bổ nhiệm, luân chuyển công tác tại Việt Nam?
Gần đây việc luân chuyển cán bộ tại Việt Nam có những diễn biến rất khác thường. Không ít cán bộ ở các tổng công ty, những người làm giám đốc của các công ty nhà nước được chuyển về làm công tác chính trị một cách rất là đột ngột và rất là khác thường so với trước đây.
So với trước đây là rất mới và thực trạng này dấy lên các câu hỏi cũng như là nhu cầu đánh giá và rút kinh nghiệm. Cần đánh giá và nghiên cứu một cách rất nghiêm túc vì có thể dẫn tới những các diễn biến có thể xem là con đường tiến thân chẳng hạn và sẽ không ít người sẽ chọn con đường này và họ nghĩ rằng đó là con đường dễ dàng. Do đó cần phải đánh giá xem xét xem phương pháp bổ nhiệm như vậy có đem lại kết quả hay không và kết quả đó là gì, tích cực, tiêu cực thế nào.
BBC:Nhưng việc luân chuyển cán bộ hoặc bổ nhiệm nhân sự mới luôn có tiếng nói của các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Việc bổ nhiệm cán bộ chắc chắn phải có ý kiến của người đứng đầu cơ quan Đảng chịu trách nhiệm về vấn đề đó. Còn việc luân chuyển cán bộ cần phải đánh giá và xem xét mà cần phải được hoàn thiện như thế nào thì chúng ta thấy cho tới nay qui trình này có tính chất hình thức và dưới quyền quyết định của người đứng đầu của các cơ quan Đảng. Qui trình lấy ý kiến cho tới nay rõ ràng chưa phản ánh được các ý kiến độc lập.
BBC:Trường hợp của ông Đinh La Thăng cũng từ vai trò quản lý kinh tế chuyển về làm công tác chính trị.
Trường hợp của ông Đinh La Thăng là trường hợp khá là đặc biệt và ông cũng là một nhân vật rất đặc biệt bởi vì ông ấy cũng có một quá trình tiến lên rất nhanh.
Từ ngành dầu khí về Bộ Giao thông Vận tải và rồi được Đại hội Đảng 12 bầu vào Bộ Chính trị và bây giờ về làm bí thư thành ủy Tp HCM thì tất cả quá trình này cần phải được đánh giá và xem xét một cách khách quan. Có lẽ bây giờ còn quá sớm để đánh giá và kết luận gì về trường hợp đặc biệt này. Tôi nhìn thấy rằng đang có những diễn biến đang tiếp diễn cho nên tôi chưa có đánh giá cụ thể về trường hợp này như thế nào.
BBC:Mới đây ông Đinh La Thăng khi tiếp xúc cử tri có đề cập từ nay tới cuối năm sẽ đưa ra xét xử 6 vụ án lớn. Ông có đánh giá gì về động thái này?
Đấy là quyết định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ông Đinh La Thăng chỉ nhắc lại lời ông Trọng khi ông họp tại Ủy ban Chỉ đạo Chống Tham nhũng thôi chứ đó không phải là quyết định của ông Đinh La Thăng. Rõ ràng đây là nỗ lực rất nghiêm túc được ông Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đối với các vụ án trọng điểm trong nỗ lực chống tham nhũng.
Điều này đáp ứng nhu cầu các cử tri đã chất vấn trực tiếp và phản ánh qua công luận nhiều lần rồi. Thế còn việc chống tham nhũng có dẫn đến kết quả như mong đợi hay không thì rõ ràng là với cách làm như thế này thì chưa đáp ứng được mong đợi của người dân và hiệu quả thấp. Các đánh giá của quốc tế và thăm do dư luận độc lập thì người dân vẫn còn rất bức xúc đối với tham nhũng. Đặc biệt là giới doanh nghiệp phản ánh rằng phải có các chi phí ngoài pháp luật để có thể kinh doanh được.
BBC:Gần đây có kiến về việc họ gọi là “nhất thể hóa” quản lý nhà nước với Đảng, ông đánh giá thế nào?
Việc nhất thể hóa thì Trung Quốc và Lào cũng đã có làm. Còn Việt Nam có làm hay không thì cho tới nay chưa có quyết định cuối cùng.
Tôi chỉ có thấy rằng điều quan trọng là trong công tác kiểm soát tham nhũng và quyền lực thì phải cần có cơ quan kiểm soát quyền lực có hiệu quả. Nếu quyền lực không được kiểm soát thì sẽ dẫn đến lạm dụng quyền lực và tham nhũng. Do đó tôi nghĩ việc nhất thể hóa hay không nhất thể hóa là một vấn đề cần cân nhắc. Tuy vậy việc quan trọng hơn rất nhiều là việc phải tổ chức giám sát quyền lực một cách có hiệu quả.
0 nhận xét